© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
15.2.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Tôi bày tỏ
Nhật ký trong những ngày bị quản chế 1996 –1998 (13 kì)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Phần 4: Những ngày đầu bị quản chế

Thứ hai 13/10/97

Tối hôm qua chúng tôi ăn cơm muộn. Vừa ăn xong, khoảng 8g, có tiếng chó sủa rộ ngoài cổng. Tôi không ra xem vì cứ ngỡ đó là khách nhà hàng xóm hay đến vào buổi tối. Chó sủa rất lâu, buộc tôi phải ra. Một CA khu vực và một tổ trưởng bảo vệ dân phố đến. Không phải CA A quen thuộc mà là một CA trẻ mới ra trường, có lần A đã dẫn đến giới thiệu với tôi. Tổ trưởng bảo vệ dân phố là một anh chàng bán quán trong xóm tôi quen mặt, anh ta đeo băng đỏ ở cánh tay có thêu chữ “bảo vệ dân phố” nghiêm chỉnh. Tôi mời hai người vào nhà. CA trẻ gọi tôi bằng bác, có vẻ lúng túng nói: Cháu đã có lần vào đây rồi nhưng ban đêm đến sợ bác không cho vào nên phải cùng đi với anh bảo vệ dân phố. Có cái giấy của CA phường gởi bác. Anh ta đưa tôi tờ giấy triệu tập của CA theo mẫu mà tôi đã nhận được hàng xấp từ trước đến nay, nhưng lần này không phải của CA TP mà của CA phường. Giấy triệu tập yêu cầu tôi 8g sáng ngày mai lên CA phường “làm việc”. Tôi không hỏi nhưng anh ta tự nói: Cháu cũng không rõ nội dung, làm việc gì. Ngày mai bác cứ lên sẽ biết. Anh ta nói linh tinh vài câu rồi kiếu từ.

Từ tuần trước tôi đã quyết định bỏ uống café vào ngày thường, chỉ uống vào thứ bảy, chủ nhật, nhưng hôm nay đặc biệt, tôi pha café và ngồi uống trao đổi với Yến. Chúng tôi cảm thấy khó hiểu đối với lần triệu tập này.

Kể từ 17/9 tôi từ chối không lên CA /TP làm việc, cho đến nay CA đã để tôi yên gần một tháng. Bây giờ là CA phường triệu tập, có phải do họ ngại CA TP triệu tập tôi vẫn không đi sẽ gây phức tạp. CA phường triệu tập lần đầu tôi chưa biết rõ lý do cụ thể buộc tôi phải đi, sau đó tôi mới phản ứng được. CA phường không có chức năng và điều kiện làm việc, điều tra thẩm vấn tôi như kiểu CA TP nên họ sẽ làm việc về vấn đề gì? Về vấn đề an ninh trên địa bàn phường, lâu nay chẳng có gì liên quan đến tôi, nhà tôi cũng không có người tạm trú, tạm vắng bất hợp pháp. Hay có chuyện gì đó của người khác liên quan đến tôi? Hoặc có cán bộ CA cấp trên muốn gặp tôi kiểu không chính thức như họ đã có lần làm với Quốc? Chúng tôi suy đoán nhiều khía cạnh nhưng không kết luận được. Thôi để mai tới đó sẽ tính. Tôi vẫn có câu “Dĩ nhất biến ứng vạn biến” làm cẩm nang rồi.

Sáng nay 8g kém 15 tôi lấy xe đi. Vừa ra khỏi hẻm đã thấy một gã theo dõi tôi biết mặt đậu xe bên kia đường. Việc này hơi lạ vì lâu nay họ vẫn theo dõi từ xa, nhưng tôi không thèm để ý. Tôi đã không đếm xỉa đến chuyện bị theo dõi.

Ðến trụ sở CA phường, tôi thấy nhiều người dân đang đứng đợi ngoài sân, chờ giải quyết công việc. Cán bộ CA còn đóng cửa họp, có lẽ giao ban đầu tuần. Tôi dựng xe lấy cuốn sách mang theo ra đọc. Ðợi khoảng 15 phút, bỗng S, CA TP, người vẫn thẩm vấn tôi lâu nay đến. Anh ta dựng xe gần chỗ tôi, chào và nói: Sao lần trước anh không đến? Tôi nói tôi đã giải thích cho anh rồi. S bảo tôi đợi rồi đi vào trong. Khoảng 5 phút sau, A- CA khu vực ra mời tôi vào một căn phòng nhỏ bên trong. Phòng có xa lông, tivi, có lẽ là nơi tiếp khách, nghỉ ngơi giải trí của cán bộ CA phường.

Làm việc với tôi, ngoài S và A còn có W, phó trưởng CA phường, mang cấp bậc thượng úy. Sau khi nói chuyện xã giao, S tuyên bố bắt đầu làm việc và nói: Báo cáo với anh Cự, hôm nay cơ quan CA phường thay mặt chính quyền địa phương mời anh đến để tống đạt quyết định quản chế hành chính đối với anh của UBND tỉnh. Ðây là việc làm theo lệnh của cấp trên.

Cả cách nói và nội dung đều làm tôi hơi ngạc nhiên và bất ngờ. Tống đạt quyết định quản chế mà lại “báo cáo” với tôi và chuyện quyết định quản chế, chúng tôi có nghĩ nhưng phớt qua vì cho rằng nếu công bố quyết định này họ sẽ làm tại CA TP như đối với Quốc hoặc làm tại trụ sở UBND phường. Tuy nhiên tôi không sửng sốt hoặc bị sốc khi nghe tin này vì đã từ lâu, tôi vẫn dự đoán chuyện đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

W đưa cho tôi một bản quyết định. Tôi đọc lướt qua, tương tự như quyết định đối với Quốc. Có mấy chi tiết không chính xác nhưng tôi không muốn đính chính. Quyết định ghi tôi có tên khác là Tiêu Dao, Trường Sơn Ca (trong khi đây là bút hiệu), tôn giáo Thiên Chúa giáo (trong khi tôi vô tôn giáo hay đa giáo cũng được) và trình độ văn hóa là 12/12.

S làm biên bản tống đạt quyết định theo mẫu có sẵn. Quyết định ký ngày 10/10/97, giao cho tôi lúc 8g30 sáng ngày 13/10/97 và quy định 5 ngày sau là hạn chót kể từ khi nhận quyết định tôi phải đến trình diện tại UBND phường để bắt đầu chấp hành quyết định. Như thế tôi còn tự do đến 8g30 ngày thứ bảy 18/10/97.

Sau khi ký xong biên bản, S hỏi tôi có ý kiến gì không. Tôi hỏi lại S có phải quyết định này là do tôi chống lệnh triệu tập của CA lần trước, S nói không phải. Vậy tại sao tôi không có quyết định cùng lúc với Quốc? S nói đây là do quá trình nghiên cứu xử lý. Tôi hỏi để thăm dò thôi vì tôi hiểu S không dám nói thật, hoặc quả tình không biết về chuyện này vì đây là chỉ đạo của cấp trên.

Tôi nói thêm: Quản chế hành chính chỉ quản chế được hành vi, đi lại chứ không thể quản chế được tư tưởng con người. Nhà nước này có CA, quân đội, nhà tù, có quyền lực nên tha hồ quyết định, nhưng tôi cho biện pháp này chẳng hay ho gì. Cả ba cán bộ CA làm thinh trước ý kiến này. Một lúc sau, S nói: “Chúng tôi yêu cầu anh không được photo và phổ biến văn bản quyết định này. Nếu anh làm sẽ bị phiền phức.” Ðây là một việc hết sức vô lý họ đã làm với Quốc mà tôi đã biết. Tôi không muốn phản đối và tranh cãi lúc này nên chỉ nói mỉa: “Ðáng lý Nhà nước phải công bố rộng rãi quyết định này mới phải chứ. Sao lại giấu đi”. S cố chống chế: Nhà nước đã phổ biến cho các cơ quan chức năng có liên quan. Tôi hỏi S: “Tôi bị quản chế, đây là một sự việc quan trọng đối với tôi, không lẽ Nhà nước cấm cả tôi thông báo cho gia đình, bạn bè hay sao”. S nói: “Anh có thể cho xem quyết định, nói chuyện, viết thư, gọi điện để thông báo nhưng không được photo gởi văn bản”.

Thì ra họ vẫn sợ một bằng chứng cụ thể về việc làm “đúng đắn” của mình, thực chất là một việc hoàn toàn phi dân chủ, phi chính nghĩa và vi phạm nhân quyền. Dù có sức mạnh quyền lực, đây vẫn là chỗ yếu chí tử của họ. Tôi nói thêm: “Thực ra tôi đâu cần gì photo văn bản. Bây giờ là thời đại thông tin. Có điều gì giấu giếm mà rồi ra mọi người không biết đâu.

Chúng tôi nói chuyện khác linh tinh thêm một lúc. W nói: Ðôi khi em muốn xuống thăm nhà anh nhưng ngại anh cho CA dò xét nên không đến. A chen vào: Hay hôm nào đi nhậu đi.

W đã có mấy lần gặp tôi, kể cả lần đầu khi CA TP đến tịch thu tài liệu máy vi tính tại nhà tôi lúc nửa đêm, hồi cuối năm ngoái. Lần nào nói chuyện với tôi cũng tỏ ra lễ độ. Có lẽ anh ta biết tôi từ trước chăng? Một số CA khi tiếp xúc với tôi đã gọi tôi là “tiền bối cách mạng”. Dù sao một số học trò và thuộc cấp cũ của tôi nay đã là CA cấp tá và nhiều cán bộ CA tuổi trên dưới 40 đối với tôi đều là “hậu bối”. May ra vẫn còn một số người đối với tôi vẫn có đôi chút kính trọng.

Tôi về nhà. Yến đang ở trường. Căn nhà vắng lặng. Tôi mở cửa ngồi nhìn ra vườn hút một điếu thuốc và tự dưng cảm thấy hơi buồn buồn. Vậy là trong vòng 2 năm nữa tôi sẽ bị giam lỏng ở đây. Tôi không thể chống lại chuyện này vì Nhà nước có CA, quân đội và nhà tù. Tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé. Dĩ nhiên tư tưởng là chuyện khác. Nhưng phải chăng đây là định mệnh, cái giá phải trả của những người như tôi. Có lần Hồ Hiếu nói với tôi: Chúng ta là những người đi giữa hai lằn đạn, bên nào cũng bắn. Riêng tôi, trong chế độ cũ tôi đã ở tù, bây giờ “chính quyền cách mạng” lại giam lỏng tôi. Nhiều bạn bè đã lạnh nhạt hoặc xa lánh tôi vì những việc tôi đã làm. Tôi là kẻ không biết tùy thời, suốt đời phản kháng. Và những kẻ nắm quyền lực, từ xưa đến nay, bất kể đông tây, CS hay TB, chủ yếu vẫn là củng cố quyền lực, còn chuyện lý tưởng vì dân vì nước chỉ là thứ yếu và là ngôn từ trên giấy hoặc đầu môi chót lưỡi. Tôi đã lỡ dấn thân vào con đường đối kháng với quyền lực là đã tham dự vào một trò chơi chí mạng, trong đó phần thiệt thòi nhất định thuộc về mình. Dù sao tôi không có chọn lựa nào khác.

