© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
23.3.2006
Phùng Quán
Trăng hoàng cung
(Tiểu thuyết tình mười ba chương)
 1   2   3 
 
Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Thanh Văn

Thuở xưa Tú Uyên gặp Nàng bên dòng nước biếc… Và một ngày, Phạm Thái gặp Trương Quỳnh Như… Chuyện tình của Phùng Quán bắt đầu trong một tiệc rượu.

Thi sĩ đọc thơ cho Nàng nghe; nàng yêu cầu thi sĩ hãy chép tặng nàng những bài thơ chàng vừa đọc. Không. Thi sĩ muốn xưng tụng nàng với những bài thơ mới.

Tất cả các thi sĩ trên thế giới sẽ ước mong được xưng tụng nàng, bằng những chùm thơ mới. Như Phùng Quán viết: “Bút đòi mực, mực đòi giấy, giấy đòi thơ”.

Tôi uống thơ từ đôi mắt em nhìn
Tôi vục môi uống không kịp thở

Nàng đã đưa chàng vào thế giới của mưa dầm xứ Huế, rồi lại đưa chàng vào thế giới của nắng cố đô.

Làm gì có chừng mực thơ!
Làm gì có chừng mực mưa!
Làm gì có chừng mực yêu!

Và nàng đã đưa thi sĩ vào cõi mộng ảo của Trăng hoàng cung,

Ôi có lẽ nào
Tất cả những đêm nay là có thực!

Không!
Tôi không tin
Tất cả là do trăng bày đặt


Câu chuyện tình nào rồi cũng có hồi kết cuộc. Chúng tôi mời quí vị mở cánh cửa, bước vào tác phẩm, bước vào thế giới của thi sĩ, bước vào trong trái tim chàng để xem hồi kết cuộc. Và nhận ra con người thi sĩ:

Nhưng cuối cùng quê hương đã nhận ra
Trái-tim-thơ trong sạch
Và gương-mặt-thơ-bi-thiết của tôi

Mời quí vị bước vào bằng tâm thức tự do. Đây là một tiểu thuyết chăng? Một tiểu thuyết bằng thơ (thơ xuôi, thơ tự do), như Bích câu kỳ ngộ là một chuyện tình viết bằng thơ lục bát? Hay là văn xuôi trang điểm bằng thơ như Sơ kính tân trang?

Chúng ta nên trả tự do cho tác giả, và trả tự do cho chính mình. Đối với một nhà thơ, người vận dụng ngôn ngữ để thành nghệ thuật, thì còn tự do nào lớn hơn là tự do về thể điệu? Xoá đi những biên giới của thể loại, phá bỏ các qui ước văn chương. Mời quí vị bước vào. Thuở đó, có thi sĩ, và nàng thơ của chàng.


Khai từ

Hai mươi mốt tuổi, tôi, người lính chiến bước thẳng vào làng Văn với cuốn tiểu thuyết đầu tay kể chuyện những người vượt ngục thất bại. Ngay sau đó tôi được coi là nhà văn. Nhưng đối với tôi Thơ mới là tất cả. Thơ là mạng sống, là lý lịch đời tôi… Tôi giương thơ như ngày nào ngoài mặt trận giương lưỡi lê đánh giáp lá cà với thói dối trá, đạo đức giả, tệ nạn quan liêu, lãng phí, bòn rút, ăn cắp của công - tuy ngày đó mới manh nha, nhưng tôi đã dự cảm sẽ là hiểm hoạ lớn đang rình phục Nhân dân tôi, Nước tôi; có nguy cơ làm băng hoại những gì thiêng liêng, tốt đẹp, cao quý, mà cả triệu người không tiếc máu để xây dựng và bảo vệ.

… Tôi muốn đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Những con người đã tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả!

(“Chống tham ô lãng phí”, Giai phẩm mùa Thu, 1956)

… Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu…

(“Lời mẹ dặn”, Tuần báo Văn, 1957)

Và tôi đã trả giá cho thơ bằng ba mươi năm tốt đẹp của đời mình.

