© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
25.7.2003
Lê Đạt
Đối thoại
 
Một thế kỷ đã kết thúc -một thế kỷ mới bắt đầu -nhiều giá trị đã lỗi thời như một thứ tiền quá đát vô dụng. Diện mạo nền văn hoá Việt Nam cập nhật giàu tính truyền thống và hiện đại là một chân dung đương hình thành. Do đó chúng ta cần hợp tác cùng nhau tìm -quá trình tiến hoá nhân loại xét đến cùng là một quá trình tìm. Quá trình này dựa trên một phương pháp rất nổi tiếng mà khoa học mệnh danh là phương pháp thử và sai (essai et erreur). Không phải vô tình mà các nhà tri thức học dùng thành ngữ thử và sai chứ không phải thử và đúng vì đã thử tất nhiên phải chấp nhận sai. Và văn minh là gì nếu không phải là một chuỗi thể nghiệm và sửa sai, hoàn chỉnh bất tận những giả thiết. Giờ đây một em bé lớp ba cũng biết rằng quả đất tròn và quay chung quanh mặt trời.

Nhưng để đi đến cái kết luận tưởng chừng hết sức sơ đẳng và hiển nhiên này nhiều thế hệ những bộ óc lớn của nhân loại đã tốn bao nhiêu thế kỷ thử và sai và đã không ít người bị thiêu trên đài lửa vì tội dị giáo. Tôi có cảm giác một số nhà lý luận phê bình của ta còn nhiễm virus sợ sai.

Họ thường ưu tiên một luận điểm được đa số chấp nhận nhưng vô bổ và bạc màu hơn một luận điểm có thể chưa hoàn chỉnh nhưng gợi mở nhiều ý mới nhiều tranh luận bổ ích. Chúng ta còn chưa chú ý thích đáng đến khái niệm khả sinh (fertilité) và vô sinh (stérilité) trong một đề xuất. Xin đừng ai bảo rằng tôi cổ vũ cho sự phiêu lưu. Tôi quá kính trọng sự vất vả của nhân dân để không chủ trương thí nghiệm vô trách nhiệm trên đầu họ. Nhưng để tránh khỏi nghèo nàn lạc hậu chúng ta nhất thiết phải tìm cách nhanh chóng đuổi kịp thế giới và đã tìm thì phải không sợ sai, thậm chí thất bại. Sự sai này, sự thất bại này là tích cực, vì nó giúp ta tiến lên. Theo tôi một đề xuất chưa đúng, thiếu sót (lẽ dĩ nhiên không thiếu sót thì tốt quá rồi) nhưng khả sinh phì nhiêu còn đáng khích lệ hơn một đề xuất không sai nhưng vô sinh cằn cỗi. Xây dựng một nền kinh tế phồn vinh, một nền công nghiệp hiện đại là một công việc khó khăn. Xây dựng một nền văn minh bằng vai các nước năm châu còn khó khăn gấp bội. Công việc khó khăn nhưng cấp bách và khả thi. Một nền kinh tế chậm phát triển không nhất thiết chỉ tạo ra một nền văn minh chậm tiến.

Mọi thái độ tự hào cũng như tự ti thái quá đều việt vị. Vì tất cả chúng ta cùng đi tìm nên cần khuyến khích một thái độ đối thoại nghiêm ngặt nhưng dung nhận. Thời kỳ quan liêu bao cấp là thời kỳ chủ yếu của độc thoại. Nó đã trở thành một căn bệnh mãn tính. Thời gian gần đây trong không khí cởi mở, ta đã thấy xuất hiện một phong cách đối thoại tương đối tốt. Nhưng rõ ràng chúng ta chưa thể tuyên bố đã hoàn tất chương trình thanh toán bệnh độc thoại. Nguy hơn nữa không ít người có thiện chí còn vô tình đối thoại với thói quen độc thoại. Độc thoại là đinh ninh rằng chỉ mình mới đúng, mới nắm được chân lý nên chủ tâm nhằm bắt bẻ, phủ nhận những ý kiến khác không lọt tai, buộc bên đối thoại phải phục tùng mình, ít chịu lắng nghe, phân tích cân nhắc vô tư những đề xuất bất đồng. Với người độc thoại, chân lý đã có sẵn và ở phía sau, thái độ của họ là một thái độ cửa quyền áp đặt đóng kín. Đối thoại là tin rằng chân lý đương hình thành, sẽ được hoành chỉnh dần qua sự trao đổi bổ sung của dàn hợp xướng những ý kiến khác nhau.

