© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
11.5.2006
Bùi Giáng
Đi vào cõi thơ
(Apollinaire, Quang Dũng, Huy Tưởng, Bùi Giáng, Kiên Giang, Nguyễn Du và Hegel, Tản Đà, Walt Whitman, Emily Dickinson, Dylan Thomas, Tạ Ký, Thùy Dương Tử)
 1   2   3   4   5 
 
Apollinaire

Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi


L’Adieu


J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automme est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends.


Và nhớ nhé! Ta đợi chờ em đó,

Bài thơ chỉ vẽn vẹn chỉ có năm câu. Năm câu phiêu hốt mang thiên nhiên nằm giữa nền thi ca Tây Phương Hiện Đại – năm câu cũng đồ sộ như toàn khối Đường Thi Trung Hoa hay mấy vần tứ tuyệt của một Thôi Hộ.

Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó…

Dịch ra làm sáu câu, tôi có phần áy náy. Nhưng không biết phải làm sao. Cái chất đạm nhiên bát ngát trong bài thơ Apollinaire đang trừ khử hết mọi lối dịch diễn dịch di, dịch tinh, dịch thể.

Cứ thử liều một trận xem sao.

Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ chẳng nhìn nhau trên đất nữa
Hương thời gian nhành thạch thảo tí hon
Và nhớ nhé ta đợi chờ em nhé…

Cũng tạm gọi là được.

Nếu ta đem bài thơ bát ngát kia đặt vào giữa nguồn thơ mênh mông của Apollinaire ắt ta dám dịch nó ra làm lục bát Huy Cận, lục bát Nguyễn Du hoặc làm thất ngôn Du Nguyễn.

Đã hái nhành kia một buổi nào
Ngậm ngùi thạch thảo chết từ bao
Thu còn sống sót đâu chăng nữa
Người sẽ xa nhau suốt điệu chào
Em nhớ anh quên và em cũng
Quên rồi khoảnh khắc rộng xuân xanh
Thời gian đất nhạt mờ năm tháng
Tuế nguyệt ta đà nhị hoán tam.

Dịch như thế là diễn giải một mùi hương ẩn tàng trong nếp gấp. Nhưng đâu có cần gì.

Nếu như cần, thì tớ cứ buông bừa bút mực viết bừa thơ.

Mùa thu chết liễu nhớ chăng em?
Đã chết xuân xanh suốt bóng thềm
Đất lạnh quy hồi thôi hết dịp
Chờ nhau trong Vĩnh Viễn Nguôi Quên

Thấp thoáng thiều quang mỏng mảnh dường
Nhành hoang thạch thảo ngậm ngùi vương
Chờ nhau chín kiếp tam sinh tại
Thạch thượng khê đầu nguyệt điểu mang

Xa nhau trùng điệp quan san
Một lần ly biệt nhuộm vàng cỏ cây
Mùi hương tuế nguyệt bên ngày
Phù du như mộng liễu dài như mơ

Nét my sầu tỏa hai bờ
Ai về cố quận ai ngờ ai đi
Tôi hồi tưởng lại thanh kỳ
Tuổi thơ giọt nước lương thì ngủ yên.

Dịch ra như vậy thì tiếp giáp với bài thơ “Je me souvienns”:

Je me souviens de mon enfance
Eau qui dormait dans un verre
Avant les tempêtes l’espérance
Je me souviens de mon enfance

Tôi hồi tưởng tuổi thơ ngày trước
Đáy ly nào giọt nước ngủ yên
Trước khi giông bão muộn phiền
Giậy cơn hy vọng cuối miền thơ ngây.

Je songe aux métamorphoses Qui s’épanouissent dans un verre Comme l’espoir et la tristesse Je songe aux métamorphoses C’est ma destinée que je lis Dans les reflets incertains Les jeux sont faits rien ne va plus C’est ma destinée que je lis

Tôi nghĩ tới tháng ngày chuyển dịch
Những thay hình đổi dạng mở phơi
Trong ly nước mộng tuyệt vời
Với sầu dao động nỗi đời giao thoa

Linh hồn định mệnh âm ba
Bóng vang khép mở đầu hoa mơ hồ
Hỡi ôi dâu biển xô bồ
Hồn trong định mện bây giờ đọc ra.
(Sương Bình Nguyên)


Quang Dũng

Mai chị về em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng

Chỉ hai câu đầu đã khiến người tê lạnh. Không có gì cả, không lời nào tha thiết, nhưng đúng như ông Huy Trân nói: “Thơ Quang Dũng ý đã nhiệt thành, cao đẹp, mà lời thơ lại êm ái gợi cảm vô cùng. Nói về thơ nhẹ nhàng, êm dịu, mà đọc tới đâu lâng lâng chết cả lòng đến đấy, thì thi ca hiện đại chỉ có Quang Dũng.”

