© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
10.2.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Tôi bày tỏ
Nhật ký trong những ngày bị quản chế 1996 –1998 (13 kì)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Chủ nhật 30/3/97

5g chiều tôi và Yến từ Sài Gòn về đến Ðà Lạt. Hàng xóm cho biết A, CA khu vực mấy ngày qua lại đến tìm tôi và hỏi han rất kỹ chuyện chúng tôi đi Sài Gòn. Mẹ tôi có bệnh thật không, ai báo cho chúng tôi biết... Tình cờ đã hai lần tôi đi Sài Gòn, CA đều đưa giấy mời hụt nên chắc họ đâm nghi ngờ. Thật vô lý vì làm sao tôi biết họ định mời vào lúc nào.

Về nhà cất đồ đạc xong, chúng tôi đến ngay HSP. HSP thuật cho chúng tôi biết nội dung cuộc gặp của HSP và BMQ với CA. Hai người gặp làm việc với các cán bộ khác nhau của CA tỉnh LÐ tại trụ sở CA TP/ÐL. Hai người bị truy hỏi về các bài viết và các buổi trả lời phỏng vấn cho đài, báo nước ngoài. CA đưa cho xem quyết định số 893 ngày 20/7/92 của Bộ Văn hóa Thông tin quy định về việc xuất nhập văn hóa phẩm không thuộc loại kinh doanh và cho rằng họ đã vi phạm quy định này. CA đưa ra một mẫu biên bản đã in sẵn có tiêu đề “Biên bản v/v đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật”, trong đó ngoài những phần chung in sẵn còn có một chỗ trống ghi bổ sung hành vi cụ thể của từng người. Ðiều đáng chú ý là trong biên bản có chú thích rõ việc thông tin bao gồm cả điện thoại và fax. HSP và BMQ đều ghi ý kiến phản đối của mình vào biên bản trước khi ký.

Chúng tôi bàn bạc và dự đoán thế nào họ cũng cắt điện thoại. Ðây là một hành động nằm trong kế hoạch ngăn chặn của CA đang được thực hiện từng bước.

Chúng tôi từ biệt HSP, ra phố ăn tối rồi về nhà sửa soạn đi ngủ sớm vì suốt ngày đã quá mệt mỏi. 8g30 tối, trước khi chúng tôi đi ngủ, A, CA khu vực và một CA TP ÐL đến đưa giấy mời tôi ngày mai lên CA làm việc. Chúng tôi không ngạc nhiên vì tôi đã biết việc này và biết họ đang sốt ruột chờ tôi về.


Thứ hai 31/3/97

7g30 tôi đến CA TP ÐL, vẫn B và C tiếp và làm việc với tôi. (BMQ và HSP làm việc với những người khác). B và C hỏi thăm về tình hình sức khỏe của mẹ tôi và đính chính việc CA mời lúc tôi Sài Gòn chỉ là tình cờ thôi chứ không có ý gì khác.

B hỏi tôi sơ qua về các bài viết và trả lời phỏng vấn mới nhất của tôi, rồi đưa ra “biên bản v/v đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật”. Có lẽ qua phản ứng của HSP, BMQ và cũng biết chắc quan điểm của tôi trong việc gọi là vi phạm pháp luật này nên B nói luôn: Ðây là quan điểm của CA và CA làm để chính thức thông báo đến tôi bằng văn bản về việc này, còn ý kiến của tôi ra sao tôi cứ việc ghi vào biên bản. Tôi đọc lướt qua biên bản và ghi ý kiến của mình bên dưới trước khi ký: Tôi không làm gì vi phạm pháp luật. Tôi chỉ thực hiện quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và quyền được thông tin theo đúng các điều khoản 50, 53, 69, 146 của Hiến pháp Việt Nam và điều 19 của Bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền.

B không tranh cãi gì với tôi về việc này và chấm dứt buổi làm việc sớm, khoảng 10g, khác với 2 buổi làm việc của HSP và BMQ mà tôi nghe kể, suốt buổi sáng và khá căng thẳng.

Tôi về nhà một lúc rồi đến trường đón Yến. Yến thuật lại khi mới vào trường, mấy người trong Ban Giám hiệu xúm lại hỏi vừa qua đi đâu mà CA lại đến kiếm, tra hỏi tùm lum. Họ có vẻ ngại vì bị CA quấy rầy. Tôi đã dự đoán chuyện này nên trước khi đi Sài Gòn tôi đã bảo các con đánh một điện tín lên cho mẹ theo địa chỉ trường, báo tin bà nội đau nặng để Yến kèm theo đơn xin phép nghỉ và Ban giám hiệu trường cũng dễ trả lời với CA.


Thứ ba 1/4/97

Yến được Hiệu trưởng mời lên làm việc. Thành phần tham dự có Ban Giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn và nhân viên văn phòng.

Hiệu trưởng thông báo hôm qua ông được Sở Giáo dục mời lên làm việc. Buổi làm việc này có đại diện Sở Công an và Phòng Giáo dục thành phố. Ðại diện CA thông báo sơ qua về trường hợp của tôi và nói Yến đã giúp tôi bằng cách dùng địa chỉ của trường để nhận thư, báo chí của nước ngoài và dùng điện thoại của trường để liên lạc với nước ngoài 11 lần. Hiệu trưởng nói theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và yêu cầu của CA, Yến phải chấm dứt và cam kết không sử dụng địa chỉ và điện thoại của trường nữa.

Yến tức giận phản ứng mạnh cho rằng CA đã lạm quyền và vu cáo trắng trợn. Yến là giáo viên của trường, có quyền sử dụng địa chỉ và điện thoại của trường như mọi giáo viên khác. Vả lại, người ta gởi thư cho Yến đến trường là quyền của người ta, không ai cấm được. Dù Yến không cho nhưng nhiều người vẫn biết địa chỉ của Yến ở trường và cứ gởi thư. Còn chuyện dùng điện thoại trường để gọi đi nước ngoài 11 lần thật quá vô lý, vì điện thoại này chỉ gọi đi được trong thành phố thôi. Hơn nữa lúc nào nghe hay gọi điện thoại đều có nhân viên văn phòng chứng kiến. Thỉnh thoảng có việc cần nhắn Yến mới gọi về nhà cho tôi hoặc các em ở Bảo Lộc gọi lên nhắn chuyện gia đình.

Nói qua nói lại một hồi, Hiệu trưởng đề nghị Yến làm theo yêu cầu của CA để khỏi gây rắc rối cho nhà trường. Yến rất ức nhưng đành chấp nhận ký vào biên bản sẽ không sử dụng địa chỉ và điện thoại của trường nữa.

Sức ép đã tăng lên và lần này trực tiếp nhắm vào Yến.


Ngày 7/4/97

Gần trưa, lúc Yến đang dạy ở trường, một nhân viên bưu điện đến đưa cho tôi một giấy mời Bạch Yến, khách hàng thuê bao điện thoại, đến Công ty Ðiện báo Ðiện thoại làm việc về hợp đồng thuê bao vào lúc 2g chiều. Khi ký vào sổ giấy mời, tôi thấy có tên và chữ ký của Hiền Thục, vợ của BMQ về việc nhận giấy mời tương tự. Tôi đoán ngay là người ta bắt đầu thực hiện việc cắt điện thoại. Trong tuần vừa qua, sau khi đã làm việc với CA để được chính thức thông báo về việc “đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật”, nhiều bạn bè và đại diện các đài, báo nước ngoài vẫn gọi điện thoại để hỏi thăm tin tức của chúng tôi và chúng tôi vẫn trả lời họ bình thường như trước, không chút e dè. Chúng tôi vẫn tự cho đây là quyền tự do của mình theo đúng hiến pháp, không có gì gọi là vi phạm pháp luật. Có lẽ CA thấy việc đe dọa của họ không có kết quả nên tiến hành bước tiếp theo.

