© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
4.5.2006
Hà Văn Thuỳ
Bông lúa nổi giận
 
Tôi về huyện Hòn Ðất. Anh Hai Lập chủ tịch niềm nở nói: "Thường vụ chúng tôi đã nghiên cứu bài báo ‘Những việc cần làm ngay ở Hợp tác xã Tân Hưng huyện Hòn Ðất.’ Sau đó cử 5 đoàn thanh tra từng vụ việc. Kết quả chúng tôi thấy ở Tân Hưng có một số trường hợp lộn xộn về ruộng đất như cán bộ giành ruộng nhiều ruộng tốt cho mình, còn một số xã viên phải nhận đất xấu. Nhưng tình hình không có gì nghiêm trọng. Chúng tôi đã cho hướng giải quyết. Ðảm bảo với đồng chí là cán bộ huyện không mượn đất của hợp tác xã, chỉ mượn đất của tập đoàn sản xuất. Ðồng chí cũng hiểu cho, một số cán bộ huyện chúng tôi không có đất thì không thể sống được!”

“Vì sao vậy?” Tôi hỏi.

“Anh biết đấy, cán bộ huyện tập trung ở Tri Tôn, mà ở đó không có đất!”

Tôi hiểu, quả cũng khó cho mấy anh thật. Gia đình cán bộ tập trung tại chợ, còn nguồn sống của họ lại ở ruộng đất nơi khác! Vậy là trên thực tế tồn tại một mạng lưới vòi bạch tuộc từ huyện gắn vào ruộng đất các tập đoàn sản xuất. Mặc nhiên có tình trạng bao cấp ngược và người nông dân phải cõng cái nghĩa vụ này!

Bí thư xã Sơn Hưng Nguyễn Ðại Dũng tiếp chúng tôi tại nhà. Nếu không có chiếc sân xi măng láng coóng trước cửa thì nhà anh chẳng khác nhà bà con kế bên, cũng căn nhà lá xứ nghèo. Bằng giọng Nghệ trọ trẹ nửa Nam nửa Bắc, anh nói:

“Bài báo có nêu một số việc gần đúng sự thật, như phân chia ruộng đất, sau khi chia theo định suất, còn dư một số, chủ trương của huyện và xã là để cho những hộ có khả năng lao động và vốn mượn thêm, mỗi hộ không quá 5 công. Nhưng khi thực hiện, một số đội trưởng đã lợi dụng để giành nhiều đất tốt cho mình và thân nhân. Phân phối vật tư cũng vậy. Anh biết đấy, vật tư Nhà nước cung bao giờ cũng thiếu so với định mức. Vì vậy, khi đưa vật tư về đội, có một số đội trưởng giữ lại cho mình phần nhiều, hoặc tự ý quy định mức hao hụt để khấu trừ vào xã viên, gây thắc mắc. Khuyết điểm của chúng tôi là không kịp thời kiểm tra uốn nắn. Thú thực với anh, công việc cũng lu bu quá, còn tôi thì người nơi khác đến nên chưa nắm xiết được.”

“Liệu họ có lợi dụng điều này để biến anh thành một thứ ô dù không?”

“Tôi cũng cảnh giác chứ anh! Nhưng anh bảo sao mà lường hết được? Các đội trưởng đều làm việc nhiệt tình, họ lo lắng đến phong trào như đôn đốc xã viên nộp thuế, làm nghĩa vụ lương thực. Việc cảnh giác thì cần cảnh giác nhưng vẫn phải dùng anh ạ. Chắc anh cũng biết đấy, cán bộ chúng tôi vừa yếu lại vừa thiếu. Trầm ngâm một lúc như suy nghĩ thêm về những gì sắp nói, Ba Dũng chuyển chủ đề. Chúng tôi không đồng tình nhất với kết luận thứ 5 của bài báo, nói ở Tân Hưng không còn lẽ phải, không có pháp luật, quyền làm chủ của nhân dân bị vi phạm nghiêm trọng và nhân dân không còn tin cấp uỷ, chính quyền địa phương nữa. Nói thế không được! Trên khuôn mặt vuông vức hồng hào của người bí thư xã lộ vẻ bất bình của người quen được vâng lời đột nhiên gặp điều trái ý. Anh thấy đấy, Ba Dũng tiếp, Tân Hưng là hợp tác xã điểm duy nhất của huyện. Một cơ sở sản suất kinh doanh xã hội chủ nghĩa như vậy không tự ra đời mà có sự tổ chức nuôi dưỡng của cấp uỷ. Không lẽ nào tổ chức lại chấp nhận một hợp tác xã không có pháp luật. Viết như thế là xuyên tạc tình hình hợp tác xã, là coi thường sự lãnh đạo của Ðảng. Thế thực sự nhân dân có còn tin vào cấp uỷ và chính quyền địa phương không? Tin hay không đều ở quá trình lãnh đạo. Chúng tôi lãnh đạo nhân dân bầu thành công hội đồng nhân dân, bầu đúng theo dự kiến của cấp uỷ. Chúng tôi cũng tổ chức được đại hội hợp tác xã, bà con bầu được ban quản lý, đúng theo yêu cầu.”

