© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
16.5.2006
Bùi Giáng
Thi ca tư tưởng
 1   2   3   4   5   6 
 
Người Tàu dịch Tây

Có một số ngôn ngữ tôi dùng trong mấy cuốn sách dịch bị độc giả nhận lầm là ngôn ngữ lập dị. Chẳng hạn như: nhị bội, song trùng, tồn lưu, lưu tồn, khiêu dược, phản chạng, tẩu xuất lai, tòng đầu bột khởi, đột nham, sầm lãnh, kiền tình, kiệt tận miên bạc, phục quy, đàn hồi, vô sở thố trí v.v…

Đọc giả tìm trong Tự Điển Hán Việt Đào Duy Anh, có lẽ tìm không thấy. Nhưng trong các Từ Điển Anh Hoa hoặc Đức Hoa lại có đầy đủ.

Tiện đây xin trích dẫn vài thí dụ rút từ cuốn Deutsches Chinesisches Standard-Handwörterbuch.

Zweimal: nhị bội, nhị thứ
Zweifach: nhị bội đích, song trùng đích.
Zweiachsig: song trục đích, lưỡng trục đích
Zweiblumig, Zweiblütig: song hoa đích
Zweideutig: mô lăng lưỡng khả đích
Zweidoppelt: trùng phục đích; song sinh đích
Zweieckig: song giác đích
Zweifächerig: song tế bào đích
Zweiflüglig: song xí đích; hữu song xí hình đích.
Zweifrüchtig: song quả đích
Zweigesang: nhị bội hợp xướng (hoặc hợp tấu) chi ca khúc
Zweigestaltig: (đồng chất) nhị hình đích
Zweihenkelig: song bỉnh đích
Zweihöckerig: song phong đích
Zweiseitig: lưỡng diện đích, tương hỗ đích
Zweisilbig: song âm tiết đích
Zweistimmig: song âm đích

Wieder: tái, phục, trùng tân
Wiederanfang: tái hành khai thỉ (thủy), canh thủy, canh tân
Wiederholung: thu hồi, thu hoàn, trùng phúc, phục tập
Wiederanknüpfen: trùng hành kết hợp, trùng hành liên lạc
Wiederanmachen: tái hành hệ phược
Wiederanregen: tái hành kích thích, trùng đề
Wiederanschaffen: trùng hành trù biện
Wiederauffinden: trùng hoạch, thất nhi phục đắc
Wiederaufforsten: trùng thực sâm lâm
Wiederaufgehen: tái khai, trùng khải
Wiederaufnehmen: tái hành thụ lý, tái hành biện lý
widerbekehren: tái hành chuyển hoán, trùng hành cải tông
wiederberufen: trùng hành chiêu tập
Wiederbesinnen: tái phản tỉnh, tái hồi tưởng, tái khảo lự
Wiederbringen: quy hoàn, đái hoàn, huề hoàn
Wiedereinbringen: trùng hành bổ nhập
Wiedererinnern: trùng ức, hồi ức, truy tưởng
Wiedererzählen: trùng thuật, phục thuật, chuyển thuật
Wiedereröffnen: tái khai, trùng khai hành mạc
Wiedererreichen: tái hành để đạt, tái cập đáo
Wiedererscheinen: trùng kiến, tái xuất hiện
Wiedererzeugen: trùng tân sinh sản, tái tạo
Wiedergewinnen: trùng đắc, trùng hoặch, hoàn nguyên, hồi phục
Wiederhervorbringen: sử tái sinh sản, sử tái xuất hiện
Wiederhinaufsteigen: trùng hành thượng thăng, tái đăng
Wiederhinengehen: trùng hành nhập nội
Wiederkommen: quy lai, tái lai
Wiedersagen: trùng thuyết, trùng thuật
Wiedersammeln: tái tập họp
Wiederrsuchen: tái tầm mịch
Wiedervereinigen: tái liên họp, tái đoàn kết, tái hòa hảo
Wiederwählen: tái chuyển
Wiederzulassen: trùng hứa gia nhập, tái hứa nhập nội

