© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
25.3.2006
Nguyá»…n Thanh Giang
Bàn về dân chủ
 1   2   3 
 
3. Dân chủ với bình đẳng

Con người không chỉ có khát vọng tự do mà còn đòi hỏi phải được bình quyền, bình đẳng trong xã hội. Bình đẳng là cái gốc tạo sự công bằng. Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của Hoa Kỳ ra đời năm 1776 đã mở đầu bằng sự khẳng định một trong những điều thiêng liêng nhất: “Chúng tôi coi những chân lý sau đây là hiển nhiên: tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng…”. Bình đẳng là một trong những khả năng bẩm sinh của con người. Nó đòi hỏi không được có sự hành xử phân biệt giữa các vị thế xã hội, giữa tuổi tác, màu da, giới tính hay quốc tịch… Nó bao gồm các quyền bình đẳng trong các quan hệ dân sự, thương mại, quan hệ tố tụng, quan hệ giữa người dân với chính quyền…

Kant coi tự do và bình đẳng như là quyền độc nhất, có từ xưa, không bị bất cứ hạn chế nào do điều kiện sống cụ thể. Tự do và bình đẳng liên kết bền chặt hình thành nên phẩm chất con người và cá tính con người.

Tuy nhiên khát vọng tự do, bình đẳng cùng với những yêu cầu điều tiết những mâu thuẫn nẩy sinh giữa các phạm trù này đòi hỏi hình thành quyền lực trong xã hội. Từ đấy nhà nước ra đời. Khi nhà nước xuất hiện, con người, một mặt với tư cách là toàn thể có thêm quyền lực mới: quyền lực chính trị; mặt khác, với tư cách là những người bị trị, bị tước bớt quyền. Quyền lực của họ bị cắt xén, bị thâu tóm, tập trung trong tay nhà nước. Nguồn gốc của quyền lực nhà nước là quyền lực nhân dân, nhưng bệnh quan liêu vốn dĩ của nhà nước luôn có xu hướng tách nhà nước ra khỏi nhân dân, đặc biệt khi bộ máy nhà nước được thiết kế và xây dựng không hợp lý, không có cơ chế kiểm soát.

Quyền lực nhà nước tồn tại như một tất yếu nhằm duy trì trật tự xã hội. Nhưng theo Marx, đã có hai loại trật tự: “trật tự xã hội cần thiết” và “trật tự thặng dư”. “Trật tự thặng dư” là thứ trật tự phụ trội được áp dụng không phải vì quyền lợi cũa xã hội mà chủ yếu dành riêng cho quyền lợi của những người cầm quyền: nhà nước, đảng… “Trật tự thặng dư” là đối lập với trật tự đem lại lợi ích và cần thiết cho xã hội. Những nhà nước thiết lập nên và lạm dụng “trật tự thặng dư” để đè nặng ách thống trị lên đầu người dân đau khổ đều từ bỏ cái mà Khổng tử gọi là “thừa thiên mệnh”.

Lịch sử từng chứng kiến nghịch lý trớ trêu. Cộng đồng xã hội lập ra nhà nước. Nhưng nhà nước vốn để phục dịch xã hội, chẳng bao lâu trở thành ông chủ đối với xã hội, đứng trên xã hội, thống trị trở lại xã hội. Họ được quyền đặc miễn. Từ đó mà nẩy ra chế độ chuyên quyền độc đoán. Áp bức tràn lan, bất công khống chế xã hội. Tình hình đó làm các nhà tư tưởng tiến bộ nghĩ đến phải có một khế ước xã hội. Con người trong xã hội phải có trách nhiệm lẫn nhau, giữa người cai trị và người bị trị.

Cho nên từ khi nhà nước xuất hiện thì quyền dân chủ thực chất là phải bao gồm những yêu sách về sự bình đẳng chính trị và xã hội của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với nhà nước, nhằm bảo đảm cho cá nhân có được khả năng hành động theo ý mình, tự quyết định và làm chủ ý chí của mình mà không làm hại đến người khác, và do đó đem lại khả năng giải phóng toàn diện những năng lực bản chất người của mỗi cá nhân. Engels khẳng định: “Từ sự bình đẳng của mọi người với tư cách là con người, rút ra cái quyền có một giá trị ngang nhau về chính trị và xã hội cho tất cả mọi người, hay ít ra là cho mọi công dân trong một nước, hay cho mọi thành viên trong một xã hội”.

Muốn có một xã hội dân chủ phải có một hệ thống chính trị dân chủ. Môi trường để cho cá nhân công dân thực hiện được đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ với nhà nước là dân chủ. Dân chủ đóng vai trò như là điều kiện tiên quyết, là phương tiện để xây dựng một thiết chế xã hội tiến bộ - một thiết chế xã hội bảo đảm và hiện thực hoá các quyền tự do và bình đẳng của con người. David Bentham đã chỉ ra rằng: “Dân chủ là một phương tiện để thực hiện lợi ích chung, bởi vì nó cho phép nhân dân xác định được lợi ích chung đó là gì cũng như kiểm soát quá trình mà ở đó nó được thực hiện một cách có hiệu quả trong thực tiễn”.

Hệ thống chính trị dân chủ chỉ có thể tồn tại trong một nhà nước dân chủ pháp trị, với những đặc điểm cơ bản sau:

Trong nhà nước pháp trị dân chủ, mọi chủ thể, kể cả nhà nước, đều tuân thủ nghiêm chỉnh, chịu phục tùng pháp luật - một hệ thống pháp luật có tính pháp lý cao, phù hợp với lý trí, thể hiện đầy đủ những giá trị cao cả nhất của xã hội, của con người. Mọi tổ chức và hoạt động đều trên cở sở nguyên tắc bình đẳng trong các mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.

