© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
14.3.2006
Nguyễn Mộng Giác
Trò chuyện với sinh viên
(Do nhóm sinh viên lớp Việt văn 101A, trường Ðại học Berkeley, gồm Nguyễn Hữu Nghĩa, Bảo Ngọc, Vy Huyền và Trần Ngọc thực hiện)
 
Phần I: Nhà văn Nguyễn Mộng Giác nói chuyện

Xin tự giới thiệu, tôi là Nguyễn Mộng Giác, bút hiệu và cũng là tên thật, một cái tên rất cải lương. Tôi không thích tên này tí nào cả, nhưng ba mẹ đặt nên phải chịu thôi. Hôm nay, theo lời mời của cô giáo Nguyệt Cầm, tôi có dịp nói chuyện với các bạn về vấn đề văn chương Việt Nam. [1]

Tôi đề nghị thay vì nói những vấn đề đại luận lôi thôi, có lẽ tôi sẽ tâm sự với các bạn về công việc viết lách, kinh nghiệm viết lách hay quá trình viết lách cũng như xuất bản. Như vậy có lẽ đáp ứng được tò mò hơn là những chuyện lớn lao, mà trong khuôn cảnh của trường đại học này, các bạn đã thừa tài liệu để tìm hiểu rồi. Hôm nay, tôi chỉ xin kể về hoàn cảnh một số tác phẩm mà tôi cho là quan trọng trong đời viết văn của tôi.

Trước năm 1975, tôi xuất bản được năm tác phẩm. Trong đó có một tập tiểu luận Nỗi băn khoăn của Kim Dung, xuất bản năm 1972, một tập truyện ngắn Bão rớt, ba truyện dài Tiếng chim vườn cũ, Qua cầu gió bayĐường một chiều (truyện dài được giải thưởng văn chương về tiểu thuyết của hội Văn bút Sài Gòn năm 1974). Sau năm 1975, thời gian ở Sài Gòn, thân phận chung của những người ở Sài Gòn thì các bạn đã biết rồi, bị đẩy sang lề và tồn tại một cách khó khăn, không ai viết được gì. Nhưng từ năm 1977 cho đến năm 1981, trong vòng bốn năm, tôi cố gắng viết một bộ trường thiên nhan đề Sông Côn mùa lũ (SCML).

Những tác phẩm trước năm 1975, một số lớn các bạn chưa có dịp đọc, thì tôi xin cho qua. Tôi chỉ trình bày những điều đã viết sau năm 1975 và đã xuất bản ở đây, để các bạn có thể so sánh và biết được từ tác phẩm đã đọc sang chi tiết về quá trình sáng tác ra sao. Bộ SCML tôi viết từ năm 1978 và viết xong vào năm 1981. Viết xong đi vượt biên, để bản thảo lại cho nhà tôi giữ. Đến năm 1990, nhà tôi qua Mỹ theo diện đoàn tụ và đem qua. SCML xuất bản tại Mỹ năm 1990 và 1991. Sau 9 năm, bộ truyện này được xuất bản tại Hà Nội năm 1999 và tái bản lần thứ hai năm 2003. Ở Việt Nam tái bản bộ này hai lần, tại Hà Nội và Sài Gòn. Tôi không biết trong các bạn có ai đã đọc bộ này chưa. Nói chung, bộ trường thiên lấy khung cảnh thời Tây Sơn, thế kỷ 18 và khởi đầu là sự nghiệp của anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và chấm dứt khi Nguyễn Huệ mất. Đây là thời gian có nhiều biến động. Quan trọng là qua những biến động đó, cái thử thách dành cho người đương thời, nhất là những nho sĩ, những người viết lách, những người có trình độ trí thức cao phong phú lắm. Mỗi người một thái độ phản ứng khác nhau. Từ thái độ bất hợp tác với triều mới như Lý Trần Quán, đến thái độ hợp tác như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, đến người thuộc loại cơ hội như Nguyễn Hữu Chỉnh. Một thời đại mà tất cả biến động của lịch sử và cái phức tạp của đời sống hiện ra trọn vẹn, giống như những phức tạp hiện ra trong thời kỳ cộng sản ở Việt Nam vậy, giống nhau lắm. Và vì giống như vậy, thay vì trực tiếp viết về cộng sản, tôi chuyển qua hai thế kỷ trước viết về thời Tây Sơn. Có nhiều hoàn cảnh mà tôi suy từ thời mình bây giờ sang thời trước.