Heraus: hướng ngoại lai, xuất lai
Herausarbeiten: chế tạo xuất lai
Herausbekommen: miễn lực thủ xuất lai
Herausbringen: huề đái xuất lai
Herausfinden: tầm xuất lai, phát hiện xuất lai
Herausfühlen: cảm giác xuất lai
Herausgreifen: bạt xuất lai
Herausgucken: hướng ngoại khuy vọng xuất lai
Heraushängen: huyền xuất lai, quải xuất lai
Herausheben: cử xuất lai, đề xuất lai
Herauslassen: dung hứa xuất lai, thích phóng xuất lai
Herauslegen: trí ư ngoại biên lai
Herauslocken: dẫn dụ xuất lai
Herausmüssen: tất tu xuất lai
Herausplatzen: bạo liệt xuất lai
Herauspoltern: hoang trương nhi xuất lai Heraussagen: thân thuyết xuất lai, minh ngôn
Heraussollen: lý ưng xuất lai
Herausstürzen: phao trịch xuất lai
Heraustreiben: khu trục xuất lai
Herauswollen: nguyện ý xuất lai


Hoài Thanh

Ngôn ngữ thơ Việt Nam thành tựu bởi Nguyễn Du. Văn xuôi Việt Nam đạt tới cõi thâm viễn với Hoài Thanh. Hoài Thanh bình Kiều, Hoài Thanh viết Thi Nhân Việt Nam, có những lời bất hủ. Thiên tài Hoài Thanh đủ tư cách dựng sừng sững những thiên tài đứng lên chót vót. Và ông mở ra không biết bao nhiêu con đường cho những thi sỹ và phê bình gia đi sau. Dù thỉnh thoảng cũng phải bài bác ông trong phép “cưỡng bức chịu chơi”, nhưng phải nhìn nhận rằng nếu không có Hoài Thanh, thì có lẽ ngày này chúng ta chẳng có thể viết nên một cái gì ra cái gì gì cả?

Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Trần Đình Đàn… là ba ông thầy cũ của tôi. Ba ông thuộc nòi giáo sư xuất chúng. Rủi thay ngày học với ba ông, tôi đã thuộc Huy Cận, Nguyễn Du, Nerval, nên bài vở nhà trường của các ông chẳng đem lại chút gì đáng kể cho tôi. Nhưng cái phong thái trang nhã thâm viễn của các ông, vô hình trung, lại giúp đỡ tôi rất nhiều. Và vì thế sách vở của các ông, về sau tôi chịu khó đọc chậm rãi.

Bây giờ các bạn thử tưởng tượng. Nếu không có sách Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim… thì ngày này có quả rằng chúng ta giống như những con gà con mất mẹ.

Riêng nói về Hoài Thanh, cái tâm hồn thi nhạc nơi ông còn cao xa hơn hầu hết mọi thy sỹ tôi đã gặp.

Tiện đây tôi xin tặng ông Hoài Thanh một bài thơ.

Cỗi nguồn quá vắng lặng sao
Câu kinh trầm thống phương nào dậy tuôn
Mộng thừa nhị bội bắt buông
Lừng vang tử trúc điệu buồn như mai


Đào Duy Anh

Trong buổi học, Đào Duy Anh trầm giọng buồn buồn bảo học sinh:

"Các anh nên nhớ rằng dù tôi có gắng giảng giải cách gì đi nữa, vẫn không thể nào khiến các anh ngờ ra hết những gì huyền diệu trong tác phẩm Nguyễn Du. Ngày sau nếu các anh có thể đi quanh một vòng thi ca thế giới, các anh đón nhận tinh hoa những nguồn thơ lạ thế gian, rồi các anh quay về với Nguyễn Du lúc đầu đã bạc, ngày đó họa chăng các anh mới rõ thiên tài Nguyễn Du cao độ nào."

Hỏi ông về cuốn sách của Nguyễn Bách Khoa (Nguyễn Du và Truyện Kiều) ông lơ lửng đáp:

“Nguyễn Bách Khoa có tài, nhưng anh ta mới bước chân vào một vài học thuyết Tây Phương, anh ta say mê quá, tưởng đó là cái gì tân kỳ lắm lắm. Tuổi trẻ có những cái lầm đồ sộ”.

