© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
24.6.2006
Milovan Djilas
Nói chuyện với Stalin
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
4.

Trước khi chúng tôi lên đường mấy tháng, Moskva thông báo rằng ở Liên Xô đã thành lập một lữ đoàn quân Nam Tư. Trước đó là các đơn vị quân Ba Lan và Tiệp. Lúc đó, chúng tôi không thể nào hiểu được làm sao lại có nhiều người Nam Tư đến như vậy. Có một ít người tị nạn chính trị ở đó nhưng đa số đã bị giết trong các chiến dịch thanh trừng trước đây rồi.

Bây giờ, tại Moskva, thì tôi đã hiểu: quân số của lữ đoàn này chủ yếu lấy từ bộ đội của trung đoàn do Pavelich gửi ra mặt trận Liên Xô để tỏ tình đoàn kết với quân Đức. Nhưng Pavelich thất bại cả ở đây, trung đoàn bị đánh tan và bị bắt làm tù binh ở Stalingrad. Sau khi thanh lọc, nó được biên chế thành lữ đoàn quân chống phát xít Nam Tư, vẫn nắm dưới quyền viên chỉ huy cũ là Mesich. Một số người tị nạn chính trị từ khắp nơi được điều đến để làm công tác chính trị; các sĩ quan quân sự và an ninh Liên Xô chịu trách nhiệm huấn luyện và theo dõi về lí lịch.

Đầu tiên, các cán bộ Liên Xô muốn áp dụng trong lữ đoàn các phù hiệu như quân đội hoàng gia Nam Tư cũ, nhưng sau khi bị Vlakhovich phản đối, họ đồng ý dùng phù hiệu của Quân đội giải phóng nhân dân. Thảo luận về phù hiệu bằng điện tín quả là một công việc khó khăn. Vlakhovich đã làm mọi việc có thể, phù hiệu thành ra món hỗn hợp của trí tưởng tượng và nhượng bộ. Vấn đề đã được giải quyết dứt điểm theo yêu cầu của chúng tôi.

Đối với lữ đoàn thì không còn vấn đề quan trọng nào, ngoại trừ việc chúng tôi không muốn giữ viên chỉ huy cũ lại nữa. Nhưng anh ta được người Nga bảo vệ. Họ nói rằng anh ta đã cải tà qui chính và có tác dụng tốt đối với binh sĩ dưới quyền. Tôi có cảm giác là Mesich đã hoàn toàn suy sụp, anh ta cũng như nhiều người khác thay màu cờ sắc áo là để khỏi phải vào trại tù binh mà thôi. Chính Mesich cũng không thích địa vị hiện nay của mình vì mọi người đều biết là anh ta không có vai trò gì, chỉ có tính chất hình thức.

Lữ đoàn đóng ở khu rừng gần Kolomna. Dù mùa đông Nga lạnh giá, lữ đoàn vẫn ở trong hầm và tiếp tục luyện tập quân sự.

Kỉ luật quá nghiêm khắc của lữ đoàn đã thực sự làm tôi kinh ngạc; rõ ràng là có mâu thuẫn giữa mục đích mà đơn vị này phục vụ với cách thức mà người ta bắt mọi người phải tin vào những mục đích đó. Trong các đội du kích của chúng tôi, tinh thần đồng chí và tình đoàn kết giữ thế thượng phong, kỉ luật chỉ được áp dụng trong những trường hợp xảy ra hiện tượng cướp bóc hoặc tội lỗi nghiêm trọng. Ở đây, tất cả đều dựa trên sự tuân thủ một cách mù quáng, một tinh thần mà ngay người Phổ thời Frederic II cũng phải lấy làm ghen. Không một lời nào về kỉ luật tự giác mà chúng tôi đã học được và tiếp tục dạy người khác ở Nam Tư. Nhưng chúng tôi chẳng thể làm được gì, cả trong quan hệ với các chuyên gia Liên Xô nghiêm khắc, cả trong quan hệ với các chiến sĩ, những người mà hôm qua còn chiến đấu bên phía quân Đức. Chúng tôi có đi tham quan, nói chuyện và thảo luận một vài vấn đề và để nguyên mọi thứ như cũ. Cũng có một bữa liên hoan với các sĩ quan, mọi người đều say, mọi người đều nâng li chúc sức khỏe Tito và Stalin, chúc tình huynh đệ của người Slav, rồi ôm hôn nhau.

Chúng tôi còn có một nhiệm vụ nữa là soạn mẫu những chiếc huy chương đầu tiên cho nước Nam Tư mới. Việc này chúng tôi nhận được sự giúp đỡ tận tình, còn chuyện huy chương “Kỉ niệm năm 1941” xấu thì không phải lỗi tại nhà máy của Liên Xô mà chủ yếu là sự khiêm tốn của chúng tôi và do chúng tôi có ít tranh quá.