Hoàn cảnh viết bộ truyện này là hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Sau năm 1975, tôi đang làm chuyên viên nghiên cứu tại Bộ Giáo dục Sài Gòn (BGDSG) thì bị cho nghỉ việc. Tôi bán sách cũ ngoài chợ trời hai năm, sau đó xin làm công cho một tổ hợp mì sợi. Các bạn có gia đình qua sau năm 1975 biết là cả nước Việt Nam trong giai đoạn thiếu gạo và phải ăn bo bo, nhập cảnh bột mì rồi làm mì sợi để sống. Tôi làm công nhân cho một tổ hợp mì sợi từ năm 1978 đến năm 1981. Chương trình làm việc của tôi thời kỳ này là 6 giờ sáng đem một lon cơm, đạp xe từ Thị Nghè tới Phú Lâm làm việc. Làm việc từ 8 giờ sáng cho đến 12 giờ trưa. 12 giờ nghỉ ăn cơm, ăn cơm xong từ 12 giờ đến 2 giờ thì ngồi viết. Xong rồi, làm việc từ 2 giờ đến 8 giờ. Sau đó 8 giờ thì ra khỏi xưởng, chở mì sợi đi bán, về tới nhà khoảng 10 giờ tối, và ngồi viết từ 10 giờ cho đến 12 giờ. Viết trong tình trạng làm việc và viết như vậy trong bốn năm thì hoàn tất bộ trường thiên tiểu thuyết này, dày 2000 trang. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi có khả năng viết trọn vẹn cả bộ truyện. Trong thời gian viết, bộ truyện này bị ngưng lại vì hai lần tôi ở tù. Lần đầu viết xong cuốn ba thì tổ hợp mì sợi bị đóng cửa rồi ban điều hành tổ hợp bị bắt. Năm 1979, các bạn nhớ đó là thời gian Việt Nam và Trung Quốc đánh nhau. Tổ hợp tôi làm việc là một tổ hợp của người Hoa. Công an Sài Gòn nghi ngờ tổ hợp làm gián điệp cho Trung Cộng nên tất cả ban điều hành đều bị bắt. Tôi bị kẹt trong đó 4 tháng, đang làm ăn bình thường thì bị bắt như vậy. Bốn tháng sau, được thả ra, tôi tiếp tục viết, đến gần xong phần kết từ ở cuốn thứ tư thì có mối vượt biên ở Vũng Tàu. Vượt biên không thành công, tôi bị bắt lần nữa và lần này bị giam bốn tháng. Sau khi được thả ra, tôi về viết xong phần kết. Tháng 10 năm 1981 thì hoàn tất bộ này, tôi đóng và để lại cho nhà tôi giữ và đi vượt biên. May mắn vượt biên lần này thành công. Việc giữ bộ sách ở Việt Nam lúc đó là một việc làm nguy hiểm, cho nên nhà tôi phải gởi chỗ này, chỗ nọ. Đến năm 1990 khi nhà tôi qua Mỹ theo diện đoàn tụ thì bà đem theo trong hành lý. Lúc lên phi trường Tân Sơn Nhất, hải quan hỏi cái gì thế này, bà nói là đời đi dạy học buồn quá, nên ngồi viết nhật ký. May là lúc đó các ông công an lo kiểm soát những đồ quý giá mà không để ý đến mớ giấy vụn này, cho nên đem qua lọt. Nhờ vậy mà bộ sách qua đây được xuất bản và phổ biến. Bây giờ, nó đã trở về Việt Nam và được tái bản hai lần. Chính tôi cũng không hiểu tại sao nhà nước Việt Nam đem đọc nguyên văn bộ sách này trên đài phát thanh trong chương trình Đọc truyện Đêm khuya suốt bốn tháng trời. Họ nghĩ đây là tác phẩm không nguy hiểm, vì chỉ nói đến vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và phần tác hại, nếu có, thì không đáng ngại. Đây là quá trình sáng tác bộ sách Sông Côn mùa lũ.

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Mộng Giác với bản thảo Sông Côn mùa lũ được đưa từ Việt Nam sang Mỹ năm 1990
Tháng 12 năm 1981, tôi vượt biên qua ngả Nam Dương, đến đảo Kuku, rồi sau đó chuyển qua đảo Galang. Tôi ở trại tị nạn Nam Dương hai tháng. Ðây là thời kỳ nhịp độ viết lách sung mãn nhất trong đời viết của tôi. Trong thời gian đó, tôi viết một số truyện ngắn, sau này in trong hai bộ Ngựa nản chân bonXuôi dòng. Cũng trong thời gian này, tôi viết được cuốn I của bộ trường thiên thứ hai là bộ Mùa biển động (MBĐ). Ấm ức về những gì mình đã không viết được trong thời gian ở Việt Nam, trong thời gian này, cứ mỗi ngày tôi viết một truyện ngắn. Khung cảnh đảo Kuku thời ấy thơ mộng lắm. Hòn đảo xanh giữa biển, rừng cây xanh và đám mây là là, khung cảnh rất thần tiên. Tôi lấy tấm ván kê làm bàn trên sườn núi, ngồi đó viết từ sáng đến chiều. Trên đầu là mây bay, bên cạnh mình là những con khỉ chí choé, và cứ như vậy mỗi ngày tôi viết một truyện ngắn. Số người ở đảo Kuku lúc đó khoảng hai, ba trăm người. Hai, ba trăm người không có một tờ báo hay một cuốn sách để đọc, do vậy tôi có một lượng độc giả rất lý tưởng. Ban ngày mình viết xong, tối đến truyện được chuyền cho anh em bà con trong lán đọc. Và truyện trở thành đề tài thảo luận của cả trại. Rất thú vị. Cho nên tôi nghĩ, bạn nào đọc những truyện này sẽ thấy được tâm tình của một lớp người qua kinh nghiệm vượt biên, tất cả cái đau đớn, cái hy vọng, cái tuyệt vọng mà các bậc cha chú của các bạn đã trải qua. Các kinh nghiệm vượt biên tôi cố gắng ghi một cách trung thực, không tô điểm, nếu là người bi quan thì sẽ cho đó là những kinh nghiệm xấu, nhưng nếu là người lạc quan thì cho là chuyện bình thường. Chẳng hạn như khi tàu vượt biên bị chết máy, lênh đênh trên biển, hết nước, thì may mắn có trời mưa. Khi những giọt nước mưa chảy xuống cái tấm bạt trên ghe thì mấy ông già không chút do dự, đẩy bật những đứa trẻ ra để mà giành uống nước đó. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, cảnh giành nhau để sống, con người rất tàn nhẫn. Nhưng cũng chính các cụ già này khi lên đến đảo thì lại hô hào mọi người làm vườn hoa cho các em chơi. Như vậy mình nói các cụ già giành nước với các em uống, và cụ già muốn làm vườn hoa cho các em chơi, cụ nào là thật?! Khó trả lời lắm, rất khó trả lời. Một ví dụ nữa tôi lấy trong chuyến vượt biên: do hệ thống hút nước của ghe bị hư, ghe bị vô nước. Muốn cứu ghe thì phải tạt nước ra, nhưng không ai chịu làm cả. Nước đó dơ dáy lắm, gồm cả phân và nước tiểu, nên không ai chịu xuống tát ra cả. Tôi thấy vậy thì xung phong. Tôi nói tao già rồi nhưng mà tao xung phong để bọn trẻ bắt chước, hy vọng là bọn trẻ thấy mình làm thì sẽ thấy lòng ân hận mà xuống giúp mình, nhưng không ai giúp cả. Sau đó tôi nghe bọn trẻ nói chuyện với nhau, "Tội gì mình phải xuống làm. Phải giữ sức khỏe để lỡ ghe chìm còn sức mà bơi." Đại khái như vậy. Nếu mình bi quan thì cho là những con người rất xấu trong cảnh tồn tại nguy hiểm. Nhưng nếu mình lạc quan, nhìn một cách dung dị hơn, thì mình cho họ đáng thương. Qua những kinh nghiệm đó, tôi nghĩ là tôi có lý. Không có người xấu, chỉ có người đáng thương. Và tôi dùng cái nhìn đó để tạo những nhân vật của bộ SCML và bộ MBĐ. Qua hai bộ trường thiên và tập truyện ngắn Xuôi dòng, các bạn sẽ thấy tôi nhìn đời không tốt, không xấu, nó tự nhiên như vậy. Con người chỉ có hai loại, con người đáng yêu và con người đáng thương. Tôi không biết các bạn có đồng ý với tôi không?