Tiện đây tôi xin tặng Đào Duy Anh một bài thơ:

Tiều phu đắn gỗ khô trên núi
Em bán than gánh củi một vài
Sau lưng ngày tháng chạy dài
Trận nhìn tiền diện an bài nắm xương
Tung bốn vó dặm trường ngựa ruổi
Mừng sát na theo đuổi máu xuân
Xương thu tủy hạ luống từng
Phổi tim quỹ đạo quây quần sang đông


Khổng Tử

Chất thơ tiềm ẩn trong ngôn ngữ Đức Khổng quả thực phi phàm. Nhưng muốn nhận ra phải có đủ đầy trăm năm đạo hạnh. Tại hạ chỉ mới có một phần tư rưỡi tuế nguyệt thôi. Nên chẳng thể dám nhận ra.

Có lẽ một vị bồ tát, một vị linh mục [1] ngày sau sẽ tìm ra cái mạch nguồn âm thầm giao tiếp Dịch KinhEvangile, Luận NgữEvangile, Luận NgữKim Cương Kinh, Dịch KinhHolzwege vân vân.


Ông Lý Bạch

Nhứt chi nùng diễm lộ ngưng hương
Vân vũ vu sơn uổng đoạn trường

Riêng hai câu ấy thôi của ông cũng đủ khiến tại hạ đem Truyện Kiều đề tặng ông chơi một trận.

Người Trung Hoa đã điên rồ thêu dệt những giai thoại ngơ ngẩn tưởng làm vinh dự cho ông, nhưng thực ra đã bôi nhọ ông một cách cổ kim chưa từng có. Tại hạ đã nhiều phen muốn nêu sự vụ kia ra, những vừa nghĩ tới đã cảm thấy buôn nôn gớm guốc khôn tả.

Dưới chín suối, ông hãy yên lòng. Bọn thy sỹ ngàn năm sau mãi mãi tự nhiên biết rằng những sự tình kia không hề có thật. Không thể nào thy sỹ như ông lại bắt kẻ khác cởi giày giép cho mình. Còn bài “Phượng Hoàng Đài” ông làm ra không phải vì ganh tài Thôi Hiệu, mà vì tương ứng với Thôi Hiệu.


Rỡn

Khổng Tử rỡn dịu dàng bao dong, Shakespeare rỡn toe toét thiên hình vạn trạng, Homère rỡn bát ngát phiêu bồng. Kim Cương Kinh rỡn ôn tồn thân ái, Nguyễn Du rỡn ngậm ngùi, Camus rỡn thống thiết, Malraux rỡn ráo riết chịu chơi. Xuân Diệu rỡn tào lao, Nerval Huy Cận dường như không thể rỡn, Hồ Xuân Hương rỡm tùm lum, Bà Huyện Thanh Quan không biết rỡn, Nguyễn Thị Hoàng rỡn xót xa, Trang Tử rỡn độc đáo gay cấn, Trần Thy Nhã Ca rỡn như thiên nữ lưu đày, Saint-Exupéry có định rỡn chút ít, nhưng bỗng nhiên dừng lại tê buốt, Gide rỡn ỡm ờ cò ke tỷ mỷ, Sade rỡn điên cuồng. Nietzsche rỡn chết gục, Nguyễn Thị Hoàng rỡn tan hoang, Hồ Xuân Hương rỡn đo rồi đếm, đếm lại đeo, đeo xong thì đắp xéo, Như Lai rỡn từ bi, Jésus Christ rỡn bác ái, Sophocle rỡn trang nhã thâm trầm kỳ tuyệt, Euripide rỡn ẩn ẩn hiện hiện, Ngoạ Long Sinh rỡn u nùng, Kim Dung rỡn bất tuyệt, Hồ Dzếnh rỡn nên thơ chân thiết, Tú Mỡ rỡn như đười ươi, Shakespeare rỡn như phượng hoàng, Nietzsche rỡn tan hoang xương máu, Gide rỡn lúc giật lúc buông lúc chùng lúc thẳng, Tô Man Thu rỡn não nùng, đốt cháy máu tim. Whitman rỡn như thánh hiền thi đua lội bơi với con nít, Apollinaire rỡn như thiên thần yêu dấu gái trần gian, Emily Dickinson rỡn kín đáo thơm tho, Faulkner rỡn cho vừa lòng ma quỷ, Goethe rỡn trung hòa đôn hậu, Heidegger rỡn với phong thái thần thánh đóng vai trịnh trọng giáo sư, Whitman rỡn cho thánh hiền chịu thua con trẻ, Gide rỡn cà gật uyên bác chịu chơi, Apollinare rỡn như dòng suối xuân ghẹo khe mùa thu sầu mộng, Tản Đà rỡn trong từng trận tẩu hỏa nhập ma, Mỹ Nga rỡn thi đua lên thăm chị Nguyệt, Việt Nam ngày xưa biết rỡn, ngày nay hết cơ hội để cùng tứ hải rỡn rồi rồi, Trung Hoa rỡn bất khả tư nghị, ông Kút Xếp rỡn chỉ được một thời gian ngắn, cô Phùng Khánh không thích thiên hạ đùa dai. Vì sao như thế? Vì đùa dai thì cái rỡn ắt biến thành cái rỡmmm…


