© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Suy tÆ° 90
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29 
24.4.2006
Nguyễn Kiến Giang
Suy tư 90 - Thử dò tìm một cách tiếp cận mới đối với thế giới hiện đại
 
Bài này được viết trong một cơn “ngẫu hứng”, thật ra để tự giải đáp về vấn đề chủ nghĩa xã hội sụp đổ nhanh chóng và quá bất ngờ. Có đưa một vài anh em đọc. Không hiểu sao, tạp chí Thông tin Lý luận của Trường Nguyễn Ái Quốc lại cho đăng bài này (một số ra giữa năm 1992, tôi không nhớ chính xác), tất nhiên không có tên tác giả.
Một nhận định được “nhất trí cao” trong các giới nghiên cứu là: kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, chưa có một thời điểm nào thế giới trải qua những đảo lộn dữ dội và phức tạp như vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 này. Nhưng sự nhất trí chỉ đạt đến đó, còn đi sâu vào tính chất, nguyên nhân, tác động của những đảo lộn ấy thì lại có những nhìn nhận khác nhau, trái ngược nhau.

Điểm trung tâm của những biến động (và cũng là điều gây tranh luận nhiều nhất) là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở một loạt nước Đông Âu (từ giữa những năm 1989) và đặc biệt là ở Liên Xô (năm 1991), nơi được coi là “thành trì của chủ nghĩa xã hội thế giới”. Chính sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở các nước này đã vẽ lại bức tranh thế giới một cách căn bản. Để đánh giá hết chiều sâu của những đảo lộn, có lẽ cần nhắc lại một vài nhận định cơ bản về tình hình thế giới vẫn đang thịnh hành.

Những người mácxít - lêninnít đều thống nhất cho rằng thời đại hiện nay là “thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới”, mở đầu từ Cách mạng háng Mười Nga, được đẩy mạnh với sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Có người còn dự đoán những mốc thời gian đánh dấu sự mở rộng của hệ thống ấy ra những vùng rộng lớn trên trái đất. Dù còn khác nhau về những phương thức của sự quá độ này (hòa bình hay không hòa bình), nhưng nội dung cơ bản của nó - sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội - là một điều hiển nhiên, không cần bàn cãi. Phía bên kia, các giới chính trị và tư tưởng phương Tây lại nhìn nhận một cách ngược lại: đối với họ, chủ nghĩa xã hội là nguồn gốc gây tai họa cho sự phát triển phồn vinh của các nước phương Tây, và họ tự đặt cho mình trách nhiệm đánh bại chủ nghĩa xã hội, đưa các nước xã hội chủ nghĩa quay về với “Thế giới tự do”... Tuy có những bất đồng với nhau về cách thức “đánh bại chủ nghĩa xã hội”, nhưng đối với họ, sự toàn thắng của chủ nghĩa tư bản phương Tây cũng là một điều hiển nhiên, không phải bàn cãi.

Thừa nhận công khai hay không công khai, cả phía này lẫn phía kia đều suy nghĩ về tình hình thế giới theo lối “lưỡng phân” (dichotomy); tư duy theo kiểu “hai phe đối đầu” đã trở thành một rãnh sâu trong não, khó xóa bỏ.

Những đảo lộn vừa qua có tác dụng hai mặt: một mặt, nó càng đẩy sâu cách nhìn “lưỡng phân” ấy với những xúc cảm mới (chua cay đối với bên này và hoan hỉ đối với bên kia); mặt khác, nó đặt ra những câu hỏi lớn về thời đại, về triển vọng của thế giới, không dễ gì trả lời: Tại sao chủ nghĩa xã hội lại sụp đổ dễ dàng và nhanh chóng như vậy ở Đông Âu và nhất là ở Liên Xô? Thế giới ngày nay phải chăng lại bị chủ nghĩa đế quốc thao túng như vào đầu thế kỷ này? Một bước thụt lùi của loài người chăng? v.v...

Có thể nói ngay rằng nếu không thoát khỏi cách nhìn “lưỡng phân” quen thuộc, “một thứ vòng kim cô” xiết chặt đầu óc nhiều người, thì không thể nào trả lời những câu hỏi trên một cách đúng đắn, và rốt cuộc lại càng bối rối hơn trong nhận thức và hành động về chính trị thế giới. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta, một nước vẫn “kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa” như từng được chính thức khẳng định. Bởi vì, những câu trả lời lúng túng sẽ dẫn tới những hành vi nửa vời, thụ động vào một thời điểm cần có những bước đi mạnh bạo và chủ động, đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng, chuẩn bị tiến đến “vạch xuất phát” để tạo những điều kiện thuận lợi cho đất nước “cất cánh” và phát triển.

Trong những trang dưới đây, xin thử dò tìm một cách tiếp cận mới đối với một thế giới hiện đại. Những vấn đề cụ thể sẽ chưa được bàn tới ở đây.


I. Chủ nghĩa tư bản thắng, chủ nghĩa xã hội thua?

Thoạt nhìn, người ta có thể tưởng là như vậy. Thậm chí có người hoan hỉ tới mức tuyên bố sự toàn thắng của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Tiêu biểu nhất là bài báo gây tranh cãi lớn của F. Fukuyama Sự cáo chung của lịch sử năm 1989. Một số tác giả khác cố chứng minh những ưu thế của chủ nghĩa tư bản đối với chủ nghĩa xã hội cũng với một thái độ hoan hỉ không kém. Trong khi đó, nhiều người cộng sản tuy thừa nhận những thất bại của chủ nghĩa xã hội (vì đó là một thực tế hiển nhiên, không thể không thừa nhận), nhưng vẫn dựa vào “những quy luật tất yếu của sự phát triển lịch sử” để tuyên bố đây chỉ là một bước thụt lùi tạm thời, một thất bại tạm thời của nó, rồi ra nó sẽ lấy lại sức mạnh để đi tới chiến thắng cuối cùng. Dễ dàng thấy rõ trong cả hai cách nhìn nhận ấy có một điểm giống nhau: cả hai đều xuất phát từ một cách tiếp cận giống nhau - cách tiếp cận “ai thắng ai”.

Nhưng thực tế lịch sử đâu có đơn giản như thế!

Xét về tiềm lực mọi mặt của hai hệ thống thế giới cách đây chưa lâu, khó có thể nói rằng chủ nghĩa tư bản “thắng” chủ nghĩa xã hội một cách dễ dàng và nhanh chóng như vậy. Hàng chục năm sử dụng đủ mọi sức mạnh - từ kinh tế đến quân sự - hòng “xóa sổ” các nước xã hội chủ nghĩa khỏi bản đồ chính trị thế giới, các cường quốc phương Tây cuối cùng đành phải chấp nhận một thế mạnh ngang nhau về quân sự, và nhiều nhà tư tưởng phương Tây cũng đã đành phải chấp nhận “cùng tồn tại hòa bình” giữa hai hệ thống như một thực tế, thậm chí có người còn đề xướng sự “hội tụ” của hai hệ thống như một học thuyết của thời đại. Rồi đây, các kho lưu trữ sẽ cho thấy rõ tất cả những gì các nước phương Tây đã làm trong những năm gần đây nhằm phá hoại các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng có thể nói chắc rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô không phải là kết quả trực tiếp của một kế hoạch phá hoại hay thôn tính nào của các cường quốc phương Tây cả. Một kế hoạch tiến công vũ trang ư? Nó đã có từ lâu nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Một kế hoạch tiến công về tư tưởng ư? Cũng vậy, nó đã có từ lâu và sức mạnh của nó không phải là toàn năng. Một kế hoạch bao vây về kinh tế ư? Hãy nhìn vào số nợ nước ngoài của Liên Xô: hơn 80 tỉ đôla; nghĩa là các nước phương Tây vẫn coi Liên Xô là một “bạn hàng” có thể tin cậy. Nói rằng các nước phương Tây không làm một điều gì để thúc đẩy sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội là vô lý. Đối với giới cầm quyền các nước đó, triết lý “ai thắng ai” cũng chi phối hành động của họ không kém gì đối với những đối thủ chính trị và tư tưởng của họ. Nhưng nếu cho rằng những âm mưu và hành động của các nước phương Tây là nguyên nhân chủ yếu gây nên sự sụp đổ này thì lại là đánh giá quá cao sức mạnh của họ.

