© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
29.5.2006
Trần Hoài Thư
Cổ trắng
 1   2   3   4   5 
 
Ngày đầu với AT&T

Thế là ông Nguyễn trở thành một phần tử trong một thành phần mà xã hội phong là "cổ trắng" (white collar).

Ngày đầu tiên, ông được hướng dẫn đến các phòng ban để bắt tay những người đồng nghiệp.

Họ là dân IT (Information Technology), tiếng tắt chỉ những kẻ làm việc trong ngành điện toán hay Tin học.

Nhóm trưởng của ông là cô nàng Debbie. Và trưởng phòng là bà Denise. Những người trong nhóm là Tim, Pat, Peter, Alexandria, Mike, Minh Yang, Carol Ha. Mentor của ông tức người đặc trách hướng dẫn là Carol. Nhiệm vụ của người mentor là giúp đỡ người mới làm quen với môi trường mới, giải quyết hay giải đáp thắc mắc về những quyền lợi như học vấn, nghỉ phép, giảm giá điện thoại dành cho nhân viên...

Ðây là AT&T, nơi tập trung những bộ óc của thế kỷ về ngành viễn thông, vệ tinh và cũng là nơi UNIX [1] được khai sinh trong một phòng lab bề bộn dụng cụ tại Murray Hill mà cha đẻ là Dennis Ritchie. Người ta nói theo truyền thống của AT&T, một khi làm việc với nó là làm suốt đời, có khi cha truyền con nối.

Ngày đầu với AT&T. Tháng giêng tuyết giá vần vũ. Dưới lầu, bên kia bờ rào là xa lộ 287. Xe cộ dập dìu. Bầu trời xám đục không cụm mây. Những hàng dẻ sồi trơ cành trụi lá. Ai biết nỗi lo của ông không. Từ khi bước vào đời, ông chưa một lần cảm thấy lo cơm lo áo lo những hệ lụy của cuộc sống như vậy. Ði lính thì quá dễ. Có bằng Bán phần trở lên thì đi sĩ quan. Muốn từ chối ân huệ yêu nước, guồng máy cũng không cho phép. Rồi đi dạy cũng vậy. Ra trường khỏi nạp đơn, khỏi cần phỏng vấn. Rồi ở tù thì có kẻ khác lo hết cho mình. Bây giờ, một Tan Nguyen tên thật là Nguyễn văn Tân, đang bắt đầu giáp mặt với đời, lo cơm lo áo. Không thể làm một ẩn sĩ ở xứ sở này.

Ngày đầu ông được giao một lô sách để đọc. Những tập tài liệu dày cộm bìa đỏ của IBM gọi là Red Book. Không hiểu phải ráng hiểu. Không ai có thể giúp mày. Tân ạ. Ðọc giữa tiếng máy chạy rầm rầm, giữa muôn ngàn chớp xanh chớp đỏ trên giàn máy điện toán, từ mainframe [2] xuống Unix. Ðọc và thực hành. Thấy phòng Lab người mà thương cho đất nước mình. Nơi này là trung tâm của một hệ thống gọi tên là PICS, Product Inventory Consolidated Systems [3] . Hệ thống điện toán này giúp những phần hành trách nhiệm của công ty biết về số lượng hàng hóa tồn kho, xuất kho, số lượng khách hàng đặt, kho nào còn, kho nào hết, kho nào dư kho nào thiếu để công ty có thể điều động số lượng cung ứng kịp thời.

Mỗi đêm, các báo cáo từ khắp các tiểu bang sẽ được chuyển về trung tâm gồm giàn máy IBM OS 370, để máy thu thập tất cả những dữ kiện, sau đó, đúc kết thành những báo cáo hoặc cập nhật hoá số lượng tồn trữ hay xuất nhập của trên một trăm kho hàng khắp nước Mỹ.

Những ngày đầu với AT&T. Ngày xưa, trung đội trưởng mới ra trường còn có trung đội phó thay mặt lo dùm. Bây giờ, ông là lính mới tò te, mà vũ khí chỉ là mớ kiến thức của bốn năm đại học. Ra trận, ông có bạn bè đồng đội, nhưng ở đây, ông chiến đấu cô đơn.
Không ai có thể giúp ông được. Ông cũng không có thể nhờ ai giúp được. Gọi là team, có nghĩa là đội, trong đó, người ta ràng buộc với nhau, nương tựa lẫn nhau, vui buồn đều chia xẻ với nhau, tuy nhiên, thực tế thì khác. Ai cũng lo phần nấy. Và nếu có câu hỏi, thì chỉ là câu hỏi tổng quát. Chứ không ai có thì giờ để làm dùm hay ngồi đọc từng giòng để sửa chữa dùm.

Khi nhận dự án từ nhóm trưởng, trước hết, ông được Debbie nói sơ qua về mục đích, yêu cầu, để ông có một khái niệm về công việc phải làm. Sau đó cô nàng trả lại cho ông vai chánh với thời hạn bao lâu phải hoàn thành. Ðó là lệnh hành quân không hơn không kém.

Ông phải chiếm mục tiêu. Ông phải thanh toán chiến trường. Ông phải chiến thắng. Nếu không, ông là tên bại trận. Và dĩ nhiên, sẽ bị đào thải.

Như vậy, ông cần phải cám ơn ngôi trường cũ.

Phải cám ơn ông giáo sư về Information System mà sinh viên quen gọi là hung thần hay sát thủ đại hiệp. Không ai học ngành điện toán có thể chạy thoát được cái búa của ông ta. Bởi ông ta là giáo sư chánh của phân khoa điện toán. Ông gieo ác mộng cho đám sinh viên năm cuối.

Ông chú trọng vào thực tế hơn là lý thuyết. Ông đặt ra những điều kiện khắc nghiệt cho dự án cuối năm.

Ít khi thấy ông cười. Ở ông, toát ra vẻ kiêu hãnh. Ông Nguyễn nghe nói ngoài chức vụ giáo sư, ông còn là một consultant [4] cho một công ty lớn. Với ông, thật khó có thể lấy điểm cao. Ðược B là mừng hết lớn.

Ông làm sinh viên bất mãn đến nỗi có tay đã vẽ hình một người đang tròng sợi dây thòng lọng vào cổ sinh viên với nụ cười thỏa chí trước văn phòng của ông ta.

Bây giờ, ông Nguyễn mới cảm thấy cám ơn ông giáo sư này.

Nhờ ông, mà dự án đầu tiên ông đã làm cho bà trưởng phòng ngạc nhiên không ít. Bà ta đã phê trên tấm giấy nhỏ kèm trên tập dự thảo:

Tan: Công trình rất xuất sắc. Cám ơn Tan. Hãy tiếp tục làm tốt như vậy.
Debbie: Chuẩn bị một buổi thuyết trình cho Tan.

Lời phê của bà trưởng phòng, tức department chief, coi 4 nhóm dưới quyền, đã làm ông Nguyễn tá hỏa tam tinh. Dự án đầu chưa hết lo, thần trí chưa hết căng thẳng, giờ lại thêm một nỗi lo khác nữa. Lần này chắc chắn phải to lớn gấp trăm lần hơn. Tiếng Việt khi nói trước đám đông, ông còn nói lập bập, ấp úng không thành lời thành tiếng huống hồ tiếng Anh tiếng Mỹ.

