© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
27.5.2006
Trần Hoài Thư
Cổ trắng
 1   2   3   4   5 
 
Cõi đời ân lượng

Lúc ấy, thời thịnh trị, dân điện toán được hưởng an lạc thái bình. Cuộc đời của họ chỉ quanh quẩn với một ngày 8 tiếng, với những dự án, những chương trình (program), qua những ngôn ngữ như Cobol, Pascal, C và những hệ thống điện toán với cỡ hoạt động trung bình như Unix [1] hoặc lớn hơn như VM, MVS chạy trên những mainframe [2] . Không hề nghe nói đến laptop, đến Windows 95, 98, 2000, NT, XP như hiện nay.

Lúc ấy, mỗi công ty đều có một bộ phận riêng chuyên trách ngành điện toán. Lúc ấy, nghề nghiệp như programmer [3] , hay database administrator [4] hay system analyst [5] được xem là nghề nóng hổi, ăn khách, lương hậu. Thiên hạ rủ nhau chuyển sang ngành điện toán, hay chọn học điện toán. Các đại học thi nhau mở chương trình chuyên khoa, chuyên nghiệp, cử nhân, cao học, tiến sĩ về điện toán, tin học, kỹ sư software [6] ...

Mở một tờ báo, thấy mục cần dân điện toán dầy dặc ê hề. Nhất là tờ báo phát hành vào ngày chủ nhật. Nhìn đến choáng ngợp.

Có lẽ chính vì ra trường đúng thời điểm này, ông Nguyễn mới được người phụ trách tuyển người của công ty AT&T vào ngay trường phỏng vấn, mặc dù ông chưa thật sự tham dự lễ tốt nghiệp.

Buổi sáng hôm ấy, bà Kathy ngồi đối diện với ông trong căn phòng đóng kín cửa. Bà nhìn tờ resumé, hỏi gia cảnh.

Ông trả lời: ông có một vợ một con. Vượt biển qua Mỹ năm 1980. Vừa làm vừa học.

"Ông làm gì?"

"Vệ sinh phòng ốc. Janitor. Mỗi ngày làm 4 tiếng. Từ 6 PM đến 10 PM. Phụ trách hai tầng ngôi lầu. Chùi bàn chùi ghế, vệ sinh cầu tiêu nam nữ, đổ rác, hút bụi..."

Bà Kathy chăm chú viết trên tờ giấy.

"Ông đến từ Việt Nam?" Bà hỏi.

"Thưa bà. Phải".

"Ông làm nghề gì ở Việt Nam?"

"Ði dạy học rồi bị động viên vào quân đội miền Nam Việt Nam. Trung đội trưởng bộ binh. Bị thương trận ba lần. Sau 1975, vào trại cải tạo 4 năm... Sau khi ra tù, làm nghề bán cà rem dạo..."

Guơng mặt bà Kathy hơi đăm chiêu. Bà nhìn vào tờ resumé, rồi viết gì trong cuốn sổ tay, sau đó bà ta nói:

"Trước hết, tôi xin được chúc mừng ông đã vượt qua những khó khăn để tốt nghiệp đại học. Riêng tờ resumé này, chúng tôi sẽ gởi đến các phòng ban của công ty chúng tôi. Nếu họ cần, chúng tôi sẽ thông báo cho ông biết, có thể qua điện thoại. Lúc ấy ông sẽ được mời đến để những người phụ trách trực tiếp phỏng vấn tại chỗ. Ông còn có câu hỏi gì không. "

Ông Nguyễn trả lời không rồi đứng dậy từ giã bà Kathy. Khi bước ra ngoài, ông đã thấy vài đứa Mỹ đang ngồi đợi đến phiên. Ðiều ấy càng làm ông cảm thấy không lạc quan hay hy vọng bao nhiêu. Nhìn lại mình, ông có những điểm yếu rất khó lọt vào sơ kết, huống hồ gì bán kết hay chung kết. Thứ nhất là tuổi tác. Ông đã bước qua tuổi bốn mươi hai. Thứ hai là ngôn ngữ người. Miệng hàm ông đã quá cứng quá chai. Tiếng người thì chữ còn chữ mất. Làm sao ông có thể tranh đua cùng những người trẻ tuổi bản xứ đầy sinh lực và thông minh. Làm sao ông có thể đánh bạt họ khi trong tờ resumé của ông không có kinh nghiệm gì để tiếp trợ trừ kinh nghiệm làm vệ sinh phòng ốc, hay phục kích, phản phục kích, nhảy diều hâu, đột kích mật khu hay làm tù binh, chẳng dính líu gì đến nghề nghiệp hay kinh nghiệm đòi hỏi.

Nhưng ông không buồn cũng chẳng bận tâm hay lo âu. Ông tự an ủi mình. Ðây là một cơ hội để ta có thể rút tỉa kinh nghiệm cho những lần phỏng vấn khác, nếu có.

Phải. Ông xem đây là bài học. Khi đứa con nít ra đời, nó chỉ khóc vài ba tiếng, và sau đó, cha mẹ dạy dỗ, trường học dạy dỗ, xã hội dạy dỗ. Ông đã được dạy dỗ, nhưng từ một quê hương khác. Bây giờ qua xứ người, ông phải bắt đầu từ con số không. Ông phải học tất cả. Tiếng người. Công việc người. Truyền thống người. Xã hội người. Phong tục người.

