© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
6.7.2006
Nguyễn Quốc Chánh
Chỉ một điều ước
Vi Ký thực hiện
 
Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh
Vi Ký: Xã hội Việt Nam thực chất vẫn là một xã hội “toàn trị”, không có những quyền căn bản như “tự do ngôn luận” và “tự do tư tưởng”, vậy anh có chấp nhận một cuộc phỏng vấn và “tự vấn” đầy “ngẫu hứng” và “rủi ro”?

Nguyễn Quốc Chánh: Cái căn bản toàn trị của xã hội Việt Nam hiện biến tướng thành cái căn bản tâm thần phân liệt. Sự nhược suy thể hiện qua đường lối đầu Ngô mình Sở - kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những con bệnh trong guồng máy đít thị trường, đầu cộng sản đều mắc chứng ảo tưởng về tự do và bị đánh lừa về quyền ngôn luận. Do bị điều kiện hoá và bị bùa mê của Ðảng, những con bệnh trong xã hội phân liệt thường không kịp biết thế nào là chết trong mê muội.

Trong tình trạng bốn mùa mê muội, chỉ những kẻ thay lá mới có khả năng tự vấn, mới có thể ngẫu hứng và mới gặp rủi ro. Nếu sợ rủi ro trong tình trạng không có tự do, chút ánh sáng cuối đường (mòn mỏi) coi như tắt ngấm. Tôi nghĩ chúng ta còn đủ năng lượng cho cuộc bù khú này. Anh có nghe người ta hát: “thà như giọt mưa rớt trên tượng đá/ thà như mưa gió có còn hơn không...

Vi Ký: Là một nhà thơ luôn đề cao tự do và thích đặt ra những vấn đề rất chính trị, xin anh cho biết “áp lực” trong thơ anh bây giờ là gì? Và theo anh các nhà thơ Việt Nam bây giờ cần thêm điều gì để “gia tăng” nguồn cảm hứng sáng tạo?

Nguyễn Quốc Chánh: Trong sự tráo trở của quyền lực nhằm vô hiệu hoá quyền con người, chúng ta là lũ ốc mượn hồn. Không muốn bị đánh tráo, tôi chỉ còn cách dựa vào ý chí đối kháng để nhận biết những trò bịp và tung hê quyền lực. Dưới sức ép của sự tráo trở, nhà thơ là kẻ không mang mặt nạ nên thường xuyên bị sặc máu mũi. Với khứu giác tinh nhạy, hắn dễ dàng dính chấu vì đánh hơi ngay được mùi tử khí từ những biến tướng chính trị.

Trong tình trạng ngạt thở, đề cao tự do là cách để gia tăng khả năng thanh lọc đồng thời chống lại nỗi sợ do tà khí của chính trị trùm khắp. Hít thở bầu khí bẩn hơn 30 năm, tôi tích lũy đủ nỗi sợ để thành bệnh hoạn. Còn hay đặt vấn đề chính trị trong thơ là cách để nhìn thẳng vào nó; nếu không nhìn thẳng vào nó, tôi sẽ bị nó vo tròn. Nhận biết nỗi sợ bị vo tròn và ý chí chống lại chính nỗi sợ của mình sinh ra một thứ áp lực có tên là sợ và chống lại nỗi sợ. Sợ và chống lại nỗi sợ là áp lực bây giờ của thơ.

Anh muốn nói đến loại nhà thơ Việt Nam nào? Có tới ba kiểu nhà thơ Việt Nam lận. Những nhà thơ Việt Nam hải ngoại, tự họ biết phải làm gì vì họ có đủ điều kiện và môi trường để thành cái mà họ muốn. Lác đác mấy nhà thơ vỉa hè Sài Gòn đã có cột điện, những con hẻm, cà phê, bia rượu và mầm vô chính phủ trui rèn, nếu không thành những tay thiện chiến, lịch sử đầu đường xó chợ sẽ đón nhận họ như những đứa con hoang. Còn những nhà thơ quốc doanh, có Hội và Đảng của họ cai quản, nếu không trở thành quan chim sẻ, phần đông họ mắc hội chứng chim xệ cánh (teo cơ delta) trong tinh thần.

Vi Ký: Mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị là một “bộ khung” chết cứng hay nó cũng “biến thiên” theo thời gian và lịch sử? Súng, hoa hồng và thực phẩm - ba thứ “vật chất” đầy uy lực ấy có khả năng đẩy thơ xuống hàng “thứ yếu” - nhất là tại Việt Nam - một quốc gia với lịch sử của những cuộc chiến tranh đầy tang thương, ly loạn, hận thù và đói kém...?