Như vậy, lại thêm một lần xông pha. Ông chưa kịp vui mừng để nói với vợ ông về niềm vui, giờ thì đầu óc cứ quẩn quanh ám ảnh hoài buổi thuyết trình sắp đến. Không phải người tham dự là những đồng nghiệp của ông, hay ít ra, cùng một ngôi lầu, trái lại, theo Debbie cho biết, còn có một số đại diện đến từ các nơi khác.

Cứ thế, hết khó khăn này qua khó khăn khác tiếp tục chặn ngang cuộc hành trình cơm áo. Ông chẳng khác người lữ hành cô đơn, chiến đấu trong thầm lặng. Những đêm mệt lả trở về nhà, miệng đắng khô nhai miếng cơm vợ để dành mà buồn muốn khóc. Những giờ trước máy moi hết kiến thức, sử dụng hết phần não bộ để cố hoàn thành công việc. Không phải 8 tiếng đồng hồ là xong nhiệm vụ mà còn theo người về nhà bám mãi không rời trong trí não. Không phải rời hãng là phủi tay. Trái lại, không muốn nhớ cũng phải nhớ. Tại sao thử mãi mà lời giải vẫn sai. Phải dùng lệnh (command) nào để giải quyết. Hình như mình quên dấu chấm. Hình như mình thiếu ELSE sau IF. Nhưng để bù lại là niềm vui khi không nghe ai than phiền, hay gặp rắc rối. Cũng có đôi khi, vào nửa đêm có chuông điện thoại reng, báo cáo chương trình (program) bị thất bại, cần phải sửa gấp. Ông càng học nhiều điều mà nhà trường không bao giờ dạy, trong đó có lẽ có một điều tối kỵ là đừng bao giờ tách rời khỏi đám đông, trái lại phải hòa theo đám đông, đừng làm gì hơn, hoặc kém.

Thật vậy, trước đây, ông cứ nghĩ là, để chứng tỏ mình có khả năng, ông làm nhanh, ông đánh nhanh, ông tiến chiếm mục tiêu nhanh.

Một dự án kỳ hạn hoàn tất một tuần, thì chỉ ba ngày ông đã làm xong.

Debbie trố mắt.

Carol trố mắt.

Mọi người trố mắt.

Có kẻ lắc đầu.

Vì phép lịch sự họ không dám nói thẳng.

Ðể ông học được bài học đầu tiên.

Bài học về team.

Không những ở AT&T mà Lucent và GLOBAL IT, những công ty mà ông được may mắn làm việc.

Người ta không thích đánh mạnh đánh mau.

Người ta muốn từ từ thong thả.

Mi mà nhanh thì ảnh hưởng cho những đồng nghiệp khác.

Mi mà nhanh thì cả dự án chung bị hỗn loạn, sẽ không đúng theo dự trù.

Bởi chúng ta cùng chung một team.

Chúng ta cùng nương tựa lẫn nhau.

Chúng ta chẳng khác chiếc xe

mọi bộ phận phải ăn khớp.

Trời ơi, ông đã phạm một lỗi mà ông không biết.

Ông mới hiểu trong thế giới cổ trắng này có những điều rất phức tạp.

Không phải giản dị như ông tưởng.


Cuối đường

Ðầu năm, thêm một nhân viên mới nữa được tuyển. Như vậy, tình trạng tài chánh của hãng chắc phải khả quan lắm và mọi người hy vọng trong tương lai sẽ không còn bị ám ảnh bởi cái búa layoff hay giảm-người như họ đã từng nghe từ những tin đồn đại. Cô nàng Karen dẫn người nhân viên mới đến từng phòng để giới thiệu. Vẫn là những câu nói xã giao lịch sự như thể thân tình từ lâu lắm: Ðây là Lisa, người bạn mới của chúng ta, đây là Tim, Ed, Mike, Elizabeth, Tan Nguyen... Hân hạnh, người nhân viên mới đưa tay bắt mỗi người. Mấy ma cũ cũng đáp lễ. Rất mừng được làm chung với bà. Vui mừng được có thêm một người bạn là bà. Ðến phiên Tân cũng vậy. Vẫn cái điệp khúc quen thuộc ngọt như đường phèn mà ông đã dùng mấy năm nay để chào mừng một người mới đến, để rồi sau đó mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy to nhỏ với nhau. Người nhân viên mới - Lisa - bắt chặt bàn tay Tân nói: Thank you so so much. Tân có thể nhận ra những vết son khô trên hai bờ môi của bà ta. Karen lại giới thiệu tiếp: Ðây là ông Tân, người sẽ hướng dẫn bà đấy. Có gì bà cứ cầu cứu ông. Lần này, bà Lisa càng tỏ ra lịch sự hơn bao giờ. Bà lại đưa tay bắt tay ông thêm một lần nữa: Thank you so so so much...

Bà Lisa vào khoảng trên dưới 40, Tân đoán vậy. Dáng thấp, hơi mập. Gương mặt nhỏ, cằm nhọn choắt, với đôi mắt tô than quá đậm như hai con đỉa trâu nằm vắt ngang, cùng cặp môi mỏng. Nói tóm lại là sắc đẹp của bà ở dưới mức trung bình. Không ai có thể ngờ nỗi là ở con người ấy, là cả những bồ chữ nghĩa khoa bảng. Bà có một bằng Ph.D về giáo dục, làm nghề dạy học, bị layoff, và nhanh chân đổi nghề bằng cách trở lại trường lấy Cao học về Ðiện toán.

Bà là một người Mỹ gốc Ý. Không chồng con. Hiện sống với bà mẹ già ở một khu ngoại ô bên Nữu ước. Mỗi ngày bà lái xe qua hầm Lincoln giữa hàng hàng chiếc xe nối đuôi dường như bất tận, đến hãng ít nhất phải một tiếng rưỡi đồng hồ.

