© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
17.2.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Tôi bày tỏ
Nhật ký trong những ngày bị quản chế 1996 –1998 (13 kì)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Thứ năm 11/12/97

Các đài, báo trong và ngoài nước đều đưa tin hôm nay Hội nghị các nhà tài trợ cho VN do Ngân hàng Thế giới [WB] chủ trì sẽ khai mạc tại Tokyo Nhật Bản. Theo dự đoán lần này các nhà tài trợ sẽ cam kết ít nhất 2,4 tỉ USD dành cho VN, và hội nghị sẽ tập trung thảo luận để tăng mức giải ngân các chương trình tài trợ của cộng đồng quốc tế dành cho VN. Theo WB, qua bốn lần hội nghị, cộng đồng quốc tế đã cam kết cho VN vay trên 8,22 tỉ USD, nhưng tỉ lệ giải ngân đến nay chỉ trên 30%. Tỉ lệ này chưa đủ thỏa mãn nhu cầu viện trợ chính thức [ODA] của VN, bởi VN cần 3,7 tỉ USD từ nguồn ODA mỗi năm.

VN trên đường đổi mới và phát triển, được cộng đồng quốc tế lưu tâm giúp đỡ như thế rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên nhận tiền quốc tế không phải dễ, muốn làm gì thì làm. Ðổi mới nhưng không đổi màu, hòa nhập nhưng không hòa tan. Lý thuyết mới nghe qua có vẻ hay nhưng cộng đồng quốc tế không phải là những kẻ ngu đần mà ta muốn nói sao, làm gì cũng được. Hội nhập vào thế giới văn minh phải có tiêu chuẩn của thế giới văn minh, không thể “chân dép lốp mà đi vào vũ trụ” được.

Vả lại luật đời là có vay có trả. Trước 75 hai miền Nam Bắc đều nhận viện trợ để làm chiến tranh, để đánh nhau. Ở miền Nam, tiền đồn chống cộng, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố trắng trợn đại ý chúng tôi, nhân dân VN đã đổ xương máu thì người Mỹ phải đổ tiền ra. Còn miền Bắc, cứ điểm tiền tiêu của phe XHCN thế nào? Hiện nay Nga mới bắt đầu đòi nợ cũ của VN, số tiền lên tới vài chục tỉ đô la.

Việc này bây giờ nhắc đến thật khó nói, nhất là khi hàng triệu đồng bào, chến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh, dân tộc đã trải qua một chặng đường khổ nạn đầy máu và nước mắt nhưng cuối cùng đã chiến thắng. Nhớ lại một số cán bộ miền Bắc kể chuyện nói kiểu châm biếm trước đây khi các đoàn ngoại giao nước ta đi các nước hay dự hội nghị quốc tế bao giờ cũng mang một cái túi to để đựng tiền. Chúng ta coi việc xin viện trợ là đương nhiên, là chính đáng vì chúng ta tự hào đã thay mặt cho cả phe XHCN để đánh đế quốc Mỹ. Thế thì tinh thần đó đâu khác gì lời tuyên bố của Nguyễn Văn Thiệu.

Mặt khác dù lịch sử đã qua, không thể nào thay đổi hay trở lại nhưng ta vẫn có quyền đặt vấn đề có thể nào giành độc lập nhưng vẫn tránh được chiến tranh hay không, vì chiến tranh quá thảm khốc và tiêu hao sinh lực của dân tộc. Nhiều nước có hoàn cảnh tương tự nhưng đã tránh được chiến tranh và ngay ở VN cũng đã có nhiều nhà yêu nước đưa ra các giải pháp khác. Hơn nữa điều làm thôi thúc ta đặt vấn đề trở lại là sau khi chiến thắng, giành độc lập ta lại gần như trở về khởi điểm. Và theo cách nói của HSP “Ngày xưa đánh Mỹ cứu nước, bây giờ rước Mỹ cứu nước”. Vậy thì ta tiến hành chiến tranh giải phóng để làm gì?

Nói như thế chắc nhiều người sẽ phản ứng, phẫn nộ, nhưng nếu đừng bảo thủ, đừng thành kiến và bình tĩnh suy nghĩ xem điều đó có lý chút nào không. Và nên nhớ là cho đến nay và còn lâu dài nữa, nhân dân VN vẫn còn phải trả các món nợ cho nước ngoài. Trả nợ thật bằng tiền chứ không phải là cách nói tượng trưng, và còn chịu hậu quả lâu dài về nhiều mặt của chiến tranh.

Bây giờ Nhà nước vay để làm ích lợi cho nhân dân và chính nhân dân sau này sẽ là người trả nợ chứ không phải ai khác. Ðó là điều nhân dân không thể có ý kiến. Cuộc khủng hoảng tài chính của các nước Ðông Nam Á vừa qua đang lan rộng, và nước nào muốn được tài trợ để cứu nguy tình hình phải chấp nhận những điều kiện khắc nghiệt của quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), không còn tự chủ được nữa. Việt Nam phải mở mắt thật lớn, có cái đầu trí tuệ và trái tim nhân hậu khi bước vào thế giới hiện đại nếu không muốn ngã quỵ trên đường và chuốc lấy tai họa cho nhân dân.

Cũng ngày hôm nay, sau Ngày Quốc tế Nhân quyền một ngày, tôi lại bị vi phạm nhân quyền do gã MZ gây ra. 2g chiều, nghe tiếng chó sủa dai dẳng, Yến ra cổng xem thấy thoáng có 2 người từ trong đi ra phía đầu hẻm. Yến vào thay đồ ra đường, gặp cô La Nguyệt, một người bạn của chúng tôi trong nhóm Yoga đứng đó. Cô bảo cô đến thăm chúng tôi, đã mở cổng vào nhưng có người đi theo gọi lại, xưng là CA, nói cô không được vào và yêu cầu cô trình thẻ CMND. Rồi người đó giữ luôn thẻ, bảo cô đứng đợi và gọi điện thoại về trung tâm để báo cáo và xin ý kiến, làm cô hết hồn tưởng sắp bị bắt đến nơi.

Yến nghe tình hình xong vào báo cho tôi biết. Tôi ra xem, thấy gã MZ đang đứng trong quán gọi máy bộ đàm ầm ĩ nhưng đầu kia không thấy trả lời. Tôi hỏi:

“Anh là ai?”

“Tôi là CA.”

“Yêu cầu anh cho xem thẻ.”

“Anh không có quyền yêu cầu.”

“Tại sao?”

“Vì anh đang bị quản chế, mất quyền công dân.”

“Ai bảo anh vậy. Anh đã nghiên cứu quy chế quản chế hành chánh chưa? Trong đó không có điều khoản nào quy định người bị quản chế mất quyền công dân cả.”

“Sao lại không? Như anh không có quyền tự do đi lại.”

“Ðó là hạn chế một số quyền chứ không phải mất quyền công dân. Anh nói thế là sai. Anh làm CA mà không chịu học luật.”

“Tôi nói đúng.”

Nói qua nói lại việc này, gã MZ vẫn khăng khăng mình nói đúng. Nhiều người hàng xóm chung quanh bắt đầu bu lại xem. Yến nói để em vào lấy bản quy chế đọc cho anh ta và mọi người nghe. Tôi tiếp tục chất vấn anh ta kiểu khác:

“Nếu anh không xuất trình thẻ, tôi không biết anh có phải là CA hay không. Như vậy bất cứ ai cũng có thể tự xưng là CA để đe dọa hay làm điều phi pháp đối với tôi hay người khác hay sao. Dù là CA thật, anh không có quyền thu giữ giấy CMND của cô Nguyệt vì cô không làm gì phi pháp. Anh cũng không có quyền ngăn cản không cho khách vào nhà tôi vì trong quy chế quản chế hành chánh không có quy định này.”

“Tôi chỉ làm nhiệm vụ. Ðây là trường hợp đặc biệt, tôi đang gọi điện thoại xin ý kiến cấp trên.”

“Cấp trên của anh cũng không có quyền. Cấp nào cũng phải làm theo luật.”

Tôi bắt đầu to tiếng. Anh ta lại gọi máy bộ đàm về trung tâm. Vẫn không ai nghe. Anh ta bỏ đi sang quán bên kia đường nói để gọi nhờ điện thoại. Tôi quát đuổi theo:

“CA cũng phải làm theo luật chứ đâu phải CA là muốn làm gì thì làm.”

Người đến xem khá đông, có 2 ông già, 4, 5 cậu thanh niên, mấy bà bán quán, cả 1 cán bộ về hưu nhà đối diện đầu hẻm. Tôi muốn nhân dịp này cho mọi người biết CA đã lạm dụng quyền hạn làm điều phạm luật và tôi chẳng có gì sai trái, chẳng sợ gì CA cả.

Gã MZ vào quán bên kia gọi điện thoại khá lâu vẫn chưa ra. Tôi bảo cô Nguyệt:

“Cô vào nhà tôi đi.”

Nguyệt hơi ngại:

“Nhưng anh ta không cho em vào, dặn đứng ở đây.”

Tôi nói:

“Cô cứ vào đi. Tôi chịu trách nhiệm việc này. Anh ta không có quyền cấm.”

Tôi dẫn Nguyệt vào nhà. Yến lục tìm bản quy chế Quản chế Hành chánh mãi vẫn chưa ra vì tôi để trong hộc tủ quá nhiều giấy tờ. Tôi nói thôi khỏi cần.