Hồ Dzếnh

Giếng vàng ánh ngọc nghìn xưa
Giở trang sách cũ hương thừa còn bay
Mà sao người đó ta đây
Tình duyên phảng phất như ngày đã xa
Người về ta mới nhớ ra
Yêu là thế đấy, mơ là thế thôi
(“Phong Châu” – Quê Ngoại)

Lửa thơ bừng cháy giữa đời
Tình thơ thắm thiết cho người bán mua
Ý thiêng người thiếu ta thừa
Nghìn kho ân lộc trăm mùa mạnh Xuân
Khinh nẻo hẹp, ghét nơi gần
Mắt xa thẳm hỏi muôn lần dặm băng
Dẫu tàn trên đỉnh kiêu căng
Còn hơn muôn thuở cao bằng ngọn cây
Thơ về nắng sáng lừng lay
Gấp đi cánh phượng cho ngày rạng ra
Cõi trần vẳng tiếng thiên nga
Thơ không tuổi ý không già muôn năm
Gối lên bắc đẩu ta nằm
Nghe rung chân lạ thơ thần mười phương
Non cao nên dáng non buồn
Tuyết sương thắm mãi linh hồn quạnh hiu
Non tuy run rét bao chiều
Vẫn đem cao cả tiêu điều gửi mây
(Hoa Xuân Đất Việt)


Phạm Thị Lan

Phạm Thị Lan là em ruột Phạm Quang Bình. Mười lăm tuổi. Làm thơ tuy không vững bằng Phạm Quang Bình, nhưng quả thật cùng nòi thiên tài nhỏ tuổi. Xin chép ra đây hai bài tiêu biểu.

Chị Hai

Chị hai xuống chợ tồi tàn
Ướt hai tấm áo một hàng nước mưa
Buổi đi sớm, buổi về trưa
Ướt một tấm áo còn chưa vừa lòng

Ở trên tôi tạm nói là “không vững bằng”. Thật ra sao gọi là vững? Sao gọi là không? Chất thơ thiên tài tuổi nhỏ phải là như thế mới được.

Cô Bạn

Cô bạn học không thuộc bài
Nghe mưa nghe nắng thở dài ngoài kia
Đầu hôm cho đến giữa khuya
Học bài không thuộc vở bìa giấy khô
Sợ thầy hay là sợ cô
Sáng nay không dám bước vô nhà trường

Đáng lẽ ra, đối với một học sinh còn nhỏ, ta chẳng nên nói với nó rằng nó là thiên tài. Nhưng trường hợp Phạm Thị Lan, thì lại khác. Bảo nó là thiên tài thì nó cười rộ đáp: “Thiên tài hay không, không cần thiết. Cháu chỉ xin bác mua cho cháu một quyển văn phạm thế là đủ”.


Albert Camus

Ông nêu vấn đề “cõi phi lý” cốt để nói cái gì khác? Nghĩa là nếu bây giờ ta thật sự muốn mở cuộc đối thoại chân chính với tư tưởng Camus, thì điều trước tiên là phải khai triển phần vô ngôn trong tư tưởng của ông. (Xem mấy quyển Tư Tưởng Hiện Đại).

“Thoại trung hữu thoại”, lời nói đơn giản đó của người Tàu xưa, dường như tới ngày này vẫn chẳng học giả nào lưu tâm tới.

Với Camus, với Heidegger vân vân, suốt mấy mươi năm, nói quanh quẩn vẫn không rồi. Heidegger nêu vấn đề Être và étant, vấn đề pensée méditante và pensée calculante, vân vân, ấy là ông muốn nhân đó mà đặt ra vấn đề khác. Nếu chỉ phải phân biệt đơn giản có thế thôi, thì hà tất phải lắm lời – cái “huyền ngoại chi âm” – thì dù tẩu hỏa nhập ma có tự nhận mình rõ biết cái điều Heidegger nói, ta vẫn ù lì nằm vĩnh viễn trong cõi pensée calculante.

