© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
9.2.2006
Salman Rushdie
Cuộc tranh biện văn hóa hiện nay – Hãy bớt ngu xuẩn thuần khiết đi và thêm đất cát bụi bặm vào
Trịnh Lữ dịch
 
Vẫn biết rằng đa văn hóa là một ý tưởng lúc nào cũng khiến thiên hạ hằm hè như sắp đánh nhau đến nơi, nhưng gần đây thì tình trạng hằm hè ấy đã thành ra một bãi chiến trường mỗi ngày mỗi khốc liệt. Mà tình trạng này là do đám khủng bố ngầm bày đặt gây ra cả, cho nên chúng ta phải hiểu rằng mục đích của chủ thuyết khủng bố là biến những khác biệt giữa chúng ta thành đầu mối chia rẽ rồi lấy luôn những cái chia rẽ ấy để biện hộ cho hành động khủng bố.

Không còn nghi ngờ gì nữa: làm sao có thể vinh danh đa văn hóa khi đến các bà đầm Bỉ còn đang bị đám dân Bỉ “gốc Bắc Phi” dụ hoặc đến độ dám tự cho nổ bom tan xác cả mình lẫn người khác. Trên các sân khấu hài người ta đang cố dập tắt (chẳng biết động từ này có đúng hay không nữa) nỗi sợ hãi của dân chúng bằng cách tếu táo cả với những chuyện kinh khủng ấy, như kiểu: “Tên tôi là thằng Mỗ Hồi, có ghi như thế trong tấm bằng phi công của tôi thật mà.” Nhưng có tếu táo mấy cũng chẳng làm sao cho mọi chuyện yên đi được.

Anh, dân tộc có quyết tâm theo đuổi đa văn hóa cao nhất ở châu Âu, là trung tâm điểm của cuộc tranh biện hiện nay. Theo một vài cuộc thăm dò dư luận thì dân Anh vẫn thề sẽ tiếp tục ủng hộ đa văn hóa ngay cả sau khi đã xẩy ra các vụ đánh bom hôm mồng 7 tháng Bảy; tuy nhiên, nhiều nhà bình luận đã không có được thái độ cương quyết như thế. Chủ bút tạp chí Prospect là ông David Goodhart đã nhắc lại một câu hỏi triết luận cổ xưa: “Ai là anh em của ta?”, rồi nói ý rằng một xã hội quá đa dạng có lẽ sẽ không thể bền vững được. Vị tổng giám mục da đen đầu tiên của Anh – Tiến sĩ John Sentamu, thì lên án rằng đa văn hóa đang làm tổn hại đến bản sắc dân tộc Anh. Còn Chính phủ thì tuyên bố kể từ nay những công dân mới sẽ phải thi một “trắc nghiệm về khí chất Anh quốc”, và mỗi tấm hộ chiếu sẽ là một thứ bằng lái xe chứng tỏ công dân ấy đã thuộc hết các luật định trên dặm trường dân quốc.

Dư luận đối nghịch thì có Karen Chouhan của “1990 Trust” – một tổ chức nhân quyền “do người da đen cầm đầu”, nhất định cho rằng “Cần phải tiến tới bằng cách tranh biện nghiêm túc xem chúng ta có thể đi xa đến đâu trong nỗ lực khắc phục tình trạng kì thị chủng tộc ở mọi nơi mọi chốn, chứ không được thoái bộ bằng biện pháp cưỡng chế mọi người phải trở thành thuần Anh (tức là trắng) hơn.”

Với một người như tôi, đã đổi đời vì một cuộc di cư, thì không thể nào có một cách nhìn hoàn toàn khách quan về cái hay cái dở của những dư luận vừa nhắc đến kia. Trong đời viết văn của mình, tôi đã bỏ nhiều công sức để vinh danh cái tiềm năng sáng tạo và đổi mới của những hội ngộ và cọ xát văn hóa vốn đã thành thông thường trong cõi người đầy rẫy biến đổi của chúng ta. Nhưng rồi, như mọi người vẫn moi móc mãi chưa tha, tôi lại còn có một mối bận tâm khác nữa, bởi lẽ cuộc cãi vã vì Những vần thơ Quỉ Satăng đã thành ra một thời điểm bản lề trong tiến trình hun đúc một bản sắc và cương lĩnh chính trị của người Hồi giáo tại Anh. Không phải là tôi không nhận thấy những cái trớ trêu nực cười trong chuyện một tác phẩm nghệ thật thế tục hóa ra lại tiếp năng lượng cho những lực lượng bài thế tục có chủ trương cộng đồng hóa mạnh mẽ, mà lại là Hồi giáo chứ không phải một lực lượng châu Á nào cả. Và kết quả là với tôi, vâng, đúng thế, cuộc tranh cãi về đa văn hóa đã trở thành một tranh biện nội tại, một cuộc cãi vã với chính mình.