Jukov, một viên tướng của Bộ nội vụ chịu trách nhiệm theo dõi các đơn vị ngoại quốc. Ông ta trông vẫn còn trẻ, cân đối, tóc trắng, rất tháo vát, vui tính và có vẻ trắng trợn là đặc điểm thường thấy của các nhân viên an ninh. Ông ta nói với tôi về lữ đoàn Nam Tư như sau: “Không đến nỗi tồi, nếu xét đến đội ngũ mà chúng ta đang có”.

Đúng như thế. Lữ đoàn này, trong cuộc chiến đấu với quân Đức sau đó, đã tỏ ra không thiện chiến lắm, bị thiệt hại rất năng nề, nhưng không phải vì khả năng chiến đấu của từng người mà chủ yếu là vì cách tổ chức quá kém, cũng như nó không có kinh nghiệm phối hợp với các đơn vị khác, đồng thời cũng vì cuộc chiến ở đây khác hẳn với cuộc chiến trên mặt trận phía Đông.

Tướng Jukov cũng tổ chức một buổi tiếp tân chào mừng chúng tôi. Tùy viên quân sự Mexico, trong lúc nói chuyện với tôi, có đề nghị giúp đỡ nhưng đáng tiếc là cả ông ta và tôi đều không nghĩ được cách đưa những vật phẩm này đến tay các chiến sĩ Nam Tư.

Trước khi rời Moskva, tôi còn được Jukov mời dùng cơm trưa với gia đình ông. Hai vợ chồng ông ở trong một căn hộ hai buồng. Căn hộ khá tiện nghi, đồ đạc tuy khiêm nhường nhưng nếu theo tiêu chuẩn của Moskva, lại là thời chiến, thì có thể nói là khá lộng lẫy nữa. Jukov là một viên chức mẫn cán; trên cơ sở kinh nghiệm, ông tin rằng không phải lí tưởng, mà sức mạnh mới là phương tiện thực thi chủ nghĩa cộng sản. Quan hệ của chúng tôi khá thân tình nhưng có phần giữ kẽ vì không gì có thể loại bỏ được sự khác biệt về thói quen và quan điểm của chúng tôi, mà thực ra, mối giao hảo về chính trị chỉ có giá trị khi mỗi người vẫn còn là chính mình.

Khi chia tay, Jukov tặng tôi khẩu tiểu liên dành cho sĩ quan, một tặng phẩm khiêm tốn nhưng phù hợp với hoàn cảnh lúc đó.

Tôi còn có một cuộc gặp gỡ nữa, đấy là gặp các cơ quan tình báo Liên Xô. Thông qua đại úy Kozlovski, một người ăn mặc giản dị nói rằng đại diện cho các cơ quan an ninh đến tận Khu tập thể trung tâm của Hồng quân để gặp tôi. Chúng tôi thoả thuận sẽ làm việc vào ngày hôm sau cùng với vô số những biện pháp bí mật mà tôi, một người đã có kinh nghiệm hoạt động ngầm trong nhiều năm, cho là thừa. Một chiếc ô tô đợi tôi tại một góc phố, sau khi đi vòng vèo một lúc, chúng tôi chuyển sang một chiếc khác, lại đi, chúng tôi bỏ nó ở một con phố rồi đi bộ đến một phố khác, một người vứt từ cửa sổ ngôi nhà cao tầng cho chúng tôi chìa khoá, chúng tôi phải dùng nó để mở một căn phòng trên tầng ba.

Chủ nhân căn phòng, nếu đây quả là chủ nhân, là một người tóc trắng miền Bắc với đôi mắt trong veo mà vẻ đẫy đà chỉ làm họ đẹp thêm và mạnh mẽ hơn mà thôi. Nhưng vẻ đẹp của cô không gây ảnh hưởng gì, ít nhất là cuộc gặp gỡ với tôi đã là như thế. Hoá ra cô ta có chức vụ cao hơn anh bạn đồng hành với tôi, cô ta hỏi còn anh chàng thì ghi. Mối quan tâm chính của họ là những người trong ban lãnh đạo Đảng cộng sản chứ không phải tin tức về những đảng khác của Nam Tư. Cách thẩm vấn làm tôi khó chịu nhưng là một người cộng sản, tôi biết rằng mình có trách nhiệm cung cấp các tin tức cần thiết. Nếu một người trong Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô hỏi thì tôi không nghi ngờ gì. Còn họ thì dùng những thông tin về đảng cộng sản và những người lãnh đạo cộng sản vào việc gì, trong khi nhiệm vụ của họ là đấu tranh với kẻ thù của Liên Xô và những tên khiêu khích trong các đảng cộng sản khác? Nhưng tôi vẫn trả lời, tôi chỉ tránh đưa ra các số liệu chính xác, các đánh giá tiêu cực và đặc biệt là các mâu thuẫn trong nội bộ Đảng. Tôi làm như thế là do quan niệm đạo đức, tôi không muốn nói về các đồng chí của mình khi chưa được họ đồng ý, thâm tâm tôi phản đối sự can thiệp vào thế giới nội tâm của mình, phản đối những người không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Đảng tôi. Họ cũng nhận thấy thái độ bất mãn của tôi cho nên cuộc làm việc chỉ kéo dài chừng một tiếng rưỡi, sau đó chúng tôi chuyển sang nói chuyện trên tinh thần đồng chí, uống nước trà và ăn bánh ngọt.