Thi ca hiện đại hay thi ca ngàn đời, thi ca Việt Nam hay thi ca thế giới – vâng – cũng chỉ riêng một Quang Dũng thôi.

Mai chị về em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong

Đó là chỗ sơn cùng thủy tận của ngôn ngữ. Ngôn ngữ thần tiên hiển hiện tinh thể một cách không thấy hình hài máu me đâu cả. Người ta đã bao đời đi tìm cõi huyền nhiệm của ngôn ngữ thơ. Mỗi phen trở về, mỗi phen như bó tay lắc đầu, tuyệt nhiên không biết ăn nói ra sao cả. Đành chỉ nói quanh co.

Và biết bao thy sỹ hoằng viễn đã nghĩ rằng, nguyệt rằng, mình sẽ suốt đời không làm một vần thơ nào cả - một phen để hội cái chỗ dị thường trống trải vắng vẻ trong lời man mác thiên tiên kia.

Lại có những nhà tư tưởng như Heidegger, viết bao pho sách lịch kịch nêu bao câu chất vấn u ẩn, đáo cùng vẫn chỉ nhằm mục đích nhiếp dẫn tư tưởng tới chỗ mép bờ bất khả tư nghị của thi ca.

Nerval sau những lần thành tựu cõi miền ngôn ngữ đó, ông bèn lao mình vào cõi ẩn mật vô ngần của một nguồn siêu thực không tiếng không lời Les Chimères.

Apollineire, sau phút dị thường bước lên tột đỉnh đạm nhiên kia, lập thời nhảy lùi làm thơ theo thể thái bông lông tầm phào, bất sá lam hồng tố bạch.

Mai chị về em gửi gì không?

Câu hỏi cũng lửng lờ như lời đáp cũng lửng lơ. Hỏi mà cũng không hỏi, không nói, không ngó, không nhìn nhau…

Và chỉ sau khi lên ngựa, chia bào, con người mới để lòng mình bay tỏa khắp đường đi.

Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong

Tâm sự của người đi, nhưng nhan đề là kẻ ở. Kẻ ở hay người đi cũng một tâm tình ly biệt. Đi giữa không gian, thì cũng như đứng ở trên dâu biển. Lòng sao lạnh? Vì lòng mang chứa tất cả khoảng vắng lạnh? Vì lòng mang chứa tất cả khoảng vắng lạnh không gian… Và tiếng “mong nhớ mong” kia cũng chỉ vọng vào được trong không gian xa hút mà thôi.

Nghĩa là vọng trở lại vào lòng mình. Từ lòng mình toả vào lòng vũ trụ. Lại từ lòng vũ trụ dội lại lòng mình. Đó là cái vòng kỳ ảo của mong nhớ mong. Và mong nhớ mong mênh mông như thế, thì mong nhớ mong là cõi của từ bi tế độ vậy.

Bởi vì nó mang hải lượng bao hàm. Nó bao dong rừng biển, sớm chiều, canh gà, sương hoa, cành hoang ngựa lạc. Nó đem thương mến phủ khắp hình hài vạn vật từ gần gũi tới xa tít dặm xa.

Quê chị về xa tít dặm xa

Vì đó là một quê hương nào riêng biệt nằm tại một bến bờ bỉ ngạn nào vô tức vô thanh, vô biên vô tế.

Quê chị về xa tít dặm xa
Rừng thu chiều xao xác canh gà
Hoa rơi khắp lối sương muôn ngả
Ngựa lạc cành hoang qua lướt qua

Ngựa lạc? Dẫu ngựa không lạc đường vẫn cứ là lạc nẻo. Nghĩa là: ở trong cõi hư không bao la như thế, thì đâu cũng là lênh đênh, nhưng lênh đênh theo nghĩa vô ngần: trụ vô sở trụ.

