© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
28.1.2006
Nhã Thuyên
Họ đã sống, viết và dự báo
 
Họ làm thơ để truy nguyên bản thể, để sống và phơi bày cách mà họ sống, cách họ ứng xử với cuộc sống, với các hệ giá trị, với Thơ. Hỗn độn, quẫn bách, cuồng loạn và sẵn sàng thách thức. Họ không tuyên ngôn mà hiện hữu trong những cơn ác mộng hỗn độn hoặc chính những cơn ác mộng hỗn độn là hiện hữu của họ, nói như Trần Dần, đó là một chaos, nếu cuốn thốc theo họ, ta biết đó là một chaosharmonie.


Khương Hà

Những tình khúc và tự khúc tồn tại trong một hỗn âm cả Schubert lẫn Chế Linh. “Kẻ si tình vĩ đại” này có thể mê hoặc những người trẻ tuổi lãng mạn tin vào huyền thoại tình yêu “sống trong những giấc mơ đeo bám triền miên như một món nợ tiền kiếp”. Ðôi khi người đọc bật rùng mình trong trò chơi xáo trộn các quân bài cổ tích “Alice bị Lion King ăn thịt vết máu còn tươi”. Ðôi khi có những câu chạm vào ám ảnh tuổi hai mươi về những tình yêu không trọn “Muốn xếp lại hình chiếc li trong tay anh một buổi chiều đầu năm/ Muốn chạm lại nước mắt nào để biết ta đã từng là gì đó trong nhau/ để thấy mình biết khóc”. Ðôi khi ta phải giật mình: “Ta đã đi qua nhau lúc nào? Ở đâu?”. Tuy vậy vẫn là những tình khúc học trò, có khi nhảm nhí, và cơn mộng đẹp không đi ra ngoài lối Vi Thuỳ Linh thời trước. Những nhiễu loạn ý tưởng của Khương Hà giống như những ám ảnh mộng du bị cưỡng hiếp ở tuổi 20 hơn là những đau đớn, thức nhận thực sự.

Những tự khúc của một nốt tròn mang mặt nạ trốn tránh những ánh nhìn soi mói của cuộc đời cũng đồng thời là hành trình để phản tỉnh về lầm lỗi và (tự) trừng phạt. Lối tự họa qua những ám dụ bằng các nốt nhạc không hơn lối làm duyên kiểu Ðông Thi. Một cái Tôi mang ám ảnh về một kiếp đi hoang đánh mất bản thể, có khi thảng thốt vỡ ra, không thể kiêu hãnh như Phương Lan “ưỡn ngực triền xuân nhìn loài người với nỗi buồn mưng mủ” nhưng những sám hối của Khương Hà không thật chân thành. Cô vẫn lạnh lùng gài hoa trắng ai điếu thi thể tuổi thơ.

Khương Hà thuộc kiểu làm thơ chỉ chuyên chú vào cái Tôi, và sẽ chỉ là đáng nói nếu cái Tôi ấy thật sự đáng nói. Ở tuổi này, Khương Hà vẫn chỉ là cái cây có bộ rễ bạo liệt của dục vọng nhưng chỉ uể oải vươn ra những cành lá tầm thường và cho dù có “mệt mỏi ném mình vào con chữ” thì hiện tại con chữ vẫn “điềm nhiên giam tất cả vào một nghĩa KHÔNG GÌ”. Bởi Khương Hà vẫn đang sống và viết với một cái Tôi nhiều chắp vá, dễ dãi.


Nguyệt Phạm

Ðam mê của Nguyệt Phạm sẽ chỉ là một màu nhạt bên cạnh những bức tranh đậm, nhiều gạch xoá, nát nhàu của Phương Lan, Thanh Xuân, nhưng cũng vì thế mà đời thường và dễ chịu hơn. Tôi không thích cách Nguyệt Phạm collage những mảnh đối thoại, những đoạn quảng cáo, những mảng đời sống tẻ ngắt… dù nó phơi bày một thứ văn hoá thực dụng lan tràn, dù nó tố cáo sự trống rỗng của cuộc sống, dù nó là nỗi chán nản “sau sự nổi loạn nửa mùa của những đam mê” vẫn thường xảy tới với tất cả chúng ta. Thế giới sống của Nguyệt Phạm thiếu lực hấp dẫn đến mức cả những giọt nước cũng bất ngờ “trôi tuột khỏi mắt”, như dự cảm bất an về một địa cầu có thể trôi tuột khỏi quỹ đạo thái dương hệ, cho nên cả khi “hợp nhất” mãnh liệt, ái lực của Nguyệt Phạm cũng không mạnh và luôn bị chẽn mạch bởi những tiếng khóc nưng nức lan dài. Thơ Nguyệt Phạm là một hoà tấu day dứt vừa âm vọng nhạc điệu đồng dao với vòng dây trẻ thơ và một thiên đường đã mất vừa muốn xả mình trong nhạc mạnh đổ vỡ của phố xá chen chúc xô bồ. Tình yêu cũng sẽ không thể là giải thoát khi “vòng tay ôm vồ/ bầu không gian phù phiếm đâm nát những ngón tay hoa” khi con người luôn phải một mình nói một mình nghe trong quán lạ khi con người từ trên cao ốc đô thị nhìn nhau bằng những đôi mắt giấy nung rát phía sau.

