© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
23.1.2004
Cổ Ngư
Con khỉ!
 
Ở phương Tây, với học thuyết tiến hoá cuả nhà tự nhiên học người Anh Darwin, khỉ đã chồm chỗm ở ngôi cao chức cả, nghiễm nhiên được công nhận là anh em xa gần, có cùng tiên tổ với loài người. Ở phương Ðông, đâu không biết, chứ riêng Việt Nam, coi bộ khỉ không có "thớ", bị kỳ thị ra mặt. Nào là "chuyện con tườu", "nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà", các cô các bà thầm thì than thở: "người ta tuổi ngọ tuổi mùi, riêng tôi ngậm ngùi với cái tuổi thân", cay độc hơn, thì có "khỉ ngồi bàn độc", hay…"đồ bú dzù"! Dẫu vậy, ở phương Ðông hay phương Tây, cứ hễ vào sở thú, trăm nơi như một, chuồng khỉ là chốn thu hút nhiều quý vị con nít-con nít và con nít-người lớn nhất, để cùng nhau xem…trò khỉ!

Có lẽ vì thế, mà trong các động vật hoang dã, con khỉ đã để lại nhiều dấu ấn nhất trong các truyện tranh và phim hoạt hoạ, với đầy đủ những tánh thói cuả loài khỉ: thông minh, nhanh nhẹn, khéo léo, giỏi bắt chước nhưng ồn ào, ầm ỹ và phá làng phá xóm thì không ai bì kịp! Ðọc đến đây, chắc mọi người đều nghĩ, thế nào họ hàng nhà khỉ cũng sẽ chiếm những "đỉnh cao nghệ thuật", có những siêu sao ngang hàng chuột Mickey, mèo Tom, vịt Donald, chó Milou…, nhưng buồn thay, hầu hết trong các truyện tranh và phim hoạt hoạ, khỉ thường thủ vai tài tử hạng hai, hạng ba hay tệ hơn nưã, hạng "quần chúng" (figurant). Trước đây, trong lãnh vực truyện tranh, chỉ duy nhất có con khỉ độc Bornéo Jo, nhờ nuốt một viên đá kỳ dị, trở nên thông minh xuất chúng, biết nói tiếng người và là nhân vật chính trong một loạt truyện khôi hài, hiện thực, khêu gợi và hương xa trên tờ nguyệt san Charlie Mensuel trong năm 1982 (kịch bản: Danie Dubos, hoạ sĩ: Georges Pichard). Nhưng loạt truyện khỉ Bornéo Jo nhắm vào độc giả người lớn, nên sau đó, nhanh chóng biến mất và không để lại chút dư âm nào trong lòng các cô cậu bé con…Tìm lại dấu vết họ hàng nhà khỉ trong phim hoạt hoạ, xưa nhất, có lẽ là hai bộ phim ngắn, không lời với nhạc nền: "Những chú khỉ ngoan" (1935) và "Giấc mơ ống điếu" (1938), kể về ba chú khỉ không nhìn-không nghe-không nói. Hai phim này đều do hoạ sĩ Hugh Harman vẽ và do hãng MGM sản xuất. MGM (Metro-Goldwyn-Mayer) chính là nơi đã cho ra lò những tài tử hoạt hoạ gạo cội như cặp mèo chuột Tom-Jerry (hoạ sĩ William Hanna & Joseph Barbera), chó Droopy, con sói, sóc khùng Casse-Noisette (hoạ sĩ Tex Avery)...Vậy mà ba chú khỉ không tên kia rồi cũng rơi vào quên lãng, và MGM những năm sau đó đã không sản sinh thêm được một tài tử khỉ nào nưã! Nhìn về phương Ðông, điều đáng tự hào cho giống khỉ là ngay từ năm 1941, Tề Thiên Ðại Thánh đã xuất hiện trong bộ phim hoạt hoạ đen trắng "Công chuá quạt sắt", để, sau nhiều biến động, thăng trầm cuả đất nước Trung Hoa, tái xuất giang hồ trong bộ phim hoạt hoạ màu dài hai tiếng đồng hồ: "Tề Thiên đại náo thiên cung", do hãng phim Thượng Hải sản xuất. Chắc ai trong chúng ta ít nhiều cũng biết đến bộ truyện Tàu "Tây Du Ký", kể về chuyến đi gian nan cuả thầy trò Tam Tạng, Tề Thiên, Trư Bát Giới và Sa Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, nhưng việc đưa bộ truyện này lên phim hoạt hoạ để giới thiệu ra thế giới bên ngoài chính là công lớn cùng sự trì chí cuả bốn anh em họ Hoàng: Wan Laiming (1899-1997), Wan Guchan (1899-1995), Wan Dihuan (1907-), Wan Chaochen (1906-1922). Bộ phim này, cho đến nay, vẫn còn được chiếu đi chiếu lại tại nhiều nước ở các châu lục khác nhau. Dân Pháp, trẻ em và cả người lớn, có biết đến "Tây Du Ký", một phần lớn cũng nhờ vào bộ phim hoạt hoạ tuyệt vời này. Mới đây, lấy cảm hứng từ Tề Thiên, Tarek và Pierre Braillon đã cho chào đời chú khỉ đen Sun Wukong, qua loạt truyện "Vua Khỉ", với quyển một có tên "Sợi tóc thiên tử" (tháng 03.2003, nhà xuất bản Soleil Kids - Pháp). Hy vọng chú khỉ Sun, chui ra từ quả trứng đá cuả Hoa Quả Sơn, sẽ sống dai để còn dài dài đưa người xem phương Tây đến với những câu chuyện lý thú cuả một Trung Hoa kỳ bí thời trung cổ.