Trái với những tư tưởng trên, trên cơ sở cho rằng chế độ dân chủ chỉ là một hình thức, một chế độ nhà nước, Marx cho rằng không có một chế dộ dân chủ nói chung mà chỉ có chế độ dân chủ có tính giai cấp. Lenin cũng quả quyết: trong xã hội có giai cấp, nhà nước phải “là một nhà nước dân chủ kiểu mới (dân chủ đối với những người vô sản và nói chung đối với những người không có của), và chuyên chính kiểu mới (chống giai cấp tư sản)”.

Trong cái nhà nước dân chủ kiểu mới của Lenin phải tồn tại một bộ máy chuyên chính khổng lồ để chống lại, để tàn sát giai cấp tư sản và tất cả những ai có tư tưởng tư sản hay liên quan đến tư sản.

Tíếc thay, ông cử nhân luật Lenin khi làm chính trị lại phỉ báng pháp luật đến mức ngang nhiên tuyên bố: “Đối với bọn địa chủ, tư sản, chúng ta phải bắn ngay tại chỗ, không cần xét xử”. Ở Việt Nam, ông Trần Phú cũng hô hào: “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”

Thế là, 61.911.000 ngàn người đã bị giết trong các trại tù Gulag dưới thời Liên bang Xô Viết. Thế là, ở Việt Nam, đã có khoảng 9 vạn người (trong đó có 2 vạn đảng viên cộng sản) bị giết và 9 vạn người khác (trong đó có nhiều đảng viên cộng sản) vì bị vu oan mà uất ức hoặc sợ hãi quá phải tự tử trong cải cách ruộng đất.

Cả Marx và Lenin đều cho rằng tự do của một giai cấp là sự mất tự do của giai cấp đối lập. Giữa các giai cấp đối lập không có sự bình đẳng, bình đẳng chỉ có thể tồn tại trong nội bộ một giai cấp.

Marx-Lenin không thừa nhận quyền bình đẳng giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, giữa nhà nước và nhân dân.

Chính vì thế mà cả hệ thống giáo dục trường học lẫn báo chí, loa đài ra rả dạy trẻ già lớn bé, mở miệng ra là phải biết tụng niệm đời đời ơn Đảng, ơn Bác mà không bao giờ có ai nói điều chân lý rằng Đảng phải thực lòng nhớ ơn nhân dân đã sinh ra, nuôi lớn lên và tạo mọi điều kiện cho Đảng tồn tại và lập công.

Chính vì vậy mà Đảng không còn đủ tự trọng khi cứ ngoan cố áp đặt mãi vị trí độc tôn của mình qua Điều 4 của Hiến pháp.

Chính vì vậy mà Đảng ngang nhiên nẫng cả phần trên của trời đất. Mặc dù trong tất cả các ngày kỷ niệm lớn, ngày sinh nhật Đảng, loa đài đã xối xả inh tai nhức óc hàng trăm, hàng ngàn bản tụng ca công tích của Đảng, thế mà, mỗi độ xuân về, cờ phướn vẫn cứ phải giăng giăng “Mừng Đảng, mừng xuân”… rồi mới đến “mừng đất nước”!

Chính vì thế mà, mặc dù nhân dân mang nặng đẻ đau ra quân đội, vắt từng giọt sữa gầy để nuôi quân đội nhưng phải chăng, khi cần, quân đội cũng có thể là phải hy sinh tất cả đi (như quân đôi Trung Quốc tại chiến trường Thiên An Môn từng cho xe tăng dày xéo lên xác muôn dân) để chỉ cần “Trung với Đảng”!

Lịch sử tư tưởng chính trị pháp lý đúng đắn chính là lịch sử đấu tranh giữa các quan niệm tiến bộ với các quan niệm bảo thủ lạc hậu trong việc xác dịnh mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân. Lịch sử đấu tranh dể nhận thức ngày càng đúng đắn bản chất mối quan hệ pháp lý đó chính là lịch sử khám phá từng bước giá trị của cá nhân con người trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước.

P. Frank - nhà hiến pháp học nổi tiếng Hoa Kỳ đã viết: “Nhà nước không được áp đặt thêm các điều bất công cho xã hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà nước cần phải đối xử công bằng và bình đẳng với tất cả những người dân của nó”.

Nhà nước tất nhiên phải có quyền lực để duy trì trật tự xã hội và xử phạt các tội phạm nhưng các nguyên tắc và thủ tục để nhà nước thực thi pháp luật bắt buộc phải được công khai, rõ ràng, không giấu giếm, không tuỳ tiện, không được sử dụng vào mục đích chính trị của nhà nước.

K. Popper cho rằng: “Bản thân tính bình đẳng là yêu cầu nhà nước phải nhìn nhận mọi công dân một cách vô tư. Thực chất của yêu cầu đó là làm thế nào để cho những điểm trội liên quan đến nguồn gốc, dòng dõi, sự hiện diện các mối quan hệ hay sự giầu có, không chi phối những người đang thực hành pháp luật vì lợi ích của công dân”. Ông xác định: “Con người không bình đẳng nhưng chúng ta có thể đi theo con đường đấu tranh vì các quyền bình đẳng”.

Mục đích của dân chủ là tạo môi trường xã hội để mọi người được đối xử như nhau. Để phản bác lại một số nhà quý tộc trước đây và Karl Marx sau này, cho rằng có một tầng lớp, một số cá nhân nào đó ưu việt hơn, được xem là quan trọng hơn, nhà hiến pháp học Bentham đã khẳng định “Mỗi người chỉ được tính là một và không ai được tính hơn một”. Nguyên tắc bình đẳng này không chỉ nói lên rằng các chính sách chung phải nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người một cách như nhau mà còn cho thấy những quan diểm cá nhân cũng phải được tôn trọng như nhau, không phân biệt giữa người này, kẻ khác.

Nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số bị lạm dụng làm cho người ta hiểu rằng quyền lực của đa số là tuyệt đối. Dân chủ thực sự là quyền lợi thuộc về nhân dân có nghĩa rằng quyền lực này được thực thi bởi toàn thể dân chúng chứ không phải chỉ bởi một tập thể dân chúng bằng cách áp đặt ý muốn của họ lên một tập thể dân chúng khác. Nói cách khác, đặc trưng căn bản của dân chủ là công nhận cho mọi người được quyền bình đẳng tham gia vào quyết định chung, trong đó nguyên tắc đa số chỉ là một phương cách để giải quyết những bất đồng sau khi đã tận dụng mọi thủ tục: tranh luận, bổ sung ý kiến và thỏa hiệp, mà không đạt kết quả. Phải như vậy dân chủ mới bảo đảm cho mọi người đều được tham gia một cách tự do, bình đẳng và đầy đủ vào các công việc của nhà nước cũng như toàn bộ đời sống xã hội.

Dân chủ bảo hộ cho cả hai mặt đối lập: thiểu số lẫn đa số. Sự phát triển biện chứng của dân chủ làm cho nó như một hợp đề của chính đề đa số và phản đề thiểu số. Trong giai đoạn lịch sử mới phôi thai của mình dân chủ chỉ chấp nhận quyền của đa số, nhưng sau quá trình tiến hoá nó chấp nhận cả quyền của thiểu số. Từ khả năng hiện đại hoá, dân chủ chẳng những chấp nhận sự khác biệt mà còn lấy sự khác biệt làm nền tảng, đấu tranh cho sự tồn tại của tính khác biệt. Mọi sự khác biệt đều có quyền tồn tại và do vậy mà chúng bình đẳng. Dân chủ như môi trường nuôi dưỡng và bảo tồn các bộ phận thiểu số trong xã hội, là sự khoan dung và chấp nhận lẫn nhau giữa chủ quyền của thiểu số và đa số.

Dân chủ thực sự gắn liền với bình đẳng vì nguyên tắc dân chủ bảo đảm việc thực hiện các biện pháp nhằm thiết lập sự giám sát đối với những người cầm quyền từ phía những người bị cai trị. Những người bị cai trị phải có các quyền bình đẳng trong quá trình tham gia vào sự giám sát đó. Không một giai cấp nào, một cá nhân nào bị loại trừ khỏi sự tham gia quá trình thiết lập giám sát chính quyền dân chủ. Nguyên tắc dân chủ tạo quyền giám sát, từ đấy bảo đảm cho người dân không chỉ có thể chỉ trích, phê phán mà còn đòi hỏi phế truất chính phủ. Từ năm 1776, Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ đã công khai thừa nhận quyền này: “Khi nào một loạt những hành động lộng hành và lạm quyền, luôn theo đuổi một mục đích và để lộ ý đồ bắt mọi người phải tuân theo chế độ chuyên chế, thì mọi người có quyền và có bổn phận lật đổ chế độ ấy, bổ nhiệm những người mới để bảo vệ an ninh sau này của họ”.

Để bảo đảm mọi thành viên xã hội được thụ hưởng các quyền tự nhiên: quyền được sống, quyền mưu sinh, quyền mưu cầu hạnh phúc - con người còn cần được bình đẳng về điều kiện. Bình đẳng về điều kiện là một đòi hỏi tất yếu của đời sống xã hội. Nó được hiểu là mỗi người đều có cơ hội như nhau về mặt pháp lý để phát triển khả năng của mình. Bình đẳng về điều kiện không thủ tiêu sự khác biệt giữa các cá thể hay giữa các cộng đồng dân tộc mà là nền tảng cho sự nẩy nở tính khác biệt. Nó chỉ ra rằng con người muốn dược tự do thì phải chấp nhận tự do của kẻ khác; đồng thời xác nhận rằng, mỗi nhân cách là một sự độc đáo, không lặp lại, và do đó là duy nhất. Vì vậy, họ bình đẳng với nhau.

Nhà sử học Anh Toynbee trong cuốn Khả biến và bất biến của mình đã nêu nhận xét: “Chủ nghĩa cộng sản sai lầm không phải ở chỗ đòi hỏi công bằng mà ở chỗ vì công bằng mà hy sinh tự do… Chủ nghĩa cá nhân sai lầm không phải ở chỗ đòi cho được quyền bất khả xâm phạm của cá nhân con người mà ở chỗ vì nó mà hy sinh công bằng xã hội”.

Đề cập đến nội hàm của phạm trù bình đẳng về điều kiện, Kant cho rằng: bình đẳng không có nghĩa là bình đẳng về tài năng mà là bình đẳng về cơ hội để phát triển và áp dụng tài năng.

Ở Việt Nam, sau một quá trình cực tả, suy tôn người nghèo, vinh danh cái nghèo, chợt bừng tỉnh, người ta nhảy sang cực hữu, thúc giục nhau hô toáng lên: “Đảng viên cũng phải biết làm giầu”. Nghe cái cụm trợ động từ “cũng phải” thấy tội tội làm sao. Nhưng, trong thực tế, nói chung, người ta đã tạo điều kiện ưu tiên cho đảng viên làm giầu nhanh chóng hơn, do đó nhiều tư bản đỏ thật kếch xù là đảng viên Cộng sản Việt Nam có chức có quyền đã xuất hiện và góp phần gây ô nhiễm xã hội. Lẽ ra, Đảng nếu có tinh thần dân chủ, chỉ cần tạo điều kiện bình đẳng cho mọi người được sống, được mưu sinh, được mưu cầu hạnh phúc. Ai muốn làm giầu tiền bạc (trở thành chủ doanh nghiệp lớn…), ai muốn làm giầu trí tuệ (trở thành nhà khoa hoc lỗi lạc, nghệ sỹ tài danh…), ai muốn làm giầu tâm linh (trở thành thầy tu…), theo khả năng, đều dược tạo điều kiện ngang nhau để trở thành “giầu có” trong lĩnh vực sở trường, sở thích của mình. Khuyến khích làm giàu như khẩu lệnh trên kích thích người ta xông tới chèn ép nhau hình thành một xã hôi tư bản hoang dã với đầy dẫy những tệ nạn xấu xa như hiện tình Viêt Nam ngày nay.

