© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
11.3.2006
Nguyá»…n Nguyá»…n
Ừ thì bóc với lột
 
1. Vốn

Cả ông Đoàn Tiểu Long và các sư phụ của ông đều đã quá coi nhẹ tầm quan trọng của vốn, như thể vốn là một thứ trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên… Vì ông Long viết: “quan niệm của Marx về bóc lột thông qua chiếm đoạt giá trị thặng dư đến nay vẫn còn nguyên giá trị”, nên tôi cũng đáp lại: kể cả thời của ông Marx và thậm chí từ lúc nhân loại biết đến sự trao đổi hàng hóa thì câu khẳng định sau luôn luôn đúng: Vốn lớn dễ làm ra lợi nhuận hơn; người có vốn lớn thường thu lợi nhuận lớn hơn (ở đây là nói lợi nhuận nói chung chứ không phải % của lợi nhuận trên tổng vốn). Câu rất hiển nhiên này đã cho chúng ta thấy mối quan hệ mật thiết giữa vốn và lợi nhuận. Từ người theo chủ nghĩa tư bản đến các ông cộng sản nòi đều hay nói: “công nghiệp hóa, hiện đại hóa…” hay “cơ giới hóa, điện khí hóa…”. Mấy cụm từ này là gì thưa quý vị? Theo ngôn ngữ kinh tế, đó là: dùng vốn vào việc trang bị máy móc, để máy móc thay thế con người thực hiện những công việc mà bản thân con người không thực hiện được hay thực hiện với năng suất kém hơn. Ví dụ, một nhà máy bỏ ra số vốn trang bị máy móc là 100.000 đô-la, có năng suất tương đương với 1000 con người. Vậy số vốn này đã là lao động chưa quý vị? Tuy khó có thể tính toán tuyến tính nhân chia đơn giản, nhưng chẳng ai có thể phủ nhận số vốn này chính là lao động. Dĩ nhiên, có người sẽ nói: “Cứ cho là như thế, nhưng vẫn có thể tính toán cụ thể được: Giả sử nhà máy có 1000 nhân viên thì cả máy lẫn người sẽ tính là 2000 lao động. Ông chủ lãi được 30.000 $/ năm. Nếu ông ta đi làm thuê thì giỏi lắm chỉ được 20.000 $/năm. Vậy số 10.000 $/năm này chính là do 1000 lao động máy và 1000 lao động người làm ra. Và ông chủ rõ ràng chiếm đoạt giá trị thặng dư.” Nói vậy mà không phải vậy, chúng ta lại xét tiếp.

Ông Long đưa ví dụ: “nếu anh Nguyễn Quang A tự điều hành công ty mỗi năm thu lợi nhuận 100 triệu, thì khi thuê giám đốc chắc hẳn anh sẽ không trả cho giám đốc cả 100 triệu, mà chỉ 10 triệu thôi. 10 triệu chính là giá trị lao động của anh Quang A. 90 triệu dư ra kia là cái gì vậy?” Là giá trị thặng dư, theo ý ông Long, phải không nào? Và nhà tư sản bỏ số tiền đó vào túi mình, suy ra nhà tư sản chiếm đoạt giá trị thặng dư và như vậy là bóc lột, phải không nào? Một người bạn tôi làm kinh doanh thường nói “mình bị chúng nó bóc lột”, thậm chí anh dùng từ “bóc lột đến xương tủy”: nhà nước bóc lột qua thuế, mafia bóc lột tiền cống nộp, công nhân thích thì lãn công, đình công… Dĩ nhiên không thể đem lời than thở đó để xét vấn đề kinh tế chính trị học này, nhưng nó cũng đáng để cho chúng ta suy gẫm.

Bây giờ xin hỏi ông Long, ông có một số vốn 100 triệu: 1) do tiền nhân để lại; 2) do vợ chồng ông lam lũ mò cua bắt ốc, hay chắt bóp mấy năm trời khi làm việc cho một ông chủ nào đó (bỏ qua những trường hợp như do trấn lột, tống tiền, khủng bố, tham nhũng, ăn chặn của dân…) mà có được.

