© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
30.3.2006
Hoàng Xuân Đài
Một đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam vào năm 2020?
 
The illiterate of the 21st century
will not be those who cannot read and write,
but those who cannot learn, unlearn and relearn.

Alvin Toffler - nhà tương lai học


Trong chuyến thăm Mỹ tháng 6 năm 2005, ông Phan Văn Khải, Thủ tướng Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã đề nghị một số trường đại học hàng đầu của Mỹ giúp Việt Nam xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế. Đáp lại yêu cầu này, Ông Thomas Valley, Giám đốc Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard, đã soạn một đề cương gồm bốn phần. Phần đầu tiên phân tích một cách ngắn gọn những thách thức chính mà nền giáo dục đại học Việt Nam đang gặp phải. Phần hai xem xét những cấu thành của một hệ thống giáo dục đại học hiện đại và những nguyên tắc quản lý cơ bản quyết định tới sự thành công của hệ thống giáo dục đại học. Phần ba chỉ ra những lựa chọn về chính sách của Việt Nam. Phần cuối cùng đề xuất chiến lược xây dựng một trường đại học mới, hàng đầu cho Việt Nam… [1]

Sau khi bản đề cương này được công bố, dư luận đa phần đều hồ hởi ủng hộ.

Thực trạng của nền giáo dục Việt Nam đã được phân tích qua bản kiến nghị “Chấn hưng, cải cách, hiện đại hoá giáo dục[2] của nhóm Hướng về Giáo dục do ông Hoàng Tuỵ [3] chủ xướng. Bản kiến nghị này gồm ba phần. Phần đầu phân tích thực trạng của giáo dục để tìm ra cái gốc các khó khăn và bất cập hiện nay. Phần thứ hai đề xuất phương hướng hiện đại hoá giáo dục để khắc phục các khó khăn và bất cập một cách cơ bản. Phần thứ ba trình bày một số giải pháp cấp bách cần thực hiện để trả lại môi trường hoạt động bình thường cho giáo dục, và mở đường chuyển dần sang cải cách, hiện đại hoá toàn hệ thống.

Qua thực trạng này, cùng những khó khăn trong quá trình xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế tại Trung Quốc và ánh sáng của lý thuyết giáo dục như một đầu tư với vốn là con người - được trình bày sau đây - có lẽ một thái độ khác cần được đem ra bàn cãi.


1. Những khó khăn trong quá trình xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế tại Trung Quốc

Theo giáo sư Nian Cai Liu [4] , Viện Giáo dục Cao cấp, Đại học Giao thông Thượng Hải, xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế là giấc mơ của nhiều thế hệ nhân dân Trung Quốc, từ giới chính trị, đại học, chính phủ, lãnh đạo giáo dục, sinh viên đến cả quảng đại quần chúng.

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu một dự án lấy tên là Dự án 985 [5] để xây dựng một số trường đại học đẳng cấp quốc tế trong một tương lai không xa. Gần đây, các viên chức chính phủ bày tỏ những kỳ vọng dứt khoát xây dựng nhiều đại học nghiên cứu lên tầm cỡ quốc tế vào năm 2020. Nhưng vấn đề khó là không có một chuẩn phổ biến để xác định thế nào là một đại học đẳng cấp quốc tế. Phần đông các đại học Trung Quốc vẫn không hiểu rõ thế nào là một đại học đẳng cấp quốc tế và phải làm gì để trở thành một đại học đẳng cấp quốc tế. Để có thể phát hiện cái hố ngăn cách giữa đại học Trung Quốc và các đại học đẳng cấp quốc tế trên thế giới, Viện Giáo dục Cao cấp thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải đã xếp hạng các đại học toàn cầu theo các thành tích nghiên cứu và có tính chất học thuật dựa trên các dữ kiện có thể so sánh được trên thế giới mà ai cũng có thể kiểm tra được. Chỉ có 8 đại học Trung Quốc được xếp hạng trong 500 đại học hàng đầu trên thế giới. Vị trí tối ưu của một đại học Trung Quốc được xếp trong hạng 151 đến 200. [6]

