© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
14.2.2006
William L. Griffen, John Marciano
Nguồn gốc sự dính líu của Hoa Kỳ ở Việt Nam
Ngô Ái Hà dịch
 
Teaching the Vietnam War (Dạy về chiến tranh Việt Nam, Allanheld, Osmun, Montclair, USA, 1979) của hai học giả Mỹ William L. Griffen và John Marciano là công trình khảo sát 28 cuốn sách giáo khoa lịch sử và xã hội học được dùng rộng rãi phổ thông trung học tại Mỹ. Cuốn sách được chia làm hai phần. Trong phần một, gồm 3 chương, hai ông chỉ ra những chỗ chưa chính xác. Phần hai, gồm 3 chương và kết luận, là một bản "Lịch sử vắn tắt cuộc chiến tranh Việt Nam" (A Concise History of the Vietnam War). Các tài liệu được hai tác giả sử dụng để so sánh đối chiếu là những tài liệu rất đáng tin cậy, bao gồm cả các tài liệu của Bộ Quốc phòng và Quốc hội Hoa Kỳ, đặc biệt là The Pentagon Papers (Các tài liệu của Lầu Năm góc, tên đầy đủ là United States-Vietnam Relations, 1945-1967: A Study Prepared by the Department of Defense), một tài liệu tuyệt mật của Bộ Quốc phòng Mỹ gồm 47 tập, chứa 4000 trang tài liệu gốc và 3000 trang phân tích về lịch sử cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Gần như toàn bộ tài liệu này bị tiết lộ và được The New York Times công bố một phần năm 1971.

Dưới đây là chương 4 (chương đầu của phần hai): “Origins of United States Involvement in Vietnam” (tr. 55-62). Các chương 5 và 6 có nhan đề: “The Diem Years: 1954-63 và Escalation-Vietnamization-End of the War”. Tất cả các chú thích là của các tác giả. Các đoạn trích Hiệp định Genève do Ngô Ái Hà dịch, vì thế câu chữ có thể không thật đúng với văn bản chính thức.
Người dịch
"Hành động can thiệp quân sự đầu tiên của một cường quốc phương Tây vào Việt Nam được công nhận rộng rãi là do một chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ, chiếc Constitution, tiến hành năm 1845." Theo sử gia Việt Nam Trương Bửu Lâm, Mỹ can thiệp để giải thoát cho một giám mục người Pháp [1] . Đầu những năm 1800, các nhà truyền đạo Catholic và tàu hàng tàu chiến phương Tây đến Việt Nam, nối tiếp hai ngàn năm xâm lăng hoặc chiếm đóng của người Tàu, người Mông Cổ, người Cambodia. Quá trình thực dân hóa của Pháp bắt đầu từ ngày quân Pháp chiếm Sài Gòn năm 1859, và việc chiếm đóng hoàn tất vào năm 1884.

Sự cai trị của Pháp rất độc đoán và đặc biệt khắc nghiệt đối với nông dân, những người phải chịu đựng chế độ thuế khóa hết sức nặng nề. Người Pháp cũng phải hứng chịu sự căm ghét của một nhóm tuy nhỏ nhưng nhiều ảnh hưởng là những người Việt Tây học (đa số tại Pháp), do họ bị kỳ thị khi trở về Việt Nam làm việc. Họ đóng một vai trò to lớn trong phong trào dân tộc nổi lên từ sau Chiến tranh Thế giới I. Phong trào này cũng được sự ủng hộ của các binh lính và thợ thuyền người Việt bị đưa đi Pháp đánh nhau với Đức. Họ "tiếp xúc với những tư tưởng chính trị và xã hội trái ngược với hệ thống thuộc địa ở nhà" và một số tham gia cuộc đấu tranh lật đổ sự thống trị của người Pháp. Trong những năm 1920, sự đàn áp của Pháp đối với các nỗ lực chống thực dân buộc những người yêu nước Việt Nam phải rút vào bí mật. Sau năm 1930, các hoạt động bí mật tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Hồ Chí Minh, người sẽ trở thành nhân vật trọng yếu trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam trong bốn mươi năm tiếp theo. Dù vậy, những năm 1930 là thời gian khó khăn, bởi nhiều cuộc nổi dậy bị người Pháp dập tắt và hàng ngàn nhân vật đối lập chính trị bị cầm tù [2] .

