© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
21.6.2006
 
Giai phẩm mùa Thu 1956 - Tập II
 1   2   3   4   5 
 
Hồng Lực
Tiếng nói của tình yêu

Em mười tám tuổi
Giữa cuộc đời
Như một ngôi sao sáng
Giữa bầu trời
Em có tội gì đâu?
Tại sao sấm sét nổ trên đầu?
Họ bắt em lừa mình tự dối
Họ bắt em kiểm điểm nhận liều
Thân bị trói bởi những lời buộc tội
Không!
Em là tuổi trẻ! Tình yêu!
Em là bông hoa tươi thắm
Dưới ánh mặt trời, tắm nắng
Em có gì đâu
Chỉ một Trái Tim
Và một Tấm Lòng
Em hát vang lừng
Đi khắp núi sông
Biển rộng, trời cao, bát ngát
Sóng trong tim dào dạt
Tay giơ cao ngọn đuốc Tình Yêu!
Anh ơi!
Cuộc đời bỗng đẹp lên nhiều
Yêu em
Anh càng yêu Đất Nước
Quý em
Anh càng quý cuộc đời
Niềm thương yêu, đặt cả trên môi
Truyền cho nhau sức mạnh
Bay, bay đi! Chúng mình mọc cánh
Chân mình đạp hết chông gai
Em là con chim
Tha mồi làm tổ ngày mai
Đuốc Tình Yêu không thể nào dập tắt
Hoa Tình Yêu chỉ nở không tàn
Hương càng thơm, tiếng hát càng vang
Gió càng mát, trăng thu càng sáng.

(9-1956)


*

Hữu Loan
Cũng những thằng nịnh hót
(Sau khi đọc bài: “Những thằng nịnh hót” của Maiakovski)

Dưới thời kỳ Pháp thuộc
Những thằng nịnh hót nghênh ngang
Lưng rạp trước quan Tây
Bắc vợ như thang
Chân trèo lên danh vọng
Đuôi vợ chúng đi
Lọt theo đầu chúng
Bao nhiêu nhục nhằn;
Nhục mất nước muôn phần
Nhục cùng đất nước
với những thằng nịnh hót

Một điều đau xót
Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ dân chủ cộng hoà
Những thằng nịnh còn
thênh thang
đất sống
Không quần chùng, áo thụng
Không thang đàn bà
Nhưng còn
thang lưng
thang lưỡi

Những mồm
không tanh tưởi
Ngậm vòi đu đủ
Trợn mắt
Phùng mang
Thổi vào rốn cấp trên
“Dạ, dạ, thưa anh…
Dạ, dạ, em, em…”
Gãi cổ
Gãi tai:
… anh quên ngủ
quên ăn
nhiều quá!

Anh vì nước
vì dân
hơn tất cả
từ trước đến nay

Chân xoa
và xoa tay,
Hít thượng cấp
vú thơm
như mùi mít

Gọi như thế là
phê bình cấp trên
kịch liệt
Gặp cấp trên chủ quan
Mũi như chim vỗ cánh
Bụng phềnh như trống làng:
Thấy mình
đạo đức
tài năng
hơn tất.

Như thế là chết rồi:
Quân nịnh
tha hồ lên cấp
Như con gì nhà gác lên thang
Còn muốn lên thủ trưởng cơ quan
Còn đi đây
đi đó
Lưỡi và lưng
Lắm chằng gian khổ
Chúng nó ở đâu:
Thối thóc thuế
Mục kho hàng
Phong trào suy sụp

Nhân dân mất cắp
đang giữa ban ngày
To cánh và to vây

Những ai
không
nịnh hót
Đi, mang cao
liêm sỉ con người
Chúng gieo hoạ gieo tai
Kiểm thảo
hạ tằng
Còn quy là phản động!
Có người
đã chết oan
vì chúng
Vẫn thiết tha yêu chế độ
đến hơi thở cuối cùng

Nguy hiểm thay,
Thật khó mà trông:
Chúng nó nguỵ trang
Bằng tổ chức
bằng quan điểm nhân dân
bằng lập trường
chính sách

Chúng nó
còn thằng nào
Là chế độ ta
chưa sạch
Phải làm tổng vệ sinh
cho kỳ hết
mọi thằng

Những người
đã đánh bại
xâm lăng

Đỏ bừng mặt
vì những tên
quốc xỉ
Ngay giữa những thời nô lệ
Là người chúng ta
không ai biết
cúi đầu.

