© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Suy tÆ° 90
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29 
5.6.2006
Nguyễn Kiến Giang
Nhìn nhận thực trạng văn hoá Việt Nam hiện nay
 1   2 
 
Tiểu luận này được viết theo yêu cầu của anh Trần Độ, chủ nhiệm đề tài “Thực trạng văn hóa Việt Nam”, trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu “Văn hóa và phát triển”. Nó được dùng làm “đề dẫn” cho các cuộc thảo luận của nhóm đề tài. Trên cơ sở tiểu luận này và những ý kiến thảo luận nhóm, anh Trần Độ và tôi đã soạn thành một văn bản để nộp cho ban chủ nhiệm chương trình. Rồi nó cũng mất tăm như bao nhiêu ý kiến thảo luận khác, để chỉ còn lại những “kết luận” chung chung, vô thưởng vô phạt... Nhưng đối với anh Trần Độ và tôi, đó là một dịp để suy nghĩ và phát biểu những gì có thể và cần thiết. Có thể nói, đây là khởi đầu cho sự cộng tác tâm đầu ý hợp của anh Trần Độ và tôi.
Thật khó khăn - nhất là đối với chỉ một người - khi phải đánh giá thực trạng văn hóa Việt Nam vào thời điểm này (đầu những năm 90). Dưới đây, nhiều lắm cũng chỉ có thể nêu lên một số nhận xét về một số mặt nào đó của đời sống văn hóa. Ý định chủ yếu của chúng tôi là thử đưa ra một cách nhìn (một cách tiếp cận) dựa vào sự vận động xã hội nói chung và của bản thân văn hóa nói riêng. Đây tuyệt nhiên không phải là những kết luận, dù chỉ là của chúng tôi, mà nhiều lắm cũng là những suy nghĩ, những gợi ý. Các cuộc thảo luận về vấn đề này, nếu được tổ chức và tiến hành nột cách tích cực và nghiêm túc, chắc chắn sẽ bổ sung và sửa chữa nhiều cho những ý kiến nêu lên ở đây.


*


1. Bức tranh thực trạng văn hóa Việt Nam hiện nay rất phức tạp, bao hàm những mâu thuẫn sâu sắc, khiến cho mọi lý giải giản đơn, một chiều đều không thích hợp. Một nhận xét thường được nghe thấy: văn hóa nước ta đang xuống cấp nghiêm trọng. Có đúng thế không? Theo chúng tôi, để trả lời câu hỏi đó, phải lấy một chuẩn mực nào đó làm căn cứ. Nhưng lấy chuẩn mực nào để nói rằng văn hóa đang xuống cấp hay lên cấp? Hơn nữa, chuẩn mực ấy được lựa chọn dựa vào cái gì?

Ý kiến của chúng tôi là: không phải văn hóa Việt Nam đang xuống cấp, nó đang ở trong một thời kỳ chuyển tiếp về chất với những biểu hiện ngược chiều nhau, trong đó xuất hiện những yếu tố có thể coi là những tín hiệu của một sự phục hưng văn hóa Việt Nam trong thời đại mới, và tất cả những điều đó diễn ra một cách tự phát, đầy những xung đột sâu sắc và gay gắt giữa các xu hướng khác nhau. Văn hóa Việt Nam đứng trước những nguy cơ lớn, những mối lo ngại lớn, nhưng cũng đang hàm chứa những niềm hy vọng lớn, những triển vọng lớn. Chúng tôi nói như vậy dựa vào mấy căn cứ chủ yếu:



2. Trước khi đi vào những điểm nói trên, xin nói ngay: khái niệm văn hóa dùng ở đây chưa phải theo nghĩa một tập hợp những lĩnh vực đời sống và hoạt động tinh thần, mà chủ yếu theo nghĩa một hệ thống những giá trị tinh thần chi phối đời sống, tâm lý và hoạt động của con người. Nói cách khác, ở đây chúng tôi không phân tích từng lĩnh vực đời sống và hoạt động văn hóa, mà coi văn hóa như một tổng thể, một cấu trúc mà hạt nhân là hệ giá trị tinh thần. (Nhưng chính tổng thể văn hóa, cấu trúc văn hóa ấy cũng không có tính thuần nhất về các yếu tố của nó, trước kia là thế và ngày nay hay sau này cũng thế. Vấn đề đặt ra là phân biệt tính chất của các yếu tố ấy và nêu được những yếu tố nào giữ vai trò chi phối - nhưng giá trị tinh thần, văn hóa được toàn xã hội, hay đại bộ phận xã hội, thừa nhận).


3. Văn hóa Việt Nam đang chuyển từ nền văn hóa cũ sang nền văn hóa mới, từ hệ giá trị tinh thần cũ sang hệ giá trị tinh thần mới. Để hiểu được cái gì là mới, cần hiểu cái gì là cũ.