Ngày đầu tiên, bà được giao cho một việc làm rất dễ. Nhưng bà đã hé lộ sự thật về kiến thức của bà. Bà mang những tờ giấy đi hỏi từng người. Tại sao? Tại sao? Một lần, họ sẵn sàng chỉ dẫn tận tình. Hai lần hơi lơ là. Ba lần, chấm dứt. Bà tuyệt vọng trước cái công việc chưa tìm ra lời giải mà thời hạn đã cận kề. Mỗi đêm bà ở lại hãng tới một hai giờ sáng. Và bà chỉ còn một cách là bám víu vào Tân. Nhưng ông thì cũng không làm gì hơn. Ông không thể viết lại, thay lại hay sửa chữa toàn bộ những gì bà đã làm. Ông càng hiểu về con người thật của bà và lý do tại sao người ta lại mướn bà. Bởi vì bà nói quá hay. Bất cứ vấn đề gì bà cũng nói được, và nói có lý. Nhưng bây giờ, mọi người mới hiểu là bà chỉ biết nói mà không biết làm. Mà chủ chỉ cần người làm, không phải cần người nói. Họ bắt đầu xầm xì sau lưng bà. Trong các buổi họp, mỗi lần bà đứng dậy phát biểu, họ nhìn nhau nhún vai, lắc đầu. Dường như bà không bao giờ biết được những gì xảy ra xung quanh, bà cứ vẫn tiếp tục hỏi và nói. Bà muốn đóng góp cho tổ chức hay bà muốn chứng tỏ là kẻ học rộng bằng cấp cao. Bà viện dẫn sách vở kinh điển. Bà trích dẫn từ chương. Bà nói quên cả giờ nghỉ giải lao, bắt mọi người mệt lả theo bà. Rõ ràng bà là một tai ương không hơn không kém. Cuối cùng, cả nhóm dồn bà vào chân tường. Con Carol bắt đầu giao việc làm khó hơn nhưng thời hạn hoàn tất lại ngắn hơn. Nó gặp riêng ông cảnh cáo đừng giúp đỡ gì bà Lisa nữa. Khi nói, hàm răng nó nghiến lại, đôi mắt như long lên. Tân gật đầu hứa. Ông biết ông không thể tách rời khỏi tổ chức. Ông vừa thương vừa giận bà Lisa. Bà đã không theo bánh xe của guồng máy. Bà đi ngược lại. Và dĩ nhiên trước sau bà cũng phải bị đào thải. Rõ ràng con mồi đang bị vây bủa bởi những tay thợ săn tinh quái, nham hiểm. Cứ mỗi lần thấy bà, lòng ông lại đâm thương hại khôn tả. Ông nhớ lại những ngày tháng đầu tiên của ông tại hãng, ông cũng phải bơ vơ như thế. Ngôn ngữ, tuổi tác, màu da đã bắt ông đứng hẳn bên lề. Ông thấy như in cái nhíu mày của con Sylvia, nhóm trưởng, mỗi lần ông hỏi nó một câu hỏi. Ông cũng nhớ lại những đêm thức trắng để cố gắng hoàn thành công việc cho đúng với thời hạn giao nạp. Ông đã từng ngồi lặng trong phòng lab, để tủi thân cho một con ngựa lạc đàn. Phải, nếu nói về nỗi bơ vơ, thì ông phải bơ vơ gấp ngàn lần nỗi bơ vơ của bà Lisa này nữa. "Phải chiến đấu, bà Lisa". Ông muốn khuyến khích bà, muốn nói với bà về kinh nghiệm của ông. Nhưng ông không thể. Con ngựa đau một tàu nhịn cỏ. Ở đây, không có ai nhịn để nhìn nỗi đau của một người. Mà trái lại, là nỗi sung sướng hả hê..


*


Bây giờ phòng Lab chỉ còn Tân. Người quét dọn phòng ốc đã đẩy chiếc xe rời phòng. Tiếng máy điều hòa rì rầm không ngưng nghỉ. Những giàn máy chớp đèn xanh đỏ. Những rừng dây cable chằng chịt trên vách tường. Chúng là huyết mạch của kỹ thuật gọi là distributed systems. Bởi chúng sẽ nối những modem cao tốc đến mười phương địa cầu để nhận và truyền bao nhiêu dữ kiện vô tri vô giác. Còn nữa. Còn những máy in, những máy điện toán cá nhân (PC), những máy UNIX đêm cũng như ngày không bao giờ tắt, ghi lại những đường đi nước bước của mọi sản phẩm của công ty trên khắp quả địa cầu. Thì Tân nghe tiếng động. Ông biết là bà Lisa. Ông rủa thầm: Lại con mẹ này nữa, rồi tiếp tục nhìn vào màn ảnh. Bà Lisa nói:

“Chào Tan. Tan chưa về sao?"

Tân nghe giọng nhỏ nhẹ, thật tội nghiệp.

“Con chó này quá cứng đầu, Lisa à.”

“Nhưng ông là chủ của nó rồi mà.”

“Nó không bao giờ chịu nghe tôi.”

“Thì trừng trị nó đi Tân.”

Bà Lisa tinh nghịch nói. Ông cảm thấy mình hơi tàn nhẫn. Cái tàn nhẫn đối với kẻ bị thua cuộc. Dù muốn dù không, ông cũng là kẻ ăn nhờ ở đậu. Ông đến đây là do lòng thương hại của người bản xứ, trong đó, người đàn bà này là một phần tử.

“Lisa còn đến trường không?”

“Vâng, Tôi vẫn còn đến trường. Tôi cũng học cái môn mà Tân đề nghị. Có diều ông thầy dạy chỉ biết lý thuyết suông...”

“Như vậy Lisa có thâu gặt được gì không?”

“Cũng hơi hơi.”

Bây giờ bà Lisa nhìn Tân, đôi mắt bà van lơn:

“Tôi có một điều muốn nói với Tân. Tân có muốn nghe tôi nói không?”

“Vâng, Lisa cứ nói đi. Tôi đang nghe đây.”

“Tôi muốn nhờ Tân giúp tôi. Tôi sẽ trả tiền.”

Tân đâm giận dữ.

“Lisa nghĩ sao mà nói như vậy. Dù sao tôi với Lisa là những người cùng nhóm...”

“Tôi xin lỗi Tân. Bởi tôi không có ai để giúp đỡ tôi trong lúc này.”

“Giúp đỡ? Tôi giúp đỡ Lisa thì ai giúp đỡ tôi?”

Lisa không biết trở ngại tôi đã gặp còn to lớn gấp trăm ngàn lần bà gặp hôm nay nữa.

Bà Lisa nhìn Tân với đôi mắt mờ lệ:

“Xin Tân đừng hiểu lầm tôi. Người Mỹ thường sống sòng phẳng.”

Tân hơi chùng lòng. Sự thật là vậy. Ðông phương và Tây phương vẫn không bao giờ gặp nhau. Người Tây phương họ sống bằng lý trí nhiều hơn tình cảm. Bởi vậy hôm nay, người nghị sĩ Mỹ một thời là tù binh, đã là người tiền phong cổ xúy cho việc bang giao. Với ông ta, bây giờ là vai trò của đất nước ông, lá cờ của xứ sở ông, sức mạnh về kinh tế của Mỹ trong tương lai. Ðến đây, đôi vai của bà Lisa bật run.

“Tân hẳn biết cái dự án tôi vẫn chưa làm xong. Chắc tôi sẽ bị đuổi. Tôi muốn giữ cái việc làm này, nhưng không một ai cho tôi một cơ hội. Tôi bị bỏ rơi. Dù sao tôi vẫn là đàn bà...”

Lời thổ lộ của bà là lời thổ lộ của kẻ bị thua cuộc. Từ chương kinh điển đôi khi không thể giúp đỡ gì thực tế. Bà Lisa đã thấy được sự thật. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn. Bà đang chới với bấu viú như một người đang cố tìm chiếc phao. Chiếc phao ấy là ông thầy dạy về ngôn ngữ điện toán Cobol ở một trường đại học cộng đồng. Nhưng ông thầy đã không thể giúp gì hơn. Và cuối cùng, chiếc phao là ông. Lúc này ông chỉ cần một cái nắm tay, một lời ngọt ngào, là ông có thể trở thành một gã đàn ông của bà ta. Nhưng ông đã chống cùng cơn cám dỗ. Lý trí cho ông biết về cái việc làm, mái nhà, chiếc xe, cho cả gia đình. Bởi vậy ông đã đứng dậy, giả vờ quên một cái gì đó, để tránh đôi mắt màu xanh mời mọc:

“Xin lỗi Lisa tôi cần phải trở về phòng. Có một vài thứ tôi cần tìm.”


