© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
6.2.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Tôi bày tỏ
Nhật ký trong những ngày bị quản chế 1996 –1998 (13 kì)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
“Có một cái gì phi lý vẫn cứ diễn ra trong đời sống này, trên đất nước này. Và đất nước trong tôi vẫn chỉ là một niềm đau nhức không nguôi.”


Phần 1: Tuần lễ căng thẳng đầu tiên và những ngày kế tiếp


Tuần lễ căng thẳng đầu tiên - Giai đoạn 1


Thứ hai 11/11/96

4 giờ chiều, tôi và Bạch Yến - vợ tôi, về đến nhà. Chúng tôi đi từ Sài Gòn về Ðà Lạt bằng xe đò mất 7 giờ, rất mệt nhọc. Chúng tôi đã đi Sài Gòn 3 hôm trước để Yến kiểm tra lại vết mổ cắt bỏ tử cung năm ngoái vì có dấu hiệu tiền ung thư. Do thời tiết thay đổi, chúng tôi đều bị cảm cúm, sổ mũi và mấy hôm ở Sài Gòn đi lại nhiều, ngủ ít, lại thêm hai chuyến xe đò lên về quãng đường 300 cây số nên càng mệt.

Vừa rẽ vào đầu hẻm, một em học trò nhà hàng xóm chạy theo gọi Yến: “Cô ơi cô, mấy hôm nay ông A đến tìm cô đó.” (A là công an khu vực phụ trách khu phố tôi ở.) Yến hỏi lại A đến tìm có việc gì nhưng em không biết, chỉ thấy A đến nhiều lần và hỏi thăm các nhà hàng xóm về tin tức của chúng tôi.

Chúng tôi mở cửa vào nhà, chưa kịp cất hành lý thì A và một công an khác còn trẻ từ đâu đến tiếp ngay. A giới thiệu công an trẻ mới ra trường về nhận công tác tại phường nên A đưa đi cho quen địa bàn. Vào nhà thăm hỏi mấy câu xong, A đưa cho tôi xem lệnh truy nã có ảnh của 7 tên tội phạm đang hoạt động trên địa bàn thành phố, nói là để nhân dân trong phường biết, đề cao cảnh giác. Sau đó A đưa ra một phong bì của Công an Thành phố Ðà Lạt gởi cho tôi yêu cầu tôi ký nhận. Tôi mở ra đọc ngay: CA TP/ÐL mời tôi lên làm việc lúc 8g ngày 12/11/96. Lý do: “Về một số bài viết mang tên ông”.

A đưa được giấy mời xong có vẻ nhẹ người, cùng với công an trẻ cáo từ ra về. (Hôm sau tôi được biết trong mấy ngày qua A rất lo lắng và đã tìm hỏi về tôi và Yến mỗi ngày ở các nhà hàng xóm cũng như ở trường của Yến. Một nguồn tin khác cho biết có người ở Sài Gòn cũng được lệnh tìm tôi trong mấy ngày đó.)

Chúng tôi vừa bàn bạc vừa dọn dẹp qua loa nhà cửa rồi đi nằm nghỉ vì đã quá mệt. Yến thiếp đi ngay nhưng tôi vẫn cố thức, vừa xem phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên vừa suy nghĩ. Ðây là bộ phim Mỹ nhiều tập chúng tôi rất thích, mỗi ngày Ðài Truyền hình Việt Nam phát một tập từ 18g - 18g45. Khác với các loại phim Mỹ thông thường, truyện của bộ phim này giản dị nhưng tinh tế, sâu sắc, tính giáo dục cao và bàng bạc chất nhân văn. Kịch bản viết chặt chẽ, các diễn viên người lớn cũng như trẻ em đóng rất đạt, nhiều đoạn cảm động làm ứa nước mắt. Hầu như tập nào cũng hấp dẫn, xem không chán dù đã được chiếu hơn 100 tập.

Xem phim xong, tôi đánh thức Yến dậy để ăn chút bánh mì ngọt mang từ Sài Gòn lên và uống ly sữa. Chúng tôi tiếp tục bàn về cách ứng phó trong buổi làm việc với CA ngày mai và khả năng sắp tới. Tôi cố chống mỏi mệt để kiểm tra lại máy vi tính và thu xếp các tài liệu cho vào một chiếc cặp trước khi đi ngủ.


Thứ ba 12/11/96

Buổi sáng dậy đã hơn 6 giờ, chỉ kịp làm vệ sinh cá nhân, uống ly sữa rồi chở Yến đến trường trước 7g. Yến có 4 tiết dạy sáng nay. Sau đó tôi đến nhà Mai Thái Lĩnh, một bạn thân tâm huyết ở đây để trao đổi trước khi đến làm việc với CA. Chiều hôm qua tôi cũng đã gọi điện báo cho Lĩnh và Bùi Minh Quốc biết qua sự việc. Nhà Lĩnh nằm trên một đường phố chính ở khu trung tâm, có cửa hiệu bán sách. Tôi chạy xe chầm chậm rẽ qua đường, đến trước hiệu sách. Hiệu sách còn đóng cửa và một cô gái giúp bán sách đến làm việc đang đứng đợi trước cửa. Tôi mải mhìn và chào cô gái khi xe băng ngang nửa đường thì một người đàn ông chạy xe Vespa rất nhanh từ phía sau phóng tới đâm vào xe tôi rồi chạy luôn. Tôi và xe ngã ngang xuống đường. Tôi không bị thương, chỉ đau nhẹ ở đầu gối. Tôi vội vàng nhặt sách, dựng xe lên, đạp nổ máy đi theo một đường khác vào cửa sau nhà Lĩnh, không quan tâm đến người đi đường đang đứng lại nhìn vì tôi đang vội.

Gặp Lĩnh lúc 7g30. Chúng tôi nói chuyện khoảng 15 phút, phán đoán tình hình chung quanh việc CA mời làm việc này. Lý do mời đã nói rõ người ta quan tâm đến chính bài viết, tức là tư tưởng của tôi chứ không phải những lý cớ khác. Có lẽ gần đây báo đài đăng bài và nói về tôi hơi nhiều, kể cả các đài VOA, BBC phát thanh về Việt Nam nên nhiều người biết. Sau chuyện Hà Sĩ Phu bị bắt và đưa ra tòa xử, tôi là người phản ứng mạnh và nhiều lần nhất, chưa kể những bài viết và trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài khác. Có việc hơi khác thường là CA TP/ÐL làm thay vì CA tỉnh Lâm Ðồng như các lần trước. Phải chăng đây là sự thay đổi chiến thuật, làm có tính cách thăm dò và thận trọng hơn, chặt chẽ hơn, từ thấp lên cao để tránh sơ hở. Bước đầu là tìm hiểu, răn đe rồi lúc nào sẽ bắt giam, truy tố.

8g kém 15, tôi rời nhà Lĩnh đi ra phố tìm chỗ photocopy tờ giấy mời để sử dụng sau này. Còn sớm nên 3, 4 chỗ vẫn chưa có người làm. Cuối cùng, một nơi có người mới đến làm việc. Anh ta đang quét dọn, chuẩn vị máy móc và bảo tôi đợi. Ðã hơn 8g, tôi sốt ruột nhưng đành phải cố chờ. Anh ta vừa chạy máy vừa nhìn tôi một cách soi mói. Làm được hai tờ đầu, anh ta xem qua tỏ vẻ như không vừa ý, lấy để xuống phía dưới và làm thêm 4 tờ khác theo yêu cầu của tôi. Tôi biết rõ trò này, Các nơi photo một số là cơ sở của CA, một số khác bị buộc phải theo dõi, giữ lại bản sao và báo cáo cho CA những trường hợp nghi ngờ. Việc sao giấy mời này không quan trọng nên tôi không quan tâm và vội trả tiền đi ra. Tôi đến cơ quan CA trễ 15 phút so với quy định trong giấy mời.

Giấy mời do B, lãnh đạo CA TP/ÐL ký, yêu cầu đến gặp một cán bộ tên C. Cơ quan lúc này đã tấp nập người, cả cán bộ CA và nhân dân đến giải quyết công việc. Trụ sở CA nằm ngay bên phải của nhà thờ Chánh Tòa, còn gọi là nhà thờ Con Gà, thánh đường xưa và đẹp nhất của thành phố. Tôi đưa giấy mời cho trực ban. Một cán bộ CA xem giấy mời xong mời tôi ngồi ở ghế đợi rồi đi vào trong. Lát sau, một cán bộ CA khác đi ra hỏi và hướng dẫn tôi đi qua một khu nhà khác, vào một căn phòng nhỏ bên trong. Anh ta mời tôi ngồi, rót nước và tự giới thiệu là C. C hơi thấp, khá mập mạp, có râu cằm lún phún. Vừa uống hớp nước, một cán bộ khác bước vào, đến bắt tay tôi. C giới thiệu đó là B, lãnh đạo CA TP/ÐL. B còn trẻ, khoảng gần 40, người nho nhã, mặt trắng trẻo và khá thông minh. Cả hai đều mặc thường phục và thắt cà vạt nghiêm chỉnh.