Người ngồi trên ngựa cũng lạc ngựa luôn. Hươu trong rừng cùng một cảnh ngộ lạc loài như nhau, lại tam trùng lạc lõng nhau, vì bất ngờ sợ hãi nhau, quay đầu bỏ chạy. Lời thơ lại thêm một chút niêm hoa vi tiếu “theo ngó theo”.

Ngựa chị dừng bên thác trong veo

Nếu thác đục lầy cho một chút, ắt có phần gần gũi bụi hồng hơn. Nhưng tại sao thác lại trong veo cắc cớ ra như thế? Thì trần gian còn biết đem tâm sự hồng trần ký thác vào đâu? Đó là chỗ đạm nhiên huyền bí lô hỏa thuần thanh vậy. Nó đốt cháy linh hồn bằng một tiếng trong veo. Nhưng đốt cháy mà đâu có bỏng da bỏng thịt. Nó cháy để thăng hoa cho linh hồn về ba la mật, sau một phút linh hồn tạm dừng trong một phen tư lự. Vì dù sao trận giũ áo cũng còn vướng víu với nhân nghĩa nhân tình.

Ngựa chị dừng bên thác trong veo
Lòng chị buồn khi nắng qua đèo
Nơi đây lá giạt vương chân ngựa
Hưu chạy quay đầu theo ngó theo

Rồi xẽ xin khóc một cơn vô ngần cho trùng sinh trong vĩnh biệt:

Rừng đêm nhòa bóng nhớ hoang mang
Ngựa chị dừng bên thác sao vàng
Sao rơi đáy nước vương chưn ngựa
Buồn dâng đôi mi hàng lại hàng

Ta lại gián tiếp với một sự tình kỳ dị. Nói ra là buồn dưng đôi mi hàng lại hàng, nhưng có bao giờ mối sâu mênh mông và hầu như vô đối tượng lại tràn ra thành hàng lệ. Nhưng đây là hàng lệ riêng biệt của hư không đi về vui chơi êm đềm với không hư thái thiên nhiên tĩnh tịch. Người ta có thể khóc, nhưng không phải khóc vì một mối đoạn trường riêng tây trong một cảnh ngộ nhất định.

Hoặc đâu có phải bạ đâu khóc đó như bọn thy sỹ trung niên. Người ta khóc từ chín kiếp khóc về; như trận mưa vốn từ thiên thu rớt hột. Vì thế nên gọi là hàng lại hàng. Vì thế nên có chuyện sao rơi đáy nước. Vì thế nên có chuyện sao vương chưn ngựa. Chưn ngựa ở đây cũng mang đủ trùng quan thời gian vũ trụ nên mới có thể chạm vào bóng sao rơi từ thời gian tinh thể rớt về. Người và ngựa và sao và nước bỗng nhiên như nhiên đã đi vào cõi chung vạn vật nhất thể. Thì từ đó trở lại với đoạn đầu, từ câu hỏi mông lung tới lời đáp nhẹ nhõm, niềm mong nhớ mong là một tặng vật không lời, không nhất định là riêng biệt của riêng ai trao gửi lại cho ai. Người chị và người em kia cũng không có tên tuổi nào được hạn định nơi đâu. Đó là hai đứa con của trời và đất đẻ ra trong một mùa xuân hôn phối. Thì mai chị về em gửi gì không, là gửi cho chị hay cho ai? làm sao ta dám quyết định? Chỉ biết rằng: chị hãy nhớ má em hồng. Nghĩa là: mùa xuân xanh còn tồn lưu mãi mãi trong mùa thu ly biệt. Đó là tặng vật của em trời trao chị đất – nhớ má em hồng là ký ức kỳ ảo Mnémesyne.

Chẳng hiểu sao đọc thơ Quang Dũng, Nguyễn Du, Hồ Dzếnh, Huy Cận, tôi thường nghĩ tới người Chiêm Thành. Tội lỗi ông cha chúng ta đối với dân tộc ấy kể cũng được chuộc phần nào, cũng như ngày xưa Homère đã giải oan cho người Troyens bị đắm chìm bởi người Hy Lạp.

