© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
2.6.2006
Vũ Ngọc Tiến
Thư ngỏ gửi Ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo
 
Thưa Ngài Bộ trưởng,

Trước hết, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe để Ngài hoàn thành chức trách cao nhất trong lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo như 83 triệu dân Việt Nam đang mong đợi! Sau nữa, công dân Vũ Ngọc Tiến mong được Ngài chiếu cố, bớt chút thời gian vàng ngọc, đọc thư này.

Thưa Ngài Bộ trưởng,

Ngày 19/5/2006, trên Văn Nghệ Trẻ có đăng bài “Lật lại hồ sơ đầu tư thiết bị dạy học 2005- 2006” của tôi thì ngay lập tức trong hai ngày 19-20/5/2006, tôi nhận được rất nhiều điện thoại và thư điện tử của bạn đọc trong và ngoài nước ủng hộ 3 điều kiến nghị mà tôi đã nêu. Trong số đó có rất đông bạn đọc là giáo viên, cán bộ nghiên cứu và quản lý đang công tác hoặc đã nghỉ hưu của ngành GD-ĐT. Thế nhưng, cũng ngay lập tức, vào chiều ngày Chủ nhật (21/5/2006), tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo do quý Bộ và Nxb Giáo dục tổ chức. Ông Phạm Ngọc Phương, Vụ phó Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) tuyên bố: “Năm học 2006-2007, dự kiến nhà nước sẽ dành 1.000 tỷ đồng phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, phần chủ yếu là mua thiết bị dạy học lớp Năm, lớp Mười và bổ sung cho các khối lớp khác, chi phí tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý...” Điều này có nghĩa Bộ đã thẳng thừng bác bỏ kiến nghị của tôi trong bài viết trước. Bởi thế, trong ngày hôm nay (22/5/2006) đã lại có rất nhiều bạn đọc gọi điện cung cấp cho tôi những sự thật đau lòng về đầu tư thiết bị dạy học (TBDH). Tôi không thể nhắc lại tất cả, khi cần sẽ kính trình Ngài một “tờ sớ” dài. Ở đây, tôi chỉ xin nêu hai ví dụ để Ngài có thể đích thân thị sát:

Huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên rất gần Hà Nội, vốn là nơi xuất phát của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn 60 năm trước. Ngài Bộ trưởng hãy về thăm chiến khu cách mạng mang màu sắc huyền thoại này và hãy chứng kiến gần 1 tỷ đồng TBDH đang chất đống trong kho lưu cữu từ vài năm nay vì không có người sử dụng hoặc không thể sử dụng. Một bạn đọc là cán bộ nghiên cứu, khi đi điều tra về giáo dục cộng đồng đã khẳng định với tôi rằng chính bà Hà Thị Tỵ ở Phòng giáo dục đưa chị đi cho xem tận mắt mà rơi nước mắt vì xót tiền dân. Nước ta có 800 quận huyện, hỏi có bao nhiêu tỷ tiền TBDH chất vào kho chờ cho hư nát, thưa Ngài?

Một bạn đọc khác là tiến sĩ, giảng viên chính trường ĐH Sư phạm Hà Nội thở dài nói với tôi: “Họ đầu tư TBDH ồ ạt là vì nhiều nguyên nhân ngoài giáo dục chứ tôi đã mấy chục năm đào tạo giáo sinh, tôi biết rõ khả năng thực hành của giáo viên ở các trường phổ thông kém lắm, làm sao đón nhận đầu tư! Ở trường Sư phạm người ta rất coi nhẹ dạy thực hành, tiết dạy đã ít vì sợ tốn tiền mà mỗi nhóm thực hành lẽ ra chỉ nên có 4 thì dồn lên tới hơn chục em, tôi làm sao hướng dẫn, các em làm sao có cơ hội mỗi người làm trọn vẹn một thí nghiệm? Đưa giáo sinh đi thực tập ở nhiều địa phương, tôi đều đã được chứng kiến thế nào là TBDH hư nát, lãng phí và điều đau xót nữa là các em giáo sinh của tôi muốn làm thí nghiệm cho học sinh cũng không được ai ủng hộ.” Ngài Bộ trưởng có thể kiểm tra ngay số giờ thực hành ở trường Sư phạm và chất lượng giáo sinh năm cuối thuộc các khoa Toán, Lý, Hoá, Sinh bằng một cuộc sát hạch tại phòng thí nghiệm trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì khắc rõ hệ lụy của lối đầu tư theo tư duy ngược.

Trong bài viết trước, tôi có đề cập đến vụ việc ông Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng chỉ định thầu cho bà Nguyễn Thị Minh Phương thực hiên cung cấp 928 bộ TBDH mẫu lớp Bốn và 928 bộ nữa cho lớp Chín. Tại cuộc họp báo (21/5/2006), ông Phạm Ngọc Phương chỉ cho biết: “Năm học tới, việc mua sắm TBDH lớp Năm và lớp Mười sẽ theo Luật đấu thầu, tuy nhiên đến thời điểm này chưa có nghị định hướng dẫn thi hành luật.” Thế còn Bộ trưởng sẽ trả lời ra sao về sự chỉ định thầu của ông Vọng ở niên học trước? Chỉ biết rằng, nếu Quốc hội và cơ quan pháp luật vào điều tra thì bà Viện phó đã từng cắt xén diện tích thiêng liêng của Tổ Quốc hàng chục ki lô mét vuông khi biên oạsoạn sách giáo khoa địa lý kia sẽ còn phải giải trình không ít vấn đề mà bạn đọc cung cấp cho người viết thư này. Riêng về ông Vọng, dư luận trong Bộ GD-ĐT đồn rằng, ông Vọng cũng có hẳn một trang trại khá to ở quê nhà Hiệp Hoà, cũng chở tượng đá to đùng ngất ngưởng về bày chơi như Nguyễn Việt Tiến, không rõ thực hư thế nào, Bộ trưởng có biết?

Thưa Ngài Bộ trưởng,

Nhân vụ việc TBDH mẫu lớp Bốn và lớp Chín, niên học 2005- 2006, đa số bạn đọc đồng tình với tôi kiến nghị lên Quốc hội và Chính phủ thanh tra lại toàn bộ các dự án trong GD-ĐT. Họ muốn tôi nêu cụ thể một vài dự án bằng vốn ODA và tiền công trái giáo dục cần thanh tra. Dưới đây xin liệt kê để Ngài rộng đường giải trình trên diễn đàn kỳ họp Quốc hội thứ 9 khoá XI:


Thưa Ngài Bộ trưởng,

Thư đã dài, rất mong được đối thoại cùng Ngài và các cộng sự của Ngài vì sự nghiệp chấn hưng nền học nước nhà. Một lần nữa chúc Ngài mạnh khỏe, tâm thường an lạc!

Hà Nội 22/5/2006
Vũ Ngọc Tiến

© 2006 talawas