© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
14.2.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Tôi bày tỏ
Nhật ký trong những ngày bị quản chế 1996 –1998 (13 kì)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Ngày 29/8

Yến nghỉ, tôi tiếp tục đi làm việc.

Một câu hỏi khá vô lý: Tại sao những người ở nước ngoài trước 75 không ủng hộ những hoạt động của tôi bây giờ lại ủng hộ? Tôi trả lời, những người đó hoặc không biết tôi, hoặc ở trong bộ máy chính quyền mà tôi đấu tranh chống lại nên họ không ủng hộ tôi. Còn bây giờ lịch sử đã sang trang, suy nghĩ của mọi người đều có thể thay đổi, họ thấy những hoạt động của tôi nhằm đấu tranh cho dân chủ nên họ ủng hộ, điều đó đâu có gì khó hiểu.

S lại hỏi thêm một số vấn đề về cuốn NK của tôi.

Tại sao tôi yêu cầu Quốc thu hồi NK khi biết Quốc mang đi SG hồi cuối năm ngoái? Vì tôi không muốn Quốc phổ biến rộng, do trong NK có một số đoạn có thể gây hiểu lầm, va chạm với bạn bè. Tôi cố ý nói rõ như thế để CA bớt nghi vấn vì tôi biết họ đã truy nhiều người về vấn đề này. Họ sợ tôi đã viết những gì thật quan trọng như về tổ chức, các đầu mối liên lạc, phương thức hoạt động... họ cần biết nhưng tôi đã bỏ đi. Thật ra chẳng có gì cả nhưng CA luôn nghi ngờ. Ðúng là “chơi” với CA không phải dễ.

Nhật ký khi công bố có còn là NK không? Tôi dẫn chứng trường hợp của Ann Frank và nói tùy trường hợp NK có thể công bố và tính chất vẫn là NK.

Kết thúc NK tôi có phân tích mấy lý do và quyết định lấy tựa đề NK là Tôi bày tỏ thay vì Tôi tố cáo, vậy tôi muốn bày tỏ gì, với ai, tố cáo ai? Tôi có dự định công bố NK không? Tôi trả lời tôi chẳng tố cáo ai cả. Tôi viết NK trong một giai đoạn có nhiều biến cố, ghi lại những suy nghĩ, sự việc, cảm xúc, tình cảm của mình và nếu NK được công bố, đó là một cách bày tỏ với tất cả mọi người, kể cả đối với nhà nước, vì trong NK có nhiều vấn đề liên quan đến tình hình chung. Thực ra ban đầu tôi không có dự định công bố NK, sau đó tôi nghĩ cần thiết cũng có thể công bố, nhưng sau đó nữa tôi thấy việc công bố hiện nay chưa phù hợp nên tôi không làm.

Tôi nói thêm nhưng S không ghi vào biên bản: Giả dụ ở nước ngoài có bản NK của tôi họ muốn công bố cũng phải xin phép và được tôi đồng ý họ mới làm. Ngay việc xuất bản tác phẩm bình thường họ cũng phải xin phép tác giả, huống hồ đây là NK mang tính cách riêng tư. Tôi tin ở nước ngoài họ rất tôn trọng vấn đề này.

Tôi nói như thế để trấn an CA, làm họ bớt chĩa mũi dùi vào công việc này vì tôi biết họ rất ngại chuyện NK của tôi được công bố và họ đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặn. Có lần Quốc kể với tôi, một cán bộ CA nói với anh là NK của tôi đã được công bố từng phần ở nước ngoài. Quốc bác bỏ và giải thích có một bài tôi viết tường thuật việc bạn bè ở Ðà Lạt đi đón HSP ở tù về, được nhiều báo ở nước ngoài đăng. Ðây là một bài riêng rẽ tuy lấy ra từ trong NK. Quốc biết rõ chuyện đó vì trong tờ báo Tin Nhà CA tịch thu ở nhà Quốc có đăng bài viết của tôi.

Buổi chiều mới làm việc khoảng một tiếng, S được tin nhắn của người nhà có việc gấp nên xin lỗi tạm kết thúc về sớm, hẹn ngày mai làm tiếp.

Hơn 6g chiều, trời đã tối, thình lình Quốc đến nhà tôi. Tôi ngạc nhiên chưa kịp hỏi Quốc đã hỏi trước: Có gì mới không? Tôi trả lời không. Quốc nói ngay: Mình có quyết định quản chế hành chính rồi và đưa cho tôi bản quyết định. Tôi vội đọc lướt qua:

Quyết định của UBND Tỉnh Lâm Đồng v/v quản chế hành chính số 1265/QÐ.UB ngày 28/8/97 do Phó Chủ tịch Ðặng Ðức Lợi ký, lý do: Ðã có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu có nội dung chống đối chế độ XHCN, vi phạm điểm c, khoản 1, điều 82 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam và khoản 2 điều 25 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính của nước CHXHCNVN”. Thời hạn quản chế là 2 năm tính từ ngày đương sự đến trình diện tại UBND phường (5 ngày sau khi nhận quyết định), nơi quản chế là nơi cư trú (số 3 Nguyễn Thượng Hiền, Phường 5, TP Ðà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng) đương sự phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước và phải chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Ðiều 3 của quyết định cho biết đương sự có quyền gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh LÐ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh, đương sự có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ; những việc khiếu nại không làm đình chỉ việc thi hành quyết định.

Ðiều đáng chú ý là Quyết định này căn cứ vào quy chế quản lý hành chính ban hành kèm theo nghị định số 31/CP ngày 14/4/97 của Chính phủ, theo đề nghị số 425/UB ngày 8/7/97 của Chủ tịch UBND TP/ÐL và tờ trình số 01/TT-HDTV ngày 16/8/97 của Hội đồng tư vấn v/v quản chế hành chính đối với những người có hành vi phạm pháp luật có phương hại đến lợi ích quốc gia.

Ðang lúc căng thẳng nhưng Quốc vẫn không quên mang theo chai rượu nhỏ. Chúng tôi vừa uống vừa trao đổi. Quốc nói cũng đã lường trước chuyện này nhưng không ngờ Nhà nước “cạn tàu ráo máng”, áp dụng thời gian quản chế tối đa là 2 năm. Chúng tôi phân tích và thấy rõ nghị định 31/CP của Chính phủ mà mấy tháng qua đài báo nước ngoài phân tích rất nhiều về tính chất phi dân chủ và công an trị, được ban hành chỉ nhằm mục đích đối phó với những người như chúng tôi. Nhà nước muốn trấn áp, nhưng đưa tòa sẽ gây tai tiếng lớn, nên sử dụng biện pháp quản chế vừa ngăn chặn được hoạt động của chúng tôi, vừa ít gây tiếng vang bất lợi. Tôi nói đùa việc chúng ta làm dù sao cũng mang chút ít tính chất lịch sử, cũng như hồi năm 89, sau vụ Hội Văn nghệ Lâm Ðồng, Quốc và tôi bị xử lý kỷ luật khai trừ Đảng theo cách thức của một quy định mới ban hành, buộc chúng tôi phải kiểm điểm trước Đảng bộ cấp trên chứ không phải Đảng bộ cơ sở như thông thường vì Đảng bộ cơ sở không đủ khả năng kiểm điểm và xử lý.

Ðảng và Nhà nước ban hành các quyết định nhiều khi không vì lợi ích chung mà chỉ nhằm đối phó với một số người có hoạt động bất lợi cho Ðảng.

Quyết định xử lý Quốc lần này theo đề nghị ngày 8/7/97 của Chủ tịch UBND TP/ÐL chứng tỏ người ta đã có chủ trương ngay từ khi Quốc bị bắt giữ ngày 2/7/97, và tờ trình số 01 của Hội đồng tư vấn cho thấy Quốc là nạn nhân đầu tiên của Quyết định quản chế hành chính này. Tất cả đều do quyết định của CA, còn đề nghị, tờ trình của địa phương và HÐTV chỉ là hình thức thủ tục.

Về khả năng xử lý đối với tôi, tôi dự đoán có thể tôi đã có quyết định quản chế như Quốc, nhưng vì hồi chiều S có việc bất ngờ phải về sớm nên chưa giao, hoặc cũng có thể tôi không có quyết định như Quốc. Nếu điều thứ hai xảy ra, rõ ràng CA muốn phân hóa Quốc, Tụ và tôi bằng những biện pháp khác nhau, để chúng tôi khó đối phó và khó phản ứng tập thể, điều họ rất sợ, dù thực tế từ cuối tháng 4/97 cả 3 chúng tôi đều bị bao vây, ngăn chặn, giám sát chặt chẽ theo một kiểu quản chế không tuyên bố.

Ðiều buồn cười là CA đã thay đổi thứ tự đối với chúng tôi. Trước đây nhiều lần chúng tôi nghe CA đánh giá “HSP nguy hiểm nhất về mặt tư tưởng, TDBC nguy hiểm nhất về mặt hành động còn BMQ chỉ là ăn theo”. Bây giờ trong xử lý, Quốc được lên hàng số 1 chứ không “ăn theo” nữa. Chúng tôi nhận định việc này là do CA đánh giá Quốc nguy hiểm trong mối quan hệ với các nhân vật bất đồng chính kiến trong nước, đặc biệt là việc Quốc gặp Hoàng Minh Chính trước khi bị bắt giữ và nhân cớ Quốc bị bắt quả tang đang giữ mấy cuốn sách cấm xuất bản ở nước ngoài.