Có một loại ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu của sự sụp đổ này là từ bên trong chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Thường người ta nói tới hai yếu tố: thứ nhất, những sai lầm khuyết điểm của các đảng lãnh đạo (quan liêu, không tôn trọng các quy luật khách quan, quan hệ giữa đảng và nhân dân không bền vững, thiếu dân chủ, v.v...); thứ hai, sự phản bội của một số lãnh tụ nào đó, ít ra cũng là chủ nghĩa cơ hội của họ. Về yếu tố thứ hai này, không cần bàn nhiều, vì đó là cách giải thích “tiện lợi” nhất thường thấy khi không tìm ra được những nguyên nhân thật sự của những diễn biến đó. Nhưng cả lối giải thích theo lối thứ nhất, cũng không đủ sức thuyết phục. Bởi vì vấn đề không phải là ở những sai lầm khuyết điểm nào đó của đảng lãnh đạo, mà vấn đề nằm ngay ở những nền tảng của chế độ. Điều này được thấy rất rõ trong trường hợp của Ba Lan, Hungary và một số nước khác, kể cả Liên Xô. Mọi cải cách nửa vời về chính trị và kinh tế đều không cứu vãn được tình hình, và chỉ có tác dụng đẩy sâu hơn khủng hoảng, cho tới lúc tan rã.

Vả chăng, chủ nghĩa tư bản trong suốt chiều dài lịch sử của nó không phải không phạm những sai lầm lớn đối với nhân dân ở các nước đó. Ai tính được hết những cái giá về sinh mạng và tiền của mà chủ nghĩa tư bản bắt con người gánh chịu nặng nề trong mấy thế kỷ tồn tại của nó: chiến tranh, ăn cướp thuộc địa, bần cùng hóa người lao động, tước bỏ các quyền tự do dân chủ, v.v... Chối bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa là thái độ chung của những bộ óc lớn nhất ở phương Tây (xét về mặt nào đó, sự xuất hiện chủ nghĩa xã hội như một trào lưu tư tưởng phủ định chủ nghĩa tư bản cũng chính là con đẻ của xã hội tư bản chủ nghĩa). Muốn bào chữa như thế nào đi nữa, chủ nghĩa tư bản cũng đã bị coi là lỗi thời về mặt lịch sử. Và sự phán quyết lịch sử này không thể đảo ngược được nữa.

Những đảo lộn vừa qua thật ra bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa hơn nhiều. Và sự đảo lộn đó tuyệt nhiên không phải là thắng lợi của chủ nghĩa tư bản như mới thoạt nhìn.

Chỉ cần một câu hỏi: Tại sao chủ nghĩa xã hội chỉ thất bại vào thời điểm này mà không phải vào một thời điểm trước đây, dù chỉ là những năm 60 hay 70 chẳng hạn, thì có thể trả lời được câu hỏi có tính chất chung hơn: Tại sao chủ nghĩa xã hội không chịu được thử thách của lịch sử.


II. Những hạn chế của cách tiếp cận hình thái

Ở đây, xin phép không trình bày lại lý luận về các hình thái xã hội của chủ nghĩa Mác, vì đó là một việc làm thừa đối với những ai đã từng nghiên cứu lý luận đó.

Trong một thời gian dài, những người mác-xít áp dụng lý luận về các hình thái không những để phân tích các giai đoạn tiến hóa của lịch sử loài người (theo sơ đồ “năm hình thái” quen thuộc, tuy có khi được sửa đổi về chi tiết), mà còn để phân tích nền chính trị thế giới hiện đại. Về mặt sử học, lý luận về các hình thái có hiệu quả đến đâu, điều đó không thuộc phạm vi bài này. Ở đây chỉ đề cập hiệu quả của nó đối với sự phân tích thế giới hiện đại.

Trước hết, cần nói tới khái niệm “hiện đại”, vì có lẽ trong các thuật ngữ thông dụng nhất hiện nay, không có thuật ngữ nào mang nội dung mơ hồ như thuật ngữ đó. Nó vừa có nghĩa “đương đại”, vừa có nghĩa “cái gì mới nhất”, lại vừa được dùng để chỉ một thời đại lịch sử nhất định. Đối với những người mác-xít, thời hiện đại hàm nghĩa giai đoạn lịch sử mở đầu từ Cách mạng tháng Mười 1917. Trong bài này, chúng tôi dùng khái niệm này để chỉ khoảng thời gian trong tầm với của số đông những người đang sống, với mục đích phục vụ cho việc phân tích những gì diễn ra trong khoảng thời gian từ mấy chục năm gần đây.

Vấn đề chính là ở chỗ: trong khoảng chừng ấy năm, loài người đã làm một bước chuyển vĩ đại từ văn minh công nghiệp sang văn minh mới, mà nhiều nhà nghiên cứu đánh giá bước chuyển ấy có ý nghĩa lịch sử ngang với bước chuyển từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp cách đây mấy trăm năm. Trong khoảng thời gian đó, cách tiếp cận hình thái lúc đầu tỏ ra có hiệu quả (trong khuôn khổ văn minh công nghiệp), nhưng sau đó nó dần mất tác dụng (khi bước vào văn minh hậu công nghiệp).

Cách tiếp cận hình thái phân chia thế giới thành hai hình thái chủ yếu: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa (những xã hội không nằm trong hai hình thái đó thường được coi như những xã hội “quá độ”, đó là trường hợp của rất nhiều nước thuộc “Thế giới thứ ba”). cả hai hình thái ấy đều tồn tại trên cơ sở một nền văn minh chung: văn minh công nghiệp. Những người mác- xít, về mặt lý luận, phân biệt các hình thái xã hội khác nhau, kể cả các hình thái tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, bằng những trình độ khác nhau của phương thức sản xuất (bao gồm một quan hệ tương ứng, một sự phù hợp nhất định của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất). Trên thực tế, chúng ta thấy khác. cả hai hình thái xã hội đều lấy công nghiệp làm lực lượng sản xuất của mình. Xét về mặt này, các nước thuộc cả hai hình thái chỉ khác nhau về trình độ: có những nước đã công nghiệp hoá xong, trong khi có những nước đang tiến hành công nghiệp hoá. Và như đã biết, sản xuất công nghiệp dù đưới hình thái nào cũng có những nét cơ bản giống nhau: cơ giới hoá các quá trình sản xuất, tổ chức sản xuất theo những đơn vị sản xuất công nghiệp lớn, phân công lao động kiểu công nghiệp, cơ cấu ngành của nền kinh tế mang tính chuyên môn hoá cao, v.v... Nền văn minh công nghiệp tạo ra cái mà Alvin Toffler gọi là “hệ tư tưởng sơ đẳng” (ideologie “primaire”): Trong những nền kinh tế công nghiệp “sơ đẳng”, sự giàu có được đo chung bằng việc chiếm giữ của cải, còn sản xuất được coi là thực chất của đời sống kinh tế. Ngược lại, những hoạt động tượng trưng hay dịch vụ, mặc dầu là cần thiết một cách khốn khổ, lại bị lên án như là phi sản xuất...