*


Hai ngày hôm sau, Tân không còn thấy bà Lisa như thường lệ nữa. Khi qua phòng làm việc của bà, bảng tên vẫn còn gắn trên vách, nhưng trong phòng thì trống trơn. Con Karen nói là bà đã nhận giấy sa thải hôm qua. Mắt nó sáng lên, ánh một vẻ vui mừng. Hết rồi những lời xầm xì. Hết rồi những lời cảnh cáo. Từ đây ông yên tâm không còn bị săn đuổi nữa. Nhưng cớ sao ông lại buồn ghê gớm. Như thể ông đã bị mất mát một cái gì đó rất thân yêu. Ừ thì toán, thì đội ngũ, chúng ta phải nương tựa lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Vui cùng hưởng, buồn cùng chia. Ông cảm thấy mình như một kẻ đồng lõa vào một tội ác.


Pho tượng biết suy nghĩ

Trong một cõi gồm những kẻ làm việc bằng trí óc ấy, ông Nguyễn như một bóng hình không đậm nét, mờ nhạt giữa đám đông. Có lẽ tại vì tuổi tác của ông. Và cũng có lẽ vì ông đến từ phương trời lạ lẫm, nơi mà ngôn ngữ, truyền thống lễ giáo phong tục tập quán đều khác biệt, để ông khó có thể hoà đồng. Ông dửng dưng trước ngày sinh nhật của mình, khi người ta chúc mừng ông happy birthday to you. Ông không thích nghi với những buổi tiệc tùng do hãng hay nhóm tổ chức. Miệng ông câm khi họ bàn tán về thể thao hay thời tiết hay một show truyền hình quen thuộc. Có những lần cả nhóm kéo tới một nhà hàng để tiễn đưa một người trong nhóm có việc làm khác, hay nhân lễ Giáng Sinh v.v... ông ngồi bên cạnh họ không nói năng. Ông cảm thấy bứt rứt khi một đứa trong bọn lôi ra cái máy tính, tính số tiền mỗi người phải trả từng cent. Ðôi khi ông muốn góp vào một câu chuyện để chứng tỏ ông hoà đồng cùng đám đông, nhưng ông cảm thấy câu chuyện mình quá nhạt nhẽo, không gây cho họ chú ý. Rõ ràng ông là kẻ đứng bên lề. Ông là một cù lao cô độc. Ông là con hổ con beo mất rừng mất núi. Ông chỉ còn có căn phòng, bốn vách tường thấy bóng ông hẩm hiu.

May mà ông có nỗi đam mê ở công việc mình làm. Ông thích điện toán. Ông xem việc làm của mình chẳng qua là tham dự vào một cuộc đấu trí có tiền thưởng không hơn không kém.

Như vậy, ông đã sống sót qua 7 năm với nghề thảo chương viên (programmer) này.

Ông hiểu rằng, dù ngôn ngữ điện toán có thay đổi cùng thời gian, nhưng qui luật điện toán vẫn là một. Vẫn là input, processingoutput. Input là những dữ kiện mà ta có. Ta dùng ngôn ngữ điện toán (language [5] ) để viết, sau đó, máy sẽ chạy nhờ chương trình của ta để tạo thành output, tức kết quả mà khách hàng yêu cầu, hay ít ra có giá trị cho người khác...

Bảy năm. Từ khi bắt đầu, dùng ngôn ngữ assembler, loại ngôn ngữ rắc rối, rườm rà nhất, hoàn toàn không thân mật cũng không English như IF or ELSE rồi đến Cobol, rồi C, rồi C++, rồi SHELL, rồi IMS, rồi CICS, rồi ISAM, Easytrieve rồi ABAP/4... Rồi mainframe, rồi Unix, rồi PC, rồi NT rồi SAP... Trời ơi ! Trời ơi, bao nhiêu ngôn ngữ ông phải để trong bộ bán cầu não, khi nó đã quá dày những hận thù, những rượu chè, đàn bà, súng đạn, những ngất ngư mê mệt của ngày tháng thanh xuân, của tù tội của vượt biển hãi hùng. Lại cộng thêm chữ Anh chữ Mỹ. Lại cộng thêm số điện thoại, số an sinh xã hội hay những password [6] của thẻ thiếu chịu, hay của cả chục hệ thống điện toán mà ông phụ trách... Như vậy, mà ông phải nhớ, không nhớ thì phải ráng. Ráng trong khi ngày càng lúc càng kéo bóng xế của đời người.

Thật vậy, thử mổ xẻ phân tích tại sao tuổi già lại hay bị lãng trí, hoặc hay quên. Thử nhìn vào cái máy siêu điện toán, mỗi giây có thể thực hiện cả triệu phép tính, nhưng chắc gì nó lại không bị lỗi. Không phải vì nó tính sai, nhưng vì cặn bã còn sót, còn bám. Bởi vậy có một lệnh (command) tên "refresh" để hốt rác hốt bụi hốt những phế thải khỏi máy trước khi dùng. Bởi vậy có những lệnh (command) như INIT tức initialize để dọn bãi trước khi người programmer bắt tay vào những việc khác. Bởi vậy máy mới ít phạm lỗi hơn là máy cũ.

Còn con người. Vẫn bộ não ấy. Vẫn trí óc ấy. Cứ nhét hoài, cứ dồn hoài cái gọi là cuộc đời, và biết bao nhiêu điều xảy ra khi hắn bắt đầu khóc mấy tiếng oa oa. Tức nước thì vỡ bờ. Ở đây không vỡ bờ mà làm chậm lụt, làm mất dần tinh tế thông minh.

May mà con người còn có một ngôn ngữ khỏi cần phải học, phải nhớ, tự động phát ra khỏi cửa miệng, khỏi cần cắn lưỡi cắn răng khỏi cần nhăn trán suy nghĩ. Ðó là tiếng Mẹ đẻ của hắn.

Nhưng mà hắn lại ít dùng, ông lại ít dùng. Có khi suốt cả ngày 8 tiếng đồng hồ, ông chưa nói ra một tiếng Việt. Có khi nói ra rồi lại giật mình. Tại sao mình lại dùng chữ Việt chứ. Hèn gì thằng Gary trố mắt ngạc nhiên. Có lẽ vì lịch sự nó không hỏi sorry I can't understand what you were saying about... Ôi, tiếng Việt. Ông đã quên nó ban ngày, nhưng chiều về, hay ban đêm, ông nhớ nó, ông dùng nó, ông thì thầm, ông ru em, ông hát, ông say sưa kể trong điện thoại, ông cãi, ông la, ông đọc, ông cảm nhận... Nó có thể diển tả tâm sự của ông. Nó không phải để cái lưỡi vào giữa hai hàm răng cắn lại khi phát âm tiếng th. Nó thật giản dị dễ dàng như bài ca của Phạm Duy:

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời...
À ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời...

