© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
11.2.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Tôi bày tỏ
Nhật ký trong những ngày bị quản chế 1996 –1998 (13 kì)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Chủ nhật 4/5/97

Hôm nay Yến đi Bảo Lộc để thăm mẹ và các em dưới đó. Ðây là một vịệc rất phức tạp và tế nhị mà chúng tôi đã suy tính mãi. Ðáng lý theo dự tính Yến đã đi từ chủ nhật tuần trước nhưng đột nhiên xảy ra chuyện CA bao vây ngăn chặn nên chúng tôi bàn nhau hoãn lại một tuần xem tình hình ra sao. Yến cần đi vì phải mang tiền và thư của một cậu em bên Mỹ gởi về cho mẹ và các em ở Bảo Lộc. Chúng tôi không rõ khi Yến đi CA có ngăn chặn không, và suy tính xem lúc đó chúng tôi phải phản ứng như thế nào. Dứt khoát khi Yến đi thế nào CA cũng biết và chúng tôi chẳng vịệc gì phải lén lút. Tuy nhiên phải tính cách nào để khỏi lỡ việc. Chúng tôi quyết định trao đổi với N để thăm dò.

Mấy hôm trước trong một lần N vào nhà, tôi nói cho anh ta biết việc Yến dự định đi Bảo Lộc và phân tích: Ðáng lý chúng tôi không cần nói với anh việc này vì đây vẫn là quyền của chúng tôi. Tuy nhiên tôi muốn tránh trường hợp khó xử cho cả các anh lẫn chúng tôi. Giả dụ khi Yến ra bến xe mà các anh chặn lại, dứt khoát chúng tôi phản ứng mạnh. Như thế sẽ xảy ra một chuyện ầm ĩ ở bến xe đông người mà chắc các anh lẫn chúng tôi đều không muốn. Vậy ta xem thử có cách nào tốt hơn không.

N suy nghĩ một lúc rồi nói: Ðúng là không nên để xảy ra chuyện ầm ĩ ở chỗ đông người. Hay là thế này. Ðể em đi theo chị Yến và chị Yến sẽ giới thiệu em là em hay là bạn của anh Cự, em đến thăm cho biết gia đình chị Yến luôn.

Chúng tôi không tán thành giải pháp này vì như thế chúng tôi tự tước mất quyền tự do của mình, đồng tình để CA giám sát, dù thực ra Yến về thăm gia đình chẳng có gì bí mật. N tỏ ra thành thật khi muốn vừa làm được nhiệm vụ vừa không gây thương tổn cho chúng tôi. Trao đổi một lúc, cuối cùng N nói: Thôi để em suy nghĩ thêm và về xin ý kiến cấp trên. Chắc công việc sẽ được giải quyết tốt đẹp thôi, không có vấn đề gì đâu. Khi nào chị đi báo cho em một tiếng là được.

Sau khi bàn với N xong, chúng tôi quyết định là chủ nhật này Yến sẽ đi, không chấp nhận cho người của CA cùng đi, họ muốn theo dõi sao mặc họ và nếu họ ngăn chặn chúng tôi sẽ phản ứng mạnh.

8g sáng Yến đi, đến tối mịt mới về và bất chấp mệt nhọc, Yến kể ngay cho tôi mọi việc xảy ra.

Từ nhà Yến ra đường đang đợi kêu xe ôm thì N đến hỏi: “Chị Yến đi đâu để bảo M chở chị đi”, Yến ngần ngừ: “Bộ muốn chở đi để theo dõi hả?” N cười: “Ðằng nào tụi em cũng phải đi theo chị mà. Chị kêu xe ôm chi mất công”. Yến hỏi tiếp: “Có đi theo tôi xuống Bảo Lộc không?” N nói: “Làm gì có. Tụi em lo trên này thôi.” Yến hiểu là CA đã có cách theo khác.

Thế rồi Yến đồng ý để M chở ra bến xe. Trên đường đi Yến thuyết M một hồi và M chuyện trò tỏ ra hiểu biết, nói việc theo dõi chỉ là do nhiêm vụ bắt buộc thôi. Ðến bến xe, khi Yến lên xe ngồi thấy M gọi máy bộ đàm. Chắc là để báo số xe Yến đi để họ dễ bề theo dõi.

Ðến Bảo Lộc, Yến vừa vào nhà mẹ ngồi mấy phút thì có 2 người vào theo ngay. Một CA mặc sắc phục tự giới thiệu là CA khu vực và một người là tổ trưởng dân phố. Họ nói nghe bà cụ đau nên lại thăm. Họ vào tận giường mẹ Yến để nói chuyện khoảng 15 phút (thật tử tế!) và sau đó người xưng là tổ trưởng khu phố cáo từ, còn người CA kia thì ngồi lại nói chuyện này kia với cô em dâu của Yến. Nửa giờ sau, người tổ trưởng kia lại vào với 2 người nữa mặc thường phục, giới thiệu là bạn của anh ta cũng muốn vào thăm bà cụ (thật quá tử tế!). Yến đoán 2 người mới này là CA ở bộ phận khác. Họ hỏi chuyện Yến chỉ trả lời qua quýt. Họ ngồi khá lâu, quan sát chán rồi mới chào kéo nhau đi.

Khi Yến từ giã mẹ để về, ra đường thấy họ đứng trong một căn nhà bên đường, có lẽ để giám sát. Khi ra quốc lộ 20 để đón xe đò về Ðà Lạt, họ đứng bên kia đường, trong một quán bán báo để theo dõi cho đến khi Yến lên xe.

Yến khó chịu và rất căng thẳng chuyện họ theo dõi nhưng cuối cùng việc đi Bảo Lộc cũng xong. Ðành vậy chứ biết sao hơn.


9/5/1997

Hôm nay kỷ niệm sinh nhật Yến. Như mọi năm, lần này buổi chiều tôi cũng đưa Yến ra uống café ở nhà hàng Thủy Tạ. CA bao vây, theo dõi giám sát nhưng chưa cấm tôi đi lại nên chúng tôi vẫn đi khi cần. Chúng tôi ra phố mua mấy cái bánh ngọt và vào Thủy Tạ ngồi, gọi 2 tách café sữa. Chúng tôi vẫn thường kỷ niệm những ngày như thế này một cách riêng tư và đơn giản như thế. Chỗ chúng tôi quen ngồi là một bàn nhỏ hai ghế ở góc phải của nhà hàng. Tôi ngồi hướng ra hồ, Yến quay về phía trong nên qua cửa kính thấy rõ vườn hoa và con đường phía trước. Yến nói hai người theo dõi đang chạy lòng vòng bên ngoài quan sát. Thật khó mà thoải mái được trong hoàn cảnh này.

Từ nhiều năm qua, tôi có thói quen cứ đến những ngày kỷ niệm đặc biệt trong cuộc sống gia đình, tôi lại viết cái gì đó vào một cuốn sổ cho Yến đọc, nhưng mấy năm nay có khi lơi đi không viết. Hôm qua tôi lại lấy cuốn sổ cũ ra viết và chiều nay mang theo đưa cho Yến đọc. Yến mở cuốn sổ ra trong khi tôi lặng ngắm mặt hồ lúc hoàng hôn qua khói thuốc.

“Những ngày tháng gần đây là những ngày tháng chúng ta bị vây hãm. Trong hoàn cảnh đó tự nhiên chúng ta có nhau nhiều hơn, kề vai sát cánh, chung sức chung lòng để đối phó với nghịch cảnh.

Sự thực anh rất đau lòng khi có lúc hầu như em chịu đựng không nổi hay tỏ ra bi quan, chán chường. Có khi anh nghĩ hay là mình bỏ hết tất cả những chuyện đấu đá này đi vì thực ra việc mình làm có bao nhiêu hiệu quả. Cuộc sống này vốn vô thường và lịch sử sẽ trôi xuôi theo dòng chảy thiên thu trong đó từng con người chỉ là những hạt phù sa bé nhỏ.

Nhưng rồi anh nghĩ lại, chúng ta nào đã làm gì sai trái và chúng ta sẽ sống ra sao khi không dám trung thực với mình, thấy sai không dám đấu tranh, thấy đúng không dám bảo vệ. Nguyên nhân của hoàn cảnh này không phải tại chúng ta mà chính vì điều ác đang thắng thế và kẻ lương thiện bị đọa đày. Nào phải riêng chúng ta bất bình. Nào phải riêng chúng ta muốn sống cho ra con người.

Dĩ nhiên có nhiều cách sống nhưng mỗi người có cách lựa chọn phù hợp với bản tính và hoàn cảnh, quá trình của mình. Lẽ nào chúng ta nửa đường đứt gánh chỉ vì sợ hãi sức mạnh của bạo lực và ý muốn cầu an cho bản thân. Anh không suy nghĩ cho riêng anh mà cả cho em. Em không phải là người bất khuất sao. Em đâu có im lặng, đầu hàng trước sự bất công áp bức từ chính trong gia đình cho đến ngoài xã hội.