Tôi gọi điện ngay cho Quốc. Quốc vắng nhà. Thục tiếp điện thoại cho hay Quốc đi chưa về nên chưa biết việc có giấy mời và cho biết thêm giờ hẹn làm việc là 1g chiều, trước Yến 1giờ. Tôi nhờ Thục nhắn lại khi Quốc về nói Quốc gọi điện cho tôi ngay. Tôi gọi tiếp cho HSP nhưng vợ chồng HSP đi vắng. Tôi sực nhớ hôm qua HSP có nói hôm nay, hai vợ chồng phải lên Công ty Nhà đất để giải quyết vụ rắc rối về nhà ở. Có thể HSP cũng được mời về chuyện điện thoại nhưng vắng nhà nên nhân viên bưu điện chưa đưa được.

1g30 chiều, lúc chúng tôi sửa soạn đi thì Quốc gọi điện. Quốc báo vừa làm việc với công ty ÐBÐT xong. Giám đốc công ty tiếp Quốc, có một người ngồi cạnh mà Quốc đoán là CA. Quốc hỏi anh ta là ai, anh ta nói cũng là khách hàng như Quốc thôi. Giám đốc công ty thông báo bắt đầu từ hôm nay sẽ tạm ngưng hoạt động điện thoại của Quốc vì Quốc vi phạm điều lệ bưu chính viễn thông. Quốc chất vấn vi phạm như thế nào, điều khoản gì, nhưng Giám đốc công ty chỉ nói là làm theo lệnh trên, không giải thích được, nếu cần Quốc cứ khiếu nại. Quốc yêu cầu giao quyết định bằng văn bản, Giám đốc công ty hứa sẽ giao sau.

Nghe Quốc thông báo xong, chúng tôi đi lên công ty ÐBÐT. Khi vừa vào phòng Giám đốc, chúng tôi đã thấy C và 1 CA nữa đã ngồi ở đó. Thấy chúng tôi họ lật đật đứng dậy đi ra, C có gật đầu chào tôi. Rõ ràng công ty ÐBÐT chỉ thực hiện quyết định của CA và CA đang cử người giám sát việc này. Giám đốc công ty làm việc với chúng tôi với nội dung y hệt như đối với Quốc. Chúng tôi cũng phản đối, chất vấn như Quốc và dọa thêm sẽ kiện công ty vì vi phạm hợp đồng, Giám đốc công ty cũng một mực nói chỉ làm theo lệnh trên, nếu cần tôi cứ khiếu nại.

Làm việc xong, Yến ra ngoài quầy gọi điện thoại collect call cho anh Lân ở Mỹ. Cô nhân viên trực điện thoại bảo đợi một lúc và sau đó trả lời không gọi được vì số điện thoại đó đã bị gỡ collect call [?]. Thật vô lý nhưng như thế chứng tỏ người ta đã dùng mọi biện pháp để cắt liên lạc của chúng tôi với nước ngoài.

Chúng tôi đến nhà HSP để báo và hỏi xem HSP có được mời không, HSP nói chưa thấy mời. Có lẽ đây là một thủ đoạn trong đối sách với chúng tôi, CA đối phó một người một kiểu, cũng là để ly gián chúng tôi. HSP nói nếu họ chưa cắt điện thoại phải rất thận trọng vì chỗ HSP là nơi duy nhất còn trực tiếp liên lạc được với nước ngoài.

6g chiều Quốc gọi điện báo cho tôi biết Giám đốc công ty ÐBÐT vừa điện cho Quốc. Anh ta có quen biết Quốc. Anh ta bảo Quốc thông cảm, sẽ không có văn bản gì gởi cho Quốc như đã hứa và đúng 7g tối sẽ cắt điện thoại. Ðây là cú điện thoại cuối cùng tôi nhận được vì đến 7g, điện thoại của tôi cũng bị cắt.

Việc cắt điện thoại chắc chắn là một việc được tính toán kỹ. Sau khi BMQ, HSP và tôi bị mời lên CA để lập biên bản “đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật”, 3 chúng tôi đã hội ý và quyết định ký chung một thư gởi Quốc Hội để phát hiện “hành vi vi phạm pháp luật”, làm trái với Hiến pháp của Bộ VHTT, mà căn cứ vào đó CA đã lập biên bản đối với chúng tôi. Ðáng lý chúng tôi viết một văn bản mạnh hơn, có thể là một bản tuyên bố chung để phản đối việc đàn áp tự do tư tưởng, vi phạm dân chủ và nhân quyền, nhưng xét thấy một văn bản như thế có thể gây phản ứng bất lợi vào lúc này nên chỉ viết dưới dạng thư gởi Quốc hội. Tuy thế, lần đầu tiên đây là một văn bản mang tính tập thể, ký chung 3 người nên chắc CA đánh giá rất nghiêm trọng, do đó họ đã tiến hành ngay một biện pháp ngăn chặn mới là cắt điện thoại của 2 trong 3 chúng tôi.

Thư gởi Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam

Kính thưa Quốc hội,

Chúng tôi, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, là những người cầm bút, xin bày tỏ với Quốc hội một số ý kiến.

Trong các ngày 28/3 và 31/3/97, chúng tôi lần lượt bị CA thành phố Ðà Lạt mời tới để gặp các sĩ quan của Sở Công an tỉnh Lâm đồng. Sau gần ba tiếng đồng hồ căn vặn đủ điều về các bài viết, về các cuộc trả lời phỏng vấn của chúng tôi công bố trên các báo đài nước ngoài và sau khi cho chúng tôi đọc một đoạn trong Quyết định số 893 ngày 20/7/1992 của Bộ Văn hóa thông tin, các sĩ quan Công an đã yêu cầu chúng tôi ký vào một văn bản mang tiêu đề “Biên bản về việc đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật”. Tại biên bản, chúng tôi đã khẳng định nội dung các bài viết, bài nói của chúng tôi không liên quan gì đến việc vi phạm pháp luật.

Qua thực tế các buổi bị buộc phải làm việc với Công an chỉ vì các điều mình viết và nói, chúng tôi đề nghị Quốc hội gấp rút rà soát lại các văn bản luật và dưới luật liên quan đến Dân quyền và Nhân quyền trong lĩnh vực tư tưởng và ngôn luận.

Quyết định 893 ngày 20/7/1992 của Bộ Văn hóa Thông tin quy định ở điều 3 như sau: “Những văn hóa phẩm có danh mục dưới đây trước khi xuất [ra nước ngoài] phải có văn bản xét duyệt đồng ý của thủ trưởng cơ quan ngành chủ quản ở cấp Bộ [ở Trung ương] hoặc cấp tỉnh [ở địa phương] có thẩm quyền quản lý nội dung văn hóa phẩm đó, cơ quan văn hóa có cấp phép để làm thủ tục hải quan.

Nhóm A:

  1. Các tài liệu, văn bản và ấn phẩm lưu hành nội bộ, tài liệu thuộc danh mục nhà nước.
  2. Các loại tài liệu, văn bản, bài viết, các loại bản vẽ, bản đồ được ấn loát hoặc đánh máy, chép tay, in ronéo, photocopy hoặc sao chép bằng mọi kỹ thuật khác, nội dung thuộc mọi lãnh vực, gửi hoặc mang theo người ra nước ngoài để in, để đăng báo, tạp chí, để phục vụ học tập nghiên cứu, giảng dạy, báo cáo khoa học, tham luận trong hội nghị, hội thảo quốc tế...
  3. ...
  4. ...
Chính là tại cơ quan Công an thành phố Ðà Lạt ngày hôm ấy, lần đầu tiên chúng tôi mới được biết tới quy định như thế của Bộ Văn hóa Thông tin liên quan đến công việc của mình, và của giới cầm bút nói chung !

Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên trước quy định này.

Khi Hiến pháp nước ta đã khẳng định công dân có quyền tự do tưởng, tự do ngôn luận thì có nghĩa rằng người dân có toàn quyền viết lên nói lên mọi suy nghĩ của riêng mình, và họ chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung những điều họ viết, họ nói, thế thôi, còn việc họ muốn công bố những điều đó với ai và ở đâu là thuộc quyền của họ.

