© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
26.5.2006
Bùi Bắc
Thuật ngữ VI TÍNH, câu chuyện vui buồn của tiếng Việt
 
Tên thợ cạo của vua Midas

Năm ngoái tôi có đăng bài “Nạn dịch sai đang phá hỏng tiếng Việt[1] trên talawas, mở đầu cho cuộc trao đổi rất sôi nổi về từ vi tính. Nhiều bài viết cung cấp những kiến thức bổ ích về tiếng Việt. Tuy nhiên về sau, do thảo luận quá hăng hái, một số người trong đó có tôi đã “vượt qua vòng phấn của lễ nghĩa”, làm cuộc tranh luận tăng dần nhiệt độ cho đến khi có người gọi là “cuộc chiến” với những từ ngữ như “đánh đến cùng”, “vượt qua xác”... Nghĩ đến cuộc chiến 40 năm trước đây đã cướp đi mạng sống biết bao bạn bè, người thân cùng lứa, tôi thật đau lòng. Vốn nhát, tôi đã lặn luôn một hơi.

Một năm trôi qua, tôi muốn quên vụ vi tính đi. Ðã không nhuận bút lại chuốc lấy phiền toái, chả dại.

Gần đây tình cờ phát hiện đôi điều lý thú liên quan, tôi cảm thấy bứt rứt muốn nói, kiểu như tên thợ cạo của vua Midas có đôi tai lừa trong thần thoại Hy Lạp. Bí mật về đôi tai lừa người ngoài chỉ một mình hắn biết nên hắn rất muốn kể mà điều đó có nghĩa là mất mạng. Ngứa mồm quá không chịu nổi, hắn ra một quãng rừng vắng tanh, đào một cái hố, ghé mồm nói vào đó suốt ngày suốt đêm: “Vua Midas có đôi tai lừa”. Cho đến khi khản cổ, kiệt sức, hắn lấp đất lại và yên tâm ra về. Không ngờ mấy hôm sau chỗ đó mọc lên một bụi sậy không ngớt rì rào câu: “Vua Midas có đôi tai lừa”.

Câu chuyện sau đây là lời rì rào của một bụi sậy khác.


Gốc tích thuật ngữ vi tính

Máy tính kỹ thuật số chạy bằng bóng điện tử đầu tiên ra đời năm 1945 mang một cái tên dài dòng diễn đạt những chức năng chính viết tắt là ENIAC. Cái tên chính thức electronic computer được dùng sau đó ít lâu và đi vào từ điển tiếng Anh Oxford năm 1946, miền Bắc dịch ra là máy tính điện tử (MTDT), trước năm 1975 miền Nam dịch là máy điện toán. Cách dịch sau gọn hơn một chữ. Hơn nữa, toán thay cho tính để dễ dàng phân biệt với các máy tính không lập trình có chức năng đơn giản hơn mà tên tiếng Anh là calculator. Máy tính điện tử thời kỳ đầu to như cái nhà. Nhờ phát minh ra bóng bán dẫn để thay cho bóng điện tử người ta làm được những máy tính nhỏ hơn nhiều. Loại nhỏ nhất trong số đó gọi là minicomputer mà ta dịch là máy tính mini. Phát minh ra vi mạch silic cho phép sản xuất những máy tính còn nhỏ hơn nhiều nữa vào đầu thập kỷ 70. Những máy này mang tên microcomputer nghĩa là máy tính cực nhỏ. Năm 1981 hãng IBM đưa ra cái tên mới là personal computer (PS) ta dịch là máy tính cá nhân. Từ đó người ta dần dần không dùng từ microcomputer nữa.

TS Bùi Văn Thanh cho biết, anh về công tác ở Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (Hà Nội) năm 1975, thuật ngữ máy vi tính du nhập về Viện cuối 1976 và từ đó một số anh em bắt đầu dùng nó để gọi cái microcomputer. Anh nói: “Tôi thì dị ứng với hai từ vi tínhtin học. Tôi không bao giờ dùng hai từ đó.”