Sống là đấu tranh. Hạnh phúc là đấu tranh. Ðấu tranh theo nghĩa rộng nhất. Ðấu tranh với chính mình, với hoàn cảnh, mãi mãi trên con đường đi đến hạnh phúc và bình an đích thực, dù là con đường xã hội hay tâm linh cũng thế mà thôi.

Ðấu tranh có thể làm người ta căng thẳng và suy sụp hay giúp con người trở nên hào hứng, nhạy bén, mạnh mẽ và cao cả hơn. Ðiều đó tùy thuộc vào bản lĩnh và nhận thức của mỗi người. Xét cho cùng cuộc đời chỉ là một trò chơi lớn, sao ta không chơi cho hết mình đến tàn cuộc, còn kết quả ra sao ta cần gì phải bận tâm. Ðó là cái tất yếu sẽ đến.

Anh mong em có thêm niềm tin và sức mạnh. Một niềm tin nhỏ bằng hạt cát cũng có thể làm dời núi và ý chí con người khi đạt đến tột cùng sẽ trở nên vô địch, không gì khuất phục nổi. Chúng ta không muốn làm vĩ nhân, anh hùng nhưng chúng ta tin vào chân lý và sức mạnh của Ðấng Tối cao. Baba nói “Lực hướng dẫn các vì sao cũng sẽ hướng dẫn bạn” (The force guides stars guides you too). Có lực đó không, có Ðấng Tối cao không? Chúng ta tin là có sẽ có, nếu chúng ta chưa tự mình thể nghiệm được. Không phải là mê tín, cuồng tín. Niềm tin này chắc chắn tốt hơn tin vào quyền lực, tiền bạc hay chủ nghĩa này, lý thuyết nọ. Ðấng Tối cao xét cho cùng chính là điều Thiện, là Chân lý, là Tình thương, là Tự do, là Hạnh phúc đích thực đó thôi, nào phải là gì khác.

Trong những ngày tháng này chúng ta đã chia sẻ nhiều hơn và anh cảm thấy thương yêu em nhiều hơn. Mỗi khi em mỏi mệt, mỗi khi em bơ phờ, mỗi khi em đau đớn, mỗi khi em phiền muộn, mỗi khi em lo âu, mỗi khi em tức giận, mỗi khi em bực bội, anh đều thấy đau lòng dù không nói ra, và thấy mình có lỗi. Dù sao không phải tất cả là lỗi ở anh, dù anh có thể nhận lỗi tất cả về mình.”

Yến đọc xong ngồi lặng lẽ một lúc lâu rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Câu chuyện của chúng tôi chỉ xoay quanh tình hình đang bị bao vây và tình cảm, lo nghĩ đối với các con ở xa, thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng khi Yến dõi mắt nhìn ra và nói cho tôi biết 2 người theo dõi đang làm gì bên ngoài.

Chúng tôi về nhà khi trăng mới lên. Trăng non không đủ soi sáng mặt hồ. Chỉ có những ngọn đèn cao áp phản chiếu lung linh dưới đáy nước lạnh lẽo.


Thứ ba 13/5/97

Hôm qua tôi nhận được giấy mời của UBND phường 9 yêu cầu tôi đúng 7g30 hôm nay đến trụ sở UBND phường để “làm việc về một số vấn đề an ninh trật tự ở địa phương có liên quan đến trách nhiệm của ông”.

Yến rất lo ngại trước giấy mời này. Có thể tôi sẽ bị quyết định quản chế theo nghị định 31/CP mới ban hành tháng trước mà đài, báo nước ngoài bình luận nhiều và chúng tôi biết rõ Nghị định đó chỉ nhằm đối phó với những người như chúng tôi. Cũng có thể tôi sẽ bị “đấu tố” theo một kiểu nào đó như người ta đã làm với Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội mà chúng tôi đã được nghe. Cũng có thể người ta sẽ áp dụng một biện pháp nặng nề hơn.

Yến lo có cơ sở vì mới đây, ngày 5/5/97 báo Nhân Dân có đăng một bài đả kích nêu đích danh tôi. Ðó là bài “Những luận điệu xuyên tạc giả dối” của Phan Chí Dũng. Bài báo mạt sát nặng nề các đài nước ngoài, tập trung vào các đài VOA, RFA (Châu Á Tự do) và RFI ([của Pháp) trong đó có đoạn:

“Bên cạnh đó trong những nỗ lực “cố đấm ăn xôi”, đài RFI cũng lải nhải phụ họa bằng cách lôi các nhà “trí thức ly khai” như Tiêu Dao Bảo Cự (in nhầm là Tiên Dao Bảo Lự), Bùi Minh Quốc, Hoàng Tiến... những người muốn quay lưng lại với sự nghiệp cách mạng và quyền lợi chung của nhân dân Việt Nam, những người tự giam trong ốc đảo tuyệt vọng tự coi mình là “rốn của vũ trụ”, những người phát ngôn với động cơ cá nhân - làm những tên lính xung kích chống Cộng”.

Khoảng mấy ngày sau, trong một buổi họp dân ở khu phố mà tôi không được mời dự, CA đã nêu vấn đề an ninh trật tự, nói rõ tôi là một thành phần phản động chống đối chế độ cần phải cảnh giác ở trong khu phố, đồng thời đã photo bài báo trên đây phát cho mỗi người dự họp một bản. Sau đó người ta còn cho đóng một câu khẩu hiệu ở cột điện xế hẻm vào nhà tôi với nội dung: “Cảnh giác phát hiện, kiên quyết đấu tranh, vạch mặt phần tử chống phá công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.

Trong tình hình đang bị bao vây giám sát chặt chẽ, sự kiện trên cho thấy người ta đang tập trung toàn lực để triệt hạ tôi và rất có thể người ta không ngần ngại trước bất cứ biện pháp nào. Tôi an ủi Yến và nói dù sao tôi cũng đã sẵn sàng để đương đầu với bất cứ chuyện gì có thể xảy đến.

Tôi đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng như thế, nhưng sáng nay trên đường đi đến trụ sở UBND phường, ngang qua chợ và ngã tư Phan Chu Trinh, giữa cảnh ồn ào tấp nập, tự dưng tôi cảm thấy cô đơn vô cùng và thấm thía sự vô tình của đám đông. Chắc chắn không ai có, không ai hiểu và chia sẻ tâm trạng của tôi lúc này. Mọi người đang hối hả đi làm, ăn uống, mua bán, suy tính những chuyện riêng tư, không hề biết tôi đang chịu cảnh gì và vì đâu tôi phải chịu đựng. Ðây là lần thứ ba trong đời tôi có cảm xúc này. Lần đầu năm 1967 ở Huế lúc tôi còn là sinh viên, đang ở tù vì tội tranh đấu và mấy ngày Tết được đặc biệt ra ngoài để thăm bà con khi có người bảo lãnh. Cảm xúc đó chợt đến khi tôi đi một mình trên đường phố, lúc mọi người hối hả về nhà trong đêm giao thừa. Lần thứ hai vào năm 1989 ở Ðà Lạt, sau vụ Hội Văn nghệ Lâm Ðồng, tôi bị khai trừ Đảng và trục xuất ra khỏi cơ quan, một buổi chiều tôi đứng ở rạp Hòa Bình nhìn người xuôi ngược và suy ngẫm về thế sự. Ðó là cảm giác “rất một mình” đẫm vị đắng cay mà tôi đã ba lần nếm trải, nhưng lần này chỉ thoáng qua.

Tôi đến trụ sở UB phường. Tôi chưa nói gì nhưng một cô nhân viên chắc biết tôi nên mời tôi ngồi đợi. Lát sau có người vào mời tôi sang nhà kế bên, hình như là trụ sở của UB Mặt Trận phường, để làm việc, vì trụ sở UB đang lúc sửa chữa, xây dựng lại.

