© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
31.5.2006
Trần Hoài Thư
Cổ trắng
 1   2   3   4   5 
 
Binh đoàn Ấn Độ

Ấn Ðộ tràn lan. Ấn Ðộ xâm lăng. Ấn Ðộ ngạo nghễ. Cả ngôi lầu chỉ thấy hầu hết là Ấn Ðộ. Da đen ngâm. Giọng nói nhanh khó nghe. Phát âm chữ l thành chữ n. Thỉnh thoảng có anh chàng đội mũ, râu rậm hầu như che cả miệng hay một nàng còn in dấu son đỏ giữa vầng trán. Ngôn ngữ khác lạ cũng bắt đầu thay thế tiếng Anh, tiếng Mỹ, nghe quen thuộc trên hành lang, trong thang máy hay ngoài bãi đậu xe... Ấn Ðộ đại thắng mùa xuân, mùa hè, mùa thu mùa đông. Không cần bão nổi lên rồi mà ngôi lầu, phòng, ban, nhóm phải treo cờ trắng. Ðể từng đàn từng lũ dân cổ trắng bản xứ âm thầm rời bỏ chỗ dung thân mà ra đi chẳng cần kiện cáo, khiếu nại mất công.

Cuộc xâm thực màu da này không biết xuất hiện lúc nào. Riêng nhóm ông, chỉ ba năm mà đã có ba chàng và một nàng gốc Ấn có mặt. Họ có mặt một vài tháng, lâu nhất là một năm rồi sau đó họ bỏ đi, chẳng để lại một dấu vết.

Trừ những tay consultant [1] Ấn làm việc ở Mỹ lâu năm lão luyện tinh ranh như những cáo già, đa số những người mới nhập cư này đều trẻ, đến Mỹ theo diện visa "cổ trắng ngoại quốc" (H1-B) qua trung gian của những công ty hay văn phòng chuyên môn sống nhờ bằng bán buôn chất xám và mồ hôi.

Ông Nguyễn đã có một thời gian dài làm việc chung với những chàng "thợ khách" này. Theo ông nhận xét, họ rất cần cù, chịu khó học hỏi, lại dễ sai bảo. Họ bán chất xám của họ để đổi lại giấc mơ Mỹ quốc. Ðể đổi lại, họ bị lợi dụng, nhiều khi bị bóc lột. Những ngày đầu của họ tại đất Mỹ, họ cũng bị nhét bốn năm người vào chung một phòng, thiếu thốn tiện nghi. Họ cũng phải tự lực vươn lên giữa cõi người xa lạ. Họ bị thua thiệt đủ mọi phương diện. Họ không dám tiêu xài, không đủ tiền để mua xe mới. Ba bốn người hùn nhau mua một chiếc cũ để đi chung. Cuộc đời của họ tuỳ thuộc vào chủ mướn. Chủ ở đây không phải là công ty mà họ thực sự làm việc, mà là cơ quan hay tổ hợp trực tiếp làm giấy tờ giúp họ qua Mỹ theo diện H1-B visa, tức là diện nhập cảnh những chuyên viên hay trí thức nước ngoài. Họ được quyền ở Mỹ 3 năm, sau đó nếu muốn ở lại thêm, họ được quyền triển hạn thêm 3 năm nữa, nhưng với điều kiện có một công ty chịu bảo trợ.

Họ không thể thoát khỏi sợi dây thòng lọng trong suốt thời gian ở Mỹ. Họ phải tự kiếm việc, nhưng lương tiền không trực tiếp đến với họ mà qua bao nhiêu cửa. Từ công ty có hợp đồng làm ăn với hãng cần người đến những văn phòng agency chuyên về dịch vụ H1-B. Ðể cuối cùng, khi đến tay người "thợ khách" này chỉ còn lại số đồng lương rẻ mạt.

Có nên xem sự có mặt của họ đồng nghĩa với tai ách hay không?

Theo ông, không thể trách họ, mà trách chính sách. Chính sách khuyến khích mướn chuyên viên và những người trí thức từ nước ngoài vào Mỹ. Con số này không phải là không nhỏ. Phải nói đến cả triệu từ trước đến nay. Ông không phải là chuyên viên thống kê, nhưng theo một tài liệu ông đọc được, nội năm 2001 có đến trên 360.000 người nạp đơn xin tái hạn thêm 3 năm. Với con số tái hạn kinh khủng như vậy, thì số lượng chuyên viên và trí thức ngoại quốc nhập cảnh theo diện H1-B từ trước đến nay có thể lên đến cả triệu, không phải là không có lý.

Không biết con số cả triệu người ấy, có bao nhiêu kẻ bị tống xuất về nước. Người ta đoán là không nhiều, vì qua 6 năm ở Mỹ, đám cổ trắng ngoại quốc này sẽ có đủ tiêu chuẩn để được nhà nước ban lượng khoan hồng cho định cư vĩnh viễn như các sắc dân khác.

Từ con số một triệu ấy, bao nhiêu việc làm bị mất, bao nhiêu người cổ trắng bản xứ phải ra đi. Bao nhiêu mơ ước bị tan vỡ. Từ con số một triệu ấy, bao nhiêu nghiệp vụ consultant, contractor dưới tên Patel, ví dụ, được thành lập nhan nhản. Họ cạnh tranh nhau. Họ hạ giá cả lương bổng thị trường. Họ có thể ký hợp đồng ngắn hạn hai ba ngày đến dài hạn cả năm. Họ luôn luôn trang bị cell phonelaptop bên cạnh để sẵn sàng trả lời những cuộc phỏng vấn từ xa hay sẵn sàng đi bất cứ nơi nào. Họ rất khôn ngoan lão luyện trong miệng môi. Bởi nghề họ là cả một chuỗi dài từ phỏng vấn này đến phỏng vấn khác.

Ông Nguyễn biết một tay consultant loại H1-B. Hắn ở Mỹ đã năm năm, và hy vọng được thẻ xanh năm tới, để mang cả gia đình từ Ấn Ðộ qua Mỹ. Không thể tưởng tượng là cứ hai tuần hắn bay đi bay về tuyến đường San Jose CA và Newark NJ. Hắn kể là hắn đã làm consultant cho trên ba chục công ty. Toàn là những công ty có tầm vóc.

