Nguyễn Du
Bấy giờ ai lại biết ai
Dù lòng biển rộng sông dài thênh thênh
Câu thơ hàm hỗn bát ngát dị thường đó, mọi bản dịch đều dịch một chiều. Không ai ngờ gì cả về cõi lập ngôn tủng bạt ráo riết của Nguyễn Du niêm hoa vi tiếu.
Phương Tâm
Thơ bà Phương Tâm mang nhiều màu sắc hải ngoại.
Mặt biển
Mặt biển xanh
Con tàu trắng
Con chim biển
Ôi
Con
Chim
Biển
Người bạn
Người bạn chết rồi
Một hôm ra khơi
Xa xôi nhỏ bé
Nhỏ bé
Xa
Xôi
Mùa xuân đã rụng mất rồi
Con cá
Con cá hôm qua ấy
Gặp con cá hôm nay
Hôm qua ấy hôm nay
Hôm nay ấy chính hôm qua
Kể từ cuống ruột tới rà
Kéo lê lếch giữa mù sa biển vàng
Con cá hôm nào thế
Một hôm con cá đi về
Từ khơi biển mặn cát đè lên tim
Từ trùng dương rộng đi tìm
Hội kim châu rụng trong miền phù du
Thích Thiên Thư
Nguồn thơ vị sư này chảy về từ cõi uyên nguyên Phật Giáo tràn ngập vào lục bát Việt Nam, trở thành một dòng riêng biệt bát ngát.
Đọc thơ ông và nghe ông ngâm thơ, tưởng chừng như chết lặng mất linh hồn và trùng sinh trong cõi khác.
Lời thơ như gột rửa máu me thể phách và vương vấn tâm thần như khói chiên đàn tụ về ngưng bích phủ sương mây Lãm Thúy.
Lời thơ giục giã lên đường Thái Hư, lại như thôi thúc yêu đương hoàng hậu Ai Cập. Lại như xóa bỏ mất cung thành để ngồi nghe âm thanh sa mạc. Lại như… Lại như… Lại như… Lại như… Lại như... Lại như... Lại như... Tôi muốn viết luôn một ngàn tiếng lại như để cuối cùng có thể nào biến lại như ra làm như lại và mất dấu nặng để trở thành Như Lai?
Cỗ xe mặt trời
Cỗ xe phía mặt trời chiều
Một con ngựa xoải về theo mặt trời
Cờ trên ải núi chơi vơi
Đứng buồn muôn dặm xa khơi còn tìm
Xe về dưới núi nằm im
Chim kêu rời rạc trên miền đất xa
Nghĩ mình cũng thủa thăng hoa
Chân đi viễn tượng đường xa khói mù
Lá cờ đen vọng muôn thu
Nghìn tâm sự để cho dù biển xanh
Chiều lên thác bạc sương ghềnh
Dưới khe khói núi cũng dầu nhớ nhau
Đá rừng vai tượng thiên thâu
Về em thêm một lần câu tình hoài
Sớm mây phố chợ tên người
Cỗ xe gác ngựa nuôi lời lớn khôn
Mù sương trên vai
Trên cao phố lẻ mặt trời
Cây nghiêng hàng dựng rã rời chim bay
Nghe chừng gió cuộn đâu đây
Bãi xa tiếng quạ dâng đầy nước sông
Ta về người đi buồn không
Mùa thu hoa trắng cho lòng nhớ em
Con tàu than hú ga thâu
Cây cao loáng lẻ buồn trên hồ cầm
Anh còn bạo động thâm tâm
Sương trên Vai tượng buồn câm nín chiều
Gửi đóa hoa về người yêu
Nhớ em đau đớn cho nhiều tầm tay
Anh ngồi qua một đêm nay
Đêm trên hầm rượu với cây kèn đồng
Vào thu
Với dung nhan cỏ hoa này
Chim di cũng lại từ ngày sang thu
Áo ai mây trắng bên hồ
Nghe như gió cũng gieo mùa phiêu bay
Nghe rừng xao xác trăm cây
Chim nao tiếng rụng bên ngoài nội hoa
Từ em cồn giấy mai hoa