Trong Từ điển vô tuyến điện, điện tử, tin học của Phạm Văn Bảy, Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật (NXBKHKT) 1987, từ microcomputer dịch là máy tính kiểu micro. Ðiều này chứng tỏ tác giả từ điển tin học và tập thể biên tập từ điển KHKT duy nhất ở Việt Nam vào thời điểm này vẫn chưa biết vi tính là cái gì mà thực ra từ này đã thấp thoáng trong Việt ngữ suốt mười năm trước đó. Cuốn sách cùng tên của tác giả này xuất bản năm 1990 mới dịch từ microcomputermáy vi tính. Như vậy từ này bước vào từ điển chuyên ngành năm 1990. Từ vi tính vào Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do GS Hoàng Phê chủ biên năm 1992 với ghi chú là khẩu ngữ. Hầu hết từ điển xuất bản 1992 kể cả Từ điển thuật ngữ khoa học kỹ thuật Anh-Pháp-Việt (NXBKHKT), Từ điển Anh-Việt của NXB Khoa học Xã hội, vẫn chưa có từ microcomputervi tính. Ngày nay tất cả các từ điển đều dịch từ microcomputer ra là máy vi tính, phần lớn kèm với cụm từ máy tính cực nhỏ.


Cú nhầm ngoạn mục

Rất nhiều người tưởng rằng microvi (cực nhỏ), computingviệc tính toán thì microcomputing dịch thành vi tính là quá yên tâm rồi! Rất tiếc, dịch thuật không đơn giản như vậy. Dịch là để người đọc hiểu ra đúng ý vốn có trong từ gốc: microcomputer (máy tính cực nhỏ), “vì nó nhỏ hơn những máy tính có trước đó”! [2] Từ máy vi tính, buồn thay, không đem lại ý nghĩa đó. Trước khi đăng bài “Nạn dịch sai đang…” tôi thử hỏi rất nhiều người xung quanh, những người có học, trong đó có cả những kỹ sư máy tính. Họ đều trả lời: “Máy vi tính là để tính cái tinh vi, chứ không phải để tính cái đơn giản (cộng trừ nhân chia)”. Ngay cả một số người người viết sách và soạn từ điển cũng tưởng thế. Trong cuốn Từ điển Anh-Việt theo chủ đề, Nhà xuất bản TPHCM, 2001, trang 291, soạn giả Lã Thành dịch Analog computer Máy vi tính tương tự, First generation computer Máy vi tính thế hệ thứ nhất (dùng đèn điện tử). Ðây chính là hai loại máy tính điện tử đồ sộ, ngược lại với khái niệm máy vi tính.

Một chuyên gia máy tính khác cũng tưởng thế. Tác giả cuốn Ngành công nghệ thông tin, Nhà xuất bản Kim Đồng 2005, viết ở trang 14, dòng 7 từ dưới lên: “... bật chiếc máy vi tính cá nhân...”.

Tôi thấy một tờ báo, một tạp chí, chuyên mục chính của một số Website lấy tên là Vi tính. Việc này chứng tỏ vi tính đã được hiểu là máy tính nói chung, điện toán nói chung chứ không còn là microcomputer nữa!

Từ điển bách khoa trên mạng Wikipedia đã góp một tiếng nói cho thấy sự nhầm lẫn đại chúng này: Phần tiếng Việt, không có mục từ vi tính, máy vi tính, thay vào đó là mục từ máy tính và giải thích “còn gọi là máy vi tính, máy điện toán” rồi nêu tên tất cả các loại máy tính to nhỏ trong lịch sử bao gồm cả máy tính điện tử đồ sộ!

Từ điển Wikipedia là một Website tự nguyện. Tuy nhiên soạn giả phần Việt ngữ của mục từ máy tính làm tôi khâm phục: thấy rõ thực tế người Việt đã đánh đồng vi tính với máy tính, điện toán nói chung. Việc không đưa vi tínhmáy vi tính thành hai mục từ riêng vào từ điển chứng tỏ họ ngầm gợi ý chúng ta không nên dùng thuật ngữ vi tínhmáy vi tính.

Thuật ngữ máy vi tính đưa ra để dịch tên riêng cái máy tính cực nhỏ nhưng sau một thời gian dài sử dụng nó lại được hiểu là cả cái máy tính cực to. Câu chuyện vui này cũng nhắc nhở chúng ta một chút gì đó về việc sử dụng tiếng Việt.


Vì trái tim hay vì ngoại hình?

