© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
1.8.2003
Chi VÅ©
Việt Nam: sách hướng dẫn tâm linh
Tôn Thất Quỳnh Du dịch
 
Phi Trường

Thành phố nằm trong một phi trường lớn. Những chiếc ghế bành làm bằng da và kim loại chiếm ngự hành lang dài hàng cây số. Chờ đợi, luôn luôn chờ đợi, người ta giết thì giờ bằng cách bắt chuyện hỏi han, bạn từ đâu đến, bạn đi hãng máy bay nào.

Một tình bạn nho nhỏ sẽ nhen nhúm lên, tạo niềm vui ngắn ngủi cho đôi bên. Những người chưa từng quen biết sẽ hỏi nhau, cho nhau xem vé. Với những mảnh giấy bóng láng màu hồng trên tay, chúng ta sẽ xây dựng lịch sử của cả thế kỷ từ những số thứ tự của ghế ngồi.

Các bạn thân mến,
Ở đây bạn không bao giờ lãnh giấy phạt đậu xe trái phép, muốn quay đầu xe 180 độ chỗ nào cũng được, trời ấm, bia lạnh, thức ăn thì tuyệt vời. Nếu định nghĩa của từ sexy là sự kết hợp kỳ diệu của cảm giác bỡ ngỡ ban đầu và cuộc đổi đời chớm nở, thì Hà Nội quả thật là sexy. Các cửa hàng thanh lịch bán áo quần Pháp và hàng gấm lụa thêu thùa nằm ngay cạnh bên quán bán me rốp nhơm nhớp màu nâu mà người bán phải dùng đũa gắp ra cho khách.

Tớ đang ở khách sạn, phòng lót gạch bông trắng, bàn ghế gỗ, chạm trổ công phu. Cảm thấy hơi là lạ khi phải giao chìa khóa phòng cho nhân viên mỗi lần đi ra khỏi khách sạn. Có lẽ mình đã quá quen với cuộc sống riêng tư. Phòng có ban công nhìn xuống con hẻm nhỏ, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ một bước chân sẻ nhỏ. Khách sạn nằm ngay trung tâm thành phố, sát Nhà Thờ và những cửa hàng tân thời sành điệu. Hình như Việt Nam đang khám phá ra cái mà người Tây phương gọi là boutique shopping.

Vỉa hè nứt nẻ, đâu cũng vậy cả, như thể Hà Nội là một con rắn đang thay da, lớp da non hồng đang thay dần lớp da nâu cũ đã rạn nứt. Ðây cũng rất gần khu Phố Cổ, nơi mọi con đường đều mang tên của một ngành nghề hay mặt hàng. Tớ đang ở ngõ Hàng Hành. Bên cạnh là đường Hàng Bạc, Hàng Gai và Hàng Ngang. Dĩ nhiên bây giờ tên đường không còn luôn luôn trùng hợp với mặt hàng nữa, bằng không thì đã có nhiều con đường mang tên Hàng Internet.

Những kẻ mới phất tối ngày lượn ngoài đường trên những chiếc xe máy mới toanh hiệu Spacey hoặc Majestic, bồ nhí ngồi phía sau, mang giầy hồng, chênh vênh trên chiếc yên được nâng cao, trông như thể đang cưỡi cổ thằng kép mà chạy nhong nhong.

Trong ngày thành phố đầy ắp người nghèo từ thôn quê đổ về, quanh gánh nhịp nhàng nặng trĩu những cam quít rau cải hoặc kẹo me. Suốt ngày họ đi bộ, đôi chân trần đen sì nứt nẻ. Da dầy, khô và nứt nẻ như mặt đường Hà Nội.

Hà Nội là con rắn đang thay da, da mới đang loang ra bọc trên thân xác cũ, hình dạng và điệu bộ uốn éo trườn đi cũng đang thay đổi. Người ở đây tin rằng họ là con Rồng cháu Tiên, bạn biết đấy chứ.
Thân ái, Michelle

*

Hải thân mến,
Khi tớ phôn cô ấy, cô ấy bảo là sẽ đến đón đi uống cà phê.
'Cô có muốn đi xem xác máy bay Mỹ bị bắn rơi hồi chiến tranh không?'
'Vâng.' Tớ trả lời.