Câu chuyện của chúng tôi phải dừng ngang. Một cậu thanh niên bước vào, tay xách một gói được che nửa kín nửa hở bằng lá môn, không rõ thịt trâu hay thịt bò, đỏ lòm máu.

“Thưa bác Ba, dượng Tám con biếu bác Ba ký thịt bò!” Chàng trai nói vẻ lễ phép quá cỡ.

“Anh Tám giết bò nào thế?” Ba Dũng hỏi.

“Dạ, con bò dượng Tám con mới mua.”

“Vậy hả, được rồi, để trỏng đi!”

Cậu thanh niên ghé vào cửa buồng vách lá, từ trong đó, một người đàn bà trắng trẻo mũm mĩm như hòn bột bế đứa bé đưa tay nhận xâu thịt thật lẹ.

“Thế nào, anh định sống lâu dài ở đây chứ?” Cậu thanh niên đi khỏi, tôi hỏi Ba Dũng bằng giọng thông cảm.

“Có lẽ thế thôi, anh! Biết sao bây giờ? Ðánh giặc mãi rồi, tôi về huyện, được tăng cường xuống xã. Bây giờ nhà cửa ở đây cả, có lẽ tôi sẽ sống gắn bó lâu dài với bà con thôi. Ngừng chút để dụi tắt điếu thuốc đầu lọc vào cái gạt tàn màu da lươn, anh tiếp, bà con ở đây rất tốt, chỉ có một số ít phần tử gây rối thường kích động làm chuyện này chuyện khác. Tiêu biểu trong đó có bà Năm Hà tập hợp lôi kéo những phần tử tiêu cực lại để tranh đấu giành uy tín cá nhân.”

“Bà ta cần uy tín cá nhân để làm gì?”

“Ðể được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã thay Thanh Hải, nhưng nhân sự như thế đâu có được. Bà ta chỉ là người tạm trú, lại không đảng viên, tuổi cũng cao rồi.” Trầm ngâm lúc lâu, anh gật đầu cả quyết, “chúng tôi cần phải tìm được người tố cáo để kịp thời xử lý phân loại cán bộ”.

Trước mặt tôi là bà má cao niên, người mảnh khảnh, nước da xanh xao. Bà không có dáng của nông dân lam lũ mà mang vẻ gì đó có chiều thành thị. Bà tiếp tôi niềm nở, cái niềm nở chân tình của những người mẹ sâu trong truyền thống dân tộc. Có thể gọi khác cũng được, nhưng rồi tự nhiên tôi gọi bà bằng tiếng dì gần gũi của Nam Bộ. Dì Năm Hà đưa tôi đi dọc những líp dừa trồng xen ổi, những trái ổi chín xanh đung đưa như mời gọi. Dì hái đưa tôi trái ổi lớn: "Chú ăn trái này đi. Trái chim ăn ngon hơn những trái thường." Tôi nhận từ tay dì trái ổi ửng vàng, trên màu vỏ mịn màng in một vết mỏ chim còn mới. Dõi nhìn khuôn vườn rộng, tôi hiểu chính nơi đây tôi bắt gặp nền văn hóa vườn đặc sắc của Nam Bộ.

