© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
9.2.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Tôi bày tỏ
Nhật ký trong những ngày bị quản chế 1996 –1998 (13 kì)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Phần 2: Chiến dịch bao vây, ngăn chặn, cô lập và giám sát

Thứ sáu 7/2/97 (Chiều mồng một Tết Ðinh Sửu)

Hà Sĩ Phu hẹn ra nhà gặp mặt một số bạn bè uống rượu mừng năm mới. 4g chiều, tôi và Yến chuẩn bị đi thì có điện thoại của một cô bạn trong nhóm Yoga báo có một đoàn khách Ấn Ðộ đến nhà cô, hình như là đoàn của tổ chức Yoga quốc tế. Vì cô không nói được tiếng Anh, không hiểu họ muốn gì nên nhờ tôi sang gặp để tiếp xúc. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì đây là một việc khác thường. Khoảng 15' sau tôi đến nhà cô bạn. Cô cho biết đoàn đó đã đi rồi, vì thực ra họ lầm địa chỉ. Họ muốn đến nhà một người quen cùng tên với cô bạn, cùng số nhà nhưng đường khác. Sau khi kiểm tra lại, họ xin lỗi và ra đi. Tôi ngồi nói chuyện với hai vợ chồng cô bạn khoảng nửa tiếng rồi về. Tôi và Yến đến nhà HSP trễ nửa tiếng so với giờ hẹn. Mọi người đã có mặt đông đủ. Cũng là những người đã đi đón HSP trước đây, lúc HSP ở tù về. Chúng tôi nói chuyện vui vẻ.

Một tuần sau, Yến gặp lại cô bạn trong nhóm Yoga. Cô bạn nói đã phải dằn vặt đấu tranh rất nhiều trước khi quyết định gặp nói chuyện với Yến. Cô cho biết hôm mồng một Tết, chỉ sau khi tôi rời nhà cô 5', một toán CA đã ập vào nhà cô để kiểm tra, mục đích bắt tại trận tôi đang tiếp xúc với đoàn khách nước ngoài. Họ nói chuyện rất nhiều với chồng cô, nguyên là một cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy đã về hưu. Họ cho biết tôi cùng với Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc và cả Mai Thái Lĩnh, Trần Minh Thảo đều là những người chống đối chế độ, có tham gia một tổ chức chính trị phản động ở bên Mỹ mà CA có đầy đủ hồ sơ. Họ đe dọa cô bạn không được báo cho tôi biết sự việc này, không được giao du với chúng tôi. Họ còn trách cô bạn ngày Tết mà không cho họ nghỉ ngơi, bắt họ phải đi làm việc vất vả. Thật nực cười.

Cô bạn tỏ ra rất sợ hãi. Cô nói ban đầu cô không dám báo vì chồng cô cũng răn đe, nhưng vì cô tin chúng tôi là những người tốt, không làm gì sai trái và biết CA đang theo dõi tôi gắt gao nên cuối cùng quyết định nói cho chúng tôi biết. Tuy nhiên cô nói thêm từ đây về sau, có thể khi gặp chúng tôi, cô không chào hỏi hay nói chuyện, xin chúng tôi đừng trách vì cô không muốn liên lụy.

Vậy là chúng tôi vẫn bị CA theo dõi giám sát chặt chẽ, mặc dù sau vụ tôi bị CA mời thẩm vấn 12 ngày hồi cuối năm ngoái, tình hình có vẻ im ắng.

Trong mấy ngày Tết có một việc quan trọng hơn. Mấy người bạn ở Ðà Lạt báo cho tôi hay họ vừa đọc được một bài báo đăng trên tờ Sài Gòn Giải Phóng đích danh viết về tôi với những lời phỉ báng và chụp mũ chính trị nặng nề. Báo này ở Lâm Ðồng hiếm nên gần cả tuần sau khi báo đăng, tôi mới được Mai Thái Lĩnh photo cho một bản, sau đó Quốc Vĩnh em tôi ở Sài Gòn cắt bài báo gởi lên. Ðó là bài “Tiếng vọng lẻ loi” của Nguyễn Minh đăng trên báo SGGP số chủ nhật 2/2/97, chiếm hơn nửa trang lớn.

Tôi và các bạn phân tích kỹ các khía cạnh của trường hợp đăng tải bài báo này. Bài viết thực ra không có sức nặng, nhiều dẫn chứng sai, lý luận thiếu sức thuyết phục, lời lẽ phỉ báng thiếu văn hóa. Những dẫn chứng tuy không chính xác, nhưng cho thấy tác giả là người của CA hoặc được CA cung cấp tài liệu. Tại sao bài này không được đăng trên tờ Nhân Dân mà lại chỉ đăng ở SGGP, có phải do chỉ đạo từ Trung ương? Lần đầu tiên một cá nhân được nêu ra, đả kích đích danh trên báo, đây có phải là một chủ trương mới, muốn công khai dùng các phương tiện thông tin đại chúng phản kích những ý kiến phê phán Ðảng và Nhà nước? Việc này dừng lại trong phạm vi đó hay chỉ là một bước mở đầu nhằm tạo dư luận thuận lợi, sau đó sẽ thực hiện những biện pháp mạnh hơn như bắt giữ, truy tố đối với cá nhân tôi, cũng như đối với những người bất đồng chính kiến khác? Ðây quả là một hiện tượng đáng suy nghĩ và có nhiều nghi vấn chưa giải tỏ được.

Sau khi tham khảo ý kiến bạn bè và gia đình, ngày 9/2/97, tôi viết một lá thư gởi Ban Biên tập báo SGGP, nguyên văn như sau:

Kính gởi: Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng

(Về bài báo “Tiếng vọng lẻ loi”)

Tôi là Bảo Cự, bút hiệu Tiêu Dao Bảo Cự, hiện ở tại 35/1 đường Nguyễn Ðình Chiểu Ðà Lạt. Vừa qua trên báo SGGP chủ nhật 2/2/97 có đăng bài “Tiếng vọng lẻ loi” của Nguyễn Minh nói về tôi. Bài viết này có chủ ý quy chụp chính trị với những lời lẽ hằn học, phỉ báng nặng nề. Tôi không biết Nguyễn Minh là ai, vì sao nhắm vào tôi như vậy, nhưng vì bài viết được đăng trên một tờ báo lớn, cơ quan của Ðảng bộ Ðảng Cộng Sản Việt Nam TP/HCM, có liên quan đến trách nhiệm của Ban Biên tập, nên tôi có một số ý kiến ban đầu về vấn đề này như sau:

Ðể phê phán tôi, Nguyễn Minh đã đưa ra 13 việc làm và lời nói của tôi để làm căn cứ, nhưng trong đó có đến 10 dẫn chứng lại không đúng sự thật, không phải của tôi hay không đầy đủ, cố tình bóp méo để xuyên tạc.

Những sự việc Nguyễn Minh viết sau đây hoàn toàn không có:

  • “TDBC đã tự đánh giá hành động của mình trong lời kết bài trả lời phỏng vấn đài Australia phát ngày 6/10/96 “Ðó chỉ là tiếng vọng lẻ loi...” Tôi không hề trả lời phỏng vấn đài Australia vào ngày đó với nội dung trên.

  • “Vào lúc 19g thứ ba 10/9/96, TDBC đã đọc cho đài phát thanh SBS tại Australia một bức thư ngỏ gởi đồng bào Việt Nam ở hải ngoại...” Tôi không hề viết thư ngỏ này.

  • “Rồi trong bài “Thiên tai, Ðảng và nhân dân” của TDBC do đài CMT phát ngày 19/10/96, TDBC lại tập trung chỉ trích nhà cầm quyền Việt Nam...” Tôi chưa bao giờ viết bài nào có tựa đề như trên và không biết đài CMT là đài gì.

  • “Một quyển sách của TDBC được in ở nước ngoài, ngày 6/10/96 đài Australia phỏng vấn TDBC và cái trò nhử cá cắn câu được anh chàng phóng viên của đài Australia tung hứng với TDBC khá ngoạn mục.” Rất tiếc tôi chưa được chơi trò tung hứng với anh chàng phóng viên nào của đài Australia.
Những câu trích dẫn sau đây Nguyễn Minh gán cho tôi trong khi tôi không hề nói hay viết như thế:

  • “Giống như những hành động của bọn thực dân thống trị trước đây, chà đạp lên nhân quyền và nhân phẩm con người. Những lời tuyên bố của chính phủ Cộng sản Việt Nam xây dựng một nhà nước pháp quyền để lo cho dân và vì dân đều chỉ là những lời tuyên truyền láo toét.”

