© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
8.2.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Tôi bày tỏ
Nhật ký trong những ngày bị quản chế 1996 –1998 (13 kì)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Những ngày kế tiếp - Giai đoạn 3

Thứ tư 27/11/96

Từ hôm nay, tôi được tạm nghỉ để CA nghiên cứu lời khai của tôi trong đợt thẩm vấn thứ hai trước khi mời làm việc tiếp. Tôi tận dụng thời gian để hoàn chỉnh phần nhật ký mấy ngày trước và đưa đi photo. Việc photo cũng không dễ dàng vì tôi biết rõ CA kiểm tra nghiêm nhặt các cơ sở này và nhiều nơi có người chỉ điểm của CA. Mỗi lần tôi chỉ photo 2, 3 tờ. Tôi chở Yến ra phố, chạy dọc theo các đường, thấy có tiệm nào vắng, Yến vào thuê làm, mỗi lần một tiệm khác nhau. Yến rất căng thẳng trong chuyện này. Những tờ in mờ bỏ đi phải yêu cầu lấy luôn. Có lúc trục trặc, giấy kẹt trong máy gỡ mãi không ra. Có lúc có khách hàng khác đến thuê làm dòm ngó hay một vài gã đáng ngờ lẩn quẩn quanh chỗ photo. Cuối cùng cũng xong.

Tôi quên ghi và bây giờ không thể nhớ chính xác, khoảng mấy ngày trước, Lê Hoàng từ Hà Nội gọi điện vào. Hoàng là một nhà báo tôi mới quen do anh ta tự tới tìm gặp tôi khi anh có dịp lên Ðà Lạt. Hoàng có nhiều nhận định khá sắc sảo về tình hình thời cuộc và biết nhiều thông tin. Ðể minh chứng báo chí hiện nay có nhiều khởi sắc, Hoàng đã photo gởi cho tôi một số bài trên các báo Tiền Phong, Thanh Niên, Ðại Ðoàn Kết, Nhà Báo và Công Luận...

Hoàng cho biết hiện nay ở Hà Nội cũng đã có nhiều người đọc bài của tôi, đặc biệt những bài viết về Hà Sĩ Phu và đánh giá đó là những bài viết xuất sắc. Hoàng đã biết tin về việc tôi bị CA gọi thẩm vấn qua các đài nước ngoài và cho rằng không có gì đáng lo ngại. Hiện nay việc đăng tải bài trên các đài báo nước ngoài là chuyện bình thường. Nhiều cán bộ, Đảng viên và lãnh đạo cũng làm như thế. (Nhưng dĩ nhiên tính chất khác hẳn.)

Khoảng 3g chiều 27/11 có một người ở Mỹ gọi về, tự xưng là Nguyễn Văn Thắng, phóng viên đài Chân Trời Mới, phụ trách Bắc Mỹ Châu. Thắng hỏi tôi có biết đài Chân Trời Mới không. Tôi nói mấy năm trước tôi có nghe loáng thoáng đài này một đôi lần, gần đây không nghe. Thắng giới thiệu sơ lược về đài này: Do một nhóm người nhiệt tâm tổ chức, văn phòng đài đặt tại Nhật, chuyên về truyền thông, loan tải tin tức khắp thế giới, đặc biệt tin tức trong nước. Ðài không phải là một tổ chức phản động mà có tính cách vô tư, muốn dành cơ hội phát biểu cho mọi người, nhất là những người ít có điều kiện tự do phát biểu như tôi.

Thắng muốn phỏng vấn tôi một số việc chung quanh vụ CA mời tôi thẩm vấn, về tác phẩm Nửa đời nhìn lại và chuyến đi xuyên Việt năm 1988. Tôi yêu cầu Thắng đọc qua các câu hỏi, nếu được tôi trả lời ngay, nếu không tôi hẹn vào thời gian khác. Thắng đọc và tôi đồng ý trả lời ngay các câu hỏi. Tôi cũng nói thêm tôi chỉ chịu trách nhiệm về nội dung những điều tôi nói, tôi xem đài Chân Trời Mới là một cơ quan truyền thông, còn tổ chức, đường lối của đài như thế nào tôi không biết hay có quan hệ gì. Thắng nhận xét tôi nói như thế là rõ ràng, thẳng thắn và chính xác. Sau đó tôi trả lời phỏng vấn dưới hình thức đối thoại khá thoải mái với Thắng những vấn đề sau đây:

Chung quanh vụ CA thẩm vấn:

  1. Thuật lại tình hình CA mời lên làm việc mấy ngày qua
  2. Những người có liên hệ đến vụ này
  3. Có tổ chức gì không?
  4. Tiên đoán hậu quả sắp tới.
Về tác phẩm Nửa đời nhìn lại (Ðăng ký ở Mỹ số 93.61877):

  1. Nghĩ sao về ý nói phe chống Cộng coi tác giả là người phản bội trong bài tựa của Ðặng Tiến? Hoài trong tác phẩm có phải là chính tác giả không?
  2. Tác giả tự nhận có món nợ phải trả, vậy đã trả được chưa?
  3. Nói thêm về các ý: Những người trí thức chân chính không có tiền, không có quyền và thường là những kẻ thua cuộc. Có tác phẩm là những trái mìn đặt trong lòng chế độ vô đạo.
  4. Cuối tác phẩm có nói về khát vọng tìm kiếm một con đường. Ðến nay tác giả đã tìm được chưa?
Ngoài những vấn đề trên, tôi và Thắng còn nói chuyện linh tinh đến gần một tiếng đồng hồ. Thắng nói mong có CA nghe cuộc điện thoại này để khỏi đoán mò. Thắng cũng đã dự liệu, nếu cuộc phỏng vấn bị cắt giữa chừng, Thắng sẽ phản đối và yêu cầu Công ty Ðiện thoại đền bù. Khi nói về chuyện thông tin trên internet, Thắng bảo mình cũng là một chuyên viên điện toán và biết rõ ở Việt Nam hiện có 32 máy vi tính nối trực tiếp vào mạng internet mà chính phủ không kiểm soát được.

Xong buổi phỏng vấn với Thắng, tôi và Yến đến nhà Quốc để gặp Thục, vợ Quốc, vì ngày mai Thục đi Sài Gòn dự đám cưới Hương Ly. Qua buổi nói chuyện với Lĩnh - Minh hôm trước, tôi và Yến cũng đồng ý xem lại nhật ký, bỏ bớt vài chỗ vì công bố ra không có lợi. Tôi nhờ Thục nói lại với Quốc các ý này và đề nghị Quốc tạm thời thu hồi phần nhật ký Quốc đã mang đi, sau này xem xét kỹ, hoàn chỉnh và khi cần sẽ tính chuyện công bố sau.


Thứ sáu 29/11/96

21g20, một cô tự giới thiệu là Thanh Vân ở Pháp gọi điện về. Yến nghe điện thoại và nói chuyện luôn. Thanh Vân ở trong “Ủy ban nước Pháp vì dân chủ ở Việt Nam”. Tổ chức này do dân biểu Christian Vanneste làm chủ tịch. Vân cho biết Ủy ban này trước đây đã can thiệp vụ Hà Sĩ Phu và có gởi thư cho bà Hà Sĩ Phu. Hiện nay Ủy ban đã biết tin về việc của tôi qua hãng thông tấn VNN và Liên minh Việt Nam Tự do, cũng đã đọc mấy bài của tôi viết về Hà Sĩ Phu được dịch ra tiếng Pháp. Vân hỏi Yến có muốn Ủy ban can thiệp không và cho biết Ủy ban có thể gởi công hàm cho Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc này. Ðược hỏi bất ngờ, Yến có hơi bối rối, ra hiệu hỏi tôi bằng mắt. Tôi viết mấy chữ lên giấy. Yến thống nhất và trả lời: Ðề nghị liên lạc theo dõi thường xuyên để biết tin tức và đợi thêm thời gian, lúc chính quyền có biện pháp xử lý cụ thể sẽ có phản ứng thích đáng.


Thứ bảy, chủ nhật 30/11, 1/12/96

Tiếp tục ghi, photo nhật ký. Làm cỏ café trong vườn.


Thứ hai 2/12/96

Sáng gọi điện cho Hoàng Tiến. Tiến mới đi dự trại sáng tác ở Ðại Lãi về. Ðài VNCR đã gọi điện và Hoàng Tiến đồng ý cho thu bài “Về việc ông Hà Sĩ Phu bị bắt”. Vậy là thêm một người nữa vào cuộc. Ước gì có thêm vài Hoàng Tiến nữa để “chia lửa”. Tiến nói có một người bạn là nhà văn Hoàng Quốc Hải rất thích các bài viết của tôi. Tiến cũng nói sẽ tổ chức đi đón Hà Sĩ Phu ra tù vào ngày 4/12, nhưng sẽ không cùng vào Ðà Lạt như dự định vì CA tra hỏi rất phiền phức.

Chiều tôi và Yến đến nhà Quốc để gặp Thục mới ở Sài Gòn lên sau đám cưới Hương Ly. Quốc sẽ ở Sài Gòn thêm vài ngày nữa để đợi tin Hà Sĩ Phu vì Biên đã nhắn có thể về Sài Gòn trước.

Thục kể chuyện đám cưới, khách đến rất đông dù trời mưa tầm tã. Có một việc quan trọng liên quan đến tôi: G, nguyên lãnh đạo CA Lâm Ðồng, hiện là lãnh đạo Tổng cục An ninh thuộc Bộ Nội vụ, phụ trách phía Nam, cho người theo dõi Quốc ở Sài Gòn và mời Quốc lên cơ quan CA làm việc. G nói chuyện với Quốc, cho rằng tôi đã đi quá đà, bị kẻ xấu lợi dụng, nếu không dừng lại, Nhà nước sẽ xử lý vì không lẽ Nhà nước bất lực. G có ý nhờ Quốc nhắn lại tôi việc này. Thục kể sơ và bảo Quốc về sẽ nói chuyện với tôi nhiều vì Thục cũng không biết hết nội dung buổi gặp. Quốc chỉ kể sơ qua vì mấy ngày rồi bận lo đám cưới nên hai người cũng không nói chuyện nhiều.

Gặp Thục xong, chúng tôi đến Tấn. Tấn đi vắng, chỉ gặp Loan. Tôi đưa cho Loan phần tiếp nhật ký đợt hai của tôi để chuyển cho Tấn, Hải và Lĩnh đọc.


Thứ ba 3/12/96

Ban ngày tôi làm vườn được đôi chút. Tối Nguyễn Gia Kiểng gọi điện. Tôi kể chuyện G gặp Quốc, Kiểng bình luận: Ðó là một tín hiệu, người ta muốn anh xuống thang. Người ta muốn chờ anh nói “Tôi nhận vừa qua có sai lầm”. Tôi cười trả lời tôi sẽ không bao giờ nói câu đó. Kiểng góp ý, nếu cần anh cũng có thể nói sẵn sàng xem xét lại việc làm và phương pháp của mình để tỏ thiện chí, đồng thời cũng yêu cầu Nhà nước xem xét lại cách nhìn nhận và đối xử của Nhà nước đối với trí thức bất đồng chính kiến. Như thế mới là hòa giải hòa hợp. Tôi cho rằng ý kiến này có lý.