Tác phẩm do tôi viết ra là thuộc quyền sở hữu của tôi, hiển nhiên quá rồi, và cũng quá hiển nhiên rằng tôi muốn tặng cho ai, gửi cho ai, công bố ở đâu là thuộc quyền của tôi, tại sao lại buộc tôi phải đem nộp cho ông cán bộ nhà nước xét duyệt trước khi gửi ra nước ngoài?

Cơ quan an ninh không thể coi việc đăng tải hay bình luận của các đài và báo nước ngoài đối với một bài viết của một người trong nước như một bằng chứng về nội dung xấu của bài viết ấy, rằng nó để cho bên ngoài lợi dụng, vì rất nhiều bài viết hoặc bài nói của nhiều vị lãnh đạo Ðảng và Nhà nước ta rơi vào trường hợp ấy.

Ðất nước đã mở cửa, đang hàng ngày hằng giờ cố gắng hội nhập vào thế gíới của thời đại thông tin, tại sao chúng ta còn duy trì những quy định quá lỗi thời, đẩy người cầm bút vào một “cái rọ” quản lý cả đến bản thảo viết tay, cả những tham luận hội nghị, hội thảo quốc tế? Chúng ta hãy hỏi những đồng nghiệp nhà văn, nhà báo, nhà khoa học các nước khác khi họ sang thăm hay giao lưu với chúng ta, họ có bị mất quyền làm chủ đối với lời ăn tiếng nói của họ như vậy không?

Bộ Văn hóa Thông tin quy định như vậy, nhưng thực tế những năm qua không ít người cầm bút ở Việt Nam đã cho công bố tác phẩm ở nước ngoài trước khi công bố ở trong nước, không thông qua sự xét duyệt của cơ quan nhà nước. Tình hình đó chứng tỏ quy định của Bộ VHTT đã bị thực tiễn vượt qua một cách mặc nhiên, bởi quy định ấy vẫn nằm trong lề lối quản lý cũ, muốn quản lý sự giao lưu văn hóa tư tưởng của con người giống như quản lý dạ dày họ bằng chế độ tem phiếu trước kia. Một kiểu quản lý lỗi thời phi dân chủ như vậy không thể làm nổi chức năng của một chuẩn mực pháp lý nghiêm túc, trái lại nó chỉ còn giữ vai trò như một công cụ để người ta đem ra gây khó dễ đối với một số người này, và lờ đi đối với những người khác.

Chúng tôi cho rằng, quy định về danh mục 2 (nhóm A) trong điều 3 của quyết định 893 ngày 20/7/1992 của Bộ Văn hóa Thông tin là trái với Hiến pháp, trái với quyền Tự do ngôn luận của công dân, trái với Quyền Con người, đặc biệt khi đối chiếu với các điều 50, 53, 69, 146 của Hiến pháp và điều 19 của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Việt Nam đã long trọng ký kết và cam đoan thực hiện.

Chúng tôi xin phát hiện sự vi phạm Hiến pháp như trên với Quốc hội để Quốc hội xem xét và đề nghị sớm bãi bỏ quy định này.

Chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội cho thành lập ngay Tòa án Hiến pháp để dân có một cơ quan có thẩm quyền nhận khiếu nại và xét xử các vụ vi phạm Hiến pháp.

Kính chào.

Ðà Lạt, ngày 10-4-1997

Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự
4E Bùi Thị Xuân, Ðà Lạt; 3B Nguyễn Thượng Hiền; 35/1 Nguyễn Ðình Chiểu
ÐT: 823510; ÐT: 821675; ÐT: 823779;
(bị cắt ngày 7/4/97); (bị cắt ngày 7/4/97);


15-17/4/97

Bất ngờ tôi nhận được thư của Ðoàn Giao Thủy. ÐGT là Việt kiều đã về Ðà Lạt tìm thăm và phỏng vấn tôi, sau đó bài phỏng vấn đăng trên báo Diễn Ðàn, đã gây cho tôi nhiều hệ lụy.

Trong lần gặp gỡ ÐGT năm ngoái, qua chuyện trò, tôi rất quý anh vì sự cởi mở, chân thành và tấm lòng đối với đất nước. ÐGT là giáo sư tiến sĩ, thành đạt ở nước ngoài, xa quê hương đã lâu nhưng vẫn luôn đau đáu về vận nước. Chúng tôi nhanh chóng hiểu nhau dù thời gian chuyện trò ngắn ngủi. Sau lần gặp đó, tôi không có liên lạc hay thông tin gì của anh.

Lần này ÐGT gởi một thư ngắn, theo lối phát nhanh, báo tin mới về Việt Nam và chỉ ở trong thời gian ngắn, sẽ ở Sài Gòn mấy ngày, sau đó ra Hà Nội, vì để thất lạc số điện thoại của tôi nên gởi thư cho tôi số điện thoại ở Sài Gòn để tôi liên lạc vì anh nóng lòng muốn biết tin tức của tôi. (Anh chưa biết tôi đã bị cắt điện thoại.)

Tôi lập tức viết thư trả lời và gởi kèm theo bài “Tiếng vọng lẻ loi và tự do báo chí” và “Thư gởi Quốc hội” của Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc và tôi. “Thư gởi Quốc hội” này HSP đang đánh máy nên tôi và Yến ra nhà HSP để lấy và sau đó ra bưu điện gởi luôn. Tuy Yến đã cảnh giác tôi nhưng tôi vẫn ngồi ở ghế đợi của bưu điện để cho các tài liệu vào phong bì và ghi địa chỉ. Yến nói hình như có người theo dõi tôi từ ngoài cửa nhưng tôi vẫm mặc kệ. Tôi gởi thư xong, mấy hôm sau nhận được giấy hồi báo có chữ ký của ÐGT nên cũng yên tâm.

Tôi không liên lạc bằng điện thoại với ÐGT được vì nhà không có điện thoại, ra bưu điện gọi giờ giấc không chủ động nên không gặp được. Cho đến ngày ÐGT báo trong thư sẽ rời Việt Nam tôi vẫn không trực tiếp liên lạc được với anh.


Thứ bảy19/4/97

Việc phải đến đã đến. Hôm nay HSP bị cắt điện thoại, cũng cùng một kiểu cách như đối với tôi và Quốc. Trước khi bị cắt, HSP cũng đã rất thận trọng. Khi bạn bè ở nước ngoài gọi về thăm hỏi, HSP vẫn thông tin một cách khéo léo và luôn nhắc nhở: Các anh gọi điện hỏi thăm chuyện sức khỏe và gia đình chúng tôi thì được chứ đừng nói chuyện chính trị. Những người kia đều cười đồng ý. Nhưng trò này làm sao qua mắt được CA. Thế là sau một thời gian ngắn theo dõi, suy tính, họ cắt luôn điện thoại của HSP. Ðây là một thiệt hại rất lớn, vì ngoài 3 chúng tôi ra ở đây đâu có ai dám tự do nói chuyện với người ở nước ngoài.

Quá nhiều thông tin từ trong và ngoài nước, chúng tôi biết thêm tình hình xấu đối với một số người bất đồng chính kiến ở Hà Nội như Nguyễn Thanh Giang và Hoàng Tiến.

Nguyễn Thanh Giang, tiến sĩ địa vật lý, người đã từng viết nhiều bài tham luận gởi các Ðại hội Ðảng rất có sức nặng và được phổ biến rộng, càng về sau sự phê phán của ông càng gay gắt và ngôn từ sử dụng càng nặng nề. Mới đây ông lại viết một bài nữa, trong đó có các ý như tập thể trí thức Việt Nam có trí tuệ cao hơn lãnh đạo của Ðảng và Đảng cần chung sống với đài Á châu Tự do như sống chung với lũ.