Tôi đi đón Yến ở trường về và thông báo cho Yến chuyện bị quản chế lúc đang chạy trên đường vì Yến sốt ruột hỏi ngay. Yến tức giận la lên: “Thật là bỉ ổi! Vậy mà cứ rêu rao là tự do dân chủ”.

Chúng tôi về nhà xem kỹ lại quyết định quản chế. Lý do là vi phạm điểm a và c, khoản 1 của điều 82 Bộ luật hình sự. Như vậy so với Quốc, tôi hơn điểm a tức “tuyên truyền xuyên tạc chế độ XHCN”. Chủ tịch UBND Tỉnh ký quyết định số 1511/QÐ UB ngày 10/10/97 theo đề nghị số 615/UB ngày 24/9/97 của Chủ tịch UBND TP ÐL và tờ trình số 02/TT.HÐTV ngày 05/10/97 của Hội đồng tư vấn về việc quản chế hành chánh.

Như vậy chuyện này xảy ra sau ngày 17/9, tức ngày tôi bắt đầu chống lệnh triệu tập của CA TP. Hơn nữa từ khi Quốc bị quản chế, tôi vẫn lui tới thăm Quốc và Tụ. Có lẽ ngoài những lý do ở tầm vĩ mô liên quan đến tình hình chung, sau một thời gian thăm dò, CA thấy tôi có thái độ cứng đầu, không chịu khuất phục, nếu để tôi tự do đi lại sẽ bất lợi nên họ đã quyết định trói chân tôi. Chúng tôi đã bàn cần phải hết sức thận trọng sau chuyện Quốc, nhưng tôi chỉ có thể tự chế ở mức độ, tôi không thể tự cầm tù mình trước sức ép phi lý. Và tôi đã phải trả giá. Tôi chấp nhận sự trả giá này.


14/10/97

Chiều 13/10 và sáng 14/10, tôi phải mất 2 buổi đi làm thủ tục việc cấp giấp chứng nhận sở hữu nhà đất vì phường thông báo yêu cầu mọi gia đình phải làm trong thời gian quy định. Tôi có 5 ngày tự do và tôi chẳng có gì vội vàng. Tôi dự định đi một vòng thăm khắp lượt bạn bè vì trong 2 năm tới tôi sẽ không đi được.

Gần trưa ngày 14/10, sau khi làm xong giấy tờ chuyện nhà đất, tôi quyết định đi đến Quốc. Nhà Quốc ở sau trụ sở cơ quan CA tỉnh, chung quanh toàn là nhà CA. Từ dưới dốc đi lên con đường độc đạo dẫn vào nhà Quốc, tôi đã thấy có một gã đang đứng bên cạnh chiếc Honda dựng bên lề đường. Thấy tôi vừa tới, gã bước ra giơ tay chặn lại và hỏi: Anh đến nhà anh Quốc phải không. Tôi gật đầu. Anh ta bảo: Anh Quốc đang bị quản chế hành chính, không ai được đến thăm. Anh quay lại đi. Tôi phản ứng ngay: Vô lý! Quản chế hành chính chỉ cấm anh Quốc không được đi ra khỏi phường chứ đâu cấm người khác đến thăm. Gã vẫn khăng khăng: Anh không được đến. Tôi nổi giận: CA cũng phải tôn trọng luật pháp chứ, đâu phải muốn làm gì thì làm. Gã nói: Vậy đó. Anh thắc mắc cứ việc đi khiếu nại.

Ðúng là chế độ CA trị, CA đứng trên luật pháp. Ðáng lý tôi phản ứng mạnh nhưng cố tự kềm chế. Chỗ này hơi xa nhà Quốc, Quốc không thể biết để ra chứng kiến và tiếp ứng tôi. Mặt khác còn mấy ngày nữa tôi có nhiều nơi phải đi, nhiều việc phải làm. Tôi chưa muốn gặp rắc rối ở đây. Tôi lẳng lặng quay xe lại.

Tôi đến quán nhà Tụ, không thấy ai chặn. Chị Biên gọi Tụ lên và 2 người ngồi nói chuyện với tôi. Biên nói trước về việc Thục, vợ Quốc, mất chỗ bán hàng ngoài phố cách đây mấy hôm. Nguyên Thục thuê lại một phần cửa hàng của vợ chồng Nghiêm Sĩ Thái, một người bạn (Thái cũng thuê của người khác). Lâu nay vợ chồng Thái buôn bán ế ẩm, tiền thuê quá đắt, lại bị cắt điện thoại vì có vợ Quốc bán hàng, do đó phải trả lại nhà. Riêng Thục thuê không nổi vì chỉ mấy mét vuông chưng bày búp bê đã mất 8000.000đ/ tháng tiền nhà, chưa kể thuế má. Cũng có thể do CA tác động chuyện này. Chúng tôi biết rõ trước đây đã có lần CA yêu cầu vợ chồng Thái không cho Thục thuê, nhưng vợ chồng Thái không đồng ý. Thái xin bắt lại điện thoại CA không cho. Tụ bình luận: Vụ này thật tai hại. Thục mất chỗ làm ăn và Quốc cũng mất luôn chỗ lui tới, liên lạc, vì cửa hàng này ở ngay khu phố chính rất thuận tiện. Như thế CA vừa đánh vào kinh tế vừa cắt đường liên lạc của Quốc.

Tôi thông báo chuyện tôi bị quản chế. Tụ và Biên đều có vẻ sửng sốt và lo ngại. Tụ hỏi tôi lý do. Tôi nói suy đoán của mình. Tụ đồng tình và phân tích thêm: Trong thời gian này phải cố giữ để đỡ thiệt hại và bảo toàn sức lực. CA có nhiều phương án và họ có thể làm mọi chuyện. Trong tình hình hiện nay, Nhà nước coi nặng việc củng cố quyền lực, chuyện giữ bộ mặt dân chủ chỉ là thứ yếu. Do đó, sắp tới hội nghị Francophone mà họ vẫn cứ làm, kể cả vụ Nguyễn Hoàng Minh, tổng biên tập báo Doanh nghiệp mới bị truy tố ra tòa vì tội “tiết lộ bí mật quốc gia” do đăng loạt bài tố cáo tham nhũng liên quan đến chuyện Hải quan mua tàu cao tốc.

Tụ còn nói: Tới mức này cũng còn cần phải tự kềm chế vì tùy thái độ của ta mà họ sẽ dừng lại hay dấn thêm nữa. Tôi nói về mức độ kềm chế và chuyện chấp nhận trả giá. Tụ nhăn trán một lúc lâu và giọng anh đầy cay đắng: Tôi hiểu chuyện đó nhưng kềm chế được vẫn tốt hơn dù đối với tôi cũng có giới hạn. Tuy nhiên cần chú ý là nếu họ không đấm được ta trên sân khấu thì sẽ đâm chết ta trong hậu trường, nên khi bị đấm ta phải kêu đau thật to, dù có thể ta không đau lắm. Vừa qua tôi không đến thăm Quốc vì tôi nghĩ trong hoàn cảnh này, ngồi uống với Quốc chén rượu cũng chẳng thấy thú vị gì. Vấn đề cần là thông tin cho nhau những việc quan trọng mà thông tin có nhiều cách, không nhất thiết phải gặp nhau. Còn cái gọi là tình cảm hay tình bạn gì đó đành phải hi sinh.

Tụ suy nghĩ một lúc rồi nói thêm: Hồi ở Hà Nội, lúc mới bị bắt đưa lên xe đi, tôi nghĩ chuyến này chắc sẽ đi luôn, không về nhà được nữa nên định nếu chết sẽ chết một cách oanh liệt. Tuy nhiên sau đó tôi nhận định tình hình thấy khác đi nên tôi đã điều chỉnh thái độ. Hiện nay người ta vẫn bám tôi rất sát. Có người đến nói với tôi: Nhà nước này vững chắc lắm, anh đừng tìm cách lật đổ nữa vô ích. Tôi phản ứng mạnh: Tôi có định lật đổ bao giờ đâu mà anh bảo tôi đừng làm nữa. Nếu ai tự dưng bảo anh đừng ăn cắp nữa, anh có đập vào mặt họ không.

Tôi hiểu không phải Tụ tìm cách biện minh. Tụ đã chịu đựng nhiều hơn chúng tôi và sắp tới Tụ vẫn có thể bị làm phiền nữa. Tụ muốn được an toàn để dành sức lực cho ngòi bút và đó mới là công việc chính, là sứ mạng của anh.

Tôi phải về đi đón Yến nên không ngồi với vợ chồng Tụ được. Vợ chồng Tụ chúc tôi bình an và cố giữ gìn sức khỏe.

4g chiều 14/10, tôi chở Yến đi hỏi mua cá con về nuôi. Vườn tôi có một ao nhỏ do bố con tôi tự đào đã lâu để giữ nước tưới cây. Mấy năm trước tôi có nuôi cá nhưng từ năm ngoái, sau khi vét ao, chúng tôi ăn chay nên không nuôi nữa. Năm nay thấy nước ao nhiều, chúng tôi định thả ít cá để khi nào các con ở xa về câu cho vui.

Trại cá giống ở khu vực phía sau nhà Quốc. Hai gã theo dõi bám riết và chắc ngạc nhiên thấy tôi đi ngang đường gần nhà Quốc nhưng không vào mà lại đi sâu vào trong, xuống một con dốc đá sỏi lổn nhổn rất khó đi. Khu vực này khá hẻo lánh và từ lâu lắm chúng tôi không có dịp đi lại. Chúng tôi cười thầm vì nghĩ chắc hai gã theo dõi rất ngạc nhiên và suy đoán không biết chúng tôi đi gặp ai trong xó xỉnh này. Yến xuống đi bộ và vẫy tay “chọc quê” hai gã đang theo dõi cách một khoảng xa. Chúng tôi hỏi thăm, người trong trại cá cho biết họ chỉ bán cá vào buổi trưa vì lúc đó mới có người làm. Chúng tôi đi theo một con đường khác trở ra cũng rất khó đi, và hai gã vẫn bám theo.