Nhiều người đàn ông nói họ yêu vì trái tim chứ không vì ngoại hình. Trên thực tế họ thường làm ngược lại. Thậm chí có những ông vợ chưa đến 50 đã tìm vợ bé. Tôi nghĩ người đặt tên cho cái máy cũng vì ngoại hình bé chứ không phải vì trái tim microprocessor. Tuyệt đại đa số người soạn từ điển Anh-Việt cũng đã nghĩ như vậy và tôi cũng theo đuôi họ nốt.

Không ít người trong ngành CNTT nói rằng microcomputer là cách gọi kết hợp của bộ vi xử lý và máy tính. Máy vi tính là cách nói tắt của máy tính có bộ vi xử lý. Tôi tôn trọng ý kiến vì trái tim microprocessor này! Thì mọi từ điển Anh-Anh đều nêu hai đặc điểm của microcomputer là kích thước nhỏ và có microprocessor mà. Tuy nhiên tôi có một số lý lẽ để bảo vệ ý kiến mình:

  1. Máy tính cực nhỏ là cách duy nhất đúng để dịch từ microcomputer bởi lẽ muốn làm được máy tính cực nhỏ dĩ nhiên phải có bộ vi xử lý (bvxl) nên không cần phải nhắc đến bvxl người ta cũng hiểu. Còn máy tính có bộ vi xử lý lại bao gồm cả mainframe (máy tính chủ), supercomputer (siêu máy tính) và cả calculator là những thứ chưa ai gọi là microcomputer!

  2. Tên người anh kề của máy tính cực nhỏ là máy tính mini cũng vì ngoại hình chứ đâu có vì trái tim bán dẫn, máy em còn nhỏ hơn thì phải đặt cái tên microcomputer để thấy nó nhỏ hơn. Tương tự trong hàng không: máy bay chở 4-8 hành khách được gọi là máy bay mini. Tiếp đó, máy bay chỉ có cái khung gắn 1 hoặc 2 cái ghế được gọi là microplane mà tôi đã từng dịch là máy bay cực nhỏ chứ không phải máy vi bay.

  3. Kích thước nhỏ của cái máy (hết sức quan trọng) là mục đích, bộ vi xử lý là phương tiện để đạt mục đích đó, đặt tên là phải theo mục đích chứ sao lại theo phương tiện!

  4. Người dùng tiếng Anh ở một mức độ thường xuyên nào đó sẽ thấy nghĩa máy tính cực nhỏ là hiển ngôn, cũng như microplane, microstate (nước cực nhỏ, vi quốc gia), microclimate (tiểu khí hậu)... Còn trong tiếng Việt ta từ vi thường gợi nên những vật phải nhỏ đến mức nhìn qua kính hiển vi cho nên nhiều người khó chấp nhận micro là vì kích thước cái máy.

  5. Một cuốn từ điển chuyên ngành của Anh Quốc [3] đã giải thích: “Người ta gọi là microcomputer là vì nó nhỏ hơn những máy tính có trước đó.”

Nếu từng ấy luận điểm mà chưa lay chuyển được ý chí những “chiến sĩ tử thủ” cho từ vi tính thì xin tạm gác mà chuyển sang bước thứ hai: ... là cách nói tắt của máy tính có bộ vi xử lý. Ngữ pháp tiếng Việt không cho phép nói tắt theo kiểu này. Vi là bổ ngữ của bộ xử lý không thể làm bổ ngữ trực tiếp của máy tính được. Cũng như tên giết người không ai nói tắt thành tên người, cô hát hay thành cô hay! Dù là cách nói tắt sai hay dịch sai thì hậu quả cũng là sai mà thôi.