Những thái độ đó kéo theo cả một chuỗi hệ quả. Chẳng hạn: “sản xuất” tức là phối hợp những nguồn lực vật chất, máy móc và sức lực thể chất; tài sản quan trọng nhất của một xí nghiệp là những của cải sờ mó được; sự giàu có của quốc gia là kết quả thặng dư về cán cân thương mại; những trao đổi về dịch vụ chỉ quan trọng trong chừng mực chúng làm thuận lợi cho việc buôn bán hàng hóa; sự đào tạo nhiều lúc bị coi như một sự lãng phí, trừ khi có tính chất nghề nghiệp chật hẹp; nghiên cứu là một chuyện ngông cuồng phi thực tế; nghệ thuật chẳng có liên quan gì với kinh doanh hoặc, tệ hơn nữa, có hại cho kinh doanh” (A. Tofler, Les nouveaux pouvoirs, Fayard, Paris, 1991, tr. 105).

Đối với nhà nghiên cứu này, điều quan trọng trong văn minh công nghiệp là vật chất. Và lối suy nghĩ ấy chẳng phải của chủ nghĩa tư bản mà cả của “thế giới cộng sản”. Trên thực tế, - ông viết - sự tôn vinh giai cấp vô sản, được coi - về mặt lý luận - là đội tiên phong của sự tiến bộ, phản ánh những định đề của một nền kinh tế “sơ đẳng” (như trên, tr. 106). Và chúng ta thấy A.Toffler không phải không có lý.

Sẽ có người phản đối: dù lực lượng sản xuất giống nhau, nhưng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội vẫn khác nhau căn bản về quan hệ sản xuất kia mà. Điều đó không thể chối cãi được: quan hệ sản xuất - mà hạt nhân của nó là chế độ sở hữu - của hai hình thái hoàn toàn đối lập nhau: một bên dựa vào chế độ tư hữu, một bên dựa vào chế độ công hữu. Rồi trên cơ sở đó và cùng với điều đó, còn một loạt đặc điểm khác nhau giữa hai chế độ xã hội: kinh tế thị trường - kinh tế kế hoạch hóa, Nhà nước tư sản (chuyên chính tư sản) - Nhà nước vô sản (chuyên chính vô sản), v.v... Tất cả những điều đó tạo nên hai bộ mặt xã hội hoàn toàn đối lập nhau.

Đúng là vậy, và không ai không nhìn thấy những khác nhau căn bản giữa hai hình thái xã hội này. Trong tư tưởng của những người theo chủ nghĩa xã hội, hình thái xã hội xã hội chủ nghĩa phủ định một cách triệt để hình thái xã hội tư bản chủ nghĩa, và trên thực tế sự phủ định ấy cũng đã được thực hiện triệt để.

Người ta tưởng rằng với chủ nghĩa xã hội, tất cả những tật bệnh xã hội phát sinh dưới chủ nghĩa tư bản sẽ được khắc phục, nhất là chế độ người bóc lột người. Hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa đều tuyên bố xóa bỏ xong các giai cấp bóc lột. Nhưng kết quả là thế nào? Kết quả là chủ nghĩa xã hội vẫn không tỏ rõ được ưu thế của nó đối với chủ nghĩa tư bản. Có thể biện minh sự thấp kém nào đó về lực lượng sản xuất bằng cách đưa ra những điểm xuất phát rất khác nhau. Nhưng điều đáng nói là ngay cả khi đã công nghiệp hoá về căn bản, các nước xã hội chủ nghĩa vẫn không đạt tới những hiệu quả sản xuất cao như mong muốn. Mức sống được nâng lên chậm chạp. Và dù có cải tiến như thế nào đi nữa trong lĩnh vực phân phối của cải – nhiều nhà nghiên cứu coi đó là khâu then chốt của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa - thì tình hình cũng không vì thế mà khá hơn. Một sự phân phối mang tính chất bình quan dần dần được bổ sung bằng một sự phân phối mang tính chất đặc quyền đặc lợi. Một tầng lớp quan liêu nắm giữ bộ máy đảng - nhà nước theo lối độc quyền rốt cuộc lại biến thành một tầng lớp bóc lột mới, “đứng lên trên nhân dân, đối lập với lợi ích của nhân dân” như Lênin nói về thực chất của tầng lớp quan liêu này. Mọi quyền dân chủ đều biến thành hình thức. Xã hội công dân bị triệt tiêu. Nhà nước pháp quyền không tồn tại. Quyền lực của nhân dân bị chiếm đoạt. Vậy là, sau hơn 70 năm tồn tại ở Liên Xô và hơn 40 năm ở các nước Đông Âu, chủ nghĩa xã hội trên thực tế trở thành một chế độ toàn trị (totalitariansme). Mặc dầu có đạt được những thành tựu nổi bật lúc đầu (công nghiệp hóa nhanh chóng, chống trả và đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của các nước đế quốc, của chủ nghĩa phát xít v.v...), chủ nghĩa xã hội dần dần lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện và ngày càng nặng nề, với những mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Nhưng dù là như vậy đi nữa, nó cũng không thể tự sụp đổ một cách nhanh chóng được. Trong lịch sử, có những chế độ chuyên chế vẫn kéo dài được sự tồn tại của nó hàng thế kỷ liền.

Cho đến giữa những năm 60 - đầu những năm 70, rõ ràng cả hai hình thái xã hội chủ yếu trên thế giới đã tồn tại với tất cả những thế mạnh và thế yếu vốn có, và khó có thể nói được rằng hình thái nào hơn hẳn hình thái nào. Không phải ngẫu nhiên mà sau nhiều thập kỷ đối đầu quyết liệt, kể cả bằng sức mạnh quân sự, cả hai hình thái đó đã tìm thấy một sự thỏa hiệp dưới khái niệm được cả hai phía thừa nhận: cùng tồn tại hòa bình. Những xung đột giữa hai hình thái đó vẫn tiếp tục, có khi trở nên gay gắt, nhưng không một hình thái nào đủ sức “kết liễu” hình thái kia. Điều khó hiểu đối với nhiều người chính là ở chỗ: vào thời điểm cả hai hình thái chấp nhận sự cùng tồn tại hòa bình (trong đó yếu tố hết sức quan trọng, nếu không phải là quyết định, là sự ngang nhau về sức mạnh quân sự), thì chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng và đi tới một sự sụp đổ nhanh chóng không thể lường được ở một loạt nước Đông Âu và ở chính thành trì của chủ nghĩa xã hội là Liên Xô. Trong khi đó, các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây lại giành được một thế ổn định tương đối và trên đà phát triển kinh tế - kỹ thuật gia tốc.

Cách tiếp cận hình thái rõ ràng không đủ sức lý giải những diễn biến lịch sử vô cùng đặc biệt này.

Thứ nhất, nó không lý giải được tại sao chủ nghĩa xã hội - một hình thái xã hội được coi là cao hơn và lúc đầu có sức hấp dẫn lớn như thế, lại sụp đổ nhanh chóng như thế?

Thứ hai, nó càng không lý giải được tại sao chủ nghĩa tư bản, một hình thái xã hội mang trong mình nó nhiều bệnh tật và tội lỗi đến thế, lại có thể kéo dài sự tồn tại lịch sử của nó lâu bền như thế? Hơn nữa, theo một số nhà tư tưởng phương Tây, “lịch sử đã kết thúc” với nó, nghĩa là nó biến thành vĩnh hằng.