Trong thời gian thuộc địa, do sự phong trào dân tộc của người Việt ngày càng tăng lên, thay cho vai trò thực dân chinh phục, người Pháp khoác lấy vai trò bảo vệ "thế giới tự do" chống lại chủ nghĩa cộng sản.

Cũng tương tự như thế, việc Washington gán cuộc đấu tranh của người Việt Nam với Chiến tranh Lạnh được George McTurnan Kahin và John W. Lewis, hai học giả xuất sắc của Hoa Kỳ về Đông Nam Á mô tả như sau:

“[Năm 1950] Tổng thống Truman gắn việc đưa quân Mỹ tới Triều Tiên với tuyên bố tăng quân Pháp ở Đông Dương và lập trường của cường quốc Hoa Kỳ giữa Trung Hoa Quốc Dân đảng và Trung Hoa Cộng sản tại eo biển Đài Loan. Phù hợp với những ưu tiên mới của Mỹ như vậy, vị trí của Pháp lúc này được mô tả như là cuộc kháng chiến của Thế giới Tự do chống lại sự xâm lăng cộng sản, và Washington không còn coi cuộc chiến tranh Việt Nam trước hết là cuộc chiến thực dân cục bộ. Được gắn vào Chiến tranh Lạnh, lúc này Việt Nam trở nên có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ" [3] .

Trước lập trường Chiến tranh Lạnh đầu thập kỷ 1950, chính sách của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt là tạo ra cho công chúng hình ảnh một nước Mỹ ủng hộ quyền tự quyết dân tộc, nhưng trên thực tế lại ủng hộ chủ nghĩa thực dân. Trong trường hợp Đông Dương, tài liệu The Pentagon Papers của chính phủ Mỹ mô tả chính sách của Mỹ đối với Đông Dương là "nước đôi" (ambivalent). Hàng loạt thư tín của F. D. Roosevelt và các tuyên bố chính thức cấp cao Mỹ với chính phủ Pháp cho thấy Hoa Kỳ có "ý định sau chiến tranh sẽ phục hồi cho người Pháp đế quốc của họ ở hải ngoại". Tháng 11 năm 1942, trong lá thư gửi tướng Henri Giraud, đại diện cá nhân Franklin D. Roosevelt đảm bảo với nhà lãnh đạo Pháp: "Chúng tôi hiểu rất rõ rằng chủ quyền của Pháp phải được tái lập sớm nhất trong chừng mực có thể trên toàn bộ lãnh thổ, cả ở chính quốc lẫn thuộc địa, nơi cờ Pháp đã tung bay trong năm 1939" [4] . The Pentagon Papers kết luận: "Như vậy Đông Dương dường như được giao phó cho ý chí của người Pháp" [5] .

Quan điểm chính thức đang rõ dần của Mỹ về Việt Nam được phản ánh trong những bức điện trao đổi giữa Washington và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Patrick J. Hurley, năm 1945. Ngày 28 tháng Năm, Hurley điện cho Truman:

“Phái đoàn Mỹ tại San Francisco có vẻ ủng hộ thuyết kiểm soát đế quốc đối với các thuộc địa... bằng từng nước hoặc sự kết hợp các nước đế quốc... Có một ý kiến đang tăng lên khắp châu Á cho rằng Mỹ ủng hộ chủ nghĩa đế quốc chứ không phải là dân chủ” [6] .

Năm 1940, Nhật chiếm Việt Nam thông qua một hiệp ước trong đó Pháp trao cho Nhật quyền lực tối cao và chỉ còn nắm các vấn đề ở địa phương. Tháng 5 năm 1941, Hồ Chí Minh liên kết các nhóm yêu nước bí mật khác nhau vào tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh, hay Việt Minh. Việt Minh, tổ chức lãnh đạo cuộc đấu tranh chống thực dân và chống Nhật, về bản chất là "một mặt trận dân tộc chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Đông dương lãnh đạo, nhưng có mục tiêu thu hút người Việt Nam yêu nước thuộc mọi màu sắc chính trị vào cuộc đấu tranh chung chống Nhật và Pháp". Trong chiến tranh, Việt Minh vẫn hoạt động bí mật. Với tư cách lực lượng chống Nhật quan trọng nhất họ nhận được trợ giúp của Mỹ thông qua OSS, tiền thân của CIA. Họ đóng góp vào chiến tranh bằng cách tổ chức cứu giúp các phi công Mỹ và cung cấp thông tin về quân Nhật. Khoảng năm 1945, Việt Minh đã kiểm soát hầu hết miền Bắc Việt Nam và là lực lượng kháng chiến chủ chốt. Hai ngày sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Việt Minh chiếm Hà Nội mà không gặp phải sự kháng cự nào. Khoảng tháng 9 năm 1945, họ đã đánh bại liên quân thực dân Nhật-Pháp [7] .