Cái hố ngăn cách chính giữa đại học hàng đầu Trung Quốc và các đại học đẳng cấp quốc tế là phẩm chất của các phân khoa và nghiên cứu, biểu thị bằng:

Trong số 100 đại học đẳng cấp quốc tế hàng đầu (top 100) trung bình có 4,4 thành viên giảng huấn được giải Nobel và huy chương Fields (tương đương với giải Nobel cho toán học), 56 nghiên cứu gia cao cấp được kể tên trong các ngành học thuật lớn. Trong khi đó, Trung Quốc không có giải Nobel, huy chương Fields cũng như không có một nhà nghiên cứu nào được kể tên trong các ngành học thuật chủ yếu.

Trên 85% giảng viên của 100 trường đại học đẳng cấp quốc tế hàng đầu (top 100) đều tốt nghiệp tiến sĩ tại 100 đại học hàng đầu thế giới, trong khi đó Trung Quốc chỉ có 10% cho những đại học nghiên cứu hàng đầu như đại học Bắc Kinh và đại học Thanh Hoa. Hai đại học này cũng đạt được thành tích cao nhất về số lần được kể tên trên những bài nghiên cứu được liệt kê trong Bảng liệt kê Trích dẫn về Khoa học (Science Citation Index). Thành tích này là 2 và 3 lần, trong khi đó đại học Harvard đạt đến 25 lần. [7]

Tuy chính phủ Trung Quốc gia tăng tài trợ cho các trường đại học trong những năm gần đây, nhưng ngân quỹ của các đại học này vẫn còn kém xa so với các đại học đẳng cấp quốc tế. Do đó, các đại học hàng đầu của Trung Quốc không đủ sức mạnh tài chính để thu hút các giáo sư đẳng cấp quốc tế.

Thêm vào những khoảng cách về thành tích học thuật và tài chính, những đại học nghiên cứu hàng đầu Trung Quốc tụt hậu so với các đại học đẳng cấp quốc tế trong các vấn đề không thuộc về học thuật như quản lý đại học (university management) và văn hoá học thuật (academic culture).

Về mặt quản lý đại học, sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc trên đại học càng ngày càng thoáng. Tuy nhiên chính quyền vẫn còn ảnh hưởng mạnh trên việc phân phối nguồn tài trợ, phê chuẩn giáo trình, đánh giá dự án, thăm viếng các trường sở đại học ngoại quốc, các cuộc hội thảo, gặp gỡ quốc tế. Con đường dẫn đến tự trị đại học vẫn còn là một cuộc trường chinh. [8]

Về mặt văn hoá học thuật, Trung Quốc có những nhược điểm sau đây:

Nói tóm lại, mặc dầu chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều cố gắng lớn để cải thiện những đại học nghiên cứu bằng cách chu cấp tài chính và tổ chức lại cơ cấu, nhưng khoảng cách giữa đại học nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc và đại học đẳng cấp quốc tế vẫn còn rất lớn và những thử thách trong quá trình xây dựng đại học nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc lên hàng đại học đẳng cấp quốc tế vẫn còn nghiêm trọng. Chìa khoá của thành công tuỳ thuộc năm điều kiện sau đây:



2. Lý thuyết giáo dục như một đầu tư với vốn là con người

Khái niệm vốn con người (human capital, capital humain) đã được kinh tế gia Adam Smith đề cập đến trong tác phẩm The Wealth of Nations, vào cuối thế kỷ 18 (bắt đấu viết vào năm 1766 và kết thúc vào năm 1776).

Lý thuyết vốn con người được Gary Becker, giáo sư Đại học Chicago, giải Nobel kinh tế 1992, khai triển vào năm 1962. Vốn con người được định nghĩa như tập hợp những năng lực sản xuất mà một cá nhân thu được nhờ tích luỹ những hiểu biết tổng quát hay đặc thù, những kỹ năng và sự thành thạo, v.v...