Quốc quyết định sẽ viết khiếu nại, không phải tin tưởng ở kết quả nhưng là một dịp để chính thức tố cáo việc vi phạm dân chủ. Quốc nói sẽ tham khảo bạn bè về nội dung khiếu nại và giữ liên lạc với tôi thường xuyên. Chúng tôi định 31/8 sẽ mời một số bạn bè thân đến nhà Quốc dự kỷ niệm 10 năm ngày cưới của Quốc và Thục (ngày kỷ niệm chính thức chưa tới nhưng Quốc định tổ chức sớm, vì sau khi quyết định quản chế có hiệu lực, việc anh em gặp nhau sẽ khó khăn).

Ngày mai tôi và cả Quốc vẫn phải tiếp tục lên CA làm việc.


30/8/97

Hôm nay thứ bảy cuối tuần. S nói sẽ cố gắng làm dứt điểm đợt này rồi tạm nghỉ. Chắc để chuẩn bị cho lễ Quốc Khánh 2/9 và báo cáo xin tiếp chỉ thị của trên.

S đang pha trà uống nước nói chuyện ngoài lề chưa kịp làm việc thì V vào, yêu cầu hỏi tôi mấy chuyện. V là người thường xuyên làm việc với Quốc, và Quốc có lần kể với tôi V là một tay hay lý sự, khác với S ít nói. Tôi hơi có ác cảm với V không phải vì khuôn mặt choắt hơi nhọn, đôi mắt trắng, giọng nói Nghệ Tĩnh của anh ta, mà vì có một lần tôi suýt đụng độ với anh ta. Lần đó S có việc bận bất ngờ không thể làm việc được, V thay S tiếp tôi với một thái độ rất trịch thượng. Ðó là một đầu buổi chiều, miệng V sặc mùi rượu, đôi mắt trợn trạo toàn tròng trắng. Anh ta mời tôi ngồi rồi nhìn tôi chằm chằm rất lâu, sau đó anh ta nói, như rặn từng tiếng: “Hôm nay anh S bận, đáng lý tôi làm việc với anh, nhưng tôi cho phép anh nghỉ để về suy nghĩ, ngày mai làm tiếp. Có những việc anh phải suy nghĩ thêm vì anh khai báo chưa thành thật, chưa đầy đủ. Tôi nói thế anh có ý kiến gì không?”

Tôi cảm thấy nóng mặt định choảng cho anh ta một trận nhưng cố kềm chế. Việc triệu tập lần này sau khi nghỉ một thời gian từ đợt trước mà S đã nói tạm dứt điểm làm tôi hơi lo lắng, không biết có chuyện gì mới và định phải gặp S để biết. Tôi cố gắng nói nhẹ nhàng là tôi phản đối lối làm việc của CA mất của tôi quá nhiều thời gian. V nói đó là quyền của CA và bắt đầu lý sự về việc tại sao phải làm việc nhiều với tôi và Quốc, nói lan man sang cả việc tôi viết NK là vi phạm pháp luật.

Tôi định đứng lên bỏ ra tìm trực ban yêu cầu gặp lãnh đạo của CA TP để phản đối thái độ trịch thượng của V và tố cáo anh ta làm việc với tôi trong khi miệng sặc mùi rượu. Trong đầu, tôi đấu tranh rất dữ về việc định làm. Tôi đã đứng gần kề biên giới của sự chịu đựng. Lâu nay tôi cố kềm chế để khỏi gây căng thẳng với CA, có thể tạo nên sự cố mới bất lợi cho tôi. Tuy nhiên sự kềm chế của tôi có giới hạn. Ðến một lúc nào đó sự vi phạm thô bạo sẽ làm tôi thương tổn, không chịu đựng nổi và tôi bất cần tất cả, muốn ra sao thì ra.

Tôi vừa tranh luận với V vừa suy nghĩ. Cuối cùng tôi kềm chế được xúc cảm bồng bột và đứng lên nói bây giờ tôi về, ngày mai tôi sẽ đến. Tôi định sẽ gặp S để biết rõ nội dung thẩm vấn đợt này, sau đó nếu cần sẽ tỏ thái độ với V cũng chưa muộn.

Lần này V yêu cầu S để V hỏi tôi một số vấn đề. V hỏi lâu nay tôi và Quốc có gặp nhau không. Tôi trả lời có. Gặp ở đâu? Hoặc Quốc đến nhà tôi hoặc tôi đến nhà Quốc. Lần cuối cùng gặp tôi lúc nào? Tôi hơi giật mình vì việc Quốc đến tôi chiều tối hôm qua, chắc Quốc đã bị theo dõi sát, tuy vậy tôi vẫn nói là mới gặp tối hôm qua. Quốc có báo tin gì không? Có nói chuyện quản chế. Có đưa đọc quyết định không? Có. Có đưa bản sao quyết định không? Tôi trả lời không và thấy mình hơi hố. Quả nhiên V nói tôi không thành thật và anh ta biết rõ Quốc có đưa bản sao quyết định cho tôi.

Cảm giác bất bình đối với V lần trước chợt bùng lên. Tôi to tiếng gần như quát tháo. Thành thật cái gì! Việc gì tôi phải thành thật với anh. Những việc riêng tư của tôi các anh cũng theo dõi, truy vấn, tôi không cần gì phải trả lời anh cả.

Ðiều ngạc nhiên là V đấu dịu trước. Anh ta bảo tôi đừng nóng. Anh ta không muốn xen vào việc riêng tư và chỉ hỏi những gì liên quan đến cái chung thôi. Anh ta hỏi tôi nghĩ gì về quyết định quản chế đối với Quốc. Ðược dịp tôi bộc lộ suy nghĩ của mình. Tôi nói quyết định đó vô lý, không có tình nghĩa, không có tác dụng vì an ninh quốc gia. Quốc không làm gì sai trái mà chỉ thực hiện các quyền tự do của công dân. Việc giữ mấy cuốn sách xuất bản ở nước ngoài chẳng là cái quái gì cả đối với một quốc gia văn minh. Tôi phản đối quyết định đó.

V buộc phải tranh luận với tôi. Anh ta giải thích Nhà nước đã chiếu cố đến công lao của Quốc, đã hóa giá nhà, giải quyết lương hưu, cho con đi nước ngoài... đã cảnh cáo Quốc nhiều lần nhưng Quốc không chịu dừng lại, vẫn tiếp tục vi phạm. Rõ ràng luận điệu này không thuyết phục được tôi. Cuối cùng V nói thôi để khi khác có dịp sẽ trao đổi tiếp, bây giờ anh ta phải đi làm việc với Quốc. Anh ta đã nói chuyện với tôi gần 1 tiếng đồng hồ.

S vào làm việc, bắt đầu đặt câu hỏi về Hương Ly, con gái của Quốc. Có biết quá trình trưởng thành của Hương Ly không? Có biết do Quốc nói. Tại sao tôi viết trong NK là Hương Ly lớn lên, sống xa bố, bị tác động xấu nên quay ra oán trách bố. Tôi từ chối trả lời vì đây là vấn đề riêng tư của gia đình Quốc, tôi có thể viết trong NK về suy nghĩ của mình nhưng tôi không trả lời CA. S gặng hỏi nhưng tôi vẫn không nói. S tự nói: Hương Ly rất được Nhà nước quan tâm, cho đi học Liên Xô, hiện nay công tác báo chí ở TP HCM và là một trong những phóng viên được đi nước ngoài nhiều nhất. Như thế Nhà nước đâu có trù dập con của Quốc trong khi Quốc đang có những hoạt động chống đối Nhà nước.

Hết buổi sáng, trước khi về nhà tôi ra gặp Tụ để báo việc hẹn trưa chủ nhật đến nhà Quốc dự kỷ niệm ngày cưới của Quốc như tôi đã hứa với Quốc. Tôi gặp Tụ, Tụ cho biết Quốc cũng vừa đến đưa một bản sao quyết định quản chế nhưng không gặp Tụ mà chỉ gặp Biên, vợ Tụ và cũng không nghe Quốc nói gì về việc kỷ niệm sinh nhật. Về chuyện này Tụ nói có lẽ không đến và không nên tụ tập đông đảo ở nhà Quốc lúc này.

Thời gian gần đây Tụ ngại và ngỏ ý Quốc không nên đến gặp Tụ thường xuyên như trước đây. Lý do vì có một chuyện rắc rối có thể gây phiền phức cho cả hai. Hình như mấy tháng trước Quốc có gởi 2 lá thư, một về SG, một ra nước ngoài, kêu gọi bạn bè đóng góp tiền để giúp mua nhà cho Tụ nhân chuyện Tụ bị dọa đuổi nhà. Có 2 lá thư trả lời Quốc về việc đó đều bị CA thu được và Quốc đã bị CA truy hỏi về chuyện này. Dĩ nhiên về mặt pháp lý, việc này chẳng có gì sai trái nhưng hiện nay riêng Tụ, và nói chung cả 3 chúng tôi, đều bị CA dùng chuyện nhận tiền nước ngoài để bôi nhọ nên việc này càng gây thêm rắc rối. Quốc có lòng với Tụ nhưng làm việc đó trong thời điểm này quả không thích hợp vì CA đang dùng đủ mọi cách để bao vây, ngăn chặn, giám sát mọi việc làm của chúng tôi.

Buổi chiều làm việc S chính thức đặt câu hỏi về suy nghĩ của tôi đối với việc Nhà nước quản chế Quốc để ghi biên bản. Tôi trả lời như đã nói với V ban sáng. Tôi hỏi S: Còn tôi có quyết định không, sao chưa đưa ra? S cười bộ anh muốn có quyết định sao? Tôi nói dĩ nhiên không muốn, nhưng tôi biết Nhà nước có thể làm như thế đối với tôi, điều đó không có gì lạ cả.