Chùm “Những người đàn bà trong thành phố” đọc thích hơn cả, những hoảng loạn sâu thẳm của nội tâm vừa ém kĩ vừa bùng nổ trong những chân dung song chiếu, lồ lộ một thiên tính nữ với những giọt nước mắt và những tiếng chửi vẫn chảy và vọng qua muôn thuở kiếp người như số phận:

Người đàn bà vẫn yêu
khóc,
và chửi rủa từ thế kỉ này sang thế kỉ khác

Nguyệt Phạm giản dị, uể oải, như làm người ta chán. Nhưng có một thôi thúc sâu hơn trong chữ nghĩa và trong những ứng xử chật vật nhưng không khuất phục với ngôn từ và cuộc sống:

Hãy viết lên những chữ gọi nhau như từ tiền kiếp
Chúng ta đam mê như ngoài đam mê không là gì khác
Chữ lại bắt đầu cuộc vận hành
Bẻ lái nhọc nhằn
Trong sâu thẳm u tối.


Lynh Bacardi

Dữ dội như muốn buồn nôn vào tính lãng mạn. Cho nên cũng tự đa mang thân phận “chở thuê” lang thang tìm chỗ ngủ như một kẻ vong thân tha thân nhưng Lynh Bacardi không bi đát mà như luôn thừa bản lĩnh để sẵn sàng cười nhạo vào mọi bi kịch của con người. Một cái Tôi đậm sặc chất đô thị, ở sự quan sát thấu đáo kĩ lưỡng bằng đôi mắt lạnh sắc nhạo báng (nhưng hoàn toàn không phải con mắt dao). Lynh Bacardi đặc sở hữu một thứ thơ thông tấn tàn nhẫn, không thương tiếc thói đa cảm yếu đuối vốn có của nhân tính, khiến người đọc rùng rợn vì những cơn ác mộng hiện hữu vì cái ác và trạng thái phi nhân tính loạn động vật ngổn ngang ở thế giới ta hàng ngày hít thở như một điều bình thường hiển nhiên. Không điêu trá, không tưởng tượng mơ mộng, không chấp nhận nguỵ ngôn, xé toạc những băng keo người ta vẫn dán chặt mắt miệng các nhà thơ, không từ những cảnh nhẫn tâm, sặc sụa ô uế, Lynh Bacardi phất một màn đen tiên cảm sợ hãi như trong phim hành động “the killer comes to town”. Nếu mĩ học không loại trừ cái kinh dị, liệu nó có thể chấp nhận cái khủng khiếp, không phải trong những tưởng tượng lắp ghép quái đản mà trong một không gian thường nhật? Cái khủng khiếp thường nhật mà chúng ta thường cố tình lờ đi để đảm bảo một văn minh của con người. “Loạn động vật”, “Ăn mày”, “Bọc đựng hẹp và sâu”, “Mình xin lỗi L”, “Bẩm sinh” là những gì thuộc về thế giới ấy .

Có thể có kẻ sẽ bảo: vậy hãy đi làm báo, làm thợ săn ảnh, hoặc làm… cảnh sát! Thực tình là kẻ yếu bóng vía, tôi cũng muốn một cõi tâm bình yên để kính nhi viễn chi hoặc, sung sướng hơn, đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ trước thế giới ấy. Nhưng với những ngẫu hứng ngôn từ như những bản nhạc Jazz nhiều đổ vỡ bên trong, nhiều đau đớn bên trong, người đọc không khỏi bị nỗi sợ hãi kích động. Không phải cái rùng mình khi nhìn mình biến dạng trong nhà gương mà là nỗi sợ hãi, trực diện, cái thông thường trong một không gian không được lạ hoá, gián cách mà chỉ là một hợp chất đặc đến nỗi như dị thường. Nỗi sợ hãi cái sống. Nó không gây khoái cảm, không tạo khoảng cách để bình an. Ðây, những cảnh chất ngất trước mắt ta: chết chóc, tai nạn, làm tình, ăn mày, giật nảy, nóng như lửa, đổ vỡ…

Ở những bài như “Búp bê chột mắt”, “Lời cho bé yêu” ta gặp một Lynh Bacardi khác, với nỗi thèm khát con trẻ, với những cầu xin trong quẫn bách để lay tỉnh giấc mơ cuồng. Có phải đôi khi Lynh Bacardi cũng hoảng hốt chính mình?