Chúng tôi quyết định vào nhà hàng Thủy Tạ uống cà phê. Hai gã theo dõi lượn lờ bên ngoài. Theo chúng tôi, Thủy Tạ là nơi duy nhất hiện nay có không khí và đặc trưng Ðà Lạt, ít ồn ào và ngồi tương đối thoải mái. Thủy Tạ nằm ven hồ Xuân Hương, trước khách sạn Palace, là một công trình xây dựng nhỏ bé nhưng duyên dáng từ thời Pháp thuộc, mới được tu sửa nâng cấp gần đây. Phong cách tiếp đãi của nhà hàng khá văn minh, lịch sự, luôn có nhạc êm dịu, có hoa trên mỗi bàn. Buổi tối từng ngày có chương trình biểu diễn piano và nhạc dân tộc.

Thủy Tạ là nơi chúng tôi có nhiều kỷ niệm. Ngày mới về với nhau gần 30 năm trước, trong những ngày trăng mật muộn, chúng tôi đã nhiều lần ngồi với nhau nơi đây thưởng thức sương mù, khí lạnh trên mặt hồ bên ly café sóng sánh vàng bốc khói. Thỉnh thoảng khi có dịp kỷ niệm sinh nhật hay ngày về với nhau hoặc các con ở xa về, chúng tôi vẫn ra đây ngồi uống café. Lần này chúng tôi quyết định đến đây để thưởng thức lần cuối, một nơi dễ chịu, nhiều kỷ niệm trước khi mất tự do trong hai năm tới.

Toàn thể cán bộ, nhân viên nhà hàng và vài người khách đang tập trung ngồi trước TV xem bóng đá. Ðây là một dịp đặc biệt vì tối nay có 2 trận VN gặp Philippin và Lào gặp Malaysia, kết quả sẽ quyết định đội tuyển Việt Nam có được vào bán kết hay không trong các cuộc so tài ở SEA Games 19 đang diễn ra ở Indonesia. Chúng tôi chọn một bàn khuất ở góc, nơi chúng tôi thường ngồi; chỗ này không nhìn thấy màn hình TV. Chúng tôi vào đây để thưởng thức café và nói chuyện chứ không phải để xem bóng đá.

Chúng tôi lại nói chuyện chung quanh việc tôi sắp bị quản chế. Câu chuyện chúng tôi thường bị cắt ngang bởi tiếng la ó của những người đang theo dõi bóng đá. Một nhân viên nhà hàng cứ vung tay và nhảy loi choi không ngớt. Một số khác đập bàn gào lên khi có những pha gay cấn. Tất cả đều say mê theo dõi và phấn khích với diễn biến của trận đấu. Thời gian này cả nước đều xem bóng đá. Dân Việt Nam thuộc loại say mê môn “thể thao vua” và Nhà nước tạo mọi điều kiện đáp ứng nhu cầu này của người dân. TV tường thuật trực tiếp tất cả các trận đấu, dừng hoặc hoãn lại các chương trình khác, kể cả chương trình thời sự luôn được coi trọng hàng đầu để nhường chỗ cho bóng đá. Các báo thời gian này đều ra phụ trang đặc biệt về SEA Games 19. Nhà nước này quả biết tận dụng các hoạt động thể dục thể thao và phương tiện thông tin đại chúng để hướng dẫn tâm lý quần chúng, vượt xa cách làm của thực dân đế quốc trước đây.

Tôi nhìn những người đang hò reo trước màn hình và ngẫm nghĩ. Ðây đúng là dịp cho họ giải tỏa ức chế. Chỉ những lúc như thế này họ mới được tự do bộc lộ cảm xúc của mình, còn bình thường ai cũng phải căng thẳng vì đủ mọi chuyện cơm áo, việc làm, cạnh tranh, o ép từ đủ mọi phía. Họ hoàn toàn khác chúng tôi, và có lẽ cả thành phố này không ai giống chúng tôi cả. Trong khi mọi người đều say mê theo dõi đường lăn của quả bóng thì chúng tôi ngồi đây, giữa tiếng ồn ào và bầu khí phấn khích, nhưng lại hoàn toàn tách biệt để ưu tư về việc mình sắp mất tự do. Có một cái gì như hư như thực, phi lý và cay đắng trong buổi uống café tạm biệt Thủy Tạ này của chúng tôi.

Lúc chúng tôi sắp ra về, khoảng hơn 7g tối, hai người ngồi câu cá ở bờ hồ gần nhà hàng đã thu dọn đồ nghề ra về nhưng một người khác lại đến thế chỗ. Nơi đó chỉ cách chúng tôi ngồi hơn 5m, qua cửa kính có thể nhìn chúng tôi rất rõ. Yến nhìn người mới đến câu một lúc rồi suy đoán đó là CA theo dõi, muốn tiếp cận để biết rõ chúng tôi vào đây có tiếp xúc với ai không. Có thể như thế thật, dù tôi không rõ CA ở đây có làm nghiệp vụ kiểu này như cảnh sát Hồng Kông trong các phim chúng tôi thường xem không. Dù sao “hội chứng CA” của Yến ngày càng nặng. CA có mặt khắp mọi nơi, mọi lúc chung quanh chúng tôi, như những bóng ma khi ẩn khi hiện. Nếu thần kinh không vững quả khó sống trong hoàn cảnh này.

Như mọi lần, hai gã theo dõi bám chúng tôi về tận nhà.


15/10/97

Buổi sáng Yến đi dạy, tôi ở nhà. Chiều tôi chở Yến đi một vòng thăm vài người quen, bạn bè bình thường.

Hôm nay các đài báo đều đưa tin, bài về việc đội tuyển bóng đá VN được vào bán kết sau trận đấu Lào thắng Malaysia 1-0 tối hôm qua (Do cách tính điểm nên việc đội tuyển VN được vào bán kết hay không tùy thuộc kết quả trận này).

Tất cả mọi từ ngữ khích động nhất đều được vận dụng trong dịp này. Tôi liếc qua tựa đề và các tựa nhỏ của một bài báo: “Ðêm trắng-Hạnh phúc: Hà Nội ầm ầm rung. Ban Mê Thuột rộn tiếng cồng chiêng. Ðà Nẵng xôn xao. Ðà Lạt lộng gió cao nguyên. Rạo rực Sài Gòn”. Các bức ảnh cờ VN và Lào trên đường phố Sài Gòn, một góc đường đông nghịt người hâm mộ bóng đá diễu hành... Rồi màn hình TV giới thiệu hình ảnh và các cuộc phỏng vấn chớp nhoáng người hâm mộ trên các đường phố Hà Nội với màu sắc và âm thanh ầm ào sôi động, những khuôn mặt tươi cười hớn hở, cả những bộ điệu lố lăng cà chớn...

Ðây là niềm vui chiến thắng, là danh dự quốc gia, là tình hữu nghị Việt - Lào, là gì gì nữa... Tôi khó lòng chia sẻ được tình cảm của đám đông. Phải chăng tôi là kẻ cô đơn, tự mình đứng bên lề dòng cuốn. Có một cái gì phi lý vẫn cứ diễn ra trong đời sống này, trên đất nước này. Và đất nước trong tôi vẫn chỉ là một niềm đau nhức khôn nguôi.


16/10/97

Sáng nay Yến dạy 3 tiết đầu. Tôi đi đón Yến về và chuẩn bị đi mua cá thì bà Hiệu phó trường Yến đến. Bà nói đến kiểm tra phòng ốc để cấp giấy phép dạy thêm như bà đã hứa. Việc này bà nói đã lâu nhưng bây giờ mới làm. Trong việc dạy thêm, năm nay trường yêu cầu giáo viên phải làm đơn xin phép, trường kiểm tra xong, cấp giấy phép mới được dạy và phải nộp quản lý phí cho trường 10% dù dạy ở nhà mình, không hao tốn một chút gì của nhà trường. Yến làm đơn đã hơn một tháng nhưng không thấy nhà trường nói gì, trong khi nghe một số giáo viên khác đã được cấp giấy phép. Có lần Yến hỏi, Hiệu trưởng bảo đối với Yến hiện nay giải quyết gì cũng phải xem xét kỹ. Yến đã nổi sùng lên. Thực ra từ trước Hiệu trưởng trường vẫn đối xử tử tế với Yến, nhưng gần đây có lẽ do CA tác động mạnh nên anh ta tỏ ra dè dặt. Có lần anh ta nói nửa đùa nửa thật: Cô Yến đi đâu cũng có CA theo dõi. Khi cô Yến vào văn phòng, nhân viên văn phòng phải xem chừng cô Yến có dùng điện thoại gọi ra nước ngoài không. Chuyện đó làm Yến rất khó chịu. Chưa kể Yến biết rõ một số giáo viên là Đảng viên được phân công theo dõi Yến trong trường.

Bà Hiệu phó xem qua loa phòng ốc, nói chuyện đôi câu rồi cáo từ vì thấy chúng tôi đang chuẩn bị đi. Trước đây chúng tôi nghĩ có thể nhà trường do sức ép của CA không cấp giấy phép dạy thêm cho Yến để gây khó khăn về kinh tế cho chúng tôi. Tôi hoàn toàn không muốn và Yến cũng rất mệt mỏi, nhưng nếu dạy thêm khoảng 20 học sinh thì Yến có thêm thu nhập gần bằng tiền lương.

Năm nay tôi cố thuyết phục Yến đừng dạy thêm. Tôi nói tôi sẵn sàng chịu cắt giảm tối đa mọi chi phí để đỡ tốn kém. Nhu cầu cơ bản của con người là ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí. Tôi chỉ có mục “ăn” là tốn kém, còn ngoài ra không phải chi phí gì. Mặc toàn quần áo cũ của mình và của các con, không mua sắm đồ mới. Nhà ở không tốn tiền, không cần sửa chữa dù nhà gỗ cũ kỹ xây dựng từ hơn 40 năm. Quản chế khỏi phải đi lại. Học hành chữa bệnh tự mình làm. Vui chơi giải trí không cần thiết. Chỉ còn café, thuốc lá tốn đôi chút nhưng cũng có thể bỏ. Nếu cần thiết tôi có thể ăn gạo lứt muối mè, vừa chữa bệnh vừa giữ gìn sức khỏe và không mấy tốn kém. Chúng tôi chỉ tự lo cho mình, các con đã tự lập được, chúng tôi khỏi lo và thỉnh thoảng chúng còn gởi tiền giúp bố mẹ. Tuy tằn tiện nhưng hàng tháng hai chúng tôi cũng phải chi tiêu khoảng 1 triệu đồng. Ðây là số tiền không phải dễ kiếm đối với chúng tôi. Tính tôi hầu như không quan tâm đến tiền bạc nhưng đây lại là một nỗi ám ảnh đối với Yến khi tính toán tiêu pha hàng ngày. Ðôi khi chúng tôi tranh cãi và bất hòa về chuyện này do cách nghĩ khác nhau và tôi quá vô tâm.