Về mặt thời gian, cũ là bao giờ? Có thể lấy Cách mạng tháng Tám làm cái mốc để phân biệt văn hóa cũ và văn hóa mới ở nước ta. Cũng có thể lấy việc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước năm 1975 làm một cái mốc để phân biệt. Những sự kiện đó chắc chắn có ảnh hưởng to lớn đến đời sống tinh thần và văn hóa của đất nước. Nhất là khi lấy giá trị độc lập dân tộc làm căn cứ chủ yếu, thì rõ ràng những sự kiện lớn lao ấy là những cái mốc không thể phủ nhận. Nhưng vì đời sống tinh thần và văn hóa, những giá trị chi phối đời sống tinh thần và văn hóa bao trùm lên mọi mặt đời sống xã hội và cá nhân (từ sản xuất và tái sản xuất của cải vật chất, tái sản xuất con người, cho đến những quan hệ giao tiếp giữa con người với nhau), nên chỉ lấy một giá trị duy nhất (độc lập dân tộc) làm căn cứ là không đủ. Nền văn hóa một nước và hệ giá trị tinh thần của nó có phạm vi rộng hơn nhiều. Lấy một ví dụ: nếu trước khi giành được độc lập và sau đó, đời sống tinh thần của nhân dân có mặt vẫn như cũ hoặc có thay đổi phần nào nhưng căn bản vẫn sống với một nền sản xuất nhỏ, với lao động thủ công là chính, với tâm thức (mentalité) của người tiểu nông, với cộng đồng làng xã được tổ chức một cách khác nhau nhưng vẫn lấy lợi ích cộng đồng làm giá trị chủ yếu, v.v..., thì chưa thể nói tới hai nền văn hóa khác nhau về chất được.

Về mặt văn hóa, sự thể diễn ra phức tạp hơn nhiều. Mọi cách nhìn giản đơn đều bị bật khỏi hiện thực vô cùng phức tạp. Chẳng hạn, nếu lấy sự giao tiếp làm một nội dung cơ bản của văn hóa, thì việc sáng tạo và phổ biến chữ quốc ngữ lại là một cái mốc hết sức quan trọng. Hãy tưởng tượng xem, nếu chúng ta không có chữ quốc ngữ thì việc phổ cập giáo dục sẽ khó khăn biết chừng nào. Chưa nói tới sự phát sinh và phát triển của một số loại hình văn học nghệ thuật (như tiểu thuyết, thi ca...) cũng khó đạt được những nhịp độ nhanh chóng và những chiều sâu tinh tế như đã có từ nửa đầu thế kỷ XX ở nước ta. (Chúng tôi không nói rằng không có chữ quốc ngữ, nước ta sẽ không có các loại hình văn học nghệ thuật ấy - như trường hợp Trung Quốc, Nhật Bản cho thấy với những văn tự truyền thống cũng có thể có những thứ đó, ở đây chúng tôi chỉ muốn nói tới những nhịp độ và những chiều sâu nào đó. Hay cũng có thể nêu lên một giả thiết ngược lại: nếu vẫn duy trì chữ viết truyền thống - chữ Hán và chữ Nôm - thì dễ bảo tồn văn hóa truyền thống hơn chăng? Xin để ngỏ vấn đề này).

Theo ý chúng tôi, cái mốc để nền văn hóa cũ chuyển sang nền văn hóa mới chính là hiện nay, vào chính thời điểm này, tức là vào những năm 80-90 của thế kỷ này. Bởi vì, đến lúc này, sự vận động xã hội Việt Nam mới thật sự có những chuyển biến về chất trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và cá nhân, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, sự chuyển biến ở một lĩnh vực này chịu tác động những chuyển biến trong các lĩnh vực khác, đồng thời cũng tác động ngược lại một cách mạnh mẽ chưa từng thấy. Chúng tôi sẽ dần dần chứng minh luận điểm này trong những đoạn dưới đây.


4. Như vậy, trong quan niệm của chúng tôi, trước thời điểm này (những năm 80-90), nói chung đó là nền văn hóa cũ. Nhưng chính nền văn hóa cũ ấy cũng không thuần nhất và trải qua những giai đoạn khác nhau. Tạm thời có thể chia thành mấy giai đoạn:

4.1. Giai đoạn truyền thống thuần túy trước khi nước ta trở thành một nước thuộc địa. Truyền thống không có nghĩa là chỉ có tính chất nội sinh (endogène), chỉ sống bằng những giá trị tinh thần của dân tộc mình. Không, truyền thống cũng có tính chất ngoại sinh (exogène), có du nhập ảnh hưởng của những nền văn hóa bên ngoài. Nhưng dù là nội sinh hay ngoại sinh, tất cả đều thuộc phạm trù truyền thống (Khổng giáo và Phật giáo, chẳng hạn, đều là những giá trị tinh thần nảy sinh và lan rộng trong xã hội truyền thống).

4.2. Giai đoạn thuộc điạ. Những mốc thời gian của giai đoạn này, bắt đầu cũng như kết thúc, là không đơn nhất. Từ những nhượng địa đầu tiên cho tới chế độ bảo hộ thiết lập trên cả nước (với những sắc thái khác nhau: chế độ bảo hộ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, chế độ trực trị ở Nam Kỳ) là một khoảng thời gian khá dài, khoảng ba mươi năm, kể từ hiệp ước 1858 đến hiệp ước 1883. Sự kết thúc của giai đoạn này cũng trải ra một khoảng thời gian dài tương tự: năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công; năm 1954 khi miền Bắc được giải phóng, và năm 1975 khi cả nước hoàn toàn giải phóng. Như vậy, giai đoạn thuộc địa mang tính tương đối thuần nhất trong khoảng nửa thế kỷ (từ 1895 khi bắt đầu thời kỳ khai thác thuộc địa lần thứ nhất đến 1945 khi Việt Nam tuyên bố độc lập. Còn 30 năm trước đó và sau đó, đất nước bị chia cắt thành những vùng khác nhau, đặc biệt từ 1954 đến 1975 bị chia cắt thanh hai miền, có hai quốc gia xung đột nhau quyết liệt. Trong những hoàn cảnh ấy, đời sống xã hội và văn hóa nước ta không thuần nhất, nhiều yếu tố xen kẽ nhau, cùng tồn tại và mâu thuẫn nhau. Nhưng nếu lấy khoảng thời gian nửa thế kỷ tương đối thuần nhất (1895-1945) để xem xét, thì có thể nhìn thấy rằng các yếu tố truyền thống không còn nguyên vẹn; một số yếu tố hiện đại đã xuất hiện (giao thương, đô thị hóa, sự du nhập các giá trị văn hóa và tư tưởng phương Tây...). Trong giai đoạn này, đời sống văn hóa nước ta diễn ra theo những “trục” khác nhau nhưng hỗ trợ nhau. Một mặt, nổi bật lên trên tất cả là cuộc đấu tranh dai dẳng và quyết liệt giữa chế độ thực dân và các giá trị dân tộc. Mặt khác, điều rất đáng ngạc nhiên là trong đời sống văn hóa, người Việt Nam đã làm một bước nhảy vọt lớn: chuyển từ văn hóa truyền thống sang một nền văn hóa mang không ít yếu tố hiện đại. Mà chỉ trong vòng có vài thập kỷ!