Từ năm hai mươi bốn tuổi đến năm năm mươi sáu tuổi, cơ chế quan liêu đã đánh trả tôi đến chí mạng. Tước đoạt của tôi quyền lao động thiêng liêng: sáng tác, xuất bản, quyền được sống cho ra một con người. Và dìm ngập tôi trong bùn-nhơ-lăng-nhục trước công luận.

Chịu chừng ấy đầy ải, lim thép ắt cũng gãy gục. Nhưng Thơ đã cứu tôi, giúp tôi đứng vững, dạy tôi dũng khí bền gan.

Nếu cần đi trở lại
Tôi đi lại đường này
Để cuối cùng lại chấm hết ở đây!

Suốt ba mươi năm qua, câu thơ của Ga-bri-en Pê-ri − người anh hùng Cộng sản nước Pháp thét lên trước cọc xử bắn, là kinh nhật tụng của tôi.

Có những giây phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy

Từng ngày, từng tháng, từng năm, tôi tận sức mình gieo trồng gặt hái Thơ. Vụ được vụ mất, nhưng nhờ mấy chục năm trời tích luỹ mà không dùng đến, Thơ chất được thành lẫm, thành kho… Thơ chiến đấu, thơ thế sự, anh hùng ca, thơ xưng tụng cỏ cây, thơ tặng bạn hữu, thơ đùa vui, thơ tình, thơ rượu, thơ kể hạnh, thơ phúng người thân… Loại hạt nào trong kho lẫm cũng có.
Nhưng rồi bẵng đi một dạo, tôi không làm được thơ nữa. Cái giếng Thơ tưởng như bị cắt mạch, hoặc đã múc cạn đến gầu cuối cùng.

Giờ bất hạnh đời tôi đã điểm! Nhưng xuất thân là anh lính chiến đấu cứng đầu, chưa từng chịu bó tay trong hoàn cảnh gay cấn nhất.

Cạn thơ giữa cuộc đời, tôi quyết định rời bỏ thành phố, gia đình, bạn hữu, giữa cái tuổi năm mươi, lên rừng đào mạch tìm thơ giữa thiên nhiên.

Tôi đã sống suốt ba mươi năm giữa cái lán tranh lợp lá nứa, giữa một bãi phù sa cổ hoang vu, vùng đồi núi Thái Nguyên, mọc lút đầu cỏ dại và cây trinh nữ xanh. Xung quanh bãi đất hoang, con suối lớn Linh Nham vây bọc. Bàn ghế là rễ cây chết tôi lặn lên từ lòng suối. Giường nằm là cây Cơi cổ thụ bị bão xô bật gốc, con suối Linh Nham mang từ rừng đại ngàn về, dâng lũ đến tận thềm lán, trao tặng tôi. Tôi vạt bằng mặt trên thân cây bằng rìu, rồi đục lõm sâu xuống, phảng phất hình cái áo quan; mùa đông nằm vào đó tránh được giá rét và sơn lam chướng khí. Tôi sống với một con chó, một con heo, một bầy gà; ăn bắp, ăn sắn, rau lang, ốc suối, tôm cá tự đánh bắt lấy.

Mùa lũ kkông ai dám vượt suối dữ Linh Nham, nên có khi mười ngày liền không nói tiếng người.

Trong ba năm thì có hai người bạn lặn lội tìm đến thăm. Trần Quốc Vượng, giáo sư sử học; Đỗ Quốc Thuấn, một bạn làm thơ trẻ.

Trước mặt lán, sát bờ suối, tôi đào một cái huyệt rộng một mét, dài hai mét, sâu mét rưỡi. Tôi nguyền không tìm thấy thơ, tôi lăn xuống đó…

Đàn mối đất phù sa
Sẽ thay phu đào huyệt
Bao nghiệt ngã trần gian
Chỉ một tuần vùi hết…

Gặp phải lúc đau ốm, tôi tự chữa bệnh với lá xông, rượu tự cất bằng sắn và men lá, và tia cực tím mặt trời.