Ði đến đấy chỉ một quãng ngắn bằng xe máy, qua một con hẻm nhỏ là thấy bầu trời mở rộng. Nằm ngay giữa cái ao nhỏ, nước đọng, rêu xanh phủ đầy mặt ao, là một khối kim loại màu xám xanh. Bờ ao phủ đầy bao ni lông và cơ man ruồi nhặng. Bao quanh là những ngôi nhà xây bằng bê tông. Những ngôi cũ, tường loang lổ rêu xanh đen, chỉ có một tầng. Vài ngôi nhà mới cao tới ba bốn tầng, cửa và cửa sổ đều sơn viền đỏ. Ðấy là nhà cho người nước ngoài thuê. Cô ấy nói khi cô còn nhỏ thì cái ao này là nơi trồng hoa, loài hoa đẹp nhất. Tớ hỏi tiếp, 'Ðể đem ra chợ Hàng Bông bán, như trong phim Ba Mùa, phải không?'
'Không, họ đem bán khắp thành phố'. Rồi cô ấy im lặng.
'Bạn nghĩ gì về phim Ba Mùa?. Tớ hỏi.
'Tôi không thích phim đó cho lắm.'
'Thế à. Thế ở đây người ta có thích phim Ba Mùa không?'
'Có nhiều người không thích.' Cô ấy lại ngừng nói. Tớ cũng dừng lại, cố gắng tưởng tượng xem người Việt ở đây sẽ nghĩ về phim đó thế nào - về các nhân vật Việt Nam trong phim - một con điếm, một anh xích lô, các em bé ăn xin bụi đời ... Tớ không hiểu ý nghĩa của sự im lặng của cô ấy.
'Vâng, tôi thấy phần đối thoại tiếng Việt hơi buồn cười', tớ nói tiếp, như thể mình là nhà soạn kịch, 'họ nói chuyện mà như là đang tập đọc vậy.' Cô ấy vẫn không nói gì.
'Khán giả tây phương thích phim đó vì cảnh đẹp Việt Nam,' tớ kết luận, đổi đề tài.
'Có thể là vì tôi sống ở đây nên, đối với tôi, cảnh Việt Nam trông bình thường,' cô ấy nói, như thể là cô ấy và tớ đang đứng tại một trong những thắng cảnh trong phim.
'Họ chỉ toàn quay cảnh đồng quê và đời sống nông dân', cô ấy nói, 'nhưng bây giờ chúng tôi đã hiện đại lắm rồi.' Cô phác tay về phía những ngôi nhà cao cho người nước ngoài thuê. 'Ðấy, chúng tôi cũng có nhà cao tầng đấy.'
Chiều cao của những ngôi nhà ấy như có sức hút cố gắng kéo cái đống sắt giữa ao lên thoát khỏi mạng rêu xanh rì bao phủ.
Michelle

*

Kim thân mến,
Sau một tuần lễ mà ngày nào cũng được mời mua bưu thiếp mỗi khi gặp hắn, thằng bé bán bưu thiếp tên Khiêm, tớ đã bắt đầu tránh khu phố cổ. Hôm qua thấy hắn với một nụ cười thật tươi trên môi. Khiêm trao cho tớ một cuốn sách nhỏ, bọc giấy nâu. Gáy sách tự đóng lấy, một loại sách hướng dẫn viết bằng tiếng Anh. Ngồi trên chiếc ghế sắt nhỏ, tớ nghiêng mình về phía trước và mở sách.
'Sách này viết bằng tay', tớ nói.
'Vâng, chỉ có một cuốn này mà thôi.' Hắn ngồi xuống, hai chân dạng ra, tự tin.
Các hàng chữ tỉ mỉ, đậm nét, viết bằng mực đen nhưng viết ngược, như thể do một cụ già nhỏ thó, có râu, mang kính ngồi bên hồ chăm chú viết lại qua tấm kính phản chiếu của mặt hồ gươm, chọn lựa thờì điểm và góc độ ánh sáng cho vừa mục đích.
'Mấy hàng chữ này viết ngược.' tớ nói.
'Vâng. Ðể dễ bề che giấu. Ðể dễ nói lên sự thật.' Tớ đọc.