(9-1956)


*

Hoàng Huế
Một bản đề án về Đại hội Văn nghệ lần thứ hai

Dù tất cả những gì đáng tiếc đã xảy ra, hôm nay, tôi vẫn muốn mở đầu bản đề án của tôi bằng lời chân thành cảm tạ Đảng. Câu sau đây nhắc nhở tưởng cũng không thừa: chỉ có chế độ ta, chế độ do những người cộng sản lãnh đạo, chế độ ấy, và con người trong chế độ ấy mới có thể thẳng thắn nói lên những sai lầm của bản thân mình. Đúng như vậy. Hôm nay, nếu chúng ta nói được tất cả những băn khoăn, nếu chúng ta viết được những trang sách chiến đấu, chính vì Đảng đã dạy chúng ta, Đảng yêu cầu và cho phép chúng ta được nói được viết.

Và nếu hôm nay, tôi can đảm thảo bản đề án này, chính vì tôi biết Đảng sẽ tôn trọng sự suy nghĩ, cũng như tôn trọng những đề nghị chân thành của chúng ta.

Điều này chắc chắn không ai có thể chối cãi: Đảng ta, từ lúc mới khai sinh trong một khu rừng xanh, cho tới nay, lúc nào Đảng cũng dựa trên lý luận Mác-Lênin mà lãnh đạo nghệ thuật.

Nhưng nếu mười năm qua, nền văn nghệ Việt Nam đã mang nhiều sai lầm nghiêm trọng, chính vì Đảng chưa có một chính sách thật rõ ràng, thật cụ thể đối với văn nghệ sĩ.

Bây giờ, cũng như Đảng Trung Quốc vừa công bố chính sách “trăm hoa đua nở” làm nở ra những bông hoa mới, chúng ta nghĩ rằng: đã đến lúc Đảng ta cũng cần tuyên bố dứt khoát chính sách như thế. Đó là yêu cầu tha thiết của tất cả những người viết văn, làm thơ, đóng kịch, hội hoạ và soạn nhạc. Đó cũng là yêu cầu tha thiết của quần chúng muốn thưởng thức những tác phẩm hay.

Trong văn kiện ấy, chúng ta mong rằng Đảng sẽ có thái độ đối với một số người hẹp hòi, thủ phạm của bao nhiêu sai lầm nghệ thuật. Đảng sẽ xét lại vấn đề Trần Dần và cuốn Giai phẩm, mà theo ý một số đông anh em tuy có ít nhiều khuyết điểm, nhưng cũng có công mở ra một hướng đi mới cho văn nghệ chúng ta. Giải quyết được vấn đề trên, tức là giải quyết được tất cả quan niệm nghệ thuật rộng rãi này.

Cũng trong văn kiện ấy, chúng ta mong rằng Đảng sẽ tuyên bố dứt khoát sứ mệnh của người văn nghệ sĩ trước cuộc sống, và định rõ vị trí người văn nghệ sĩ trong xã hội.

Chắc chắn, tiếng nói chân thành và đanh thép của Đảng sẽ mở ra cho nghệ thuật Việt Nam những chân trời mới.

Muốn cho văn nghệ sĩ hăm hở đi vào chân trời mới kia, thiết tưởng điều kiện vật chất không phải không quan trọng.

Từ trước tới nay, đời sống vật chất của một số lớn người công tác nghệ thuật như thế nào?

Ai cũng biết rằng đời sống của chúng ta thiếu thốn quá. Đấy là sự thực buồn bã vẫn hàng ngày đập vào mắt chúng ta, làm những kẻ đơn giản nhất cũng phải ít nhiều suy nghĩ.

Chúng ta không thắc mắc gì về cảnh sống chật vật trong kháng chiến. Bấy giờ, dù trèo rừng xanh, ăn mỗi ngày một miếng cơm cháy, người nào cũng vui lòng vì nghĩ rằng: trước mắt chúng ta, chỉ có hai chữ tự do hay nô lệ. Nhưng trở về Hà Nội, giữa những phố xá đầy lụa, tủ kính và ánh đèn xanh đỏ, có lẽ chưa bao giờ người nghệ sĩ cảm thấy cay đắng như lúc này.

Cần nói thẳng rằng ở một toà soạn báo văn nghệ, trong số tám biên tập viên có vợ, thì sáu người vợ đã thất nghiệp hay bán thất nghiệp.

Những trang giấy trắng đáng lẽ chỉ dùng viết những bài thơ, cũng đã bao nhiêu lần biến thành lá đơn xin việc. Nhưng những lá đơn ấy gửi đi, để rồi im lặng không nghe một tiếng trả lời.