Tôi được đưa vào một phòng khá rộng, đã có hơn 10 người ngồi hai bên mấy chiếc bàn ghép lại. Ðầu phía cửa ra vào, chủ tịch UB phường ngồi. Họ mời tôi ngồi ở một ghế trống ở đầu bên kia. Chủ tịch UB bắt tay tôi và một vài người tôi đi qua cũng đưa tay bắt. Tôi ngồi vào ghế và tự nhiên nói đùa: “Ngồi đây giống chủ tọa hội nghị quá.” Họ nhìn nhau không nói gì. Tôi sực tỉnh nghĩ có lẽ họ coi tôi là bị cáo thì đúng hơn. Tôi đưa mắt một lượt nhìn mọi người. Hình như tất cả đều là cán bộ hưu trí. Tôi biết một số người trong họ. Họ đều nguyên là cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy, các ban ngành của tỉnh và các sĩ quan cấp tá. Có một người nguyên là Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Ðây là thành phần nòng cốt gạo cội của Ðảng, khi về hưu vẫn được bố trí giữ các chức vụ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương để bảo đảm quyền lãnh đạo của Ðảng ở cơ sở. Trước mặt một số người có đặt một tập tài liệu tôi thoáng thấy có tiêu đề các bài viết của tôi. Trước đây tôi có nghe là Tỉnh đã chỉ đạo cho photo lại tất cả các bài viết của tôi, HSP và BMQ, mỗi người có một tuyển tập dày đến mấy trăm trang và đưa cho các cán bộ từ tỉnh ủy viên trở lên nghiên cứu (kể cả cán bộ tại chức và đã nghỉ hưu). Chúng tôi đã suy đoán là thế nào cũng sẽ có một cuộc đấu giữa họ và chúng tôi, nhưng chưa rõ họ sẽ tiến hành cách nào. Về phần chúng tôi, chúng tôi rất muốn có một cuộc tranh luận công khai về mặt lý luận, nhưng điều này chắc họ không dám làm. Bây giờ có lẽ họ nhắm vào tôi trước và tập trung những cán bộ có cỡ đang ở trong phường để làm việc này.

Sau thủ tục trà nước, chủ tịch UB đứng lên tuyên bố lý do. Ðây là cuộc họp liên tịch của Ðảng, Chính quyền, Mặt trận của Phường 9 và khu phố Nguyễn Ðình Chiểu, nhằm góp ý cho anh Bảo Cự là một công dân ở trong phường. Thời gian vừa qua anh Bảo Cự đã có những hoạt động, chủ yếu là viết bài, trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài với nội dung có hại cho an ninh quốc gia và CA đã tiến hành điều tra làm rõ. Mới đây, ngày 5/5/97, báo Nhân dân cũng đã có bài viết về việc này. Cuộc họp này có mục đích đóng góp ý kiến xây dựng để mong anh Bảo Cự tiếp thu chân thành và sửa đổi. Việc góp ý đồng thời cũng là cảnh cáo trước khi quá muộn, trước khi xử lý bằng pháp luật. Cách làm là mọi người góp ý trước, anh Bảo Cự sẽ tiếp thu sau.

Chủ tịch UB đưa mắt nhìn tôi khi nhấn mạnh lần nữa về cách làm. Chắc anh ta ngại tôi tranh cãi ngay sẽ gây lộn xộn. Tôi đồng ý. Tôi sẵn sàng ngồi nghe họ nói để xem thái độ và sự quy kết của họ ra sao trước khi phản ứng. Tôi bình tĩnh nghe và ghi vắn tắt ý kiến của từng người vào mấy trang giấy trắng của cuốn lịch nhỏ mang theo. Sau đây là ý kiến của họ:

Cán bộ 1:

Tôi phụ trách khu phố anh Bảo Cự ở, sát tình hình nên xin phát biểu trước. Qua theo dõi, thấy anh BC cũng có đóng góp các mặt cho khu phố nhưng ít khi đi họp nên bà con không đồng tình. Về chủ trương xây dựng cuộc sống mới, bảo vệ an ninh tổ quốc ít tham gia nên ít hòa nhập, ít hiểu dân.

Trước đây anh BC đã từng vi phạm pháp luật trong quan hệ với người nước ngoài. Nghiêm trọng hơn là đã viết nhiều bài đưa ra đăng tải ở đài, báo nước ngoài. Cụ thể là báo Thông Luận 6 bài, báo Thiện Chí 3 bài, báo Tự Do 2 bài, báo Diễn Ðàn 3 bài, đài VNCR 8 bài và làm cộng tác viên cho đài này.

Việc làm này đã tiếp tay cho các thế lực thù địch, các đài báo nước ngoài là những công cụ chống chế độ, chống dân tộc. Những bài viết của anh BC có sự xuyên tạc, phủ nhận vai trò lịch sử và công sức của nhân dân. Nếu anh BC có thiện chí có thể góp ý xây dựng Ðảng nhưng đây không phải là xây dựng. Anh BC làm như thế là đã tự phủ định quá khứ của mình.

Cán bộ 2:

Anh BC ít tham gia vào cuộc vận chung ở địa phương. Anh viết bài “Hòa giải hòa hợp” là lộn sòng, có tội vì cho rằng ngày 30/4 là ngày quốc hận. Anh còn viết nhiều bài khác nói xấu Ðảng và Bác Hồ. Tuy thế hôm nay chúng tôi đóng góp ý kiến cho anh là trong tinh thần người nhà với nhau.

Cán bộ 3:

Tôi đóng góp cho anh BC với tính chất rất gia đình, có tình thương của những người cùng dòng máu.

Tôi đã từng gặp anh BC cách đây 20 năm lúc tiếp quản thị xã Bảo Lộc tại nhà của đồng chí Bí thư chi bộ nội thành. Theo tôi hiểu, anh là một sinh viên, một trí thức yêu nước, có một ít công lao trong việc giải phóng Lâm Ðồng. Anh đã được Ðảng đào tạo, cất nhắc từ cán bộ xã lên huyện, lên tỉnh. Tại sao từ 1989 anh lại quay ngoắt chống Ðảng một cách ác liệt.

Anh đã viết 4 bài gởi cho báo Người Sài Gòn (?), 1 tờ báo đại phản động đã định lật đổ Nhà nước từ 92-93 (?). Chính anh đề xuất tách người cầm quyền vô đạo ra khỏi đất nước, khỏi sự đồng hóa với đất nước để tiêu diệt. Làm như thế không khác gì luật 10/59 của Diệm để triệt tiêu Cộng sản.

Anh cho 2 cuộc chiến tranh là nội chiến, không thấy ai là kẻ xâm lược, ai yêu nước, ai bán nước. Anh hiểu sai về Bác Hồ, khi người ta nói Bác Hồ là vị cha già của dân tộc, anh chỉ hiểu theo nghĩa đen (?).

Anh là con người vô cùng bội bạc vì trước đây anh đã từng công tác nay lại xoáy vào Bác Hồ, vào đồng chí, vào tim của chúng tôi.

Anh nói gì về ngoại đạo (?). Ðạo chung nhất của dân tộc là đạo làm người. Một sĩ quan chế độ cũ còn đối thoại được với Bùi Tín.

Anh BC ơi, anh hãy quay đầu lại đi.

Cán bộ 4:

Tôi xin phân tích một ý trong bài “Thư ngỏ gởi những người Cộng sản Việt Nam”, anh BC nói rằng Ðảng và Bác Hồ lựa chọn con đường XHCN đã mang lại thảm họa cho dân tộc. Nói như vậy là đổi trắng thay đen, vì con đường đó cũng chính là do nhân dân lựa chọn. Rõ ràng công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã đưa đất nước phát triển theo con đường XHCN. Nói như vậy là có tội với dân tộc, với những người đã hi sinh.

Anh BC đã thóa mạ, hạ thấp chân dung, hình tượng của Bác Hồ trong khi đề cao HSP là biểu tượng trí tuệ của dân tộc.

Nói như thế là phản bội tổ quốc, phản bội dân tộc, ngay người dân bình thường cũng không nghe được. Anh BC cần thành tâm suy xét, cải sửa.

Cán bộ 5:

Anh BC đã tự mình đối lập với mình nên đi sai đường lối, phản bội đồng chí, những người cưu mang mình và cả dân tộc, trở thành một bồi bút, cộng tác viên cho đài báo nước ngoài.

Anh viết không khác gì Bùi Tín, Bảo Ninh, đánh lộn sòng chiến tranh cách mạng với nội chiến.

Anh nói sai việc không thực hiện di chúc của Bác Hồ vì Ðảng và Nhà nước có miễn thuế cho dân(?). Nếu dân biết anh thóa mạ Bác Hồ sẽ đến hỏi tội.

Anh đã là Đảng viên CS nhưng chưa hiểu CS, là một người dân nhưng chưa hiểu dân. Chúng ta xấu hổ vì có một người dân trong phường như thế. Lập trường tư tưởng không vững vàng đã dẫn đến sai lầm, vợ con cũng không đồng tình. Anh chưa chắc đã là trí thức vì trí thức không làm như thế.

Cán bộ 6:

Tôi có thời gian cùng công tác 2 năm với anh BC ở Bảo Lộc. Thời gian đó anh rất tốt và năng nổ. Bây giờ tại sao anh đi quá xa, phản bội lại bản thân và quá khứ. Tại sao anh cho 2 cuộc chiến là nội chiến, khinh mạn Bác Hồ. Nội dung các bài báo của anh là phản động, kích động. Tôi mong rằng anh đừng để con cái phải ân hận.