Khi tôi đến định cư tại Mỹ thì tôi bắt tay viết bộ trường thiên thứ hai. Nếu lúc đó không viết thì bây giờ không thể viết được. Bộ MBĐ cũng dày gần 2000 trang, viết trong bảy năm. Tôi viết bộ này trong điều kiện vật chất khá hơn. Suốt 16 năm, tôi làm graphic designer [thiết kế đồ hình] cho một công ty điện thoại, hàng ngày làm việc từ 4 giờ chiều đến 12 giờ khuya. Buổi sáng đến tiệm cơm Nhật mua một hộp combo [một dạng cơm hộp], và ra công viên ngồi ăn, viết từ 9 giờ sáng cho đến 3 giờ rưỡi chiều xong rồi đi làm. Cứ như vậy viết đều trong vòng bảy năm thì xong bộ này. Không biết trong các bạn đây, có bạn nào ma đưa lối quỷ dẫn đường để chọn công việc viết lách này không. Nhưng để giải thích vì sao mình kiên nhẫn như vậy thì điều chính là thế này, mình chỉ bỏ công viết được những tác phẩm đòi hỏi sự kiên nhẫn khi nào mình ngây thơ. Cái đam mê đương nhiên là có rồi, nhưng phải ngây thơ nữa. Khi tôi viết bộ này, thì hoàn cảnh sống quá bi đát, cả phương diện vật chất và tinh thần. Tôi nghĩ rằng mình viết như viết di chúc vậy, viết xong chết cũng được. Nhưng may là viết xong... chưa chết. Hồi viết bộ này thì tôi cũng ngây thơ nữa, cứ cho là cái kinh nghiệm mình trải qua ở Việt Nam từ năm 1963 là năm Ngô Đình Diệm sụp đổ, cho đến năm 1981, qua nhiều chế độ, nhiều thăng trầm, nếu mình không viết thì sẽ không ai viết cả, và như vậy thì uổng lắm. Quá ngây thơ! Thật ra, nếu mình không viết thì sẽ có người viết và viết hay hơn mình. Do cái ngây thơ đó nên tôi ráng viết trong vòng bảy năm và hoàn tất bộ này. Khi đọc lại, dĩ nhiên thấy không bằng lòng. Các bạn biết mình như người thợ hàn vậy thôi. Mình lấy miếng này mình hàn miếng kia, độc giả không thấy nhưng mình thấy. Tất cả các phần ghép nối, các phần giả tạo, phần tưởng tượng chưa tới, mình đều thấy cả. Đọc lại tôi thấy không bằng lòng. Nhưng may là, nếu hồi đó không viết thì bây giờ không viết nổi. Có người hỏi tôi, bây giờ anh rảnh, sao không viết cái gì đi. Tôi trả lời một cách triết lý là bây giờ mọi thứ không còn quan trọng nữa, viết làm gì. Mình biết mình không viết được thì cứ nói mình không viết được, đừng nói dối. Quả là khi mình không còn ngây thơ thì mình không thể viết được nữa. Chúc các bạn giữ được ngây thơ, nhờ ngây thơ đó mà các bạn làm được nhiều việc. Sau khi in bộ này, tôi không còn viết được gì nhiều ngoài một số bài luận về văn học như cuốn Nghĩ về văn học hải ngoại (NVVHHN).

