© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
7.2.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Tôi bày tỏ
Nhật ký trong những ngày bị quản chế 1996 –1998 (13 kì)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Những ngày kế tiếp - Giai đoạn 2

Thứ hai 18/11/96

Buổi sáng Quốc đến nói chuyện thông báo mấy tin đáng chú ý:



Bài viết của Hoàng Tiến và thái độ, hành động của Quốc nhất định sẽ tác động đến nhà cầm quyền. Họ sẽ thấy rằng rất khó trấn áp tự do tư tưởng của trí thức, văn nghệ sĩ trong tình hình hiện nay. Nếu có thêm nhiều Bùi Minh Quốc và Hoàng Tiến khắp cả nước, chắc tình hình sẽ thay đổi.

Quốc đã giúp photo xong nhật ký tôi viết về một tuần căng thẳng. Thật nhẹ người. Dù sao những việc CA làm trong tuần qua cũng đã cung cấp tư liệu cho tôi viết mấy chục trang nhật ký, cũng là bút ký và chất liệu cho tôi viết tiểu thuyết sau này. CA lấy tài liệu của tôi nhưng lại cung cấp tư liệu cho tôi viết tiếp. Kể cũng hay.

Buổi chiều, tôi viết văn bản gởi cho Công ty Ðiện báo Ðiện thoại. Tôi nói rõ nếu có cơ quan nào yêu cầu Công ty ngăn điện thoại của tôi và Công ty chấp hành thì phải trả lời chúng tôi bằng văn bản cụ thể. Nếu không, chúng tôi sẽ nêu vấn đề lên các phương tiện truyền thông đại chúng và kiện Công ty lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền vì đã vi phạm hợp đồng và quyền tự do của người dân.

3g chiều, Yến dạy thêm xong, chúng tôi chuẩn bị đi đến Công ty Ðiện Báo Ðiện Thoại và ra phố mua sắm vài thứ. Vừa ra khỏi hẻm, chúng tôi nhận ra ngay có hai cái đuôi bám theo. Một Cup màu xám hai gã chở nhau và một Dream màu mận chín một gã đi riêng. Ba gã này làm thành một tổ đóng ngay trong nhà đối diện với hẻm nhà tôi. Nhà này có phòng khách vách kính từ trong nhìn ra rất rõ. Xe họ để bên hông nhà và khi thấy chúng tôi ra là họ phóng theo ngay.

Qua khỏi khúc quẹo một quãng, biết họ đang theo, tôi vòng xe lại. Bị bất ngờ, hai gã trước trờ tới đâm luôn vào một ngõ hẻm gần đó, gã đi sau quẹo sang một đường khác. Chúng tôi thấy rõ mặt của ba gã. Tuy thế sau đó cả ba vẫn bám theo mọi nơi chúng tôi đi cho đến khi về, dù họ biết là chúng tôi đã biết họ theo dõi. Coi bộ họ đánh giá tôi quan trọng quá. Y như trong ciné. Họ cố tìm ra cái gì đó nữa nhưng sẽ thất vọng thôi.

Chúng tôi đến Cty Ðiện báo Ðiện thoại yêu cầu gặp giám đốc. Giám đốc còn trẻ, tiếp chúng tôi rất lịch sự. Anh ta giải thích thuần túy về kỹ thuật, hứa sẽ cố gắng mời chuyên gia giải quyết trong tối nay. Tôi gặng hỏi nhưng anh ta không thừa nhận có cơ quan nào yêu cầu ngăn điện thoại của tôi. Trong khi giám đốc tiếp chúng tôi, có một người nào đó vào ngồi bàn kế bên đọc báo lắng nghe. Người đó không mang phù hiệu nhân viên bưu điện và tôi đoán chắc đó là CA.

Suýt nữa tôi quên ghi một việc quan trọng: Lúc 3g chiều, khi chúng tôi chuẩn bị đi, A, CA khu vực và một CA của Thành phố đến đưa cho tôi giấy mời. Ngày mai, thứ ba 19/11/96, lúc 8g, CA/TP lại mời tôi lên “làm việc tiếp về các bài viết của ông”.

Tôi đã sẵn sàng cho hiệp 2 của cuộc đấu.

Buổi tối Yến gọi điện cho các con ở Sài Gòn mới biết các con tôi đã gọi lên suốt ngày không được. Tuy vậy, sau khi gặp giám đốc Cty ÐBÐT về, chúng tôi nhờ mấy nơi thử điện thoại thấy tạm thông.

23g30 vừa mới chợp ngủ được nửa tiếng, Nguyễn Gia Kiểng ở Pháp lại gọi về. Như thế Kiểng đã gọi mỗi đêm. Kiểng thông báo đã họp một nhóm trí thức bên đó bàn về việc của tôi. Họ đã định ra một số biện pháp nhưng chưa thực hiện ngay, còn tùy thái độ của Nhà nước bên này, nếu Nhà nước dịu họ sẽ dịu, nếu Nhà nước làm căng, họ cũng sẽ căng. Một trong những biện pháp mạnh là sẽ kêu gọi tạm ngưng đầu tư về nước trong một thời gian, như thế Nhà nước sẽ thiệt hại hàng triệu đôla. Kiểng cũng nói một số việc đáng chú ý:


Người đó hỏi ý kiến Kiểng về hai việc trên. Kiểng cho rằng nên dè dặt, không nên làm cái gì có tính cách khiêu khích Nhà nước khi Nhà nước chưa có thái độ rõ rệt trong vụ của tôi.


Thứ ba 19/11/96

Buổi sáng tôi đưa Yến đến trường rồi lên làm việc với CA. Vừa ra khỏi hẻm, hai cái đuôi bám theo và hộ tống tôi từ xa cho đến CA/TP. Lại làm việc với B và C. B hỏi, C ghi biên bản. Tôi yêu cầu làm việc có giờ giấc. B đồng ý ngay, nói cũng định như thế. Chỉ làm mỗi buổi sáng từ 8 đến 11g, giải lao một lần, chiều nghỉ. Như thế cũng thoải mái.

B nói mục đích làm việc lần này là đi sâu vào từng bài cụ thể tôi đã viết, trình bày rõ các vấn đề: Viết thời gian nào, có tham khảo ý kiến của ai, tóm tắt nội dung, gởi cho ai trong và ngoài nước, đã đăng ở báo nào, in, đánh máy bằng phương tiện gì?

Buổi sáng này làm được 7 bài:

  1. Thư ngỏ gởi những người Cộng sản Việt Nam
  2. Hà Sĩ Phu và cuộc hành trình gian nan của dân tộc
  3. Hà Sĩ Phu, biểu tượng của trí tuệ và tự do tư tưởng
  4. Những phát hiện mới từ một phiên tòa
  5. Ðọc thơ Ðông Trình, suy nghĩ về văn nghệ, chính trị và sám hối
  6. Tổ quốc và lòng yêu nước
  7. Ðà Lạt trăm năm: Tản mạn về cái đẹp và nỗi đau

Tất cả tôi đều nói thẳng vì tôi đã viết và làm một cách công khai. Có một vấn đề làm tôi phân vân: Vì bài “Tổ quốc và lòng yêu nước” tôi viết nhằm góp ý với bài viết của Nguyễn Gia Kiểng “Một cách nhìn cuộc chiến”, nhưng trong tài liệu của tôi không có bài này, lúc B hỏi tôi đọc bài đó ở đâu, tôi đành nói đọc ở nhà Nguyễn Ngọc Lan. Tôi giải thích thêm vào thời gian đó ở Sài Gòn nhiều người đọc và phản ứng, bàn bạc nhiều về bài của Kiểng.

Một vấn đề khác đáng chú ý: B hỏi tôi kết luận của bài “Ðà Lạt trăm năm...” tôi nhằm quy kết điều gì. Tôi nói đã lâu tôi quên. B đưa cho tôi bản photo bài viết. (Tôi quên nói ở trên là từng bài viết của tôi đã được photo lại, B đã đọc kỹ và từng bài có kèm theo một tờ giấy ghi chú cần hỏi những gì.)

Câu kết bài trên của tôi đại ý: Có người nói bất công xã hội là chuyện muôn thuở nhưng những bất công hiện nay còn tồi tệ hơn những bất công mà người Cộng sản đã đập đổ. Vậy thì có phải những người CS sau chiến thắng không đủ trình độ, năng lực để lãnh đạo đất nước hay khi nắm được chính quyền, mục đích của những người CS cầm quyền cũng chỉ là bóc lột, mưu lợi ích cá nhân? Như thế nhân dân cần một cuộc cách mạng, nhiều cuộc cách mạng nữa chứ không phải “đấu tranh này là trận cuối cùng” như trong lời bài “Quốc tế ca’’.

Tôi giải thích ở đây tôi đặt vấn đề người lãnh đạo phải có trách nhiệm và ngang tầm với đất nước. Cuộc cách mạng tôi nêu ra không phải nói chuyện lật đổ mà đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện của cả xã hội.

B yêu cầu C ghi nhận điều này vào biên bản.

Buổi làm việc kết thúc đúng giờ như đã dự định. Tôi về nhà lúc 11g15, đúng lúc Yến ở trường gọi điện về. Sáng nay trường Yến tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, có văn nghệ và liên hoan, Yến sẽ về trễ. Tôi nằm nghỉ trưa đợi Yến về.