Những suốt ba năm ăn nằm với đất, với suối đục, sối trong, với cây hoang cỏ dại, tôi chỉ làm có độc bài thơ.

Ly-rượu-đời Thượng đế ban cho tôi
Quá bủn xỉn…
Tôi chỉ mới nhấp môi đã cạn
Khi chén-rượu-đời đã cạn
Mà túi rỗng không
Phải đứng lên và bước ra khỏi quán

Nghĩa là phải nhắm thái dương mình nổ súng
Hay xiết giây thòng lọng quanh cổ mình
Và trổ lên cuộc đời
Những câu thơ tuyệt mệnh
Những vết chàm xanh…
Các anh tôi đó
Mai-a và Essénhin… [1]

Nhưng tôi chưa sống cho tròn nợ sống
Tôi chưa yêu cho hết nợ yêu
Tôi phải lên rừng
Hái lá khổ sâm [2]
Tự mình cất ly rượu sống
Ôi, rượu khổ sâm đắng lắm!
Đắng đến tận cùng nỗi đắng thế gian…

Bạn hữu thân thiết ơi!
Xin đừng trách cứ tôi
Sao trong câu thơ tôi cứ lẫn nhiều vị đắng

Chỉ vì
Tôi vừa ngâm ngợi câu thơ
Vừa cạn chén-rượu-đời
Cất bằng lá khổ sâm…


Chương một

Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng

Hãy gắng gỏi một lần cuối cùng, tôi tự khuyên mình, biết đâu còn cơ may. Tôi rời bỏ vùng rừng Thái Nguyên, con suối Linh Nham, cái lán xiêu vẹo, vài bộ quần áo chàm cũ bạc, chân vận đôi dép tự tay đục lấy từ cái lốp máy kéo hỏng, tôi lần về thành phố Huế quê nội. Tôi hy vọng trên mảnh đất chôn nhau, tôi sẽ đào bới tìm thấy lại mạch Thơ.

Chớm mùa thu năm đó, vào một buổi chiều mặt trời gác núi, tôi cúi mình rửa khuôn mặt nhọc nhằn, lấm bụi đường và mồ hôi, trên bến Văn Lâu. Thành phố quê nội xót thương tôi như người mẹ đông con với đứa con số phận rủi ro, quá nửa dời người gặp phải cảnh truân chuyên… Nay gót nhọc lòng đau, tìm về với Mẹ.

Ba mươi năm
Tôi bị dìm trong bùn-nhơ-lăng-nhục
Nhưng cuối cùng quê hương đã nhận ra
Trái-tim-thơ trong sạch
Và gương mặt thơ bi thiết của tôi

Đó là câu thơ đầu tiên khi gặp lại Huế tôi nức nở thành lời. Thi hữu và bạn hữu quê nội đùm bọc và chiều đãi tôi.

Thi hữu và văn hữu quê tôi nghèo lắm, có lẽ nghèo nhất đất nước này. Thế mà vẫn đãi tôi như các bậc hoàng đế, vương hầu thời Chiến quốc: ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn.

Rượu như lửa tôi uống tràn thay nước!

Tôi van các bạn: đừng cho tôi uống nữa, rượu đắt lắm!

Các bạn gạt đi:

Đất cố đô bao giờ chịu mang tiếng
Để một nhà thơ phải đói rượu giữa quê hương.

Tôi ngất ngưởng sống, ngất ngưởng say… Và tôi gặp Nàng… Như trong mê sảng, tôi tấu thơ cho nàng nghe.

“Anh chép tặng em những bài thơ anh đọc…”

“Những bài thơ cũ, sao xứng với em?” - Tôi nói trong cơn bốc – “Tôi sẽ xưng tụng em với một tập thơ mới.”