4.3. Giai đoạn 1945-1975. Đây là giai đoạn xã hội và văn hóa Việt Nam bị chia đôi một cách rõ rệt nhất. Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), đó là sự chia cắt giữa vùng do chính quyền Việt Nam kiểm soát và văn hóa của vùng gọi là “tạm bị chiếm” do Pháp kiểm soát, chủ yếu là ở các thành phố lớn (Hà Nội, Huế, Sài Gòn...). Nhưng văn hóa kháng chiến cũng thâm nhập khá sâu ở vùng này. Và thật ra, do thời gian ngắn ngủi, văn hóa vùng “tạm bị chiếm” chưa hình thành như một thứ văn hóa có màu sắc riêng. Phải đến sau đó, khi đất nước tạm chia làm hai miền theo hiệp định Geneve, dần dần hình thành hai thứ văn hóa khác nhau. Ở miền Bắc là “văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Còn ở miền Nam là văn hóa thường được gọi là “văn hóa thực dân mới”. Có những hiện tượng đan xen nhau (“văn hóa giải phóng” ở miền Nam. Và ngay trong văn hóa miền Nam, cũng có những xu hướng khác nhau, trong đó có cả xu hướng dân tộc. Xu hướng này có khi khoác những cái áo khác nhau (một người trí thức miền Nam cho biết rằng, để chống lại “văn hóa Hoa Kỳ”, người ta đã nấp dưới cái vỏ “văn hóa Trung Quốc” và “văn hóa Pháp”). Những tìm tòi về triết học, văn học, nghệ thuật đã xuất hiện, trong đó có những tìm tòi theo hướng hiện đại và cũng đã đạt tới những thành công nào đó.

Còn ở miền Bắc, toàn bộ đời sống văn hóa được hướng theo công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, đặc biệt là trong thời kỳ tập trung toàn bộ sức mạnh vào cuộc chiến tranh chống Mỹ (1965-1975). Trong thời kỳ này, cần ghi nhận một nét mới không chỉ có ảnh hưởng chính trị mà có ảnh hưởng lớn cả về mặt văn hóa: chủ nghĩa Mác - Lênin được đặt lên vị trí hệ tư tưởng chính thống một cách tuyệt đối. Như sau này sẽ thấy, tác động của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với các mặt đời sống xã hội và văn hóa mang những tính chất khác nhau, có cả ý nghĩa tích cực lẫn tiêu cực.

4.4. Giai đoạn sau giải phóng, từ năm 1975 đến giữa những năm 80, khi bắt đầu công cuộc đổi mới. Trong giai đoạn này, nổi bật lên mâu thuẫn giữa những yêu cầu bình thường hóa đời sống con người và phát triển kinh tế, hiện đại hóa kinh tế và xã hội, với sự duy trì và tăng cường mô hình “chủ nghĩa xã hội nhà nước”, mà hậu quả là một sự đổ vỡ toàn diện, đưa xã hội vào trạng thái khủng hoảng nặng nề và sâu sắc. Những giá trị cũ mất chỗ đứng và ảnh hưởng, trong khi những giá trị mới chưa kịp hình thành và phát triển.

Sự phân chia hết sức sơ lược trên đây cho thấy nền văn hóa cũ mang những yếu tố rất khác nhau, thậm chí xét về mặt hình thức là đối lập nhau (chẳng hạn, những giá trị “vô sản”, “xã hội chủ nghĩa” do chủ nghĩa Mác - Lênin đề xướng đối lập với những giá trị truyền thống xưa), nhưng trên thực tế, nhìn chung, những giá trị truyền thống vẫn chiếm địa vị ưu thế.

Xin nói ngay một điều để tránh hiểu lầm. Chúng tôi không hiểu “truyền thống” như một cái gì kém và xấu. Cũng như không đồng nhất “hiện đại” với cái gì hay và tốt, nói chung. Giá trị học (axologie) không có những thước đo đúng, sai, tốt xấu. Nó coi các giá trị như một hiện thực xã hội (Durkheim và Weber, các nhà xã hội học đầu tiên nói tới khái niệm “giá trị” đều coi các giá trị khắc sâu vào các cá nhân và được họ chia sẻ và đồng hóa như những cái bảo đảm cho sự thống nhất xã hội).