B lại mời tôi uống nước, hỏi xã giao vài câu rồi vào đề ngay: Thời gian gần đây, CA biết có một số bài viết và trả lời đài, báo nước ngoài mang tên tôi nên mời tôi đến để hỏi rõ xem những bài đó có phải đúng là của tôi không.

Tôi hỏi vặn lại:

“Nhưng anh phải cho tôi biết là những bài nào, nội dung cụ thể ra sao mới có thể xác nhận là của tôi hay không.”

Anh ta cũng không vừa:

“Chúng tôi là cơ quan an ninh, có nhiệm vụ hỏi anh chứ không phải anh hỏi chúng tôi. Những việc anh đã làm dĩ nhiên anh biết rõ nên anh cứ nói trước đi, tôi sẽ chứng minh cho anh sau là chúng tôi biết gì về anh.”

Tôi hiểu đó là thủ thuật của CA và cù cưa với anh ta cũng vô ích nên tôi quyết định nói thẳng:

“Với tư cách là một công dân quan tâm đến những vấn đề của đất nước, tôi đã viết nhiều bài bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình. Khi viết, tôi ghi rõ tên họ, bút hiệu, địa chỉ, số điện thoại một cách công khai, không có gì giấu giếm. Tôi cũng đã trả lời khi các đài, báo nước ngoài phỏng vấn. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về các bài viết và ý kiến của mình.”

Tôi đã đối đáp với B suốt buổi sáng. C ghi biên bản. Toàn bộ nội dung tóm tắt tôi đã xác nhận như sau:

Cuốn tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại tôi có cho anh Phạm Ngọc Lân, anh vợ của tôi, là Việt kiều ở Pháp về thăm nhà năm 1993, đọc và mang đi Pháp. Tôi cũng đồng ý nếu có nhà xuất bản nào ở nước ngoài muốn xuất bản tôi sẽ chấp nhận. Sau đó, NXB Thế Kỷ ở Mỹ đã xuất bản năm 1994.

Một số bài tiểu luận về chính trị và văn nghệ như “Thư ngỏ gởi những người Cộng sản Việt Nam”, một số bài chung quanh vụ Hà Sĩ Phu bị bắt và đưa ra xét xử... Những bài này tôi chỉ gởi cho một số bạn bè, người quen đọc. Việc các đài, báo nước ngoài sử dụng những bài này tôi không thể biết được hết vì thiếu thông tin.

Tôi có trả lời phỏng vấn một số đài, báo nước ngoài qua điện thoại như đài VNCR ở Mỹ, báo Thiện ChíTự Do ở Ðức, báo Tao Ðàn ở Tiệp Khắc. Riêng báo Diễn Ðàn ở Pháp, do ông Ðoàn Giao Thủy - cộng tác viên của báo, là Việt kiều về thăm nhà, gặp tôi trực tiếp phỏng vấn.

Cuối cùng, B đưa ra một số bản photocopy từ các báo bài viết của tôi, yêu cầu tôi xem và ký xác nhận vào từng bài đúng là nội dung do tôi viết, gồm có:

  1. Thư gởi ông Phan Ðình Diệu (đăng trên báo Diễn Ðàn)
  2. Trầm tư từ thung lũng
  3. Nói chuyện với Tiêu Dao Bảo Cự (do Ðoàn Giao Thủy thực hiện)
  4. Hòa giải hòa hợp và giao lưu văn học (đăng trên báo Thông Luận)
  5. Thư ngỏ gởi những người Cộng sản Việt Nam
  6. Hà Sĩ Phu, biểu tượng của trí tuệ và tự do tư tưởng
  7. Mẫu bìa, lời tựa, lời bạt và mục lục của cuốn tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại do Thế Kỷ xuất bản năm 1994.
Tôi đã đọc lại biên bản thẩm vấn và ký xác nhận vào các tài liệu trên. Trong biên bản, C ghi nhiều chỗ không chính xác tôi yêu cầu sửa lại và ký xác nhận vào các chỗ sửa. Riêng câu trả lời cuối cùng, không biết do không hiểu ý tôi lúc tôi nói chuyện với B hay cố tình viết theo ý mình, C viết đại ý: Tôi (tức Bảo Cự) chỉ gởi những bài viết của mình cho bạn bè và góp ý xây dựng Đảng chứ không dám gởi cho báo chí nước ngoài vì tôi biết những bài tôi viết báo chí và nhà xuất bản trong nước sẽ không đăng.

Câu này sai ý tôi và phần cuối vô nghĩa, tôi cũng không thể sửa văn của anh ta mà không bỏ đi toàn bộ, do đó tôi yêu cầu tôi tự viết lại bổ sung phía dưới như sau:

“Tôi cho rằng những tác phẩm, bài viết của tôi nhằm trình bày những suy nghĩ của mình về các vấn đề chung của đất nước, trao đổi với bạn bè và những người có quan tâm, phần nào có góp ý cho Đảng. Những tác phẩm, bài viết này có thể có ý kiến khác hoặc trái với quan điểm của Đảng và nhà nước nhưng đó là quyền tự do của người công dân đã được hiến pháp ghi nhận”.

Tôi biết công an luôn ép cung và ghi lời khai theo tinh thần “bị can đã thành thật khai báo và cúi đầu nhận tội” nhưng tôi không phải là người dễ bị khuất phục.

Buổi trưa tôi về nhà lúc gần 12g. Vợ tôi cũng mới ở trường về. Yến kể cho tôi nghe lúc gần trưa Mai Thái Lĩnh đến nhà không gặp Yến nên đến trường tìm. Yến đã giao chìa khóa cho Lĩnh, chỉ chỗ để chiếc cặp tài liệu của tôi để Lĩnh về lấy. Sau đó, Lĩnh lại đến trường trả chìa khóa và mang chiếc cặp đi gởi nơi khác. Chúng tôi tạm yên tâm về việc đó. Có chuyện này là do buổi sáng khi gặp Lĩnh, Lĩnh hỏi tôi trong nhà còn có tài liệu gì không, tôi nói còn một ít và định sẽ giấu đâu đó trong nhà. Lĩnh khuyên nên chuyển đi nơi khác vì để trong nhà không an toàn khi công an khám xét. Do đó, tôi nói gần trưa nhờ Lĩnh đến gặp Yến nói lại chuyện đó. Có lẽ do Lĩnh ngại sau khi thẩm vấn xong có thể công an dẫn tôi về để khám xét nhà luôn nên Lĩnh đã đến sớm và giúp vợ tôi làm chuyện đó.

Tôi thuật lại sơ lược nội dung làm việc với công an buổi sáng cho vợ tôi nghe. Chúng tôi chưa kịp ăn trưa, học sinh học thêm với vợ tôi ở nhà đã đến. Yến qua phòng học dạy học trò. Tôi nằm nghỉ một tí rồi ngồi ghi lại tóm tắt buổi làm việc với công an.

2g30 chiều, tôi lên CA TP/ÐL làm việc tiếp. Vẫn những câu hỏi về các bài viết. Còn những bài nào nữa, gởi cho ai, đăng báo nào, trả lời phỏng vấn đài nào, thời gian nào? B hỏi kỹ đối với từng người tôi gởi những bài nào. Tôi trả lời đã gởi bài cho bạn bè thân và những người quen biết.

Gần đây, chủ yếu tôi gởi những bài liên quan đến việc Hà Sĩ Phu, những bài cũ không nhớ rõ. B khá tinh nhạy, gặng hỏi có nhiều bài tôi không nói gởi cho ai tại sao vẫn lọt ra báo chí nước ngoài. Tôi nói tất cả các bài đều có gởi nhưng không thể nhớ rõ gởi cho ai được vì quá nhiều và thời gian quá lâu. Dĩ nhiên tôi còn gởi cho nhiều người khác nhưng không cần thiết phải nói hết và chỉ nói những người mà CA có biết cũng không làm gì được họ. Vả lại đây là quyền cá nhân, tôi có thể không cần trả lời.

