© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
25.3.2006
Hoàng Hưng
Kính gửi BBT talawas

Ngày 4/3/2006 tôi có gửi cho BBT VietNamNet một lá thư ngỏ, trả lời về việc VietNamNet đăng tải bài viết của ông Nguyễn Hoà, trong đó có đoạn xuyên tạc lời phát biểu của tôi tại một cuộc toạ đàm văn học và có những lời bình luận xúc phạm đến cá nhân tôi. Song cho tới ngày hôm nay (24/3/2006) tôi chưa thấy lá thư của mình được công bố trên VietNamNet, cũng như chưa được trả lời công khai theo đúng quy định của ngành báo chí Việt Nam. Trước thái độ xử sự như vậy của VietNamNet, tôi chỉ còn một cách là nhờ talawas đăng tải giùm lá thư của tôi để bạn đọc các báo điện tử có cơ hội biết rõ sự thực. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Bodhgaya, India ngày 24/3/2006


*

Kính gửi BBT VietNamNet

Tôi là Hoàng Hưng, người được ông Nguyễn Hoà chỉ trích đích danh có trích lời phát biểu (để trong ngoặc kép, có nghĩa là nguyên văn) trong bài viết "Văn chương Việt Nam 2005: tín hiệu vui và giấc mộng bất thành" trên mạng VietNamNet ngày 16 tháng 1 năm 2006.

Sau đây là trích nguyên văn đoạn liên quan tới tôi trong bài viết của ông Nguyễn Hoà:

Đến nay thì sách dịch đang trở thành vấn nạn trong sinh hoạt văn chương nước nhà, mà sự kiện quanh bản dịch Mật mã Da Vici chỉ là một “nhát búa nặng đô” giáng vào những ai còn đau đáu với chất lượng văn chương dịch. Nhớ năm 2003, tiến sĩ dịch giả Đỗ Thu Hà từng là nhân vật bi hài của bài báo “Chấm thi ‘kiểu Úc’” đăng trên báo Giáo dục & Thời đại, năm nay tiến sĩ tiếp tục trở thành nhân vật của một xì-căng-đan thú vị hơn nhiều. Điều đáng nói là hình như để “bảo vệ” bản dịch còn đầy khiếm khuyết của tiến sĩ Đỗ Thu Hà, để không phải “mang tiếng” với các độc giả đã trót mua phải một thứ hàng dỏm do NXB Văn hóa-Thông tin phát hành..., tháng 11.2005, một cuộc tọa đàm bàn về dịch thuật đã được tổ chức và ở đó một số vị hì hục mang các dịch giả lớp trước ra để “giải phẫu”, trong đó “hoàng tráng” và tự tin nhất hẳn phải là ý kiến của ông Hoàng Hưng khi cho rằng bản dịch Mỹ học Hêghen của Phan Ngọc là “sai gần hết” (!).

Tôi đoan chắc Hoàng Hưng “ăn theo nói leo” ý kiến của một vài tác giả trên một web của người Việt ở hải ngoại, chứ Hoàng Hưng chưa đọc Mỹ học Hêghen bằng nguyên bản tiếng Đức để có thể đối chiếu và đánh giá bản dịch của Phan Ngọc “sai gần hết”. Ở nước Nam này, số người đã đọc trọn vẹn Mỹ học Hêghen qua bản dịch của Phan Ngọc là không nhiều, đọc trọn vẹn nguyên bản tiếng Đức còn hiếm hoi hơn, và tôi tin trong đó không có Hoàng Hưng. Cái lối nói bừa nói ẩu của một số dịch giả trong tọa đàm này cho thấy chính họ đang nhân danh dịch giả để “lấp liếm” sự cẩu thả của đồng nghiệp và biết đâu là “lấp liếm” cả sự cẩu thả của chính họ nữa (?).

Tôi viết thư này chính thức yêu cầu ông Nguyễn Hoà và BBT VietNamNet công khai trả lời tôi và bạn đọc VietNamNet những câu hỏi sau:

  1. Ông Nguyễn Hoà có tham dự cuộc toạ đàm trên hay không?