Thơ trăm chữ đọng ý sa giọt buồn
Từ em ngơ ngác mùa sương
Nghiêng nghiêng nắng đổ còn vương ít nhiều
Từ em ngọn bút mai kiều
Anh mang dáng vóc mây chiều trên vai
Từ em đôi búp tay dài
Mười con chim nhạn bay ngoài cồn trăng
Từ em cài nụ hoa vàng
Từ em suối tóc bên hàng giậu bay
Lạnh mùa chim đi
Xao xác chừ mấy hàng cây
Mà trăng tĩnh mặc bên ngoài hàng hoa
Chim đôi tiếng rụng trong mù
Nghiêng nghiêng cõi núi vi vu gió mùa
Về từ hàng ngọn cờ xưa
Mây du đãng nhớ tang Vua nội thành
Nao nao một giọng cầm tranh
Mười hai ải khói trên thành gỗ thơm
Tay em hạc nội mây cồn
Chừ nghe tóc rũ nao hồn gió thu
Cơn mưa đáp bụi bay vù
Còn anh thân lạnh với mùa chim di
Thích Trung Tử
Vị sư này có giọng thơ phóng dật như thơ Đỗ Mục. Người rất điềm tĩnh, ai ngờ đâu thơ lại nồng nàn đắm đuối hơn kẻ si tình.
Xác thân
Xác thân này một cung say
Độ vui này một tháng ngày mộng du
Trí không này một ngục tù
Tóc em này một rừng thu quên về
Chiều lên thú vật lạ lùng
Lửa chân trời đỗ vỡ tung miên trường
Ta cười cuồng ngất khói sương
Rồi nghe biển động con đường thụy du
Trầm ca
Trầm ca heo hút với rừng
Tiếng lên trăm giọng tắt vừng Thái Hư
Bay rồi sương khói mùa thu
Còn đâu ải bắc lạnh từ dòng chim
Mẫu Thân Phùng Khánh
Nhiều người hỏi tôi có quả thật Phùng Khánh đã có đẻ tôi ra đời chăng. Bà đẻ ra tôi lúc nào?
Sự thật là Phùng Khánh chẳng hề có đẻ ra tôi một phen nào cả. Tôi nay bốn mươi bốn tuổi đầu. Phùng Khánh chỉ mới hai mươi sáu tuổi. Làm sao một thiếu nữ hai mươi sáu tuổi lại có thể đẻ ra được một ông cụ luống tuổi bốn mươi bốn, bốn mươi lăm? Nếu muốn đẻ ra được tôi, thì ít ra Phùng Khánh cũng phải lớn hơn tôi một vài tuổi mới được. Chẳng thể nào kẻ nhỏ tuổi lại đẻ ra một người lớn tuổi. Như vậy là trái đạo trời. Đạo trời không cho phép một con người mang nặng đẻ đau lúc người ấy chưa ra đời. Trường hợp hy hữu cũng có vài kẻ đẻ đau mang nặng ngay từ thuở sơ sinh. Thì mẹ và con có thể bằng tuổi nhau được lắm. Tuyệt nhiên không thể nào xảy ra trường hợp con lớn hơn tuổi mẹ được
Thế thì bởi đâu Phùng Khánh lại là mẫu thân của tôi, mặc dù bà không đẻ ra tôi? Ấy là bởi vì cái đường tơ luận lý học như thế này: Phùng Khánh vốn là bà mẹ Việt Nam. Tôi lại là con dân Việt Nam. Vậy thì tất nhiên Phùng Khánh là mẹ của tôi vậy. Nếu tôi không nhận Phùng Khánh là mẹ, thì chẳng ra tôi là người Lào? Hoặc người Cao Miên? Hoặc con dân Âu Mỹ ư?
Huống nữa là: Phùng Khánh là bà mẹ loài người. Tôi là con người. Vậy Phùng Khánh là mẹ của tôi. Nếu tôi không phải là con của Phùng Khánh, thì chẳng ra tôi chẳng phải con người? Chẳng ra tôi là con vật?
Phân tích nghiêm mật luận lý học ra như thế, rành rành Phùng Khánh là mẹ của tôi.
