© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
3.10.2003
Trịnh Thanh Thủy
Rung đùi tốt hay xấu?
 
Gần đây tôi tình cờ đọc được một vài bài viết của tác giả Nguyễn Hữu Liêm. Hầu như nội dung các bài viết đều quy về việc chỉ trích những thói hư tật xấu của người Việt Nam ta. Trong bài "Khi đàn ông Việt rung đùi" (VietHome Magazine, San Jose, California) ông Liêm có đề cập đến tật rung đùi của đàn ông xứ mình.

Người Việt mình có bao nhiêu tật xấu cần tránh, phải bỏ đi, hay sửa đổi. Nào là khạc nhổ ngoài đường phố, không biết giữ vệ sinh chung nơi công cộng, xả rác bừa bãi, tiểu bậy, vân vân và vân vân. Ở hải ngoại, người Việt phải hoà nhập với văn hoá xứ người, tật xấu đôi khi biến thành một nan đề. Nó không những khó bỏ mà còn lộ ra rõ rệt, tách bạch tạo nên nét đặc thù dân tộc. Đây là một việc tôi chứng kiến tận mắt.

Trong phòng ăn một công sở, người đàn ông Việt Nam ngồi ăn cơm trưa cạnh một người ngoại quốc. Ông ta nhai nhóp nhép, nhóp nhép. Người ngoại quốc bắt đầu lộ vẻ khó chịu ra mặt. Người Việt Nam vẫn tiếp tục nhai tạo nên một âm thanh ướt và nhão vang đều trong căn phòng trưa vắng. Người ngoại quốc không chịu nổi nữa, xô ghế đứng lên và bước khỏi phòng ăn. Người Việt Nam thản nhiên tiếp tục ăn và tiếng nhóp nhép vẫn vang đều. Ông không mảy may biết rằng mình vừa làm phật lòng một người ngoại quốc, vì chạm vào điều tối kỵ của họ, do tiếng nhai của mình.

Còn bao việc khác đối với người tây phương là "trái tai, gai mắt" trong khi người mình cho đó là việc thường tình. Chỉ trích và vạch ra những tật xấu con người cũng là một điều hay. Qua bài Rung đùi tôi được đọc, tôi thấy ông Liêm có một óc quan sát tinh tế và nhạy bén. Ông đã bỏ công thâu thập và đưa ra những tật xấu của người Việt Nam để chúng ta biết được mà tránh, đối với tôi đó là điểm son đẹp. Nhưng đi sâu hơn vào vấn đề, tôi tự hỏi: Mục đích của ông Liêm khi làm công việc "vạch áo xem lưng" là gì? Nếu chỉ thuần một việc "bới rác" ra đầy nhà, rồi vất đấy mà không tìm cách quét dọn hay giải quyết thì việc chỉ trích có phải biến thành vô ích lắm không?

Tôi xin tiếp tục công việc dở dang của ông Liêm là phân loại rác, coi cái nào dùng được thì xài lại, cái nào làm phân bón tốt thì dùng cho việc bón cây, cái phải thải thì bỏ đi và tìm nơi để đổ.

Theo tôi, tật rung đùi là một thói quen được bắt chước (a learned pattern of behavior), một quán tính hay tập quán.

Thói quen con người là những hành động phản xạ tự nhiên. Khi chúng ta sinh hoạt trong một môi trường xã hội, con người phải thay đổi và thích nghi với hoàn cảnh sống ấy để tự tạo cho mình sự thoải mái và dễ chịu tối đa. Thói quen đã ra đời. Nó có khuynh hướng ngăn ngừa chúng ta những rủi ro trong việc phiêu lưu, mạo hiểm. Càng lớn tuổi đời, kinh nghiệm càng cao, thói quen càng nhiều. Mức từng trải con người mỗi dày, sự tiêm nhiễm thói quen mỗi sâu hơn.