Vậy số vốn đó là gì? Thưa ông Long, đó là thành quả lao động chân chính, và khi nó tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất thì nó chính là lao động. Vậy, cái lao động này phải đánh giá thế nào? Nói theo kiểu ông Marx thì cái lao động Vốn này không cần phải làm ra đồng nào cả? Rồi nào những tương quan rắc rối giữa lao động Vốn này với xã hội, giữa nó với lạm phát, giảm phát… Bao nhiêu chuyện mà các nhà khoa học kinh tế tính nát cả óc mới vỡ ra được một ít thì mấy ông tổ của đạo mác-xít sổ toẹt một phát, cho nó chả dính dáng gì đến lợi nhuận thu được của nhà tư sản. Đồng vốn đó, một cách tương đối (tôi xin nói là tương đối thôi nhé, vì vẫn còn nhiều rắc rối nữa) có thể đánh giá qua % lợi nhuận thu được qua một đơn vị thời gian nào đó. Ta cứ lấy cái gốc ngân hàng mà tính cho chắc ăn. Nếu như ông Long nói, trong xã hội xã hội chủ nghĩa không thể có ngân hàng thì tôi khỏi bàn mà mong ông đọc bài nói về Sẽ của ông Trần Mạnh Hảo. Còn nếu như ông bảo tồn tại một ngân hàng nào đó và ngân hàng có dành một số phần trăm nhất định cho những người gởi tiền vào thì ta gọi % đó là x trên một năm. Vậy gởi tiền vào ngân hàng để hưởng số % x kia là hưởng lợi nhuận mà không bóc lột chăng? Ông có thể bảo: “Nhưng nhà đầu tư đã gián tiếp bóc lột qua ngân hàng”. Thế thì khi có một số tiền, ông làm gì với số tiền đó cho nó không phải là “bóc lột”? Tốt nhất là cất yên trong tủ, thỉnh thoảng lấy ra xem cho vui. Nhưng không được, ông biết vì sao không? Vì như thế là ông đã tiếp tay cho nhà nước bóc lột nhân dân đấy. Cái này tôi nói vậy thôi mà không giải thích. Nếu không hiểu, ông có thể hỏi các ông làm về kinh tế, mấy ổng giải thích cho mà nghe. Đến đây thì ông cho tôi biết phải dùng số tiền đó như thế nào mới không bóc lột. Nếu dùng số tiền đó đi mua rau mà cả gan trả giá rẻ cho người bán rau là ông mang tội bóc lột đấy; còn nếu hào phóng trả cao, ông cũng bị tội bóc lột nốt. Vì sao, ông biết không? Ông không bóc lột người bán rau nhưng ông tiếp tay người bán rau bóc lột những người cùng cực khác không có khả năng có được số tiền đó như ông. Vậy ông có biết phải trả giá cho người bán rau thế nào mới không bóc lột không? Dĩ nhiên, tôi tin ông thông minh nên việc tính toán giá rau chuẩn không quá khó khăn, nhưng rất nhiều quần chúng nhân dân không được may mắn như ông. Và họ cứ bị mắc tội bóc lột hoài. Chẳng lẽ mỗi lần mua rau phải nhờ ông đến tính hộ? Tuy ông không phàn nàn gì, nhưng theo chủ nghĩa Marx thì đó cũng là chiếm đoạt lao động của người khác. Vậy phải làm sao đây? Phân tích đến đây, tôi chợt thấy rùng mình bởi những bóng ma từ những quần đảo Gulag, những cánh đồng sọ Campuchia hiện về…

Trên đây, tôi đã phân tích nếu định nghĩa phiến diện như Marx thì hiện tượng bóc lột sẽ thấy ở khắp mọi nơi, khắp mọi chốn… Thực tiễn của chủ nghĩa xã hội đã chứng minh các đệ tử của Marx đã hiểu đúng Marx chứ chưa hề hiểu sai ý Marx bao giờ. Họ hiểu đúng nên đã tiêu diệt hầu hết tất cả các thành phần trong xã hội, chỉ trừ tầng lớp bần cố nông và công nhân - những tầng lớp không có nổi mớ rau, con tép để bán, để trao đổi trên thị trường ngoài sức lao động của mình.

