© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
22.3.2006
Đỗ Hoàng Diệu, Phạm Xuân Nguyên
Đẹp là khi thấy tự tin
(Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên trò chuyện với nhà văn Đỗ Hoàng Diệu)
 
Cuộc trò chuyện này diễn ra tại một quán café góc ngã tư Trần Bình Trọng - Trần Quốc Toản, một chiều cuối năm 2005, theo “đơn đặt hàng” của nhà báo Đỗ Quang Hạnh, trưởng ban Văn hóa Văn nghệ, báo Lao động, cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Hạnh muốn có một bài “đinh” về văn học cho số báo tết Bính Tuất. Cũng ở báo Lao động số tết này, một nhà báo khác ở ban thư ký tòa soạn có đặt tôi viết một bài về đề tài tình dục và văn chương, cũng là bởi dư luận Bóng đè trong năm 2005. Cuộc trò chuyện đã có, đã thành văn bản. Bài viết đã viết, đã thành văn bản. Cả hai bài gửi đi, và sau một thời gian chờ duyệt, hai nhà báo đặt hàng đều gọi điện cho tôi ngậm ngùi một câu: anh (ông) thông cảm, “sếp tổng” không duyệt đăng. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy, tôi không trách cứ gì các bạn đồng nghiệp báo chí của tôi. Còn bây giờ mời độc giả talawas nghe cuộc trò chuyện của Diệu với tôi để thư giãn cùng nhau chốc lát.
Phạm Xuân Nguyên
Đời sống hàng ngày

Lần cười gần đây nhất của chị?

Hình như là trước khi anh bật máy ghi âm, xong rồi em mới bảo gì mà ghê gớm thế, và thế là em cười đấy.

Lần khóc gần đây nhất của chị?

Hình như là tối qua.

Nỗi sợ lớn nhất của chị?

Em sợ nhất là đàn ông, thật đấy. Nhưng em nói thế anh đừng sợ.

Đồ uống yêu thích của chị?

Nước cam, có đường và đá, vì em thích của ngọt, em háo ngọt đấy. Em không biết uống bia uống rượu. Cà phê và trà đặc cũng không uống.

Món ăn yêu thích của chị?

Mắm tôm, bất kể thứ gì chấm mắm tôm em đều thích, trừ thịt chó ra, còn như đậu phụ, lòng lợn, chả cá chấm mắm tôm thì thôi rồi.

Nữ công gia chánh chị giỏi khoản gì?

Ôi ôi, đến nấu cơm em còn không biết đây này. Anh cười à, thực đấy, không phải em lười đâu mà tại vì em là con út trong nhà, trên là hai chị gái, lại được mẹ rất chiều, nên không bắt nấu nướng gì cả. Rồi em học xa nhà ở trường chuyên Lam Sơn, rồi ra đại học, đều là ở ký túc xá, ăn cơm tập thể. Bây giờ đi làm thì ngại nấu ăn, trước còn ở với một cô bạn, cô ấy cũng rất chiều, toàn nấu cho em thôi, bây giờ một mình thì chỉ ăn quán. Nói thế không có nghĩa là em không biết nấu gì, nhìn qua các món em cũng có thể nấu được, chỉ có điều là chưa có dịp để thể hiện thôi.

Cuốn sách gần đây nhất chị đọc?

Âm thanh và cuồng nộ của W. Faulkner. Đây là đọc lần thứ hai, nhưng lần đầu đọc thì em chẳng nhớ gì nhiều nữa, bây giờ như là đọc mới, có những cái trước mình đọc không để ý, không hiểu, không nhập tâm.

Loại nhạc nào chị thích nghe?

Em không thích nghe nhạc nước ngoài lắm, còn nhạc trong nước thì em cũng không thích nhạc trẻ, mà thường là thích những bản nhạc xưa cũ như của Cung Tiến, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng.

Màu sắc nào chị thích mặc?