Thế là Nguyễn Thanh Giang bắt đầu bị tấn công. Tệ hại nhất là người ta đưa ông ra họp tổ dân phố để đấu tố, gọi ông là phản bội, tay sai cho nước ngoài. Người ta còn đạo diễn cho một số người ném đá vào nhà ông để tỏ lòng phẫn nộ của người dân trước tên phản động. Ông đã nhặt các viên đá này đem đến trước trụ sở UBND phường để trả lại cho Nhà nước. Người ta còn nói sẽ đấu tố cả vợ con ông, ông phải phản ứng bằng cách dọa tự sát người ta mới chịu thôi.

Nhà văn Hoàng Tiến từ cuối năm 1996, sau mấy bài viết về HSP và một số bài khác đã nổi lên như một gương mặt bất đồng chính kiến mạnh mẽ của sĩ phu Bắc Hà. Các đài báo nước ngoài lập tức liên tục gọi về cho ông để thu bài viết và phỏng vấn. Thế là ông bị cắt ngay điện thoại. Hoàng Tiến viết thư tố cáo gởi đi khắp nơi. Văn phòng Quốc hội có mời ông lên làm việc. Theo ông kể lại khi các cán bộ VP/QH tiếp ông, họ có thái độ không đàng hoàng, mời nước uống thì trà nguội, chén bẩn nên ông bỏ về, tuyên bố QH không biết tôn trọng kẻ sĩ.

Dù sao những kẻ sĩ cuối cùng trong thời đại này cũng đã giữ được khí tiết của mình trước quyền lực. Họ ít thôi, quá ít, nhưng rồi lịch sử sau này chắc sẽ ghi nhận vai trò của họ.


Thứ ba 22/4/97

Hôm nay sinh nhật HSP. Không hiểu sao ngày này lại trùng với ngày sinh Lênin. Năm nào HSP tổ chức sinh nhật cũng mời bạn bè tới dự và nói đùa là tổ chức mừng ngày sinh Lênin. Mừng sinh nhật Lênin chắc Ðảng và Nhà nước này không cấm được.

Lần này HSP mời khá đông bạn bè. Ngoài những người đã tham gia đi đón anh cuối năm ngoái lúc anh ở tù về, còn có mấy người bạn cũ không liên quan gì đến việc viết lách, chính trị. Ðặc biệt có hai nhân vật là cán bộ về hưu, một người nguyên là tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục, người kia nguyên là cán bộ Ban Dân vận tỉnh ủy. Hai người này đã từng đọc HSP và tỏ thiện cảm với các bài viết của anh, nhưng chúng tôi biết họ có liên hệ mật thiết với những người đương quyền. HSP có tính toán riêng khi mời họ. Vì nội dung buổi kỷ niệm sinh nhật này anh định chỉ thuần túy nói chuyện tình cảm nên việc họ dự và thông tin lại đầy đủ cho những người cầm quyền cũng là điều hay.

HSP tự tay trang trí chiếc quán nhỏ, nơi tổ chức buổi họp mặt. Anh treo lên một số câu đối cũ và đặc biệt anh viết và dán lên ngay đầu phòng hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ:

Ðường mây rộng thênh thênh cử bộ
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo

Có lẽ anh muốn gián tiếp gởi đi một tín hiệu rằng anh đã xong nhiệm vụ, không còn làm gì nữa. HSP không qua mắt được CA và chắc chắn người ta cho đây là tín hiệu giả vì chỉ ba hôm sau, HSP cùng với BMQ và tôi đã đồng loạt bị tấn công.

Buổi kỷ niệm sinh nhật HSP lần thứ 57 này (anh sinh năm 1940) có rất nhiều hoa do bạn bè đưa tới. Nhiều người chụp hình, đặc biệt có cả quay video do một người thợ chuyên nghiệp mà BMQ thuê. Quốc đạo diễn việc quay phim, mở đầu có cảnh HSP đang đứng bán kẹo cho một em bé. Lúc đó chúng tôi không biết, nhưng sau này nghe kể lại, Quốc còn yêu cầu quay cái gara cũ nơi gia đình HSP đang ở và dọa bị đuổi, quay luôn một số biệt thự to đẹp của các cán bộ lãnh đạo CA trên đường Bùi Thị Xuân, cách nhà HSP không bao xa. Thế là chúng tôi không bao giờ được xem cuộn băng đó. Mãi về sau, chúng tôi mới được biết CA đã đến tận nhà người thợ quay video tịch thu cuộn băng và gọi anh ta lên thẩm vấn răn đe nhiều lần.

Thật tiếc, vì trong buổi này, HSP rất tình cảm. Anh kể về gia đình, những kỷ niệm về người bố, về thời thơ ấu, về thời gian học đại học với khuôn mặt ràn rụa nước mắt khi nhắc đến những kỷ niệm buồn. Ðặc biệt anh đã cầm đàn ghita tự đệm và hát một số bản nhạc do chính anh sáng tác đánh dấu những xúc cảm và những khúc quanh lớn trong đời.

HSP tình cảm không thể tách rời khỏi HSP lý luận. Có người đã nói đùa (không phải do anh tự nói) điều tình cờ oái ăm của lịch sử là HSP “người đào mồ chôn chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam” lại cùng ngày sinh với ông tổ của CNCS ở Liên Xô. Và vóc dáng HSP hơi lùn, rất giống vóc dáng Lênin.

Nhưng cuộc đời HSP khốn đốn hơn Lênin nhiều. Gần 60 tuổi, anh vẫn chưa có căn nhà của riêng mình, đang ở nhà thuê của nhà nước và cái gara cũ, gia đình anh mượn của cơ quan để ở tạm vì có thêm mấy người cháu vào ở chung đang bị đe dọa lấy lại. Ðây là một chuyện tủn mủn nhưng phức tạp làm anh rất đau đầu.

Nguyên căn nhà chính anh thuê (thực ra chỉ là một phòng nhỏ chưa tới 20m vuông) là một căn chung cư của cơ quan rất chật hẹp và tối tăm vì nằm lọt giữa các căn khác. Cửa chính lúc nào cũng phải đóng và dù mở ra trong phòng vẫn tối mờ mờ nên lúc nào cũng phải bật đèn. Anh dùng kệ ngăn đôi phòng, bên ngoài là chỗ tiếp khách có một bộ xa-lông gỗ nhỏ và một đi văng. Bên trong là phòng ngủ và cũng là nơi làm việc, để dụng cụ thí nghiệm, sách vở và tủ quần áo. Nhà bếp và toa lét nhỏ xíu bằng lỗ mũi và có dạo anh đã làm phòng vô trùng trên trần toa lét vì không còn chỗ nào khác.

Mấy năm trước khi chị Biên vợ anh về hưu, chị có sang lại một cái quán bên lề đường để buôn bán. Quán này là một căn nhà gỗ tạm bợ nằm phía trước chung cư và thực ra không hợp pháp nên Nhà nước có thể dỡ bất cứ lúc nào.

Phía sau quán là cái gara cũ của cơ quan nhiều năm bỏ không. Ban đầu anh mượn chỗ này làm nơi sản xuất nấm. Sau đó có hai người cháu (1 của anh, 1 của chị) ở miền Bắc vào ở chung, cả hai mới lập gia đình, một người có một con, một người có hai con nhỏ, tổng cộng gia đình anh có tất cả 9 người. Do đó anh làm đơn chính thức xin thuê gara cũ này và sửa sang tạm cho các cháu ở. Ban đầu không ai nói gì nhưng khi con đường Bùi Thị Xuân trước nhà anh được tu sửa lại, nhà phố mới mọc lên nhiều, thấy làm ăn buôn bán được nên nhiều người trong cơ quan nhăm nhe muốn tranh giành cái gara cũ vì nó nằm sát ngay đường, tuy thấp xuống đến vài mét do thế đất. Nếu có tiền cất lên một ngôi lầu thì đây là một địa điểm rất đáng giá. Thế là cuộc chiến tranh giành cái gara cũ âm thầm diễn ra trong mấy năm qua, nhưng do gia đình anh đã sửa sang và có người đang ở nên họ vẫn chưa chiếm được, dù đã dùng nhiều phương cách.