Huống nữa là: trong cõi mộng mơ chiêm bao tại bình diện thi nhạc phiêu bồng, Phùng Khánh đích nhiên cũng lại là mẹ của tôi nốt. Tôi vốn là Trung Niên Thy Sỹ. Ai đâu có ngờ rằng những bài thơ bất tử tôi làm ra là do Phùng Khánh cả đấy? Mỗi phen tôi mơ màng nghĩ tới dung nhan diễm lệ Phùng Khánh thì giòng thơ bát ngát lại tuôn ra ào ào. Vậy thì hiển nhiên như nhiên thiên tài của tôi là do liên tồn Phùng Khánh đẻ ra vậy.
Tôi suy ngẫm suốt bao nhiêu năm trời, nhận ra sự tình cố kỳ nhiên đó, mới dám mạo muội mạnh bạo gọi Phùng Khánh bằng một tiếng Mẫu Thân. Há đâu dám bốc đồng mà gọi bướng!
Đặng Tấn Tới
Nguồn thơ ông rất đặc biệt. Đọc mấy thi phẩm ông, tôi còn giữ lại một cảm tưởng hiu hắt. Rủi sao, tập thơ ông, tôi bỏ lạc đâu mất, nên không thể dám mạo muội viết nhận định ra đây. Xin một dịp khác.
Trí Hải Ni Cô
Ni cô vừa rời bỏ Vạn Hạnh đi tu tiên ở trên núi. Nguyên nhân là: các vị sư ở Vạn Hạnh chế ni cô đã đẻ ra Bùi Giáng già nua, ni cô bẽn lẽn bèn giũ áo ra đi. Sự tình nông nỗi ấy, Thích Minh Châu phải chịu trách nhiệm một phần lớn.
Sách Vũ Hiệp
Mỗi bộ sách Vũ Hiệp dài mấy ngàn trang. Đọc vài ba chục bộ, ắt mòn mõi mắt môi miệng. Đó là một hiểm họa lớn. Si mê rượu chè còn khá. Si mê sách Vũ Hiệp thì sự tình là bất khả vãn hồi. Mấy năm nay, tại hạ chẳng còn tâm hồn đâu làm văn nghệ hoặc thong dong thưởng thức những thi phẩm mới của những nhà thơ trẻ trung tài tử, ấy chẳng qua vì linh hồn tại hạ toàn thể bị sách Vũ Hiệp xâm chiếm.
Nhiều kẻ làm văn nghệ chuyên môn tở mở phè phỡn bảo rằng tại hạ có thái độ cô đơn cách biệt đối với hàng ngũ văn nghệ hôm nay. Nghĩ mà bượch cười vỡ bụng!
Cô đơn cách biệt cái khỉ khô xơ mốc gì. Ơn ích gì đâu mà cô độc! Bảnh bao gì đâu mà đứng riêng một mình đối thoại với hư vô! Thà chui đầu vào tà xiêm Marilyn Monroe nằm ngủ mà liên miên thầm gọi Phùng Khánh mẫu thân, có phải là thơ mộng hơn không!
Ôi mẫu thân ôi! Mẫu Thân nỡ nào giũ áo đi tu tiên ở trên ngọn núi quai nhai như thế! Bỏ con ở lại Sàigòn tắt nghẽn trong từng tiếng kêu than!
Giải thích
Có kẻ hỏi tôi: - Các hạ đọc sách Vũ Hiệp lu bù như thế, tại sao bàn về sách Vũ Hiệp, các hạ lại bàn lai rai, thua xa ông Đỗ Long Vân?
Đáp rằng: - Ấy chính bởi tại hạ đọc lu bù mà ra nông nỗi ấy. Đọc lu bù thì đâm ra mù quáng. Cũng tỷ như bọn mê gái lu bù quàng xiên. Mê một gái thì sáng suốt nói về hồng nhan, còn mê trăm ngàn gái, thì tất nhiên điên tam đảo tứ, còn đâu bình tĩnh sáng suốt mà nhận định tố chất thiên hương?