Có ở trong hoàn cảnh của một kẻ bị mất tiếng nói, mới càng thấm thía được ý nghĩa của bài hát. Hắn cảm thấy mình thua thiệt hay không có chỗ đứng.

Dường như các cấp lãnh đạo của công ty biết được niềm u uẩn của những nhân viên gốc thiểu số nên thường xuyên mở những khóa học về Diversity, tức dị biệt về chủng tộc, màu da trong một cộng đồng lớn. Họ bắt buộc mỗi nhân viên phải tham dự hai khoá: Diversity I và Diversity II.


*


... Phòng học quá rộng. Bốn góc được trang bị bằng 4 máy truyền hình cỡ bự. Ngoài phòng đã kê sẵn chiếc bàn dài phủ khăn trắng với cà phê, bánh ngọt điểm tâm. Các vị giảng sư đều được mướn từ những nhóm consultant danh tiếng chuyên về môn Diversity - dị biệt trong một tập thể đa chủng. Không biết họ có thể đánh tan những áng mây u ám trong tâm trí của ông hay không. Bởi vì mục đích của khoá học này không phải là tìm một lời giải cho vấn nạn: chia rẽ, phân ly, nghi kỵ từ ngưòi này qua người khác, tập thể này đối với tập thể khác, hay rộng hơn, giống dân này đối với giống dân khác hay sao?

Ðầu tiên, vị giảng sư kêu mọi học viên viết tên họ trên tấm giấy dán lên ngực áo, và yêu cầu tự giới thiệu tên họ, kinh nghiệm, tại sao lại chọn môn này mà học... Lúc đó, một cô gái đã đến bên ông hỏi bằng tiếng Anh: xin lỗi có ai ngồi ở đây không? Ông ngờ ngợ cô gái ấy là người Việt Nam. Ông bảo không có ai hết, cô có thể ngồi. Mái tóc chớm vai, đôi mắt tô than, và một gương mặt thanh tú. Bây giờ cô gái viết tên trên tấm giấy nhỏ: Kim Nguyen.

Thì ra cô gái là đồng hương với ông. Ông nghe niềm vui không đâu. Cô bạn học ơi, cô có biết tôi vui lắm không. Trưa nay tôi và cô sẽ ngồi ăn chung một bàn, và chúng ta sẽ cùng nói cho nhau nghe về nghề nghiệp, thú vui, hay có thể là văn chương, no nê tiếng xứ mình. Chúng ta hẳn phải thân thiết nương tựa nhau hơn, bởi vì trong số đông đảo, chỉ có hai đứa chúng ta thuộc thành phần thiểu số... Ngoài tình đồng hương, chúng ta còn có cả tình đồng nghiệp... Phải không cô bạn VN? Ðiều này khiến ông vui mừng để chào hỏi, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ: "Chào cô, cô làm ở bộ phận AT&T nào?". Nhưng người con gái đã trao cái nhìn ngạc nhiên đến nhói cả tim ông: "I am sorry, I don't understand what you say". Trời ơi, ông tối tăm mày mặt. Câu trả lời như một chiếc gáo nước xối mạnh vào mặt ông. Mặt ông nóng bừng. Ông nói bằng tiếng Anh: "I am sorry too". Cổ họng của ông đắng, như nghẹn. Ông muốn rời lớp lập tức.

Nhưng ông vẫn ngồi lại, bên cạnh cô gái, một người Việt Nam trăm phần trăm. Hai tên Việt Nam Kim Nguyen và Tan Nguyen vẫn được thấy rõ bên cạnh Elizabeth, Rich, Ed, Bob, Tina... Ông đã ngồi để đau đớn vì khoảng cách diệu vợi vô cùng của hai người. Không ai nói với ai một lời. Kể cả tiếng Mỹ. Kim chỉ nói với người bạn gái Mỹ bên trái nàng. Nàng nhún vai. Cười nói rất tự nhiên như một người Mỹ chánh gốc. Hay là nàng sợ cái tiếng Việt Nam, muốn xa lánh, chối bỏ. Hay nàng khinh rẻ một người đồng hương. Hay tại vì gia đình đã không dạy nàng, muốn con họ như một người bản xứ chánh gốc? Dù thế nào đi nữa, ông cũng cảm thấy một nỗi mất mát ghê gớm. Trời ơi, một bầy chim phân ly tứ tán, ngỡ bây giờ tụ đàn, để che chở thương yêu nhau, nhưng hình như lại càng xa cách nhau hơn bao giờ. Người lớn thì phân rẽ, con cháu thì bỏ cội rễ như lời ca ảo não của ai qua bài thơ phổ nhạc của Hà Huyền Chi: "Ðứng đây ngắm xuống bầy con. Lơ là tiếng Việt để yêu ngôn ngữ người..." Ông đã nhủ thầm là hãy cố quên, cố xem đây là một lớp học như mọi lớp học khác mà ông có mặt, và người bên cạnh như một người Mỹ xa lạ nào đó, nhưng cuối cùng ông nghe vị cay đắng thấm tê đầu lưỡi. Ông đưa mắt nhìn quanh cố tìm một chỗ ngồi khác. Không còn chỗ nào trống...


*


... Ông thầy Mỹ đen ngước đôi kính gọng vàng nhìn đám học trò đủ hạng tuổi, hạng nghề, nam cũng như nữ, chào, tự giới thiệu, rồi nói:

"Ở bốn góc phòng có treo bốn tấm giấy lớn. Góc phía mặt tôi dành cho những ai cảm thấy đến với khoá học này như là tù nhân (prisoner). Ðằng góc trái, là dành cho quí vị nào muốn xem khoá học này là người đi nghỉ phép (vacationer)... Góc phía phải sau tôi là chỗ dành cho những ai nghĩ rằng sẽ tìm được vài điều hữu ích gì đó qua ngày học hôm nay, nghĩa là người muốn khám phá điều gì (explorer). Nào, quí vị nghĩ gì buổi học hôm nay, quí vị cứ đến chỗ tấm giấy định sẵn, thảo luận tại sao, rồi viết lên trên giấy. Quí vị có mười lăm phút thảo luận..."

Ông trố mắt xem cuộc chơi. Xem thử 40 người đàn ông đàn bà, thanh niên thiếu nữ, nhân viên cấp cao, hay cấp thấp, nghĩ gì về cái chữ Diversity. Bài Diversity I đã dạy cho học viên hiểu về cái độc hại của sự phân rẽ qua những ví dụ về stereotype, tức là những thành kiến mà sắc dân này đối với sắc dân kia, nhóm người này đối với nhóm người khác, già đối với trẻ, trẻ đối với già, đàn ông đối với đàn bà và ngược lại, đen đối với trắng, trắng đối với đen hoặc đối với da vàng. Học viên đã tự do viết những tiếng lóng, lời tục, lời xấu, ác ý. Họ viết gì về Việt Nam? Học giỏi. Lái xe không biết luật. Ăn bám. Ký sinh. Họ viết gì về đen. Thể thao. Lười. Ðẻ con nhiều để lãnh trợ cấp. Họ viết gì về trắng. Thông minh. Bóc lột. Tham lam vô đáy. Họ nói gì về người già? Ðè đám trẻ. Lương cao nhưng làm việc không năng suất... Như vậy làm sao lại gom tất cả sức lực của tập thể để trở thành một sức mạnh chung ở cái xứ tạp chủng như xứ Mỹ này? Bài học đưa cái kết luận: Chỉ có cách là phải lột bỏ những thành kiến ra khỏi máu huyết. Và cuối cùng, cách giải quyết có vẻ như con trẻ. Từng người một xé, chà đạp trên tờ giấy không thương xót. Cả hội trường rộn lên tiếng đạp, tiếng xé, tiếng cười. Mấy tay trẻ háo thắng, hết làm tội tình tờ giấy này, chạy đến tờ giấy khác, hành hạ tiếp.