Dù có phân tích như thế nào về các quan hệ bên trong của mỗi hình thái cũng như về tác động qua lại giữa hai hình thái đó, vẫn không thể nào lý giải được quá trình độc đáo đang diễn ra trên thế giới hôm nay.

Những ý kiến của N. Cheshkov thật đáng suy nghĩ: “Theo tôi, thật khó mà suy nghĩ về thế giới... trong khuôn khổ của cách tiếp cận hình thái. Những định đề cơ bản của nó - vai trò chủ đạo của sản xuất xã hội và vật chất, sự phát triển theo các giai đoạn và sự đấu tranh của các lực lượng xã hội phân cực như là động lực của sự phát triển - rõ ràng đang tách rời với những thực tế của toàn thế giới; mà trong sự tiến hóa của thế giới, vai trò ngày càng to lớn thuộc về những nhân tố phi kinh tế, và sự phát triển của nó có tính đồng đại hơn là lịch đại (theo giai đoạn), những đối kháng và mâu thuẫn giai cấp hoặc là thay đổi nhau, hoặc là được bổ sung bằng những đối kháng và mâu thuẫn khác - xã hội, dân tộc, tôn giáo. Trong hoàn cảnh đó, hình thái - với tư cách phương thức phát triển và thời đại lịch sử - hoặc là đã lỗi thời (trong các xã hội phương Tây), hoặc là lâm vào ngõ cụt trong cộng đồng tổng thể xô-viết), hoặc là được thực hiện dưới những hình thức biến tướng (“thế giới thứ ba”).

“Như vậy, lý luận về hình thái đang mất đi cả ý nghĩa nhận thức luận (lý luận chung và phương pháp luận) lẫn những cơ sở bản thể luận: trong trường hợp tốt nhất (mô hình của hệ thống xã hội thế giới) nó được tương đối hóa đi, biến thành một lý luận khoa học cục bộ và vì thế không thể áp dụng vào “bức tranh thế giới” đang được vẽ ra...” (Cuộc thảo luận về “Cách tiếp cận hệ thống thế giới hiện nay”, đăng trên tạp chí Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế [ME i MO], Moskva, số 11, 1991, tr. 61).

Cách tiếp cận hình thái với tất cả những ưu điểm của nó từng được coi là một đỉnh cao khoa học (và trong khuôn khổ nền văn minh công nghiệp, nó phần nào xứng đáng được coi như vậy), tỏ ra không đủ sức lý giải những quá trình vốn là đối tượng của nó. Trong những mức độ nào đó, nó vẫn còn có thể được áp dụng để lý giải những quá trình riêng biệt ở một số xã hội riêng biệt, nhưng để lý giải các quá trình chung của thế giới hiện đại, cần phải đi tới một cách tiếp cận khác.


III. Sự ra đời của nền văn minh mới

Xin quay trở lại câu hỏi đã được đặt ra trên đây: những đảo lộn gần đây phải chăng là thất bại của chủ nghĩa xã hội và chiến thắng của chủ nghĩa tư bản?

Tất cả những người trung thực, có hiểu biết, chưa nói tới những trí thức lớn, đều tự mình trả lời không ngần ngại: Đúng, chủ nghĩa xã hội thất bại, nhưng chiến thắng của chủ nghĩa tư bản thì một trăm lần không! Những người mác-xít đâu phải là những người duy nhất lên án chủ nghĩa tư bản? Trước Mác, đồng thời với Mác, và cả sau Mác, bao nhiêu người không phải mác-xít cũng từng lên án nó như một xã hội bất công, mang đầy ung nhọt và có sức tàn phá con người cũng như thiên nhiên thật kinh khủng. Đâu có phải là ngẫu nhiên khi cả một thế hệ trí thức của một nước phát triển như nước Pháp, từ Langevin đến Joliot - Curie, từ Aragon đến Picasso, từ Jean - Paul Sartre đến Henri Lefebre, v.v... đã đứng về phía mác-xít để chống lại trật tự tư sản? Và ngay cả hiện nay, khi chủ nghĩa tư bản tỏ ra vẫn còn có sức sống, những khối óc tỉnh táo phương Tây vẫn nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản không thể là giải pháp cho những vấn đề nóng bỏng của loài người.

Vì vậy thay cho câu hỏi theo cách tiếp cận hình thái “ai thắng ai” (chủ nghĩa tư bản thắng?) phải là một câu hỏi khác, theo một cách tiếp cận khác (cái gì đã “giúp” chủ nghĩa tư bản kéo dài tuổi thọ của nó?). Sự thật là thế. Nếu dừng lại ở trình độ văn minh công nghiệp, thì chủ nghĩa tư bản không thể nào tăng được sức mạnh của nó và chủ nghĩa xã hội không thể nào bị sụp đổ nhanh chóng được. Yếu tố quyết định của hai quá trình ngược dấu này không phải là chủ nghĩa tư bản như vốn có (có người gọi là “chủ nghĩa tư bản cổ điển”) mà là những gì do nền văn minh mới mang lại cho chủ nghĩa tư bản, hay nói cách khác, những gì nó đã có thể tiếp nhận từ nền văn minh mới này. Và một mặt khác, không kém phần quan trọng, là trong quá trình thích nghi với nền văn minh mới, nó phải tự điều chỉnh, tự biến đổi để không còn là chủ nghĩa tư bản thuần túy nữa.

Khi cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật mới bắt đầu, một số người đã nhận ra những tác động đầu tiên của nó đối với nền sản xuất công nghiệp. Quá trình ứng dụng những thành tựu khoa học vào kỹ thuật được rút ngắn lại, tạo nên những năng lực sản xuất lớn hơn, những năng suất lao động cao hơn hẳn. Sản phẩm xã hội tăng lên theo những nhịp độ nhanh hơn trước nhiều, với chất lượng cũng cao hơn trước nhiều. Cơ cấu sản xuất biến đổi, những ngành sản xuất mũi nhọn ra đời, đẩy lùi những ngành sản xuất “cổ điển” hao phí nhiều lao động, nguyên liệu và nhiên liệu. Những biến đổi trong cơ cấu kinh tế kéo theo những biến đổi trong cơ cấu xã hội. Những đội ngũ lao động sản xuất trực tiếp giảm đi và chiếm những tỉ trọng ngày càng nhỏ trong dân cư hoạt động, đồng thời những tầng lớp lao động dịch vụ tăng lên và chiếm tỉ trọng ngày càng cao, thậm chí chiếm tỉ trọng lớn nhất. Rồi cả lối sống của con người trong các xã hội đó cũng biến đổi về căn bản, những hiện tượng mà chủ nghĩa Mác coi là thuộc tính của chủ nghĩa tư bản như bần cùng hóa tuyệt đối, khủng hoảng thừa chu kỳ, v.v... dần dần biến mất. Mức sống của người lao động được nâng cao. Trình độ giáo dục cũng tăng lên. “Con người rẻ” (được đào tạo sơ sài, không tốn kém mấy) nhường chỗ cho “con người đắt” (được đào tạo về văn hóa và nghề nghiệp đến nơi đến chốn). Trong cán cân quyền lực xã hội, chủ yếu về kinh tế và chính trị, cũng diễn ra một biến đổi quan trọng: quyền lực “một phía” của những giai cấp, những tầng lớp giàu sang có thế lực dần dần chuyển thành quyền lực của trí tuệ dựa trên sự đồng thuận (consensus) giữa nhiều phía...