Chúng tôi nói chuyện khoảng 10 phút thì có tiếng gọi ngoài cổng. Tôi ra xem. Gã MZ đang đứng ở cổng nói: “Tôi muốn gặp chị Nguyệt”. Tôi bảo: “Vậy anh vào mà gặp. Cô Nguyệt đang là khách của tôi”. Anh ta có vẻ e ngại : “Tôi đang làm nhiệm vụ không vào được. Tôi chỉ muốn gặp chị Nguyệt để trả lại cho chị giấy chứng minh nhân dân thôi”.

Tôi vào nói lại. Nguyệt và Yến cùng ra. Gã MZ nói nhẹ nhàng:

“Chị Nguyệt à. Tôi trả lại chị giấy CMND. Tôi đã xin ý kiến cấp trên và đã có lệnh không cho chị vào. Chị thông cảm đi về giúp.”

Tôi và cả Yến lại bắt đầu tranh cãi với gã về việc gã có quyền đó không. Lần này anh ta nhỏ nhẹ:

“Anh Cự, chị Yến thông cảm. Em chỉ làm nhiệm vụ thôi chứ không phải muốn gây khó khăn cho anh chị đâu. Chị Yến đi dạy cũng làm nhiệm vụ. Anh Cự cũng làm nhiệm vụ (?). Ngoài nhiệm vụ ra thì mình cũng như gia đình thôi.”(?)

Tôi thấy anh ta có vẻ bối rối, nói năng khó hiểu nhưng tôi biết anh ta không muốn làm lớn chuyện. Yến tiếp tục phản đối nhưng tôi bảo cô Nguyệt đi về, lần khác đến chơi, vì cô ta cũng chỉ đến chơi, không có gì quan trọng.

Cuối cùng anh ta nói:

“Em tên là Y, cán bộ CA Tỉnh. Em chỉ làm theo lệnh trên. Nếu muốn anh chị cứ làm đơn khiếu nại.”

Tôi bảo :

“Chúng tôi phản đối để tỏ thái độ của mình thôi chứ khiếu nại, kiện cáo làm gì cho mất công.”

Chúng tôi đưa cô Nguyệt ra đường, kêu xe ôm cho cô đi rồi mới trở vào.

Tôi và Yến vào nhà tiếp tục bàn luận chuyện mới xảy ra. Tuy tôi nói với Y là không muốn kiện cáo, khiếu nại nhưng nghĩ lại đây là một dịp để tôi chính thức phản đối tố cáo mà CA không thể bắt bẻ được nên cuối cùng tôi quyết định viết đơn khiếu nại. Tôi phải viết ngay khi sự việc còn nóng hổi và không chỉ nói vụ việc đó mà còn mở rộng ra những vấn đề lớn hơn.

Ðơn khiếu nại tôi viết như sau:

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ðà Lạt ngày 17/12/97

Ðơn khiếu nại
V/v Vi phạm quyền tự do dân chủ và nhân quyền của công dân

Kính gởi:
  • Quốc hội Nước CHXNCNVN
  • Chính phủ
  • Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
  • Bộ Nội vụ
  • UBND Tỉnh Lâm Ðồng
  • Viện Kiểm sát Nhân dân Tỉnh LÐ và TP/ÐL
  • Sở Công an LÐ
  • Công an TP ÐL
  • UBND Phường 9, ÐL


Tôi tên là Bảo Cự
Nghề nghiệp: Làm vườn, viết văn (bút hiệu Tiêu Dao Bảo Cự)
Hiện ở tại 35/1 Nguyễn Ðình Chiểu, Phường 9, Ðà Lạt.
Ngày 10/10/97, UBND Tỉnh LÐ đã ra quyết định số 1511/QÐ-UB v/v quản chế hành chính đối với tôi, thời hạn 2 năm, căn cứ và nghị định 31/CP ngày 14/4/97 của chính phủ, với lý do gọi là tôi “đã có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu có nội dung chống chế độ XHCN, vi phạm điểm a và điểm c khoản 1, điều 82 Bộ Luật Hình Sự nước CHXHCNVN”.

Trong suốt thời gian từ tháng 11/96 đến nay, qua nhiều lần làm việc với CA TP/LÐ, CA chưa bao giờ chứng minh được cụ thể tôi vi phạm điều trên vì việc của tôi làm chỉ là công khai bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề chung của đất nước, thực hiện quyền tự do dân chủ của người dân đã được ghi hiến pháp và pháp luật bảo đảm.

Khi nhận được quyết định quản chế, tôi đã không khiếu nại theo như điều 3 của quyết định này do tôi nghĩ rằng việc đó vô ích vì quyết định quy định tôi có quyền gởi đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND Tỉnh LÐ và Bộ Trưởng Bộ Nội vụ, mà 2 nơi này lại là cơ quan đã ra quyết định và chỉ đạo việc quản chế đối với tôi. Tôi không thừa nhận quyết định quản chế này là có lý nhưng tôi phải chấp hành vì tôi chỉ là một công dân bình thường, đơn độc, không được luật pháp bảo vệ và không thể chống lại bộ máy trấn áp của CA. Từ ngày quyết định quản chế có hiệu lực (18/10/97) đến nay đã gần 2 tháng, tôi không hề vi phạm quy chế quản chế hành chính. Tuy nhiên các CA có nhiệm vụ giám sát tôi lại vi phạm quy chế này, xâm phạm thô bạo quyền tự do dân chủ ít ỏi còn sót lại sau khi tôi bị quản chế.

Ngày hôm nay 11/12/97, lúc 14g , có cô La Nguyệt là bạn của vợ chồng tôi đến thăm chúng tôi. Một người mặc thường phục tự xưng là CA đã chặn cô Nguyệt không cho vào cổng và tịch thu giấy CMND của cô. Biết chuyện, tôi ra xem và yêu cầu anh này xuất trình thẻ CA nhưng anh ta từ chối. Tôi nói nếu anh không xuất trình giấy tờ tôi không biết anh có phải là CA hay không và dù có là CA thật, anh cũng không có quyền tịch thu giấy CMND của cô Nguyệt vì cô không làm gì phạm pháp, anh cũng không có quyền ngăn cản không cho cô Nguyệt vào nhà tôi, vì trong quyết định quản chế không quy định cấm bạn bè, khách đến thăm viếng tôi.

Anh ta nói tôi không có quyền yêu cầu anh ta xuất trình giấy tờ vì tôi không phải là công dân (do đang bị quản chế) và anh ta chỉ làm nhiệm vụ. Sau một lúc tranh cãi, anh ta nói để gọi điện thoại xin ý kiến cấp trên và sau đó tuyên bố cấp trên có lệnh không cho cô Nguyệt vào. Anh ta trả lại giấy CMND cho cô Nguyệt và yêu cầu cô ra về. Cuối cùng anh ta tự xưng tên là Y, cán bộ CA tỉnh, nói chỉ làm nhiệm vụ theo lệnh trên và nếu tôi muốn cứ việc làm đơn khiếu nại.

Trước đó, ngày 6/12/97 lúc 8g, một cán bộ CA khác, tên Nguyễn X , đã chạy xe Honda lạng qua lạng lại chặn trước đầu xe để ngăn cản tôi suýt gây ra tai nạn khi tôi đi từ nhà ra đường Sương Nguyệt Ánh, đến đường Trạng Trình để mua phân bón về trồng cây ở một cửa hàng tại đây. Các đường tôi đi và cửa hàng đều ở trong phạm vi phường 9, là địa bàn tôi được tự do đi lại. Sau khi về, tôi đến gặp anh X để chất vấn việc này, anh X đã xuất trình giấy tờ CA và xin lỗi vì mới nhận nhiệm vụ không nắm rõ địa bàn phường 9, hứa sẽ rút kinh nghiệm.

Trước đó nữa, tôi được nghe thuật lại: Sau khi tôi bị quản chế 3 ngày, bà Nguyễn Thị Thục là bạn của vợ chồng tôi đến thăm tôi cũng bị CA chặn không cho vào ngay từ đầu hẻm, nhưng chúng tôi ở trong nhà nên không biết. Những sự việc xảy ra trên đây đều có bà con trong xóm chứng kiến.

Ngoài ra trong thời gian qua, một số thư từ của tôi từ nước ngoài gởi về bị đổi ruột vì nội dung tôi nhận được không liên quan gì đến người gởi cũng như người nhận.

Theo quy chế quản chế hành chính ban hành kèm theo nghị định 31/CP, tại chương III “Những quy định cụ thể đối với người bị quản chế hành chính” cho phép người bị quản chế làm ăn sinh sống bình thường, chỉ hạn chế phạm vi đi lại, không được giữ các chức vụ lãnh đạo, không được làm một số nghề đặc biệt chứ không có điều nào quy định mất quyền công dân. Ðiều 20, chương III quy định người bị quản chế có quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật về QCHC của người, cơ quan thi hành quyết định QCHC. Ðiều 27, chương IV quy định “ Cơ quan, người có thẩm quyền thi hành quyết định QCHC phải nghiêm chỉnh thi hành những quy định về quản chế, không được gây khó khăn, cản trở việc làm ăn sinh sống bình thường của người bị quản chế, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự...

Như thế rõ ràng các cán bộ CA giám sát tôi nói trên đây đã vi phạm nghiêm trọng quy chế QCHC mà họ có trách nhiệm thi hành.

Thực ra, những việc làm vi phạm quyền công dân và nhân quyền đối với tôi đã có từ lâu, trước khi có quyết định QCHC, đặc biệt từ cuối tháng 4/97 như ngăn chặn điện thoại, giấu thư, đổi ruột thư (cả đối với vợ tôi), cắt điện thoại mà không giải thích lý do và không có văn bản (công ty ÐBÐT làm theo lệnh của CA), chặn không cho khách vào nhà, theo dõi, hạn chế việc chúng tôi đi lại, gây khó khăn cho những người tôi đến thăm hay đến thăm tôi, CA gọi tôi thẩm vấn thời gian tổng cộng hơn một tháng, vu khống, bôi nhọ để cô lập tôi, tịch thu nhật ký, bản thảo sáng tác, bài viết của tôi...