Tôi cho rằng những cố gắng của mình đem lại kết quả, và nếu mình viết trên tinh thần tương đối sòng phẳng, thì có lẽ nó sẽ vượt qua được một số biên giới. Cái biên giới quan trọng là biên giới về ý thức hệ, chính trị. Chẳng hạn như bộ SCML, tuy có nhiều điểm động chạm và xa gần phê phán các chế độ độc tài, nhưng với liều lượng mà người trong nước có thể đọc được. Bằng chứng là sau khi đọc liên tiếp trong bốn tháng trên đài phát thanh hằng đêm, thính giả rất thích và bây giờ họ đăng bộ truyện này trên một website của báo Bình Định. Tôi cũng rút được kết luận là những cố gắng của người viết Việt Nam tại hải ngoại là một cố gắng rất đáng phục. Lấy từ kinh nghiệm của tôi, việc xuất bản rất khó khăn. Thời tôi mới qua, 1985-1990, thời gọi là cực thịnh của văn học hải ngoại, một tập truyện in ra từ 1000-2000 ấn bản, bán trong vòng một năm thì hết. Nhưng con số đó càng ngày càng tụt, và bây giờ ấn bản cho loại văn nghệ như tiểu thuyết và thơ v.v..., chỉ khoảng 500 bản và bán ba bốn năm không hết. Lý do? Tôi tin rằng các bạn vẫn tò mò về văn chương hải ngoại, nhưng tìm đọc thì mệt quá vì còn quá nhiều chuyện để lo. Các bạn lại thấy các điều viết trong sách của các cha, các chú chẳng liên quan gì đến mình. Các cha các chú nghĩ chuyện quá khứ, lật album lại thời huy hoàng, còn bạn lại cho rằng đó là điều lãng xẹt. Đó là chưa kể lượng độc giả ngày càng ít đi. Tôi làm tờ Văn Học, lâu lâu vẫn nhận được thư của các độc giả, có khi là: "Xin chú đừng gởi báo nữa vì ông ngoại cháu mất ngày hôm qua"; có khi thì: "Tôi rất thích báo của ông, nhưng bây giờ mắt kém quá, nếu báo của ông in chữ như kinh Phật thì tôi mới đọc được." Đó là thực tế, các bạn trẻ không đọc, còn các cụ già thì mất dần. Văn học hải ngoại sẽ đến lúc tàn tạ. May bây giờ có internet nên tiện cho việc truyền thông, liên lạc với nhau. Đó là ngõ mới, nhanh hơn, gọn hơn, thay cho loại sách in. Cũng như chuyện đời, tìm cách để sinh tồn, không dùng cái tốt xấu đạo đức để mà phê phán được, mà phải chấp nhận nó, chấp nhận luôn cả cái già nua và cái chết sắp đến của một thứ sinh hoạt văn chương. Các bạn nếu muốn tiến thân, có tìm sự nghiệp văn chương thì viết bằng tiếng Anh chứ không ai viết bằng tiếng Việt làm gì. Nhưng viết bằng tiếng Anh có những đòi hỏi riêng của nó. Nếu các bạn viết với tâm tình Việt Nam giống như thế hệ cha chú của các bạn thì hỏi độc giả Mỹ họ quan tâm làm gì? Cái thành công của Amy Tan không phải là viết về tập tục văn hoá Trung Hoa, mà tôi cho là bà đáp ứng được khuynh hướng ích kỷ của độc giả Mỹ. Khi đọc một tác giả người da màu, độc giả bản xứ chờ đợi điều gì? Chờ đợi một người bản xứ, một người da trắng ra tay cứu vớt một gia đình trong cơn hoạn nạn và chàng hoàng tử da trắng đó sẽ cải tạo, văn minh hoá gia đình kia. Hình ảnh đó đáp ứng được nguyện vọng chung, cái khao khát chung của lòng tự cao tự đại của người bản xứ. Nếu như vậy thì mới thành công, và tôi tin rằng một số các bạn nếu viết sẽ không bằng lòng với vị thế đó. Nếu muốn vượt trên cái thành kiến đó, nếu muốn tự tin như người bản xứ thì đòi hỏi khả năng học thức, sự kiên nhẫn và sự phấn đấu gấp hai, gấp ba lần người bản xứ. Không biết các bạn ở đây đã sẵn sàng để trả cái giá đó chưa, nếu mà rủi ro có bạn theo nghiệp văn. Đó là những lời mà tôi nói qua về việc viết lách và một số những nhận xét sơ khởi về tình hình văn chương hải ngoại.


Phần II: Nhà văn Nguyễn Mộng Giác trả lời câu hỏi của sinh viên

Nhóm sinh viên (NSV): Nhà văn có đề cập là trong thời gian viết cuốn Sông Côn mùa lũ (SCML), nhà văn bị tù hai lần. Lần thứ nhất khi nhà máy mì sợi bị đóng cửa, lần thứ hai khi vượt biên không thành công. Xin hỏi hai lần ở tù, mỗi lần khoảng bốn tháng, có ảnh hưởng như thế nào đến việc sáng tác bộ trường thiên SCML?

Nguyễn Mộng Giác (NMG): Một lần khi trả lời phỏng vấn, tôi có nói với anh Nam Dao rằng tuy bị ngăn trở do ở tù, khổ sở, nhưng cũng may là suốt thời gian đó, ảnh hưởng của đời sống tù trong tác phẩm tôi rất ít. Giọng bi phẫn, giận dữ đều không có. Ngay cả thời kỳ ở tù ra rồi, mặc dù xáo trộn, nhưng khi đọc lại đều không thấy những điều đó trong tác phẩm. Ðó là điều rất may, vì nếu tôi đưa tình cảm nhất thời của mình vào thì hẳn sẽ phá hỏng bộ truyện. Phần kết là phần viết sau khi ở tù về, chỉ mang giọng xót thương thôi, không hề có giọng bi phẫn.