Và giờ đây, ông đang học một bài học giá trị qua thực tế. Trong trường lớp, người ta dạy rằng trong lúc phỏng vấn, mình phải chứng tỏ mình rất thích công việc, hơn nữa phải chứng tỏ mình có khả năng hay ham thích học hỏi. Ví dụ AT&T, một hãng điện thoại, mình phải hỏi người phỏng vấn những câu hỏi liên quan đến telecommunication, network... Câu hỏi sẽ mang thiện cảm cho người phỏng vấn, bởi vì câu hỏi còn mang theo lòng ham muốn học hỏi về lãnh vực viễn thông. Ngoài ra, phải nhìn thẳng vào người đối diện để chứng tỏ mình tự tin. Ðó là những yếu tố cần thiết mà người phỏng vấn cần tìm ở bất kỳ một ứng viên nào cho hãng như năng lực, kiến thức và sự vươn lên.

Nhưng thực tế miệng ông đã hoàn toàn câm. Ông là kẻ bị động. Ông chỉ mở miệng khi bà Kathy hỏi. Ông đã quên những điều chỉ dẫn cần thiết.

Ông tự bảo lòng. Lần tới ông sẽ chuẩn bị chu đáo hơn.


*


Khoảng một tháng sau, không ngờ có một cú điện thoại gọi đến nhà ông. Khi ông về nhà, thằng con 9 tuổi kể lại có một bà muốn được nói chuyện với ba. Bà ta làm việc cho hãng AT&T.

Ông gọi lại và gặp bà Kathy. Bà cho biết trong tuần đến ông sẽ nhận được giấy tờ. Có ba department muốn phỏng vấn. Ông sẽ được thông báo chi tiết ngày giờ và địa điểm.

Ông lại nhắm mắt cảm tạ.

Ông vẫn có thói quen như thế, để nói lên tâm trạng của mình trước một ân điển lớn.

Không thể ngờ.
Không thể ngờ như chuyện ông còn sống, để từ một con người chai cứng đức tin nay tin rằng, chỉ có bàn tay mầu nhiệm của ơn Trên mới đưa đẩy sắp đặt thân phận con người.
Khi mình bất lực.
Khi mình tuyệt vọng.
Khi mình vô phương vùng vẫy.
Như lúc buổi trưa mà đột nhiên trời tối sầm lại.
Mặt trời đã bỏ trốn.
Và gió lạ.
Gió mang điềm dữ. Gió mang lệnh tuyên chiến. Gió báo giờ G.
Những đám mây đen trồi ồ ạt trên đầu. Và xung quanh bao bọc là chớp. Một chớp cắt loé ở hướng Ðông thì một chớp khác loé lên ở hướng Tây, rồi hướng Nam, hướng Bắc...
Rồi bốn bề chớp sáng thi nhau báo cáo tín hiệu. Rồi sấm lại rót vào thinh không những trận pháo ì ầm...
Rồi nước ào vào khoang. Nước mỗi lúc mỗi dâng lên.
Ðứa bé gái đứng ôm lấy mẹ,
mẹ ơi con sợ
mẹ ơi con sợ
Hai vợ chồng trẻ thì ôm chặt cái can nước bằng nhựa.
Trên boong gần buồng lái, cả gia đình ông chủ tàu qùy xuống đọc kinh...

Ông khan cổ hò hét thanh niên tát nước.
Bao nhiêu quần áo vải vóc có được mang ra đốt. Lửa ngọn ma trơi hiu hắt bị tạt bởi gió.
Lửa bốc cùng khói dầu. Nhưng lửa cũng tắt rất nhanh như niềm hy vọng thoi thóp.
Người ta mửa đến mật xanh mật vàng. Dưới khoang những chiếc đầu ngoi ngóp trên biển nước đen ngòm dầu cặn.
Ông đứng nhìn xuống biển. Buồn thảm.
Ông tủi thân bởi vì ông sinh làm người Việt Nam.
Không có ai quanh ông.
Vợ con quê nhà bạn bè bằng hữu, kẻ thương người ghét.
Ông ứa nước mắt cho một kiếp người.

Nhưng có những lượn sóng rất hiền, hiền như lưng của loài cá voi cứu khổ cứu nạn.
Ðưa thuyền đi, nâng thuyền thăng bằng, hướng dẫn mũi thuyền tìm đến bến bờ.
Biển không rẽ làm đôi mà biển ru người, ru thuyền, ru những đứa con của thời hồng thủy được tái sinh.
Cái sống đã được sinh ra từ cái chết.
Ông được tái sinh.
Ông thâm tạ một cơn sóng hiền giữa trùng trùng sóng dữ.
Ông thâm tạ khi tuyết rơi
tuyết rơi trắng xóa, bít bùng
và con ông chờ đợi ông già Noel mang đồ chơi chui vào phòng nửa khuya.
Ông thâm tạ khi tiếng chim lạc loài vọng về.
Tiếng kêu leng keng tươi vui của chiếc xe trolley dưới đường...
Nhắm mắt,
một chỗ dung thân sau những mùa tai biến...