Màu chủ đạo của em là gam màu nâu vàng. Thỉnh thoảng em cũng thích mặc màu trắng, hoặc đen.

Chị có bị cuốn theo “mốt” không? Hay quan niệm của chị về cái đẹp?

Cái đẹp của em có nghĩa là cái gì mình mặc lên mình cảm thấy tự tin. Có thể có những bộ quần áo em mặc nhiều người khen đẹp nhưng nếu bản thân không cảm thấy tự tin là em cởi ra ngay.

Loại mỹ phẩm nào chị thích dùng?

Chủ yếu em thích dùng L’ Oreal của Pháp.

Túi xách hãng nào chị thích dùng?

Nếu có nhiều tiền thì em sẽ mua của hãng Luis Vuitton, nhưng ít tiền thì mình dùng hàng nhái vậy, nhưng phải là loại hàng nhái nào nó sang hơn một chút, nó tiện lợi, nó không bị dởm quá.

Bộ phim gần đây nhất chị xem?

Một bộ phim Mỹ em quên tên, em thường xem phim Mỹ ở ngoài rạp.

Sao chị thích phim Mỹ?

À, vì thường các rạp chiếu bóng nước mình nếu không phim Mỹ thì là phim Tàu, phim Hàn, chỉ có vậy thôi, còn các phim châu Âu thì chỉ ở các liên hoan phim mới có, chứ bình thường có ai đem phim của Bỉ, của Hà Lan ra chiếu cho mình xem ở rạp đâu.

Phim Việt Nam thì sao?

Quả thực là em không thích.

Nếu có một đạo diễn nào đó muốn dựng phim theo truyện của chị thì chị tính sao?

Nếu người ta muốn chuyển thể thì cứ để cho người ta chuyển thể thôi, em không có ý kiến gì về việc đấy cả. Bởi vì cái truyện ngắn mình viết ra là viết ra, còn cái người chuyển thể truyện đó ra thành kịch bản, thành phim, có hay hay dở là tùy thuộc vào người đấy, mình chả có trách nhiệm gì về bộ phim ấy cả.

Chị hay xem tivi không, hay xem chương trình nào?

Hay xem chứ. Nhu cầu của em tạp nham lắm, ngoài thời sự thì là các chương trình giải trí.

Tivi có phải là một kênh thường xuyên và chủ yếu để chị lấy thông tin không?

Không, tivi không phải là một kênh thường xuyên và chủ yếu, nó chỉ là một gì đấy rất nhỏ, vì thông tin phải được tập hợp từ sách báo, và nhất là từ trên mạng. Cách đây mấy năm thì tivi là một nguồn thông tin chủ yếu, nhưng giờ trên mạng nhiều hơn.

Còn báo chí thì sao?

Từ ngày lên mạng đọc tin tức thì em đọc báo ít hẳn đi, nói thật đấy anh.

Đọc báo chị có hay đọc trang văn nghệ?

Có chứ, đấy là trang mà em thích xem. Thí dụ tờ Thể thao & Văn hóa bao giờ em cũng đọc ngược, đọc từ phía sau lại, tức là phần trước em không bao giờ đọc, những trang thể thao ấy, em chỉ đọc mấy trang cuối cùng về văn hóa thôi. Hay là thỉnh thoảng có tờ Sài Gòn tiếp thị lúc nào em cũng đọc ngược từ sau lại chứ không đọc phần trên.


Cô đơn và khoảng trống

Chị hay cảm thấy cô đơn?

Không hẳn là cô đơn, mà cảm thấy con người ta có những lúc trống rỗng, nó chả vui mà nó cũng chả buồn, cứ như trong người chẳng có gì nữa cả, chỉ có một khoảng trống và cảm giác vô cùng đáng sợ, thật là buồn.

Gần đây chị thường gặp cảm giác đó không? Hay mật độ xuất hiện của nó có tăng lên không theo với tuổi tác, càng lớn lên thì càng có nhiều hơn?