NSV: Xin nhà văn cho biết về quá trình xuất bản bộ trường thiên SCML tại Việt Nam. Đầu tiên, bộ sách được xuất bản với mong muốn của ai và quá trình đó có gặp điều gì khó khăn? Nhà văn phải làm gì để bộ trường thiên này được xuất bản ở Việt Nam?

NMG: Chuyện sách được xuất bản và tái bản ở Việt Nam không do mình chủ động. Khi GS Mai Quốc Liên, giám đốc Trung tâm Quốc học, qua bên này theo phái đoàn thăm một số trường đại học, ông tới nhà một người bạn, thấy bộ SCML và xin mang về. Trong thời gian rảnh, ông đọc và thấy thích quá. Ông về vận động để xin tái bản ở Việt Nam và trong hai năm thì họ cho phép tái bản. Lẽ dĩ nhiên, khi họ xin phép tái bản thì họ đưa một số người giám định đọc, và họ có cho tôi coi những đoạn mà mình nói mánh nói khóe. Họ nói những đoạn này tư tưởng chính trị không rõ ràng, nhưng không hiểu sao khi họ thảo luận riêng thì họ cho giấy phép in nguyên văn. Suốt một bộ truyện 2000 trang không bỏ chữ nào. Họ cấp giấy phép cho Nhà xuất bản Văn Học (NXBVH), một nhà xuất bản có uy tín, nhưng ông giám đốc không có tiền in, và một phần cũng sợ. Khi thảo luận về bộ sách này thì có hai phe, một phe nói ông Giác viết bộ sách MBĐ rất phản động, một phe nói những bộ sách kia xấu, nhưng bộ này, bộ SCML là bộ sách tốt, cần phân cách giữa tác giả và tác phẩm. Cuối cùng họ cho giấy phép và họ quy định là khi ra sách, nhắc tác phẩm mà không nhắc đến tác giả.

NSV: Nhà văn bắt đầu viết văn từ bao giờ? Tác phẩm đầu tay là tác phẩm nào? Quá trình viết và in tác phẩm đó như thế nào? Độc giả đón nhận tác phẩm của nhà văn ra sao?

NMG: Tôi viết từ thời sinh viên, nhưng không gởi in ở đâu hết. Bởi vì tâm lý chung là không tự tin, nhất là khi viết xong rồi, đọc các tác phẩm của những bậc thầy, thì bao nhiêu bản thảo của mình đều đem ra xé hết. Cho nên tôi ngưng viết. Đến năm 1971, lúc 31 tuổi mới viết lại. Khi viết lại thì đăng bài trên tờ Bách Khoa, Sài Gòn. Tác phẩm đầu tiên không phải là truyện mà là tiểu luận, viết về Kim Dung, xuất bản năm 1972.

NSV: Ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc đó nhà văn đang làm gì và đang ở đâu? Biến cố năm 1975 thay đổi cuộc đời của nhà văn như thế nào?

NMG: Ngày 30 tháng 4, tôi ở Sài Gòn và đang làm chuyên viên nghiên cứu Bộ Giáo dục Sài Gòn. Sau khi cộng sản tiếp quản nha nghiên cứu thì họ cho học tập chính trị một thời gian, rồi đến tháng 3 năm 1976, trong đợt đầu tiên xét biên chế thì họ cho tôi nghỉ.

NSV: Khi sang định cư tại Hoa Kỳ, động cơ nào khiến nhà văn tiếp tục viết trong hoàn cảnh sống lưu vong, sống trong sự thay đổi hoàn toàn và rất ít người đọc tác phẩm?

NMG: Động cơ như tôi nói khi nãy là động cơ ngây thơ đó. Và cứ nghĩ là nếu mình không viết thì không ai viết cả, và nhờ vậy mới hăng hái viết, chứ nếu nghĩ mà mình viết ra làm gì, và cái đó có ích lợi gì đâu thì đương nhiên là không ai viết rồi.

NSV: Vậy từ khi nhà văn cầm bút trước năm 1975, nhà văn có cảm giác ngây thơ khi viết, và khi qua đến Mỹ vẫn có cảm giác như vậy?

NMG: Có lẽ càng ngày càng lớn tuổi, sức khoẻ không còn được như trước nữa, do lười biếng, do đủ thứ, nên càng ngày ngây thơ càng bớt đi. Ngay bây giờ khi đọc lại, cái đọc cũng khó khăn hơn. Những tác phẩm xưa kia mình đọc thấy hay, bây giờ lại thấy dở quá. Đôi khi không dám đọc tác phẩm của mình nữa.

NSV: Theo nhà văn thì sự ngây thơ có cần thiết cho việc viết văn hay không? Nhà văn nghĩ mỗi người nên có mỗi cách khác nhau?

NMG: Nó cần thiết cho mỗi người ở mỗi thời đại. Văn học nghệ thuật không có sự ngây thơ thì làm sao có được? Chính đó là cái khiến nhiều người nghĩ một lời thơ, một câu của mình viết ra rung động trời đất.

NSV: Trong truyện “Đường một chiều”, có nhân vật Ninh là người giết mẹ. Vậy tác dụng của anh ta trong truyện là gì? Tác giả dùng nhân vật này để nói lên điều gì?