Hành trình thể xác không quan trọng. Cốt yếu là ở con tim và tâm trí . Cuốn sách này là một cuốn sách hướng dẫn khác thường. Một cuốn sách hướng dẫn tâm linh.

Mỗi chương đều bắt đầu với một tựa đề nhỏ và có những bức hoạ nhỏ bí hiểm vẽ bằng tay. Khi tớ đọc thì Khiêm nhìn quanh quán cà phê. Bỗng nhiên Khiêm giật sách lại, đặt sách xuống bàn, chồm người về phía trước dằn hai cùi chỏ lên trên sách và hỏi, 'Cô còn ở đây vài tuần, phải không? Muốn đi viếng chùa không?'
'Vâng, tôi đang ... Ồ, đúng thế ... ' tớ lắp bắp trả lời, hoang mang.
Một anh công an trẻ đang chăm chú theo dõi Khiêm và tớ. Một lát sau anh đi.
'Bao nhiêu?' tớ hỏi.
'Ðừng mua mấy đồ quỉ này. Ðồ dổm cả đấy.' hắn nói.
Tớ cầm cốc bia lên uống một hớp, trời nóng quá, ngay cả cái cốc cũng lấm tấm toát mồ hôi.
'Vậy thì khỏi mua.'
'Khỏi mua.' hắn đáp. Mí mắt trên của hắn có tí màu xanh. Hắn đánh tí phấn xanh chăng, hay đấy chỉ là màu xanh của mao quản li ti bị bầm nhẹ.
Bạn hãy ngoan nhé. Mich

*

Ngã tư gào thét

Hai tay ôm chặt đồ đạc - cái ba lô xanh và cái vali nhựa cũ mà người bà con cho mượn với lời dặn rõ ràng là đến nơi thì vứt bỏ đi - tớ được cáng đi trong một cái vỏ ốc khổng lồ làm bằng nhôm, lắc lư trôi theo dòng mạch, tiếng tim đập và tiếng la ơi ới.

Ở tụ điểm của hai dòng sông tiếng động, tiếng gào thét là một bản hợp ca của sự chần chờ, sự đầu hàng lễ độ; tạo ra do bàn tay với chuông và còi xe; của chim vành khuyên mắt Ai Cập trong lồng tre xinh xắn; của thạch sùng chắt lưỡi trong đêm như bức tường biết cười, của những người bán hàng rong, tiếng rao mỏi mệt và đơn điệu. Ở Hà Nội không ai buồn la thét bằng cổ họng.

Cụ bà mất tích.

Khắp nơi trong thành phố người ta xầm xì to nhỏ. Không phải những câu chuyện bậy bạ bốc lửa như chuyện trai gái đêm đêm dắt nhau vào quãng vắng công viên. Không, đây là những chuyện xầm xì nghe có vẻ rất thực: Lại xẩy ra nữa đấy! Bạn có nghe nói không? Mới sáng hôm qua, ở ngoài đường Hàng Bạc đấy.

Một cụ bà lớn tuổi vừa đứng đấy, giữa bụi bậm, trên vỉa hè nứt nẻ cạnh cống thoát nước. Cụ bà lưng còng, mặc áo len cụt tay, bàn tay gầy guộc ngửa nón chào xin năn nỉ khách du lịch qua đường. Khách ngoảnh mặt đi không nhìn lại.

Ngay lúc đấy, chính tại địa điểm đấy, cụ bà biến mất - ngay chỗ đấy mà không phải đấy.
Một mảnh nón lá của bà cụ về sau đã được dùng làm một cái collage rất mỹ thuật cho một tấm bưu thiếp về Hà Nội cổ.

Dây nói

Nhiều khách lạ, đến từ những vùng ôn đới, truyền đạt cảm thông bằng cách nối những sợi chỉ đen dài, óng mượt như tơ tằm, đến đối tượng mà mình muốn nói. Hai người bạn ngồi quán cà phê trao đổi nhận xét về cỏ cây và chim muông quanh họ. Người nói sẽ cột chỉ vào tay mình và đứng dậy dẫn sợi chỉ đến cái cây muốn nói. Người nghe sẽ tổng hợp từ độ căng và góc cạnh sợi chỉ mà suy diễn ra chủ đề, ý nghĩ và tình cảm người nói muốn diễn đạt. Cuộc đàm thoại nào cũng có khả năng liên quan đến rất nhiều sợi chỉ chạy từ miệng người nói đến bức tường, đến ban công của những ngôi nhà thời thuộc địa, đến những hồ ao của thành phố xinh đẹp và tĩnh lặng này.