Nói đến khỉ, nhiều người lại nghĩ ngay đến…Tarzan! Thật vậy, nếu nhà văn Anh Rudyard Kipling có nhân vật người-sói Mowgli, thì nhà văn Hoa Kỳ Edgar Rice Burroughs, từ 1912 đến 1950, với 43 tập truyện về Tarzan, đã đẩy nhân vật người-khỉ này lên hàng siêu nhân. Bên cạnh các bộ phim dưạ theo truyện cuả E.R. Burroughs, có người đóng vai Tarzan và…khỉ đóng vai Chita, từ năm 1928, tờ báo Anh TIT-BITS đã bắt đầu đăng truyện tranh Tarzan cuả hoạ sĩ Harold Foster. Loạt truyện này sau đó được nhiều hoạ sĩ thay nhau vẽ, đã làm say mê hàng tỉ độc giả cuả nhiều thế hệ nối tiếp. Don Kraar & Gray Morrow là hai hoạ sĩ cuối cùng vẽ truyện tranh Tarzan. Chàng người-khỉ Tarzan, với người đẹp tóc vàng Jane, với khỉ mẹ Kala và người bạn không rời nưả bước Chita, với muông thú cuả rừng rậm và đồng cỏ Phi châu, đã giã từ bạn đọc truyện tranh năm 1983, để, mười lăm năm sau đó, lại được hãng Disney đưa lên màn ảnh lớn với bộ phim hoạt hoạ cùng tên. Cũng nên nhắc đến ở đây một "phó phẩm made in Italy" cuả Tarzan: Akim, với người đẹp tóc nâu Rita, vượn Zig, khỉ độc Kar, voi Baroi, sư tử Rag…Từ năm 1950 đến năm 1967, truyện tranh cuả Akim (kịch bản : Roberto Renzi, hoạ sĩ : Augusto Pedrazza) xuất hiện đều đặn, và, cho đến cuối năm 2003, một số sạp báo cuả Pháp vẫn tiếp tục bày bán những tập truyện tranh Akim khổ to bằng quyển vở học trò, với bià màu, hình đen trắng trong ruột. Thế mới biết, nhiều khi mảnh chĩnh mảnh sành lại ghè vỡ cả chuông vàng khánh ngọc, "đồ lô-can" có thể cạnh tranh và tồn tại lâu dài hơn cả "hàng xịn" mác này nhãn nọ!