NMG: Con người mấp mé giữa tội ác và thánh thiện, nó gần lắm. Và tình cảm của đứa con, con Ly, giữa tình yêu với thằng Ninh và tình yêu với bà mẹ nó mơ hồ lắm. Lúc bấy giờ, tư tưởng chính là khó định đoạt được ranh giới giữa tốt và xấu, thiện và ác. Cái đó là cái tôi đọc thấy được trong truyện Kim Dung. Truyện Kim Dung là truyện chánh tà không phân biệt. Có những điều trong truyện mình tưởng là chánh nhưng thật ra là tà. Thành ra các cô xét đoán thanh niên mà xét đoán lầm lẫn là không được (cười).

NSV: Trong cuốn Nghĩ về văn học hải ngoại, có nói rất nhiều về tình hình văn chương hải ngoại. Cuốn đó được xuất bản rất lâu rồi, trong thời điểm này, nhà văn nghĩ như thế nào về môi trường phê bình văn học?

NMG: Nói trắng ra là bộ môn phê bình ở miền Nam trước kia và hải ngoại bây giờ rất yếu. Có thể đếm trên đầu ngón tay những người phê bình có uy tín. Bây giờ điểm lại người có uy tín nhất hiện nay là Nguyễn Hưng Quốc, tiếp theo là Đặng Tiến, Bùi Vĩnh Phúc, Thụy Khuê, Trần Hữu Thục, Nguyễn Vy Khanh... và một vài người khác nữa. Còn chuyện khen chê nhiều khi là chủ quan nhiều hơn. Rồi có những cuộc tranh luận, không xoay vào tác phẩm, không xoay vào đề tài mà cãi qua vài ba trận là bắt đầu nói xấu về đời tư của nhau. Đó là cái rất yếu của người phê bình. Miền Nam trước kia cũng vậy, không khác gì. Đó chỉ là văn chương thôi, còn chính trị nữa thì không thể nói.

NSV: Không ai dám lên tiếng hay sao?

NMG: Chẳng hạn hồi trước khi về hưu, trong một lúc cao hứng, tôi tuyên bố là khi tôi về hưu sẽ viết một bộ văn học sử về văn chương hải ngoại. Hồi đó là dại dột, cho nên nói vậy, chứ bây giờ mà bắt tay vào là sinh chuyện. Khi kê khai mà thiếu bất kỳ ai thì chết với họ. Có khi kể họ sau người khác cũng không được. Mà chẳng lẽ kê khai đồng hạng cả thì cũng không được.

NSV: Trong truyện “Những ngã rẽ một dòng sông”, nhà văn có nói đến sự chia rẽ trong cộng đồng. Theo nhà văn thì sự chia rẽ đó là động lực để phát triển văn học? Hay có những tác động tiêu cực nào đến nền văn học hay không?

NMG: Tương lai văn học hải ngoại nó vắn số, nó không sống lâu đâu. Cho nên gần đây, gặp bạn bè tôi cứ nói họ in sách nhanh đi. Trong vòng vài năm nữa internet phát triển thì sách không ai in nữa.

NSV: Bài “Tình trạng lão hoá trong sinh hoạt văn học” trong cuốn Nghĩ về văn học hải ngoại có nhắc đến thế hệ trẻ Việt Nam đang sinh sống ở Mỹ. Những người Việt qua đây khi còn nhỏ, không được tiếp thu nền giáo dục thuần túy Việt Nam. Những người qua đây ở tuổi 14, 15 thì được giáo dục dưới mái trường của cộng sản, không biết đến những nhà văn nhà thơ trước năm 1975 như Nguyên Sa, Mai Thảo v.v... Theo nhà văn, ảnh hưởng của gia đình có quan trọng trong việc tiếp nhận văn chương của giới trẻ hay không?

NMG: Ảnh hưởng của gia đình, nếu có, tôi cho là ít chứ không nhiều. Như các bạn ở đây, người nào cũng có một chương trình dày đặc, học xong thì phải lo kiếm việc, rồi còn phải lo đến vấn đề thăng tiến trong công việc. Bức bách đời sống hiện nay quá cao, thời gian dành cho văn chương rất ít. Cái thứ hai là ngay trong gia đình có truyền thống về chữ nghĩa cũng khổ lắm. Ví dụ gia đình tôi hai đứa con gái và đứa con trai khi qua đây đã lớn, đã học lớp 11 bên Việt Nam. Trong nhà sách vở ê hề, nhưng nó không bao giờ đụng tới. Nó đọc báo chí chỉ coi phần sport [thể thao] thôi. Lâu lâu mẹ nó mở nhạc Trịnh Công Sơn thì nó nói nhạc đó boring [chán] lắm. Đời sống khác, tâm trạng nó phải khác đi rồi. Ngay cả bà xã tôi, nhiều lần người ta hỏi chị đọc tác phẩm của anh thấy thế nào, bà nói tôi có đọc đâu; người ta hỏi tại sao thì bà trả lời là ổng định nói thì tôi đã biết ông nói cái gì rồi, cần gì phải đọc. Thực tế là như vậy. Ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái ở Việt Nam thì nhiều chứ ở đây thì không bao nhiêu đâu. Thành ra cái thế hệ này đi qua rồi, thì văn chương hải ngoại phải đi xuống thôi, không thể nào khác.

NSV: Đứng trước tình hình văn chương hải ngoại như vậy, không biết giới văn chương hải ngoại có muốn tìm hiểu nền văn chương trong nước và đem văn chương trong nước ra hải ngoại, để lớp trẻ vẫn tiếp tục theo dõi dòng văn chương chung của Việt Nam? Và hướng đi của nền văn chương hải ngoại để đáp ứng được giới trẻ ở đây?