Và giờ đây, ông thêm một lần thâm tạ.

Vợ ông cũng vậy.

Nàng vái lia lịa cùng hư không

Lạy Trời Lạy Phật lạy đấng Quyền Năng, cảm tạ Ngài...

Không thể ngờ...


*


Ông Nguyễn ngủ không được. Niềm vui chưa hết thì nỗi lo lại bắt đầu. Hồi chiều, vợ ông phải tìm người quen mượn đỡ $50 cho ông làm lộ phí. Ông không có xe nên ông phải nhờ một người bạn trẻ chở dùm. Từ chỗ ông ở đến địa điểm phỏng vấn ít nhất phải hai tiếng đồng hồ. Minh là người tốt bụng. Minh xin nghỉ một ngày để giúp ông. Ngoài ra, Minh còn tặng ông một bộ đồ lớn. Minh nói bộ đồ này hên lắm. Lần nào mang nó, em đều gặp hên...

Nhưng kích thước của áo quần thì quá rộng so với người của ông.

Vợ ông đề nghị ra tiệm mua một bộ đồ.

"Phải có một bộ đồ đàng hoàng. Trước sau gì mình cũng mua".

Nàng bảo. Nàng nghĩ làm như chiếc áo sẽ làm tăng xác suất của sự thành công.

Tất cả số tiền dành dụm, nàng vét hết.

Rồi thì giày da, rồi thì cà vạt.

Ông soi gương, thấy mình khác nào chú rể mới.

Ông đã thay đổi lốt dạng. Ông đang đóng kịch. Ông đang chuẩn bị hoá trang để bước vào một thế giới khác.

Không còn quần bao cát.

Không còn áo vá.

Không còn đi chân không.

Không còn đêm đêm rảo từ phòng này sang phòng khác để lau chùi hút bụi, lau ống điện thoại, dọn nhà cầu nam nữ, đổ giấy đi cầu, băng vệ sinh phụ nữ.

Vợ ông hít hà, trầm trồ.

Tội nghiệp người vợ đáng thương.

Rồi anh sẽ quan trạng về làng, võng anh đi trước võng nàng theo sau.

Cho dù ở xứ này, quan trạng không có chỗ đứng.

Ðôi khi tiến sĩ còn thất nghiệp dài dài.

Minh kể lại những kinh nghiệm về phỏng vấn.

"Khi họ mời anh đi ăn ở nhà hàng, nhớ là họ nhìn cách anh ăn uống đấy. Trong thế giới professional, mình phải chứng tỏ mình professional... Chậm rãi. Từ tốn. Nhớ là ở nhà hàng Mỹ, toàn là những thức ăn lạ. Con hầu bàn sẽ hỏi. Và mình sẽ rất lúng túng. Có khi mình không hiểu nó nói gì. Những người phỏng vấn sẽ đánh giá trình độ Anh ngữ của mình lúc này. Cách tốt nhất là nói trước với một người phỏng vấn. Tôi không rành về món ăn Mỹ. Xin làm ơn gọi dùm tôi. Hãy thật thà anh ạ. Nên nhớ là lúc nào họ cũng nhìn vào mình để đánh giá..."

"Cám ơn em".

Ðồng thì khuyên:

"Ðừng lo anh à. Khi họ kêu mình đi phỏng vấn, nghĩa là họ đã nghĩ rằng mình có thể đảm nhiệm được vai trò mà họ cần. Anh không biết mỗi lần phỏng vấn như vậy, công ty phải tốn đủ thứ: Nào là tiền bao máy bay, tiền khách sạn, tiền ăn uống. Không phải một ngày, nhiều khi cả tuần lễ. Gắng trả lời những câu hỏi của họ. Không biết thì nói không biết. AT&T là một hãng rất lớn, có cả một trung tâm để huấn luyện nhân viên.

Ðồng tốt nghiệp đại học Drexel năm ngoái với hạng tối ưu và được AT&T thu nhận ngay sau khi ra trường. Ðồng còn trẻ, lại học giỏi, thông minh. Ðồng là hiện thân của lớp trẻ con cháu của những người tị nạn đầu tiên. Họ như những thân cây được vun trồng và nẩy mầm từ những vùng đất màu mỡ. Còn ông, dù đất đai có màu mỡ phì nhiêu, nhưng một khi cây đã già đã khô, nhựa đã sắp cạn, thì làm sao có thể bì với họ.

Nhưng ít ra, những lời khuyên của Minh, Ðồng là những lời khuyên rất thực tế, khó có thể tìm trong sách vở hay những khoá học về nghệ thuật đi phỏng vấn.

Theo như chương trình, ông phải có mặt lúc 11:30 để department đầu tiên mời đi ăn trưa, sau đó cuộc phỏng vấn sẽ được bắt đầu vào 1 giờ trưa. Ông sẽ về khách sạn để ngày hôm sau tiếp tục hai cuộc phỏng vấn khác.

Minh nói: em biết rành lộ trình, em sẽ đến rước anh vào lúc 9 giờ rưỡi sáng.