S hỏi tiếp, theo tôi Nhà nước nên xử lý như thế nào đối với Quốc? Tôi trả lời nếu cần nên có cuộc họp để kiểm điểm, đấu tranh tư tưởng, làm rõ đúng sai. Việc áp dụng biện pháp trấn áp đối với Quốc chẳng có lợi gì vì tuy nhất thời có thể ngăn chặn đựợc hoạt động của Quốc nhưng không thể khuất phục được tư tưởng của anh và chỉ làm Quốc thêm bất mãn.

S kết thúc biên bản và nói đợt này tạm ngưng, khi nào cần CA sẽ triệu tập tiếp. Tôi chờ đợi nhưng S đã không đưa ra văn bản quyết định nào về tôi. Như thế CA đã áp dụng phương án dùng 3 biện pháp khác nhau để đối phó với 3 chúng tôi. Dù sao, điều đó cũng hay vì trước mắt Quốc bị quản chế, Tụ tự thu mình ở nhà, tôi vẫn còn tự do đi lại (tuy vẫn bị giám sát, theo dõi chặt chẽ) nên vẫn có thể đi thăm 2 bạn. Tôi chẳng sợ gì cả.

Trước khi ra về, S nói: Tôi có một câu hỏi mà tôi đã suy nghĩ rất kỹ trước khi hỏi anh. Nếu sau này ra đường anh gặp tôi anh có chào hỏi và nói chuyện không?

Ðiều này một vài cán bộ CA sau khi thẩm vấn cũng đã hỏi tôi và Yến. Tôi nói ngay tôi coi việc S làm là thi hành nhiệm vụ, còn ngoài ra giữa tôi với anh ta cũng như những người khác là mối quan hệ giữa người và người, có nhiều vấn đề có thể thông cảm và hiểu nhau được. S nói S cũng suy nghĩ như thế. S không nên cho rằng tôi là tên phản động và tôi cho S là gã CA đã từng thẩm vấn hạch sách mình nên khi gặp nhau cần gì chào hỏi nói chuyện.

Nghĩ được như thế cũng tốt. Riêng S, suốt thời gian thẩm vấn tôi, S tỏ ra hiền lành, ít nói, không truy vấn, ít tranh cãi. S đặt câu hỏi, phần lớn là đã được chỉ đạo, chuẩn bị trước, tôi trả lời và S ghi biên bản, nhiều lúc ghi theo lời đọc tóm tắt của tôi. S da đen, mi mắt hơi mọng. Khi mới gặp khó có cảm tình nhưng khi cười cũng thấy dễ thương. Ngoài những lúc mặc sắc phục, S thường mặc quần áo xuyềnh xoàng. S cấp bậc đại úy, chức vụ đội phó đội an ninh điều tra của CA TP ÐL. Trước và cuối buổi làm việc, S và tôi thường nói chuyện ngoài lề, hỏi thăm gia đình, chuyện làm vườn tược và nhiều chuyện linh tinh nên cũng có một sự hiểu biết, thông cảm nhất định về nhau.

Tôi về nhà, Yến đang đợi tôi ở cổng. Yến hỏi ngay có quyết định gì không? Tôi lắc đầu cười “Dám!” Yến thở phào. Chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý chờ đợi nhận quyết định quản chế. Tuy vậy Yến lại lo tiếp: Biết đâu không quản chế họ lại tìm cách khác, chuẩn bị khởi tố đưa ra tòa. Tôi nói tới đâu tới, hơi đâu mà lo. Cỡ nào mình cũng chơi được.

Tôi không sao giải được mối lo âu phiền muộn trong long Yến. Chúng tôi đã hầu như hằng ngày trao đổi về tình hình của chúng tôi hiện nay. Dù sao Yến đã vì tôi mà chịu nhiều hệ lụy. Có lúc tôi khuyên Yến nên nghỉ dạy về SG ở với 2 con vì Yến rất nhớ các con và ở đây thường xuyên bị căng thẳng. Tôi nói tôi tự lo được, dù có ở tù cũng chẳng sao, không cần ai chăm sóc. Yến tức giận cho tôi là ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình. Dù tôi tự lo được thì cũng không thể ngăn cản người thân lo lắng cho tôi, và cũng không thể không dính liú đến gia đình, điều không sao tránh được. Ðúng là vòng hệ lụy. Ðây là việc tôi không sao giải quyết nổi. Gần đây Yến có vẻ suy sụp, sức khỏe yếu hẳn, dạy học quá mệt nhọc, đồng nghiệp xa lánh, nghi kỵ và thần kinh thường xuyên căng thẳng, đâm ra bi quan và hay buồn phiền. Nhiều khi tôi nghĩ mình phải rán nhịn vì Yến chứ không phải vì sợ CA. Tôi đã làm khổ Yến quá nhiều. Vả lại những chuyện dính đến chính trị này có thể chẳng đi đến đâu cả. Lịch sử cứ chảy xuôi dòng. Và như P. R. Sarkar đã nói, những chính trị gia, những người lãnh đạo trên thế giới hầu hết là những kẻ dối trá, lời nói, tư tưởng không đi đôi với việc làm. Có nhiều cách để chống lại cái xấu, cái ác và cách của chúng tôi làm thực sự có hiệu quả không. Mặt khác, gần đây chúng tôi cảm thấy rất cô độc và kể từ tháng 4/97 đến nay, từ khi chúng tôi bị bao vây ngăn chặn, hầu như không ai thăm viếng tiếp xúc, các đài nước ngoài cũng ít nhắc đến trường hợp chúng tôi, trong khi chúng tôi đang bị đe dọa thường trực. Tôi không bi quan nhưng thường xuyên tra vấn về ý nghĩa và phương cách làm việc mình làm.


Chủ nhật 31/8/97

Vì thấy việc hẹn gặp bạn bè ở nhà Quốc không tiện và có thể không thành nên buổi sáng tôi đưa Yến đi nhà thờ và định đến gặp Quốc để bàn thôi việc đó. Ði ngang cửa hàng của Thục, vợ Quốc, tôi ghé vào hỏi thăm trước. Thục tỏ ra tức giận về quyết định quản chế đối với Quốc nhưng nói không sợ gì cả. Thời gian vừa qua Thục cũng bị gọi lên thẩm vấn mấy bữa nên Thục càng bất mãn. Ðang nói chuyện thì Quốc vào. Tôi nói ý nên thôi việc tổ chức ăn uống. Quốc bảo đã chuẩn bị cả rồi và chỉ mời vợ chồng tôi thôi. Quốc chỉ giỏ thức ăn vừa mới mua về và hẹn khoảng 11g30 vợ chồng tôi đến Quốc.

Ðúng hẹn tôi và Yến đến. Quốc làm bếp sắp xong, bảo chúng tôi bưng dọn ra trong khi Quốc đi đón Thục về. Quốc quả là tay nội trợ đảm đang. Anh tự gói chả giò, chiên chả cá, nấu bún, nhặt rau. Chúng tôi vừa bưng dọn vừa nếm thử, thấy ngon ra phết.

Quốc chở Thục về. Thục có mang về chai rượu Lúa Mới do Tụ, Biên gởi tặng vì không đến được. Chúng tôi ngồi vào bàn. Cu Boong không ăn chung được vì đang ốm và phải nằm giường.

Chúng tôi nói chuyện về việc Quốc thi hành lệnh quản chế. Quốc bảo có lệnh này Thục an tâm vì Quốc sẽ bắt buộc phải ở nhà, có thời gian chăm sóc con, lo cơm nước và không đi lăng nhăng em út. Quốc hiện nay cũng không có nhu cầu đi các tỉnh và đang có dự định tập trung sáng tác, mong đến năm 2000, sẽ kỷ niệm Quốc tròn 60 tuổi và ra mắt tác phẩm lớn của mình. Hiệu quả của quản chế như thế cũng hay. Rõ ràng quyết định quản chế này chỉ có thể ngăn chặn nhất thời một số hoạt động, nhưng lại tạo điều kiện cho những tác phẩm có chiều sâu và sức nặng tố cáo ra đời. Ðó là cái giá Nhà nước phải trả khi chủ trương đàn áp tự do tư tưởng.

Khi ra về tôi mới giật mình thấy trong bữa ăn không ai nói gì về kỷ niệm ngày cưới cả. Không phải chỉ riêng lần này mà những buổi giỗ, kỷ niệm khác trước đây tổ chức ở nhà nhiều người cũng toàn nói chuyện chính trị hiện tại, chúng tôi đã quá bị ám ảnh và hiện thực cuộc sống đã đẩy chúng tôi vào tâm trạng đó. Thật đáng buồn. Chúng tôi đã không còn chỗ, còn lúc để mơ mộng hay vui đùa thoải mái.


Tháng 9/97

Mãi một tuần sau, chủ nhật 7/9/97 tôi mới đến Quốc. Tôi đã góp ý với Quốc về nội dung đơn khiếu nại khi Quốc cho tôi xem bản thảo. Tôi không giúp Quốc tham khảo thêm ý kiến bạn bè về nội dung đơn khiếu nại này vì tuần qua tôi bị giám sát gắt gao, gặp gỡ nhiều người sẽ phát sinh rắc rối. Quốc nói tuần rồi Quốc và Thục cũng bị CA theo dõi sát nút. Thục đi photo mấy bản đơn khiếu nại lập tức bị CA ập vào tra hỏi ngay. Quốc kể chuyện trình diện phường theo quyết định quản chế cũng thú vị.