Tất cả những điều này đều trái với các điều khoản trong Hiến pháp, pháp luật liên quan đến quyền tự do dân chủ của người dân cũng như trái với tinh thần và các điều khoản của Bản Tuyên Ngôn QTNQ mà VN đã long trọng ký kết và thừa nhận.

Do đó tôi yêu cầu:

  1. Trong phạm vi thực hiện Nghị định 31/CP và Quy chế QCHC kèm theo, yêu cầu chấm dứt những hành vi vi phạm nêu trên và xử lý kỷ luật đối với các cán bộ CA trực tiếp có hành vi vi phạm cũng như cán bộ cấp trên (nếu có) đã chỉ đạo sự vi phạm này. Những người này đã không học luật hay biết luật vẫn phạm luật hoặc cố tình lạm dụng chức quyền của mình, cũng như trong báo cáo của UB pháp luật QH vừa qua cho biết trong 10 tháng đầu năm 97 có tới 18.197 người bị bắt oan sai, chiếm đến 30, 26%, các vụ bắt giữ. Trong khi có 8.863 người đã có án tù lại không bị bắt. (Theo tường thật của báo Tuổi trẻ 6/12/97).

  2. Xoá bỏ Quyết định QCHC đối với tôi vì tôi chẳng làm gì vi phạm an ninh quốc gia mà chỉ thực hiện quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của người dân theo đúng các điều 50, 53, 69, 146 của Hiến pháp nước CHXHCNVN và điều 19, 30, Bản Tuyên Ngôn QTNQ.

  3. Hủy bỏ Nghị định 31/CP và Quy chế QCHC kèm theo vì NÐ và QC này trái với HP và Bản TNQTNQ thực chất là thực hiện chế độ “Công an trị”, giam giữ người không qua xét xử, mà khỏi nuôi cơm tù, trái với chế độ dân chủ pháp trị mà Nhà nước đang xây dựng, bị nhân dân ta và nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế trên thế giới lên án vì đi ngược lại sự tiến bộ chung của nhân loại.
Có như thế, đất nước ta mới đủ tư cách hội nhập vào thế giới văn minh hiện nay. Chứ không phải hội nhập chỉ là kinh doanh mua bán và ngửa tay xin viện trợ.

Ðề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời, thông báo kết quả cho tôi biết trong thời gian luật pháp quy định.

Trân trọng cám ơn

Người khiếu nại
Bảo Cự

Viết xong, tôi suy nghĩ về mấy mức:

Tôi định để thêm mấy ngày suy nghĩ rồi sẽ quyết định vì việc này rất quan trọng, có thể dẫn đến nhiều hậu quả khác nhau.


Thứ năm 18/12/97

Hôm nay lại đến kỳ hạn trình diện UBND phường tháng thứ hai.

Mấy hôm rồi tôi suy nghĩ kỹ về chuyện gởi đơn khiếu nại và cuối cùng tôi viết lại một đơn khác ngắn gọn, chỉ nói đến sự việc 3 lần CA chặn không cho người vào nhà tôi, xác định đó là vi phạm quy chế QCHC, yêu cầu xử lý kỷ luật những người vi phạm, và chỉ viết một bản gởi cho các cơ quan trong Tỉnh thông qua UBND phường chứ không sao gởi mỗi nơi một bản. Tôi chỉ muốn tỏ cho họ biết là tôi phản đối, tôi không sợ và đừng ép tôi nếu không muốn tôi làm lớn chuyện, chẳng lợi gì cho họ. Tôi muốn tự hạn chế để việc làm và hiệu quả của công việc ở mức độ đó.

Nếu tôi gởi cho các cơ quan TW và báo chí thì thực ra cũng chẳng ích gì vì chắc chắn sẽ không nơi nào lên tiếng hay giải quyết gì cả. Họ sẽ còn có thể xem đó là thái độ khiêu khích. Và thực ra tôi gởi nhiều nơi không phải dễ vì CA theo dõi chúng tôi chặt chẽ. Tất cả thư từ chúng tôi gởi và nhận đều bị kiểm duyệt gắt gao.

Việc có tác dụng là gởi ra cho báo chí nước ngoài. Ðây là một sự tuyên chiến. Chắc chắn các đài báo nước ngoài và các tổ chức chính trị, nhân quyền sẽ làm ầm ĩ lên. Nhưng thực ra những việc tôi viết trong đơn bên ngoài cũng đã biết và đã từng nói đến tuy không đầy đủ. Ðây chỉ là thêm một bằng chứng cụ thể do chính tay tôi viết. Tuy nhiên sự lên tiếng của bên ngoài chỉ gây dư luận và sức ép nhất định trong một lúc, không thể buộc chính phủ VN làm theo ý họ. Ngược lại Ðảng, Nhà nước và CA chắc chắn sẽ áp dụng biện pháp mạnh đối với tôi vì cho rằng tôi tiếp tay với bên ngoài để gây rối. Tôi chẳng có cách nào để tự bảo vệ và cũng chẳng ai bảo vệ được tôi.

Tôi chỉ là một người cầm bút đơn độc muốn nói lên tiếng của lương tri, phản kháng bằng ngòi bút tự do chứ không phải là một người hoạt động chính trị chuyên nghiệp hoặc ở trong tổ chức nào. Có thể HSP đã có lý khi cho rằng nên cố giới hạn tác động của CA đến mức tối thiểu để giành thời gian và điều kiện cho việc nghiên cứu và viết là việc chính của chúng tôi. Không nên có bất cứ hành động hay sự cố gì dẫn đến chuyện CA sẽ siết chặt hơn nữa. Cũng có thể tôi đã sai lầm khi trước đây chống lại lệnh triệu tập của CA và thường xuyên lui tới HSP, BMQ nên đã dẫn đến chuyện bị quản chế dù cái giá phải trả này xét ra cũng xứng đáng.

Tuy nhiên hiện nay có lẽ tôi nên giữ gìn để có thể yên ổn viết trong 2 năm quản chế. Tôi còn phải làm vườn, trồng và chăm sóc tốt ít nhất 20 cây hồng và 100 cây café. Ðó là sinh kế của tôi. Tôi không thể dựa mãi vào vợ con hay sự giúp đỡ của bất cứ ai khác. Ðó cũng là sự tự trọng và trách nhiệm đầu tiên, tối thiểu của tôi trước khi lo đến việc khác.

Ngôi nhà của Tiêu Dao Bảo Cự tại Đà Lạt
Trở lại chuyện trình diện UBND phường, hôm nay chủ tịch H vắng, có T, phó chủ tịch thay chủ trì, ngoài ra vẫn thêm A, CA khu vực và S, CA thành phố.

Sau khi tôi đọc báo cáo tường trình hàng tháng và đơn khiếu nại. T nói ngay là UBND phường chỉ có trách nhiệm quản lý chung nên không có hiểu biết cụ thể và không thể giải quyết các khiếu nại của tôi và đề nghị CA là cơ quan chức năng có ý kiến. T có vẻ không muốn dính sâu vào chuyện của tôi mà chỉ làm việc có tính cách thủ tục.

A góp ý nhận xét tán thành báo cáo hàng tháng của tôi, đồng ý tôi chấp hành tốt quy chế QCHC, không có gì vi phạm. Còn về đơn khiếu nại của tôi, A nói sẽ chuyển lên cấp trên giải quyết chứ không có ý kiến gì. Tôi phân tích thêm về nội dung đơn khiếu nại và yêu cầu S có ý kiến trực tiếp. S nói nếu tôi có thắc mắc gì làm đơn khiếu nại là đúng nhưng cũng không đề cập nội dung tôi khiếu nại là đúng hay sai. Cả 3 người đều có ý né tránh chuyện đó dù tôi đã yêu cầu. Nói qua lại một lúc, A cũng góp ý với tôi là dù gì thì gì cũng không nên to tiếng cãi vã làm mất trật tự trên đường phố. Chắc anh ta đã nghe dân phản ánh chuyện tôi làm ì xèo với Y hôm trước. Tôi trả lời ngay vì tôi bị xâm phạm quyền công dân nên tôi phải phản ứng, còn tôi nói ở ngoài đường là vì CA đứng đó làm việc, tôi đâu thể nói ở đâu khác.

Khi viết biên bản, A có ghi câu “yêu cầu ông không nên cãi vã, nặng lời với nhau ngoài đường phố”. Tôi đọc lại thấy buồn cười và yêu cầu A ghi rõ chứ nếu không đọc biên bản người ta sẽ không hiểu tôi cãi vã với ai, lý do gì. A lúng túng một lúc rồi mở ngoặc đơn viết thêm (bất cứ ai). Tôi vẫn không chịu. S xen vào can thiệp nói thôi vậy cũng được, người ta hiểu mà. Cuối cùng tôi đồng ý vì biên bản không còn chỗ để ghi thêm và thực ra biên bản này chỉ để CA xem chứ ai xem đâu.

Trong khi chờ A hoàn tất biên bản, T, S và tôi nói chuyện linh tinh một cách thoải mái hơn. Ngoài công việc bắt buộc phải làm, những người này, kể cả A không hề tỏ ra có ác cảm với tôi.


