© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
21.2.2006
Phan Nhiên Hạo
Trao đổi với Đoàn Cầm Thi về (…) rác
 
Trong khoảng thời gian ngắn, xuất hiện ba bài liên tiếp của Đoàn Cầm Thi về thơ rác [1] . Mặc dù ngắn, những bài viết này đều có cách đặt vấn đề trầm trọng. Mới đây, trong một bài chỉ khoảng 970 chữ nhưng mang cái tựa rất “vĩ mô”, đầy tính khẳng quyết – “Một nền thơ mới Việt Nam: Sự xuất hiện một giọng thơ mới tại Sài Gòn” [2] - Đoàn Cầm Thi lại đưa ra nhiều nhận định kêu vang về thơ rác, cụ thể về nhóm Mở Miệng.

Đoàn Cầm Thi viết: “Mở Miệng đòi quyền tự do ngôn luận, vị trí bên lề và ý muốn trả lại cho thơ hình thức truyền khẩu của nó. “Mở Miệng” để trả lại cho thi sĩ sứ mệnh nguyên thủy của mình: như các nhà thơ ngâm hát xứ Hy Lạp cổ đại, họ phiêu du trên phố (hay trên mạng) để kể về cuộc sống thường ngày. Thế giới vô nghĩa ư? Điều đó không quan trọng, họ tả lại nó như nó vốn thế. Trong khi tại Việt Nam, phần lớn các nhà văn ngậm miệng như trong câu thành ngữ “ngậm miệng ăn tiền”, các thi sĩ này tấn công trực tiếp quyền lực.”

Chỉ trong một đoạn ngắn như trên, câu nào của Đoàn Cầm Thi cũng đáng bàn.

1. “Mở Miệng đòi quyền tự do ngôn luận, vị trí bên lề và ý muốn trả lại cho thơ hình thức truyền khẩu của nó.”

Tôi nghĩ, thơ rác đang đi xa khỏi hình thức truyền khẩu hơn là gần lại. Lý do, thơ truyền khẩu thường giàu vần điệu, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Thơ Mở Miệng, với những trò nhào lộn văn bản, với việc sử dụng những “con số, các dấu ngoặc ( ) [ ], chữ viết thẳng viết nghiêng viết hoa, dấu chấm phẩy xuống dòng không theo quy luật” [3] - như Đoàn Cầm Thi đã ca ngợi trong bài trước đó - là loại trò chơi có tính thị giác hơn thính giác. Những trò này chỉ có tác dụng trên trang giấy; khi đọc to lên, chúng sẽ rớt lại. Thơ rác, với tính chất trúc trắc, vặn vẹo của nó, không phải là loại thơ dễ truyền khẩu.

Trong hoàn cảnh đọc thơ phải xin giấy phép ở Việt Nam, việc trả lại cho thơ hình thức truyền khẩu cũng gần như vô vọng. Tôi vẫn mong thơ Việt Nam phong phú thêm với những sinh hoạt mang tính cộng đồng, truyền khẩu như Slam Poetry của Mỹ. Nhưng chuyện này xem ra còn xa vời.

2. “Mở Miệng” để trả lại cho thi sĩ sứ mệnh nguyên thủy của mình: như các nhà thơ ngâm hát xứ Hy Lap cổ đại, họ phiêu du trên phố (hay trên mạng) để kể về cuộc sống thường ngày.”

Thơ ca, trong xã hội Hy Lạp cổ đại, không chỉ “để kể về cuộc sống thường ngày” như Đoàn Cầm Thi quan niệm. Bên cạch chức năng giải trí, thơ cổ đại Hy Lạp còn là phương tiện quan trọng truyền giảng đạo đức, triết học. “Ngay từ buổi sơ khai, chức năng giáo dục và mô phạm của thơ đã được nhấn mạnh, nhà thơ như người thầy, quan điểm này có thể được tóm lượt qua phát biểu của Aeschylus trong vở kịch Frogs của Aristophanes: ‘Trẻ con được dạy bởi thầy giáo, người lớn được dạy bởi nhà thơ’ (...) Dòng chính của lý luận văn chương cổ đại hiển nhiên cho rằng, văn chương nói chung, là hình thái giao tiếp, văn chương và đạo đức liên hệ với nhau một cách mật thiết” (Murray) [4] . Aristotle, trong tác phẩm nổi tiếng về thi pháp cổ đại, Poetics, thậm chí đặt nhà thơ cao hơn lịch sử chính vì tính trừu tượng của thơ ca. Theo Aristotle: “thơ ca có tính triết lý và đáng được chú ý hơn sử học; nhà thơ đề cập đến giá trị phổ quát, trong khi lịch sử nói về cái cụ thể” [5] .
Tôi không phải người sùng bái quan niệm văn chương cổ đại Hy Lạp. Tôi chỉ muốn chỉ ra sự diễn dịch gượng ép của Đoàn Cầm Thi về văn chương Hy Lạp cổ đại khi bà muốn làm sang cho thơ rác.

Thật ra, nếu muốn học kiểu thơ “kể về cuộc sống thường ngày”, đâu cần phải quay về tận Hy Lạp cổ đại chi cho... mỏi chân; thơ Việt Nam mấy mươi năm qua cũng đầy những bài mô tả sinh hoạt đời thường, từ những bài xuất sắc như “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp đến những bài tuyên truyền như “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ. Chuyện này chẳng có gì mới.

3. “Thế giới vô nghĩa ư? Điều đó không quan trọng, họ tả lại nó như nó vốn thế.”