  2. Theo dịch giả Hoàng Thúy Toàn, chủ tịch Hội đồng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN), là người chủ toạ cuộc toạ đàm về thực trạng văn học dịch do Hội đồng Văn học dịch HNVVN tổ chức tại trụ sở Hội vào cuối năm 2005 - tôi không nhớ ngày chính xác - thì ông Nguyễn Hoà không tham dự cuộc toạ đàm. Vậy ông Nguyễn Hoà căn cứ vào đâu để "trích dẫn" lời phát biểu của tôi trong buổi toạ đàm, và từ đó tùy tiện nhận định một cách châm biếm rằng "hoành tráng và tự tin nhất hẳn phải là ý kiến của ông Hoàng Hưng" và bình luận vô tội vạ bằng những từ ngữ khinh mạn như "ăn theo nói leo", "nói bừa nói ẩu", "lấp liếm cả sự cẩu thả của chính họ"?

  3. Nếu (có thể) ông Nguyễn Hoà viết đoạn nhận định trên căn cứ theo lời tường thuật của một tờ báo nào đó, thì liệu một người viết nghiêm túc, có trách nhiệm, có lương tâm có vội vã tin vào lời tường thuật của ai đó về phát ngôn của một người khác, không cần kiểm chứng, lập tức cho mình cái quyền thoá mạ người ấy một cách tùy tiện? Một việc làm như thế có nên gọi là "nói bừa nói ẩu" hay không?
Nhân đây, tôi xin phép nêu lên cùng bạn đọc VietNamNet những ý chính trong lời phát biểu của tôi tại Toạ đàm về Văn học dịch do Hội đồng văn học dịch tổ chức cuối năm 2005:

"Tôi không có ý kiến cụ thể về cuốn Mật mã Da Vinci vì tôi không có nguyên tác để đối chiếu, nhưng nếu có ý kiến chưa thống nhất (như giữa ông Trần Tiễn Cao Đăng và ông Thái Bá Tân) thì cần lập một hội đồng thẩm định cho khách quan, công bằng. Song vụ Mật mã Da Vinci thật ra chỉ là giọt nước tràn ly về thực trạng văn học dịch hiện nay. Đúng là có thể dùng từ "thảm hoạ" để nói về nó. Mà vấn đề không chỉ liên quan tới những bản dịch ẩu tả của những người không tên tuổi, gần đây một số mạng tiếng Việt ở nước ngoài lên tiếng về chất lượng dịch của ngay cả những tên tuổi lớn của chúng ta. Tình cờ hôm nay tôi có trong tay bài viết của chị Phạm Thị Hoài về quyển Mỹ học Hegel của giáo sư tầm cỡ Phan Ngọc. Chị gọi quyển sách ấy là "Sấm Hegel" vì đọc không thể hiểu nổi và nhận định là khó lắm mới tìm ra chỗ dịch đúng [1] . Tôi không biết tiếng Đức nên không dám có ý kiến. Chỉ nêu làm một thí dụ cho thấy chất lượng dịch của chúng ta rất có vấn đề. Thật ra điều này cũng dễ hiểu nếu xét tình hình thực tế của các dịch giả Việt Nam hiện nay. Trừ một số ít được đào tạo bài bản, lại được sống nhiều năm tại chính nước bản ngữ, đa số chúng ta, kể cả những người tên tuổi, đếu là mày mò tự học trong nước. Chưa nói đến nhiều yếu tố hạn chế khác. Cho nên muốn giải quyết căn bản tình trạng dịch thuật Việt Nam, phải có một chiến lược vĩ mô." [2]

Xin quý BBT cho công bố thư này để bạn đọc đối chiếu ý kiến của tôi với những lời bình luận của ông Nguyễn Hoà và rút ra kết luận.

Xin trân trọng cảm ơn BBT.

TPHCM 04/03/2006



[1] Đây là nguyên văn ý kiến của Phạm Thị Hoài trong bài "Sấm Hegel", talawas ngày 9/6/2002: "Tôi xin phép khẳng định ngay rằng, đánh giá bản dịch của Phan Ngọc bằng cách so với nguyên tác là việc không đòi hỏi công sức gì đáng kể. Nếu nó chỉ có một số sai sót thì tìm ra chúng giữa gần một triệu chữ sẽ khổ công lắm. Nhưng nó không sai sót một cách khiêm tốn như vậy. Thật may là gần như toàn bộ bản dịch đều sai cả. Hoạ chăng phải làm ngược lại: phải lặn lội giữa gần một triệu chữ ấy, tìm ra một vài chỗ đúng."
[2] Xin mời bạn đọc đọc thêm bài trả lời phỏng vấn VietNamNet ngày 04/01/2006 nhan đề "Phải có một quyết sách văn hoá ở cấp vĩ mô" để hiểu trọn vẹn suy nghĩ của tôi về vấn đề văn học dịch.