Bình đẳng về điều kiện giúp cho tinh thần cộng đồng có đường hướng, cho pháp luật có khung hợp lý, cho những người cai trị có chuẩn tắc mới và cho những người bị trị có thói quen đặc biệt. Bình đẳng về điều kiện là yếu tố không thể thiếu của nền dân chủ.

Chế độ dân chủ khác hẳn với chuyên chế ở chỗ, nó luôn thích nghi và có năng lực tự điều chỉnh cao. Khả năng tự hoàn thiện và tiến bộ không ngừng của nền dân chủ chính là nhờ sự thống nhất trong tính đa dạng và sử dụng tính đa dạng ấy như một phương tiện để phát triển.


4. Dân chủ, phát triển, ổn định

Dân chủ và phát triển liên quan với nhau ra sao? Dân chủ có dẫn đến mất ổn định không? Phần này bàn luận về các vấn dề đó.

Trước khi xem xét mối quan hệ giữa dân chủ và phát triển tưởng cũng cần làm sáng tỏ quan niệm thế nào là phát triển.

Thử trích ra đây một vài đoạn ngắn nói đến phát triển trong Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng CSVN”: “Con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở nước ta là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…”, “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo…”, “Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa ba nhiệm vụ: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội”.

Bản báo cáo tỏ ra rất tự hào khi nói đến “Tốc đô tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước, bình quân trong 5 năm 2001 - 2005 đạt mức kế hoạch 7,5%”, và phấn đấu “Đến năm 2010 tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng gấp hai lần so với năm 2000, mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,5% - 8%/năm và phấn đấu đạt 8%/năm”.

Thế nhưng, tăng trưởng kinh tế có đồng nghĩa với phát triển kinh tế không? Nền kinh tế phát triển có bảo đảm hoàn toàn định giá được cho sự phát triển của đất nước không?

Khi bàn đến phát triển, ông Nguyễn Gia Kiểng, trong tác phẩm Tổ quốc ăn năn của mình đã tỏ ra tâm đắc với nhận định của nhà nghiên cứu nào đó cho rằng phát triển không phải là một vấn đề kinh tế mà là một vấn đề văn hoá xã hội. Ông viết: “Phát triển rất dễ mà lại rất khó. Rất dễ vì không đòi hỏi một lý thuyết phức tạp hay một kế hoạch cao siêu nào cả. Rất khó vì nó đòi hỏi một tâm lý và một văn hoá mới. Mà thay đổi tâm lý và văn hoá là điều khó nhất”. Ông đặt nhẹ các yếu tố tư bản và nguyên liệu mà chỉ liệt kê những yếu tố vô hình mà ông cho là cần thiết cho phát triển như sau:

Ai đó lại cũng đã từng cho rằng: “Phát triển đã nẩy sinh tại một số quốc gia khi, do một sự tình cờ của hoàn cảnh lịch sử, bộ máy chính quyền trở thành vắng mặt, quần chúng được một không gian tự do hơn hẳn và vì thế đã tổ chức một cuộc sống cộng đồng trên căn bản đồng thuận và tương kính. Hoặc vì không muốn hoặc vì không được phép, họ đã không tìm kiếm uy quyền để khống chế lẫn nhau mà chỉ thi đua nhau làm giầu trong một luật chơi công bằng”.

Quy phát triển kinh tế là cốt lõi của phát triển hay phát triển chỉ là một vấn đề văn hoá xã hội, phải chăng chỉ là những thái cực khác nhau khi xem xét vấn dề phát triển của xã hội?

Tôi ghi nhận một diễn giải bằng hình tượng ngắn gọn và đơn giản của thạc sỹ-bác sỹ Phạm Hồng Sơn như sau: “Chúng tôi thiển nghĩ, một đất nước phát triển, phải là một đất nước phát triển cả về kinh tế và tư tưởng, cũng như một con người không chỉ chú ý đến việc bồi bổ thể lực cơ bắp mà quên đi phát triển tinh thần, trí tuệ. Mà để phát triển tinh thần, trí tuệ thì không có con đường nào khác tốt hơn là để con người đó được tiếp xúc, trao đổi, va chạm với xã hội xung quanh trong đó có các cá thể và thiên nhiên rộng lớn”.

Trong lịch sử cận đại, Hà Lan được xem là đất nước phát triển sớm nhất. Sau đó mới đến Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Người ta nói thế kỷ XVII là thế kỷ Hà Lan, thế kỷ XVIII là thế kỷ Anh. Từ thế kỷ XIX, Hoa Kỳ lên ngôi bá chủ hoàn cầu. Tiếp sau đó, Nhật Bản đã vươn lên mạnh mẽ như một hiện tượng thần kỳ.

Dựa trên thuyết phát triển nẩy sinh “do một sự tình cờ của hoàn cảnh lịch sử, bộ máy chính quyền trở thành vắng mặt”, ông Nguyễn Gia Kiểng giải thích sự phát triển sớm và rực rỡ của Hà Lan lúc ấy chủ yếu là do Hà Lan không bị cai trị bởi một ông vua hay một lãnh chúa mà chỉ bởi một “đại thường trú” cư ngụ tại một tòa nhà được dựng ra chỉ để giải quyết các vấn đề hành chính tối cần thiết. Ông nói, trong hoàn cảnh như thế “Những người Hà Lan không thể có vinh quang được làm vương, làm tướng, họ chỉ còn một lý tưởng là làm giầu”.