Chúng tôi đi mua cá hết gần 2 giờ, quá trưa mới về. Chúng tôi mua 100 cá trắm con mất 20.000đ, một ký hai loại cá rô phi và cá chép giá 40.000đ, một ký khoảng 30 con, vì loại cá này hơi lớn nên người ta bán ký thay vì bán con. Người bán cho vào bịch ni lông, bơm khí ôxy buộc chặt và chúng tôi đem về thả an toàn. Hai gã theo dõi vẫn kiên trì làm nhiệm vụ nhưng tôi không muốn chú ý đến họ nữa.

Buổi chiều hơi mệt nên chúng tôi ở nhà. Tôi xem truyền hình bóng đá trận bán kết VN gặp Thái Lan. VN thua Thái Lan 1-2. Như vậy chỉ còn hi vọng dành huy chương đồng. Dân ghiền bóng đá chắc hết ngây ngất, nôn nao.


Thứ sáu 17/10/97

Yến đi dạy suốt buổi sáng. Tôi đi một mình, định đến gặp Tấn, Hải, Lĩnh, sau đó sẽ đến Quốc lần nữa.

Tôi đến Tấn trước. Tấn ngạc nhiên khi nghe tôi báo tin bị quản chế. Tấn cho biết báo Thanh Niên tuần rồi có 2 bài đăng vụ Thái Bình khá rõ, nói chi tiết ngày tháng, bao nhiêu ngàn người biểu tình kéo lên huyện, lên thị xã, bắt cán bộ xã giải đi hỏi cung như thế nào. Tấn nói thêm một số nguồn tin cho biết tình hình ở Thái Bình lây lan sang Hải Hưng, Nam Ðịnh và cả Hà Nội nên Nhà nước rất lo ngại. Tấn lưu ý thời gian chúng tôi chúng tôi bắt đầu bị bao vây ngăn chặn từ cuối tháng 4/97 trùng với thời gian phát sinh vụ Thái Bình nên chắc có mối liên quan trong cách xử lý của Nhà nước.

Tấn thông tin thêm báo chí mới đăng việc Hun Xen của Campuchia có con đi học ở trường quân sự West Point của Mỹ. Con một số cán bộ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng được đưa đi Mỹ học. Như vậy lãnh đạo CS hiện nay chẳng khác gì những người cầm quyền ở miền Nam trước đây. Tất cả đều là những kẻ độc tài ra sức ôm giữ địa vị, dựa dẫm nước ngoài và khi cần có thể bán rẻ tất cả. Tôi nhớ qua nhiều lần chúng tôi nói chuyện, nhiều người đã nhận định, những kẻ vẫn lên án chúng tôi là phản động, tay sai nước ngoài, đến một lúc nào đó, chính họ sẽ nhảy ra bắt tay ngoại bang, ôm chân đế quốc trước hơn ai hết. Và đến lúc đó, chúng tôi cũng vẫn bị xem là phản động. Ðất nước không phải của nhân dân, của những người yêu nước mà là của riêng của bọn độc tài.

Tôi hỏi Tấn có thể gọi điện báo cho Lĩnh đến nói chuyện được không vì tôi ngại không muốn đến nhà Lĩnh. Tấn nói được và bảo ngồi chơi một lúc đã. Sau đó Tấn xin lỗi phải chở Loan, vợ Tấn đi dạy mất khoảng 15 phút và nói khi về sẽ ghé báo Lĩnh luôn vì Tấn không muốn gọi điện. Tôi nói trong khi Tấn đi tôi sẽ ra gặp Hải, nhà ở phía trước gần đó. Tuy nhiên vì người nhà bảo Hải đi chưa về nên tôi quay vào nhà Tấn đọc báo chờ.

Khoảng 20 phút sau, Tấn về, sau đó Lĩnh tới. Cả hai nói khi đi đều có người theo dõi. Lĩnh bảo tôi đưa cho xem quyết định quản chế và biên bản tống đạt. Tôi bảo tôi không photo và Lĩnh nói cũng không cần thiết. Phân tích lý do tại sao họ quyết định quản chế tôi vào thời điểm này, Lĩnh đồng ý có phần do thái độ cứng đầu, việc chống lệnh triệu tập của tôi, nhưng phần khác do tình hình chung và cách làm từng người để rút kinh nghiệm của CA. Lĩnh cũng phân tích vụ Thái Bình, tình hình tôn giáo và một nguồn tin cho biết có một Đảng Dân chủ Xã hội gì đó mới được thành lập ở miền Bắc. Có lẽ CA hoài nghi đã hoặc sẽ có sự liên kết giữa các lực lượng này nên ra sức ngăn chặn. Lĩnh cũng nói một người quen thuật chuyện cựu bí thư tỉnh ủy LÐ vừa rồi có gặp TBT Ðỗ Mười và TBT nói đại ý: Thà ta ngăn chặn trước ở các địa phương còn hơn phải đối đầu với một Thiên An Môn như Trung Quốc. (Việc này do chính cựu bí thư tỉnh ủy kể lại).

Như thế rõ ràng Đảng đánh giá tình hình chung là nghiêm trọng nên không ngần ngại thẳng tay khi thấy cần thiết.

Tôi kể việc hôm kia đi gặp Quốc bị chặn. Lĩnh nhận định đó là do CA muốn chặn riêng tôi. Quy chế quản chế hành chính không cấm người khác đến thăm, nhưng vì quy định người bị quản chế phải chịu sự quản lý giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương nên họ tha hồ vận dụng. Luật lệ của VN rất mù mờ và họ muốn giải thích sao cũng được.

Trườc khi ra về tôi dặn hai người nếu có tin gì cần thiết tìm cách nhắn cho tôi, còn việc bạn bè có đến thăm tôi tùy tình hình, lúc nào thuận tiện đến, không thì thôi, tôi không trách.

Vì đã muộn và cũng do ý kiến phân tích của Lĩnh có lý nên tôi không đến Quốc nữa mà ra chợ mua cơm chay rồi về nhà luôn.

Chiều nay, 17/10/97 chiều cuối tuần còn được tự do, tôi đưa Yến đi mua hoa đến viếng tượng Ðức Mẹ ở Nhà thờ Con Gà rồi sau đó đi uống café. Chúng tôi vào quán Valentine, đối diện phía cổng chính của khách sạn Palace. Ðây là quán chúng tôi đã vào vài lần, không khí tạm được. Quán có vách kính 4 bề, mặt sau nhìn ra hướng núi và thung lũng phía nam thành phố, mặt trước hướng ra đường. Hai gã theo dõi, một gã xuống xe rình rập đâu đó, gã kia lượn qua lượn lại trước đường. Tôi ít để ý nhưng Yến luôn thấy họ nên nhiều khi ăn uống mất ngon.

Chúng tôi lại nói chuyện quản chế. Yến sợ tôi chịu đựng không nổi vì hai năm khá dài và chắc sẽ rất ít, thậm chí không có ai đến thăm tôi trong suốt thời gian đó. Tôi nói tôi chịu được vì tôi có khả năng vô hiệu hóa sự cô lập này. Tôi có nhiều việc phải làm: trồng cây hoàn chỉnh khu vườn, viết một cuốn tiểu thuyết, đọc sách tâm linh, ôn và học thêm ngoại ngữ. Và thiền nữa. Tôi nói đùa tôi sẽ tu thành chánh quả, ngồi ở nhà nhưng câu thông được với Ðấng Tối Cao, hiểu biết được tình hình của toàn thế giới. Thực tình trước mắt tôi không hề thấy căng thẳng. Tôi đã sống gần như ẩn tu mấy năm, và gần một năm qua tôi đã bị bao vây cô lập. Tôi đã gần gũi và cảm thông với trời xanh, ánh nắng, hoa lá, đất đá nhiều hơn với con người.

Chúng tôi ngồi quán cho đến khi trời sập tối. Hàng đèn bên khách sạn Palace và đèn xe xuôi ngược bên ngoài phản chiếu dao động qua cánh cửa sổ kính mờ nghiêng nghiêng, tạo nên một khung cảnh huyền ảo. Quán khá vắng. Tiếng nhạc không lời đắm đuối dịu dàng. Chỉ có Yến và tôi bên nhau trong đêm tự do cuối cùng này. Bắt đầu ngày mai tôi sẽ là tù nhân bị giam lỏng.

Rời quán café, tôi đưa Yến ra chợ ăn bánh xèo rồi chạy một vòng quanh khu Hòa Bình trước khi ra về. Con đường quanh hồ Xuân hương quen thuộc vắng lặng. Vài vì sao lẻ loi trên nền trời đen thẳm. Mặt hồ lao xao lấp loáng ánh nước phản chiếu những vệt đèn đường run rẩy. Yến bảo tôi chạy chầm chậm.

Chào tạm biệt. Hai năm nữa tôi sẽ không đi qua những con đường, những góc phố quen thuộc gần gũi nữa, dù nơi tôi ở không cách xa là mấy. Hai năm chắc sẽ có nhiều thay đổi. Tạm biệt. Hẹn ngày gặp lại.

Chợt Yến phát hiện hai gã theo dõi chạy xe không đèn phía đằng sau không xa. Tôi muốn van Yến đừng nhắc đến họ nữa. Họ phải cố làm tròn nhiệm vụ thôi. Hãy hư vô hóa họ đi. Ít ra trong đêm cuối của tự do này.


Thứ bảy 18/10/97

Sáng nay đúng 8g30, 5 ngày sau khi được tống đạt quyết định quản chế, tôi đến trình diện tại UBND phường 9. Việc này tôi không thể làm khác. Có lần tôi nhớ Nguyễn Ngọc Lan nói với tôi về chuyện ông bị quản chế mấy năm trước: “Tôi chấp hành cũng như người bị gí súng vào lưng thôi”. Quả đúng như vậy. Nếu tôi chống lại, chắc chắn họ sẽ dùng biện pháp mạnh hơn và tôi phải bị phiền phức, thiệt hại nhiều hơn. Có người đã khuyên tôi: Trên đường đi nếu anh gặp tảng đá quá lớn thì anh nên đi đường vòng chứ không nên đấm tay vào đá. Ðiều đó có lý. Vả lại việc chính của tôi là viết. Dù bị quản chế, họ không thể ngăn tôi viết được. Và ngòi bút của tôi chắc sẽ rỉ máu trong giai đoạn này. Họ quản chế tôi chỉ vì sợ ngòi bút và tiếng nói của tôi, tôi lại càng phải mài sắc ngòi bút của mình.