NMG: Hướng thì khó nói lắm vì văn chương phải có hai phần: người sáng tác là người viết, và người hưởng thụ là người đọc. Người viết hiện nay, qua tình hình các tờ báo văn chương mà tôi biết, không có lớp tiếp nối. Ở Việt Nam, phần nòng cốt của sinh hoạt văn chương là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Độc giả Mực tím, rồi độc giả của Nguyễn Nhật Ánh, rồi lên cao hơn nữa; nó giống như hình tháp, càng lớn tuổi thì càng ít đi. Đó là một sơ đồ hợp lý và bình thường. Ở bên này thì ngược lại, càng già càng nhiều mà càng trẻ thì càng ít. Nó không vững. Đó là chỉ nói về loại văn chương viết bằng tiếng Việt, còn loại văn chương viết bằng các thứ tiếng khác lại là chuyện khác nữa. Có những yêu cầu khác, xuất bản khác, độc giả khác, đề tài khác. Có thể nói là lớp độc giả cuối, tác giả đợt cuối của văn chương hải ngoại là lứa các nhà văn như Lê Thị Thấm Vân, Trần Vũ.

NSV: Có khi nào nhà văn nghĩ mình phải thay đổi cách viết để xoay qua một đối tượng trẻ trung hơn. Ví dụ những cuốn mà nhà văn đã viết, đang viết và sẽ viết chỉ hướng về đối tượng ở tuổi từ 40 đến 60. Có khi nào nhà văn nghĩ mình sẽ đổi ngòi viết hoàn toàn để hướng vô lứa tuổi thanh thiếu niên không?

NMG: Tiếng Việt mình gọi là "cưa sừng làm nghé" đó phải không? (Cười) Mình không thể viết theo người đọc được. Không thể nào ráng được.

NSV: Nhà văn có những tác phẩm rất giá trị. Ðể phổ biến văn chương của mình, cho giới trẻ Việt Nam hiểu thêm về thời cuộc, nếu một người nào đó đưa toàn bộ các tác phẩm của nhà văn lên mạng thì nhà văn có đồng ý hay không? Hay nhà văn sẽ phản đối?

NMG: Việc đưa lên mạng còn tùy nó ăn khách hay không nữa. Thật ra, văn chương của tôi không phải là loại văn chương của đại chúng, của đám đông đâu. Mà nó đòi hỏi người đọc hơi nhiều. Trong các tác phẩm của tôi, bộ SCML đã đưa lên mạng.

NSV: Tình hình hiện tại không cho phép độc giả trong nước đọc văn chương hải ngoại. Chỉ qua đường internet, độc giả trong nước mới có thể thưởng thức được những tác phẩm giá trị bên ngoài.

NMG: Điều đó tốt, rất tốt. Ví dụ ở San Jose có website của Thời Văn, mỗi tuần đăng rất nhiều bài, ở trong nước muốn xem rất dễ dàng. Cái chính là ở chỗ họ xem nhưng họ lại không thông cảm được. Và chẳng hạn như nhà văn rất ăn khách trong nước bây giờ là Nguyễn Nhật Ánh, khi đọc tôi không thấy hay.

NSV: Trong truyện “Tìm nơi không gió”, tác giả tả cảnh người đàn ông vá xe đạp và một cô giáo bán thuốc lá dạo. Tại sao hình ảnh đó lại được nhà văn đặc biệt chú ý như vậy?

NMG: Cái hình ảnh đó rất tiêu biểu sau năm 1975.

NSV: Trong bài “Huế, nơi để tưởng nhớ”, nhà văn có nói Huế là một nơi rất đẹp, thơ mộng, nhân tài rất nhiều, nhưng cuối cùng không ai ở lại hết. Ai cũng bươn vô Sài Gòn, dù theo nhà văn thì Sài Gòn là một cái "chợ." Cuối bài, hình như có sự liên hệ giữa Huế với Sài Gòn và Việt Nam với Mỹ. Như người Huế, họ rất tài giỏi nhưng không thể sống nơi miền đất gò bó tài năng của họ, nên họ bươn đi khắp miền đất nước để tìm đời sống khá hơn. Người Việt Nam tài giỏi, muốn vươn lên, nhưng đất quê hương quá "hẹp" nên phải ra hải ngoại, đi đến những vùng đất khác. Vậy nhà văn nghĩ gì về Việt Nam, là nơi "xa để mà nhớ hay ở để mà thương"?

NMG: Hỏi sao mà ác quá vậy (cười). Quả tình bây giờ mà tụi mình trở về Việt Nam thì chỉ về làm khách thôi chứ về ở luôn thì chết. Đời sống Việt Nam bây giờ tuy có khá lên nhưng nó không hợp lý. Mình sống ở Mỹ là hợp lý. Mình biết cái quyền của mình, biết là mình đóng thuế thì đến cơ quan công quyền nào, họ sẽ làm cho mình. Mình nộp thuế thì tiền mình đóng sẽ dùng cho việc hợp lý. Lần đầu tiên con gái tôi về Việt Nam, tôi biểu nó bỏ 5 dollars vô trong hộ chiếu để khỏi bị khám xét thì nó nhất định không chịu. Nó nói nếu tiền này đóng có biên lai thì con chịu, còn nếu không thì không đóng. Xã hội Việt Nam vẫn còn những điều bất hợp lý như vậy đó.

NSV: Những chuyện buồn, kỷ niệm buồn thì đã ít nhiều được phản ảnh qua các tác phẩm của nhà văn rồi. Vậy nhà văn có thể kể nhưng kỷ niệm vui, hay kỷ niệm vui nhất trong đời viết của nhà văn không?