Nàng đứng lên, mở ngăn kéo, lục tìm cái gì trong đó, một cuốn sổ lịch, in chữ nhũ vàng trên bìa ni lông đen. Cuốn sổ lịch nhàm chán, tầm phơ, vụt hoá thành báu vật trong bàn tay có ngón dài thanh mảnh, trắng muốt như đá cẩm thạch tượng Rô-đanh. Ngón tay đeo nhẫn lấp lánh ánh vàng, mặt đá quý màu hồng ngọc.

“Em rất tiếc không tìm thấy cuốn sổ nào giấy trắng tinh. Cuốn sổ này các trang giấy đều có kẻ dòng… Em biết các nhà thơ đều thích viết thơ mình trên giấy trắng tinh…”

“Tôi thì ngược lại, tôi chỉ thích viết trên giấy có kẻ dòng.”

Sáng hôm sau tỉnh rượu, lòng tôi bỗng cồn lên nỗi nhớ. Tôi ao ước được nhìn thấy gương mặt huyền hoặc của Nàng. Trí nhớ tôi như phiến gỗ thông Đà Lạt, khoảnh khắc tạc lên mặt Nàng bằng bút lửa.

Tôi chợt nhìn thấy cuốn sổ bìa ni lông đen trên mặt bàn viết. Lời hứa bốc đồng hôm qua bỗng cộm lên trong trí nhớ như những viên sỏi có nhiều cạnh sắt… Chỉ hình dung ánh mắt thất vọng pha chế riễu của Nàng khi nhìn thấy tôi đến với hai bàn tay không, tôi đã muốn chui xuống đất vì xấu hổ.

Ôi, lời hứa của các nhà thơ!

Tôi ngồi xuống, giở từng trang cuốn sổ lịch mà chẳng hiểu để làm gì… Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng… Câu nói vô tình bỗng xuyên qua trí nhớ tôi như một ánh chớp. Cảm hứng thơ không biết từ cõi miền nào đột ngột dâng lên như cơn lũ suối Linh Nham, tràn ngập cả hồn tôi…

Và như cách nói một nhà thơ xưa: Bút đòi mực, mực đòi giấy, giấy đòi thơ…

Từ ngày mới tập viết
Nay gần trọn đời văn
Số chữ tôi đã viết
Có thể phủ kín một cồn Giã Viên

Một niềm yêu tôi không đổi thay
Một niềm tin tôi không thay đổi:
Viết trên giấy có kẻ dòng

Là nhà văn
Tôi đã viết suốt ba mươi năm
Là chiến sĩ
Tôi là xạ thủ cấp kiện tướng trung đoàn
Tôi có thể viết như bắn
Trên giấy không kẻ dòng
Nhưng tôi vẫn viết trên giấy có kẻ dòng
Như cái thuở vỡ lòng tập viết

Với nhiều người
Giấy kẻ dòng dễ viết đẹp
Nhưng với tôi
Không có gì đẹp hơn
Viết ngay và viết thẳng

Là nhà văn
Tôi yêu tha thiết
Sự ngay thẳng tột cùng
Ngay thẳng thuỷ chung
Của mỗi dòng chữ viết

Nhưng là nhà văn xạ thủ
Tôi biết
Khó vô cùng bắn trăm phát trúng cả trăm
Và càng khó hơn
Viết trọn một đời văn
Dòng đầu thẳng ngay như dòng cuối
Khi bàn tay đã đuối
Khi tấm lòng đã mỏi
Khi con mắt bớt trong
Khi dũng khí đã nguội

Trang giấy có kẻ dòng
Giúp các em bé vỡ lòng
Và nâng đỡ các nhà văn
Viết ngay và viết thẳng
Ngay thẳng thuỷ chung
Từ dòng đầu đến dòng cuối