Khi ngồi chung một phòng, ông phải bị nhức đầu bởi tiếng chuông điện thoại reng liên hồi từ khách hàng muốn mướn hắn. Hắn tha hồ nói về cái tôi của mình. Cái tôi nhiều khi khoác lác.

Bằng cớ là hắn chưa bao giờ có kinh nghiệm về Business Warehouse, luôn luôn năn nỉ ông hướng dẫn giùm, xin ông cung cấp những tài liệu để hắn học hỏi, tuy vậy, rõ ràng, bên tai ông, ông nghe hắn nói là hắn có kinh nghiệm về lãnh vực này, về những công trình hắn đã thâu đạt ở một vài công ty.

Ông hỏi hắn, mày nói như vậy, lỡ họ bắt mày làm thì sao?

Hắn cười, vuốt bộ râu rậm dày che hết cả miệng mồm như một pháp sư:

"Nói láo để làm sao chúng nó tin là cả một nghệ thuật. Nói láo phải có căn cơ. Thí dụ mình có kinh nghiệm một năm, mình khai ba, bốn năm. Hay mình khai mình hoàn thành một dự án vĩ đại mặc dù trên thực tế, cả một nhóm ba bốn người cùng làm, mình chỉ đóng góp một phần. Ai mà biết được... "

"Nhưng còn BW (Business Warehouse)? Mày nhờ tao chỉ mà?"

"Tôi phải nói vậy để chứng tỏ tôi biết nhiều. Ðó cũng là một nghệ thuật thành công. Thực sự tôi biết công ty ấy không bao giờ có BW... Chỉ những công ty lớn mới dám chơi BW".

"Tao phục mày sát đất. Mày nên đổi nghề là vừa. Bỏ nghề này để làm nghề dạy phỏng vấn đi..."

Hắn cười khoái chí.

"Phải. Có ngày tôi sẽ mở một khoá dạy làm cách gì để thành công khi đi phỏng vấn".

"Phải thêm. Nếu không thành công không nhận thù lao".

"Ðúng. Hoan hô ông Nguyễn".

"Nhớ ghi tên tao đấy".

Hắn là hiện thân của tay xâm lược. Mỗi ngày hắn kể cho ông về một hai nơi gọi hắn. Mà thật sự khả năng của hắn không thể siêu đẳng để kẻ đưa người rước như vậy. Bằng chứng hắn phải học từ ông. Nhưng trên trường đời, hắn là kẻ thắng thế. Hắn mang tin dữ. Hắn là tai ách. Hắn đến đâu, dân IT [2] bản xứ cuốn gói chạy dài...

Ðôi mắt hắn sắc như đôi mắt diều hâu. Hắn kể những gì mà hắn cảm thấy vinh quang.

"Công ty ở Netherland chịu trả cho tôi 150 ngàn đô la nếu tôi đồng ý. Nhưng tôi từ chối. Tôi nghĩ đến tương lai của đám con tôi..."

Hay:

"Công ty ở Denver mới gọi cho biết sẽ bao ăn bao ở bao khách sạn nếu tôi đồng ý làm việc với họ... Tôi đang suy nghĩ."

Suốt ngày, hắn lên Internet để theo dõi hãng máy bay nào hạ giá...

Có lần hắn năn nỉ ông đừng báo cáo với bà manager là công việc của hắn đã hoàn tất.

"Ông thông cảm giùm tôi. Tôi hết sức cám ơn. Nếu ông mà báo cáo thì tôi sẽ rời khỏi nơi đây sớm. Chúng mình đều cùng hoàn cảnh với nhau..."

Khi ông hỏi hắn về lợi tức lương bổng hắn nhận như thế nào:

"Giả dụ hãng này trả $90 một giờ, thì tất cả số tiền này đều đến mày hay qua những ai?"

"Không. Trước hết tấm check với tiền công $90 một giờ được gởi thẳng đến hãng thầu mẹ - tức là hãng ký hợp đồng với công ty. Sau đó hãng thầu này ký check với tiền công $70 để trả cho văn phòng H1-B. Cuối cùng là tấm check khoảng $50 một giờ mới đến tôi. Họ ăn $40".


*


Riêng toán ông, việc mướn dân Ấn Ðộ bắt đầu vào tháng 7 năm 2001.

Chàng đầu tiên tên là Bali.

Hắn khoảng 25 tuổi. Mới qua Mỹ chưa đầy một tuần lễ. Biết Cobol và C. Bà Rita nói với ông như vậy.

Hợp đồng sẽ kéo dài khoảng ba tháng để giúp ông trong một dự án lớn.

Mặc dù mang danh nghĩa là contractor, được mướn để giúp đỡ nhóm, nhưng thực tế, ông phải tốn nhiều thì giờ để huấn luyện hắn.

Ðể rồi khi hắn hiểu biết thành thục về công việc, thì hắn lại ra đi sau khi học được một số kinh nghiệm để bỏ vào resumé.

Có điều phải cần nói ra, có tính cách cá nhân. Ðó là căn bệnh hôi nách của hắn. Luôn luôn hai nách áo của hắn ướt đẫm mồ hôi, phát ra mùi đến lợm mửa.

Trong đời ông, chưa bao giờ ông bị hãi hùng bởi cái mùi hôi kỳ lạ đến như vậy, đến nỗi ông không còn dám dùng cơm trong phòng mình như mọi bữa nữa.

Cô bạn đồng nghiệp của ông thuộc nhóm khác, phải mửa thốc khi bước vào phòng ông.

Nhưng không ai dám nói ra.

Sau đó, ông phải xin bà Rita điều động hắn qua một phòng trống khác để hắn một mình một cõi.


*


Kể từ hôm ấy, nhóm của ông không còn mướn người làm nhân viên chính thức nữa. Trái lại, chỉ mướn Ấn Ðộ với tính cách tạm thời. Ông không phải là chuyên viên để nghiên cứu về tình trạng xâm thực màu da, và chất xám, nhưng ông biết, tình trạng này sẽ làm cho những đứa như ông không còn đất sống nữa.

Lúc này có một công việc để bám trụ là may lắm. Chỉ có những kẻ rất cần thiết mới còn hy vọng sống sót.