Với người đối thoại, chân lý là sống động, phức hợp và ở phía trước. Thái độ của họ là một thái độ mở dung nhận và trung thực. Giữa trào lưu toàn cầu hoá đương diễn ra trên khắp thế giới, không một xã hội nào đóng cửa khép kín có thể tồn tại được. Không một sự đoàn kết, một sự hợp tác nào có thể bền vững nếu không được xây dựng trên một thực hành đối thoại thực sự, trên cơ sở một niềm tin vững chắc rằng mọi dị biệt đều có thể giải quyết hoà bình bằng đối thoại. Một nhà văn đã nói đùa: trong văn hoá, cũng như trong mọi giao tiếp, xã hội đối thoại bao giờ cũng ưu việt hơn là đối thụi. Cơ sở của sự hội nhập chính là đối thoại. Nó đã trở thành một thuần phong mỹ tục mới của một xã hội hiện đại, văn minh, tử tế. Đáng tiếc rằng không ít chúng ta còn chưa tiếp cận được thuần phong mỹ tục đó một cách thoả đáng. Nói thế không có nghĩa là xuê xoa "huề" cả làng. Đối thoại có thể rất gay go nhưng bao giờ cũng diễn ra trong một không khí cởi mở, hợp tác, lắng nghe, thực sự cầu thị. Nhiều nhà tri thức học cho rằng, một trong những bi kịch của con người là không đồng thời với thực tại, nghĩa là con người thường phán xét thực tại theo một cái nhìn đã cũ, đã lỗi thời, đánh giá cái đổi khác theo thói quen, hay nói một cách chữ nghĩa hơn, theo quán tính.


Chúng ta đã ở thế kỷ XXI mà nhiều khi tư duy còn nấn ná ở cuối thế kỷ thứ XIX hay nửa đầu thế kỷ XX. Chúng ta chưa ra khỏi được quyết định luận cơ học và thuyết loại trừ ba của vật lý và lôgic cổ điển. Chúng ta còn quan niệm quá sơ sài về tính tương thuộc của nền văn minh nhân loại. Tư duy của chúng ta nặng về phân biệt, tách bạch hơn là dị hợp liên kết. Truyền thống và hiện đại không phải hai khái niệm riêng lẻ. Một nền văn hoá thuần tuý truyền thống là một nền văn hoá khăn xếp, áo dài, búi tó, một nền văn hoá bảo tàng, một nền văn hoá chết. Một nền văn hoá thuần tuý hiện đại là một nền văn hoá chân không đến đất cật không đến trời, một nền văn hoá dỏm. Một nền văn hoá đích thực sống động bao giờ cũng được xây dựng trên cơ sở một cuộc đối thoại trường kỳ và khả sinh giữa truyền thống và hiện đại. Và việc giữ gìn truyền thống tốt nhất là tạo ra những truyền thống mới. Câu ca dao nổi tiếng: "Ta về ta tắm ao ta/ Dầu trong dầu đục ao nhà vẫn hơn" trong hoàn cảnh một nước Việt Nam mở cửa và đương hiện đại hoá nông thôn phải được coi là lỗi thời. Báu gì cái ao tù mà ngụp lặn trong đó cho nó mất vệ sinh.

Có một thời không ít người châu Á sùng bái văn hoá Tây phương thường có thói quen coi rẻ văn hoá phương Đông. Cũng chính những người đó giờ đây thấy phương Tây bắt đầu quay sang nghiên cứu văn hoá phương Đông lại lớn tiếng xuýt xoa ca ngợi văn hoá phương Đông một cách lố bịch, không hiểu rằng đó chính là thái độ sùng bái phương Tây một cách trá hình. Phương Tây và phương Đông không nền văn hoá nào ưu việt hơn nền văn hoá nào, đó là hai nền văn hoá khác nhau và bổ sung cho nhau của một nhân loại đã vượt qua được tuổi thơ ấu trĩ.

Thuyết bất định và nguyên lý bổ sung của khoa học hiện đại đã cung cấp cho nhân loại một khái niệm mới, khái niệm về cái khác. Nó nhấn mạnh đến tính chất phiến diện, hữu hạn của mọi lý thuyết so với thực tại hay nói như nhà bác học Prigogin "Bài học thật sự của nguyên lý bổ xung hiển nhiên là tính chất phong phú của thực tại nó vượt ra ngoài mọi ngôn ngữ, mọi cấu trúc logic, mọi lý giải khái niệm". Nguyên lý bổ xung sửa sai thiên hướng "bài dị" "loại trừ" của tư duy cổ điển. Cũng chính Prigogin đã đề nghị một cuộc đối thoại lớn, một "liên minh mới" giữa tất cả các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, triết học và văn học nghệ thuật để có một "cái nghe giàu tính thơ" đối với sự sống.
Nguồn: Tia Sáng số tháng 7.2003