5. Những giá trị đặc trưng của nền văn hóa cũ gần như bao giờ cũng có những biến thể có thể có của chúng, dưới tác động của yếu tố này hay yếu tố khác, có khi ngược lại với những giá trị vốn có. Trong lịch sử xa xưa, đã từng xẩy ra như vậy trong các quá trình tiếp nhận văn hóa (acculturation) của một cộng đồng người nào đó. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tín ngưỡng, khi chuyển từ những hình thức tín ngưỡng dân gian sang những hình thức tín ngưỡng tôn giáo, đã có những “đụng đầu”, những xung đột gay gắt. Nhưng, rốt cuộc, một sự đồng hóa từ cả hai phía đã xẩy ra. Tín ngưỡng dân gian (đa thần, vật linh) tiếp nhận một số giáo lý tôn giáo nào đó làm của mình, ngược lại, tôn giáo cũng “kết nạp” một số yếu tố dân gian vào “hệ thống của mình. Trong một ngôi chùa Phật, có thể thấy bên cạnh các pho tượng Phật cả những tượng Ngọc hoàng Thượng đế, Thượng mẫu, v.v... Kitô giáo, khi du nhập vào Việt Nam cũng chấp nhận bàn thờ tổ tiên trong các gia đình tín đồ, mà việc thờ cúng tổ tiên là đi ngược lại giáo lý Kitô giáo. Cũng có thể nói như vậy, ở một mức độ nhất định, về sự kết hợp chủ nghĩa cộng sản (dưới dạng chủ nghĩa Mác - Lênin) với những giá trị tinh thần truyền thống. Sự kêu gọi đoàn kết các tầng lớp bị áp bức (Vô sản toàn thế giới, liên hiệp lại!) chuyển thành sự cố kết làng xã (tình làng nghĩa xóm), thành khẩu hiệu đoàn kết dân tộc (Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết), cùng có một điểm chung từ trong chiều sâu tâm thức cộng đồng. Chủ nghĩa vô thần tưởng như xóa sạch sành sanh mọi biểu hiện tôn giáo và tín ngưỡng, và trên thực tế, có lúc điều đó đã xẩy ra, nhưng chính tâm thức tín ngưỡng, tôn giáo ấy lại biểu hiện ở thái độ của nhiều đảng viên cộng sản đối với chính học thuyết của mình: biến nó thành một thứ giáo lý, với một niềm tin tuyệt đối có tính tiên thiên (a priori), biến sinh hoạt tư tưởng của một chính đảng thành sinh hoạt giáo hội. Hơn nữa, còn áp đặt học thuyết của mình lên toàn xã hội như một hệ tư tưởng thống trị, điều mà chính Marx đã kịch liệt bác bỏ. ở đây, những mâu thuẫn và xung đột giữa cái “mới” và cái “cũ” chỉ là về mặt hình thức, còn về thực chất lại đồng hóa lẫn nhau, và trong sự đồng hóa ấy, yếu tố truyền thống vẫn giữ ưu thế. Ngày nay cũng vậy, nếu có ai đó một mực đề cao cái hiện đại và bài xích cái truyền thống, với một thái độ cực đoan (hoặc là - hoặc là), thì xét đến cùng, đó không phải là mới, mà về thực chất vẫn là theo tâm thức cũ (tâm thức độc tôn).

Vậy thì, những đặc trưng cơ bản của hệ thống giá trị truyền thống, hạt nhân của văn hóa cũ, là những gì? Nói cách khác, những giá trị nào tạo nên sự cố kết, thống nhất của xã hội truyền thống?

5.1. Con người tồn tại trong tự nhiên, vì thế bao giờ quan hệ giữa con người và tự nhiên cũng là một mặt cơ bản - nếu không nói là cơ bản nhất - của đời sống tinh thần con người. Trong những nền văn minh xa xưa, vũ trụ (tự nhiên) là một sự huyền bí tuyệt đối, đồng thời cũng là một quyền năng tuyệt đối, đối với con người. Con người chưa có và cũng chưa thể có thái độ (hay tâm thức) chinh phục tự nhiên, mà chỉ có thể có thái độ nương nhờ tự nhiên, khuất phục trước những sức mạnh tự nhiên. Tất cả các tín ngưỡng xa xưa của con người, kể cả con người Việt Nam) đều mang một nét chung: sùng bái, thờ cúng tự nhiên. Không chỉ trong hoạt động lao động sản xuất, mà cả về các mặt sinh hoạt khác (cư trú, chữa bệnh...), con người đều cầu xin tự nhiên giúp đỡ. Tất cả các vật tự nhiên (một hòn đá, một cây to, một hốc núi...) đều được linh thiêng hóa. Cho đến trước cách mạng, ở nhiều vùng người ta không dám xâm phạm tự nhiên (các lùm lòi là chốn huyền bí, một cây to cây nhỏ đều có thần hay có “ma”...). Ngay hiện nay, ai đến bệnh viện Huế cũng đều nhìn thấy một hiện tượng có vẻ khác thường: mỗi gốc cây quanh vườn bệnh viện đều có một nắm hương thờ. Thờ cúng tự nhiên, phục tùng tự nhiên để được yên ổn, được phù hộ là một nét căn bản trong tâm thức con người, do đó, là một giá trị tinh thần cơ bản của đời sống con người. ở Việt Nam, trời là khái niệm tối thượng và toàn hiện (omniprésent). Lạy Trời, nhờ Trời, ơn Trời, v.v..., nằm trong ngôn ngữ hàng ngày của mọi người. Trời là tự nhiên, là vũ trụ trong tâm thức Việt Nam. (Dù có lúc “oán Trời” hay giễu Trời - con cóc là cậu ông Trời - thì không phải vì vậy mà hạ thấp Trời). Có thể nói rằng trong quan hệ người - tự nhiên truyền thống, không phải không có những xung đột, nhưng con người bao giờ cũng chịu khuất phục và ở thế “nhờ vả”. Tâm thức truyền thống ấy lại được củng cố bởi ý niệm “thiên mệnh” của Nho giáo. Và cả sau này, khi tiếp xúc với chủ nghĩa Mác - Lênin, tâm thức phục tùng Trời ấy là cơ sở hết sức thuận lợi để tiếp nhận những “qui luật” phổ biến được chủ nghĩa Mác-Lênin nêu lên như những giá trị tuyệt đối, không cưỡng được, và từ đó coi những gì thể hiện những “qui luật phổ biến” ấy (đảng, lãnh tụ...) không khác gì Trời. Một học thuyết khoa học - ít ra nó tự coi là thế - khi cắm vào mảnh đất tâm thức truyền thống như của nước ta, lại chưa trải qua giai đoạn tư duy duy lý, thì những gì là “khoa học” (hay được coi như vậy) đều biến thành tín ngưỡng theo lối truyền thống.