Lúc đầu, nền văn minh mới chỉ được nhận ra từng nét, nhưng cũng đủ để người ta hiểu rằng có một xã hội khác đang tới mà người ta chỉ có thể gọi một cách mơ hồ là “xã hội hậu công nghiệp”. (Ví dụ tiêu biểu là cuốn The coming of post-industrial society; a venture in social forecasting, New York, 1973). Những hiện thực ngày càng nổi bật của nền văn minh mới đã được nắm bắt và phân tích một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn ở một số tác giả khác, nổi bật nhất là tác phẩm bộ ba của Alvin Toffler: Future shock, N.Y., 1971; The Third Wave, N.Y, 1980, và Power shift: Knowledge, Wealth and Violence at the Edge of the 21st Century, N.Y, 1990.

Về phần mình, một số tác giả ở Liên Xô (trước đây) cũng bàn luận khá kỹ với những ý kiến độc đáo về nền văn minh mới (Thuyết tiến hóa phổ biến của N. N. Moiseev, Moskva, 1991; “Sự kết thúc của lịch sử” hay sự thay thế giữa các nền văn minh? M., 1991, v.v...). Bây giờ thì sự ra đời của nền văn minh mới không còn là một câu chuyện “viễn tưởng” nữa. Nó đã là một hiện thực được ngày càng nhiều người thừa nhận. Ở đây, xin phép không trình bày lại kỹ lưỡng tất cả những gì được viết ra về vấn đề này, chỉ cần đọc một cuốn Làn sóng thứ ba của Toffles cũng đủ hiểu rõ. (Nhân thể, xin nói rằng cuốn sách này được xuất bản với số lượng lớn ở Trung Quốc và được coi là “Kinh thánh” của giới trí thức cải cách ở đó, nó được đọc nhiều nhất trong nước, sau những bài viết của Đặng Tiểu Bình).

Nền văn minh mới được đặt tên một cách chính xác hơn: văn minh tin học hay văn minh trí tuệ, trong đó quyền lực thuộc về tri thức mà không phải là thuộc về bạo lực và sự giàu có. Mọi quan niệm và hành vi của con người đang biến đổi tận gốc. Tất nhiên, những gì chúng ta hiểu được về nền văn minh này chỉ mới là những tín hiệu đầu tiên của nó, và do nền văn minh này ra đời trong những quan hệ xã hội xen kẽ với nền văn minh công nghiệp, nên chúng ta cũng chưa thể nắm bắt được thực chất của nó một cách đầy đủ và thuần túy. Nhưng dù là thế đi nữa, chúng ta cũng đang đứng trước một bức tranh đang đổi khác về căn bản của thế giới hôm nay. Chúng ta bắt đầu sống trong một thế giới không chỉ dồi dào của cải và tiện nghi hơn do tri thức con người mang lại, mà quan trọng hơn là một thế giới trong đó cá nhân con người được đặt vào vị trí trung tâm, với tất cả những nhu cầu và những năng lực đang có và sẽ có của nó, một thế giới trong đó mục tiêu của con người không chỉ là tiêu dùng, mà còn là đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Nói như G. Demuth, một nhà xã hội học Pháp, xã hội đang chuyển từ “xã hội tiêu dùng” - société de consommation - sang “xã hội tìm ý nghĩa” - société de sens). Những phân chia và tập hợp cũ đang dần dần biến đi, những phân chia và tập hợp mới đang hình thành. Những mâu thuẫn và xung đột cũ đang nhường chỗ cho những mâu thuẫn và xung đột mới. Và trong một thế giới như vậy, không có chỗ đứng cho cách nhìn “lưỡng phân” nữa. Đó là một thế giới chỉnh thể, thống nhất, đồng thời là một thế giới của những khác biệt.

Nhưng để khỏi đi quá xa chủ đề của bài này, xin trở lại vấn đề của chúng ta. Nền văn minh mới xuất hiện từ mấy thập kỷ gần đây chưa phải như một hiện thực vững chắc và phổ biến, mà dưới dạng những khả năng mới. Khả năng đó biến thành hiện thực đến mức nào, điều đó phụ thuộc vào con người và xã hội, nói đúng hơn, vào kiểu tổ chức xã hội. Kết quả đã bắt đầu được nhìn thấy: ở các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây, nền văn minh mới bắt đầu cắm rễ được, trong khi ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô nó lại bị bật ra, hay ít nhất là không bám vào được để có thể đơm hoa kết quả. Xét về những thông số kinh tế - kỹ thuật cơ bản (có lẽ chỉ trừ lĩnh vực quân sự), các nước này không hơn các nước “Thế giới thứ ba” là mấy, thậm chí so với một số nước công nghiệp mới ở châu Á, chẳng hạn, còn kém hơn.

Cái gì dẫn tới tình trạng đó? Không phải do những điều kiện về tài nguyên thiên nhiên và con người. Những điều kiện tự nhiên ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu không kém hơn ở các nước phương Tây. Sự thông minh của con người (hay nói như các nhà tâm lý học, “hệ số trí tuệ”) của con người không khác nhau lắm. Tất nhiên cũng không phải do các tầng lớp thống trị ở phương Tây tài giỏi hơn các tầng lớp thống trị ở phương Đông. Vậy thì, do cái gì?

Ở đây, chúng ta đụng tới cái mà Hegel gọi là “phép biện chứng lịch sử”. Nền văn minh mới thay thế cho nền văn minh trước đó không phải bằng một sự phủ định máy móc, giản đơn, mà là kế thừa và phát huy tất cả những yếu tố tích cực của nền văn minh trước. Trên con đường tiến hóa hàng nghìn năm, nếu không muốn nói dài hơn thế, loài người đã sáng tạo và tích lũy được những giá trị tối ưu để tồn tại và phát triển không ngừng. Về đời sống kinh tế, đó là quyền sở hữu gắn liền với cá nhân, là thị trường trao đổi ngày càng đa dạng và phức tạp. Về đời sống chính trị, đó là sự hình thành và phát triển của xã hội công dân và nhà nước pháp quyền. Về đời sống tinh thần, đó là các trào lưu, trường phái tư tưởng, các tôn giáo khác nhau tồn tại trong sự khoan hòa đối với nhau. Có thể nêu lên một số yếu tố khác nữa nhưng chừng ấy cũng tạm đủ cho câu chuyện của chúng ta.

Chủ nghĩa tư bản, với tư cách một hình thái xã hội trong nền văn minh công nghiệp, đã đưa những yếu tố của giá trị ấy lên tới trình độ phát triển cao nhất trong lịch sử, đồng thời cũng làm biến dạng chúng theo lợi ích của giai cấp tư sản thống trị. Lấy một ví dụ: kinh tế thị trường. Thị trường ra đời từ khi có trao đổi, nó từng tồn tại trong những nền văn minh khác nhau, nhưng phải tới chủ nghĩa tư bản mới trở thành thị trường phổ biến với vô số những quan hệ buôn bán chằng chịt trong mỗi nền kinh tế và trên phạm vi thế giới. Chưa có một phương tiện điều tiết nào đối với các hoạt động kinh tế có hiệu quả hơn thị trường, dù là những máy tính hàng tỉ phép tính/giây. Sự chi phối và lũng đoạn của các công ty tư bản làm cho các quan hệ thị trường biến dạng đi phần nào, nhưng thị trường vẫn tồn tại với những quy luật khách quan của nó. Bản chất chung của thị trường vẫn còn tồn tại dưới những đặc tính riêng của chủ nghĩa tư bản. Đó là một trong những yếu tố duy trì tính năng động của các hoạt động kinh tế dưới chủ nghĩa tư bản.

Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội lại xóa bỏ kinh tế thị trường, thay thế nó bằng một nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung hóa cao, và cùng với việc xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân, thiết lập một chế độ công hữu “vô chủ”, triệt tiêu mọi động lực hoạt động kinh tế của con người. Kết quả là một nền “kinh tế thiếu hụt” triền miên, vô phương cứu chữa. Những đổi mới về kinh tế ở một số nước xã hội chủ nghĩa gần đây về thực chất không có gì khác là trở lại với những yếu tố tư bản chủ nghĩa, vì trên thực tế chủ nghĩa tư bản vẫn nuôi dưỡng những yếu tố đó.

Nền văn minh mới không những không triệt tiêu những yếu tố đã tích lũy được từ các giai đoạn văn minh trước đó, mà còn đưa chúng lên một trình độ cao hơn về chất: tiền tệ được thay bằng “siêu tiền tệ”; thị trường hàng hóa nhường chỗ cho thị trường thông tin, v.v... Điều căn bản là dưới chủ nghĩa tư bản, những yếu tố ấy còn được duy trì để trong nền văn minh mới, phát triển lên trình độ cao hơn. Còn dưới chủ nghĩa xã hội, những yếu tố ấy lại bị triệt tiêu hoàn toàn hay phần lớn nên chúng không còn đất để phát triển. Nói cách khác, kinh tế xã hội chủ nghĩa tồn tại như một cái gì hoàn toàn riêng biệt, tách khỏi những yếu tố văn minh chung đã tích lũy được của loài người.

Nói như vậy, không hề có nghĩa là chủ nghĩa tư bản là một hình thái xã hội vĩnh cửu. Không, chính nền văn minh mới đang tạo ra những quá trình mới trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, khiến cho chính bản thân chủ nghĩa tư bản sẽ không còn là nó nữa trong một tương lai nào đó. Bởi vì trong nền văn minh mới, quyền lực xã hội không tập trung vào những người nắm giữ sự giàu có trong tay, dùng sự giàu có ấy để bắt những người khác theo ý muốn và tham vọng của mình. Quyền lực đang chuyển vào sức mạnh của tri thức, mà tri thức thì lại là một thứ “của cải” về cơ bản ai cũng có thể chiếm lĩnh được, hay nói như A. Toffler, bản chất của trí thức là dân chủ. Ông viết: “Sức mạnh và sự giàu có, do định nghĩa của chúng, là đặc quyền của những kẻ mạnh nhất và giàu nhất, trong khi tri thức lại có thuộc tính thật sự cách mạng, vì những kẻ yếu nhất và những kẻ nghèo nhất cũng có thể chiếm đoạt được nó. Vì thế, nó là thứ quyền lực dân chủ nhất trong các nguồn quyền lực” (sách đã dẫn, tr. 39). Có thể nói nền văn minh mới không dung nạp trong bản thân nó hình thái tư bản chủ nghĩa, cũng như hình thái xã hội chủ nghĩa như một sự phủ định hình thái trên. Loài người càng tiến sâu vào nền văn minh mới, hình thái tư bản chủ nghĩa càng mất cơ sở dừng chân. Bao giờ, chưa rõ, nhưng đã có những dấu hiệu báo trước điều này.


IV. Cách tiếp cận theo nền văn minh

Trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà chính trị học đề xướng một cách tiếp cận mới đối với thế giới hiện đại: cách tiếp cận theo văn minh. Như đã phân tích trên đây, cách tiếp cận này chỉ có thể xuất hiện cùng với sự xuất hiện của nền văn minh mới. Không phải mọi vấn đề về cách tiếp cận này đều đã được giải quyết. Ngay cả những tiền đề nhận thức quan trọng của nó vẫn còn để ngỏ: văn minh là gì, nền văn minh mới là thế nào... Nhưng sự cần thiết phải có một cách tiếp cận mới, dựa trên cơ sở các nền văn minh hơn là trên cơ sở các hình thái, thì đã khá rõ.

Trình bày cách tiếp cận theo nền văn minh như một cái gì hoàn chỉnh là một việc làm quá mạo hiểm lúc này. Có lẽ còn phải mất một thời gian nữa mới có thể làm được công việc ấy. Ở đây, chỉ xin ghi nhận đôi điều đã được trình bày, thảo luận trên sách báo khoa học gần đây.

Khái niệm “văn minh” là một khái niệm mơ hồ, vì nó được dùng với những mục đích rất khác nhau. Nhưng không vì thế mà không thể phân biệt được những giai đoạn văn minh lớn đã diễn ra trong lịch sử loài người. (Đừng nhầm lẫn với những nền văn minh cụ thể, mang tính đặc thù gắn liền với các khu vực, các tôn giáo, v.v...). Khái niệm “văn minh” đã được dùng thời Khai sáng (thế kỷ XVIII) có lẽ vẫn thích hợp về cơ bản. Đối với các nhà tư tưởng thời đó, văn minh được thể hiện như một tập hợp các đặc trưng nhận thấy ở những xã hội phát triển nhất, bao hàm tất cả những thành tựu đã đạt ở một trình độ nhất định. Nói như G. Dilligenskij, khái niệm này không mang tính chặt chẽ về lý luận - phương pháp luận, vì nó mang tính đa trị, không định hình rất cao. Chưa ai khẳng định được mỗi nền văn minh ra đời với những yếu tố quyết định nào. (Do những thay đổi trong đời sống tinh thần, trong “hành trang tri thức” của con người).

Tuy nhiên, không vì thế mà không nhận diện được những giai đoạn văn minh lớn khác nhau của loài người. Cũng theo tác giả này, “có thể nêu lên hai chỉ tiêu quyết định của một thể thống nhất văn minh. Thứ nhất, đó là cường độ liên hệ qua lại giữa các xã hội nằm trong thể thống nhất đó, là trình độ ảnh hưởng qua lại của chúng khiến cho những nhân tố ngoại sinh biến thành một trong những thành tố chủ đạo của sự phát triển bên trong mỗi xã hội đó. Thứ hai - có thể coi là chỉ tiêu nội dung - sự giống nhau về những động cơ, những giá trị, những thành tố văn hóa là những cái điều tiết các quan hệ giữa con người với nhau, với đời sống riêng và với tự nhiên và khiến cho hoạt động sống chung trong xã hội có thể thực hiện được” (ME i MO, số 11, năm 1991, Moskva, tr. 65). Theo những chỉ tiêu này, G. Diligenskij chia văn minh loài người thành ba giai đoạn lớn:

  1. Văn minh gốc tự nhiên (hay “truyền thống”) mà đặc trưng của nó là trình độ lệ thuộc cao vào những điều kiện tồn tại tự nhiên, vào môi trường địa lý, và mối liên hệ hết sức mật thiết của cá nhân với nhóm xã hội của mình (làng xóm hay đô thị, tộc người hay tầng lớp);

  2. Văn minh gốc kỹ thuật với đặc trưng: bằng năng lực sáng tạo của mình, con người có thể phá bỏ sự lệ thuộc vào thiên nhiên, tự biến mình thành kẻ thống trị thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên theo những lợi ích của mình; sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ, của các tri thức khoa học biến thành yếu tố quyết định chủ yếu của sự phát triển xã hội;

  3. Văn minh gốc con người, trong đó cá nhân con người đứng ở vị trí trung tâm, với trình độ độc lập về trí tuệ và tâm lý cao hơn nhiều, hành động chủ yếu theo những nhu cầu tự biểu hiện và sáng tạo mà không phải theo những động cơ truyền thống nhằm chiếm lĩnh các đối tượng tự nhiên và xã hội.
Theo tác giả này, nếu trong hai nền văn minh trước, cái xã hội chi phối cái tự nhiên và cái cá nhân, thì trong nền văn minh mới, cái cá nhân trở thành nguyên lý chi phối.