Sự thực đã có những nhà văn viết đêm, không có một tách cà-phê để uống. Đã có những thi sĩ không làm thế nào mua được dăm điếu thuốc lá hút trong cơn nghiện. Và đã có một kịch sĩ bán chiếc đồng hồ đeo tay của mình để bồi dưỡng viết cho xong cuốn sách, nhưng sách in ra không đủ để chuộc lại đồng hồ.

Hữu Loan có thể nói cho chúng ta biết tình cảnh của anh hai năm nuôi vợ nuôi con đã chất đầy nợ trên vai gầy của người thi sĩ. Nằm trong bóng tối căn nhà nhỏ ngoại ô Hà Nội, khi không còn tiếng vợ kêu và trẻ con khóc, Hữu Loan chỉ mơ ước có một ngọn đèn dầu thức viết.

Văn Ký cũng có thể nói cho chúng ta biết tình cảnh của anh. Buổi sớm mai củ khoai luộc không có cho con ăn. Nghe tiếng con khóc mà đứt ruột.

Khoai không thể mua cho con, nói gì đến ước mơ có những con búp bê mang giá hai vạn đồng ở cửa hàng mậu dịch. Có một nhà văn, đau xót quá, viết vào nhật ký thế này: “Ừ nhỉ, người ta bày những con búp bê tóc vàng ấy trong ngăn tủ để làm gì? Tại sao người ta cứ muốn phô ra trước mắt những người cha một sự mỉa mai nhức nhói?”.

Nước ta còn nghèo, ai cũng biết đó là tình trạng chung. Lúc này, chính phủ và nhân dân ta đương cố thắt lưng buộc bụng để xây dựng lại một đất nước đầy vết thương. Nhưng, tiếng súng đã im từ hai năm rồi. Chúng ta không đòi hỏi gì hơn một điều kiện vật chất tương đối, để có thể thảnh thơi tâm hồn mà sống mà viết. Cần phải chú trọng tới điều này, nếu muốn nghệ thuật của nước nhà tiến mạnh.

Tôi muốn nói đến vấn đề phụ cấp.

Từ xưa tới nay, ai cũng biết rằng tất cả văn nghệ sĩ trên thế giới đều sống bằng tác phẩm của mình. Chưa bao giờ và chưa có nước nào, người nghệ sĩ, để làm nghệ thuật, lại sống bằng lương của Bộ Tài chính. Tình trạng đó thật không hợp lý, nhưng biết làm thế nào? Đại đa số nhân dân ta vừa bước ra khỏi bóng tối, hôm nay mới bắt đầu cầm sách. Đồng ruộng cũng mới thoát khỏi tay hòm chìa khoá của giai cấp địa chủ. Nạn thất nghiệp ở thành phố không phải đã tan hết. Thật vậy, trong hoàn cảnh ấy, người nghệ sĩ chưa thể sống bằng bản quyền của mình. Rõ ràng cần có một cái gọi là “phụ cấp văn nghệ”. Chúng ta mong rằng Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu loại phụ cấp ấy cho thật thích đáng. Một phụ cấp thế nào để không thể có một nhà văn nào chết vì ho lao. Và nhất là nghiên cứu thế nào, để trong hoàn cảnh hiện nay, văn nghệ sĩ phải trả lại một phần nhỏ bằng tiền bản quyền của mình.

Chúng ta còn mong chính phủ sẽ ban bố một đạo luật về tự do xuất bản, giúp đỡ về giấy má và việc phát hành của các nhà xuất bản và các báo văn nghệ tư nhân. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt của nó. Giải quyết được, tức là bảo đảm được phần nào đời sống vật chất của nhà văn, khuyến khích một cách thiết thực việc trăm hoa đua nở.

Đồng thời, chúng ta cũng đề nghị chính phủ ban bố một sắc lệnh về bản quyền tác giả. Vì thực tế ở nước ta, một số ít nhà xuất bản vẫn còn giữ quan niệm ban ơn cho văn nghệ sĩ. Những người này cho rằng tác giả chỉ ước mơ được in tên mình lên bìa sách, còn bản quyền nhiều hay ít không thành vấn đề.