Lướt qua quầy phim hoạt hoạ trong những siêu thị hoặc nhà sách Pháp, một vài chú khỉ có thể lọt vào tầm nhìn cuả các khán giả tí hon: chú khỉ Zéphir, người bạn trung thành cuả gia đình vương tượng Babar, trị vì thành phố Célesteville (hoạ sĩ Jean & Laurent de Brunhoff), chú khỉ búp bê Kiki, đã và đang được nhiều thế hệ trẻ em ôm ấp trên tay, chú khỉ Kom với cuộc tranh chấp giưã hai bộ tộc khỉ trong cuốn phim hoạt hoạ "Lâu đài khỉ" (hoạ sĩ Jean-François Laguionie) do đài truyền hình Pháp TF1 sản xuất. Cũng trên đài truyền hình TF1, hiện nay, mỗi buổi sáng từ 6h45 đến 7h15 đều phát một bộ phim hoạt hoạ ngắn "Dora, nhà thám hiểm", có nội dung giáo dục, với cô bé Dora, khỉ xám Babush mang bốt đỏ, cáo Chipper, bò Toro… Loạt phim hoạt hoạ này mang hai đặc điểm: có sự tương tác (interactive) giưã phim và người xem, đồng thời, xen kẽ trong các lời đối thoại giưã các nhân vật, có chêm những từ tiếng Anh đơn giản, thông dụng, dễ nhớ. Hơn mười năm trước, loạt phim hoạt hoạ Nhật Bản "Dragon Ball", với những cuộc long tranh hổ đấu bất tận cũng đã lần lượt được trình chiếu trên đài truyền hình TF1, trong chương trình "Dorothée". Giưã 402 nhân vật cuả "Dragon Ball", do hoạ sĩ Akira Toriyama sáng tạo trong mười một năm (1984-1995), khỉ chỉ được đại diện với nhân vật mờ nhạt Baburusu, "gia súc" cuả chủ tể hành tinh Kaïo.

Ở quầy truyện tranh trong các nhà sách tại Pháp, bộ Vượn đốm (Marsupilami) chiếm một chỗ quan trọng trên kệ.

Vượn đốm (Marsupilami)


Năm 1952, khi để Spirou, Fantasio và sóc Spip vào thám hiểm rừng rậm xứ Palombie, hoạ sĩ người Bỉ André Franquin đã cho bộ ba này bắt sống được một động vật huyền thoại "nưả người, nưả ngợm, nưả đười ươi" có bộ óc nhạy bén và cái đuôi cực kỳ lợi hại. Vượn đốm được đem về thành phố và hội nhập nhanh chóng vào cuộc sống văn minh cuả xã hội loài người. Qua một loạt album, sau khi ngao du sơn thuỷ một thời gian dài với đôi bạn Fantasio-Spirou (với tên "Việt hoá": Phan Tân và Sĩ Phú!), chành choẹ chí choé chán chê với sóc Spip, năm 1987, vượn đốm "ra riêng", trở thành nhân vật chính trong loạt truyện tranh cuả mình (kịch bản : Greg, Yann, hoạ sĩ : Batem) và cả trong nhiều bộ phim hoạt hoạ truyền hình ngắn do Disney Studio sản xuất. Một chú khỉ khác, dã nhân Jocko, lúc nào cũng có mặt bên đôi bạn Jo, Zette. Cha đẻ cuả loạt truyện tranh Jo, Zette và Jocko (từ 1936 đến 1954) không ai khác hơn là hoạ sĩ người Bỉ Hergé, được toàn thế giới biết đến với bộ truyện tranh "Phóng viên Tintin". Ông cũng tạo nên hai tên nhãi ranh Quick & Flupke, tuy không nổi tiếng mấy, nhưng vẫn tà tà sống từ 1930 cho đến tận 1991, và xuất hiện đều đặn trên vô tuyến truyền hình qua những bộ phim hoạt hoạ ngắn.