Buổi làm việc có Nguyễn Văn H, chủ tịch UBND phường 9, một sĩ quan quân đội cấp tá về hưu, W, phó trưởng CA phường, một cán bộ tư pháp phường ghi biên bản và S, CA TP về chứng kiến.

Mặc dù văn bản tôi đã có, H cũng trịnh trọng đọc lại quyết định quản chế, đọc những mục quan trọng trong quy chế quản chế tôi phải chấp hành và nói rõ ranh giới của phường tôi không được vượt qua nếu không có giấy phép cho đi lại của phường cấp, sau đó hỏi tôi có ý kiến và yêu cầu gì không?

Tôi nói 2 việc. Thứ nhất tôi yêu cầu được cấp giấy phép đi lại thường xuyên hàng tuần vào sáng chủ nhật để ra phố và chợ Hòa Bình mua sắm các thứ cần thiết, và đưa vợ tôi đi nhà thờ Con Gà. Tôi đã viết sẵn một đơn về vấn đề này và đưa cho họ luôn vì tôi đã biết qua chuyện của Quốc. Tôi không hi vọng gì vì biết đối với CA những lý do tôi nêu không chính đáng nhưng tôi cứ làm thử. Thứ hai tôi yêu cầu CA cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của việc quản chế. Tôi chỉ bị hạn chế phạm vi đi lại chứ không mất quyền công dân, nên CA không được gây khó khăn trong việc thư từ, điện thoại của tôi và gia đình, hay ngăn cản không cho người vào nhà tôi như thời gian vừa qua. Tôi cũng nhắc lại chuyện tôi đến Quốc bị ngăn cản mấy hôm trước.

S ra ngoài gọi điện thoại, có lẽ xin ý kiến về việc cho phép tôi đi lại. H giải thích chống chế về các biện pháp của CA đối với tôi và Quốc, nói đó là để ngăn cản không cho chúng tôi có dịp hội họp nhau bàn bạc việc viết bài chống đối, nhất là trong thời gian bị quản chế. Ðúng là Lĩnh đã có lý trong việc này, kẻ cầm quyền muốn diễn giải luật lệ sao cũng được theo ý họ.

Nói qua nói lại một lúc S bảo chuyện cấp giấy phép đi lại, thứ hai tôi đến họ sẽ trả lời sau, chắc để bàn bạc kỹ trước khi giải quyết. S nói thêm sắp tới CA TP sẽ triệu tập tôi làm việc nữa. Tôi hỏi trong trường hợp đó tôi đi có phải xin phép không. S trả lời vẫn phải có giấy phép, không cần làm đơn nhưng mang giấy triệu tập đến phường xin cấp giấy phép. Tôi hỏi sắp tới tôi có việc phải đến Phòng Cảnh sát Giao thông để đổi bảng số xe, nơi này chỉ cách ranh giới phường mươi mét, có phải xin giấy phép không. S nói vẫn phải xin phép vì tôi đi ra khỏi phạm vi phường vì bất cứ lý do gì mà không có giấy phép sẽ bị lập biên bản và phiền phức ngay. S nói thẳng ra là CA sẽ thường xuyên theo dõi tôi. Ðúng là họ muốn làm khó dễ tôi. Ðã thế, trừ việc tối cần thiết, tôi sẽ không thèm đi đâu cả.

W phát biểu hoan nghênh tôi đã đến trình diện đúng giờ và yêu cầu tôi chấp hành đúng quy định quản chế. H gút lại thời gian tôi phải đến trình diện phường hàng tháng là vào 8g ngày 18, trước khi đi phải làm bản kiểm điểm thông qua tổ dân phố với 3 nội dung: thực hiện việc hạn chế đi lại, chấp hành các chủ trương chính sách tại địa phương và việc không sai phạm các hành vi vi phạm pháp luật như quyết định quản chế đã nêu. H còn khuyên tôi không nên gây rắc rối nữa vì chỉ thêm phiền phức cho bản thân và cũng làm mệt chính quyền địa phương. Tôi không muốn nói gì nhiều với họ vì ở đây không cần thiết và chẳng có tác dụng gì. Cán bộ tư pháp đọc lại biên bản, đưa tôi và H ký, đi đóng dấu rồi đưa tôi một bản. Buổi làm việc kết thúc.

Khi tôi đi cũng như khi về, đều có P, một sĩ quan CA trước đây đã tham gia chốt ngăn chặn trước nhà tôi cùng đi. Tôi quên ghi là hôm thứ sáu 17/10, lúc tôi đến nhà Tấn, giữa buổi Yến có tiết nghỉ nên về nhà, thấy có 4, 5 CA đi cùng với một người to mập mặc thường phục có vẻ cán bộ lãnh đạo vào nhà có phòng khách cửa kính đối diện hẻm vào nhà tôi. Chúng tôi suy đoán có lẽ họ điều đình chỗ ở để lập chốt ngăn chặn. Quả nhiên hôm nay khi tôi sắp quẹo vào hẻm, tôi hỏi P đi đâu, P bảo xuống đây thôi. Quả thật họ lại lập chốt ngăn chặn, lần này làm công khai.


Chủ nhật 19/10/97

Hôm nay Yến đi Bảo Lộc sớm để thăm mẹ. Tôi ghi nhật ký một lúc rồi ra làm vườn. Giữa buổi tôi ăn 2 trái chuối và uống một ly nước lọc. Trưa tắm rửa xong tôi nấu cơm ăn. Còn một ít đậu vert và bông cải tôi luộc lên với quả trứng. Hũ muối mè có sẵn. Không biết có phải vì đậu và bông cải để hơi lâu mất chất ngọt nên tôi ăn không vô. Hay tại vắng Yến ăn một mình cảm thấy buồn nản, chỉ nghe tiếng nhai của mình, không chuyện trò cùng ai. Dù sao hai người cũng hơn một, tuy đã quen cô độc.

Buổi chiều tôi đọc báo, ghi nhật ký rồi mở TV xem. Chương trình phim văn nghệ Chủ nhật tôi nuốt không nổi. Từ trước tôi không mấy khi xem hết được một phim. Ðề tài cũ kỹ. Diễn viên cũng cũ kỹ và đóng không có gì xuất sắc, thấy mặt hoài phát chán. Kỹ thuật quay phim lạc hậu. Tốc độ phim chậm như rùa, diễn viên nói kiểu đọc bài từng tiếng một... Hàng năm người ta cũng sản xuất được vô số phim. Không phải vọng ngoại nhưng xem phim Hồng Kông mới thấy ta thua họ một trời một vực. Chẳng trách thiên hạ có đầu video đua nhau xem phim ngoại. Nghệ thuật trước hết phải hấp dẫn (dĩ nhiên hấp dẫn không phải là không lành mạnh), sau đó mới chuyển tải cái gì. Còn nếu người ta không thèm thưởng thức thì nội dung giáo dục có ích cho ai. Chưa kể gần đây phim do nhà nước tài trợ phần lớn đều có đề tài nội dung ca ngợi cách mạng. Hết chống Pháp lại đến chống Mỹ, chống ngụy. Kiểu tuyên truyền cũ xì như trái đất cứ lặp đi lặp lại làm người ta phải bội thực. Còn lâu nghệ thuật điện ảnh VN mới vươn lên nổi.

Trời sẩm tối tôi ngồi thiền, để mở cửa sổ không bật đèn. Tôi nhắm mắt mà vẫn có cảm giác trời tối dần, tối dần cho đến khi trở thành đêm đen. Tôi thiền không được tập trung lắm và chìm vào một vùng im sâu vô tận, tách rời hẳn nhân gian.

Tiếng chó sủa từng hồi ngoài cổng làm tôi thấp thỏm. Yến đã định đi sớm về sớm nhưng 6g, 7g rồi 8g Yến vẫn chưa về. Tôi định đến 9g sẽ sang nhà hàng xóm hỏi xem Yến có điện thoại nhắn gì không. Có thể mẹ Yến đau nặng Yến phải ở lại hay xe bị hư dọc đưởng. Trong những hoàn cảnh này không có điện thoại thật bất tiện. Gần 8g30 tối Yến mới về, mệt nhoài, mặt hốc hác vì xe đò hư dọc đường, chờ đợi rồi sang xe khác, mất hơn 5 giờ đồng hồ, trong khi bình thường chỉ mất 2giờ.

Ðúng là những chuyến xe thổ tả. Hồi sau 75 xe hiếm, đi đâu cũng phải chầu chực mua vé trước, chen lấn, chật chội vô cùng khổ sở. Bây giờ xe quá nhiều lại cạnh tranh theo kiểu chụp giựt vô tội vạ, không ai quản lý nổi. Xe trong bến ngoài bến đều chạy “dù”, giữa đường thấy không có ăn lập tức bỏ khách, sang xe, ai sao cũng mặc. Trên xe tiếng cãi cọ, la lối vì mặc cả, ép giá tiền xe làm hành khách muốn điên đầu. Tài xế chạy ngày 2 chuyến lên về Sài Gòn - Ðà Lạt 600 cây số, chỉ ngủ vài giờ, thường xuyên căng thẳng nên rất dễ gây tai nạn. Ðó cũng là một cách kiếm sống trong chủ nghĩa xã hội thời kinh tế thị trường. Người ta ghép tôi tội tuyên truyền xuyên tạc chống đối chế độ XHCN [điểm a và c, mục 1, điều 82 Bộ Luật Hình sự]. Tôi thật không hiểu nổi và không chịu nổi CNXH kiểu này. CNXH này không thiếu một thứ gì: Tham nhũng, hối lộ, lãng phí, mại dâm, xì ke ma túy, buôn lậu, cướp giật, nghèo đói, trẻ em suy dinh dưỡng, bệnh AIDS phát triển, phá rừng, hủy hoại môi trường... Tất cả đều dưới sự lãnh đạo độc quyền của một Đảng. Tôi làm sao tán thành, ủng hộ được chế độ XHCN kiểu này.