Cái pensée calculante đó đã khiến người ta cứ tiếp tục ngộ giải Camus, Gide, là những nhà tư tưởng tương đối không có quá u uẩn trong phép lập ngôn. Và cho dẫu người ta không ngộ giải một cách quá hồ đồ, dẫu cho người ta thể hội được cái điều Camus Gide muốn nói, người ta cũng chỉ mới thấy cái “đương nhiên” mà chưa nhận ra cái “sở dĩ nhiên” - chỉ tri kỳ đương nhiên, nhi bất tri kỳ sở dĩ nhiên.

Chung quy vẫn cái pensée calculente cứ ám mãi, ngay trong lúc người ta tuyên bố chống lại nó.

Bấy giờ nếu chúng ta chịu sực bàng hoàn, chợt hồi tỉnh một chút, thì câu hỏi lù lù hiện ra trong đầu óc máu me, ấy là: - Sao gọi là mệnh đề phụ?

(Trong mấy tập một vài nhận xét về Truyện Kiều, một vài nhận xét về Lục Vân Tiên – Tân Việt xuất bản 1957 – có vài mệnh đề phụ đồ sộ, mà cho tới ngày nay vẫn chẳng có một ai lưu ý tới).

Bây giờ nếu thử một phen triệt để dứt khoát với mọi thứ luận lý chi ly của triết học Âu Châu, (chúng cứ ám lấy chúng ta tại chỗ vô hình trung, ngay khi ta nguyền rủa chúng), thật sự thử đọc Camus và những thi sỹ thiên tài Tây Phương hiện đại với những con mắt của những nhà tư tưởng và thi nhân Đông Phương (trong đó có Nguyễn Du), thì mọi nhận định của ta sẽ đổi khác từ ngọn ngành tới cội rễ. Và chúng ta sẽ càng hiểu được nguyên do cuộc lập ngôn tam bành của những ông Nietzsche, và trận cưỡng bức nghiêm mật của những ông Heidegger.

Người ta không bao giờ thật sự chiêm niệm, nên những điều đơn giản hiển nhiên, đối với người ta cứ như trở thành hồ đồ, không chính xác. Người ta thường chỉ trích tôi tư tưởng võ đoán, không mạch lạc, hoặc sai lệch điểm này, khuyết điểm nhầm lẫn chỗ kia. Không bao giờ người ta giật mình sực tỉnh trong thâm để linh hồn, để thể hội rằng: lúc bo bo công kích theo lối “đam đam khuy tứ” đó, thì chính người ta đã đang chịu làm miếng mồi mềm mại cho cái tinh thần máy móc hỗn độn của chính cái tinh thần duy lý thô thiển mà người ta đang công kích. Cái tư tưởng “calculante” nó luôn luôn còn cò kè xúi giục tủy não người tẩu hỏa nhập ma, bằng một đường lối luẩn quất kỳ dị. Nó cũng có cái tính chất “nhị bội” riêng biệt của nó.

Hầu hết những điều Heidegger, Nietzsche, Gide, Camus… đã nói, là nói với Âu Châu Triết học, nơi giữa mảnh đất đai Siêu Hình Học. Thì dù nói cao, dù nói thấp, là chỉ cao thấp đối với Siêu Hình Học Âu Châu, vạch một đường cày trong mảnh đất Âu Châu. Không thể đem ra công kích hoặc tán dương theo lối tư tưởng một chiều, bỏ lạc cái lẽ “sở dĩ nhiên” trong phép lập ngôn của họ. Càng không thể đem ra ca ngợi nhằm chủ đích gián tiếp tàn phá ngôn ngữ bọn tài tử Đông phương.