Vượt Ðại Tây Dương, người ta thấy ngay họ hàng nhà khỉ có mặt nhan nhản trong các bộ phim hoạt hoạ ngắn dài cuả hãng Disney. Nào là khỉ độc Ajax, sổng khỏi sở thú, làm chú cháu vịt Donald một phen kinh hồn táng đởm (1944), nào là vua khỉ Louie cuả lũ bandar-log, dám bắt cóc bé Mowgli khỏi tay gấu Baloo ("Sách rừng xanh", 1967, phỏng theo truyện cuả Kipling), còn thêm chú khỉ độc Maxime, thủ môn cuả đội banh áo vàng ("Phù thuỷ tập sự", 1971)…

Vua khỉ Louie và bé Mowgli


Gần đây hơn, là sự xuất hiện hàng loạt cuả các "tài tử khỉ" trong những bộ phim dài hơi và nổi tiếng cuả hãng Disney: chú khỉ nâu Abu ăn cắp như ranh ("Aladdin", 1992), phù thuỷ khỉ mặt xanh Rafiki có dáng vẻ và nội lực cuả một tăng lữ phái Thiếu Lâm ("Vua sư tử" 1 & 2, 1994-1999), người rừng Chân to làm hoảng hồn cha con chó đần Dingo ("Dingo & Max", 1995), bầy ouistiti ngòng nghoéo nhau ("Chuyện đồ chơi" 1 & 2, 1996-2000, sản xuất chung với Pixar), khỉ độc đầu đàn Kerchak, khỉ nghiã mẫu Kala, khỉ quậy Tok và bọn babouin hung tợn ("Tarzan", 1999, phỏng theo truyện cuả Edgar Rice Burroughs), gia đình hồ hầu (lémurien) Plio, Yar, Zini, Suri theo chân khủng long Aladar đi tìm Ðất Tổ ("Khủng long", phim vẽ bằng hình ảnh tổng hợp - image de synthèse, 2000). Thế rồi, trừ một vài vai "quần chúng" thấp thoáng trong phần tiếp theo cuả "Sách rừng xanh" (2003), khỉ đột nhiên biến mất tăm trong những phim mới nhất cuả hãng Disney: "Atlantide" (2001), "Kuzco" (2001), "Lilo & Stitch" (2002), "Hành tinh châu báu" (2002, phỏng theo truyện cuả nhà văn Anh Stevenson), "Nemo" (2003, sản xuất chung với Pixar), "Anh em nhà gấu" (2003).

Biết khỉ có hẹn ngày tái ngộ với khán giả nhi đồng không? Xin chờ hồi sau sẽ rõ. Nhưng trong khi chờ đợi, quý vị con nít vẫn có thể vào sở thú ngắm khỉ bắt chí lẫn nhau để coi cho… đỡ buồn!

Choisy-le-Roi 11.2003


Tài liệu tham khảo:

Patrick Gaumer & Claude Moliternit
Dictionnaire mondiale de la bande-dessinée (Larousse 2001)
Nhiều tác giả
Encyclopédie de la bande-dessinée internationale (Omnibus 2003)
Patrick Brion
Les dessins animés de la Metro-Goldwyn-Mayer (Editions de la Martinière 1999)
Arika Toriyama
Le dictionnaire de Dragon Ball (Editions Glénat 1999)
John Grant
Encyclopedia of Walt Disney's animated characters (Hyperion 1998)
Dave Smith & Steven Clark
Walt Disney, 100 ans de magie (Editions Michel Lafon 2001)


© 2004 talawas