6 người trên phát biểu mất hơn một tiếng đồng hồ, người nào cũng có chuẩn bị ý kiến sẵn trên giấy, có người viết hẳn thành bài nói. Tôi bình tĩnh ghi ý kiến của họ và những ý kiến phản bác của mình. Ðến đây 1 cán bộ nguyên có chức vụ cao nhất mà tôi đoán là người thực sự chủ trì buổi gặp mặt này, yêu cầu ngưng góp ý để tôi có ý kiến tiếp thu, sau đó sẽ góp ý kiến tiếp.

Trong khi nghe tôi đã suy nghĩ về thái độ và cách trả lời của mình. Trong số những cán bộ đã phát biểu, chỉ có một người có thái độ và lời nói gay gắt, còn những người khác tuy cũng có những ý kiến phê phán nặng nề nhưng thái độ hòa nhã, có ý coi tôi là đồng chí cũ, nay sai phạm nên muốn cảnh tỉnh, lôi kéo chứ không tỏ ý thù địch. Có lẽ họ đã thống nhất về điểm này. Tôi biết các Đảng viên kỳ cựu này rất tức giận, cảm thấy bị xúc phạm và thương tổn khi đọc các bài viết của tôi, nhất là các bài tôi viết về Ðảng, Bác Hồ và cuộc chiến tranh đối với họ là thiêng liêng, thần thánh. Tôi quyết định vẫn bảo vệ chính kiến của mình nhưng nói với lời lẽ ôn hòa, có tính cách tranh thủ, tránh đối đầu căng thẳng với họ. Tôi nói:

Tôi cám ơn thiện chí và tình cảm của các ông dành cho tôi trong buổi nói chuyện này dù một số ý phát biểu phê phán khá nặng nề. Tôi hiểu các ông tự cho mình là những người yêu nước và tôi cũng tự nhận mình là người yêu nước. Do đó nếu có thể, chúng ta thống nhất với nhau về lòng yêu nước và ý hướng xây dựng tổ quốc. Tuy nhiên tôi với các ông khác nhau về nhận thức. Các ông vẫn giữ quan điểm gọi là chính thống của Ðảng từ trước đến nay, nhưng tôi nhìn nhận lại tất cả, không chấp nhận giáo điều và không né tránh bất cứ vấn đề gì.

Trước khi đề cập những vấn đề chính mà các ông vừa phê phán, tôi muốn đính chính vài điểm mà các ông hiểu về tôi không chính xác khi đọc các bài viết của tôi. Tôi không nói “ngày 30/4 /75 là ngày quốc hận” mà tôi nói đại ý dù ngày 30/4/75 được xem là ngày quốc hận hay ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất tổ quốc, thì ngày đó cũng là một mốc dấu lớn của lịch sử Việt Nam. Tôi không hề hiểu câu “Bác Hồ là vị cha già của dân tộc” theo nghĩa đen mà tôi cho cả nghĩa bóng hay nghĩa đen đều không chấp nhận được. Nghĩa đen vô lý vì khi có câu này, ông Hồ mới hơn 50 tuổi, còn nghĩa bóng cũng không nên nói như thế vì đó là cách nói sùng bái quá đáng. Ðối với các vĩ nhân, theo tôi chỉ nên nói đó là “người con vĩ đại của dân tộc”. Lịch sử Việt Nam có rất nhiều vĩ nhân và ngay cả Tổ Hùng Vương mà cũng chưa ai gọi là “cha già của dân tộc”. Có người nói tôi gởi 4 bài cho báo Người Sài Gòn. Thực ra tôi chỉ giữ 4 tờ báo Người Sài Gòn mà CA đã thu giữ. Theo tôi biết, hình như báo này có đăng một bài của tôi dù tôi không gởi. Tôi không viết gì về chuyện “ngoại đạo” cả mà tôi chỉ đề cập đến khái niệm “nhà cầm quyền vô đạo”.

Các ông đã phê phán tôi về nhiều vấn đề quan điểm. Ở đây tôi chỉ nói những điểm chính vì trong cuộc làm việc này chắc không đủ thời gian.

Trước hết tôi không phủ định quá khứ vì quá khứ là việc đã qua, muốn phủ định cũng không được. Vấn đề là nhìn nhận lại khi đã có độ lùi lịch sử, nếu thấy sai phải biết ăn năn sám hối và sửa chữa.

Về con đường XHCN gây ra thảm họa, sự sụp đổ của CNCS ở Liên Xô và Ðông Âu là một minh chứng. Sự sụp đổ này không phải do các nước đế quốc thù địch đánh phá mà là một sự sụp đổ tự thân, do những mầm mống nội tại. Lịch sử đã cho thấy CNCS ở các nước đó cũng đầy dẫy bất công áp bức, máu và nước mắt. Còn ở Việt Nam chúng ta, để tự cứu, Ðảng CS đã phải chấp nhận chuyển sang kinh tế thị trường là phương thức của CNTB, hoàn toàn đối lập với phương thức chỉ huy, bao cấp của CNCS.

Tôi viết về Bác Hồ ở một vài khía cạnh không phải là để mạ lỵ, bôi nhọ mà là để chống sùng bái cá nhân. Lịch sử loài người từ đông sang tây, từ cổ chí kim cho thấy sùng bái cá nhân chỉ đưa đến độc tài, sai lầm và tai họa. Con người ai cũng có thể có sai lầm, dù là vĩ nhân cũng không phải thần thánh. Những nhân vật lịch sử sẽ được lịch sử phán xét công bằng.

Ðối với cuộc chiến tranh chống Mỹ, tôi không cho đó là nội chiến, nhưng tôi viết dù được quan niệm như thế nào, cuộc chiến tranh đó vẫn có tính cách nội chiến vì người Việt đã giết nhau trên chiến trường và hận thù nhau trong tim óc. Dù lịch sử đã qua nhưng hiện nay chúng ta có quyền suy nghĩ về cách giải quyết và cái giá phải trả cho cuộc chiến đó.

Tôi đã suy nghĩ và lật lại nhiều vấn đề không phải là phản bội bản thân, phản bội quá khứ, mà chỉ là muốn trung thực với mình khi nhìn nhận lại mọi việc, không vì những hào quang quá khứ hay vì sĩ diện, lòng tự tôn tự ái hay quyền lợi mà tiếp tục tự lừa dối mình, lừa dối người khác.

Tôi cộng tác với các đài báo nước ngoài không phải là chống lại dân tộc, chống lại đất nước mà chỉ vì muốn công bố những quan điểm tư tưởng của mình khi trong nước không có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Ðó chính là vì dân tộc, vì đất nước. Hơn nữa lợi ích của dân tộc có nhiều vấn đề chưa chắc đã là lợi ích của Ðảng dù Ðảng vẫn cho là như thế. Thực tế cho thấy đường lối chính sách của Ðảng có nhiều vấn đề khác với thực tiễn và lời nói không đi đôi với việc làm vẫn thường xảy ra.

Tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé, trí tuệ hạn hẹp, những điều tôi viết có thể đúng, có thể sai nhưng viết ra, nói lên quan điểm của mình về những vấn đề chung của đất nước là quyền tối thiểu của mọi người công dân trong một nước dân chủ. Tôi không làm chính trị hiểu theo nghĩa chính trị chuyên nghiệp. Tôi chỉ là một người tự do tư tưởng có quan tâm đến số phận của đất nước mình. Thế thôi. Ðó không phải là tội lỗi gì.

Trong khi tôi nói, có người nhíu mày, có người gật gù tỏ vẻ đồng ý ở một vài điểm. Tôi biết thuyết phục những người này không phải dễ, nhưng họ nói quan điểm của họ, tôi nói quan điểm của tôi và tôi chứng tỏ tôi không hề sợ hay bị khuất phục trước áp lực và lý lẽ của họ.

Sau khi tôi nói xong, chủ tọa đề nghị nghỉ giải lao vài phút trước khi làm việc tiếp. Lúc ra ngoài, cán bộ nói đã gặp tôi hơn 20 năm trước, hồi mới giải phóng, đến nói chuyện với tôi. Ông ta nhắc lại vài chuyện cũ và tôi nhớ ra lúc đó ông là lãnh đạo CA của thị xã Bảo Lộc. Ông năm nay đã hơn 70 tuổi. Ông vỗ vai tôi tỏ vẻ thân tình: “Anh Cự à, đừng vì giận quá mà nói quá lời không hay. Tôi cũng vậy, nhiều khi giận con cái hay bạn bè, tôi nói hay viết thư lời lẽ quá đáng nhưng sau đó nghĩ lại tôi thấy mình không đúng. Cái gì cũng có nguyên nhân và hoàn cảnh của nó. Nhiều khi chủ quan nôn nóng không được đâu. Sống phải biết chờ đợi.”