Ðặc biệt B hỏi kỹ về Ðoàn Giao Thủy. Người đó làm gì, ở nước nào về, về ở đâu, gặp tôi mấy lần, thời gian bao lâu, nói chuyện gì...? Tôi nói tôi chỉ biết đại khái Ðoàn Giao Thủy là Việt kiều ở Pháp về, làm công tác nghiên cứu khoa học, thời sinh viên có tham gia hoạt động phản chiến, là cộng tác viên của báo Diễn Ðàn. Tôi chỉ gặp ÐGT nói chuyện một lần, ÐGT giao cho tôi mấy câu hỏi phỏng vấn ghi trên giấy. Tôi trả lời trên giấy và hôm sau ÐGT đến lấy rồi đi ngay. Tôi không biết ÐGT ở khách sạn nào và không nhớ chính xác ngày nào. B chất vấn tôi tại sao gặp người lạ lần đầu mà không tìm hiểu và đề phòng. Tôi nói tôi không phải là CA điều tra, người ta đã đọc tác phẩm của tôi, biết địa chỉ nên khi về nước đến thăm, người ta nói sao tôi biết vậy, tôi chẳng cần đề phòng và cũng chẳng sợ gì. Tôi trả lời phỏng vấn và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình, thế thôi.

Cuối buổi làm việc, B đưa thêm hai bản photo bài viết nữa yêu cầu tôi ký xác nhận: “Hà Sĩ Phu và cuộc hành trình gian nan của dân tộc”, “Những phát hiện mới từ một phiên tòa”. Tôi chú ý thấy hai bài này có điểm khác với các bài trước. Các bài trước đều photo từ báo nước ngoài nhưng hai bài này lại đánh máy vi tính, và về hình thức không giống với bài tôi đã đánh máy vi tính và in ra vì chữ to hơn, số trang nhiều hơn và không ghi số trang trên đầu như bản của tôi. Ðiều này làm nảy ra nghi vấn: Họ đã sử dụng một bản của tôi đánh máy nhưng sợ lộ nguồn gốc nên không photo mà đánh máy lại. Ở Ðà Lạt, tôi chỉ đưa cho một số người hạn chế và như thế có thể có người đã cung cấp cho CA. Nếu tôi dùng phương pháp loại suy, tôi có thể tìm ra được người đó là ai. CA làm việc rất có nghề nhưng óc phân tích của tôi có lẽ cũng không chịu kém. Tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ về vấn đề này.

Khoảng 5g30 chiều, lúc sắp sửa kết thúc biên bản thẩm vấn, bỗng B đi ra ngoài một lúc rồi vào đặt thêm vấn đề mới.

B nói: “Anh hãy nói cho tôi nghe về chiếc cặp”. Tôi giật mình biết có sự cố nhưng vẫn làm bộ thản nhiên hỏi lại: “Anh nói chiếc cặp gì tôi không hiểu”. B xoay quanh vấn đề này rất lâu:

“Bộ anh không dùng cặp hay sao? Lâu nay anh sử dụng cặp gì?”

“Từ 8 năm nay tôi không dùng cặp.”

“Có chắc không?”

“Chắc chứ. Lúc còn ở Bảo Lộc, làm công tác Mặt trận, tôi thường xuyên đi họp, báo cáo, giảng bài nên dùng cặp để đựng tài liệu. Còn từ khi lên Ðà Lạt làm ở Hội Văn nghệ tôi không dùng cặp nữa.”

“Thế chiếc cặp cũ của anh loại gì, hình thù và màu sắc ra sao?”

“Ðó là một chiếc cặp giả da cá sấu, hình chữ nhật, màu đen, có hai khóa phía mặt trước.”

“Vậy vợ anh có dùng cặp không? Cặp của vợ anh như thế nào?”

“Có. Vợ tôi có chiếc cặp kiểu phụ nữ, hình chữ nhật, màu tím hoa cà và có hoa văn trang trí.”

B nhìn tôi một lúc rồi gặng hỏi:

“Có thật sự anh không dùng cặp không?”

Tôi đáp một cách cứng cỏi, chắc nịch:

“Chắc chắn. Từ 8 năm nay tôi không dùng cặp.”

B bỏ đi ra ngoài, nói để cho tôi tiếp tục suy nghĩ.

Thực tế là tôi mới có một chiếc cặp. Một người bạn đã cho tôi hồi hè lúc tôi về Sài Gòn. Tôi để lại cho các con nhưng các con tôi không sử dụng vì không thích hợp. Mới rồi tôi về Sài Gòn thấy chiếc cặp để trong xó bụi bám nên đem lên khi nào cần sử dụng. Vừa lúc CA gởi gíấy mời đi làm việc, tôi bỏ một số tài liệu quan trọng vào đó định đưa đi cất nơi khác. Chắc chắn đó là chiếc cặp mà vợ tôi đã đưa cho Lĩnh mang đi, nhưng khi tôi nói với B là 8 năm nay tôi không dùng cặp nữa cũng là sự thật.

Một lúc sau, B lại vào hỏi:

“Anh đã suy nghĩ kỹ chưa?”

“Tôi chẳng có ý kiến gì khác.”

“Vậy tôi nói cho anh rõ hơn. Ðó là một chiếc cặp da màu đen, có quai xách, có khóa số, hình chữ nhật. Anh nghĩ thế nào?”

Anh ta nói quá chính xác về chiếc cặp mới đựng tài liệu của tôi, nhưng tôi nghĩ chưa chắc CA đã lấy được chiếc cặp, có thể họ mới chỉ nhìn thấy khi theo dõi nên tôi vẫn không thừa nhận gì.

B khá thông minh, anh ta đổi câu hỏi:

“Anh nói anh không dùng cặp, tôi tạm tin như thế. Nhưng trong nhà anh có chiếc cặp nào như vậy không?”

Tôi im lặng. B tiếp:

„Ðồ vật trong nhà anh, anh phải biết chứ. Trừ cây kim, sợi chỉ của vợ có khi anh không biết. Tôi cũng vậy. Nhưng một vật to như cái cặp kia lẽ nào anh không biết.“

Tôi thật khó trả lời anh ta mà không nói dối nên vẫn tiếp tục giữ im lặng.

B bỏ ra, lát sau lại vào. Anh ta vẫn tỏ ra kiên nhẫn nhưng đưa ra một đòn mới:

„Bây giờ tôi nói rõ cho anh biết. Mai Thái Lĩnh đã được mời lên làm việc và hiện đang ngồi ở phòng bên kia. Lĩnh đã thừa nhận tất cả. Vậy anh hãy nhận đi để khỏi gây khó khăn cho Lĩnh.“

B nói như thế, tôi hiểu CA đã biết về chiếc cặp nhưng chưa chắc đã lấy được. Tôi dự định chỉ thừa nhận khi trông thấy chiếc cặp trước mắt. Tôi vẫn nói cứng:

„Tôi không thừa nhận gì cả vì buổi sáng tôi ngồi làm việc với các anh ở đây suốt buổi. Chuyện gì xảy ra ở nhà tôi làm sao biết được.“

„Tôi đồng ý là anh không chứng kiến chuyện đó nhưng lẽ nào buổi trưa anh về vợ anh lại không nói cho anh biết một chuyện quan trọng như thế.“

„Buổi trưa tôi về trễ, vợ tôi cũng đi dạy về trễ, chưa kịp ăn uống, học sinh học thêm ở nhà đã đến nên chúng tôi chưa chuyện trò gì nhiều.“

B bắt bẻ:

„Anh nói vô lý. Buổi sáng trước khi lên đây làm việc, thì giờ ít nhưng tôi biết anh đã ghé qua anh Lĩnh. Anh đã bàn bạc với anh Lĩnh những gì và anh đã nhờ anh Lĩnh làm việc gì?“

„Chúng tôi là bạn bè thân nên chia sẻ với nhau mọi chuyện, nhất là trong trường hợp này chúng tôi lại càng cần gặp nhau. Chúng tôi chỉ trao đổi với nhau về mục đích việc CA mời và dự đoán khả năng sắp tới. Tôi chỉ gặp Lĩnh 15 phút và không nhờ Lĩnh làm việc gì cả.“

„Anh nói anh là bạn thân của Lĩnh vậy anh không nên gây khó khăn cho Lĩnh vì việc của anh. Nếu anh không nhận, Lĩnh phải chịu trách nhiệm về việc này.“

B đánh đòn tâm lý và ly gián này khá tốt. Dĩ nhiên tôi sẽ không gây khó khăn cho Lĩnh, khi cần tôi sẽ nhận hết về mình nhưng lúc này thì chưa vì tôi vẫn hi vọng CA chưa lấy được chiếc cặp.

B hỏi tiếp nhưng tôi vẫn nói quanh co. Lúc đó khoảng 19g30, B ra ngoài mang vào cho tôi và C hai ly cacao, hai chiếc bánh ngọt và thêm một chiếc bánh mì kẹp thịt cho tôi. Anh ta nói vì làm việc quá giờ đói bụng nên mời tôi dùng tạm. B đi ra ngoài nói để tôi ăn uống và suy nghĩ tiếp. C mời, tôi chỉ uống ly cacao và nói chuyện linh tinh với C vài câu. C mệt mỏi đến góc phòng ngồi kiếm tờ báo đọc. Tôi cởi giày co chân lên ngồi xếp bằng để thiền theo phương pháp yoga của Ananda Marga.