3/9 là hạn chót Quốc mới đến phường. Chủ tịch phường tiếp, nói chuyện xã giao xong trịnh trọng đứng lên đọc quyết định và thông báo cụ thể quy định việc đi lại, trình diện. Theo yêu cầu, Quốc làm đơn xin đi lại những nơi cần thiết ngoài phạm vi phường như đưa Thục đi bán hàng, đưa con đi học, đi chợ, về thăm bên ngoại, đi ra bưu điện... Chủ tịch phường chỉ giải quyết những nơi đi lại thường xuyên cần thiết hàng ngày, cấp một giấy phép hẳn hoi quy định cụ thể tuyến đường và giờ giấc đi về. Ngoài ra những nơi khác, khi cần thiết Quốc phải làm đơn xin phép riêng.

Cuối buổi làm việc, Quốc tặng chủ tịch phường mấy cuốn sách của Quốc mới xuất bản và tái bản, Một lúc một đờiHồi đó ở Sa Kỳ. Quốc nói: Các anh ở phường lâu nay chỉ biết tôi về những chuyện rắc rối liên quan đến an ninh, cũng nên biết thêm về tôi qua các cuốn sách này. Chủ tịch phường cám ơn và nói chuyện thêm ngoài lề với Quốc, không tỏ ra ác cảm.

3 ngày sau khi Quốc trình diện, ngày 6/9 Quốc lại được phường mời, đến nơi mới biết có B, phó trưởng CA TP ÐL đến làm việc. B là người đã trực tiếp thẩm vấn tôi hồi cuối năm ngoái, nhưng đây là lần đầu tiên làm việc với Quốc. B hỏi Quốc đã photo bao nhiêu văn bản quyết định quản chế và đơn khiếu nại, đã gởi cho những ai. Quốc từ chối trả lời vì cho rằng đây là quyền của mình. B lý luận điều 4 của quyết định quản chế chỉ cho gởi đơn khiếu nại ở 2 nơi là UBND Tỉnh và Bộ nội vụ. Quốc phản bác bảo điều đó chỉ quy định có thể gởi 2 nơi đó để khiếu nại chứ không cấm gởi các nơi khác. Quốc vặn thêm, hỏi B, anh có cho rằng quyết định quản chế tôi của Nhà nước là đúng đắn không. B bảo đúng. Vậy thì tại sao Nhà nước lại ngăn chặn việc phổ biến quyết định đúng đắn này. Ðáng lý Nhà nước phải tự mình phổ biến, cần gì đến tôi làm.

B bối rối trước các lý lẽ này của Quốc nhưng cuối cùng cũng lập biên bản yêu cầu Quốc không được phổ biến quyết định quản chế và đơn khiếu nại. Thật lạ lùng nhưng cũng dễ hiểu. Nhà nước này có sức mạnh nhưng không có chân lý nên trấn áp mà vẫn phải giấu giếm, cố bưng bít mọi thông tin về việc mình làm.

Khi nói chuyện với tôi, Quốc không tỏ ra căng thẳng và có vẻ dễ chịu đôi chút vì đã gặp bạn để trao đổi. Quốc cho biết từ hôm lệnh quản chế có hiệu lực, chưa ai đến thăm Quốc. Tôi sợ rằng thời gian sắp tới, với tình hình này cũng ít ai dám đến thăm Quốc. Trong xã hội có vẻ như tự do và thoải mái này, nỗi sợ vẫn choàng phủ. Ngay cả tôi, để giữ mối liên hệ với Quốc, việc đi lại cũng phải hạn chế, nếu không muốn người ta cho là khiêu khích và áp dụng những biện pháp ngăn chặn thô bạo.

Chủ nhật kế tiếp 14/9, tôi và Yến đang làm vườn thì A, CA khu vực lại đến đưa giấy triệu tập tôi lên làm việc của CA TP vào ngày mai. Yến bộc lộ sự tức giận và lo lắng. Cứ kiểu này thì tôi không sao yên thân và làm ăn gì được. Không biết có gì mới và xấu hơn nữa đây. Yến bảo tôi hay là đừng đi. Tôi cũng đã nghĩ đến điều này. Trước đây tôi đã nhiều lần phát biểu phản đối và có một lần viết hẳn văn bản yêu cầu CA đừng quấy rầy tôi nữa. Cuối cùng tôi quyết định ngày mai sẽ đi và nếu không có gì mới, cứ hỏi lằng nhằng mọi chuyện như cũ, tôi sẽ chống đối việc triệu tập.

Thứ hai 15/9/97

Vẫn S, S đặt nhiều câu hỏi về 3 vấn đề.

Tại sao đài báo nước ngoài biết, đăng tải và đưa tin về các bài viết và chuyện của tôi? Do tôi tự gởi đi, người ta gọi về phỏng vấn hay tôi gởi bài cho một số bạn bè rồi từ đó được chuyển đi. Ai chuyển? Tôi không biết. Tại sao đài báo nước ngoài lại đăng tải bài của anh? Ðó là việc của họ. Có thể vì những bài viết của tôi có quan điểm độc lập và nội dung đòi hỏi dân chủ. Tại sao anh gởi bài và trả lời phỏng vấn? Ðể công bố quan điểm của mình khi trong nước không có điều kiện.

Có phải anh đã phản ứng mạnh nhất việc Hà Sĩ Phu bị bắt và đưa ra tòa như anh đã ghi trong NK? Ðúng. Tôi đã viết 4 bài về việc này. Tại sao anh làm như vậy? Vì HSP là bạn thân của tôi. Tôi biết rõ HSP là người yêu nước, có tư tưởng tự do và tiến bộ, không làm gì sai trái. Tại sao anh phản ứng việc HSP bị bắt và đưa ra tòa? Vì tôi cho Nhà nước làm không đúng. Anh viết bài như thế để khiếu nại hay tố cáo? Tôi viết để bày tỏ quan điểm của một công dân về một vấn đề tự do tư tưởng và dân chủ. Anh có biết rõ việc làm của HSP và ngược lại, HSP có biết rõ việc làm của anh không? Chúng tôi biết rõ những việc làm của nhau liên quan đến các bài viết. Tại sao biết? Vì chúng tôi trao đổi bài viết và nói chuyện với nhau.

Anh có nhờ BMQ chuyển 1 phần NK về TP HCM không? Tôi không nhờ. Ðó là Quốc tự làm.

Vẫn lẩn quẩn những chuyện cũ. Cuối buổi làm việc, tôi yêu cầu S đưa giấy và tôi viết một bản ý kiến phản đối: Thời gian vừa qua CA đã gây khó khăn nghiêm trọng cho đời sống của tôi. Trong hai tháng, tôi bị đau một tháng và CA gọi hỏi hơn nửa tháng. CA đã lạm dụng quyền hạn của mình. Nhiều việc đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần và tôi không có gì nói thêm. Có nhiều cách điều tra chứ không phải chỉ cứ hỏi. CA hãy cứ tự đi điều tra, đừng làm phiền tôi nữa. Tôi phản đối và yêu cầu CA chấm dứt việc quấy nhiễu này.

Trước khi ký tên vào biên bản ghi lời khai, tôi ghi rõ yêu cầu kèm theo biên bản này văn bản ý kiến phản đối của tôi. Tôi làm thế vì theo nguyên tắc CA chỉ ghi những gì họ hỏi và tôi trả lời, còn ngoài ra những ý kiến khác hoặc phản đối họ không ghi mà yêu cầu viết thành văn bản riêng. Như thế tôi có bằng chứng về việc viết văn bản phản đối, đề phòng họ có thể hủy đi không đưa vào hồ sơ.

S xem văn bản phản đối của tôi rồi nói giả lả: Trời này mưa gió, làm vườn không được, anh lên đây làm việc, uống trà nói chuyện cũng ấm cúng thôi. S hứa thêm: Ðợt này làm việc ngắn, chỉ 2 ngày thôi, anh cố gắng đi cho xong.


Thứ ba 16/9/97

Vì S nói chỉ làm ngày hôm nay nữa nên tôi quyết định đi, không muốn gây căng thẳng. Ðầu tiên S yêu cầu tôi tự viết lại bản tường trình về 3 vấn đề đã hỏi hôm qua và yêu cầu khai rõ thêm về mối quan hệ với Phạm Ngọc Lân và Nguyễn Gia Kiểng, có biết gì thêm về những hoạt động khác của 2 người này không? Tôi viết vắn tắt như đã trả lời các lần trước.

Tiếp theo S đưa cho tôi đọc 2 bài báo photo từ báo Thông Luận ra và hỏi tôi suy nghĩ gì về 2 bài viết đó. Tôi đọc lướt qua vì có một bài rất dài. Sau đó tôi trả lời và S ghi biên bản.


S có vẻ tức giận, nói Kiểng không chủ trương bất bạo động mà chủ trương dùng bạo lực để lật đổ chính quyền CS. S trích dẫn câu đã gạch dưới bằng bút đỏ trong bài báo “Chúng ta cần tiến công và chặn đánh Ðảng CS trên mọi mặt trận trừ lối thoát về hướng dân chủ đa nguyên”. S cho rằng “tiến công và chặn đánh” có nghĩa là sử dụng bạo lực vũ trang. Rõ ràng S không hiểu nghĩa của câu trích dẫn trong toàn văn cảnh. Tuy nhiên với cách viết hơi đại ngôn của Kiểng, tôi hiểu tất cả cán bộ, Đảng viên CS khi đọc đến phải căm phẫn, tôi khó lòng giải thích được chỗ này.

S đặt câu hỏi tiếp: “Từ trước đến nay, Nguyễn Gia Kiểng là người không chấp nhận chế độ CS và tìm cách để lật đổ chế độ CS, anh nghĩ sao? Câu này tôi trả lời chung chung: Vì tôi không có hiểu biết cụ thể, không đọc hết các bài viết của NGK nên không thể đánh giá một cách toàn diện.

