© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
3.4.2006
Hà Sĩ Phu
Nhà thơ Tú Sót, một người bạn quý của Dân chủ vừa qua đời
 
Nhà thơ Tú Sót (Chu Thành Thi) 1930-2006
Nhà thơ Tú Sót (tức Chu Thành, Chu Thành Thi) vừa tạ thế ngày 27-3-2006, thọ 77 tuổi. Không thể kịp ra Hà Nội tiễn đưa người bạn quý, chúng tôi ngồi với nhau tại Đà Lạt, bùi ngùi tiếc thương.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc cho rằng sự nghiệp văn thơ của Tú Sót chưa được đánh giá xứng đáng. Thơ ông ngay cả khi châm biếm sâu cay vẫn cứ nhân ái. Thơ ông sâu sắc mà tính ông khiêm nhường. Một tuyển tập thơ và câu đối của ông sẽ có nhiều bài đáng đưa vào sách giáo khoa. Những trí thức, văn nghệ sĩ, biết thương người vợ tảo tần, ngày mồng 8 tháng 3 thường đọc “tếu” với nhau một câu :

Hôm nay mồng tám tháng
Tôi giặt hộ bà cái áo… của tôi.

Câu thơ hóm hỉnh, đùa cợt, mà đẫm tình người, lưu truyền trong dân gian ấy, là của Tú Sót đấy.

Tú Sót chẳng cần được mệnh danh là “nhà dân chủ” gì cả, nhưng cái thiện tâm cứ tự nhiên như “từ dân chủ sinh ra”, không chút đại ngôn, tô vẽ, đẽo gọt. Chỉ là những câu đố vui viết cho thiếu nhi, mà ông đố các cháu thế này:

Càng ăn lắm, càng bé đi
Mềm như cái lưỡi chuyên nghề sửa sai
Người sai mình cọ mình mài
Khi mình khuyết phạm đố ai sửa mình?

(Nó là cục gôm, cục tẩy đấy)

Cổ eo, thân rỗng, mồm loe
Nhớp nhơ cái bụng, lại khoe cái mồm
Bị người phỉ nhổ luôn luôn
Thế mà vẫn cứ giơ mồm ra khoe!

(Nó là cái ống nhổ đấy)

Kể ra nhân dịp góp ý cho Dự thảo báo cáo của Đại hội Mười này, lấy mấy câu đố thiếu nhi ấy gửi lên Đại hội cũng có lý chứ nhỉ!


*


Xin kể một vài kỷ niệm riêng với bác Tú Sót.

Năm 1988, lúc ấy không khí dân chủ vừa được ló ra nên khá hồn nhiên, những người có chút lòng ưu thời mẫn thế tự nhiên cứ tìm đến nhau, rất hồn nhiên và cũng chưa bị gây khó khăn

Tú Sót đến tôi chơi. Ông thử tôi bằng một vế đối:

Bác bôi tôi, không bằng tôi bôi bác

Chơi chữ thật hóm. Kịch tính nổ ra ở hai chữ cuối: bôi bác. Bôi bác là hai chữ rời thì nghĩa khác, là một từ kép thì lại nghĩa khác, bácbác nọ lại là bác kia. Tôi hỏi đã ai đối chưa. Tú Sót bảo Hữu Loan đối rồi, và đọc:

Mày ăn dân hết nước, dân ăn mày!

Nghe xong tôi như bị điện giật mà khoái trá lạ lùng. Quan hệ bác với tôi đã được Hữu Loan chuyển lên thành mày với dân. Đem hai chữ mày đối lại với hai chữ bác. Chữ hết nước đã tài, nhưng “mày ăn dân, dân ăn mày” thì khiếp quá Œil pour œil, dent pour dent mà!). Chữ ăn mày là thần bút, ăn mày là một từ kép thì nghĩa đã hay, nhưng là hai chữ rời thì quá tuyệt. Quan hệ ăn thịt nhau thì chính là quan hệ kẻ thù. Đúng là Hữu Loan.