Minh đến trễ khoảng 15 phút. Mười lăm phút là cả một cơn ác mộng. Ông nhìn xuống đường. Vợ ông nhìn xuống đường. Bốn con mắt ngóng chờ người ân nhân. Không biết Minh còn nhớ đến buổi hẹn hay đã quên. Hay bị tai nạn, hay bị kẹt xe không chừng.

Rõ ràng, không có gì bất hạnh cho bằng mình không thể làm chủ lấy mình.

Rồi cuối cùng, chiếc xe của Minh cũng xuất hiện. Mừng quá. Minh bảo vì kẹt xe nhưng không sao. Em bảo đảm mình đến kịp. Anh chị cứ yên tâm.

9 giờ 45 phút, xe khởi hành. Một giờ đầu, xe chạy êm xuôi. Bảng hiệu Welcome to New Jersey thấy hiện ra bên kia cầu. Chạy thêm được nửa tiếng, Minh bắt đầu bối rối. Ðến đây, mọi việc trái ngược. Hình như xe đã qua mặt exit từ lúc nào. Minh chạy ngược rồi chạy xuôi. Có khi lên cầu cao, tìm hoài exit, nhưng không thấy đâu. Chỉ toàn đồi núi.

Rõ ràng Minh đã lạc. Bây giờ anh ta bất kể bảng cấm hay không bảng cấm, có khi đang chạy ngon lành trên xa lộ, lại quay đầu, chạy ngược lại. Có khi chạy vào một con lộ ngược chiều. May mà không gặp cảnh sát xa lộ. Bên cạnh, ông ôm tim ôm ngực. Thần trí căng thẳng. Ông tuyệt vọng và bất lực. Chỉ có kẻ ở trong cuộc mới hiểu rõ được hoàn cảnh của người trong cuộc. Có khi Minh ngừng xe lại bên đường, ghé vào một trạm xăng hỏi đường. Trong khi kim đồng hồ như hai lưỡi dao, càng lúc càng như cứa đau tim ông. Trễ rồi, Minh ơi. Ông đau đớn nói khi kim đồng hồ đã qua khỏi 11 giờ 30, giờ ấn định phải có mặt. Ði phỏng vấn kiểu này ai mà mướn. Thôi quay về đi. Anh không đi nữa đâu. Ông nói. Cái đau của ông như bừng vỡ. Hết rồi bao nhiêu mơ tưởng ao ước. Hết rồi những tháng những năm miệt mài đèn sách. Khi cơ hội đến thì không chụp. Rồi 12 giờ trưa, vẫn chưa thấy đâu. Rồi 12 giờ rưỡi. Rồi 12 giờ 45. Chắc họ đang sốt ruột, đang rủa thầm, hay đã bỏ đi ăn trưa rồi. Ông càng nhận ra cái lỗi lầm lớn nhất là mình không được nắm giữ định mệnh của mình. Cũng tại vì ông. Tại vì ông hết.

Ðến gần 1 giờ, Minh mới tìm ra địa chỉ. Minh đậu xe nói: chúc anh gặp may mắn rồi phóng xe đi.

Ông thì bước vào ngôi lầu. Lòng nặng trĩu.

Ông biết ông đã bỏ mất một cơ hội ngàn vàng.

Ông hỏi người phụ trách an ninh phòng ốc ở nhà khách. Y bảo chờ, y sẽ gọi điện thoại lên người phụ trách. Chừng 5 phút sau, một người đàn bà Mỹ cỡ 25 hay 26 tuổi xuống, giới thiệu là Debbie.

Nàng không tỏ vẻ gì bất mãn. Trái lại nỗi vui mừng phản ánh trên gương mặt.

Ông nói dối:

"Tôi bị kẹt xe. Tôi rất ân hận".

"Ðừng bận tâm. Kẹt xe là chuyện thường ở tiểu bang này. Chúng tôi rất thông cảm".

Ông theo nàng lên lầu ba. Hình như mọi người đã chuẩn bị sẵn. Họ bắt tay ông rồi sau đó tất cả cùng kéo về nhà hàng danh tiếng nhất nhì ở địa phương. Họ không nhắc gì đến việc họ phải đợi hơn cả tiếng đồng hồ. Chỉ có ông là bứt rứt không yên. Làm sao biết trong đầu óc của họ nghĩ gì. Khi thời biểu phải thay đổi. 1 PM là giờ bắt đầu phỏng vấn, nhưng lúc này, cả bọn mới bắt đầu đi ăn trưa.


