© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
5.6.2006
Nguyễn Ðình Thành
Cận đại, hiện đại và đương đại
 
Gần đây khi đang lang thang tìm thông tin trên mạng về nghệ thuật đương đại Việt Nam, tôi bắt gặp một tiêu đề rất kêu: “Triển lãm ‘50 năm hội hoạ cận đại Việt Nam 1925-1975’”. Tôi vội truy cập vào trang web này để xem hội hoạ cận đại Việt Nam là cái gì, bởi từ trước đến nay không mấy khi gặp cụm từ này. Khi đọc bài viết của Matthew Larking và bài phỏng vấn ông này do Nguyễn Đình Đăng thực hiện, tôi mới vỡ lẽ rằng chữ hội hoạ cận đại được dịch từ chữ modern art mà ra (nguyên văn tên triển lãm bằng tiếng Anh là "50 Years of Modern Vietnamese Paintings: 1925–1975". Cùng lúc, trên trang Vietnam Express có đưa tin: “Triển lãm ‘50 năm mỹ thuật đương đại Việt Nam giai đoạn 1925-1975’” sẽ diễn ra tại Nhật Bản từ 5/11/2005 đến 23/7/2006. Không rõ có phải là cùng một triển lãm hay không, nhưng rõ ràng hai chữ đương đại cận đại được dùng để chỉ cùng một giai đoạn mỹ thuật ở đây có vấn đề.

Trong bài viết giới thiệu triển lãm, tác giả Larking dùng từ modern để nói về các tác phẩm hội hoạ được sáng tác trong giai đoạn 1925 đến 1975. Ông Larking là người nghiên cứu lịch sử hội hoạ ở châu Âu nên có lẽ chữ modern mà ông dùng được hiểu theo nghĩa modern art: các hình thức hội hoạ sau hội hoạ cổ điển, xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 tại châu Âu.

Ta biết rằng nền mỹ thuật (tạm gọi là) mới (vì tạm thời không dùng được từ hiện đại theo cách hiểu của Nguyễn Đình Đăng) của Việt Nam được khai sinh với sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương (MTÐD). Từ 1925 đến 1945, các hoạ sĩ Việt Nam sáng tác "chịu ảnh hưởng của các trào lưu nghệ thuật phương Tây cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mang tinh thần nghệ thuật vị nghệ thuật như hội hoạ ấn tượng, tượng trưng, tân nghệ thuật... từ 1936-45 xuất hiện lác đác một vài hoạ sĩ Việt Nam […] có thử nghiệm sáng tác theo các xu hướng nghệ thuật hiện đại phương Tây đầu thế kỷ như siêu thực, lập thể, trừu tượng...’" [1] ; Từ năm 1945 đến 1954, "phương pháp hiện thực XHCN […] phát triển thành quan điểm sáng tác của văn nghệ Việt Nam" [2] ; giai đoạn 1954-1975, ở miền Nam có ba lớp hoạ sĩ: “những người tốt nghiệp trường MTÐD, mỹ thuật ứng dụng miền Nam, những người tu nghiệp ở Pháp […] vẫn giữ nguyên bút pháp nghệ thuật của mình” [3] , lớp hoạ sĩ đào tạo chính quy ở trường MTĐD, hoặc du học mỹ thuật ở Pháp có phong cách “ít nhiều gần với trường phái Paris đầu thế kỷ” [4] , và nhóm “hoạ sĩ trẻ được đào tạo từ 1964-1975 tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và cả Trường Mỹ thuật Huế […] hướng đến các hình thức biểu đạt mới, kỹ thuật gần với nghệ thuật phương Tây hiện đại[5] . Còn ở giai đoạn này, hiện thực XHCN vẫn là phong cách chủ đạo ở miền Bắc.

Quyển Mỹ thuật Việt Nam hiện đại viết về mỹ thuật Việt Nam từ năm 1925-1986, được coi là công phu và chính thống nhất, do Trường Mỹ thuật Hà Nội và Viện Mỹ thuật in năm 2004, trong phần lời mở đầu viết: “Mỹ thuật hiện đại Việt Nam được tính kể từ khi người Pháp đô hộ Đông Dương, mở Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội (năm 1925)”. Trong bài viết về Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đăng trên talawas ngày 29/9/2002, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cũng nhận định “các hoạ gia Trường Mỹ thuật Ðông Dương đã đặt nền móng cho nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam”. Như vậy, trong khoảng thời gian 1925-1975, các hoạ sĩ Việt Nam đều sáng tác dưới ảnh hưởng của nghệ thuật hiện đại châu Âu và giai đoạn này được đại đa số người trong giới mỹ thuật gọi là mỹ thuật Việt Nam hiện đại, công chúng cũng đã quen với cách dùng này. Do vậy, việc dịch chữ modern thành cận đại, e rằng không phù hợp và dễ gây hiểu lầm.