Riêng ông, ông vẫn còn sống còn sau những mùa giông bão. Những đồng nghiệp của ông đã lần lượt bỏ ông mà đi. Có kẻ tìm được một chỗ tốt. Có kẻ nghe nói đã nhận giấy sa thải. Có kẻ tự nhiên một ngày không thấy mặt. Còn kẻ ở lại thì tiếp tục chờ đợi đến phiên.

Không còn thời huy hoàng như ngày xưa nữa. Muốn trau dồi nghề nghiệp bằng cách xin đi tu nghiệp cũng bị bác. Cấp trên viện cớ ngân khoản thiếu hụt hay không có người thay thế. Nếu có một sự ưu ái ân cần mà công ty dành cho nhân viên là sự khuyến khích họ đi kiếm việc khác.

Mỗi ngày họ nhận những bản tin cần người, tuyển người qua e-mail. Nhưng thực tế, khó mà được lọt vào vòng sơ kết.

Ai cũng biết lúc này là lúc khó khăn nhất.

Người ta đổ thừa cho biến cố 11 tháng 9.

Trong khi đó, mỗi ngày thêm những gương mặt lạ đến từ phương xa.

Họ chiếm lấy ngôi lầu.


*


Cuối năm 2001, toán ông được chỉ định làm một dự án lớn nhất kể từ khi outsourcing: Order Automatization.

Lại thêm một tay Ấn khác được bổ sung vào toán.

Ðó là dấu hiệu của tin mừng.

Hay là một trận chiến buồn bã?


Trận chiến buồn bã

... Chưa lúc nào như lúc này, ông Nguyễn lại phải chạm trán vào một mặt trận mà chỉ có mỗi một mình ông là một tên lính cô đơn. Cái mặt trận không có súng nổ, đạn bay, không người chết, kẻ bị thương, anh trở về với đôi nạng gỗ, lá cờ phủ trên quan tài. Mà trái lại, nó là những gì ông viết trên computer, những gì ông suy nghĩ, những cuộc thảo luận triền miên giữa ông và một vài người có thẩm quyền của công ty để tìm ra lời giải hầu biến thành khí giới giải quyết chiến trường giúp cho chủ thắng và thợ thua.

Mục đích của mặt trận là làm sao tự động hoá hệ thống đặt hàng tức là order automatization. Có nghĩa là từ đây, không còn cảnh trên khắp nước Mỹ, với những nhân viên thay phiên trực trước máy để chờ trên màn ảnh những tín hiệu từ nơi xa gởi về, đặt hàng, trả lại hàng, trao hàng, đưa hàng tới UPS, Federal Express, bao nhiêu pound, bằng lối ưu tiên, hay Overnight, hay đường bộ... Sẽ không còn một nhóm chuyên viên ở tổng hành dinh mà người ta gọi là production support team thay phiên làm việc 24/24 để giúp các nhân viên ở xa giải quyết những chuyện phiền phức như điện tắt làm máy phải bị tê liệt, và các dữ kiện data bị hư mà danh từ chuyên môn gọi là crashed hay những vấn đề linh tinh khác.

Rõ ràng trong mặt trận này, kẻ thắng thì thắng lớn, bởi từ đây hàng trăm người sẽ mất công ăn việc làm, và công ty sẽ tiết kiệm mỗi năm hàng triệu đô la.

Tự động hóa hệ thống. System automatization. Từ lâu, người ta đã nói nhiều về việc tự động hoá. Thợ chờ đợi. Nhân viên bàn giấy chờ đợi. Những người có chức vụ trong công ty chờ đợi. Ai cũng dư hiểu một ngày máy móc kỹ thuật sẽ thay thế con người. Ai cũng hiểu một ngày họ sẽ bị đào thải bởi những dàn điện toán, e-Business, hay những chip nhỏ xíu như đồng penny mà sức chứa bằng cả một thư viện trung bình. Ai cũng chờ một ngày móng vuốt con quái vật sẽ vồ chụp họ, không cho họ một chỗ đứng. Nhưng một năm trôi qua, rồi một năm khác trôi qua. Họ vẫn tiếp tục làm kẻ sống sót. Họ vẫn tiếp tục mỗi ngày vào giàn máy làm những công việc thường lệ như canh chừng tiếng bíp của máy phát ra là họ dùng những dữ kiện đã có sẵn, đánh vào những ô trống cần thiết rồi cho máy chạy. Máy sẽ tính ngày hết hạn, số lượng tồn kho, hay trường hợp không có đủ cho nhu cầu đòi hòi, phải vay mượn từ các kho khác, phải cập nhất hoá để cuối năm làm kiểm kê cho chính xác. Nói tóm lại, ở đây, vẫn còn có sự có mặt của con người. Họ lý luận là tại chủ ngại tốn tiền khi phải thuê thêm những programmer, sau đó phải huấn luyện nhân viên, thợ thuyền, phải mua sắm trang bị máy móc.

Nhưng cuối cùng cái gì chờ đợi cũng đã đến. Bà Rita gọi ông cho biết quyết định của cấp trên và dặn ông đừng hé môi sợ nhân viên xôn xao. Bà hỏi ông. Không, bà ra lệnh cũng nên:

"Ông nghĩ liệu mình có thể hoàn thành dự án trong vòng một tháng không?"

"Một tháng?" Ông la lên.

"Tôi biết. Tôi biết. Nhưng người ta muốn vậy. Phải làm gấp."

"Tôi nghĩ là bà nên trình lại cấp trên. Thứ nhất là nhân lực. Chỉ có một mình tôi còn lại trong nhóm. Vả lại, tôi không thể làm full time cho dự án. Tôi còn có biết bao nhiêu việc khác phải làm"

"Tôi biết. Tôi biết."

Bà luôn luôn nói Tôi biết, tôi biết I know I know để chứng tỏ rằng bà đã hiểu những khó khăn mà nhân viên của bà sẽ gặp. "Ông về phòng nghiên cứu rồi trả lời cho họ vào buổi họp ngày thứ Năm này". Bà nói tiếp, như một cái lệnh, không cách gì thay đổi.