1g30 chiều Yến mới về, rất mệt mỏi. Yến kể phần văn nghệ tổ ngoại ngữ của Yến đoạt giải nhất dù chỉ có 5 người và hát một bài hát tiếng Anh, trong đó có phần đóng góp của tôi viết giúp lời giới thiệu nội dung bài hát. Căn cứ vào lời bài hát, hình như là một bài dân ca Mỹ mà tổ ngoại ngữ đưa ra tập, tôi viết:

“Thế giới vô cùng rộng lớn nhưng cũng chỉ là một ngôi làng bé nhỏ. Trong đó có nụ cười và những giọt nước mắt, có hi vọng và sợ hãi. Chúng ta đã chia sẻ với nhau bao điều. Chúng ta có chung một mặt trời vàng và mặt trăng hiền dịu. Dù biển có mênh mông và sông núi ngăn chia, chúng ta vẫn gần nhau trong tình thương mến, khi nụ cười của chúng ta là tình bạn gởi đến mọi người.

Ngôi trường của chúng ta nằm trong và có tinh thần của thế giới đó. Chúng ta đã, đang và sẽ yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Ðó chính là thông điệp từ nội dung của bài hát mà tổ ngoại ngữ muốn gởi đến quý vị và các bạn.”

Tổ ngoại ngữ đã chia cho tôi mấy chiếc kẹo phần thưởng.

Ước gì thực tế được như lời bài hát này.

Buổi chiều Quốc lại đến. Chúng tôi nhận định: CA đang thăm dò, soi kính hiển vi vào từng câu chữ trong bài viết của tôi cũng như hi vọng sẽ tìm thêm cái gì đó để quy kết.

Họ làm việc rất thận trọng.

Buổi tối điện thoại gọi đến lại bị ngăn nhưng chúng tôi mệt nên đi ngủ sớm.


Thứ tư 20/11/96

Mới 6g sáng Quốc đã đến. Quốc nói hai việc:


Quốc gợi ý nên hỏi B về việc căn cứ vào luật nào để mời tôi làm việc nhiều như vậy.

7g Quốc về. Tôi đưa Yến đi ăn sáng, đi chợ rồi lên CA. Hôm nay 20/11- Ngày Nhà giáo, Yến được nghỉ. Vẫn có hai cái đuôi hộ tống tôi lên CA.

Trước khi làm việc, tôi hỏi B căn cứ vào luật nào để CA mời tôi làm việc. B giải thích căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Nhà nước giao cho ngành CA. CA có quyền mời công dân làm việc khi có chuyện liên quan đến an ninh quốc gia hay trật tự an toàn xã hội. Tôi đã có những bài viết gởi đài, báo nước ngoài mà chủ trương của những đài, báo này có hại cho an ninh quốc gia nên CA mời hỏi tôi để làm rõ. Tôi vặn lại đã có ai quy kết là những bài viết của tôi “có hại cho an ninh quốc gia” chưa. B đính chính nói là bài viết của tôi “có liên quan đến an ninh quốc gia” chứ cho đến nay chưa ai kết luận vì chỉ mới bắt đầu tìm hiểu. Chúng tôi tranh luận một lúc khá căng về vấn đề này rồi tôi bỏ qua, ghi nhận cách giải thích của B.

Buổi này làm tiếp các bài viết. 7 Thư từ Việt Nam tôi viết cho đài VNCR ở Nam Cali:

  1. Ðà Lạt nhìn từ những ngọn gió. Tháng 4/96
  2. Tình hình phân hóa ở xã hội VN hiện nay. 5/96
  3. Cảm xúc Sài Gòn mùa hạ. 6/96
  4. Câu chuyện về văn hóa tốc độ. 8/96
  5. Ðầu năm học mới và vấn đề giáo dục. 9/96
  6. Về những cơn bão lũ. 10/96
  7. Tham nhũng và chống tham nhũng. 11/96

Tôi viết loạt bài này theo đề nghị của đài VNCR. Tôi tự chọn đề tài chứ đài VNCR không gợi ý. Vào mỗi đầu tháng, Ðinh Quang Anh Thái gọi về thu qua điện thoại.

Sau đó làm tiếp mấy bài nữa:

  1. Trả lời phỏng vấn đài Diễn Ðàn Dân Chủ ngày 3/2/96 chủ yếu về tiểu sử, hoạt động và sáng tác của tôi. Nguyễn Hưng Việt phỏng vấn
  2. Trả lời phỏng vấn Ðoàn Giao Thủy. Bài này tôi gởi trực tiếp cho Ðoàn Giao Thủy, sau đó đăng ở Diễn Ðàn. Diễn Ðàn có đăng hai bài nữa của tôi nhưng không phải do tôi gởi là “Trầm tư từ thung lũng” và “Thư gởi Phan Ðình Diệu”
  3. “Gian nan và bền bỉ” (Góp ý với Thử thách và hi vọng - Dự án Chính trị Dân chủ Ða nguyên của nhóm Thông Luận.)

    Tôi nhận được Dự án này qua đường bưu điện, sau đó Nguyễn Gia Kiểng gọi điện đề nghị tôi viết bài góp ý. Tôi chỉ góp một số ý, chủ yếu những vấn đề tôi có quan điểm khác như các điều kiện về sự chín muồi của cách mạng, quan niệm về lòng yêu nước... Ðiều quan trọng là tôi tán thành phương thức đấu tranh bất bạo động và mục tiêu xây dựng Việt Nam giàu mạnh, phát triển, theo chế độ dân chủ đa nguyên.

    B hỏi tôi bản chính của Dự án đâu. Tôi nói tôi đã hủy. Lý do? Ðối với tôi Dự án này cũng như Cương lĩnh của Ðảng Cộng sản đều là những văn kiện bình thường mà tôi có thể nghiên cứu và góp ý nhưng vì đối với Nhà nước văn kiện đó có thể bị coi là nguy hiểm nên tôi đã hủy đi. Bài góp ý tôi chỉ gởi cho Kiểng qua đường bưu điện từ Ðà Lạt chứ không gởi cho ai khác.

    B hỏi tôi biết những ai trong nhóm Thông Luận. Tôi nói Phạm Ngọc Lân là anh vợ. Qua Lân, có biết Kiểng, nghe tên Vũ Thiện Hân. Ngoài ra nghe nói nhóm Thông Luận có khoảng 40-50 người gì đó, phần lớn là trí thức.

  4. Hai bài viết đánh máy không có tựa đề và không có tên tác giả. Tôi nói không phải do tôi viết và lâu ngày quá tôi không nhớ đánh máy từ đâu (Từ tháng 7, 8/95).

    B hỏi thêm về việc Yên Phong, báo Thiện Chí ở Ðức, phỏng vấn tôi có hỏi tôi đồng ý gởi bài cho các cơ quan truyền thông khác không. Tôi nói có đồng ý. (Trong Lời tòa soạn của báo Thiện Chí khi đăng bài “Hà Sĩ Phu và cuộc hành trình...” có ghi chú điều này. CA muốn khẳng định lại, chắc để quy kết.)

Mặc dù trong các buổi làm việc này, CA nói chỉ để xác minh làm rõ các vấn đề, chưa kết luận gì nhưng tôi thấy rõ họ sẽ nhắm đến quy kết các việc để buộc tôi:


Họ sẽ căn cứ vào các điều luật này nọ, nhưng xét cho cùng cũng chỉ là đàn áp tự do tư tưởng, tự do ngôn luận thôi.

Buổi làm việc kết thúc đúng giờ.

Buổi chiều tôi đi sửa xe vì đèn, còi bị hư, chạy nhiều không an toàn. Thợ sửa hơn 2 tiếng nên 5 giờ chiều tôi mới đưa Yến ra phố. Yến đi lấy hai cái áo len đã đan từ 3 tháng nay vẫn chưa xong. Ðịnh lấy mặc trong ngày 20/11 mà cũng không kịp. Lấy về lại mặc không vừa, quá dài. Yến định sẽ đem trả. Tội nghiệp Yến ít khi mặc áo mới. Mặc dù Yến không quan tâm điều này nhưng khi Yến kể hôm kỷ niệm Ngày Nhà giáo, mọi người đều mặc áo mới lên trình diễn, chỉ có Yến mặc áo cũ, tôi cũng chạnh lòng. Hôm đó liên hoan Yến cũng không thiết ăn uống gì, muốn về sớm vì sợ tôi mong, nhưng các bạn giữ lại và có người biết chuyện tôi, nói Yến nên bình thường hóa việc ở trường, không làm gì cho người ta chú ý hay sẽ gây khó khăn cho công việc. Mấy hôm nay Yến cũng bỏ soạn bài.

Tôi định chiều nay đưa Yến đi chơi một chút cho thoải mái và đi ăn cái gì mừng Ngày Nhà giáo nhưng vì sửa xe quá trễ nên cuối cùng ra phố cũng chỉ mua bánh mì thịt về ăn. Chúng tôi không dám đi đêm vì sợ có thể gặp cái màn “cinéma cổ lỗ sĩ” mà Hà Sĩ Phu đã gặp, nhất là ở Ðà Lạt đường vắng và tối tăm.