Giờ đây, bài học Diversity II này đã không họ bắt họ chà đạp, phỉ nhổ, mà trái lại, giúp cho họ nhận thức được sự độc hại của thành kiến qua kinh nghiệm bản thân. Ông nóng lòng tìm hiểu. Ông cố gắng mở lớn đôi mắt, căng đôi tai. Cả phòng học bừng lên rộn ràng bởi sự chọn lựa. Nhóm tù nhân là nhóm được học viên chọn đông đảo nhất. Kim là người trong nhóm ấy. Thì ra cái học vẫn là một cực hình cho mọi người. Kế đến là nhóm nghỉ phép. Còn ông, ông chọn nhóm thứ ba, tức là nhóm dành cho những kẻ muốn tìm một lời giải ở khoá học. Vâng, ông muốn lắm. Lòng ông bây giờ cũng ngổn ngang lắm. Có những điều mà cả những ông thầy tài giỏi bậc nhất cũng không thể hiểu nổi ở một người Việt Nam này. Khi chọn, ông đã đau khổ liếc mắt nhìn người con gái đồng hương. Em là tù nhân còn tôi là kẻ đi tìm. Vâng, tôi đi tìm đây. Tại sao ngay cả hai người cùng màu da, cùng tiếng nói lại không nhìn mặt nhau, lại coi nhau là hai kẻ xa lạ? Tại sao? Tại sao? Ông đã đứng yên bên tấm giấy, mà tiêu đề viết bằng mực xanh: Explorer. Ông phải nói gì đây cùng ba người học viên xa lạ. Tại sao? Tay điều hợp viên được bầu, hỏi từng người. Ðến phiên ông, ông nói, tại vì tôi muốn tìm hiểu tại sao. Một bà học viên khác: Tôi cũng vậy. Tôi muốn tìm cái lời giải trong một tập thể hỗn độn này.


*


Bây giờ từng nhóm một xách ghế ra giữa phòng. Ông giảng sư ngồi ở giữa, hỏi ý kiến từng người về nhóm chọn lựa và yêu cầu học viên giới thiệu về mình, thêm một đôi lời về kinh nghiệm dị biệt trong đời sống họ. Tiếng cười nói hay gay gắt vang động. Tại sao tao cảm thấy là tù nhân tội đồ khi đi học khoá này? Bởi vì tao chán phải nghe hoài cái điệp khúc kỳ thị, trắng với đen, đen với trắng. Vâng, tao là trắng. Người ta bảo tao là sắc dân được ưu đãi, là white male, nhưng tao được ưu đãi cái gì? Mệt óc lắm rồi. Một tay đàn ông giận dữ phát biểu. Tiếng vỗ tay tiếp theo. Vâng, tao cứ phải nhét trong đầu những điều tao không muốn nghe, như vậy tao không phải là tù nhân sao? Một người khác phát biểu. Một người trong nhóm nghỉ phép có ý kiến: "Tôi thì muốn bỏ quên trăm cú điện thoại đến điên khùng..." Cứ thế mỗi người đều phải nói lên ý nghĩ của mình. Còn ông thì sao. Ông phải nói gì để gọi là góp vào cái kinh nghiệm của một nền dị biệt đau lòng của lịch sử từng xảy ra trên đất nước ông. Việt Nam xa cách. Việt Nam mấy mươi năm đánh nhau, chém giết, Việt Nam Trịnh Nguyễn phân tranh, vua chúa hàng trăm ngàn cung phi mỹ nữ, cung cấm giả dối lường gạt vẫn nằm yên dưới bóng đêm ma quái, và Việt Nam ngay trong phòng học này hai người không nhận ra nhau, xa lạ, sững sờ... Nhắm mắt lại, cầu Trời, cái câu hỏi đen đặc như vết máu bầm được một liều tiên dược. Giữa phòng, cuộc thảo luận góp ý vẫn sôi nổi. Thì ra mỗi người vẫn là một cù lao, vẫn là một thái cực. Huống hồ là một tập thể, hay nói rộng ra, là một dân tộc. Bởi vậy, hãng mới trả một số tiền quá lớn cho giảng sư, bao tiền sách vở, ăn ngủ miễn phí, bắt nhân viên phải học. Họ đã hiểu, sự thành công hay thất bại của một công ty trên ba trăm ngàn người, tùy thuộc vào sự chia rẽ hay kết đoàn. Họ muốn ba trăm ngàn người là ba trăm ngàn người lính, cùng trong bộ đồng phục, và sắc cờ không hơn không kém.

Ðến lượt nhóm "Explorer" xách ghế vào giữa phòng. Bốn chiếc ghế lẻ loi. Mấy mươi người còn lại ở xung quanh phòng đang nhìn vào. Lại một câu hỏi thường lệ của ông giảng sư: Tại sao quí vị lại thích explorer. Mỗi người phát biểu. Ðến phiên ông. Thưa các bạn, tôi đến từ Việt Nam, miền Nam Việt Nam, ở đó dị biệt đã hành hạ chúng tôi, dân tộc chúng tôi. Tư bản. Xã hội. Cộng sản. Tự do. Trên triệu người tuổi trẻ chết cũng vì Diversity. Không ai chịu nghe, chịu san sẻ, tha thứ, hay cảm thông. Không ai chịu nhận lỗi của mình, mà trái lại họ cứ nghĩ họ là đúng, và bắt người khác phải tuân phục... Ông muốn trút tất cả những uẩn ức nhưng ông không thể nói nên lời. Bao nhiêu vấn nạn của người Việt lưu vong. Sự xa cách buồn thảm của thế hệ này và thế hệ khác, những nhân danh, những lừa mị, những bôi nhọ, những bóng quạ bóng dơi. Những người ngày xưa hèn mạt, sợ chết, lòn cúi, chưa bao giờ biết mặt trận là gì, cái chết là gì, những kẻ ở đằng sau để mà chạy trước... Họ bây giờ lại thêm một lần hô hào... Và nếu ai đi khác đường lối của họ, là họ lập tức phun ra những nọc độc... Ðể con ông sợ khi phải nhắc đến Việt Nam. "Ba à, sao con thấy người Việt mình chửi nhau quá hả ba?" Thằng con của ông có lần đã hỏi ông như thế. Nó nói tiếp: "Ðến đâu con cũng thấy họ chửi". Ông đau khổ, lòng rối bời. Ông nghẹn lời. Ðâu có ích gì để mấy chục người bản xứ này nghe và có cái nhìn không tốt đối với đồng bào ông... Cuối cùng ông chỉ biết khẩn cầu: Please. Give me a solution.