  • “Trong khi cả nước đang nỗ lực chống bão lụt thì những người Cộng sản Việt Nam lại coi việc xử án ông HSP là quan trọng hơn, lo cho sự tồn vong của Đảng của họ hơn là sinh mạng của người dân.”
Những căn cứ về sự việc và câu nói trên đây không rõ Nguyễn Minh cố tình bịa đặt ra hay do trình độ khi nghe các đài phát thanh của nước ngoài, dù phát bằng tiếng Việt, vẫn không hiểu được nguồn tin xuất xứ từ đâu, không phân biệt được đâu là lời của phóng viên hay người bình luận của đài, đâu là lời của tác giả được trích dẫn, hay Nguyễn Minh đã cố tình đánh lận con đen để thực hiện ác ý của mình.

Một số câu trích dẫn khác Nguyễn Minh đã cố tình cắt ra khỏi văn cảnh hay sửa đổi theo ý mình để dễ suy diễn, quy chụp:

  • “Ðó chỉ là tiếng vọng lẻ loi từ một khu vườn yên tĩnh của thành phố Ðà Lạt sương mù bé nhỏ. Nó có ích gì không trong cái thế giới sôi động của những con người đang hận thù, giết chóc và mua bán này?” Ðây không phải là lời kết để tự đánh giá hành động của mình trong bài trả lời phỏng vấn đài Australia phát ngày 6/10/96 mà Nguyễn Minh lấy làm tâm đắc để suy diễn và dùng làm tựa đề cho bài báo, mà là phần cuối của bài nói chuyện với Ðoàn Giao Thủy, cộng tác viên báo Diễn Ðàn ở Pháp, (bài đăng trên báo Diễn Ðàn) khi Ðoàn Giao Thủy hỏi tôi có muốn nhắn gởi gì đến bạn bè khắp năm châu, do cám cảnh trước tình hình chung mà tính chất bạo lực và thực dụng đang chi phối thế giới hiện nay và cũng là cách nói khiêm tốn mang màu sắc văn chương của người viết.

  • “Ðảng và Nhà nước không cầm quyền mà là cai trị, không chỉ độc tài mà còn độc ác.” Là một câu trong bài “Hà Sĩ Phu và cuộc hành trình gian nan của dân tộc” tôi viết vào đúng ngày 22/8/96 có phiên tòa xử Hà Sĩ Phu, nguyên văn như sau: “Trước phiên tòa tôi suy nghĩ về 3 khả năng:

    1. Tòa tuyên bố vô tội và trả tự do cho ba bị cáo. Ðây là cách tốt nhất để Ðảng và Nhà nước chứng tỏ sự phục thiện của mình, may ra lấy được phần nào niềm tin nơi quần chúng.

    2. Một bản án nhẹ để gọi là giữ thể diện cho Nhà nước và thượng tôn pháp luật. Ðây là điều không thể chấp nhận nhưng cũng có thể hiểu được.

    3. Một bản án nặng để trấn áp những người đấu tranh cho dân chủ. Ðây sẽ là một tội ác không thể tha thứ. Ðảng và Nhà nước không phải cầm quyền mà là cai trị. Không phải là độc tài mà là độc ác. Một hành động đàn áp trắng trợn không gì có thể biện minh được.”
Lối trích dẫn kiểu đó để suy diễn, quy chụp từ trước đến nay không phải xa lạ gì và Nguyễn Minh đã học tập, áp dụng khá thành thạo.

- “Ðến câu hỏi “Thưa anh, hiện nay công an có để cho anh được yên thân hay không?” TDBC trả lời: “Tôi chỉ sợ là công an theo dõi tôi... tuy nhiên họ chưa có hành động nào trực tiếp” không phải là câu tung hứng với phóng viên đài Australia như đã nói trên mà cũng trong cuộc trò chuyện với Ðoàn Giao Thủy và nguyên văn như sau: “Tôi biết hiện nay công an đang theo dõi, giám sát chặt chẽ mọi hành vi, quan hệ của tôi, kể cả việc kiểm duyệt thư từ và nghe điện thoại, tuy nhiên họ chưa có hành động nào trực tiếp.”

Tại sao Nguyễn Minh lại cố ý sửa đổi câu nói của tôi về công an, điều này có thể hiểu được, mặc dù đáng ra Nguyễn Minh phải trích đúng nguyên văn để có thể quy chụp, phê phán tôi nặng nề hơn.

Ðiều đó đã trở thành vụng về và “giấu đầu lòi đuôi” khi trong đoạn kế tiếp, Nguyễn Minh, một bạn đọc bình thường như tòa soạn ghi chú trên tựa đề bài viết, lại có thể kể chi tiết về cái gọi là bản kiểm điểm của tôi trước cơ quan công an khi có hành vi sai phạm vì tiếp một người nước ngoài và phải nộp phạt. Việc tường thật này lại càng không đầy đủ và không đúng sự thật. Khi cán bộ công an cố tình ép tôi phải thừa nhận có hành vi sai phạm điều 15 Quyết định 202/QÐUB ngày 24/3/84 của UBND tỉnh Lâm Ðồng, tôi đã phản đối kịch liệt và đã tự tay ghi trong bản tường trình là quyết định đó đã quá cũ, quá lạc hậu với tình hình, trái với chủ trương đổi mới và mở cửa của Ðảng và Nhà nước, trái với tình hình thực tế và cần phải thay đổi. Ðất nước đã mở cửa được 10 năm, Ðà Lạt là một thành phố du lịch, có rất nhiều du khách nước ngoài, mà quyết định trên cấm không cho người dân tiếp xúc với người nước ngoài, ai muốn tiếp xúc phải xin phép và được sự chấp thuận của chính quyền.

Tóm lại, chưa nói đến vấn đề quan điểm, bài báo của Nguyễn Minh là một sự vu khống trắng trợn nhằm chụp mũ chính trị và xúc phạm đến danh dự công dân một cách cụ thể, không phải là một bài báo phê phán chung chung thông thường. Tôi không hiểu Ban Biên tập đã đặt vấn đề và có điều kiện thẩm tra trước khi đăng tải hay chưa.

Do đó, tôi đề nghị Ban Biên tập cho đăng lá thư này của tôi, xem xét lại những vấn đề tôi đã nêu và có ý kiến rõ ràng theo đúng luật báo chí. Ngoài ra, tôi đề nghị Ban Biên tập mở cuộc tranh luận công khai trên quý báo về những vấn đề quan điểm mà Nguyễn Minh đã phê phán tôi trong bài báo trên như thế nào là độc tài và dân chủ, trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước trước hiện tình đất nước. Tôi dành quyền trả lời bài báo Nguyễn Minh, sẵn sàng tham gia cuộc tranh luận và tôi rằng đông đảo bạn đọc sẽ hưởng ứng tham gia để làm sáng tỏ chân lý.

Kính chúc Ban Biên tập mạnh khỏe và quý báo ngày càng có chất lượng tốt, xứng đáng với tên gọi Sài Gòn Giải Phóng và tiêu đề “Tiếng nói của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”.

Trân trọng,
Ðà Lạt ngày 9/2/97

Chuyện bài báo xảy ra trong mấy ngày Tết có tác động phần nào nhưng không làm gia đình chúng tôi mất vui. Hai con về sum họp với bố mẹ bao giờ cũng là niềm vui lớn nhất của gia đình. Mỗi ngày, chúng tôi đều ăn uống, trò chuyện rất lâu vì ít khi có dịp gặp các con. Tết nào chúng tôi cũng không chú trọng việc mua sắm, trang trí xa xỉ, mà chỉ chuẩn bị thức ăn cần thiết, để dành thời gian trò chuyện và đi chơi là chính. Tiêu Dao, con trai lớn của chúng tôi, mới sắm một chiếc mô tô 125 phân khối. Công ty con làm việc đồng ý ứng trước cho nó mượn một năm lương và nó bỏ ra thêm một ít để mua. Nó bảo cần có xe để đi giao dịch và khi cần đi các tỉnh xa công tác không phải đi xe đò bất tiện và không chủ động. Yến không bằng lòng chuyện con mua xe mô tô, vừa tốn kém vừa đi nhanh nguy hiểm, nhất là đi đường trường. Tôi cho rằng con thích cứ để nó làm, đó cũng là yêu cầu và niềm vui của nó, miễn là nó không đua xe bậy bạ. Ðến một lúc nào đó nó sẽ có nhu cầu khác và chiếc xe không phải là vấn đề nữa. Vả lại chúng tôi cũng chỉ có ý kiến thế thôi. Các con đã tự lập và nhiều việc chúng tự làm theo ý mình.