Tôi có nhờ người quen mua giúp mấy cuốn Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự để nghiên cứu. Vì từ trước chưa trực tiếp “đụng chuyện” nên tôi chưa có dịp nghiên cứu cụ thể. Ðọc khung hình phạt về các tội liên quan đến an ninh quốc gia đều từ 5, 10 năm đến 15 năm tù hay chung thân, tử hình, Yến cũng hơi hoảng. Tôi trấn an Yến là sự việc không đến nỗi nào đâu, đâu phải dễ kết tội. Tôi cũng nói theo kiểu “chế độ này tồn tại bao lâu nữa mà kết án người ta 10 năm, 20 năm”. Tôi đùa thêm: Giả dụ có vào tù thì cũng là dịp tôi tu, thực hành nghiêm chỉnh 5 bài thiền của Ananda Marga Yoga, mau thành chánh quả. Yến vẫn buồn: Nhưng 5, 10 năm nữa thì em đã già, tóc bạc hết rồi và trong thời gian đó sống một mình, em làm sao sống được. Tôi cố an ủi Yến và hướng sang nói chuyện khác. Cho đến nay tôi có nghĩ đến nhưng chưa hề lo sợ chuyện ở tù. Ðiều này Yoga sẽ giúp tôi. Nếu tôi ở tù, đó cũng chính là Samskara, là nghiệp, là nhân quả thôi. Và tôi có thể tìm được giải thoát trong bất cứ hoàn cảnh nào.


Thứ năm 21/11/96

Buổi này B hỏi thêm tôi về một số việc, bài đã hỏi trước khi hỏi về các bài mới.


B hỏi thêm về người chủ biên và chủ trương của tạp chí Hợp Lưu. Tôi nói tôi chỉ biết người chủ trương tạp chí Hợp Lưu là Khánh Trường, chủ trương của tạp chí này như tên gọi là tập hợp nhiều xu hướng khác nhau trong và ngoài nước, nhằm tiến đến thông cảm, hòa giải hòa hợp. Tôi nói thêm tôi biết Lê Hoài Nguyên, trung tá CA cục A25 của Bộ Nội vụ, người đã từng thẩm vấn Hà Sĩ Phu ở Hà Nội, là nhà văn, cũng có nhiều bài đăng trên báo Hợp Lưu. C ghi cả điều này vào biên bản.

Trong lúc nói mở rộng thêm về các câu hỏi, B có hỏi tôi nghĩ sao về việc những điều tôi viết có thể bị bọn hoạt động chính trị cực đoan lợi dụng để lật đổ chế độ. Tôi nói họ có thể lợi dụng bất cứ việc gì cho mục tiêu của họ, kể cả những sai lầm của Ðảng và Nhà nước. Tôi viết là để góp phần đấu tranh cho tự do dân chủ. Ðiều này C cũng ghi biên bản.

Cuối buổi, B nói qua mấy ngày làm việc, B cảm thấy mến tôi vì sự trung thực thẳng thắn của tôi nhưng mạn phép khuyên tôi không nên dính líu đến chính trị nữa mà nên tập trung viết những tác phẩm văn nghệ vượt không gian và thời gian để may ra con anh ta còn có dịp đọc, dính vào chính trị chỉ thêm phiền phức. Tôi nói đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe lời khuyên này. Vợ tôi, bạn bè và một số học trò cũ đã từng khuyên như thế và chính tôi cũng đã nghĩ đến vấn đề này nhưng chưa làm được. Bút hiệu tôi là Tiêu Dao, nghĩa là “rong chơi trong cuộc đời” nhưng ngay từ trẻ, tôi nào rong chơi được vì tôi luôn bị ám ảnh, chi phối bởi tình hình chính trị, xã hội và nghĩ phải dấn thân. Có thể tôi chỉ là một tay cách mạng tài tử, không phải là nhà chính trị chuyên nghiệp, nhưng tôi luôn là kẻ phản kháng trước bất công áp bức. Thời sinh viên tôi tham gia tranh đấu và đã làm Ðoàn trưởng Sinh viên Quyết tử. Cái “máu” của tôi từ thời trẻ như thế và tôi bây giờ vẫn thế. Bạn bè cũ gặp tôi nói “Ông vẫn như thời sinh viên”.

C đùa chen vào: “Vậy là anh muốn chơi CA nên CA chơi lại là đúng rồi.” Tôi cũng đùa lại: “Nếu tôi không viết thì CA các anh thất nghiệp biết việc gì làm.”

Nói chung các buổi làm việc có không khí thoải mái. Một mặt vì CA đã thu giữ, nghiên cứu hầu hết các bài viết, phác thảo, ghi chú của tôi, tôi không còn gì bí mật. Mặt khác tôi xem đây là dịp để trao đổi, tranh luận với các cán bộ CA nên nói không chút dè dặt, lo ngại, xác định niềm tin vững chắc vào việc mình làm, dù những việc đó có thể bị Nhà nước quy kết này khác. C ghi biên bản vắn tắt nhưng không sao ghi xiết và chính xác. Tôi đọc lại và chỉ yêu cầu sửa những chỗ quan trọng và ký xác nhận, còn các lỗi chính tả, văn phạm và hành văn tôi bỏ qua vì không thể sửa xiết và sửa hết thì còn gì là biên bản nữa.

Ðầu buổi chiều, Yến dạy học, tôi đi sửa xe tiếp vì còi vẫn chưa ổn và máy đạp vẫn khó nổ. 3g30, Quốc đến như đã điện hẹn trước.

Quốc báo ngay ngày mai phải đi Sài Gòn rồi ra Ðà Nẵng để gặp đứa con thứ hai, cháu Lâm, vì cháu đang có chuyện rắc rối. Do hoàn cảnh và cũng đa tình, đa mang nên Quốc gặp nhiều phiền lụy trong việc gia đình. Quốc có ba người vợ và ba con, mỗi con với từng người. Người vợ đầu là nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã hi sinh, có con gái là Bùi Dương Hương Ly. Người vợ thứ hai đã ly hôn, là mẹ của cháu Lâm. Quốc hiện đang ở với người vợ thứ ba là cô Thục, có một đứa con trai nhỏ 8 tuổi rất dễ thương là cu Boong, tức cháu Minh Quân.

Năm nay Quốc phải bận rộn với cả ba bà vợ: Lo đi tìm hài cốt, xây bia mộ cho vợ đầu, chung lo giải quyết chuyện con hư hỏng với vợ thứ hai, chạy bán hàng cho vợ thứ ba. Âu đó cũng là số của Quốc. Và tình hình này đã ảnh hưởng lớn đến việc sáng tác của Quốc, nhất là khi anh đang có nhiều dự định cho những tác phẩm dài hơi.

Ðáng lý đến 27/11 này Quốc mới đi Sài Gòn để chuẩn bị cho đám cưới của con gái Hương Ly, nhưng vì có việc của cháu Lâm, ngày mai 22/11 Quốc đã phải đi rồi. Trong những ngày qua, hôm nào Quốc cũng đến tôi và đó là người bạn duy nhất tại Ðà Lạt chia sẻ với tôi mọi điều trong lúc này. Mấy năm qua, ở đây tôi chỉ giao du với ba người là Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh và Bùi Minh Quốc, ngoài ra không đi lại với ai khác. Bạn bè văn nghệ nhiều, nhưng chỉ gặp nhau chào hỏi ngoài đường, tôi không đến họ và họ cũng ngại không muốn đến tôi. Tôi cũng đã dứt khoát không tham dự vào bất cứ hoạt động nào của Hội Văn nghệ Lâm Ðồng dù họ vẫn coi tôi là hội viên và vẫn gởi giấy mời. Nay Hà Sĩ Phu đang ngồi tù, Mai Thái Lĩnh bị kẹt, chỉ còn Bùi Minh Quốc. Việc Quốc đến tôi hàng ngày đã động viên tôi rất nhiều, kể cả đối với Yến. Ngày mai Quốc đi, chắc sẽ chẳng còn ai đến tôi nữa, nhưng một mình tôi vẫn sẵn sàng đương đầu với mọi chuyện.

Quốc nói thêm một việc hơi lạ. Chiều hôm qua Quốc gặp Lĩnh ở hiệu sách nhưng Lĩnh tỏ ý không muốn nói chuyện. Quốc và tôi phân tích kỹ việc này. Lĩnh là người rất thông minh, lý luận sắc bén, nhiệt tình và nhạy cảm trước mọi vấn đề. Lĩnh có kiến thức rộng, đọc nhiều và có tư tưởng cấp tiến, thái độ cũng dứt khoát. Năm trước, Lĩnh đang là Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Ðà Lạt, người có số phiếu tín nhiệm cao nhất trong cuộc bầu cử mới đây và cả mấy cuộc bầu cử trước. Lĩnh kiêm nhiều chức vụ: Ðại biểu HÐND Tỉnh, đại biểu HÐND Thành phố, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tỉnh và Thành phố nhiều khóa. Trong các chức vụ dân cử, Lĩnh đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, chống sự trì trệ của guồng máy hành chính. Trong vụ Hội Văn nghệ Lâm Ðồng năm 1988, Lĩnh đứng hẳn về phía chúng tôi chống lại các quyết định sai trái của Tỉnh ủy. Lĩnh đã từng viết nhiều bài báo sắc bén yêu cầu luật hóa hoạt động của Đảng, tách Đảng ra khỏi chính quyền và đã bị Tỉnh ủy ở đây cho người viết bài phê phán. Mới đây, khi thấy sự có mặt của mình trong guồng máy không có ích lợi thực tế gì, Lĩnh đã dứt khoát từ bỏ, quay ra mở hiệu sách buôn bán.

Trong vụ của tôi hiện nay, ngay ngày đầu Lĩnh cũng đã rất nhiệt tình nhưng sau khi kẹt vụ chiếc cặp, không hiểu còn gì bí ẩn mà thái độ của Lĩnh thay đổi như thế. Chúng tôi biết đối diện hiệu sách của Lĩnh là nhà của một cán bộ lãnh đạo Cơ quan an ninh điều tra của CA Lâm Ðồng, và hồi đầu năm người này cũng đã có lần mời Lĩnh lên thẩm vấn về việc của Hà Sĩ Phu và một số việc khác. Tuy nhiên Lĩnh, Quốc và cả tôi hiện nay không ai là bị can, bị cáo, tội phạm gì. Chúng tôi chẳng sợ cái gì cả. Cuối cùng tôi và Quốc kết luận tuy có hơi buồn nhưng chúng tôi chưa vội kết luận gì về Lĩnh cả và vẫn chờ Lĩnh giải thích khi thuận tiện.