Và để bảo đảm sắc lệnh được thi hành trọn vẹn, thiết tưởng tổ chức cao nhất của phong trào văn nghệ sau này cần thành lập một ban “bảo đảm quyền tác giả”. Nếu ở Liên Xô, “Hội bản quyền tác giả” đấu tranh cho cả quyền lợi những nhà văn đã mục xương từ bao nhiêu thế kỷ, và can thiệp bất cứ vụ vi phạm nào đối với các tác giả đã chết, thì tại sao ở Việt Nam, những người đang sống, đang viết, đang ăn và đang mặc lại không có một ban nào để bảo đảm cho cơm và áo của mình?

Hai điều kiện vật chất và tinh thần trên đã đầy đủ đối với sự sáng tạo của người nghệ sĩ chưa?

Thật ra, đó mới là hai yếu tố đầu tiên. Điều căn bản quyết định vấn đề này, chính là tổ chức sống và viết.

Không có một tổ chức hoàn bị, thì chưa thể có nhiều tác phẩm hay. Không có tổ chức, người nghệ sĩ sẽ lạc lõng giữa cuộc đời không hơn một cái bóng.

Hiện nay, ai cũng phải nhận rằng nghệ thuật của chúng ta đã lớn vượt lên. Nếu những người thanh niên phải bỏ cái áo thiếu nhi để may áo người lớn, thì tổ chức Hội Văn nghệ hôm nay cũng đã đến lúc cần phá vỡ.

Hơn lúc nào hết, yêu cầu trước mắt của chúng ta là: phải thành lập những tổ chức mới, những Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ, Hội Hoạ sĩ và Hội Sân khấu.

Ngay cả Ban Chấp hành cũ, cũng đã đến lúc không thể tồn tại. Ban Chấp hành ấy do Đại hội Văn nghệ lần thứ nhất bầu ra, tới nay cần thành thật nói rằng nhiều người đã mất hết tín nhiệm của anh chị em. Ban Chấp hành ấy đã đóng hết vai trò lịch sử của mình rồi, hiện nay nói chung chỉ còn đại diện cho một tập đoàn quan niệm hẹp hòi cũ kỹ đang tan rã. Đại hội lần thứ hai của chúng ta cần kéo trúc nó xuống, và ngoài vài người cũ còn được tín nhiệm, phải bầu những người lãnh đạo mới không có tinh thần bè phái và óc bảo thủ, trái lại, có đủ dũng cảm và khả năng lãnh đạo những lực lượng văn nghệ đang vươn lên.

Tôi nghĩ rằng việc thành lập các hội, định danh sách hội viên, nhất định cũng không thể do một số người nào quyết đoán, nhất là không thể do Ban Chấp hành cũ của Hội Văn nghệ quyết đoán. Hôm nay, có thể nói rằng họ không còn đại diện cho nguyện vọng của văn nghệ sĩ, ý kiến của họ chỉ là những ý kiến cá nhân mà phần lớn đã mang vết mốc. Các hội nghệ thuật là hội quần chúng, dứt khoát phải do quần chúng quyết định.

Trên nguyên tắc đó, việc tổ chức các hội phải làm theo ý kiến của đại đa số văn nghệ sĩ. Nó phải dân chủ và tập thể đến triệt để.

Theo ý tôi, muốn tiến hành, tôi đề nghị làm theo “kế hoạch bốn bước”.

Trước hết cần triệu tập hội nghị của từng ngành văn thơ, nhạc, hoạ, kịch ngay trong Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai. Mỗi ngành như thế sẽ góp ý kiến tổ chức hội của mình như thế nào? Họ sẽ định rõ tiêu chuẩn hội viên. Họ sẽ thảo luận về quyền lợi tinh thần và vật chất cụ thể của hội. Họ sẽ bàn bạc thêm nhiều chi tiết khác. Sau đó, họ sẽ bầu ra một ban trù bị thành lập hội, trong ban này nhất định phải có mặt anh em lớp trước và anh em lớp sau. Nhiệm vụ của ban trù bị là: căn cứ trên đề án của tập thể mà nghiên cứu thành lập danh sách hội viên, và thảo các bản tuyên ngôn, tôn chỉ và điều lệ của hội.

Khi sự chuẩn bị này xong xuôi, có lẽ tất cả những người đi họp Đại hội Văn nghệ toàn quốc đã trở về địa phương từ lâu. Bởi vậy, trong bước hai, ban trù bị ấy cần triệu tập một cuộc hội nghị trù bị mở rộng, mời tất cả anh chị em văn nghệ chung quanh Hà Nội và đại biểu những người công tác văn nghệ ở các địa phương, để thảo luận và thông qua danh sách các hội viên.