5.2. Quan hệ cá nhân - xã hội trong hệ giá trị truyền thống ở nước ta, cũng như trong mọi xã hội truyền thống khác, dựa trên nguyên tắc (chuẩn mực) cá nhân tồn tại vì cộng đồng, cho cộng đồng, mà không phải ngược lại như trong xã hội hiện đại. Nói cụ thể hơn, con người chỉ tồn tại với tư cách một bộ phận cộng đồng mà không phải với tư cách cá nhân. Hay nói như Mác, trong các xã hội truyền thống, con người được nuôi dưỡng bằng cái “cuống nhau” nối liền với cộng đồng; cắt “cuống nhau” ấy đi, cá nhân không thể tồn tại được nữa. Lợi ích cộng đồng bao giờ cũng đặt trên lợi ích cá nhân. Ý thức cộng đồng bao giờ cũng lấn át ý thức cá nhân. Cá nhân tuy không phải là con số không đối với cộng đồng, nhưng dù giá trị của cá nhân lớn đến mấy đi nữa thì vẫn phải phục tùng cộng đồng. Không thể đứng cao hơn cộng đồng, thậm chí không thể khác với cộng đồng, với điều đó ý thức cộng đồng trở thành ý thức bình quân, cào bằng, san phẳng mọi cá tính con người. Ý thức cộng đồng, do đó, cũng tạo ra thái độ thụ động của cá nhân. Tất nhiên, vì địa vị cá nhân trong cộng đồng không giống nhau - vì các xã hội truyền thống được tổ chức theo những thứ bậc nhất định (ban đầu là hệ thứ bậc về tuổi tác, về dòng họ, sau đó là cả hệ thứ bậc về quyền lực), nên những cá nhân chiếm địa vị cao trong hệ thứ bậc ấy nắm quyền chi phối cộng đồng; ý kiến và ý chí của họ được đồng nhất với ý kiến và ý chí của cộng đồng. Tất cả những cái đó được củng cố thêm bởi Nho giáo với quan niệm kỷ cương, thứ bậc vô cùng chặt chẽ của nó. Ý thức cộng đồng ở nước ta còn được củng cố hơn nữa bởi những nhu cầu đoàn kết, thống nhất dân tộc chống ngoại xâm. Sức mạnh chống ngoại xâm trước hết là sức mạnh thống nhất của cộng đồng. Ý thức đó còn được củng cố bởi “nền văn minh lúa nước”, khi mọi người được huy động vào đắp đê phòng lụt, vào những công trình thủy lợi, vào cả những lúc thời vụ bận rộn nhất. Ý thức cộng đồng truyền thống ấy được phát huy đến tình độ cao nhất trong mấy chục năm cách mạng và kháng chiến. Chỉ cần lấy một ví dụ nhỏ cũng đủ thấy ý thức cộng đồng tác động như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua: vào giữa những năm 60, nhiều người - trước hết là chính những nông dân xã viên - bắt đầu thấy rõ cách tổ chức hợp tác xã nông nghiệp hồi đó là không thích hợp với nền sản xuất tiểu nông, kìm hãm sản xuất nông nghiệp, tạo nên tình hình “cha chung không ai khóc”, mảnh đất rất thuận lợi cho mọi tệ hại lãng phí và tham ô. Nhưng chính các hợp tác xã lại có tác dụng rất lớn trong việc huy động nhân lực, vật lực ở nông thôn trong chiến tranh (cả các đơn vị trực chiến của dân quân làng xã cũng do các hợp tác xã đài thọ).

5.3. Trên cơ sở những giá trị ấy, một giá trị truyền thống khác được đẻ ra và ăn sâu vào tâm thức con người trong quan hệ giữa dân và nhà nước. Chỉ kể từ khi có nhà nước tự chủ (thế kỷ X), gần một nghìn năm (cho tới Cách mạng tháng Tám 1945), dân Việt Nam luôn luôn sống dưới chế độ quân chủ, mọi công việc lớn nhỏ đều do nhà vua định đoạt, nhất là dưới những triều đại tập quyền cao độ. Người dân bao giờ cũng mang thân phận thần dân đối với nhà vua. Và thần dân là đồng nghĩa với phục tùng tuyệt đối. Thần dân không có quyền lựa chọn người cai trị mình, chỉ có thể nuôi hy vọng trên đầu mình là những “đấng minh quân” có các “tôi hiền” giúp việc cai trị. Có được “vua giỏi tôi hiền” (hay “minh quân lương tướng”) là dân cảm thấy sung sướng. “Vua hỏng tôi hư”, dân cũng đành cam chịu.