Mấy bài thơ của Quang Dũng như giữ lại cho mọi người một niềm tương ứng mênh mông trong thời đại ngỗn ngang oan nghiệt, thế giới cùng xô ùa nhau vào hủy diệt, tàn phá, trong những trận tẩu hỏa nhập ma. Chiến tranh trong thời Quang Dũng dù sao cũng còn để lại cho người một dư địa để hoài niệm nhớ thương nhau. Nhưng dần dà, chút tình thương còn sót cũng mất đi giữa hỗn độn. Lúc bấy giờ e chỉ còn cửa quỷ đối thoại với nhà ma. Quang Dũng cũng linh cảm sự đó, nên bài “Đôi Mắt Người Sơn Tây” khép lại với mấy tiếng “bao giờ, bao giờ” ngậm ngùi khôn tả:

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn?
Về núi Sài Sơn ngóng lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ ta gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta

Khoảng trống lại trở về ngập khắp mép bờ ngôn ngữ. Như muốn đánh chìm hết mọi lời thân thiết đã thốt ra. Chúng ta không còn biết phải giải thích thơ Quang Dũng ra sao được nữa cả.

Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa

Nhưng có lẽ ông không tin ở ngày ấy, ông không nghĩ rằng ngày nở hoa ấy sẽ về. Còn có bao giờ em nhớ ta? Nghĩa là không còn có bao giờ nữa cả? Chúng ta sẽ tiếp tục chết hết. Người ta sẽ tiếp tục giết nhau cho tới buổi chung cục thời gian. Cuộc chiến tranh ngày nay không còn chút gì giống như chiến tranh những thời đại trước. Có những cuộc chiến tranh huy hoàng như một trận mưa rào rực rỡ, làm hồi sinh con người trong tâm thức từ bi. Nhưng có những cuộc chiến tranh vốn từ trong tinh thể là làm tan rã tiêu diệt mất bản tính con người. Ngay cả con ngợm, con đười ươi cũng không còn sống sót một mống nào hết cả. Thì như thế? Còn có bao giờ em nhớ ta?

Người ta nhầm lẫn một cách kỳ quặc cái ý nghĩa sơ thủy của chiến tranh. Cuộc chiến tranh bao dong của những ông Nguyễn Huệ, chiến tranh bác ái của những ông Napoléon, chiến tranh đó không còn tự nhận diện ra mình nữa trong cuộc chiến tranh tàn phá ngày nay. Tolstoi ngày xưa chẳng hiểu gì về Napoléon hết cả, cũng như chúng ta ngày nay chẳng hiều gì cả về cuộc chiến tranh của chúng ta. Thật là cắc cớ. Còn có một chân lý dị thường ẩn tàng trong Dịch Kinh của Khổng Tử đang khiến mọi người tư tưởng ngậm ngùi không còn biết phải thốt bất cứ một lời gi trong hiện trạng năm châu. Bài thơ Quang Dũng hiện ra tại chỗ chênh vênh bát ngát và thê thảm nhất trong sử lịch con người. Nó chỉ đạm nhiên và thống thiết khơi rộng những khoảng trống vắng ra để cho mọi vấn đề được nhận định và tự tìm lời giải đáp.

Bàn luẩn quẩn mãi là vô lối. Chỉ nên thong dong đọc thơ như uống nước mía, như dõi theo cánh chuồn chuồ, như nằm ngủ gọi em Thúy Kiều em Thúy Vân em Đạm Tiên, em Hoạn Thư em Bạc Hạnh, em Sở Khanh, em Mã Giám Sinh, mọi mọi em em của em Tố Như Tử em Liệp Hộ em Thanh Hiên, em Hiền em Thánh, em Cành em Nhánh, em Trái Ớt, em Muối Tiêu, em Soài Riêng sa rụng, em Bương Cấn em Sài Sơn…

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngóng lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắc thổi đêm trăng.

Tuy nhiên riêng đối với học sinh đang tập đi thi để cuối năm cưới vợ thì chớ nên lẩn thẩn chiêm bao đọc thơ nhiều quá.


Huy Tưởng

Lại một tâm hồn thi sĩ thượng đẳng. Ông còn trẻ lắm chắc? Tập thơ ông còn vài vần vướng vướng cái gì. Nhưng nhiều bài thâm thiết khôn tả. Tôi kính yêu ông này như một hóa thân Thôi Hộ về hội diện ni cô hiện đại Việt Nam.

Tôi chưa dám bàn nhiều về ông. E sỗ sàng chăng? Chỉ xin ghi ra đây một bài thơ xuất thần nhập thánh đáo thiên tiên:

Nghe kinh

Ướt hai tà áo nâu rồi
Bên chùa mục giọng kinh hồi lệch sang
Giọng chuông rơi thấm cỏ vàng
Nghe kìa sư nữ vừa choàng áo tu
Tôi nằm ấp lá đêm thu
Mai sau nở trái sa mù pháp không.


