© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
27.3.2006
Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu)
Văn chương Truyện Kiều
 1   2   3   4   5 
 


Mục lục

Tựa

Phần thứ nhất: Vấn đề Truyện Kiều

Phần thứ hai: Văn chương Truyện Kiều Phần thứ ba: Văn chương Truyện Kiều Kết luận: Truyện Kiều và chúng ta



Tựa

Trong tập sách nhỏ này, chúng tôi không “lặp lại” cái lối phê bình văn chương Truyện Kiều mà các nhà văn học xứ ta vẫn thường dùng mỗi khi nói đến cái hay cái đẹp của Truyện Kiều. Bạn đọc nào chờ gặp ở những trang sau đây sự phân tách một âm điệu du dương hoặc sự giải thích một hình ảnh tuyệt mỹ, một cách tả tình tả cảnh đặc sắc, sẽ bị thất vọng. Thiên hạ đã phân tách, đã giải thích như vậy kể bao nhiêu năm nay rồi mà ngày nay nào đã ai “hiểu” được “cái hay”, “cái đẹp” của Đoạn trường tân thanh? Học giả uyên bác như ông Đào Duy Anh mà khi viết cuốn Khảo luận về Kim Vân Kiều cũng đã phải thú nhận rằng: “Cái hay của Truyện Kiều không ai là không cảm thấy. Nhưng hiểu biết cho hết cái hay ấy là một điều rất khó mà giải thích cho ra hết cái tinh vi uẩn ảo ấy là một điều khó nữa”.

Thông thái đến như nhà tri thức Nguyễn Mạnh Tường mà cũng băn khoăn không hiểu “tại sao quyển Kim Vân Kiều chứa chan thi vị và tại sao thi vị đó rất hợp với tâm hồn người Việt Nam chúng ta” (Thanh Nghị số 92).

Sự “không hiểu” ấy có hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là một phương pháp phê bình phù phiếm. Nguyên nhân thứ hai là một quan niệm duy tâm về nghệ thuật, về nghệ sĩ.

Theo phương pháp phê bình phù phiếm, nhiều nhà văn học đã phân tích quá ư tỉ mỉ cái khéo của Nguyễn Du về sự dùng chữ, dùng điển, dùng hình ảnh, về cách tả cảnh, tả tình, tả người, tả tâm lý, về phép chuyển mạch, phục thể… Họ không hiểu rằng tất cả những phương sách kỹ thuật (procédés techniques), tiểu xảo ấy không phải là cái xương sống của nghệ thuật Truyện Kiều. Không chịu đào sâu sự nghiên cứu xuống tận “huyệt” cái đẹp, cái hay của tác phẩm, họ đã lẫn hoa tươi lá xanh của cây với nhựa sống của cây và mầu đất của nhựa sống ấy. Cho nên họ chỉ làm công việc của một giáo sư chứ không phải công việc của nhà phê bình lấy văn nghệ làm một khí cụ để vun sới tinh thần, đào luyện, mỹ cảm.

Thấy sự thất bại của phương pháp phê bình đó, một số học giả khác đã phản động lại bằng một quan niệm rất sai lầm về nghệ thuật, về nghệ sĩ. Những người này đã biết đồng tình với ông Hoài Thanh, chủ trì rằng: “Cái đẹp của Đoạn trường tân thanh, cái chất thơ bàng bạc, trong cả quyển truyện cần phải được cảm thấy một cách hồn nhiên. Cứ phân tích, cứ giảng giải, nó sẽ tan đi. Đến đây phải im hơi phải nhẹ bước mới hòng nhận thấy cái đẹp khi dịu dàng thùy mị, khi tráng lệ huy hoàng...” Cái “tinh túy” của một tác phẩm, thiên tài của một thi nhân, ta phải đem “một tấm lòng chân thành và thanh khiết” mà cảm thông chứ không dùng phương pháp khoa học mà “mổ xẻ” được. Chủ trương thế tức là tách hẳn văn nghệ ra ngoài phạm vi “nhận thức khoa học” và thiên hẳn về sự thưởng thức thần bí.

Hai cách “phê bình” nói trên đều đưa đến một kết luận là: không thể “hiểu” được cái hay cái đẹp của Truyện Kiều. Một đàng quá thiên về phân tích, một đằng quá tin ở trực giác; cả hai đều chỉ làm tối thêm, nát thêm sự “hiểu” Truyện Kiều. Đã không “hiểu” được nó, đã tin rằng “cái đẹp” của nó là một chất huyền ảo không thể giải thích được, tất nhiên người ta sẽ “nhận” nó như một thực thể thiêng liêng bất hủ, không liên lạc với thời gian và không gian, và đã coi nó là bất hủ “không tiền tuyệt hậu” tất nhiên người ta sẽ lấy sự “có nó” làm một vinh dự quốc gia, lấy sự “tôn thờ” nó làm một bổn phận cao quý.