Không, cái cảm giác trống rỗng này thì có từ lâu rồi, hầu như khi trưởng thành em là người chẳng may thường xuyên gặp cảm giác này. Mình chẳng mong nó đến nhưng nó cứ đến, biết làm sao được.

Thế chị có phương cách gì để vượt qua khoảng trống, hay là cứ để mình chìm đắm trong đó?

Cái phương cách tốt nhất em nghĩ là cứ để nó chìm ngập mình, dù mình có tìm phương cách nào để thoát ra khỏi nó thì cũng không thể mất đi trạng thái đó ngay tức khắc được, cứ để nó thật thoải mái nó tung hoành trong con người mình.

Chị có đọc sách, nghe nhạc, hay đơn giản là đi ngủ, để tránh khoảng trống, cô đơn?

Thường thì em không định hình được những lúc như thế thì có một hành động nào cả, mà có nhiều thứ, thí dụ có lúc thì em đi ra ngoài đường, đi giày thể thao vào rồi đi bộ, đi hết phố này sang phố khác, thấy cái gì hay hay thì sà vào mua, hoặc có lần thì ngủ, có lần thì ngồi im lặng, giống như ngồi thiền ấy mà, ngồi mà chẳng biết mình có gì trong đầu, cứ ngồi nhìn vào một điểm trước mắt, không nghĩ gì không nghe gì. Cái chuyện em ngồi im hai ba tiếng đồng hồ liền là có từ thời sinh viên nhé, tụi bạn thấy thế rất kinh hoàng, cả buổi tối em cứ ngồi trên cái giường trong ký túc xá của em ấy, cứ ngồi vậy, ai đi qua trước mắt hỏi gì cũng không nói.

Kiểu như tọa thiền? Nhập thiền? Hay thoát xác?

Không, em chẳng tọa thiền, nhập thiền gì cả. Xác thì vẫn còn đấy chứ thoát đi đâu, nhưng mà cứ ngồi vậy thôi, chỉ nhìn khoảng trống trước mặt thôi.

Có cái truyện nào ra đời từ những khoảng trống ấy không?

Em nghĩ là không có truyện nào ra đời từ những khoảng trống ấy, nhưng trước khi viết bao giờ em ngồi như thế ít nhất một tiếng đồng hồ.

Để tập trung? Để quang quẻ đầu óc?

Không phải, mà đó như là một thói quen, bởi vì hồi đầu tiên em ngồi máy tính là em không viết được, không thể nào viết được, em ngồi thế không phải để xác định cốt truyện, hay nhân vật, nhưng cứ ngồi vào máy là bao giờ cũng phải mất nửa tiếng hay một giờ ngồi im lặng rồi mới viết. Thành ra em phải trừ hao thời gian, thí dụ 10h đêm em ngồi vào máy và dự định viết đến 1 giờ sáng thì bao giờ em cũng phải trừ hao thêm một tiếng đồng hồ ngồi im.

Chị thường viết về đêm hay ban ngày?

Thường viết về đêm.


Đọc và viết

Cuốn sách đầu tiên chị đọc?

Đó là cuốn Ngụ ngôn của La Fontaine, thích lắm, thích đến bây giờ?

Ngoài sách văn học ra, bây giờ chị có đọc sách gì khác không?

Thi thoảng em có đọc một vài cuốn tiểu luận, hay là sách về triết em cũng có đọc, và cả sách dạy làm giàu nữa.

Triết thì chị đọc những cuốn gì?