Nguyễn Quốc Chánh: Vì vô thần và bất lương, cộng sản có khuynh hướng tôn giáo hoá Ðảng. Một khi chính trị được tôn giáo hoá bằng quyền lực công an, nhà tù và quân đội, văn nghệ chỉ có thể là văn nghệ của công an, của quân đội, của nhà tù. Văn nghệ Công an, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Nhà tù (Hội Nhà văn) quy tụ dưới cây gậy thần chính trị, đã cấu thành bộ khung chưa hề xộc xệch hơn nửa thế kỷ mở hờ khép chặt. Nhưng với lịch sử và theo diễn biến của toàn cầu hoá, cái khung man trá đó không những sẽ biến thiên mà còn biến mất. Vì một khi Ðảng thò bút ký hiệp định thương mại vĩnh viễn với Huê Kỳ là lúc cỗ xe toàn trị rời ách con trâu nối vào toa tàu siêu tốc. Mọi cái khung trên cỗ xe trâu chắc sẽ phải hát “đi về đâu hỡi em...”

Trong một đời sống có hoa hồng và đủ thực phẩm, thơ có thể là tiếng thở của đất, cây cỏ, những sợi lông măng thì thầm với những khớp xương xộc xệch, hoặc những cái ngáp ruồi bí hiểm của những con vật cưng còi lông trong bệnh viện. Còn trong một đời sống thừa súng, ít hoa hồng, thiếu thực phẩm, tan thương, ly loạn, hận thù,... hỡi quê hương yêu dấu, thơ chỉ có điên thôi!

Vi Ký: Nguồn cảm hứng sáng tạo của anh thường bắt nguồn từ miền “ký ức” văn hoá nào? Văn học miền Nam trước 1975, văn chương đương đại (bao gồm văn học hải ngoại, văn chương dịch và văn học mạng internet), Văn học Ðông Âu thời cộng sản (cả văn học gọi là hiện thực XHCN và văn học phản kháng); Văn học miền Bắc (cộng sản và phản kháng); Văn học Trung Hoa (xưa và nay)...?

Nguyễn Quốc Chánh: Cảm hứng của tôi bắt nguồn từ ký ức trôi nổi của một cộng đồng chìm. Giữa ký ức văn hoá sách và ký ức sống, tôi thuộc ký ức sống. Giữa ký ức văn hoá và phản văn hoá, tôi thuộc ký ức phản văn hoá. Với tôi, ký ức của thơ bắt nguồn từ một sự tật nguyền nào đó trong cảm xúc. Tật nguyền của tôi là chứng cà lăm do một tai nạn thình lình lúc 10 tuổi nhìn thấy cặp vú của một cô gái đang thay áo. Ánh sáng loé từ đôi vú vào thời khắc thân thể sắp mọc lông và đòi “khai sáng” khiến giác quan tôi lập tức như đứt hết cầu chì, như có một dòng điện cực mạnh vừa chạy qua. Từ đó, cảm xúc của tôi biến dạng và tai nạn trở thành ký ức phản văn hoá đầu tiên. Nó ấn định và chi phối những ký ức khác. Ðể rồi những món người ta cho là vô đạo và suy đồi trong văn chương gây hưng phấn tôi hơn những thứ dùng để bôi trơn, ru ta ngậm ngùi, ru đời đi nhé, ru mãi ngàn năm...

Văn học miền Nam trước 1975, sinh hoạt trên căn bản của ý thức hệ cộng hoà. Trong ý thức hệ cộng hoà, mọi tư tưởng đều được vận dụng vào việc nhận thức và biểu hiện nghệ thuật. Chủ thể nghệ thuật, bao gồm chủ thể viết, chủ thể thưởng thức là ý thức cá nhân. Ý thức cá nhân phát sáng từ sự tương tác của các dòng tư tưởng. Và điều kiện để tư tưởng lưu thông là quyền tự do xuất bản. Sẽ không có văn học nếu không có tự do xuất bản. Khi có tự do xuất bản, tư tưởng mới trở nên đa dạng và khác biệt.