Buổi tối, Nguyễn Gia Kiểng lại gọi điện. Kiểng nói anh em bên Pháp đã bàn bạc kỹ việc của tôi: Ðừng biến Tiêu Dao Bảo Cự thành “thánh tử đạo”. Chúng ta coi anh là một trí thức trung thực, một người bạn quý và sẽ tìm mọi cách để bảo vệ anh. Nếu Nhà nước dịu, chúng ta cũng dịu, nếu Nhà nước căng, chúng ta cũng sẽ căng. Dù sao, bước đầu Nhà nước mời một công dân lên thẩm vấn về một việc gì đó cũng là chuyện bình thường của mọi quốc gia nên cũng chưa vội lên tiếng. Nhưng nếu thời gian thẩm vấn quá dài hay chuyển sang bắt giữ, truy tố, lúc đó vấn đề lại khác.

Kiểng nói Kiểng hi vọng Nhà nước này sẽ đủ khôn ngoan để có những quyết định đúng đắn. Họ không thương gì tôi nhưng họ phải nghĩ đến lợi ích của chính họ. Bắt giữ, truy tố tôi chỉ có hại cho họ mà thôi. Kiểng nói với tôi mà như có ý nhắn nhe với Nhà nước. Chắc CA cũng đang lắng nghe các cuộc điện đàm này.

Khi nghe tôi kể CA có hỏi tôi về Kiểng và nhóm Thông Luận, Kiểng nói tôi chuyển lời đề nghị CA gọi điện thoại hay gởi thư trực tiếp cho Kiểng. Kiểng sẵn sàng đối thoại và cung cấp mọi báo chí, dự án chính trị của nhóm Thông Luận cho CA nghiên cứu. Kiểng còn nói linh tinh chuyện nuôi gà chọi, trồng hồng và hỏi thăm vườn tược của tôi trước khi cúp.


Thứ sáu 22/11/96

6g sáng, chúng tôi đang mơ màng chưa tỉnh giấc thì Ðinh Quang Anh Thái từ Mỹ gọi điện về. Thái nói mới nghe tin tôi bị CA bắt nên gọi về xác minh. Tôi nói người ta chắc còn phải nghiên cứu, tính toán kỹ trước khi có hành động mới. Thái thông báo tình hình bên Mỹ:



Thái còn hỏi ý kiến tôi một việc: Bên đó muốn in cuốn sách của tôi mà anh Lân đã có, kèm theo những bài viết đọc trên đài VNCR của tôi thời gian qua, tôi có đồng ý không? Do ý kiến của Nguyễn Gia Kiểng hôm trước mà tôi thấy có lý, tôi nói đề nghị cứ chuẩn bị sẵn sàng nhưng đợi thêm thời gian xem thái độ của Nhà nước ra sao. Thái chúc tôi vững vàng và giữ gìn sức khỏe.

Gần 8g, trước khi tôi lên CA, Quốc gọi điện chúc tôi “chân cứng đá mềm” trước khi ra bến xe đi Sài Gòn. Chắc Quốc nghĩ khi Quốc đi tôi trở thành cô độc trong cuộc đấu này. Có lẽ Quốc áy náy nhưng vì việc bức xúc đành phải đi.

Sáng nay B và tôi lại tiếp tục cuộc “tìm hiểu và đối thoại” đã khá dài nhưng vẫn chưa xong.


B nói đã đọc kỹ truyện này, tuy nó có tính cách tâm tình cá nhân nhưng vẫn có đoạn hàm ý chính trị về hòa giải hòa hợp và đọc cho tôi nghe đoạn đó. Tôi nghe và thừa nhận có điều đó. Trong đoạn này tôi có ý nói không nên dùng bạo lực để đối đầu với bạo lực mà nên dùng tình thương để hóa giải hận thù.

B nói thêm (ngoài tính chất thẩm vấn) là B hiểu chuyện này chắc gần gũi với cuộc sống riêng của vợ chồng tôi và nghĩ rằng cuộc sống của vợ chồng tôi trải qua nhiều gian nan và vợ tôi chắc đã chịu đựng, chia sẻ với tôi nhiều trong cuộc sống đó. B có ý khuyên tôi không nên dính líu đến chính trị nữa để vợ tôi bớt lo âu phiền muộn. Tôi nói trên nguyên tắc, truyện ngắn là hư cấu nhưng dĩ nhiên nó có thể phản ánh tâm tình cá nhân của tác giả. Về con đường tôi đã và đang đi, vợ chồng tôi đã lựa chọn và chia sẻ. Chúng tôi sẵn sàng trả giá cho sự lựa chọn đó.

Tôi nghĩ thầm có thể B đã hiểu và thông cảm với tôi như giữa một con người với một con người, tuy nhiên có thể đây cũng là một ngón đòn tình cảm của CA. Tôi biết CA đã sử dụng nhiều lần ngón đòn này khá tốt, nhất là đối với phụ nữ để lung lạc họ, tác động đến chồng.

B hỏi tiếp tôi có nhận nhuận bút về bài này không, cũng như đã hỏi tương tự về các bài khác. Tôi nói không. B nói có ai dư thì giờ để viết mà không nhận được thù lao gì cả. Tôi nói về chuyện nhuận bút tôi trả lời lần này là lần chót và yêu cầu về các bài khác, đừng hỏi như thế nữa. Tôi cố gắng giải thích cho B hiểu: Chỉ tác phẩm Nửa đời nhìn lại, một tác phẩm dài, là Nhà xuất bản tự ý gởi nhuận bút cho tôi tuy tôi không đặt vấn đề và việc tôi nhận là hoàn toàn đúng vì đó là nguyên tắc cũng như công sức, tâm huyết của tôi. Ðối với các truyện ngắn và các bài chính luận, báo chí nước ngoài đăng cho tôi đã là quý. Người viết nào cũng muốn gởi tác phẩm của mình đến cho công chúng. Tôi cũng biết ở Mỹ và nhiều nước khác, người làm báo phải bỏ tiền túi ra để làm vì theo đuổi một mục đích, lý tưởng, người viết báo cũng thế, chứ ít ai đặt vấn đề nhuận bút. (Ðây là nói về báo bằng tiếng Việt của Việt kiều). Nhuận bút dù có cũng rất tượng trưng, không ai sống bằng nhuận bút. Chắc B và CA nghĩ rằng nhuận bút ở Mỹ nhiều lắm.

Tôi yêu cầu ghi vào biên bản vấn đề này như sau: Tôi viết vì say mê sáng tạo, vì muốn thể hiện quan điểm tư tưởng của mình và gởi đến công chúng. Tôi không nghĩ đến nhuận bút và nhuận bút nếu có cũng rất thấp, không ai vì muốn có nhuận bút đó để đánh đổi an ninh của bản thân.

B có vẻ chịu lời giải thích của tôi.


B hỏi tôi chủ trương đa nguyên tại sao lại không chấp nhận mà phê phán Thế Vũ cũng như những người khác khi họ có quan điểm khác mình, thế thì tôi đâu phải đa nguyên. Tôi phản bác hiểu đa nguyên như thế là không đúng. Ða nguyên là chấp nhận những ý kiến khác nhau nhưng không loại trừ việc trao đổi, tranh luận để đi đến thống nhất, dĩ nhiên là không dùng sức mạnh hay quyền lực để áp đặt. Tôi nhắc lại vụ Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc và tôi gởi thư cho Phan Ðình Diệu. Có người, ngay cả một số báo chí hải ngoại cho rằng chúng tôi làm như thế là thiếu khôn ngoan về chính trị, trong khi đáng lý chúng tôi phải đoàn kết, hợp tác thì chúng tôi lại đặt vấn đề tranh luận với Phan Ðình Diệu, có thể điều này làm yếu lực lượng đối lập trong nước vốn đã ít ỏi. Chúng tôi cho rằng chúng ta đòi hòi Ðảng Cộng sản và Nhà nước phải chấp nhận đa nguyên thì ngay trong nội bộ những người đấu tranh cho dân chủ cũng phải đa nguyên.

Bài “Thư ngỏ...” trên tôi đã viết xong và đánh máy từ tháng 4/96 nhưng không gởi cho báo nào cả. B hỏi lý do, tôi nói sau đó tôi nghĩ lại và vợ tôi cũng góp ý không nên gởi đăng do sợ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình Thế Vũ vì anh đã lao đao, lận đận một thời gian dài, nay mới tạm ổn định. B khen vợ tôi là người nhân từ và lại có ý nhắc tôi không nên làm gì để vợ tôi phải khổ. B nói thêm lần đầu tiên gặp, B không ngờ vợ tôi lại gầy yếu như thế.

Vẫn là sự pha trộn giữa cảm thông và ngón đòn tình cảm. Tôi sẽ kể rõ cho Yến về chuyện này.


B yêu cầu tôi khẳng định lại quan điểm của tôi trong vấn đề này. Tôi nói quan điểm của mình: Việt kiều nên đầu tư về nước làm ăn, dù một mặt phát triển kinh tế tuy có góp phần củng cố chính quyền Cộng sản, nhưng mặt khác lại là điều kiện phát triển tự do dân chủ và điều này có lợi hơn. Nếu không làm gì, Việt kiều sẽ không đóng góp và cũng chẳng có tác động gì đến tình hình đất nước.