Ngược lại, người Hà Nội vốn nổi tiếng là người biết yêu. Cách của họ là cuốn vào nhau khi nói chuyện. Trong một buổi hàn huyên vào bữa ăn trưa, bằng những ngón tay mềm mại họ quấn chỉ đen chằng chịt lên mí mắt, miệng và tai của nhau. Cứ thế họ bước đi liền bên nhau, trong một rừng chỉ chằng chịt, vướng víu nhưng đùm bọc thân thương.

Một hôm, một người Hà Nội ngồi nói chuyện với một vài du khách. Anh đã cột chỉ vào những thực khách đang rối rít chuyện trò như chim sáo, thân mật và hiếu kỳ. Nhưng ngay đúng lúc anh đang thắt cái nút thứ nhì vào tay áo người ngồi bên cạnh thì anh ngẩng lên và phát hiện rằng tất cả đều đã quay mặt đi nhìn vào hướng khác - tay họ đang bận rộn thắt chỉ vào cây cối, vào bảng tên đường, vào những cấu trúc bằng gạch và cát trong thành phố quanh họ. Người Hà Nội ngồi đấy trong kinh hoàng, nụ cười lễ độ vẫn nở trên môi. Ðây là lần đầu tiên mà không có ai buộc dây nói trở ngược lại về phía anh.

Các bạn thân mến,
Hà Nội là thành phố của ao hồ. Hầu như quận nào cũng có một cái hồ. Trong những ngày như hôm nay, mưa phùn giăng đầy thành phố làm Hà Nội giống Luân Ðôn đội nón lá. Người Hà Nội rất ghét nước mưa làm ướt tóc nên trên đầu luôn đội nón, đủ thứ nón, nón rơm, nón cối bộ đội màu xanh, nón baseball Mỹ, pông sô quàng trên đầu, thậm chí dùng bao ni lông làm nón - hai quai cột chặt lại chừa chỗ trống cho khuôn mặt. Nhưng hình ảnh mà tớ thích nhất, mà tớ cho là tiêu biểu nhất của Hà Nội là ngồi trên yên sau xe máy, tay cầm dù che cho cả hai đứa, xe thì chạy với vận tốc 8 cây một giờ.
Có một cụ già luôn mặc bộ vét tông cũ sờn vai. Đeo trước ngực một cái hộp gỗ lớn với hàng chữ đen - hình như Lạc Rang hay cái gì đấy, tay cầm cái chuông nhỏ bằng đồng rung với một nhịp điệu của riêng ông. 'Tinga tinga tinga, ting.'
Băng qua phố Hàng Bạc, một người đàn ông khác đạp chiếc xe ba bánh cũ rích, trên xe chở bốn bình thuỷ đựng trà - mà người Hà Nội gọi là chè - bán cho khách. Ông cất tiếng rao với một giọng trầm buồn kéo dài 'Chè, chè nóng hổi đââyy...' Tiếng rao của ông nghe lướt thướt, tiếng sau nuốt tiếng trước, rất khác giọng rao hàng của dân bán dưa hấu ở chợ Victoria, đùa dỡn pha tí bỡn cợt nhất là khi các bà đến xem hàng 'Dưa đây, vừa to vừa đỏ vừa căng mọng nước.' Không, lời rao của ông không giống thế, nó giống như tiếng hót của con chim vàng nâu nhốt trong lồng tre, tiếng hót ngắt quãng và chỉ có một giai điệu du dương, lập đi lập lại nhiều lần.
Con chim này có điệu hót nghe rất giống đoạn mở đầu của bài tình ca mà bố của tớ sáng tác, hóa ra bố cũng biết mượn lời chim.
Thương, Michelle

*

Kim thân mến,
Tiếng Anh của tớ đang rỉ sét, tớ đã bắt đầu ghi chép lại vài đoạn từ cuốn sách tớ mua của thằng bán bưu thiếp - cuốn hướng dẫn tâm linh. Càng ngày càng thấy khó đọc, hắn càng ngày càng teo nhỏ lại, nét chữ của hắn, ý tớ muốn nói.
Sẽ gửi cho bạn các món đồ sơn mài. Mà bạn thích mầu nào, đỏ đậm hay đỏ pha nâu?
Chào, Michhh