Quay lại ngân hàng với x%: tôi nghĩ về lương tâm mà nói thì bất cứ ai cũng dễ đồng ‎ý‎ với tôi là gởi tiền vào ngân hàng để lấy lãi nói chung không nên gọi là bóc lột. Vậy khi một người dùng vốn để đầu tư sản xuất thì họ phải hưởng bao nhiêu % mới không phải là bóc lột? Cũng mong quý vị lưu ‎ý một điểm nhỏ: nhà đầu tư gởi tiền vào ngân hàng để nhận % x đó đã được bảo hiểm cả vốn lẫn x% (nói chung không tuyệt đối nhưng tính an toàn đầu tư cao). Còn nhà đầu tư sản xuất, ngoài vốn ra họ phải thêm hai điều nữa: độ nguy hiểm của đầu tư và bản thân nhà đầu tư cũng phải làm việc (xin đừng kể chuyện cổ tích mời giám đốc để quản l‎ý rồi có thể đi chơi hưởng lợi. Ngay đoạn đánh giá giám đốc này có thể làm được kế hoạch mình đặt ra giỏi hơn giám đốc kia cũng đã là lao động rồi). Vậy lợi nhuận thu được của nhà đầu tư trực tiếp vào sản xuất là y phải lớn hơn x, đúng không? Và số y đó thế nào mới không là bóc lột? Nói như các nhà mác-xít thì nhà tư sản thu lợi nhuận được hơn số y thì là bóc lột, là chiếm đoạt giá trị thặng dư, còn dưới số y, đặc biệt dưới cả x thì là ngu dốt chả biết gì mà làm sản xuất. Vậy thì ai sẽ can đảm đứng ra làm ăn, đứng ra tạo đà phát triển cho nền kinh tế đây? Và quan trọng hơn hết, các nhà mác-xít lấy thước đo nào để đánh giá con số y? Chúng ta trở lại ví dụ của bài toán 100.000 đô-la máy móc và 1000 nhân viên. Thực sự vốn không phải chỉ là riêng vốn cho máy móc, nó còn gồm những % vốn cho nhân viên (tức số lương trả ra trước mà hàng vẫn chưa bán được hoặc bán ít) và % vốn cho vật tư… Đại khái ta có thể cho số vốn tổng cộng đó là 200.000 $ nữa ngoài máy móc. Vậy tổng số sẽ là 300.000 $. Ông chủ thu lợi nhuận chỉ là 10%, nếu tính trừ 20.000$ ông chủ tự bỏ công ra thì số % chỉ còn có 3,33%. Tôi không muốn làm giảm số phần trăm lợi nhuận qua một ví dụ, và các ví dụ thường phiến diện vì bài toán kinh tế phức tạp hơn nhiều (nào là khấu hao, nào là bảo hiểm y tế, nào là bồi thường lao động, xác suất rủi ro lao động, rủi ro trên đường vận chuyển hàng…). Các vị có thể cho ví dụ ra bao nhiêu % tùy ý. Cốt lõi vấn đề tôi bàn tới không phải là số % đó. Cốt lõi vẫn là câu hỏi: Nếu nhà đầu tư gởi tiền vào ngân hàng để hưởng lợi nhuận là x thì khó gọi ông ta bóc lột. Vậy nhà đầu tư sản xuất hưởng lợi nhuận y bao nhiêu để không mang tiếng là bóc lột? Tất cả chúng ta đều biết, khi đồng vốn càng lớn thì % lợi nhuận thu được càng nhỏ: người có 1 đồng thì dễ làm thành 2 đồng, có 2 dễ làm 4, có 100 dễ làm thành 150 nhưng có 1 triệu đô thì khó làm ra 1 triệu rưỡi đô. Tôi chứng kiến hàng loạt bạn bè làm kinh tế, họ đều cho rằng với số tiền 1 triệu đô họ chỉ hy vọng làm được từ 10 đến 20%, thậm chí như thế cũng là l‎‎ý tưởng rồi. Nói thế để cho quý vị thấy cần phải làm bài toán cho không phải một con số y mà là nhiều con số y: y1 ứng với số vốn V1, y2 ứng với V2,… mới được. Không phải vô tình mà hệ thống thuế má ở hầu hết các nước đều chú trọng đến khung thuế thu nhập bậc thang. Nói đến đây để thấy tính % lợi nhuận thu được từ vốn thế nào để không bị gọi là bóc lột đã là bài toán kinh tế phức tạp chứ không thể nói đại như ông Marx được. Và cần phải xác định thẳng: nếu đã dùng từ bóc lột thì cũng phải xét công bằng giữa các thành phần tham gia trong quá trình tạo ra sản phẩm cho xã hội: đó là các ông chủ, các nhân viên làm việc cho ông chủ và nhà nước. Tức là nếu lợi nhuận của nhà sản xuất lớn hơn y thì ông ta đang bóc lột người khác, còn nếu vì nhà nước tăng thuế, công nhân lãn công, nhà nước quản l‎ý kém, an ninh kém, làm cho nhà sản xuất phải mất nhiều tiêu cực phí để rồi nhận được lãi nhỏ hơn y thì ông ta được quyền bảo nhà nước và công nhân bóc lột ông ta (như ví dụ của người bạn tôi). Làm gì có chuyện một bên cứ bị gọi là bóc lột khi hưởng lợi do thành quả mình làm ra và cứ bị gọi là ngu dốt vì bị phá sản. Nếu các ngài mác-xít tính toán cụ thể những số y đó rồi thì có dám nêu đích danh cái từ “bóc lột” song phương đó không? Hay là các ngài lại chối trách nhiệm đây đẩy: “Ấy chết, ai lại bảo công nhân bóc lột ông chủ bao giờ? Ấy chết, ai lại bảo nhà nước vì dân là nhà nước bóc lột bao giờ?”. Nếu các ngài không dám thì thôi đừng bao giờ động chạm đến từ bóc lột mà các ngài chả hiểu là gì nữa. Và khi không đưa ra được cái khung y đó mà vẫn tuyên bố ông chủ nào đó bóc lột một cách khơi khơi thì ông ta được quyền hiến định kiện người phát ngôn ra tòa vì tội phỉ báng.