Chính trước phụ sau

Tiếng Việt ta có khoảng 70% từ Hán-Việt (từ Việt gốc Hán). Như vậy rất nhiều từ vừa có nghĩa Hán vừa có nghĩa Việt. Ðể nhận biết từ mình đọc phải hiểu theo nghĩa Việt hay nghĩa Hán ngõ hầu tránh hiểu sai như đang xảy ra với từ vi tính, các cụ nhà ta đã tìm ra và truyền bá quy luật chính trước phụ sau (CTPS) trong tiếng Việt, để phân biệt với phụ trước chính sau (PTCS) trong tiếng Hán. Giáo sư ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo với bài “Sự tích bốn chữ chính trước phụ sau trong Việt ngữ học” (talawas 22.3.05) viết: “Ngày nay, bốn chữ chính trước phụ sau hầu như đã trở thành một câu tục ngữ được nhiều người thuộc lòng và nhắc đi nhắc lại thường xuyên mỗi khi nói đến ngữ pháp tiếng Việt”. Xin xem thêm Dũng Vũ với bài “Những ví dụ về dịch thuật” (talawas 20.1.05). Theo đó điểm yếu (CTPS) phải hiểu theo tiếng Việt là cái yếu kém, còn yếu điểm (PTCS) phải hiểu theo tiếng Hán là cái trọng yếu, chủ chốt; chính kiến (PTCS) phải hiểu theo Hán là quan điểm chính trị chứ không phải ý kiến chính như nhiều người viết văn và viết báo hiện nay vẫn tưởng. Quy định chính trước phụ sau trong Việt ngữ học cũng tuỵệt đối y như quy định đi bên phải trong luật giao thông của Việt Nam. Không học ngữ pháp người ta vẫn nói CTPS, không học luật giao thông người ta vẫn đi bên phải. Ðương nhiên, số người nói tiếng Việt sai ngữ pháp cũng đông không kém gì số ngưòi đi đường sai luật giao thông. Có thể nói tất cả chúng ta đều đã từng có lần nói sai tiếng Việt cũng như tất cả chúng ta đều đã từng có lần đi sai luật giao thông. Có những chỗ mà tất cả mọi người đi qua đều sai luật giao thông cũng như có những từ mà tất cả chúng ta đều nói sai tiếng Việt. Một trong những từ đó chính là vi tính. Thực ra, trong tiếng Việt nhiều khi phân biệt đâu chính đâu phụ không dễ chút nào. Tuy nhiên trường hợp từ ghép vi tính thì ai cũng rõ đâu chính, đâu phụ. Cho nên không thể nói là từ vi tính không sai tiếng Việt. Khác với định lý toán học, quy tắc ngữ pháp bao giờ cũng có ngoại lệ, tức có những từ ghép không theo quy tắc. Ðương nhiên số lượng các từ này là rất ít so với những từ tuân thủ quy tắc. Cũng như đôi khi ta đi bên trái đường.

Một số người đã dẫn ra một chục khẩu ngữ gồm cả từ ghép và cụm từ: nữ nhà văn, tạp ghi, đại bợm, đại ngàn, hương cả, lớp trưởng, lớp phó, xê trưởng, xê phó và cho rằng như thế là phủ nhận được quy tắc CTPS và kết luận từ vi tính là không sai. Việc này khác nào tìm đủ một chục người đi bên trái đường rồi tuyên bố là luật giao thông Việt Nam cho phép đi bên trái đường.

Ðể có hình dung từ ghép nghĩa chính phụ phục tùng quy tắc CTPS nhiều như thế nào so với chục khẩu ngữ trên, tôi xin bắt một con heo đặt lên bàn, tìm các bổ từ thích hợp ghép vào: Lợn con, lợn mẹ, lợn nái, lợn sề, lợn ỉ, lợn sữa, lợn bột, lợn giống, lợn dái, lợn cà, lợn cấn, lợn hạch, lợn đực, lợn cái, lợn lang, lợn mán, lợn thịt, lợn thiến, lợn hoạn, lợn lòi, lợn rừng, lợn độc, lợn đất, lợn tiết kiệm, lợn cưới, lợn lai kinh tế, lợn lành, lợn què, lợn gạo... sơ sơ đã 30 từ ghép, mà chưa hết đâu. Xin quý vị thử đảo trật tự xem có từ nào giữ được nguyên nghĩa không. Chỉ một danh từ mà đã tạo nên một đống từ ghép tuân thủ CTPS, mà kho từ vựng tiếng Việt có biết bao danh từ!