Ða dạng và khác biệt là dấu hiệu phát tiết của ý thức cá nhân. Văn học miền Nam trước 1975 có đủ những điều cần thiết để văn chương phát tiết. Văn học thiếu sự khác biệt trên cái nền đa dạng, mục đích (đồi trụy) là chạm đến tử cung đời sống sẽ bị giới hạn hoặc lạc hướng. Các dòng tư tưởng suy đồi trong văn học miền Nam trước 1975 giúp tôi định không phải một mà rất nhiều hướng.

Sự đa hệ trong tư tưởng nuôi dưỡng ý thức văn chương. Nếu văn chương không được nuôi dưỡng bằng ý thức của các dòng tư tưởng, nó sẽ chuồi theo dòng cảm xúc và kết cục là hàng loạt những vụ chết chìm. Chết chìm trong cảm xúc lãng mạn; chết chìm trong cảm xúc hiện thực; chết chìm trong cảm xúc hiện thực XHCN; chết chìm trong cảm xúc vô thường; chết chìm trong cảm xúc tượng trưng, siêu thực; chết chìm trong cảm xúc hiện sinh... Và cái chết bao trùm là chết mất xác trong cảm xúc của chữ tâm.

Lịch sử ngoại và nội chiến Việt Nam khoét vô số những cái hố, mỗi nhà thơ/văn Việt Nam đến và xả cảm xúc lai láng vào những cái hố đó, rồi cả lũ trầm mình chết chìm trong cái ngập ngụa của cảm xúc. Vì tư tưởng bất lực hay không có duyên trong việc biến cảm xúc lai láng thành những khối, mảng, miếng, mảnh, nên văn chương Việt Nam nói chung, tới bây giờ, vẫn chưa đủ can-xi để tiến hoá từ động vật thân mềm lên động vật có xương sống và đứng thẳng.

Văn học Sài Gòn trước 1975, đối với tôi, tuy đã dĩ vãng nhưng tính chất tự do và xu hướng đồi trụy của nó luôn là những tiếng nói đồng thanh.

Còn văn học hiện thực XHCN ở đâu cũng là con tin của chính trị. Những con tin biết làm gì ngoài việc đầu độc nhau bằng vị ngọt của đường hoá học: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ người với người sống để yêu nhau”. Ðặc điểm của văn học hiện thực XHCN là bị lừa và tự đánh lừa. Bị lừa do mắc phải bùa mê về tính không tưởng mà Ðảng yểm, và tự lừa là khi tính không tưởng biến thành những giáo điều cuồng tín.

Điều mà văn học hiện thực XHCN ở Liên Xô và Ðông Âu ám ảnh tôi là những vụ tự tử. Những vụ tự tử của những nhà thơ/văn dưới chệ độ cộng sản là những tác phẩm của hành vi bi tráng. Nó là biểu tượng kép của đạo đức và thẩm mỹ phản kháng. Trong một xã hội mà tự do phải trả bằng sinh mạng, văn học còn có thể tạo tác bằng chất liệu nào khác ngoài sinh mạng của chính nhà văn? Nhưng văn học hiện thực XHVN Việt Nam chưa có vụ tự tử nào. Bởi động vật không có khả năng tự sát.

Văn học phản kháng là hiện tượng đột biến và hiếm hoi dưới chế độ cộng sản. Phản kháng là cách trực tiếp bày tỏ chính kiến chống lại tình trạng súc vật hoá. Chế độ toàn trị từ lý thuyết đến thực tế là đồng nhất với quá trình súc vật hoá, và nhà văn dưới chế độ cộng sản mà ngô nghê về chính trị thì khỏi cần mở mắt, ta cũng nhận ra ngay đó là những con gì.

Còn nhân tính, văn học còn phản kháng. Với tôi, văn học đồng nghĩa với phản kháng. Dưới chế độ cộng sản, văn học phản kháng đúp: từ chính trị đến văn hoá.

Văn học internet là lối thoát duy nhất hiện nay của văn học Việt Nam. Nó thanh toán nạn toàn trị trong văn học và những bản thảo chờ đăng quang trong ngăn kéo. Ðồng thời, nó chấm dứt luôn những cơn mơ màng ngái ngủ về sự bất tử, mở đường cho những giá trị tức thì của cái ở đây và bây giờ. Văn học mạng sẽ bỏ lại đằng sau thói quan liêu của truyền thống khép kín của văn hoá làng, khiến văn học phải chịu chết chìm bởi cảnh chiếu trên chiếu dưới, đồng thời nó cũng phải chịu chung số phận sớm nở tối tàn với những cơn lũ ngày càng hoa mắt của áp lực thông tin. Hãy quên đi cái trò ngu xuẩn vĩ đại và muôn năm.