Thứ tư 4/12/96

Hôm nay Hà Sĩ Phu ra tù. Chưa biết tình hình đón Hà Sĩ Phu ở Hà Nội ra sao. Chiều Thục gọi điện báo Quốc ở Sài Gòn đã liên lạc được với Hà Sĩ Phu. Gia đình và một số bạn văn đi đón HSP ở trại giam Thanh Xuân, có tặng hoa. Sau đó, Biên đưa HSP về quê ở Hà Bắc luôn chứ không ra Hà Nội vì không thuận tiện. Ðến 6/12, vợ chồng HSP sẽ vào Sài Gòn bằng chuyến bay khởi hành lúc 10g30. Ở Sài gòn, Quốc thuê sẵn khách sạn để vợ chồng Hà Sĩ Phu ở lại một ngày. Hôm sau 7/12 vợ chồng HSP và Quốc sẽ bay về Ðà Lạt bằng chuyến bay 10g30. Việc đón tiếp ở Ðà Lạt, Thục và chúng tôi sẽ lo. Thục cũng đã gọi điện báo tin cho một số bạn bè khác của HSP biết.

7g tối Yên Phong ở Ðức gọi điện hỏi thăm tình hình. Tôi kể chuyện CA hỏi thăm kỹ về tờ Thiện Chí. Yên Phong nói rõ thêm Thiện Chí do một nhóm nghiên cứu sinh và lao động hợp tác ở Ðông Âu tổ chức, mục đích là góp phần đẩy mạnh dân chủ hóa ở Việt Nam. Thiện Chí đã gởi báo của mình cho các cơ quan báo chí ở trong nước để yêu cầu trao đổi và thảo luận dù chẳng có cơ quan nào chịu lên tiếng. Yên Phong hỏi thêm về sự việc và những ấn tượng mạnh nhất của tôi trong thời gian CA thẩm vấn và hẹn 24/12 sẽ gọi lại để chúc mừng Noel, năm mới và hỏi thêm tình hình.

Khoảng 9g30 bất ngờ Lĩnh gọi điện. Lĩnh hẹn tôi 8g30 ngày mai đến nhà Tấn để nói chuyện. Chắc có gì mới vì sau vụ rắc rối Lĩnh không hề gọi.


Thứ năm 5/12/96

Y hẹn, 8g30 tôi đến Tấn. Lĩnh đã ở đó với Tấn. Thái độ Lĩnh có vẻ nghiêm trọng. Tôi hỏi Tấn chuyện làm vườn. Lĩnh hỏi Hải đâu, Tấn trả lời Hải bận sẽ đến sau. Lĩnh đề nghị bắt đầu cuộc mói chuyện. Lĩnh nói hai vấn đề khoảng nửa tiếng:

1. Việc lãnh đạo CA đến gặp Lĩnh

Hôm qua, Ð và E, hai cán bộ lãnh đạo CA Tỉnh đến nhà gặp Lĩnh. (Lĩnh đính chính luôn là lần trước hai người này không đến gặp Lĩnh tại nhà như tôi đã nghe và ghi nhầm trong nhật ký mà chỉ gặp ở cơ quan CA TP). Ðại khái hai người này cho rằng tôi đã đi quá đà, phạm sai lầm và bị kẻ xấu lợi dụng, tốt hơn nên dừng lại, nếu không Nhà nước sẽ có biện pháp. Hai người hỏi Lĩnh có phải là bạn thân nhất và là chỗ dựa tinh thần của tôi không, có ý nhờ Lĩnh tác động đến tôi. Lĩnh trả lời tuy là bạn thân của tôi nhưng cũng mới thực sự quen biết tôi từ 8 năm nay, lúc tôi lên Ðà Lạt làm ở Hội Văn nghệ. Trước đó tôi và Lĩnh chỉ biết tiếng nhau. Lĩnh nói tôi hơn Lĩnh một tuổi, ra đời và thành danh trước Lĩnh nên dễ gì Lĩnh tác động được tôi. Vả lại chúng tôi là trí thức nên mỗi người có quan điểm của mình và tôn trọng sự tự do của nhau, có thể bàn bạc, trao đổi nhưng quyết định ra sao là việc của mỗi người. Lĩnh nói thêm trước tôi là Sinh viên Quyết tử, có máu “quyết tử” trong người nên rất cứng cỏi, không chịu khuất phục ai. Tuy nhiên Lĩnh hứa là sẽ nói chuyện với tôi.

2. Chung quanh nhật ký của tôi

Lần trước Lĩnh đọc nhật ký phần 1 của tôi, sau đó suốt đêm mất ngủ, tâm trạng rất nặng nề. Lần này đọc nhật ký phần 2, Lĩnh lại mất ngủ một đêm nữa, tâm trạng nặng nề hơn, thậm chí đau khổ.Trong nhật ký của tôi có hai vấn đề làm Lĩnh băn khoăn:

- Thái độ và tình cảm của Lĩnh-Minh đối với vợ chồng tôi có thể đã bị chúng tôi hiểu lầm. Lĩnh chủ trương tạm thời cắt đứt mọi liên lạc, quan hệ với chúng tôi và việc Minh trách móc vợ tôi là những biện pháp để giữ an toàn chứ không có ý gì không tốt. Những điều tôi ghi trong nhật ký có thể làm người ta hiểu sai về vợ chồng Lĩnh mà Lĩnh không muốn và không thể đính chính. Lĩnh rất sợ mất bạn bè và không bao giờ viết gì về bạn những việc có tính cách riêng tư. Lĩnh khuyên tôi nên thận trọng khi viết về bạn bè vì nếu những điều tôi viết ra về bạn bè hiện nay, nếu được công bố, mọi người sẽ hoàn toàn tin tưởng và như thế không có lợi cho bạn bè, qua đó, nhiều người khác cũng sẽ nghĩ không tốt về Lĩnh. Thí dụ câu Lĩnh nói “Một ngàn người ở ngoài ủng hộ không bằng mười người trong nước” phải hiểu trong một văn cảnh cụ thể, còn không bạn bè ở nước ngoài sẽ hiểu lầm Lĩnh. Lĩnh nói thêm Lĩnh chưa bao giờ là người dũng cảm nhưng khi đã lựa chọn cái gì sẽ theo đuổi đến cùng và không bao giờ phản bội bạn bè.

- Một số vấn đề Lĩnh và một số bạn khác trao đổi với tôi có tính cách nội bộ, tôi đều ghi lại trong nhật ký (dĩ nhiên có một số việc do tính chất đặc biệt của nó tôi đã không ghi) nhưng nếu được công bố hay CA nắm được, họ sẽ hiểu về chúng tôi nhiều hơn những gì đáng lý không nên cho họ biết.

Lĩnh đề nghị nếu muốn công bố, cần xem xét biên tập kỹ lại nhật ký của tôi.

Tôi đề nghị nghe luôn ý kiến của Tấn rồi sẽ trả lời sau. Tấn phân tích một số ý tương tự của Lĩnh về vấn đề lợi hại khi công bố nhật ký, đặc biệt những điều bàn về phương pháp hoạt động và mối quan hệ nội bộ anh em.

Tôi nói sau khi nghe ý kiến của Lĩnh và Tấn: Tôi viết nhật ký trước hết là để cho mình, đúng tính chất của nhật ký, nghĩa là ghi lại tất cả mọi sự việc, tâm trạng, cảm xúc của mình một cách trung thực nhất. Thời gian này là một biến cố, rất quý giá đối với tôi và tôi có thể bị bắt bất cứ lúc nào nên tôi muốn ghi lại đầy đủ mọi chuyện để sử dụng sau này.

Ðối với bạn bè, tốt nhất là thẳng thắn với nhau, tuy có thể suy nghĩ khác nhau nhưng không nên vì thế mà để tình bạn sứt mẻ. Những điều Lĩnh và Tấn nói, tôi có thể chia sẻ nhiều điều, nhưng tôi không đồng ý một việc quan trọng là chủ trương cắt đứt mọi liên lạc với tôi trong thời gian qua về cả hai khía cạnh phương pháp và tình cảm. Về phương pháp, đó không phải là cách tốt vì làm cho tôi và Lĩnh không biết gì về tình hình của nhau, không bàn bạc được những điều cần thiết, trong khi tôi và Lĩnh liên lạc với nhau là điều bình thường như từ trước vẫn thường xuyên liên lạc. CA không có quyền ngăn cản chúng tôi gặp nhau và chúng tôi cũng chẳng sợ gì CA. Về tình cảm, trong khi tôi đang gặp rắc rối mà hơn 10 ngày Lĩnh không hề gọi điện thoại thăm hỏi, thành thực mà nói, điều đó làm tôi buồn, cũng như Quốc đã rất buồn khi có lần gặp Lĩnh mà Lĩnh né tránh không nói chuyện.

Ba chúng tôi trao đổi thêm một lúc về những vấn đề trên. Có lúc Lĩnh thừa nhận có thể Lĩnh đã quá bối rối nên đã có cách ứng xử không phù hợp làm tôi và Quốc hiểu lầm. Tôi nói tôi rất thông cảm với Lĩnh vì Lĩnh chịu một lúc ba sức ép, về phía CA, gia đình và bạn bè. Tôi mong sau cuộc nói chuyện này, tâm trạng Lĩnh sẽ thoải mái hơn và tình bạn giữa chúng tôi không có gì sứt mẻ.

Gần cuối buổi nói chuyện Hải mới về. Hải nói tối hôm trước có nghe đài Chân Trời Mới phát bài phỏng vấn tôi. Hải khuyên tôi nên thận trọng khi trả lời phỏng vấn các đài chống Cộng cực đoan và góp ý với tôi về phương pháp, làm sao để có được nhiều quần chúng ủng hộ, không bị cô lập. Tôi báo việc Hà Sĩ Phu sắp về Ðà Lạt. Lĩnh, Tấn, Hải đều đồng ý sẽ tham gia đi đón.

10g30 tôi về để đi đón Yến. Trước khi ra về tôi đưa cho Lĩnh bài viết mới của Quốc “Lương tri - một sức mạnh vô địch”. Bài này Quốc đã phác thảo và đọc cho tôi nghe hôm gặp tôi lần cuối trước khi đi Sài Gòn. Xuống đó, Quốc đã hoàn chỉnh, photo và gởi Thục cầm lên cho tôi một bản.

Khoảng 3g15, A, CA khu vực, cùng đi với một CA TP đến đưa cho tôi giấy mời tiếp tục làm việc đợt ba vào chiều mai.

4g, Trần Minh Thảo từ Bảo Lộc gọi điện lên. Thảo báo buổi sáng có mấy cán bộ lãnh đạo CA đến thăm. Đ và E, lãnh đạo CA Tỉnh, H, Trưởng phòng Xuất nhập cảnh Sở CA và I, Trưởng CA thị xã Bảo Lộc. Những người này cũng nói với Thảo về tôi như đã nói với Lĩnh. Ngoài ra họ còn nói nhiều chuyện khác về tình hình. Thảo có nói với họ: Trước sau gì rồi cũng tới dân chủ đa nguyên, vấn đề là thời gian thôi. Họ không nói gì. Tôi báo cho Thảo việc Hà Sĩ Phu sắp về. Thảo nói rất tiếc không lên ngay được vì đang phải dạy vi tính mỗi ngày. (Thảo mới nghiên cứu vi tính khoảng hơn một năm nay nhưng rất say mê và nay đã có thể dạy ở trường phổ thông trung học và một trung tâm ngoài phố). Thảo hứa sẽ thu xếp để lên Ðà Lạt gặp tôi và thăm Hà Sĩ Phu.

Vậy là vụ của tôi, bên cạnh việc trực tiếp chính thức thẩm vấn ở cơ quan CA, các cán bộ lãnh đạo CA còn gián tiếp gây sức ép với tôi qua bạn bè. Dù sao việc này cũng chứng tỏ họ chưa thể bắt tôi ngay và họ muốn tôi tự xuống thang trước. Tôi sẽ suy nghĩ về việc này để có thái độ thích đáng.