Ngày thứ năm, hai giờ trưa. Tám người khắp các tiểu bang cùng họp và thảo luận dự án qua điện thoại. Ông Bill nói về dự án và yêu cầu mọi người nhúng tay để dự án được hoàn thành đúng theo lịch trình.

Dù ông yêu cầu mọi người nhúng tay nhưng chỉ có ba người mới là vai chính. Trong đó có ông, Jeff và một người nữ á châu.


*


Một tháng phải hoàn thành. Cả ba người cố gắng giải thích là họ không thể kham nổi trong một khoảng thời gian eo hẹp như vậy. Nhưng nói để mà nói, trình bày để mà trình bày, họ vẫn bị buộc vào trong lịch trình đã ấn định. Bởi tất cả đã sẵn sàng. Tháng tới vài nơi sẽ đóng, những máy địa phương sẽ được nối về một máy chánh mà danh từ chuyên môn gọi là Main Server và máy này sẽ tự động làm tất cả việc mà trước đây máy địa phương đã làm. Họ nói thêm "Rồi còn phải thử. Còn test..."

Mặc cho những lời biện giải, những người quan chức của công ty vẫn khăng khăng. Rõ ràng, họ chưa bao giờ hiểu được hoàn cảnh cũng như những nỗi khó khăn của những programmer. Hay là họ nghĩ những tay này đang chơi trò làm yêu làm sách...

Như vậy, hết cách. Lại chiến đấu. Lại xung trận. Không phải là tên lính chiến đấu. Thời ấy con tim hừng hực lửa. Thời ấy bên cạnh là bạn bè đồng đội. Thời ấy chiến đấu để bảo vệ sống còn cho người khác. Bây giờ thì khác. Một người của số tuổi sắp về chiều chiến đấu. Chiến đấu cho ai, vì ai. Một trăm phần trăm là cho chủ. Bởi vì ông lãnh lương chủ, hưởng bổng lộc của chủ, thuốc men, nằm bệnh viện cũng từ chủ. Những kiến thức kinh nghiệm trong muời mấy năm trong nghề, hôm nay, ông cố mang ra để làm cho chủ. Ông biết đây là cơ hội vàng ngọc để cho mọi người biết đến ông nếu ông muốn lấy điểm với cấp trên. Ông sẽ chứng tỏ cùng mọi người về tài năng mà từ lâu người ta không hề biết về ông. Ông sẽ được tưởng thưởng, thăng cấp. Không, ông đâu cần những mũ áo xênh xang như vậy. Bởi ông đã mỏi mệt. Tuổi càng ngày càng lớn. Ông chỉ muốn an thân không còn muốn đua chen cùng đời nữa. Ông từ chối những lời mời mọc như lương cao, nhiều ngày phép. Ông không cần bận tâm đến tin đồn là hệ thống mà ông phụ trách sẽ hết xài và dĩ nhiên ông sẽ bị thất nghiệp. Ông chẳng khác một cổ thụ bám rễ sâu, chờ ngày tàn tạ. Ông cầu an với công việc làm. Không hăm hở, nhiệt tình như trước nữa. Những đầu ngón tay của ông đã bắt đầu bị tê buốt. Cả bả vai cũng vậy. Trước đây ông đánh vào bàn gõ keyboard nhanh, nhưng giờ, ông đánh chậm lại, khoan thai, từ từ. Trong các buổi họp về nghề nghiệp, ông im lặng không phát biểu ý kiến. Ông muốn dừng lại, làm kẻ đứng bên lề. Ông cũng chẳng màng bận tâm về những thay đổi của khoa học kỹ thuật liên quan đến ngành ông làm việc. Còn bao lâu nữa ta về hưu rồi, hơi sức đâu mà ganh đua cho mệt óc. Bây giờ ông mới hiểu tại sao người già vẫn thường là người bảo thủ. Chính vì họ không thể theo cái mới. Thế thôi.

Cái lệnh ác ôn ấy đã làm ông khổ sở không ít. Ông bị dồn vào chân tường. Trời ơi, làm sao họ có thể hiểu là hệ thống này trước đây cần đến năm người, giờ chỉ có một mình ông. Mà giả dụ bây giờ nếu mướn thêm bốn người mới nữa thì cũng vô ích, bởi vì họ đâu có kinh nghiệm để mà làm? Làm sao họ có thể hiểu những cái khó khăn mà bất cứ một programmer nào cũng phải gặp. Ðó là những con bug bọ không bao giờ ngờ như con bug Y2K. Làm sao họ hiểu ông đã bước vào cái tuổi già, trí não chậm lụt, lu mờ mà nghề này đòi hỏi phải có một trí nhớ tốt. Có biết bao nhiêu lệnh (command), mỗi dấu chấm, dấu phết là cả một tai họa nếu bỏ sót hay ở sai vị trí. Mắt ông đã bắt đầu mờ, khốn khổ lắm mới đọc chữ, đọc số, huống chi cái dấu chấm nhỏ tí ti trên màn ảnh. Rồi bao nhiêu chuyện phải làm. Làm sao để từ một nơi xa muôn dặm tự động gởi tin và ở đây nhận tin cũng tự động, rồi tự động đến máy in, rồi máy in tự động in cái hoá đơn, cái receipt, cái bill, cái label... Nói thì dễ, lý thuyết thì dễ, vẽ đường đi nước bước thì dễ, khi ở trong cuộc mới thấy khó, quá khó.

Vâng, quá khó, 12 giờ đêm ông còn ở bên máy để liên lạc với hãng qua modem. Vợ ông đã giục ông đi ngủ. Ông không trả lời. Ông đang cố tìm xem con bug đang ở đâu. Tại sao mỗi lần ông compile là mỗi lần máy cho biết cái chương trình ông viết bị lỗi. Ông lấy cặp kính lão mang vào, và ước ao có một kính lúp để nhìn chữ cho rõ hơn. Ông nuốt nước miếng. Rõ ràng đây là trận đánh. Ông là tên tướng và cũng là tên tốt. Ông thảo ra kế hoạch và ông cầm súng đơn thương tìm địch. Nhưng địch thì quỉ quyệt. Tóm được một tên thì tên khác lại xuất hiện. Ông bị cuốn hút trong thế trận. Ông hồi hộp theo dõi từng bước, từng bước mà danh từ chuyên môn là step by step. Ông sử dụng những công cụ để yểm trợ như display, animation, printf để nhận rõ con bọ quái quỉ. Ông chạy đông, chạy tây, chạy nam, chạy bắc giữa những hàng chữ nghĩa mà ông đã viết.