Tôi hay gặp gỡ với những nhà hoạt động xã hội và thấy gần gũi với họ hơn.

Lúc đó, ở Liên Xô, giao thiệp với người ngoại quốc trong phe đồng minh không bị cấm đoán khắt khe như sau này.

Vì đang có chiến tranh và chúng tôi, đại diện của một đảng duy nhất, một dân tộc duy nhất đứng lên kháng chiến chống Hitler, được nhiều người quan tâm. Rất nhiều người đến gặp chúng tôi: các nhà văn tìm ý tưởng mới, các nhà làm phim tìm câu chuyện hay, các nhà báo tìm tài liệu và thông tin, các thanh niên nam nữ đến nhờ giúp họ làm quân tình nguyện đi chiến đấu ở Nam Tư.

Sự thật - tờ báo lớn nhất - muốn tôi viết một bài về cuộc đấu tranh ở Nam Tư, trong khi tờ Thời mới thì đề nghị viết một bài về Tito.

Tôi gặp một số khó khăn khi biên tập cả hai bài báo.

Tờ Sự thật muốn xoá tất cả những gì liên quan đến tính chất của cuộc đấu tranh và những hậu quả chính trị của nó. Trong Đảng chúng tôi cũng thường tiến hành biên tập các bài báo cho phù hợp với đường lối. Nhưng đấy là trong trường hợp có những lệch lạc nghiêm trọng hoặc những vấn đề tế nhị. Đằng này, tờ Sự thật đòi cắt hết tất cả những gì có liên quan đến bản chất của cuộc đấu tranh, tức là liên quan đến chính quyền mới và những biến động xã hội của nó. Họ còn thay đổi cả cách hành văn của tôi, cắt bỏ những hình tượng độc đáo, rút ngắn câu văn. Bài báo trở thành nhạt và thiếu sinh khí. Sau khi tranh luận với biên tập viên, tôi đành phải đồng ý để họ cắt xén bài báo, không nên vì chuyện này mà làm hỏng quan hệ và thà công bố như thế còn hơn là không công bố gì.

Với tờ Thời mới thì phải chiến đấu quyết liệt hơn. Ở đây, người ta ít động chạm tới tinh thần và lời văn nhưng họ lại làm giảm nhẹ hoặc cắt bỏ gần như toàn bộ những đoạn nói tới vai trò đặc biệt quan trọng của Tito. Trong buổi gặp đầu tiên với biên tập viên, tôi chỉ đồng ý cho thay đổi những tiểu tiết. Nhưng trong buổi gặp thứ hai, khi tôi hiểu rằng ở Liên Xô người ta không được ca ngợi ai ngoài Stalin, khi người biên tập viên nói thẳng: “Không tiện lắm vì còn đồng chí Stalin, bên tôi vẫn thế!”, thì tôi đồng ý cho sửa chữa nhưng tôi đồng ý như thế vì bản chất và tinh thần của bài báo vẫn được giữ nguyên.

Đối với tôi, cũng như đối với những người cộng sản Nam Tư khác, vai trò đầu tầu của Stalin là đương nhiên, không có gì phải tranh luận. Nhưng tôi thực sự không hiểu vì sao lại không được đề cao các lãnh tụ cộng sản khác, trong trường hợp này là Tito, nếu như họ xứng đáng như thế, theo quan điểm cộng sản.

Phải nói thêm rằng, Tito rất hài lòng và theo tôi biết, sinh thời Tito, trên báo chí Liên Xô, chưa có một nhà hoạt động nào khác được đánh giá cao như ông.


5.

Đấy là do xã hội Liên Xô đã bị cuộc đấu tranh của người Nam Tư mê hoặc. Chiến cuộc cũng đã thay đổi cả tình hình xã hội ở Liên Xô nữa.