Văn nói và văn viết

Khi nói, ta không đủ thời gian để lựa chọn từ ngữ thật chuẩn xác, tổ chức câu cho đúng ngữ pháp. Khi viết, ta có thời gian để làm việc đó. Hơn nữa, lời nói thường cho một nhóm nhỏ người nghe, có khi là bạn bè thân thiết, còn văn viết là để rất đông người đọc, hoặc dùng khi long trọng. Thực ra phần từ vựng cơ bản của văn nói và văn viết là như nhau. Chỉ một số từ thường chỉ dùng trong văn nói (gọi là khẩu ngữ) và một số từ lại thường chỉ dùng trong văn viết. Tuy nhiên trong sáng tác, nhiều khi người ta vẫn dùng khẩu ngữ nhằm đem lại vẻ ngộ nghĩnh, hài hước. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ Việt Nam do GS Hoàng Phê chủ biên ghi nhận từ vi tính khẩu ngữ, tức là chỉ nên dùng trong văn nói, nhìn nhận từ này có cái gì đó chưa ổn về ngữ nghĩa, người ta nói theo thói quen mà thôi. Từ chính thức, chuẩn xác của nó phải là máy tính, điện toán. Nếu thừa nhận ghi chú trong Từ điển tiếng Việt thì trường hợp từ vi tính không còn là sự thâm nhập nữa mà là cả một cuộc xâm lăng của văn nói vào đất nước văn viết.


Computer, máy tính, ordinateur, máy điện não... đều là sai?

Một số người nói cái tên là do người ta đặt ra để gọi, không cần đúng sai. Có người còn nói computer, máy tính, ordinateur, máy điện não... đều là sai hết, nên vi tính có sai cũng chẳng sao, dùng mãi rồi người ta cũng hiểu.

Theo tôi, ở cái thời ngôn ngữ là mảnh đất chưa khai phá thì điều đó đúng. Còn bây giờ mảnh đất đó đã chia năm xẻ bảy, mỗi người sở hữu một khoanh từ lâu rồi. Ý kiến trên khác nào vào vườn có chủ tự tiện hái trái cây của người ta!

Vi đã có nghĩa của vi, tính đã có nghĩa của tính, ghép hai từ lại thì từ ghép tự nó có nghĩa của nó chứ làm sao gán nghĩa cho nó được!

Làm ra cái máy, người ta đặt tên phải theo công dụng (mục đích): máy xúc, máy ủi, máy gieo, máy gặt, máy cưa, máy giặt, máy hút bụi, máy tính...

Máy tính điện tử đầu tiên ENIAC, được thiết kế trong Thế chiến II theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ để lập bảng tính toán đạn đạo cho pháo binh. Như vậy mục đích đầu tiên của nó là tính toán. Công việc máy tính làm chỉ là các phép cộng và các phép tính lôgíc cơ bản mà thôi. Mọi việc con người phải quy về các phép tính này hết. Thực ra tất cả việc suy diễn lôgic, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, sắp xếp, đều hàm ý tính toán. Chữ tính trong tiếng Việt cũng được dùng với nghĩa rộng hơn như trù liệu, cân nhắc, suy tính chứ đâu chỉ có nghĩa đơn giản là cộng trừ nhân chia! Ðánh cờ ta có tính nước. Gả con, tậu trâu, làm nhà cũng có thể nói: “Bà để tôi tính kỹ đã”. Như vậy người ta gọi computer và ta gọi máy tính có gì là sai?

Người Trung Quốc gọi máy điện não là lối nói hình ảnh, ví công việc của cái máy với bộ óc người là không những đúng mà còn văn vẻ. Còn người Pháp gọi là ordinateur tức là ví cái máy với bàn tay vạn năng xếp đặt thế giới của Thượng đế tôi thấy còn đề cao hơn, văn vẻ hơn.


Vì đâu nên nỗi

Năm 1990 từ vi tính mới được chính thức thừa nhận để dịch tên cái máy mà người ta đã bỏ đi từ lâu nhưng ở nước ta lại rất ít người biết đến. Chính vì điều này nhiều người không biết từ gốc của vi tính là gì, cộng với lỗi ngữ pháp về kết hợp, từ vi tính dần dần bị hiểu thành cái máy tính tinh vi nói chung. Ðây chính là một điểm oái oăm trong tiếng Việt: Nhiều người tưởng chữ tính cũng có nghĩa là tính toán trong tiếng Hán. Vì nhầm tưởng nên mới cho rằng vi tính là sự tính toán tinh vi, hiểu theo trật tự PTCS trong tiếng Hán. Trường hợp hoàn toàn tương tự đã xảy ra với từ đương thời mà nhiều người, kể cả BBT Ðài truyền hình đã tưởng đương trong tiếng Hán cũng nghĩa là đang xảy ra như trong tiếng Việt. Kết quả là họ đã gọi người thời nayngười thời ấy. Ðương nhiên, từ vi tính không thể qua mắt được các nhà ngôn ngữ học, cụ thể là nó được ghi chú là khẩu ngữ trong Từ điển tiếng Việt, rất tiếc là chúng ta tưởng đã biết rồi nên không tra từ điển.