Bài này tôi chỉ gởi cho Thông Luận qua đường bưu điện nhưng chưa rõ đã đăng hay chưa.

B nhận xét bài này có một số ý trùng hợp với bài đánh máy không có tựa đề và tên tác giả như ý Việt kiều nên đầu tư về nước và tiềm năng của Việt kiều ngang với một cường quốc, như thế tôi có sử dụng tư liệu của bài kia không. B cố ý tìm xuất xứ và việc sử dụng bài đó như thế nào, nhưng tôi nói hai ý trên là ý chung, nhiều người nghĩ và báo chí cũng có nêu, cũng là ý kiến của tôi nên tôi viết chứ không nhất thiết tôi phải trích dẫn từ đâu. B lại phải bỏ qua chuyện này.

B nói trong vở phác thảo chính luận của tôi có ghi thời gian liên lạc vắn tắt như sau: 20/10: TL, 25/10: TC, 2/11: VNCR, 15/11: TK21.

Vậy tôi liên lạc với ai, nội dung gi?

Tôi nhớ lại và nói đó là thời gian tôi ghi để viết xong bài. 20/10 viết xong bài “Gian nan và bền bỉ” cho Thông Luận, 25/10 viết xong bài “Về công tác xuất bản” cho Thiện Chí, 2/11 viết xong thư từ Việt Nam tháng 11 “Về tham nhũng và chống tham nhũng” cho đài VNCR, 15/11 định viết xong bài tổng kết năm 96 cho tạp chí Thế Kỷ 21 nhưng chưa viết đã xảy ra việc CA mời thẩm vấn.


Trưa tôi về, Yến kể lại chuyện buổi sáng ở nhà. Sáng nay Yến chỉ có một tiết dạy cuối buổi. Lúc 9g có một người ở Mỹ gọi về hỏi thăm tôi, tự xưng là Vũ Thư, làm ở Thông tấn xã VNN. Thư nói biết tin trễ nên bây giờ mới gọi. Thư cho biết bên đó có nhiều thanh niên ái mộ tôi và nhiều bài viết của tôi đã được dịch ra tiếng Anh để phổ biến. Thư hỏi Yến có đồng tình việc tôi làm không. Yến nói Yến kính trọng tôi vì sự trung thực, thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm và dám sống như cách mình nghĩ, Yến hoàn toàn ủng hộ tôi. Yến kể sơ việc xảy ra mấy ngày qua. Thư nói không biết quả tim của Yến to cỡ nào mà chịu nổi những sự căng thẳng do việc tôi làm gây ra. Yến nói tuy có lo sợ nhưng rồi cũng qua và chịu được thôi. Thư nói anh em bên đó sẽ tìm cách giúp đỡ.

Yến kể lại và nói được hỏi bất ngờ nên nói lung tung chẳng ra câu kéo gì cả. Tôi nói Yến tập dượt để trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài là vừa, không cần văn chương gì, cứ ý mình sao nói vậy.

Mỗi buổi chiều, lúc 6g, chúng tôi vẫn theo dõi phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên trên đài truyền hình. Theo tôi, bộ phim này nói về lịch sử nước Mỹ thời lập quốc hay hơn phim OshinVận mệnh của Nhật nói về lịch sử nước Nhật, cũng đã được chiếu trên đài truyền hình. Một bộ phim Mỹ rất lạ, khác hẳn tính chất Mỹ trong các phim cao bồi, bạo lực, hình sự, viễn tưởng hay tâm lý tình cảm xã hội khác. Ðiện ảnh Mỹ cũng đa dạng thật. Bộ phim này thật đơn sơ nhưng sâu sắc, tràn đầy nhân bản và có cái gì đó rất gần với Việt Nam. Cuộc sống của các nhân vật trong phim thời mới lập quốc rất gian khổ, nghèo nàn nhưng tình làng nghĩa xóm, tình vợ chồng, cha mẹ - con cái, tình bằng hữu đậm đà, trong sáng và chan hòa, ấm áp. Cái Thiện luôn thắng điều Ác, tinh thần tự do, bình đẳng ngày một phát triển. Trong thị trấn nhỏ Walnut Grove kia có đủ mọi vấn đề của nước Mỹ: Kỳ thị chủng tộc, nội chiến nam bắc, kỳ thị giàu nghèo, tự do tín ngưỡng, tự do luyến ái và hôn nhân, sự phát triển của các công ty tư bản chèn ép người lao động, tự do và tác hại của báo chí... Ngoài ra có vô số vấn đề tâm tình, quan hệ cá nhân và xã hội. Hơn 100 tập, mỗi tập đặt ra một vấn đề mới. Dựng phim không cần phải hoành tráng và tốn kém mà vẫn đầy tính nghệ thuật, hấp dẫn. Nhìn lại điện ảnh Việt Nam, loay hoay mãi vẫn chưa tìm được lối ra khỏi bế tắc.

Tối Nguyễn Gia Kiểng lại gọi điện. Kiểng báo ngày mai sẽ gặp bà Nguyễn Phước Ðại do TBT Ðỗ Mười cử sang. Trước đó bà Ðại cũng đã gặp Kiểng để trao đổi. Kiểng nói bà Ðại thừa nhận không thuyết phục được Kiểng mà lại bị Kiểng thuyết phục. Lần này Kiểng sẽ nhờ bà Ðại nhắn lại là Ðảng và nhà nước không nên làm phiền những người như Ðoàn Viết Hoạt, Nguyễn Ðan Quế, Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự và nhiều người đấu tranh cho dân chủ khác nữa. Họ là những vốn quí của dân tộc. Nếu Ðảng và Nhà nước cho người đi tranh thủ Kiểng và các tổ chức Việt kiều hải ngoại nhưng lại đối xử với trí thức trong nước như thế thì còn ai tin.

Kiểng nói vẫn thường xuyên liên lạc với anh Lân qua email. Lân hiện nay phải thường xuyên di chuyển nhiều nơi để lo công việc cho hãng nên sẽ ít liên lạc với tôi. Lân và Mỹ Lan (vợ anh Lân) đều rất lo cho chúng tôi.

Tôi nhờ Kiểng nhắn lại với anh Lân và Ðinh Quang Anh Thái về việc Thái nói định in tác phẩm của tôi. Tôi nghĩ lại những bài đó phần lớn tôi đã viết và đăng báo hay phát trên đài, mặt khác dù tôi có bị bắt hay không, việc công bố tác phẩm là quyền của tôi nên bên đó cứ làm, không cần chờ đợi.


Thứ bảy 23/11/96

Tôi nghe đài BBC buổi 6g sáng. Bản tin về vụ tòa phúc thẩm bác bỏ đơn kháng án của Lê Hồng Hà, vẫn y án 2 năm. Tiếp đó có nhắc qua việc của tôi: Tin từ Thành phố Ðà Lạt cho biết nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự đã bị công an thành phố gọi lên thẩm vấn liên tục từ ngày 12/11 đến nay về các bài viết của ông đăng trên báo chí hải ngoại.

Tôi sực nhớ là đã quên ghi việc đài VOA đưa tin. Hôm trước, Ngọc Hân, trưởng ban Việt ngữ của đài Úc sau khi phỏng vấn tôi, có nói là sẽ chuyển cho đài VOA phát vào đầu tuần sau. Tôi đón nghe và buổi phát thanh tối thứ hai 18/11 đài VOA có phát bài của Ngọc Hân. Ðây không phải là toàn văn buổi phỏng vấn giữa Ngọc Hân và tôi mà là một bài viết của Ngọc Hân về tôi, trong đó có trích đoạn 3 lần lời tôi nói trong buổi phỏng vấn. Phần viết của Ngọc Hân có một chi tiết sai: Tôi nói rõ về việc D, lãnh đạo Cục A25 gặp Quốc nói về tôi, nhưng Ngọc Hân lại viết một cán bộ Cục 25 của Bộ Nội vụ từ Hà Nội vào trực tiếp thẩm vấn tôi.

Trước 8g, tôi lại đi lên CA làm việc. Mấy này qua, hoa quỳ dại đã bắt đầu nở vàng chung quanh vườn nhà tôi nhưng tôi không chú ý lắm. Bây giờ trên đường đi, dọc theo dốc Sương Nguyệt Ánh, trên các sườn đồi chung quanh Viện Hạt nhân và Trrường Cao đẳng Sư phạm, hoa quỳ dại đã vàng rực lên bốn bề trong nắng sớm. Chao ôi màu hoa hoang dã chói chang này năm nào chúng tôi làm cuộc đi xuyên Việt để đấu tranh cho tự do báo chí và xuất bản, cho tự do dân chủ và đổi mới thực sự, đã rực lên khắp núi rừng Tây nguyên, dấy lên trong lòng chúng tôi biết bao cảm xúc. Tôi nhớ lại, cũng vào thời gian này, một tháng cuối đông cách đây 8 năm, chúng tôi đã lên đường giữa màu hoa nồng nàn thúc giục. Bao nhiêu thay đổi thăng trầm đã trôi qua. Bây giờ tôi lại vào cuộc chiến đấu, có lẽ khó khăn hơn, nhưng không phải trở về từ khởi điểm, mà bắt đầu từ một mốc dấu mới. Cám ơn hướng dương -dã quỳ đã nhắc nhở tôi luôn hướng vọng về mặt trời - ánh sáng.

Buổi làm việc với B lại tiếp tục.