Mấy ngày Tết chúng tôi chỉ đi thăm viếng vài bạn bè thân, còn ngoài ra chúng tôi đi chơi xa. Ðặc biệt năm nay chúng tôi đi Suối Vàng và hồ Dankia, nơi có nhà máy thủy điện. Suối Vàng là một thắng cảnh của Ðà Lạt, nhưng dù ở đây khá lâu chúng tôi vẫn chưa đi vì đường xấu và khá xa. Chung quanh khoảng đường gần thành phố đồi núi đã bị đốn trọc và dân khai thác trồng rau, cây ăn trái nên trông xấu xí, nhưng càng vào sâu rừng thông còn nguyên vẹn và giữ được vẻ hoang sơ. Hồ Dankia rộng mênh mông so với hồ Xuân Hương, khung cảnh khá tĩnh mịch, thu hút cả một số đoàn du khách từ Sài Gòn lên. Chúng tôi lấy thức ăn mang theo ra nhấm nháp và ngồi ngắm hồ, cảm thấy tâm hồn yên tĩnh trước thiên nhiên.

Nghe nói TP/ÐL có liên doanh với nước ngoài xây dựng khu du lịch mới ở Dankia, một Ðà Lạt thứ hai, với kinh phí lớn nhất so với các công trình đầu tư trong cả nước từ trước đến nay. Chương trình nghe rất vĩ đại nhưng không biết đến bao giờ mới thực hiện. Nếu làm được cũng rất tốt, vì Ðà Lạt hiện nay đã trở nên nhỏ bé và ô nhiễm, nhưng tôi chỉ sợ rằng rồi Dankia cũng sẽ không giữ được nét thiên nhiên hoang dã khi một đô thị mới mọc lên với những khu phố và khu vui chơi giải trí kiểu văn minh.

Khi về, chúng tôi ghé vào Trung tâm Nghiên cứu Khoa học, nơi có trưng bày mẫu cây và thú. Ðây trước kia là Dòng Chúa Cứu thế, một lâu đài tuyệt đẹp nằm trên một ngọn đồi cao giữa rừng thông. Thật là tiện lợi cho Nhà nước khi chiếm dụng những cơ sở như thế này. Không biết nhà nước đã viện lý do gì mà đến nay Giáo hội Thiên chúa giáo vẫn chưa đòi lại được cũng như nhiều cơ sở tôn giáo khác. Dù các giáo hội đã phục tòng và hợp tác với Nhà nước cách này cách khác ở những mức độ khác nhau, nhưng trong sâu xa, chắc chắn các giáo hội và giáo dân khó lòng tin tưởng được Nhà nước này khi những việc như thế và những việc khác xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng và hoạt động tôn giáo vẫn còn tiếp tục.

Chuyện bài báo của Nguyễn Minh không ngờ ở nước ngoài cũng biết nhanh chóng. Các bạn bè và người quen của tôi ở Pháp, Mỹ, Ðức tới tấp gọi điện về chúc Tết tôi và hỏi thăm. Một số người đã thu âm qua điện thoại lá thư của tôi gởi BBT báo Sài Gòn Giải Phóng để phổ biến và hứa sẽ phổ biến các bài viết sau này của tôi về vấn đề đó. Thế là công khai gọi công khai. Và tôi lúc nào cũng muốn công khai dù tôi đang bị phỉ báng.

Mấy này Tết trôi qua nhanh chóng. Các con tôi trở về Sài Gòn và chúng tôi lại tiếp tục nếp sống cũ.

Chuyện bài báo của Nguyễn Minh trên SGGP tiếp tục râm ran ở đây. Ngay một số người hàng xóm của tôi làm việc ở các cơ quan có mua báo này cũng biết và họ nhìn chúng tôi với đôi mắt khác lạ. Ban đầu, quả thật chúng tôi không biết Nguyễn Minh là ai, nhưng rồi mọi chuyện rõ dần. Chẳng phải ai xa lạ, chính là một “đồng chí” cũ của tôi, hội viên Hội Văn nghệ Lâm Ðồng, người đã ủng hộ tôi và Bùi Minh Quốc hết mình trong vụ đấu tranh với Tỉnh ủy năm 1988, nhưng sau đó anh ta xoay chiều và đi đầu quân làm việc cho CA. Anh ta được kết nạp Đảng, sau gần 30 năm là đối tượng Đảng, được bố trí làm thường trực tòa soạn của tờ báo CA tỉnh, được tăng lương và cấp một chiếc xe Simpson mang biển số xanh để đi lại. Sau một thời gian được sử dụng, không hiểu sao gần đây anh ta lại bị cho ra rìa và có lẽ việc viết bài báo là một cách lập công. Chính anh ta đã đi khoe bài viết của mình nhiều nơi, nhất là các báo, đài và ban tuyên huấn. Sau khi bài báo đăng ở SGGP, anh ta còn tiếp tục gởi ra cho tờ Người Làm Báo ở Hà Nội, hy vọng sẽ được đăng lại ở một số tờ báo của trung ương và chứng tỏ khả năng của mình. Ðúng là một kiểu ngoi lên điển hình của một loại cầm bút trong thời đại này.

Anh ta chính là nguyên mẫu của một nhân vật trong tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại của tôi. Nhân vật này thuộc tuyến tích cực, chỉ có phần kết được nhắc qua là đã trở cờ. Có lẽ vì thế mà anh ta hận tôi chăng? Còn bao nhiêu nhân vật khác sẽ vùng dậy trả thù tôi? Viết văn kiểu như tôi rõ ràng không kém phần nguy hiểm. Anh ta và tôi có mối giao tình một thuở. Anh ta từng đến nhà tôi, cùng câu cá dưới ao lên để chiên nhắm rượu, cùng với Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh và tôi ngồi trước sân uống rượu, nói chuyện sát cánh đấu tranh với hào khí ngất trời. Anh ta đã từng rất thân thiết với Bùi Minh Quốc thời gian anh ta làm việc cho CA và chúng tôi rất hoài nghi vai trò bí hiểm này, và cuối cùng BMQ đã phải quyết định đoạn tuyệt khi thấy mũi dao ló ra trong tay người chiến hữu.

Ðó cũng chỉ là một nhân vật tầm thường. Còn những nhân vật quyền cao chức trọng hơn, những gương mặt điển hình tôi đã khắc họa trong tác phẩm của mình, họ sẽ phản ứng ra sao với tôi? Ðây cũng là cái “họa văn tự” ngàn đời tôi đã biết.

Sau khi gởi thư cho Ban biên tập báo SGGP, tôi chờ 2 tuần không thấy hồi âm. Tôi đã cẩn thận gởi theo cách bảo đảm có hồi báo để họ không thể chối là thư thất lạc được. Ngày 23/2/97 tôi quyết định gởi bài tôi vừa viết “Tiếng vọng lẻ loi và tự do báo chí”, không những chỉ cho báo SGGP mà còn cho nhiều báo và cơ quan văn hóa tư tưởng, văn học nghệ thuật ở Sài Gòn, Trung ương và một số tỉnh. Tôi quyết định mở trận chiến công khai về việc này. Không có tự do báo chí, năm 88, chúng tôi dùng máy ronéo để phổ biến bài viết và được một số bạn văn nghệ đặt cho biệt danh là “trường phái ronéo”. Bây giờ tôi có máy vi tính và việc đi photo dễ dàng nên các bài viết được phổ biến rõ ràng và đẹp hơn trước nhiều.

Tôi không ngờ bài “Tiếng vọng lẻ loi và tự do báo chí” lại là bài chính luận cuối cùng của tôi, vì sau đó bao nhiêu biến cố xảy ra, tôi khó lòng có thể viết tiếp theo kiểu này.