Và thế là Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ, Hội Hoạ sĩ và Hội Sân khấu đã thành hình. Bây giờ đến bước thứ ba: triệu tập đại hội của các hội, các hội viên sẽ thông qua các văn kiện hội mình sắp công bố, và bầu lên ban chấp hành của hội.

Nhưng bốn hội riêng như thế, tôi thiết tưởng chưa đủ. Chúng ta còn cần tiến hành bước thứ tư để thành lập một tổ chức cao cấp của văn nghệ, tạm gọi là Hiệp hội Văn nghệ. Ban chấp hành của Hiệp hội này sẽ do các ban chấp hành của các hội bầu ra. Và tổ chức tối cao ấy sẽ có nhiệm vụ nắm vững và lãnh đạo phong trào văn nghệ trong cả nước.

Chắc chắn tất cả “Kế hoạch bốn bước” trên đòi hỏi một thời gian không ngắn. Nhưng có lẽ chúng ta đều đồng ý rằng: việc thành lập các hội nghệ thuật, tuy nhanh và gọn chừng nào hay chừng ấy, nhưng trước tiên cần làm thật tốt. Giải quyết được chu đáo vấn đề tổ chức này, tức là chấm dứt được những trường hợp không hợp lý trước đây, giải quyết được tất cả những băn khoăn, thắc mắc, và cũng quyết định được tất cả cuộc đời nghệ thuật sau này của mỗi văn nghệ sĩ. Bởi vậy, tầm quan trọng của nó thật là rộng lớn, nó đòi hỏi một sự chuẩn bị thật kỹ càng, thật chu đáo và rộng lớn.

Đến đây, tôi muốn nói riêng về Hội Nhà văn. Ắt hẳn mọi người đều cảm thấy đây là một vấn đề đòi hỏi những cuộc tranh luận nẩy lửa. Thật ra, tất cả chúng ta sẵn sàng chờ đón những cuộc tranh luận gay go ấy. Vì có lẽ lúc này, mỗi nhà văn đều đã mang trong óc một bản đề án đanh thép của mình.

Là một người viết văn, tôi cũng có bản đề án của riêng tôi.

Gần đây, một dư luận xôn xao về tiêu chuẩn hội viên nhà văn đang lan rộng trong giới cầm bút. Rất nhiều người nhìn lại cái quá khứ sáng tác của mình, và băn khoăn đánh một dấu hỏi lớn: mình có được gọi là nhà văn hay không?

Tôi nghĩ rằng trong vấn đề này, nhất định văn nghệ sĩ không cần sự ban ơn của vài cấp trên nào. Trước tiên, chúng ta chỉ cần quan niệm về tiêu chuẩn cho thật rộng rãi.

Chắc chắn số hội viên chính thức của Hội Nhà văn không thể nào thu hẹp trong phạm vi một số người nhất định. Nếu Hội Nhà văn Liên Xô có trên bốn ngàn hội viên, thì Hội Nhà văn Việt Nam không thể nào chỉ gồm vẻn vẹn vài mươi cây bút cũ, trong đó thật ra nhiều ngòi bút đã vẹt gần hết. Dựa theo quan niệm khắt khe hẹp hòi trên, nhất định văn nghệ Việt Nam không thể nào có nhiều tác phẩm khá. Sự thực lại chứng tỏ rằng: có rất nhiều tài năng mới đang mọc lên, hoặc đã nở thành hoa, hoặc vừa mới chớm nụ. Trong tình trạng đó, rõ ràng phải mở rộng hội để đón nhận thật nhiều cây bút mới.

Và muốn thế, rõ ràng ban trù bị do anh em bầu lên, khi nhận đơn xin gia nhập hội, cần phải dựa trên nguyên tắc: căn cứ vào sáng tác chứ không căn cứ tuổi tác, và trong sáng tác, căn cứ chủ yếu là chất lượng, chứ không căn cứ nhiều vào số lượng.

Tôi quan niệm rằng: biểu hiện của tài năng mỗi người là ở tác phẩm hay nhất của mình, chứ không phải ở mái đầu bạc hoặc số sách tầm thường đã viết. Một văn sĩ có năm cuốn sách kém, tài năng không thể nào bằng một cây bút trẻ mới viết được một truỵên ngắn hay. Ví dụ bạn trẻ Nguyễn Quang Sáng, anh chỉ mới có một truyện ngắn “Con chim vàng”, nhưng sáng tác nhỏ ấy cũng đủ chứng tỏ khả năng của anh, nếu được những điều kiện bồi dưỡng của hội, có thể trở thành một người viết khá. Nhưng bên cạnh đó, không phải không nên căn cứ ở số lượng tác phẩm hay của mỗi người. Vì có một nhà văn có nhiều sáng tác hay, tất nhiên chứng tỏ tài năng đã bảo đảm hơn một người chỉ mới viết một hai sáng tác tốt.