“Tôi sống rai rai với cây trái đó, chú. Mỗi ngày tôi thu hơn chục ký ổi. Dừa cũng được bán thường xuyên. Vụ điều vừa rồi tôi thu được 350 ký đem bán cho ngoại thương Hòn Ðất. Rồi hạ giọng, dì tâm sự, tôi vốn quê tận Gò Công lận. Hồi Chín năm tôi công tác ở Văn phòng Tỉnh uỷ. Sau Giơ-neo tôi vẫn hoạt động. Tới khi Luật 10/59, tình hình ngặt quá, Tỉnh uỷ cho điều lắng, tôi dạt xuống Rạch Giá làm ăn. Lúc đầu dạy học rồi sau làm y tá hộ sản. Sau hòa bình, tôi tham gia công tác Hội Phụ nữ ở phường Quang Trung. Thấy ở chợ khó sống quá, tôi về đây sang một miếng đất. Ðất này lúc đó gọi là đất chó ỉa, đưng lác cao lút đầu. Nhiều người cười tôi, cái bà này ở chợ về đây mua đất hoang làm gì? Quả cũng khó thiệt, chú! Tôi cấy lúa mấy vụ đều thất, sau trồng lang trồng củ mì cũng thất. Tới bước nữa tôi lên liếp trồng mía. Trúng vụ mía, tôi có tiền lên liếp tiếp. Thấy nhà nước khuyến khích trồng điều, tôi trồng. Ðưa bàn tay chai xù xì, các ngón tù như đầu rắn, dì Năm vỗ vào thân cây dừa tơ trĩu quả, như vuốt ve một vật thân thuộc, nói tiếp, tự tay tôi trồng tất cả đó chú. Phải tự tay mình trồng tôi mới tin. Bước qua cái cầu nhỏ sang liếp kế bên với những hàng ổi đang đơm hoa trái thơm lừng, dì cười có phần ngường ngượng, nói tiếp: Nói chú đừng cười chớ tôi đông con lắm, những tám đứa lận. Cho hai đứa đi đại học, tôi phải sang hai miếng vườn. Hiện nay huê lợi từ vườn từ ruộng tôi vẫn tiếp tế cho các cháu.”

Nãy giờ, đi thăm vườn của dì Năm Hà, tôi đã thầm nghiêng mình bái phục trí tuệ và nghị lực của người đàn bà trên tuổi 60. Vườn được quy hoạch hợp lý và đẹp tới mức lý tưởng mà những kỹ sư nông nghiệp tài giỏi nhất cũng chỉ có thể làm được đến thế. Từ mảnh đất phèn chó ỉa, dì đã biến thành khu vườn trù phú và thơ mộng. Vườn của dì đã trở thành điểm du lịch: từng đoàn học sinh từ Rạch Giá rủ nhau đi chơi vườn đào. Sau khi thoải mái hái đào hái ổi, chúng vui vẻ ra về mang theo hương vườn vào phố chợ. Nghe dì nói về đàn con, tôi càng thêm khâm phục tấm lòng Người Mẹ: Bằng lao động có văn hóa tạo cho các con cuộc sống văn hóa hơn.

“Con tôi một đứa hy sinh, một đứa chiến đấu bị thương.” Dì Năm kể tiếp. “Chắc chú còn nhớ năm 79 giải phóng Campuchia, tỉnh mình có đưa xe ô tô đi phục vụ chiến trường. Thằng thứ hai của tôi bị trong dịp đó. Giải phóng Phnômpênh ngày 7 thì ngày 14 cháu hy sinh ở Compuông Chơnăng. Xe cháu lái bị cháy, cháu xung phong sang lái xe khác. Chiếc này cũng bị cháy, cháu sang xe thứ 3 thì trúng đạn. Ân hận là 8-9 năm rồi tôi chưa đưa cháu về được.” Giọng dì nhỏ lại và từ cặp mắt sầu muộn của Người Mẹ, những giọt nước mắt lã chã rơi.

Hay tin có nhà báo đến, nhiều người tới nhà dì. Tôi nói với bà con rằng, đây là bài trả lời của ban quản lý hợp tác xã, đề nghị đọc to lên để mọi người cùng nghe. Tập giấy đánh máy được chuyển tới người đàn ông sồn sồn. Trong khi ông khó nhọc đánh vần từng chữ, tôi chăm chú đọc nét mặt mọi người. Những khuôn mặt đàn ông đàn bà khắc khổ đen sạm đăm chiêu nhìn xuống vẻ căng thẳng. Thỉnh thoảng có những tiếng ồn ào chực nổ bung lên nhưng lập tức bị nén lại. Ai đó nói khẽ: để yên cho người ta đọc! Người đàn ông đọc xong rồi mà đám đông còn ngồi lặng đi một lúc. Những mái đầu cúi thấp hơn như bị sức mạnh vô hình đè xuống. "Vậy là hợp tác xã không sai gì hết?" "Ðất không sai, quỹ không sai, vật tư cũng không sai?" "Lại còn đưa tạp chí Cộng sản ra hù dọa nữa!" "Lại còn đe dọa người tố cáo nữa chớ!" "Ba Dũng đấy. Cái giọng nầy đúng là Ba Dũng rồi!" Mọi người rộn lên, ai cũng muốn nói.