Cả phòng im phăng phắc. Sự thật đã khiến họ động lòng, hay chính cái kinh nghiệm của cá nhân ông, đã khiến họ bừng thức dậy bởi cái khốc hại của Diversity - cái khác biệt cố chấp của con người. Ông giảng viên thở phào, sau đó nói với ông:

"Như vậy là ông tìm đến khoá học này để chữa bịnh?"

"Vâng, tôi là một bệnh nhân".

Ông nhìn đăm đăm về phía người con gái.

Như vậy, một ngày trôi qua, và khoá học chấm dứt sau khi cả 40 người cùng nhau phát biểu cảm nghĩ về khoá học cùng những điều gặt hái được trong lớp. Tuy vậy, mấy ai quyến luyến với ai. Học để mà học. Ai cũng nghĩ là tù tội thì học để làm gì. Rồi cuối cùng bảng tên đã được bốc ra khỏi ngực áo. Riêng ông cảm thấy như thoát nạn. Ông nghĩ ông vừa trải qua một ngày cực hình đau đớn. Ông ôm cả chồng tài liệu ra ngoài bãi đậu xe, chạy như trốn một ám ảnh. Kim thì đang nói chuyện điện thoại. Tóc nàng đen xõa xuống bờ vai, đôi mắt tô than, dáng dấp nhỏ bé như một người xa xưa. Nhưng, trong tâm hồn nàng, tất cả con người của Việt Nam có lẽ đã mất. Có phải vậy không?


Nancy

... Như vậy, Nancy đã bỏ đi. Bỏ đi một cách lạnh lùng, không thương xót. Nancy, người thiếu nữ tóc vàng, đôi mắt xanh màu da trời mùa hạ. Nancy của những năm tháng, ngồi bên kia phòng làm việc, làm mỗi buổi sáng ông phải uống thêm một cốc cà phê để nhấp thêm những niềm vui nho nhỏ. Nancy của những buổi mai, đứng dựa vào khung cửa kính, để nắng vàng làm lung linh trên gương mắt xinh đẹp lạ thường. Nancy của những buổi trưa, giờ ăn, ngồi trước mặt trong cafeteria, để ông phải say thêm hai bờ môi xinh. Và Nancy của những buổi chiều về muộn, cùng nhau bù đầu về một dự án chưa được giải quyết, để ông hiểu thêm về những cam khổ chia nhau... Nancy của những ngày đầu tiên để ông dìu dẫn, từ một dự án dễ đến dự án khó, giúp nàng tự tin cùng thế giới gọi là cổ trắng IT. Nancy với tiếng cười rộn ràng khi ông kể những câu chuyện khôi hài, để ông thấy lại niềm vui tuổi trẻ. Cũng căn phòng này ông thấy nàng mỗi ngày, bên kia bên này, bờ vai thon mềm, tấm lưng cúi trên bàn làm việc, hay những lúc nàng say mê trước những game trên màn ảnh computer. Nancy với mỗi buổi sáng khi bước vào phòng, ông càng nhận ra chiếc áo mới, chiếc quần mới, mái tóc vừa cắt, và sau đó là những lời khoe của nàng. Và Nancy với những ngày thứ sáu, cùng những dự tính cho cuối tuần cùng những lời chúc mừng. Nancy và ông đã có biết bao nhiêu kỷ niệm trong suốt sáu năm trời như thế. Như vậy, làm sao nàng lại bỏ đi một cách đành đoạn, tàn nhẫn, chẳng nói cả một lời từ biệt với ông như thế này. Tại sao. Vâng ông biết. Bởi vì xã hội này khuyến khích họ như vậy. Hãy chụp bắt những cơ hội. Hãy nhìn về tương lai, bỏ quên quá khứ. Ðừng bận tâm về tiếng trung thành. Ðừng hàng ngũ. Ðừng kỷ niệm. Xứ sở này chỉ biết tranh đấu. Ðể tự tồn.

Ông đứng áp mặt vào khung cửa kính. Dưới kia là bãi đậu xe mênh mông, sau đó là xa lộ 287, dập dìu xe cộ. Cánh rừng sau đó, một màu xanh thẫm bạt trùng. Ðàn ngỗng trời đậm cánh đen thẫm giữa bầu trời trắng sữa. Trời ơi, ngay cả con vật vẫn còn biết dìu dắt nhau, nương cậy nhau, tìm đàn, tìm đồng loại. Còn ông, như một kẻ lẻ loi nhất của thế giới này. Ông đã mất bạn bè, đồng đội, hàng ngũ. Ông đã mất đất nước quê hương. May mà chỉ còn mỗi một Nancy để bầu bạn, thì bây giờ nàng lại bỏ ông. Không hiểu sao, ông thầm thì: Nancy, I miss you.

Hôm nay, ngày đầu tuần, ngày mà cả bọn thường hay kể những trận football đại học hay football chuyên nghiệp vào ngày thứ bảy hay chúa nhật hôm trước, từng người một đã vào phòng sếp lớn, để nhận phong thơ. Ai cũng biết những gì sắp sửa. Tương lai có vẻ u ám. Nhà. Xe. Bảo hiểm. Tiền học phí cho con. Mất việc có nghĩa là mất hết.

Cả hành lang bây giờ vắng tênh, chẳng một tiếng nói cười như thường lệ. Họ chắc cũng như ông đang ngồi trước bàn viết với những câu hỏi. Chắc họ sẽ cân nhắc, đo lường, tính toán, và đôi khi mong mỏi những thằng bạn của họ sẽ trở thành những kẻ không may mắn. Chắc họ sẽ mong ước, bạn bè của họ mới là nạn nhân. Vâng, mười năm nay, ông đã chứng kiến bao nhiêu người bỏ đi, và bao nhiêu người được đổi đến. Ông cũng đã dự biết bao nhiêu buổi tiệc từ giã, đã ký trên nhiều tấm cạt chúc mừng, đã bắt tay bao nhiêu người không quên nói may mắn. Quả thật vậy không. Trong một bài học gì đó mà ông không thể nhớ tên, bà giảng sư nói rằng trung bình trong đời của một người Mỹ đã có đến 20 lần thay đổi nghề, và đã bị nhiều người phản đối. Ông không đồng ý với bà ta bởi vì mười năm nay, ông vẫn có mỗi một công việc này để bám trụ. Nhưng ông đồng ý với bà, ở lời giải thích, rằng đừng nghĩ là mình trở nên quan trọng hay cần thiết cho tổ chức. Ðừng dậm chân tại chỗ. Phải lợi dụng cơ hội để tiến lên. Sẵn sàng rời bỏ hãng, không cần bịn rịn. Ðến đây, ông nhớ ra rồi, ông có hỏi bà ta như vậy làm sao nhân viên thợ thuyền lại sống chết cho hãng. Làm sao mỗi người trở nên một công cụ sản xuất đắc lực? Ðám học viên nhìn ông có lẽ nghĩ ông là tay ngốc nhất thế gian này. Vâng, ông đã ngốc rồi. Ông sẽ không bao giờ hỏi những câu hỏi như thế nữa đâu. Ông cũng biết rồi đây, không ngạc nhiên, thêm vài người nữa bỏ đi. Và thêm vài phòng trống trải trơ trọi, còn sót lại tấm bảng tên gắn ngoài tấm vách chắn. Rồi mọi thứ vẫn quen thuộc. Không kỷ niệm. Không vui, không buồn. Không tình nghĩa. Không đồng đội. Không luyến lưu.