Yến rất mệt nhưng cũng cố bảo xe ôm ghé chợ mua cho tôi một tô cháo gà. Yến chỉ uống ly sữa chứ ăn không nổi. Yến kể chuyện thăm mẹ. May bà cụ độ này uống thuốc bắc có khỏe đôi chút nhưng bệnh khó lòng thuyên giảm. Ung thư ở người già chỉ còn một cách chờ đợi. Biết sao hơn.

Yến có nghe tin về Trần Minh Thảo, bạn tôi ở Bảo Lộc. Thảo mới bị chi bộ họp kiểm điểm 3 ngày về hai bài viết gởi đăng, có khả năng bị khai trừ. Hai bài này của Thảo hồi cuối năm ngoái, CA tịch thu tại nhà tôi. Lâu nay trong các hội nghị ở đây, khi nói về những kẻ phản bội, chống đối chế độ, sau khi kể tên chúng tôi ở Ðà Lạt, họ đều không quên nêu Trần Minh Thảo ở Bảo Lộc. Tuy vậy người ta vẫn để yên cho Thảo sinh hoạt Đảng. Có lẽ bây giờ là lúc người ta phải loại Thảo ta khỏi “đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng”, vì Thảo đã viết thư cho Ðại hội Ðảng 8 kêu gọi từ bỏ chuyên chính để đi theo con đường dân chủ. Họ không khai trừ Thảo mới là vô lý.


Thứ hai 20/10/97

8g sáng tôi đến UBND phường để hỏi kết quả việc giải quyết đơn xin phép đi lại. Quả nhiên như tôi dự đoán, Nguyễn Văn H, chủ tịch UB tiếp tôi nói đã xin ý kiến cấp trên và cấp trên cho rằng yêu cầu của tôi không chính đáng. Phường 9 là một khu trung tâm thứ hai của Ðà Lạt, các cửa hàng mua bán, dịch vụ không thiếu thứ gì, tôi khỏi cần đi ra khu Hòa Bình. Trong phường cũng có 2 nhà thờ, vả lại đi nhà thờ là việc của Yến, không phải việc của tôi. Họ nói thế tôi hết cãi, mà cãi có ích gì. H có vẻ như ái ngại và nói an ủi tôi: Thôi anh rán chịu, khi có việc đột xuất cần thiết, anh làm đơn chúng tôi giải quyết.

Tôi chẳng cần năn nỉ ai. Như thế càng tốt. Tôi khỏi phải đi, đỡ mất công bị theo dõi bực mình. Tôi sẽ yên chí ở nhà 2 năm.


Thứ ba 21/10/97

Buổi chiều trời đổ mưa. Những cơn mưa cuối mùa ngắn nhưng dữ dội. Yến đi tới đi lui thấp thỏm. Hôm nay Tiêu Dao, con lớn tôi ở Sài Gòn có nhắn lên là con đi lo công việc ở Bảo Lộc, nhân tiện chiều sẽ lên Ðà Lạt thăm bố mẹ luôn. Yến bao giờ cũng vậy. Có việc gì, nhất là liên quan đến con cái, Yến luôn băn khoăn thắc thỏm ngồi đứng không yên. Tôi rủ Yến coi phim cho đỡ bứt rứt. Lúc mưa đổ lớn sầm sập thì có tiếng đập cửa, Yến choàng dậy chạy ra mở và con ào vào nhà. Thế là thở phào nhẹ nhõm.

Ngoài chuyện lo cho con đi đường bình yên, Yến còn mối lo khác. Mấy hôm nay CA tăng cường chốt chặn ngoài đầu hẻm, Yến ngại con bị chặn không cho vào nhà. Trước đã có một lần hai con tôi về thăm, lập tức bị theo dõi ráo riết và 11g đêm CA vào kiểm tra hộ khẩu. May mà 2 con tôi có hộ khẩu thường trú ở nhà, nếu không, con về nhà mà không đi báo cáo tạm trú cũng có thể bị rắc rối. Các con tôi không liên quan gì đến việc tôi làm nhưng Yến cứ ngại CA có thể tìm cách khó dễ và làm chúng tôi mất vui khi gia đình đoàn tụ. Lần này có thể vì trời sập tối, mưa lớn nên họ không thấy con vào nhà. CA đâu phải thần thánh gì.

Cả nhà ăn cơm trò chuyện vui vẻ. Con có mang cho tôi cuốn sách do Thảo ở Bảo Lộc gởi lên. Cuốn Tuyển tập truyện ngắn Việt do Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành mới tinh. Lật xem qua và hơi ngạc nhiên. Ðây là tuyển tập truyện ngắn của 6 tác giả nhóm Việt ngày xưa trong đó có tôi. Việc xuất bản tuyển tập thơ văn, anh em trong nhóm đã có lần bàn nhưng vì nhiều khó khăn nên đã lâu không thấy ai nhắc tới. Một trong những khó khăn lớn là sau khi một số anh em họp mặt bàn và giao cho mấy người ở Sài Gòn lo xúc tiến cụ thể thì một người trong nhóm bị CA gọi lên hỏi và đe dọa không được làm gì có liên quan đến tôi, kẻ đang có những hoạt động chống chế độ. Bây giờ đột nhiên sách được in và phát hành.

Sách dày gần 400 trang, tựa của Huỳnh Như Phương, phụ lục là một bài nghiên cứu về nhóm Việt của Trần Thức và Hoàng Dũng đã đăng trên tạp chí Sông Hương từ năm 1985. Phần chính là truyện ngắn chọn lọc của 6 tác giả Trần Hữu Lục, Trần Duy Phiên, Trần Hồng Quang, Huỳnh Ngọc Sơn, Trường Sơn Ca, Võ Trường Chinh, có cả phần phụ lục ảnh và tiểu sử của từng tác giả. Trường Sơn Ca là một trong những bút danh khác của tôi. Phần tiểu sử ghi tôi có bút danh khác là Tiêu Dao Bảo Cự và không nhắc gì đến việc tôi gia nhập rồi bị khai trừ khỏi Đảng, không nhắc đến những hoạt động, bài viết và tác phẩm của tôi sau này. Tôi hiểu số anh em ở Sài Gòn thực hiện tập sách đã có ý tránh né một mức độ để cuốn sách có thể được xuất bản. Trong hoàn cảnh này làm như thế cũng được. Và dù thế tập sách được xuất bản vào thời điểm này kể cũng hơi lạ, không biết còn có những chuyện gì phía sau.

Tôi đọc lại 2 truyện ngắn của tôi in trong tuyển tập. Ðã lâu lắm tôi không đọc lại và cũng có lúc tâm trạng tôi không muốn đọc lại những gì mình đã viết vào thời kỳ đó.

Một nhân vật của tôi suy nghĩ: “Trong giờ phút này, bác thấy bác giống hệt con chó mực kia. Không còn có thể kêu thương gì được nữa. Không có gì để sợ hãi nữa. Chỉ có hai điều: Tự do hay là chết. Bác phải chọn một trong hai bằng hành động tích cực. Không phải riêng gì bác mà cả dân tộc bác cũng phải chọn lựa như thế. Từ ngày vào tù bác mới có dịp hiểu hơn, thấy rõ hoàn cảnh của đồng bào qua những bạn tù chung quanh. Dân tộc bác đã bị khinh khi, bóc lột, kềm kẹp, chà đạp và dồn đến chân tường, bờ vực thẳm. Không thể kêu thương cầu khẩn gì nữa mà phải vùng lên bứt xiềng bẻ xích. Tự do hay là chết.

Tự do hay là chết. Tự do hay là chết. Những tiếng đó bỗng rền vang như sấm dậy trong đầu bác. Thân người bác cong như một cánh cung, chân rùn xuống bám chặt sàn xe, hàm răng nghiến chặt lại, mắt rực lửa hận thù, bác phóng người tới như một mũi tên lao, bằng một thế võ ta học được thuở còn bé, hai cùi chỏ đánh thốc vào cổ họng hai gã cầm súng, hai gã bật ngược văng vào thành xe. Nhanh như cắt bác lao xuống mặt đường.”

Một nhân vật khác nói: “Tôi bị ám ảnh mãi bởi chuyện người lính ban chiều, tôi không chịu nổi sự bất công. Trước những cảnh đó, tôi chỉ muốn vùng lên phản kháng, đạp đổ hết để xây dựng lại một xã hội khác nhân đạo hơn”.

Ðó là những dòng tôi đã viết thuở 20 về một chế độ tôi đã góp phần làm sụp đổ. Bây giờ 30 năm sau, trong một chế độ khác tôi đã góp phần xây dựng nên, tôi vẫn phải tiếp tục viết những điều như đã viết. Ðây là định mệnh của tôi, số phận của một ngòi bút? Tôi có chọn lựa đúng hay không và tôi phải nghĩ, phải làm điều gì khác nữa? Tuổi 50 và trong 2 năm bị quản chế chắc tôi còn phải tự vấn rất nhiều.


Thứ tư, năm 22, 23/10/97

Con chúng tôi ở nhà được 2 đêm một ngày. Lúc Yến đi dạy, 2 bố con uống café trò chuyện. Về sau này hai bố con ít tranh cãi như trước. Tính nó cũng ngang và hay lý sự như tôi. Ðã khá lâu, khi hai con tôi mới về Sài Gòn học, ở ký túc xá Ðại học Bách Khoa, chúng có theo các bạn dự một cuộc xuống đường của sinh viên, bị bắt vào đồn CA, nhưng sau đó không đi theo xu hướng đấu tranh mà quay sang con đường làm ăn mua bán. Vả lại sinh viên Sài Gòn thời gian này cũng chẳng có phong trào đấu tranh gì. Chỉ có vài cuộc xuống đường vì những lý do không đâu vào đâu và đã nhanh chóng bị dập tắt. Có thể chúng có một chút gène của tôi, ương ngạnh và hay phản kháng, nhưng thời đại của con khác thời đại chúng tôi nhiều quá.

Dù sao các con cũng tôn trọng suy nghĩ và việc làm của tôi. Tôi không làm ra tiền bạc, không có địa vị, nhưng chúng kính trọng tôi vì tôi sống trung thực và không hèn. Như thế là được rồi. Tôi cũng tôn trọng và ít can thiệp vào cách sống của các con. Chúng có tinh thần tự lập cao, kiếm sống khó khăn nhưng hào hiệp với bạn bè, có tình có nghĩa. Tiêu Dao hùn hạp làm ăn với bạn bè bao giờ cũng nhường phần lợi nhiều hơn cho bạn và sẵn sàng chịu thiệt thòi. Trường Sơn hồi còn đi học đã cho cả một tháng tiền ăn và một kỳ tiền học phí của mình để giúp em một người bạn cũng là sinh viên sắp bị đuổi vì hết hạn đóng học phí. Ấy thế mà có lúc Trường Sơn đau, 2 ngày không còn tiền để mua một bát cháo. Yến đã đau lòng vô cùng khi nghe chuyện này nhưng chúng tôi cũng tự hào về tính nghĩa khí của các con.