Đoàn Cầm Thi làm như chỉ mình thơ rác nói về sự vô nghĩa của thế giới. Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Hiện Sinh, văn chương Sài Gòn trước 1975 đã làm điều này đến nơi đến chốn. Tận những năm đầu thế kỷ 21 mà còn “phát hiện” tính vô nghĩa như một yếu tố của “nền thơ mới Việt Nam”, tôi e rằng “hơi bị”… muộn.

4. “Trong khi tại Việt Nam, phần lớn các nhà văn ngậm miệng như trong câu thành ngữ “ngậm miệng ăn tiền”, các thi sĩ này [thơ rác] tấn công trực tiếp quyền lực.”

Đoàn Cầm Thi ca ngợi thơ rác “tấn công trực tiếp quyền lực”, tôi thấy vấn đề không hoàn toàn như vậy. Đôi khi thơ rác tỏ ra khiêu khích quyền lực, nhưng vì tính chất “rác rưởi”, tầm phào của nó, sự tấn công này không bao giờ “trực tiếp”. Thật ra, thơ rác có những quan niệm nước đôi trước quyền lực chính trị.

Thơ rác ứng dụng một thứ lý thuyết Hậu Hiện Đại thô thiển - như tôi đã có dịp chỉ ra [6] - cho nên, nó luôn lúng túng trong quan niệm về chức năng của văn chương. Một mặt, nó muốn dấn thân xã hội, một mặt, nó sợ bi coi là nhà quê nếu mang vác những sứ mạng “đại tự sự” của Khai Sáng. Quan niệm nghệ thuật như một trò đùa của thơ rác là quan niệm rất vị nghệ thuật. Chính vì vậy, bên cạnh những người ủng hộ thơ rác chỉ vì “thái độ” của nó, theo kiểu văn nghệ “hồng hơn chuyên”, nhiều người ủng hộ thơ rác vì nó phù hợp với chủ trương nghệ thuật thuần túy của họ. Bản thân Đoàn Cầm Thi, chỉ trong ba bài viết rất ngắn, cũng để lộ những mâu thuẫn khi nhận định tính chính trị của thơ rác. Trong “Về Khoan cắt bê tông”, Đoàn Cầm Thi khuyên người đọc gạt chính trị sang bên khi tiếp cận thơ rác: “Vậy nên tôi mách độc giả nào còn đôi chút tò mò: trong Khoan cắt bê tông nhiều bài đáng đọc (thẳng). Đọc để ngạc nhiên, để cười, để nghĩ ngợi vẩn vơ,... và tạm quên đi chính trị, xã hội học hay đạo đức, những chiếc áo cồng kềnh người ta hay khoác cho thơ” [7] . Nói vậy, chẳng khác nào cho rằng thơ rác như thuốc an thần, có thể giúp người đọc “tạm quên đi chính trị”. Nhưng trong bài này, ngược lại, Đoàn Cầm Thi lại đem “chiếc áo cồng kềnh” chính trị - xã hội khoác lên thơ rác.

Dù có muốn, hiện nay thơ rác cũng không có khả năng “tấn công trực tiếp” quyền lực chính trị. Chế độ Việt Nam về cơ bản vẫn toàn trị. Để được tiếng cởi mở, nó có thể làm ngơ trước những trò cạnh khóe tục tĩu, nhưng sẽ không khoanh tay khi bị “tấn công trực tiếp”. Sỡ dĩ thơ rác vẫn tồn tại được là vì tuy ồn ào, nó khá vô hại về chính trị. Thậm chí, trên một số phương diện, vô tình thơ rác có lợi cho chính quyền nhiều hơn hại. Nó khiến người viết trẻ tập trung vào vấn đề tình dục và những xung động văn nghệ mà quên đi chính trị - xã hội. Nó phân hóa giới nhà văn ngoài lề, những người không ưa chính quyền nhưng cũng không muốn gia nhập phe nhóm cực đoan. Thơ rác cung cấp cho chính quyền một ví dụ tốt để khống chế tự do sáng tạo, viện cớ tự do sáng tạo chỉ dẫn đến hỗn loạn và nhảm nhí.

Vì những lý do nghệ thuật và chính trị như trên, đề cao tính “tấn công trực tiếp quyền lực” của thơ rác là đề cao một điều không thực, và một lần nữa, rất gượng gạo.

Tôi không phản đối sự tồn tại những quan niệm nghệ thuật khác nhau, mặc dù sự xung đột giữa chúng là lẽ tự nhiên; tôi chỉ thấy kỳ quặc khi người ta tìm cách bơm những điều đã cũ hoặc không thực lên thành chiếc bong bóng “nền thơ mới Việt Nam”.

Vài trao đổi với Đoàn Cầm Thi (đã đánh số đề mục cẩn thận). Mong nhận được những phản hồi không lạc đề.

2/2006

© 2006 talawas



[1]Các bài “Về Khoan cắt bê tông”, “Lại Khoan cắt bê tông” trên talawas ngày 11.11 và 23.12.2005; “Một nền thơ mới Việt Nam: Sự xuất hiện một dòng thơ mới tại Sài Gòn” trên Tiền Vệ ngày 15.2.2006.
[2]Tiền Vệ ngày 15.2.2006.
[3]Đoàn Cầm Thi, “Lại Khoan cắt bê tông”. talawas, 23.11.2005
[4]Murray, Penelope. Classical Literary Criticism. New York: Penguin Books, 2000. p. x.
[5]Aristotle. Poetics. Classical Literary Criticism. Penelope Muray and T.S. Dorsch, translated. New York: Penguin Books, 2000. p. 68, 69.
[6]Xem bài “Mới-cũ trong thơ và Hậu Hiện Đại”, Phan Nhiên Hạo. talawas, 21.5.2004
[7]Đoàn Cầm Thi, “Về Khoan cắt bê tông”. talawas, 11.11.2005