Tôi đọc thầm câu Mantra (một loại thần chú hay châm ngôn bằng tiếng Sanskrit) của bài thiền thứ hai có nghĩa là “Mọi vật đều là biểu hiện của Ðấng Tối cao”. Câu Mantra này giúp tôi sáng suốt và mở rộng lòng yêu thương. Sau đó tôi thiền bài thiền thứ nhất, rút tâm trí ra khỏi ngoại cảnh, khỏi cơ thể và cuối cùng tôi chỉ còn là một điểm ý thức nhỏ bé hòa nhập vào Ý Thức Vũ Trụ Vô Biên. Tôi không suy nghĩ về hiện tại hay lo nghĩ gì nữa mà chìm đắm trong một hiện hữu siêu thoát mênh mông.

Khoảng nửa tiếng sau, B vào đánh thức tôi dậy. Anh ta nói Lĩnh đã nhận tất cả và anh ta sắp cho tôi xem chiếc cặp nhưng anh ta muốn tạo cơ hội cho tôi thừa nhận trước. Tôi chẳng buồn trả lời. B lại đi ra.

Tôi đứng dậy làm vài động tác Asanas (một loại Yoga thể dục) để thư giãn chân tay vì tôi đã ngồi trên ghế làm việc hơn một ngày. C nhìn tôi không nói gì, lại tiếp tục đọc báo. Anh ta có vẻ chán nản nhưng tôi thì không. Tôi sẵn sàng chờ đợi và chờ đợi một cách thoải mái, không sốt ruột. Cái gì phải tới sẽ tới. Thế thôi.

Khoảng hơn 22g, B lại vào. Anh ta có vẻ đắc thắng nhưng chỉ lộ một ít ra mặt. B chìa cho tôi tờ giấy:

“Anh xem có phải đây là chữ viết của anh Lĩnh không?”

Tôi cầm tờ giấy có nét chữ quen thuộc của Lĩnh. “Bản tường trình theo yêu cầu của cán bộ công an”. Lĩnh kể rõ chi tiết đến nhà, đến trường gặp vợ tôi như thế nào rồi về nhà mở khóa, qua các phòng đến lấy chiếc cặp ra sao, tỉ mỉ đến từng động tác. Một chi tiết mới: Lĩnh gởi chiếc cặp ở nhà Huỳnh Nhật Hải (tức Tấn, nguyên là tỉnh uỷ viên dự khuyết đã tự ý ra khỏi Đảng khoảng 7 năm trước. Hải là bạn thân của Lĩnh.

B mỉm cười:

“Bây giờ anh nghĩ sao?”

Tôi cũng cười:

“Còn gì mà nghĩ nữa. Nhưng anh nên nhớ tôi không nói dối anh nhé. Lúc chiều tôi đã nói sự thật nhưng chỉ có một nửa. Quả thực tôi chưa bao giờ dùng chiếc cặp này vì nó hoàn hoàn mới.”

B nhăn mặt:

„Hồi chiều tôi cũng đã nghĩ là anh cố ý chơi chữ tôi nên thay vì hỏi “dùng” tôi đã hỏi lại anh là “có” nó hay không.“

Anh ta đưa ra một tờ giấy trắng:

„Bây giờ anh hãy viết bản tường trình về chiếc cặp đi.“

Tôi cầm lấy giấy và ngoáy bút viết ngay. Tôi xác nhận chiếc cặp là của tôi. Lĩnh không biết gì về chiếc cặp và trong cặp có những gì. Tôi cũng không nhờ Lĩnh lấy cặp. Có lẽ vợ tôi ngại để cặp trong nhà sẽ bị khám xét nên đã nhờ Lĩnh mang đi. Lĩnh không có trách nhiệm gì trong việc này.

Tôi ký tên và giao cho B. Anh ta vội vã mang đi, chắc để trình cho ai đó. Lát sau anh ta trở lại mời tôi đi theo sang một phòng lớn gần đó, trên cửa có bảng đề “Phòng họp”.

Phòng rộng, có chiếc bàn lớn ở giữa, trên để chiếc cặp, chung quanh ngồi đầy người. Vừa bước vào tôi đã thấy vợ tôi ngồi gần cửa. Yến mặt hốc hác, đội chiếc mũ len vàng nhạt, quay nhìn tôi cố gượng mỉm cười và gật đầu chào. Lĩnh ngồi phía hàng ghế bên kia. Có lẽ hơn 10 người chăm chú nhìn tôi bước vào.

B đưa tôi sang phía bên kia bàn ngồi vào ghế khoảng giữa. Có ai đó hỏi:

“Ðây có phải là chiếc cặp của anh không?”

“Phải.” Tôi đáp ngay

“Vậy anh tự tay mở nó ra.”

Tôi cầm lấy chiếc cặp, mọi người đổ dồn mắt vào. Một người cầm máy camera bên kia bắt đầu quay. Một người mặc sắc phục CA đeo cấp hiệu thiếu tá đứng gần tôi né người ra xa như sợ bom nổ. Tôi bóp hai chiếc nút và kéo hai quai nhưng chiếc cặp không mở.

Tôi nói:

“Ðây là khóa số. Tôi để nguyên mã số khi đóng lại nhưng có lẽ ai đó chạm vào đã làm nó thay đổi. Tôi nhớ mã số là 4-4. Ðể tôi xem lại.’’

Các con số trên khóa quá nhỏ và đèn không đủ sáng tôi không nhìn thấy. Tôi yêu cầu lấy kính trong chiếc xắc mang theo, đeo vào và điều chỉnh hai vòng số. 4-4. Tôi bóp hai nút nhỏ, chiếc cặp mở ra nhẹ nhàng.

Một người nào đó nói lớn:

“Yêu cầu anh lấy các thứ trong đó ra.’’

Cặp có 4 ngăn. Tôi lấy đồ ra. Có hai cuốn sách. Mấy tờ báo, mấy cuốn vở và khá nhiều bài viết, tài liệu của tôi đã in vi tính hoặc đánh máy chữ. Người cầm máy camera quay liên tục ở nhiều góc độ. Sau đó người ta yêu cầu tôi cầm từng thứ lên và đọc tựa đề từng cái một. Một người viết biên bản ghi vội vàng theo lời tôi đọc rồi sau đó chăm chú viết lại. Người ta cũng yêu cầu tôi ký xác nhận vào từng tờ, ghi rõ ngày tháng, tên họ khi xác nhận. Tôi làm việc này khá lâu nhưng người ghi biên bản còn mất thì giờ nhiều hơn, phải mất gần 2 giờ mới xong. Lúc kết thúc biên bản để mọi người có trách nhiệm và liên quan ký vào, anh ta đọc có tất cả 39 mục. Biên bản được photo ngay làm 4 bản, 1 bản giao cho tôi giữ.

Những gì tôi đã viết để trong chiếc cặp này gồm có:

- Cuốn tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại, bản in từ Mỹ gởi về còn mới toanh. Cuốn này ban sáng tôi nói với B là đã đánh mất.

- Các bài tiểu luận, trả lời phỏng vấn, truyện ngắn, bút ký đã đánh máy, in, đăng báo hoặc mới viết trong vở:
  1. Thư ngỏ gởi một người bạn nhà văn
  2. Hà Sĩ Phu và cuộc hành trình gian nan của dân tộc (báo Thiện Chí 9/96) 
  3. Những phát hiện mới từ một phiên tòa
  4. Thư gởi một người bạn Việt kiều
  5. Từ một hiện tượng, suy nghĩ về công tác xuất bản
  6. Gian nan và bền bỉ (Góp ý với Thử thách và hi vọng - Dự thảo cương lĩnh chính trị dân chủ đa nguyên của nhóm Thông Luận)
  7. Thư ngỏ gởi những người Cộng sản Việt Nam
  8. Hòa giải hòa hợp và giao lưu văn hóa
  9. Hành trình trăm năm (Truyện ngắn đăng trong tạp chí Thế Kỷ 21, 6/96)
  10. Tổ quốc và lòng yêu nước (đăng trong Thông Luận 7/96)
  11. Người nằm chết trên đồi (truyện ngắn đăng trong tại chí Hợp Lưu, Xuân Ất Hợi 1995)
  12. Ðọc thơ Ðông Trình, suy nghĩ về văn nghệ, chính trị và sám hối
  13. Ðà Lạt nhìn từ những ngọn gió (thư từ Việt Nam viết cho đài VNCR 4/96)
  14. Tình hình phân hóa ở xã hội Việt Nam hiện nay - 5/96
  15. Cảm xúc Sài Gòn mùa hạ - 6/96
  16. Câu chuyện về văn hóa tốc độ - 7/96
  17. Năm học mới và vấn đề giáo dục - 9/96
  18. Về những cơn bão lũ - 10/96;
  19. Tham nhũng và chống tham nhũng - 11/96
  20. Trả lời phỏng vấn đài Diễn Ðàn Dân Chủ 3/2/96
  21. Trả lời phỏng vấn Ðoàn Giao Thủy
  22. Dàn bài phác thảo tiểu thuyết Thung lũng trầm tư
  23. Dàn bài phác thảo tiểu thuyết Trên đỉnh thanh xuân
  24. Ðà Lạt trăm năm, tản mạn về cái đẹp và nỗi đau (bút ký)
Ngoài ra còn có:

Biên bản xác nhận và kiểm tra đồ vật, tài sản bị thu giữ này có 3 cán bộ CA chủ trì lập biên bản ký là đại diện Sở Công an tỉnh, Cơ quan An ninh Ðiều tra và Công an TP/ÐL, ngoài ra còn có đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP/ÐL, Mai Thái Lĩnh, Bạch Yến là người chứng kiến và tôi là người có đồ vật bị thu giữ.