Bùi Giáng

Những bài thơ “chuồn chuồn châu chấu” của ông quả thật là có ý nghĩa. Nó bay nhẹ vi vu quả có đúng như là phận mỏng cánh chuồn. Vào những buổi sáng mùa đông lạnh lạnh ở Trung Việt, vào những buổi chiều mùa thu ở Bắc Hà, hình bóng những con chuồn chuồn bay lượn cuối ngõ, đầu xuân, quả thật là tha thướt. Đôi phen mất cái tiết điệu riêng biệt ấy cũng còn tái hiện trong đôi vần phồn hoa, mặc dù ở chồn phồn hoa không bao giờ có chuồn chuồn bay vòng múa lượn.

Bài thơ “Giữa phố” sau đây là một thí dụ :

Thiên tiên đẹp cũng như người
Ngẫu nhiên kỳ ngộ miệng cười nửa môi
Miền xanh đứng bóng mặt trời
Cõi xanh cung nguyệt cạn lời cảo thơm

Đi qua làn gió xanh rờn
Đi về ở lại còn hơn xanh rì
Phút giây đè nặng như chì
Thoảng qua như mộng không kỳ hạn qua

Chiêm bao nàng ghé lại nhà
Môi cười nửa miệng như là ngẫu nhiên
Nửa môi còn ngậm phi tuyền
Tuyết pha in mặt thần tiên như người.

Tuy nhiên vì Bùi Giáng là chỗ quen biết với tôi nên không tiện bàn luận chi nhiều. Chê thì mất lòng nhau. Mà khen thì mang tiếng “mẹ hát, con vỗ tay”.

Dù sao, bài sau đây cũng nên trích thêm vào tập:

Bóng dương buồn ngủ qua chiều
Qua sông tại hạ toan liều dấn thân
Đường sông bóng đổ cơ trần
Gẫm chông gai ấy ai từng đạp qua
Ghì môi cơn mộng la đà
Tiêu dao suốt cõi mù sa bên rừng
Nửa vời trăng rộng mông lung
Đường hoa nghi hoặc tháp tùng ni cô


Kiên Giang

“Lành mạnh, thanh cao, vị tha và ái quốc”. Ông Thiếu Sơn nói không sai một tấc một ly nào cả, khi giới thiệu thơ Kiên Giang.

Ông Kiên Giang tuyệt nhiên “không cầu kỳ, không giả tạo” mà đạt tới chỗ sâu thẳm nhất trong linh hồn mọi người, một cách thuần nhiên.

Bàn giải thơ ông là làm công việc thừa, vô ích. Chỉ xin chậm rãi chép ra đây nhan đề những bài thơ trong quyển Quê Hương Thơ Ấu của ông:

Hơi Mẹ
Thuở Lên Ba
Củ Co, Nét Đồ
Rau Với Chữ
Đánh Vần Câm
Chơi Nhà Chòi
Chim Bay Cò Bay
Thả Diều
Ngựa Trúc
Manh Lụa Mo Cau
Đồng Xu Giấy Chặm
Tà Áo Tím
Đồng Tiền Duyên
Con Chờ Đèn Chợ
Niềm Khuya
Giấc Ngủ Thiên Thần
Hương Tuổi Ngọc
Gối Khuya
Năm Lần Dứt Sữa
Tình Trắng
Tóc Thề Xứ Huế
Tiếng Võng Chìm
Bong Bóng Màu
Cô Hàng Bông Cỏ
Gánh Hát Cúng Đình
Kẻ Bụi Đời
Tuổi Thơ Heo Hắt
Đếm Sao Vô Hình
Tuổi Trăng Tròn
Sa Mạc Trắng
Học Sinh Và Tổ Quốc
Những Trang Sách Cũ
Gió Bấc Hiu Hiu
Niềm Riêng

Quê Hương Thơ Ấu của Kiên Giang sẽ nằm trong nước Việt như Kinh Thi nằm trong nước Tàu. Một quê hương bình dị thiết tha, và hình như chúng ta đang đánh mất. Chỉ kêu gọi về trong những trận chiêm bao.


Nguyễn Du và Hegel

Hegel - Ngài làm thơ rất khá, tuy nhiên ta cũng lấy làm tiếc cho ngài.