Với quan niệm ấy, tôi nghĩ rằng trước tiên, hội viên của Hội Nhà văn phải là những người có tài, tài ấy đã phát triển hay đang nẩy mầm, và biểu hiện tài ấy trên nhiều sáng tác hay ít nhất trên một vài sáng tác.

Do đó, hội cũng cần chia làm hai loại: chính thức và dự bị.

Những hội viên chính thức là những cây bút đã lăn lộn với nghệ trong một khoảng thời gian dài hay ngắn, nhưng trước cách mạng hay hiện nay, đã có một số sáng tác nói lên cho cuộc đời biết rằng họ có thể có những tác phẩm khá sau này. Những hội viên này, nếu đang ở các ngành thì phải tập trung về hội, và trừ một số “nhân sĩ” đặc biệt, cần có một phụ cấp ngang nhau để đi vào cuộc sống mà viết. Ngay cả số người gọi là “nhân sĩ”, cũng chỉ nên có một loại phụ cấp không hơn người chưa “nhân sĩ” bao nhiêu.

Còn hội viên dự bị, là những bạn trẻ như Nguyễn Quang Sáng, hiện nay hầu hết đang tản mạn ở khắp các ngành. Không thể để cho tài năng họ vừa chớm lên, sẽ mòn mỏi dần trong những công tác sự vụ. Cần phải sắp xếp lại công tác cho họ, theo kiểu “luân phiên” từng thời gian khá dài. Sau đó, cần phải điều họ về Hội Nhà văn, giúp đỡ bồi dưỡng nghệ thuật cho họ trong một thời gian. Rồi trao cho họ một số phụ cấp ngang với anh em chính thức, và tung họ vào cuộc sống.

Đối với những anh em đã cầm bút nhiều năm hay mới gần đây, nhưng chưa có sáng tác khá, nên giải quyết thế nào?

Tôi đề nghị hai cách: một là dứt khoát không nhận họ vào hội, hai là chỉ nhận một số ít mà xét ra, vì công tác bận bịu hoặc vì bị bó buộc vào những điều kiện nào khác nên chưa thể viết hay.

Cũng trong vấn đề hội viên, tôi yêu cầu đặc biệt chú ý đến những anh chị em hiện công tác ở địa phương.

Tình trạng sau đây không phải là ít: có những tài năng hứa hẹn rất nhiều, hiện nay đang hấp hối trong các tỉnh nhỏ. Những ngòi bút có thể sáng tác nhiều áng văn hiện nay, hiện đang làm những bài tính ở thuế quan, ở mậu dịch, đang viết những tin ngắn năm dòng hoặc thảo những đề án tuyên truyền cho xã. Tôi có thể nói ra đây vài trường hợp. Hà Khang, công tác ở Ty Văn hoá Thanh Hoá, kể rằng tấm thẻ hội viên của anh nhận được từ khi Hội Văn nghệ mới thành lập, tới nay đã bạc màu mà chưa bao giờ có một lời khuyến khích của hội. Xuân Hoàng ở Quảng Bình cũng bị quên lãng, đang âm thầm với những bài ca dao phục vụ buồn bã của mình. Sợi dây liên lạc của trung ương hội với các nhà văn địa phương mỏng manh đến nỗi Vũ Lê, một cây bút trẻ ở Hải Phòng, đã phải thốt lên một câu chua chát: “Tôi chỉ yêu cầu giải tán quách cái Hội Văn nghệ ấy đi!”

Có thể nói rằng những người này có thừa tiêu chuẩn để vào Hội Nhà văn. Đã đến lúc cần phải mời tất cả những anh em ấy về Hà Nội. Sự thực rõ ràng: chỉ có ở trung ương mới làm được nghệ thuật. Chỉ có trung ương mới có thể phụ cấp về tinh thần và vật chất cho những anh em ấy, và tung họ trở về cuộc sống với những điều kiện sáng sủa hơn.