Nhìn lại quá khứ, tôi có thể nói: khi đó, mọi người đều tin rằng sau chiến tranh, một cuộc chiến mà người dân Xô Viết đã chứng minh lòng trung thành với tổ quốc và lí tưởng cách mạng, người ta sẽ không cần những hạn chế về chính trị và tư tưởng cũng như sự độc quyền của một nhóm lãnh tụ, hay thậm chí của một lãnh tụ nữa. Thế giới đã biến đổi mau chóng ngay trước mắt người dân Xô Viết. Rõ ràng là Liên Xô sẽ không còn là nước xã hội chủ nghĩa duy nhất nữa, sẽ xuất hiện thêm các lãnh tụ khác và các diễn đàn khác.

Không khí và tâm trạng như thế không những không cản trở ban lãnh đạo Liên Xô mà ngược lại, còn giúp họ chỉ đạo chiến tranh một cách dễ dàng hơn. Có nhiều nguyên nhân làm cho chính lãnh đạo Liên Xô nuôi dưỡng ảo tưởng như thế. Ngoài ra, Tito, nói đúng hơn là cuộc đấu tranh của người Nam Tư đã làm thay đổi quan hệ trên bán đảo Ban-căng và cả vùng Trung Âu mà không hề đe doạ, ngược lại, còn góp phần củng cố địa vị của Liên Xô, cho nên không có lí do gì để không tuyên truyền cổ động và ủng hộ cho nó.

Còn một nguyên nhân quan trọng nữa. Đấy là mặc dù chính quyền Liên Xô, đúng hơn là những người cộng sản Liên Xô, liên minh với các nền dân chủ phương Tây nhưng họ luôn cảm thấy cô đơn trong cuộc đấu tranh này, họ phải đơn thương độc mã trong cuộc đấu tranh vì sự tồn tại và bảo vệ phong cách sống của chính mình. Vì mặt trận thứ hai chưa được mở, đúng hơn là vào những giai đoạn quyết định cho số phận của nhân dân Nga thì những trận đánh chưa diễn ra trên mặt trận này, ngay những người dân thường, những người chiến sĩ cũng cảm thấy cô đơn. Cuộc khởi nghĩa ở Nam Tư đã giải toả được cảm giác cô đơn cho cả lãnh đạo và nhân dân.

Tôi, một người cộng sản, một công dân Nam Tư đã vô cùng cảm động vì tình yêu và sự tôn trọng mà người dân, đặc biệt là Hồng quân, dành cho chúng tôi. Tôi đã thấy lòng thanh thản khi viết vào cuốn sổ lưu niệm dành cho khách tham quan cuộc triển lãm chiến lợi phẩm: “Tôi tự hào vì không có vũ khí Nam Tư!”, ở đó trưng bày vũ khí thu được của tất cả các nước châu Âu.

Chúng tôi được mời đi thăm Tập đoàn quân Ukraine thứ hai do nguyên soái Konev I. S. chỉ huy.

Máy bay của chúng tôi hạ cánh xuống gần Umania, một thị trấn của Ukraine, cả một vùng đổ nát, tan hoang đầy thương tích do lòng hận thù của con người và chiến tranh để lại.

Chính quyền thị trấn tổ chức mời chúng tôi ăn tối và gặp gỡ với những người làm công tác xã hội ở địa phương. Bữa ăn không thể gọi là vui vì nó được tổ chức tại một ngôi nhà hoang vắng, sắp sập, trong khi ông cố đạo và ông bí thư đảng uỷ thị trấn không thể che giấu được thái độ thù địch lẫn nhau ngay trước mặt người ngoại quốc, họ cũng không giấu giếm rằng cả hai đều tiến hành đấu tranh chống quân Đức, mỗi người một kiểu.

Tôi cũng được các cán bộ đảng cho biết rằng ngay khi chiến tranh vừa nổ ra, Đại giáo chủ Nga đã tự ý, không xin phép chính quyền, cho in bằng tay và cho phân phát những lời hiệu triệu chống phát xít, những lời hiệu triệu này đã được không chỉ giới tu hành mà dư luận rộng rãi hưởng ứng. Khác với sự đơn điệu của công tác tuyên truyền ở Liên Xô, tính mới mẻ của tình thần yêu nước cổ xưa và lòng tin tôn giáo đã tạo được sức hấp dẫn, chính quyền Xô Viết lập tức thay đổi thái độ và bắt đầu dựa vào nhà thờ mặc dù họ vẫn coi tôn giáo là tàn dư của quá khứ. Trong những giai đoạn khó khăn, niềm tin tôn giáo đã phục hồi và bắt đầu thu hút thêm tín đồ, tướng Korneev, người đứng đầu phái đoàn quân sự Liên Xô ở Nam Tư, có kể lại rằng nhiều đồng chí, kể cả những người có địa vị cao, trong những giờ phút chiến đấu một mất một còn với quân Đức đã quay sang sử dụng Thiên chúa giáo chính thống như một nguồn động viên tư tưởng có giá trị lâu dài.