“Tôi nói thiệt”, cậu thanh niên tên Dào nói lớn, “bài báo hổng có gì sai hết, mà còn chưa nói tới một phần mười sự thật ở hợp tác xã đâu. Cứ kiểm tra đi, tôi bảo đảm, nếu sai có bắn bỏ tôi cũng chịu!”

“Ai không có ruộng à?” Anh Hai Lâm ngẩng mái đầu trọc lốc lên nói một cách vất vả, hỏi ông hai Ngon coi, gia đình chánh sách mà không có lấy miếng đất ném chim.

“Tui trả ruộng chớ ai?” Tư Sum xen vô, “tụi nó chia tui toàn đất lúa mùa, cỏ không. Lúa tôi suốt chưa rồi, tụi nó đem thúng lại xúc, giận quá tui trả ruộng liền, đi làm mướn chơi. Giận quá trời giận. Dân thiếu chút ít thì chúng xúc bồ, còn đám đội thiếu tấn lớn tấn nhỏ ai đụng tới chúng?” Vừa quấn điếu thuốc sâu kèn, Tư Sum vừa nói tiếp: “Cứ cho tui làm đội trưởng 3 năm đi rồi tui xin ở tù cho. Làm đội trưởng được cấy nhiều ruộng, phân bón phả phê lại không phải đóng thuế, chả mấy mà giàu!”

“Cán bộ huyện không mượn đất hợp tác xã sao? Nói dóc cỡ vậy mà cũng nghe được!” Ông Tám Nai đậm người, mặc áo cánh nâu, xà lỏn đen nói thủng thẳng giọng hiền khô: “Cha Ba Giáp cấy 18 công có trong sơ đồ đó. Nói rằng y có hộ khẩu ở xã, nhưng ai nhìn thấy mặt vợ con y về xã làm ruộng hồi nào? Chả làm phó ban cải tạo nông nghiệp mà cải gì lạ vậy? Ba Chắc làm 3 công đất cho ai đó, không phải cho cha Ba Sử ban tiếp dân huyện sao? Băng công an có Mười Tôn, Tần, Phước, Thành mỗi cha 5 công rành rành đó.”

“Vậy văn phòng Ủy ban huyện mượn 30 công nói là để cán bộ ăn sáng mà chủ tịch Hai Lập không biết sao? Quan liêu gì mà tệ dữ vậy? Ủy ban huyện cũng phát canh thu tô công 10 giạ mới đã chớ! Cù Giàu lãnh chớ ai?”

“Không chỉ quan huyện mà cả quan tỉnh cũng chiếm đất hợp tác xã. Ba Xái đang làm cho cha nào 5 công đất đội 2 giáp kinh 40 không phải của Phạm Long uỷ viên thơ ký uỷ ban tỉnh sao? Cứ về hỏi đi, dân đội 2 chỉ đến tận bờ!”

“Còn ông bí thơ Ba Dũng, ai biết được ông có bao nhiêu ruộng ở chỗ nào. Ổng gởi mỗi đội trưởng mấy công mà chẳng cần biết đất ở đâu, chẳng cần chi phí, tới mùa đội trưởng tay em chở lúa đến tận nhà cho ổng.”

“Mấy ông còn nhớ vụ Bảy Cô hiếp dâm con nhỏ ở đợ bị đổ bể, vợ y chưởi y sao chớ: Tổ cha mầy cũng tí tởn vô Đảng! Bốn năm tạ lúa của tao mầy đem đưa cho ông cố nội Ba Dũng của mầy! Nghe chúng chưởi nhau mà đã cái bụng.”

“Còn chủ nhiệm Hải, ai cấy lúa nuôi heo cho y rồi chở về tận nhà y, thanh tra tỉnh tới hỏi, tui chỉ cho.”

“Thanh tra cái quần hòe!” Một bà sồn sồn bực quá sẵng giọng. “Những 5 đoàn thanh tra của huyện mà không phát hiện được gì sao? Ðâu có lạ. Mấy ông không nghe chúng nói sao? Nhậu sừng sừng rồi thằng đội trưởng Ðức chẳng nói: thanh tra gì ông cũng không sợ. Chỉ con chó với can rượu là đi hết đó sao!”