Cũng tỷ như bọn mê đàn cầm. Nếu chuyên đánh dương cầm thì chỉ nên đánh dương cầm. Trái lại, một tay đánh dương cầm, một tay lại đèo bồng vĩ cầm, môi miệng lại đa mang ống tiêu, ống sáo, thì làm sao có thể cung thương làu bậc ngũ âm?
Cũng tỷ như bọn mê chuồn chuồn. Mê một con đã đủ. Hà tất phải mê hàng ngàn con! Làm sao theo dõi hàng ngàn cánh chuồn chuồn bay khắp không gian thiên thu vạn đại cho được? Ắt lâm vào tình trạng Tẩu Hỏa Nhập Ma.
(Tản Đà xưa bị Tẩu Hỏa Nhập Ma, ấy cũng tại ông ham uống rượu quá mức. Uống một lu đã đủ. Hà tất phải uống cho đủ bốn lu?)
Cũng tỷ như bọn ham đánh giặc. Đánh chơi một năm đã đủ, hà tất phải đánh tới hai ba mươi năm!
Cũng tỷ như bọn ham có mẫu thân. Có một Phùng Khánh mẫu thân đã đủ bát ngát lắm rồi. Hà tất phải tham lam có luôn cả Brigitte mẫu thân, Marilyn mẫu thân, Kim Cương Thái Thanh mẫu thân, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca mẫu thân.
Cũng tỷ như bọn ham có đồ đệ. Có một thằng đủ rồi. Hà tất phải lọm cọm đa mang như ông Khổng Tử có tới ba ngàn môn đồ như vua nhà Tần có tới ba nghìn cung nữ. Té ra ông Khổng Tử cũng lại là một loại bạo chúa ru.
Lại cũng như ông Nguyễn Du ham có hơn ba trăm năm có kẻ khóc mình. Có một mẫu thân Phùng Khánh cho con bú trong hiện tại đã đủ rồi, và dỗ cho nín bây giờ đã đủ rồi, hà tất phải dỗ con nín khóc ba trăm năm sau.
Ponce Pilate
Ponce Pilate muốn cứu Jésus, nhưng không cứu được. Một mặt đám đông la ó tràn lan. Một mặt Jésus không chịu nói. Hoặc có nói, thì nói lờ lững đâu đâu.
“Bọn chúng lên án Ngài tùm lum như thế, Ngài nghĩ sao?”
Ponce Pilate cố khơi ý cho Jésus, để ông có thể dựa vào lời đáp của Jésus mà tìm cách biện hộ. Nhưng Jésus không đáp.
Cuối cùng quẫn bách quá, Ponce Pilate phải sai người lấy roi quất túi bụi cho rách áo quần Jésus, quàng lên đầu Jésus một vòng gai nhọn, dẫn tới trước mặt đám đông bảo: - “Ecce Homo!”
(Đó, là người ấy đó!)
Nghĩa là: người ấy tội lỗi thế nào, chưa rõ, nhưng đã chịu trừng phạt như vậy, thế đã vừa lòng bọn các ngươi chưa?
Người ta có thể hỏi: Nếu quả thật Ponce Pilate có ý ủng hộ Jésus, thì tại sao ông lại bắt chẹt Jésus một cách gay cấn? Lúc Jésus nói “Kẻ nào đi theo chân lý, kẻ đó bước theo ta”, thì Pilate lại chơi khăm hỏi vặn: “Chân lý là gì?”
Ấy mới là chỗ thống thiết. Lời hỏi kia của Pilate biểu hiện nội tâm Pilate lúc bấy giờ. Chân lý là cái gì khó xác định, thị phi là cái gì khó phân biệt, ngài có tội lỗi hay không, tại hạ không thể quyết đoán… Tại hạ lóng cóng. Mà bọn chúng thì cứ la ó nhốn nháo cả lên… Ngài thì im lặng.
Vậy chỉ còn một phương sách dung hòa. Tại hạ xin đắc tội với Ngài vậy. Ngài hãy chịu qua loa một trận đòn, thử xem có giập tắt bớt cơn cuồng nộ của bọn chúng hay không…
“Ecce Homo” từ đó được Nietzsche chọn làm nhan đề một tập sách của mình. Ấy là một cách nêu trở lại ẩn ngữ Phúc Âm.