Khái niệm “vốn” diễn tả ý niệm một dự trữ phi vật thể quy cho một người, có thể tích luỹ và hao mòn.

Những nhà kinh tế khảo sát một cách nghiêm túc về sự thu hồi của đầu tư trong giáo dục từ 50 năm nay.

Kỹ thuật tính toán tỉ suất thu hồi cá nhân (RI, rate-of-return) tập trung trên sự khác biệt về thu nhập bình quân hàng năm giữa những người có trình độ giáo dục khác nhau (chẳng hạn trình độ trung học với trình độ tiểu hoc, v.v…).

Như mọi đầu tư, nó được đánh giá một cách khái quát như sau:

RI = (B-A)/A

Trong đó:

A = chi phí ban đầu + giá phải trả khi đi học + chi phí tương ứng (mua sách v.v...) + giá của cơ hội, thời cơ (nghĩa là số tiền công được trả nếu đi làm ngay, không tiếp tục học thêm)

B = lợi tức tương lai được cập nhật sang giá trị thực tại.

Những kỹ thuật này cũng phân tích những tỉ suất thu hồi xã hội bằng cách so sánh số lượng tiền bao cấp công cộng cho giáo dục với số lượng tiền thuế có thể thâu được nhờ số tiền kiếm thêm được của những người có trình độ giáo dục tương ứng.

Sự ước lượng tỉ suất thu hồi của đầu tư vốn con người theo mức độ giáo dục cho phép các nhà hoạch định chính sách công cộng phán đoán hiệu lực của chính sách giáo dục để đạt mục tiêu tuỳ theo các mức độ khác nhau trong hệ thống giáo dục. Chẳng hạn, nếu tỉ suất thu hồi xã hội của giáo dục tiểu học cao hơn tỉ suất thu hồi xã hội của giáo dục cao đẳng, điều đó cho phép kết luận giáo dục tiểu học là một đầu tư có lợi hơn giáo dục cao đẳng, v.v...

Đây cũng là kết luận của các chuyên gia kinh tế của World Bank theo kết quả của các nghiên cứu tại các nước đang mở mang. Từ đó, World Bank có chính sách giúp đỡ các chương trình phát triển giáo dục tiểu và trung học hơn là đại học. Quan điểm này đã có ảnh hưởng mạnh trên chính sách của rất nhiều tổ chức viện trợ tài chính quốc tế. [10]


3. Thay lời kết: đã đến lúc xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam chưa?

Về mặt học thuật, trước hết, ta có thể dùng các tiêu chuẩn về các đại học đẳng cấp quốc tế mà giới đại học Trung Quốc đã đề ra (số các phân khoa chiếm được những giải thưởng khoa học quốc tế, những nhà nghiên cứu cao cấp được kể tên trong những ngành học thuật chủ yếu, thành viên giảng huấn có những bằng cấp của các đại học đẳng cấp quốc tế, số lần được kể tên trong các bài báo nghiên cứu), để thấy ngay đại học Việt Nam còn phải có rất nhiều cố gắng về lâu về dài mới có thể tiếp cận được các tiêu chuẩn này.

Về mặt kinh tế, vẫn theo các nghiên cứu gần đây của giới đại học Trung Quốc, phần đông các nước của 100 đại học hàng đầu trên thế giới có số GPD lớn hơn 210 tỉ USD và và số GPD/đầu người lớn hơn 25.000 USD. Về mặt này, ta cũng đi đến một kết luận tương tự như trên.