Thứ sáu 6/12/96

7g sáng, Hùng ở báo Tự Do từ Ðức gọi điện hỏi thăm tôi và nói mấy việc: Ðã phát bản kêu gọi cho các cơ quan nhân quyền quốc tế về việc của tôi. Các tổ chức Việt kiều ở Ðức dự định tổ chức một cuộc biểu tình trước sứ quán Việt Nam ở Bonn vào ngày mai 7/12 nhân ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12. (Tổ chức trước vì phải làm vào ngày nghỉ để có đông người đến dự). Trong cuộc biểu tình này, ngoài những vấn đề khác đã chuẩn bị từ trước, sẽ nêu thêm trường hợp của tôi. Hùng đề nghị tôi gởi ảnh và tiểu sử để làm hồ sơ cung cấp cho các tổ chức nhân quyền và hẹn thứ hai tới gọi điện lại.

Buổi chiều, 2g tôi lên CA TP làm việc tiếp theo giấy mời. Vẫn với B và C. B bắt tay tôi cười nói chà lâu quá mới gặp lại. Tôi cũng cười đâu có lâu lắm. (Hai cán bộ CA này luôn luôn bắt tay chào hỏi tôi vui vẻ trước và sau mỗi buổi làm việc.)

Trước hết B hỏi thêm tôi về mấy văn bản lần trước chưa hỏi, nằm trong số tài liệu tịch thu tại nhà tôi đêm 12/11/96.

- Các đơn của bà Ðặng Thị Thanh Biên viết ngày 30/9, 18/10 gởi cho Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng tại sao tôi lại có, do ai gởi, nhằm mục đích gì, tôi có sử dụng cho việc viết bài không? Những đơn này do chị Biên viết nói về sức khỏe của Hà Sĩ Phu trong tù, chị Biên gởi cho tôi để biết, tôi không sử dụng vào việc viết bài.

- Các thư của Hoàng Minh Chính viết ngày 9/8, 18/8, 19/8 sau khi ra tù do ai gởi cho tôi? Tôi nhận được qua đường bưu điện, không rõ ai gởi. Tôi đã đọc và không chuyển cho ai khác. Tôi cũng không có quan hệ gì với Hoàng Minh chính. (Các thư trên ông Hoàng Minh chính viết để cám ơn những cá nhân, cơ quan đã hỗ trợ ông trong lúc ông bị tù, yêu cầu tranh luận công khai với các chánh án đã xét xử ông. Có một thư gởi Tổng bí thư Ðỗ Mười nói về việc Ðỗ Mười muốn gặp ông.)

- Bài tóm tắt ý kiến của Nguyễn Kiến Giang trả lời phỏng vấn đài RFI ngày 17/7/96 (?). Tôi nhận cùng lúc với các thư của Hoàng Minh Chính.

- Về hai bài đánh máy không có tựa đề và không có tên tác giả đã hỏi nhiều lần? Tôi vẫn không thể nhớ.

Sau phần xác minh trên, B chuyển sang các câu hỏi mang tính chất khác, có ý xác định những cơ sở để quy kết sau này.

1. Các bài viết của tôi được đăng tải ở đài, báo nước ngoài có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước nào không? Không. Tôi cho rằng đây là quyền tự do của người công dân và không biết có quy định nào về chuyện này. Nếu có quy định nào như thế là bất hợp lý. Theo tôi biết, Luật Xuất bản và Luật Báo chí không quy định điều này. Tôi nói thêm, vấn đề tư tưởng là không biên giới. Bản tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền có điều khoản về việc này mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

B phản ứng, nói tôi là người Việt Nam hay người quốc tế và mỗi nước phải có chủ quyền quốc gia của mình, có luật lệ riêng của mình, đâu phải ai muốn làm gì thì làm. Tôi trả đũa ngay: Việt Nam đang hội nhập vào thế giới văn minh, ký vào các tuyên ngôn hay công ước quốc tế đâu phải để chơi hay lừa bịp người khác mà phải thực sự tôn trọng. Tôi và B tranh luận một lúc khá gay gắt về chuyện này rồi B chuyển sang câu hỏi khác.

2. Bộ Văn hóa Thông tin có Quyết định số 893 ngày 20/7/92 quy định về việc xuất nhập văn hóa phẩm không thuộc loại kinh doanh bao gồm sách báo, tranh ảnh... và cả bài viết, phải có sự xét duyệt của ngành chủ quản. Việc tôi làm có trái với quy định này không?

Tôi không biết quy định này và bây giờ khi biết tôi cho rằng đem việc của tôi áp dụng vào điều khoản này là không phù hợp với một quốc gia văn minh.

B hỏi gặng thêm để ghi vào biên bản là việc tôi làm có sai với quy định này không. Tôi yêu cầu ghi là tôi không thể trả lời đúng hay sai với quy định đó.

3. Các bài viết của tôi có nội dung đòi hỏi thay đổi thể chế chính trị theo dân chủ đa nguyên hay không?

Không phải tất cả nhưng một số bài có đòi hỏi như thế.

4. Nội dung đòi hỏi chế độ dân chủ đa nguyên có trái với chế độ chính trị hiện thời của Nhà nước không?

Chế độ chính trị hiện thời cần thay đổi và tiến đến dân chủ đa nguyên trong một tương lai gần, càng sớm càng tốt.

B hỏi gặng thêm: anh hãy cho biết có trái không và biết là trái tại sao vẫn đòi hỏi? Tôi biết là trái nhưng vẫn đòi hỏi vì theo tôi thể chế dân chủ đa nguyên bảo đảm quyền lợi của người dân, giúp phát triển đất nước tốt hơn.

Tất cả các ý của tôi trên đây, như mọi lần , đều được ghi biên bản cẩn thận.

Chấm dứt buổi làm việc, B hẹn ngày mai làm việc tiếp. Tôi nói ngày mai tôi có việc bận đề nghị nghỉ. B hỏi việc gì. Tôi nói luôn ngày mai tôi bận đi đón Hà Sĩ Phu mới ở tù ra. Ðiều ngạc nhiên bất ngờ là B đồng ý ngay. B nói: “Tôi biết anh là người trọng tình nghĩa. Nếu chúng tôi không đồng ý, anh lại cho chúng tôi can thiệp vào cả chuyện tình cảm riêng tư của anh. Vậy mai ta nghỉ và chiều thứ hai làm việc tiếp.”

Không biết B đã có chỉ thị trên về vấn đề này chưa vì chúng tôi định đi đón HSP, chúng tôi gọi điện thoại thông báo cho nhau, chắc CA đã biết rõ. Dù thế nào việc này cũng tốt.


Thứ bảy 7/12/96

Hôm nay chuẩn bị đi đón Hà Sĩ Phu.

7g, Yến gọi điện đến trường cho Bảo Châu, họa sĩ, giáo viên dạy vẽ cùng trường với Yến, trước đây có quen và lui tới với Hà Sĩ Phu. Bảo Châu có nói với Yến là nếu đi thì đến rủ anh ta đi. Yến gọi, ban đầu Châu ngần ngại nhưng sau hứa chắc sẽ đi, hẹn gặp lúc 10g tại nhà HSP để xe đến đưa đi.

Yến hái hoa Arum trong vườn, định một nửa mang lên nhà thờ, một nửa mang tới cắm nhà HSP. 8g30, chúng tôi ra đường, lập tức có hai gã chở nhau bằng Honda từ ngôi nhà kính đối diện với hẻm nhà tôi bám theo. Gần đây tưởng họ đã rút nhưng hôm nay có lẽ là ngày đặc biệt phải theo dõi. Tôi và Yến tìm cách cho hai gã này leo cây. Từ nhà ra phố, chạy dọc theo hồ Xuân Hương, đường trống trải nên như những lần trước, họ theo dõi từ xa. Qua một khúc quẹo, tầm nhìn bị che khuất, tôi tấp xe vào lề đứng lại. Hai gã trờ tới, vội quay mặt ra hồ rồi chạy thẳng. Tôi nổ máy chạy theo. Ðến bùng binh gần Thanh Thủy, tôi thấy gã lái xe quẹo lên phía đồi Cù nhìn xuống, gã ngồi sau biến mất, có lẽ xuống xe đứng núp đâu đó. Tôi phóng xe thật nhanh, vòng bùng binh có “con chim Lâm Cẩu” rồi lên dốc quẹo vào nhà thờ Con Gà. Ðứng trong nhìn ra, thấy hai gã lại chở nhau đi thẳng lên phía Thư viện. Yến vào tượng Ðức Mẹ đặt hoa xong, chúng tôi tạt qua Bưu điện để gởi thư rồi đi ra chợ, không thấy ai theo nữa. Có lẽ hai gã đã bị đánh lạc hướng rồi.

Yến mua thêm hai bó hoa hồng và một đĩa, mấy cái chông cắm hoa vì sợ nhà Hà Sĩ Phu không có. Chúng tôi đến nhà Hà Sĩ Phu, tìm cháu Khởi là cháu của chị Biên lâu nay ở đây giữ nhà nhưng cháu lại đi vắng, có viết lại tờ giấy dán ở cửa nói đi làm đến tối mới về. Chúng tôi hơi chủ quan, cứ nghĩ cháu ở nhà nên không báo trước. Không vào nhà được để cắm hoa, chúng tôi đành lên quán ở trên đường gởi tạm mấy bó hoa và chai rượu tôi mang theo để uống mừng Hà Sĩ Phu trở về.

Chúng tôi ngồi ở quán đợi 10g Thục đưa xe đến đón như đã hẹn trước. Có một bà hàng xóm đến nói chuyện bảo mấy hôm nay ngày nào công an khu vực cũng đến hỏi thăm Hà Sĩ Phu về chưa. 10g, Thục đến với một chiếc taxi thuê. Thục bảo chúng tôi đợi đây để đi đón thêm Trương Thành Tích và Nguyễn Mạnh Hùng. Tích là Đảng viên, thương binh mù cả hai mắt, hội viên Hội Văn nghệ Lâm Ðồng, trước vẫn có cảm tình với chúng tôi và hay lui tới với Hà Sĩ Phu. Hùng là giáo viên khoa Văn trường Ðại học Ðà Lạt, hội viên Hội Văn nghệ Lâm đồng, trước khi Hà Sĩ Phu ra Hà Nội và bị bắt, Hùng đã photo cho Hà Sĩ Phu mấy chục bản “Chia tay ý thức hệ”.( Nhà Hùng có máy photo phục vụ cho sinh viên trong trường Ðại học.) Sau khi Hà Sĩ Phu bị bắt, Hùng cũng đã bị CA Lâm Đồng gọi lên thẩm vấn mấy ngày.

10g15', khi xe trở lại, Bảo Châu vẫn chưa đến, chúng tôi phải đi vì sợ trễ giờ. Chúng tôi có năm người, tôi hỏi lái xe chở được không, lái xe bảo được, không sao. Chúng tôi đã dự tính nếu có Bảo Châu sẽ thuê thêm một xe nữa. Ngoài ra Lĩnh, Tấn, Hải sẽ tổ chức đi xe khác cùng với vài người nữa như đã thống nhất, khi tôi gặp họ ở nhà Tấn.