*

Tình bạn loài chim

Trong phạm vi thành phố Hà Nội có những người tìm một lạc thú đặc biệt, người nghe mà tưởng tượng ra được thì có lẽ phải ngượng đỏ mặt. Những người sành điệu đã bỏ công tìm khắp nơi, qua thơ văn và kinh điển thánh hiền, nhưng chưa ai tìm ra được ngôn từ đích xác để gọi nó.
Không có tên, nên không ai nói về nó được. Vì thế những người sành điệu sáng chế ra một giải pháp hữu dụng. Quanh thành phố có rất nhiều chim, đủ loại, nhốt trong những lồng tre xinh xắn. Âm thanh cộng hưởng của tiếng hót những con chim óng mượt này nghe rất giống cái ngôn từ thất lạc, cái ngôn từ chưa phát minh ấy.

Những người đam mê lạc thú này bắt đầu đối thoại với chim, những mẩu đối thoại dài, âu yếm, với những con chim két lộng lẫy đỏ rực vàng óng, hoàng oanh rực rỡ màu cam, hay những con nhồng dáng thô, khuôn mặt cau có khó chịu. Tất cả đều đã được các tay buôn chim huấn luyện tập nói từ khi bị bắt trong thiên nhiên, nhốt vào lồng, cho đến khi các tay lái chim lậu đem chúng về Hà Nội.

Khi gặp nhau, họ ít khi tay bắt mặt mừng, cao lắm là gật đầu chào, thế thôi. Không tìm được ngôn từ đã thất lạc, họ rất ít nói chuyện với nhau, thay vào đó họ chỉ thích tiếp cận với ngôn ngữ loài chim.

Những người ngoại đạo không hiểu thì chỉ thấy họ là những người thẹn thò ít nói, tập trung ở các công viên hay bờ hồ quanh thành phố, trầm bổng chuyện trò với bạn đồng ngôn có lông vũ nhốt trong những lồng tre xinh xắn mảnh mai.

*

Kim thân mến,
Tớ đang ở vịnh Hạ Long, thắng cảnh kỳ diệu của những hòn đảo nhỏ nổi cộm trên nền biển xanh màu ngọc biếc tạo ra hình rồng uốn lượn. Một chiếc thuyền con lướt sóng cặp vào mạn thuyền. Cậu bé, với mẹ và em trai, đưa lên cao những giỏ tre đựng đầy tôm tươi cá tươi; nó còn đưa cho xem cả một mảnh san hô xinh đẹp. Nó trông khoảng 11 tuổi. Hỏi thì nó bảo là 16. Tớ hỏi nó có phải tôm cá này là do nó và má nó bắt không, có phải lặn đến đáy đại dương mới bẻ được san hô đem bán không. Nó bảo không phải, và nói cho tớ biết chúng từ đâu ra.
'Họ mua ở chợ và đem ra đây bán.' Tớ thông dịch lại cho người bạn đồng hành nghe.
'Thế à,' người bạn đồng hành nói, 'Cảm ơn bạn đã phá hư một ảo tưởng đẹp ...'

Có người đi du lịch để tự dối mình rằng nhân loại không có khổ đau vì nghèo đói bệnh tật, rằng người ở đây chẳng khỏi có lúc phải đánh liều lừa dối hầu vượt ra khỏi cảnh đời túng quẫn. Có người đi du lịch để hiện hữu mà không có khả năng hiểu những gì xảy ra chung quanh họ, để được trần trụi và nhẵn nhụi như trẻ con. Họ rất dễ nhận diện: mặt mày ngơ ngáo, thấy gì cũng cười.