Trước đó, giải thích sự phát triển của Hà Lan, Montesquieu lại cho rằng do bị thiên nhiên ngược đãi nên đất nước này phải phấn đấu để tiến lên, và để tiến lên thì cần có tự do. Khác với các dân tộc Nam Á vì được ngủ trên nệm êm thiên nhiên ưu đãi nên không cần phấn đấu, dù cam chịu kiếp nộ lệ.

Max Weber thì cho rằng sự phát triển của Hà Lan và của Anh, Mỹ sau đó là nhờ quốc đạo Tin Lành ở xứ này năng động và cởi mở hơn đạo Công Giáo.

Thuyết phát triển dựa vào những phấn đấu vượt bậc của các quốc gia phải vật lộn để khắc phục tình trạng bị thiên nhiên ngược đãi không tồn tại được trước câu hỏi vì sao Hoa Kỳ với đất đai trù phú, tài nguyên dồi dào, điều kiện sinh sống dễ dãi đã phát triển rất mạnh mẽ, trong khi các nước có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, tài nguyên không phong phú như Mali, Ethiopia, Bangladesh lại nghèo nàn, lạc hậu mãi. Nói rằng nước Nhật phát triển mạnh vì người Nhật bắt buộc phải sản xuất nhiều để xuất cảng lấy ngoại tệ mua nguyên liệu và nhiên liệu thì giải thích ra sao trường hợp nước Anh trở nên hùng cường nhờ than đá và sắt…

Tìm nguyên nhân phát triển trong các trường hợp trên dễ bị rơi vào một bài toán đa nghiệm rất khó quy kết mối liên quan giữa nghiệm số với các ẩn số. Bài toán sẽ trở nên đơn nghiệm trước các câu hỏi: vì sao xuất phát từ cùng một nền văn hoá, một tâm lý dân tộc, một điều kiện thiên nhiên mà Nam Hàn đã trở thành một con Rồng, trong khi Bắc Triều Tiên ngày một kiệt quệ, dân chúng đói khổ vật vờ bên những lò phản ừng nguyên tử lăm lăm đe doạ chế tạo vũ khí hạt nhân? (Hai miền bán đảo này không chỉ cách biệt về đời sống kinh tế mà cả về đời sống tinh thần. Người dân Việt Nam rất mê và được xem rất nhiều phim Hàn Quốc nhưng không thích xem và hầu như không có phim Bắc Triều Tiên để mà xem).

Cũng câu hỏi trên đem đặt ra cho các trường hợp giữa Trung Quốc với Đài Loan và Hồng Kông, giữa Tây Đức với Đông Đức, câu trả lời đơn nhất sẽ nhận được là: sở dĩ Tây Đức phát triển hơn Đông Đức, Đài Loan và Hồng Kông giầu có hơn Trung Quốc, Nam Hàn phồn vinh hơn Bắc Triều Tiên vì Tây Đức, Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông đều dân chủ hơn Trung Quốc, Đông Đức, Bắc Triều Tiên.

Dẫn chứng để minh định kết luận trên còn có thể được nêu lên từ ngay các nước quanh vùng Đông Nam Á. Với các hoàn cảnh tự nhiên và chủng tộc na ná như nhau nhưng xét trình độ phát triển, dễ dàng nhận thấy Singapore, Thái Lan, Malaysia là đối cảnh của Myanmar, Lào, Kampuchea, Việt Nam, và trên một bậc so với Indonesia, Philippine. Tình trạng đối cảnh gây nên do nhóm nước này có chế độ dân chủ, nhóm nước kia không. Tình trạng phát triển cao thấp chênh lệch nhau liên quan tới chất lượng và trình độ dân chủ ở các nhóm nước.

Từ một làng đánh cá khoảng 100 dân, Singapore được thành lập bởi một người Anh từ thế kỷ XIX và chưa hề biết tới một tổ chức xã hội nào khác ngoài khuôn mẫu tự do dân chủ phương Tây. Chính quyền Singapore nằm trong tay quốc hội hình thành từ bầu cử tự do. Và quốc hội chỉ định thủ tướng. Ở Singapore, tuy đảng Nhân dân Hành động cầm quyền liên tục suốt từ ngày độc lập đến nay nhưng các đảng đối lập không bị cấm, người đối lập không bị trấn áp, báo chí tư nhân được tự do phát hành… Singapore là một nước có luật lệ khe khắt nhưng cái cơ bản là luật pháp tại đây được áp dụng nghiêm ngặt và ngang bằng cho mọi đối tưọng xã hội, không kể đảng viên hay ngoài đảng, không kể quan chức hay dân thường…

Ông Lý Quang Diệu lớn tiếng phê phán dân chủ, nhân quyền phương Tây, đề cao các giá trị Châu Á là chỉ cốt tỏ vẻ có tư tưởng độc lập của một lãnh tụ Đông Nam Á. Thực tế, hơn tất cả mọi nước Đông Nam Á, hơn cả Hồng Kông, Singapore là nước Châu Á bị Tây phương hoá nặng nhất. Mọi người Singapore đều thạo tiếng Anh mà quên tiếng mẹ đẻ Trung Quốc của mình. Ngay cả Lý Quang Diệu cũng nói tiếng Anh trơn tru hơn tiếng Trung Quốc, và, trong suốt cuộc đời làm thủ tướng ông đã cố gắng học và làm theo phương Tây tối đa. Chỉ đến khi về già ông mới bầy tỏ muộn màng đôi chút vương vấn với nguồn cội Trung Hoa của mình.