Mới rồi anh vừa ở tù về chưa được bao lâu thì nhận được thông báo của phường cho biết cái gara cũ này không phải do cơ quan quản lý nữa mà đã chuyển giao cho Công ty Nhà đất, và Công ty này đã quyết định giao cho phường làm hội trường của khu phố, trong vòng một tháng, anh phải chuẩn bị để bàn giao. Họ còn gây áp lực bằng cách không cho một người cháu của anh đã nhập hộ khẩu ở đây không được ở nữa, viện lý do người này đã về Bắc thăm nhà khá lâu không vào, còn người cháu kia đang làm thủ tục nhập hộ khẩu không được giải quyết.

Mối lo ngại khác của HSP là khi cái gara cũ này biến thành trụ sở của khu phố, nó sẽ thành một chốt của CA ngay trước nhà anh và cái quán trên lề đường của anh cũng sẽ bị dỡ, lúc đó gia đình anh thật khó sống và khó thở. Do đó anh đã làm đơn gửi đi khắp nơi để khiếu nại việc này. Một số đài báo nước ngoài biết sự việc cũng đã đưa tin nên chính quyền địa phương ở đây có vẻ chựng lại, chưa thực hiện ngay việc đuổi nhà anh, nhưng vấn đề vẫn còn treo lơ lửng ở đó.

HSP rất căm giận chuyện này nên khi biết rõ người đứng sau vụ việc để giật dây là nguyên bí thư chi bộ của cơ quan, anh đã nói thẳng vào mặt hắn: Trong hoàn cảnh người ta vừa ở tù về, các cháu mới sinh con nhỏ mà vận động đuổi nhà thì thật là đồ chó chứ không phải người, không còn nhân tính nữa. Chưa lúc nào HSP có lời lẽ nặng nề như thế.

HSP không phải là người Cộng sản, trước đây anh đã không được kết nạp Đảng vì thuộc thành phần tiểu tư sản hay giao động, nhưng anh mới đúng là người vô sản chính hiệu, trong khi những người CS gộc lại càng ngày càng giàu lên, chiếm hữu vô số tài sản của nhân dân làm của riêng mình. Phải chăng hoàn cảnh cá nhân của HSP là một trong những yếu tố đã giúp hình thành tư tưởng và lý luận mà anh đã trình bày trong ba tập tiểu luận gây chấn động. Tự thân cuộc sống của riêng anh cũng đã là một minh chứng hùng hồn cho những nghịch lý của chế độ mà anh đã tố cáo ngay trong tiểu luận đầu tiên, “Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, một cách sáng tỏ và thuyết phục nhất.


Thứ sáu 25/4/97

Một ngày đáng nhớ lâu vì nó mở đầu cho chiến dịch bao vây ngăn chặn đối với tôi, cả HSP và BMQ.

Sáng nay Yến chỉ có một tiết dạy giữa buổi và như thường lệ tôi chở Yến đến trường. Vừa ra khỏi hẻm lập tức có 2 người đi honda bám theo. Ðến ngã tư gần trường, tôi dừng lại cho Yến vào mua mấy ký gạo để tôi chở về vì nhà mới hết. Hai người đi theo dừng lại cạnh tôi để theo dõi. Tôi biết ngay họ là CA vì ở xe của một người tôi thấy có cuốn sổ tay ngoài bìa có in chữ “An ninh nhân dân”. Việc CA theo dõi đối với tôi nào có lạ gì nên tôi không chú ý lắm. Mua gạo xong, Yến đi bộ vào trường và tôi quay về.

Hôm nay tôi định làm vườn nên không đi đón Yến, nhưng khoảng 1 giờ sau cô hàng xóm đứng bên hàng rào gọi tôi bảo Yến mới gọi điện thoại cho cô nhờ nhắn tôi ra đón. Cô còn nói thêm là có một người vào nhà tự giới thiệu với cô là CA, nói cô không được để cho chúng tôi gọi nhờ điện thoại. Nếu ai có nhắn gì cũng chỉ nói lại thôi chứ không được cho chúng tôi trực tiếp nghe, không chấp hành CA sẽ cắt điện thoại nhà cô. Từ khi chúng tôi bị cắt điện thoại, thỉnh thoảng khi Yến đi đâu có việc cần thiết lắm mới gọi điện cho nhà hàng xóm nhờ nhắn lại tôi. Tôi vào nhà thay quần áo lấy xe vừa chạy ra đầu hẻm thì Yến đã đi xe ôm về. Tôi rất ngạc nhiên.

Vào nhà Yến tức giận kể cho tôi nghe chuyện mới xảy ra. Yến dạy học xong, ra không thấy tôi nên vào cửa hàng một người quen nhờ gọi điện thoại cho cô hàng xóm nhắn tôi ra đón, sau đó đi mua sắm mấy thứ. Khoảng 10 phút sau vẫn chưa thấy tôi ra, Yến bắt đầu lo tôi gặp rắc rối với CA vì lúc tôi chở Yến đi, Yến cũng biết có người theo dõi nên trở lại cửa hàng người quen nhờ gọi điện thoại lần nữa. Lần này vừa nhấc máy lên một người từ ngoài xộc vào chặn ngay tay Yến lại và nói lạnh lùng: “Chị không được gọi”. Yến và mấy người quen bán hàng đều sững sờ ngạc nhiên. Yến hỏi: “Anh là ai, quyền gì cấm tôi?” Anh ta lật áo khoác để lộ chiếc thẻ CA và nói: “Tôi là CA. Tôi được lệnh không cho phép chị gọi điện thoại.” Quá bất ngờ và bối rối, Yến đành chào chủ cửa hàng bước ra gọi xe ôm về nhà. Trên đường về Yến bảo người lái xe ôm ghé vào nhà một người quen ở bên lề đường để lấy chục trứng gà ta đã dặn trước, người chặn không cho Yến gọi điện thoại cũng chạy theo và xuống xe vào đứng sát bên cạnh theo dõi. Kể cho tôi nghe xong Yến nói thêm: “Lúc bị chặn không cho gọi điện, em uất ức và xấu hổ quá. Mấy người đều nhìn em và em cứ tưởng như mình phạm tội gì. Sao họ quá quắt thế. Người chặn em là một trong hai người theo dõi mình từ sáng. Hiện họ đang đứng trước quán đầu hẻm”.

Tôi cũng cảm thấy nóng mặt. Ai có quyền làm như thế? Sau vài phút suy tính, tôi quyết định ra quán gặp họ. Yến cũng đi theo. Hai người theo dõi đang đứng nói chuyện với vợ chồng chủ quán. Tôi cố giữ bình tĩnh hỏi họ: “Có phải các anh vừa chặn không cho vợ tôi gọi điện thoại ngoài ngã tư không?” Một người đáp: “Phải”. Tôi hỏi tiếp: “Các anh là ai?” Họ trả lời: “Chúng tôi là CA” và vạch áo khoác cho tôi xem thẻ họ đeo trên ngực áo. Người đã chặn không cho Yến gọi điện thoại còn rất trẻ, chắc khoảng hơn 20 tuổi, mặt non choẹt, tên là M. Người kia lớn tuổi hơn, khoảng 40, hơi gầy, tên N.

Cuộc đấu khẩu giữa tôi và họ bắt đầu, tôi nói càng lúc càng lớn tiếng gần như quát lên làm nhiều người ở các nhà và quán quanh đó đều đổ ra nhìn.

“Các anh đeo thẻ nhưng cũng chưa chắc là CA. Dù là CA các anh cũng không có quyền làm như vậy.”

“Chúng tôi làm theo lệnh.”

“Lệnh của ai? Quyết định, giấy tờ đâu?”

“Lệnh miệng. Không có giấy tờ.”