Một câu hỏi khác hơi kỳ lạ chứa nhiều hàm ý: Anh và NGK đều sử dụng phương thức đấu tranh bất bạo động, anh học NGK hay NGK học anh? S nói thêm những phương thức đấu tranh như bạo động, bất bạo động, hợp pháp, bán hợp pháp là sở trường của người CS chứ những người như Kiểng làm sao biết được. Tôi thấy câu hỏi này là một cái bẫy để buộc tôi thừa nhận tôi chịu sự chi phối của Kiểng hoặc ngược lại, chính tôi, một Đảng viên CS cũ, đã cố vấn cho Kiểng và những người ở ngoài phương thức đấu tranh. Tôi lại trả lời chung chung: Tôi viết và công bố tư tưởng của mình, theo tôi đó là một phương thức bất bạo động, tôi không học ai và tôi cũng không rõ phương thức cụ thể của NGK như thế nào.

Cuối buổi làm việc S cho tôi xem mấy tranh hình ảnh được photo lại, có lẽ từ một tập kỷ yếu có tên Hội luận Dân chủ Ða nguyên năm 1991, hình như rất dày vì các tờ tôi xem ghi số trang trên 400. S nói có nhiều người anh quan hệ nhưng có thể chưa biết mặt, vậy tôi đưa cho anh xem để biết.

Ngoài 2 hình chung chụp toàn cảnh cuộc hội nghị, còn lại rất nhiều hình chụp riêng từng diễn giả đang phát biểu, có ghi chú bên dưới tóm tắt quá trình của người đó. Tôi thấy có nhiều người tôi đã biết hay nghe tên như Nguyễn Gia Kiểng, Phạm Ngọc Lân, Quản Mỹ Lan, Vũ Thiện Hân, Ðinh Quang Anh Thái, Trần Thanh Hiệp, Thụy Khuê...

S nói có vẻ mỉa mai: “Toàn là cơm nặng áo dày cả”. Tôi hiểu ý S nói những người trên đều có gắn bó với chế độ cũ nên nay muốn phục hận.

Thời gian gần đây tôi và cả Quốc bị hỏi rất nhiều về NGK và nhóm Thông Luận, không hiểu CA có ý đồ gì. Tôi nghi ngờ vì sắp tới có hội nghị Francophone ở Hà Nội vào tháng 11 và Kiểng trước đây đã từng nói với tôi là sẽ tác động vào hội nghị này (tôi đã ghi trong NK mà CA thu giữ) và có thể hiện nay Kiểng và các nhóm ở nước ngoài đang làm chuyện đó nên CA tập trung tìm hiểu, xác minh mọi vấn đề liên quan. Gần đây, có một sự kiện bất lợi cho nhóm Thông Luận. Một nguồn tin ở SG cho biết, qua một thông tin đáng tin cậy ở Pháp đưa về, nhóm Thông Luận nói chung là tốt, nhưng trong nhóm có một số người thiếu trách nhiệm, làm mọi việc có tính cách kích động, chỉ vì mình mà không nghĩ đến hậu quả những người trong nước phải gánh chịu. Một số người lâu nay đấu tranh cho dân chủ ở trong nước đồng tình với nhận định đó và cho rằng phải cảnh giác với nhóm Thông Luận. Ðúng là tình hình rất phức tạp. Tuy nhiên đối với tôi nói riêng và các anh em ở Ðà Lạt nói chung, chúng tôi có suy nghĩ độc lập và chỉ làm, viết những gì mình cho là đúng, không lệ thuộc vào ai cả.

Tôi tưởng đợt làm việc 2 ngày này chấm dứt như S đã nói trước, nào ngờ S bảo vì chưa xong, còn nhiều thứ phải cho tôi xem và hỏi thêm nên yêu cầu tôi ngày mai lên làm việc tiếp một buổi nữa. Tôi không nén được tức giận. Cứ cái đà họ photo các bài báo ở nước ngoài đưa tôi đọc và hỏi ý kiến thì họ có thể thẩm vấn tôi hàng mấy năm liền không hết chuyện.

Tôi nói với S là ngày mai tôi sẽ không đi. S nói thôi anh ráng thêm một buổi nữa thôi. Khi tôi ra lấy xe về S đi theo nói: Vậy nhé. Mai anh ráng lên một buổi nữa. Tôi làm thinh không nói gì.


Thứ tư 17/9/97

Tôi và Yến trao đổi và quyết định dứt khoát hôm nay tôi không đi nữa dù có thể chỉ làm thêm một buổi như S nói. Tôi đã đứng bên lằn ranh của sự chịu đựng, vả lại tôi cũng muốn trắc nghiệm thái độ của CA trước phản ứng của tôi. Tôi dự đoán CA sẽ gởi giấy triệu tập tiếp vài lần, tôi vẫn không đi, họ sẽ dùng biện pháp cưỡng chế, có thể cho xe đến nhà áp giải tôi đi. Tôi chấp nhận chuyện đó xảy ra để chứng tỏ tôi không chỉ phản đối suông mà thực sự chống lại sự lạm quyền o ép. Nếu họ không dám thô bạo hơn, họ phải dừng lại và tôi tránh được việc bị quẫy nhiễu. Tôi biết rõ lâu nay họ dùng chiến tranh cân não đối với tôi, buộc tôi phải thường xuyên căng thẳng và suy sụp ý chí.

Buổi sáng, Yến đi dạy, tôi ra làm vườn. Khoảng 9g30, A - CA khu vực đến. A hỏi tôi đang làm gì, tại sao không lên làm việc với CA. Tôi nói với A hơi to tiếng: Anh thấy đó, tôi đang làm vườn, tôi phải lo sinh sống chứ, dư thì giờ đâu đi hầu CA hoài. Hôm qua tôi đã nói rõ là tôi không đi để phản đối cách làm việc của CA chứ tôi đâu cần viện lý do gì. Ðang nói chuyện với A thì Yến nghỉ tiết giữa từ trường về. Yến thấy A cũng tỏ ra tức giận nói lớn: Phải để cho người ta làm ăn sinh sống chứ, làm gì kêu réo hoài.

Sau đó chúng tôi giải thích vấn đề cho A hiểu. A tỏ ra thông cảm, nói không biết nội dung CA TP làm việc với tôi, nhưng tôi nên gặp CA TP để giải thích. Tôi nói tôi đã giải thích rồi, bây giờ CA muốn làm gì thì làm. A ra về. Tôi hiểu CA muốn kiểm tra cụ thể trước và sẽ có thái độ sau. Tôi sẵn sàng chờ đợi phản ứng của CA. Yến lại có thêm một dịp để lo lắng. Ðúng là không thể nào sống yên ổn được.


18-30/9/97

Sau khi tôi quyết định chống lại lệnh triệu tập của CA, suốt thời gian này họ để tôi yên. Có lẽ họ đang suy tính cách giải quyết tình hình này. Có thể qua quá trình điều tra, họ hiểu tôi là một tay có bản chất ngang ngạnh, khi cần tôi có thể bất chấp tất cả và điều đó cũng không có lợi cho họ, nhất là về mặt dư luận.

Ngày 19/9/97, tự nhiên tôi lại bị đau. Bệnh đau lưng bớt bây giờ chuyển sang dạng thần kinh tọa. Cơn đau nhức xuất phát từ một bên thắt lưng, chạy dọc xuống mông, đùi trái, cẳng chân, đến tận mấy ngón chân. Tôi không thể cúi xuống được và phải đi cà nhắc. Buổi sáng ngủ dậy bước xuống giường đi vài bước lại phải ngồi xuống vì đau nhức không chịu thấu. Bệnh tật đến vào lúc này thật tệ hại, giáng thêm một đòn vào ý chí của tôi.

Tôi quyết tâm đương đầu với bệnh tật. Tôi nghiên cứu phương pháp xoa bóp dân tộc, chọn một số thế Asanas Yoga thích hợp, cả cách vẫy tay của Dịch cân kinh. Tôi muốn tự mình tập luyện để chữa bệnh, không đi bệnh viện, không dùng thuốc. Tội nghiệp, Yến khuyên tôi không được đã tự đi đến bệnh viện Y học Cổ truyền, khai bệnh của tôi, lấy cho tôi mấy thang thuốc bắc. Tôi cũng không chịu uống thuốc bắc nên Yến mua mấy lít rượu về ngâm để tôi uống trước khi ăn cơm tối. Việc này tôi đồng ý. Yến than khổ vì tôi quá cứng đầu. Tôi tin tưởng bệnh tật là do thức ăn, cách sống và tâm lý gây nên, do đó cách chữa bệnh và ngừa bệnh tốt nhất là điều chỉnh các phương diện này.

10 ngày đầu tôi đau nhức ghê gớm nhưng hàng ngày tôi vẫn làm vườn vài giờ, làm một lúc, chân đau tôi lại ngồi xuống xoa bóp, đỡ đau đứng dậy làm tiếp. Những ngày sau bớt đau dần nhưng bệnh có lẽ còn kéo dài, nhưng tôi tin cách tự chữa của mình có hiệu quả.

Ngày 24/9, bưu tá đến đưa thư gọi tôi ra nhận thư bảo đảm. Lại một phong bì màu vàng lớn có ghi người gởi là báo Kinh doanh và khai thác thị trường ở Canada. Ðã mấy lần nội dung thư bị đổi nên tôi yêu cầu mở ra xem tôi mới ký nhận. Bưu tá không chịu, anh ta nói theo nguyên tắc phải ký nhận trước, nếu không tôi có thể từ chối không nhận thư và ghi rõ vào phong bì. Tôi quyết định không nhận và ghi: “Tôi từ chối không nhận phong bì này vì đã nhiều lần ruột các thư tương tự đã bị đổi, nội dung bên trong chỉ là những tài liệu vớ vẩn không liên quan gì đến tôi”. Tôi ký tên và trả lại phong bì cho bưu tá. Tôi chú ý phần ký nhận để hồi báo cho người gởi ở phía sau phong bì đã bị xé, có lẽ CA đã ký nhận hộ tôi rồi. Tôi đã chán ngấy cái trò lén lút ném đá giấu tay này. Tôi hỏi nhưng bưu tá bảo phần hồi báo đó không có. Tôi chẳng còn gì để nói với anh ta cho mất công. Anh ta chẳng hiểu gì chuyện này.