Bây giờ em đang đọc bộ sách của Osho, ông người Ấn Độ ấy mà. Gọi đó là triết thì không đúng, mà là một loại sách tổng hợp, tác giả nêu ra những luận điểm mà em cho rằng em rất là tin, nó vừa là triết học, vừa có cái gì đó như là thiền ở trong đấy. Em rất thích. Giờ thì dư luận nói nhiều đến Bóng đè, nhưng khi em đọc Osho, cuốn Đi tìm những điều huyền bí ấy, em rất thích một câu chuyện ông ta kể ra trong đó về một con chó và nhà gương. Một con chó đi lạc vào một nhà gương, nó nhìn vào bốn chung quanh thấy có rất nhiều con chó đang nhìn nó, thoạt đầu con chó rất mừng thấy đồng loại của nó ở đây rất nhiều, vì khi nó đi lạc chủ nó rất sợ chứ, thế rồi nó vẫy đuôi thì các con chó khác cũng vẫy đuôi, nó tự nhủ đây là bạn của nó rồi, tốt lắm, nó sủa lên để chào thì tất cả các con chó kia cũng sủa, niềm vui của nó tăng lên. Cho đến lúc nó sủa càng mạnh thì những con chó kia cũng sủa càng mạnh, nỗi sợ bắt đầu dâng lên trong nó, nó bèn nhe răng ra, những con kia cũng nhe răng, nó sợ quá nghĩ là nó chỉ có một mình mà bầy đàn kia thì đông quá, cả bầy nhe răng ra nhìn nó một mình đơn độc. Nó tìm cách chạy trốn khỏi căn phòng nhưng cửa phòng đã đóng, nó không chạy ra được nữa. Con chó cứ hoảng hốt chạy và những con chó trong gương cũng chạy đuổi theo nó, nó càng sợ hãi, cứ chạy quanh các tấm gương, bầy chó kia cũng đuổi theo nó quanh gương. Sáng ra khi người ta tìm thấy nó thì nó đã chết rồi, chết vì mệt, vì sợ, và xung quanh nó cũng có nhiều con chó đã chết.

Một câu chuyện hay, và đáng sợ thật

Vâng, hay thật, em cứ bị ám ảnh mãi.

Nếu nói về ảnh hưởng văn chương thì chị có bị ảnh hưởng ai không?

Thật ra nếu bây giờ em nói rằng là em không chịu ảnh hưởng một ai thì không đúng, nhưng mà nói thẳng ra là em chịu ảnh hưởng của một ai đấy thì em cũng không nói được, bởi vì sự ảnh hưởng ngấm vào mình từ lúc nào không biết trong quá trình mình đọc sách, không phải của một người mà của nhiều người. Vả chăng có phải tự nhiên mà mình biết viết văn đâu, mình phải đọc sách đã rồi mới biết viết chứ, em không nghĩ có ai thiên tài sinh ra biết chữ rồi là biết viết văn đâu.

Cái viết đầu tiên của chị năm lên mấy tuổi?

Em viết từ hồi nhỏ nhỏ kia, khoảng 9-10 tuổi em đã có một truyện đăng trên báo nhi đồng, hồi ấy có bài đầu tiên được đăng báo thích lắm, ở nhà quê trẻ con mà có truyện đăng báo là “oách” lắm. Truyện có tên là “Cây lá bỏng”, đại khái kể chuyện mẹ trồng ở vườn một cây lá bỏng, thứ cây xấu xí, không có quả để ăn, lá cũng không ăn được, cô bé mới bảo mẹ là con sẽ nhổ cái cây đó đi để trồng vào một loại cây có hoa đẹp. Mẹ bảo không được, đấy là cây lá thuốc, nhưng cô bé vẫn nghĩ đó là cái cây chẳng đẹp, lại chẳng có ích lợi gì nên cô bé đã nhổ nó đi, trồng thay vào đấy một bụi hồng rất đẹp. Người mẹ cũng không để ý cái cây lá bỏng đã bị nhổ đi. Hôm sau cô bé bị đau bụng, người mẹ chạy ra vườn không thấy cây thuốc đâu, hỏi ra mới biết chuyện. Mẹ bèn giải thích cho cô bé biết tác dụng của cây lá bỏng tuy không có hoa đẹp, không có quả để ăn, nhưng chữa được bệnh. Nghe ra cô bé rất hối hận. Truyện vậy thôi anh à.

Cái truyện đó chị ký tên thật của mình?

Em ký tên thật chứ.

Tên thật của chị là Trâm?