Cho đến ngày nay người ta vẫn bảo rằng Nguyễn Du ký thác tâm sự “di thần triều Lê” trong tác phẩm của ông – thì như thế tư tưởng còn bước đi bước đứng như thế nào? Rồi những điều Nguyễn Du nói với ma, thì quỷ lại tưởng là nói với quỷ, lại tưởng là nói với thánh thần. Những ngộ giải chạy tràn lan. Quỷ không hài lòng về Nguyễn Du, thần thánh bực bội vì Nguyễn Du, thánh thần lại hoan hỷ vì Nguyễn Du!!! Thật không còn biết làm sao dò cho ra manh mối. Minotaure tha hồ chạy đú đỡn trong mê cung “hỗn thủy” đó để triệt để “mô ngư, tróc giãi”, từ trong Khung Cửa Hẹp tới mọi lối quanh quẩn của l’Étranger. Trong khi đó, Rilke bó tay, cặm cụi dịch thơ Valéry, dịch văn Gide. Chỉ một mình Rilke biết Gide muốn nói gì trong Khung Cửa Hẹp. Thì Minotaure lại vồ lấy Rilke để nuốt chửng La Porte Étroite.

Thế thì sao gọi là L’Immoraliste? Gide viết tiếp La Symphonie Pastorale. Camus viết tiếp La Peste.

Chạy đuổi theo Gide, Camus, Minotaure quay về o bế Walt Whitman. Lợi dụng Lá Cỏ để tàn phá Lá Cồn. Học đòi vài thể điệu Mưa Nguồn để xua đuổi Ngàn Thu Rớt Hột.

Vậy xin viết vài câu thơ lai rai.

Hoàng Hậu luống muộn màng Công Chúa
Nảy hoa xuân cành múa lộn vòng
Ba thu càng lắc càng đong
Càn đầy tâm sự cõi lòng càng vơi


Đỗ Long Vân

Cuốn sách của ông bàn về Kim Dung nằm trong vùng tư tưởng thâm viễn như cuốn Nho Giáo của Trần Trọng Kim. Chẳng những giúp người Việt Nam hiểu tư tưởng lớn của thiên tài Trung Hoa, mà còn khiến người Trung Hoa, người Đông Phương, Tây Phương nói chung ngày sau sực tỉnh. Tầm quan trọng của cuốn sách kia quả thật rộng rãi không cùng.

Tôi có thể đưa ra vài nhận định khác của ông ở đôi chi tiết. Nhưng không cần. Điều cốt yếu, ông đã nói xong, và những dư vang vô số sẽ tỏa khắp mọi chốn. Và sẽ còn khiến người ta thể hội cái mạch thẳm trong những tác phẩm của những thiên tài xưa nay, bất luận là Đông Phương hay Tây Phương.

Sách tôi bị cháy hết, nhưng tôi sẽ tìm riêng cuốn Trương Vô Kỵ Giữa Chúng Ta để đọc lại nhiều lần. Tiện đây tôi xin tặng ông một bài thơ lếu láo:

Chân hai gót bước đi sè sẹ
Bác tiều phu có lẽ nào quên
Lá rừng rậm rạp xuôi nên
Cây rừng cũng rậm ở trên rú rừng
Làm học giả nửa chừng biếng nhác
Vẳng đâu đây câu hát ngày xưa
Một hai ba bốn khôn người
Chép lời lá cỏ gọi bừa lá cây.


Lê Đình Thám

Ngày xưa ở Huế làm học sinh, tôi có tới chùa Từ Đàm nhìn và nghe ông Lê Đình Thám.

Về sau lại tình cờ nhìn thấy ông ngồi trên ghe ở một mặt hồ nước vùng núi Vĩnh Trinh. Ông tản cư qua làng tôi một độ. Trông ông như một đạo sỹ ngồi trên ghe tĩnh mịch như Nam Hải Điếu Đồ.

Tiện đây xin tặng ông một bài thơ:

Chân người ta gót người ta
Ma men sờ soạng cá hòa chan chim
Giây leo giậu đổ bìm bìm
Chim đêm gọi cá về tìm mưa sa
Giật mình đếm một hai ba
Trời xanh Thượng Đế Christ là Jésus


Trí Hải Ni Cô

Ngày ông Lê Đình Thám ở chùa Từ Đàm Thừa Thiên, chắc là Trí Hải Ni Cô chưa bao nhiêu tuổi.