Chủ nhật 21/12/97

Trưa nay Yến đi dự đám cưới một cô bạn giáo viên trong trường tổ chức ở một nhà hàng ngoài phố, sau đó đi mua sắm với một người bạn. Yến có ghé cửa hàng của Thục. Thục cho biết mua bán cũng tàm tạm thôi. Về Quốc, độ này CA không cho đưa đón Thục và đi chợ nữa mà chỉ cho đưa đón con đi học. Có mấy người ở Canada về ở gần nhà Quốc đến thăm nhưng CA không cho vào. Quốc đã viết được mấy truyện ngắn và phần đầu cuốn tiểu thuyết về chiến tranh dự định từ lâu. Có lẽ cũng như tôi, thời gian này BMQ và HSP đều tập trung cho việc viết. Thế cũng được.

Buổi chiều ông Tổ trưởng dân phố đến thu tiền đóng góp “quỹ quốc phòng” 12.000đ/ một hộ. Hôm trước A đã đến thu “quỹ bảo trợ trật tự an toàn xã hội” 5.000đ/ một người. Ngoài ra thỉnh thoảng lại thu tiền này tiền khác, dù ở trường Yến cũng đã được trừ lương về khoản này khoản nọ. Yến nói ông Bảo Cự mất quyền công dân sao còn thu tiền. Ông tổ trưởng nói trước khi vào đây cũng phải nói qua với CA gác ở ngoài. Yến nói: “Bác sợ gì. Bác đi làm nhiệm vụ và bây giờ là thời đại dân chủ mà”. Tổ trưởng làm bộ to tiếng: “Cô nói dân chủ hả. Cô ra ứng cử mà Mặt trận không giới thiệu cô có ứng cử được không?” Thì ra nhận thức của tổ trưởng này cũng khá.


Thứ ba 23/12/97

Tôi lại đi mua phân ở cửa hàng đường Trạng Trình. Tôi không chú ý có ai theo không. Cô bán hàng hỏi tôi: “Hôm trước có người theo dõi anh phải không?”

“Sao cô biết?”

“Hôm đó khi anh mua, có một người đậu xe bên kia đường nhìn sang. Anh đi rồi, anh ta vào hỏi tôi anh mua gì. Tôi tưởng là người cùng đi với anh nên trả lời anh mua NPK. Anh ta hỏi cửa hàng này số nhà mấy, tôi hơi bực nói ra ngoài cổng mà coi. Sau đó khi thuật chuyện lại cho ông xã, ông xã tôi nói sao em không bảo hắn “bộ đui sao không thấy?” Chắc anh ta theo dõi anh.”

Tôi chỉ nói đơn giản: “À bây giờ cũng có nhiều người làm nghề đó.”

Việc này một lần nữa chứng tỏ CA giám sát tôi chặt chẽ và điều tra mọi người, mọi việc có bất kỳ quan hệ gì với tôi.


Thứ tư 24/12/97

Hôm qua Yến đi viếng tượng Ðức Mẹ về có mua một bộ tượng nhỏ, một dây đèn, một hộp sơn bạc, nói là để làm hang đá Giáng Sinh. Ðây là lần đầu tiên Yến nghĩ đến chuyện này.

Hôm nay Yến vẫn đi dạy bình thường nên nhờ tôi ở nhà chuẩn bị sẵn để chiều làm. Tôi lấy một bao giấy xi măng có 4, 5 lớp, xé ra, lau chùi sạch sẽ rồi quét sơn bạc, thêm một ít sơn đen và sơn trắng có sẵn ở nhà. Không đợi Yến, tôi tìm một khung gỗ cũ và làm luôn. Chiếc hang đá bé tẹo nhưng coi cũng giống.

Lúc tôi ra quán mua một lít xăng để rửa cọ, gặp Y- gã MZ đứng đó. Y chủ động bắt chuyện, hỏi tôi mua xăng làm gì. Tôi cũng nói chuyện với Y và chủ quán một lúc. Y không có vẻ làm thân hẳn nhưng tỏ ra chuyện hôm trước không có gì. Thế cũng được. Chuyện qua rồi.


Ðêm Noel 1997

Lần đầu tiên đêm Noel tôi và Yến không cùng đi với nhau. Những năm trước tuy không đi lễ ở nhà thờ nhưng bao giờ chúng tôi cũng ra đường và đi lang thang cho đến tận khuya. Yến hồi nhỏ vốn theo Công giáo, nhưng từ khi cùng tôi “về với nhau”, Yến ít đi nhà thờ vì chúng tôi chẳng hề làm đám cưới hay lễ hôn phối gì cả. Thuở 20, chúng tôi lãng mạn và tung trời như những con chim tự do, không hề chịu ràng buộc bởi bất cứ luật nào. Năm 1995 sau 25 chung sống, chúng tôi mới làm lễ chuẩn hôn phối tại nhà thờ Con Gà Ðà Lạt. Ðây là một sự kiện đầy xúc động đối với chúng tôi, đã gợi hứng cho tôi viết truyện ngắn “Hành trình trăm năm”. Sau đó Yến bắt đầu đi lễ nhà thờ thường xuyên trở lại. Chúng tôi đã cùng nhau đi dự lễ Giáng sinh 2 lần tại nhà thờ Con Gà trong 2 năm 1995 và 1996.

Năm nay Yến đi dự lễ một mình. Tuần trước lúc trình diện UBND phường lần thứ hai, S hỏi tôi có nguyện vọng gì, nghĩ đến Yến, tôi nói tôi muốn cùng Yến đi dự lễ Giáng sinh ở nhà thờ Con Gà. S bảo tôi làm đơn và nói nếu được giải quyết, ngày 23 sẽ có giấy phép. Tôi không hỏi là tôi phải đến UB phường để lấy hay có người mang đến cho tôi vì tôi nghĩ không chắc họ sẽ giải quyết. Tôi không muốn đến UB phường. Nếu họ tử tế đưa giấy phép đến càng tốt, bằng không tôi cũng chẳng cần. Tôi chẳng hề muốn qụy lụy ai. Yến cũng đã đồng ý như thế.

Cho đến chiều hôm nay, không những không ai đưa giấy phép mà hình như người ta còn tăng cường đến 3 người giám sát ngoài đầu hẻm vì chúng tôi thấy ngoài chiếc xe MZ còn thêm 2 Honda khác nữa. Chắc họ nghĩ Noel thế nào tôi cũng đi hoặc có ai đến tiếp xúc gì chăng. Tha hồ cho họ canh gác. Tôi yên chí ngồi nhà.

8g tối Yến đi. Tôi ngồi nghe đài và suy nghĩ về đêm Noel. Từ trước tôi chưa bao giờ nhìn kỹ một hang đá Giáng Sinh dù tôi đã thấy rất nhiều. Có lẽ do tôi thiếu lòng tin. Bây giờ tôi ngồi một mình ngắm chiếc hang đá bé nhỏ do chính mình làm lần đầu tiên trong đời. Mấy pho tượng nhỏ đơn sơ. Chúa hài đồng, Mẹ Maria, Thánh Giuse, hai con lừa. Ðây chỉ là những tượng đơn giản thông thường, không tinh tế lắm nhưng tôi cảm thấy có cái gì rất sống động, màu nhiệm và ấm cúng trong cảnh tượng lặng lẽ kia làm lòng tôi êm dịu.

Một đứa bé ra đời nơi hang lừa trong một đêm rét buốt, sau này sẽ trở thành người đi rao giảng tình thương yêu và chịu khổ nạn để chuộc tội cho thế gian. Ðó là một sự kiện trọng đại đáng ghi nhớ trong chiều dài lịch sử nhân loại.

Từ nhỏ tôi không theo tôn giáo nào và nói chung tôi không thích các tôn giáo, đúng hơn là không thích các giáo hội. Ðối với tôi các giáo hội là những tổ chức với những luật lệ, nghi lễ quá phiền phức rườm rà. Nhiều con người trong bộ máy của các giáo hội rất phàm tục và không thể hiện được tinh thần của tôn giáo mà họ đang đại biểu. Dĩ nhiên vẫn có những con người tuyệt vời mà tôi cũng đã từng gặp. Và tôi vẫn hiểu được sự cần thiết của giáo hội trong việc phát triển tôn giáo, làm chỗ dựa cho đông đảo tín đồ bình thường cũng như giúp đỡ xã hội. Tuy nhiên các giáo hội lại rất dễ bị thế tục hóa trong những lãnh vực này, nhất là khi dính đến chính trị và kinh tế.

Sau này tôi quan tâm đến những gì là tinh túy của các tôn giáo về phần tâm linh và tôi thấy các tôn giáo lớn đều tốt. Ðối với tôi, Jésus Christ, Phật Thích Ca hay các giáo chủ lớn khác đều là những bậc minh triết, các vị chân sư. Họ là hiện thân của Ðấng Tối cao hay Ý thức Vũ trụ, là cội nguồn của Tình yêu và Sáng tạo, đã soi đường cho nhân loại như những ngôi sao sáng trên bầu trời đêm.

Ðêm Noel là đêm của Tình yêu và Hi vọng. Tôi muốn đêm nào cũng là đêm Noel. Trước khi đi Yến nói “Ðêm nay Bảo Cự ở nhà một mình sẽ có Chúa ngự đến”. Tôi không biết Chúa đến cách nào theo suy nghĩ của Yến nhưng đối với tôi, khi tôi khép mắt lại ngồi thiền, tôi hi vọng Ðấng Tối cao đến cùng tôi và tôi với Người trở thành một. Ðấng Tối cao, chính là Phúc Lạc thiêng liêng luôn luôn đổi mới. Tôi đã đọc ở đâu đó như thế và thấy có lý.