Tôi chưa hiểu gì về ông ta nhưng tôi thấy đó là lời khuyên chân tình của một người già đã từng trải, có phần có lý. Tôi đồng tình với ông nhưng nói thêm: “Dù sao cũng cần phải nói thật, nói thẳng.”

Giải lao xong, vào làm việc tiếp, cán bộ nguyên có chức vụ cao nhất phát biểu trước. Ông đứng lên và cầm một xấp giấy có bài soạn sẵn nhìn vào để nói.

Cán bộ 7:

Trước hết, tôi hoan nghênh anh BC đã đến và đã chịu lắng nghe chúng tôi nói. Ðó là điều đáng mừng vì tôi lo có thể anh không đến hay không chịu nghe. Những điều chúng tôi nói ở đây là đấu tranh với tinh thần xây dựng. Anh đã ghi nhận tình cảm và thiện chí của chúng tôi nhưng có ý lệch.

Anh tự xưng là người yêu nước, yêu nước tại sao lại viết bài cho đài, báo phản động nước ngoài. Thành tích của Ðảng CS là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước tại sao anh cho là mang lại thảm họa. Nhân dân biết ơn Ðảng, anh lại cho là Ðảng bắt nhân dân tụng đọc, ghi khắc công ơn của Ðảng. Bác Hồ là một vĩ nhân của dân tộc và nhân loại được cả thế giới và UNESCO tôn vinh, anh thấy khó nhưng vẫn xuyên tạc. Anh đã thiếu nhìn thẳng vào sự thật.

Khi trả lời phỏng vấn của báo Diễn Ðàn, anh nói đó là bi kịch lịch sử, tội ác của nhà cầm quyền. Anh thử nghĩ xem, ai là kẻ đày đọa nhân dân Việt Nam? Chính là đế quốc xâm lược. Thế mà anh nói đó là cuộc nội chiến phân ly và bi thảm. Nói như thế là quên mất lịch sử.

Anh viết hai câu đau lòng: “Quốc gia chiêu hồi, CS kêu gọi trở về với nhân dân.” Viết như thế là bênh vực, bao che kẻ thù, phỉ báng dân tộc, vu cáo những người CS. Tại sao anh dám nói những người lãnh đạo VN lưu manh, khôn vặt khi đó là những người đã hi sinh suốt đời mình cho sự nghiệp cách mạng.

Ðảng ta nói khép lại quá khứ chứ không xóa bỏ hận thù (?). Ðảng không nói dân di cư, di tản là phản động nhưng không ai được tiếp tay, nối giáo cho giặc.

Anh xúc phạm Bác Hồ khi cho rằng những câu nói của Bác Hồ người bình thường cũng nói được và so sánh Bác Hồ với vua chúa thời xưa.

Anh nói Ðảng coi nhân dân như một bầy cừu là không đúng, lật ngược chân lý.

Anh chống tham nhũng, đòi dân chủ là đúng, nhưng làm phải có nguyên tắc, không được bừa bãi.

Anh nói chính sách đại đoàn kết của Ðảng là bánh vẽ, lừa mị, vậy thì anh nghĩ sao về trường hợp Ðảng đối xử với các ông Phan Kế Toại, Huỳnh Thúc Kháng.

HSP là một người phạm tội đã bị tù anh lại cho là thần tượng, ở tù về anh còn viết bài khuyến khích.

Viết về tình hình xã hội, bão lụt, anh đã lợi dụng để vu cáo, nói xấu Ðảng và Nhà nước. Anh có quyền đấu tranh nhưng không được lợi dụng, không được lấy hiện tượng đè lên bản chất để nói xấu chế độ.

Nhiều người có công như Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính nhưng sai trái vẫn bị trừng trị. Nhà nước cắt điện thoại, không cho anh tự do đi lại là cốt để ngăn chặn hành vi sai trái của anh.

Anh đã nhận một số tiền của các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài. Anh không chủ trương bạo động, lật đổ nhưng âm mưu diễn biến hòa bình như ở Liên Xô, Ðông Âu.

Anh không phải yêu nước mà là có tâm địa độc ác. Anh nói anh trung thực, yêu nước tại sao lại nhận 4 tờ báo Người Sài Gòn. Anh không những vi phạm pháp luật mà còn quay lưng lại với bản thân. Ðó không phải là yêu nước và trung thực.

Chúng tôi mong anh có những suy nghĩ mới. Ðảng sẵn sàng khoan dung độ lượng nếu anh biết ăn năn hối cải.

Cán bộ 8:

Cuộc họp hôm nay là việc làm cần thiết thể hiện tình nghĩa và truyền thống dân tộc đối với anh. Ý kiến anh tiếp thu vừa rồi chưa thể hiện được mục đích yêu cầu của cuộc họp.

Anh đã lẫn lộn bản chất với hiện tượng, làm nhiễu dư luận xã hội.

Anh có nhận thức mơ hồ chung quanh sự sụp đổ của Liên Xô và Ðông Âu. Ðó là sai lầm của các Ðảng CS đó.

Kinh tế thị trường là phương thức vận dụng chứ không phải bản chất của CNXH. Anh cho rằng đổi mới phải tự lột xác. Nói như thế là không xây dựng. Ta đổi mới chứ không đổi màu.

Anh viết nhiều về HSP có hàm ý gì. HSP do chế độ đào tạo, nuôi dưỡng nhưng lại phạm sai lầm. Anh cho rằng Ðảng không phải là Ðảng trí tuệ, tất yếu sẽ bị đào thải. Bề ngoài anh có vẻ xây dựng Đảng nhưng động cơ không phải vậy. Anh bất mãn dẫn đến sai lầm từ khi không còn là Đảng viên.

Cán bộ 9:

Cuộc họp này là tiếng nói của nhân dân ở cơ sở, cho thấy những người dân bình thường cũng hiểu được tâm địa của anh.

Anh chống sùng bái cá nhân nhưng gắn với Bác Hồ là không đúng.

Mong anh có thể tiếp thu những ý kiến trong cuộc họp này và có thể có nhiều cuộc họp nữa.

Cán bộ 10:

Anh nói có nhiều bài anh không gởi ra nước ngoài nhưng bạn hữu của anh gởi. Trong các bài viết anh không nêu cái tốt, chỉ nêu cái xấu là có ý đồ. Anh đã từ sai lầm này dẫn đến sai lầm khác. Anh nên dừng lại, tự kiểm điểm và nhận lỗi với nhân dân khu phố.

Cuộc họp đã kéo dài đến gần trưa. Cán bộ nguyên có chức vụ cao nhất yêu cầu tạm dừng và sau này có thể sẽ tổ chức gặp nữa. Ông nói thêm: “Chúng tôi không coi anh là phản động như Bùi Tín nên sẽ còn tiếp tục đối thoại với anh.”

Mọi người muốn chấm dứt, nhưng ông yêu cầu tôi phát biểu tiếp thu tiếp trước khi ra về sau khi mới nghe thêm một số ý kiến nữa.

Tôi đã biết rõ thái độ và ý đồ của họ trong cuộc họp này. Họ muốn vừa trấn áp vừa thuyết phục lôi kéo, đồng thời nói cho hả giận vì họ rất phẫn nộ khi nghiên cứu các bài viết của tôi.

Tôi nói:

Nhận thức hiện nay của tôi không phải mới có mà đã có từ năm 89 sau vụ Hội Văn nghệ Lâm Ðồng, ngay từ khi còn ở trong Ðảng.

Tôi không phải nói xấu tất cả những người CS. Tôi biết vẫn có những người CS tốt và hiện nay Cán bộ, Đảng viên vẫn còn những người khổ.

Tôi chỉ thực hiện quyền tự do tư tưởng của mình, không có gì vi phạm pháp luật và tôi không bao giờ khuất phục trước bạo lực, tôi chỉ khuất phục chân lý.

Những ý kiến của tôi mà các ông trích dẫn để phê phán, nhiều ý đã không được trích dẫn trong toàn văn cảnh để hiểu đúng ý của người viết.

Tôi yêu cầu sự lãnh đạo của Ðảng phải thông qua bầu cử dân chủ thực sự, được sự chấp nhận của nhân dân.

Tôi không còn là Đảng viên, tôi không đấu tranh trong Ðảng nữa mà thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Tôi sẵn sàng tham dự những cuộc đối thoại khác nếu thực sự có đối thoại.

Vì đã hết giờ tôi không tiện nói nhiều. Mọi người sửa soạn ra về. Một số bắt tay chào tôi vui vẻ.

Tôi nghĩ cuộc họp này như thế cũng tạm được. Họ chưa làm kiểu đưa ra dân để “đấu tố” tôi. Nếu họ làm kiểu đó tôi sẽ phản ứng khác. Còn nếu họ tiếp tục mời tôi nữa theo kiểu này tôi sẽ nói nhiều hơn, đối đáp tức khắc với ý kiến từng người, sẵn sàng đối phó với kiểu xa luân chiến của họ. Tôi không bao giờ sợ tranh luận, ngay cả khi với đa số.