Về mặt ngân sách, giáo dục tại Việt Nam rất thấp kém.Theo tin VietnamNet ngày 28 tháng 3 năm 2004, tại hội thảo về chấn hưng giáo dục gần đây, một đại biểu tham dự hội thảo nêu ra con số 4 tỉ USD nhà nước ta chi cho giáo dục (với 22 triệu học sinh) hàng năm, tức là số chi bình quân cho mỗi học sinh là 182 USD. Để thấy con số này là nhiều hay ít chỉ cần so sánh với ngân sách nhà nước chi cho giáo dục của Nhật Bản 13 năm trước đây (1992) với 25 triệu học sinh là khoảng 50 tỉ USD, tức là số chi bình quân cho mỗi học sinh ở Nhật Bản là 2000 USD, gấp hơn 10 lần của Việt Nam. Ngoài ra, chi phí gia đình phải trả cho một học sinh học cấp 3 trường công ở Nhật là vào khoảng 4000 - 5000 USD mỗi năm. Lương một giáo viên độc thân 23 - 24 tuổi mới vào nghề của Nhật bản là khoảng 3 triệu yen (27 ngàn USD) mỗi năm. Một giáo viên 40 tuổi có một vợ và 2 con hưởng lương khoảng 5,5 triệu yen (50 ngàn USD) mỗi năm, tương đương lương phó giáo sư đại học (khoảng 35 tuổi) khoảng 5 triệu yen (45 ngàn USD) mỗi năm. [11]

Chỉ xét về mặt trình độ học thuật và trình độ kinh tế, ta thấy ngay chưa đến lúc Việt Nam dồn năng lực để xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế. Qua những kết luận nêu ra trong kiến nghị của Giáo sư Hoàng Tụy và các kết quả nghiên cứu của World Bank và UNESCO theo các tính toán tỉ suất thu hồi xã hội của giáo dục, Việt Nam nên dồn các năng lực vào việc chấn chỉnh toàn bộ giáo dục tiểu học, trung học và đại học hiện hữu hơn là “nhảy vọt” hoặc “đi tắt” để xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế.

Một vấn nạn đòi hỏi những giải pháp khẩn trương và kiến hiệu: giáo dục tiểu học. Học sinh tiểu học là tương lai của đất nước về mọi mặt:

Nhưng tại Việt Nam:

Lý do của thực trạng này được phân tích trong bài Vì sao học sinh tiểu học giảm? [14]

Một hiện tượng giáo dục đáng chú ý tại Việt Nam là tổng số học sinh tiểu học giảm liên tục từ năm 1997 đến nay. Căn cứ theo số liệu chính thức, số giảm này càng lúc càng tăng, vừa tuyệt đối, vừa tương đối.

“...Thống kê cho thấy, từ năm 1997 đến năm 2004, học sinh tiểu học giảm mạnh hơn nhiều so với tỉ lệ giảm dân số trong mức tuổi 5-9 tuổi và 10-14. Trong thời gian trên, dân số từ 5-9 tuổi giảm 16% (chỉ số giảm từ 100 xuống 84), dân số 10-14 tuổi giảm 2% (chỉ số giảm từ 100 xuống 98), nhưng số học sinh tiểu học giảm 25% (chỉ số giảm từ 100 xuống 75).

“Giả dụ, chúng ta lấy độ giảm dân số tối đa 16% thì so với độ giảm học sinh là 25%, vẫn có đến 9% khác biệt. Sự khác biệt này cho thấy, có hiện tượng bỏ học hoặc không đi học từ năm 1997. Như vậy, trong số học sinh tiểu học giảm đi là 2,6 triệu từ năm 1997 đến 2004, có thể tính là cao nhất có 1,7 triệu là do giảm dân số ở mức tuổi đi học tiểu học (lấy 16% là tỉ lệ cao nhất có khả năng xảy ra). Như thế phần còn lại - ít nhất là 0,95 triệu trẻ em - là do bỏ hoặc không đi học, tức là trung bình trên 100 ngàn học sinh một năm.

“Nói tóm lại, đã có hiện tượng một số đáng kể trẻ em trong độ tuổi đi học tiểu học không đến trường và bỏ học. Con số này ngày càng tăng. Chúng tôi chưa biết tại sao trẻ em không đi học hay bỏ học. Cần có các cuộc điều tra nghiên cứu nghiêm túc mới trả lời câu hỏi này một cách thoả đáng. Nếu các em bỏ học vì gia đình không đủ tiền trả học phí, thì đây là vấn đề công bình xã hội rất đáng quan tâm”.