Có người đi du lịch để thấy xót xa cho người bản xứ. 'Thật tội nghiệp chúng không có cả cây bút chì màu để con cái phát huy tiềm năng sáng tạo,' họ than. Họ không thấy tính sáng tạo trong những trò chơi đơn giản với lon sữa bò, chiếc dép, và những mảnh vụn kim loại để lại từ thời chiến.
Thương mến, Michelle

*

Kim thân mến,
Hôm qua tớ đón xe ôm và mặc cả với anh lái xe.
'Bao nhiêu.'
'Một đô mỹ.'
'Ðắt thế! Giá cho người điạ phương là 40 xu thôi.'
'Bạn đâu phải dân địa phương.'
'Nhưng gia đình tôi gốc ở đây'. Tớ nói, cười cười.
'Ðược.' anh lái xe nói.
Tớ lên xe, anh ấy nổ máy và hỏi 'Việt Nam còn nghèo. Ở đây còn nhiều đau khổ. Ở nước cô có nhiều khổ đau không?'
Anh ấy chở tớ đi, xe lướt nhanh trên mặt đường nứt nẻ. Tớ nghĩ đến những người già ở nước ngoài đang chết dần mòn trong viện dưỡng lão. Tớ nghĩ đến những người rượt đuổi danh vị trong hành lang các cửa hàng bạt ngàn phố xá.
'Khổ đau à? Ðã làm người là khổ đau rồi đấy.' Tớ nhìn kỹ vào mặt anh ấy để xem anh có hài lòng với câu trả lời này không. Không biết anh có giận không? Anh nghiêng đầu xuống một bên, suy nghĩ. Một lát sau, đầu gật gù, anh rồ máy tăng tốc độ lướt vào dòng xe cộ như vừa nhận thêm một nguồn năng lực mới. Trong lúc đó, ngồi trên yên sau, tớ biết là những gì mình vừa mới nói là thật và cũng là không thật.
Ôm các bạn,
Michelle

*

Thành phố của Khuôn Mặt

Về phía viễn đông của thành phố, vượt qua dòng sông mật và khu rừng ngọc lâm là thành phố của Khuôn Mặt.

Ở đấy, những tượng điêu khắc đất sét trắng, miệng tròn má phúng đức Phật, được đặt quanh chu vi của thành phố và tại những vị trí đều đặn trên các tuyến tụ tâm hướng về trung tâm. Mỗi bức tượng cực kỳ đẹp này đều đã được tạc ra do hai bàn tay của một nghệ sĩ và hai người phụ tá, trong đó một người chỉ có trách nhiệm duy nhất là quét dọn những mảnh vụn sét trắng lại để dồn đốt gần dưới chân tượng.

Cứ hướng về trung tâm mà đi, thì ta chỉ thấy hết khuôn mặt này đến khuôn mặt khác. Nói chuyện mà quên nhắc đến các bức tượng này thì người địa phương Hà Nội vốn rất lễ độ sẽ quay mặt đi hướng khác, đỏ mặt cúi nhìn xuống đất, im lặng, thậm chí còn bỏ đi ra khỏi phòng mà không nói một lời.

Nếu du khách cứ hướng theo các tuyến tụ tâm mà đi hết cả bán kính về đến trung tâm thì sẽ thấy một nhóm tượng tụ tập đứng thành một vòng tròn nhỏ. Ta nghe giọng nỉ non của một thiếu phụ tuyệt đẹp tóc dài khóc ai oán trong đêm trước đống lửa tàn.

*

K thân mến,
Bây giờ đã về đêm và tớ đang nằm trong chuyến tàu lửa lên miền núi. Thế là tớ đã học được nghệ thuật tàng hình. Họ đã tìm nhưng không biết tớ ở đâu. Bằng cách thâu mình thật nhỏ và nằm thật yên tớ đã tự tàng hình. Tớ đang ở trong toa xe dành cho người địa phương. Trong toa bên cạnh, hành khách nước ngoài phải trả giá gấp ba. Họ ca hát ầm ĩ suốt chuyến đi. Tớ nằm trên một ghế nằm có đệm lót. Bảy người cùng chung một toa sáu người.

Ðột nhiên người soát vé xuất hiện, đi kèm theo là một anh nhân viên trẻ. Anh nhân viên trẻ nhón lên lấy một cái va li trống, Made In Korea, từ ngăn cao nhất trên đầu hành khách. Người soát vé đặt bàn tay gân guốc sương nắng lên trên va li, chận lại. Không một lời, họ giằng co nhau trong tư thế đó. Sau một lát, người soát vé nói, giọng cố gắng điềm tĩnh, 'Xin vui lòng để cái vali này lại đây.'