Quyển sách này chúng tôi soạn ra là để tu chính lại những điều mậu ngộ ấy. Bởi những điều mậu ngộ cần phải tu chính lại thuộc vào phạm vi nguyên tắc thẩm mỹ học, nên phần lớn của sách này sẽ chuyên bàn về những nghị thuyết thẩm mỹ.

Người ta thường nói đến cái đẹp của Truyện Kiều. Nhưng thế nào là đẹp? Đẹp là một thuộc tính tiên thiên của sự vật hay chỉ là một khái niệm chủ quan? Khái niệm đẹp là sản phẩm của thiên tài hay của xã hội? Nó có tính cách tuyệt đối hay tương đối?

Người ta thường nói đến chất thơ của Truyện Kiều. Nhưng chất thơ là gì? Đó là một năng khiếu thiên bẩm của con người hay chỉ là điệu sống bất kỳ, sản vật của lịch sử tiến hoá? Nó có liên lạc gì đến các khiếu tình cảm và trí tuệ khác không?

Người ta thường nói đến nghệ sĩ, đến tác phẩm. Nhưng nghệ sĩ là gì? Là một tài năng đặc biệt do một sức huyền bí cấu tạo nên ngoài ảnh hưởng của không gian và thời gian hay chỉ là những yếu tố cấu thành hoàn toàn là những vật liệu sinh lý và xã hội? Cái tài năng ấy có thể dùng phương pháp khí cụ khoa học phân tích được không? Mối quan hệ của nó với tác phẩm ra sao? Tác phẩm là một biểu thị của tâm sự nghệ sĩ, một tiểu sử cuộc đời tình cảm của nghệ sĩ hay là phát hiện của cá tính nghệ sĩ?

Người ta thường nói đến nội dung và hình thức của Truyện Kiều. Nhưng thế nào là nội dung, thế nào là hình thức? Thế giới hình thức là một thế giới khách quan hay chủ quan? Sự lệch lạc của hình thức với nội dung ra thế nào? Nội dung này là ý thức hệ cá nhân hay ý thức hệ của đoàn thể? Nội dung qui định hình thức hay ngược lại?

Người ta nói đến nghệ thuật và luân lý của Truyện Kiều. Nhưng nghệ thuật là gì? Luân lý là gì? Đứng ở quan điểm luân lý để phê bình nghệ thuật có chính đáng không?

Đó là những vấn đề cần phải biện giải, những danh từ cần phải giới thuyết, những khái niệm cần phải làm cho sáng ra, trước khi phê bình văn chương Truyện Kiều. Nếu không, kẻ nói một đằng, người nghe một nẻo, kẻ nói cũng nói mơ hồ mà người nghe cũng nghe sai lẫn. Như thế thì sao gọi là phê bình, là khảo luận được? Vì nghĩ như vậy nên chúng tôi không thấy lạc đề khi để rất nhiều chương sách bàn về những điều mà có người nông nổi sẽ cho là không quan hệ với công việc phê bình văn chương Truyện Kiều. Chúng tôi muốn thiết lập một hệ thống nguyên tắc và vững chãi làm kim chỉ nam cho sự phê bình văn nghệ hơn là bàn tán dông dài về những chi tiết hay cái đẹp của Truyện Kiều. Có hệ thống ấy rồi, các bạn đọc sẽ có thể tự mình “hiểu” lấy “cái đẹp” của Đoạn trường tân thanh. Đi vội đến kết luận không bằng bầy ra cái phương pháp hiệu nghiệm nhất để hướng người ta đến kết luận ấy: đó là dụng ý của chúng tôi khi cho xuất bản tập bình luận bé nhỏ này.

Tuy vậy, chúng tôi cũng không quên bàn đến giá trị văn nghệ Truyện Kiều. Cả một thiên thứ ba luận về chất thơ, vật liệu và cái đẹp hình thức của áng thơ lục bát ấy: chứng luận tuy ít, nghiên cứu tuy sơ lược, nhưng cũng đủ để “lột trần” ra trước mắt các bạn đọc “chân giá trị” của Truyện Kiều mà người ta thường ca tụng, chiêm bái “không dám mổ xẻ”, tin là “bất hủ”. Phần thứ ba này có thể như là một thiên biểu chương (illustration) của những nguyên tắc phê bình nêu ra ở Phần thứ hai vậy.