“Để cứu nước Nga, nếu cần, chúng tôi sử dụng cả Thiên chúa giáo chính thống”, ông ta giải thích như thế.

Ngày nay chuyện này thật khó tin, nhưng đấy chỉ là đối với những người không tưởng tượng nổi toàn bộ gánh nặng đã đổ ập lên đầu lên cổ nhân dân Liên Xô, đấy là đối với những người không hiểu rằng mỗi xã hội, trong mỗi giai đoạn nhất định, chỉ chấp nhận và phát triển các tư tưởng có tác dụng bảo tồn và cải thiện các điều kiện tồn tại của nó một cách tốt nhất mà thôi. Tuy nghiện rượu nhưng tướng Korneev không phải là một kẻ dốt nát, ông ta là một người cực kì trung thành với hệ thống Xô Viết và chủ nghĩa cộng sản. Đối với một người lớn lên trong phong trào cách mạng, lấy sự trong sáng của tư tưởng làm vũ khí đấu tranh như tôi, ý kiến của Korneev có vẻ khôi hài. Nhưng tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi nghe ông cố đạo vùng Umania nâng cốc chúc sức khỏe Stalin mà ông gọi là “người thu gom các vùng đất Nga”, lòng yêu nước, nếu không nói là chủ nghĩa dân tộc đại Nga đã mạnh lắm rồi vậy. Stalin hiểu rõ rằng nếu không dựa vào ước mơ ngàn đời và lòng tự hào dân tộc của người Nga thì chẳng những hệ thống xã hội mà ngay chính quyền của ông ta sẽ không thể nào đứng vững được trước sức tấn công như vũ bão của quân Đức.

Ông bí thư đảng ủy thị trấn, dù rất cố gắng nhưng cũng không che giấu nổi sự chán nản khi đứng nghe ông cố đạo khéo léo nhấn mạnh vai trò của nhà thờ trong cuộc đấu tranh vừa qua. Nhưng ông bực nhất là thái độ bàng quan của dân chúng, chẳng là đội du kích của ông có quân số ít đến nỗi không chống cự nổi các đơn vị dân quân người Ukraine thân Đức trong vùng.

Đúng là không thể nào che giấu được thái độ bàng quan của người Ukraine đối với chiến tranh và chiến thắng của phía Liên Xô. Trông họ có vẻ buồn bã, khó gần; họ không để ý gì đến chúng tôi hết. Mặc dù các sĩ quan, những người duy nhất chúng tôi có điều kiện tiếp xúc, đã không nói gì hoặc nói về tinh thần của người Ukraine với giọng điệu lạc quan nhưng tay lái xe cho chúng tôi lại chửi rủa họ thậm tệ vì theo lời anh ta thì họ không chịu chiến đấu và nay người Nga phải đến giải phóng cho.

Ngày hôm sau, chúng tôi phải di chuyển trên những con đường đầy bùn mùa xuân. Đây là những con đường mà Hồng quân chiến thắng vừa đi qua. Máy móc, thiết bị kĩ thuật của quân Đức bị phá hủy, bị bắn hỏng rải rác khắp nơi, như một sự bổ sung vào bức tranh về tài nghệ và sức mạnh của Hồng quân. Song điều làm chúng tôi cảm phục nhất chính là sức chịu đựng và sự khiêm nhường của những người lính Nga, những người có thể di chuyển nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, trong bùn lầy đến tận thắt lưng, đói ăn và mất ngủ nhưng vẫn can trường trụ vững trước mưa bom bão đạn và những trận tấn công tuyệt vọng của quân Đức.

Bỏ qua những đam mê thơ mộng và giáo điều thì ngày hôm nay, tôi vẫn đánh giá cao phẩm chất của Hồng quân, đặc biệt các sĩ quan người Nga, hạt nhân của quân đội ấy.