Nãy giờ nghe hết người này đến người khác nói nhưng đề ý thấy dì Năm Hà vẫn im lặng, ngồi cúi đầu xuống. Bây giờ dì nói nhỏ: “Tôi chán lắm rồi, mình góp ý cho họ, những người lãnh đạo lại trù úm đe dọa mình!” Dì có vẻ tủi thân, giọng ấm ức.

“Ðừng thối chí, chị Năm, đã chơi là chơi cho tới gáo!” Người đàn ông đọc bản trả lời lúc nãy động viên dì. Ông tiếp bằng giọng suy nghĩ: "Cái điều họ phản ứng dữ nhất là việc bài báo nói hợp tác xã không có pháp luật, không có lẽ phải!"

“Còn phản ứng gì nữa?” Anh Tư Bưởi cao giọng, lẽ phải ở chỗ nào? “Thằng đội phó Ban chém thằng Ngọc sả sườn đó thì ai đã giải quyết ra sao? Ừ thì bồi thường tiền thuốc và nói là phạt 100 m3 thuỷ lợi chớ ai thấy y làm được ngày nào? Mà xử vậy đúng chưa, hình sự sao lại xử nội bộ?”

“Còn Bẩy Cô đó, đệ tử ruột của Ba Dũng, con hùm xám Cầu số 3 đó, đồ hiếp dâm con nít ai đã làm gì được y? Gia đình y chiếm 5-7 sạp hàng ở chợ Cầu số 3 mà còn cậy thế đánh 7-8 người, cả người mới sanh, cả người mang bầu đến truỵ thai mà ai dám nói gì chưa? Hễ ai đụng tới y liền bị vu cáo là giặc tổ chức, nói xấu cán bộ.”

“Có pháp luật sao Tư Hồ trưởng ban trực xã viên tranh đất trái luật rồi ăn cắp súng hăm bắn Mười Ðịnh bí thơ chi bộ trường lái xe, đã giải quyết chưa?”

Tôi không thể nào ghi hết lời phát biểu của cô bác, đành cầm bút lắng nghe, trong lòng chợt nhớ tới cảnh đấu tố một thời.

“Thôi, nói mãi cũng không cùng”, tiếng người đàn ông đọc tài liệu lúc nãy cất lên. “Ta chỉ nói sơ sơ cho nhà báo biết, còn muốn nói nhiều, đề nghị Tỉnh uỷ xuống họp dân chúng tôi sẽ nói.” Ông quay lại dì Năm Hà: “Chị Năm yên chí đi, còn có tụi tui, chẳng ai làm gì được chị đâu!”