Ngoài ra, chúng ta còn biết rằng tài năng là một cái gì không thể ngờ. Có thể vài ba tháng, hay vài ba năm nữa thôi, từ trong quần chúng sẽ xuất hiện những cây bút mới. Mai đây, sẽ có những người công nhân trở thành thi sĩ, và những người nông dân trở thành nhà văn. Tôi đề nghị bên cạnh hai loại chính thức và dự bị, Hội Nhà văn cần có thêm một bộ phận theo dõi những tài năng sẽ đột ngột mọc lên đó, và sẽ có nhiệm vụ mời họ vào Hội Nhà văn. Bên cạnh đó, bộ phận này còn có nhiệm vụ giúp đỡ tài liệu và ý kiến cho những cây bút chưa đủ tiêu chuẩn để vào hội.

Sau khi đã được nhận làm hội viên, các nhà văn cần được hưởng những quyền lợi gì?

Như tôi đã trình bày, về vật chất, họ cần có một phụ cấp thích đáng và ngang nhau.

Còn về tinh thần, đối với nhà văn, có lẽ không gì sung sướng bằng được đi vào cuộc sống, thu nhận tiếng vang của cuộc sống vào lòng mình để viết lên trang sách. Những phải làm thế nào để sống mà không bù đầu, để sau này vẫn có thể viết được. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy nếu người nghệ sĩ đi về địa phương, bị buộc chặt vào một công tác sản xuất hẳn hoi, họ sẽ rất khó sáng tác. Bấy giờ, muốn làm tròn trách nhiệm của mình, ít người mở rộng được tầm mắt để nhận xét chung quanh, Bởi vậy, nhà văn có thể đi một năm, hai năm, nhưng chỉ nên nhận một công tác rất nhẹ và không bận bịu.

Trong thời gian ấy, họ phải được liên lạc thường xuyên với trung ương và được bồi dưỡng luôn về mặt nghệ thuật cũng như tư tưởng. Nếu cắt đứt với trung ương, và lệ thuộc hoàn toàn vào sự lãnh đạo của địa phương hoặc của một số cán bộ không biết gì về nghệ thuật, nhất định nhà văn cũng sẽ trở thành người cận thị.

Đến đây, cần nói thêm Hội Nhà văn nên để hội viên hoàn toàn chọn lấy hướng đi của mình. Tuỳ theo khuynh hướng và ý muốn có người sẽ về đồng ruộng, có người sẽ đến nhà máy, có người sẽ lên rừng, có người sẽ xuống bể, như một trăm người con của bà Âu Cơ xưa. Cũng có thể có người vẫn ở lại phố xá để viết về phố xá. Nghĩa là tất cả sẽ đi, không ai nên ở lại trung ương hội, nếu không bị mắc kẹt vào công tác hội trong một thời gian nhất định.

Sau khi làm những chuyến đi dài như thế, bây giờ vấn đề viết. Theo ý tôi, Hội Nhà văn cần xây dựng vài khu sáng tác ở kề thủ đô. Nước ta còn nghèo, ai cũng biết thế. Nhưng nếu đồng chí Sô-lô-khốp đề nghị với Đảng Liên Xô làm nhà ngói cho gia đình nhà văn ở ngay các địa phương họ cần sống, tại sao Hội Nhà văn Việt Nam không thể làm một số nhà tranh, ở một xóm nhỏ có nhiều hoa đào tại ngoại ô Hà Nội? Ngoại ô chúng ta đi về các rạp chiếu bóng chỉ mất nửa giờ đi xe đạp, ở đó vốn rất yên tĩnh, và trứng gà rẻ lắm! Có thể gọi hẳn nơi đây là một “làng văn” chứ sao! Mỗi người dân trong làng sẽ được chia một phòng riêng, một chiếc giường và một cái bàn. Chỉ cần thế thôi!

Rồi trong sự thực, có thể có những nhà văn chưa cần đi đâu cả, vì ai dám nói cả quyết rằng họ thiếu thực tế! Những người ấy sẽ ngồi bên bàn viết yên tĩnh của mình, trút lên giấy trắng tất cả sự sống chứa chất trong lòng từ mười năm nay. Có thể họ sẽ viết chuyện kháng chiến. Có thể họ viết ngay câu chuyện của mình. Có thể họ viết một tháng, lại đi một tháng để lấy tài liệu. Rồi tất nhiên có những nhà văn, sau một chuyến đi hàng năm trở về, lại ngồi hàng năm để viết. Những căn nhà gianh ngoại ô chính là những nhà hộ sinh không có bà đỡ. Ở đấy, tất cả làng văn sẽ trao đổi về những thai nghén nóng hổi của mình. Và từ nơi đấy, chúng ta hãy tin chắc chắn sẽ xuất hiện những tác phẩm lớn.