Các đài đều có chương trình nhạc Giáng sinh, những bài ca vui mừng và hi vọng bằng nhiều thứ tiếng. Tiếc thay ngay trong đêm này, một số tin tức làm tôi nhói lòng: Ủy hội Luật gia Quốc tế tố cáo chính sách của Trung Quốc tại Tây Tạng cưỡng bức cải tạo chính trị đối với các tu viện, tìm cách xóa bỏ văn hóa Tây Tạng. Một số người Hồi giáo đập phá một nhà thờ Thiên chúa giáo ở Indonesia. Hội Hồng thập tự Hàn Quốc đồng ý viện trợ 50.000 tấn gạo cho Bắc Triều Tiên nhưng chưa chuyển giao được vì chính phủ Bắc Triều Tiên không cho quốc tế thanh tra việc phân phối lương thực. Nạn đói ở Bắc Triều Tiên ngày càng nghiêm trọng, có đài nói nhiều người chết đói, thậm chí có nơi ăn thịt người, thế nhưng quốc tế sợ rằng lương thực cứu trợ chính phủ không phân phối cho dân mà để cung cấp cho quân đội.

Ba tin tức tình cờ lại thật tiêu biểu cho sự thống khổ và man rợ của con người. Thực hiện xâm lăng, kỳ thị tôn giáo và chính sách độc tài hiếu chiến, bất chấp sự khổ đau của đồng loại. Chúa sẽ làm gì để cứu chuộc con người nếu như con người không tự mình cứu chuộc? Tình yêu bao la của Chúa có làm phai nhạt được thù hận giữa con người và con người đang sục sôi? May ra chỉ có sự chuyển hóa nơi tâm linh của chính từng người mới mang lại bình an cho thế gian. Nếu không sẽ như nhiều nhà tiên tri đã tiên đoán, cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 sẽ là thời kỳ bước dần vào tận thế của con người. Ðiều đó không mê tín, huyễn hoặc tí nào. Những cuộc chiến tranh, khủng bố, tàn phá môi trường, thiên tai, khủng hoảng tài chánh, khủng hoảng trong lòng người... chẳng phải là dấu chỉ đó sao.

Mới hơn 10g Yến đã về. Tôi ngạc nhiên vì nghe nói nhà thờ Con Gà tổ chức lễ từ 10-12g đêm. Yến bảo sợ khuya quá nên đã đi nhà thờ Don Bosco lễ sớm hơn. Yến kể về buổi lễ và nói thêm: “Hôm nay cha giảng đêm Noel phải mở rộng tình yêu thương và xóa bỏ hận thù. Như vậy em thôi không ghét gã MZ nữa. Ghét mà làm gì”. Tôi cười: “Vậy thì được lắm. Rất đúng ý Chúa. Theo Yoga, gã MZ cũng là biểu hiện của Ý thức Tối cao đó thôi”.

Yến kể thêm: “Không biết Chúa xui khiến thế nào mà khi về, em đi ngang lại quyết định ghé vào thăm ông bà Tụ (tức vợ chồng HSP, nhà ở gần nhà thờ Don Bosco. Từ hôm tôi bị quản chế đến nay 2 người này không đến tôi và Yến cũng không đến họ vì ngại CA gây phiền phức). Ông bà Tụ bảo cả hai cũng đều bị giám sát chặt chẽ, đi một bước cũng có người theo. Họ chuyển lời hỏi thăm tôi và khuyên tôi cứ yên tâm ngồi nhà viết là tốt nhất.”

Yến chỉ vào nói chuyện chừng 5 phút rồi ra về ngay. Yến ngại không biết việc mình ghé thăm vợ chồng HSP có đúng không và không biết CA có theo dõi rồi gây rắc rối gì không. Khi về Yến đi một vòng lên phố rồi mới thuê xe về nhà. Tôi nói: “Chúa sai khiến vào nhất định là đúng rồi. Còn CA có theo dõi hay không mặc kệ họ. Có ai cấm em đến thăm HSP đâu. Em cứ đường hoàng mà làm, chẳng sợ gì ai cả”.

Chúng tôi ăn khuya mừng Noel. Có một ít thịt gà và một bánh buche Noel nhỏ. Thịt gà là không đúng Yoga rồi. Nhưng thôi, hôm nay là Noel. Chúng tôi đi ngủ lúc 1g sáng.


Thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật 26-28/12/97

Chiều thứ sáu, Yến đi Bảo Lộc thăm mẹ và các em. Ðáng lý sáng thứ bảy Yến mới đi vì hôm đó nghỉ dạy, hôm nay buổi sáng Yến còn dạy ở trường và chiều phải dạy thêm ở nhà. Tuy nhiên vì hôm qua gọi điện cho các con ở SG, Yến biết chiều thứ sáu, Trường Sơn, con thứ của chúng tôi, cũng đi Bảo Lộc để lo công việc nên Yến xuống sớm để gặp con. Yến nghĩ thế nhưng cũng không nói cho con biết vì sợ CA nghe được qua điện thoại sẽ theo dõi phiền phức khi Yến đi Bảo Lộc. Yến đi không có gì bí mật nhưng Yến rất ghét chuyện bị theo dõi. Thế là đã dạy học suốt ngày mệt nhọc, 5g chiều Yến mới ra bến xe để đi. Tôi thấy Yến hốc hác nhưng không dám cản vì tôi biết tính Yến trong những trường hợp này không ai cản được, lại chỉ gây thêm bực mình. Ðó là sự mạnh mẽ của Yến khi quyết tâm làm một việc gì, mạnh mẽ hơn tôi nhiều.

Yến đi đến trưa chủ nhật mới về. Hai đêm hai ngày Yến đi vắng, không hiểu sao lần này tôi thấm thía vị cô độc, lại bị đau nhức kinh khủng nên tôi ăn rất ít, làm vườn qua loa rồi đi ngủ sớm, không buồn xem tivi hay đọc sách báo.

Yến kể chuyện Bảo Lộc: Gặp một số người quen cũ họ đều biết chuyện của tôi và gởi lời thăm tôi. Có người biết do thư từ của người thân ở bên Mỹ. Thật ngược đời. Trần Minh Thảo cho biết đã bị khai trừ Đảng tháng trước vì lý do chống chủ nghĩa Mác. (Cũng đúng thôi vì Thảo đã viết mấy bài phê phán Đảng kịch liệt và người ta hăm he đã lâu nhưng chưa khai trừ được). Thảo có gởi một cuốn sách in tranh của Bửu Chỉ và Hoàng Ðăng Nhuận do 2 tác giả tặng tôi.

Tội nghiệp Yến kể chuyện gặp con mà tủi thân rươm rướm nước mắt. Nó bận làm việc túi bụi chẳng nói chuyện gì với mẹ cả. Mẹ mua thức ăn, trái cây, cả café đá mang vào chỗ con làm việc để nó ăn uống khi thức khuya (nó phải cài đặt nối mạng vi tính suốt đêm,) nó còn không chịu, bảo mẹ bày đặt. Tôi an ủi Yến bảo thanh niên là vậy. Chỉ khi có con và ở tuổi như chúng tôi, các con mới hiểu lòng bố mẹ. Dù sao được ở bên cạnh con 1, 2 ngày đã là niềm hạnh phúc của Yến. Từ 6, 7 năm nay, 2 con luôn sống xa bố mẹ.

Mẹ của Yến vẫn bệnh và với những nỗi buồn, khổ tâm muôn thuở. Các em Yến đều làm ăn vất vả. Mỗi lần Yến đi Bảo Lộc thăm gia đình về đều không vui.

Gần tối chủ nhật, ông tổ trưởng vào báo tối đi họp khu phố để tổng kết năm 97 của khu phố và dự Hội đồng nhân dân phường 9 tiếp xúc cử tri. Về sau này các cuộc họp tôi đều đi.

Trong phần HÐND tiếp xúc cử tri, có nhiều người phát biểu và tôi cũng tham gia ý kiến. Tôi nói hai việc: chợ và giao thông ở Ngã tư Phan Chu Trinh. Ngã tư này là trung tâm của phường 9, cũng là trung tâm phụ thứ hai của Ðà Lạt sau khu Hòa Bình. Cái chợ ở ngã tư lộn xộn, nhếch nhác, bẩn thỉu, mất vệ sinh kinh khủng, nhất là trong mùa mưa và thời gian đang làm đường như hiện nay. Người ta đã làm đường, làm cống thoát nước ở khu vực quanh đó nhưng nhất định chừa khu vực chợ lại làm sau cùng. Thỉnh thoảng cống bị đào lên rồi để đó. Phải thừa nhận những người bán rau cải, hàng rong có sức tồn tại phi thường. Nước cống chảy lênh láng, họ kê giỏ, thùng bộng và để rau lên trên, mang bốt đứng bán. Ðá đất đổ ngổn ngang, họ dẹp sơ thành mặt bằng tuy còn lổn nhổn nhưng vẫn để hàng được. Mưa nắng, bụi mù họ vẫn kiên trì bám trụ lề đường và cảnh mua bán vẫn tấp nập. CA dọn dẹp lòng lề đường đập phá, tịch thu quang gánh hôm trước, hôm sau họ lại bày ra.

Mấy bà Đảng viên, cán bộ về hưu phát biểu phê phán chuyện chiếm dụng lòng lề đường, trách hội phụ nữ không biết giáo dục tiểu thương, chính quyền áp dụng biện pháp chưa đủ mạnh. Có bà kể khi CA tịch thu hàng rau, bảo người bán về đồn đóng thuế sẽ được trả lại, người bán đã nói: “Ðem về chia nhau mà ăn đi”. Người ta đã quá phẫn uất nên không còn biết sợ.