Anh nhân viên trẻ nói, có vẻ giận dữ 'Của tôi, tôi lấy.' Hai người giằng co trong im lặng. Tất cả mọi người trong toa đều nhìn, nhưng không nhìn. Không một ai buồn thốt ra một tiếng qua cổ họng.

Hoá ra cảm giác tàng hình là như thế này đấy, tớ tự nghĩ. Tớ nằm đấy và giả vờ rằng không thấy cũng có nghĩa là câm điếc luôn. Và vô tâm, bạc lòng. Nhưng tớ là người có lòng, thiện tâm, và những người trong toa này cũng thế.
Thương mến, Michelle

*

Thành phố của ngôn từ.

Ta đang gầy dựng một thành phố của ngôn từ để thay thế cho cái thành phố của vật thể chung quanh ta - của bụi bậm, của áo quần polyester, của lô nhô loài người. Mỗi ngày ta đi bách bộ khắp không gian thành phố, đo đạc kích thước vật thể để ấn định quy mô cho thành phố của ngôn từ.

Trừ một điều, thành phố ngôn từ của ta sẽ được xây với những viên gạch khối vuông sắc cạnh của ngôn ngữ bạn, trong khi cư dân ở đây phải xây thành phố của họ với những khối cẩm thạch tròn trịa dễ trượt, có vân theo âm hưởng lên xuống của giọng Hà Nội. Những hòn cẩm thạch tròn trịa này tạo nên kiến trúc của toàn thể không phải nhờ vào hình dạng mà là vị trí đặt. Ta đã thất bại ngay cả trước khi bắt đầu ...


Kim thân mến,
Có bốn từ cho một cuộc chiến. Người bắc gọi chiến binh của họ là Cách Mạng, nhưng gọi lính nam là Ngụy. Người nam gọi lính bắc là Bộ Ðội, lính nam là Lính Cộng Hòa.
'Thế bố mẹ cô không dạy cho cô từ ngữ của cuộc chiến à,' một anh xích lô ở Ðà Nẵng đã hỏi tớ như thế.
'Không.' Tớ trả lời. 'Gia đình chúng tôi thường nói chuyện học giỏi đậu cao, mua nhà sắm cửa kẻo bị người ta khinh.'
Cặp mắt đỏ ngầu, anh nhìn về phía trước, nét mặt không biểu lộ xúc cảm. 'Chiến đấu cho bên này hay bên kia đâu phải là lỗi của họ. Sống ở đâu thì đánh cho phe đó.' Anh nói, lau sạch đi tám năm nhốt trong rừng vì đã chiến đấu cho phe thua.
Hôm nay là ngày tớ bước chân vào bảo tàng của bi ai.
Thân mến, Michelle,

*

Hải thân mến,
Tất cả mọi bức ảnh của tớ rửa ra đều xấu như cứt. Hầu như không bao giờ tớ chụp ảnh người lạ cho ra hồn, như thể là vì tớ còn hoàn toàn xa lạ với sắc phục, diện mạo và lối sống của họ. Tớ có thể ví nó như việc tớ phải chụp ảnh du khách đến thăm Sydney. Chụp ảnh người Việt Nam là chụp với thân nhân hay bạn bè, chắc chắn không bao gìờ chỉ chụp ảnh khối đá không người. Không, bạn phải buộc một người bạn hoặc người bà con đứng trước tảng đá đẹp hay đài kỷ niệm quan trọng trong một tư thế cứng ngắc nhưng thân mật.
Với người Tây phương thì bạn thích phong cảnh thiên nhiên tay người chưa đụng đến, khách quan, im lắng, không xáo động, tĩnh lặng cô đơn. Cậu có bao giờ thấy xe cộ ở Việt Nam chạy thế nào chưa?
Ảnh của tớ không ra gì vì tớ không biết người bấm nút là ai.
Michelle

*

Các bạn thân mến,
Tớ đang ngồi trong quán cà phê Babel. Bên phải tớ một cô gái chăm chú đọc những dòng chữ nòng nọc nhảy múa. Tớ hỏi ngôn ngữ nào vậy. Tiếng Do Thái, cô ấy trả lời, cười cười. Một đôi vợ chồng lớn tuổi tranh cãi nhau hơi to tiếng qua anh hướng dẫn trẻ. Họ tranh nhau đối xử anh ấy thật tốt - mời anh uống bia, ân cần hỏi anh có thích cà phê pha kiểu tây phương không. Rõ ràng là cả hai đang hoảng sợ đến mất bình tĩnh trong tình huống xa lạ, lại thêm hôn nhân lủng củng.