Trong thời gian đợi lập xong biên bản, Yến ngồi đối diện với tôi phía bên kia bàn tỏ ra rất mệt mỏi rồi bỗng ôm bụng kêu đau bao tử. Tôi nói với B: “Nhà tôi bị đau, đề nghị anh tìm chỗ cho nhà tôi nằm nghỉ một lát”. B mở cửa hông đi ra phía sau tìm người đưa vợ tôi đi nghỉ. Yến cố đứng lên đi qua ngồi ở ghế trống cạnh chỗ tôi. Tôi cầm lấy tay vợ. Tội nghiệp Yến. Ngày hôm nay thật quá sức em. Sau mấy ngày đi Sài Gòn về chưa kịp nghỉ ngơi lấy lại sức, hôm nay phải dạy học suốt ngày rồi lại bị CA mời đi làm việc cho đến tận khuya không ăn uống gì. Mắt Yến trũng sâu, thâm quầng, má hóp lại nhưng em cầm chặt tay tôi và nhìn trìu mến vào mặt tôi như muốn an ủi. B vào với một nữ CA để đưa vợ tôi đi nằm nghỉ. Yến không muốn rời tôi nhưng tôi khuyên em nên đi nghỉ một lúc vì buổi làm việc chắc sẽ còn dài.

Trong khi chờ đợi, chỉ có người mặc sắc phục mang cấp hiệu thiếu tá và tôi là tươi tỉnh, những người khác đều uể oải ngáp dài. Nói chuyện với tôi, anh ta bảo nhờ thiền và luyện khí công nên khỏe mạnh. Anh ta hỏi tôi phương pháp thiền Yoga như thế nào. Tôi giải thích sơ qua, anh ta nói cũng không khác với phương pháp anh ta luyện tập bao nhiêu. Tôi nói với Lĩnh: “Lĩnh cảm phiền nghe. Quá nhiệt tình với bạn nên gặp rắc rối”. Lĩnh cười lắc đầu nói “Có gì đâu”. Những người khác đi ra đi vào cho đỡ sốt ruột. Yến đi nghỉ một lúc cũng đã trở lại ngồi cạnh tôi. Tôi khuyên Yến bán thiền cho đỡ mệt. Yến nghe lời ngồi nhắm mắt tĩnh tâm.

Sau khi mọi người ký biên bản, tưởng đã xong, không ngờ B và mấy cán bộ CA mời Lĩnh sang phòng khác làm việc tiếp, hơn nửa giờ sau mới trở lại. Không hiểu họ làm gì mà thấy Lĩnh có vẻ rất lo lắng.

Vẫn chưa hết. B nói với tôi và Yến: “Bây giờ mời anh chị cùng đi với chúng tôi về nhà để làm việc tiếp”. Yến ngạc nhiên: “Còn làm gì nữa?” B cười bí mật: “Về nhà anh chị sẽ biết. Xong rồi anh chị ở nhà nghỉ ngơi luôn.”

Mọi người kéo ra khỏi phòng. Người ta đã chuẩn bị 3 chiếc ô tô và 1 Honda. Lúc đó đã là 1g sáng ngày 13/11/96. Yến đòi đi chung Honda với tôi nhưng các cán bộ CA không chịu, bắt phải cùng đi ô tô với họ. Họ cũng không để tôi tự lái Honda mà cho một người khác lái, tôi ngồi sau. Hai ô tô đi trước, đến xe Honda của tôi, một Honda khác của CA đi kèm và một ô tô đi sau cùng.

Ðoàn xe nối đuôi chạy vòng khách sạn Palace rồi dọc theo hồ Xuân Hương để về hướng nhà tôi. Ðêm lạnh và mù sương. Tôi kéo mũ áo khoác trùm đầu. Mặt hồ vẫn lấp lánh phản chiếu ánh đèn của phố xá ở khu trung tâm, lặng lẽ và lạnh lẽo vô cùng trong đêm khuya khoắt. Một cảm giác lạ lùng dâng lên trong lòng tôi, hình như có chút thoáng buồn. Tôi thốt nhớ một đêm xa xưa cách đây 30 năm, thời sinh viên, lúc tôi được xe cảnh sát đưa từ trại tạm giam của Ty Cảnh sát Huế đến gặp viên tướng Tư lệnh vùng sau 6 tháng bị giam vì tội tranh đấu. Cũng vào một đêm khuya, trời mờ trăng, xe chạy ngang qua trường Ðại học Sư phạm nơi tôi theo học, ngang qua chiếc cầu trắng thân yêu, dọc theo dòng sông Hương trữ tình đã bao lần chứng kiến cuộc tình đầu thơ mộng của tôi. Hình như tôi cũng đã thoáng buồn nhưng lại dạt dào một hạnh phúc cô đơn khó tả. Ðêm nay tôi lại có cảm giác đó nơi một phút giây kỳ diệu của cuộc sống.

Ðoàn xe đậu lại trước hẻm nhà tôi. Mọi người lục tục xuống xe. Tôi và Yến đi vào trước để mở cổng. Mọi người vào theo. Ðứng trước cửa nhà tôi định mở khóa nhưng B ngăn lại. Anh ta nói tôi đưa chìa khóa cho Lĩnh để Lĩnh “diễn lại hiện trường” lúc vào nhà tôi cho camera quay. Tội nghiệp Lĩnh phải lâm vào hoàn cảnh này. Vào nhà Lĩnh còn phải tiếp tục vai diễn bất đắc dĩ mở cửa các phòng đến nơi lấy chiếc cặp. Song song với việc quay camera, cán bộ CA còn làm biên bản. Người ngồi đứng chật căn nhà bé nhỏ của tôi, một số đứng ngoài hàng hiên. Ngoài các cán bộ CA của tỉnh và thành phố, ở trước nhà tôi còn có 2 cán bộ CA phường và 2 cán bộ khu phố, tổ chờ sẵn cùng vào chứng kiến việc lập biên bản.

Cán bộ đại diện Cơ quan An ninh Ðiều tra nói với tôi: “Vì một số bài viết của anh in bằng máy vi tính nên chúng tôi có trách nhiệm kiểm tra luôn máy vi tính của anh.” Một cán bộ CA khác, chắc là chuyên viên về vi tính, bảo tôi bật điện khởi động máy và thao tác theo lệnh của anh ta. Anh ta xem hết các ổ đĩa, các thư mục, kêu một người khác chụp mấy tấm ảnh trên màn hình rồi tuyên bố máy tính của tôi có chứa nội dung liên quan đến các bài viết nên cần thu giữ để nghiên cứu. Anh ta cũng yêu cầu tôi đưa các đĩa mềm và đĩa CD ROM để trong hộc tủ ra để làm biên bản thu giữ. Yến phản đối vì đó là những đĩa CD ROM dạy Anh văn của Yến nhưng họ nói kiểm tra xong sẽ trả lại.

Viên thiếu tá đứng cạnh bàn lật một tập tài liệu để ngay trước mặt, thấy mấy bài tiểu luận chính trị, trong đó có bài của tôi nên cũng yêu cầu thu giữ. Vậy là phải niêm phong 3 thứ: CPU của máy vi tính, các đĩa mềm và đĩa CD ROM, tập tài liệu. Mỗi thứ khi niêm phong đều có chữ ký của tôi và của B. Lại còn phải làm biên bản cho mọi người ký.