Xe đến đầu đèo Prenn, một toán cảnh sát giao thông chặn xe của chúng tôi lại. Toán này khá đông, có đến 6, 7 người, đóng chốt ngay đầu đèo với xe hơi cảnh sát và xe môtô rất khí thế. Hai người tiến lại kiểm soát. Một người to lớn dềnh dàng, mặt sắt đen sì, đội mũ bảo hiểm trông rất oai phong, dòm vào xe và nói “Xe chở dư một người” rồi yêu cầu lái xe xuống xuất trình giấy tờ. Một lúc sau, viên cảnh sát và lái xe trở lại. Viên cảnh sát yêu cầu lái xe thử đèn, còi, thắng rồi cho đi. Tôi hỏi lái xe có bị phạt hay thu giấy tờ gì không. Lái xe nói không nhưng chiều phải đến gặp họ. Ðể làm gì? Dẫn đi nhậu thôi. Lái xe nói thêm: Mấy cảnh sát này quen nhưng họ cũng không tha. Tôi nói chở mấy thầy cô giáo đi đón bạn ở Sài Gòn về. Họ bảo thầy cô giáo cũng là người. Mấy người trong xe đều hỏi tại sao anh bảo xe chở thầy cô giáo. Lái xe nói vì thấy đón người ở trường đại học, vả lại anh ta vốn trọng thầy cô giáo và nghĩ ai cũng vậy, nào ngờ cảnh sát lại nói thế. Hùng chua chát: Thầy cô giáo không là người thì là gì, là vật à. Tôi nghĩ cảnh sát nói “thầy cô giáo cũng là người” chỉ có ý nói cũng là dư khách thôi, nhưng một câu nói vô tình và kém tế nhị đã làm cho người ta nghĩ khác.

Sân bay Liên Khương cách thành phố Ðà Lạt khoảng hơn 20 cây số, nằm trên địa bàn huyện Ðức Trọng, trên đường từ Ðà Lạt về Sài Gòn. Xe xuống khỏi đèo Prenn, lái xe ra hiệu cho các xe chạy ngược chiều biết có trạm cảnh sát trên đầu đèo và cũng được báo lại cho biết phía dưới đèo khoảng 5 cây số cũng có trạm cảnh sát khác. Lái xe ngạc nhiên và cũng hơi lo vì xe đang chở dư khách nên ngừng lại, chặn một taxi khác đang chở khách chỉ có 2 người chạy cùng chiều để gởi một khách. Nguyễn Mạnh Hùng nhanh nhảu tình nguyện sang xe mới.

Quả nhiên chạy thêm vài cây số, ngang xã K' Long, xe chúng tôi lại bị một toán cảnh sát khác chặn lại. Lần này không dư khách nhưng cảnh sát lại hỏi giấy tờ rất kỹ. Lái xe quên mang giấy bảo hiểm. Vậy là cảnh sát làm biên bản và thu giấy tờ của lái xe. Việc làm biên bản kéo dài rất lâu. Trong khi đó, một xe hơi đời mới từ Ðà Lạt xuống đậu lại phía trước, cách khoảng 50m và mấy cảnh sát chạy lại, đứng nghiêm giơ tay chào. Tôi đoán là xe của các xếp lớn CA và chắc chắn chiếc xe chở chúng tôi đã bị chiếu tướng rồi chứ không phải bị kiểm tra một cách tình cờ. Dù sao họ cũng chỉ tìm cách làm chậm chúng tôi lại và hù dọa những ai yếu bóng vía thôi.

Cuối cùng, hơn 11g chúng tôi mới đến sân bay Liên Khương. Từ xa đã thấy máy bay đậu trên sân và một số người lố nhố trước phòng đợi. Chúng tôi ào xuống xe. Hà Sĩ Phu đang đứng giữa đám bạn đi đón tới trước, tay cầm bó hoa, tay xách chiếc vali mới toanh, mặc quần sẫm, sơ mi trắng, thắt cà vạt nghiêm chỉnh, đầu đội mũ phớt nhạt đang tươi cười trò chuyện. Thấy tôi, Hà Sĩ Phu chạy lại, chúng tôi ôm choàng lấy nhau. Thục tặng thêm cho Hà Sĩ Phu một bó hoa nữa. Ba bốn chiếc máy ảnh bấm lách tách. Có cả một máy camera nữa. (Sau này chúng tôi biết người quay camera không phải trong số những bạn bè đi đón. Chắc chắn là người của CA rồi. Thế lại càng thêm long trọng!)

Một số người trong chúng tôi chụp ảnh riêng với Hà Sĩ Phu rồi tất cả đứng chụp chung. Lĩnh, Tấn, Hùng thay nhau bấm máy. Nhiều người nói: Y như đón Việt kiều về nước. Người khác nói: Ðón cán bộ cấp cao chứ.

Có người bàn nên để Hà Sĩ Phu đi xe của hãng hàng không về cho an toàn, nhưng Lĩnh nói cứ để Hà Sĩ Phu đi cùng xe với nhóm Lĩnh, Tấn, Hải. Chúng tôi có tất cả 12 người, ngoài những người đã kể và Hà Sĩ Phu, Biên, Quốc từ Sài Gòn lên, còn có chị Ðức, vợ của Võ Quang Nghĩa, một bạn thân chung của chúng tôi đã mất. Chúng tôi thuê thêm một taxi nữa đang đậu chờ khách trước phòng đợi. Chúng tôi hội ý chớp nhoáng: Sẽ ghé quán Ðồng Quê giữa đường về gần chân đèo Prenn để ăn trưa và nói chuyện trước khi về Ðà Lạt vì đây là một việc bất ngờ, tránh bị theo dõi. Chúng tôi không sợ gì nhưng chúng tôi không muốn CA bám quanh mất thoải mái. Lúc ở sân bay, chúng tôi đã nhận ra rất nhiều CA mặc thường phục trà trộn trong đám hành khách.

Ðoàn xe ba chiếc chở chúng tôi ghé vào quán Ðồng Quê. Quán nằm ven quốc lộ 20 giữa một cánh đồng rộng, có một căn nhà lớn thoáng mát và mấy chiếc lều nhỏ hình bát giác nằm rải rác giữa một vườn hoa bướm đang nở rộ. Chúng tôi chọn chiếc lều xa nhất. Những người phục vụ nhanh chóng sắp xếp bàn ghế, đưa khăn lau và thực đơn ra. Chúng tôi yêu cầu chủ quán phục vụ riêng cho ba lái xe ở một lều khác để chúng tôi tiện nói chuyện. Hà Sĩ Phu lấy ra một chai rượu vodka do một người bạn ở Sài Gòn tặng để uống chung nhưng anh lại không uống được rượu vì cả năm rồi không uống và nay chưa được khỏe. Anh chỉ uống bia cùng với cánh phụ nữ. Thực đơn do Quốc chọn, khá “đồng quê” như tên quán: Cá rô, cá kèo chiên xù, thịt nhím hấp và cháo cá lóc. Cụng ly. Chuyện nổ như pháo rang.

Hà Sĩ Phu kể chuyện ra tù, nhiều chi tiết thật thú vị, đặc biệt chuyện “râu ở lại, người ra”. Nguyên Hà Sĩ Phu để râu cằm dài nhưng quy định của trại giam cấm người dưới 60 tuổi để râu nên anh phải cắt và định giữ lại để làm kỷ niệm. Nhưng trước khi ra tù, trại khám xét đồ đạc rất kỹ và nhất định giữ lại bộ râu, không cho anh mang ra. Thật lạ lùng. “Người ra, râu phải ở lại”. Vậy nếu râu ra thì người phải ở lại hay sao. Anh em bình luận tếu chuyện này. Thật nhiều ý nghĩa.

Trại giam chuẩn bị đưa Hà Sĩ Phu ra tù cũng thật chu đáo. Một bữa ăn sáng đặc biệt mà ngày thường không có. Quay video cảnh phòng giam và cả ngoại cảnh vườn tược. Giặt tẩy chữ “Trại giam” trên áo trước đây CA đã mua cho Hà Sĩ Phu lúc anh mới bị bắt mà anh yêu cầu được mang ra để làm kỷ niệm. K, lãnh đạo Cục A25 thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ đến chào chia tay Hà Sĩ Phu. Ðó là thái độ trân trọng trí thức nhưng sẽ quý biết bao nếu việc đó không phải ở trong nhà tù.

Ði đón Hà Sĩ Phu ở Trại giam Thanh Xuân có Thanh Biên, mấy người trong gia đình Hà Sĩ Phu và mấy người bạn ở Hà Nội, trong đó có nhà thơ Tú Sót và nhà văn Hoàng Tiến. Một bó hoa cho Hà Sĩ Phu ngay trong phòng khách của trại giam. Ðiều này thật đẹp và ý nghĩa đối với nhiều người, nhưng cũng thật khó chịu đối với một số người như chúng tôi biết thêm sau này.

Thanh Biên đã chuẩn bị một bữa ăn ở Hà Nội có đông bạn bè dự nhưng rồi phải hủy bỏ dự định này vì tình hình không thuận lợi. Chị phải đưa luôn Hà Sĩ Phu về quê anh ở Hà Bắc, ở nhà người anh, rồi sau đó đi thẳng ra sân bay Nội Bài vào Sài Gòn ngày 6/12.

Quốc kể tiếp đoạn đón Hà Sĩ Phu ở Sài Gòn. Bạn bè khá đông: Linh mục Chân Tín, vợ chồng Nguyễn Ngọc Lan, Lữ Phương, Hồ Hiếu, Xuân Ðài, Nguyễn Ðỗ, La Văn Liếm, Hoàng Lại Giang và họa sĩ Nhật Linh, đặc biệt nhà văn Xuân Sách đi Honda từ Vũng Tàu lên, đến sân bay sớm nhất. Cũng tặng hoa, chụp hình rồi kéo nhau vào nhậu ở khách sạn gần sân bay, nơi Quốc đã đặt phòng sẵn cho vợ chồng HSP. Tan cuộc nhậu buổi trưa, nghỉ ngơi xong, chiều lại đi nhậu tiếp ở nhà nhà thơ Thu Bồn, có thêm Trần Hữu Tá, Phan Đắc Lập, Phan Ðắc Lực.

Qua tình hình nắm được, thấy rõ CA theo dõi sát việc Hà Sĩ Phu ra tù và Nhà nước không cấm được nhưng đã tìm mọi cách ngăn cản để không cho việc đón tiếp có tính cách linh đình, rầm rộ, trở thành một sự kiện chính trị. Ở Sài Gòn, một số người đã được CA đến gặp răn đe không nên đi. Ở Ðà Lạt, đích thân lãnh đạo CA Tỉnh đến gặp Mai Thái Lĩnh và Nguyễn Mạnh Hùng để nói về việc này. Nhiều người khác đã bị CA ngăn chặn trước bằng nhiều cách. Với những sự việc đã diễn ra, chúng tôi cho việc đón Hà Sĩ Phu như thế là vừa phải, đạt yêu cầu. Chúng tôi không muốn khiêu khích Nhà nước, nhưng không bao giờ chúng tôi xem Hà Sĩ Phu là tội phạm. Chúng tôi phải đi đón anh với những bó hoa vì lòng ngưỡng mộ và tình bạn dành cho anh. Thế thôi.

Ăn trưa xong, chúng tôi đưa Hà Sĩ Phu về nhà ở 4E Bùi Thị Xuân. Trên đường về, các chốt cảnh sát giao thông vẫn còn nhưng xe chúng tôi không bị chặn nữa. Ðoàn xe 3 chiếc của chúng tôi ngừng lại trên đường trước nhà Hà Sĩ Phu. Hàng xóm đổ ra xem. Việc này thật có ý nghĩa vì từ khi Hà Sĩ Phu bị bắt có một số dư luận không hay trong số hàng xóm này. Tất cả chúng tôi vào nhà Hà Sĩ Phu, Yến đi lấy hoa và rượu chúng tôi gởi ở quán xuống. Mỗi người lại uống thêm một ly rượu mừng, chụp ảnh rồi giải tán. Lúc đó là 3g chiều ngày 7/12/96. Hôm sau có bà hàng xóm đến thăm Hà Sĩ Phu nói: Ông Tụ ở tù về mà người ta đi đón như đón thủ tướng (?!) Cũng là một bình luận nhiều ý nghĩa.