Chương hai

Cảm tạ

Như một triệu phú hoang tàn
Tôi đã bốc rời thơ tôi
Ném vung vãi tiêu xài không tiếc
Vàng nén thơ tôi đem làm đá lát đường
Cho những bàn chân lao lực
Với một lòng tin ngu dại ngây thơ
Thơ mình tiêu trọn đời không hết…

Nhưng rồi một hôm
Cách đây đã nhiều năm
Tôi choáng người lục túi
Túi rỗng không!
Vàng-nén-thơ tôi đã tiêu đến vụn cuối cùng
Nhà triệu phú phá sản
Túi rỗng không một đồng
Vẫn có thể sống
Bằng cách ngữa tay xin bố thí
Nhưng làm sao tôi có thể sống không thơ

Thơ
Tôi biết xin ai!
Ai cho?
Thơ với tôi là nước trên sa mạc
Đã nhiều năm nay
Tôi sống mà như đã chết
Cơn khát thơ thiêu đốt tim tôi
Tôi đã đi rao cùng thiên hạ:
- Ai đổi thơ lấy máu!
Không ai đổi
Vì máu của tôi không cùng nhóm máu họ [3]
Và thơ họ không cùng nhóm thơ tôi [4]

Giữa thành phố quê hương
Bất ngờ tôi gặp em
Rất thật mà như là ảo giác
Một ốc đảo bóng chà là xanh mát
Giếng sa mạc đầy tràn…
Tôi uống thơ từ đôi mắt em nhìn
Tôi vục môi uống không kịp thở
Cảm tạ em tôi đã hồi sinh…

Trong khoảnh khắc tôi lại trở thành triệu phú
Vàng-thơ em cho lại đầy ắp túi tôi
Em cho hào phòng
Như nguồn suối nơi phát tích
Em cho đầy tràn
Như cơm trong nồi đất Thạch Sach!

Cảm tạ em
Tôi đã hồi sinh…




[1]Hai nhà thơ lớn nhất của Liêng bang Xô Viết và cả hai đều tự sát. Mai-a-cốp-ski tự sát năm 1930, anh 39 tuổi. Anh tự sát bằng súng lục, nổ vào tim, để lại mấy vần thơ tuyệt mệnh:
Chiếc thuyền tình mơ mộng thi ca
Va phải mỏ đá ngầm dung tục
Và tan nát…
Es-sê-nhin tự sát năm 1925, anh 30 tuổi. Anh tự sát bằng cách thắt cổ với chiếc cà-vạt, nhưng không buồn treo cổ, mà buộc cổ vào cột lò sưởi, ngồi trên ghế tựa rồi tự thít cổ mà chết. Trước khi tự giết, anh cắt máu ngón tay để viết bài thơ tuyệt mệnh tám câu. Hai câu cuối cùng như vết thương máu của thi ca:
Ở cuộc đời này chết chẳng có gì là mới
Nhưng sống cũng chẳng có gì mới hơn!
Đã nửa thế kỷ qua vết thương vẫn không sao lành được, và càng ngày càng nhức nhối hơn trong trí nhớ những người quyết sống và chết cho Thơ.
[2]Một loại cây mọc hoang trên các vùng đồi núi Trung du, lá cực đắng, được liệt vào cây thuốc nam có biệt tài thải độc trong cơ thể, nhất là các chứng dị ứng. Những năm đi lao động cải tạo, một lần tôi bị mắc phải chứng dị ứng khủng khiếp, tưởng chết. Tôi may mắn được một sư nữ già chùa Tăng Cầu cứu khỏi với mấy nắm lá khổ sâm hái ngay trên ngọn đồi sau chùa. Từ đó ơn cỏ cây cứu mạng, tôi mang canh cánh bên lòng.
[3]Nhóm A
[4]Một-mất-một-còn-với-thói-dối-trá-đạo-đức-giả-cơ-chế-quan-liêu

Nguồn: Nhà xuất bản Thanh Văn, California, 1993. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.