Ngày nay trông ni cô còn đẹp hơn cả mấy người con gái của Ông Lê Đình Thám. Vậy tôi xin tặng ni cô một bài thơ:

Bạc mệnh diên trường dư nhất nhật
Tam sinh quyên đảo thất điên tam
Tiền đường hô hấp hội đàm
Trùng sinh tâm tự từ đàm tiểu lâm
Chân bước một tử phần riêng rẽ
Cánh tung đôi cô lẻ nhạn trời
Giỏ hoa người hốt nhiên rơi
Giậy lừng cung bậc ra đời điệu xoang


Ông Whitman ôi

Tại hạ làm thở nửa phần giống thơ ông, nửa phần giống thơ ông Dylan Thomas. Nhưng giống theo thể thái bê bối đười ươi chứ không có được cái phong độ thiên tiên cốt cách. Vậy bây giờ tôi cố gắng làm một bài thơ rất mực cốt cách thiên tiên để tặng ông chơi một trận. Tuy nhiên càng hì hục bắt chước thiên tiên càng lộ ra cái nết na đười ươi phong thói. Vậy tôi xin ngậm ngùi dừng bút, chẳng dám ký tên dưới tờ thư cay đắng.


Nietzsche Hölderlin Rilke

Rilke may mắn hơn Hölderlin Nietzsche, vì Rilke gặp những bạn bè thiên tài chân thành bắt tay ở Pháp. Trái lại Nietzsche Hölderlin. Hai ông này toàn gặp bạn bè phản phúc. Kẻ chân thành thì tư tưởng lại quá thấp, chẳng hiểu hai ông nói cái gì. Nietzsche rú lên một tiếng. Hölderlin lặng lẽ âm thầm đi vào cõi điên. Trong cõi điên, ắt ông chỉ gặp riêng oan hồn Nerval mà thôi. Chỉ riêng Nerval là kẻ đồng thanh khí, cùng chia với Hölderlin cái thảm kịch dị thường.


Shakespeare

Những hài kịch hý hước của ông đã đành là vui đáo để. Nhưng những bi kịch âm u nhất của ông cũng pha cái điệu cười ngầm bất tuyệt. Những nhân vật bê bối nhất cũng chịu chơi trong tấn tuồng quỷ loạn, và có cái vẻ khả ái riêng biệt.

Cũng vì lẽ đó nên đọc Shakespeare có cái chỗ nguy hại là: sách ông khiến cho người ta mất ngủ trong những trận cười suốt đêm.

Chỉ riêng một điều: ngôn ngữ Tây Phương không có phép nói lái. Do đó Shakespeare đã tiêu hao tài nghệ trong những trận cưỡng bức dữ dội. Ngôn ngữ không nói lái, mà những Tên Hề của ông, ông buộc chúng phải nói lái bằng bất cứ giá nào. Thì thử hỏi: làm sao thành tựu viên mãn cuộc nói lái cho được?

Thế mà Shakespeare vẫn cứ thành tựu được cuộc ấy như thường. Có lẽ ông đã tận dụng khả năng Anh ngữ trong cái kho văn chương bình dân bát ngát. Từ đó, những kịch bản của ông vượt hết mọi kịch bản Hy Lạp Eschyle Sophocle Euripide. Bởi vì trong kịch bản của ông có bao hàm mọi thứ dị thường của kịch bản Hy Lạp được đẩy tới tột cùng cuống rốn, mà còn thêm những màu sắc riêng biệt của thiên tài ông, không một thiên tài cổ kim nào bì kịp trong lãnh vực kịch trường.

Shakespeare có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời – đó là điều mà học giả Tây Phương không thể nào ngờ tới. Mọi sách biên khảo về Shakespeare đều bưng bít trong những nhận định tủn mủn, gò bó trong những nhận xét về tâm lý nhân vật, về nghệ thuật kịch bản - những định kiến bám sâu trong tủy não người học giả Âu châu trải mấy thế kỷ - trong khi anh hoa thiên tài là tái tạo, là tái lập mọi quy chế, là phá vỡ những lề luật vớ vẩn chỉ cần thiết cho bọn tài năng thông thường.

Những bản dịch Shakespeare ra Pháp ngữ đều chịu đầu hàng vô điều kiện trước phép nói lái của Shakespeare.



[1]Kim Định chả hạn
Nguồn: Bùi Giáng, Thi ca tÆ° tưởng (Sổ Ä‘oạn trường - Tức Đi vào cõi thÆ¡ cuốn II), Ca Dao xuất bản lần thứ nhất 12/69, Sài Gòn - Việt Nam. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.