Paris đầu xuân 2006

© 2006 talawas



[1]Có thể xem toàn văn bản đề cương này trên mạng http://www.vietnamnet.vn/dhqt/2005/10/496679/
[2]http://www.ncst.ac.vn/HVGD/
[3]Hoàng Tuỵ, nguyên Viện trưởng Viện Toán, Hà Nội, là một chuyên gia về Lý thuyết Tối ưu Toàn cục (théorie de l'optimisation globale), đươc nhiều nơi trên thế giới biết tiếng. Ông đã là giáo sư thỉnh giảng của nhiều đại học nước ngoài, và là docteur honoris causa của Đại học Linkoping, Thuỵ Điển. http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/profs/hoangtuy_bio.htm
[4]Nian Cai Liu, Research Universities of China: Differentiation, Classification and Word-Class, Viện Giáo dục Cao cấp, Đại học Giao thông Thượng Hải.
[5]Nhân dịp lễ kỷ niệm 100 năm Đại học Bắc Kinh (tháng 5 năm 1998) Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc sẽ có nhiều đại học đẳng cấp quốc tế, với Dự án 985. Tổng số ngân quỹ của 34 đại học trong giai đoạn I của dự án là 28,3 tỉ nhân dân tệ (tương đương vói 3,4 tỉ USD theo tỉ suất hối đoái lưu hành hoặc 14,7 tỉ USD theo tỉ suất ngang giá sức mua (purchasing power parity) của World Bank), trong thời gian 3 năm. Chính phủ trung ương tài trợ hơn 50% ngân quỹ này.
Trong khi đó, Giáo sư Thomas Valley trong bản Đề cương, đưa ra ngân sách 100 triệu USD trong vòng từ 5-10 năm. Một ước lượng quá lạc quan so với Trung Quốc, 100 triệu USD là ngân quỹ cho giai đoạn I (3 năm) của Dự án 985. Đó là tính theo tỉ suất hối đoái lưu hành, nếu tính theo theo tỉ suất ngang giá sức mua (purchasing power parity) thì phải cần một số tiền bốn lần lớn hơn.
[6]Viện Giáo dục Cao cấp, Đại học Giao thông Thượng Hải. (2005) Academic ranking of world universities - 2005, http://ed.sjtu.edu.cn/ranking.htm, ngày 12.08.2005.
[7]Nguồn: China Institute for Science and Technology Information
[8]Các chủ tịch các trường đại học được chính phủ trung ương phong chức tước chính trị. Chẳng hạn, chủ tịch các đại học cấp bằng cử nhân được phong cục trưởng, tương đương vói chức cục trưởng của một bộ chính phủ trung ương. Gần đây, 31 chủ tịch đại học được phong chức tương đương với thứ trưởng của chính phủ trung ương.
[9]Vào những năm 1950, Trung Quốc theo mô hình Liên Xô, thiết lập những viện nghiên cứu độc lập đối với và đứng ngoài đại học, như viện Khoa học, viện Khoa học Xã hội, viện Khoa học Canh nông… Các viện này có hàng trăm viện nghiên cứu, trong tất cả các ngành học chủ yếu. Tới những năm 1980, đa phần các nghiên cứu được thực hiện tại các viện nghiên cứu độc lập này, trong khi đó, trọng điểm của các đại học là giảng huấn.
[10]Báo cáo của cơ quan Task Force on Higher Education in Developing Countries (World Bank và UNESCO triệu tập), http://www.tfhe.net/report/readreport.htm
[11]Nguyễn Đình Đăng, Tại sao giáo dục Việt Nam khủng hoảng và đâu là lối thoát?, talawas 20.10.2005
[12]Hoàng Xuân Đài, “Dân trí và dân chủ”, Viễn tượng Việt Nam số 2, tháng năm 2004
[13]Hoàng Xuân Đài, “Giới (gender), giới tính (sex) và bình đẳng giới tại Việt Nam thời Đổi mới”, talawas 19.4.2005
[14]Báo Lao Động số 74 ngày 16.03.2006, Vì sao học sinh tiểu học giảm?