“Các anh có biết làm như thế là xâm phạm quyền tự do công dân không? Luật pháp đã quy định trước khi bị tòa xét xử tuyên án, bị cáo còn được coi là vô tội, huống chi người bình thường.”

“Chúng tôi có lý do để làm việc này.”

“Lý do gì? Chúng tôi đang là người dân bình thường có đủ mọi quyền công dân. Các anh làm như vậy là thô bạo, vi phạm pháp luật.”

Trong khi tranh cãi càng lúc càng căng thẳng, M đi ra xa để gọi điện thoại bằng máy bộ đàm nhỏ, chắc là báo cáo cho trung tâm. N tiếp tục đối đáp với tôi. Tôi tấn công dồn dập, N lúng túng rồi nói:

“Anh không phải là người dân bình thường. Anh là đối tượng đang bị theo dõi vì hành vi có hại cho an ninh quốc gia.”

Tôi thật bất ngờ khi nghe anh ta nói câu này và cảm thấy tức giận thực sự. Tôi quát lên:

“Ðối tượng gì? Ai cho phép anh nói đối tượng này đối tượng nọ đối với tôi. Ðó là chuyện anh nói trong cơ quan CA. CA đánh giá thế nào mặc các anh nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn là một người vô tội. Các anh không có quyền gì hết. Anh hiểu chưa? Các anh không có quyền.”

Một người thứ ba chạy xe đến dừng trước quán theo dõi. Chắc là người do M gọi đến. Ðấu khẩu thêm một lúc, cũng quanh quẩn những ý trên, tôi cảm thấy dịu dần và hiểu CA đang bắt đầu một chiến dịch mới đối với tôi và những người này chỉ làm theo lệnh trên.

Tôi dịu giọng nói với N:

“Xin lỗi anh tôi đã to tiếng vì hơi nóng. Nhưng anh thử nghĩ xem, làm như vậy chúng tôi đã bị xúc phạm như thế nào. Chúng tôi là những người tự do chứ có phải tội phạm đâu.”

N cũng dịu ngay:

“Anh thông cảm. Chúng em cũng là lính làm theo lệnh trên thôi. Vừa rồi M còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, xử sự hơi quá, anh chị bỏ qua đi.”

Tôi nói trước khi quay vào:

“Tôi không có gì phải sợ và phải giấu giếm. Các anh muốn tìm hiểu gì cứ việc vào nhà tôi nói chuyện, tôi sẵn sàng tiếp. Các anh không nên có những hành động thô bạo xâm phạm quyền tự do cá nhân của chúng tôi.”

Sau đó tôi chở Yến đi dạy mấy tiết cuối, CA vẫn bám theo và chốt luôn ở quán đầu hẻm. Chúng tôi suy đoán CA đang áp dụng biện pháp bao vây ngăn chặn và giám sát chặt chẽ hơn đối với tôi. Có thể do cuộc họp mặt mừng sinh nhật HSP đã làm họ tức giận và đánh giá chúng tôi có ý đồ tập họp lực lượng để làm gì đó mà họ rất ngại, mặc dù buổi kỷ niệm sinh nhật HSP hoàn toàn không có nội dung chính trị.

Buổi chiều chúng tôi quyết định ra phố để thăm dò tình hình của HSP và BMQ. Chúng tôi đến cửa hàng của cô Thục, vợ Quốc ở đường 3/2 để hỏi thăm trước. Có 2 người khác, chắc là CA đổi ca, theo dõi chúng tôi ngay từ đầu hẻm.

Ðến trước cửa hàng của Thục, Yến vào nói chuyện, tôi ngồi trên xe đợi. Hai người theo dõi dừng bên kia đường nhìn sang. Tình cờ, người cháu của HSP đi tới, gặp tôi dừng lại nói chuyện. Tôi hỏi thăm ngay. Cậu ta cho biết từ sáng sớm nhà của HSP cũng bị bao vây. Hai CA vào hẳn trong quán chị Biên ngồi. Họ nói thẳng với vợ chồng HSP là 2 người đang bị giám sát. Họ không cấm hai người đi lại, nhưng khi đi sẽ bị theo dõi và CA sẽ giám sát chặt chẽ người vào ra nhà HSP. Khoảng 8g sáng, BMQ đến nhưng 2 CA ra chặn lại không cho vào. Quốc yêu cầu cho biết lý do và cho xem lệnh nhưng họ từ chối. Quốc yêu cầu lập biên bản nhưng họ không làm. Cuối cùng Quốc đành phải ra về, không nói chuyện được với HSP.

Tôi cũng thông báo vắn tắt tình hình của tôi cho người cháu của HSP biết để cậu ta về nói lại, xong cậu ta chào tôi bỏ đi ngay vì thấy 2 CA đang tiến lại gần. Yến nói chuyện với Thục xong trở ra và tôi chở Yến về nhà luôn, không đến HSP như dự định vì chúng tôi đã biết tình hình và chắc chắn đến HSP sẽ bị ngăn cản. Thục cũng kể cho Yến những việc xảy ra như người cháu của HSP đã kể với tôi, và cho biết CA cũng theo dõi Quốc như đối với tôi và HSP. Dù sao ngay trong ngày đầu tiên này chúng tôi cũng đã biết tình hình của nhau. Ðiều đáng tiếc là sau buổi kỷ niệm sinh nhật của HSP, 3 chúng tôi đã cảm thấy tình hình sắp căng thẳng, dự định gặp nhau để hội ý về cách phản ứng khi tình huống xấu xảy ra nhưng chúng tôi chưa làm được. Từ đây về sau chắc chúng tôi khó gặp nhau.


Thứ bảy 26/4/97

Khoảng 4g chiều tôi nghe tiếng chó sủa và tiếng ồn ào ngoài cổng. Tôi và Yến ra xem. Người đưa thư đang nói chuyện gì đó với M, CA đã chặn không cho Yến gọi điện thoại hôm qua. Tôi hỏi, bưu tá nói anh ta đến đưa thư và báo như thường lệ, nhưng có người xưng là CA chặn không cho, anh ta cũng ngạc nhiên. Lần này lại có một thư bảo đảm gởi cho tôi, đáng lý tôi phải ký nhận. Tôi bảo anh ta đưa cho tôi xem thư. Ðó là một phong bì lớn màu vàng ghi người gởi là ai tôi không biết, nhưng qua tem dán trên phong bì và dấu gửi bảo đảm thì là từ Ðức gửi đến. Tôi nói với bưu tá nếu anh ta không đưa tôi nhận thư anh ta phải chịu trách nhiệm vì không làm tròn trách nhiệm. Trong trường hợp do sức ép anh không dám đưa, anh phải mang thư này về giao lại cho lãnh đạo bưu điện và chúng tôi sẽ khiếu nại sau, bưu tá đồng ý.

Trong khi tôi nói chuyện với bưu tá, M đứng nghe và N cũng từ ngoài vào. N nói CA có lệnh chặn thư từ của tôi và chỉ cho nhận báo. Ðây là báo Tuổi Trẻ tôi đặt mua thường xuyên ở Bưu điện. Bưu tá nói ban đầu M còn chặn không cho đưa báo. Tôi phản ứng với 2 CA này và cuộc đấu khẩu lại nổ ra. Tôi thực sự tức giận và nhớ lại chuyện Nguyễn Hộ bị bao vây ngăn chặn ở Sài Gòn, có lẽ họ đang áp dụng biện pháp đó với tôi. Tôi nói CA làm kiểu này chẳng khác gì bọn xã hội đen vì thực ra chúng tôi cũng không biết các anh có phải là CA hay không. Tôi sẽ kiện các anh vì hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền tự do công dân.

Bưu tá có vẻ sợ nên bỏ đi. Tôi dặn theo anh ta phải mang lá thư của tôi về Bưu điện. Chúng tôi cũng bỏ vào nhà vì tranh cãi với 2 CA này chẳng ích gì. Họ tỏ ra kiên quyết làm theo lệnh trên.