Trước khi chấm hết bài tựa này, chúng tôi không thể không nói qua về vấn đề “chủ quan và khách quan” đã được một vài nhà tân học (Nguyễn Văn Tố, Đinh Gia Trinh, Lê Huy Vân) “đặt lên thảm” trong lúc họ “phê bình” cuốn Nguyễn Du và Truyện Kiều của chúng tôi. Ở đây, lần này, chúng tôi muốn trình bầy dứt khoát hẳn ý kiến chúng tôi về vấn đề ấy, để từ nay về sau khỏi có sự hiểu lầm.

Các nhà văn học ấy trách tôi đã mang sẵn một ý định chủ quan khi bắt đầu nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều rồi dụng tâm gò ép các sự kiện, các tài liệu, các lý luận cho hợp với ý định chủ quan kia. Tôi không chối cãi rằng tôi vẫn có sẵn một “hệ thống ý tưởng” khi nghiên cứu Nguyễn Du cũng như khi nghiên cứu bất kỳ sự trạng nào. Nhưng hệ thống ý tưởng ấy không phải tôi có từ thưở lọt lòng. Nó được đào luyện trong ý thức tôi theo một quá trình nào đó, bị quy định bởi một ảnh hưởng xã hội nào đó và có những thuộc tính hợp với xu hướng lịch sử của một đẳng cấp nào đó. Tiếp xúc với bất kỳ vật gì, hiện tượng gì, trạng thái gì, tôi cũng phản ứng lại theo sự xui dục của hệ thống ý tưởng đã thành hình ấy. Nếu gọi đó là chủ quan thì hệ thống này chính là chủ quan của tôi. Và tôi tưởng người nào cũng có một chủ quan như thế - có khác nhau là khác ở chỗ chủ quan của người này được hệ thống hoá hơn hay kém chủ quan của người nọ.

Điều quan hệ ở đây, không phải là có hay không cái chủ quan kia khi nghiên cứu và phê bình. Điều quan hệ là chủ quan ấy phản chiếu cái khách quan thực tại nào trong hoàn cảnh xã hội đang phát triển. Nếu chủ quan của tôi phản chiếu đúng cái khách thể đang sinh thành thì là nó thuận tiến hoá. Nếu nó phản chiếu cái khách thể đang cản trở sự tiến hoá lại là nó phản động. Giá trị của chủ quan một cá nhân bị lệ thuộc vào sự nó thuận hay phản tiến hoá trong giai đoạn lịch sử của xã hội đương thời với cá nhân ấy.

Phê bình văn nghệ, phải biết lựa chọn những cái đẹp hợp với chủ quan mình mà thưởng thức, mà tự giáo hoá. Và một mặt nữa phải biết “bài trừ” những “cái đẹp” mà mình cho là cản trở sự tiến hoá xã hội. Không biết chọn, văn chương nào cũng thấy là đẹp, văn phái nào cũng cho là hợp lý; đó là thái độ của những nhà phê bình mà Oscar Wilde đã mệnh danh là “kẻ đứng bán hàng đấu giá” (commissaires – priseurs) trong giới nghệ thuật. Thái độ ấy, trong danh từ triết học chuyên môn gọi là thái độ chiết trung (attitude éclectique). Ở đây cũng như bất cứ ở đâu chiết trung là cái bình phong của tâm lý phản động.

Những kẻ theo hoài nghi chủ nghĩa sẽ hỏi chúng tôi: “đã chắc cái chủ quan của ông là hợp với xu hướng tiến hoá chưa?” Vấn đề: “Ý thức chủ quan của ta hợp hay không hợp với xu hướng khách quan” không phải là một vấn đề nhận thức mà là một vấn đề chỉ có thể giải quyết được bằng sự thực tiễn. Trong lúc sự thực tiễn chưa giải quyết vấn đề ấy thì giá trị của một người biết suy nghĩ là dám lựa chọn, dám bênh vực một cái gì, dám bài trừ một cái gì nếu có sự nhầm lẫn, sự thực tiễn sẽ tu chính lại cái nhầm của chúng ta – miễn là nhầm nhưng để phá hủy cái đang có, để đi tới.
Tác giả