Kẻ gây bất an cho tôi trong văn học Trung Hoa xưa và nay là Tư Mã Thiên. Chỉ vì một chút sự thật mà mất toi hai hòn dái.

Vi Ký: Văn hoá nói chung cũng như các loại vật phẩm khác, nghĩa là có niên hạn sử dụng (date)? Anh làm gì để thơ anh luôn mới khi văn học miền Nam (những gì anh đã đọc trước kia) đã lùi lại 30 năm của biến động lịch sử và chủ nghĩa hiện sinh Pháp đã đường bệ bước vào tủ kính của lịch sử?

Nguyễn Quốc Chánh: Tùy văn phẩm mà niên hạn sử dụng dài hay ngắn. Thí dụ, thơ Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều. Ðối với tôi, thơ Hồ Xuân Hương vẫn còn đát, nhưng Truyện Kiều thì không. Tính đương đại trong thơ Hồ Xuân Hương là cảm hứng phản văn hóa của một nguồn nước ẩn:Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”. Còn Truyện Kiều là tiếng rỉ tai lê thê rất văn hoá của những kẻ lỡ vận mà háo danh: “Ba trăm năm sau ai là người khóc ta?!” Tại sao lại đề cao nước mắt? Vì hầu hết “trí thức” Việt Nam đều là đám đực rựa hay thút thít vì lỡ vận mà háo danh. Trong khi đó, Hồ Xuân Hương chuyên giễu cợt và nổi quạu trước cái văn hoá gia trưởng “Trai năm thê bảy thiếp/ gái chính chuyên chỉ lấy một chồng” đương thời. Chắc vì cảm quan phản văn hoá, tác phẩm của bà còn tươi sáng và đồng thời với tôi.

Ai nhạy cảm với sự sống và trung thực với bản thân thì có thể tránh được thói quan liêu và sự cuồng tín. Sự sống là chuyển động. Chủ nghĩa nào đồng hành với nó, chủ nghĩa đó sống. 30 năm qua, Ðảng ruồng bỏ mọi chủ nghĩa, suy tôn mỗi chủ nghĩa là Mác-Lê. Trong tình trạng khan hiếm tư tưởng, dù chủ nghĩa hiện sinh, như anh nói, “đường bệ” bước vào tủ kính của lịch sử nhưng tàn dư của nó thừa sức chống lại đội hồng vệ binh của một thứ chủ nghĩa vô nhân tính. Tuy nhiên, tôi thích giống một tên cóc-theo (cocktail) trong thơ hơn, có thể pha chủ nghĩa này vào chủ nghĩa kia và chủ nghĩa nọ. Muốn mới thì phải pha và nhanh chóng ra vô các chủ nghĩa, nếu có thể.

Vi Ký: Anh có suy nghĩ gì về văn học trong luồng’’ và văn học ngoài luồng’’; văn học chính thốngvà văn học vỉa hè-bên lề’’? Và, theo anh, văn học hải ngoại có phải là văn học miền Nam nối dài? Ấn tượng của anh về một nhà văn, nhà thơ miền Nam trước 1975? Và một nhà văn, nhà thơ trẻ của văn chương hải ngoại?

Nguyễn Quốc Chánh: Văn học trong luồng là những con tin đang biến tướng ở trong chuồng, luôn phải thích nghi với sự tráo trở khôn lường của Ðảng. Thời bao cấp, văn học trong luồng là những con tin thuần chủng. Ðến thời kinh tế thị trường định hướng XHCN, những con tin biến tướng thành những con đĩ văn chương. Ðảng đánh đĩ trong kinh tế và chính trị với tư bản, văn chương trong luồng đánh đĩ với Ðảng.

Báo Văn nghệ Nhà tù (Hội Nhà văn), Văn Nghệ Công an, Văn Nghệ Quân đội... và toàn bộ hệ thống xuất bản hiện thời vừa là trại giam vừa là nhà thổ. Nói đấy là thứ nhà thổ là vì các loại báo và nhà xuất bản phải tự hạch toán (kinh tế thị trường) theo kiểu “sống chết mặc thây tiền thầy bỏ túi’’ còn bảo đấy là tình trạng trại giam bởi vì chúng vẫn bị kiểm soát tư tưởng (định hướng XHCN) - tức là bị tước đoạt quyền con người.