Lynh Bacardi đã dám mở một không gian đáng sợ cho thơ. Ở đây sự hiện hữu của cô là một khẳng quyết: chẳng có gì mới trước ánh sáng mặt trời và chẳng có gì làm cho thơ ca sợ hãi, nhất là không sợ hãi cái ác. Ðó là một phong cách chiến binh.


Phương Lan

Một cái tôi bản năng đam mê đến căng nở cảm xúc, luôn luôn muốn đạt đến đỉnh hoa và vì thế luôn luôn bất định, cô đơn. Cô tìm cách bay vọt lên đỉnh núi để minh chứng cho hiện tồn, xua đuổi người tình rồi lại kiếm tìm quáng quàng một chốn nương thân nhưng biết “sự thật đâm thò lên sưng sỉa những mũi đinh xuyên nát lời yêu hoen rỉ”, rút cục chốn nương thân của con người thời đại này là:

Ðổi bất an này lấy một bất an khác
Chống chênh này lấy một chống chênh khác

Phương Lan luôn là kẻ không thể chừng mực, một kẻ yêu đến huỷ diệt chính mình và chấp nhận huỷ diệt để yêu. Tiuchev đã từng tuyên bố anh em song sinh của Tình Yêu là Sự Tự Sát. Phương Lan không triết lí, Phương Lan nghiệm sinh sự tự sát ấy. Trên đỉnh mùa, Sau lưng là đêm, Yêu nhau ngày chảy máu, Khe lạc xẻ dọc con đường chạy về phía chết… đều là những vần ngạt thở.

Phương Lan thách thức ngay cách đọc của bạn đọc bằng việc chia lìa những từ ngữ vốn tưởng “không gì chia cắt”, lối chia cắt có lẽ đã được học trong thơ Pháp hiện đại, kích thích thị giác-đọc, không phải để tạo những khoảng trống nhiều ý nghĩa mà là tạo ra những đập ngăn cảm xúc tuyến tính. Phương Lan không huỷ diệt trữ tình kiểu Lynh Bacardi mà tạo ra những đứt gãy trữ tình ở chính độ căng xúc cảm. Ðây chẳng hề là một trò chơi vô tăm tích mà là một cách chứng minh tính phi logic của tư duy, xúc cảm và phá vỡ sự ngự trị của thói quen từ ngữ cũ xì. Chẳng có gì khó hiểu nếu lười nhác đọc liền các con chữ đã bị cắt. Nhưng có thể đọc để cảm xúc bị va vào những đập chắn ấy, nhạc điệu bị chững, ta có thể tận hưởng cái thú của để cho cảm xúc không bị mê hoặc mà được thức tỉnh.

Ngôn ngữ thơ Phương Lan giàu sức mạnh biểu hiện, đầy hình tượng với một nồng độ đặc những ấn tượng sex, cuồng loạn, nồng nàn và toàn mãn. Không có một tình yêu kiểu Platon ở thời đại này nhưng hoàn toàn không phải một cuồng vọng dục tính, vật chất. Chính đó là khi cái đẹp khai hoa trong một bản lĩnh ngôn ngữ và nhạc tính độc đáo. Chẳng hạn những câu:

Ðỉnh núi căng Xuân
Cây đâm sướt vòm Trời.
…Thân cỏ hoang oằnbật bứ nhựa đồng thanh từng cơn tràorạp
Khói ấm ườn mình vươn lên
Cái nhớ quẩn chân như con suối nhỏ

hay những nghịch âm va đập tạo thành những trạng thái sống luôn căng nở.

Ðọc Phương Lan có cảm giác “mệt nhoài nhưng phấn khích hoang dại giữa sa mạc mênh mông” bởi một tín ngưỡng tình yêu lớn lao, mạnh mẽ, dù biết rằng đó chỉ là cách con người vẽ ra những thiêng đường để chết.


Thanh Xuân

Thanh Xuân là một cần ăngten cực nhạy với cuộc sống con người thời hiện đại, một kẻ muốn tiên tri và nói như những sấm truyền, hoàn toàn không mơ mộng về một giấc thanh xuân mà vẽ ra “ảo ảnh núi đá có thể rơi vào một ngày không định trước”. Thanh Xuân “con thoi chính những đam mê của mình“ đến nản nhoài, biết trước đó là một cách hành hình và sẽ đến lúc ngã gục vì kiệt sức vì lưu lạc trong một cộng đồng lưu vong. Bài nào của Thanh Xuân cũng như ngầm một cảnh báo của ngôn sứ, khác với lối cảnh báo trần trụi của Lynh Bacardi, cảnh báo rằng con người có thể giết nhau. Xin đừng!