Tờ báo ngày đang nằm trên bàn. Ông đọc lướt trang đầu. Một tin có vẻ khôi hài nhưng cay đắng được đăng bằng tiêu đề lớn. Môt vụ đuổi bắt trên con đường liên bang 95 giữa nhân viên công lực và một tay lái xe truck liều lĩnh. Và cuối cùng tay tài xế đầu hàng sau khi cảnh sát hứa sẽ cho một ổ sandwich cùng thuốc lá. Lý lịch của tên trộm xe này là một kẻ vô gia cư, nguyên là một computer programmer [7] bị thất nghiệp và bị vợ bỏ. Ông đọc và nghẹn. Sự thật quả như vậy sao. Làm gì lại bi thảm đến độ phải ăn trộm cả xe truck, và sau đó phải thúc thủ bằng một miếng bánh mì và một điếu thuốc. Thì ra, áo cơm vẫn là một thảm kịch. Nó đã biến con người trở nên một tù nhân. Một tù nhân không có nhà tù.


*


Những ngày cuối năm trôi qua quá ảm đạm. Những chuẩn bị quen thuộc cho một mùa Lễ, mùa Chúc tụng đã không còn nữa. Vắng đi những viền kim tuyến, những chậu hoa màu đỏ, những cây thông xanh, hay cả những lời chúc tụng rộn ràng. Vắng đi cái bầu không khí xôn xao từ tiếng nhạc Noel quen thuộc. Vắng đi hình ảnh của những chiếc thiệp Giáng sinh được treo la liệt trên vách phòng hay những tiếng còi hú rộn ràng từ con tàu xe lửa mà ông già Bill hằng năm mang đến để giúp vui trong dịp Noel. Liệu những kẻ mang danh IT giống như những ốc đã rỉ, những bộ máy đã cũ, những ngôn ngữ điện toán đã bị đào thải như assembler, machine language, hay như những cái chip đã bỏ vào sọt rác như cái chip 8086 xa xưa. Cơm áo. Ông cắn răng không dám nghĩ, nhưng phải nghĩ. Cả nước Mỹ, mọi đài truyền hình, mọi báo chí đều nhắc nhở đến vụ layoff khủng khiếp, bằng những tin tức hàng đầu. Stock tăng lên vùn vụt. Một đằng vỗ tay vui mừng và một đằng đau theo vết cứa. Ðó là business. Ðó là nước Mỹ. Vua chúa không phải là tổng thống, thống đốc, bí thư mà là boss. Chỉ có boss mới cho nhà cao cửa rộng, xe đẹp, con học trường tốt. Boss mà không muốn thì tất cả mất hết.


*


Buổi chiều, ông trở lại nhà. Có nên nói về phong bì và cái ân huệ của hãng cho vợ ông hay là nín câm. Mùa thu đã sắp tàn, trên những lớp lá khô càng lúc càng phủ đầy sân nhà. Mở nắp thùng thơ. Một phong bì gởi từ quê nhà. Hà Tiên. Chữ viết mềm. Mở ra. Thư của người nào, thoáng gặp trong cuộc đời. Mắt nhắm lại, ông biết lòng ông đang chạnh lại.

Lá thư như thế này:

Ông ơi, ông còn nhớ ngày xưa, ông và bạn bè ông ra bờ sông ở chợ Tròn vác gạo hay không? Hôm ấy ông nhờ tôi cất giùm bài thơ ông làm trong trại cải tạo. Sau đó, tôi không còn biết tin tức của ông ở đâu nữa. Bây giờ biết ông đang ở xứ Mỹ, tôi rất vui mừng mà không còn bâng khuâng nữa. Ðây là bài thơ ông viết cách đây mười tám năm, tôi xin gởi hoàn về chủ của nó:

Người em chợ Tròn

Chuyến đò nào đưa em về trong mưa
Tôi mang đôi mắt em theo dòng kinh xám
Tôi nói một mình, tôi chỉ còn em
Chỉ còn em, có nghĩa là lòng tôi nhỏ lệ

ừ thì đò đưa người xa khuất rừng lau
Rồi tôi sẽ về cùng đầm dạ trạch
Em còn mang cho tôi chiếc khăn sọc rằn
Vướng thêm sợi tóc dài bỏ sót

Sợi tóc mấy năm em làm tình nhân
Khi em theo tôi một thời lận đận
Khi nhớ nhung theo con nước đầu sông
Khi đêm ngày viết đầy những trang nhật ký
Khi yêu tôi, em trở thành thua lỗ
Bắt chước ca dao, hái nụ khổ đau


*


Mắt ông cay nồng. Thì ra giữa lúc ông đang mệt lả cùng miếng cơm manh áo, giữa cõi người, nơi mà tự do, dân chủ, giàu sang thịnh vượng được ca ngợi là bậc nhất hoàn cầu, nhưng ông vẫn không thể tìm ra một cõi tình nghĩa chân thật, nỗi ân cần dịu dàng như ông đã gặp trên quê hương ông. Ở đó là con tim, như con tim của một người con gái nào đã âm thầm theo ông qua giòng lận đận và mãi đến bây giờ. Ở đó, trong cõi hoạn nạn chập chùng, dù sao ông cũng còn vẫn tìm được nụ hoa quí. Hạnh phúc là gì. Nếu không phải bên ta có những đôi mắt theo ta, cảm thông với ta, vui buồn vì ta? Hạnh phúc là gì, khi bên đời ta vẫn còn có những người vì ta mà hy sinh, chịu đựng, hái nụ khổ đau?

Trang giấy ngày xưa dù vàng ối, cũ mèm, chữ của ông cũng vậy, cũng nghiêng ngửa trong hơi thở hụt hẫng và sợ hãi âu lo nhưng nó vẫn còn được giữ gìn qua bao nhiêu chập chùng của lịch sử. Chỉ có ông là quá đỗi vô tình. Ông đã quên những nụ bông tươi đẹp nhất, quí giá nhất, để chạy đuổi theo đến mê mệt, hụt hơi hai tiếng áo cơm này đến buồn muốn khóc.



[1]UNIX: một hệ thống vận hành (AT&T)
[2]mainframe: dàn máy IBM có hệ thống vận hành cao (VM, VMS...)
[3]system: hệ thống điện toán
[4]consultant: chuyên viên đặc biệt làm việc trên căn bản hợp đồng
[5]language: ngôn ngữ điện toán
[6]password: bí số, mật số
[7]programmer: thảo chương viên
Nguồn: ThÆ° Ấn Quán xuất bản, 2003. Địa chỉ liên lạc: PO Box 58 South Bound Brook NJ 08880 USA, http://thuanquan.com, tranhoaithu@verizon.net