Trong cuốn vở phác thảo chính luận của tôi có một bài trả lời phỏng vấn gần như viết hoàn chỉnh về 3 vấn đề: Tình hình sau Đại hội 8, hoạt động của trí thức đấu tranh cho dân chủ và tình hình về Hà Sĩ Phu. Ðây là bài tôi trả lời phỏng vấn báo Thiện Chí ngày 16/8/96. Trong phần tình hình về Đại hội 8, tôi có ghi sự kiện mấy đại biểu Nam bộ dự Đại hội bị giăng bẫy đi chơi gái, bị quay phim, đưa ra chiếu trong Đại hội. B hỏi tôi căn cứ vào đâu để cho đó là việc giăng bẫy.

Trước hết tôi yêu cầu xác nhận việc đại biểu đi chơi gái bị quay phim có hay không vì việc này được các đại biểu dự Đại hội về kể lại và sau đó có thông báo chính thức ở các địa phương khi báo cáo kết quả Đại hội Đảng. B thừa nhận là có. Việc giăng bẫy là do nhiều người suy diễn nhưng có cơ sở:

  1. Ðại biểu đi theo đoàn có hộ tống, bảo vệ chặt chẽ
  2. Việc đi chơi là do một số cán bộ ở Hà Nội mời đi
  3. Việc chơi gái bị quay phim đầy đủ
  4. Sự việc được thông báo ngay trong Đại hội
  5. Ðang có sự tranh chấp giữa các phe phái trong đó có vấn đề tranh chấp Nam Bắc.

Do đó tôi tin là có việc giăng bẫy.

B chống chế giải thích và nói chưa có cơ quan chính thức nào của Nhà nước xác nhận đây là vụ giăng bẫy. Tôi nói thông tin của Nhà nước chưa chắc chính xác và đầy đủ. Thí dụ ngay Bộ Chính trị Trung ương Ðảng cũng đã cắt xén một phần di chúc của ông Hồ Chí Minh khi công bố, đoạn nói về việc hỏa táng và miễn thuế cho dân, nói thế dân làm sao tin được. Tôi nói đến đó B gạt đi bảo việc đó đã qua và Ðảng đã có thông báo và cũng cho qua luôn vấn đề giăng bẫy.

B nói trong vở của tôi có phần phác thảo một cuốn tiểu thuyết mới, yêu cầu tôi cho biết chủ đề tư tưởng và nội dung chính tôi định viết. Tôi nói ngay tôi từ chối trả lời câu hỏi này vì đây mới là dự định. Tôi có thể nói cho anh ta nghe nếu anh ta là bạn bè hay người quen biết nhưng với tư cách CA thẩm vấn tôi không trả lời.

B nói cũng đoán tôi sẽ trả lời như thế nhưng B hỏi là có lý do khác: Trong phần phác thảo nhân vật tôi có ghi tên nguyên mẫu rất nhiều người là cán bộ đương chức của tỉnh, trong đó có cả giám đốc công an. Tôi nói tôi có thể giải thích cho anh ta về mặt kỹ thuật tiểu thuyết, nhà văn có thể sử dụng nguyên mẫu bất cứ ai trong đời thường, từ đó hư cấu thêm, khái quát lên để xây dựng nhân vật. Riêng đối với tiểu thuyết tôi định viết, chưa có gì định hình, chưa biết xây dựng nhân vật nào và diễn biến câu chuyện ra sao.

B hỏi tôi có viết bài cho đài Tiếng Nói Tự Do do Irina phụ trách không và có liên hệ gì với đài này. Tôi nói trước đây tôi có nghe đài này vài lần nhưng không có liên hệ gì, sau đó đài này ngưng phát. B hỏi thêm đài đó có liên hệ gì với đài Diễn Đàn Dân Chủ mà tôi đã trả lời phỏng vấn và tôi biết gì về nhóm Ngàn Lau, Tổng đoàn Thanh niên Thiện chí, Hội Người Ðà Lạt tại Mỹ. Thực ra đây là những điều tôi ghi lại theo Nguyễn Hưng Việt nói khi đặt vấn đề phỏng vấn tôi. Ðài Diễn Đàn Dân Chủ tiếp nối đài Tiếng Nói Tự Do và các tổ chức kia ở Mỹ có cộng tác với đài. Tôi nghe sao biết vậy thôi.


Phần kế tiếp, B hỏi sâu các khía cạnh về mặt tổ chức của các đài, báo đã đăng tải bài viết của tôi hay tôi có cộng tác.


Các tạp chí Diễn Ðàn, Ðối Thoại, Hợp Lưu: tôi chỉ biết sơ qua và đã nói hôm trước. Riêng nhóm Diễn Ðàn tách ra từ nhóm Ðoàn Kết, trước đây thân Cộng và chống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.


Chiều và tối thứ bảy, Yến và tôi nghỉ ngơi được đôi chút. Hôm nay hình như tổ theo dõi trước nhà tôi đã rút, hay chuyển địa điểm, hoặc đổi phương thức theo dõi. Tôi không còn thấy bóng dáng của họ.

Mỗi chiều Yến và tôi vẫn thiền nhưng khó tập trung vì lúc nào cũng nghĩ đến những việc đang xảy ra. Tuy nhiên khi ngồi thiền, tôi thấy được vấn đề một cách sáng suốt nhất.


Chủ nhật 24/11/96

Buổi sáng sau khi dọn dẹp nhà cửa, giặt rũ quần áo xong, Yến và tôi chuẩn bị ra phố thì A, CA khu vực đến. A báo vì CA TP sáng mai có cuộc hội nghị nên hẹn tôi đến thứ ba sẽ làm việc tiếp. Vậy là tôi được nghỉ thêm một ngày để ghi nhật ký. Ngày nào cũng có nhiều sự kiện nên ghi không kịp trong ngày.

Chúng tôi đến Lĩnh nhưng vợ chồng Lĩnh đều đi vắng. Tôi gởi lại phần nhật ký đã viết trước để Lĩnh đọc, biết tình hình, vì từ sự cố hôm đầu tiên 12/11 đến nay Lĩnh và tôi không gặp và không liên lạc được với nhau, kể cả qua điện thoại. Sau đó chúng tôi đến Tấn, Tấn cũng đi vắng, chỉ gặp Loan, vợ Tấn. Chúng tôi qua nhà Quốc để trả cho Thục, vợ Quốc, chiếc đèn pin mượn hôm trước. Qua nói chuyện với Loan và Thục, chúng tôi biết thêm một số việc.

Chiều và tối, tôi giúp Yến soạn vài chi tiết trong giáo án Anh văn để dạy ở trường. Những sự bắt buộc ngu xuẩn! Dạy 20 năm rồi mỗi năm đều phải soạn lại giáo án, thực ra là chép lại, càng lúc càng ngắn vì đã quá chán. Năm nay có hướng dẫn mới. Từng tiết dạy đều phải soạn đầy đủ các mục yêu cầu về giáo dục, yêu cầu về giảng dạy, giới thiệu từng vấn đề sẽ dạy, các bước lên lớp một cách chi ly cho một bài giảng 45 phút. Mẹ kiếp! Hai học sinh hỏi nhau cái áo màu gì, nhờ đưa giùm cây bút qua các mẫu câu đối thoại Anh ngữ cũng phải có mục đích giáo dục. Thế mà học sinh ngày càng hư hỏng. Cái nền giáo dục này sẽ đi về đâu với nội dung, kiểu cách làm việc như thế?

Tôi muốn khùng lên vì sự ngu xuẩn này nhưng cũng phải ráng bóp bụng để làm giúp Yến. Tôi viết văn quen hư cấu mà cũng nghĩ nát óc mới tìm ra được mục đích giáo dục trong những câu đối thoại Anh ngữ vụn vặt, có khi đành phải chịu thua. Yến phải làm đầy đủ mọi thứ để sắp tới còn phải chịu thanh tra, kiểm tra theo quy định của ngành và của trường. Dạy học là một nghề cao quý, tôi cũng đã từng theo đuổi, nhưng bây giờ là một nghề chết đói, chết tiệt. (Tuy nhiên lại cũng có người giàu lên nhanh chóng nhờ nghề này). Yến không thể chuyển nghề khác đành phải rán chịu đựng. Thời gian này, vừa căng thẳng do việc của tôi, vừa phải dạy ở trường, dạy thêm ở nhà, soạn hồ sơ giáo án, Yến rất mệt mỏi, hốc hác, thấy thật thương. Lại thêm ăn uống thất thường, có bữa nhịn, nên sức khỏe Yến giảm sút nhiều, chưa kể còn ho, cảm cúm kéo dài. Tội nghiệp cả con chó Bim trung thành của chúng tôi, gần hai tuần nay cũng ăn uống thất thường như chủ. Chúng tôi đặt chuồng và buộc nó bên cạnh lối đi vào nhà, nó sủa rất dữ khi có ai vào và CA khi vào cũng phải dè chừng.


Thứ hai 25/1996

Mới 6g sáng, Minh vợ Lĩnh đã gọi điện hẹn Yến ra nói chuyện. Có lẽ hôm qua vợ chồng Lĩnh đọc nhật ký của tôi đã có nhiều suy nghĩ và muốn trao đổi. Yến hẹn đến trưa vì phải dạy suốt buổi sáng.

11g30 chúng tôi đến Lĩnh. Hai vợ chồng tiếp chúng tôi và chúng tôi chủ yếu ngồi nghe vì họ có nhiều điều cần nói, còn về phía tôi, tôi đã ghi hết trong nhật ký.