Thời gian này CA không quấy rầy nên tôi quyết định ghi nhật ký. Tôi bắt đầu ghi lại những chuyện xảy ra từ đầu tháng 7/97. Trước đây tôi không ghi ngay vì ngại CA có thể đến kiểm tra tịch thu. Họ đã thu nhật ký của tôi và trong các lần làm việc họ đều dò hỏi tôi có viết nữa không. Tôi chán cảnh viết ra cái gì lại phải đem cất dấu. Trước 75 tôi đã từng cất dấu tài liệu của CS, bây giờ lại phải cất dấu những gì mình viết ra, sợ bị CS tịch thu. Thật oái ăm. Tuy vậy thỉnh thoảng tôi có ghi vắn tắt sự việc xảy ra nên khi viết lại tôi có thể nhớ nội dung tuy ngày tháng có thể không hoàn toàn chính xác vì hầu như ngày nào cũng có chuyện, không ghi ngay không làm sao nhớ nổi.

Tôi biết CA sợ và hận ngòi bút của tôi. Có lần lúc S đang thẩm vấn tôi, có một CA trẻ vào ngồi dự. Tôi hỏi S nói đó là một cán bộ trong đội an ninh điều tra, có vẻ như sĩ quan mới ra trường. Anh ta cứ nhìn tôi chằm chằm suốt buổi làm việc. Tôi nói chuyện với anh ta vài câu. Anh ta bảo nói gì thì nói, miễn tôi đừng đưa anh ta vào nhật ký là được.

Lần khác, Tấn kể lúc gặp nói chuyện với một cán bộ lãnh đạo CA về chúng tôi. Anh ta sửng cồ lên và nói với giọng đầy căm tức: Mấy ông đó ngồi trong cầu tiêu viết cái gì các anh đọc cũng khen hay. Tấn đã sửng sốt trước thái độ của anh ta, cảm thấy bị thương tổn và phản ứng rất mạnh. Lần đó, Tấn nói gần như đoạn tuyệt với anh ta dù từ trước đến nay hai người có thân tình do mối quan hệ cũ từ thời kháng chiến và Tấn thỉnh thoảng vẫn gặp anh ta để biết về các chủ trương và hành động của CA đối với chúng tôi.

Trong buổi nói chuyện đó, cán bộ lãnh đạo CA này cũng nói với Tấn về tôi là nếu phổ biến rộng chuyện của tôi thì bọn chăn bò cũng chặn tôi mà đánh vì tôi phản động.

Tấn đáp ngay là chỉ sợ họ không chịu đánh thôi. Tôi sực nhớ thời gian trước tôi mới bị bao vây cô lập, một cậu nuôi bò sữa hàng xóm gần nhà xuống vườn tôi cắt cỏ cho bò đã bị CA chặn lại răn đe. Cậu này cũng biết qua chuyện của tôi nên nói với CA tôi là trí thức, là nhà báo muốn viết gì thì viết, đâu có liên quan gì đến cậu ta. Nếu tôi phản động sao CA không bắt, còn cậu ta đi cắt cỏ không lẽ CA cũng cấm. Cậu ta đã kể cho tôi nghe chuyện đó. Ấy thế mà CA có thể dựng lên chuyện bọn chăn bò muốn đánh tôi. Tài hư cấu của họ cũng không kém gì nhà văn.

Những thời gian bị đau có lúc tôi cũng hơi bi quan. Sự bao vây, cô lập, ngăn chặn, giám sát của CA đối với tôi cũng có kết quả nhất định. Tôi nghe kể lại có lần một người quen của tôi đến tôi mượn mấy cuốn sách, khi về anh ta bị CA theo dõi vào tận nhà hạch sách, răn đe không được quan hệ với tôi vì tôi là tên phản động nguy hiểm. Như thế còn ai dám đến tôi nữa. Suốt mấy tháng qua, chỉ một lần khi tôi đau nặng, Tấn, Lĩnh, Hải mới đến đưa tôi đi bệnh viện và 2 chị Biên, Ðức có đến thăm. CA tìm mọi cách cô lập, bôi nhọ tôi và khủng bố tinh thần người khác. Ngay chị Ðức, (vợ Nghĩa bạn tôi đã mất) một góa phụ bình thường, chỉ vì tình thân có đi đón HSP lúc ở tù về và thỉnh thoảng lui tới với chúng tôi mà cũng bị phường họp dân nêu tên là có quan hệ với nhóm phản động.

Có những người ở xa, qua người quen gọi điện về hỏi thăm tôi mà mãi mấy tháng sau, có dịp tình cờ thuận lợi, người ta mới nói lại được.

Sự cô lập đối với chúng tôi ngày càng tăng trong khi báo chí trong nước bắt đầu tuyên truyền về việc Việt Nam chuẩn bị nối mạng Internet, mở rộng và thu nhận thông tin với toàn thế giới. Việc này đã được chuẩn bị rất kỹ để có thể kiểm soát mọi thông tin ra vào. Thật mỉa mai cho sự rêu rao về thời đại thông tin. Tự do thông tin chỉ dành cho ai đó thôi, còn một số người vẫn bị cắt điện thoại, ngăn chặn thư từ và các mối quan hệ liên lạc.

Tôi theo dõi báo chí tuyên truyền về phiên họp đầu tiên của Quốc hội khoá X để bầu các chức danh lãnh đạo của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và thông qua thành phần của chính phủ mới. Trước đó đã có hội nghị của Ban Chấp hành TW Ðảng thảo luận và quyết định việc này. Hai tuần trước khi Quốc hội họp, đài nước ngoài đã đưa tin Lê Ðức Anh, Võ Văn Kiệt sẽ nghỉ, Trần Ðức Lương lên làm chủ tịch nước, Phan Văn Khải thay Võ Văn Kiệt làm thủ tướng, Nông Ðức Mạnh vẫn tiếp tục làm chủ tịch Quốc hội. Khai mạc kỳ họp Quốc Hội, TBT Ðỗ Mười phát biểu chỉ đạo kêu gọi đại biểu QH phát huy tinh thần dân chủ, sáng suốt lựa chọn bầu ra những người lãnh đạo xứng đáng. Kết quả y chang như các đài nước ngoài đã đưa tin. Chao ôi là dân chủ. Trò hề được diễn mới vụng về làm sao.

Chỉ đáng thương cho hai bà Ngô Bá Thành và Nguyễn Phước Ðại.

“Ngày 27/9/97 bà luật sư Ngô Bá Thành, đại biểu QH, TP Hà Nội đã xin ứng cử vào chức chủ tịch Ủy ban pháp luật của QH. QH đã cho phép bà Ngô Bá Thành phát biểu trước QH 10 phút và sau đó đã nhất trí đưa tên bà vào danh sách bầu cử cùng với người được đề cử chức vụ trên là ông Vũ Ðức Khiển. Kết quả bà Ngô Bá Thành đã không trúng cử.

Ðược biết, trước đó, bà Ngô Bá Thành đã được đề cử chức phó chủ tịch Ủy ban pháp luật. Với sự thất cử, bà Ngô Bá Thành cũng không còn tên trong danh sách Ủy ban pháp luật với tư cách là phó chủ nhiệm như đã được đề cử nữa” (Tuổi Trẻ, thứ ba 30/9/97).

Có lẽ bà Ngô Bá Thành tự cho mình giỏi hơn người khác nên không muốn làm phó mà chỉ muốn làm trưởng và hơi ngây thơ khi tin tưởng vào chuyện bầu cử dân chủ. Người ta đã sắp xếp rồi mà bà không chịu thì cuối cùng chức phó cũng không còn. Chế độ này sử dụng người không vì tài năng mà vì sự tin cậy về mặt chính trị. Bà Ngô Bá Thành được làm phó đã là may, còn không chịu.

Trước đó, thời gian chuẩn bị bầu cử, bà Nguyễn Phước Ðại đã tự ra ứng cử nhưng phút cuối lại phải rút tên.

Hai bà này là những nhân vật đối lập ở Miền Nam trước đây được chế độ mới sử dụng và cũng đã có lúc quay lưỡi lập công tuyên bố những câu nghe chối tai thiên hạ. Cũng có thể cái “máu tranh đấu” và ý thức dân chủ trong hai bà đã làm người ta không chịu được. Hai bà chắc đã hết ảo tưởng và sáng mắt ra. Dù sao đây cũng là một thí dụ rất sinh động về cách dùng người của chế độ này.

“Trước đó, sáng 29/99/97, QH đã bỏ phiếu tán thành cơ cấu và thành phần chính phủ gồm 5 phó thủ tướng, 24 bộ trưởng. Riêng chức danh thống đốc ngân hàng Nhà nước (theo tờ trình của Thủ tướng Phan Văn Khải trình QH ngày 26/9) là ông Cao Sĩ Kiêm, đã không được QH tán thành (số đại biểu tán thành không quá bán)” (Báo Tuổi Trẻ, bđd).