Tôi nói: “Các anh làm việc cẩn thận quá.” Cán bộ An ninh Ðiều tra đáp ngay: “Không cẩn thận anh kiện thì sao. Vụ xử Hà Sĩ Phu rõ ràng như vậy mà anh còn viết không ra gì.” Tôi nói: “Vụ xử Hà Sĩ Phu là vô lý chứ đâu có rõ ràng. Nhưng tôi hơi đâu kiện các anh. Tôi chỉ có ý kiến thôi.” Viên thiếu tá chen vào: “Ý kiến bằng cách viết bài gởi cho đài, báo nước ngoài chứ gì.” Qua những câu nói đó và cách làm việc, tôi thấy lần này CA làm việc rất cẩn thận, cố không để sơ hở. Chắc họ sợ dư luận và có phần nào ngán các bài viết của tôi.

Cuối cùng khi mọi người ký xong biên bản kết thúc công việc, đồng hồ nhà tôi chỉ đúng 3g sáng. B yêu cầu tôi sẽ lên trụ sở CA TP/ÐL làm việc tiếp lúc 9g. Các cán bộ CA đều bắt tay tôi trước khi ra về, có phần vui vẻ là khác. Kể cũng hay cái cảnh tượng này.

Tôi và Yến thở phào đóng vội các cửa nhảy lên giường nằm. Lúc này Yến đã hơi hồi phục đôi chút. Yến sôi nổi kể cho tôi nghe chuyện làm việc với CA từ chiều. Mới nói vài câu bỗng Yến nhỏ giọng: “Không chừng họ đặt máy nghe lén trong nhà đó”. Tôi trấn an: “CA ở đây chắc chưa hiện đại đến mức đó đâu”. Tuy nhiên chúng tôi vẫn nhỏ giọng nói chuyện.

Yến kể chiều hôm trước khi tôi đang ở trên CA TP và Yến vừa dạy học xong thì có hai cán bộ CA đến hỏi. Họ bắt Yến phải thuật việc Lĩnh đến gặp và lấy cặp tài liệu như thế nào. Yến chối băng là không biết gì cả. Cật vấn mãi không được họ đành bỏ đi. Khoảng một giờ sau, lúc Yến đang dọn dẹp nhà cửa, CA khu vực A đến đưa giấy mời Yến lên CA phường làm việc và chở Yến đi bằng Hon đa của anh ta. Ðến trụ sở CA phường, hai cán bộ CA đã đến nhà gặp Yến chờ sẵn ở đó. Họ tự giới thiệu là cán bộ CA tỉnh. Qua những gì họ nói, Yến biết việc Lĩnh làm đã bị lộ nhưng nhất định không chịu khai gì cả. Yến đòi gặp tôi rồi mới chịu nói. Họ thúc ép mãi, Yến vừa mệt vừa tức gục xuống bàn khóc, không chịu ký biên bản và cũng không viết bản tường trình theo họ yêu cầu.

Ðến tối, họ đành phải hứa đưa Yến lên CA TP gặp tôi. Họ gọi xe ô tô đến, có một nữ CA kèm đưa Yến lên xe. Ðến nơi, Yến thoáng thấy tôi đi qua nhưng họ không cho gặp mà đưa vào một phòng để làm việc. Khi đi qua phòng họp lớn, Yến nhìn vào thấy Lĩnh đang ở trong đó với chiếc cặp để trên bàn. Ở đây làm việc với Yến là một cán bộ Công an Ðiều tra mặt đen ngồi thẩm vấn, nhưng B và viên thiếu tá mặc sắc phục đi ra đi vào chỉ đạo. Họ cũng cật vấn Yến đủ chuyện, hỏi tôi có nhờ Lĩnh không, Yến nhờ Lĩnh hay Lĩnh tự ý đến lấy chiếc cặp. Tại sao Lĩnh có chìa khóa vào nhà? Do tôi dưa phải không? Họ cũng có thể truy tố Lĩnh về tội vào nhà tôi lấy trộm đồ, sẽ làm sứt mẻ tình cảm giữa chúng tôi và gia đình của Lĩnh. Rồi họ cũng dùng đòn tâm lý để tác động, nói Lĩnh đã nhận hết rồi không nên giấu giếm nữa. Sau đó họ đưa cho Yến xem tờ tường trình của Lĩnh. Yến thấy Lĩnh viết trong bản tường trình là Yến đã nhờ Lĩnh đem chiếc cặp đi cất. Vì không muốn gây rắc rối cho Lĩnh nên Yến quyết định nói rõ mọi việc với cán bộ CA và ký vào biên bản. Sau đó họ đưa Yến vào phòng họp có Lĩnh và nhiều người đang ngồi.

Tôi nói đùa: “Thế mới là chia sẻ và phải nếm mùi cho biết. Từ nay tha hồ có chuyện CA để kể.” Chúng tôi thiếp ngủ lúc gần 4g sáng.


Thứ tư 13/11/96

Chúng tôi đang ngủ mê mệt thì có tiếng chuông điện thoại. Yến choàng dậy cầm lấy máy. Tôi bật đèn xem đồng hồ. Mới 6g sáng. Chúng tôi vừa chợp mắt được 2 tiếng. Bùi Minh Quốc gọi điện hỏi thăm tình hình vì chiều hôm trước khi mới nhận được giấy mời của CA tôi đã điện báo cho Quốc biết ngay. Tôi thuật lại tóm tắt chuyện ngày hôm qua và Quốc hứa sẽ giữ liên lạc thường xuyên.

Chúng tôi định ngủ tiếp nhưng không ngủ được dù cảm thấy rất mệt. Chúng tôi nằm trên giường nói chuyện. Khoảng 7g lại có điện thoại. Ðinh Quang Anh Thái ở đài VNCR từ Mỹ gọi. Thái nói đã nghe tin về việc của tôi. Tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao Thái biết tin nhanh như vậy. (Buổi chiều gặp Quốc nói chuyện tôi mới biết hôm qua tình cờ một anh bạn ở Mỹ gọi về cho Quốc, Quốc nhân tiện báo tin luôn và chắc người đó đã báo lại cho Thái.)

Thái hỏi thăm sức khỏe và tinh thần của tôi. Tôi nói tôi hơi mệt và đang bị cảm cúm nhưng tinh thần vẫn vững vàng. Tôi thuật lại tóm tắt tình hình CA làm việc hôm qua cho Thái. Thái hỏi tôi có đồng ý thông tin rộng rãi chuyện này cho thính giả đài VNCR và bạn bè, các cơ quan thông tin hải ngoại không. Tôi đồng ý. Thái hỏi tôi có nhắn nhủ gì. Tôi nói tôi mong rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ ở khắp mọi nơi vẫn tiếp tục nhưng khôn ngoan và hiệu quả hơn, bằng những phương tiện hòa bình. Thái hứa sẽ gọi về cho tôi thường xuyên và chúc tôi vững vàng.

9g tôi lên CA TP làm việc tiếp. B và C, hai cán bộ CA thẩm vấn tôi hôm qua nói hôm nay sẽ kiểm tra máy vi tính của tôi nhưng trước hết yêu cầu tôi trả lời hai vấn đề bằng cách viết tường trình:

  1. Tại sao tôi biết nhiều báo chí nước ngoài đăng bài của tôi mà tôi không nói rõ?
  2. Tại sao tôi không thừa nhận chuyện chiếc cặp ngay từ đầu?
B nói thêm là anh ta thừa nhận tôi rất thẳng thắn và công khai nhưng tại sao trong hai chuyện này tôi lại không nói thật. B đưa giấy bút và tôi viết luôn:

  1. Tôi biết có nhiều báo chí nước ngoài đăng bài của tôi nhưng tôi không thể biết hết vì thiếu thông tin. Một số báo có gởi bản photo bài đăng cho tôi nhưng không phải báo nào cũng làm vậy. Trong nhất thời tôi không thể nhớ hết.

  2. Về tài liệu để trong nhà tôi có khả năng tiêu hủy vì tôi có một buổi chiều và một đêm trước khi lên CA kể từ lúc nhận giấy mời. Tài liệu này phần lớn là bài viết của tôi nên tôi tiếc. Vả lại tôi không cho đây là tài liệu gì ghê gớm và chủ quan nghĩ là CA không khám nhà ngay. Việc Lĩnh đến lấy chiếc cặp hoàn toàn bất ngờ đối với tôi, tôi cũng chưa tin CA đã thu được và quyết định chỉ thừa nhận khi chính mắt trông thấy nó.
Ngoài các lý do trên, một nguyên nhân quan trọng khác là do tôi còn băn khoăn và mâu thuẫn. Một mặt, tôi muốn công khai hóa mọi chuyện, để các tài liệu trong nhà vì xem đó là quyền của người công dân. Mặt khác, tôi biết quan niệm và cách hành xử pháp luật của Nhà nước trong thực tế sẽ bất lợi cho tôi.