Đáng lẽ đến Hoàng Hạc Lâu mà đã thấy có thơ Thôi Hạo thì không nên đề thơ nữa. Nhưng tôi vừa viết xong tiểu luận “Dắt tay nhau…” phê phán chủ nghĩa “Mác - Lênin vô địch muôn năm”, nên đã có một ý núp sẵn trong đầu, không đem ra đối thì cũng uổng, nên tôi cứ đọc:

Nhà vô địch, cứ sợ địch vô nhà!

Miệng hô nhà vô địch mà trong lòng cứ nơm nớp sợ địch vô nhà thì khác gì hội chứng phù thuỷ sợ ma, khác nào nhà vô địch rởm, chỉ mạnh bạo xó bếp, khôn nhà dại chợ, nên Tú Sót cũng gật gù, coi là được.

Vừa viết xong “Chia tay Ý thức hệ” tôi bị tù một năm. Hôm ra tù, bạn hữu cho tôi một món quà đặc biệt. Tú Sót và Hoàng Tiến cùng vợ tôi và gia đình tôi vào tận trại Thanh Xuân đón tôi. Tôi vừa ra đến phòng khách của trại đã thấy hai người giương ra một đôi câu đối chữ nho, giấy đỏ thắm, các công an đứng đầy xung quanh. Tú Sót dõng dạc đọc :

Cố lý thâm tình, minh đức tụ!
Sơn hà tráng chí, ký phương danh! [1]

Tất nhiên ông phải giải nghĩa rất ngoại giao để công an khỏi gây phiền, nhưng tôi mừng đến phát khóc, Cố lý thâm tình đối với Sơn hà tráng chí! Cái tình đã quá thiết tha ấm áp, mà cái chí lại quá oai hùng, bao la. Vậy là sau một năm, cảm giác ngoài tù đầu tiên của tôi là cái dũng khí dân chủ bên ngoài nhà tù đã phát triển, khiến tôi nức lòng.

Từ ấy tôi với ông thành thân thiết. Những lần gia đình tôi có việc vui buồn, tang tế, ông luôn cùng các bạn tôi: nhà văn Hoàng Tiến, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử Hoàng Quốc Hải, bác sĩ Nguyễn Văn Nhượng… đi xe từ Hà Nội về tận xã Đông Hồ quê tôi chia vui sẻ buồn. Mà chia vui sẻ buồn với tôi, một kẻ đi đến đâu là công an khu vực tiếp cận ngay khiến ai cũng ngại, cũng không dám chứa, thì cũng ít người muốn dính vào. Có một lần đoàn hành hương của chúng tôi đã bị “chơi” một cú, chuyện ấy có dịp sẽ xin kể sau.

Một ông đồ Nghệ rất thâm nho, lại viết nhiều câu đố cho thiếu nhi, kể cũng lạ. Nhưng không lạ. Cái thâm nho đã gửi vào đấy, vào cái hồn nhiên. Trong một xã hội mà con người đã mất hẳn sự hồn nhiên, cười cũng không ra cười, khóc cũng không ra khóc, thì mơ ước đơn giản của Phùng Quán chỉ là “yêu ai cứ nói là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét” trở thành ảo vọng, nên chẳng trách Tú Sót cũng chỉ muốn “Mong sao thiên hạ gần xa, được cười được khóc như là trẻ thơ” thôi, mà khó lắm.

Tú Sót tiếp cận dân chủ hồn nhiên từ thiên lương, chứ không từ sự mổ xẻ của nhận thức. Nhưng, như thế trong lòng ông hẳn phải coi sự áp chế nhau, phi dân chủ với nhau là bất lương, cứ đọc thơ ông thì biết. Ông “dấn thân” theo cách riêng của ông, vừa với sức của ông, nên ông cứ vững vàng túc tắc đi tới, không quá sức nên không phải lùi. Ông thân cận với rất nhiều người dân chủ, nhưng chẳng ai có lý gì để hành được ông. Ông là hình mẫu của một tấm lòng dân chủ, đáng yêu và hữu ích, mà bất cứ người bình thường nào cũng có thể học được.