Đốn tre
“Khó nhất là đốn tre, khó nhì là ve gái.” Người thường dân thường khuyên bảo dạy dỗ con cái như thế. Thấy thằng con sỗ sàng ve gái, họ không trực tiếp ngầy ngà. Họ không nói: "Ve gái khó lắm lắm. Con phải chậm rãi từ từ…"
Họ nói quanh: "Khó nhất là đốn tre, khó nhì là ve gái".
Lời nói ấy về sau sẽ khiến đứa con suy nghĩ. Nó tự nhủ: Bố bảo khó nhất đốn tre? Nhưng mỗi ngày ta có thể đốn được năm mươi gốc tre một cách dễ dàng. Khó nhì là ve gái? Sao suốt mấy tuần lễ nay ta ve con Mận mà nó vẫn dửng dưng chưa có bề nào ngã ngũ?
Từ đó cái câu “khó nhất đốn tre, khó nhì ve gái” đã giúp đứa con thể hội chân lý ngược lại. Ấy là: khó nhất ve gái, khó nhì đốn tre.
Đi vào cõi tư tưởng, chúng ta luôn luôn phải lưu ý tới cái lối ăn nói nghịch lý của người tư tưởng. Họ nói một đường để ta suy ra một ngả.
“Ngựa trắng không phải là ngựa”. Đó là lời Công Tôn Long.
Ông này là nhà tư tưởng Trung Hoa bị đam ngộ nhiều nhất.
Viết lại Nam Hoa Kinh
Nếu Trang Tử trùng sinh trong thời đại này ắt ông sẽ viết
Nam Hoa Kinh như sau:
- Nhe răng cười trong bóng tối, ấy là đạo vậy.
- Không bao giờ bắt chuồn chuồn mà cứ bảo rằng mình luôn luôn bắt chuồn chuồn, ấy là đạo vậy.
- Ngồi làm quan ở triều Nguyễn mà tự xưng mình là Nam Hải Điếu Đồ, ấy là đạo vậy.
- Leo lên máy bay đi ra giữa biển Thái Bình Dương thả bom xuống cho bọt sóng tung lên chơi, ấy là đạo vậy.
- Không thiết chi đọc sách, mà vẫn cặm cụi đọc hoài, ấy là đạo vậy.
- Đi ngắm phong cành Bà Rịa và bảo rằng đây là phong cảnh Thừa Thiên, ấy là đạo vậy.
- Suốt năm khắc khoải loay hoay mà tự cho mình thanh thoát phiêu bồng, ấy là đạo vậy.
- Gọi Phùng Khánh bằng mẫu thân, ấy là đạo vậy.
- Chiêm bao thấy Nam Phương Hoàng Hậu tỉnh dậy làm thơ tặng Gái Núi, ấy là đạo vậy.
- Trong lòng khâm phục Khổng Tử mà mở miệng ra là công kích ông ta, ấy là đạo vậy.
- Sống ngược hẳn giáo lý ông Khổng, mà cứ ca ngợi ông ta mãi, ấy là đạo vậy.
- Thích Minh Châu không hề tương tư Thúy Kiều, mà cứ bảo bừa rằng ông ấy tương tư Thúy Kiều, ấy là đạo vậy.
- Chán chường thi ca, mà cứ làm thơ hoài, ấy là đạo vậy.
- Đêm tối ở trần gian đau đớn vô cùng mà vẫn bảo rằng trần gian lộng lẫy, ấy là đạo vậy.
- Thấy người da trắng cũng đẹp bằng người da đen, ấy là đạo vậy.
- Thấy đạo lù lù hiện ra khắp nơi, thì bảo rằng đạo rất mực vô hình vô ảnh, ấy là đạo vậy.
- Đọc xong một bộ tiểu thuyết Vũ Hiệp, bỏ ăn năm ngày, ấy là đạo vậy.
- Bỏ ăn năm ngày, lại bảo rằng bỏ ăn năm ngày rưỡi, ấy là đạo vậy.
- Không bỏ ăn, mà bảo có bỏ ăn, ấy là đạo vậy.