*


Bây giờ ông Nguyễn mới thật sự cảm thấy mệt. Ðầu óc ông nóng bỏng. Cổ họng khô đắng. Nhưng ông vẫn ngồi trước mặt người phỏng vấn. Anh ta cỡ ba mươi, còn ông thì bốn mươi hai. Ông đang ngóng đợi câu hỏi đầu tiên của anh ta. Không, anh không hỏi ông. Anh cười, tự giới thiệu, rồi mời ông đi rảo khắp department. Anh cắt nghĩa về dự án công trình, trình bày những thống kê đang nhảy múa trên màn ảnh computer. Ông cứ gật đầu. Bỗng nhiên anh ta quay lại hỏi ông: Ông có mấy cuộc phỏng vấn vừa qua? Ông trả lời hai. Hôm qua một và sáng này thêm một. Anh ta lại hỏi tiếp: Nếu cả ba department đều chọn ông thì ông chọn department nào? Ông ngẩn ngơ. Ðúng là một câu hỏi hắc ám. Ông bối rối, và cuối cùng phải thú thật: Tôi chẳng biết nữa. Anh ta cười lớn. Không biết anh ta đã tìm ở ông một điều gì để anh phải thú vị. Hồi ở năm cuối Ðại học, trường có mở một khóa học về nghệ thuật đi phỏng vấn dành cho sinh viên sắp tốt nghiệp, và ông cũng học được nhiều điều. Chẳng hạn về cách ăn mặc, đi đứng, về cách hỏi hay trả lời đúng lúc, đúng chỗ, về cách nhìn thẳng vào đôi mắt người phỏng vấn để tỏ ra mình tự tin... Nhưng cái câu hỏi này quả thật ngoài ý muốn. Tự nhiên ông thương lấy ông. Ðến mãi tuổi này, ông vẫn bám theo nỗi buồn cơm áo. Ông nuốt nước bọt. Ông muốn buông xuôi.

Rõ ràng ông đang chiến đấu và tự chiến đấu trong nỗi cô đơn đầy buồn bã. Bốn mươi hai tuổi. Ðã quá nửa đời người. Ðã chết lên sống xuống bao nhiêu lần trên chiến trường. Ðã ngỡ như nhắm mắt buông tay trong trại khổ sai. Ðã ngỡ như nằm trong lòng biển sâu. Bốn mươi hai. Ông đã sống còn đây, để có thể dừng mà nhìn lại cuộc đời của mình. Nhưng bây giờ, ông lại bắt đầu bằng tất cả, khởi đi từ một số zero. Người ta đang phán xét ông. Khả năng ông đang được đo lường đánh giá. Tiếng Mỹ, tiếng Anh của ông đang bị thử dò. Ngày xưa, ông ngạo mạn cùng tuổi trẻ. Ngày xưa ông bất cần, lột lon về phố. Thì bây giờ, trái lại, ông đang luống cuống đến tội tình. Tội tình như ngồi giữa bốn người của department thứ nhất trong một nhà hàng sang trọng nào đó. Tội tình khi phải tỏ ra lịch sự, cầm nĩa, muổng, dao, khăn lau trải lên hai bắp đùi cùng với những thức ăn xa lạ. Tội tình như buổi sáng nay, ngồi trong cafeteria với mấy chàng tuổi trẻ của department thứ hai. Chúng nói về football, touchdown. Chúng đùa cợt nhau. Thỉnh thoảng chúng liếc nhìn ông. Ly cà phê dù pha nhiều đường nhưng ông lại cảm thấy cay đắng vô tận. Ông đã cố dỗ dành ông, hãy ngửng cao đầu, hãy hãnh diện với cuộc chiến đấu của mình. Nhưng càng lúc ông càng cảm thấy khốn khổ. Hai bàn chân ông muốn cựa quậy. Miệng ông muốn nói cười. Nhưng ông lại im lìm như khúc gỗ. Hai vai ông như bị đè nặng bởi một khối đá tảng.

Buổi chiều ông kêu tắc xi trở lại khách sạn. Thị trấn đã lên đèn. Những ngọn đèn pha từ khu buôn bán mờ nhạt dưới màn mưa giăng nhỏ. Ông ngồi trong xe, mệt lả. Ông già tài xế hỏi ông mày mới đến đây lần đầu. Ông trả lời phải. Ông già lại hỏi chắc mày có bà con ở đây. Ông nói không, ông đi phỏng vấn ở hãng AT&T. Ông già buột miệng: Vào được hãng đó là nhất. Rồi ông già bắt qua chuyện khác. Mày đến từ đâu? Ông trả lời Việt Nam, Nam Việt Nam. Ông già lặp lại: Việt Nam. Tao không muốn nghe cái tiếng đó nữa. Sau đó ông già im lặng, tiếp tục đốt thuốc. Hai ngọn đèn chọc thủng con đường đêm và đôi vai của ông già như chịu đựng một gánh nặng vô hình nào đó. Ông Nguyễn buột miệng hỏi rất bình tĩnh: Vì sao? Bây giờ ông già nhún vai: Vì Việt Nam của mày mà bao nhiêu thanh niên nước tao đã bị chết hay mất tích, trong đó có cả thằng con của tao, mày biết không? Nó nếu còn sống thì cũng như mày, có việc làm thơm như mày. Và có thể tao sẽ không còn làm cái nghề chó đẻ như thế này.

Ông già tài xế hằn học nói. Ông Nguyễn im lặng. Không dễ gì trong một cuốc xe ông có thể kể hết cho ông về Việt Nam của ông, về bao nhiêu người đã hy sinh mà bây giờ chết vẫn chưa được yên ổn, về bao nhiêu người đang làm thân trâu ngựa ở trong các trại tù khắp xứ.