Lại chữ nghĩa. Chữ nghĩa tàn bạo. Chữ nghĩa khốc hại. Ông mệt lả. Ðầu óc nóng bừng. Ông đứng dậy đến cửa sổ nhìn xuống đường. Ánh điện neon trắng soi sáng một khúc lộ. Những chiếc lá khô thỉnh thoảng lại rụng. Ông biết là mùa thu đang trăn trở. Còn hai tháng là sẽ đến mùa đông, trời sẽ lạnh, tuyết sẽ rơi, cây cối sẽ trơ cành. Cũng như ông bây giờ, ở vào tuổi sắp lục tuần, những tế bào sống đã từ từ khô và chết dần. Những sợi tóc đã từ từ khô rồi rụng dần. Nhưng đời vẫn chưa buông tha ông. Nhà vẫn không thuộc về ông. Xe cũng không thuộc về ông. Cơm áo, áo cơm, vẫn không cho ông nghỉ dừng một lát. Chữ nghĩa. Ông muốn gào lên. Ðâu cũng là chữ nghĩa. Chữ nghĩa mở mang kiến thức, nhưng chữ nghĩa cũng là sợi dây thòng lọng rờn rợn kinh hoàng. Như một thời, chúng làm thanh niên hai miền Nam Bắc mê cuồng, lăn lộn. Như những câu thơ cắt cổ giết người kích động của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận... Như những chủ nghĩa lý thuyết để cả dân tộc ông phải tắm trong máu của hận thù. Chữ nghĩa. Giờ đây chúng lại đày ông, bắt ông phải thuộc lòng, phải nhớ như đinh đóng, không thiếu không thừa. Chúng không cho phép ông được nói những gì ông thích nói, viết những gì ông thích viết.

Ông châm điếu thuốc, ngồi lại trước máy, tiếp tục cùng trận chiến. Ông tiếp tục hành quân, tìm địch, diệt địch. Ðịch thì bị diệt, nhưng mục tiêu thì vẫn còn mịt mờ không thấy ở đâu.

Và cứ mỗi tuần đến ngày thứ năm, hai giờ chiều, là ông ngồi trong phòng để tường trình diễn biến của công việc cho những manager ở những tiểu bang xa được rõ. Ông trả lời thắc mắc. Ông nêu những vấn nạn. Họ chia xẻ cùng ông. Nhưng lệnh vẫn là lệnh. Dứt khoát.


*


Có tiếng chuông điện thoại reng. Thằng Ed từ Houston gọi. Ông chào nó, yếu sìu. Giọng thằng Ed vang lên trong máy:

"Ông Nguyễn, ông bị bệnh?"

"Không. Tao không bệnh, nhưng mệt."

"Này, nghe tôi, hãy tịnh dưỡng. Sức khoẻ là trên hết."

Trời ơi nó lại khuyên ông. Nó làm sao biết nó sắp trở thành nạn nhân. Nó làm sao biết ông đang tiếp tay với chủ để đá nó. Nó làm sao biết là ông đang dấu nó về những gì ông đang làm.

Ed thuộc nhóm production support, một nhân viên thâm niên của công ty. Nhiệm vụ của nó là giúp giải quyết những trở ngại mà các người sử dụng hệ thống gặp phải. Thỉnh thoảng, nó lại gọi ông để nhờ ông giúp một vài vấn đề chuyên môn.

Nó nói tại Virginia đang gặp khó khăn. Sét đánh làm máy ngưng hoạt động. Nhân viên phụ trách gọi nó cho biết có những dữ kiện không đúng. Phải sửa gấp.

Rồi nó cho ông số điện thoại để liên lạc.

Ông quay điện thoại. Ông đang gọi nạn nhân của ông. Phải, không trước thì sau, dự án sẽ hoàn thành, những nhu liệu sẽ được bỏ vào máy, và họ sẽ bị sa thải. Ðừng cho họ biết, họ sẽ xôn xao. Lời bà Rita vẫn còn vọng bên tai. Ðầu dây, giọng người đàn bà vang lên. Giọng quen thuộc. Ông biết là cô nàng Kathy:

"Có phải Kathy?"

"Phải. Chính tôi. Có phải ông Nguyễn?"

"Phải."

"Cái gì xảy ra ở đấy?"

"Hôm qua bão. Ðiện bị cúp, và máy bị tắt. Sáng nay những data bị sai."

"Hãy cho tôi một order bị sai."

Kathy đọc cho ông nghe. Ông nói ông rất bận nhưng sẽ cố gắng giải quyết chuyện này càng sớm càng tốt. Kathy cám ơn rối rít:

"Tôi bảo không ai được vào máy để chờ ông nhé?"

"Vâng."

Rồi ông gác ống điện thoại. Ông thở dài. Bây giờ ông có dịp được giúp đỡ họ, nhận ở họ lời cám ơn, nhưng không chóng thì chày, họ không còn dịp để ngồi trước máy nữa. Chính ông là thủ phạm. Không, ông không phải là thủ phạm. Không có ông thì có trăm ngàn người khác mà. Nhưng mà tại sao lương tâm lại cảm thấy bất an.


*


Cuối cùng, dự án cũng được hoàn thành trước ngày ấn định. Ông mừng đến điên khùng khi những file đầu tiên đến trạm và ở đầu dây điện thoại thằng George gọi về cho hay: Tốt rồi. Hóa đơn đã chuyển đến máy in và label được in. Chúng ta phải mở champagne mà ăn mừng là vừa. Ông thở phào như trút hết gánh nặng trong ngực. Cái gánh nặng cơm áo và danh dự. Danh dự của một người Việt Nam. Và danh dự của một người già. Danh dự của nhóm. Bà Rita hứa sẽ can thiệp để cho ông tiền thưởng và giục ông lấy mấy ngày nghỉ. Nếu ông vui 10 phần thì bà phải vui 100 phần cũng nên.