Tôi phát biểu về chuyện này: Chợ của một khu vực đông dân cư như thế này mà nhỏ xíu bằng lỗ mũi. Dù những người bán rau, hàng rong có chịu vào trong chợ cũng không có chỗ ngồi vì đã quá chật chội. Thực ra khu vực chợ trước đây rộng hơn nhiều. Thành phố và phường giành nhau quản lý chợ. Thành phố mạnh thế hơn nên đã giải tỏa một khu vực rộng, chia lô đem bán cho tư nhân, mỗi lô đến mấy trăm triệu đồng để xây nhà phố. Phường yếu thế nên chỉ quản lý mấy ki ốt và các sạp trong chợ, cho thuê, thu thuế. Do dân số tăng nhanh, nhu cầu mua bán ngày càng lớn, cái chợ đã quá tải và trở thành hiện trạng nhức nhối như đã nói trên.

Những người bán rau cải, hàng rong là những người nghèo khổ, làm ăn lương thiện, họ có quyền được sống. Nhà nước cũng phải lo cho họ. Không lẽ chỉ những người giàu có tiền xây nhà phố mới được quyền làm ăn buôn bán. Vấn đề then chốt không phải ở chỗ sử dụng biện pháp giáo dục hay biện pháp chính quyền như có người nói mà chính là vấn đề tổ chức quản lý. Nhà nước phải bố trí một khu vực chợ thích đáng, hợp lý, ai cũng có thể buôn bán được thì không ai ra ngồi ngoài lòng, lề đường làm gì.

(Tôi định nói thêm: Nhà nước này là Nhà nước của giai cấp vô sản, sao lại không biết lo cho dân nghèo. Hồ Chí Minh đã nói rất đúng; “Dân đói, Chính phủ có lỗi. Dân rét, Chính phủ có lỗi”. Tôi nghĩ nhưng không nói vì tôi biết trong số các Đảng viên dự họp ở đây có người đã yêu cầu bỏ tù tôi vì tôi nói xấu Bác Hồ. Tôi trích dẫn HCM cốt để châm biếm họ. Công bằng mà nói HCM có những câu nói rất đơn giản nhưng rất hay và đúng, dễ đi vào lòng người, dù đôi khi những ý tưởng ông cóp nhặt đây đó trong sách vở đông tây kim cổ. Vấn đề là người ta đã quá thần thánh hóa ông và bản thân ông có làm đúng những điều mình nói không).

Ðiều bất ngờ là ông trưởng đoàn đại biểu HÐND lại tiếp thu ý kiến của tôi, hứa sẽ nghiên cứu và đề bạt lên trên. Ông còn nói cụ thể thêm là hiện ở chợ còn 2 lô đất chưa bán, HÐND phường sẽ kiến nghị TP giữ lại giao cho phường tổ chức chợ.

Nếu cuộc họp dân nào tôi cũng hăng hái phát biểu kiểu này, không biết CA sẽ nghĩ sao.


Thứ hai 29/12/97

Sau một tuần họp từ ngày 22/12, hôm nay Hội nghị BCH TW Ðảng lần thứ 4, khóa 8 bế mạc và chính thức công bố việc đề cử Tổng bí thư mới của Ðảng: Ông Lê Khả Phiêu thay ông Ðỗ Mười.

Việc này các đài báo nước ngoài đã dự đoán cả năm nay. Lần này khi sự việc diễn ra, nhiều đài báo bình luận gần giống nhau: Ông LKP là một nhân vật thuộc cánh bảo thủ, được đưa lên để cân bằng với 2 ông Trần Ðức Lương (Chủ Tịch nước) và Phan Văn Khải (Thủ Tướng) có xu thế cấp tiến, cởi mở hơn, nhằm duy trì sự ổn định chính trị và giữ vững quyền lãnh đạo của Ðảng trong công cuộc đổi mới. Như thế sự đổi mới về kinh tế của VN có thể bị chậm lại dù VN không thể đi ngược lại trào lưu chung, nhất là khi VN đang cần phải hội nhập với thế giới.

Tôi nghĩ, qua tiểu sử và thành tích được công bố, ông LKP không có gì xuất sắc so với các TBT tiền nhiệm, nhưng ông đã được lựa chọn và đào tạo để kế thừa chức vụ này từ nhiều năm trước. Ðây là cách làm công tác tổ chức của Ðảng CS, một quá trình thầm lặng nhưng gay go phản ánh những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ.

Vai trò của cá nhân, nhất là những người lãnh đạo cấp cao rất quan trọng, nhưng điều quan trọng quyết định hơn là sự chuyển động của toàn Ðảng, toàn dân tộc trong xu thế chung của thời đại là phát triển, dân chủ, hữu nghị và hòa bình trên cơ sở trí tuệ và tôn trọng con người. Hiện tình VN rất khó khăn nhưng không thể đi ra khỏi xu thế đó. Ðây không phải là một nhận định, hi vọng suông mà đã có những biểu hiện trong thực tế. Những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng dần dần đã mở rộng tầm mắt khi tiếp xúc với các nước. Nhân dân ngày càng có nhiều thông tin hơn về sự chuyển động của thế giới bên ngoài và sức phản kháng ngày càng mạnh. Những vụ biểu tình nổi dậy ở Thái Bình, Ðồng Nai và cả vụ thanh niên đua xe ở Hà Nội hôm Noel vừa qua tấn công cả CA (tuy đây là một hành vi bậy bạ) cho thấy người dân đã không còn biết sợ, và do đó một chế độ độc tài toàn trị khó lòng đứng vững.


Thứ ba, tư 30,31/12/97

Mấy ngày cuối năm, đài báo khắp thế giới la hoảng lên vì dịch “cúm gà” ở Hồng Kông. Chỉ trong vòng 2 ngày 29 và 30/12/97, gần 1,3 triệu con gà trên lãnh thổ Hồng Kông đã bị tiêu diệt trong nỗ lực của chính quyền nhằm chặn đứng dịch “cúm gà” do virus H5N1 gây ra. Chính quyền Hồng Kông đã phải huy động đến 2.200 nhân viên và tiêu tốn khoảng 40 triệu đô la HK [tương đương 64,1 tỉ đồng VN] để thực hiện “chiến dịch tàn sát” này. Nỗi lo sợ đã lan ra ngoài lãnh thổ HK, tại một số tỉnh Trung Quốc, người dân không dám ăn thịt gà. Ở Philippine, đích thân Tổng Thống Fidel Ramos hạ lệnh giám sát gắt gao tình hình cúm gà ở Hồng Kông, không cho căn bệnh lan sang nước mình sau khi có nguồn tin 2 người Philippine làm việc tại HK đã bị nhiễm bệnh.

Cho tới nay, tại HK đã có 4 người chết và 20 người được xác định đã nhiễm bệnh.

Tôi muốn chấm dứt tập nhật ký này ở ngày tháng cuối năm 1997, sau đó tôi sẽ viết cách khác, nếu cứ kiểu này tôi sẽ viết đến vô hạn. Tuy nhiên dù hết năm 97 dương lịch nhưng Tết Mậu Dần sắp đến và đối với người VN, Tết ta mới thực sự là chấm dứt năm cũ, bắt đầu năm mới nên tôi sẽ tiếp tục viết tập nhật ký này cho đến Tết Mậu Dần tức là tháng 2/98. Vả lại nếu chấm dứt tập nhật ký bằng chuyện chiến dịch HK tàn sát gà thì không hay tí nào.


Thứ sáu 2/1/98

Tình cờ tôi nghe đài RFI gặp mục điểm sách. RFI giới thiệu cuốn Một lúc một đời của Bùi Minh Quốc mới được dịch ra tiếng Pháp.

Vậy là Phan Huy Ðường ở Pháp đã làm điều mình hứa. Gần một năm trước đây ông đã gọi điện cho Quốc và tôi, báo ông đang tổ chức dịch 2 cuốn sách của chúng tôi sang tiếng Pháp và nhà xuất bản gởi hợp đồng để chúng tôi trực tiếp ký với nhà xuất bản. Hồi tháng 5/97, Quốc và tôi đều nhận được thư của NXB Philippe Picquier, nhưng bên trong chỉ là những tài liệu vớ vẩn. Chúng tôi biết rõ nội dung đã bị đổi nhưng đành chịu không báo được cho ông Ðường. Bây giờ cuốn sách dịch của Quốc được xuất bản chứng tỏ ông Ðường đã hiểu hoàn cảnh của chúng tôi và có cách làm việc với nhà xuất bản.

Trong lần điện thoại trước đây, PHÐ có nói với tôi cuốn sách của tôi (cuốn Nửa đời nhìn lại) dịch mất nhiều thời gian vì dày gấp đôi cuốn của Quốc, sẽ xuất bản sau. Tôi mừng cho Quốc và hi vọng trong thời gian không lâu nữa, cuốn sách của tôi cũng sẽ được giới thiệu với bạn đọc tiếng Pháp. Rất cám ơn PHÐ, người chúng tôi không quen biết nhưng đã trân trọng tác phẩm tâm huyết của chúng tôi và giúp cho chúng chắp cánh đi xa ra thế giới.


Thứ bảy 3/1/98

BBC phỏng vấn Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập báo Thanh Niên. Nghe mà ngán ngẩm. NCK nói có 2 vấn đề quan trọng, đại ý: Nhà nước lo cho thanh niên có việc làm, được vui chơi, thanh niên không thắc mắc gì và hoạt động báo chí hiện nay thoải mái, không có gì gò bó, trở ngại.

Trả lời phỏng vấn đài nước ngoài như thế thì nói tha hồ, còn nói như chúng tôi bị bịt miệng, chẹt họng ngay. Ðó cũng là một kiểu tự do ngôn luận, tự do có điều kiện.

Không biết NCK có thực tâm nghĩ như mình nói không hay phải nói như thế để có thể tồn tại và làm được một cái gì khác hơn. Tôi vẫn cứ cố hi vọng dù sao chăng nữa ai cũng muốn làm một cái gì tốt hơn cho đất nước.