Trong một xã hội thực tại (tức không phải xã hội ma, xã hội sẽ và xã hội viễn tưởng) thì mâu thuẫn đối kháng giữa các thành phần bao giờ cũng tồn tại. Mâu thuẫn giữa nhà nước điều tiết với người bị điều tiết, mâu thuẫn giữa ông chủ và công nhân, mâu thuẫn giữa trung ương và địa phương, mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn, mâu thuẫn giữa người tri thức cao với người có tri thức kém… Bởi thế mới cần đến một thể chế dân chủ đa nguyên để dung hòa mọi đối kháng, mới cần đến pháp luật nghiêm minh để trừng trị những vi phạm, mới cần đến kinh tế thị trường để nó tự điều tiết và đưa xã hội đi lên bằng chuỗi những cạnh tranh ngõ hầu đi đến cái tốt hơn, đẹp hơn. Ví dụ, nếu hưởng lợi lớn khi dùng nhân công rẻ tiền tại địa phương A thì sẽ có rất nhiều nhà đầu tư sẽ đầu tư vào đó. Nhưng khi nhiều người vào thì số nhân công nói chung và nhân công tay nghề cao nói riêng sẽ hiếm đi, như vậy bắt buộc có sự cạnh tranh giữa từng đồng vốn một đổ ra để tìm công nhân. Lúc đó, công nhân sẽ được hưởng một số lợi ích nhất định. Nhưng nếu đòi hỏi của nhân công quá cao và chính sách địa phương đó khá gò bó thì nhà đầu tư lại tìm những biện pháp khác hay tìm những môi trường đầu tư khác thích hợp hơn. Và để cạnh tranh đó hạn chế bớt những hậu quả tiêu cực, người ta cần những quỹ phúc lợi, những công đoàn, những nhà đấu tranh cho nhân quyền, môi sinh, cần đến những quyền biểu tình và quyền được bảo vệ theo hiến pháp khi tham gia biểu tình. Nói chung tất cả các thành phần trong xã hội thực tại phải rất sống động và cùng hướng về hướng tốt đẹp hơn. Đó, bao nhiêu điều kiện chồng chéo lên nhau còn chưa giải quyết nổi, thế mà ngài Marx của chúng ta đã đơn giản giải quyết bằng một cuộc cách mạng và lại còn gọi nó là cuộc cách mạng vì công bằng và bình đẳng?! Nhà tư sản làm ra lợi nhuận thì gọi lợi nhuận đó là thành quả của mình, chẳng phải bóc lột ai (thậm chí còn cho là quá ít so với vốn và công bỏ ra), còn công nhân thì gọi đó là bóc lột. Dĩ nhiên đó là mâu thuẫn. Thì cần giải quyết một cách văn minh, công bằng và bình đẳng. Thì mới cần đến hợp đồng, đến những thương lượng, đến hòa giải… Trong khi đó, “giết gia” [1] Marx đã giải quyết một cái rụp bằng đấu tranh giai cấp để treo cổ thành phần năng động hơn của xã hội: đó là treo cổ những người dám đầu tư, dám chịu rủi ro, các trí thức… Và xã hội rốt cuộc sẽ đi đến quần đảo Gulag, cánh đồng sọ, Thiên An Môn là điều chắc chắn.