Thật vậy, khi chúng ta quen với một người hay một vật chúng ta thấy được cảm giác thân thuộc. Nhìn họ, chúng ta thấy được quá khứ, không gian, thời gian và những gì chúng ta từng chia sẻ, tiếp xúc với người đó, vật đó. Nó là bản tóm lược hành vi của ta, những ý định, cảm xúc và phản ứng của ta. Là gương soi, phản ánh phía lưng ta, là một phần thân thể ta. Vì vậy cảm giác thoải mái là tất cả cảm giác ta cảm nhận được từ thói quen.

Thói quen ưa rung đùi của người Việt đã bị tiêm nhiễm do môi trường sống. "Tôi thấy anh rung đùi, người quanh tôi rung đùi, tự động đùi tôi cũng rung, tôi làm việc của mọi người cùng làm và đã làm." Nó như một căn bệnh truyền nhiễm. Một hội chứng dễ nhiễm và khó bỏ. Cứ để ý trong một gia đình, ông bố có tật hay rung đùi, thế nào trong số con cái cũng có người bị. Nó không do di truyền, mà do tiêm nhiễm. "Bố tôi làm, tôi cũng làm theo". Thói quen được lập lại tự nhiên như việc ăn và ngủ vậy.

Nó không những có ở người đàn ông mà cả ở đàn bà. Có một trò chơi tên là "Bà ngồi bà rung đùi" minh chứng được thói quen này người phụ nữ cũng mắc phải. Còn các ông thì khỏi kể. Trong văn nói hay văn viết hoặc kho tàng văn chương dân gian những câu đại loại như "Vừa ngồi uống rượu, vừa rung đùi", "Vừa uống cà phê, vừa rung đùi" chúng ta thấy nhan nhản.

Đối với tôi, rung đùi, tự nó không có gì là xấu. Trái lại, đó là một phương pháp giải toả áp lực đời sống rất hữu hiệu. Ông bác nghe được một câu thơ hay, rung đùi bày tỏ thái độ thú vị. Anh Ba nhai một miếng dồi chó trong bàn tiệc quá ngon, quá thơm, rung đùi tán thưởng cái triết lý "Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó, thác xuống âm phủ biết có hay không?". Chú Năm nghe cô đào cải lương xuống một câu vọng cổ quá mùi, rung đùi đắc chí tỏ cái ý đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Cậu Bảy, sau giờ làm việc vất vả, ngồi trước hiên nhà hóng gió, rung đùi mà hát vu vơ một mình như một phút nhàn hạ, thoải mái chống lại áp lực cuộc sống.

Người ngoại quốc, nhất là người Mỹ, cũng có tật rung đùi chứ không riêng gì người mình. Trên một diễn đàn, Webforum của Department of Neurology của Hoa Kỳ mở ra để tìm hiểu về các chứng bệnh liên quan tới thần kinh, có nhiều người đã viết điện thư than phiền về tật rung đùi của họ. Họ bị lẫn lộn, hoang mang, lo lắng, coi đó là căn bệnh và không biết nguyên nhân phát xuất từ đâu. Họ không nghĩ đến thói quen bị tiêm nhiễm mà sợ sệt mắc phải những chứng như Restless Legs Syndrome (RLS) [1] , hay Lateral Sclerosis (LS) [2] hoặc những dấu hiệu sơ khởi của chứng bệnh Parkinson [3] .

Cô Denise viết:
Tôi nhận thấy tôi có tật hay rung đùị. Có những lúc tôi bắt gặp đùi tôi rung lên bần bật. Tôi biết mình không cố ý. Từ nhỏ tôi đã có tật này. Tôi ngạc nhiên lắm và để ý xem những người khác. Càng ngạc nhiên hơn, tôi thấy họ cũng vậy, nghĩa là họ cũng rung đùi như tôi. Tự nghiệm lại mình, tôi thấy mình không bị chứng mất ngủ hay bệnh tật gì. Sức khoẻ tôi rất khả quan. Con gái tôi cũng rung đùi như tôi. Không biết giới y khoa có nghiên cứu gì về vấn đề này và biết nguyên nhân gì tạo nên không? Chứ tôi thấy xấu hổ, tức giận và hoang mang quá khi thấy đùi mình cứ rung lên vô cớ. Nó có phải triệu chứng của bệnh Lateral Sclerosis (LS) không?Các bạn có ai biết gì về vấn đề này không, xin chia sẻ và giúp tôi câu trả lời. Xin đa tạ