Phần thứ nhất: Vấn đề Truyện Kiều

Trong giới trí thức xứ ta, chưa có tác phẩm văn chương nào làm bận rộn dư luận một cách phiền phức bằng Truyện Kiều của thi sĩ Nguyễn Du. Hơn trăm năm nay, hết lớp nhà nho quý tộc này đến lớp nhà nho lạc ngũ khác, hết loại học giả tư sản nọ đến loạt văn nhân trung lưu kia, kẻ trước người sau, kẻ xướng người hoạ, kẻ đánh người đỡ, đua nhau, thi nhau hùa nhau bàn về thơ Kiều, luận về nàng Kiều, phê phán tác giả Truyện Kiều, hát tuồng Kiều, chiếu phim Kiều, kỷ niệm Kiều… bầy ra một cảnh tượng văn chương náo nhiệt, mới thoạt nhìn tưởng như chỉ thuần một tính cách thẩm mỹ mà xét kỹ thì thấy chứa đựng nhiều tính cách tâm lý xã hội rất xâu xa, phức tạp.

Đồng thời với Nguyễn Du, có Phạm Lập Trí, Mộng Liên Đường chủ nhân; tiếp theo sau là Minh Mạng, Hà Tôn Quyền, Nguyên Văn Thắng, Nguyễn Công Trứ, Tự Đức; sau nữa là Nguyễn Khuyến; Chu Mạnh Trinh; rồi đến Trương Vĩnh Ký, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng; Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Tản Đà, Nguyễn Văn Tố, Dương Quảng Hàm v.v. Gần đây hơn nữa, Nguyễn Tường Tam, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hán, Đinh Gia Trinh, Nguyễn Mạnh Tường... bấy nhiêu nhà trí thức, văn nhân, thi sĩ, thị hiếu không đồng nhau, tài lược không giống nhau, tư tưởng phần nhiều trái nhau, tâm hồn tiêu biểu cho những cốt tinh đẳng cấp nghịch nhau mà đều lần lượt nối lời nhau bàn luận về Truyện Kiều, băn khoăn về Truyện Kiều, dù khen hay chê, tâng bốc hay mạt sát cũng đều chan chứa một lòng hăng hái nhiệt thành – đủ tỏ rằng vấn đề Truyện Kiều không phải chỉ là một vấn đề văn chương thuần túy mà đã biến thành một vấn đề văn hoá. Hơn nữa, nó đã thành một “cớ” để kích động sự xung đột về tư tưởng, về tình cảm, về nhân sinh quan, về xu hướng xã hội của các đẳng cấp lịch sử, có những cá nhân ý thức đại diện.

Truyện Kiều của Nguyễn Du, mỗi cá nhân ấy đã dụng tâm khám phá ra được một cái hay, một cái đẹp riêng để phóng cái chủ quan của mình vào đó mà tô điểm, nâng niu, thưởng thức. Truyện Kiều hầu đã hoá ra một phương tiện để họ tự bênh vực và tự thực hiện một cách gián tiếp. Vì thế cho nên dòng dã hơn một thế kỷ nay, người ta bàn luận về Truyện Kiều kể đã tốn bao nhiêu hơi, cạn bao nhiêu mực mà chân tướng nghệ thuật của nó vẫn còn là một bí mật chưa ai khám phá ra được. Các lời phê bình Truyện Kiều từ trước đến nay tố cáo cái chủ quan lầm lẫn của các người phê bình nhiều hơn là giải thích cái tinh hoa của tác phẩm bị phê bình.

Tuy vậy, các nhà phê bình nhất thời ấy, bởi phải va đụng, xung đột với nhau, cũng đã nêu ra được giữa văn học giới nước ta vấn đề Truyện Kiều, mặc dầu cách phát vấn đề còn thiếu sót, sai lạc và lời giải còn mập mờ, thiên lệch.

Trước khi nói đến thực giả nghệ thuật của Truyện Kiều, chúng ta hãy kiểm điểm lai lịch và nội dung của vấn đề Truyện Kiều, xem những người đi trước chúng ta đã bước vào đó bằng ngõ ngách nào và đã ra khỏi đó bằng đường lối nào. Sự phê bình nghệ thuật Truyện Kiều sẽ nứt ra ở ngay cái quá trình phê bình những người đã phê bình nó.