Được tin ông mất chúng tôi đều buồn, vừa buồn vừa nhớ, vừa tiếc. Các bạn giục tôi làm ngay câu đối để gửi đi cho kịp.

Câu đối chữ nho thế này:

Đan tâm bất tử như Thiên cổ
Mỹ ý trường sinh khước Cửu tuyền.

(Tấm lòng son thì bất tử như cái Nghìn xưa vậy, còn những ý đẹp thì sống mãi chứ không chịu về nơi Chín suối đâu). Bùi Minh Quốc thì bảo đây là chúng mình viếng, chúng mình tặng cho tất cả những con người còn mang cái đẹp của lương tri, mà cái tâm với cái trí đã nhập làm một.


Tôi giữ mãi hình ảnh cuối cùng của ông trong lần vợ chồng tôi đến bệnh viện Hữu nghị thăm ông trước ngày ông mất ba tuần. Ông nằm truyền huyết thanh, bụng đã trướng to và nóng rực, một khối u đã di căn lên má phải làm ông rất đau, nói năng rất khó, nhưng đầu óc thì tỉnh táo lạ thường. Ông hỏi thăm sức khoẻ ông anh cả tôi mới bị đột quỵ năm ngoái. Tôi ghé tai ông, đọc ông nghe mấy lời tôi vừa cảm tác:

TÚ còn SÓT lại hôm nay
Ta ôm Tú giữa vòng tay bạn bè
Mai ngày Tú có ra đi
Cũng vùng đất chở trời che, đừng buồn
Văn chương, chữ nghĩa có hồn
Nghìn năm nghiên bút không mòn Tú ơi
Kiếp sau nếu lại làm người
Tri âm, ta lại luân hồi tri âm…

Ông nghe rõ và cảm thụ từng chữ. Nước mắt ông ròng ròng trên má. Con gái ông lấy khăn lau những giọt nước mắt của bố. Nhưng cô và bà Tú cũng đã khóc theo khiến vợ chồng tôi không cầm được xúc động. Ở nhà quê ra, chúng tôi lại đến thăm ông lần nữa nhưng lần này tình hình bệnh tật ông đã xấu hơn nhiều, chúng tôi biết đấy là lần cầm tay ông cuối cùng.

Tú Sót bình dị mà không bình thường, trong con người khiêm nhường ấy có lửa:

Sống làm lửa nóng mặt trời
Thác làm than củi cho đời ấm thêm!

Thi hài ông đã được hoả táng theo đúng nguyện vọng của ông, vợ con ông đã làm theo di chúc của ông, thế là ông sướng. Ông thành than củi cho đời ấm thêm.

Tôi xin gửi theo đây ảnh chụp bút tích của Tú Sót khi đón tôi ra tù, và câu đối mà chúng tôi vừa vĩnh biệt Tú Sót, hằng mong non sông mình còn để “sót” lại rất nhiều, rất nhiều những ông “tú” như thế, không phải chỉ từ những ông đồ xứ Nghệ, mà cả những cụ tú, những cậu tú, cô tú trên khắp non sông cẩm tú này.

   
Câu đối 1:
Bút tích của Tú Sót cuối năm 1996
Câu đối 2:
Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, Bảo Cự,
Mai Thái Lĩnh và các thân hữu khác
tại Đà Lạt viếng nhà thơ Tú Sót





29-3-2006

© 2006 talawas


[1]Dịch nghĩa: Giữa chốn thâm tình nơi quê nhà, cái đức sáng tụ lại. Chí lớn gửi tiếng thơm vào non sông. (Cũng có thể hiểu theo một tầng nghĩa khác nữa).