Trong tiếng Việt, ta thường bắt gặp những cách nói như: kết hợp truyền thống với hiện đại, kết hợp tính dân tộc với tính hiện đại, mỹ thuật cổ truyền và mỹ thuật hiện đại. Như vậy, từ hiện đại dùng cho mỹ thuật được dùng để chỉ một giai đoạn khác với giai đoạn trước đó được gọi là cổ truyền. Mỹ thuật Việt Nam đã có những bước chuyển quan trọng từ đầu thế kỷ XX, khi sách báo, tranh ảnh mỹ thuật phương Tây được du nhập vào Việt Nam. Hàng loạt hội chợ và triển lãm quốc tế được tổ chức, người Việt lúc bấy giờ đã được xem các tác phẩm của hoạ sĩ Tây triển lãm ở Việt Nam (kể cả tượng của Rodin). Một loạt trường mỹ thuật đã được mở: Thủ Dầu Một năm 1901, Biên Hoà năm 1903, Gia Định năm 1913 và đến năm 1925 là trường MTĐD. Các hoạ sĩ Việt Nam bước ra khỏi tình trạng vô danh, trở thành một lớp người mới trong xã hội và bắt đầu vẽ tranh, nặn tượng không giống với những gì mà những người nghệ sĩ/thợ thủ công Việt Nam đã làm trước đó hàng nghìn năm. Như vậy, đây là một bước chuyển, thậm chí có thể gọi là một sự đứt gãy quan trọng với quá khứ, với cái gọi là cổ truyền. Gọi mỹ thuật Việt Nam thời kì từ 1925 là mỹ thuật hiện đại vùa đúng cả về mặt tinh thần, vừa đúng với phong cách của thời kì ấy. Tác giả Phan Bảo trong bài “Một suy nghĩ khác về mỹ thuật Việt Nam” [6] , viết:

“Ở Việt Nam ta, nền mỹ thuật hiện đại không phát triển từ mỹ thuật cổ truyền và không chính chức thừa nhận sự có mặt trở lại của mỹ thuật cổ truyền. Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam còn tồn tại nữa hay không là chuyện khác, nhưng mỹ thuật hiện đại Việt Nam luôn luôn phân lập nó vào khu vực hoài cổ’’.



“Khuynh hướng đồ hoạ có cội nguồn mỹ nghệ này bắt nhịp rất nhanh với khuynh hướng môđéc của phương Tây, ít nhất là về vẻ ngoài của các tác phẩm và loạt tranh tạo hình khúc khuỷu kiểu chim Lạc ra đời”.

Dịch chữ modern thành hội hoạ môđéc có lẽ cũng là một giải pháp tránh gây hiểu lầm. Tuy nhiên giải pháp này có thể vấp phải sự phản đối của những người sẵn sàng “quyết tử” để bảo vệ sự “trong sáng” của tiếng Việt.

Việc sử dụng từ ngữ không nhất quán vốn là căn bệnh trầm kha của khá nhiều người viết ở ta. Nguyễn Đình Đăng có lẽ cũng đã phạm phải sai lầm này trong cuộc phỏng vấn và phần dịch bài viết của Larking chăng? Xin đưa ra một vài dẫn chứng để tham khảo.

Trong phần phỏng vấn ông Larking:

Nguyễn Đình Đăng: Những người yêu mỹ thuật ở Việt Nam hẳn muốn biết quan điểm của giới phê bình quốc tế tới triển lãm hội hoạ cận đại Việt Nam tại Tokyo Station Gallery….

Matthew Larking: … làm thế nào mà các nước ở xa các phát triển chính của chủ nghĩa hiện đại, […] giải quyết những vấn đề của chủ nghĩa hiện đại và hoà hợp, hay có thể là định hướng theo một cách nào đó, với thế giới của nghệ thuật đương đại quốc tế.

Mathew Larking: … triển lãm này nhằm mục đích trưng bày những gì đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam, chứ không phải những thứ có thể là bản sao của chủ nghĩa hiện đại quốc tế …

Matthew Larking: tự vấn theo tinh thần của chủ nghĩa hiện đại quốc tế có nghĩa là đề cập tới vấn đề “vẽ là gì” […] Trong khi đó, đối với hội hoạ cận đại Việt Nam thì tự vấn có vẻ như là, thay vì đề cập đến “vẽ là gì”, anh lại bàn về “vẽ cái gì” …

Không biết là trong đoạn phỏng vấn trên, ông Larking dùng từ gì để phân biệt hiện đạicận đại?