Như vậy, câu hỏi của ông Long đã nêu ra, theo logic, là sai. Sai hoàn toàn. Sai vì nó thiếu điều kiện. Để cho nó đúng cần phải sửa lại tối thiểu như sau:

Ví dụ, nếu anh Nguyễn Quang A bỏ vốn 1 tỷ đồng (có thể thay bằng số V nào đó) và tự điều hành công ty mỗi năm thu lợi nhuận 100 triệu, thì khi thuê giám đốc chắc hẳn anh sẽ không trả cho giám đốc cả 100 triệu, mà chỉ 10 triệu thôi. 10 triệu chính là giá trị lao động của anh Quang A. 90 triệu dư ra kia là cái gì vậy?

Nhưng câu này nếu đặt ra cho người bình thường thì họ trả lời ra sao? Còn sao nữa: “Hỏi chi mà lạ mà lùng! Nếu ông A bỏ công ra nữa thì ông ta được hưởng thêm 10 triệu. Còn không muốn bỏ công thì chỉ hưởng 90 triệu thôi. Phải trả 10 triệu cho người thực hiện hộ ông ta việc điều hành công ty chứ. Ông giám đốc được thuê đó có bỏ ra một đồng vốn nào đâu mà đòi hưởng hết 100 triệu”. Nhưng vì ở đây chúng ta đã hiểu ông Long hỏi về vấn đề gì nên tôi cũng trả lời luôn: ông A đã hưởng lợi 9% so với số vốn bỏ ra. So với ngân hàng 5%/ năm thì ông A được hưởng thêm 4% nữa. Nhưng 4% này cũng không thể gọi ông A chiếm đoạt thặng dư của ai được. Vì rằng cuộc chơi phải có sân chơi và điều luật chơi. Ở đây chẳng có điều luật chơi nào ấn định y% > 5 nào. Mà ai dám ấn định được. Vì muốn ấn định nó phải tính cả xác suất ông A có thể lỗ 10%, 20% hay mất trắng trong từng thời kỳ của xã hội nhất định. Có ai dám tính số y đó không? Chúng tôi nghĩ là không vì thứ nhất, nó vô bổ; thứ hai, bài toán quá khó. Vì vậy ông A được quyền ăn ngon ngủ kỹ với lương tâm của mình.