Những ý kiến phê bình Truyện Kiều từ xưa đến giờ có thể xếp vào ba loại chính, mỗi loại tiêu biểu cho ý thức hệ của một hạng người có đẳng cấp tính rõ rệt:

I. Loại phong kiến
II. Loại tư sản
III. Loại tiểu tư sản



I. Loại phong kiến

Đây là lập trường của tất cả các nhà nho cũ và mới, kể từ Minh Mạng, Tự Đức cho đến Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng. Dầu ý kiến của các nhà nho ấy khác nhau một trời một vực về các phương diện (chính trị, xã hội), họ vẫn có một điểm giống nhau khi luận về văn chương: đó là cái nguyên tắc văn dĩ tải đạo, (văn để chép Đạo), một trong những yếu tố triết lý cấu thành hệ thống Nho giáo. Theo nguyên tắc ấy thì văn chương phải dùng để biểu dương đạo lý (tức là đạo Nho, đạo Khổng) chứ không được có tính cách du hí. Một nhà nho không bao giờ có thể quan niệm được một thứ văn chương chơi. Hoặc có nhìn nhận cái kỹ xảo của thứ văn chương chơi ấy thì cũng vẫn coi nó như một vật vô giá trị vì vô dụng. Nếu cái thứ văn chương kia mà lại phô diễn những điều trái với đạo thánh hiền thì bổn phận của nhà nho là phải bài trừ nó cho tuyệt diệt.

“Một cái hộp sơn son thếp vàng, trổ rồng chạm phượng về mặt mỹ thuật rõ là cực tốt mà ở trong đựng những vật có chất độc, ai khen tốt mặc ai, chứ những người chỉ nó mà nói với công chúng rằng trong có chất độc, chất độc ấy có hại thật không có chút gì là tàn nhẫn mà khi nào cũng là chính đáng cả…” (Huỳnh Thúc Kháng – Tiếng dân số 661 ra ngày 24.1.1934)

Câu lý luận đặc nho này có thể coi như lý luận mẫu mực của tất cả những môn đồ Khổng – Mạnh mỗi khi họ bàn về giá trị một tập văn. Cũng như trong đời xã hội họ đặt phẩm hạnh (nho) trên bài học trong sự định giá văn chương; họ coi nội dung (đạo lý) trọng hơn hình thức (kỹ thuật). Đối với họ nghệ thuật phải phụng sự Đạo, tức là Nho giáo, mà cũng tức là chế độ phong kiến theo quan niệm Nho giáo.

Cái đạo ấy, ở mỗi phương diện sinh hoạt của cá nhân và xã hội, lại nêu ra một nguyên tắc chỉ huy riêng. Về phương diện tổ chức xã hội: nguyên tắc tôn ti trật tự, về phương diện chính trị: nguyên tắc quân chủ và trung ương tập quyền (đạo trung), về phương diện gia đình: nguyên tắc phụ quyền (đạo hiếu). Và ở mỗi phương diện sinh hoạt ấy, cá nhân phải hành động theo một mạng lệnh luân lý đã thiết định sẵn trong Tứ Thư, Ngũ Kinh của thánh hiền.

Bởi đạo nho phức tạp và bao quát như vậy, nên đối với Truyện Kiều ngay trong phái nhà nho cũng kẻ khen người chê, tự kiến xung đột nhau kịch liệt; đó là tùy cái chỗ đứng của mỗi người trong thành trì Nho giáo để nhìn vào Truyện Kiều mà phê phán. Nghiên cứu sơ lược dưới đây hai ý kiến khen và chê Truyện Kiều đã xuất hiện trong đoàn thể nhà nho, ta sẽ nhận được dễ dàng tính cách chung (phong kiến) của cả hai phái và ta sẽ thấy rõ nguyên nhân xã hội khác nhau ở hai thời kỳ lịch sử khác nhau của tư tưởng hai phái ấy.

A. Phái khen Truyện Kiều – Để biện hộ cho quan điểm: Truyện Kiều không phải là một dâm thư, ông Đào Duy Anh trong cuốn Khảo luận về Kim Vân Kiều [1] có đoạn viết:

“Nhà nho nghiêm nghị, chân chính ai cho bằng Minh Mạng và Hà Tôn Quyền mà ngay khi Đoạn trường tân thanh mới ra đời, vua tôi đã cùng nhau đem ra làm đề ngâm vịnh, ở triều Tự Đức, vua tôi cũng đều là những nhà nho uyên bác và cố chấp thế mà giữa triều đình ta cũng thấy Truyện Kiều được đem ra làm đầu đề bình luận mà chính vua Tự Đức đã mê sách ấy đến nói rằng… ‘Mê ngựa Hậu bổ, mê nôm Thúy Kiều’. Ta xem thế thì chỉ đối với những nhà nho chính thống, Truyện Kiều không phải là dâm thư” (trang 195 - 196). Các vua Minh Mệnh, Tự Đức và định thần đều tán thưởng, ngâm vịnh Truyện Kiều của Nguyễn Du, sự ấy có thực. Nhưng căn cứ vào chỗ có sự ngâm vịnh ấy thì không lấy để kết luận như ông Đào Duy Anh “xem thế thì đối với những nhà nho chính thống, Truyện Kiều cũng không phải là dâm thư” thì không được thông lắm. Ta có thể thu gọn lý luận của ông Đào Duy Anh vào một thứ hình thái tam đoạn luận sau đây:

Đã là nhà nho chính thống, thì không tán thưởng dâm thư;

Các vua Minh Mệnh, Tự Đức là những nhà nho chính thống mà cũng đã tán thưởng Truyện Kiều.

Vậy Truyện Kiều không phải là một dâm thư.

Lý luận này vấp phải những câu nghi vấn dưới đây mà ông Đào không ngờ đến nên không giải thích, là:

  1. Các vua Minh Mệnh và Tự Đức có phải là những nhà nho chính thống không?

  2. Thí dụ vua là nhà nho chính thống đi nữa thì có phải vì tán thưởng Truyện Kiều mà kết luận được rằng Truyện Kiều không phải là dâm thư không?

  3. Ngoài cái tính cách dâm (hay không dâm) Truyện Kiều lại không còn chứa đựng những tính cách nào khác khiến các vua Minh Mệnh, Tự Đức phải tán thưởng hay sao?

  4. Lúc tán thưởng Truyện Kiều, các vua Minh Mệnh, Tự Đức có chú ý đến tính cách dâm tà hay không dâm tà của nó không?
Đặt ra mấy câu hỏi đó, tức là đã gián tiếp bẻ gẫy lý luận của ông Đào Duy Anh rồi. Ông Đào không thể quan niệm được rằng các bậc vua kia có thể là nhà nho chính thống; Truyện Kiều có thể là một dâm thư, vậy mà họ vẫn có thể tán thưởng Truyện Kiều – vì ông không đặt mối quan hệ giữa Truyện Kiều và các bậc vua quan kia vào cái gốc rễ xã hội thực của nó trong không gian và thời gian; và ông quên rằng đạo nho “chính thống” ngoài những chủ trương bênh vực gia đình phu quyền, bênh vực luân lý hôn nhân còn có những chủ trương chính trị, xã hội khác cần thiết cho đẳng cấp thống trị phong kiến hơn.

Quả vậy, Truyện Kiều được các vua quan dưới những triều Minh Mệnh, Tự Đức đem ra làm đầu đề ngâm vịnh, đâu có phải vì nó không có tính cách dâm tà mà chính là vì nó có lợi cho chế độ quân quyền tập trung và trật tự phong kiến thời ấy. Nói thế không phải là nhất mực cho Truyện Kiều là một dâm thư (vấn đề này sẽ được bàn kỹ ở những chương khác). Nói thế chỉ cốt chứng tỏ rẳng Truyện Kiều dù là dâm thư mà chứa đựng những điều ích lợi cho chế độ phong kiến buổi đó thì các vua quan tất cũng tán thưởng và cổ lệ nó – như tán thưởng và cổ lệ một Gia huấn ca hay một bản Thập điều chắng hạn.

Chúng ta nên nhớ luôn luôn rằng văn chương vốn là một lợi khí giai cấp, một phương tiện chính trị gián tiếp. Mà vua lại là một ông vua có ý thức phong Minh Mệnh phú về đế quyền của mình và rất sở trường về những cách dùng người dùng vật để làm “vững” đế quyền ấy [2] .

Nếu ta không quên rằng trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã hy sinh một nhân vật anh hùng “chọc trời quấy nước” cho sự bình trị của quốc gia, đã uốn cong đập bẹp một nhu cầu tình cảm của cá nhân để bảo vệ cho trật tự gia định Nho giáo, đã đem bao nhiêu khí phách “nghênh ngang một cõi biên thùy” đè ép dưới một “thánh trạch dồi dào”, đã cho cái Mệnh (trật tự phong kiến) quất ngang lưng cái Tài (phản động lực của cá nhân) những roi đòn ác liệt bắt phải tòng phục, để “ai ai cũng đội trên đầu” cái “công đức bình thành” của nhà vua, nếu ta không quên những cái đó của Truyện Kiều thì ta không còn ngạc nhiên chút nào khi thấy vua quan các triều Minh Mệnh, Tự Đức tán thưởng nó, ngâm vịnh nó. Đó là một hành vi chính trị vậy.