Mọi người đi rồi, còn lại hai dì cháu, dì Năm rủ rỉ: "Nó nói nó bầu dân chủ sao? Dóc hết sức! Chú biết không, hợp tác xã có tới 258 hộ mà khi tổ chức đại hội, chúng nó chỉ chọn 5 đội 50 đại biểu, chú biết không, trong số 50 đại biểu ấy, có tới 26 người là thân nhân cán bộ, còn 11 người thuộc loại đã được trám miệng bằng mấy công đất hay những ông bà già 70-80 tuổi nghe không được, nói không được. Gọi là đại biểu chớ có ai được bầu đâu, chúng tự chọn với nhau thôi. Chú nghĩ coi, với những đại biểu ấy, cộng với 21 cán bộ đương nhiên được quyền bầu cử nữa, chúng muốn bầu gì mà chẳng được?! Vì vậy, chú đừng ngạc nhiên khi ban quản trị bầu 7 lấy 7! Còn thanh tra à? Chú coi, thanh tra nào về cũng chịu thua vì không dính chuyện nọ cũng dính chuyện kia. Nếu không dính cũng chỉ cần con chó với can rượu là xong hết. Chú hiểu cho, chủ nhiệm của chúng tôi là kỹ sư. Ông kỹ sư này chẳng thiết ngó ngàng gì đến sản xuất, nhưng lại thừa mánh lới tạo ra chứng từ qua mặt mọi đoàn thanh tra! Dường như nói cũng mỏi, dì nghỉ lấy sức sau đó hạ giọng: Ðau lòng lắm chú Thuỳ ạ! Tôi kể chú nghe chuyện vợ chồng Bảy Lình để chú hiểu thế nào là nỗi cực khổ của bà con ở đây. Dì nheo mắt lại ngẫm nghĩ rồi gật đầu. Ðúng, tôi nhớ ra rồi, đó là cuối năm 1985, đang đêm tôi giật mình thức giấc vì tiếng la: Trời ơi, trời ơi là trời. Biết là tiếng đàn ông mà chưa rõ tiếng ai, nhưng nghe thảm thiết quá, cầm lòng không đặng. Chỉ sau khi tiếng chân người dậm bịch bịch dọc bờ kinh, vừa chạy vừa la: Trời ơi, trời ơi là trời! Con tôi nằm đất kìa. Nhà không còn lu đựng nước uống nữa. Tới đó tôi mới biết là Bảy Lình. Y là nông dân cơ cực ở đây, không biết đi dép nữa chú, móng chân thúi như cùi mà dốt nữa, gom lại chữ nghĩa cả nhà không đầy lớp 2. Năm đó lúa hè thu bị thất vì y ngã bệnh, không người chăm sóc, nên thiếu nợ hợp tác xã 950 kg lúa. Y hẹn đến lúa mùa sớm sẽ trả đủ nợ nhưng đội không chịu, đến thu của y đôi lu, bộ ngựa. Uất quá y la cho hả nư giận. Nào ngờ hôm sau y bị gọi lên xã cảnh cáo. Về nhà, y cắt lúa trả đủ nợ rồi dông ghe vượt biên. Chú coi, người như vậy ai muốn vượt biên làm chi. Ngặt cái ức hiếp người ta quá! Hoàn cảnh ông Mười Thu cũng tội. Con ông đi bộ đội sang Campuchia. Lúc đầu đội giao cho ông 10 công, sau đòi lại 5 công, ổng không chịu, đội phó Ban đưa súng tới dọa. Giận quá, ông uống rượu thiệt say, hôm sau trả hết ruộng, đi làm mướn.” Dứt lời, dì đi lại cái tủ con nơi góc nhà lấy ra đống giấy tờ. “Toàn đơn thưa đó, chú. Chị em phụ nữ gởi cho mình.” Dì nói rồi chọn đưa tôi chiếc phong bì màu xanh. “Chú đọc đi”, dì bảo. Tôi nhìn dòng chữ vụng về: Kính gởi dì Năm Hà kính mến. Trong lúc tôi mở phong thư, dì giải thích: “Của ai tôi không biết nữa, chỉ biết anh Bảy bên hợp tác xã mua bán nói có người nhờ ảnh gởi cho tôi cái thơ. Nghĩ cũng kỳ hà chú, thơ tố cáo mà hổng gởi cơ quan lại gởi cho mình!” Tôi đọc bức thư dài tố cáo Nguyễn Ðại Dũng xuống mối cho tập đoàn 1 ấp Hưng Ðiền chia phân cho tập đoàn viên, rồi mỗi hộ chiết ra 5 ký được 50 ký giao cho bà Tám Thông bón lúa của Dũng. Nguyễn Ðại Dũng làm ruộng 4 điểm ở ấp Hưng Giang và Hưng Ðiền cộng 37 công, cùng những hành động quá quắt của ông bí thư này, kèm theo cả nhân chứng và địa chỉ. Chờ tôi đọc xong ngước lên, dì nhìn tôi, hỏi: “Chú thấy chưa? Sự việc như thế mà huyện còn bênh chằng chằng. Ðầu mối bê bối là Nguyễn Ðại Dũng. Y kết bè kết đảng, dựa vào đám tay chân để ăn nhậu để làm giàu, còn ỷ thế thày, bọn đàn em tha hồ hiếp đáp nhân dân. Ðúng là bọn cường hào ác bá!”

Thời gian sau, trở lại thăm dì Năm, tôi hỏi tình hình ra sao, có tiến bộ gì không, dì trả lời nhỏ nhẹ: “Dì đã gặp Nông dân tập thể, Phụ nữ tỉnh rồi cả Ban tiếp dân nhưng vẫn chưa có chuyển biến gì, họ nói cần phải có thời gian!” Giọng dì thật buồn. “Thôi, có lẽ vậy thôi chú Thuỳ à. Tôi cũng chẳng làm gì nữa đâu! Tôi tính sắp tới sẽ sang vườn cho người ta rồi về chợ sống cho yên ổn. Mà nói chú đừng giận, báo chí mấy chú có viết nữa cũng chẳng để làm gì, chỉ như làn gió thoảng qua nghe cho vui thôi, sau đó đâu hoàn đấy, lại thêm khốn khổ nữa. Lần sau chú có tới thăm thì dì cảm ơn chớ đừng tìm thêm tài liệu nữa!”

Rạch Giá tháng 12/1987
 
Nguồn: Bài in trong tập Người đàn bà quỳ, Nxb Tác phẩm Má»›i, năm 1988.