Chủ nhật 8/12/96

Sáng sớm Hùng (báo Tự Do) ở Ðức gọi điện, nói mới đi tham dự biểu tình ở Bonn trước sứ quán Việt Nam, về nhà lúc 1g đêm và gọi điện ngay. Cuộc biểu tình tổ chức từ 11g trưa đến 3g chiều thứ 7. Có khoảng 800 người từ khắp nước Ðức về dự. Sứ quán không dám cử người ra tiếp kiến. Ðoàn biểu tình tổ chức nói chuyện, đọc các văn bản rồi gởi vào thùng thư của sứ quán. Ðây là sứ quán duy nhất đối xử với các đoàn biểu tình theo kiểu “đóng cửa im lặng” đó. Tôi thông báo việc đón Hà Sĩ Phu. Hùng nhận định tình hình như thế là tốt.

Hôm qua, trước khi ở nhà Hà Sĩ Phu về, Quốc, Lĩnh, Hà Sĩ Phu và tôi đã hẹn nhau sáng nay sẽ tổ chức đi picnic ngoài trời chơi để Hà Sĩ Phu được hít thở không khí thiên nhiên và chúng tôi nói chuyện thêm. Trước giờ hẹn, Quốc gọi điện lại bảo hôm nay trời lạnh đi ra ngoài không tiện, nên đến nhà Hà Sĩ Phu uống rượu tốt hơn. Tôi và Yến đến nhà Hà Sĩ Phu, Quốc đã ở đó. Lĩnh không đến vì có lẽ thấy tụ họp nhau sớm không tiện và tối hôm qua đã gặp riêng Quốc nói chuyện.

Hà Sĩ Phu nói thêm chuyện ở tù. Anh nhận định rằng vụ “chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước” là một cái cớ để bắt anh, nhưng nếu không có cớ đó thì người ta sẽ tìm cớ khác vì việc bắt anh là một chủ trương đã có từ trước. Trong tù, ngoài việc tra hỏi về vụ “tài liệu bí mật”, người ta còn truy anh gắt gao về nội dung các bài viết và đặc biệt là mối quan hệ giữa anh và những người bất đồng chính kiến khác mà người ta nghi là có khả năng tổ chức một cái gì đó. Thực ra cũng như Quốc và tôi, Hà Sĩ Phu chẳng tham gia tổ chức gì cả. Chúng tôi chỉ lên tiếng với tư cách cá nhân của công dân và văn nghệ sĩ, trí thức trước hiện tình đất nước. Chúng tôi có giao du, quan hệ với ai cũng chỉ là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” mà thôi. Tuy nhiên CA không bao giờ chịu tin như thế. Họ luôn luôn cố tìm ra những hoạt động và tổ chức chống đối thù địch để “bóp chết từ trong trứng nước các nhen nhóm phản cách mạng”.

Chuyện ra tòa chúng tôi biết thêm nhiều chi tiết thú vị. Trước tòa, khi nói đến chuyện “chiếm đoạt tài liệu bí mật”, Hà Sĩ Phu đã quay lại cử tọa dùng tay làm động tác bẻ khóa và nói: Nghe bản cáo trạng tôi hình dung thấy mình có dáng dấp của một tên gián điệp, ban đêm lẻn vào cơ quan lưu trữ hồ sơ mật của Nhà nước, uy hiếp bảo vệ và bẻ khóa để vào lấy tài liệu. Bây giờ tòa lại cải tội danh thành “cố ý tiết lộ bí mật của Nhà nước”, như vậy có phải việc trên là vu cáo không.

Chúng tôi cũng bàn thêm về việc của tôi. Mọi người đều nhất trí rằng tôi không nên làm cái gì có tính cách khiêu khích Nhà nước vào lúc này, nhưng tôi vẫn phải giữ quyền tự do tư tưởng và phát biểu ý kiến của mình. Tôi sẵn sàng xem xét lại nội dung và phương pháp việc làm của mình, thận trọng, chặt chẽ hơn để có hiệu quả tốt và không bị kẻ xấu lợi dụng, đồng thời tôi cũng yêu cầu Nhà nước xem xét lại cách nhìn nhận và thái độ đối xử của Nhà nước đối với trí thức bất đồng chính kiến.

Lúc mới gặp lại tôi ở sân bay Liên Khương, Hà Sĩ Phu có nói cũng nên qua một chặng như thế (ý nói việc ở tù) để có thêm kinh nghiệm, nhưng nay anh nói thêm: Không nên có thì hơn vì trải qua là một tổn thất lớn về nhiều mặt. Hôm qua, lúc ở quán Ðồng Quê, Hà Sĩ Phu cũng có nói: Ðó là một thế giới thú vật. Mặc dù mình ở trong một trường hợp đặc biệt, ít chịu đựng, nhưng mình cảm nhận được tất cả tính chất thú vật của thế giới đó.

12g trưa chúng tôi mới chia tay nhưng vẫn còn bao nhiêu điều chưa nói sau một năm xa cách.


Thứ hai 9/12/96

Buổi sáng, tôi vừa chở Yến đến trường về nhà thì Bảo Châu gọi điện. Anh ta xin lỗi về việc lỗi hẹn hôm đi đón Hà Sĩ Phu và giải thích lý do. Có người đến khuyên anh ta đừng đi, nếu không sẽ gặp rắc rối. Châu chấp nhận nhưng rất tức tối. Hôm nay Châu gọi cho tôi, biết là CA sẽ nghe nhưng vẫn cứ gọi. Tôi kể sơ tình hình hôm đi đón và nói CA cố tình tìm nhiều cách hạn chế bớt số người đi chứ làm sao cấm đoán và gây khó khăn cho ai được. Châu tỏ ý tiếc là đã không đi và mong tôi thông cảm. Tôi nói có lòng như thế là tốt rồi, mỗi người một hoàn cảnh, không phải ai cũng xử sự như nhau. Châu đi thăm Hà Sĩ Phu sau cũng được. Châu nói đã đến ngay tối hôm đó. Vậy là được rồi, không có ai trách móc gì đâu.

Buổi chiều, trước khi lên CA làm việc tiếp, tôi đến Quốc để mượn cuốn Hiến pháp và Luật Xuất bản. Lâu nay tôi nói lý nhiều hơn nói luật vì thực ra tôi không thích nghiên cứu các luật cụ thể. Bây giờ có những việc phải dẫn điều này, mục nọ.

Theo chương trình đã tính từ trước, ngày mai Quốc phải đi Sài Gòn và ra Ðà Nẵng, tôi muốn có một cuộc gặp bốn người Quốc-Lĩnh-Cự-Tụ (tức Hà Sĩ Phu) để bàn thêm về tình hình chung và việc của tôi. Trước khi Tụ chưa bị bắt, chúng tôi - nhóm bốn người ở Ðà Lạt, vẫn có những cuộc gặp như thế. Cũng là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” thôi, chứ chúng tôi chả có tổ chức gì. Quốc nói chiều nay Quốc định mời vợ chồng Tụ đến ăn cơm, có cả mấy người trong gia đình Thục, vậy nhân tiện mời vợ chồng tôi và Lĩnh luôn. Sau khi ăn xong, khách gia đình về, mấy anh em sẽ ở lại thêm để nói chuyện.

Ðúng 2g chiều tôi đến CA. Trước khi làm việc, B hỏi tôi ngay về việc đi đón Hà Sĩ Phu. Tôi kể sơ qua dù biết rằng B đã biết. Tôi nói thêm là chúng tôi được cảnh sát giao thông “dàn chào” hơi kỹ. B cười nói anh đa nghi quá, ngày nào cảnh sát giao thông chẳng làm việc, anh ít đi nên không thấy đó thôi. Tôi nói luôn ý chúng tôi biết Nhà nước không muốn chúng tôi tổ chức đón rước rầm rộ nhưng chúng tôi vẫn đi đón là thể hiện tình cảm bạn bè thôi, mặt khác không bao giờ chúng tôi coi Hà Sĩ Phu là tội phạm. B làm thinh không nói gì. Sau đó B hỏi tiếp: Sắp tới có tổ chức ăn uống gì không? Tôi nói từ từ chắc sẽ có.

Lại tiếp tục thẩm vấn. Vì các câu hỏi bắt đầu có tính quy kết, tôi cảm thấy hơi tức giận nên đã lớn tiếng tranh luận với B khá gay gắt. B hình như cảm thấy không khí như thế cũng không ổn nên im lặng một lúc. Tôi quyết định không nói nhiều nữa mà với một câu hỏi, tôi suy nghĩ kỹ và đọc một câu trả lời ngắn gọn cho C ghi biên bản, khỏi cần sửa chữa bổ sung lôi thôi.

Sau khi đọc lại biên bản, tôi yêu cầu thêm 2 ý kiến nữa, tôi nói trước và yêu cầu tự ghi vào cuối biên bản. B đồng ý. Tôi ghi:

1. Yêu cầu CA cho biết rõ căn cứ vào văn bản, quy định nào để CA mời tôi lên thẩm vấn thời gian dài như thế và tôi có phải bắt buộc chấp hành không khi thời gian kéo dài ảnh hưởng đến việc làm ăn sinh sống của tôi?

2. Vừa qua, một số cán bộ lãnh đạo CA của Bộ Nội vụ và Sở CA Lâm Ðồng có gặp 3 người bạn của tôi để nói chuyện về tôi, có ý nhắn gởi tôi đã đi quá đà, cần xem xét lại việc làm và phương pháp của mình, nếu không Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý. Tôi nghĩ đây là một thiện ý của lãnh đạo CA nên tôi đề nghị có một cuộc tiếp xúc cởi mở để trao đổi hơn là kiểu thẩm vấn hiện nay.

5g chiều, tôi về nhà chở Yến đến Quốc. Mọi người đã có mặt đông đủ. Quốc chụp thêm mấy kiểu ảnh vợ chồng tôi và vợ chồng Hà Sĩ Phu cho hết cuộn phim rồi đưa đi rửa, kịp lấy hình trong tối nay để mai Quốc mang đi. Mọi người chuẩn bị bàn ăn trong khi đợi Quốc về. Hôm nay Quốc đãi món cố hữu tiết canh lòng lợn, thêm 4 đĩa lớn toàn chân gà, dễ đến mấy chục cái, không thấy thịt (hèn gì bươi ghê quá!) và món cháo xương heo. Ðặc biệt có chai rượu Johnnie Walker nhãn đỏ của con gái Hương Ly biếu bố. Thường Quốc chỉ uống rượu thuốc, lúc nào cũng có sẵn mấy chai trong nhà.

Bữa ăn vui vẻ. Dù có nhiều phụ nữ nhưng mấy ông toàn nói chuyện chính trị, xoay quanh chuyện Hà Sĩ Phu. Lĩnh và Tụ nói nhiều nhất, những người khác nghe và ăn. Giữa bữa, có điện thoại của Hoàn Vũ đài BBC yêu cầu phỏng vấn Hà Sĩ Phu. Tụ vào phòng trong nghe và trả lời luôn. Trả lời phỏng vấn hai câu xong Tụ ra ăn tiếp, lát sau Hoàn Vũ lại gọi yêu cầu phỏng vấn hai câu nữa. Tụ lại trả lời luôn. Hoàn Vũ báo buổi phát thanh của BBC lúc 9g30 tối sẽ phát luôn. Thời đại bùng nổ thông tin có khác.

