© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đạiNghệ thuậtKiến trúc
28.4.2004
Quốc Việt
"Em ơi, Hà nội phố!"
 
Hà nội sắp có thêm những con đường mới. Hôm qua đọc báo mạng, thấy báo là sẽ có thêm các đường mang tên danh nhân: Trung Hoà, Hoàng Sâm, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn[1], định sẽ viết thư về hỏi những đường đó ở đâu. Đường Trần Quốc Hoàn có lẽ sẽ đặt trước cổng bộ Công an, đường Lê Đức Thọ thì chắc quanh quanh ở khu Văn phòng Trung ương Đảng. Không biết đường Trung Hoà và Hoàng Sâm sẽ được đặt cho phố nào. Cũng định nhờ tìm hiểu những danh nhân đó là ai.

Danh nhân là người có danh. Không biết bộ trưởng, thứ trưởng đã là có danh chưa. Vả lại, phải chăng danh chỉ có tính chất nhất thời? Một trăm năm nữa có ai biết Trần Quốc Hoàn là ai không? May ra sẽ là nhờ có cuốn "Đêm giữa ban ngày" của Vũ Thư Hiên chăng? Trung Hoà, Hoàng Sâm thì bây giờ tôi cũng đã không biết rồi. Mà đâu cần tôi biết. Không lẽ tiêu chuẩn danh nhân lại chỉ là được nhiều người biết đến thôi ư? Chắc là sở văn hoá có những tiêu chí nghiêm ngặt cho việc chọn tên để đặt cho những đường, những phố của một thủ đô ngàn năm văn hiến. Mà giả sử như bây giờ tôi chưa biết thì sau khi đặt tên đường, người ta sẽ đưa vào sách giáo khoa, hoặc đặt một tấm bia ở đầu đường, tô một bức tượng nơi cuối phố. Nếu như vậy thì tôi sẽ biết thôi. Ru mãi ngàn năm.

Còn nếu tôi không quan tâm thì tên phố cũng chỉ là một cái tên, như trước khi người Âu đưa văn hoá đặt tên vào nước mình, dân ta vẫn quen gọi ngõ Cây bàng, phố Hàng Bột, phố Hàng Cháo vậy thôi. Không biết từ bao giờ thì người Việt chúng ta có thói quen mang tên của những người đáng kính ra đặt tên cho đường, cho phố để vinh danh họ nhỉ? Dù ít đọc, tôi tin rằng thói quen đó không có trước năm 1848. Có lẽ ngoại lệ là đền Hùng chăng?

Chuyện ngược lại thì chắc chắn là có. Ngày xưa, cứ thử động đến tên của các bậc minh quân xem! Nghe nói, những sĩ tử vào trường thi, muốn được ghi danh bảng vàng, ngoài chuyện phải làu thông kinh sử, còn phải làu thông tên của tất cả họ hàng cụ kị của đấng quân vương. Không phải để trích dẫn cho đúng địa chỉ, mà để tránh đi, không được phạm đến trong bài văn. Nếu chẳng may quên thì chỉ có nước trượt vỏ chuối. Tệ hơn còn bị đánh đòn chứ chả chơi. Lại nghĩ, không biết từ bao giờ dân ta có cái thói ấy nhỉ? Chắc là từ lâu lắm, thì nó mới trở thành một truyền thống không chỉ dành cho các đấng minh quân, mà còn cho cả những cùng đinh ở nơi thôn quê. Cứ nhìn xung quanh thì biết. Ở quê tôi, không có lệ mang tên họ những người đáng kính ra mà xách mé như vậy. Mỗi khi một cặp vợ chồng muốn đặt tên cho con thì phải hỏi ý kiến các cụ hai bên nội, ngoại. Phải tra gia phả ba đời xem có trùng tên với ai không. Nếu trùng thì tên dù có hay mấy cũng phải bỏ đi mà chọn tên khác. Ở quê tôi, các cụ già được gọi theo tên con, tên cháu, theo chức tước, địa vị. Mấy thằng nhóc con mà gọi thẳng tên ông, tên bà của nhau là có chuyện lôi thôi to. Tôi không đi nhiều, không biết chuyện đó có đặc trưng không. Hay chỉ có mỗi làng quê tôi là có cái truyền thống cổ hủ đó thôi?

Biết đâu, không mang tên người đặt tên cho đất còn có một ý nghĩa thiêng liêng nào khác? Hay có khi nó chỉ đơn giản là bắt nguồn từ một suy nghĩ thực dụng: đặt làm gì, đời sau họ lại đổi!

Vì lí do nào đi nữa, thì tên phố bây giờ hoặc là tên người, hoặc là những địa danh ở chỗ khác mang ra xài lại. Gọi là tên mới nhưng có thấy gì mới đâu. Chỉ có cái cũ là mất đi. Tôi bắt chước người ta và nói: hãy cho tôi xem cách anh đặt tên đường, tên phố như thế nào, tôi sẽ nói anh là người như thế nào. Này nhé, đặt tên phố số 1, phố số 2,… là những người thực dụng; đặt tên phố Sương mù, phố Hai cây sồi, Phố Hoa sữa,… là những người lãng mạn; tên gì cũng đặt là những người dũng cảm. Còn đổi tên xoành xoạch là những kẻ cơ hội. Và bạc bẽo.

Khi Liên Bang Xô Viết tan rã, việc đầu tiên những người dân ở đây làm là đổi tên những con đường, những thành phố về lại những cái tên lịch sử của nó. "Trả lại Cezar những gì thuộc về Cezar" là một câu nói xuất phát từ phương Tây. Còn ở Việt nam, hình như chúng ta có câu: để lâu cứt trâu hoá bùn. Có thể bùn là vàng, có thể bùn đúng là cứt trâu. Cái chính là người ta không quan tâm lắm chuyện bùn đã từng là đất hay là cứt trâu. Tìm hiểu việc đó bị coi là một hành vi bới móc. Và hoài nghi. Tốt hơn là im lặng. Hãy cứ bằng lòng với việc thành kính và nhạo báng cùng tồn tại song hành. Hít hà và bịt mũi cùng một lúc hay đúng hơn là bịt mũi mà hít hà. Có lẽ bởi vì cái lịch sử A không dài bằng cái lịch sử Z chăng? Hay chuyện đặt tên tuổi là chuyện nhỏ không đáng suy nghĩ? Tôi lại muốn thì thầm: hãy cho tôi xem tên đường phố của anh, và những thăng trầm của nó ra sao….

Hà nội, mấy năm không về. Chắc đã có rất nhiều những con đường, những phố mới. Mang tên của những danh nhân. Có phố Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Vũ Trọng Phụng... không nhỉ? Hay có phố Cây Bàng, ngõ Cây Me, quảng trường Ao Rau Muống không? Không biết con mình có một ngày nào đó hỏi về tên của những đường phố?

© 2003 talawas



[1]http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2003/02/3B9C4EDB/