À không, lúc đầu em sinh ra tên là Đỗ Hoàng Diệu phải không, chị của em tên là Trâm phải không, thấy thế em mới thắc mắc với bố mẹ là tại sao tên chị đẹp thế mà tên con xấu thế. Bởi vì những năm xưa người ta ít đặt tên con là Diệu lắm, ở miền Nam có lẽ có nhiều chứ ở miền Bắc ít lắm, tức là người ta vẫn nghĩ cái tên Diệu không đẹp vì nó không có âm sắc, không phải tên một loài hoa nào cả. Thì em mới bảo bố sao lại đặt một cái tên xấu thế này và em bắt bố phải đổi tên cho em. Em đành hanh bắt bố phải đổi tên chị thành tên em và lấy tên em đặt cho chị. Nhưng bố mẹ em bảo chuyện này rắc rối lắm, thay đổi giấy khai sinh phải lên xã lên huyện nhiêu khê lắm, thôi tốt nhất là đi học đi hành thì con cứ để tên Diệu, còn khi ở nhà mọi người sẽ gọi con là Trâm, được chưa.

Chị ít đăng truyện trên các báo?

Ít, vì thực ra đến giờ truyện em viết cũng còn ít, có nhiều đâu mà đăng.

Chị có gửi truyện để đăng không?

Hồi trước thì có gửi, bây giờ thì không.

Chị thích nhà văn Việt Nam nào hiện nay?

Nếu chỉ tính văn học của người Việt trong nước thì em thích Nguyễn Huy Thiệp. Còn ở hải ngoại em thích Trần Vũ (Pháp). Và trở lại câu chuyện ảnh hưởng lúc nãy anh nói, em đọc Trần Vũ và thấy “choáng” bởi cách viết của anh ấy, có thể em bị ảnh hưởng phần nào của Trần Vũ, không phải ở câu truyện, câu chữ mà ở lối tư duy, lối nghĩ và trí tưởng tượng của anh ấy.

Gần đây sách của thế hệ linglei Trung Quốc được dịch nhiều ở ta, họ viết về cuộc sống hiện nay, viết mạnh bạo, rất “sex”, chị có đọc không, và thấy thế nào?

Sách Trung Quốc gần đây em đọc hai cuốn là Điên cuồng như Vệ TuệBúp bê Bắc Kinh. Cuốn sau thì em không thích, hoàn toàn không thích, em cố mãi mới đọc được một nửa. Còn Vệ Tuệ, em rất tiếc là chưa đọc trọn vẹn cuốn Bảo bối Thượng Hải của chị này, chỉ mới đọc những trích đoạn thôi, nói thật văn chương thì em không phục, nhưng em phục Vệ Tuệ ở cái sự dũng cảm, cái sự dám nói thẳng, nói thật về đời sống của chính thế hệ mình ở Trung Quốc. Đấy, sự bạo liệt, dũng cảm đó của Vệ Tuệ là em phục, còn văn chương có thể do dịch, hay do gì đấy, nhưng em không thích.


Bóng đè

Chị có lường trước là Bóng đè xuất hiện sẽ gây dư luận?

Thực ra trước khi cái truyện đó ra thành tập, nhiều người đã có ý này ý kia thì em đã nghĩ là nó sẽ không chìm nghỉm như các tập sách khác. Tức là nó sẽ có thể được khen được chê, song mình linh cảm được là nó sẽ không chìm nghỉm. Nhưng em không ngờ dư luận lại mạnh đến thế.

Bây giờ nó đã không chìm nghỉm rồi, nó đã tạo được sóng dư luận rồi, chị có thấy mình được, mất gì không? Được sự nổi tiếng, và mất một vài cái gì đó?

Được một tý tiền nhuận bút (cười to).

Hay đấy, được tý tiền nhuận bút. Nào hãy xem nhà làm sách đã trả cho tác giả được bao nhiêu?