Như vậy, cuối cùng ông đã chiến thắng. Nhưng giữa niềm vui vô hạn ấy, thằng Ted gọi về tiếp tục hỏi về hệ thống điện toán. Nó vẫn chưa biết. Rồi nàng Kathy cũng gọi về nhờ ông cứu dùm. Cái database lại bị hư hại (corrupted). Ông muốn rưng rưng. Danh dự, vâng, ta cảm thấy danh dự thật. Nhưng chắc chắn là ta không cảm thấy tự hào hãnh diện chút nào.


Một người manager

Có lẽ chưa bao giờ như lúc này, nỗi buồn bã của những đám mây u ám mùa thu đã phủ dầy trên cao ốc. Những tin đồn tiếp tục được truyền nhau. Hệ thống điện toán này sẽ đóng. Hệ thống điện toán kia sẽ giữ. Avaya sẽ chuyển toàn bộ qua SAP. Nguyên cả department của ông Nguyễn sẽ bị dẹp, Một bộ phận của GLOBAL IT Ấn Ðộ sẽ chiếm đoạt việc làm của một bộ phận GLOBAL IT Mỹ...

Trong khi đó, binh đoàn lạ càng ngày càng bành trướng. Trong nhà ăn chung, hai ba tay da trắng ngồi với nhau, bên chai coke, nhai hamburger hay sandwich, trán trầm tư nhăn, đôi mắt lơ đãng nhìn ra cửa kính. Dưới ấy, bên kia hàng rào là xa lộ xe chạy dập dìu, không ngớt. Cứ nhìn xa lộ, mới thấy sức mạnh vô địch của Mỹ. Ai đã phán ra một câu như thế. Hối hả. Cuống cuồng. Truck hàng nối hàng phun khói chạy bất kể đêm ngày thời tiết. Nhưng nếu tay ấy có mặt ở ngôi lầu này, có lẽ hắn sẽ thay đổi ý kiến. Hắn sẽ phán: cứ nhìn cafeteria mới thấy được sức mạnh ghê gớm của Ấn Ðộ ở xứ Mỹ.

Thật vậy, cứ vào cafeteria vào giờ ăn trưa, mới biết rõ sức mạnh của Ấn Ðộ. Mùi vị đặc biệt của loại cà ri cay bốc tỏa nồng nặc lẫn cùng giọng nói lạ vang vang như pháo nổ. Hết rồi cảnh ngày xưa, những bàn những ghế xôn xao tiếng Anh tiếng Mỹ, tóc vàng mắt xanh, hay những buổi tiệc đột xuất như ăn mừng công trình Y2K hay một dự án quan trọng thành công với bong bóng xanh đỏ, với những mâm đồ ăn ê hề bốc khói, với hàn huyên chủ thầy thợ nhân viên. Hết rồi cái tình nghĩa đậm đà không sao tách rời được, chúng ta cùng chung một toán, chúng tôi rất tự hào được bạn là thành viên như huấn từ từ ban lãnh đạo.

Mỗi ngày, người ra đi thì đi thầm lặng, còn người ở lại thì ngậm ngùi cùng số phận của mình. Bà Rita thì không ngừng cảnh cáo đám nhân viên của bà về tình trạng của hãng, khuyên nên kiếm việc sớm chừng nào tốt chừng ấy. Bà nhắc họ phải cập nhật hoá resumé và gởi về bà để bà có thể gởi đến một vài nơi mà bà biết họ đang cần người.

Khác với Bob, bà Rita là một người manager có kinh nghiệm về chỉ huy và lãnh đạo. Bà luôn luôn bênh vực cấp thuộc quyền cũng như tìm mọi cơ hội để giúp đỡ họ. Bà thăng thưởng thuộc cấp phân minh. Không cá nhân, không nịnh trên nộ dưới, nhất là biết thông cảm cùng người trong nhóm.

Nhớ bà, nhớ tiếng cuời ròn tan và lớn đến nỗi các phòng khác đều nghe.

Nhớ bà, nhớ những bước giày bà nện mạnh trên hành lang.

Nhớ bà, nhớ đôi mắt màu hạt dẻ, nụ cười tươi, mỗi lần đi ngang qua phòng ông Nguyễn, không quên ngừng lại, hỏi han ông một vài điều.

Ðôi khi ông quên làm tờ tường trình công việc đã làm trong tuần, bà gọi, nhắc khéo rồi nói: Ðừng bận tâm, tôi đã làm cho ông rồi. Nhớ là lần sau đừng quên, kẻo gã manager của phòng nhân viên gọi tôi mà mắng vốn...

Ðôi khi bà trách khéo ông, đừng làm nhanh như vậy, hãy từ từ...

Hay rất thực tế, bà khuyên ông nên trau dồi thêm Anh Ngữ. Bà nói:

"Người Á Ðông vẫn thường bị trở ngại trong việc phát âm và có thói quen hay nói nhanh. Phải gắng khắc phục hai trở ngại này ông Tân à. Nhất là cách phát âm. Communication là một yếu tố rất cần thiết nếu mình muốn vươn lên trong nghề nghiệp của mình..."

Cám ơn lòng ưu ái của bà, nhưng bảo ông phải phát âm đúng theo giọng Mỹ chắc còn khuya. Ngay cả người gốc Anh muốn nhái theo giọng Mỹ cũng phải khó khăn, huống hồ một gã có cái lưỡi đã quá thân thiết với tân khổ ngọt bùi của quê hương mình.

Nhưng mà thưa bà, tại sao lúc nào cũng phải lưu tâm đến communication trong khi bây giờ binh đoàn Ấn Ðộ đã xâm nhập khắp nơi, tung hoành khắp chốn, nghe dội xoáy vào tâm não cái âm ngữ lạ để thế vào tiếng Anh tiếng Mỹ. Tại sao cứ xem communication là hàng đầu, khi những tên họ lạ lẫm đã thay thế Michael, Sam, John, Tina, Marie, Lisa...?

Bây giờ, là thời của e-mail. Là thời của Internet. Là thời mà con người càng ngày càng câm miệng. Bởi nói thì phải cần điện thoại, phải quay số, phải tốn tiền viễn liên, trong khi với e-mail chỉ cần nhấn một cái là thơ hay hồ sơ tài liệu có thể gởi đến cả sư đoàn chỉ trong giây phút. Bởi nói để làm gì nữa khi Internet đã làm cả địa cầu trở thành một mái nhà, và e-mail là phương tiện chánh để khiến người khắp chân trời góc biển được gần gũi nhau hơn bao giờ.