Mặc dù các cấp chỉ huy Liên Xô, mà trước hết là binh lính và sĩ quan cấp dưới, được giáo dục chính trị một cách đơn điệu, nhưng trong tất cả các lĩnh vực khác họ là những người có sáng kiến, có văn hoá cao và quan điểm thoáng. Kỉ luật nghiêm nhưng không phải là sự tuân thủ mù quáng mà là để phục vụ cho mục đích và nhiệm vụ đặt ra trước đơn vị. Các sĩ quan Liên Xô không những được đào tạo rất tốt về chuyên môn, đồng thời họ còn là thành phần dũng cảm và có tài nhất trong giới trí thức của đất nước. Dù được trả lương khá cao, họ không liên kết thành đẳng cấp riêng; người ta không đòi hỏi họ phải nắm vững giáo điều mác-xít mà trước hết, họ phải là những người quả cảm và bám sát mặt trận: quân đoàn bộ ở Iass chỉ cách tiền duyên quân Đức có ba cây số. Mặc dù Stalin đã tiến hành những vụ thanh trừng rộng khắp, nhất là trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp, nhưng điều đó để lại ít hậu quả hơn người ta tưởng vì cùng với việc thanh trừng, ông ta lại nâng đỡ các sĩ quan trẻ đầy tài năng: mỗi một sĩ quan trung thành với ông đều biết rằng ước muốn của anh ta luôn được ghi nhận. Sự nhanh nhạy và kiên quyết thể hiện trong việc luân chuyển cán bộ trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp trong thời kì chiến tranh chứng tỏ Stalin là người năng động và tạo mọi cơ hội cho những người có tài năng. Ông đã hành động đồng thời theo hai hướng: buộc quân đội phục tùng tuyệt đối Đảng, chính phủ và cá nhân mình và làm hết sức nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của bộ đội cũng như cải thiện điều kiện sống và nhanh chóng thăng quân hàm cho những người xứng đáng nhất.

Lần đầu tiên tôi được nghe chỉ huy một quân đoàn Hồng quân nói một câu mà lúc đó tôi cho là kì nhưng khá táo bạo như sau:

“Khi chủ nghĩa cộng sản thắng lợi trên toàn thế giới thì chiến tranh sẽ cực kì khốc liệt”.

Theo lí thuyết của Marx mà các chỉ huy Liên Xô biết cũng không kém gì tôi, chiến tranh là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và vì chủ nghĩa cộng sản sẽ thủ tiêu các giai cấp thì con người cũng không còn nhu cầu đánh nhau nữa. Nhưng ông tướng bạn tôi, cũng như nhiều chiến sĩ Xô Viết và cả tôi, thông qua những nỗi kinh hoàng của cuộc chiến, đã cảm nhận được một số chân lí xa vời: cuộc đấu tranh giữa người với người sẽ trở thành cực kì khốc liệt sau khi toàn thể loài người chịu khuất phục một hệ thống xã hội duy nhất. Vì không thể nào giữ được hệ thống tuyệt đối trong sáng như lúc ban đầu, để làm cho loài người được “hạnh phúc”, các hệ phái của nó sẽ thực hiện việc giết người một cách không gớm tay. Đối với các sĩ quan Xô Viết được giáo dục theo tinh thần mác-xít thì ý tưởng này bị lu mờ. Nhưng tôi thì không quên và tôi cho rằng nó không phải là một câu nói vô tình. Dù các sĩ quan Xô Viết không nhận thức rõ rằng trong cái xã hội mà họ đang bảo vệ đó cũng tồn tại những mâu thuẫn đối kháng, nhưng chắc chắn trong đầu họ đã tồn tại một cách mù mờ ý nghĩ rằng con người ta nhất định phải sống trong một xã hội nhất định, trong những tư tưởng nhất định, song người ta còn phải sống theo những qui luật khác cũng có ý nghĩa và giá trị không kém.

Chúng tôi đã làm quen với nhiều thứ trên đất nước Liên Xô. Nhưng chúng tôi, những đứa con của đảng và cách mạng, những người nhờ sống khắc khổ mà giành được niềm tin vào chính mình và niềm tin của nhân dân, đã rất lấy làm ngạc nhiên khi tham dự bữa nhậu chia tay chúng tôi trong hành dinh của tướng Konev.

Các cô gái cực kì xinh đẹp, ăn mặc cực kì lộng lẫy, đưa lên rất nhiều sơn hào hải vị: trứng cá hồi, thăn cá hồng, dưa chuột tươi, cà chua muối, giăm-bông, lợn sữa, bánh mì nóng và pho mát hảo hạng, rồi canh bắp cải, chả rán nóng hổi và cuối cùng là bánh ga tô dày cả gang tay, các mâm quả nhiều đến nỗi có thể làm cong cả mặt bàn.

Có thể thấy các sĩ quan Liên Xô cố tình che giấu niềm vui vì sắp được ăn tiệc và rõ ràng là họ có ý định ăn no uống say tại đây. Nhưng người Nam Tư chúng tôi thì cảm thấy sắp phải bước vào một cuộc thử thách lớn, chúng tôi sẽ phải uống dù điều đó không phù hợp với “đạo đức cộng sản”, với truyền thống của đảng và quân đội của mình. Chúng tôi đã vượt qua thử thách một cách tuyệt vời, tuy không quen uống rượu nhưng ý chí và nhận thức đã giúp chúng tôi “một trăm phần trăm” hết lần này đến lần khác mà vẫn đứng vững trên hai chân cho đến phút chót.