Ăn xong, người của gia đình Thục về trước, chúng tôi ở lại nói chuyện thêm. Chúng tôi phân tích tiếp về chuyện của Hà Sĩ Phu và chuyện của tôi. Tôi hỏi kỹ thêm về nội dung buổi nói chuyện giữa cán bộ lãnh đạo CA với Quốc và Lĩnh. Quốc nói hôm ở Sài Gòn, G, hiện là lãnh đạo Tổng cục An ninh phụ trách phía Nam gặp Quốc, có cả D, lãnh đạo Cục A25 và một cán bộ nữa. Theo Quốc mô tả, tôi và Lĩnh đoán đó là người cũng đã đến nhà tôi hôm cả đoàn CA giữa đêm đến kiểm tra thu giữ máy vi tính. G cũng nói luận điệu như D đã nói với Quốc ở Ðà Lạt nhưng đậm đà hơn và cũng có ý chia rẽ giữa tôi và Quốc. Quốc khẳng định, về cá tính và cách thể hiện Quốc và tôi có khác nhau nhưng về tâm huyết và quan điểm, Quốc và tôi là một. G có khuyên Quốc nên quay đầu lại, Quốc phản ứng mạnh: Từ kháng chiến chống Mỹ đến nay, Quốc chỉ đi theo một hướng đó thôi, không hề quay đi đâu cả. G có nhận xét thêm về tôi: Nếu ông Cự làm bí thư huyện ủy Bảo Lộc, chắc là bây giờ không có vấn đề gì. Ý G cho tôi là kẻ bất mãn.

Lĩnh cho biết thêm hôm Ð và E, lãnh đạo CA LÐ gặp Lĩnh, họ có nhận định có lẽ tôi viết bài cho đài báo nước ngoài là vì sinh kế, vì tiền nhuận bút. Do Lĩnh nói bạn thân lâu năm của tôi không phải là Lĩnh mà là Trần Minh Thảo ở Bảo Lộc nên Lĩnh đoán có thể vì thế mà hôm sau họ đã xuống Bảo Lộc gặp Thảo.

Nói chung, Quốc và Lĩnh đều nhận xét CA chưa cho tôi là địch mà chỉ đánh giá là kẻ bất mãn. Tôi nghĩ thầm CA vẫn không thể hiểu được tôi vì họ không hiểu có người không phải là địch, không bất mãn (theo kiểu tầm thường vì không có địa vị, quyền lợi), không vì tiền mà vẫn chống đối, vẫn làm những việc có thể nguy hiểm đến bản thân. Họ có biết và hiểu được động cơ nào trong sáng hơn không khi người ta muốn sống cho ra con người, hơn nữa là con người tự do?

Nhận định về thái độ cần có của tôi hiện nay, mọi người đều đồng ý là nên hòa hoãn, thận trọng nhưng không xuống thang, không đầu hàng. Ðó cũng là ý của tôi nhưng đây là cái chung, ai cũng có thể nói được, còn hành xử những việc cụ thể, chỉ có tôi tự nghĩ, không ai nghĩ thay được.

Có lẽ gần 9g tối chúng tôi mới về nhà. 9g30 chúng tôi mở đài BBC, quả có phát bài phỏng vấn Hà Sĩ Phu như Hoàn Vũ đã báo.


Thứ ba 10/12/96

2g chiều, lại lên làm việc tiếp với CA. Những câu hỏi xoáy sâu hơn vào một số chi tiết của các bài viết:

Cũng như hôm qua, tôi quyết định trả lời một cách ngắn gọn, dù B đã có phân tích để buộc tôi phải diễn giải dài dòng. Ðến đây, B nói sẽ nêu thêm một câu hỏi cuối cùng. Câu hỏi này mang tính tổng kết B đã soạn sẵn trong sổ tay, rất dài, B đọc cho C ghi vào biên bản và tôi cũng ghi vào giấy của mình:

“Qua mấy ngày làm việc, anh đã trình bày trước cơ quan CA/TP một số vấn đề:

  1. Về quan điểm tư tưởng là dân chủ đa nguyên, đòi Nhà nước phải thay đổi thể chế chính trị hiện thời bằng thể chế chính trị dân chủ đa nguyên và cũng thấy được đòi hỏi đó là trái với chế độ chính trị hiện thời của Nhà nước.

  2. Ðã viết nhiều tin bài gởi đăng trên báo, đưa tin trên đài ở nước ngoài có nội dung đòi hỏi Nhà nước hiện thời phải thay đổi chế độ chính trị.

  3. Ðã có quan hệ về tin bài với một số báo, đài ở nước ngoài mà trong đó có một số báo, đài anh biết rõ chủ trương của họ là đòi Nhà nước VN phải thay đổi chế độ chính trị hiện thời.

  4. Anh đã tham gia ý kiến vào DỰ ÁN CHÍNH TRỊ DÂN CHỦ ÐA NGUYÊN của nhóm Thông Luận mà anh biết rõ Dự án này có chủ trương đòi hỏi nhà nước VN phải thay đổi chế độ chính trị hiện thời.

  5. Trong các bài viết, đưa tin trên báo, đài ở nước ngoài, một số bài anh có đưa một số nội dung liên quan đến cơ quan Ðảng và Nhà nước (như Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương), liên quan đến nội bộ Ðảng CSVN, những nội dung này anh nghe và dựa vào các nguồn tin như đã trình bày là giới thạo tin cung đình, qua dư luận, qua một số Việt kiều về nước mà anh được tiếp xúc... và theo cách đánh giá của anh, những tin đó có nhiều phần đáng tin cậy.
Vậy anh có công nhận và có ý kiến gì?”

Rõ ràng là một quy kết có tính chất tổng kết về chính trị chứ không phải là câu hỏi để xác minh như mục đích cuộc thẩm vấn. (Trong câu hỏi soạn sẵn này, B gọi tôi bằng anh nhưng trong biên bản, C sửa lại là ông theo đúng nghi thức). Tôi suy nghĩ một chút, viết câu trả lời ra giấy và đọc cho C ghi: “Ðây là quyền tự do tư tưởng, phát biểu ý kiến và tham gia quản lý xã hội của người công dân. Tôi chỉ nói tư tưởng của mình chứ không vạch chương trình hành động hay tham gia bất cứ tổ chức chính trị nào.”

B cố gặng hỏi tôi có công nhận những điều trên không. Tôi nói tôi chỉ trả lời như thế thôi, không còn gì thêm nữa.

B tuyên bố: Bước đầu CA TP mời tôi lên làm việc để xác minh những sự việc của một công dân có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia và cuộc làm việc đến đây tạm kết thúc. Cơ quan CA TP sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo lên trên và kết quả như thế nào sẽ báo cho tôi biết và mời lên làm việc tiếp sau này.

B nói thêm sau khi xem lại, ký xong biên bản, B sẽ trả lời về mấy đề xuất tôi nêu hôm qua. Biên bản lần này không phải sửa chữa gì trừ vài lỗi chính tả.

Sau đó, B trả lời mấy ý kiến của tôi:

  1. CA TP mời tôi lên làm việc căn cứ vào điều 10 và 13 chương 2 Pháp lệnh Lực lượng An ninh Nhân dân do Nhà nước ban hành ngày 2/11/87, cho phép cơ quan CA tiến hành các hoạt động điều tra thu thập chứng cớ để buộc tội hay gỡ tội những vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia. Trong quy định này không nói đến vấn đề thời gian điều tra.

  2. Những câu hỏi trong các buổi thẩm vấn chỉ có tính chất và mục đích xác minh chứ không quy kết. (Vấn đề này tôi không đồng ý với B nhưng tôi không tranh luận nữa. Dù sao các câu hỏi này cũng có lợi là cho tôi thấy rõ hướng quy kết của CA).

  3. Về đề nghị của tôi yêu cầu có cuộc tiếp xúc cởi mở với các cán bộ lãnh đạo CA, B đã báo cáo lên Sở CA nhưng lãnh đạo đi vắng nên B đã yêu cầu Văn phòng Sở ghi nhận và chuyển tiếp. Tuy nhiên B hứa là chính mình sẽ tiếp tục trình bày với lãnh đạo CA khi họ trở về.
Buổi làm việc kết thúc trước 4g chiều. B và C bắt tay tôi với thái độ vui vẻ vừa phải trước khi tôi ra về. Vậy là tạm xong đợt ba. Chắc chắn thế nào cũng còn đợt bốn nữa. Như vậy là trong vòng một tháng, kể từ 12/11/96 đến nay, CA đã làm việc với tôi ba đợt, tổng cộng 12 ngày. (Ðợt 1: 3 ngày, đợt 2: 6 ngày và đợt 3: 3 ngày).


Thứ tư 11/12/96

Hôm nay tôi nằm bẹp suốt ngày vì đau bụng tiêu chảy. Có lẽ do bữa ăn ở nhà Quốc. Bụng tôi không quen loại thức ăn này. May hôm qua đi làm việc tôi đã đau nhưng nhờ uống thuốc cầm và bệnh chưa phát mạnh.

Yến đi dạy về có 1 lá thư của Hải Triều gởi tôi. Hải Triều ở Canada, tôi không quen biết, trước đây khá lâu có gởi cho tôi một lá thư ngắn bày tỏ cảm tình với những bài viết của tôi và nói về khát vọng đấu tranh cho dân chủ, góp phần xây dựng quê hương. Lần này Hải Triều cũng viết tương tự, cho biết đã hay tin và lo cho tôi về những rắc rối tôi đang gặp. Hải Triều thông báo mới chủ trương một tờ báo lấy tên Nguyệt san Việt Nam ở Canada và đã ra được 3 số, cắt gởi cho tôi mấy bài viết của anh và cả một bài của tôi đăng lại trên báo này. Ðó là bài “Những phát hiện mới từ một phiên tòa” viết về HSP mà toà soạn đổi tựa là “Từ một phiên tòa XHCN”.

Không hiểu sao thư này lại lọt được. Thời gian gần đây tôi biết rõ nhiều thư từ của tôi, cả trong và ngoài nước đều bị mất.

Buổi chiều, một cô nào đó ở Bưu điện Hà Nội gọi hỏi địa chỉ cụ thể để gởi một bưu phẩm hay cái gì đó do ai nhờ chuyển. Thật lạ lùng, người ta biết tên tôi, tên Yến, số điện thoại, nhưng lại không biết số nhà, còn biết tôi trước đây có làm tờ báo Langbian. Không hiểu sao cô này lại gọi điện về báo Đảng Lâm Ðồng để hỏi tên Tổng biên tập báo Langbian nên người ta nói lung tung. Yến nói rõ lại tên họ địa chỉ và cô ta hứa sẽ gởi phát nhanh ngay.

Tối, Nguyễn Gia Kiểng ở Pháp gọi. Tôi nói tình hình. Kiểng dự đoán sẽ không có gì căng thẳng và còn gợi ý tôi làm trung gian liên lạc giữa Nhà nước và các tổ chức hòa giải hòa hợp ở bên ngoài để Nhà nước đỡ mất công và tốn kém cử người sang Paris tiếp xúc. Kiểng nói nghe dễ như chơi. Cái việc trung gian liên lạc này đâu phải là chuyện đơn giản và tôi không hề là người của bất cứ tổ chức nào.

Tôi báo cho Kiểng biết một việc hơi lạ, liên quan đến Kiểng và nhóm Thông Luận. Ngày 28/11/96, lúc G gặp Quốc ở Sài Gòn, G có đưa cho Quốc một tài liệu để Quốc đọc và sau đó Quốc chuyển cho tôi. Tài liệu không rõ xuất xứ, có tựa đề “Một số nguyên tắc đấu tranh trước một số hiện tượng và một vài vấn đề hiện nay” của tác giả Hoàng Duy Hùng. Tài liệu này nêu một số nhân vật có hai xu hướng đánh giá của dư luận hoàn toàn trái ngược nhau là Hà Sĩ Phu, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Văn Trấn, Ðỗ Trung Hiếu, Ðoàn Viết Hoạt, Nguyễn Ðan Quế... và kể cả Nguyễn Chí Thiện. Một xu hướng đả kích những người này, cho là thân Cộng, đối lập cuội. Xu hướng kia ca ngợi và ủng hộ nhiệt liệt. Trước tình hình đó, tác giả ôn lại và nêu ra một số nguyên tắc đấu tranh để hướng đạo cho những hoạt động của tổ chức mình. Trong phần “Những nguyên tắc hòa hợp và hòa giải”, tác giả đả kích Nguyễn Gia Kiểng và nhóm Thông Luận, phân tích và kết luận hòa giải hòa hợp không thể nào có được.