Tiếng vọng lẻ loi và tự do báo chí

Trong mấy năm gần đây, tôi không phải là người đầu tiên và duy nhất công khai bày tỏ ý kiến của mình về những vấn đề chung của đất nước, có quan điểm khác hoặc trái với quan điểm của Ðảng và Nhà nước. Những ý kiến đó không được báo chí trong nước đăng tải, nhưng các đài báo nước ngoài đã thông tin rộng rãi trên toàn thế giới. Nhiều người đã biết đến Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Lữ Phương, Nguyễn Hộ, Ðỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu ở Sài Gòn, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Nguyễn Trung Thành, Trần Ðộ, Phan Ðình Diệu, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Trần Minh Thảo ở Ðà Lạt, Lâm Ðồng và một số người nữa, chưa kể đến ý kiến của các tu sĩ đối với những vấn đề tôn giáo.

Cũng như nhiều người khác, quan điểm của tôi thật rõ ràng: Ủng hộ dân chủ, không tán thành độc quyền lãnh đạo, nhưng không chủ trương bạo động, lật đổ, gây hận thù, đổ máu, mà thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đất nước bằng những phương tiện hòa bình, chủ yếu là thông qua việc bày tỏ trung thực và thẳng thắn quan điểm của mình, thực hiện quyền tự do tư tưởng, ngôn luận và báo chí.

Trong ý hướng đó, tôi không coi vấn đề nào là cấm kỵ, không cần lựa lời nói cho dễ lọt tai, vừa lòng lãnh đạo. Cũng như nhiều người khác, tôi không phủ nhận và ít viết về những thành tựu mà tập trung phân tích, phê phán những thiếu sót hay sai lầm. Ðiều đó dễ hiểu. Ðã có gần 500 đài, báo của Trung ương và các địa phương do Ðảng và Nhà nước lãnh đạo thông tin về đường lối chính sách và ca ngợi thành tích rồi, chúng tôi không cần thiết phải làm việc đó.

Tôi cho rằng Ðảng và Nhà nước không thể đứng trên nhân dân và luật pháp. Ðảng và Nhà nước phải lắng nghe và chấp nhận sự phê phán của công luận dù điều này rất khó chịu đối với một Đảng đã từng tự cho mình luôn sáng suốt, lãnh đạo xã hội toàn diện, triệt để và tuyệt đối, theo một ý thức hệ “bách chiến bách thắng muôn năm” và không muốn chia sẻ quyền lãnh đạo với ai khác.

Mặc dù hiện nay vẫn có những biện pháp trấn áp đối với những người bất đồng chính kiến, nhưng tôi cho rằng trong vấn đề này đã có tiến bộ hơn trước. Hai phiên tòa Hoàng Minh Chính - Ðỗ Trung Hiếu và Lê Hồng Hà - Hà Sĩ Phu - Nguyễn Kiến Giang mới đây, với bản án nặng nhất chỉ có hai năm tù ở, người hết hạn tù được trả tự do ngay. Một số người khác bị gây khó khăn bằng nhiều cách như quản thúc, giám sát, thường xuyên gọi lên thẩm vấn... Bản thân tôi cũng bị giám sát chặt chẽ và từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12/96 tôi đã bị CA mời lên thẩm vấn ba đợt, tổng cộng 12 ngày về những bài viết của tôi đăng tải trên đài báo nước ngoài.

Dĩ nhiên những người trong cuộc không chấp nhận, và tôi tin đông đảo người dân cũng như dư luận trong và ngoài nước không đồng tình, nhưng dù sao so với những bản án nặng nề và biện pháp thô bạo trước đây, đó là một bước tiến về phía dân chủ của tình hình. Tuy sự tiến bộ đó còn quá ít ỏi so với yêu cầu của đất nước và nguyện vọng của nhân dân, nhưng đó là một dấu hiệu tích cực cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Vừa qua, trên báo Sài Gòn Giải Phóng số chủ nhật 2/2/97 có bài viết “Tiếng vọng lẻ loi” của Nguyễn Minh đả kích nặng nề và quy chụp chính trị đối với cá nhân tôi. Trong lá thư gởi Ban Biên tập ngày 9/2/97, tôi đã chứng minh sự vu khống trong bài báo đó, đề nghị BBT có thái độ rõ ràng theo đúng luật báo chí và mở cuộc tranh luận công khai về các vấn đề bài báo đã nêu.

Ở đây tôi không phân tích các vấn đề quan điểm mà Nguyễn Minh đã đưa ra để quy chụp tôi về chính trị như vấn đề độc tài và dân chủ, trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước trước hiện tình đất nước, đặc biệt đối với chuyện tham nhũng và bão lụt, vai trò của tầng lớp trí thức trong xã hội. Những vấn đề đó tôi đã viết khá nhiều trong cuốn tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại [Nhà xuất bản Thế Kỷ, Mỹ, xuất bản năm 1994], và hơn 20 bài viết mà gần 20 đài báo ở ít nhất 7 nước trên thế giới đã giới thiệu, đăng tải trong hai năm qua. Ðặc biệt bài “Thư ngỏ gởi những người Cộng Sản Việt Nam” tôi đã viết như một bài góp ý cho Ðại hội 8 của Ðảng CSVN và đã chính thức gởi cho tạp chí Cộng sản hồi tháng 6/96, trong đó tôi nêu nhiều vấn đề chung một cách có hệ thống hay những bài viết về những vấn đề cụ thể, như bốn bài viết về Hà Sĩ Phu kể từ khi ông bị bắt hồi tháng 12/95. Tôi tin sẽ có nhiều bạn đọc lên tiếng tham gia các vấn đề trong bài báo của Nguyễn Minh.

Tôi cũng không trực tiếp tranh luận với Nguyễn Minh vì người ta không thể đối thoại với những bài viết mà ngoài luận điệu chụp mũ chính trị cũ rích lỗi thời, còn có giọng điệu hằn học, lời lẽ thóa mạ như thế. Phê bình, tranh luận trên sách báo bao giờ cũng cần có văn hóa.

Tôi muốn nhân sự việc này tập trung phân tích một vấn đề búc xúc hiện nay là vấn đề tự do báo chí. Có tự do báo chí, tự do tư tưởng và ngôn luận, tất cả mọi vấn đề khác sẽ được đưa ra công luận và làm sáng tỏ chân lý.

Ai cũng hiểu vai trò lớn lao của báo chí trong đời sống xã hội. Ở các nước phương Tây, người ta tôn vinh báo chí là đệ tứ quyền. Dĩ nhiên trong báo chí cũng có những biểu hiện xấu [mà lãnh vực nào lại không có], nhưng không ai phủ nhận vai trò to lớn của báo chí trong các cuộc cách mạng, trong các phong trào dân chủ và trong đời sống chính trị, xã hội của các quốc gia văn minh hiện nay.

Từ khi có báo chí, đất nước ta đã bao giờ có tự do báo chí hay chưa? Trong các hiến pháp xã hội chủ nghĩa từ trước đến nay đều có ghi rõ quyền tự do báo chí, và quyền đó được thực hiện như thế nào?

Khi không có báo chí tư nhân hay báo chí phải được lãnh đạo, được kiểm duyệt thì trên lý thuyết và trong thực tế đã không có tự do báo chí, dù được biện minh lý giải cách nào. Mấy chục năm qua, nhiều sự kiện lớn đã là những mốc dấu khẳng định rõ rệt ta không có tự do báo chí và điều đó đã gây ra biết bao tai họa.