Mà không phải chỉ có tôi mới vậy. Pha trộn văn hóa xảy diễn trong tất cả chúng ta, với những mâu thuẫn bất khả dung hòa. Trong những thành phố ngày một sưng vù lên với đám cư dân nói đủ mọi thứ tiếng của chúng ta, dòng máu văn hóa của ai cũng đều lai căng pha tạp hết. Cho nên điều quan trọng là phải phân biệt được văn hóa đa phương diện khác với đa văn hóa ở chỗ nào. Trong thời đại di cư ồ ạt và nối mạng internet, đa phương về văn hóa là một thực tế không thể đảo ngược, thích hay không thích cũng vậy thôi, nó chính là nơi ta sống, còn giấc mơ về một nền văn hóa đơn lẻ thuần khiết chẳng qua chỉ là một nuối tiếc viển vông vô vọng, hoặc không thì còn là một mối đe dọa chết người tệ hại nhất khi những ý tưởng về sự thuần khiết (thuần khiết chủng tộc, thuần khiết tôn giáo, thuần khiết văn hóa) biến thành những chương trình “thanh lọc chủng tộc”, hoặc khi người Hindu cuồng tín tấn công cái gọi là “phi chính thống” trong kinh nghiệm Hồi giáo của người Ấn Độ, hoặc khi những lãnh tụ tư tưởng Hồi giáo lùa thanh niên đi chết vì một tín ngưỡng “thuần khiết” chưa bị ô uế bởi lòng thương khó hoặc ý nghi ngờ. “Thuần khiết” là một khẩu hiệu dẫn đến chia rẽ và bùng nổ. Ta hãy thôi nó đi. Và hãy làm ơn pha tạp thêm vào; bớt sạch sẽ đi, thêm tí đất cát bụi bặm nữa vào. Rồi tất cả chúng ta mới mong được ngủ yên lành hơn ngay trên giường của chính mình.

Tuy nhiên, đa văn hóa vẫn thường trở thành một thuyết tương đối về văn hóa rất thô thiển, một thứ lí luận rất khó chấp nhận vẫn được dùng để che đậy và biện hộ cho nhiều hành vi phản động và áp chế — ví dụ như áp chế phụ nữ. Ý tưởng đa văn hóa kiểu Anh về một cộng sinh yên lành của nhiều nền văn hóa khác nhau dưới sự che chở của một Pax Britannica (một nền hòa bình theo kiểu Anh – ND) vẫn còn mơ hồ trong mường tượng của mọi người đã bị hủy hoại nghiêm trọng bởi những kẻ đánh bom ngày 7 tháng Bẩy và dòng văn hóa bất mãn của những khu phố ổ chuột vốn đã sản sinh ra và nuôi dưỡng chúng. Trong số những mô hình xã hội đã biết khác, ý thức trông mong chung chung vào một quá trình “hòa đồng viên mãn” có vẻ không được thiên hạ hưởng ứng, mà cũng không thể thực hiện được; và thế là chỉ còn có giải pháp trông cậy ở “những giá trị cốt lõi”. Cái “Trắc nghiệm về khí chất Anh quốc” đang được người ta đề nghị chính là một nhái bản kệch cỡm và nực cười của giải pháp này.

Khi nhặt nhạnh và pha trộn các yếu tố văn hóa cho chính mình, chúng ta, với tư cách cá nhân, bao giờ cũng thuận theo tính cách của chính mình chứ không phải nhắm mắt làm bừa. Cũng như vậy, từng xã hội cũng phải duy trì cái năng lực phân biệt của mình để chối bỏ cũng như chấp nhận, để biết quí điều này hơn điều kia, và để kiên trì làm cho những giá trị mà mình cho là tốt đẹp được tất cả thành viên của mình chấp nhận. Đây chính là câu hỏi của thời đại chúng ta: Làm thế nào để một cộng đồng bộ phận trong một tập hợp của nhiều nền văn hóa có thể quyết định sẽ phải chia sẻ những giá trị nào của mình để gắn kết được với tập hợp ấy, và nó sẽ duy trì những giá trị ấy ra sao, ngay cả khi chúng va chạm với truyền thống và tín ngưỡng của một số công dân nào đó?

Câu trả lời có thể ló dần ra nếu ta lặp lại câu hỏi đó theo cách ngược lại: xã hội phải làm gì cho công dân của mình? Những cuộc nổi loạn ở Pháp cho thấy một sự thật trần trụi. Nếu mọi người không cảm thấy mình được dự phần trong lí tưởng của quốc gia, cảm thức tha hóa của họ sẽ biến thành cuồng nộ. Chouhan và những người khác đã nghĩ đúng khi nói rằng cần phải khẩn trương giải quyết các vấn đề công bằng xã hội, phân biệt chủng tộc và nạn khốn cùng. Nếu muốn xây dựng một xã hội đa nguyên trên nền tảng của những gì đã đoàn kết chúng ta, chúng ta phải thẳng thắn đối mặt với những gì đang chia rẽ chúng ta. Nhưng cũng không thể né tránh các câu hỏi về những tự do thiết yếu và lòng trung thành căn bản. Không xã hội nào, dù khoan dung đến mấy, lại có thể hy vọng thịnh vượng nếu mọi người còn chưa biết quí cái nghĩa công dân của mình – tức là khi được hỏi là công dân Pháp, công dân Ấn Độ, hay công dân Anh có nghĩa là gì mà họ vẫn còn cứ ấp úng mãi chẳng nên lời vậy.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas
Nguồn: Times Online, 10.12.2005 http://www.timesonline.co.uk/article/0,,1072-1918306,00.html