Với bao nhiêu bê bối của Ngân hàng vừa qua, nhất là trong các vụ Tamexco, Epco-Minh phụng... thế mà cái ông Cao Sĩ Kiêm này đã không từ chức hay bị cách chức, lại còn được tín nhiệm đưa ra lãnh trọng trách nữa. Thật quá thể. Cũng còn may là hơn nửa số đại biểu đã không tán thành. Chuyện này thì QH đã dân chủ được một chút. Ðó cũng là tiến bộ.

Quốc và Tụ, nhất là Tụ, trong nhiều lần nói chuyện với tôi đã phân tích nhiều về tính cách “bầy nhầy” của hoàn cảnh và tính cách của người Việt. Không có cái gì rõ ràng, không phân biệt phải trái, đúng sai, thiện ác, tất cả xen kẽ, lẫn lộn vào nhau. Không có ai thắng ai bại, ai cũng cố tuyên bố mình thắng. Người cộng sản có biệt tài thích nghi chuyển bại thành thắng. Người dân Việt Nam cũng có khả năng thích nghi, luồn lọt qua mọi kẽ hở của chế độ độc tài để sống theo cách của mình. Do đó, đừng bao giờ nên phân tuyến rõ rệt. Họ cũng là ta và ta cũng là họ. Phương pháp đấu tranh tốt nhất là “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Tôi vốn là người thích rạch ròi nên khó chấp nhận được hoàn cảnh này. Có lẽ tôi hơi cực đoan và không biết thích nghi. Dù sao từ vấn đề này liên hệ đến chuyện hòa giải hòa hợp cũng có nhiều khía cạnh đáng suy nghĩ. Không chấp nhận hoàn cảnh và thông cảm với những con người có đặc trưng như thế làm sao hòa giải hòa hợp được.

Quốc có nói đến hiện tượng gần đây một số văn nghệ sĩ được phát “phiếu bé ngoan”, kể cả đối với một số người từ trước có tư tưởng tương đối tự do. Họ được đưa lên ca ngợi trên các báo đài, được đi nước ngoài tham quan, dự hội nghị. Thế là hết chống đối.

Thật cũng khó phân tích được chuyện này mà không gây va chạm. Anh cứ tha hồ sáng tác, viết lách, miễn là không đụng chạm đến những vấn đề cấm kỵ, hoặc do anh tự thân không nghĩ, không muốn đụng đến những vấn đề đó. Tác phẩm của anh sẽ được trân trọng giới thiệu trên các phương diện thông tin đại chúng. Nhà nước bây giờ có đủ mọi điều kiện để làm thỏa mãn tâm lý của văn nghệ sĩ. Ai mà không thích thú tự hào khi có hẳn một thiên phóng sự về mình chiếu trên đài truyền hình cho cả nước theo dõi. Ðối với những người lớn tuổi bây giờ có thêm cái mốt tổ chức mừng thọ cũng được quay phim tuyên truyền rầm rộ. Rồi những ngày kỷ niệm đặc biệt của cả nước, của từng ngành có liên quan đến tác phẩm của anh, những tuyển tập có tính cách truyền thống, những buổi giao lưu với khán thính giả, với sinh viên học sinh. trong đó anh là nhân vật trung tâm, v.v… và v.v... Về một mặt, điều đó cũng tốt và chứng tỏ sự trân trọng của chế độ đối với văn nghệ sĩ. Nhưng quán xuyến toàn bộ sự kiện này có cái gì đó chưa đủ và không ổn. Vì anh tự do sáng tác mà không được phê phán cái sai, lên án cái ác đang đè nặng lên số phận con người, với tư cách nghệ sĩ - công dân, anh không dám trực diện phản kháng những sai lầm của người đang nắm quyền lực.

Mấy năm trước đây, khi xem truyền hình, tôi và nhiều bạn bè thấy tội nghiệp cho Văn Cao. Văn Cao, nhạc sĩ, thi sĩ tài hoa, tác giả bài “Quốc ca’’, đến cuối đời mới được Nhà nước quan tâm chăm sóc kỹ càng. Hình ảnh một ông già ốm yếu hom hem quay như con rối trước ống kính truyền hình theo chỉ đạo nghệ thuật của các nhà đạo diễn trông mới thật cay đắng... Và khi ông qua đời, đám tang được tổ chức trọng thể và đưa vào chôn cất ở nghĩa trang Mai Dịch, là nơi chỉ dành cho các quan lớn, được tuyên truyền rầm rộ. Còn Phùng Quán, Trần Dần nằm xuống thì chỉ có bạn bè đưa tiễn, truy điệu. Báo, đài hầu như im lặng. Can đảm và có lòng lắm mới có một dòng tin hay một bài viết ngắn ngủi của ai đó. Thế thì văn nghệ sĩ phải tự mình coi chừng suy nghĩ, hành động và sáng tác của mình. Nếu cần hậu quả sẽ nhãn tiền và kéo dài cho đến tận cuối đời, đến mãi sau khi anh đã vĩnh viễn nằm xuống. Thời kỳ đàn áp Nhân văn-Giai phẩm đối với văn nghệ sĩ, nhất là những người trong cuộc trực tiếp phải chịu đựng, chắc chắn phải là một cơn ác mộng khủng khiếp có thực kéo dài đến 30, 40 năm. Và những người cuối cùng của thế hệ đó đang lần lượt ra đi, có người như Trần Dần, trong những ngày tháng cuối cùng, vẫn lay lắt trong sự đau đớn kinh hoàng của bệnh tật và mất trí.

40 năm sau vụ Nhân văn-Giai phẩm, thế hệ của chúng ta may mắn hơn vì lịch sử đã đi một bước dài, nhưng nọc độc của bầu khí khủng bố lại mang một sắc thái mới. Trong môi trường có vẻ như tự do, rộng mở, sự bao vây cô lập đối với một số cá nhân lại làm tăng thêm nhức nhối.

Bao nhiêu bạn bè người quen đã xa lánh tôi vì sợ liên lụy. Yến không sao sống bình thản được. Những chuyện khó khăn ở trường vẫn thường xuyên tác động. Nhiều khi chúng tôi tranh cãi vì bất đồng chính kiến. Tôi nói sá gì những chuyện lẻ tẻ đó mà Yến phải bận tâm. Yến đã tức giận và đau đớn đến trào nước mắt: Anh là nhà văn mà không hiểu gì cả, không cảm nhận được niềm đau của người khác. Anh làm sao thấu hiểu được tâm trạng của em khi lần đầu tiên CA chặn tay không cho em gọi điện thoại ngoài chợ, giữa bao nhiêu người và họ đã nhìn em như một tên tội phạm nguy hiểm. Mà em đã làm gì? Anh không đi đâu nhưng hàng ngày em đến trường và tập thể ở trường luôn đối xử với em một cách lạnh nhạt, nghi kỵ, xa lánh. Có người mới chào hỏi, nói chưa hết câu đã bỏ đi chỗ khác. Một số người khác ở trường thì dò xét, theo dõi. Ban giám hiệu thì cấm đoán dùng điện thoại, dùng địa chỉ ở trường, cần chuyện gì thì họ cũng ngần ngại không muốn giải quyết. Em đi về thăm mẹ, thăm con cũng bị CA theo dõi bám sát. Viết thư, gọi điện cho người thân cũng không tự do nói được điều mình nghĩ vì bị nghe lén, xem lén. Ngay cả Nicolas lên đây cũng không dám gặp... Sống như thế mà anh bảo là đừng bận tâm, em có phải là gỗ đá đâu.

Quả thật tôi hiểu nhưng không cảm nhận được hết tâm trạng của Yến vì tôi có cách nhìn nhận khác và tôi luôn có cách phản kháng và thích nghi, vô hiệu hóa những khó khăn mình phải chịu đựng dù đôi khi tôi cũng rất khó chịu, như trường hợp không gặp Nicolas.

Nicolas là một chàng thanh niên người Pháp, vị hôn phu của Q. A., cháu chúng tôi. Q. A. là con của anh L. anh của Y. Cháu theo bố mẹ sang Pháp từ năm 8 tuổi, năm ngoái lần đầu tiên cháu về nước, cháu đã 24 tuổi. Cháu vừa tốt nghiệp kỹ sư và đi thực tập trong một công ty xây dựng của Pháp đang hoạt động ở VN. Q. A. là một cô gái rất xinh và có nét hấp dẫn riêng của một thiếu nữ lai mang hai dòng máu. Cháu về VN được vài tháng thì Nicolas cũng tìm cách theo sang, vừa đi du lịch vừa dạy tiếng Pháp cho mấy trường đại học ở SG. Thời gian đó là mùa hè, chúng tôi về SG thăm hai con, ở lại khá lâu, và chúng tôi có nhiều dịp tiếp xúc với hai cháu. Chúng tôi dạy tiếng Việt cho Nicolas và Nicolas dạy lại chúng tôi tiếng Pháp. Chúng tôi, hai con và hai cháu thỉnh thoảng tổ chức đi picnic hoặc đi ăn các món đặc sản bình dân VN.

Nicolas là một chàng trai giản dị, cởi mở và chân thành. Q. A. và Nicolas là đôi tình nhân tự do và lãng mạn làm gợi nhớ thời thanh xuân của chúng tôi. Hai đứa thực ra chưa đính hôn nhưng đã sống chung với nhau và đã từng đi với nhau cùng trời cuối đất, vượt qua mọi thứ rào cản của gia đình, chủng tộc, xã hội. Hai đứa không quan tâm đến chính trị nhưng chống chiến tranh, yêu hòa bình, chỉ muốn tự do sống bên nhau và cùng nhau đi khắp mọi miền của thế giới.