Vụ Nhân văn - Giai phẩm năm 1956-57 là một vụ án báo chí-văn nghệ thảm khốc, một bi kịch lớn, không những đã hủy hoại tài năng, trí tuệ, tâm huyết và cả sinh mệnh của bao nhiêu văn nghệ sĩ, nhà báo tài năng, trung thực, dũng cảm nhất trong cuộc, đày đọa họ cho đến cuối đời, mà còn làm thui chột óc sáng tạo, tinh thần phản kháng chính trực của cả mấy thế hệ cầm bút, làm cho họ không chỉ mặc đồng phục, xếp hàng đi trong đội ngũ và hướng đi định sẵn, mà còn tự mình nằm trong gọng cùm của chính mình do sự sợ hãi, sự quy phục trong chính đầu óc mình dù tự nguyện hay không tự nguyện. Ðôi người muốn đi ra ngoài hàng, lập tức bị nghiền nát. Ðừng vội giãy nảy lên và cho rằng đây là luận điệu phản động của bọn thù địch. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến là ai khi ông viết về “văn nghệ phải đạo”? Có ai dám nghi ngờ về quan điểm lập trường và lòng trung thành của nhà văn đại tá quân đội Nguyễn Minh Châu khi ông viết “Ðọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ”? Không phải nhiều văn nghệ sĩ đã nói đến ông kiểm duyệt nằm ngay trong đầu mình khi sáng tác, và một vị tổng bí thư đã lớn tiếng hô hào cởi trói cho văn nghệ sĩ đó sao? (Ðáng tiếc chẳng bao lâu cũng chính ông đã cho trói lại).

Vụ Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ TP/HCM xin ra báo Truyền thống kháng chiến không được, đã tố cáo chế độ tự do báo chí của ta hiện nay còn tệ hại hơn thời Pháp thuộc chứng tỏ sự bức xúc như thế nào. (Thời Pháp thuộc, người dân chỉ cần đăng ký là có quyền ra báo chứ không cần xin phép). Ðó không phải là địch nói mà là những nhà cách mạng lão thành, những Đảng viên 40-50 tuổi Đảng lên tiếng.

Kể từ khi có chủ trương đổi mới năm 1986, các vụ báo Văn Nghệ trung ương ở Hà Nội, tạp chí Sông Hương ở Huế, tạp chí Langbian ở Ðà Lạt, báo Ðối Thoại ở Cửu Long bị trấn áp, đình bản, kỷ luật ban biên tập, càng cho thấy rõ hơn đã có tự do báo chí hay chưa. Ðó là chưa nói đến những tổng biên tập mới chỉ cố gắng làm đúng chức năng báo chí đã bị xử lý như Tô Hòa báo Sài Gòn Giải Phóng, Kim Hạnh báo Tuổi Trẻ, Thế Thanh báo Phụ Nữ TP/HCM, Trường Giang báo Giáo Dục và Thời Ðại... Cũng chưa nói đến những nhà văn, nhà báo bị phê phán một cách bất công, xử lý kỷ luật hành chính hoặc “đánh đòn hội chợ” theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Hà Sĩ Phu, Ðào Hiếu, Trần Vàng Sao, Hà Văn Thùy, Phạm Thái.

Và nếu lá thư khiếu nại này của tôi không được báo SGGP đăng hay trả lời, không có báo chí nào khác lên tiếng hay được lên tiếng, đăng tải ý kiến của bạn đọc tham gia, ta lại càng thấy rõ luật báo chí được thực hiện như thế nào, cái gọi là tự do báo chí ra sao ở đất nước này.

Nói tự do báo chí nhưng chưa hề có một diễn đàn, một cuộc tranh luận công khai và thẳng thắn về những vấn đề lớn của đất nước, trong đó mọi ý kiến dị biệt đều được tôn trọng và đăng tải. Các diễn đàn trên báo chí thường chỉ có ý kiến một chiều, xuôi theo chỉ đạo, khá lắm là kiến nghị, đề xuất, không mấy khi có ý kiến phản bác, phê phán đường lối chính sách của Ðảng và Nhà nước dù trong nhân dân, đặc biệt trí thức, không thiếu loại ý kiến này.

Công bằng mà nói, gần đây báo chí có cởi mở hơn. Một số báo có mở ra các diễn đàn tranh luận, nhưng thường đề cập những vấn đề không thuộc loại cấm kỵ, đã có phê phán đích danh cán bộ lãnh đạo dù mới chỉ là lãnh đạo của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đã đề cập đến các ô dù, các bóng đen đằng sau các vụ tham nhũng tuy chưa dám chỉ rõ ai.

Một số nhà báo tài năng, nhạy bén và thông minh, kể cả một số bạn đọc thông thường, qua các bài chính luận, các phóng sự điều tra, các cuộc phỏng vấn và những bài viết ngắn trong mục ý kiến bạn đọc, đã có cách nói lên sự thực, đưa ra những vấn đề Ðảng và Nhà nước không muốn nêu lên trước công luận, lọt qua được cửa ải biên tập. Ðó là kiểu “viết lách” trong các chế độ độc tài hay thống trị của ngoại bang, không có tự do báo chí, chứ không phải trong chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ gấp triệu lần chế độ tư bản.

Tình hình đó hoàn toàn không tương xứng với yêu cầu đổi mới, dân chủ hóa đất nước và hội nhập vào thế giới văn minh trong thời đại bùng nổ thông tin này.

Quyền được thông tin của người dân như thế nào? Quyền này được ghi rõ trong Hiến pháp Việt Nam. Bản Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên đã cam kết thực hiện, khẳng định mạnh mẽ: “Mỗi người có quyền tự do có ý kiến và phát biểu, quyền này không cho phép bất cứ ai phải lo ngại vì có những ý kiến của mình và bao gồm cả quyền tìm kiếm, thu nhận và truyền bá các thông tin và ý tưởng, bất chấp biên giới, bằng bất cứ phương tiện nào.” [điều 19]. Trong khi các đài báo nhà nước thông tin chi tiết từng giờ về vụ mổ tim của tổng thống Yeltsin ở Nga, về các tai tiếng tài chánh liên quan đến tổng thống Clinton bên Mỹ, về các vụ đình công, biểu tình, bạo động, khủng bố ở khắp các nước và bình luận một cách thích thú, nhưng lại không hề tường thuật các chi tiết xác thực quan trọng về các phiên tòa xử Hoàng Minh Chính - Ðỗ Trung Hiếu, Lê Hồng Hà - Hà Sĩ Phu - Nguyễn Kiến Giang, không nói gì đến bệnh tình của Chủ tịch nước Lê Ðức Anh dù ông đã vào nằm bệnh viện rất lâu, không thông tin khách quan về vụ nông dân đấu tranh giữ đất xung đột với bộ đội, công an ở Kim Nổ, huyện Đông Anh và các cuộc biểu tình đòi dân sinh khác ở Hà Nội...

Vậy thì quyền được thông tin của người dân chỉ là quyền được biết những gì Ðảng và Nhà nước muốn cho biết thôi sao? Nhưng rõ ràng bưng bít thông tin là điều không thể được trong thế giới ngày nay. Từ bất cứ một xó xỉnh nào của núi rừng cũng có thể truyền tin đi khắp thế giới và nằm trên giường ngủ cũng có thể nghe được, xem được đủ mọi thứ trên đời. Bưng bít thông tin chỉ chứng tỏ sự thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh và độc đoán của nhà cầm quyền.

Tự do báo chí, quyền được thông tin lúc nào cũng là nhu cầu cần thiết của nhân dân và càng ngày càng trở nên bức xúc. Nguyễn Văn Trấn đã viết cuốn sách Viết cho mẹ và Quốc hội dày hơn 500 trang, cốt chỉ nói một điều là cần phải có tự do báo chí. Mới đây Hoàng Tiến trong nhiều bài viết đã công khai lên tiếng đòi phải có báo chí tư nhân. Và tờ báo Người Sài Gòn xuất bản không cần giấy phép đã ra được mấy chục số... Ðảng và Nhà nước suy nghĩ thế nào về các hiện tượng này?

Quốc hội thông qua luật báo chí không cho phép báo chí tư nhân là vi phạm hiến pháp, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân, trong khi Quốc hội được coi là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Trong thực tế, nhiều cơ quan, hội đoàn do Ðảng và Nhà nước tổ chức, chỉ đạo có quyền ra báo, lại giao cho tư nhân làm, thực chất là bán giấy phép. Những tờ báo lá cải chạy theo lợi nhuận, cóp nhặt xào nấu báo chí nước ngoài, viết những bài vô thưởng vô phạt hay linh tinh nhảm nhí đầy dẫy, trong khi đó những người tâm huyết, những trí thức cấp tiến muốn có một cơ quan ngôn luận để bày tỏ quan điểm của mình lại không được quyền ra báo. Ðảng và Nhà nước chủ trương chấp nhận những ý kiến khác nhau, nhưng những ý kiến đó sẽ được nói ở đâu nếu không có tự do báo chí, không có báo chí tư nhân? Người ta chỉ có thể nói trong xó nhà, nơi quán nước hay photocopy để truyền bá quan điểm của mình như tình hình hiện nay và có người bức xúc đi đến chỗ làm báo lậu.