*


Ðêm đầu tiên ở khách sạn đã làm ông không ngủ được. Căn phòng quá rộng và bốn vách tường vôi trắng càng làm ông trăn trở. Ánh đèn dìu dịu, máy điều hoà không khí chạy đều đều, và chiếc giường đôi với tấm drap trắng mượt, hình như chỉ ấm cúng cho một cặp nam nữ qua đêm. Còn ông chỉ là một người Thượng mất buôn, mất bản. Ông bỗng nhớ đến một người con gái nào, xa xôi lắm, nhưng cũng yêu dấu lắm. Ông nhớ, bởi vì ông biết ở đấy còn có một người đến với ông, và tình nghĩa với ông. Bởi vì từ mặt trận trở về, ông vẫn còn được nếm những giọt lệ lo âu và hạnh phúc. Bởi vì những sợi tóc vướng trên giường để ông còn biết mình là đàn ông. Bây giờ ông là đàn ông, nhưng là đàn ông tị nạn, đứng trước phái đoàn đưa tay lên thề không tham gia vào đảng cộng sản, không buôn bán ma túy, không gây tội ác. Bây giờ ông là đàn ông cô liêu hiu hắt giữa chốn quê người, để hết người này đến người khác thẩm định trình độ, lời ăn tiếng nói. Bây giờ ông là đàn ông phải cúi đầu nghe ông già tài xế bản xứ nói về đất nước Việt Nam của mình.

Ông mở đài HBO để giết thì giờ. Lại một cuốn phim về Việt Nam với địch quân nói tiếng Thái Lan và những chàng GI cao bồi làm Rambo tung hoành mật khu địch. Ông chịu không nổi, mặc chiếc áo lạnh, bước ra cõi đêm. Cơn mưa đã dứt, và sương mù giăng ngập cả thị trấn. Ông có thể nhận ra những hàng điện quang nhảy múa ở cái quán bên kia đường. Ông thèm được gọi những chai bia để trút hết, quên hết những nỗi buồn. Ông thèm thấy cô gái lẳng lơ có đôi mắt đen, đôi mắt than chì sau quày rượu mỗi lần ông từ mặt trận trở về. Ông đâu còn có cái quán rượu ấy nữa.

Cuối cùng ông tìm đến quán cà phê mở 24 trên 24. Ông lại gặp ông già tài xế tắc xi. Dáng ông bất động như một pho tượng trong làn khói thuốc. Hay ông già đang nhớ đến thằng con đã chết trận ở Việt Nam.


*


Tuần lễ sau, ông nhận lá thư do bà Kathy ký, cho biết ông đã được department đầu tiên đồng ý thâu nhận.

Chỉ có ân điển mới tạo lên phép lạ như vậy.

Ông nhắm mắt, run sợ.

Ông vẫn có thói quen như thế, kể từ sau lần vượt biển.

Tại sao lại sau lần vượt biển?

Bởi vì ông đã được cứu khỏi cuộc tự sát tập thể.
Cuộc tự sát tự nguyện.
Dịu dàng và buồn bã.
Bất lực như ánh lửa thoi thóp sắp tắt dần
kêu cứu lương tâm nhân loại
Bởi vì biển không thấy chân trời
bốn bề đen thẫm
Chỉ có chớp sấm ì ầm
chỉ có lù lù những ngọn sóng phủ đầu
hất thuyền lên
dập thuyền xuống
tra khảo con vật tội tình
Hết rồi nỗi kiêu ngạo
Hết rồi con người là cây lau cây sậy
nhưng là cây lau cây sậy biết suy nghĩ
Thiên đàng ở đâu
địa ngục nơi nào
Chúng tôi là con cháu của Noé tiếp tục cuộc ra đi
vượt biển chết


*


Ngày từ giã xóm slum, vợ ông thắp nhang khấn vái đất đai thổ thần để cảm tạ. Ðất đai ở đâu cũng là đất đai, cũng dính kết vào trời, và lẩn quất những đôi mắt của những đấng quyền năng siêu hình, vợ ông tin tưởng mãnh liệt như vậy. Nàng viện dẫn trường hợp ông, một tay sinh viên già duy nhất được hãng AT&T chọn trong hàng chục ứng viên tại trường. Anh phải tin anh à. Vâng, ông tin lắm. Bởi vậy, ông lạy, con ông cũng lạy. Ông biết ông khó có thể qua được vòng bán kết bởi vì yếu tố tuổi tác và ngôn ngữ. Và nhất là việc bắt cả nhóm phải chờ ông cả tiếng đồng hồ. Như vậy, tại sao ông vẫn có cơ hội mà bất cứ một sinh viên tốt nghiệp nào đều mơ ước. Rõ ràng, Ðấng Quyền Năng không bao giờ bỏ rơi những kẻ có lòng với Ngài. Ngài đóng cánh cửa này, Ngài chắn chiếc cửa sổ độc nhất bằng tấm ván ép dày đầy đinh chông, để mở cánh cửa khác tươi sáng hơn, đẹp đẽ hơn.