Vào nhà chúng tôi bàn bạc và dù đã hơi trễ, gần 5g chiều, chúng tôi quyết định lập tức lên Bưu điện khiếu nại. Chúng tôi thay quần áo lấy xe đi ngay. Không phải M và N mà 2 người khác không biết từ đâu bám theo chúng tôi.

Ðến trước sân Bưu điện, tôi vừa dựng xe thì bưu tá phát thư đường nhà tôi cũng vừa về đến. Tôi hỏi anh ta có mang thư của tôi về không, anh ta bảo lúc đi ra hẻm, 2 CA đã chặn lại buộc anh ta phải giao thư cho họ và họ ký nhận. Anh ta không dám chống lại CA nên đành để cho họ lấy thư. Tôi phản đối việc đó cho rằng bưu tá đã làm sai và phải chịu trách nhiệm. Lúc này nhiều bưu tá khác cũng lần lượt trở về bưu điện cuối buổi làm việc. Họ xúm lại hỏi và bình luận rôm rả. Có người nói CA cũng không có quyền lấy thư người khác và bưu tá cho CA nhận thư là ngu. Họ bảo tôi cứ vào khiếu nại với lãnh đạo Bưu điện. Nhiều người tụ tập làm ầm ĩ trước sân bưu điện. Tôi thấy 2 CA theo tôi đang gọi máy bộ đàm.

Tôi vào trong nói với một nhân viên bưu điện ngồi ở quầy yêu cầu gặp lãnh đạo có việc gấp quan trọng. Lúc này đã muộn, hơn 5g30, cô ta nói có lẽ cán bộ lãnh đạo đã về, nhưng tôi có thể gặp người thường trực. Tôi đồng ý. Cô ta vào báo và lát sau một bà khá lớn tuổi được giới thiệu là thường trực mời tôi vào một phòng nhỏ để nói chuyện. Tôi mới trình bày sơ qua thì cô nhân viên vào báo là bà phó giám đốc vẫn còn đây và mời tôi lên lầu làm việc. Tôi đi ra đã thấy có thêm 2 CA mặc sắc phục đang đứng gần Yến. Tôi bảo Yến đợi và đi theo cô nhân viên lên lầu. M từ đâu xuất hiện cũng đi theo.

Hai bà tiếp tôi tự giới thiệu đều là Phó giám đốc Công ty Bưu chính và Phát hành báo chí. Tôi trình bày sự việc. M xen vào tự giới thiệu, xuất trình thẻ CA và nói Bưu điện cần thiết xin làm việc với lãnh đạo CA. Tôi khẳng định hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật đã bảo đảm quyền tự do thư tín của công dân, CA làm như thế là vi phạm nghiêm trọng và Bưu điện phải làm rõ việc này theo đúng chức năng của mình. Hai bà Phó giám đốc cho biết đã nghe bưu tá báo cáo sự việc và đồng ý rằng trên nguyên tắc, CA không có quyền làm như thế. Tuy nhiên vì không rõ nội vụ nên Bưu điện sẽ làm văn bản yêu cầu CA giải thích và sẽ trả lời tôi sau. Tôi nói tôi đã đến đây trực tiếp khiếu nại, vì gấp nên tôi không làm văn bản được, nhưng tôi yêu cầu sau khi làm việc với CA, Bưu điện phải chính thức trả lời tôi bằng văn bản. Hai bà Phó giám đốc đồng ý. Tôi chào họ ra về.

Xuống lầu, tôi thấy Yến đứng đợi có vẻ hoảng sợ. Tôi chở Yến về. Yến kể hồi nãy Yến có chạy vội vào để gọi điện cho các con ở Sài Gòn định để báo tin cho các con biết, nhưng không hiểu tại sao gọi không được, lại thấy CA gọi máy liên tục và tăng cường thêm một số người mặc sắc phục làm Yến tưởng họ đến bắt tôi luôn. Tôi nói Yến yên tâm vì mình làm công khai theo đúng luật pháp cần gì phải sợ. Tuy nhiên qua vụ này, tôi thấy rõ guồng máy của CA đã chuyển động mạnh, siết chặt hơn, bất chấp luật pháp và họ có thể làm mọi chuyện khi họ cho là cần thiết.


27/4-3/5/97

Trong suốt một tuần lễ, chúng tôi ít khi đi đâu trừ vài lần ra phố mua sắm các thứ cần thiết vì CA giám sát quá chặt chẽ. Chính N tổ trưởng tổ CA chốt trước hẻm nhà tôi, thừa nhận ít nhất có 10 người trực tiếp theo dõi giám sát tôi, chưa kể số trinh sát ngoại vi. Tổ trước nhà tôi có 6 người, chia làm 3 ca, chúng tôi biết rõ tên từng người. Ca 1 có N và M, ca 2 có O và P, ca 3 có Q và R. Tất cả đều là sĩ quan cấp úy. Họ thay ca trực suốt ngày đêm. Ban đêm mắc võng ngủ ngay trong quán. Ðây là tổ trực tiếp, thường xuyên liên lạc với một tổ ngoại tuyến ở đâu đó trên đường Nguyễn Ðình Chiểu trước nhà tôi. Khi chúng tôi đi đâu, vừa ra khỏi hẻm, tổ trực tiếp điện báo, lập tức có 2 người trong tổ ngoại tuyến bám theo ngay. Chúng tôi không đến Quốc và HSP được, bạn bè người quen khác cũng tránh đến thăm vì sợ CA sẽ làm phiền họ, vả lại CA ở trước hẻm chặn không cho ai vào nhà tôi cả.

CA cố tình công khai giám sát chúng tôi. Họ chạy xe theo chúng tôi với khoảng cách gần. Khi tôi dừng xe, họ đậu sát ngay bên cạnh. Tôi đi bộ họ xuống xe đi theo. Cả Yến cũng bị họ theo dõi giám sát chặt chẽ không kém. Hàng ngày Yến vào chợ mua sắm họ cũng theo bén gót, đứng ngay bên cạnh để xem Yến có làm gì khác lạ không. Lúc nào cũng có 2 CA lảng vảng trước cổng trường. Các chủ cửa hàng ở khu chợ trước trường Yến thường đến mua sắm đều được CA răn đe cấm không cho Yến gọi nhờ điện thoại. Trong trường, Yến để ý thấy khi coi học sinh thi học kỳ, buổi đầu Yến được phân công coi chung với một giáo viên đã ghi tên trên lịch, nhưng sau đó lại đổi người khác là Đảng viên của chi bộ trong trường. Các buổi sau, Yến đều được phân công coi chung với các giáo viên là Đảng viên. Yến bực bội không sao chịu nổi.

Thời gian này N, cấp bậc đại úy, tổ trưởng tổ giám sát trước nhà tôi áp dụng phương thức tiếp cận tôi để tìm hiểu và tôi không né tránh. Hôm đầu tiên va chạm với anh ta, tôi có nói nếu cần tìm hiểu gì cứ vào nhà nói chuyện, tôi sẵn sàng tiếp, sau đó vài hôm, Yến đi nhà thờ về một mình, N chặn Yến nhắc lại chuyện đó và nói chị cho em vào thăm anh Cự và cũng để xin lỗi chuyện va chạm hôm trước. Yến trả lời bảo để vào hỏi ý kiến tôi đã. Tôi đồng ý, Yến ra nói lại và N vào ngay.

N khoảng 40 tuổi, cao, hơi gầy, khá đẹp trai, đôi mắt có lông mi dài, hơi giống một tài tử Hàn Quốc trong một bộ phim chúng tôi mới xem. N nói chuyện cởi mở và tỏ ra thân tình. N hỏi tôi có uống rượu không để lúc nào anh ta mang rượu và đồ nhắm xuống nhậu chơi. Tôi nói tôi chỉ uống café. Anh ta đòi uống và tôi sẵn sàng pha mời anh ta một tách.