Nhờ e-mail, mới có cuộc cách mạng về lề lối làm việc. Ngồi ở Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Ðộ mà như ngồi ngay tại lòng đất Mỹ. Ðể sinh ra danh từ mới, offshore (làm việc ngoài xứ Mỹ) gây khủng khiếp cho đám cổ trắng bản xứ. Thử dạo một vòng trên Internet, để thấy cả vạn công ty từ Trung Hoa, Ấn Ðộ, Hung Gia Lợï, Nam Phi v.v... quảng cáo nhận làm những việc về ngành kỹ sư, tin học, kiến trúc v.v... cho bất cứ công ty nào ở khắp thế giới...

Rõ ràng e-mail đã giúp cổ trắng ở các nước khác có công ăn việc làm. E-mail đã giúp các công ty Mỹ có những hợp đồng rẻ mạt. Và e-mail đã đá nhào đám cổ trắng ở Mỹ không còn đất dung thân.


*


Một ngày, bà Rita gọi ông vào phòng, cho biết bên AT&T cần một người có kinh nghiệm, nếu ông muốn, bà sẽ gởi resumé.

Ông hỏi:

"Bà tin tình hình đen tối lắm sao?"

Bà nhún vai:

"Phải. Theo tôi nghĩ, không trước thì sau, hệ thống DPICS sẽ bị đóng. Nghe tôi, hãy chụp cơ hội".

Ông nghe lời bà.

Vài ngày sau, ông được AT&T kêu phỏng vấn. Người phỏng vấn là một người đàn bà Mỹ gốc Trung Hoa, cỡ 30 tuổi là cùng.

Lâu lắm, ông mới có dịp trở lại chỗ cũ. Phải, chính AT&T là nơi để ông bắt đầu trở thành một thành phần trong hàng ngũ "cổ trắng". AT&T đã thấy những bước chân chập chững vào đời đến khi vững mạnh của ông. AT&T đã giúp ông kinh nghiệm, rèn luyện niềm tự tin. Và AT&T cũng đã thăng trầm như số phận của những kẻ như ông. Từ AT&T BELL LABS, rồi AT&T Information Systems rồi qua AT&T Material Management Group rồi Lucent... Mới đó mà đã 15 năm. Có bao nhiêu nơi, bao nhiêu nhóm, bao nhiêu đội, bao nhiêu manager, bao nhiêu đồng nghiệp để ông phải nhớ. Cớ sao khi bước vào ngôi lầu cũ, ông cảm thấy mình như bước vào một cõi xa lạ nào đó, có thể như một bãi nghĩa trang. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ. Có còn không những buổi họp nhóm rộn ràng. Có còn không những đêm một mình trong phòng Lab rộng mênh mông, để nhìn những tờ giấy computer được in ra còn thơm mùi mực, và kết quả mình đã tạo nên do công trình tim óc của mình. Có còn không, ngoài sân hãng, những hàng cây phong, vào mùa thu lá nhuộm vàng. Có còn không, một Linda, người nữ mắt xanh và tóc mây trời mùa hạ... Có còn không những bóng hình qua đời mình, như những bóng mây trên cao ốc?

Người đàn bà gốc Tàu ấy dẫn ông vào một căn phòng rồi đóng cửa. Trước hết, nàng giới thiệu công việc, sau đó, nhiệm vụ của người mà nàng đang cố tuyển. Sau đó, nàng chỉ hỏi một câu:

"Trên cương vị của một người programmer, nếu ông gặp chuyện không may xảy ra, ông phải làm gì?"

Ông trả lời không ngần ngại:

"Tôi dùng MAN".

Không ngờ chỉ một chữ MAN mà ông đã thành công. MAN tức là MANual, một lệnh (command) như HELP trong Microsoft. Nó là chân kinh bùa hộ mạng giúp người Unix programmer [3] khi hắn lúng túng. Chỉ việc đánh lên máy, và sau đó, muốn hỏi vấn đề gì, cứ việc hỏi. Unix có cả một kho tàng tài liệu để giải thích.

Không thể tin rằng ông lại trở về cùng với AT&T. Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về. Có phải vậy không?


*


Nhưng bây giờ, ông như con ngựa lạc bầy. Ông cố gắng tự nhủ, gắng hoà đồng, gắng vui với công việc mới, gắng làm quen với group mới... Bởi vì đây là chỗ dung thân tốt... Người manager mới đã tỏ ý lạc quan với nhóm của bà. Nhóm này không thể bỏ hay dẹp được, bởi vì nó làm việc cho những viên chức cao cấp của AT&T. Họ cần những bản tường trình, báo cáo, dự đoán mỗi ngày, mỗi giờ để có thể ứng xử với business.

Nhưng ông cảm thấy mình trơ trọi vô bờ. Ông nhớ vô cùng cái hệ thống điện toán do ông phụ trách, bây giờ không biết bà Rita đã giao lại cho ai. Nó chính là con của ông. Mỗi ngày, ông lo lắng chăm nom bảo trì nó. Ông đã bỏ vào nó bao ngày bao đêm bao gian khổ. Nó là máy nhưng những hàng chữ trên màn ảnh là của ông, những con số hiện trên screen là do ông tạo thành. Nó đau, ông cũng đau. Nó bình yên, ông cũng bình yên. Ông biết rõ hơn ai đời sống của nó. Thế mà ông phải bỏ. Rõ ràng ông bỏ nó chứ nó không bỏ ông.

Ông cũng nhớ lại căn phòng đã trên mười năm ông có mặt, chiếc ghế bành, những ngăn kệ, cửa kính dày, chiếc máy computer. Ông nhớ buổi sáng nhấn nút thang máy, để đưa ông lên lầu tư, và một ngày bắt đầu cho cơm áo... Nhưng ở đó, dù sao ông cũng quen thân. Bây giờ ở nơi này, chỉ là gỗ đá, chỉ là những gương mặt xa lạ lạnh lùng...