Nguyễn Du
- Tiếc gì thế Hegel?

Hegel
- Tiếc rằng ngài vay mượn truyện Tàu, và ngôn ngữ Tàu. Té ra ngài chả có tinh thần sáng tạo.

Nguyễn Du
– Các hạ còn điều gì chỉ giáo thêm cho chăng?

Hegel
– Có chứ. Ta khuyên ngài nên gắng thử dựng nên một triết thuyết mới mẻ cho dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Du
– Còn gì nữa chăng?

Hegel
– Còn chứ. Ta khuyên ngài hãy gắng tìm hiểu triết thuyết của ta, thì mới mong mai sau tiến bộ nhanh chóng.


Tản Đà

Nếu tiên sinh còn sống, ắt tại hạ xin được phép cùng tiên sinh nhậu nhẹt một trận lu bù. Thơ của tiên sinh làm, chẳng có chi xuất sắc. Nhưng bản dịch “Trường Hận Ca” của tiên sinh quả thật là vô tiền khoáng hậu.


Walt Whitman

Ngài là một bậc thánh chịu chơi. Thơ của Ngài tuôn trào cuồn cuộn như ngôn ngữ Hoa Nghiêm Kinh. Ngài nghĩ sao về nền văn minh ngày nay trong xứ sở của Ngài? Chắc Ngài chẳng lấy làm chi hài lòng cho lắm?


Emily Dickinson

Cô nương là một tiên nữ lạc lối ghé về trần gian. Cô nương làm thơ vừa như cho anh hoa phát tiết, lại vừa như ghìm ẩn mật tinh thể mình, không chịu để cho thiên hương bốc hơi ra ngoài…

Chỗ kín đáo đó của cô nương càng khiến cho kẻ phàm tục choáng váng tê mê mất ăn mất ngủ.


Dylan Thomas

Nhà thơ phiêu bồng ríu rít nhất của Tây Phương. Thơ dại nhất và u sầu nhất. Đọc thơ ngài, kẻ phiêu bồng đành phải bó tay, không còn tìm đâu ra một cõi phiêu bồng khác để bước.


Tạ Ký

Bây giờ tôi muốn nói đến một người bạn. Thì tôi có cảm tưởng rằng những điều tôi nói quanh quẩn mấy năm nay về thơ, đều có thể đem trao cho người bạn ấy. Thơ Tạ Ký đủ mọi màu sắc. Cay đắng, não nùng, thơ ngây, thắm thiết. Lời thơ lúc thật cũ, lúc thật mới, lúc như làn kiếm vụt ngang, lúc mơ hồ lãng đãng. Anh sống ở mọi giai tầng xã hội, xuống lên, lên xuống, ngõ quạnh, đường cong, phồn hoa, thôn ổ, nơi nào cũng thấy phảng phất hình bóng anh. Vậy tôi còn biết nói sao.

Chỉ xin chép ra đây một ít tuyệt phẩm vậy. Kẻ tình nhân sẽ đọc, cũng như người nhớ quê sẽ nhìn. Con nhớ mẹ, anh nhớ em, học sinh du học viết thư về ngỏ ý với gia đình… ruộng đồng ngỏ ý với đô thị… sa mạc trao ân tình về cho biển, cho non… Thượng Đế ở trời xanh cũng ngậm ngùi đưa mắt xuống, đăm chiêu nhìn những đường ngang, lối dọc, ngõ hẻm trần gian, những mùi hương, những meo mốc.

(Rủi sao, tập thơ của anh, tôi bỏ lạc đâu mất, tìm không ra để chép vào đây).

Viết thêm:

Sau nhiều đêm biến động, đọc lại thơ Tạ Ký, càng nhận rõ những âm thanh nồng hậu của riêng anh. Những nỗi vui nhẹ nhất, cũng như những nỗi buồn sâu xa nhất trong tâm tình con người thời đại này, đã được anh nói lên một cách chân thành thâm thiết.

Giữa một thành phố ngổn ngang, khí hậu tàn nhẫn nấu nung bức vách, thỉnh thoảng gặp nhau vài giờ, trao đổi vài mẩu chuyện vu vơ, rồi mỗi người quay đi mỗi ngả, nghe cuộc sống của mình dần dà xế bóng…

Nhưng lớp người sau chúng ta sẽ về, họ sẽ còn đau khổ hơn chúng ta – làm sao nghi ngờ điều đó - họ sẽ đọc thơ anh Tạ Ký như thế nào?