Buổi chiều tôi chở Yến đi mua thức ăn. Yến sực nhớ trong phường 9 có quán thịt dê mà trước đây nhà trường có lần tổ chức ăn để đưa tiễn một giáo viên rời trường, Yến nói hay là đi mua về cho con ăn. Tôi không thích gì thịt nhưng cũng chiều chở Yến đi. P, sĩ quan CA chốt trước nhà tôi chạy xe theo. Chúng tôi dừng trước quán, Yến xuống xe đi vào hỏi mua. P cũng dừng xe sát tôi bắt chuyện. Anh ta có vẻ ngạc nhiên không biết Yến vào đây làm gì vì anh ta nói có nghe chúng tôi ăn chay. Tôi ầm ừ không trả lời. Yến ra nói người ta hẹn 10 phút nữa. Tôi chở Yến đi một vòng xuống hồ Than Thở trong khi chờ đợi. Tôi chỉ được đi bên này hồ, bên kia là phường khác. P chạy song song với tôi nói chuyện linh tinh. Có lúc P chạy sau, Yến nói thầm với tôi: Ðừng thèm nói chuyện. Làm gì mà kèm sát người ta như vậy. Mình đâu phải tội phạm. Tôi nói: Bực mình làm gì. Anh ta nói chuyện vì coi như đã quen mình, còn những người khác đâu có. Ðừng tự gây căng thẳng không cần thiết. Thực tình mà nói, tôi đã vô hiệu hóa (về mặt tâm trạng) sự bao vây phong tỏa của CA. Tôi suy nghĩ, làm những việc cần thiết, không cần đếm xỉa đến họ.

Quay trở lại tôi dừng xe cho Yến vào lấy thức ăn. Khi về gần đến nhà, có lẽ P hiểu nên nói: Chị không mời em phải không. Yến nói còn lâu. Không hiểu P có biết con tôi về không mà không thấy anh ta nói gì.

Sáng hôm sau con tôi đi sớm. Yến làm nó bực mình như mọi lần. Con đã thay quần lót chưa? Con mặc thêm áo len đi. Con đừng để bóp đằng sau túi quần dễ bị rớt. Con về Bảo Lộc nhớ gọi điện nhắn về cho mẹ yên tâm... Tôi và Yến nhiều khi cũng bất đồng về chuyện này. Con chúng tôi đã 26 tuổi rồi. Thuở 20 tôi đã tung hoành khắp chốn, coi trời bằng vung. Yến cũng đã bỏ nhà ra đi. Dù sao Yến cũng phải thừa nhận với tôi như thế. Và dù sao tôi cũng phải thừa nhận Yến là mẹ, có tình cảm và cách cư xử của người mẹ mà tôi phải hiểu và tôn trọng. Nhưng các con tôi có lẽ chưa hiểu hết mẹ mình. Phải đến một lúc nào đó.

Buổi trưa Yến đi dạy về nghe con chưa gọi điện nhắn đã đến Bảo Lộc bình yên, Yến lại thấp thỏm và tự mình đi gọi hỏi người quen ở Bảo Lộc mà con có thể ghé. Người quen trả lời con đã đến và đã đi SG, Yến mới tạm yên tâm. Quá trưa con mới từ SG gọi điện nhắn về. Chỉ chậm vài giờ thôi, đối với con không quan trọng, nhưng đối với Yến, với người mẹ, vài giờ thật đăng đẳng đầy âu lo. Yến vẫn ngại khi con ra khỏi nhà con bị CA gây khó khăn mà Yến không biết.


Thứ năm 24/10/97

Cô Nguyệt, một người bạn trong nhóm Yoga đến thăm. Cô kể chuyện sau hôm chúng tôi đến thăm cô trước ngày tôi bị quản chế, cô đã được CA đến nhà hỏi thăm sức khỏe. Như đối với những người khác, CA cật vấn cô về mối quan hệ đối với chúng tôi, quen biết thời gian nào, ở đâu, vì sao, biết về chúng tôi như thế nào...?

Thường đối với các bạn trong nhóm Yoga, chúng tôi không bao giờ nói chuyện chính trị, trừ một lần trong một buổi họp mặt cuối năm, tôi có nói qua việc của tôi và những khó khăn tôi đang gặp để giải thích chuyện tôi không thể để họ đến tập Yoga hàng tuần ở nhà tôi nữa vì CA ngăn cấm. Riêng cô bạn này, thỉnh thoảng cô đến thăm, chúng tôi cũng có kể sơ qua về những khó khăn chúng tôi đang gặp. Nói chuyện với CA, cô đã mau miệng bênh vực tôi là tôi chỉ viết tiểu thuyết, viết bài đăng tải ở đài báo nước ngoài chứ đâu làm gì sai trái. Thế là cán bộ CA hùng hổ lên án tôi, nói tôi là phản động, đã viết bài kêu gọi nước ngoài không đầu tư vào VN (điều tôi chưa bao giờ làm vì trái với quan điểm của tôi). Cán bộ CA còn cho rằng chế độ này nhân đạo nhất thế giới nên bây giờ mới chỉ quản chế tôi chứ đáng ra đã phải bỏ tù tôi từ lâu rồi. Họ còn nói họ sẽ trở lại làm việc với cô nữa, đưa tài liệu về tôi cho cô tham khảo và không cấm nhưng khuyên cô bớt giao du với tôi vì có thể bị tôi “dụ” đi vào con đường phản động. Cũng may mà cô không sợ bị tôi dụ nên nay còn đến thăm tôi.


Thứ bảy 25/10/97

Buổi chiều, tổ trưởng dân phố đến báo tôi tối đi họp tổ dân phố để tổng kết cuộc vận động nếp sống mới tại nhà của bí thư Đảng ủy khu phố. Tối tôi cũng đi thử xem sao. Gặp bí thư Đảng ủy đứng ở cổng, tôi nói chuyện bâng quơ vài câu rồi ông ta mời tôi vào nhà. 7g30, cuộc họp bắt đầu, có khoảng hơn 20 người dự. Tổ trưởng là một ông chưa già lắm nhưng rất hom hem, vừa đọc báo cáo tổng kết vừa ho sù sụ. Cuộc vận động thực hiện nếp sống mới có nhiều tiêu chuẩn, nhưng tổ trưởng chỉ tập trung nói về việc đóng góp tiền gây quỹ thương binh liệt sĩ, tổ chức Tết Trung thu và xây dựng hội trường. Tổ trưởng tự xếp loại khá trong khu phố và phân loại 2/3 số hộ trong tổ thuộc loại khá, 1/3 trung bình trong đó có hộ tôi. Sau đó tổ trưởng yêu cầu mọi người tham gia ý kiến. Chỉ có hai bà thay nhau nói rất dài. Tôi hỏi người ngồi bên cạnh biết hai bà đó là Đảng viên, cán bộ về hưu.

Bà thứ nhất nhận xét về việc tổ chức tết trung thu vừa qua chưa tốt, dân phản ảnh có cháu đến nhưng không có quà vì cha mẹ không đóng tiền. Bà thứ hai phản bác lại nói không có chuyện đó mà do một số cha mẹ không đàng hoàng, đã không đóng góp lại còn đi nói bậy bạ. Những người đó cần phải đưa ra kiểm điểm.

Tôi nghe nói bà thứ hai này (bây giờ tôi mới biết mặt) trong cuộc họp trước đây đã đề nghị bỏ tù tôi vì tội phản động, dám nói xấu Bác Hồ. Nghe bà nói, tôi ngứa miệng phát biểu chơi. Tôi nói và thấy mọi người có vẻ hơi ngạc nhiên, chăm chú lắng nghe. Tôi nói cuộc vận động thực hiện nếp sống mới chủ yếu là trên địa bàn dân cư nhỏ, hàng xóm sống hòa thuận, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, giữ gìn vệ sinh môi trường là chính. Chuyện vận động đóng góp, trừ thuế bắt buộc, còn ngoài ra đóng hay không, nhiều hay ít là tùy khả năng và hảo tâm, không ai được quyền phê phán, kiểm điểm. Người dân có quyền làm mọi việc mà luật pháp không cấm. Nếu muốn cho những người không đóng góp tiền tổ chức tết trung thu mà còn có ý kiến này nọ có suy nghĩ đúng đắn hơn thì cứ mang quà đến tận nhà cho con họ, chắc họ sẽ cảm động và thay đổi nhận thức chứ không ai có quyền kiểm điểm họ. Tôi cũng nói thêm về việc vệ sinh môi trường. Con đường Nguyễn Ðình Chiểu tôi ở từ khi có xe rác chạy qua lại đầy rác, ô nhiễm hơn trước vì người ta ỷ lại cứ đem rác vứt ra đường, mặc xe rác có hốt hay không.

Ðiều lạ là khi nghe tôi nói, bà thứ nhất lại gật gù tỏ vẻ đồng tình, còn bà thứ hai hình như quay sang người bên cạnh hỏi tôi là ai (có lẽ bà ta đã lên án tôi nhưng vẫn chưa biết mặt tôi). Sau đó bà con ồn ào lên nói về chuyện rác vì đây là một việc mọi người đều nhận thấy.

Họp tan, tôi về kể chuyện cho Yến nghe và cảm thấy buồn cười, không biết tổ dân phố sẽ phản ảnh lên trên về việc này như thế nào. Trước đây trong một lần làm việc với cán bộ hưu trí do phường tổ chức, họ đã phê bình tôi là không chịu đi dự các cuộc họp ở khu phố, ít chấp hành các chủ trương chính sách ở địa phương. Ðiều này cũng là một trong nội dung tôi phải kiểm điểm hàng tháng khi trình diện phường theo quy định của quyết định quản chế. Ðã thế tôi sẽ thường xuyên đi họp và phát biểu nhiều trong các cuộc họp, xem họ phản ứng ra sao.


Thứ hai 27/10/97

Tôi nhận được một thư bảo đảm của một người tên Phạm Văn Luận ở Ðức gởi, hình như đã lâu có lần người này gởi cho tôi một bài báo do ông ta viết. Lần này thì ruột thư cũng đã bị đổi. Ðó là 4 trang in không rõ xuất xứ có tiêu đề “Bài học của sự khai tâm-công bằng và từ bi” nói về một trường hợp chữa bệnh ung thư ở Mỹ bằng cách cầu nguyện và niềm tin tôn giáo. Có lẽ từ đây về sau tôi phải lưu giữ tất cả các thư từ loại này để tích lũy bằng chứng về một cách làm có lẽ có một không hai trong thế giới văn minh hiện đại.