Thì ra, trong con tim của mỗi người vẫn có một chỗ riêng. Chỗ riêng ấy cho dù đầy bóng tối đi nữa. Phải. Ông phải trở về. Ông không thể chịu đựng nổi cái thế giới trơ câm gỗ đá như thế này. Và ông gọi bà Rita, nói lên ý nghĩ:

"Tôi muốn trở lại."

Phía đầu dây, bà reo lên, mừng rỡ:

"Ông nói thật hay giỡn?"

"Tôi nói thật."

"Như vậy là một tin mừng cho nhóm chúng ta. Ông biết không, hệ thống đang gặp rắc rối. Không ai có thể sửa được... Tôi muốn khùng đây."

"Như vậy, tôi sẽ trở lại ngay bây giờ. Xin bà gọi ngay cho bà manager của tôi."

"Ðược, tôi sẽ nói với Alan gọi thẳng sếp lớn của Tân. Ông đừng bận tâm."

Như vậy, chỉ một tuần làm việc với AT&T, ông lại quay trở về cùng GLOBAL IT.

Ông về, vui như chưa bao giờ vui như thế. Ông cảm thấy tinh thần thật thoải mái. Ông thở phào như thể vừa trút một gánh nặng. Ông ngồi lại chiếc ghế cũ. Mở lại máy, liên lạc lại hệ thống điện toán thân yêu của mình. Không có ai có thể hiểu nó bằng ông. Cô nàng Ấn Ðộ dù có bằng cấp cao ở một đại học danh tiếng Ấn Ðộ mà bà Rita tin tưởng có thể thay ông phụ trách, cũng phải đầu hàng. Nàng đã làm hỏng hệ thống điện toán. Những dữ kiện không còn đến đúng bến mà chạy lạc. Khách hàng lại một phen than phiền giận dữ. Bà Rita hốt hoảng không còn biết ai để cầu cứu nữa.

Ông về, như về lại mái nhà xưa. Về và chấp nhận số phần. Có phần không cần gì lo. Ðời ông đã có nhiều ân lượng. Ông ngồi lại chỗ ngồi cũ. Ngoài kia, chiều đã xuống. Trong này, còn lại cõi vắng lặng sau giờ tan việc. Người đàn bà gốc Nam Mỹ đã đẩy chiếc xe chở dụng cụ vệ sinh phòng ốc đi qua, đứng ở cửa xin phép vào phòng. Ông đứng dậy, mau mắn mang thùng rác ra ngoài. Ông muốn giúp bà. Bởi ông cũng đã từng là cái bóng ấy. Ông cũng đã từng đẩy chiếc xe như thế, từng gõ cửa xin phép như thế.

Sau đó, ông bắt đầu điều tra tại sao hệ thống bị hỏng. Quá dễ dàng cho ông. Chỉ vài lệnh, vài sự thay đổi, là hệ thống hoạt động. Dữ kiện lại trở về bến bờ cũ. Ông gọi điện thoại cho bà Rita ở nhà. Bà manager cám ơn rối rít:

"Tôi rất vui mừng vì Tân đã trở lại. Alan cũng nhờ tôi chuyển lại lời cảm ơn của ông ta đến Tân."

"Tôi cũng cần phải cám ơn bà và Alan. Hai người đã cho tôi chiếc phao khi tôi muốn điên khùng vì cô độc."


Ngày khai tử một hệ thống điện toán

Cuối cùng, DPICS đã được đưa vào nghĩa trang để an giấc ngàn thu.

Ed từ sa mạc Arizona gởi e-mail cho những người đã một thời có liên hệ với DPICS, kể về một cái chết. Hắn nói hắn không thể ngờ suốt hơn hai mươi hai năm, có một ngày hắn nhìn thấy DPICS bị bức tử. Nỗi đau của hắn không thể nào diễn tả cho hết, bởi vì cuộc đời làm việc của Ed là cuộc đời của DPICS. Vĩnh biệt DPICS. Hắn kết luận bằng những lời thống thiết.

Ông Nguyễn đọc lá thư mà lòng đẫm lệ. Cũng như Ed, ông là một người của DPICS. Ông bắt đầu có mặt cách đây mười hai năm, lúc mà hệ thống được xem như là niềm tự hào của công ty về vai trò Quản trị vật chất (Material Management).

Có tất cả gần năm ngàn chương trình dính líu vào hệ thống điện toán. Khởi đầu là Bell Labs quản lý. Rồi qua AT&T Information Systems, AT&T Material Management, rồi Lucent, rồi Avaya... Dù công ty có thay đổi tên nhưng DPICS vẫn là DPICS.

Hồi cực thịnh nhất, nó có hơn hai trăm hệ thống Unix phụ đặt khắp cả nuớc Mỹ, với một nhóm đến 7 người phụ trách. Rồi dần dần, con số ấy giảm, cho đến bây giờ nó chỉ còn lại khoảng hơn ba mươi máy.

Chỉ có ông và Ed là kẻ có mặt suốt chiều dài thăng trầm ấy. Và chỉ có hai người là hai kẻ cuối cùng chứng kiến nỗi hấp hối của một hệ thống điện toán.

Ðó là định luật tất nhiên của thời đại khoa học kỹ thuật.

Tàn nhẫn lắm, đau lòng lắm.

Vĩnh biệt DPICS.

Núm ruột bị mất.

Như cái gì đó rất thân yêu phải đành đoạn xa lìa.

Bởi vì mình đã bỏ vào đó quá nhiều, quá nhiều công khó.

Bao nhiêu chất xám của mình.

Vĩnh biệt DPICS.

Ed ơi, tao cũng như mày, hai kẻ hôm nay cất lên lời điếu tang cho đứa con bị bức tử.

Ông thấy lòng mình tràn ngập một biển nước mắt.



[1]consultant: chuyên viên đặc biệt làm việc trên căn bản hợp đồng
[2]IT: Chữ tắt của Information Technologies - Kỹ thuật Tin Học hay ngành Tin Học
[3]UNIX: một hệ thống vận hành (AT&T)
Nguồn: ThÆ° Ấn Quán xuất bản, 2003. Địa chỉ liên lạc: PO Box 58 South Bound Brook NJ 08880 USA, http://thuanquan.com, tranhoaithu@verizon.net