Thùy Dương Tử

Ông Thùy Dương Tử là một nhân vật tài tử riêng biệt ngậm ngùi. Ông vốn người Quảng Nam nhưng lại chẳng hề có cái chất bướng bỉnh của người Quảng Nam. Ông chỉ thừa thu riêng cái chất thuần phác của xứ Quảng yêu dấu mà thôi.

Thùy Dương Tử hiền hòa, bình đạm, thơ ngây, tha thiết âm thầm. Chẳng bao giờ lên tiếng nói thị phi gì hết cả.

Xin chép ra vài bài:

Về đây giấc ngủ thiên thu
Quên đi bóng dáng sương mù tuyết cao
Âm thanh chẻ tuổi hôm nào
Giờ gay gắt gọi chiêm bao chưa về
Giật mình nóng lạnh giường se
Bàn tay nhiều chỉ mình nghe tự mình

Tôi thiết tưởng một thanh niên hai mươi lăm tuổi viết một vần thơ thăm thẳm đến như thế ắt phải khiến phụ nữ kinh hoàng không dám bén mảng tới thăm.

Và ắt có kẻ vừa quá yêu thương vừa quá kinh hãi, không biết làm sao, đành mượn liều độc dược quyên sinh và để lại trên bàn ở cạnh đầu giường một vần thơ tuyệt bút:

Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan

Hoặc:

Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.

Hoặc cũng có thể là:

Dạ đài cách mặt khuất lời
Rảy xin chén nước cho người thác oan

Hoặc hơn nữa:

Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân

Sau đây là một bài nữa của Thùy Dương Tử:

Tôi nay nằm ngửa nghe mưa
Âm than vút ngược lại vừa buồn thiu
Làm thơ trong bóng mù khơi
Khắt khe càng lắm yêu đời càng thâm
Cô đơn ấp ủ bên lòng
Mưa rơi buồn chết gọi âm thanh về
Yêu đời nên mãi điên mê
Se đau từng phút kéo về trăm năm
Buồn hiu hắt nên nỗi buồn thiu
Giải sao hết được những điều thực hư.

Chúng ta tự hỏi: làm sao một thanh niên trẻ dại có thể viết nên những câu thơ tồn lập tại Khoảng Vắng Lặng mà suốt Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đã mở ra và bỏ lửng tại đó?

Tuổi xanh già trước tháng ngày
Mắt xanh già trước niềm đau hiện về

Anh viết câu thơ như thế cho ai nghe? Mọi nhân vật thượng đặng của Nguyễn Du sẽ nghĩ sao? Giác Duyên nghĩ sao? Tam Hợp Đạo Cô nghĩ sao? Từ Hải nghĩ sao? Kim Trọng nghĩ sao? Thúy Vân nghĩ sao? Không ai dám nghĩ sao hết cả. Mọi người nhắm mắt lắc đầu. Rồi tiếp tục nâng chén rượu bùi ngùi uống cạn một hơi, khẽ mời ông Lý Bạch đọc tiếp:

Đi về thăm viếng thị thành
Bàn tay năm cũ mọc nhành xương khô
Đi về còn vọng sông hồ
Bài ca tình ái phương mô tìm nàng
Đi về vườn cũ tan hoang
Thương trăng thiếu phụ úa tàn đời xuân

Anh âm thầm cảm thương quê hương vườn cũ, anh âm thầm thương cảm một vong hồn đau đớn thiết tha Quách Thoại. Mọi người chết giữa xuân xanh hãy ngậm cười chín suối. Tôi chép bài thơ Thùy Dương Tử ra đây để cho những oan hồn kia đọc:

Kinh kỳ bụi hút xe đi
Thành đô nóng nực da chì nám da
Chốn này về có mình ta
Trẻ thơ òa khóc người già gậy khua
Âm thanh phá vỡ tuổi mùa
Ngày đi xuân lụn âm thừa vọng lâu
Bờ khuya đổ bến giang đầu
Người con gái khóc vó câu biệt mù
Trăng về ngự đỉnh non thu
Nửa dòng sông bạc sa mù tiết đông.

Những vần thơ như thế, ai dám đặt bút phê bình giảng giải? Những bài viết ra đâu có phải là làm văn nghệ chuyên môn? Phải là táng tận lương tâm mới có thể cầm cây bút học giả chen vào phân tích.