Sau chế độ tập quyền lâu đời ấy, là chế độ thực dân. Tất nhiên, người dân vẫn nằm trong địa vị thần dân, và bây giờ còn cộng thêm địa vị những kẻ mất nước, làm nô lệ cho nước ngoài. Trong những điều kiện ấy không thể nói tới địa vị công dân và nền văn hóa công dân. Nhưng có một điều cần nói rõ. Địa vị thần dân chủ yều là trong lĩnh vực chính trị (quan hệ dân - nhà nước), còn trong lĩnh vực văn hóa thì có khác. Ngoài thứ văn hóa chính thống (của các thế lực thống trị hay do các thế lực đó chi phối), vẫn tồn tại văn hóa không chính thống, gồm cả bác học và dân gian. Thứ văn hóa không chính thống này, miễn là không trực tiếp đụng tới chính quyền thống trị, vẫn có những biểu hiện riêng của người dân: tín ngưỡng, tôn giáo, tình cảm con người... dưới những thể loại văn học nghệ thuật khác nhau. Nhà nước không trực tiếp chi phối lĩnh vực văn hóa riêng tư này (chữ “riêng tư” ở đây không chỉ nói tới cá nhân mà cả những cộng đồng nhất định (làng xã, nghề nghiệp...). Trong di sản văn hóa của chúng ta, ngoài những yếu tố tích cực của văn hóa chính thống - ngày nay chúng ta nhìn nhận chung một cách rộng rãi hơn, có quan điểm lịch sử hơn, chính những di sản của văn hóa không chính thống (tất nhiên không phải là tất cả) là những yếu tố có sức sống nhất của dân tộc (chỉ cần nhìn tới kho tàng truyện cổ, ca dao, dân ca, cũng đủ thấy sự phong phú và sức sống của văn hóa không chính thống như thế nào, chưa nói tới cả một nền văn học hiện đại, mà một phần lớn của nó là không chính thống, ra đời từ nửa đầu thế kỷ này). Tóm lại, trừ những gì trực tiếp đụng tới quan hệ dân - nhà nước ra, người dân có thể sống một đời sống văn hóa riêng của mình ở những mức độ nhất định.

Sở dĩ phải nói tới điều đó, vì với chính quyền được dựng lên sau cách mạng, đời sống văn hóa của người dân có những thay đổi lớn. Lúc đầu, đúng là có một sự giải phóng thật sự về chính trị và văn hóa đối với người dân. Khái niệm “công dân” chính thức xuất hiện. Nhiều yếu tố văn hóa dân tộc được khẳng định và phục hồi. Trong đời sống văn hóa của người dân, không tồn tại ranh giới giữa “chính thống” và “không chính thống”. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh liên miên, phải tập trung lực lượng toàn dân tộc vào các cuộc đấu tranh cứu nước và giữ nước, nhất là do sự độc quyền lãnh đạo (trên thực tế là độc quyền thống trị) được thiết lập trong tất cả các lĩnh vực đời sống con người, từ sản xuất vật chất đến đời sống tinh thần, từ cá nhân đến tập thể, cộng đồng (nhớ rằng từ nhiều năm nay, trong các văn bản chính thức của đảng và nhà nước đều ghi rõ: đời sống tinh thần và tư tưởng ở nước ta phải lấy hệ tư tưởng Mác - Lênin làm cơ sở, phải thiết lập sự thống trị của hệ tư tưởng này trong đời sống tinh thần và tư tưởng của nhân dân), do những điều đó và những điều khác nữa, đời sống văn hóa của nhân dân chịu sự chi phối gần như tuyệt đối của nhà nước. Không còn văn hóa chính thống và không chính thống, vì trên thực tế chỉ có văn hóa chính thống mới được phép tồn tại, tất cả các yếu tố văn hóa không chính thống (tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật độc lập...) đều bị coi là không hợp pháp, ít ra cũng bị coi là lạc hậu, cần phải bài trừ. Đời sống văn hóa và tinh thần của con người bị khuôn vào những qui tắc, lề lối ngặt nghèo, do những trung tâm nào đó đề ra và mọi người phải tuân theo. Nói cách khác, đời sống tinh thần và văn hóa cũng bị “nhà nước hóa” nặng nề, không kém đời sống kinh tế và chính trị, nếu không muốn nói là còn nặng nề hơn, và có thể nói đời sống tinh thần và văn hóa bị chính trị hóa cao độ. Tình hình đó lại càng ngăn cản sự hình thành và phát triển của văn hóa công dân. Dù rằng, trong thực tế, văn hóa công dân vẫn hình thành, chỉ có điều là nó không được coi là chính thống và hợp pháp và dễ bị đàn áp.

5.4. Một đặc trưng khác của văn hóa truyền thống là sức ì rất lớn của nó. Điều này thật dễ hiểu; một khi cá nhân còn phụ thuộc vào cộng đồng, người dân vẫn còn là “thần dân” (dưới những biến thể khác nhau), thì không thể nói tới tính năng động của cá nhân và của xã hội trong lĩnh vực văn hóa (với bản chất của nó, văn hóa vốn đã có sức ì lớn hơn các lĩnh vực khác). Khả năng tiếp nhận những biến đổi của văn hóa truyền thống thường không lớn. Tất nhiên, nó không đứng nguyên về nội dung và hình thức. Ở những thời điểm nhất định, đã diễn ra những biến đổi nhất định và hai lực tác động trực tiếp tới những biến đổi đó là ảnh hưởng bên ngoài (của những nước, nhưng cộng đồng phát triển cao hơn về văn hóa) và từ trên xuống (của giới thống trị). Trong văn hóa truyền thống, ít có những vận động từ dưới lên.