Tôi viết nhanh, ký vào bản tường trình đưa cho C. Sau đó B vào mời tôi qua phòng vi tính để làm việc. Sau thủ tục mở tang vật bị thu giữ, tôi được mời ngồi điều khiển máy vi tính theo lệnh của một chuyên viên CA. Làm việc liên tục đến 13g30 không tìm thấy gì. Các cán bộ CA đành làm biên bản trả lại CPU và các đĩa cho tôi. Biên bản viết xong, trước khi ký, có điện thoại từ trên chỉ đạo xuống yêu cầu tạm giữ lại các đĩa CD ROM để ngày mai kiểm tra kỹ hơn.

Tôi nhận lại CPU và các đĩa mềm mang về nhà. Trên đường về ngang qua hồ Xuân Hương, tôi gặp Bùi Minh Quốc đang chở Yến đi ngược chiều. Yến nói Quốc đến thăm tôi và Yến nhờ Quốc chở lên tìm tôi ở trụ sở CA vì thấy quá trễ tôi vẫn chưa về. Chúng tôi quay về nhà nói chuyện.

Quốc và tôi thống nhất nhận định tình hình. Sau vụ Hà Sĩ Phu, Nhà nước vẫn không dập tắt được tiếng nói đối lập. Tôi là người đã phản ứng nhiều và mạnh mẽ nhất nên Nhà nước phải tính đến một biện pháp. Lần này họ sẽ đánh thẳng vào vấn đề tự do tư tưởng chứ không quanh co chuyện hình sự như Hà Sĩ Phu nữa. Ðiều này bộc lộ chỗ yếu của họ, buộc họ phải công khai vi phạm nhân quyền. Cũng có thể họ dựa vào các luật lệ nào đó để buộc tội tôi như tàng trữ tài liệu bất hợp pháp, phản động; tuyên truyền chống đối chế độ XHCN, cao nhất là âm mưu kích động lật đổ... Nhưng tất cả cũng không che giấu được việc đàn áp dân chủ, vi phạm nhân quyền.

Quốc về. Tôi đưa Quốc ra cổng. Tình cờ gặp một người quen cùng khu phố. Anh ta nói hôm qua điện thoại của anh ta bị cúp nên lên bưu điện hỏi. Một người quen ở bưu điện đã nói cho biết là có công văn chính thức của CA yêu cầu cắt điện thoại toàn bộ khu vực tôi ở vì lý do an ninh. Vì thế Yến đã mấy lần gọi lên CA hỏi về tôi và gọi đi nơi khác đều không được.

Buổi tối mệt mỏi, chúng tôi mở video xem phim cho bớt căng thẳng. Bộ phim Những con chim nép mình chờ chết chúng tôi mướn cả tuần nay chưa kịp xem. Ðây là một bộ phim tuyệt vời chúng tôi đã xem một lần mấy năm trước nhưng muốn xem lại. Nhân vật Ðức Cha Ralph giải thích cho bé Meggi: Những con chim cất lên tiếng hót tuyệt vời nhất là lúc nó đâm bổ xuống đầu gai nhọn, máu từ tim tứa ra và nó cất lên tiếng hát. Con người muốn có hạnh phúc cũng phải có những giây phút quyết định mình cần phải làm gì.

Cuộc tình Ðức Cha Ralph với Meggi thật lạ lùng, bi tráng, vượt qua mọi khuôn khổ của đời thường, của tôn giáo, âm vang mãi trong lòng tôi.


Thứ năm 14/11/96

Yến đi dạy. 8g tôi lên CA làm việc tiếp. B xin lỗi muốn làm phiền tôi về nhà cho mượn lại CPU vì CPU của cơ quan bận làm việc khác, vả lại chưa cài các đĩa CD ROM của tôi nên khó kiểm tra, phải làm mất nhiều thời gian. Tôi nghĩ đó là lý do nhưng cũng có thể họ muốn kiểm tra CPU của tôi một lần nữa dù họ đã lỡ trả. Tôi biết chắc CPU của tôi không có gì nên tôi đồng ý. Tuy nhiên tôi yêu cầu để buổi chiều làm việc vì sợ buổi sáng làm không xong, giữa chừng phải niêm phong phiền phức. B đồng ý, hẹn 13g30 tôi mang máy lên.

Tôi về nhà tranh thủ thời gian ghi nhật ký. Bùi Minh Quốc gọi điện báo tin mới: D, lãnh đạo Cục A25 Bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng của Bộ Nội vụ mới đến Ðà Lạt gọi điện mời Quốc 14g lên Sở CA gặp. Quốc trả lời không thích không khí ở Sở CA nên đề nghị gặp ở nhà. D nói cần phải gặp ở Sở vì có việc liên quan đến Quốc. Quốc đồng ý.

Quốc cũng báo là tối hôm qua có Lê Phan ở Luân Ðôn gọi điện về cho tôi hỏi thăm, nhưng điện thoại tôi có tín hiệu “bị cắt vì không trả tiền điện thoại”. Lê Phan đã gọi cho Quốc nhờ nhắn lại.

Buổi chiều tôi mang CPU lên CA, làm việc từ 14g-17g. CA mời một chuyên viên vi tính dân sự ở ngoài đến kiểm tra. Vẫn không có gì. Lại làm biên bản trả đồ vật bị thu giữ.

Buổi tối, Thanh Biên vợ Hà Sĩ Phu ở Hà Nội gọi điện về. Biên hỏi thăm tình hình của tôi vì đã nghe Quốc báo. Tôi nói đùa có thể tôi sẽ thay phiên cho Hà Sĩ Phu. Biên cho biết đang chuẩn bị đưa HSP ra tù và yêu cầu CA giúp đưa xe từ trại giam Thanh Xuân ra thẳng sân bay để về luôn Ðà Lạt vì đường từ Thanh Xuân ra Hà Nội rất xấu, có đoạn lại vắng vẻ, sợ không an toàn. Tôi nói nếu CA không đồng ý thì nên nhờ bạn bè giúp, dùng loại xe nào tốt nhất để đưa HSP về an toàn. Có thể không cần nhờ CA mà tự mình lo lấy cũng được.

Tôi gọi điện cho Lĩnh. Chi Minh, vợ Lĩnh nhận điện nói Lĩnh đi vắng. Tôi trấn an Minh. Minh nói tại chị Yến cả, rồi xin lỗi đang bận cúp máy. Hôm qua Quốc có đến tìm Lĩnh nhưng Minh nói là Lĩnh đi vắng và yêu cầu Quốc đừng gọi điện. Thế là Lĩnh bị khống chế rồi. Trong vụ cái cặp của tôi, Lĩnh quá nhiệt tình và thiếu cảnh giác nên sơ suất. Vợ tôi cũng không suy nghĩ chín chắn. Yến tự trách mình đã góp phần gây ra sự việc có hại cho tôi, làm cho vụ của tôi thêm nặng nề và tự dưng lại giao nộp toàn bộ tài liệu cho CA. Tôi an ủi Yến và khuyên không nên tự dằn vặt. Mọi việc đều có nguyên nhân của nó. Cái gì phải đến sẽ đến. Có chuyện chiếc cặp tôi lại càng phải dứt khoát, quyết định công khai hóa mọi chuyện khi đối đầu với Nhà nước phi dân chủ này.

Tôi thông cảm với Lĩnh khi mấy ngày rồi Lĩnh không điện hỏi thăm tôi. Lĩnh đã bị du vào một tình thế khó xử và chắc đã bị CA khống chế bằng cách nào đó cũng như gây sức ép đối với vợ Lĩnh. Có thể Lĩnh đang rất khổ tâm. Chỉ có điều đáng tiếc là trong hoàn cảnh khó khăn như thế này, Lĩnh lại bị vô hiệu hóa. Trong số những bạn bè tâm huyết gần gũi, chỉ còn trông cậy ở Quốc.

Tôi gọi điện tiếp cho Huỳnh Nhật Hải (tức Tấn), người được Lĩnh gởi chiếc cặp. Tấn có vẻ giật mình. Tôi nói đùa tôi vẫn bình yên vì CA đang bận “ngâm cứu” tài liệu của tôi. Tôi hỏi việc thu chiếc cặp ở nhà Tấn như thế nào. Tấn nói đích thân Ð, lãnh đạo Sở CA Tỉnh đến làm việc yêu cầu Tấn giao chiếc cặp, có làm biên bản. Tấn nói vắn tắt rồi hẹn lúc khác gặp, xong cúp máy.

Vợ tôi gọi điện báo tin cho các con ở Sài Gòn và nói chúng yên tâm. Chúng tôi không muốn báo sớm sợ tụi nó lo.