2. Chiến lược

Học thuyết của Marx hoàn toàn không để ý đến cụm từ đường lối làm ăn hay mỹ miều hơn là chiến lược kinh doanh. Vâng, một nhà kinh doanh giỏi phải nghiền ngẫm tất cả các phương hướng, tính toán các đường lối, và cố tìm ra cho mình một hướng riêng nào đó có thể tạo ra lợi nhuận cho mình và đồng thời tạo ra việc làm cho cộng đồng. Nói nôm na, chiến lược kinh doanh chính là vốn tri thức của nhà đầu tư. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy, chỉ một ông tổ biết nghiên cứu kỹ hướng đầu tư thì ông ta và con cháu ông ta đã hưởng lợi suốt đời bằng hướng đầu tư đó và hiển nhiên đã cung cấp cho cộng đồng một số công việc nhất định. Trong ví dụ của mình, ông Long đã hoàn toàn không để ý đến tầm quan trọng của chiến lược kinh doanh hay vốn tri thức của nhà đầu tư. Mỗi người trong chúng ta đều có lần nghe câu than vãn: “Chả biết làm gì mà ăn đây nữa”, “Làm ăn bây giờ khó quá. Mấy thứ khác đều có người giữ chỗ mất rồi”; tôi thì hay nghe: “Hết hướng làm ăn rồi, thôi chịu khó chạy chợ qua ngày”. Nghe vậy nhưng chúng ta không để ‎ý: để giữ được chỗ thì trước đó nhà đầu tư đã nghiên cứu chỗ đó thật kỹ và đổ tiền vào nghiên cứu. Ông giám đốc giỏi kia chỉ giỏi những mặt quản l‎ý, điều hành chứ chưa chắc là người giỏi tìm chỗ đứng. Thậm chí cho ông ta cả vốn nữa chưa chắc ông ta đã thích tự kinh doanh bằng làm công ăn lương cho nhà tư sản. Chính vì nhờ những người luôn luôn muốn tìm hướng làm ăn mới này nên xã hội mới mang vẻ sống động đang có và tiếp tục có.


3. Thương hiệu

Trích: “Dù người ta có đề cao giá trị của thương hiệu lên đến mấy, chẳng hạn thương hiệu Coca-cola (Mỹ) có giá trị 70 tỷ đô la, còn Tribeco (Việt Nam) chỉ vài triệu đô la, thì trên thực tế một chai nước ngọt Tribeco và Coca-Cola vẫn có giá xấp xỉ nhau, tuân theo quy luật lao động của giá trị, chỉ có điều Coca-cola bán chạy hơn mà thôi. Thương hiệu mạnh hơn chủ yếu là do quảng cáo mạnh hơn, chứ không phải vì ông chủ Coca-cola tài giỏi gấp hàng nghìn lần giám đốc Tribeco.“

Tôi thật sự không hiểu vì sao ông Long lại ấm ức Coca-Cola được đánh giá cao hơn Tribeco? Mà ấm ức gì kỳ quá vậy? Thế hãng Coca-Cola nó đã chiếm lĩnh những đâu, đã được bao nhiêu năm và tập trung bao nhiêu nhân tài vì nó mà cống hiến. Thương hiệu là gì? Rất nhiều người nói về thương hiệu, còn theo tôi nói nôm na (dùng trường hợp Coca-Cola và Tribeco) nó sẽ như thế này: tôi thích Coca-Cola hơn vì tôi cho rằng với công ty này xác suất tôi uống phải chai (không kể đồ dởm) làm tôi đau bụng sẽ nhỏ hơn công ty Tribeco. Vì tôi tin họ sẽ vì thương hiệu nổi tiếng của mình để không cho phép vì lợi nhuận mà hạ chất lượng sản phẩm. Thương hiệu được nâng cao nhờ phần lớn vào chữ Tín và chất lượng sản phẩm. Còn đây ông Long lại cho là do quảng cáo. Quảng cáo là một phương tiện, một biện pháp để nâng cao thêm thương hiệu chứ chưa hề mang tính chủ yếu. Quảng cáo chỉ có giá trị ngắn hạn, đó là biện pháp chiến thuật chứ không như chữ Tín và chất lượng có giá trị dài hạn và là biện pháp chiến lược. Đem Tribeco ra so sánh với Coca-Cola mà không thấy nực cười sao? Thương hiệu của Coca-Cola đã được đảm bảo bởi chữ Tín của công ty này và chất lượng cao của sản phẩm đã hàng bao nhiêu năm rồi chứ đâu phải bây giờ nhờ quảng cáo mới hơn Tribeco. Tôi nghĩ việc của Tribeco không phải là so bì gì với Coca-Cola mà làm sao nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm mình, đồng thời dùng những chiến thuật quảng cáo khôn khéo để gợi lòng yêu thích hàng nội địa của người tiêu dùng thì mới hòng nâng cao được giá trị thương hiệu của mình. (Tôi chắc ban lãnh đạo công ty cũng nghĩ như tôi chứ không phải vô duyên đi so đo vớ vẩn.)