Nhà văn trong luồng như vật nuôi trong chuồng, con nào ngoan, ranh thì được hót, thậm chí, còn được cho ra sân khấu làm xiếc. Khi cuộc độc diễn của Ðảng vãn tuồng, văn học trong luồng chắc biến thành nguyên liệu sản xuất bột giấy. Ðỉnh của văn học trong luồng là những giải thưởng, và “đỉnh cao” của các giải thưởng là giải Hồ Chí Minh. Nhưng bột giấy không có đỉnh.

Văn học ngoài luồng là hiện tượng đột biến ngoài tầm kiểm soát của Ðảng. Văn học ngoài luồng là sản phẩm của tự do, tự thân có tính khiêu khích ý chí quyền lực và khêu gợi bản năng dân chủ. Văn học ngoài luồng như muôn thú trong rừng, như cây cỏ trên mặt đất. Sống và chết theo luật tự nhiên, vui buồn, trào lộng cùng nhịp sinh thái.

Văn học ngoài luồng sẽ ngồi xuống hồi sức văn chương khi trò độc diễn của Ðảng vãn tuồng. Trong lúc Ðảng còn diễn, văn học ngoài luồng vẫn tiếp tục khí công để hàm dưỡng thân thể và cường dương tư tưởng. Nếu không, lỡ Ðảng xẹp xuống, văn học ngoài luồng cũng sẽ liệt luôn.

Nhưng, văn học của xã hội phân liệt dù sao cũng rất giống tình trạng nhá nhem của bệnh viện cúp điện. Văn học trong luồng hay giả điên để tiếp tục moi tiền bệnh viện. Văn học ngoài luồng vừa điên vừa rất sợ bệnh viện.

Văn học miền Nam trước 1975 là bệnh viện của thời nội chiến. Văn học hải ngoại là tình trạng trốn trại điên nghĩ về nội chiến. Nhưng làm sao có thể nói thơ của Ðinh Linh nối dài Thanh Tâm Tuyền; làm sao có thể nói phê bình của Nguyễn Hưng Quốc nối dài Ðỗ Long Vân; làm sao có thể nói truyện của Nguyễn Hương, Ðặng Thơ Thơ nối dài Túy Hồng, Nhã Ca, Trần Thị Ngh.; làm sao có thể nói khảo luận của Hoàng Ngọc-Tuấn nối dài Phạm Công Thiện; làm sao có thể nói truyện của Trần Vũ nối dài Dương Nghiễm Mậu; làm sao có thể nói thơ của Phan Nhiên Hạo nối dài Tô Thùy Yên...?

Coi chừng mắc cái mưu vì lỡ giải phóng miền Nam nên đồng hoá cái này với cái kia rồi đẩy ra rìa một thể cho tiện. Coi chừng đã ăn phải bả của kẻ cướp và thói phi tang. Ðó là nghề của hắn: cộng sản.

Một nhà văn trước 1975 gây ấn tượng cho tôi là Phạm Cộng Thiện, còn bây giờ là một nhà thơ hải ngoại: Ðinh Linh.

Vi Ký: Anh có thể cho biết những cảm tưởng chung hoặc riêng của anh về giới trẻ cầm bút (sau chiến tranh) cả trong nước lẫn hải ngoại?

Nguyễn Quốc Chánh: Sau chiến tranh không có nghĩa là hòa bình. Sau chiến tranh là để bắt đầu một cuộc chiến thâm độc hơn, cuộc chiến áp đặt ý thức hệ cộng sản lên miền Nam, khi xe tăng Liên Xô biến Sài Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc chiến hơn 30 năm áp đặt ý thức hệ cộng sản, tới hôm nay vẫn chưa có hoà bình. Làm sao có hoà bình khi những công cụ tư tưởng (giáo dục, truyền thông, xuất bản) vẫn trong tay cộng sản? Chỉ có hòa bình khi những công cụ tư tưởng (giáo dục, truyền thông, xuất bản) thuộc về mỗi người. Trong cuộc chiến áp đặt ý thức hệ cộng sản, hai thái độ căn bản của giới cầm bút là cơ hội với quyền lực và phản chiến chống lại độc quyền.