Cái này anh cho phép em giữ bí mật nhé, vì còn liên quan đến nhà làm sách nữa mà. Nhà làm sách bảo với em rằng là sách bán được, và đã trả cho em một đợt tiền rồi. Anh ấy nói bán thêm được nữa thì sẽ trả thêm cho em nữa. Thế là em có tý tiền nhuận bút đấy, à mà em phải khao anh chứ nhỉ, vì chính anh giới thiệu em với nhà làm sách mà.

Đó là một cái được, mình vừa có tác phẩm xuất bản vừa có một ít tiền. Thế có mất gì không nhỉ?

Mất ư? Để xem nào. Mất? Có điều mất lớn đấy. Điều này không hoàn toàn là mất, nó mất ở một khía cạnh nào đấy mà được ở một khía cạnh nào đấy. Trước đây mình nghĩ là có những người rất là tốt với mình, hiểu được mình, nhưng sau chuyện này thì ai tốt ai xấu đã bộc lộ ra. Cái điều ấy là cái được đấy chứ, nhưng nó lại là cái mất.

Mất đi một số quan hệ, nhưng được thêm một số người bạn.

Đúng, đúng. Em nói vừa được vừa mất là vì thế. Ở khía cạnh mình cho là được thì mình không buồn, nhưng ở khía cạnh mình cho là mất vì trước nay mình cứ nghĩ người đó rất tốt với mình, rất hiểu mình thì mình buồn, do lâu nay mình không hiểu đúng bản chất người đó là không tốt với mình.

“Sex” trong Bóng đè như một phương tiện là tình cờ hay chủ ý, với chị?

Đầu tiên thì là tình cờ thôi, nhưng sau thì là có chủ ý. Truyện “Bóng đè” đầu tiên trong đầu em chỉ có cái cốt là một cô gái lấy chồng ở quê, ở nông thôn, rồi về nhà chồng, rồi nằm trên tấm phản, tức là trong đầu em vẽ ra một bức tranh, em nhìn thấy bàn thờ, nhìn thấy tấm phản, thấy bóng ma từ bàn thờ bước ra đè cô gái và cảm xúc bị bóng đè. Đấy, lúc đầu em chỉ nghĩ ra bức tranh như thế thôi. Nhưng mà chẳng nhẽ khi viết em chỉ kể về cô gái, về bóng ma đi xuống đè cô gái, thế là hết à. Sau em suy nghĩ lại thì mọi chuyện trong “Bóng đè” là phải như thế, tự nhiên là phải như thế.

Khi Bóng đè ra mắt, dư luận nói chị như Vệ Tuệ, chị thấy thế nào?

Đấy là chuyện đồn thổi, chuyện bàn trà quán nước, chứ có ai viết thẳng lên báo thế đâu. Mà ví như thế là không đúng, không đúng chút nào.

Hình như thế hệ cầm bút 7x, 8x của chị im lặng trước chuyện này?

Không, cũng có những người không im lặng đâu. Thí dụ như cậu Nguyễn Vĩnh Nguyên chẳng hạn. Cậu ấy đã viết một bài điểm sách trên tờ Sài Gòn tiếp thị nói rất rõ. Và cậu ấy vẫn thường hay nói chuyện với em, và với bạn bè của cậu ấy, bênh vực “Bóng đè”, cậu ấy vẫn luôn khuyên em là cứ viết tiếp như thế, mình chả việc gì phải èo uột, hèn nhát cả.

Nói rộng ra, chị nghĩ gì về thế hệ cầm bút của mình?

Em nói thật là không đọc nhiều của thế hệ ấy.

Nếu không nhiều thì chị đã đọc ai? Vi Thùy Linh chị đọc chưa?