Ngày 2 tháng 9, 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DRV). Như vậy Việt Nam (miền Bắc và miền Nam) trở thành nước thuộc địa đầu tiên thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân sau Chiến tranh Thế giới thứ II [8] . Hồ Chí Minh mô tả cuộc đấu tranh cách mạng dân tộc chủ nghĩa:

“Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” [9] .

Nền độc lập này đã không kéo dài lâu. Hiệp ước Potsdam giữa Anh, Trung Quốc, Liên Xô và Hoa Kỳ cho phép quân Anh và quân Trung Quốc chiếm đóng miền Nam và miền Bắc Việt Nam. Họ có nhiệm vụ bắt và tước vũ khí quân Nhật và giải phóng tù binh Đồng minh. Nhưng quân Anh cũng thả và tái vũ trang cho 5000 binh sĩ Pháp đang bị Nhật giam giữ. Lực lượng này nhanh chóng tổ chức cuộc đảo chính ngày 23 tháng 9, cướp chính quyền Sài Gòn từ tay Việt Minh. Cuộc đảo chính này dẫn đến đụng độ vũ trang giữa Việt Minh với quân Anh, Pháp và Nhật. Một lực lượng tăng cường của Pháp được đưa tới tham gia vào cuộc tranh chấp và đến cuối năm 1945 họ đã có 50000 quân tại miền Nam Việt Nam [10] .

Có một khoảng thời gian tạm lắng trong cuộc tranh chấp giữa Pháp và Việt Minh. Tháng 3 năm 1946, Pháp ký một hiệp ước với Hồ Chí Minh trong đó Pháp "công nhận nước Cộng hòa Việt Nam là một quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, Ngân khố, Quân đội, nằm trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp" và như vậy đã xác nhận Chính phủ Hồ Chí Minh là "chính phủ hợp pháp duy nhất của Việt Nam" [11] . Thế nhưng, gần như ngay sau đó Pháp rút lại sự công nhận của họ đối với chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Điều này diễn ra vào tháng 6, khi Pháp lập nên "một chính phủ bù nhìn riêng rẽ [ở miền Nam Việt Nam] và công nhận đó là một “nước cộng hoà tự do'". Căng thẳng do hành động đó gây ra cuối cùng bùng nổ thành xung đột vũ trang khi hải quân Pháp nã pháo vào cảng Hải Phòng ngày 23 tháng 11, giết chết khoảng 6000 dân thường. Việt Minh trả đũa trong tháng 12 bằng cách tấn công lính Pháp tại Hà Nội và chiến tranh nhanh chóng trùm lên khắp Việt Nam [12] . The Pentagon Papers không đả động gì đến điểm cực kỳ mấu chốt này và chỉ đơn thuần thông báo rằng "chính phủ DRV rút lên miền đồi núi và chuyển sang tình trạng một nhà nước vô hình". "Vấn đề ai là kẻ gây chiến chưa bao giờ giải quyết được" [13] .

Philippe Deviliers, giám đốc Nan Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Paris, đưa ra một kết luận chắc chắn hơn:

“Vì những lý do hoàn toàn cơ hội chủ nghĩa, Hoa Kỳ đã không nói với Pháp rằng Pháp không thể bỏ qua chính phủ hợp pháp của Việt Nam, và đặc biệt là không nên tìm kiếm một giải pháp thay thế, thông qua ‘Việt Nam hoá’ chiến tranh. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã đồng ý với chính sách đó của Pháp, và như vậy từ bỏ mọi nguyên tắc đạo lý. Khía cạnh cốt lõi, nền tảng này của câu chuyện hoàn toàn không được nói đến trong The Pentagon Papers, và vì vậy trên thực tế hoàn toàn bị bưng bít đối với công chúng Mỹ.” [14]

Trong những năm 1950, sự trợ giúp của Mỹ đối với chính sách của Pháp ở Việt Nam có hình thức cụ thể hơn.