Những Ly thân, Thiên đường mù mở màn cho cuộc phản chiến sau hoà bình. Những Phạm Thị Hoài, Bùi Chí Vinh, Bùi Hoằng Vị, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Viện lần lượt đẩy cuộc phản chiến ra ngoại biên. Những Phan Bá Thọ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lý Ðợi tiếp tục phản chiến bằng những cuộc tự thương - kẻ bắn vào chân, thằng chặt ngón trỏ.

Cái đáng nể ở họ không phải là trò nghệ nhân của những phu chữ, mà thái độ phục hoạt chữ trong tay bọn độc quyền. Không thể có tự do tư tưởng khi chữ bị cấm đoán. Những nhà văn phản chiến sau hoà bình, nói theo cách bây giờ, họ là đội đặc nhiệm giải cứu chữ khỏi tay bọn khủng bố tư tưởng.

Ở hải ngoại, Nguyễn Hưng Quốc câu trọng pháo vào trụ sở BAN TƯ TƯỞNG VĂN HOÁ TRUNG ƯƠNG; Ðỗ Kh. du lịch và rải truyền đơn vào các địa điểm có bảng ghi: KHU PHỐ VĂN HOÁ MỚI; Ðinh Linh biệt kích vào nơi của những bảng đề: KHÔNG PHẬN SỰ CẤM VÀO; Trần Vũ bắn hoả châu vào ký ức quân viễn chinh; Nguyễn Hương bốc mộ lịch sử bằng nhãn quan không biên giới...

Ðối với cộng sản, văn nghệ là một mặt trận. Bởi quán tính nhìn mọi sự bằng con mắt chiến tranh giai cấp, những người cầm bút buộc phải thuộc phe này hoặc phe kia. Phe này là cộng sản, phe kia là phản động. Những người cầm bút trong và ngoài nước không ý thức tình trạng chính trị hoá văn nghệ của Ðảng, coi chừng tác phẩm giỏi lắm cũng chỉ là trò chọc ngoáy của tuổi Áo Trắng, Hoa Học Trò, Mực Tím và Sinh Viên Việt Nam.

Thông qua hệ thống báo chí và xuất bản, Ðảng kiểm soát văn nghệ. Mọi cơ hội đều trong tay chính trị và vì chính trị. Không có một giám đốc nhà xuất bản hay tổng biên tập nào là không đảng viên. Họ là những con rối vừa trục lợi vừa được phép đạo diễn những trò văn nghệ. Tùy thời tiết chính trị mà tô son hiện tượng này hay bôi xoá hiện tượng kia. Các hiện tượng lần lượt bị chính trị hoá mà cứ tưởng mình phơi phới, hoặc đôi bên bấu víu nhau và ngầm hiểu: mày chơi tao, tao sướng, tao dại gì không để mày chơi.

Nói theo giọng tệ nạn, giới cầm bút trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng XHCN, chuyển từ tình trạng con tin sang tình trạng con đĩ. Do mơ hồ về chính trị và bệnh háo danh, giới cầm bút (trẻ/già) là những con thiêu thân quanh ánh tà đạo của Ðảng và những nạn nhân đắc chí vì sự nổi danh của chính mình.

Vi Ký: Ðông Âu và Liên bang Xô-viết (cũ) sụp đổ đã khá lâu. Nếu như chế độ cộng sản ở Việt Nam không còn tồn tại nữa thì theo anh cái gọi là văn học hiện thực XHCNvà văn học phản kháng có còn giá trị gì không hay cuối cùng chỉ còn như những vật chứngcủa lịch sử?

Nguyễn Quốc Chánh: Văn học hiện thực XHCN đã chết ngay khi Ðảng thập thò đổi mới. Ðổi mới là một ngụy từ che đậy sự thất bại của phương thức sản xuất XHCN. Văn học hiện thực XHCN là thượng tầng kiến trúc của phương thức sản xuất XHCN, và khi hạ tầng sụm bà chè, thượng tầng cũng đành để gió cuốn đi...

Văn học hiện thực XHCN là bằng chứng về sự ngu muội của một thời lịch sử bị chôn vùi. Văn học phản kháng là văn bản của một thời ngu muội, nhưng không phải tất cả đều tối thui. Chế độ cộng sản không còn nữa, dĩ nhiên, nhưng di căn của nó sẽ còn trong nhiều thế hệ người Việt. Nên nhớ, chúng ta đã ăn cám hơn nửa thế kỷ, mỗi người đều có thừa một cái đuôi. Hãy tin tôi đi, hãy cúi xuống nhìn vào xương khu của mình, ở đó, tôi cam đoan có một cái đuôi vô hình đang ngọ ngoạy. Văn học phản kháng là để dòm ngó cái ngọ ngoạy đó. Tất cả chỉ mới bắt đầu.