Ngày cuối cùng, ông nhìn xuống lầu như muốn giữ tất cả hình ảnh của Logan một lần cuối cùng. Tấm ván đã được tháo ra. Ánh sáng đã theo vào phòng tắm lấy căn phòng thuê từ lâu mờ trong bóng tối. A, ông nhớ ra rồi. Cái bóng ông ở đằng sau khung cửa sổ trên lầu hai này. Cái bóng hôm qua trong căn phòng ít ánh sáng. Chiếc giường bố đặt bên cạnh vách tường. Chiếc bàn dùng làm bàn viết, học, khách. Cái sàn ván thông đánh màu verni vàng bóng. Và khung cửa sau nhà bếp nhỏ hẹp, để ông có thể nhìn qua nhà láng giềng, gọi nhau ơi ới bằng tiếng nước mình. Và lũ gián trong đêm. Và cả đám chuột lộng hành. Và những ngày tắt heat, hay những buổi heat mở tối đa khiến cửa sổ phải mở toang. Từ cõi nhỏ hẹp bần hàn đó, mấy năm, với giá tiền thuê rẻ mạt chưa hề tăng, gia đình ông đã sống, để nếm thế nào là giọt lệ đầu tiên của người tị nạn. Bạn bè ít ai dám bén mảng thăm viếng. Họ nghe Logan như nghe một điều gì đó hãi hùng. Khu đen. Khu drug. Xe bị đập cửa kính. Bánh bị đâm thủng ruột. Một người đàn bà tị nạn sắp bị hiếp. Vợ ông bị đập, xô mấy lần trong những buổi sáng sớm đón xe đến hãng. Ông bị đám thiếu niên rượt ngay sau khi vừa ló đầu lên miệng hầm subway. Tiệm tạp hoá Ðại Hàn dưới lầu ông thuê thỉnh thoảng nửa đêm bị phá cửa. Cảnh sát cảnh cáo ông đừng bận tâm lý do chủ tiệm đã có bảo hiểm lo lắng dùm. Ðó, Logan, hay Lò gan là như thế. Như thế, tại sao ông lại bâng khuâng như một kẻ đã gởi vào đầy nhiều kỷ niệm. Như thế, tại sao ông cứ nghĩ là chính nơi này là một phần trong đời sống của ông. Ðâu có gì để phải nhắc lại khi nhục nhằn, hoạn nạn, và những đám mây u ám một thời? Ðâu có gì để nói về một slum. Ðâu có gì để phải kể lại cái bóng ông một trưa nào trong ngôi nhà thờ Mỹ trong khu, khi ông phải nương cậy vào Ơn Trên để ban cho ông có đủ nghị lực. Lần đầu tiên ông đã đến nhà thờ, dù ông chưa bao giờ thuộc ngay cả một lời kinh căn bản nhất. Ông đã nhắm mắt. Cầu gì. Con ông thơ ngây nói về tên giáo viên người Ðại Hàn tình dục bệnh hoạn phụ trách lớp ESL. Làm sao cho con ông được học một ngôi trường tốt hơn. Không ai hướng dẫn. Không ai chỉ bày. Không ai biết tiếng Anh, tiếng Mỹ lưu loát. Những người như thế đã không bao giờ ở nơi này. Cầu gì. Cho ông được một chút thông minh, để tiếp tục làm học trò già. Chiến tranh, tù tội, vượt biển, bao nhiêu ám ảnh, thảm kịch chất chồng đã cướp đi hết mớ kiến thức học vấn xa xưa rồi. Cho đôi mắt mờ yếu của ông được thấy rõ những giòng chữ thầy viết. Cho những lời giảng ông còn theo kịp, dù một đôi phần. Cầu ai bây giờ. Lấy ai an ủi, khuyến khích ? Hay chỉ là những cơn mơ mà vợ ông đã thêu dệt. Mơ ngày. Mơ đêm. Mơ một ngày gia đình có một chiếc xe, để nàng được đi đây đi đó, thăm bạn bè, hay chiêm ngưỡng phong cảnh. Mơ ngày ông ra trường, có một việc làm tốt. Và cả những giấc mơ thật đẹp của ngày xưa. Má, em, láng giềng, quê ngoại, những gương mặt thân yêu, những kỷ niệm thời con gái... Vâng, những cơn mơ tội nghiệp. Và gia đình ông đã nương nhờ bằng những cơn mơ như thế. Chỉ tội nghiệp cho con ông. Nó vẫn lớn lên, không tra vấn, than thở. Nó đi học một mình, trở về nhà một mình, không bạn bè lân láng. Ông phải kê cả ba hòn gạch, để nó có thể đứng ở trên đấy, mở khoá cánh cửa lầu thuê. Nó chiến đấu cũng như ba nó chiến đấu. Sáng ngày Giáng Sinh, nó mừng rỡ khoe cùng cha mẹ, là ông Già Noel tài quá ba mẹ ơi, ổng biết cả chiếc xe tự động mà con thích... Niềm vui của nó là ngồi trước chiếc truyền hình đen trắng để nhìn những Tom hay Jerry... Nó chưa hề nghe được tiếng dế mèn vào mùa hè hay được thấy cánh diều trên đồng cỏ như tuổi thơ của ông. Nó hẩm hiu cùng căn phòng, mà những cửa sổ trước và sau, ông đã đóng cả đinh 15 phân như những hàng chông. Không bạn nhỏ, không nội ngoại, không cả bầu trời xanh và cao để nhìn con diều xanh đỏ, để mong gió mỗi lúc mỗi nổi lên. Không đám mây bàng bạc trong bài văn của Thanh Tịnh vào tuổi học trò xa xưa. Nó có mặt ở đấy, côi cút. Ðôi khi nó ngủ quên, quên cả nghe điện thoại thăm chừng của ông làm ông phải cuống cuồng bỏ học trở lại nhà mà lồng ngực như vỡ bùng trong xe bus. Trời ơi, ông đã lén lút bỏ nó một mình bất hợp pháp. Học. Học có ích gì chứ. Ba cái chữ nghĩa, ông trạng, ông nghè có ích gì chứ. Rồi sau đó, ai lại đi mướn một tên học trò già? Ông làm sao chen đua cùng tuổi trẻ. Ông đã tự hỏi và yếu mềm để nghĩ đến một lần bỏ cuộc. Ông tự biết chữ Anh chữ Mỹ của ông. Ông cũng tự hiểu về bộ não của ông. Cái bán cầu đã bị đen đặc bởi bao nhiêu thảm kịch chập chùng. Không còn lấy một khoảnh nhỏ để in vào đấy chút kiến thức. Thêm đôi mắt yếu kém. Thêm cả cái cô đơn của một con ngựa mất hết đàn. Ông nói với vợ ông. Ông không còn muốn chiến đấu nữa. Nhưng nàng vẫn tiếp tục khuyến khích ông. Nàng vẫn tiếp tục mơ trong bóng tối của căn lầu thuê, thỉnh thoảng cửa bị phá tung và những dấu giày to tướng in đậm trên tấm drap trắng. Nàng tiếp tục bơm vào những điều tốt đẹp dù ông càng lúc càng mệt lả bởi những kỳ thi, và cái việc làm lau chùi nhà cửa buổi tối. Trong khi đó, con ông mỗi ngày đến ngôi trường mà vách thành vẽ sơn chằng chịt, để học với tay thầy Ðại Hàn tình dục bệnh hoạn... Và cứ thế, hết năm này qua năm khác, hết nỗi chán nản này tiếp đến nỗi chán nản khác, cay đắng này đến nỗi cay đắng khác. Phải cay đắng lắm chứ. Cay đắng như những lần vào nhà vệ sinh phụ nữ, đặt cái xe đẩy chắn ở cửa ra vào và lục lạo từng chiếc băng vệ sinh. Cay đắng lắm chứ. Cay đắng như nỗi cô độc trùng trùng khi đứng đợi xe bus trong những đêm tuyết bão. Hay những cái nhìn đầy ngạo mạn, khinh bỉ từ những kẻ đồng hương. Dù vậy, bên cái thân phận hẩm hiu của kiếp đời tị nạn, vẫn còn có những tấm tình của những người trong cuộc. Họ cùng một xóm. Họ đã coi ông như người họ nể trọng. Họ mang những giấy tờ nhờ ông dịch nghĩa dùm. Ðôi khi họ mang cả report card để khoe cùng ông là con họ học giỏi. Em mới thưởng cho con em chiếc radio cassette. Tháng này, thầy phê toàn chữ đỏ không à. Em mừng quá. Ông nhớ cô Vân hàng xóm đã có lần nói với ông như thế. Nhưng khi nhìn vào tấm report, ông thấy điểm F. Tim ông như quặn thắt. Ông có nên nói với người mẹ tội nghiệp này về ý nghĩa của chữ F kia không.