Nửa sau tháng 5/97

Vài ngày sau buổi làm việc tại UB phường trên đây, CA thay đổi phương thức theo dõi, giám sát. Chốt trực tiếp trước cổng được giải tỏa, nhưng họ lại lập một chốt mới ở nhà phía trước nhà tôi, bên kia thung lũng nhỏ. Từ nhà đó có thể nhìn sang nhà tôi rất rõ, quan sát thuận lợi việc chúng tôi đi lại cũng như khách khứa vào nhà. Mỗi lần chúng tôi đi đâu, người ở bên nhà phía trước gọi máy thông báo và một tổ khác ở trên đường Nguyễn Ðình Chiểu lập tức cho người bám theo.

Một lần tôi đi trên đường NÐC gặp ông Huyên. Ông này trước là Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, sau đó chuyển sang làm Giám đốc Ðài Phát thanh và Truyền hình Lâm Ðồng, nay mới về hưu. Tôi biết ông từ lúc mới lên Ðà Lạt làm ở Hội Văn Nghệ vì cùng sinh hoạt chi bộ ở Ban Tuyên huấn lúc HVN chưa có đủ Đảng viên để thành lập chi bộ riêng. Ông Huyên tính tình hiền lành và tư tưởng khá cởi mở. Mấy năm trước, tôi biết ông đã từng đọc cuốn Nửa đời nhìn lại của tôi.

Tôi đứng nói chuyện với ông Huyên bên đường một lúc. Ông nói Ban Tuyên huấn có đưa cho ông xem bài “Tiếng vọng lẻ loi và Tự do báo chí” của tôi để tham khảo ý kiến của ông. Ông trả lời họ: “Ðọc bài đó xong, không hiểu bản chất thế nào chứ hiện tượng thì Bảo Cự nói đúng”. Ông cho biết thêm mới rồi có người lại yêu cầu ông tham gia vụ “đấu” tôi. Ông từ chối và nói: “Việc gì phải làm vậy. Cứ mời lên làm việc và trao đổi thẳng thắn. Nếu Bảo Cự nói đúng thì Ðảng nên nghe, nếu nói sai thì thuyết phục, như thế có phải hay không?” Ông mời tôi lúc nào rảnh vào nhà ông chơi. Nhà ông ở trên đường NÐC, cách nhà tôi khoảng vài trăm mét nhưng lâu nay tôi ít khi đến thăm ông. Tôi cảm thấy yên lòng khi gặp được một cán bộ như ông, tiếc là ông đã về hưu.

Có lần Yến và tôi gặp chị Ðức, vợ anh bạn Võ Quang Nghĩa của chúng tôi đã qua đời, người đã cùng đi đón HSP cuối năm ngoái. Chị Ðức vẫn thường lui tới với chị Biên, vợ HSP và cô Thục, vợ BMQ. Chị Biên cho biết HSP và BMQ thời gian qua cũng bị giám sát chặt chẽ tương tự như tôi. Riêng HSP, thỉnh thoảng lại được lãnh đạo Sở CA mời lên gặp để “tâm sự”.

Chị Ðức có một cô bạn là cán bộ ở gần nhà tôi. Cô này nói với chị Ðức những chuyện về tôi như CA đã tuyên truyền trong khu phố và cho biết CA có lần đã lẻn vào nhà tôi nhưng không tìm thấy gì. Ðiều này làm chúng tôi rất ngạc nhiên. Trước đó có người trong xóm cũng đã kể nghe CA nói chuyện với nhau cũng nói về việc họ lẻn vào nhà tôi, nói rõ cả cách họ cạy cửa mở khóa như thế nào lúc chúng tôi đi vắng. Tôi thấy chuyện này thật vô lý. Họ lẻn vào nhà tôi để làm gì khi họ có thể công khai lấy lệnh khám xét. Ðây lại là một việc làm phi pháp, gây tai tiếng, tại sao họ lại còn nói ra cho mọi người biết. Hay chỉ là một cách tung tin để hù dọa chúng tôi? Chúng tôi không thể hiểu hư thực như thế nào. Yến đã xem xét lại các cửa nhưng không thấy dấu vết cụ thể, tuy vậy mỗi lần chúng tôi đi đâu vắng nhà Yến lại làm các dấu ở các cửa.

Hồi trước ngày sinh nhật HSP, tôi và BMQ nói chuyện, cảm thấy tình hình căng thẳng, chúng tôi định sẽ soạn thảo một văn bản chung, nếu chúng tôi bị trấn áp, sẽ tung ra dư luận. Tuy nhiên chúng tôi chưa kịp làm thì đã bị chia cắt, bao vây, ngăn chặn. Bây giờ tôi nghĩ riêng mình cũng phải chuẩn bị một cái gì, nếu không lúc tôi bị bắt sẽ không trở tay kịp. Tôi thảo sẵn 2 văn bản “Tôi bày tỏ” và “Tôi phản đối” sau đây để sử dụng khi cần thiết nhưng trước mắt tôi giữ kín không công bố.

Tôi bày tỏ

Trong thế giới ngày nay, mọi quốc gia đều phụ thuộc vào nhau, mọi thông tin từ bất cứ nơi đâu đều có thể đến với mọi người và tất cả mọi vấn đề đều được đặt ra trước lương tri của toàn nhân loại.

Tôi là Tiêu Dao Bảo Cự, công dân Việt Nam, một người cầm bút tự do, một con người nhỏ bé trong cộng đồng nhân loại, nhận định về tình hình thế giới và đất nước Việt Nam:

  • Các nhân quyền và dân quyền được Liên Hiệp Quốc thừa nhận là những giá trị đích thực của con người mà con người cần phải đấu tranh để có được, bảo vệ và phát huy, không phân biệt màu da, dân tộc, trình độ hay truyền thống. Hòa bình, hạnh phúc là ước mơ của nhân dân toàn thế giới. Nhân đạo, thiện chí là tinh thần; đối thoại, hợp tác là con đường tốt đẹp nhất để đi đến tương lai.

  • Trong thế giới văn minh này, vẫn còn nhiều dân tộc, nhiều con người đau khổ vì thiếu thốn vật chất, chịu áp bức về tinh thần, khủng hoảng về lẽ sống. Thế giới không thiếu lương thực, tiền bạc, tài nguyên thiên nhiên, tiện nghi vật chất, nếu mọi người đều được chia sẻ. Không dân tộc nào có quyền sống sung sướng trên sự đau khổ và lầm than của dân tộc khác. Không thể hi sinh thế hệ hôm nay cho bất cứ một chủ nghĩa, một viễn tượng tương lai nào.

  • Mọi loại tội ác chà đạp và làm hủy hoại con người vẫn tiếp tục diễn ra dưới mọi hình thức, từ xung đột vũ trang, khủng bố bằng bạo lực, đàn áp chính trị, đến bóc lột sức lao động, xâm lăng về kinh tế, chiếm đoạt đặc quyền đặc lợi bằng mọi thủ đoạn... Nhiều tổ chức quốc tế về chính trị, xã hội, nhân quyền, văn hóa nghệ thuật, tôn giáo, tâm linh và các cá nhân thiện chí đã ra sức hoạt động cho hạnh phúc con người nhưng cho tới nay, cái ác vẫn mạnh hơn điều thiện, quyền lợi vẫn lấn áp lương tri và con người vẫn tiếp tục đau khổ. Mọi loại bạo lực không phải là giải pháp tốt nhất. Mục đích biện minh cho phương tiện là phát kiến đáng sợ nhất của con người cần phải hủy bỏ.

  • Lịch sử và đất nước Việt Nam trong suốt thế kỷ 20 mang chứa đầy đủ những bi kịch của nhân loại và thời đại, đang vùng vẫy tìm đường giải thoát và vươn lên, hơn bao giờ hết, người Việt Nam cần tỉnh táo nhận đường và tìm ra giải pháp tốt nhất.
Từ nhận thức trên, tôi bày tỏ ý kiến như một lời kêu gọi:

  1. Mọi quốc gia phát triển đất nước bằng trí tuệ và sức lao động của nhân dân mình, thương lượng và hợp tác với các quốc gia khác trên cơ sở bình đẳng và hữu nghị, với tinh thần chia sẻ giữa các dân tộc, giữa con người với con người, trên con đường kiến tạo một thế giới nhân đạo không biên cương, một ngôi nhà chung thực sự ấm cúng của toàn nhân loại.

  2. Từng bước tiến tới thủ tiêu mọi loại vũ khí, trước hết là vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học,và mìn bẫy sát thương, mọi hình thức bạo động và đàn áp chà đạp con người. Chống tội ác bằng sức mạnh của tình thương, bằng những phương tiện hòa bình, bằng sự liên đới, liên kết của những người tốt trên toàn cầu.