Anh Nicolas phàn nàn:
Tôi đọc được thắc mắc của cô Denise, tôi vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ vì tìm được người đồng bệnh. Trường hợp của tôi cũng tương tự. Tôi 34 tuổi, người Pháp. Năm 23 tuổi tôi bắt đầu có thói quen lắc đầu trước khi ngủ. Giấc ngủ sẽ không đến nếu tôi không lắc đầu. Cùng việc lắc đầu, chân phải lại rung lên liên hồi. Dần dà nó thành tật, tôi rung đùi thường xuyên. Khi để ý thấy mình đang rung đùi, tôi ngưng lại, nhưng sau đó nó rung trở lại khi không có sự kiểm soát của lý trí. Tôi không biết tại sao. Không biết mình có bị bệnh gì không? Xin chia sẻ với cô Denise và các bạn.

Nếu các bạn để công vào các diễn đàn trên mạng lưới thông tin toàn cầu bạn sẽ tìm ra rất nhiều người thắc mắc và hoang mang về tật rung đùi của họ. Có một quảng cáo rao rằng gởi tiền cho họ, (khoảng 20 đô La Mỹ), họ sẽ gởi sách về chỉ cách trị bịnh rung đùi một cách rất hữu hiệu. Không biết có ai tin và mua thử chưa? Tôi nghĩ có thể đây là những phương cách chỉ dẫn con người làm sao chống lại hay chiến thắng được bản thân, bỏ đi quán tính, rèn luyện tri thức, kiểm soát được sự vận hành của thần kinh để mang tới hệ quả làm giảm hay ngưng được tật rung đùi.

Có bệnh cần được điều trị. Nếu bạn cảm thấy bạn bị bệnh rung đùi tương tự như các chứng của những căn bệnh liên can tới sự nhiễu loạn thần kinh bạn nên đi khám bác sĩ. Còn nếu việc rung đùi của bạn không mảy may giống như có bệnh, có lẽ tật rung đùi của bạn do thói quen. Sửa đổi một thói quen là một nan đề. Nó đòi hỏi ở bạn tính kiên nhẫn, và những nỗ lực tuyệt đối.

Thói quen cá nhân đã khó sửa đổi, to tát hơn của một dân tộc càng khó sửa hơn. Một khi tật rung đùi đã thành tập quán xã hội của một dân tộc, người ta không còn nghĩ đến việc sửa đổi hay bài trừ nó nữa.

Dưới khía cạnh triết học, thói quen và ước vọng sửa đổi hay loại bỏ không được đặt trên một nền tảng chính yếu nào cả. Dường như không có đủ yếu tố vạch được lằn ranh giữa thói quen và ước muốn chừa bỏ thói quen. Nó cần có động lực.

Quả như Aristotle nhận xét: Khi ném một hòn đá vào không gian, nó không có khuynh hướng rơi cùng chiều với những lần ném trước. Nhưng nó sẽ có khuynh hướng rơi vào trung tâm hấp lực theo đường thẳng đứng. Nó chỉ đổi hướng khi có động lực khác được thêm vào.

Thói quen cũng vậy, sự thay đổi đòi hỏi tính mềm dẻo, nỗ lực muốn đổi mới và ý chí quyết thắng. Tật xấu chỉ giảm đi và biến mất bằng sự tự chế, không lập lại thói quen hay hành đống ngược lại cái xấu.Rèn luyện ý chí cũng là một phương cách chiến thắng đuợc thói quen. Ý chí mạnh, ước vọng cao, thói quen sẽ thất bại.Trên bình diện đạo đức, câu hỏi được đặt ra chính là nó tốt hay xấu mà thôi. Nghĩa là tập quán đó có đi ngược lại lề luật và định chế xã hội không? Đối với một việc xấu, xảy ra quá thường trong môi trường sống hàng ngày, người ta có khuynh hướng quên nó đi hay không còn chú trọng đến nó. Sự đánh giá đúng, sai, xấu, tốt và cảm giác xấu hổ chai đi và từ từ biến mất. Tiếng nói của lương tâm bị xơ cứng. Khả năng báo động lầm lẫn dần dà câm điếc. Việc xấu không còn là cái gai trong mắt mọi người.