Ðấy, xóm slum của ông là thế.

Và những người tị nạn Việt Nam đầu tiên đã phải sống trong điều kiện như vậy.

Ðể rồi, sau một thời gian, hết gia đình này sang gia đình khác dời đi như những người Mỹ đen đã rời, hay như đám Do Thái đã rời trước đó.

Riêng gia đình ông phải mất đến bốn năm.

Ngày cuối cùng với xóm slum, từ lầu hai của một chung cư , ông nhìn con đường Old York dưới màn tuyết trắng. Trên hàng dây điện, những con chim bồ câu đậu dài. Trời xám đục. Chiếc trolley chạy qua, bánh nghiến trên đường sắt. Như vậy, bốn năm cũng trôi qua. Ở đâu cũng có trời. Trong chiến tranh, trong tù tội, trên biển cả, và trong khu slum của vùng Logan này. Các ngài không bao giờ bỏ mình đâu. Lời an ủi của vợ ông, dù đúng hay không đúng, nhưng có một điều là cái slum này vẫn là nơi dung dưỡng ông và gia đình trong những năm tháng đầu tiên.



[1]UNIX: một hệ thống vận hành (AT&T)
[2]mainframe: dàn máy IBM có hệ thống vận hành cao (VM, VMS...)
[3]programmer: thảo chương viên
[4]database administrator: người quản trị kho dữ kiện
[5]system analyst: phân tích viên hệ thống
[6]software: nhu liệu
Nguồn: ThÆ° Ấn Quán xuất bản, 2003. Địa chỉ liên lạc: PO Box 58 South Bound Brook NJ 08880 USA, tranhoaithu@verizon.net