Chúng tôi nói đủ thứ chuyện và khi đề cập đến những vấn đề chính trị gai góc thì N né tránh không tranh cãi. Anh ta tỏ ra tôn trọng tôi, gọi tôi là “tiền bối cách mạng” và biết rõ quá trình hoạt động của tôi. N cũng tự nói nhiều về mình. Anh ta khoe đã qua đào tạo các lớp trung cấp, đại học CA và nhiều khóa nghiệp vụ khác, công tác trong ngành hơn 20 năm. Vợ anh ta có bằng đại học ngoại ngữ đang làm ở một khách sạn chuyên tiếp khách nước ngoài. Hai vợ chồng có một con còn nhỏ. Anh ta đang dự định xin chuyển ngành. Anh ta không nói rõ nhưng tôi hiểu có lẽ ở lâu trong ngành nhưng không thăng tiến nên muốn chuyển.

N nói anh ta chỉ làm theo lệnh, ngoài nhiệm vụ ra, giữa chúng tôi và anh ta nên đối xử với nhau như giữa người và người, anh ta nhỏ tuổi hơn nên chúng tôi có thể xem anh ta như em. N nói chuyện nhiều và có vẻ thật lòng nhưng Yến nhắc tôi nên cảnh giác. Tôi bảo Yến tôi thấy anh ta có vẻ dễ thương và tôi chẳng sợ gì khi nói chuyện với anh ta cả. Anh ta tìm hiểu tôi khi tôi cũng làm ngược lại và tôi không dễ gì bị khai thác. Có lần anh ta nói nửa đùa nửa thật: Trời mưa gió đứng ngoài quán cũng khổ, chi bằng vào đây vừa được uống café ấm cúng, nói chuyện vui vẻ vừa tiếp cận được đối tượng. Tôi nói ngay tôi chẳng sợ ai tiếp cận.

Một buổi chiều trời sắp mưa thì N vào. Chúng tôi ngồi nói chuyện ở chiếc ghế trước hàng hiên. Anh ta hỏi tôi có ai mới đến thăm tôi không. Tôi bảo không. Trời bắt đầu mưa lắc rắc, tôi mời anh ta vào nhà nhưng anh ta bảo ngồi ngoài này một chút rồi đi ngay.

Nói thế nhưng N ngồi lại khá lâu. Mắt anh ta đỏ ngầu, miệng sặc mùi rượu và cách nói như một người say thật sự. N lảm nhảm mãi một câu: “Em buồn quá anh chị ơi. Em muốn có người tâm sự. Em không biết nói chuyện cùng ai. Em khổ tâm lắm”. Tôi hỏi buồn chuyện gì nhưng N không chịu trả lời ngay, cứ lảm nhảm câu đó.

Trời đổ mưa lớn. Tôi bảo N vào nhà, anh ta định bỏ đi nhưng rồi nghe theo. Anh ta vẫn tiếp tục điệp khúc của mình rồi chợt thố lộ: “Anh chị biết không. Suốt đêm qua em không ngủ vì cãi nhau với vợ. Từ ngày nhận nhiệm vụ giám sát anh chị, ban đêm em ít khi về nhà nên vợ em ghen, tưởng là em đi bồ bịch gì. Em đã giải thích là phải theo dõi giám sát một đối tượng quan trọng, nhưng vợ em không tin, bảo làm gì có nhân vật nào ghê gớm như thế. Chúng em thỉnh thoảng vẫn cãi nhau, nhưng lần này rất nghiêm trọng, vì giải thích gì vợ em vẫn không tin. Mà anh chị biết quá rõ em đang làm gì. Phải chuyện bồ bịch thì cũng cam, đằng này đêm mưa gió nằm võng ngoài quán lạnh thấy mẹ và muỗi cắn ngủ không được. Em sút mất mấy ký rồi đấy”. Ðang kể N bỗng to tiếng như tức giận: “Anh chị ở xó vườn này không hiểu đâu. Chuyện đời phức tạp lắm. Em chán lắm rồi. Em uống rượu suốt từ sáng đến giờ”.

Tôi thấy N có vẻ say thật nên bảo Yến đi pha cho anh ta ly nước chanh để uống giã rượu. Yến qua phòng bên cạnh, nơi vừa là phòng ngủ, vừa là phòng ăn, và là nơi sinh hoạt chính hằng ngày của chúng tôi để pha nước chanh. N lảo đảo đứng lên chạy theo bảo thôi chị Yến, em không uống đâu, rồi quay lại ghế ngồi. Lát sau Yến mang nước chanh ra, N ban đầu từ chối nhưng tôi ép anh ta cũng uống. Uống xong, N có vẻ tỉnh táo hơn. Chúng tôi nói chuyện đời một lúc rồi N cáo từ. Trời vẫn mưa lớn nên tôi cho anh ta mượn chiếc dù. Trước khi đi N còn hỏi lại có ai mới vào thăm không, tôi vẫn nói không có và không hiểu tại sao anh ta lại hỏi chuyện đó.

N đi rồi, Yến bảo tôi coi chừng anh ta giả bộ say để vào kiểm tra nhà mình đó. Anh ta từng khoe là đã tốt nghiệp khóa tình báo mà. Lúc nãy anh ta chạy theo em vào phòng ngủ là để xem có ai trong đó không. Tôi nghĩ chuyện N buồn và uống rượu vì cãi nhau với vợ là có thật, nhưng anh ta cũng có ý kiểm tra xem nhà tôi có người lạ không và điều này hơi khó hiểu.

Khoảng 15 phút sau, nghi vấn này được giải tỏa. N và 1 CA khác đội mưa vào đập cửa nhà tôi. N nói ngay: “Em hỏi thật anh chị nghe. Vừa rồi có ai lạ vào nhà anh chị không? Anh chị trả lời thật đi”. Tôi vẫn nói không. N tỏ ra bực bội: “Thế thì vô lý quá. Trung tâm báo cho em biết là có người vào. Nếu có mà em không báo cáo, Trung tâm sẽ cho là em bao che cho anh chị. Anh chị biết không, ngoài tụi em ra còn có bộ phận khác theo dõi nữa. Người ta nói rõ đó là một người đàn bà, hơi lùn.”

Tôi sực nhớ ra: “Hồi trưa phải không? À thì ra đó là cô hàng xóm. Cô ta sang mượn cái siêu sắc thuốc rồi về ngay, cô ta đâu phải là người lạ”. N thở phào có vẻ nhẹ nhõm: “Vậy thì được rồi. Nếu không tụi em phải chịu trách nhiệm phiền lắm”. N cám ơn và 2 CA lại kéo nhau đi dưới trời mưa. Chúng tôi thấy họ quả thật vất vả vì chúng tôi. Hơn một tuần qua đúng là không ai lạ vào nhà tôi cả. Nếu có chắc họ cũng đã bị chặn lại từ ngoài cổng mà chúng tôi không biết. Chỉ có lần một cậu thanh niên nhà nuôi bò sữa ở trong xóm vào xin cắt cỏ. Từ trước cậu ta vẫn thỉnh thoảng vào cắt cỏ trong vườn nhà tôi. Cậu ta kể cũng bị CA chặn lại, nói cho cậu ta biết tôi là kẻ phản động, viết báo chống đối chế độ cần phải cô lập, không được quan hệ. Cậu ta bảo tôi là trí thức, nhà văn nhà báo viết gì là quyền của tôi, cậu ta không biết, cậu ta chỉ vào cắt cỏ thôi. CA đã để cho cậu ta vào sau khi răn đe thêm một hồi.

Rõ ràng đây là một chiến dịch bao vây, ngăn chặn, cô lập, bôi nhọ, theo dõi và giám sát chặt chẽ, một kiểu quản chế không tuyên bố bằng cách vận dụng sức mạnh của bộ máy trấn áp. Tôi khó lòng phản ứng gì trước tình hình này nên tạm thời “án binh bất động”. Tôi đoán BMQ, HSP chắc cũng nghĩ và làm như thế.

© 2006 talawas