Tỷ như việc hối lộ. Đây là hành động phi pháp, không chính đáng. Cả kẻ cho hối lộ và người nhận đều có tội. Trong xã hội thói quen hối lộ biến thành tập quán, người ta nghiễm nhiên xem nó là việc cần phải làm để đạt mục đích. Hối lộ biến thành thủ tục, phương tiện, cứu cách đưa đến một kết quả mỹ mãn của người đưa lẫn người nhận.

Như vậy trên phương diện đạo đức chúng ta nên xem Rung đùi tốt hay xấu?

Nếu bảo rằng xấu. Nó không phương hại ai. Nếu bạn có tật này, rung đùi nhiều quá gây tiếng động hay làm khó chịu người chung quanh và cảm thấy xấu hổ. Bạn gắng sửa đổi. Nếu bạn thấy nó là tập quán tốt, một phương pháp thoải mái giúp bạn làm tan đi áp lực đời sống. Bạn không cần băn khoăn làm gì vì chung quanh bạn có nhiều người hành động giống bạn. Nếu bạn không có tật, nhưng khó chịu vì bị người khác rung đùi làm phiền. Phản ứng tùy thuộc ở bạn. Nhưng theo tôi nghĩ, khi biết được những nguyên nhân hình thành tập quán này và nỗi khổ của người có tật rung đùi ra ngoài vòng kiểm soát của lý trí, có lẽ cái nhìn của bạn sẽ bao dung, đỡ khe khắt và chấp nhận nó dễ dàng hơn.

© 2003 talawas




[1]Restless Legs Syndrome (RLS): Người mắc bệnh này thường thấy những cơ bắp bị rung lên không ngơi nghỉ nhiều nhất là phần đùi dưới, giữa đầu gối và mắt cá chân. Nó thường kéo theo sự rung chuyển của các phần khác thân thể như đùi trên và cánh taỵ. Bệnh thường phát vào buổi chiều và gần tối. Theo sự nghiên cứu của các chuyên gia thì nguyên nhân bệnh này do sự thiếu thốn các chất khoáng như calcium, magnesium hay iron tạo nên.
[2]Lateral Sclerosis (LS): LS là một trong những căn bệnh liên can tới sự nhiễu loạn của hệ thống vận động thần kinh. Bệnh này dễ bị nhầm lẫn vì tính không chính xác của nó. Được gọi là bệnh LS khi sự vận hành của thần kinh ở óc và hệ tủy sống bị bất thường. Người bị bịnh này hay bị té, ngã, mất sự kiểm soát của cơ bắp và sức mạnh của bàn tay và cánh tay, nói năng, nuốt và thở khó khăn, cơ bắp rung và đau. Đó là triệu chứng của hệ thống vận hành thần kinh bị chấn thương tạo nên sự rung động của cơ bắp kể cả việc yếu đi và teo lại.
[3]Parkinson: là một trong những căn bệnh liên can tới sự nhiễu loạn của hệ thống vận động thần kinh. Trong bộ óc bình thường, những tế bào thần kinh có nhiệm vụ sản xuất những thần kinh vận chuyển mang những tín hiệu lên óc để tạo cử động của bắp thịt. Những người bị bệnh Parkinson, 80% thần kinh vận chuyển bị chấn thương, chết hay bị lão hoá. Điều này tạo nên sự mất kiểm soát việc điều khiển các cơ bắp. Triệu chứng thường thấy là: rung bàn tay, cánh tay, đùi chân, hàm, mặt., cứng tay, đùi, cử động chậm chạp, mất sự điều khiển và cân bằng.


Tài liệu tham khảo
Department of Neurology, USA