Chủ nhật 4/1/98

Hai người bạn trong nhóm Yoga đến chơi, kể chuyện một người trong xóm tôi ở nói cho họ hay không phải chỉ có 4 người thường xuyên theo dõi chúng tôi mà có đến 10 người. Những người này thường lê la ở các nhà chung quanh nhà tôi làm chủ nhà phải khó chịu và còn ở cả ngoài vườn, ngoài suối. Yến nghe lại đâm lo và ra nhìn sang các vườn chung quanh xem có ai núp lén không.

Không biết hư thực thế nào nhưng những chuyện như vậy làm chúng tôi không dễ gì sống yên ổn.


Thứ ba 6/1/98

Ðài Á châu Tự do loan tin một số dân ở Long Bình, Ðồng Nai biểu tình chặn quốc lộ 1 phản đối quân đội lấy đất (đất do một số quan chức chiếm bán lại cho dân). Khoảng 15 người bị bắt.

Lại thêm một dấu hiện phản kháng mạnh mẽ của người dân thường. Sau Thái Bình, Xuân Lộc, nhất định vụ Long Bình sẽ phải làm cho Ðảng và Nhà nước đau đầu và xem xét lại chính sách, quan điểm.


Thứ bảy 10/1/98

Ðài Á châu Tự do phỏng vấn nhà báo Lê Văn Tiến về tình hình VN. Trong phần trả lời Lê Văn Tiến có trích dẫn ý kiến của Hoàng Minh Chính phát biểu qua điện thoại. HMC khen Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người khiêm tốn, chịu học hỏi, bản thân và gia đình sống liêm khiết. Lê Văn Tiến còn cho biết HMC đang vào SG tổ chức hội nghị ba bên.

Chưa rõ thực hư chuyện này như thế nào. Trước đây BMQ gặp HMC có nghe ông thuật lại đã 2 lần tiếp kiến LKP để trình bày về tình hình đất nước, trong đó có kiến nghị tổ chức hội nghị Diên Hồng kiểu mới gồm 3 thành phần: Ðảng đang cầm quyền, những người đối lập trong nước và Việt kiều ở hải ngoại.

Sau đó HMC được đồng ý cho đi SG nhưng bị giám sát chặt chẽ, hôm BMQ đến thăm ông ở SG đã bị buộc phải ra khỏi nhà ông và khi về Ðà Lạt, bị CA bắt giữ ở bến xe.

Tôi không biết rõ về hoạt động của HMC nhưng tôi tin ông là người không bao giờ chịu khuất phục. Có thể đây là sách lược hòa hoãn của ông để thực hiện được ý đồ đấu tranh cho dân chủ.


Thứ ba 13/1/98

Tôi dự họp Tổ dân phố để tổng kết phong trào Bảo vệ an ninh tổ quốc. Tổ trưởng phân loại trong 25 hộ của tổ có 20 hộ đạt tiêu chuẩn an toàn, 4 hộ trung bình (nghĩa là kém) và một hộ cá biệt là hộ của tôi.

Trong 4 hộ trung bình có 2 hộ là Đảng viên, được nhà nước hóa giá nhà, một biệt thự chia đôi, nhưng vì tranh chấp cái cổng ra vào nên thường xuyên cãi chửi nhau. Nghĩ cũng hay. Ðảng viên gương mẫu kiểu đó và Tổ trưởng là người ngoài Đảng nhưng phân loại như thế cũng công minh. Thực ra tổ trưởng đã thông qua Bí Thư chi bộ và bí thư chi bộ đồng ý. Cơ sở Đảng như thế cũng tốt.


Thứ tư 14/1/98

Nguyễn Ðức Sơn đến thăm tôi. Hầu như mỗi lần có dịp lên Ðà Lạt anh đều đến thăm tôi. Những lần trước anh đi chiếc xe Monkey cà khổ lùn tè và bụi đời, có lúc chở theo vợ hay một trong mấy đứa con. Lần này Sơn đi một mình và nhờ một người thợ nhiếp ảnh quen chở đến.

Theo thói quen, chưa kịp ngồi NÐS đã tuôn ra hàng tràng và liên tu bất tận đủ, mọi thứ chuyện.

Sơn kể chuyện vợ chồng nhà văn nữ Trọng Tuyến ở Pháp về có ghé thăm anh. Trọng Tuyến biết anh qua nhân vật Mây Ðầu Non trong tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại của tôi và trước khi gặp có viết thư cho Sơn. Sơn đưa cho tôi xem một đoạn trong thư của Trọng Tuyến đại ý nói Trọng Tuyến nghe hình như Sơn không bằng lòng với mấy chương TDBC viết về mình trong cuốn sách và chính vì những chương đó Trọng Tuyến mới tìm hiểu về Sơn.

Tôi hỏi Sơn tại sao Trọng Tuyến biết chuyện đó, Sơn có viết thư cho bạn bè ở hải ngoại về chuyện đó. Sơn chối là không. Tuy nhiên tôi biết rõ là Sơn vừa thích, vừa không thích và “chửi” tôi về mấy chương Mây Ðầu Non trong cuốn tiểu thuyết khi nói chuyện với nhiều người. Sơn đã từng nói thẳng với tôi là tôi viết về anh không đúng, không đạt và trách tôi sao lại trích thơ anh quá ít trong khi trích thơ Trần Dần, Hữu Loan quá nhiều. Tôi có tặng Sơn một bản cuốn NÐNL và Sơn đã mang đi khoe, cho nhiều người mượn đọc, có người Sơn chỉ cho đọc mấy chương viết về Mây Ðầu Non.

Tôi không giận NÐS vì tôi biết tính anh. Anh vô cùng cao ngạo và “chửi bới” không chừa ai. Tuy thế anh chân thật, dễ thương và nhân hậu. Anh vẫn lui tới thăm tôi và lần nào cũng mang cho tôi một gói nhỏ trà hay café do tự tay anh chế biến. Về chuyện viết về anh đúng hay không đúng, tôi chỉ nói: “Ðây là NÐS qua con mắt của TDBC chứ không phải NÐS tự nhìn nhận, khác nhau là phải thôi. Tôi có quyền viết về Mây Ðầu Non theo cách nhìn nhận của mình.”

Tôi hỏi thăm về đồi thông Sơn trồng ở Phương Bối nơi Sơn ở. Sơn nói thông đã khá cao nhưng cũng bị chặt phá nhiều. Sơn muốn ra Hà Nội tìm người thợ nổi tiếng khắc đá để khắc tấm bia dựng trên đồi thông với hàng chữ:

“Nơi đây
Cấm
Săn bắt chim thú
Ðược quyền

Ðủ mọi kiểu độc đáo
Trên các địa hạt
Chính trị và văn nghệ”

Ðó là một “kiểu độc đáo” của NÐS. Tôi tin có điều kiện Sơn sẽ làm thật.

Sơn kể chuyện mấy tháng trước bị CA gọi thẩm vấn, bắt làm lý lịch và hỏi về mối quan hệ của Sơn với tôi, HSP và BMQ. CA còn hỏi Sơn một năm làm vườn xài hết bao nhiêu xà bất, chiếc xe Monkey chạy 100 cây số tốn hết bao nhiêu lít xăng? Những câu hỏi này thì Sơn chịu không trả lời được. Ngay con anh có đứa ở đâu CA hỏi Sơn cũng còn không biết và CA phải mách giùm.

Sơn còn kể chuyện có 2 cô nàng mà Sơn nghi là CA tìm lên núi thăm anh. 2 cô này hỏi anh là hiền thần hay là hung thần, Sơn trả lời là hung thần. Hai cô hỏi tiếp Hang Pắc Bó hay hang Cắc Cớ, Sơn nói vào hang Pắc Bó rồi phải qua hang Cắc Cớ.

Ðó là phong cách của NÐS. Một lần nữa chắc NÐS sẽ lại là nguyên mẫu của một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết tôi sắp viết. Nhân có anh bạn thợ nhiếp ảnh, Sơn nhờ chụp giúp anh và tôi mấy kiểu, Mây Ðầu Non ngồi bên Tiêu Dao Bảo Cự.


Thứ sáu 16/1/98

Ðài Á châu Tự do loan tin hôm qua chính phủ VN thông báo về việc dân biểu tình ở Long Bình hôm 19/12/97, có khoảng 15 người bị bắt, hầu hết là phụ nữ và trẻ em là do họ phạm lỗi.

Không rõ CP/VN thông báo theo cách nào nhưng nếu có, đó là chính thức thừa nhận vụ việc.

Buổi chiều ông Thanh Sơn, cán bộ hưu trí ở nhà đối diện với đầu hẻm nhà tôi đưa một cán bộ khác tên Bao, đại tá về hưu, được giới thiệu là Trưởng ban Mặt trận khu phố, đến thăm tôi.

Ông Bao nói đến thăm nhà với tính cách xóm giềng vừa tính cách Mặt Trận để hỏi tâm tư nguyện vọng của tôi. Tôi thuyết một hồi về tính chất bất hợp lý và bất hợp pháp của quyết định quản chế và các vụ việc vi phạm quy chế quản chế hành chính của CA. Hai ông lúng túng không biết trả lời sao, cuối cùng chỉ nói vài câu rồi cáo từ. Ông Thanh Sơn, nguyên là Trưởng ban Nội chính của Tỉnh ủy, đã biết tôi từ hồi ở Bảo Lộc. Ông nói thực ra ông cũng không biết rõ tôi làm gì, nếu biết rõ và Ðảng - Nhà nước làm không đúng thì ông sẽ có ý kiến. Ông khuyên tôi nên giữ đoàn kết. Ông Bao nói tôi đừng làm gì có hại cho dân tộc. Tôi trả lời tôi luôn luôn đoàn kết trên cơ sở đấu tranh với những điều sai trái, không đoàn kết một chiều và tôi không bao giờ làm gì có hại cho đất nước.