NMG: Kỷ niệm vui nhất của người viết, tôi nghĩ giống nhau lắm, đó là lần đầu tiên bài của mình được đăng. Bài đầu tiên tôi được đăng là bài viết về Kim Dung, được đăng trên báo Bách Khoa. Tôi viết và gởi cho ông Nguyễn Hiến Lê. Kỳ đó vô Sài Gòn chấm thi, thấy bài được đăng lên báo, tự nhiên thấy mình quan trọng quá. Thấy tên mình nằm trên mặt báo, “đã” vô cùng. Đã đến độ mà trong chuyến bay từ Sài Gòn về Quy Nhơn cứ sợ máy bay rớt, chết mất một thiên tài. Cái cảm giác đó khó tìm lại lắm. Thường thường như vầy, mỗi lần vô hiệu sách mà thấy các tác phẩm này nọ của tác giả nào đó thì thấy ghê gớm lắm. Sau đó, mình nghĩ nếu họ viết được thì tại sao mình viết không được. Và viết được, rồi được đăng và in sách. Cuốn sách khi được in rồi, nhiều khi trong hiệu sách họ sắp trong chỗ khuất thì mình lén lén lấy để ra ngoài. Cái đó là những kỷ niệm sướng nhất và cảm động nhất.

NSV: Hy vọng chuyến đi đến Berkeley của nhà văn là một kỷ niệm vui. Cảm ơn nhà văn về buổi nói chuyện hôm nay.

Phụ lục: Tiểu sử và tác phẩm nhà văn Nguyễn Mộng Giác

Tiểu sử


Tác phẩm xuất bản tại miền Nam trước năm 1975

  1. Bão rớt (tập truyện ngắn, Trí Đăng xuất bản, Sài Gòn 1973)
  2. Đường một chiều (truyện dài, Giải thưởng Trung tâm Văn bút Việt Nam, 1974, Nam Giao xuất bản, Sài Gòn 1974)
  3. Nỗi băn khoăn của Kim Dung (tiểu luận, Văn Mới xuất bản, Sài Gòn 1972)
  4. Qua cầu gió bay (truyện dài, đăng trên tạp chí Bách Khoa từ số 350 đến số 357, Văn Mới in thành tập năm 1974)
  5. Tiếng chim vườn cũ (truyện dài, Trí Đăng xuất bản, Sài Gòn 1973)

Tác phẩm xuất bản ở hải ngoại

  1. Mùa biển động (trường thiên tiểu thuyết, Văn Nghệ xuất bản, USA từ 1984-1989) gồm tất cả năm tập:
    • Những đợt sóng ngầm, 1984
    • Bão nổi, 1985
    • Mùa biển động, 1986
    • Bèo giạt, 1988
    • Tha hương, 1989

  2. Nghĩ về văn học hải ngoại (tiểu luận, Văn Mới xuất bản, USA 2004)
  3. Ngựa nản chân bon (truyện ngắn, Người Việt xuất bản, USA 1984)
  4. Sông Côn mùa lũ (trường thiên tiểu thuyết, An Tiêm xuất bản, USA 1991)
  5. Xuôi dòng (tập truyện ngắn, Văn Nghệ xuất bản, USA 1987)

Những bài viết trên tạp chí Văn Học

Thư gửi một người bạn trẻ. VH 11
Thư mùa xuân gửi người bạn trẻ. VH 12-13
Đàm thoại với nhóm Thế Hệ ở Houston. VH 15
Tìm hiểu thế giới nhân vật của Võ Phiến. VH 19
Tạ ơn đời, tạ ơn anh. VH 21
Doãn Quốc Sỹ, người anh khả kính. VH 31
Những ý nghĩ về một bài báo đăng trên Đoàn Kết. VH 38
Lời cuối cho một bộ trường thiên. VH 42
Nhìn lại một chặng đường. VH 45
Đôi điều suy nghĩ. VH 49
Phan Huy Ích ở Phú Xuân. VH 55
Chaka. VH 70-71
Lại bàn một chuyện cũ. VH 74
Bệnh hoang tưởng. Câu chuyện văn học. VH 76
Mùa Vu lan, nghĩ về mẹ. VH 77
Cơn khủng hoảng của truyện ngắn. VH 79
Nhìn lại một năm sinh hoạt văn học và xuất bản hải ngoại. VH 80-81
Văn học lưu vong hay văn học di dân. VH 99
Triển vọng của văn học hải ngoại. VH 103
Chúc Tết. VH 105-106
Trời xanh bên kia sông. VH 108
Hai mươi năm văn xuôi hải ngoại. VH 109
Viết về chiến tranh Việt Nam. VH 115
Nhìn lại một năm văn chương. VH 117-118
Hoạt cảnh của ngày xuân. VH 129-130
“Đi với về cùng một nghĩa như nhau”. VH 133
Đi vào cõi thơ khoa hữu. VH 141-142
Vĩnh biệt nhà văn Mai Thảo. VH 143
Kho tàng của quá khứ. VH 149
Tình trạng lão hóa trong sinh hoạt văn học. VH 153-154
Đọc “Thiên nga giữa cõi người”. VH 159
Đọc “Chân mang giày số 6”. VH 160
Đọc Miêng. VH 161
Hai con đường vào đời, vào thơ. VH 162
Đọc “Tùy bút” của Trúc Chi. VH 164
Đọc “Về với biển cả”. VH 177-178
Mười sáu năm nhìn lại. VH 181
Thực chất và huyền thoại. VH 183

© 2006 talawas


[1]Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đến nói chuyện với sinh viên lớp Việt văn vào ngày 1 tháng 11 năm 2005.