Buổi tối, tôi tình cờ mở đài Á Châu Tự Do. Ngay từ đầu buổi phát thanh, phát thanh viên loan báo tin tôi bị quản chế chính thức, nhắc lại trường hợp Bùi Minh Quốc và chúc hai chúng tôi vững vàng trong lúc khó khăn. Ðúng là thời đại thông tin, cái gì rồi người ta cũng biết dù có ngăn chặn cách nào.


Thứ tư 29/10/97

Ðài Chân Trời Mới phát một bài về Hà Sĩ Phu, tôi nghe không đầy đủ. Bài viết có ý nói trong hoàn cảnh hiện nay việc quản chế đối với những người như HSP, BMQ và tôi hầu như đương nhiên vì nhà nước rất sợ tiếng nói phản kháng của những người này. Bài viết hình như có tiêu đề “Hà Sĩ Phu bị trấn áp ở Ðà Lạt” có nhắc đến câu khẩu hiệu được đóng trước nhà HSP, cũng là câu được đóng trước nhà tôi (còn nhà BMQ có câu hơi khác).

Bài viết còn nêu trường hợp một thanh niên Việt kiều về nước lên Ðà Lạt định ghé thăm HSP nhưng khi dừng xe Dream trước nhà HSP thì bị một CA xông ra quát hỏi “Mày là thằng nào?”, anh ta sợ quá phóng xe chạy luôn. Theo tôi chuyện này hơi quá vì dù sao CA cũng chặn lại hỏi đàng hoàng, không đến nỗi làm như thế. Nhưng biết đâu!?


Thứ sáu 31/10/97

Tôi đến UBND phường xin giấy phép đi lại. Tôi cần đi đến Phòng Cảnh sát Giao thông để đổi biển số xe Honda theo giấy hẹn của cơ quan này. Ðây là chủ trương chung mà mọi chủ xe đều phải làm. Phòng CSGT ở đường Hùng Vương, thuộc phường 10, cách ranh giới của phường 9 chưa tới 100 mét. Trong lần trình diện đầu tiên nhận quyết định quản chế, tôi đã hỏi vấn đề này, yêu cầu khỏi phải xin phép, nhưng CA cương quyết không chấp nhận, cho rằng theo đúng quy định, tôi đi bất cứ đâu, vì bất cứ lý do gì ra khỏi phạm vi phường, dù do các cơ quan nhà nước triệu tập cũng phải xin phép, nếu không tôi sẽ bị lập biên bản vi phạm ngay. Tôi biết họ cố tình làm khó nhưng không thể kháng cự. Tôi chỉ có thể tự mình hạn chế đi lại, không tối cần thiết tôi chẳng phải đến xin phép họ làm gì. Tôi chán ngấy chuyện đó. Ðòi tự do và phải trả ngay bằng cái giá mất tự do. Nếu không suy tính đến mọi điều, mọi khía cạnh, tôi sẵn sàng tung hê tất cả để chấp nhận cái giá hủy diệt. Tự do hay là chết. Có phải câu này đúng đến nghĩa đen của từng từ chứ không phải chỉ là nghĩa bóng?

Chủ tịch UBND phường tiếp tôi đàng hoàng và hẹn tôi ngày mai lại lấy giấy phép. Anh ta còn phải thông qua CA.


Thứ bảy 1/11/97

Hôm nay trời mưa gió dầm dề do ảnh hưởng của cơn bão số 5. Tôi không đi đến phường, định thứ hai đến lấy rồi qua phòng CSGT luôn. Càng ít đi đến chỗ các cơ quan nhà nước càng tốt.


Chủ nhật 2/11/97

Một chị bạn quen đến chơi. Nhắc lại chuyện cũ, chị cho biết thêm có lần chị đọc thấy trong phần tiểu sử mà CA kèm theo các bài viết của tôi đưa cho các tỉnh ủy viên và một số cán bộ về hưu nghiên cứu trước đây có ghi chi tiết tôi ăn lương của CIA hay tổ chức nước ngoài gì đó mấy trăm đô một tháng, chị không nhớ rõ. Chị còn nói ở trường người ta cho Yến là người tiếp tay đắc lực cho tôi nên cũng phải ngăn chặn, giám sát chặt chẽ.

Mặc dù những chuyện này đã cũ nhưng khi nghe lại, Yến đã nổi giận lên vì sự vu khống trắng trợn đến mức phi lý như thế mà họ cũng làm được. Chính bà con chung quanh xóm tôi cũng đã nghe nói về chuyện này và họ phản ứng: Phản động ăn lương CIA sao không bỏ tù mẹ đi cho rồi, còn cử CA canh gác làm gì tốn tiền của Nhà nước!?

Tôi đã cố kềm chế cảm xúc và suy nghĩ phân tích một cách thật khách quan về mọi vấn đề, nhưng nhiều khi khó lòng phân định cho rạch ròi. Có phải Ðảng và Nhà nước này dù sao cũng có lý của họ, giải quyết vấn đề một cách có tình có lý ở mức độ nhất định trong khi bảo vệ quyền lực của mình? Nhưng bộ máy đàn áp có phải đã vận hành hoàn toàn như một công cụ vô tri phi nhân tính? Và các cán bộ CA có còn tình người, có còn nhận thức hợp lý tối thiểu không khi cứ phải nói, phải làm những việc mà có thể chính họ cũng cho là phi lý? Tôi có thể hiểu và giữ được tình cảm của mình đối với họ không?

Trong một lúc, tôi chợt thấy mình thông cảm với Nguyễn Gia Kiểng và một số bạn bè của anh khi nói về tổ quốc và lòng yêu nước. Kiểng đã đồng hóa tổ quốc với chế độ là một, và đòi hỏi phải có một tổ quốc sám hối, bao dung thay vì một tổ quốc bạo tàn, cay nghiệt. Trước đây tôi đã hai lần viết bài phản bác Kiểng về ý này. Nhưng bây giờ tôi hiểu, trong những lúc cay đắng nào đó, người ta không thể không nghĩ như thế. Tổ quốc đã hòa lẫn hay bị choán ngợp trùm phủ trong những cái bóng nặng nề u ám của những người cầm quyền và bộ máy thống trị. Những người con xa xứ đã từng bị đày đọa khó lòng nghĩ về Tổ quốc với tất cả lòng yêu thương trân trọng khi dấu ấn của sự ngược đãi, sỉ nhục còn in hằn trong tâm khảm.


Thứ hai 3/11/97

Buổi sáng tôi đến Ủy ban phường để lấy giấy phép. Người ta đã chuẩn bị xong từ thứ bảy như chủ tịch UB hẹn. Tôi đọc lướt qua. Thật buồn cười. Trong phạm vi phường tôi được tự do đi lại nhưng người ta cũng ghi rõ tuyến đường từ nhà tôi ra tới ranh giới phường và từ đó sang phòng CSGT chỉ cách chưa tới 100 mét. Chủ tịch UB phường nói giấy này do CA khu vực chuẩn bị. Mẫu giấy có in sẵn tên tôi do CA TP làm ngay từ hôm tôi nhận quyết định quản chế.

Tôi đi sang Phòng CSGT. CA canh gác trước nhà tôi đi theo một cách kín đáo. Từ khi quyết định quản chế có hiệu lực, hình như các chốt CA khác giám sát tôi đã bỏ, chỉ còn một chốt trước đầu hẻm, có 3 người thay ca nhau và tôi biết mặt cũng như xe họ sử dụng. Còn chốt bí mật nào thì tôi không biết cụ thể ở nơi nào. Có người nói cho biết là CA ở khắp mọi nơi: dưới suối, trong ngõ hẻm, ngoài ngã tư, trên đồi...

Phòng CSGT đông đảo người đến làm thủ các loại thủ tục đăng ký xe. Tôi đưa tờ biên nhận có hẹn ngày 3/11 giải quyết vào, cán bộ CA nói ngay chưa có, chắc phải đến giữa tuần sau. Thế là tôi lấy lại giấy biên nhận ra về. Tôi nghĩ không lẽ tuần sau tôi lại phải xin giấy phép đi lại khác và đến nơi cũng chưa chắc được giải quyết. Tôi sẽ tính cách khác. Bình thường tôi đã chán ngấy chuyện giấy tờ liên quan đến Nhà nước. Bây giờ lại càng ngán ngẩm. Hơn nữa, mỗi lần làm việc này lại như động chạm vào một vết thương đang mưng mủ. Họ là ai và tôi là ai mà mỗi lần tôi đi lại phải xin phép?!


Thứ ba 4/11/97

Trời ngớt mưa. Ảnh hưởng của cơn bão số 5 ở đây dịu dần. Ðài, báo từ hôm qua bắt đầu đưa tin về hậu quả của cơn bão số 5 ở miền Tây Nam bộ mà người ta gọi là cơn bão thế kỷ vì đây là cơn bão lớn nhất trong vòng 100 năm qua ở vùng này, thiệt hại nghiêm trọng nhất là ở Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu. Thống kê ban đầu có hơn 100 người chết, hàng ngàn người mất tích, hàng ngàn người ghe tàu bị chìm, hơn trăm nghìn căn nhà bị sập, vô số ruộng lúa, vườn cây bị hư hại...

Rút kinh nghiêm năm ngoái, năm nay các hoạt động của các cơ quan nhà nước về dự báo thủy văn, phòng chống lụt bão, cứu nạn... có nhanh hơn, nhưng vẫn không thể theo kịp cơn bão bất ngờ này của vùng Nam bộ. Những người dân hiền hòa chất phác phải gánh chịu bao nhiêu tai họa. Số phận của đám đông dân lành thật nghiệt ngã, không phải chỉ riêng dân tộc này. Nhưng những người nắm quyền lực thường không phải gánh chịu thiệt hại. Tôi thốt nhớ đến nạn cháy rừng ở Indonesia vừa qua đã trở thành một thảm họa toàn cầu vì hậu quả khủng khiếp của nó, nhất là các nước lân cận trong khu vực. Ấy thế mà trong khi cả thế giới xôn xao lên án, báo chí đưa tin, các công ty ở Indonesia sẵn tiếp tục đốt rừng để lấy đất canh tác và được sự bao che của các quan chức có thẩm quyền. Nhà nước Indonesia còn cấm báo chí và các trường đại học đưa tin và bình luận bất lợi về chuyện đó. Thật hết chỗ nói.

© 2006 talawas