Chúng tôi chỉ tiếp xúc với chúng trong vài tháng nhưng nói chuyện nhiều nên hiểu và yêu mến chúng, chúng cũng tỏ ra rất có thiện cảm với chúng tôi. Có vài việc nho nhỏ làm chúng tôi cảm động. Lần đầu Q. A. lên Ðà Lạt thăm chúng tôi, lúc Nicolas chưa sang, cháu thấy cô Yến nấu bếp củi khói rất nhiều và nấu bếp điện khá nguy hiểm nhưng cháu không nói gì. Lần sau, cháu cùng Nicolas lại lên Ðà Lạt thăm chúng tôi, hai đứa đã vác một cái bếp gaz nhỏ từ SG lên và ra phố đặt mua một bình gaz mang về cho Yến dùng. Trước khi về Pháp, chúng tôi không về SG tiễn chúng được, Q. A. đã gọi điện và viết thư từ biệt chúng tôi, còn nhớ dặn dò cô Yến không được dùng bếp điện nữa. Chúng tôi biết hai đứa tự lập và đi xa nên chi tiêu rất dè xẻn. Q. A. thực tập 6 tháng nên phải mua tạm một chiếc xe Honda cũ để đi, khi Nicolas sang, cháu phải mượn một chiếc xe đạp của hai con tôi để khi cần đi làm việc riêng cho tiện. Chúng không hề mua sắm hoặc ăn tiêu thứ gì xa xỉ. Tiền mua bếp gaz đối với chúng không lớn lắm nhưng việc chúng quan tâm đến Yến một cách thiết thực và chân thành như thế làm chúng tôi thực sự cảm động.

Hè năm nay Nicolas sang VN một mình theo một hợp đồng dạy tiếng Pháp cho mấy trường đại học, trong đó có dạy tại đại học Ðà Lạt. Cháu nhắn chúng tôi, chúng tôi băn khoăn rất nhiều và cuối cùng quyết định nhắn lại là không tiện gặp cháu. Thời gian này chúng tôi đang bị theo dõi sát nút. Gặp Nicolas nhất định cháu sẽ bị điều tra. Về phía chúng tôi, chúng tôi không ngại gì nhưng chúng tôi chỉ ngại Nicolas có thể gặp khó khăn vì cháu có dự định sau này sẽ làm việc lâu dài ở VN cùng với Q. A. Nhà nước này có thể gây phiền phức cho các cháu dù các cháu không làm gì có hại cho ai và cũng muốn góp một phần sức xây dựng đất nước này. Giữa thời đại văn minh mở cửa toàn cầu hóa này, chúng tôi đã không dám gặp người thân khi cùng ở chung trong một thành phố.


Tháng 10/97

Thứ năm 2/10/97

Hôm nay Yến phải đi học chính trị ở trường Ðoàn Kết. Lại học Nghị quyết. Chế độ này có vô số nghị quyết. Nghị quyết này mới ra chưa kịp thực hiện đã có nghị quyết khác. Nghị quyết nào cũng sáng suốt, chỉ tiếc là không làm sao, không ai và có khi là không thực sự muốn thực hiện nghị quyết.

Trường Ðoàn Kết ở đường Phan Ðình Phùng, gần khu vực nhà Quốc, nên sau khi đưa Yến đến trường, tôi đến thẳng nhà Quốc. Ðã hơn 3 tuần tôi mới lại đến Quốc, trong thời gian đó có một lần tôi ghé cửa hàng Thục hỏi thăm. Ðáng lý tôi đến Quốc nhiều hơn nhưng tôi biết mình phải tự chế. Người ta đang theo dõi chúng tôi ráo riết. Nếu chúng tôi không khéo léo, họ sẽ áp dụng biện pháp mạnh hơn nữa và chúng tôi không thể gặp nhau nữa.

Quốc đưa tôi xem biên bản của CA về việc Quốc vi phạm quy chế quản chế hành chính. Việc vi phạm như lần trước Quốc đã kể qua, chính là việc Quốc đã photo quyết định quản chế, đơn khiếu nại và phổ biến các văn bản này. Biên bản còn buộc Quốc phải bảo đảm những người Quốc đã đưa các văn bản đó không được phổ biến tiếp. Thật hết chỗ nói.

Quốc kể một vụ khác cũng thật ly kỳ. Tuần rồi Quốc có nhận được một thư bảo đảm. Khi bưu tá đưa Quốc ký nhận thì 2 CA xuất hiện yêu cầu Quốc không được đọc thư và phải đưa về phường lập biên bản mới được đọc. Quốc phản đối nhưng họ vẫn kiên quyết nên Quốc yêu cầu lập biên bản việc không được đọc thư tại chỗ rồi cùng CA về phường. Tại phường, trước sự chứng kiến của CA, Quốc mở thư ra đọc xong tuyên bố đây là thư riêng rồi cất lá thư vào túi. Lập tức, B-phó trưởng CA/TP xuất hiện bảo Quốc không được cất thư và hỏi thư ai gửi, nội dung gì. Quốc nói đây là thư của Lữ Phương, một người bạn ở SG và nội dung chỉ là chuyện riêng tư (ngoài phong bì tên người gửi là một tên khác. B nói ngay vì Lữ Phương là người có liên quan đến vụ phạm pháp của Quốc nên Quốc không được giữ thư mà phải giao nộp cho CA. Quốc phản đối và tranh cãi với các cán bộ CA cho đến trưa vẫn chưa xong. Ðến giờ Quốc phải đi đón con nên CA hẹn chiều lên làm việc tiếp.

Chiều hai bên lại tiếp tục tranh cãi và cuối cùng CA vẫn cứ lập biên bản thu giữ lá thư của Lữ Phương. Quốc đòi nhưng CA không chịu đưa bản sao của biên bản này viện lý do đây là văn bản của CA nên không thể đưa được(?!) Quốc đành phải đưa ra một giải pháp là Quốc viết văn bản giao nộp lá thư cho CA và CA ký nhận, sau đó Quốc giữ văn bản này làm bằng chứng. CA đồng ý.

Quốc đọc thoáng qua một lần nhưng còn nhớ được nội dung thư của Lữ Phương có mấy vấn đề: Nhiều người biết Quốc hiện nay đang gặp khó khăn và bị bôi nhọ về việc nhận tiền của người ở nước ngoài và về mối quan hệ với con gái Hương Ly. Anh em ở SG biết vụ Quốc bị bắt giữ là do Quốc bị gài bẫy, một số người Quốc tưởng là tốt nhưng lại có mối quan hệ với CA. Lữ Phương khuyên Quốc không nên nhận số tiền của giải thưởng Human Rights Watch dù biết Quốc đang khó khăn mà nhường lại cho người khó khăn hơn vì Quốc đang bị xuyên tạc về vấn đề nhận tiền của nước ngoài. Cuối cùng Lữ Phương chúc Quốc vững vàng, dùng ngòi bút nhà văn khắc họa cho được hình ảnh của chế độ bạo ngược mà Lữ Phương cũng như Quốc đã hiểu biết, chứng kiến từ khi nó khai sinh cho đến lúc tiêu vong.

Chúng tôi nhận định rõ ràng CA đã kiểm tra nội dung thư và việc tịch thu, làm biên bản là một biện pháp chính thức thu giữ vật chứng.

Quốc nói thêm cuối ngày làm việc, sau khi xong vụ tịch thu lá thư, trước khi về, CA phường yêu cầu Quốc ở lại để gặp 2 cán bộ của Bộ Nội vụ ở Hà Nội vào. Ðó là 2 người Quốc đã từng gặp. Câu chuyện ngắn ngủi. Họ nói họ nghĩ sau những việc phiền phức vừa rồi Quốc đã thay đổi thái độ nhưng không ngờ Quốc vẫn như thế. Ðiều này sẽ gây phiền phức thêm cho Quốc thôi. Quốc nói chẳng có gì phải thay đổi cả.

Rõ ràng họ vừa làm vừa thăm dò, muốn ép Quốc từng bước để Quốc phải khuất phục, nhưng cách đó đã không thành công. Ðiều này chứng tỏ sự vững vàng và nhân cách của Quốc.

Tôi nói chuyện với Quốc khoảng một tiếng rồi cáo từ vì Quốc phải đưa Thục đi bán hàng. Quốc nói mới viết xong một truyện ngắn để đưa tôi đọc, nhưng tôi bảo thôi để lúc khác hay để chỗ cửa hàng của Thục hôm nào tôi ra lấy vì lúc tôi vào nhà Quốc, 2 CA đến tận nơi nhìn tôi dựng xe, tôi ngại họ lấy cớ gây phiền phức. Tôi không ngờ tôi không thể đọc truyện ngắn đó của Quốc vì đây cũng là lần cuối cùng tôi gặp Quốc. Chẳng bao lâu sau tôi cũng đã nhận quyết định quản chế và việc đi lại của tôi còn bị khống chế nghiêm ngặt hơn đối với Quốc.


Chủ nhật 5/10/97

Tôi đưa Yến đi nhà thờ rồi đến Tụ. Chuyện Quốc bị tịch thu lá thư của Lữ Phương Tụ đã nghe nhưng không biết chi tiết. Tôi kể lại cho Tụ nghe. Tụ nhận định CA muốn có vật chứng chính thức về lá thư này, tránh trường hợp như trước đây họ ngang nhiên thu giữ lá thư của Hương Ly gởi cho bố và đem ra rêu rao trong các cuộc họp. Việc này đã có phản ứng bất lợi cho họ. Tụ suy đoán thêm sắp tới có thể Lữ Phương cũng sẽ bị rắc rối và than phiền sao các ông này quá lơ mơ, vô tình cung cấp thêm nhiều bằng chứng cho CA. Tụ rất ngại chuyện dây mơ rễ má vạ lây hết người này đến người khác.

© 2006 talawas