Ở đây còn có vấn đề liên quan đến báo chí của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Hai triệu người Việt ở nhiều nước trên thế giới xuất bản rất nhiều báo chí thuộc đủ khuynh hướng, trong đó có nhiều tờ báo đứng đắn, trí tuệ của nhiều trí thức và cả những người Cộng sản cũ ở miền Nam, miền Bắc hay ở nước ngoài trước đây chủ trương. Ngoài một số báo chí có xu hướng chống Cộng cực đoan, hô hào lật đổ, không ít báo chí đã đi đến xu hướng hòa giải hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, tìm những giải pháp tối ưu cho tình hình đất nước bằng những phương tiện hòa bình, thông qua đối thoại. Chủ trương này xét về tổng quát không khác gì đường lối chính sách đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc của Ðảng và Nhà nước hiện nay. Ðảng và Nhà nước đã thừa nhận cộng đồng người Việt ở hải ngoại là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, nhưng trong thực tế tất cả báo chí của người Việt ở hải ngoại đều bị cấm, bị coi là phản động. Rõ ràng thế là không thực tâm. Người Việt ở hải ngoại có nguyện vọng, có quyền nói và truyền bá quan điểm của họ cho đồng bào mình. Ðảng và Nhà nước cũng phải lắng nghe và đối thoại với họ. Tại sao Ðảng và Nhà nước bắt tay, bình thường hóa ngoại giao, quan hệ hữu hảo với các quốc gia là kẻ thù cũ, thậm chí là kẻ thù truyền kiếp, kẻ thù lâu dài, kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm, lại không thể hòa giải hòa hợp, đối thoại với đồng bào mình ở xa tổ quốc, dù trước đây họ ở bên kia chiến tuyến, hay cùng chiến tuyến nhưng nay bất đồng chính kiến, và đang tha thiết muốn góp phần xây dựng quê hương. Nếu chế độ này tốt đẹp, có chính nghĩa và đang có bộ máy truyền thông đại chúng hùng hậu, hiện đại thì không sợ gì ai, không sợ bất cứ luận điệu sai trái nào.

Nhân dân ta đã rất yêu nước, rất thông minh, làm sao có thể chấp nhận những luận điệu xằng bậy, nhưng nếu có những ý kiến tốt, những lý luận sắc sảo và thuyết phục, những quan điểm đúng đắn thì nhân dân sẽ ủng hộ, Ðảng và Nhà nước cũng phải tiếp thu nghiên cứu nghiêm túc. Tại sao cái gì cũng hô hoán, quy kết là âm mưu “diễn biến hòa bình”. Diễn biến hòa bình không tốt hơn diễn biến chiến tranh sao? Trong diễn biến hòa bình, phần thắng sẽ thuộc về người có chính nghĩa, chinh phục được trái tim và khối óc của người dân. Ðó là cuộc đấu tranh thẳng thắn, công bằng và không đổ máu, tại sao lại không chấp nhận luật chơi văn minh này.

Lịch sử thế giới và Việt Nam đã cho thấy độc quyền dù trong tư tưởng, chính trị hay kinh tế cũng không bao giờ tốt, chỉ dẫn đến sai lầm, độc tài và độc ác như nhiều người đã nhận xét. Phải có đối thoại, đối lập và cạnh tranh một cách hòa bình, lành mạnh mới có thể xây dựng một xã hội, một chế độ tốt đẹp và văn minh, mang lại tự do và quyền lợi cho đa số nhân dân. Trong vấn đề này, tự do báo chí là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất.

Trở lại bài báo “Tiếng vọng lẻ loi” của Nguyễn Minh, gạt qua bên sự vu khống, trích dẫn sai lầm và suy diễn lệch lạc mà tôi đã phân tích trong lá thư gởi Ban Biên tập báo SGGP ngày 9/2/97, tôi cũng muốn nói đôi điều về tâm trạng lẻ loi.

Trong những năm trước đây, những người trí thức bất đồng chính kiến trong nước, khi phát biểu quan điểm của mình và bị trù dập, đôi khi cũng có tâm trạng lẻ loi. Nhưng dần dần số người dám nói tiếng nói của lương tri đã tăng lên, vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn và được nhiều người lắng nghe, ủng hộ, truyền bá. Nhiều người khác cùng nhận thức nhưng không nói trực tiếp và thẳng thắn, cũng đã có cách làm khác hoặc thông qua đài báo nhà nước một cách thông minh và khôn ngoan để biểu lộ. Ðám đông thầm lặng cũng thấy rõ ý kiến nào đúng đắn, tâm huyết, luận điệu nào là tuyên truyền lừa mị dù được nói bởi bất cứ ai, phổ biến bằng bất cứ phương tiện nào. Các cơ quan truyền thông đại chúng nước ngoài đã góp phần quan trọng phổ biến những tiếng nói lương tri ngay trong chính đất nước này và ra năm châu bốn bể.

Nhưng tiếng nói lẻ loi lại có sức nặng ghê gớm của chân lý làm những kẻ nắm quyền lực phải hoảng sợ và ra sức trấn áp.

Trần Vàng Sao (Nguyễn Ðính), một nhà thơ tài hoa, một trong những sinh viên Huế đầu tiên giác ngộ cách mạng, ra bưng kháng chiến năm 1965, bị thương được đưa ra Bắc điều dưỡng năm 1969. Anh chỉ làm thơ và viết nhật ký ghi lại trung thực những suy nghĩ của mình, nhưng do một “đồng chí” phát hiện, báo cáo với tổ chức để lập công, đầu năm 1972 anh bị đưa ra đấu tố. Người ta buộc anh đủ thứ tội: Kêu gọi biểu tình, viết báo chữ to để lật đổ chế độ. Cho triết học Marx-Lênin là một thứ triết học hành chính, không có đối thoại. Nói xấu Bác Hồ và Bác Tôn. Khinh miệt trí thức và văn nghệ sĩ miền Bắc không có óc phản tỉnh và suy nghĩ độc lập, không có tư cách của người cầm bút. Dám nói nếu không có cuộc kháng chiến chống Mỹ thì miền Bắc chỉ là một vũng bùn lộn cứt, thủ đô Hà Nội nhớp nhất thế giới...[ Theo hồi ký của Nguyễn Ðính viết năm 1993 và mới được phổ bến gần đây.] Từ đó anh bị thẩm vấn liên tục, bao vây, cô lập và sống đày đọa cho mãi đến tận ngày nay.

Ba bài giảng Sám hối của linh mục Chân Tín trong ngôi nhà thờ cũ kỹ Dòng Chúa Cứu thế đường Kỳ Ðồng, mấy tập nhật ký riêng tư của Nguyễn Ngọc Lan có gì ghê gớm mà Nhà nước phải đày ải người này, quản thúc người kia trong mấy năm.

Ba bài tiểu luận triết học chính trị hơn 100 trang của Hà Sĩ Phu chuyên chở điều gì mà Ðảng và Nhà nước phải huy động vài chục nhà nghiên cứu lý luận, hàng chục tờ báo đánh phá mấy năm liền, đưa ra phê phán ngay cả trong văn kiện chuẩn bị cho đại hội Đảng và cuối cùng kiếm cớ bỏ tù ông vì một tội tưởng tượng cực kỳ vô lý là “chiếm đoạt, tiết lộ tài liệu bí mật của Nhà nước.”

Các nhà văn Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bùi Minh Quốc, Bảo Ninh, các Đảng viên Cộng sản cũ, các cán bộ về hưu Nguyễn Hộ, Hồ Hiếu, Ðỗ Trung Hiếu, Nguyễn Văn Trấn, Trần Ðộ, Lê Hồng Hà, Nguyễn Trung Thành, Trần Minh Thảo, các nhà trí thức khoa học tự nhiên và xã hội Phan Ðình Diệu, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Thanh Giang, Lữ Phương, Ðoàn Viết Hoạt, Nguyễn Ðan Quế... và nhiều người khác nữa, viết gì, nói gì mà Ðảng và Nhà nước phải huy động mọi biện pháp trấn áp từ bỏ tù đến quản thúc, xử lý hành chính, phê phán công kích trên nhiều báo chí, nhưng không cho tác giả được trả lời.