Tôi đọc thấy tài liệu này viết có nhiều sự kiện, chi tiết sai sự thực, lý luận không có sức thuyết phục và tư tưởng rất cực đoan. Tuy nhiên điều lạ là Quốc thuật lại có người nói tác giả Hoàng Duy Hùng này là cố vấn về an ninh của Nguyễn Gia Kiểng. (Tôi không nhớ rõ Quốc thuật lại ý này của G hay của ai đó nói.)

Kiểng nghe và nói ngay: Tầm bậy. Hoàng Duy Hùng là một Đảng viên trẻ mới gia nhập của Đảng Ðại Việt, người được coi như một lý thuyết gia của Đảng này, và thời gian gần đây đang ra sức đả kích Kiểng và nhóm Thông Luận. Tài liệu trên là một bài báo đăng trên một tờ báo của Đảng Ðại Việt mà Kiểng đã đọc. Làm gì có chuyện Hùng là cố vấn cho Kiểng.

Tôi nhớ thêm, khi thuật lại ý đó, Quốc nói người ta muốn cho mình hiểu rằng Thông Luận bề ngoài nói hòa giải hòa hợp nhưng thực chất bên trong khác, thậm chí trái hẳn lại. Thật là phức tạp. Tình hình bên ngoài cũng như cách làm việc của CA có thể làm cho người thiếu tỉnh táo không thể nào hiểu được thực chất của vấn đề và đâm ra chán ngán, hoài nghi tất cả.


Thứ năm 12/12/96

Buổi sáng có thời gian yên tĩnh để ghi nhật ký. Quốc gọi điện từ Sài Gòn lên báo sắp đi Ðà Nẵng và hỏi có gì mới không. Tôi kể chuyện CA tạm kết thúc đợt thẩm vấn thứ ba và nói sơ lược lại ý kiến của Kiểng. Quốc hẹn khi đi Ðà Nẵng về sẽ nói chuyện nhiều hơn.

Buổi chiều lại thêm chuyện lạ. Ðiện thoại tôi vẫn bình thường, không hề báo hỏng yêu cầu sửa chữa mà Bưu điện ba lần gọi đến để kiểm tra và nói đã sửa xong theo yêu cầu. Sao lại quá ưu ái thế. Chắc là “có vấn đề” rồi. Có thể người ta đang lắp đặt một thiết bị hay đưa vào một hệ thống gì mới để dễ kiểm tra. Từ đầu vụ rắc rối này, tôi đã tin chắc điện thoại bị nghe lén, ghi âm 100% và tôi luôn nghe, nói điện thoại với ý nghĩ và cảm giác đó trong đầu. Tôi không sợ gì cả về chuyện này nhưng quả thực không thoải mái. Thế mà trong Hiến pháp và nhiều bộ luật có ghi rõ bảo đảm bí mật thư từ, điện tín, điện thoại của công dân, không ai được xâm phạm. Ðất nước này có đủ mọi thứ tự do mà thực ra tự do nào cũng không có hay đã bị sứt mẻ, méo mó, không chỗ này thì chỗ khác.


Thứ sáu 13/12/96

Buổi sáng ghi nhật ký. Trưa khi Yến đi dạy về, tôi chở Yến ra nhà Hà Sĩ Phu để thăm vợ chồng anh và mời hai người chiều mai tới nhà chúng tôi ăn cơm. Từ hôm Hà Sĩ Phu về, ngày nào tôi cũng gọi điện hỏi thăm sức khỏe của anh và tình hình bạn bè đến chơi. Tụ cho biết hôm nào cũng có người lai rai lại thăm, phần lớn là bạn văn nghệ. Thế là tốt rồi. Mọi việc đã bình thường hóa và người ta cũng dần bớt sợ.

Gặp bữa, Biên mời chúng tôi ăn trưa luôn. Biên nấu sẵn nồi miến lươn với thịt nạc và nấm để bồi dưỡng cho chồng. Một món tả pí lù. Biên mua thêm mấy ổ bánh mì nữa và mọi người ăn no vẫn không hết. Hà Sĩ Phu lại kể chuyện tù, có Biên phụ họa. Ðúng là “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.

Về nhà Yến và tôi ra làm vườn luôn rồi mới tắm rửa, nghỉ ngơi, xem phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên trên truyền hình. Ðạo diễn khai thác đề tài hầu như bất tận, mỗi tập về sau này lại thêm nhân vật mới, sự kiện mới ở thị trấn nhỏ bé đang ngày một phát triển.

Tối Kiểng lại gọi điện. Từ khi tôi có vụ rắc rối đến nay, cứ hai, ba ngày Kiểng gọi một lần. Kiểng nói thêm về Hoàng Duy Hùng: Hùng còn trẻ, mới gia nhập Đảng Ðại Việt (của Hà Thúc Ký). Cách đây mấy năm Hùng có về Việt Nam làm du lịch. Bị CA bắt nhốt ở khám Chí Hòa một năm, sau đó về Mỹ rêu rao thành tích chống Cộng. Hùng có tìm đến phò tá Nguyễn Hữu Chung ở Canada nhưng Chung đánh giá nông cạn và tầm thường nên không hợp tác.

Kiểng hỏi thăm vụ chùa Long Thọ ở Ðà Lạt bị phá như thế nào nhưng tôi không tìm hiểu kỹ vụ này, chỉ thuật lại các tin trên báo, đài bên này chứ chưa hiểu bên trong còn có vấn đề gì khác.


Thứ bảy 14/12/96

Tôi mới đọc xong hồi ký của Trần Vàng Sao do Quốc cho mượn. Hồi ký viết năm 1993, ký tên thật Nguyễn Ðính, dài 134 trang, thuật lại quãng đời gian truân từ năm 1972. Thật là kinh khủng. Có lẽ Trần Vàng Sao là văn nghệ sĩ bị đày đọa nhiều nhất trong thời hiện tại theo kiểu Nhân văn-Giai phẩm ngày xưa. Trần Vàng Sao sinh ngày 12/12/1942 tại Huế. Bố mất sớm, mẹ bán cháo lòng, cố nuôi anh vào được đại học. Anh là một trong những sinh viên Huế đầu tiên “giác ngộ cách mạng”, được kết nạp Đảng và thoát ly ra rừng từ năm 1965, công tác ở Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế. Năm 1969 anh bị thương, được đưa ra Bắc điều trị và an dưỡng. Do hai “đồng chí” Trần Nguyên Vấn và Nguyễn Viết Trác nghe anh nói chuyện, đọc trộm nhật ký của anh đã báo cáo để lập công với tổ chức, phát hiện anh là một tên “phản động chống Đảng”. Thế là từ ngày 25/1/72, tại Viện Ðiều dưỡng K65 ở Thị xã Sơn Tây, anh bắt đầu bị điều tra, coi như một tên gián điệp cài vào tổ chức.

Căn cứ vào những điều anh ghi suy nghĩ của mình trong nhật ký và một số bài thơ, người ta buộc anh đủ thứ tội: Kêu gọi biểu tình, viết báo chữ to để lật đổ chế độ. Ðòi bắn cả Trung ương Ðảng. Cho triết học Marx-Lenin là một thứ triết học hành chính, không có đối thoại. Nói xấu Bác Hồ và Bác Tôn. Khinh miệt trí thức và văn nghệ sĩ miền Bắc không có óc phản tỉnh và suy nghĩ độc lập, không có tư cách của người cầm bút. Phê phán Ðảng độc tài, cho chủ nghĩa xã hội chỉ có trong sách vở. Dám nói nếu không có cuộc kháng chiến chống Mỹ hiện nay thì xã hội miền Bắc chỉ là một vũng bùn lộn cứt, thủ đô Hà Nội nhớp nhất thế giới...

Người ta tổ chức phát động một cuộc đấu tố anh ngay tại Viện Ðiều dưỡng. Gần 300 con người, mới hôm qua còn là đồng chí, nay lập tức coi anh là kẻ thù. Họ gọi anh bằng thằng, tên phản động chống Đảng, tên gián điệp, đồ dơ dáy, đồ chó đẻ... yêu cầu trừng trị đích đáng, nhiều người đòi đem xử bắn. Từ đó anh bị giam lỏng, bị thẩm vấn thường xuyên và sống trong một tập thể mà hầu hết nghi kỵ, xa lánh hay coi anh như thù địch, đến nỗi anh muốn nhìn đồ vật cây cối, gỗ đá hơn nhìn con người trong hơn 3 năm. May cũng còn có vài bạn thân thỉnh thoảng dám lui tới thăm viếng.

Ðến 75, lúc sắp giải phóng Miền Nam, nhờ một số bạn bè văn nghệ có chức quyền can thiệp, anh được đưa trở về Huế. Nhưng tại đây, ngay cơ quan cũ cũng không dám tiếp nhận anh, bất đắc dĩ phải bố trí anh làm một số công việc vớ vẩn, kể cả làm liên lạc cho Ủy ban xã. Bạn bè “cách mạng” nhiều người xa lánh, bạn bè “ngụy” cũng sợ không dám gần. Anh sống lạc lõng và nghèo đói. Rồi anh lấy vợ, sinh con, nhà thường xuyên thiếu gạo ăn, quá chán ngán tổ chức nên bỏ việc về nhà. Mãi cho đến năm 93, lúc viết hồi ký, anh vẫn sống cuộc sống đi vô, đi ra, bửa củi quét nhà, đi chợ, nấu ăn và thường xuyên bị nhòm ngó.

Trần Vàng Sao hơn tôi 3 tuổi, cùng một thế hệ sinh viên Huế dấn thân những năm 60. Ðó là một thế hệ đầy lòng phản kháng đối với bất công áp bức, nhiệt tình yêu nước và sẵn sàng xả thân cho lý tưởng. Bi kịch của anh là đã “giác ngộ cách mạng” sớm nhất và cũng “giác ngộ phản cách mạng” sớm nhất và đã dám nghĩ, dám sống như một người trí thức trung thực. Hồi ký của anh là một bằng chứng sống động về sự tàn bạo và nhẫn tâm của tổ chức và con người đối với con người, khi chủ nghĩa, sự cuồng tín giáo điều, sự phản bội hèn hạ, lòng tham quyền lực, tính cầu an ích kỷ nhào trộn vào nhau trong một giai đoạn lịch sử khủng khiếp được gọi là thần thánh.

Tôi ngẫm lại và thấy mình vẫn còn may mắn hơn Trần Vàng Sao nhiều vì lịch sử đã đi thêm một bước mới, mọi chuyện đã khác nhiều, dù có người vẫn cố cưỡng lại.

Buổi chiều, vợ chồng HSP đến ăn tối như đã hẹn. Yến bận rộn không nấu được nên chỉ mua ít thịt vịt, cháo vịt, giò chả và xôi vò. Hai người đi bộ đến nhà tôi vì đã lâu HSP không được đi [khoảng 3 cây số, không biết có “dắt tay nhau” hay không]. Chúng tôi lại hàn huyên đủ mọi chuyện.

Ðang ăn thì Hoàng Tiến từ Hà Nội gọi vào. Cả 4 chúng tôi cùng nghe. Hoàng Tiến đã 63 tuổi mà giọng vẫn rổn rảng, đầy khí lực. Tiến hỏi thăm việc HSP về nhà và việc của tôi. Tiến cho biết vẫn bình an và đang viết một bài về việc đón tiếp HSP ở trại giam và đề nghị chúng tôi cũng viết bài về việc đón tiếp ở trong này để “trao đổi văn hóa”. Sau bài “Về việc ông HSP bị bắt”, Tiến đã viết một bài dưới dạng thư gởi cho Nguyễn Văn Trấn, nay lại “thừa thắng xông lên” viết nữa. Thật đáng mừng khi chúng tôi có thêm người “chia lửa”.