  3. Ngăn chặn tham vọng bất chính và tội lỗi của những người làm chính trị, những người lãnh đạo thiếu lương tâm, những cá nhân và tập đoàn kinh tế thống trị bóc lột, những tập đoàn và băng Đảng tội ác ở từng quốc gia và trên toàn thế giới.

  4. Ðối với Việt Nam:

    1. Ðảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam thực sự tôn trọng các quyền tự do dân chủ của người dân, bức xúc hiện nay là quyền tự do làm ăn sinh sống, tự do ngôn luận và báo chí, tự do bầu cử và ứng cử, trả tự do cho các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm; chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến; từng bước tiến đến từ bỏ độc quyền lãnh đạo, thực sự trao trả quyền lực lại cho nhân dân.

    2. Xóa bỏ nghi kỵ, hận thù, thực tâm hòa giải, hòa hợp dân tộc, đặc biệt là giữa những người Cộng sản và cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như những người bất đồng chính kiến ở trong nước, để cùng nhau góp phần xây dựng đất nước, phát huy hết tiềm lực của toàn dân tộc. Không ai được độc quyền yêu nước theo cách của mình. Người cầm quyền không được cai trị nhân dân bằng bạo lực.

    3. Tạo điều kiện phát triển đồng đều cho mọi tầng lớp nhân dân, mọi vùng của đất nước. Dùng tiền của do tham nhũng, hối lộ, xa hoa lãng phí của bộ máy cầm quyền thay vào một phần sức đóng góp của nhân dân.

    4. Các quốc gia, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài đến Việt Nam hoạt động, làm ăn, hợp tác cùng có lợi hay vì thiện nguyện, không làm gì tổn hại đến đất nước và nhân dân Việt Nam, không cấu kết với kẻ xấu, nhất là kẻ xấu nắm quyền lực, cùng với nhân dân Việt Nam xây dựng cuộc sống hạnh phúc và phồn vinh mà dân tộc này xứng đáng được hưởng sau bao nhiêu đau khổ.
Chi phối từng đất nước và cả thế giới này không phải chỉ là việc của những người lãnh đạo chính trị mà chính là do từng con người nếu từng người nhận thức đầy đủ, biết quyết định số phận của cá nhân và cộng đồng, trong sự liên đới và sức mạnh của tình đoàn kết. Trong tinh thần đó, tôi viết lời bày tỏ này gởi đến nhân dân Việt Nam và toàn nhân loại khi con người chuẩn bị bước sang thế kỷ 21 với niềm tin và hi vọng vào một ngày mai nhất định sẽ tươi sáng hơn hôm nay.

Ðà Lạt, Việt Nam ngày 20/5/97


Tôi phản đối

Tôi là Bảo Cự, bút hiệu Tiêu Dao Bảo Cự, hiện ở tại 35/1 Nguyễn Ðình Chiểu, Ðà Lạt, điện thoại số 823779. Trong nửa năm qua, tôi đã bị nhà cầm quyền gây sức ép về nhiều mặt.

Từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12/96, tôi bị Công an thành phố Ðà Lạt (kết hợp với Công an Lâm Ðồng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cán bộ lãnh đạo Bộ Nội vụ) mời lên thẩm vấn ba đợt, tổng cộng 12 ngày về lý do các bài viết của tôi được đăng tải trên một số đài báo nước ngoài.

Ngày 9/2/97 báo Sài Gòn Giải Phóng ở thành phố Hồ Chí Minh đăng bài “Tiếng vọng lẻ loi” của Nguyễn Minh đả kích và chụp mũ chính trị đối với tôi bằng những lời lẽ vu khống và thóa mạ. Tôi đã viết thư khiếu nại, viết bài trả lời gởi Ban Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, và sau đó gởi nhiều cơ quan văn hóa tư tưởng, thông tin đại chúng khác nhưng không nơi nào trả lời hay lên tiếng.

Ngày 31/3/97 Công an thành phố Ðà Lạt mời tôi lên làm việc và lập biên bản “đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật” cũng vì lý do những bài viết và trả lời phỏng vấn của tôi mặc dù tôi chẳng làm gì gọi là vi phạm pháp luật. Tôi đã ghi ý kiến phản đối của mình vào biên bản.

Ngày 7/4/97 Công ty Ðiện báo Ðiện thoại Lâm Ðồng cắt điện thoại của gia đình tôi mà không hề giải thích lý do, khi chúng tôi khiếu nại bằng miệng và bằng văn bản, Công ty Ðiện báo Ðiện thoại chỉ nói là làm theo lệnh trên.

Mới đây nhất, từ ngày 25/4/97 đến nay, Công an đến bao vây, kiểm soát và ngăn chặn mọi hoạt động, quan hệ của tôi và cả của vợ tôi. Hai tổ công an, ít nhất 10 người thay phiên nhau canh gác, giám sát trước nhà tôi 24/24 giờ. Họ công khai theo dõi, giám sát khi chúng tôi đi bất cứ đâu, chặn không cho gọi điện thoại, không cho nhận thư từ do nhân viên Bưu điện mang đến, không cho người ngoài vào nhà tiếp xúc. Khi chúng tôi phản đối và chất vấn, họ nói chỉ làm theo lệnh trên. Về việc chặn thư, ngày 26/4/97 khi Công an ngang nhiên chặn nhân viên Bưu điện để tịch thu một thư bảo đảm đề tên tôi từ nước ngoài gởi về (họ còn định chặn cả báo chí tôi đặt mua ở Bưu điện), tôi đã lập tức đi gặp cán bộ lãnh đạo của Công ty Bưu chính và Phát hành Báo chí Lâm đồng để phản đối. Cán bộ Công ty này thừa nhận việc làm đó không đúng và hứa sẽ làm văn bản can thiệp với Công an và sau đó trả lời tôi, nhưng cuối cùng tất cả đều rơi vào im lặng. Sau vụ đó, tôi tiếp tục được nhận thư và báo (không rõ có đầy đủ hay không vì tôi biết thư tôi thường xuyên bị mất), nhưng tôi phát hiện có một thư bảo đảm của một nhà xuất bản từ Pháp gởi về cho tôi, nội dung bị đánh tráo vì trong đó chỉ có một bài giảng tôn giáo không đầu không đuôi, chẳng liên quan gì đến mối quan hệ của tôi với nhà xuất bản này.

Theo tôi biết, các biện pháp lập biên bản “đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật”, cắt điện thoại và bao vây ngăn chặn cũng được áp dụng trong cùng thời gian đối với hai người bạn thân của tôi là Hà Sĩ Phu và Bùi Minh Quốc, cũng ở Ðà Lạt.

Chúng tôi là những người cầm bút, đã công khai bày tỏ ý kiến của mình về những vấn đề chung của đất nước, trong đó có những quan điểm khác hoặc trái với quan điểm của Ðảng và Nhà nước hiện nay. Chúng tôi không hề kích động bạo lực, khêu gợi hận thù hay kêu gọi lật đổ mà chỉ phát biểu chính kiến của mình một cách ôn hòa. Ðó là quyền cơ bản và cũng là trách nhiệm của người công dân đã được ghi trong Hiến pháp. Các cơ quan đài, báo nước ngoài đăng tải bài viết của chúng tôi, cũng như khi chúng tôi trả lời phỏng vấn các đài báo này chỉ là thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền được thông tin mà luật pháp Việt Nam và quốc tế đều thừa nhận. (Cụ thể qua các điều 50, 53, 69, 146 của Hiến pháp Việt Nam và điều 19 của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.)

Chính các hành động của ngành Công an, báo Sài Gòn Giải Phóng, Công ty Ðiện báo Ðiện thoại, Công ty Bưu chính và phát hành Báo chí Lâm đồng mới là vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền và dân quyền một cách trắng trợn. Ngay cả khi những hành động trên căn cứ vào quyết định bằng văn bản của các cấp có thẩm quyền cũng không chấp nhận được, vì dù nại bất cứ lý do nào, thực chất cũng chỉ là đàn áp tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, đằng này tất cả đều được thực hiện theo lệnh miệng, không cần giải thích cho chúng tôi biết lý do và căn cứ gì.

Tôi cực lực phản đối và yêu cầu chấm dứt ngay các hành động vi phạm trên đối với tôi, với gia đình tôi, với các bạn tôi và cả đối với một số người khác nữa có hoàn cảnh tương tự mà tôi được biết.

Ðất nước này không của riêng ai. Mọi công dân đều có quyền và trách nhiệm đóng góp ý kiến vào việc xây dựng đất nước. Ðộc quyền tư tưởng, độc quyền chân lý, bóp nghẹt tự do ngôn luận và báo chí, cai trị bằng sức mạnh bạo lực chỉ đưa đất nước đến bên bờ hố thẳm của lạc hậu, trì trệ và suy vong.