Lịch sử luôn cần nhiều vật chứng. Giá trị nào không bắt đầu từ những vật chứng. Vật chứng càng đa phương, giá trị càng sống động. Lịch sử sẽ khác nếu bên cạnh Nhật ký Ðặng Thùy Trâm còn có Ðêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên; bên cạnh Hồi ký Lý Quý Chung còn có tiểu luận của Dương Thu Hương...

Văn học phản kháng là hệ quả của mọi chế độ nhưng dưới chế độ cộng sản, phản kháng là một thách đố chết người. Phản kháng là biểu hiện của trí khôn biết giận dữ trong những hoàn cảnh tàn bạo của lịch sử. Cuốn sách phản kháng chế độ cộng sản bằng ngụ ngôn thông minh và kinh điển nhất là Trại súc vật. Những nhà văn dưới chế độ cộng sản sau khi đọc Trại súc vật mà vẫn nhởn nhơ tưởng mình là sĩ này sĩ nọ thì đúng là những con lợn. Sự lên ngôi của lợn trong lịch sử loài người là vật chứng tuyệt vời của một thời con người bất lực trước sự man rợ của lịch sử.

Vi Ký: Là một thi sĩ rất “thời sự” và “chính trị”, anh có suy nghĩ gì về những cây bút “phản động” ở Việt Nam. Cụ thể là trường hợp đòi làm “giặc” của nhà văn nữ Dương Thu Hương?

Nguyễn Quốc Chánh: Ðảng Cộng sản thắng Tây và Mỹ bằng máu của dân tộc, bằng vũ khí của Nga và Tàu, rồi nộp “độc lập dân tộc” cho cộng sản Tàu và Nga. Ai chỉ ra tình trạng thế chấp và bán đứng đó đều bị cho là phản động. Kẻ phản động có thể gây tai họa cho Ðảng nhưng lại là phúc của dân. Những ai vì Ðảng sẽ kết án kẻ phản động, còn những ai vì con người thì sẽ hoan hô kẻ phản động. Hãy nhớ câu nói lịch sử của ông Nguyễn Văn Thiệu: “Ðừng tin những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”.

Tôi không nghĩ nhà văn Dương Thu Hương làm giặc. Làm giặc phải dùng binh khí và binh sĩ tấn công bọn cầm quyền hoặc thành phần chủ mưu đảo chánh. Lịch sử Việt Nam có hai nhà làm giặc là Cao Bá Quát và Nhất Linh. Cao Bá Quát dùng binh khí và binh sĩ, Nhất Linh chủ mưu đảo chánh. Nước Nhật cũng có một nhà văn làm giặc lừng danh bằng binh khí là Yukio Mishima và cả 3 đều thất bại hiển hách. Nhà văn làm giặc là cách tự sát tích cực. Chị Dương Thu Hương nói chị sẵn sàng chết, tôi tin, nhưng chị không có lực lượng, một mình thì không thể làm giặc, trừ Kinh Kha.

Chị Dương Thu Hương là một nhà văn ly khai và phản kháng. Hành trình của một người ly khai và phản kháng cực hơn một người làm giặc vì đó là hành trình đơn độc của ý thức tự phủ định. Chị ly khai trong tiểu thuyết và phản kháng qua những bài luận trực tiếp công kích Ðảng. Phản kháng của nhà văn là để thoả mãn ý thức làm người chứ không phải để cướp chính quyền. Do đó, khi nhà cầm quyền nhốt một nhà văn phản kháng thì nhà cầm quyền đã phạm vào tội ác chống loài người.

Vi Ký: Nếu Thượng Ðế có tồn tại trong suy nghĩ của anh và ban cho anh ba điều ước: một cho thơ, một cho đất nước Việt Nam và một cho anh, anh sẽ ước những điều gì?

Nguyễn Quốc Chánh: Nếu Thượng Ðế ban cho tôi ba điều ước, tôi chỉ ước một điều: làm ơn bứng Ðảng cộng sản khỏi Việt Nam và hốt giùm 3 triệu đảng viên bỏ lên sao Hoả!

(Bài phỏng vấn được thực hiện qua email)

Sài Gòn mùa World Cup 2006

© 2006 talawas