Vi Thùy Linh thì em chưa đọc trọn vẹn một cái tập thơ nào của Linh cả, hầu như một bài thơ trọn vẹn em cũng chưa đọc. Em biết thơ Linh là qua CD Nhật thực của Ngọc Đại, bởi vì em thích giọng hát Trần Thu Hà, một chất giọng mỏng manh nhưng đầy nữ tính, chính nhờ nghe album Nhật thực Hà hát, trong đó có ghi lời bài hát từ thơ Linh do Ngọc Đại phổ, có thể nhạc sĩ có sửa đi đôi chút nhưng cốt cách thơ thì vẫn còn nguyên, đấy, em đọc thơ Linh từ ở đĩa nhạc ấy, và ở thời điểm ấy trong những bài thơ Linh do Ngọc Đại phổ nhạc có những hình ảnh, những câu em rất là thích. Ví dụ câu “Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh” rất hay.


Bố và con

Bố chị cũng là người viết văn ở Thanh Hóa, nhưng bây giờ con có vẻ là nổi hơn bố. Khi thấy cô con gái bắt đầu viết truyện, bắt đầu tập tành đi vào văn chương, bố chị nói gì không?

Bố em can ngăn rất là nhiều. Ví như hồi nhỏ thì bố cứ để em viết như là chơi chơi vậy thôi, nhưng khi em học xong cấp ba thì bố em bắt đầu định hướng, cho nên em không được thi vào khoa Văn Đại học Tổng hợp, phải đổi sang khoa Báo chí. Khi em đậu đại học cả ba trường (Pháp lý, Khoa báo chí trường Tuyên giáo, môn năng khiếu vào khoa này của em hồi ấy là được điểm tuyệt đối đấy nhé, và khoa Báo chí đại học Tổng hợp), thì bố em bảo học báo chí vẫn có cái gì liên quan đến văn chương, thế là em phải đi học luật. Nghĩa là bố em rất định hướng cho em, nhưng mà em cũng thích luật, vì hồi ấy học luật là “oách” lắm.

Bây giờ thì chị phải cảm ơn bố, nhờ bố mà chị thành luật sư, “oách” hơn văn sĩ.

Không, em chẳng thấy cái nào “oách” hơn cái nào cả. Em không dám nói luật sư “oách” hơn văn sĩ, em không dám nói điều ấy, nhưng mà...

Bây giờ thân lập thân rồi, thành danh rồi, thì cái truyện Bóng đè ông bố nói sao? Bố chị có đọc trước truyện ấy không?

Bố em đọc trước đấy chứ, trong những người đọc đầu tiên. Bố em khen, tuy ông là người rất hiền và mô phạm. Thậm chí ông còn đưa cho nhiều người bạn đọc khi họ hỏi xem cái truyện con Diệu viết, dù có người ông biết là đọc xong cũng chẳng hiểu gì.

Thế bố chị không sợ con gái bố viết thế rồi khó lấy chồng à? Người ta thấy ghê gớm quá, không ai dám cưới vợ cho con trai mình một cô gái như thế, chết mất con trai người ta chứ.

Không, viết như thế thì có gì mà khó lấy chồng. Ở trong nhà bố em biết em hiền như thế nào chứ.

Khi truyện có gây dư luận khen chê gay gắt thì ý bố chị thế nào?

Vì bố em là người hiểu được truyện ấy nên thấy dư luận khen chê là điều bình thường thôi.

Có câu nói nào của bố chị giúp chị vững tin hơn vào việc viết lách?

Đây thí dụ bố em vẫn hay nói: ôi, con coi nó chỉ là cái chơi chơi cho hay chứ dành tâm sức làm gì nhiều cái chuyện đấy, và em cũng đang sống như thế, chơi chơi cho hay thôi.

Bố chị có giục con gái lấy chồng không?

Bố mẹ nào mà chẳng lo chuyện đó cho con gái. Nhưng được cái bố mẹ em không phải giục theo kiểu là áp đặt, thúc giục, bởi vì ở nhà em tất cả đều hiểu là chỉ cần nói một lần thôi là em hiểu, và em làm hay không làm là từ cái lần ấy, còn nói lần thứ hai thứ ba mà em không làm là vẫn không làm.

Hà Nội cuối 2005


© 2006 talawas