Cả Bùi Tín nữa, với tư cách một nhà báo kỳ cựu thông tỏ mọi chuyện cung đình, một người “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, đã viết gì trong hai cuốn sách Hoa xuyên tuyếtMặt thật mà người ta chỉ có thể chửi rủa ông là phản bội, phản quốc, chứ không thể bác bỏ được những điều ông viết.

Và buồn cười thay, báo cáo mật của chỉ điểm văn hóa văn nghệ lên án cuốn sách Viết cho Mẹ và Quốc hội của Nguyễn Văn Trấn lại là tài liệu tuyên truyền tốt nhất cho cuốn sách và người ta đua nhau tìm đọc. Quyết định thu hồi và cấm lưu hành cuốn sách lại không dám cho phổ biến công khai dù đó là một cuốn sách in lậu, không có giấy phép.

Ðó là những tiếng vọng lẻ loi ư? Không. Tiếng vọng lẻ loi không còn là tiếng vọng lẻ loi mà đã trở thành tiếng chim báo bão. Ðây không phải là bão tố cuồng nộ của hận thù, máu lửa và áp bức, mà là những ngọn gió phóng khoáng của dân chủ, tự do, của sự thật, bao dung, nhân bản và hòa bình, những giá trị đích thực của con người sẽ chiến thắng trên đất nước và cả hành tinh này.


Thứ năm 27/3/97

Tôi và Yến đang ở Sài Gòn. Chúng tôi về đây từ hôm qua để thăm mẹ tôi đang đau nặng và dự giỗ thầy tôi. Thầy là chồng sau của mẹ tôi, bố của Quốc Vĩnh, em trai cùng mẹ khác cha với tôi. Thầy đã nuôi tôi từ nhỏ và tôi coi thầy như cha ruột. Mọi năm tổ chức giỗ thầy tại Quảng Ngãi, nơi mẹ tôi ở, nhưng năm nay mẹ bị tai nạn té gãy xương đùi, phải vào Sài Gòn chữa trị và đang ở nhà Quốc Vĩnh nên chúng tôi tổ chức giỗ tại đây.

Trước khi về Sài Gòn khoảng một tháng, tôi đã gửi thư khiếu nại và bài báo trả lời bài báo của Nguyễn Minh cho BBT báo SGGP, BBT một số tờ báo khác và vài người bạn ở Sài Gòn. Tôi cũng có gởi cho Quốc Vĩnh. Quốc Vĩnh là Tổng thư ký báo Kinh tế Sài Gòn. Tôi hỏi Quốc Vĩnh có nghe dư luận gì về vụ này không, Quốc Vĩnh nói không nghe gì cả, kể cả từ BBT báo KTSG là nơi tôi cũng có gửi các thư, bài trên. Ngay tại báo SGGP, nơi Quốc Vĩnh có nhiều bạn bè vì trước công tác tại đó, cũng không nghe ai nói gì. Tất cả đều rơi vào im lặng. Ðúng là một sự im lặng đáng sợ, đáng buồn và đáng chán ngấy. Thế mà cũng rêu rao là có tự do báo chí, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Chính tờ báo lớn của Ðảng bộ TP/HCM, mang cái tên đẹp đẽ Sài Gòn Giải Phóng, lại là nơi vi phạm luật báo chí nặng nề nhất.

Tôi có gặp NH, một người bạn trước cùng sinh hoạt trong Hội Văn nghệ Lâm Ðồng, nay công tác ở báo Người Lao Động. Những lần trước về Sài Gòn tôi đều có ghé thăm NH và lần nào NH cũng niềm nở, mời đi uống café nói chuyện. Lần này NH tỏ ra dè dặt và lo ngại. Khi người trực tòa soạn báo NH ra gặp tôi, vừa gặp NH nói ngay xin lỗi vì sắp phải đi công tác không nói chuyện nhiều được. Tôi bảo vậy thì gặp nhau vài phút thôi.

Chúng tôi đứng ngay trước cổng tòa soạn nói chuyện. Tôi hỏi NH có nhận được thư và bài báo tôi gởi không. NH nói không nhận được nhưng có nghe tổng biên tập báo NLÐ nói chuyện. Tổng biên tập gọi riêng NH, cho biết tôi có gởi thư và bài báo như thế, nhưng khuyên NH không nên can dự vào. Ðây là một việc lớn liên quan đến Trung ương, để Trung ương xử lý. NH kể chuyện có vẻ hấp tấp, không rõ ràng, tỏ ra bối rối nên tôi cũng không gạn hỏi nhiều và từ biệt ngay để khỏi gây khó xử cho anh. Tôi hiểu NH đã bị răn đe và kiểm duyệt cả thư từ đề tên anh gởi đến tòa soạn. Tôi thông cảm vì NH mới từ Ðà Lạt về đây vài năm, chỗ làm này rất quan trọng và rất dễ bị gây sức ép. Ðảng và Nhà nước đang quản lý toàn xã hội nên mọi người đều nằm trong gọng kềm.

Tôi nói chuyện với THDV, một người bạn thân cũ ở đây về chuyện này. THDV bảo một số người quen cũng biết chuyện và có đọc bài báo của Nguyễn Minh trên SGGP. Dư luận chung có 2 loại ý kiến. Một số bất bình về bài báo của Nguyễn Minh và cho những việc tôi đã làm là dũng cảm, cần thiết. Một số khác cho rằng tôi không nên làm như thế, bẻ nạng chống trời vô ích, không có hiệu quả gì.

Nói chung ở Sài Gòn, ngay trong giới báo chí, trí thức, văn nghệ sĩ, người ta ít quan tâm đến những vấn đề chính trị, chỉ lo làm ăn và chú ý đến các vụ kinh tế nổi cộm. Ðặc biệt thời gian này người ta bàn luận rôm rả vụ Tamexco đang được đưa ra tòa xử và các vụ Epco-Minh Phụng đang được báo chí đưa tin rầm rộ. Ở một quán cóc café, tôi nghe mấy người dân thường vừa đọc báo vừa bình luận. Họ khen báo chí dạo này dám phanh phui, đưa tin nhiều vụ lớn. Họ kịch liệt lên án bọn tham nhũng hàng trăm tỉ đồng, hằng triệu đô la trước đây chưa từng có. Họ cũng phân tích và quy trách nhiệm cho các tổ chức Ðảng và Nhà nước đã bao che, buông lỏng quản lý cho bọn xấu làm bậy. Rõ ràng Ðảng và Nhà nước tỏ ra nghiêm khắc, quyết tâm chống tham nhũng nhưng uy tín của Ðảng và Nhà nước giảm rất nhiều, vì trong mắt người dân, bọn tham nhũng này cũng chính là Ðảng và Nhà nước chứ không phải ai khác, và nguồn gốc của tham nhũng cũng chính là do Ðảng và Nhà nước độc quyền lãnh đạo mà ra.

Trong bữa giỗ ở nhà Quốc Vĩnh, Quốc Vĩnh có mời một số bạn bè giới báo chí, nhưng tôi không ngồi chung bàn với họ, ngại gây cấn cái cho Quốc Vĩnh. Vả lại tôi phải nói chuyện với một số bà con trong gia đình lâu ngày không gặp. Quốc Vĩnh nói có mời L, một người quen cũ, nghe nói hiện là lãnh đạo Cục chống phản gián của Bộ Nội vụ, phụ trách phía Nam, người đã đọc tất cả sách báo tôi viết và nghiên cứu về tôi rất kỹ. Trước đây Quốc Vĩnh có lần gặp anh ta nói chuyện và anh ta đánh giá tôi không xấu nhưng thuộc loại bất mãn. Trước 75 tôi cũng đã từng gặp anh ta một lần khi anh ta hoạt động đội lốt một đoàn thể Phật giáo. Tôi bảo Quốc Vĩnh nếu anh ta đến thì xếp tôi ngồi chung bàn để nói chuyện nhưng tiếc anh ta bận không đến. Tôi chẳng ngại nói chuyện với bất cứ ai.