Cũng như mọi khi, tôi thường uống ít, lấy cớ là bị đau đầu, mà lúc đó tôi bị đau thật. Tướng Terdich trông thật tội nghiệp, anh phải uống vì không biết nói thế nào với người đồng cấp Nga khi anh ta đề nghị nâng cốc chúc sức khỏe Stalin, nhất là nếu anh vừa “một trăm phần trăm” vì sức khỏe của Tito xong.

Nhưng viên đại tá của Bộ tổng tham mưu Liên Xô đi cùng chúng tôi còn tội nghiệp hơn, anh ta bị nguyên soái Konev và các tướng lĩnh dưới quyền ông chọc ghẹo suốt. Nguyên soái Konev còn không thèm để ý đến tình trạng sức khỏe của viên đại tá nữa: viên đại tá được điều về Bộ tổng tham mưu sau khi bị thương ngoài mặt trận. Nguyên soái hạ lệnh:

“Đống chí đại tá, đồng chí phải cạn li mừng chiến thắng của Phương diện quân Ukraine thứ hai chứ!”

Không một tiếng động. Tất cả đều quay về phía viên đại tá, tôi định nâng cốc thay anh ta. Nhưng anh đã đứng nghiêm và uống một hơi, vài giọt mồ hôi rịn ra trên khuôn mặt nhợt nhạt.

Không phải tất cả mọi người đều tham gia ăn nhậu, những người chịu trách nhiệm về thông tin liên lạc với mặt trận không được uống. Tại mặt trận, các bộ tham mưu thường không được uống rượu, trừ những trường hợp chắc chắn là không xảy ra chiến sự. Người ta kể rằng trong cuộc tấn công Phần Lan, vì quá lạnh nên Zhdanov đã đề nghị Stalin phát cho mỗi người lính một trăm gram rượu một ngày và việc này trở thành truyền thống trong Hồng quân từ đó. Trước mỗi trận tấn công, tiêu chuẩn rượu được tăng gấp đôi.

“Các chiến sĩ bớt lo lắng hơn”, người ta bảo với chúng tôi như thế.

Chính nguyên soái Konev cũng không uống, ông bị bệnh gan, các bác sĩ cấm không được đụng đến rượu mà ở đây không có người nào có quân hàm cao hơn có thể buộc ông phải nâng li.

Nguyên soái là người khá cao, tóc vàng, khoảng chừng năm mươi, khuôn mặt xương xẩu, quyết đoán, mặc dù ông khuyến khích các cuộc liên hoan vui vẻ, “triết lí” của ông là “người ta thỉnh thoảng phải được xả láng” nhưng chính ông thì lại khá nghiêm túc, không những ông là người tự tin mà ông còn tin vào các đơn vị dưới quyền nữa.

Nhà văn Polevoi, đi theo đoàn với danh nghĩa phóng viên báo Sự thật, luôn miệng ca ngợi chủ nghĩa anh hùng và tính ưu việt của đất nước mình, đã kể cho chúng tôi nghe những trường hợp chứng tỏ lòng dũng cảm và sự bình tĩnh vô song của Konev. Một lần, Konev đang đứng trên một đài quan sát thì vị trí bị quân Đức nã cối vào như vãi đạn, ông làm bộ như đang nhìn vào ống nhòm nhưng thực ra là đang quan sát thái độ của các sĩ quan. Mọi người đều biết rằng chỉ cần một chút dao động là sẽ bị tước quân hàm ngay lập tức nhưng không ai dám nói với Konev rằng đứng ở đó rất nguy hiểm. Xung quanh người chết và bị thương rất nhiều nhưng ông chỉ rời vị trí sau khi đã quan sát xong. Một lần khác, ông bị mảnh đạn găm vào chân, các chiến sĩ phải tháo ủng và băng lại nhưng ông vẫn không rời trận địa.

Konev thuộc loại thế hệ các tướng lĩnh mới, được đề bạt dưới thời Stalin. Nhưng đường công danh của ông không được may mắn và đột ngột như Rokossovski. Konev gia nhập Hồng quân ngay sau cách mạng và đi lên dần dần, có qua trường lớp hẳn hoi. Nhưng cũng như đa số các tướng lĩnh Hồng quân dưới thời Stalin, con đường công danh của ông chủ yếu là trên mặt trận của Thế chiến thứ hai.