4. Nếu...

Ông Long viết: “Nếu không có hàng vạn nhân viên, đố Bill Gates kiếm ra hàng tỷ đô la mỗi năm chỉ bằng cái đầu của mình đấy! Ông ta mà đi làm thuê thì vẫn với tài năng đó bất quá kiếm được vài triệu đô la là cùng!”

Thưa ông Long, cái “nếu” chưa hề và sẽ không bao giờ xảy ra. Sao ông không đố thế này: Nếu không có hàng tỷ tiền đầu tư của ông Bill Gates thì đố hàng vạn nhân viên ở các nước nghèo trên thế giới có cuộc sống đỡ hơn trước đây… Hay, ông viết thế này tôi thấy còn có lý hơn: nếu hàng vạn nhân viên không làm việc cho ông Bill Gates thì họ vẫn được quyền cày, cuốc, xới, mò tôm, bắt cá và… thậm chí làm cho ông Bill Gates 2 nào đó! Hóa ra, cuối cùng vẫn quay lại chuyện không phải là “nếu” nữa: hàng vạn công nhân đã, đang và sẽ làm việc cho nhà tư sản (nhà đầu tư), mâu thuẫn tất yếu xảy ra. Vậy phải dùng biện pháp điều tiết nào để dung hòa được quyền lợi hai bên. Phương pháp giải quyết của các “giết gia” Marx, Engels, Lenin, Mao Trạch Đông… rất đơn giản: lôi ngay nhà đầu tư ra treo cổ và treo cổ luôn cái nhà máy của ông ta (cũng có thể công hữu hóa và ai ai đã chứng kiến kết cục nó như thế nào), treo luôn phương tiện sinh sống của hàng vạn công nhân để công nhân chúng ta cùng nhau nắm tay đến thiên đường “Sỏi đá thành cơm”. Còn phương pháp nữa, đó là cùng bàn bạc, cùng thống nhất qua nhiều phương tiện đấu tranh ôn hòa nhằm tìm ra giải pháp dung hòa nào đó mà nhà đầu tư lẫn nhân viên đều có thể chấp nhận.

Tôi không hề muốn chứng minh có hay không có bóc lột, vì thiết nghĩ đó là việc làm vô bổ. Nó không phải là cái cốt yếu của phát triển xã hội. Xã hội luôn luôn phát triển cùng với những mâu thuẫn đối kháng nằm trong lòng nó. Phải giải quyết chúng bằng những biện pháp thích hợp đem đến lợi ích cho mọi thành phần trong xã hội (có thể nhóm này hơn một ít, nhóm kia ít đi một t‎ý, nhưng tất cả có thể chấp nhận được). Và điều kiện để những biện pháp này có thể tìm được là: chế độ dân chủ đa nguyên, nhân quyền và kinh tế thị trường.

© 2006 talawas




[1]Từ “giết gia” được tôi sáng tạo ra đầu tiên và có bản quyền. Ai chứng minh được mình đã dùng nó trước thì tôi nhường lại và có lời xin lỗi.