Tuy bằng một thứ ngôn ngữ khác, A. Toffler cũng có những kết luận tương tự. Theo tác giả này, văn minh loài người trải qua ba “làn sóng”. “Làn sóng thứ nhất” chỉ cuộc cách mạng nông nghiệp cách đây hàng vạn năm như một đột biến căn bản trong lịch sử loài người. “Làn sóng thứ hai” chỉ cuộc cách mạng công nghiệp cách đây vài thế kỷ, với những đảo lộn lớn về kinh tế và xã hội. Và bây giờ đang khởi đầu “làn sóng thứ ba” (từ giữa những năm 50), một cuộc cách mạng khoa học và công nghệ có quy mô chưa từng thấy, đánh dấu sự ra đời của nền văn minh “hậu công nghiệp”, trong đó tri thức chiếm vị trí quyền lực toàn năng. (xem Làn sóng thứ baChuyển dịch quyền lực của A. Toffler).

Cách tiếp cận theo văn minh lấy những quan niệm ấy, nhất là lấy quan niệm về nền văn minh mới, làm cơ sở. So với cách tiếp cận hình thái, nó có những ưu thế sau đây:

  1. Thứ nhất, cách tiếp cận theo văn minh đứng ở một đỉnh cao hơn cách tiếp cận hình thái. Nếu cách tiếp cận hình thái đóng khung vào một giai đoạn văn minh nhất định (chủ yếu là văn minh công nghiệp) để xem xét và lý giải các vấn đề của xã hội, thì cách tiếp cận theo văn minh vượt ra khỏi khuôn khổ đó để có thể nhận ra những hạn chế của văn minh công nghiệp mà người ta tưởng là đã cung cấp được mọi điều kiện vật chất và tinh thần cho một xã hội lý tưởng.

  2. Thứ hai, cách tiếp cận theo văn minh uyển chuyển hơn, “cơ động” hơn cách tiếp cận hình thái. Nếu cách tiếp cận hình thái lấy một yếu tố nào đó làm cơ sở của tất cả các yếu tố khác (dù có thừa nhận tác động của những yếu tố này đối với yếu tố kia), thì cách tiếp cận theo nền văn minh không coi một yếu tố nào là có ý nghĩa quyết định, mà coi nhiều yếu tố khác nhau đều có tác động lớn tới sự phát triển xã hội, trong “tổ hợp” cũng rất khác nhau của các yếu tố đó. Đặc biệt, nó hết sức coi trọng yếu tố văn hóa, thậm chí coi văn hóa là một thành tố của cơ sở xã hội, của con người với tư cách yếu tố chủ yếu của lực lượng sản xuất xã hội.

  3. Thứ ba, đây là hệ quả quan trọng nhất của hai ưu thế trên, cách tiếp cận theo văn minh không lấy sự phân chia, đối đầu giữa các nhóm xã hội (giai cấp, dân tộc, tôn giáo...), mà lấy sự thống nhất, hòa hợp của chúng làm nguyên lý giải quyết những mâu thuẫn bên trong mỗi xã hội, cũng như giữa các xã hội khác nhau. Nó từ bỏ hoàn toàn cách nhìn “lưỡng phân” của cách tiếp cận hình thái. Bản chất tiến hóa của văn minh loài người là thế. Nó thừa nhận sự tồn tại của những trình độ văn minh khác nhau trong cùng một thời đại, thừa nhận những bước chuyển tiếp lâu dài và phức tạp từ giai đoạn văn minh trước sang giai đoạn văn minh sau, với những sự phủ định và những sự kế thừa diễn ra trong tiến trình phát triển tự nhiên.
Trong một thế giới hết sức khác nhau như thế giới chúng ta hiện nay, cách tiếp cận hình thái rõ ràng chỉ có thể mang theo những xung đột đối kháng giữa hình thái xã hội đối lập nhau. Cách tiếp cận theo văn minh giúp chúng ta tránh được điều đó, vì nó thừa nhận những khác biệt về hình thái xã hội như những trạng thái vốn có của sự phát triển xã hội và nền văn minh cao hơn cuối cùng sẽ lan to ngày càng rộng, thay thế cho nền văn minh trước, đồng thời vẫn giữ lại, vẫn kế thừa những giá trị văn minh chung do loài người đã tạo ra trong lịch sử.

Cách tiếp cận theo văn minh tuyệt nhiên không phải là một cách nhìn “êm đềm” đối với thế giới. Nó giả định, chấp nhận mọi mâu thuẫn, mọi xung đột có thể có - kể cả dưới hình thức bạo lực - nhưng nó tạo ra những điều kiện kỹ thuật, tâm lý và đạo đức để giải quyết chúng theo hướng phi đối kháng, phi bạo lực.

Cuối cùng, last but not least, cách tiếp cận theo văn minh không loại trừ những cách tiếp cận có một giá trị nhận thức tương đối nào đó, kể cả cách tiếp cận hình thái. Khi thế giới nói chung còn nằm trong nền văn minh công nghiệp, khi các hình thái xã hội của nền văn minh ấy vẫn còn là những hiện thực rộng lớn, cách tiếp cận hình thái vẫn còn lý do tồn tại, vì ít ra, nó cũng giải đáp cho chúng ta một số vấn đề nảy sinh trong nền văn minh công nghiệp và trong các hình thái xã hội của nó. Những sự phân chia và đối đầu giữa các hình thái xã hội đối lập, giữa các hệ tư tưởng giai cấp đối lập không thể một sớm một chiều mất đi. Vấn đề không chỉ là “quán tính” của tư duy cũ, vấn đề còn ở chỗ những mảnh đất nuôi dưỡng các hệ tư tưởng giai cấp đối lập ấy vẫn còn đó.

Do vậy, trong việc nhìn nhận và phân tích thế giới hiện đại, không thể lấy một cách tiếp cận nào làm phương tiện duy nhất, dù đó là cách tiếp cận hết sức rộng lớn như cách tiếp cận theo văn minh. Đó phải là một tổ hợp những cách tiếp cận khác nhau (cách tiếp cận hình thái, cách tiếp cận sinh thái học, cách tiếp cận tôn giáo, v.v...) trong đó cách tiếp cận theo văn minh có thể giữ vị trí chủ đạo, nhưng cũng chỉ có thế thôi. Cách tiếp cận văn minh dù sao cũng không thể được coi là “chân lý cuối cùng”, là “chân lý cao nhất”, thay thế một cách tiếp cận khác đã có và sẽ có. Và như đã thấy, ngay cách tiếp cận theo nền văn minh cũng đã bao hàm nhiều cách tiếp cận khác nhau trong chính bản thân nó rồi.


V. Kết luận

Có lẽ còn phải mất một thời gian khá dài nữa mới có thể hiểu được hết những bộ mặt của nền văn minh mới, nhất là những hệ quả mà nó mang lại cho đời sống con người. Nhưng chỉ sau mấy chục năm xuất hiện, nó đã và đang làm đảo lộn nhiều giá trị vốn có của văn minh công nghiệp, tạo ra những giá trị mới, cao hơn, trên cơ sở kế thừa và nâng cao những giá trị văn minh chung mà loài người đã tích lũy được. Giống như một luồng sáng mới, nó làm sụp đổ một loạt tảng băng chết cứng ở nơi này và gây ra những sắp xếp khác của những khu rừng rậm rạp ở nơi kia. Cả thế giới trở thành không yên ổn. Cả loài người đang tự hỏi về cuộc sống ngày mai gần gũi và xa xôi của mình. Nhiều khái niệm quen thuộc (chủ nghĩa tư bản/chủ nghĩa xã hội, phát triển/kém phát triển, truyền thống/hiện đại, v.v...) đang được thẩm định lại. Thế giới rồi sẽ đi đến đâu? Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc rồi sẽ phát triển như thế nào? Và cả mỗi cá nhân chúng ta nữa, rồi sẽ sống như thế nào đây? Chúng tôi không thể trả lời những câu hỏi đó. Nhưng dù sao, từ những phân tích và cách tiếp cận mới đối với thế giới hiện đại - chủ yếu được đề cập về mặt phương pháp luận - cũng xin nêu lên một vài điểm “sát sườn” với con đường phát triển của đất nước hiện nay.