Ðà Lạt, ngày 20/5/97

Người phản đối
Tiêu Dao Bảo Cự

Khoảng cuối tháng 5/97, một người học trò cũ đến thăm tôi. Lần đầu cậu ta vào bị chặn. Hai ngày sau cậu ta lại vào nữa, lúc trời tối và lọt lưới. Cậu ta kể lần đầu vừa mới quẹo xe vào đầu hẻm cậu đã bị chặn và hỏi có phải định vào nhà tôi không. Cán bộ CA xuất trình thẻ đàng hoàng và đưa ra một văn bản quyết định về tôi. CA cầm bản quyết định nhá nhá trước mặt và cậu chỉ được liếc thoáng qua, đại khái đó là quyết định v/v cách ly và ngăn chặn đối với tôi của Sở CA/LÐ.

Ðây là lần đầu tiên tôi nghe cụ thể về một quyết định như vậy. Có thể đó chỉ là quyết định sử dụng trong nội bộ CA và dùng để đối phó trường hợp muốn ngăn chặn người vào tôi và bị chất vấn. Họ chưa có quyết định trực tiếp đối với tôi hay họ sợ một văn bản như thế được công bố sẽ bất lợi cho họ? Dù có hay không, thực tế tôi đã bị bao vây, ngăn chặn và giám sát hết sức chặt chẽ, chưa kể những biện pháp có tính cách tổng lực và toàn diện khác như dùng báo chí, tổ dân phố, cán bộ hưu trí, tuyên truyền miệng, cả khẩu hiệu treo trước đường để trấn áp, cô lập và bôi nhọ tôi trước quần chúng. Thật quá hao tổn tâm huyết và công sức của Ðảng và Nhà nước để đối phó với những cá nhân đơn độc chỉ có ngòi bút trong tay như chúng tôi.

Thời gian này, một lần tôi nghe đài Châu Á Tự Do và Chân Trời Mới có nhắc đến trường hợp của chúng tôi, tuy không cụ thể lắm. Dù sao trong thời đại thông tin này khó mà ngăn chặn được tin tức.


Tháng 6/97

Với việc bao vây giám sát chặt chẽ, sự hiểu biết tình hình bên ngoài đối với tôi cũng rất hạn chế. Tuy nhiên qua nguồn này nguồn khác, thỉnh thoảng tôi cũng biết được một số tin, đặc biệt là cuộc họp ở Hội Văn nghệ Lâm đồng về việc của chúng tôi.

Ðây là cuộc họp của các văn nghệ sĩ là Đảng viên và trưởng các chi hội của Hội. Sau khi nghe Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trình bày về trường hợp của HSP, BMQ và tôi, người ta yêu cầu mọi người tham gia ý kiến về biện pháp để đối phó với chúng tôi. Có người đề xuất tổ chức họp để đưa chúng tôi ra “đấu”, nhưng nhiều người không đồng tình, kể cả một số người chúng tôi biết lâu nay họ không ưa chúng tôi. Họ nói biện pháp xử lý là việc của Nhà nước, văn nghệ sĩ với nhau không nên làm thế. Ðặc biệt Nguyễn Minh, người đã viết bài “Tiếng vọng lẻ loi”, yêu cầu đưa vụ việc của chúng tôi lên báo Ðảng của tỉnh để phê phán. Chính trưởng Ban Tuyên huấn không đồng ý biện pháp này vì cho rằng làm như thế chẳng khác gì tuyên truyền không công cho chúng tôi. (Chắc Nguyễn Minh ức vì sau khi tôi phản ứng gởi bài công khai đi nhiều nơi, tất cả đều thấy kẹt, không lên tiếng và cho chìm xuồng luôn nên Nguyễn Minh muốn lên tiếng tiếp cũng không được.)

Nguyễn Minh còn yêu cầu xem xét lại tư cách giáo viên của vợ tôi vì một giáo viên không thể có chồng có hành vi và tư tưởng như tôi (?!). Người kể chuyện cho tôi về cuộc họp ở Hội Văn nghệ kể đến đây đã bình luận: “Thật là vô lương tâm!” (Ấy thế mà trước đây, khi tôi bị trục xuất ra khỏi Hội Văn nghệ, Nguyễn Minh đã nhiệt tình bênh vực tôi và lên án Tỉnh ủy là “đem con bỏ chợ”. Ôi, đã hơn 50 tuổi, tôi vẫn ngây thơ không thấu hiểu được lòng người).

Cuộc họp ở Hội Văn nghệ không có kết quả gì cụ thể. Ðó là điều đáng mừng vì anh em văn nghệ sĩ dù sao phần lớn vẫn còn lương tri và khí tiết dù trong hoàn cảnh bị bức bách.

Trong tháng 6 này, chúng tôi ít đi đâu vì bị bám quá sát. Chúng tôi biết rõ mình gặp, tiếp xúc với bất cứ ai, lập tức người đó bị điều tra nên không muốn làm liên lụy đến người khác. Chúng tôi bị cô lập và cũng phải tự mình cô lập.

Có hôm hai con chúng tôi từ Sài Gòn về thăm, lập tức số người canh gác bên ngoài được tăng cường, hai con tôi đi phố họ cũng theo. Buổi tối 11g30 đêm, CA khu vực vào kiểm tra hộ khẩu và kiểm tra cả giấy tờ xe honda dù xe đang để trong nhà. May mà hai con chúng tôi có hộ khẩu thường trú ở nhà và giấy tờ đầy đủ.

Hôm 20/6, bất chợt BMQ đến. Quốc bước vào cửa cười cười: “Tôi đến theo yêu cầu của Quốc hội” và chìa cho tôi một tờ giấy. Thì ra đó là giấy báo của Văn phòng Quốc hội báo cho chúng tôi biết đã nhận được “Thư gởi Quốc hội” của chúng tôi hồi tháng 4/97. Giấy báo này gởi cho Quốc với ghi chú nhờ Quốc báo lại cho HSP và tôi. Dù sao thế cũng còn lịch sự, chỉ tiếc giấy báo cho biết đã chuyển thư của chúng tôi cho Bộ Nội vụ để yêu cầu giải quyết. Thật tức cười. Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, chúng tôi gởi tới QH để khiếu nại Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Nội vụ “vi phạm pháp luật”, họ lại chuyển cho Bộ Nội vụ. Thực ra, chúng tôi biết quá rõ việc này nên gởi là cốt để lên tiếng thôi chứ trông mong gì chuyện ai giải quyết.

Quốc và tôi trao đổi tình hình cho nhau nghe. Ðại khái cả 3 người HSP, BMQ và tôi đều bị bao vây, ngăn chặn và giám sát như nhau. Trước 3 nhà chúng tôi đều có khẩu hiệu. Khẩu hiệu trước nhà HSP giống khẩu hiệu trước nhà tôi, còn khẩu hiệu trước nhà Quốc khác một chút. Cả 3 phường nơi 3 chúng tôi ở đều có họp dân phát động quần chúng đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật của chúng tôi. Một việc khác là chỉ có tôi được mời lên làm việc với cán bộ hưu trí tại phường và chỉ có HSP thỉnh thoảng được lãnh đạo Sở CA mời lên “tâm sự”. Thế cũng là phong phú và sáng tạo lắm rồi.

Mấy hôm sau, đi ngoài đường, chúng tôi cũng gặp Mai Thái Lĩnh và đứng nói chuyện mươi phút. Lĩnh không có tin gì mới và thời gian này không tiện đến thăm HSP, BMQ và tôi.

Tôi cũng nghe tin về Ðoàn Giao Thủy, trong lần về Việt Nam hồi tháng 4/97, lúc ra Hà Nội, anh đã bị CA tạm giữ 3 ngày, bị truy hỏi và đe dọa đủ thứ, sau đó bị trục xuất ra khỏi Việt Nam vì có quan hệ với những người bất đồng chính kiến trong nước. Không hiểu vì anh có liên lạc với tôi hay còn với ai khác nữa. Anh về nước cốt để dạy và giúp một vài trường đại học trong lãnh vực chuyên môn. Thật đáng buồn.

Nói chung thời gian này chúng tôi đành và cũng chủ trương “án binh bất động” tránh gặp nhau. Ngoài nhiều biện pháp tổng lực, Ðảng và Nhà nước đang huy động bộ máy CA khổng lồ để trấn áp. Ít nhất có 30 sĩ quan CA trực tiếp và nhiều cán bộ lãnh đạo cấp trên và cấp trên nữa, chưa kể nhiều ban ngành chuyên trách của CA Ðà Lạt, Lâm Ðồng, ở trung ương và các địa phương khác cùng hợp tác, để đối phó với 3 người cầm bút, chúng tôi chịu “lép vế” là phải thôi. Chỉ có tư tưởng chúng tôi là không bao giờ chịu khuất phục.

© 2006 talawas