Chế độ độc tài quân phiệt Thái Lan tồn tại suốt 60 năm dựa trên một liên minh vững chắc giữa quân phiệt, tài phiệt và nhà vua. Liên minh này vừa có quân lực, vừa khống chế được tài chính, vứa có quyền uy thế tử. Nhưng năm 1932, sau một cuộc đảo chính buộc vua Thái chấp nhận chế độ quân chủ lập hiến, nhường thực quyền cho một chính phủ xuất phát từ một quốc hội do dân bầu. Tuy Thái Lan có biểu hiện quân quyền, các nhóm tướng lĩnh thường đảo chính nhau để tranh giành quyền lực, nhưng Thái Lan tôn trọng đa nguyên - đa đảng và tự do ngôn luận. Các cuộc biểu tình tuần hành thường do sinh viên tổ chức. Sinh viên ào ạt xuống đường chủ yếu không vì lý do kinh tế mà vì lý tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền. Mùa xuân năm 1992, trước sự sụp đổ của bức tường Berlin, trong ngọn gió dân chủ ào ạt quật nát các chế độ cộng sản độc tài Liên Xô, Đông Âu, và nhân vì một cuộc bầu cử gian dối trong nước, sinh viên Thái Lan đã rầm rập xuống đường lật đổ chế độ quân phiệt. Từ đó Thái Lan càng khởi sắc, kinh tế phát triển càng mạnh, nâng cánh con rồng Thái Lan bay lên.

Malaysia được chuyển từ tay Bồ Đào Nha cho Hà Lan từ năm 1641. Năm 1795, Hà Lan lại phải nhường Malaysia và vùng Bắc Borneo cho đế quốc Anh để rút về cố thủ quần đảo Indonesia. Năm 1891, Liên Bang Malaysia được thành lập dưới quyền cai trị của Anh. Năm 1957, sau khi ký kết một hiệp ước quân sự, Anh đã trả lại độc lập cho Malaysia. Malaysia có 55% dân gốc người Bumiputra, với hơn 30% dân số gốc Trung Hoa và khoảng 10% gốc Ân Độ, nhưng vì là một quốc gia hoàn toàn được tạo dựng và cai trị suốt thời gian dài bởi các nước phương Tây tiên tiến nên thiết chế xã hội, tinh thần luật pháp, tư tưởng tự do dân chủ đều chi phối bởi phương Tây. Chế độ chính trị của Malaysia tuy là quân chủ lập hiến nhưng rất ít ai biết đến vua, mà ở đây có tất cả những yếu tố cốt lõi của dân chủ: tự do ngôn luận, tự do kết hợp, tự do bầu cử và ứng cử. Các chính đảng cũng được hoạt động tự do. Hỗn hợp chủng tộc trong một quốc gia như Malaysia tồn tại vững bền được chính nhờ tinh thần dân chủ. Nhờ tinh thần dân chủ mà người Hoa nhường nhịn người Bumiputra, người Bumiputra chấp nhận người Hoa và người Ấn. Nhờ có dân chủ, chẳng những thế, Malaysia còn vươn lên thành một cường quốc ở Đông Nam Á.

Minh chứng điển hình nhất cho thuyết phát triển nhờ dân chủ là trường hợp của Hoa Kỳ.

Năm 1492, Columbus là người đầu tiên đặt chân lên Châu Mỹ nhưng đến năm 1499, nhà hàng hải Ý Amérigo Vespucci mới đến Nam Mỹ và đặt tên Amérigo cho lục địa này. Từ đấy các vua Tây Ban Nha, Pháp, Anh… lần lượt xua quân đến đây chiếm đất. Năm 1535 Pháp chiếm miền Saint Lawrence thành lập nên New France. Năm 1539 Tây Ban Nha tới Florida. Năm 1587, Anh lập Virginia… Lục địa Mỹ có nguy cơ bị chia năm xẻ bẩy, không bao giờ hợp nhất được bởi rất nhiều chủng tộc, sắc tộc, rất nhiều tôn giáo tín ngưỡng và các yếu tố văn hoá hoàn toàn khác biệt.

May sao ý thức cộng đồng ở đây đã sớm được dấy lên từ “Kết ước Mayflower”. Năm 1620 một nhóm Tân giáo phái Calvin đã rời bỏ Anh quốc tìm sang Châu Mỹ để được tự do hành đạo. Khi con tàu Mayflower của họ cập bến, cả lãnh thổ Hoa Kỳ bao la lúc ấy chỉ vỏn vẹn vài ngàn người da trắng. Họ cũng phải đương đầu với những khó khăn gian khổ như những lớp người đến trước đã từng bị mất tích, phải làm nhà trong hoang vu, khai hoang để trồng trọt, săn bắt, chống chọi với người da đỏ, bệnh tật, đói rét… Khoảng 40 người đã rủ nhau đi lập nghiệp tại Massachusetts. Để chung lưng đấu cật đương đầu với muôn vàn khó khăn gian khổ, họ phải thảo chung với nhau bản “Kết ước Mayflower”. Bản kết ước cộng đồng sơ khai này đã mang tinh thần tuyên ngôn thành lập một xã hội tự do dân chủ pháp trị sơ khởi tại Hoa Kỳ. Kết ước có các đoạn ghi như sau: “… Chúng tôi thoả thuận thành lập với nhau một tập thể… Mỗi khi thấy cần thiết cho phúc lợi chung, chúng tôi sẽ làm ra và ban hành các luật lệ đúng đắn và đồng đều cho tất cả, và chúng tôi sẽ tuân phục những luật lệ đó”. Tinh thần “Kết ước Mayflower” sau này thấm cả vào bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 dắt dẫn đất nước Hoa Kỳ từ sơ khai qua suốt chiều dài lịch sử gắn bó chặt chẽ với chế độ dân chủ. Khi mới tuyên bố độc lâp, Hoa Kỳ chỉ có 2,5 triệu dân lắp ghép từ những khối người xa lạ đến từ nhiều lãnh thổ, nhiều châu lục khác nhau, nghèo khổ, nhếch nhác, phần lớn không biết đọc biết viết. Dân chủ và tự do đã dần dần gắn kết họ lại, hỗ trợ nhau, khuyến khích nhau lao động sáng tạo. Một thế kỷ sau, năm 1890, họ đã trở thành quốc gia tiến bộ nhất gồm 63 triệu dân. Trong nhiều thập kỷ qua, và cho tới nay, họ vẫn là một siêu cường hàng đầu thế giới.