Trong bàn tôi ngồi có một nhân vật kỳ lạ, người quen của em gái tôi. Anh ta tự xưng là sĩ quan chế độ cũ, nay đang làm kinh tế ở một doanh nghiệp nhỏ. Anh ta bảo có đọc Hà Sĩ Phu và một số bài viết của tôi và đánh giá cao việc làm và các bài viết của chúng tôi. Anh ta mời tôi đi chơi suốt đêm để nói chuyện nhưng tôi từ chối vì chưa hiểu gì về anh ta và còn bận việc khác.

Tội nghiệp mẹ tôi. Bà đã 84 tuổi. Từ mấy tháng nay bà hầu như nằm liệt giường, vì gãy xương đùi và thoái hóa cột sống. Sài Gòn nóng bức mà vẫn phải nằm nệm. Mỗi ngày ông anh tôi dìu ra lan can ngồi mươi phút rồi lại vào nằm. Bà đọc sách báo suốt ngày, đọc nhưng không hiểu gì cả. Mắt bà còn rất tốt, không cần đeo kính. Bà đọc chỉ để giết thời gian. Bà đã bắt đầu lẩn thẩn. Các con tôi đến thăm có khi bà không nhận ra. Nói chuyện với tôi hay bất cứ ai, một vài câu hỏi bà cứ lặp đi lặp lại hàng chục lần. Hình như bà chỉ suy nghĩ bằng một vài ký ức nào đó vẫn còn in đậm trong não bộ. Tuy vậy, bà vẫn cảm thấy buồn và cứ đòi về Quảng Ngãi, dù ở đó chỉ còn em gái tôi và một đứa cháu ngoại. Bà nói ngoài đó nhà cửa, bàn thờ không ai trông coi. Ðó mới chính là nhà của bà, nơi bà đã sống hơn 30 năm cuối của cuộc đời.

Mỗi lần về thăm tôi cố nói chuyện với mẹ. Tôi cảm thấy mẹ vui khi có mặt tôi và có người nói chuyện. Thỉnh thoảng mẹ hỏi tôi bao nhiêu tuổi rồi. Hình như mẹ vẫn coi tôi như hồi còn bé. Tôi thật là một đứa con bất hiếu, suốt đời làm khổ mẹ và chẳng đền đáp cho mẹ được gì. Thời sinh viên tôi đấu tranh, ở tù, mẹ rất buồn nhưng không làm gì được. Lúc ra trường, tôi lại muốn đi giang hồ, không thích ở gần gia đình, có khi mấy năm mới về thăm nhà một lần. Tôi lấy vợ trong một hoàn cảnh đặc biệt không cho mẹ biết. Tôi hoạt động cách mạng mẹ cũng không hay. Năm 75, tôi đã là Đảng viên CS nhưng khi Quảng Ngãi bị tấn công, thầy mẹ đã chạy di tản như bao nhiêu người khác. Thầy đã bị đạp chết mất xác trong đám loạn lạc khi tàu đưa người di tản từ Quảng Ngãi đổ bộ xuống Nha Trang. Mẹ sống như mất hồn trong một thời gian, cố chạy đi tìm tôi và Quốc Vĩnh. Quốc Vĩnh lúc đó cũng là cơ sở cách mạng hoạt động nội thành trong giới sinh viên Sài Gòn. Những ngày đầu sau 75, tôi và Quốc Vĩnh đều bị bận túi bụi vì công tác tiếp quản và xây dựng chính quyền cơ sở vùng mới giải phóng, không ai chăm sóc cho mẹ. Mẹ lại về Quảng Ngãi ở với em gái tôi, buôn bán vặt qua ngày. Sau này tôi viết lách đòi tự do dân chủ, bị chính quyền gây khó khăn, khai trừ Đảng, cách chức, bao vây, giám sát, mẹ nghe lại chép miệng: “Thằng Cự khổ suốt đời vì không biết sợ ai”. Những năm gần đây mẹ đau yếu luôn. May có ông anh tôi tình nguyện ở bên mẹ để chăm sóc. Em gái tôi thường xuyên đi buôn chuyến vắng nhà nên không lo cho mẹ được.

Bây giờ mẹ nằm đó, trên lầu, lắng nghe tiếng ồn ào bên dưới trong buổi giỗ thầy. Tôi ngồi bên mẹ rất lâu và cảm nhận được tất cả nỗi đau và cô đơn của kiếp người.

Tôi về chỗ ở của các con, bất ngờ nhận điện thoại của Bùi Minh Quốc từ Ðà Lạt gọi xuống. Quốc hỏi thăm tôi có gì lạ không và cho biết ở Ðà Lạt, Công an gởi giấy mời Quốc và Hà Sĩ Phu ngày mai 28/3 lên làm việc, hình như cũng có cả tôi nhưng tôi đi vắng. Quốc không nói nhưng tôi hiểu Quốc lo ngại tôi đã bị rắc rối ở Sài Gòn, kiểu như Hà Sĩ Phu ở Hà Nội cuối năm 95. Tôi đề nghị ngày mai, Quốc làm việc xong điện thoại ngay cho tôi biết tình hình.

Tôi và Yến đến thăm Hồ Hiếu nhưng không gặp. Hiếu phải đi dạy kèm nhiều chỗ kiếm sống nên đi vắng suốt ngày. Chúng tôi đến Nguyễn Ngọc Lan, gặp nói chuyện khá lâu. Ông bảo ở Sài Gòn không ai liên lạc được với Nguyễn Hộ vì bị công an chốt trước nhà, ai đến thăm bị chặn lại không cho vào. Ông nói nhiều người coi số công an này như bọn xã hội đen vì thực ra không ai biết họ là ai, làm theo lệnh của ai, căn cứ vào quyết định nào. Chẳng có một chút gì gọi là tôn trọng pháp luật ở đây cả và người ta ngang nhiên dùng sức mạnh của bạo lực để trấn áp.

Chúng tôi tuy mệt nhọc nhưng cũng vui đôi chút vì được thăm mẹ và gần gũi hai con mấy ngày. Hai con tôi đã trưởng thành nhưng Yến vẫn coi chúng như hồi còn bé. Ðúng là “nuôi con mới biết lòng mẹ cha”. Trước khi ra về, Yến còn cố vào giặt nốt mấy quần áo bẩn cho các con. Yến phiền muộn vì chuyện không ai chăm sóc các con và chúng không biết tự chăm sóc, vì thực ra chúng không hề để ý những chuyện vặt vãnh. Hai đứa cùng mấy người bạn hùn hạp thuê nhà mở một cửa hàng mua bán, làm dịch vụ vi tính. Hai đứa không có nhà nên ở luôn tại đây. Ban ngày làm việc không có chỗ nghỉ, ban đêm dọn dẹp bàn ghế trải chiếu ngủ trên sàn nhà. Tụi nó làm việc không có giờ giấc. Khách hàng đến bất cứ lúc nào, kể cả trưa và ban đêm. Khi có việc gấp, lúc nào tụi nó cũng làm, có khi thức suốt đêm. Chúng ăn uống thất thường ở mấy quán chung quanh, thức ăn hầu như không có rau xanh. Yến muốn ở đây chăm sóc chúng nhưng không thể được. Mỗi lần về Sài Gòn, tuy nhà Quốc Vĩnh rộng rãi nhưng chúng tôi không ở mà đến đây với các con. Ban ngày đi thăm viếng bạn bè, đêm về nằm trên sàn nhà, nói chuyện với các con, trong những lúc gần gũi ít ỏi kể từ khi chúng rời nhà về Sài Gòn học đại học từ hơn 5 năm qua. Chúng tôi buồn về cảnh sống này, nhưng tôi và Yến đều thừa nhận trước đây, chúng tôi còn làm khổ bố mẹ mình hơn thế. Ðó là nhân quả hay chính là sự tất yếu của cuộc sống thôi. Dù sao vẫn còn điều may mắn là giữa chúng tôi và các con có sự thông cảm, gần gũi nhiều hơn giữa chúng tôi và bố mẹ mình. Các con có cách nghĩ khác chúng tôi nhưng vẫn có thể chuyện trò, thông cảm được. Chúng sống vất vả nhưng lương thiện, không hư hỏng hay lưu manh, gian dối như một số thanh niên cùng lứa. Ðó là niềm an ủi rất lớn đối với chúng tôi khi chúng tôi biết mình không thể giúp gì cho chúng nữa.

© 2006 talawas