Thứ bảy 17/1/98

Ðài BBC đưa tin: Trong 2 ngày 7 và 8/1/98 có hơn 100 dân biểu tình xung đột với bộ đội, CA ở Long Bình, 15 người bị bắt.

Các đài đưa tin khác nhau. Không rõ chính xác vụ việc trên xảy ra vào ngày nào.


Thứ hai 19/1/98

Tôi đến phường trình diện lần thứ 3. Ðáng lý trình diện ngày 18 hàng tháng nhưng 18 tháng này trúng chủ nhật nên lùi lại hôm sau theo như đã thống nhất hôm công bố quyết định quản chế.

Hôm nay UBND phường tổ chức tổng kết năm (mượn chỗ họp ở một hộp trường cơ quan gần trụ sở phường) nên Chủ tịch, Phó Chủ tịch vắng mặt, ủy quyền cho W, Phó Trưởng CA phường chủ trì, có Z cán bộ tư pháp và A, CA khu vực dự. Ngoài ra S bận họp tổng kết năm CA TP nên cử 2 CA là A1 và B1 dự. W giới thiệu 2 người mới này là cán bộ CA TP nhưng tôi không rõ có đúng không vì tôi biết vừa qua Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng cục trưởng An ninh mới vào dự hội nghị tổng kết của CA Lâm Ðồng, có thể họ cử cán bộ đến theo dõi việc tôi trình diện Phường.

Lần này tôi viết báo cáo tường trình chỉ có 2 câu: Không có gì vi phạm. Thắc mắc tại sao lần trước tôi gởi đơn khiếu nại không có cơ quan nào trả lời?

W và A đều góp ý bản báo cáo quá vắn tắt, đơn giản và như thế là không tôn trọng chính quyền địa phương. Tôi nói tôi không thích hình thức và sự lặp đi lặp lại.

Ðối với tôi viết chẳng khó khăn gì, chỉ ngoáy bút mấy phút là xong, muốn dài bao nhiêu cũng được và muốn hay ho cũng được nhưng tôi không làm. Không có gì vi phạm thì khỏi viết. Vả lại dù tôi viết hay viết tốt nhưng chính quyền và CA không thừa nhận thì cũng vô ích.

Lại tranh cãi một lúc. W nói mới đi học về, không rõ vụ tôi khiếu nại CA vi phạm như thế nào nhưng anh ta suy diễn có thể CA ngăn chặn những người có quan hệ về mặt chính trị đối với tôi, đã cùng tôi bàn bạc viết bài, gởi bài ra nước ngoài tức vi phạm pháp luật, còn ngoài ra những người khác CA sẽ không ngăn chặn. Tôi nói ngay những người CA chặn vừa qua không dính líu gì đến chính trị và việc viết bài vở cả.

W cũng nói tôi nên viết báo cáo hàng tháng đầy đủ, nghiêm chỉnh để sau này còn có cơ sở xét giảm thời hạn quản chế. Trong khi lý luận, W nói hình thức tuy không quan trọng nhưng cũng cần thiết và cũng bộc lộ phần nào tư tưởng của con người dù thực ra rất khó hiểu được tư tưởng của con người.

Tôi nói luôn tôi không sợ bộc lộ tư tưởng và bộc lộ với bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào. Ðối với tôi việc giảm thời hạn quản chế không có gì quan trọng mà quan trọng là tôi có sống như một người trung thực hay không. Tôi không yêu cầu giảm thời gian quản chế mà yêu cầu hủy bỏ quyết định quản chế đối với tôi và hủy bỏ luôn nghị định 31/CP của chính phủ vì những quyết định, nghị định này trái với hiến pháp, trái với pháp luật của tất cả các quốc gia văn minh. Hoặc là tôi có tội, hoặc là không có tội do tòa án xét xử chứ không có kiểu giam lỏng không qua xét xử. Như thế là giam giữ mà không tốn cơm nuôi tù, thực hiện chế độ “công an trị” chứ không phải pháp trị...

Tôi hăng lên nói một hơi dài. 2 CA mới từ đầu chỉ im lặng nghe, vội vàng tìm giấy ghi chép lia lịa. Cuối cùng W nói chính quyền cơ sở chỉ làm các việc có tính cách thủ tục theo chỉ thị của trên còn những việc tôi yêu cầu thuộc thẩm quyền của Nhà nước lớn, anh ta không thể trả lời.

Cán bộ tư pháp ghi biên bản không tóm tắt được ý của tôi nhưng tôi cũng cứ ký, sửa chữa mấy chuyện lặt vặt này chi cho mệt.


20-23/1/98

Mấy ngày tôi tích cực làm cỏ để Tết sắp tới vườn tược sạch sẽ. Tôi còn quét vôi mặt tiền nhà. Ðáng lý phải sơn nhưng vì sơn rất tốn kém nên tôi quét vôi đại. Vôi quét lên gỗ không ăn lắm nhưng cứ trăng trắng là được rồi. Năm nào chúng tôi cũng định sơn lại phòng ngủ cho sáng sủa nhưng không làm được. Cứ bàn tới bàn lui rồi thôi. Năm nay cũng vậy.


Thứ bảy 24/1/98 [26 tháng chạp]

Hôm nay Yến bắt đầu nghỉ Tết, chuẩn bị làm dưa món và làm mứt dứa-gừng dẻo. Vì có mấy người em của Yến hẹn Tết sẽ lên chơi nên Yến muốn gói, nấu bánh chưng. Ðã 4-5 năm nay chúng tôi bỏ gói bánh chưng vào dịp Tết theo truyền thống gia đình từ hơn 20 năm qua vì nấu mệt nhưng không ăn hết, để lâu bị mốc. Vả lại năm nào cũng có người cho hay chỉ mua vài cái là đủ ăn. Nấu bánh chưng có thú riêng và không khí ngày Tết nhưng tôi không muốn Yến làm vì bày ra làm rất mệt, nhất là khâu đãi đậu và gói.

Bất ngờ tôi nhận được một giấy báo mời lĩnh tiền đề tên Tiêu Dao Bảo Cự, số tiền 500.000đ, không rõ do ai gởi. Trước đây khá lâu, có người bạn ở nước ngoài gởi tiền cho tôi cũng đề tên TDBC, xác minh qua lại mãi tôi mới nhận được vì TD là bút hiệu, giấy chứng minh nhân dân của tôi tên là BC, mà bưu điện chỉ căn cứ vào giấy CMND, khác tên là không cho nhận.

Ðã thế lần này bưu điện lại mời tôi lên bưu điện chính ở gần nhà thờ Con Gà để lĩnh, tôi muốn đi phải xin phép UBND phường vì nơi đó thuộc phạm vi phường khác. Tôi nói Yến ra Bưu Ðiện ngã tư Phan Chu Trinh trong phường tôi ở yêu cầu chuyển về Bưu điện này, nếu không tôi khỏi lĩnh vì không muốn rắc rối. Cô nhân viên bưu điện bảo Yến để giấy báo lại và cô sẽ yêu cầu Bưu điện chính giải quyết.


Chủ Nhật 25/1/98 (27 tháng chạp)

Suốt ngày Yến thấp thỏm vì hai con ở SG hẹn hôm nay sẽ về nhà. Gọi điện xuống SG nghe nói 10g tụi nó mới đi, lại còn phải ghé Bảo Lộc giải quyết công việc nên Yến lo 2 con sẽ về muộn. Hai đứa lại nói sẽ đi Honda. 6g chiều Yến gọi về Bảo Lộc nghe tụi nó mới xuất phát từ Bảo lộc lúc 5g chiều, Yến lại càng lo vì như thế lên Ðà lạt trời sẽ tối. 7g rồi 8g tối Yến đi tới đi lui rồi ra cổng đứng chờ. 9g tôi cũng bắt đầu sốt ruột vì quãng đường BL-ÐL 110 cây số bình thường đi mất 2-3g. Yến không đứng ở cổng nữa mà đi dọc theo đường Nguyễn Ðình Chiểu ra phía hồ Xuân Hương, vừa lúc 2 đứa về, gặp mẹ trên đường. Ðối với các con Yến lúc nào cũng thế.

Thì ra 2 đứa đi trễ, còn ghé Di Linh ăn cơm, lên Ðà lạt còn đến một nhà người quen ngoài phố để lấy đồ vì chở Honda không được, phải gởi xe đò đem lên trước.

Hai đứa mang lên một thùng quà lớn. Rượu và bánh ngọt của Quốc Vĩnh. Chocolate của Võ Trường Chinh. Bánh chưng của trường Trường Sơn dạy tặng giáo viên. Tôm khô, củ kiệu, lạp xưởng, trà của mấy bạn gái của Tiêu Dao. Vài loại mứt hai con mua. Nhiều báo xuân và 7 cuốn Tuyển tập truyện ngắn Việt do NXB gởi cho tác giả (trước đã gởi 3 cuốn). Vậy là cũng đủ hương vị Tết rồi. Ðặc biệt hai con mua cho tôi một máy xoa bóp tự động chạy điện hiệu National loại hình khuỷu Reach easy, 2 tốc độ, vì tôi và Yến hay bị nhức mỏi, tôi lao động chân tay nhiều và trước đây bị đau lưng, thần kinh tọa. Có thể chúng tôi sẽ ít dùng vì tôi tập Yoga và xoa bóp bằng tay thuận lợi hơn nhưng đây là sự hiếu thảo của các con làm chúng tôi cảm động.

© 2006 talawas