Thứ sáu 15/11/96

Chiều hôm qua, sau ngày làm việc, B bảo tôi tạm nghỉ mấy hôm để CA nghiên cứu hồ sơ của tôi rồi sẽ báo làm việc tiếp.

Sáng nay Quốc hẹn đến tôi để thuật chuyện gặp D, lãnh đạo Cục A25 Bộ Nội vụ. Quốc kể: Mới đầu D thăm hỏi chuyện gia đình, sáng tác có vẻ thân mật rồi đổi giọng trách Quốc sao lại thông tin chuyện của tôi ra ngoài khi CA đang tiến hành điều tra. D nói tôi vi phạm pháp luật, viết bài đả kích chế độ một cách thậm tệ và phê phán CA nặng nề, lại còn viết cả chương trình chính trị. D cho Quốc thiếu thông tin về tôi, không biết hết các bài tôi viết và các mối quan hệ của tôi. D chủ ý ly gián và gián tiếp răn đe Quốc không được can thiệp vào chuyện của tôi.

Quốc nói thẳng tôi là một cựu kháng chiến, cựu Đảng viên, là bạn chiến đấu nhiều năm của Quốc và Quốc rất hiểu rõ về tôi. Quốc bác bỏ những luận điểm của D. Quốc khẳng định tôi chỉ là người tự do tư tưởng và đấu tranh cho dân chủ. Việc D gặp Quốc đã không có kết quả như D mong muốn.

Quốc và tôi trao đổi về khả năng sắp tới cũng như những việc cần làm trong hai trường hợp tôi bị bắt hay chưa bị bắt.

Ðang nói chuyện với Quốc thì Phạm Ngọc Lân, anh của vợ tôi ở Mỹ gọi về. Chúng tôi cùng nghe điện thoại qua speakerphone. Lân nói hay tin trễ vì mới nghe Trần Thanh Hiệp báo lại. Trần Thanh Hiệp sẽ chuẩn bị một thông cáo về việc của tôi. Cuối tuần này, báo Người Việt ở Nam Cali làm lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, có mời đông đảo đại diện báo chí, các hội đoàn nhiều nước về dự. Trong dịp này, người ta sẽ thông báo rộng rãi việc của tôi.

Lân cũng nói chuyện vài câu thăm hỏi với Quốc. Quốc không dè dặt gì trong việc này. Quốc tỏ ra cứng cỏi và dấn thân nhiều hơn tôi nghĩ vì có dạo Quốc có vẻ hơi thận trọng. Trong nguy nan mới biết đá vàng.

Nói chuyện về con cái, Quốc tỏ ý đau xót về việc con gái Hương Ly không hiểu anh. Hương Ly là con của Quốc với người vợ đầu, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, đã hi sinh trong chiến đấu. Trong chiến tranh anh không được gần, chăm sóc, chia sẻ với con. Bây giờ con lớn, trong một thời gian bị tác động xấu, đâm ra trách móc, oán anh. Thật đáng buồn. Trong một đất nước gọi là “Ðộc lập-Tự do-Hạnh phúc” này, bi kịch vẫn còn tiếp diễn đối với những người đã xả thân vì tổ quốc.

Buổi sáng Yến đi dạy nhận được một thư của Hoàng Tiến. Hoàng Tiến là nhà văn ở Hà Nội đã phản ứng sớm nhất về vụ Hà Sĩ Phu. Lần này Hoàng Tiến viết một bài dài về việc HSP bị bắt và dẫn chứng nhiều việc khác tố cáo Nhà nước vi phạm dân chủ và tuyên bố sẵn sàng chịu ngồi tù khi nói lên tiếng nói của mình. Ðiều này thể hiện một bước tiến trong phản ứng của trí thức Bắc Hà. Nghe Thanh Biên, vợ HSP kể Ma Văn Kháng và một vài nhà văn khác trước né tránh, nay cũng đã rủ nhau vô trại giam thăm HSP. Ðó là chuyện đáng mừng.

3g chiều, Nguyễn Gia Kiểng từ Pháp gọi điện về. Kiểng nói một số ý quan trọng chung quanh việc của tôi và tình hình chung:

5g chiều, một cô từ Úc gọi điện tự giới thiệu là Ngọc Hân, trưởng ban Việt ngữ đài Úc ở Sidney và là thông tín viên của đài VOA. Ngọc Hân nghe tin nên muốn phỏng vấn tôi về chuyện tôi bị CA thẩm vấn. Tôi đồng ý trả lời. Ngọc Hân hứa sẽ cho phát thanh ngay bài phỏng vấn trên đài Úc và gởi phát trên đài VOA vào đầu tuần tới.

5g30 chiều, Quốc điện nói có một việc thú vị, mời vợ chồng tôi lại chơi rồi ăn cơm tối bên đó luôn. Chúng tôi hơi ngần ngại vì trời sắp tối nhưng cuối cùng nhận lời đi. Chúng tôi vừa ra đường có cảm giác có đuôi bám theo. Sau nhiều lần thử, chạy nhanh, chậm, ngừng lại, chúng tôi khẳng định chắc chắn. Ðó là hai gã chở nhau bằng Honda, gã lái xe mặc áo khoác xanh đậm, có sọc trắng trên cánh tay. Khi chúng tôi đến cổng nhà Quốc thì hai gã theo dõi ngừng ở đầu đường.

Hóa ra việc thú vị Quốc nói là bài viết của Hoàng Tiến, Quốc cũng vừa mới nhận được. Cùng nhận định như tôi, Quốc cho rằng đây là một bước tiến mới của sĩ phu Bắc hà nên đã đi sao nhiều bản để phổ biến.

Chúng tôi ăn cơm vội vàng với vợ chồng Quốc rồi ra về. Vì đèn xe tôi hỏng, tôi phải mượn Quốc chiếc đèn pin. Kỳ lạ khi xe nổ máy đèn lại sáng. Ra đường, cái đuôi bám theo nhưng tôi đã cắt được khi chạy tới bùng binh trước chợ, theo một đường khác về nhà.

Buổi tối, con tôi ở Sài Gòn gọi điện. Hai con chúng tôi, Tiêu Dao và Trường Sơn, từ khi biết tin đã thay nhau gọi lên hỏi thăm bố mẹ. Tối nay Tiêu Dao gọi. Dao có ý nhắc nhở tôi khía cạnh pháp luật. Tôi nói cho con hiểu rằng hiện nay có những luật lệ đi ngược lại hiến pháp và ngay cả hiến pháp cũng có những điều đi ngược lại nhân quyền. Tôi chỉ chấp hành những luật lệ nào tôn trọng con người, còn những luật lệ nào chà đạp con người tôi phải đấu tranh xóa bỏ. Luật lệ không phải là cái gì thiêng liêng, toàn hảo mà do con người, chế độ đặt ra thôi.


Thứ bảy 16/11 và Chủ nhật 17/11/96

Trong hai ngày này, lợi dụng thời gian “hưu chiến” với CA, tôi tập trung viết nhật ký ghi lại những sự việc mới xảy ra nóng hổi mấy ngày qua.

Yến phát hiện điện thoại chúng tôi có sự cố. Khi thì gọi đi đường dài không được, khi nơi khác gọi về không được, có lúc gọi đi ngay trong thành phố cũng không được. Suốt ngày thứ bảy tất cả các nơi khác gọi về không được mà chúng tôi không biết. Ðến lúc gọi cho Quốc, Quốc mới nói cho biết và báo đêm thứ bảy Nguyễn Gia Kiểng ở Pháp gọi về cho tôi không được nên gọi cho Quốc để hỏi. Ngay lúc đó Quốc gọi cho tôi cũng không được.

Vậy là diễn ra “cuộc chiến” giữa Yến với tổng đài điện thoại suốt ngày chủ nhật. Ðến chiều, một nhân viên trực điện thoại mới đổi ca thú nhận có cơ quan nào đó đã ngăn điện thoại đường dài của tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu với bưu điện để hoặc là họ phải để điện thoại chúng tôi bình thường, hoặc nếu họ cắt theo lệnh của CA, phải xác nhận điều đó và trả lời chúng tôi bằng văn bản, buộc họ công khai vi phạm nhân quyền. Ðiện thoại là cách liên lạc duy nhất của chúng tôi hiện nay. Mấy ngày qua, chúng tôi cũng đã báo tin cho Nguyễn Ngọc Lan ở Sài Gòn, Trần Minh Thảo ở Bảo Lộc và Quốc Vĩnh, em tôi ở Sài Gòn cũng đã điện lên thăm hỏi.

Trong những ngày tới, nếu tôi bị bắt giữ, đó chỉ là sự cầm tù thân xác, tinh thần tôi nhất định sẽ hoàn toàn tự do và không bao giờ chịu khuất phục

© 2006 talawas