Hù doạ làm chi hỡi người
Khi duới chân chỉ là bóng đêm

Bài nào của Thanh Xuân cũng thật đáng nói vì một nhận thức sống ở độ sâu đáng ngỡ ngàng. Có khi những mảng ghép đồng hiện nhiều thời gian, không gian, nhiều cảnh tượng, chẳng hạn như trong “Bên cửa sổ tôi nhìn thấy” làm ta nghĩ đến những mảnh ráp của “Vùng” của Apollinaire. Tuy vậy Thanh Xuân không thể còn cái nhìn điềm tĩnh và một đức tin tôn giáo, dù, hình như Thanh Xuân bị ám ảnh bởi tư duy và xúc cảm tôn giáo.

Thanh Xuân sẵn sàng “vác quá khứ ném vào bầy đàn gương mẫu và ì trệ”, không một lời cầu xin “tha thứ cho tôi không còn biết phép thơ xưa như chàng thi sĩ Apollinaire, sẵn sàng (và đau đớn, bạo liệt) “rời khỏi bầy đàn âm thầm như cơn bão”. Thanh Xuân dám đứng trên đỉnh dốc, dù biết dưới chân là đêm là vực sâu mà có thể tuột dốc trượt ngã theo đường thẳng đứng lúc nào chẳng hay.

Nhưng “ẩn khúc cầu toàn” là hèn nhát. Thanh Xuân rơi theo một phán quyết từ định mệnh phản kháng để vãn hồi sự sống, dù chỉ là “một tín đồ suốt đời mông muội trong những giáo điều hoang tưởng”. Thanh Xuân sẽ gặp được nhiều tiếng nói đồng điệu từ những người trẻ.

Cuối cùng thì cũng bắt đầu
Cuối cùng thì cũng bắt đầu
Ðó không phải chỉ là một lời sấm.

Người ta sẽ bảo thời đại này hình như đang khai sinh ra một thế hệ thơ điên và các thi sĩ điên. Không phải. Có những tiếng hú gọi từ vô thức nhưng không mê sảng. Họ không có cái hạnh phúc được say sưa trong điên loạn, nhả ra những búng huyết đau thương, hoan lạc và khoái cảm như Hàn Mạc Tử. Họ quẫn bách trong sự tỉnh táo, thậm chí lạnh lùng, trong những hỗn độn đổ vỡ, trong những cuồng vọng cần giải thoát. Họ là những nhà thơ phố phường. Họ ám ảnh bởi một bản thể bị đánh mất và không trọn vẹn. Họ tố cáo sự trống rỗng chán ngắt của tâm hồn. Phơi bày những cơn mộng ác thường nhật của không gian ta vẫn hàng ngày điềm nhiên hít thở.

Có thể tìm để hiểu cách mà họ viết, những thủ thuật cắt dán, đảo chữ, ám dụ, ghép ráp, những cách giễu nhại, cách khai thác tiềm thức, những bí lực, huyễn lực của tâm trạng, tìm hiểu về ngôn ngữ sex, ngôn ngữ đô thị… của thế hệ @ viết thơ trên máy, những thủ thuật họ học trong thơ thế giới đương đại hoặc khám phá bằng chính trải nghiệm ngôn ngữ của mình. Họ đã “túm lấy tu từ vặn nghoẹo cổ/viết như khạc nhổ mọi tu từ” theo cách nói của Trần Dần, viết như thể vuốt râu hùm xám.

Phải chăng họ không bận tâm đến “mĩ học và đạo đức học” như cách của các bậc đàn anh? Họ có lẽ tồn tại riêng của họ và bằng cách ấy họ HIỆN HỮU.

Có lẽ bây giờ họ cần một tiếng vọng, với những lời chân thực, rằng độc giả chờ đợi gì ở họ, vọng tưởng gì từ thơ ca họ, đòi hỏi gì ở họ. Tôi không thích cách các nhà phê bình nghiêm khắc muốn ngâm cho họ vài năm đến nản nhoài rồi đọc cũng chưa muộn, đồng thời cũng dị ứng với những sổ toẹt khuyên họ hãy im lặng.

Tôi nghĩ, thơ họ như những nốt sần ửng đỏ vì những cái Tôi ham/dám cọ xát và dị ứng với thời tiết xã hội. Và đó cũng là một cách dự báo thời tiết, vốn bất thường và nhiều kinh hãi chẳng ai ngờ.

2/1/06

© 2006 talawas