Lên cao nhìn tuổi núi sông
Lại về đồng cỏ tắm giòng hạ lưu
Tìm em mưa bão tháng mười
Cuối đông bồng biển sang thu lên đồi
Từ em hồng phận hoa khôi
Rớt rơi kỷ niệm mà tôi biệt từ

Không một lời dư. Không một tiếng thiếu. Tưởng chừng đó là mấy lời tuyệt bút của Hồng Sơn Liệp Hộ, một đêm nào nằm ngửa mặt ngó trời trăng tịch mịch và nguyện cầu dâu biển hãy buông tha…

Chiêm bao ngựa trắng phi về
Mây che thân thể em về hư không
Nửa đêm thức giấc phiêu bồng
Tóc bay mùa cũ chẻ lòng nhớ thương

Dâu biển ôi! Phong tình cổ lục ôi! Sự tình như thế nào như thế. Còn đâu nữa một vần tái tạo, một khúc tái tân thanh. Chỉ còn tịch mịch hư không.

…Đêm
Con dế kêu
Buồn đêm vắng
Buồn đêm mưa…

Nhưng làm sao dừng lại. Dư vang con dế gọi vẫn kéo dài suốt kiếp chúng ta. Kéo dài suốt giang san nước Việt.

Mịt mờ xe đỗ đèo cao
Nẻo xa xứ Quảng lối vào Quy Nhơn
Phố khuya mưa lệch sông hờn
Ểch ương kêu với đồng trơn quê nghèo
Một mình thui thủi lần theo
Rạ tranh nhà vắng buồn teo lúc về
Lạnh lùng Đà nẵng mưa gieo
Về thăm quê nội chừ nghèo xác xơ

Bước chân lữ thứ khôn hàn bỏ lại cho mai sau những âm thanh gì như thế:

Dép mo cau áo vải còn thương
Mùa cau trổ với mía đường tản cư
Thu Bồn Bến Cát thừa dư
Chín năm kháng chiến mình như già rồi

Anh hỏi mình quê ở đâu
Mình quê ở dưới bầu trời bao la
Tháng năm với tuổi không nhà
Chợt nghe dĩ vãng lòng ta cũng buồn

Vườn xưa hoa lá ngập đầy
Vết tay chín móng đã dày rêu in
Ta về gió lạc cung tin
Cho năm tháng lớn đi tìm đau thương

Viết chưa xong bài, đã phải bồi hồi dừng lại: cho năm tháng lớn đi tìm đau thương… Không tìm, đau thương vẫn cứ đến. Nó đến tràn lan, thy sỹ lại còn đòi đi tìm thêm nữa.

Thời gian chẻ tuổi nhớ mong
Tóc bay chẻ gió giục lòng đảo điên
Em về giấc ngủ linh thiêng
Vành môi khép mở xa miền nhân gian

Bỗng lời thơ đổi giọng. Vẫn là lục bát. Nhưng mang mang quá khứ Đường Thi:

Ngủ yên giấc ngủ bình yên
Cho ta hôn nhé lên triền môi em
Rạc rời tàu hú trong đêm
Lưng đèo khói bụi chào em ga này

Riêng bốn câu với tiếng chào không thanh âm vọng lại, ắt phải làm thiên tài Lửa Thiêng chết lặng linh hồn.

Lên non vứt bỏ sự đời
Hút âm thanh lại ngồi chơi một mình
Lấy mây làm sợi tơ hồng
Mây bay trăm nẻo như lòng đứt tim

Bây giờ không chỉ riêng một thiên tài nào linh hồn chết lặng. Mọi mọi người người kẻ kẻ theo gót mọi thiên tài, đều cùng mọi thiên tài hiền thánh cùng nhau đứt tim rã máu. Ta lại nhớ tới lời Mộng Liên Đường Chủ Nhân:

“Tố Như Tử có tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời…”

Những người công kích thơ một cách bừa bãi lung tung, chẳng qua chỉ là lâm phải tình trạng “có đăng đường, nhưng chưa nhập thất”.

Trái lại, bọn thy sỹ chân chính là những kẻ bẩm sinh là “nhập thất” và có lẽ chả bao giờ bận tâm với chuyện “đăng đường”.

Nguồn: Ca Dao xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn năm 1969. An Tiêm tái bản lần thứ nhất tại Paris năm 1998. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.