Là người ít nói, Konev có kể qua cho tôi nghe về chiến dịch Korsun - Shevchenko vừa kết thúc mấy ngày gần đây, một chiến dịch mà ở Liên Xô, người ta coi là trận Stalingrad thứ hai. Không giấu vẻ tự hào, ông mô tả khung cảnh tuyệt vọng của quân Đức như sau: gần tám mươi ngàn quân Đức không chịu đầu hàng đã bị vây chặt trong một vùng tương đối hẹp, sau đó xe tăng nghiến nát các trang thiết bị nặng và các ụ pháo rồi đến lượt kị binh Cô-dắc xông vào.

“Lính Cô-dắc cứ thế mà băm, họ phang cả những cánh tay đã giơ lên xin hàng!”, nguyên soái vừa cười vừa nói như thế.

Phải thú nhận rằng, lúc đó tôi cho là quân Đức bị như thế cũng đáng lắm, chủ nghĩa phát xít, nhân danh dân tộc thượng đẳng đã gây ra trên đất nước tôi một cuộc chiến tranh không còn một chút tính ngưới nào. Nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy khủng khiếp quá, khủng khiếp vì mọi thứ phải diễn ra đúng như thế chứ không thể khác được.

May mắn được ngồi ngay bên phải con người nổi tiếng này, tôi tranh thủ hỏi ông vài câu mà tôi đã suy nghĩ từ khá lâu rồi.

Trước hết tôi hỏi vì sao các tướng như Voroshilov, Budenyi và một vài người nữa không còn được dùng.

Konev đáp: “Voroshilov là một người cực kì dũng cảm nhưng ông không nắm được các phương pháp chiến tranh hiện đại. Đóng góp của ông thật vô cùng to lớn nhưng vấn đề là phải thắng. Trong cuộc nội chiến, Voroshilov trưởng thành từ đó, Hồng quân chưa có máy bay và xe tăng, hai thứ này đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến hiện nay. Budenyi thì đã biết ít lại không chịu học, ông không phù hợp với cuộc chiến hiện nay và đã mắc nhiều sai lầm. Saposhnikov thì chỉ là một nhà chuyên môn, một sĩ quan văn phòng thôi”.

“Thế còn Stalin?”, tôi hỏi.

Đắn đo một lúc, để không tỏ ra là câu hỏi đã làm ông ngạc nhiên và sau vài giây suy nghĩ, Konev trả lời như sau:

“Stalin thiên tài trong mọi lĩnh vực, đồng chí ấy hiểu biết một cách tường tận cuộc chiến và đấy chính là bảo đảm cho sự lãnh đạo thành công của đồng chí”.

Ông chỉ nói có thế và không hề có những câu làm người ta nghĩ đến kiểu suy tôn Stalin như thường thấy lúc đó. Ông hoàn toàn không nhắc đến sự lãnh đạo của Stalin trong các chiến dịch thuần túy quân sự. Konev là một người cộng sản lão thành, hết lòng vì Đảng và chính phủ nhưng tôi còn có thể nói đấy là một người kiên định trong các vấn đề quân sự.

Konev cũng trao cho chúng tôi một ít tặng phẩm: ông gửi tặng Tito cái ống nhòm của chính mình, còn chúng tôi mỗi người được một khẩu súng lục, tôi giữ khẩu súng ấy cho đến khi bị người ta tịch thu khi bị bắt lần đầu vào năm 1956.

Trên mặt trận, có rất nhiều thí dụ về chủ nghĩa anh hùng và lòng kiên cường cũng như sáng kiến của những người lính bình thường. Nước Nga bị kiệt quệ vì thiếu thốn vẫn đầy quyết tâm và gồng mình chịu đựng cho ngày chiến thắng cuối cùng. Trong những ngày đó, Moskva và chúng tôi đã tỏ ra hân hoan như những đứa trẻ mỗi khi có bắn pháo hoa chào mừng chiến thắng, phía sau mỗi chiến thắng đó là khói lửa và chết chóc, hi vọng và đau thương. Đối với chúng tôi, những chiến sĩ Nam Tư, đó cũng là niềm vui giữa những khổ đau mất mát đang bao trùm lên khắp quê hương mình. Dường như ở Liên Xô chỉ có thế, chỉ có những nỗ lực quên mình vô song của một đất nước mênh mông và của hàng trăm triệu người dân. Tôi chỉ nhìn thấy như thế, tôi đã đặt dấu bằng một cách thiếu khách quan giữa lòng yêu nước và hệ thống Xô Viết vì tôi cũng mơ ước hệ thống ấy, tôi đã chiến đấu vì nó.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas
Nguồn: http://ihtik.lib.ru/politolog_28may2006/politolog_28may2006_544.rar