Tuy nhiên, sự thưởng thức Truyện Kiều của các vị quan liêu sĩ phiệt ấy cũng không hẳn có độc một nguyên nhân chính trị. Nó còn mang dấu vết của nhiều động lực tâm lý và lịch sử phức tạp nữa. Ta có thể kể đến ba động lực sau đây:

a. Lòng tự phụ quốc gia

Nước Nam ta đến đầu triều Nguyễn mới thành một quốc gia rộng lớn gồm cả Bắc, Trung, Nam và có tính cách đế quốc (đô hộ Chân Lạp uy hiếp Xiêm La). Giai cấp quý tộc và sĩ phiệt lần này mới có điều kiện để tự cao tự đại về công nghiệp kiến thiết quốc gia của mình. Về các phương diện, họ muốn tỏ ra có một năng lực mạnh mẽ không kém gì Trung Hoa (hồi đó ta chỉ biết so sánh với Trung Hoa). Riêng về văn học, từ thời mà dân Việt Nam có ý thức về sức mạnh của mình sau khi thắng quân Mông Cổ (nhà Trần) đã có các nhà vua như Hàn Thuyên dụng tâm xây dựng nền móng một văn hoa quốc gia tự lập bằng chữ Nôm, để giải phóng tư tưởng khỏi gông cùm Hán tự. Trải mấy phen được chính phủ nâng đỡ và cổ xúy (nhà Hồ, Tây Sơn), đến cuối thế kỷ XVIII, văn quốc âm đã tạo ra được nhiều tác phẩm giá trị, trong số đó có Truyện Kiều của Nguyễn Du. Giai cấp quý tộc và sĩ phiệt triều Nguyễn lấy làm vinh hạnh vì đã có thể đưa ra được một áng thơ không kém các áng thơ hay của Trung Quốc…

Lòng tự phụ quốc gia này lộ rõ rệt nhất hai câu phê của vua Tự Đức:

“Văn như Siêu, Quát, vô Tiền Tấn,
Thi đáo Tùng, Tuy, thất Thịnh Đường
.”


b. Giải thoát bản năng và tình cảm

Ta đã biết rằng thời Minh Mạng và Tự Đức là một thời loạn. Những năm yên ổn chỉ là cái phản động lực may mắn của giai cấp thống trị đối với sự băng hoại chính trị và luân lý của toàn thể xã hội… Trong sự đứt tung của trật tự xã hội đó, luân lý cá nhân tất nhiên bị khủng hoảng. Các bản năng tình dục được dịp tuôn ra khỏi gông cùm của tôn giáo, luân lý và pháp luật. Toàn thể cuộc sinh hoạt, vì thế, ứa lên một tính chất tình dục tất nhiên phải có mỗi khi áp lực xã hội bị lỏng lẻo. Cuối thế kỷ XVIII sang đầu thế kỷ XIX, trong văn học giới, nẩy nở ra ba tác phẩm tiêu biểu cho phương diện ấy của tình trạng xã hội: Cung oán ngâm khúc; Thơ Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều. Ở cả ba tác phẩm này, tình yêu và tình dục được phô diễn rất là táo tạo. Đọc những đoạn trong Cung oán tả cái hoài niệm của người cung phi lẻ bóng tưởng nhớ đến những ân ái với nhà vua, đọc những bài thơ xuân tình chan chứa một niềm khát vọng lứa đôi của nữ sĩ họ Hồ, đọc những cảnh “nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng” trong Truyện Kiều ta không thể ngờ được rằng đó là văn chương của thời phong kiến, của thời mà giáo lý độc tôn là đạo Nho – vả lại, do những tâm hồn đã miệt mài nơi cửa Khổng sân Trình sáng tác ra. Có thứ văn chương lãng mạn phóng đãng ấy lập tức áp lực của luân lý phong kiến đã tan rã nhiều lắm rồi. Cái táo bạo của thi nhân phản chiếu cái không khí đồng loã của hoàn cảnh xã hội. Sống trong một không khí sặc sụa niềm ân ái, chứa chất men tình dục, các sĩ phiệt đương thời tránh sao được sức cám dỗ ấy. Huống hồ sức cám dỗ này lại đánh thức dậy ở họ cái phận “người” nhất của con người.

Ngặt vì:

“Nghĩ mình phương diện quốc gia,
Quan trên ngắm xuống người ta trông vào.
Phải tuồng trăng gió hay sao,
Sự này biết tính thế nào được đây?”