Từ vi tính thâm nhập rộng khắp như vậy là nhờ từ 1992 nó được làm cái áo của ông khổng lồ CNTT phát triển ào ạt và đến nay chỗ nào cũng có mặt. Và vì có mặt khắp nơi nên người ta lại càng không nghi ngờ nó sai!

Năm ngoái tôi có viết bài “Từ vi tính có một nhân thân mờ ám” mà một tác giả của talawas, anh Bùi Vĩnh Phúc đã nói là gây không ít phiền toái cho tôi. Giờ đây, vi tính không còn là một nhân thân mờ ám nữa, mọi sự đã rõ ràng...

Từ ngữ nhiều khi cũng có cuộc sống riêng của nó, giống như con người vậy. Cuộc sống của thuật ngữ vi tính khá khác thường, nó cho chúng ta biết đôi điều về thực trạng tiếng Việt cũng như cuộc sống của chính chúng ta, những người cùng thời với nó. Ðể kết thúc câu chuyện, tôi xin biếu bạn đọc tiểu phẩm sau, xem như vài phút thư dãn, mong đừng ai suy diễn, hiểu nhầm, mếch lòng.


Tột đỉnh vinh quang

Họ: Từ...
Tên: Vi Tính...
Năm sinh: 1975...
Nơi sinh: Paris...
Tên cha: Diễn đàn thuật ngữ (mất sớm)...
Tên mẹ: Nhóm dịch thuật khoa Tin học… [4]

Chàng thư sinh một tuổi tay run run vì hồi hộp ghi những dòng đầu tiên vào tờ khai nhập cảnh. Sinh ra tại Paris hoa lệ, chàng có sức cuốn hút đặc biệt đối với đám đông. Chàng được hồi hương rất sớm nhưng chẳng may gặp phải thời bao cấp khó khăn trong nước. Hồi đó cán bộ khoa học cũng như toàn dân phải ăn ngô cứng và hạt bo bo thay cơm. Ðó là thời thịnh hành giai thoại: Một ông giáo sư ở chung cư lầu 4 mà phải nuôi heo trong bếp. Một giáo sư nước ngoài đến thăm, thấy heo, ngạc nhiên hỏi: “Ông nuôi heo?”. Chủ nhà buồn bã trả lời: “Không, heo nuôi tôi đấy”. Ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ra microcomputer. Từ Vi Tính đành mai danh ẩn tích, tá túc ở Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, tiền thân của Viện Công nghệ Thông tin ngày nay, chờ cơ hội mưu nghiệp lớn.

Với cái tên mập mờ, muời năm chàng thoắt ẩn thoắt hiện trong Việt Ngữ mà không ai biết gốc tích, nghề nghiệp. Ngay cả tác giả từ điển chuyên ngành và ban biên tập từ điển khoa học kỹ thuật duy nhất vào năm 1987 cũng không biết chàng chính là đại diện của cái microcomputer đã lừng danh trên thế giới một thời, và ngay chính microcomputer họ cũng không biết là cái gì nốt.

Phải mất 15 năm lận đận. Nhưng rồi nhờ phúc dày của tổ tiên, vận hội cũng đã đến với chàng. Ðất nước đổi mới, đời sống khởi sắc, khoảng từ 1992 máy tính cá nhân từ nước ngoài tràn vào như nước lũ, chàng được dùng làm tên gọi cho loại máy này luôn. Lúc này trên thế giới cái tên microcomputer đã không còn ai dùng nữa, nên chàng lại càng bí ẩn. Cái tên ngắn gọn, với vẻ huyền bí (không ai hiểu đúng nghĩa) và nghe cũng kêu nên người dân rất thích. Ðường công danh của chàng thênh thang. Chàng xuất hiện khắp nơi, đến đâu cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Người sử dụng trầm trồ khen chàng. Dân buôn bán càng sùng bái chàng, suốt ngày nhang khói xì xụp khấn vái mong bán chàng đắt hàng. Công ty trách nhiệm hữu hạn buôn máy tính mọc lên như nấm. Hàng ngàn kỹ sư máy tính đói rách đổi đời, nhiều kẻ còn tậu xe hơi, biệt thự. Ðám tham nhũng vớ được cơ hội hốt bạc vì tất cả các cơ quan, nhà máy trường học... đều lần lượt trang bị Vi Tính!