Việc đầu tiên Lĩnh hỏi tôi đã gởi nhật ký đi đâu chưa và đề nghị nên xem kỹ lại trước khi công bố vì sợ sẽ có những chi tiết bất lợi. Qua những điều Lĩnh và Minh nói, kết hợp với những điều Loan và Thục nói hôm qua, chúng tôi hiểu thêm một số tình hình và vấn đề sau đây:

Hôm 12/11 lúc Lĩnh đến nhà tôi và mang đi chiếc cặp, Lĩnh đã có cảnh giác nhưng vẫn bị theo dõi ráo riết nên CA đã phát hiện Lĩnh gởi chiếc cặp ở nhà Tấn. Hôm đó Lĩnh phải làm trưởng ban lễ tang cho đám tang của một người quen nên sau khi gởi cặp, Lĩnh đi lên chỗ đám tang.

Sau khi theo dõi, CA làm giấy mời đến nhà mời Lĩnh lên CA làm việc nhưng Lĩnh đã ra khỏi nhà. Họ hỏi và đi đến tận chỗ đám tang mời Lĩnh lên CA Tỉnh làm việc. Lúc đó là 2g trưa. CA không để Lĩnh đi một mình mà có người ngồi kèm ngay sau Honda của Lĩnh. Từ đó, cũng như tôi, Lĩnh kẹt luôn cho đến sáng hôm sau.

Làm việc với CA, ngoài các cán bộ lãnh đạo CA Tỉnh và Thành phố, Lĩnh nhận xét còn có hai cán bộ của Bộ Nội vụ ở Hà Nội vào và một ở Sài Gòn lên dù họ không giới thiệu.

Trong lúc Lĩnh đang làm việc ở CA Tỉnh thì một bộ phận CA khác truy tìm chiếc cặp ở nhà Hải với một đoàn xe hùng hậu và số lượng CA đông đảo làm náo động cả một khúc phố Phan Ðình Phùng. Ở đây có một tình tiết thú vị: Hải và Tấn là hai anh em ruột, trước đây do làm giấy tờ giả để trốn quân dịch nên cả hai anh em đều cùng có tên trên giấy tờ là Huỳnh Nhật Hải. Người quen biết thường gọi anh là Hải và em là Tấn để phân biệt. Gia đình Hải - Tấn là “cách mạng nòi”, từng nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo ngay trong nhà thời hoạt động bí mật. Hai anh em đều tham gia phong trào học sinh - sinh viên đấu tranh của Ðà Lạt. Sau 75 hai người được tổ chức coi là những cán bộ kế thừa, được đào tạo và chuẩn bị cho lâu dài. Hải đã từng là Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Ðà Lạt. Tấn là Tỉnh ủy viên dự khuyết, Phó Giám đốc trường Ðảng của Tỉnh. Ðùng một cái, khoảng 7 năm trước, hai anh em đều tuyên bố từ chức và xin ra khỏi Đảng vì không chịu nổi sự suy thoái của guồng máy. Việc này làm tổ chức Đảng ở Lâm Ðồng - Ðà Lạt vô cùng bối rối.

Trở lại vụ truy tìm chiếc cặp, một số cán bộ CA, trong đó có cả lãnh đạo CA Tỉnh vào gặp Hải yêu cầu đưa ra chiếc cặp. Hải từ chối nói không biết gì. CA uy hiếp tinh thần, dọa sẽ dùng lệnh xét nhà nhưng Hải vẫn cứng cỏi từ chối. Trong lúc giằng co, một CA vào thì thầm báo có sự nhầm lẫn, Lĩnh gởi cặp ở nhà Hải-em tức Tấn chứ không phải nhà Hải-anh. Thế là CA phải xin lỗi Hải, kéo vào nhà Tấn. Vợ chồng Tấn đều vắng nhà. Tấn đi làm vườn, Loan đi dạy. CA yêu cầu Hải vào mở khóa nhưng Hải cũng từ chối. Hai anh em cùng ở chung một dãy nhà, Hải ở căn mặt tiền còn Tấn ở căn cuối sâu trong hẻm. CA hỏi thăm chỗ Tấn làm vườn và dùng ô tô đưa Tấn về nhà.

Ban đầu Tấn định chối, nhưng vì cặp để trong nhà kho ngay bên cạnh, nếu xét nhà, chắc chắn CA sẽ tìm ra ngay, vì thế Tấn phải nhận. Trong khi đó, ở CA Tỉnh, Lĩnh thấy CA đã biết rõ và vì một số lý do khác, chối sẽ bất lợi nên Lĩnh cũng nhận. Thế là CA đưa Lĩnh xuống nhà Tấn để làm biên bản thu giữ chiếc cặp. Lúc đó là 3g15' theo biên bản. Việc thu giữ chiếc cặp này được quay camera.

Sau đó, Lĩnh được đưa lên CA Thành phố, nơi tôi đang bị CA thẩm vấn. Tiếp theo, CA đến nhà tìm vợ tôi rồi đưa lên CA phường và CA Thành Phố như tôi đã kể trước đây.

(Lĩnh kể chuyện nhanh. Bây giờ tôi ngồi ghi nhật ký mới ngạc nhiên không hiểu người ta đã làm gì mà đến 10g đêm B mới đưa tờ tường trình của Lĩnh nhận vụ chiếc cặp cho tôi. Tôi đã cù cưa với B từ 6g chiều đến 10g đêm mới thừa nhận vụ chiếc cặp khi chính mắt đọc tờ tường trình của Lĩnh.)

Kế tiếp là vụ mở cặp tôi đã ghi trước đây. Ðến 12g đêm, sau khi ký biên bản kết thúc việc mở cặp, Lĩnh lại được đưa qua phòng bên làm việc thêm khoảng 1g nữa và khi Lĩnh trở lại tỏ ra lo lắng như tôi đã viết.

Lĩnh kể: Hai cán bộ nói giọng Hà Nội và một nói giọng Sài Gòn mà Lĩnh nghi là những cán bộ cấp trên trực tiếp chỉ đạo vụ này, dùng nhiều cách đe dọa, thuyết phục Lĩnh: Cỡ như Nguyễn Hộ, Phan Ðình Diệu mà chúng tôi còn trị được, các anh ăn thua gì. Trong vụ này, anh đã là tòng phạm. Chúng tôi sẽ nương nhẹ anh nếu anh cũng biết điều với chúng tôi. Anh là bạn Bảo Cự, nhưng anh đâu biết hết Bảo Cự viết những gì, liên lạc với những ai, tham gia tổ chức nào. Có những người hoạt động phản động vì lý do kinh tế, vì muốn nổi tiếng hay vì nhiều lý do khác mà anh không thể biết được. (Thật là đủ kiểu ly gián!) Chúng tôi đối xử với anh khác, còn Bảo Cự nhất định sẽ bị xử lý.

Các cán bộ CA này yêu cầu Lĩnh phải nộp máy vi tính để kiểm tra, nếu không CA sẽ xét nhà Lĩnh. Tính toán lợi hại, Lĩnh đành để CA kiểm tra máy vi tính. Thế là sau đó, sau khi về nhà tôi làm việc đến 3g sáng, CA lại đưa Lĩnh về nhà Lĩnh làm biên bản thu giữ đầu CPU và các đĩa vi tính đên 5g sáng mới xong.

Ngày 13/11, ở CA TP, buổi sáng, CA kiểm tra máy vi tính của tôi, buổi chiều kiểm tra máy của Lĩnh, phần CPU.

Ngày 14/11, Lĩnh yêu cầu nghỉ vì phải lo đưa đám tang mà Lĩnh làm trưởng ban tang lễ. Ngày đó, CA làm việc với tôi.

Hai ngày tiếp 15 và 16/11, CA kiểm tra các đĩa vi tính của Lĩnh với một chuyên viên dân sự, có lẽ là người đã làm với máy của tôi. Làm với tôi đơn giản vì tôi chỉ có 6 đĩa mềm và 14 đĩa CD ROM. Với Lĩnh vô cùng vất vả vì Lĩnh có đến hơn 300 đĩa mềm phải kiểm tra nội dung, không sao làm kỹ được. Tôi mới có máy vi tính và sử dụng rất lơ mơ, chủ yếu đánh máy, học ngoại ngữ nhưng Lĩnh rất thành thạo dù Lĩnh chỉ tự học. Lĩnh say mê vi tính, lại làm công việc sao chép các loại chương trình cho khách hàng nên có rất nhiều đĩa với nội dung khác nhau. Kiểm tra được một số đĩa, chuyên viên vi tính bắt đầu nản. Lĩnh đề nghị một phương thức là thống kê tất cả danh mục, sau đó kiểm tra xác suất. Người ta đồng ý. Cuối cùng, sau hai ngày làm việc, chuyên viên vi tính xác nhận không có nội dung gì có hại.

Lĩnh được mời vào phòng làm việc của F, Trưởng CA TP ÐL. Ở đó, các cán bộ CA nói chuyện giả lả với Lĩnh rồi quyết định trả lại máy vi tính và các đĩa. Thế là trong tuần đầu, Lĩnh mất 4 ngày làm việc với CA.

Trong tuần thứ nhì, có một hôm Ð và E, hai cán bộ lãnh đạo CA Tỉnh và B đến nhà Lĩnh nói chuyện có vẻ đấu dịu, xác nhận tài liệu trong chiếc cặp của tôi không có gì ghê gớm và hứa sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ giữa các cán bộ lãnh đạo CA với Lĩnh, Hải và Tấn tại nhà Tấn để thông cảm. Các cán bộ lãnh đạo CA Tỉnh và TP không xa lạ gì với 3 người này. Họ đã từng là đồng sự của nhau. Riêng Ð đã từng học tại trường Ðảng Tỉnh khi Tấn là Phó Giám đốc trường này.