- Viết cuốn Tân Thanh, chuốc sầu vạn đại thì bảo rằng mua vui cũng được một vài trống canh, ấy là đạo vậy.
Tư Tưởng và Thi Ca
Chân nhân đời xưa đưa ra một “chủ thuyết” nào, đều có như là tình phi đắc dĩ. Chẳng đừng được mà phải nói. Nói ra, mà vẫn có chỗ như là chẳng có muốn nói ra.
Chẳng đừng được mà phải nói tới nhân nghĩa lễ nghĩa, như Khổng Tử. Chẳng đừng được mà phải nói bỏ nhân nghĩa lễ nghĩa đi, như Lão Tử. Chẳng đừng được mà viết tề vật luận, như Trang Tử.
Trang Tử thường dùng phép “chi ngôn”, ấy là bởi ông đứng ngay giữa cơn lốc của sự tình bất đắc dĩ: muốn gát bỏ chuyện thị phi, mà vẫn cứ bị bó buộc phải nêu mãi chuyện thị phi.
Ta thường đem tư tưởng Khổng Lão Trang ra đối kháng nhau (kẻ chủ trương vô vi, kẻ hữu vi, kẻ xuất thế, kẻ nhập thế …) nhưng nếu xét tới cái lẽ “sở dĩ nhiên” của những chủ trương “trái ngược” kia, ắt mọi lời phân biệt phải dừng lại. Mọi lời biện bác bỗng có tính cách phù phiếm.
Và dường như không còn ai còn có thể đưa ra được một “tổng hợp” dưới hình thức một học thuyết.
Sau ba cái khối Khổng Lão Trang, tư tưởng Trung Hoa đã đi vào phiêu nhiên trong cung bậc Đường Thi. Rồi nó kết tinh trong
Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Truyện Kiều là chỗ dung hợp của Khổng Lão Trang Phật.
Người tư tưởng không còn dám viết gì về tư tưởng nữa. Trang Tử tái sinh sẽ nghĩ sao về cuốn
Nam Hoa Kinh của ông? Ông sẽ viết một bộ
Tân Nam Hoa Kinh, hay là ông hồn nhiên ngâm câu thơ Hồ Dzếnh?
Thơ về nắng sớm lừng lay
Gấp đi cánh phượng cho ngày rạng ra
Hoặc câu thơ Xuân Diệu?
Trưa hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ
Giữa đáy trưa trong lòng mẹ vô cùng
Con là sáo mẹ là ngàn vạn gió
Mẹ là trời con là hạt sương rung
Sương uống mãi chẳng bao giờ hết sáng
Của trời cao chói lọi mỗi chiều ngày
Sáo ca mãi, lòng tre run choáng váng
Gió vẫn đầy ngàn nội bốn phương bay
Thơ như thế là cái chốn của “tâm vô thố hồ thị phi, hưu hồ thiên quân”.
Hồ Dzếnh
Thơ về nắng sớm lừng bay
Gấp đi cánh phượng cho ngày rạng ra
Trần Xuân Kiêm
Ôi má người từ nay thôi hồng!
Thật là khủng khiếp! Ông Trần Xuân Kiêm còn trẻ hết sức mà đã khám phá ra cái chân lý khổng lồ như thế!
Ôi má người từ nay thôi hồng!
Trong chiêm bao thấy má người hồng. Môi người càng hồng hơn nữa. Tỉnh ra thấy…? Thấy gì? Có lẽ tỉnh ra thấy như cái điều ông Trang Tử đã thấy.
Thuở xa người
Một sớm người đi theo mây bay
Ta say nằm lạnh buốt đêm dài
Tỉnh ra thấy cụm hoa đầu ngõ
Ta vẫn còn, hay nỗi tàn phai?
Nửa đêm tỉnh dậy thấy sao rơi
Ta nghĩ người đang ở cuối trời
Ơi những đám mây còn lãng tử
Xin để hồn chùng trong đêm khơi
Ôi má người từ nay thôi hồng
Gió cũng trầm thương tóc thôi hong
Mai sau thoảng nhớ mây vườn cũ
Ta yêu người bằng mối tình không
(1-11-69)