Trên đây đã chứng minh các quốc gia phồn vinh đều có chế độ dân chủ, nhưng, giữa dân chủ và phát triển, cái nào có trước, cái nào có sau? Có người nói dân chủ phải là tiền đề, thậm chí là tiên quyết duy nhất cho phát triển. Ngược lại, một số người khác, đặc biệt ở Việt Nam hiện nay, cho rằng dân chủ phải đến sau. Phải đợi phát triển kinh tế đã, rồi từ từ mới có dân chủ được.

Nói phải có dân chủ rồi mới phát triển được thì không thể giải thích vì sao Tần Thuỷ Hoàng xây được Vạn Lý Trường thành, vì sao Hitler đã từng uy hiếp được cả Châu Âu? Cũng không giải thích nổi hiện tượng Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là hai nước cùng có quy mô dân số nhất nhì thế giới. Ấn Độ trở thành nước dân chủ từ năm 1947, ngược lại, Trung Quốc đã chọn chế độ cộng sản độc tài từ năm 1949. Vậy mà Trung Quốc đã hơn hẳn Ấn Độ trong lĩnh vực kinh tế, kể cả nông nghiệp lẫn công nghiệp.

Cho nên phải nói dân chủ trình độ nào và phát triển kiểu nào? Có phát triển lành mạnh và phát triển bệnh hoạn, phát triển bền vững và phát triển đoản thời.

Thiếu dân chủ thì không thể phát triển bền vững. Trong lịch sử Trung Quốc, nhà Tần chỉ tồn tại 14 năm, trong khi nhà Hán 426 năm, nhà Đường 289 năm… Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết chỉ tồn tại 72 năm trong khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bền vững đã hơn 200 năm.

Thiếu dân chủ thì không thể phát triển lành mạnh. Sau khi dổi mới, kinh tế Việt Nam tiến vọt hẳn lên so với những năm u ám trước đó để đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất thế giới. Nhưng, xét trong tổng thể, không thể nói Việt Nam đang phát triển lành mạnh. Việt Nam hiện là nước có chỉ số kinh tế tự do vào hàng kém nhất thế giới (xếp hạng 137/161 nước), Việt Nam hiện là một trong những nước có khả năng cạnh tranh kém nhất thế giới (xếp hạng 77/104 nước), Việt Nam hiện là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới (xếp hạng 94/143 nước), Việt Nam hiện vẫn còn được xếp hạng kém nhất thế giới về chỉ số phát triển con người (xếp hạng 112/177 nước), Việt Nam hiện là một trong những nước có chỉ số tự do báo chí tồi tệ nhất thế giới (xếp hạng 135/143 nước)…

Sở dĩ như vậy vì Việt Nam hiện là một trong những nước mất dân chủ nhất thế giới (xếp hạng 138/143 nước).

Thiếu dân chủ nên phát triển bệnh hoạn. Vì phát triển bệnh hoạn nên mới có tình trạng công nhân (giai cấp lãnh đạo cách mạng) làm ăn đầu tắt mặt tối chỉ được từ 4 trăm ngàn đến trên dưới một triệu đồng lương tháng, trong khi có quan chức nhà nước bỏ ra 120 tỷ đồng (7 triệu đôla) đánh bạc trong vài tháng. Vì phát triển bệnh hoạn nên mới có tình trạng trên lừa dưới (XHCN là con đường Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn, dân chủ XHCN gấp triệu lần…), dưới dối trên (90% tiến sỹ giả hoặc tồi dở. Học sinh ngồi trong lớp 6 vẫn không biết đọc biết viết…). Vì phát triển bệnh hoạn nên số tử vong và thương tích hàng năm trong giao thông vận tải lớn hơn rất nhiều lần các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Vì phát triển bệnh hoạn nên tài nguyên thiên nhiên bị khai thác vô tội vạ, môi trường bị huỷ hoại ghê gớm (lũ lụt tàn phá, lở đất, nứt đất …)…

Chỉ có dân chủ mới mở đường và bảo đảm cho phát triển lành mạnh và bền vững. Đến lượt mình, phát triển càng cao lại bảo đảm cho dân chủ càng có chất lượng tốt hơn, trình độ cao hơn.

Ta từng đã thấy trong tự nhiên, phát triển là quá trình vận động từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, mà nét đặc trưng là cái cũ dần dần được thay thế bởi cái mới. Phát triển là một quá trình nội tại: bước phát triển từ thấp lên cao xẩy ra bởi vì trong cái thấp đã chứa đựng dưới dạng tiềm tàng những khuynh hướng dẫn tới cái cao, còn cái cao là cái thấp đã phát triển. Coi sự phát triển chỉ là sự tăng lên hoặc giảm bớt một cách giản đơn những đặc tính ban đầu của một hiện tượng nào đó, không quan tâm đầy đủ sự chuyển hoá những biến đổi về lượng thành những biến đổi về chất sẽ đưa đến những nhận định phiến diện, không biện chứng.