Những tầng lớp ngôn ngữ trong quán cà phê này vừa tuyệt vời vừa đáng sợ. Phải chăng con rắn Hà Nội đang trườn mình bơi theo dòng sông chảy ra biển. Có một lần ông chú của tớ nói rằng những con sông này đều có một khúc dài vài cây số nơi nước mặn của biển hòa với nước ngọt của sông. Ở quãng nước lợ này sinh sôi nẩy nở một giống cá đặc biệt. Nơi này là chỗ đông gặp tây. Là sự hỗn hợp giữa hai môi cảnh. Là nơi những loài cá khác phải chết.

Anh hướng dẫn kiên nhẫn cố gắng tỏ ra thích thú theo dõi trả lời những câu hỏi của đôi vợ chồng già về 'văn hóa việt Nam'. Mắt anh liếc quanh quán. Anh nhìn cô gái đọc sách tiếng Do Thái một lúc. Anh nhìn về một người đàn ông da trắng cô-ca-diên lớn tuổi tóc lưa thưa trước trán đang học thơ Việt Nam mà người dạy là một anh trẻ tuổi người Việt.

Người dạy, mình tựa vào bàn về phía trước, có vẻ hài lòng với mức tiến bộ của ông học trò trung niên. Ông Cô-ca-diên nghĩ ông sẽ dùng câu 'gặp em ở chùa Hương' trong tình huống nào thì tớ chịu. Cả thầy lẫn trò đều uống bia Tigers. Hôm nay trời nóng. Mới mười giờ sáng mà ánh nắng vàng đã đượm màu hồng, lọc qua ngưỡng cửa của quán cà phê trong phố cổ.
Thân, Michelle,

Trái Tim Lăng Kính

Nếu ngươi lấy con dao thật sắc mổ tim ta để tìm cái hỗn hợp nhầy nhụa cát sỏi trộn với bùn lầy của hận thù thành kiến thì ngươi sẽ tìm thấy nó trong tim ta. Nếu ngươi xẻ tim ta để tìm máu đỏ và hương nhục của tình thương, lòng từ bi và lòng can đảm, ngươi cũng tìm thấy nó trong tim ta. Ta là lăng kính của mọi khả thể. Và khi ngươi di động, khi hơi thở ta làm động lòng ta, mọi màu sắc quang phổ sẽ lung linh lung linh.

Ta đã viết những dòng này bên cạnh không biết bao nhiêu bờ hồ. Trong những ngày hoang tưởng đầy sợ hãi thì nét chữ ta teo tóp lại thành những chấm đen và đuôi nòng nọc, ngay mắt ta cũng khó lòng đọc được huống chi là những cặp mắt đọc lén. Xương sống ta cũng thế, co tròn lại như con cuốn chiếu. Cũng có lúc ta đắn đo suy nghĩ có nên viết ý tưởng mình xuống trang giấy không. Phải chăng ta biết cách che giấu ý tưởng của mình, ngay cả đối với bản thân ta. Nhưng không ai có khả năng đè nén tình cảm. Và bàn tay ta phản bội ta, cứ thế mà vẽ ý tưởng ta ra trên giấy. Có thể đây là lý do mà thành phố này có rất nhiều nghệ sĩ.

Ta đã tóm bắt, qua chữ viết, những hình ảnh lung linh phản chiếu trên mặt hồ. Ðể dễ bề che giấu, để nói lên sự thật.
Nguồn: Nguyên tác Anh ngữ Vietnam: A psychic guide của Chi VÅ©,
đăng trong tạp chí Meanjin, Volume 1, 2001.
Ðã được tác giả và đạo diễn Sandra Long chuyển thành kịch, sẽ trình diễn vào cuối tháng Tám 2003 tại North Melbourne, với sự tham dự của Tâm Phan, Châu Vũ, Jodee Mundy và Chi Vũ.