“Nguồn viện trợ cho chiến dịch quân sự của Pháp tại Việt Nam tăng nhanh chóng từ khoảng 150 triệu/ năm (1950) lên 1 tỷ dollar trong năm 1954, khi Hoa Kỳ đảm bảo 80 phần trăm chí phí chiến tranh. Ngày 6 tháng 4 năm 1954, Hoa Kỳ tuyên bố rằng viện trợ của họ cho Đông Dương trong năm tài chính sắp tới sẽ tới 1,33 tỷ. Con số này bằng một phần ba chương trình viện trợ nước ngoài của Mỹ và vượt xa các khoản viện trợ khác. Trong số này, 800 triệu "dành cho nước Pháp" để "trợ giúp trực tiếp" cho các lực lượng của khối Liên hiệp Pháp tham chiến tại Đông Dương, 300 triệu để mua trang tiếp bị cho các lực lượng này và 30 triệu để trợ giúp về kinh tế và kỹ thuật.” [15]

Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đáng ra đã có thể thấy rõ tính vô hiệu của các nỗ lực phản cách mạng ấy, nếu như họ lắng nghe các nguồn tin tình báo của chính họ. Tại cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 11 tháng 5, 1972, Abbot Low Moffat, người đứng đầu Vụ Đông Nam Á, Bộ Quốc phòng, nhớ lại những hành động trong quá khứ:

“Tôi chưa bao giờ gặp một người Mỹ nào, dù là quân nhân, OSS [Office of Strategic Services, tiền thân của CIA], nhân viên ngoại giao, hay nhà báo mà sau khi gặp Hồ Chí Minh không có cùng một niềm tin: rằng Hồ Chí Minh trước hết và trên hết là một người dân tộc chủ nghĩa (nationalist). Ông cũng là người cộng sản và tin rằng chủ nghĩa cộng sản đem lại những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân Việt Nam. Nhưng lòng trung thành của ông là dành cho nhân dân Việt Nam. Khi tôi ở Đông Dương, đáng kinh ngạc là đội ngũ các quan chức Pháp có thẩm quyền cao nhất cũng hầu như nhất trí với cách nhìn nhận đó. Thực tế là, nếu không thỏa hiệp với Hồ Chí Minh thì chỉ còn cách chà đạp lên tinh thần dân tộc, bởi theo quan sát của tôi chẳng có một giải pháp khả dĩ nào khác có thể áp dụng. Bất kỳ chính phủ nào khác được Pháp công nhận cũng chắc chắn là bù nhìn (puppets) của người Pháp và không thể có được lòng tin yêu của dân chúng.” [16]

Tháng 5 năm 1954, bất chấp trợ giúp của Mỹ cho những nỗ lực của Pháp nhằm đè bẹp cuộc đấu tranh của vì độc lập của người Việt Nam, sức mạnh quân sự Pháp bị một thất bại quyết định tại Điện Biên Phủ. Cuộc Chiến tranh Đông Dương của Pháp chấm dứt.

Trong tháng 1 và tháng 2 năm 1954, hội nghị Ngoại trưởng bốn cường quốc tại Berlin quyết định bảo trợ cho hội nghị chín bên tại Genève về Đông Dương (gồm Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, Lào, Cambodia, Việt Minh do Hồ lãnh đạo, chế độ Bảo Đại, tay chân [nguyên văn: client] của Pháp ở miền Nam Việt Nam, và Trung Quốc). Hiệp định Genève, ký kết vào mùa hè năm 1954, thiết lập một ranh giới ngừng bắn gần vĩ tuyến 17 để hai bên rút quân, người Pháp về phía nam, Việt Minh về phía Bắc. Người Pháp tập kết để sau đó rút về nước và khoảng năm 1956 một cuộc tổng tuyển cử phải được tổ chức để chọn ra chính phủ hợp nhất.