Biên nói thêm là sau khi viết bài về HSP, Tiến đã chuẩn bị ba lô đựng quần áo thật (như anh đã có viết trong bài) để khi CA gọi là sẵn sàng đi ngay. Ðúng là thái độ “quyết tử cho chân lý”, dám chấp nhận trả giá cho điều mình tin tưởng, cho việc mình làm. Ðó là khí phách của kẻ sĩ. Mong rằng sĩ phu Bắc Hà sẽ có thêm nhiều Hoàng Tiến.


Chủ nhật 15/12/96

Tối hôm qua, ăn xong tôi lại bị đau bụng ngay. Ðúng là cái bụng quen chay tịnh theo phương pháp Yoga của tôi đã hại tôi trong những trường hợp này. Ðịnh đi làm vườn đôi chút nhưng đành chịu. Trong một đêm một ngày tôi phải ra vô toa-lét hơn 20 lần quá mệt. Uống một lúc mấy loại thuốc đông, tây y vẫn chưa bớt.

11g30 đêm, Anh Thái từ Mỹ gọi lúc chúng tôi đã ngủ. Thái báo sắp đi Ðông Âu và Pháp, sẽ gặp những người quen của tôi và thay tôi uống thêm ly rượu mừng Giáng Sinh với họ. Thái hẹn khi về lại Mỹ, ngày 29/12 sẽ gọi cho tôi để thu lời chúc Tết của tôi với thính giả VNCR trong chương trình dành cho những người đã cộng tác với đài trong năm 96.


Thứ hai 16/12/96

Yến đi dạy về kể có gặp một người quen nói chuyện. Người này có mối quan hệ với một cán bộ CA. Ðược cán bộ này cho biết CA biết rõ HSP đã có một dự định hay chương trình gì đó, và nếu HSP thực hiện thì CA sẽ bắt lại ngay. Tôi nhận định đây chỉ là sự hù dọa. Chắc chắn HSP không làm gì lúc này vì anh phải nghỉ ngơi dưỡng sức. Nếu có làm gì thì cũng chỉ là viết thôi. Tuy nhiên nguồn tin này cũng chứng tỏ rằng CA đang giám sát HSP chặt chẽ.

Khoảng 9g sáng Lĩnh gọi điện báo và sau đó đến ngay. Lĩnh mang tặng mấy tấm ảnh chụp chung hôm đón HSP ở sân bay và hỏi muốn sang thêm những tấm nào khác để Lĩnh sang giúp. Chúng tôi nói linh tinh về tình hình và Lĩnh tỏ ra vui vẻ.

11g30 trưa, Cẩm Thạch em gái tôi ở Quảng Ngãi gọi điện vào hỏi thăm và cho biết 1 bạn cũ của em là một Việt kiều ở Thụy sĩ mới về nước điện hẹn gặp Thạch ở Sài Gòn. Khi hỏi thăm về gia đình, biết tôi là anh của Thạch, người này nói đã đọc các bài tôi viết về HSP. Thạch ngạc nhiên sao có người ở nước ngoài lại biết về tôi nhiều hơn là Thạch biết về anh mình. Thực ra anh em chúng tôi đều có cuộc sống riêng và ở xa nhau, lâu lâu mới gặp hay gọi điện. Nhiều việc tôi làm anh em không biết.


Thứ bảy 17/12/96

Yến đi nhận tiền 700.000đ của hai con gởi tặng bố mẹ. Từ khi đi làm, lúc nào về thăm nhà hay lâu lâu hai con mới gởi ít tiền cho chúng tôi. Hai con tự lập được là chúng tôi mừng rồi. Sống ở đất Sài Gòn, ra đời không vốn liếng, xoay xở kiếm sống không phải dễ. Ðiều quan trọng là giữ được tình cảm gia đình và hai con không làm gì ngược lại với những điều chúng tôi mong mỏi: Khỏe mạnh, vui sống, cầu tiến, có nhân cách, có tình có nghĩa và làm được điều gì có ích cho đời. Thế hệ của các con hôm nay lúc vào đời khác xa thời của chúng tôi ngày trước. Vất vả hơn, ít lý tưởng hơn nhưng xông xáo và nhạy bén trong việc đương đầu với đời sống.

Chúng tôi muốn hai con về nhà gặp bố mẹ nói chuyện vào thời gian này, nhưng chúng chưa thu xếp ngay được. Dù không đề cập nhiều sợ Yến lo nhưng tôi vẫn nghĩ bất cứ lúc nào tôi cũng có thể bị bắt. Tôi muốn cả nhà sẽ bàn cụ thể về tình huống đó và hai con cần giúp mẹ những gì khi tôi đã vào trong trại giam. Dù sao đi nữa, rõ ràng đó không phải là một tình huống dễ chịu đối với gia đình tôi, nhất là với Yến, khi ở một mình trên này. Yến đã chuẩn bị tinh thần cho việc này và tỏ thái độ can đảm chấp nhận. Tôi thầm cám ơn Yến rất nhiều về sự chia sẻ này mà tôi biết không phải người vợ nào cũng có được. Yến và tôi đã cùng nhau vượt qua bao buồn vui, bao chặng đường khổ ải. Vào giai đoạn quá nửa đời sau 26 năm chung sống, Yến vẫn còn vất vả và lo khổ nhiều, ít được nghỉ ngơi vui vẻ. Dù sao điều quan trọng là chúng tôi vẫn còn có nhau, vẫn chung cùng một cuộc chiến đấu.


Thứ tư 18/12/96

6g kém 20 sáng, tôi nghe đài VOA phát bài phỏng vấn HSP do Thái Phong thực hiện. HSP nói khá nhiều việc: Thái độ đối xử của Nhà nước, sự đón tiếp của bạn bè, tác động của dư luận trong và ngoài nước, tính chất ôn hòa của người Việt Nam, sự hiểu biết lẫn nhau, sự mâu thuẫn trong nội bộ Đảng CS ở cấp cao, chuyện diễn biến hòa bình...

Tôi hiểu việc HSP trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài hiện nay là một việc không dễ dàng. HSP vẫn là HSP. Trục chính tư tưởng của anh, cũng như của tôi và nhiều bạn bè khác, là hòa giải hòa hợp hướng về dân chủ lồng trong một cuộc đấu tranh ôn hòa bằng sự trung thực và dũng cảm của người trí thức. Nói thế nào để mọi người hiểu rõ mình nhưng Nhà nước không xem đó là thái độ khiêu khích. Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng thực ra đó là việc của một người làm xiếc đi trên dây tử thần, sơ sẩy là mất mạng như chơi.

Cách ứng xử như thế nào cho phù hợp trong những tình huống tế nhị và hiểm nghèo? HSP đã kể cho tôi nghe hai trường hợp mà anh phải chọn lựa rất khó khăn. Một lần khi ở trong tù, người ta tổ chức cho tù làm báo tường và mời anh tham gia viết bài. Viết hay không, nếu viết phải viết như thế nào? Cuối cùng anh quyết định tuyên bố: Tôi là một người cầm bút chỉ viết trong tự do, nay tôi mất tự do nên không thể viết được. Tuy nhiên tôi cũng có khiếu trình bày nên tôi sẵn sàng giúp phần trình bày cho tờ báo. Lần khác, trong phiên tòa, người ta hỏi anh một câu mà anh hiểu (và sau này được xác nhận) tùy theo câu trả lời của anh mà anh sẽ được trả tự do ngay hay phải ở tù thêm 3 tháng nữa, khi anh nói lời cuối cùng. Chủ tọa hỏi: Có phải anh định nói anh mong được tòa xét xử một cách công minh không? Anh đã phản đối chủ tọa cắt lời anh và nói: Tôi không quan tâm đến việc xử nặng hay nhẹ mà vấn đề là tôi phải nói sự thật và là người trung thực.

Tình hình của tôi hiện nay có phần tương tự với HSP. Ðây là một cuộc chiến tranh tâm lý và cân não với một đối thủ có sức mạnh áp đảo về bạo lực và khi cần sẵn sàng sử dụng bạo lực, chứ không phải chỉ lý lẽ hay luật pháp. Chúng tôi không sợ bị bắt nhưng nếu không bị bắt vẫn tốt hơn.

Mấy hôm nay, đọc lại luật pháp, tôi thấy có các điều khoản sau đây giúp tôi chống lại mọi sự buộc tội tôi, nếu luật pháp thực sự được tôn trọng:


Hiến pháp nước CHXHCN VIỆT NAM năm 1992

Ðiều 50:

Ở nước Cộng Hòa XHCNVN, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong hiến pháp và luật.

Ðiều 53:

Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

Ðiều 69:

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

Ðiều 146:

Hiến pháp nước CHXHCNVN là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với hiến pháp.


Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền (Liên Hiệp Quốc 10/12/48)

Lời nói đầu:

Nhân quyền phải được pháp luật bảo đảm, để mỗi con người không còn bị buộc phải - khi không còn cách nào khác - nổi dậy đấu tranh chống lại sự tàn bạo và áp bức.
... Các nước thành viên cùng với tổ chức LHQ đảm bảo thừa nhận và duy trì các quyền cơ bản cùng những tự do cơ bản của con người.

Ðiều 19:

Mỗi người đều có quyền tự do có ý kiến và phát biểu, quyền này không cho phép bất cứ ai phải lo ngại vì có những ý kiến của mình và bao gồm cả quyền tìm kiếm, thu nhận và truyền bá các thông tin và các ý tưởng, bất chấp biên giới, bằng bất cứ phương tiện nào.

Ðiều 30:

Không điều nào của Bản Tuyên ngôn này có thể được lý giải theo lối để cho bất kỳ quốc gia, nhóm hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành một hoạt động hay thực hiện một hành vi nhằm phá hoại các quyền và các tự do đã được nêu lên trong Tuyên ngôn này.

Dĩ nhiên người ta sẽ có nhiều cách diễn giải luật pháp và áp dụng nhiều văn bản luật khác đi ngược lại tinh thần và nội dung của các điều khoản trên để buộc tội. Nhưng rõ ràng khi buộc tội như thế, họ không thể nào né tránh việc vi phạm dân chủ, dân quyền và nhân quyền. Ðó là cái giá họ phải trả.

Lựa chọn một cách ứng xử đúng đắn nhất hiện nay, trong một tình huống có thể nói là tế nhị và hiểm nghèo, tôi quyết định vẫn tiếp tục sử dụng quyền tự do tối thiểu của mình là phát biểu ý kiến về mọi vấn đề như đã làm từ trước. Ðó cũng chính là lòng tự trọng và nhân cách, chưa nói đến tinh thần bất khuất trước bạo lực. Mặt khác, tôi hoàn toàn có thiện ý, sẵn sàng xem xét lại nội dung và phương pháp việc làm của mình, thận trọng và chặt chẽ hơn để có hiệu quả cao nhất và không bị kẻ xấu lợi dụng. Tuy nhiên, tôi cũng yêu cầu Nhà nước xem xét lại cách nhìn nhận và đối xử với những trí thức, văn nghệ sĩ và những người bất đồng chính kiến kể cả trong và ngoài nước. Có như thế, hòa giải hòa hợp dân tộc mới được thực hiện và tiềm lực của dân tộc mới được phát huy để xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.”
Trong tinh thần đó, tôi muốn đặt tựa đề của tập nhật ký trong giai đoạn này là Tôi bày tỏ thay vì Tôi tố cáo.

Ðà Lạt tháng 11,12/96

© 2006 talawas