Một ví dụ khác trong phần dịch bài của ông Larking:

“Nhận thấy điều kiện ở thuộc địa đã hủy hoại mỹ nghệ truyền thống, Tardieu đã đưa việc dạy truyền thống mỹ nghệ vào chương trình học nghệ thuật phương Tây, nhờ đó hội hoạ trên lụa đã trở thành một thể loại trong mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Nguyên bản tiếng Anh: Observing that colonial conditions had eroded local craft traditions, Tardieu fitted them to a Western art curriculum, and silk painting became a genre of Vietnamese modernism. [7]

Vậy cái gì cho phép lúc dịch moderncận đại, lúc là hiện đại khi nói về cùng một đối tượng, mong ông Nguyễn Đình Đăng chỉ giáo.

Xin bàn tiếp đến chữ đương đại. Ðể tiện theo dõi, tôi xin lấy ví dụ từ chính những bài viết của ông Nguyễn Đình Đăng. Trong bài “Nghệ thuật là gì?”, ông viết:

“Sau khi Marcel Duchamp triển lãm chậu đi tiểu vào năm 1917 tại New York, hay Andy Warhol bày ra các tranh in lưới hàng loạt các đồ hộp giống nhau như đúc vào những năm 1962-1964, thì bất cứ cái gì cũng có thể là nghệ thuật. Quan niệm này có vẻ phù hợp với nghệ thuật đương đại”.

Như vậy có thể hiểu, với ông Nguyễn Đình Đăng, nghệ thuật đương đại (NTĐĐ) [8] có tồn tại. Trên thế giới, đó là từ dùng chung để chỉ nghệ thuật được sáng tác kể từ thập kỷ 1970. Còn tại Việt Nam, trên các phương tiện thông tin đại chúng và với nhiều người trong giới mỹ thuật (có quá nhiều ví dụ nên xin phép không được liệt kê ra ở đây), NTĐĐ Việt Nam ra đời vào khoảng những năm 1993-1994. Như vậy nghệ thuật Việt Nam 1925-1975 theo Nguyễn Đình Đăng gọi là cận đại, còn dòng nghệ thuật mới tại Việt Nam giống với cái contemporary art của thế giới mà ta gọi là đương đại xuất hiện từ những năm 1993. Vậy nghệ thuật hiện đại của Việt Nam ở đâu? Không lẽ là thời kì 1975 đến 1990? Ta biết rằng để chuyển từ thời kì này sang thời kì khác, nghệ thuật phải có những bước chuyển đáng kể cả về chất lẫn hình thức. Những chuyển biến trong nghệ thuật Việt Nam những năm từ nửa sau thập kỷ 90 với việc nghệ thuật bước ra khỏi khuôn khổ bảo tàng, trung tâm văn hoá, mọi thứ đều có thể trở thành nghệ thuật miễn là có ý tưởng, ai cũng có thể làm nghệ thuật, thực sự là bước chuyển lớn của mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật Việt Nam nói chung. Những sáng tạo đầy tính cách tân (chỉ xin liệt kê một số người) của Trương Tân, Trần Lương, Nguyễn Minh Thành, Ly Hoàng Ly, Bùi Công Khánh… trong mỹ thuật; của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Thuận… trong văn học; Lê Vũ Long, Hà Thế Dũng, EA Sola, Felix Rucker trong múa; Vũ Nhật Tân, nhóm “Dân ca miền không biết”, Kim Ngọc trong âm nhạc; vở kịch "Chuyện người lính" của đạo diễn Braxin Marcia Fiani, vở xiếc “Làng tôi” của Rạp xiếc Trung ương; Phan Huyền Thư, Phan Thị Vàng Anh, Bùi Thạc Chuyên và nhiều đạo diễn trẻ trong dự án Mười tháng mười phim ngắn trong điện ảnh v.v… làm thay đổi diện mạo của nghệ thuật Việt Nam, nằm trong khái niệm NTĐĐ. Trong khi đó, từ năm 1975 đến năm 1990, nghệ thuật Việt Nam có bước chuyển biến gì quan trọng để được chuyển từ cận đại sang một cái “đại” nào đó?

Trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, Việt Nam không thể (và không đủ mạnh ngay cả khi chúng ta muốn) sáng tạo ra một cách gọi riêng cho mình. Các nhà dịch thuật và ngôn ngữ càng không nên đặt lại vấn đề về cách dịch các khái niệm đã đi vào lịch sử và được cộng đồng sử dụng ngôn ngữ chấp nhận, đặc biệt là trong việc sử dụng thuật ngữ như phân tích vừa trên.

Paris, 1 tháng 6 năm 2006

© 2006 talawas


[1]Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, trang 36-37.
[2]Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, trang 80.
[3]Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, trang 150.
[4]nt.
[5]nt.
[6]Tạp chí Văn học Nghệ thuật, số 4 và 5, 2005.
[7]http://rarfaxp.riken.go.jp/~dang/MattLarking.htm
[8]Về cách dùng từ “đương đại” trong cụm từ “nghệ thuật đương đại”, tôi sẽ xin được trao đổi với ông Bùi Việt Bắc trong một bài viết khác.