Sách đã viết, và nhất định ngày càng nhiều, không lẽ để nằm chết đó. Hội Nhà văn cần thành lập nhà xuất bản riêng của hội, nó phải có quy mô rộng hơn nhà xuất bản Văn nghệ hiện nay.

Cũng trong hoàn cảnh có nhiều sáng tác, tất nhiên nên đóng cửa tờ báo Văn nghệ bây giờ để thay vào hai tạp chí mới. Một tạp chí phê bình lý luận, đối tượng là văn nghệ sĩ và một số cán bộ học sinh.

Bên cạnh đó, cần có tạp chí sáng tác, đối tượng là quần chúng và ngoài một số rất ít người thường trực ra, ban biên tập sẽ là tất cả hội viên sáng tác của Hội Nhà văn.

Với tất cả những hình thức trên mới đáp ứng được những đòi hòi thiết tha của văn nghệ sĩ và của bạn đọc.

Ở đây, có lẽ cũng phải nói tới một tình trạng cần chấm dứt trong trường hợp có những bộ máy kềnh càng như thế.

Hai năm hoà bình, chúng ta đã thấy nhiều nhà văn có tài bị buộc chặt vào địa vị bằng những sợi lụa hoa có tẩm chất độc. Tác phẩm của họ là chỉ thị, kế hoạch, công văn, thông cáo. Họ trịnh trọng thắt cà-vạt-đỏ, đi giầy da vàng đọc đít-cua và nhồm nhoàm ăn tiệc. Rồi họ còn xách va-li, bay đó bay đâu trên mây gió.

Đã đến lúc đừng bắt những người đau khổ một cách sung sướng ấy mang tất cả những cà-vạt, giầy da, va-li và ăn tất cả những bữa tiệc. Chúng ta đang cần đến tài năng của họ. Chúng ta yêu cầu họ hãy khoác vào người bộ quần áo vải, đi vào chân đôi dép cao su đen để xuống với quần chúng.

Vì lý do đó, tất cả bộ máy sau này của các ban chấp hành, của nhà xuất bản và tạp chí sáng tác cần được giản đơn hẳn. Và nếu nhà văn không may nào phải ở lại với chức vụ của mình, cần tổ chức luân phiên mỗi nhiệm kỳ là một năm, để họ cũng được hưởng quyền lợi như tất cả những anh em khác.

Hôm nay, ai cũng biết rằng quần chúng đang bỏ xa chúng ta. Con em những người nông dân, công nhân và thị dân đang ngồi chật tất cả những trường học mới. Ít lâu nữa, bao nhiêu lớp chủ nhân trẻ tuổi kia sẽ trùng trùng tiến ra khỏi những trường trung học và đại học.

Không còn nghi ngờ gì nữa.

Hơn bao giờ hết, quần chúng đòi hỏi ở chúng ta một nghệ thuật thật tươi đẹp giàu có. Và hơn bao giờ hết, tất cả văn nghệ sĩ phải cống hiến được cho thời đại những tác phẩm xứng đáng với thời đại.

Các đồng chí! Mỗi chúng ta có lửa cháy trong tim. Chúng ta có lòng chân thành và chí dũng cảm. Nhất định phải tiến thẳng tới tương lai. Đại hội văn nghệ lần thứ hai sẽ mở cho chúng ta những con đường sáng sủa.

Tháng 9-56

Nguồn: Giai phẩm mùa Thu 1956 -Tập II, vá»›i sá»± cá»™ng tác của Hoàng Cầm, Trần Công, Trần Duy, Quang DÅ©ng, Hoàng Huế, Phan Khôi, Hồng Lá»±c, Hữu Loan, Sỹ Ngọc, Bùi Xuân Phái, Phùng Quán, TrÆ°Æ¡ng Tá»­u, Lê Đại Thanh, Tô VÅ©, Trần Lê Văn. Tranh khắc gá»— trong hầm mỏ của Bùi Xuân Phái, in tại nhà in Quảng Nghi do Ngô Quang Thịnh trông nom. Bìa của Sỹ Ngọc, in tại nhà in Minh Đức, do Nguyá»…n Viết Thưởng trông nom. Bản khắc của nhà Tiến Mỹ, Minh Đức xuất bản, in tại nhà in Sông Lô, Hà Ná»™i, hoàn thành ngày 30-9-1956, khổ 16 x 24, 72 trang số in 318, số xuất bản 49, số sách in… Ná»™p lÆ°u chiểu tháng 9-1956 tại Hà Ná»™i. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.