Những biến đổi trong lĩnh vực văn hóa ở nước ta nói chung không xóa bỏ những nền móng trước đó. Có những trường hợp tưởng như đã xóa sạch cái cũ (khi thay đổi triều đại, chẳng hạn), nhưng thật ra vẫn giữ nguyên nó dưới một hình thức mới, có khi còn làm cho cái cũ bền vững hơn. Xung đột giữa cái cũ và cái mới (cái mới đích thực chứ không phải cái mới bề ngoài) nói chung diễn ra không quyết liệt lắm, vì cái mới thường phải được thể hiện dưới làn vỏ của cái cũ. Sự từ giã cái cũ (đối với Nho giáo đầu thế kỷ này là một ví dụ) thường là tương đối êm thấm. Người ta vẫn thắp hương khấn vái Khổng tử, nhưng không làm theo Khổng tử từng câu từng chữ như trước kia. Vì thế, cái cũ lại có cơ hội và điều kiện để xuất hiện trở lại dưới những hình thức mới.

Nói chung, trong văn hóa truyền thống, quá khứ đè nặng lên hiện tại và thậm chí còn ảnh hưởng khá lớn đến tương lai, hay nói như Mác, cái chết túm chặt lấy cái đang sống (le mort saisit le vivant). Hướng về cái cũ, về những giá trị cũ là mô-típ chủ đạo của nó.

5.5. Nói chung, các nền văn hóa truyền thống đều đóng khung vào một không gian nhất định và thường dị ứng với những giá trị bên ngoài. Văn hóa truyền thống Việt Nam cũng theo qui luật ấy. Thái độ dè dặt, nghi ngờ đối với những gì bên ngoài khiến cho việc tiếp nhận chung không diễn ra nhanh chóng. Nhưng nằm ở một mảnh đất giao thoa của các nền văn hóa lớn (Trung Quốc, ấn Độ, phương Tây...), ở Việt Nam không thấy có thái độ bài ngoại về văn hóa. Khả năng tiếp nhận văn hóa bên ngoài của dân tộc Việt Nam - ngay cả trong văn hóa truyền thống - đã tỏ ra khá lớn. Chính khả năng ấy đã tạo ra một sức sống mạnh mẽ. Nhưng đó thường là sự tiếp nhận một chiều. Nhận, nhưng không có gì nhiều để tác động trở lại đối với văn hóa bên ngoài. Trình độ thấp hơn của văn hóa dân tộc (từ tôn giáo, triết học đến khoa học, kỹ thuật) dễ đưa tới sao chép những khuôn mẫu bên ngoài, tới lề thói giáo điều. Yếu tố này càng tăng lên rất nhiều, khi tiếp nhận một hệ tư tưởng được coi là có tính quốc tế như chủ nghĩa Mác - Lênin. Cũng do trình độ thấp, nên sự tiếp nhận văn hóa bên ngoài nói chung dễ trở thành sao chép những yếu tố thực hành, hơn là tiếp nhận những yếu tố tinh hoa, thực chất. Phật giáo vào nước ta bằng những nghi thức hơn là bằng những giáo lý cao siêu của nó. Và gần đây, đối với chủ nghĩa Mác - Lênin cũng na ná như vậy, có khi càng như vậy. (Trên thực tế, những kinh nghiệm áp dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn ở Liên Xô, Trung Quốc cũng được tiếp nhận như những khuôn mẫu hành vi hơn là chính nội dung và thực chất lý luận của nó).

Ở đây, có lẽ nên xem xét kỹ hơn về tính dân tộc trong hệ giá trị tinh thần truyền thống. Một số ý kiến, khi nói tới truyền thống tinh thần của dân tộc, đã đặt yêu nước (hay sau này còn dùng chủ nghĩa yêu nước) lên thành giá trị cao nhất. Đó là điều không ai chối cãi. Nhưng, thứ nhất, yêu nước không phải là độc quyền của dân tộc Việt Nam và, thứ hai, nội hàm của khái niệm yêu nước được hiểu theo những lối khác nhau, nên khó có thể chấp nhận nó như một khái niệm khoa học. Về mặt chính trị, yêu nước là bảo vệ chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc, và về mặt này cũng đồng nghĩa với chống ngoại xâm. Nhưng về mặt văn hóa thì yêu nước là gì? Chúng ta gặp phải một hiện tượng không đơn giản. Một mặt, những ký ức lịch sử, những tình cảm gắn bó với quê hương, những di sản văn hóa từ xưa để lại - tất cả tạo thành một ý thức dân tộc sâu lắng và thậm chí thành một thứ vô thức trong mỗi con người Việt Nam. Coi ý thức dân tộc chỉ là ý thức về quyền lợi dân tộc là quá chật hẹp. Ý thức dân tộc còn có nội dung tâm linh của nó, bắt nguồn từ những gì dân tộc coi là thiêng liêng nhất, những gì đã kết tụ thành tâm hồn dân tộc. Mặt khác, trong lĩnh vực văn hóa, ý thức dân tộc chưa bao giờ ngăn cản người Việt tiếp nhận những giá trị cao hơn của bên ngoài. Vì vậy, sự đồng hóa những giá trị văn hóa ấy nhằm làm phong phú thêm văn hóa dân tộc vốn có là một yếu tố không thể tách rời của lòng yêu nước, của ý thức dân tộc. Điều này cần được chú trọng khi đề xướng việc bảo vệ bản sắc dân tộc. Đánh giặc giữ nước thì kiên cường khó ai vượt qua, nhưng lấy những yếu tố, những giá trị văn hóa bên ngoài bồi đắp cho nền văn hóa của mình thì cũng khiêm nhường rất mực. Chủ nghĩa hư vô dân tộc (phủ nhận mọi giá trị văn hóa dân tộc) cũng như chủ nghĩa độc tôn dân tộc đều xa lạ với những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc.