Vĩ tuyến 17 không chia đôi đất nước. Chương một, điều 1, của Hiệp định Genève quy định: "Một đường ranh giới quân sự tạm thời được vạch ra để lực lượng của hai bên tập kết về hai phía sau khi rút quân" [tác giả nhấn mạnh]. Mục 6 của tuyên bố cuối cùng quy định rằng: "đường ranh giới quân sự là tạm thời và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được coi là biên giới lãnh thổ hay chính trị". [17]

Các điều khoản quan trọng khác của Hiệp định ghi rõ:

Điều 16: Nghiêm cấm việc đưa quân đội và nhân viên quân sự vào Việt Nam.

Điều 17: Nghiêm cấm đưa vào Việt Nam các loại vũ khí, đạn dược và thiết bị chiến tranh, như máy bay chiến đấu, tàu chiến, quân nhu, động cơ phản lực và các vũ khí phản lực, xe bọc thép.

Điều 18: Nghiêm cấm thiết lập các căn cứ quân sự mới trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 19: Không được phép thiết lập các căn cứ quân sự dưới sự kiểm soát của nước ngoài trong khu vực tập kết thuộc cả hai bên [18] .

Hoa Kỳ đã không ký vào bản tuyên bố cuối cùng tại Genève, và đại biểu Mỹ, trợ lý bộ trưởng ngoại giao Walter B. Smith, tuyên bố:

“Đối với các điều khoản và thỏa thuận nói trên, 1) Hoa Kỳ sẽ kiềm chế không dùng hay đe doạ dùng vũ lực để ngăn cản, chiểu theo Điều 2 [4] của Hiến Chương Liên Hợp Quốc quy định nghĩa vụ của các thành viên phải kiềm chế dùng hay đe doạ dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế; và 2) Hoa Kỳ sẽ coi mọi hành động gây chiến vi phạm các thoả thuận nói trên là rất nghiêm trọng và đe dọa hòa bình và an ninh thế giới" [19] .

Cuộc Tổng tuyển cử 1956 mà Hiệp định nêu lên đã không bao giờ được tổ chức.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Truong Buu Lam, Patterns of Vietnamese Response to Foreign Intervention: 1858-1900, Monograph Series No. 11, South East Asia Studies (New Haven: Yale University Press, 1967).
[2]George McTurnan Kahin and John W. Lewis, The United States in Vietnam (New York: Dell, 1967), pp. 10-14.
[3]Ibid., p. 29.
[4]U.S. Cong., House, United States - Vietnam Relations, 1945-1967: Study Prepared by the Department of Defense, 12 vols. (Washington, D.C.: GPO, 1971), 1: A-11, A-12, A-13.
[5]Ibid., p. A-20
[6]Quoted in Richard E. Ward, "The Origins of U.S. Intervention in Vietnam," Vietnam Quaterly, No. 1 (Winter 1976), p. 8.
[7]Kahin and Lewis, pp. 15-17.
[8]Ward, p. 8.
[9]Quoted in Noam Chomsky, "From Mad Jack to Mad Henry," Vietnam Quaterly, No. 1 (Winter 1976), p. 17.
[10]Kahin and Lewis, pp. 23, 24.
[11]Philippe Devilliers, "'Supporting' the French in Indochina?," in The Pentagon Papers: Critical Essays, eds. Noam Chomsky and Howard Zinn, GE V, 163. This is the Senator Gravel Edition, The Pentagon Papers: The Defense Department History of United States Decisionmaking on Vietnam, 5 vols. (Boston: Beacon Press, 1972), hereafter cited as The Pentagon Papers, GE.
[12]Kahin and Lewis, pp. 26, 27.
[13]The Pentagon Papers, GE, I: 22, 47.
[14]Devillier, p. 164.
[15]The New York Times, April 7, 1954.
[16]Quoted in U.S. Cong., Senate, Causes, Origins and Lessons of the Vietnam War, 92nd Cong., 2nd sess. (Washington, D.C.: GPO, 1973), p. 169.
[17]The Geneva Agreements on the Cessation of Hostilities in Viet Nam, July 20, 1954.
[18]Ibid.
[19]Ibid.

Nguồn: Teaching the Vietnam War (chÆ°Æ¡ng 4: “Origins of United States Involvement in Vietnam”, tr. 55-62), Allanheld, Osmun, Montclair, USA, 1979