Trong vụ lộn xộn vừa qua, Tấn đã nói với Ð: Cán bộ càng ngày càng giàu trong khi dân càng ngày càng nghèo, các anh nên lo chống tham nhũng hơn là lo bắt bớ các vụ như thế này. Ð nói với Tấn: Ðộ này anh thay đổi nhiều quá. Tấn trả lời: Chính các anh thay đổi chứ tôi không thay đổi. Ðối đáp như thế, Tấn tỏ ra rất cứng cỏi mặc dù thường ngày anh có vẻ chậm chạp, hiền lành.

Lĩnh đưa ra nhận định: Vì không có bằng cớ gì, CA thấy nếu để vụ này dính đến Lĩnh, nhất là đến Hải và Tấn, hoàn toàn bất lợi cho họ nên họ đã tìm cách dàn xếp cho êm việc liên quan đến ba người này. Tuy nhiên trong thời gian qua, Lĩnh chủ trương tạm cắt đứt mọi mối quan hệ, nhất là qua điện thoại nên tôi và Quốc đều không tiếp xúc được với Lĩnh.

Về phần Minh vợ Lĩnh, Minh xác nhận từ trước không thích chuyện chính trị nhưng vì tôn trọng Lĩnh nên để Lĩnh muốn làm gì thì làm, không can dự vào. Riêng trong vụ này, Minh thấy khá nguy hiểm nên đã tìm cách tách Lĩnh ra và chứng tỏ Minh hoàn toàn không dính gì đến chính trị. Do đó Minh đã có thái độ trách cứ Yến, vợ tôi và cố tỏ ra cho mọi người thấy điều đó. Nếu Lĩnh có gì phiền phức, Minh sẽ vô can để lo cho hai con và cửa hiệu sách. (Lĩnh-Minh có hai con gái còn nhỏ rất thông minh và dễ thương: Ti-Thủy Tiên học lớp 10 và Un-Hướng Dương học cấp 1. Tôi rất thích hai bé này.)

Lĩnh cho biết đã đưa Tấn xem phần nhật ký của tôi. Lĩnh và Tấn cùng nhận định: Cách làm của tôi và Quốc đi quá nhanh, quần chúng không theo kịp, giống như cầu thủ dẫn bóng chạy trước một mình. Tôi đã làm việc quá công khai, quá thẳng, mọi sự đều đặt lên bàn giống như ở bên Tây trong khi tình hình Việt Nam khác.

Về việc hỗ trợ của bên ngoài, Lĩnh nói: Một ngàn người ở ngoài ủng hộ không bằng mười người trong nước, cho nên cần phải bám sát quần chúng tại chỗ. Lĩnh nói thêm: Trong thời gian này, ai ở tù người đó rán chịu, những người còn lại ở bên ngoài lo việc khác để duy trì phong trào. Vả lại, sắp tới còn phải lo cho Hà Sĩ Phu sắp ra tù trở lại cuộc sống bình thường. Cần có người thường xuyên lui tới để động viên và giúp Hà Sĩ Phu lấy lại đà làm việc như trước.

Nói chuyện với vợ chồng Lĩnh đến 1g trưa, chúng tôi phải cáo từ vì Yến còn phải về dạy thêm và Lĩnh phải đưa con đi học.

Trong câu chuyện với vợ chồng Lĩnh, có một số vấn đề Yến và tôi không đồng tình nhưng chúng tôi không có thời gian và chưa tiện trao đổi, tranh luận. Vấn đề “tiền phong quá sớm”, “bảo vệ phong trào, bảo toàn lực lượng”, Quốc và tôi đã nghe và tranh luận trong chuyến đi xuyên Việt năm 1988 với các bạn văn nghệ miền Trung. Tôi lại liên tưởng đến sự thất vọng của Hà Sĩ Phu đối với trí thức trước tình hình. Dĩ nhiên mỗi người có thể có quan điểm riêng của mình. Tuy nhiên tôi vẫn mong sao số trí thức dám dũng cảm công khai nói quan điểm, tiếng nói lương tri của mình không phải chỉ là số đếm trên đầu ngón tay. Tôi cũng hi vọng, như một số người nói, có nhiều cách làm khác nhau và có nhiều trí thức hiện ở trong guồng máy vẫn âm thầm và khôn khéo làm những việc có ích cho dân chủ và đất nước.

Buổi tối, 9g30, Nguyễn Văn Thành ở báo Thiện Chí từ Ðức gọi về. Thành nói mới biết tin trễ, do Vũ Thư Hiên đang thăm báo Thiện Chí thông tin lại nhưng chưa rõ ràng nên gọi hỏi. Tôi kể sơ qua. Thành hỏi thêm về luật chính phủ Việt Nam mới ban hành có điều kiện khe khắt đối với Việt kiều về nước nhưng tôi chưa biết việc này. Thành còn đề nghị tôi viết tiếp cho báo Thiện Chí về một vấn đề văn hóa văn nghệ nào đó và đặc biệt một bài tham gia cuộc hội thảo bên Ðức sẽ tổ chức vào tháng 1/97 với chủ đề: Hà Sĩ Phu, tấm gương đấu tranh cho dân chủ.

11g30 chúng tôi vừa đi ngủ chừng một tiếng thì Phạm Ngọc Lân gọi. Lân thông báo, năm nay tôi được trao giải thưởng của tổ chức Human Rights Watch Asia mà năm ngoái Hà Sĩ Phu đã được trao. Người ta muốn hỏi tôi có đồng ý công bố không. Tôi đồng ý ngay vì đối với tôi, tôi muốn mọi việc đều công khai và quang minh chính đại. Tôi cũng xác định lại việc đồng ý in tác phẩm của tôi Lân đang giữ và những bài viết đã đăng tải ở hải ngoại thời gian qua theo đề nghị của Anh Thái hôm trước.


Thứ ba 26/11/96

8g lại làm việc ở CA TP. B yêu cầu tôi xác định lại một số vấn đề, có việc đã hỏi rồi nhưng muốn hỏi lại. Tôi xác nhận và C ghi biên bản, B không hỏi đi hỏi lại kỹ như các buổi trước.


B nói sau khi phát hiện, hỏi rõ quá trình, mối quan hệ và các hiểu biết của tôi, cuộc thẩm vấn ở giai đoạn này tạm ngưng để CA nghiên cứu, sau đó sẽ lại tiếp tục làm, có thể từ đầu tháng tới.

Trước khi kết thúc biên bản, tôi yêu cầu ghi thêm một ý kiến và một đề nghị. Ý kiến: Trong các buổi thẩm vấn, thái độ của các cán bộ CA là tôn trọng, đàng hoàng, lịch sự, không truy bức, tuy nhiên vì thời gian làm việc khá lâu nên đã ảnh hưởng phần nào đến sinh hoạt gia đình, việc làm ăn và mối quan hệ của tôi với bạn bè, người thân. Ðề nghị: Trả lại cho tôi các tài liệu đã thu giữ, ít nhất trước mắt trả những gì không trực tiếp liên quan đến các bài viết được đăng tải trên đài, báo nước ngoài.

Ngoài ra tôi có chuẩn bị sẵn một văn bản chính thức để gởi cho các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và ngành CA nhưng vì tôi viết khá căng, bây giờ đưa chưa thuận lợi, nên tôi nói thêm với B mấy ý để anh ta chuyển lên cho cấp trên:

  • Chúng tôi muốn đối lập chứ không đối kháng. Không cần gì phải xung đột, tiêu diệt lẫn nhau mà nên đối thoại để đi đến hòa giải hòa hợp. Nếu có ít nhất một tờ báo đối lập, độc lập thực sự ở trong nước, chúng tôi không nhất thiết phải viết cho đài, báo nước ngoài.

  • Ðảng và Nhà nước đã chính thức thừa nhận Việt kiều ở hải ngoại là một bộ phận của cộng đồng dân tộc, chủ trương đại đoàn kết, xóa bỏ hận thù, chấp nhận những ý kiến khác nhau nhưng cùng vì lợi ích của dân tộc. Như thế không thể cứ coi mọi tổ chức, đài, báo nước ngoài là phản động, mà phải lắng nghe, đối thoại với họ thay vì cấm đoán.

  • Trong vụ việc của tôi, thực ra đây không phải là vấn đề cá nhân mà là một vấn đề chung. Tôi mong rằng Ðảng và Nhà nước sẽ có cách xử lý đúng đắn, khôn ngoan để không làm hại đến lợi ích của đất nước. Về phần tôi, tôi luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi ý kiến và việc làm của mình.

  • Tôi tin rằng B sẽ chuyển những ý kiến đó. Trước khi ra về, B và C đều chào tạm biệt tôi một cách vui vẻ và hẹn ngày gặp lại. Tôi cũng đã sẵn sàng cho hiệp ba của cuộc đấu.

    Trước mắt, đây rõ ràng là một cuộc đấu không cân sức. Tôi chỉ có một mình. Số người tiền phong đấu tranh cho dân chủ trong nước vẫn còn ít ỏi. Nhưng chúng tôi vững tin chúng tôi có sức mạnh của chính nghĩa và sự công khai, cùng với sự ủng hộ thầm lặng của đông đảo nhân dân và những người tâm huyết khác trong nước, sự hỗ trợ rộng rãi của bạn bè và dư luận trên toàn thế giới.

    © 2006 talawas