Trong xã hội cũng vậy, dân chủ và phát triển vừa là nhân, vừa là quả của nhau. Ở giai đoạn này, cái này là nhân của cái kia, và sau đó, ngược lại. Dân chủ và phát triển nương tựa vào nhau, bồi bổ cho nhau cứ thế đưa các cộng đồng dân cư, đưa nhân loại không ngừng tiến tới.

Dù phải thừa nhận dân chủ dẫn tới phát triển lành mạnh và bền vững nhưng một số người, đặc biệt quý vị lãnh đạo và giới tư bản đỏ ở Việt Nam hiện nay lại thường hù doạ: phát triển do dân chủ thường dẫn đến mất ổn định.

Nhưng, thử hỏi mất ổn định cái gì kia chứ? Mất ổn định chính trị ư? Mất ổn định chính quyền ư? Người dân cần ổn định xã hội hơn ổn định chính trị, ổn định chính quyền. Ổn định xã hội là ổn định cho muôn dân, vì muôn dân; ổn định chính trị là thứ ổn định mà người ta đang ngoan cố duy trì bằng mọi giá: tuyên truyền lừa bịp, hù doạ, trấn áp, tù đầy, kể cả sẵn sàng tàn sát hàng trăm, hàng nghìn người như kiểu Thiên An môn. Ở Việt Nam hiện nay, ổn định chính trị nghĩa là phải cam chịu mãi cái cùm Marx-Lenin, cái gông giai cấp công nhân lãnh đạo… Biết rằng những điều ấy đã quá bất hợp lý và cực kỳ nguy hại rồi, nhưng người ta vẫn cứ phải, dù biết là vờ vĩnh, hô toáng lên như vậy. Bởi lẽ, chỉ có như vậy mới có lý để áp đặt cho được vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN. Quan trọng hơn, cụ thể hơn là, duy trì cho được cái ghế ăn trên ngồi trốc của tập đoàn người nào đó.

Trong thực tế, ổn định chính trị, ổn định chính quyền, thường đối lập với ổn định xã hội. Để ổn định chính quyền, dưới thời Stalin, từ năm 1929 đến 1953, khoảng 15 đến 20 triệu người dân Liên Xô đã thiệt mạng trong các trại tập trung Gulag. Để ổn định chính trị, hơn ba chục triệu người Trung Quốc đã chết trong chế độ cộng sản (Thổ cải, Cách mạng Văn hoá, Thiên An môn…). Để ổn định chính trị, dù chỉ trong thời gian rất ngắn, 2.035.000 người dân Kamphuchea đã chết dưới thời Khmer Đỏ…

Ở các nước dân chủ đã kể ở trên, đặc biệt Hoa Kỳ, ổn định xã hội được duy trì rất bền vững. Hiến pháp, nền tảng luật pháp, nền tảng đạo lý… được duy trì cơ bản trong suốt chiều dài lịch sử chế độ dân chủ ở các nước này. Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Hoa Kỳ trường tồn và vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Nhiều thủ tướng, nhiều tổng thống đã bị ám sát, quốc hội, chính phủ có thể đột nhiên bị giải tán, biểu tình, bạo động có thể nổ ra thường xuyên… nhưng không có tàn sát lớn, chế độ chính trị không bị tiêu tan, nhà nước không sụp đổ.

Ôn định xã hội trong các chế độ cộng sản thực ra là ổn định giả tạo, ổn định bức bối. Kiểu ổn định này không những kìm hãm phát triển xã hội mà không ngừng tích luỹ những hiểm hoạ khôn lường. Chính vì thế các trạng thái ổn định này không thể tồn tại lâu dài.

Xã hội cũng như tự nhiên vậy. Sự vật phải luôn luôn được tự do vận động, vân động để chuyển hoá, để tiến lên. Nồi nước nếu không muốn cam chịu lạnh ngắt, phải được đun lên để được nóng, được bốc hơi, được thăng hoa. Muốn vậy nồi phải được mở ra để sôi tự do. Trong trạng thái sôi tự do, tất cả đều chuyển vần, đặc biệt, phần trên mặt càng xáo động, bong bóng liên tiếp được hình thành, liên tiếp bị nổ vỡ. Nếu bít chặt không cho sôi, từ bên ngoài thấy rất yên ắng, rất ổn định, nhưng chẳng bao lâu, bình sẽ bị phá tung. Bình không còn, mà nước cũng không còn. Xã hội cũng phải tuân theo những quy luật như tụ nhiên, mặt nước càng xao động, bong bong càng vỡ nhiều, trạng thái sôi càng tốt, nước càng dễ bốc hơi mà bình vẫn được bảo toàn.

Các nguyên lý bảo toàn thể hiện một mặt của mâu thuẫn biện chứng - mâu thuẫn giữa bảo toàn và biến đổi. Theo định luật này, năng lượng không mất đi mà cũng không được tạo ra khi nó chuyển từ dạng này sang dạng khác. Nó là biểu hiện của ổn định toàn cục, là sự xác nhận về tính bất diệt của vận động.

Cho nên ổn định bao giờ cũng phải là ổn định động, bởi vì ổn định tĩnh là ổn định huỷ diệt, ổn định chết. Hãy lấy trường hợp con vụ (cái cù) để liên tưởng. Con vụ phải xoay mới đứng được, xoay càng mạnh, đứng càng vững. Không xoay, con vụ sẽ đổ kềnh.

Dân chủ bảo đảm nuôi dưỡng một xã hội công dân tích cực. Ở đấy con người được tôn trọng thực sự, làm chủ thực sự vận mệnh của mình và của xã hội. Ở đấy mọi cá nhân, mọi tổ chức dân chúng độc lập được tự do phát biểu, tự do hoạt động, tự do sáng tạo góp phần tích cực cho xã hội phát triển năng động, lành mạnh, bền vững trong thế ổn định động phù hợp với quy luật của tự nhiên.


© 2006 talawas