Trên giang hồ chàng là bá chủ võ lâm. Trong đất nước Tiếng Việt, chàng còn ngang dọc thao túng hơn: Tên chàng xuất hiện với tần suất mà tên tuổi tất cả các siêu sao điện ảnh, ca nhạc, bóng đá cộng lại cũng thua xa. Các thiếu nữ thầm mơ ước được hiến dâng cho chàng. Từ một kẻ vô danh chàng bước lên chiếu trên của các cụ và nay thì rõ ràng chàng ngồi ngôi cao nhất, ngôi thiên tử, trong cái vương quốc Việt Ngữ có nhiều người không tôn trọng luật pháp của chúng ta, khi mà những tờ báo, tạp chí chuyên ngành, trang Web cũng được chàng cho phép mang tên. Thiết nghĩ vinh hoa phú quý như thế cũng đã là thoả lòng mong đợi.

Gần đây, nhiều môn đồ của chàng lập luận: “Nếu tám mươi triệu người dân Việt Nam dùng Từ Vi Tính thì ngữ pháp tiếng Việt phải theo Từ Vi Tính chứ không phải Từ Vi Tính phải theo ngữ pháp tiếng Việt”.

Ðiều này làm người dân thực sự hoang mang. Vậy chúng ta sẽ phải hiểu con gà= gà con, lợn rừng= rừng lợn, ăn cá=cá ăn như tiếng Nga hay sao?

Truyện cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng” kể rằng: Một ngư phủ bắt được con cá vàng nhỏ đã thả nó xuống biển. Không ngờ đó là con cá thần, nó cho lão đạt mọi điều ước nhưng lão không cần gì. Mụ vợ lại bắt lão lần lượt xin ngôi nhà mới, sau là một chức quan..., sau được làm nữ hoàng. Vẫn chưa thoả lòng tham, mụ bắt chồng đi đòi làm Long vương ngự trên biển cả bắt con cá hầu hạ. Lần này con cá không trả lời. Khi lão trở về thì lâu đài cung điện biến hết, chỉ thấy mụ vợ rách rưới ngồi bên túp lều dột nát.

Hy vọng là đường thăng tiến vùn vụt của Từ Vi Tính không giống với của mụ vợ lão đánh cá.

Tác giả xin chân thành cám ơn các chuyên gia CNTT: GS TSKH Nguyễn Xuân Huy ở Viện CNTT, TS Lê Khánh Hùng ở Viện Ứng dụng Công nghệ, người đang theo đuổi công trình dịch thuật Anh-Việt bằng máy tính, TS Phan Văn Ban ở Viện Kỹ thuật Quân sự, TS Bùi Văn Thanh Viện CNTT đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu.



[1]Tên tác giả bài “Nạn dịch sai đang phá hỏng tiếng Việt” là Bùi Việt Bắc. Để tránh nhầm với Bùi Việt Bắc, giám đốc Nhà xuất bản Thông tin-Văn hoá, người được công luận gần đây biết đến qua “thảm hoạ dịch thuật” Mật mã Da Vinci, tác giả Bùi Việt Bắc chuyển sang bút danh Bùi Bắc (chú thích của talawas).
[2]Trang 12 Usborne Computer Dictionary. Anna Clayburne và Mark Wallas. NXB Usborne, 1999.
[3]Usborne Computer Dictionary. Sđd.
[4]Tôi xin phép được sử dụng thông tin do anh Hà Sơn Tây cung cấp về việc Nhóm dịch thuật khoa Tin học đã dịch 100 thuật ngữ trên mỗi số Diễn đàn thuật ngữ do họ thành lập, trong đó có từ vi tính (talawas 8-2-05) và một số chi tiết khác.

Nguồn: Tóm tắt bài viết này đã đăng trên Tuổi trẻ ngày 15.5.2006. Bản đăng trên talawas là toàn văn bài viết.