Cũng cần nói thêm một chút về những giá trị nhân văn và dân chủ trong văn hóa truyền thống nước ta. Không ai phủ nhận những yếu tố nhân văn và dân chủ của nó, cũng như của mọi nền văn hóa trên thế giới. Nhưng say sưa tới mức khẳng định có một nền văn hóa truyền thống nhân văn và dân chủ thì không thể chấp nhận. Ở nước ta, chủ nghĩa nhân văn và dân chủ chưa bao giờ là những trào lưu chủ đạo trong văn hóa như những trào lưu được toàn xã hội - đặc biệt là các thế lực thống trị - chấp nhận. Trong lịch sử văn hóa loài người, chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa dân chủ (và kèm theo đó là chủ nghĩa duy lý) chỉ có thể ra đời trên những mảnh đất lịch sử nhất định. ở Tây Âu, phải tới thời Phục hưng cho tới Thế kỷ Khai sáng (tức từ thế kỷ XV-XVI đến thế kỷ XVIII), những giá trị đó mới hình thành như những trào lưu văn hóa chủ đạo. Không phải chỉ lấy một câu “thương người như thể thương thân” hay một châm ngôn “dân vi quí” (hay “dĩ dân vi bản”) để khẳng định sự tồn tại của chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa dân chủ trong văn hóa truyền thống. Chừng nào cá nhân con người chưa tự ý thức được về giá trị tối thượng của nó với tư cách một con người và một công dân, và hành động với ý thức đó một cách đầy đủ, chừng đó chưa thể nói tới chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa dân chủ. Đối với văn hóa truyền thống, đó là những giá trị mới mẻ và, như đã thấy, khó có thể “chung sống” với những giá trị chính thống.


6. Một lần nữa, xin lưu ý: ngay cả khi một số giá trị mới đã được du nhập vào văn hóa của đất nước, tưởng như những giá trị đó sẽ lật nhào những giá trị cũ, nhưng ngay cả khi đó những giá trị mới dễ có nguy cơ bị những giá trị cũ “đồng hóa”. Xin lấy phương chân “dân tộc, khoa học, đại chúng” được Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943) đề xướng như những giá trị chủ yếu của nền văn hóa mới để phân tích. Chưa cần bàn luận về xuất xứ của phương châm đó từ đâu tới (thật ta, đó là phương châm của nền “văn hóa dân chủ mới” do Mao Trạch Đông nêu lên trong Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới năm 1940), chỉ cần theo dõi những biến hóa của những phương châm này trong thực tiễn xây dựng văn hóa mới ở nước ta, cũng có thể thấy rằng hơn một nửa thế kỷ thực hiện nó, văn hóa Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cái khung truyền thống. Tính dân tộc trong văn hóa vẫn còn là một sự tìm kiếm mơ hồ, ngoài nội dung chống ngoại xâm của nó. Tính khoa học lại càng mơ hồ hơn nữa; càng đề cao tính khoa học bao nhiêu thì lại càng rơi vào tính phi khoa học bấy nhiêu (với những thất bại của mô hình gọi là đi theo “chủ nghĩa xã hội khoa học”). Còn đại chúng? Đại chúng vẫn chưa thoát khỏi thân phận “thần dân”, và dân chủ hóa vẫn còn là một mục tiêu không dễ dàng đạt tới.

Như vậy, nền văn hóa truyền thống chẳng có gì thay đổi hay sao? Có, có những thay đổi và những thay đổi quan trọng, nhưng chưa đủ để phá vỡ các giá trị truyền thống, chưa đủ để làm một cuộc cách mạng đối với nó. Khi nói phá vỡ văn hóa truyền thống hay làm một cuộc cách mạng đối với nó, chúng tôi tuyệt nhiên không nghĩ rằng phải từ bỏ, phải xóa sạch mọi giá trị truyền thống. Trong văn hóa truyền thống, có những giá trị vô cùng bền vững đang và sẽ tồn tại lâu dài, nếu không nói là vĩnh hằng. Những yếu tố văn hóa tâm linh, chẳng hạn, thuộc về những giá trị như vậy. Có lúc chúng ta (và cả nhiều nước khác) tưởng rằng có thể xóa bỏ đời sống tâm linh của con người bằng chủ nghĩa duy lý triệt để, bằng chủ nghĩa khoa học, bằng những mô hình công bằng xã hội đẹp đẽ (xây dựng “thiên đường trên trái đất” để con người không hướng tới thiên đường hứa hẹn ở bên kia thế giới), nhưng hóa ra đời sống tâm linh là một mặt không thể xóa bỏ khỏi sự tồn tại của con người, hay như bây giờ người ta nói, một thuộc tính bản thể (ontologique) của chính con người. Một điều nghe có vẻ lạ lùng nhưng lại đang là một sự thật lớn của con người: nền văn minh loài người càng đi xa, lại càng trở về với nguồn ban đầu của nó.

Nguồn: Những bài viết của Nguyá»…n Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nÆ°á»›c, được chuyền tay hoặc chÆ°a công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tÆ° 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, vá»›i sá»± hiệu đính cuối cùng của tác giả.