Theo chúng tôi, dù đặt tên cho con đường phát triển ấy như thế nào đi nữa thì nội dung cơ bản của nó cũng phải là: đưa đất nước ta hội nhập với nền văn minh mới. Ít ra, đó cũng là mục tiêu lâu dài khi chưa có điều kiện chín muồi để đặt thành mục tiêu trực tiếp như ở những nước có trình độ phát triển cao hơn. Tất cả những vấn đề về sự phát triển của đất nước, như khắc phục tình trạng nghèo khổ và lạc hậu, tạo những tiền đề cho sự cất cánh về kinh tế, v.v... đều được đặt theo định hướng phát triển đó, và cũng chỉ có thể được giải quyết trong khuôn khổ định hướng đó.

Cái khó của chúng ta là trình độ xuất phát của xã hội ta còn quá thấp. Về đại thể chúng ta chưa ra khỏi giai đoạn văn minh nông nghiệp, còn đang vất vả chuyển sang giai đoạn văn minh công nghiệp. Tất cả những cơ cấu kinh tế và xã hội ở nước ta hiện nay đều phản ánh bước chuyển đầy nhọc nhằn ấy. Trong những điều kiện đó, đặt ra mục tiêu hội nhập với nền văn minh mới của thế giới, liệu có quá viển vông?

Tuyệt đối không! Chính là đứng trên đỉnh cao của giai đoạn văn minh mới, chúng ta mới có thể nhìn thấy hết những non kém của mình và quan trọng hơn, mới nhìn thấy hết những khả năng mới do thời đại tạo nên để giúp chúng ta chuyển lên trình độ phát triển ngày càng cao mà không phải mất quá nhiều phí tổn, quá nhiều hư phí (faux frais) về công sức và nhất là thời gian. Chúng ta sẽ không thể bỏ qua được những giai đoạn phát triển lịch sử cần thiết. Hy vọng “đốt cháy giai đoạn” đã bắt chúng ta trả những giá quá đắt. Không, nếu nước ta không có một trình độ phát triển công nghiệp nào đó, thì nói tới một giai đoạn hậu công nghiệp ở nước ta chỉ là một điều không tưởng. Vấn đề là ở chỗ nước ta sẽ không phải trải qua trình tự phát triển công nghiệp “cổ điển” như nhiều nước đã qua, mà có thể hướng sự phát triển đó vào những ngành có nhiều khả năng “đón nhận” một trình độ phát triển kỹ thuật và công nghệ cao hơn. Gắn liền với điều đó là vấn đề xây dựng và phát triển các quan hệ quốc tế của nước ta. Việc kết thành “phe” theo những tiêu chuẩn hệ tư tưởng (chủ nghĩa tư bản/chủ nghĩa xã hội) sẽ phải nhường chỗ cho một định hướng đối ngoại “mở”: tất cả những quan hệ quốc tế nào giúp nước ta chuyển lên một trình độ phát triển cao hơn hội nhập với nền kinh tế mới, đều được đặt lên hàng đầu.

Theo chúng tôi, đó là thực chất của định hướng đối ngoại “muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”.

Như vậy phải chăng trước mắt chúng ta không còn những vấn đề gắn liền với cách tiếp cận hình thái nữa? Không phải như vậy. Thế giới vẫn đang tồn tại trong khuôn khổ những hình thái xã hội có sẵn, ngay ở những nước đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn văn minh mới vẫn còn những người, những nhóm người có thế lực chưa từ bỏ cách tiếp cận hình thái (theo cách nhìn “lưỡng phân”, “đối đầu”, “hai phe”...) vẫn là một gánh nặng tinh thần đè lên nhiều người, cầm tù nhiều người - tất cả những cái đó không thể khắc phục được ngày một ngày hai. Vả chăng, nền văn minh mới của loài người không phải chỉ trưng bày ra những mặt tích cực, mà còn phi bày ra cả những mặt tiêu cực của nó, thậm chí còn mang theo những nguy cơ lớn đối với sự tồn tại của con người với tư cách tộc loại (như Jacques Attali dự báo về sự lệ thuộc của con người vào những “đồ vật lãng du” (objects nomales) trong Những đường chân trời của ông), khiến cho nhiều người còn nghi ngờ về điều đó. Tất cả những điều đó đang nuôi dưỡng cách tiếp cận hình thái một cách khá sâu sắc.

Từ bỏ cách tiếp cận hình thái là một điều cực kỳ khó khăn, khi nền văn minh mới chưa đủ sức thuyết phục số đông người. Mà cũng không cần phải đoạn tuyệt với nó, chừng nào nó vẫn còn lý do tồn tại. Nhưng không phải vì thế mà cứ khăng khăng giữ lấy cách tiếp cận hình thái theo lối cũ để rơi vào những “ngõ cụt” về đối ngoại cũng như đối nội. Vấn đề đặt ra là: đặt cách tiếp cận hình thái vào cách tiếp cận rộng lớn hơn, cao hơn, vào cách tiếp cận văn minh. Đó không phải chỉ là do những hoàn cảnh hiện nay bắt buộc. Đó là điều có ý nghĩa lâu dài, vì rằng trong nền văn minh mới, cũng như trong những nền văn minh trước đây, loài người vẫn sẽ tồn tại dưới những hình thái khác nhau. Chỉ có điều là cơ sở chủ yếu của các hình thái xã hội tương lai sẽ không giống với cơ sở chủ yếu của các hình thái xã hội hiện nay: những tiêu chuẩn giai cấp - hệ tư tưởng sẽ nhường chỗ cho những tiêu chuẩn khác, những tiêu chuẩn dân tộc - văn hóa, chẳng hạn.

Thế giới không bước vào một thời kỳ “êm đềm” và sẽ không bao giờ như vậy, nó chỉ chuyển từ những dạng đấu tranh này sang những dạng đấu tranh khác, từ những cơ sở xung đột này sang những cơ sở xung đột khác. Thế giới không bước vào một thời kỳ “trật tự” và “ổn định”, mà đang bước vào một thời kỳ ngày càng “hỗn loạn” và trạng thái “hỗn loạn” được tiếp nhận như nó vốn có một cách tự nhiên. Nhưng những nhân tố “hỗn loạn” sẽ đổi khác (thay thế cho những sức mạnh bạo lực và sức mạnh tiền của là những sức mạnh tự khẳng định của từng dân tộc, từng cá nhân...).

Thế giới chúng ta tiến triển quá nhanh, quá đa dạng, quá phức tạp để có thể khái quát tương đối đúng và đủ trong một phác thảo sơ sài như bài phát biểu này. Vả chăng, chúng tôi không tự đặt cho mình tham vọng đó. Điều cốt yếu ở đây là thử trình bày một cách tiếp cận mới, khác với cách tiếp cận hiện có đối với thế giới hiện đại, và cũng chỉ giới hạn công việc này ở mặt phương pháp luận mà thôi.

Đầu năm 1992
Nguồn: Những bài viết của Nguyá»…n Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nÆ°á»›c, được chuyền tay hoặc chÆ°a công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tÆ° 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, vá»›i sá»± hiệu đính cuối cùng của tác giả.