Cái tâm lý băn khoăn ấy của vị đại thần Hồ Tôn Hiến trong Truyện Kiều cũng là tâm lý chung của giai cấp quý tộc đồng thời với Nguyễn Du và dưới triều Tự Đức. Trước khi là người, họ phải làm vua, là quan, là sĩ phu – là những kẻ học làm thánh hiền đã. Và vị trí xã hội cùng quyền lợi của họ cũng lại chỉ giữ vững được bằng cách sống “sân khấu” đó. Cho nên, mặc dầu âm thầm, xác thịt đòi hỏi cấp bách sự thoả mãn, họ cũng vẫn phải có những hành vi “chính đính” hợp với lời răn dạy của thánh hiền.

Nhưng sự thúc giục của hoàn cảnh xã hội và sự yêu cầu phát triển của chính bản năng họ đã mạnh hơn cả cái ý muốn đóng trò kia. Bởi vậy, viên đại thần Hồ Tôn Hiến trong một phút điên cuồng, đã quên bẵng mất vai trò sĩ phiệt của mình mà chòng ghẹo Thúy Kiều:

“Bắt nàng thị yến dưới màn
Giở say lại ép cung đàn nhặt tâu.”

Rồi, sau khi “mặt sắt đã ngây vì tình” lại còn

“Dạy rằng hương lửa ba sinh,
Dây loan xin nối cầm lành cho ai.”

để đến lúc tỉnh rượu mới hối hận về cái thái độ “tầm thường” của mình khi quá chén.

Giai cấp quý tộc sĩ phiệt về các triều Minh Mệnh, Tự Đức thỉnh thoảng cũng thấy cần say một vài phút như Hồ Tôn Hiến để thoát ly cái sống giả trá, chật hẹp hàng ngày. Họ say, họ thoát ly, bằng cách thưởng thức cái văn chương có đủ ma lực làm cho họ lãng quên chốc lát vai trò mô phạm quan định để trở về với sự sống thực của con người.

Biết đâu các “nhà nho chính thống” ấy lại chắng đã ngâm vịnh Kiều chỉ vì thấy nó ở một thứ “quả cấm” cần dùng cho bản năng và tình cảm?

c. Quá ham chuộng thi ca

Giở sử sách ra xem, ta phải nhận ngay thấy rằng đẳng cấp sĩ phiệt ở các triều Minh Mệnh, Tự Đức chỉ sinh có một tài nghệ là: làm thơ. Nhất là dưới triều Tự Đức thì cái sinh ấy lại càng rõ rệt lắm. Ông Sử Bình Tử, trong báo Tiếng dân số 40 ra ngày 15.7.1931, có nhắc đến cái lối ham chuộng thi văn dưới triều Tự Đức và chép lại những câu thơ đó rồi phê bình như dưới đây:

a. “Ông Trần Tiến Thành nối ông Trương Đăng Quế làm thủ tướng. Đang cuối triều Tự Đức lại đương chức binh cơ trọng yếu, biết bao là việc quan hệ mà mỗi lần vua ban thì cũng bắt hoạ lại. Ông hoạ bài thi ngự chế nguyên nhật có câu: “Nửa kiếp nước non còn chửa trả, mấy năm mang trướng hổ không công”, vua phê khen rằng: “Thanh luật ý tứ đều hợp, khiến cho người ta đọc mà cảm kích”.

Ông Phạm Phú Thứ sang chức Thượng chánh đại thần ở Hải Dương, giao thiệp với người Pháp về chuyện thông thương, việc quan trọng là dường nào, khi hệ từ ra đi, vua thiết yến đãi và tặng một bài thi có câu: “Mày xanh sớm bước còn ham học, đầu trắng ban suông luống gọi nho” rồi bắt phải hoạ lại…

Bênh vực ý thức hệ phong kiến cùng điều kiện cho lòng tự phụ của quý tộc và sĩ phiệt, đủ năng lực đánh thức dậy ở những tâm hồn nho các bản năng cần thiết cho cuộc sống, thừa tính cách hoa mỹ não nùng để làm món ăn tinh thần cho một đẳng cấp băng hoại, Truyện Kiều được ngâm vịnh, ưa chuộng thật là “thuận lẽ” vậy.



[1]Quan hải tùng thư (Huế) xuất bản - 1943
[2]Các bạn muốn biết rõ về chính trị của vua Minh Mệnh, xin xem lại cuốn Nguyễn Công Trứ (đã xuất bản trong loại Tân Văn Hoá) của N.B.K.
Nguồn: Tạp chí Văn má»›i, Nxb Hàn Thuyên, Hà Ná»™i 1945, bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.