© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
Loạt bài: Suy tÆ° 90
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29 
8.7.2006
Nguyễn Kiến Giang
Giáo dục gia đình: Những thách đố mới
 
I.

Khá nhiều người thuộc lớp đứng tuổi, nhất là những ai có quan hệ trực tiếp với vấn đề giáo dục các thế hệ đang lớn lên, lấy làm lo ngại trước sự sa sút nhân cách của một bộ phận ngày càng lớn trong các thế hệ này. Trên báo chí đã vang lên những lời kêu cứu S.O.S. Nhưng nói chung, chúng ta chỉ mới dừng lại ở những hiện tượng mà chưa mấy ai đi sâu phân tích thực chất và nguyên nhân một cách có căn cứ vững chắc. Vả lại, cũng cần phân biệt những lời kêu cứu thật và những lời kêu cứu giả. Mới đây, trên một tờ báo chuyên về giáo dục, một nhà văn thốt lên: “Ôi, ngày trước, dưới thời bao cấp, sao mọi cái có vẻ dễ dàng hơn bây giờ nhiều!”. Ðẻ con ra, mọi cái đã có nhà nước lo, từ mấy thước tã lót đến nhà trẻ mẫu giáo. Con lớn lên, chỉ cần cho vào học xong một trường đại học hay chuyên nghiệp nào đó và trở thành “người nhà nước” là coi như trách nhiệm của bố mẹ đã chu toàn lắm rồi. Còn bây giờ...

Bên cạnh những báo động giả ấy, đúng là có những báo động thật, đáng quan tâm hơn. Nhưng trước khi phân tích những thách đố mới đối với vấn đề giáo dục gia đình, xin nói đôi điều về khái niệm này để có thể tìm ra những điểm xuất phát thống nhất.

Giáo dục gia đình ở đây được hiểu là toàn bộ những tác động của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người, trước hết của lớp trẻ.

Một sự thật đã được khoa học, nhất là tâm lý học, chứng minh: gia đình là thể chế xã hội đầu tiên (institution sociale primaire) góp phần khác quyết định vào sự hình thành nhân cách trẻ em, hay nói đúng hơn, vào sự hình thành cấu trúc nhân cách (structuration de la personnalité). Cấu trúc nhân cách có nhiều lớp, nhưng lớp căn bản, có ý nghĩa tạo dựng - thường gọi là nhân cách cơ sở - nói chung được hình thành trong môi trường gia đình (chỉ trừ những trường hợp mồ côi cả bố lẫn mẹ từ lúc sinh ra). Các nhà tâm lý học lớn của thế kỷ này (Piaget, Mead, Moreno, Linton, Vygotsky, Leontiev... và chắc chắn là không thể bỏ qua Freud) đã mang lại những thành tựu khá vững chắc chứng minh cho điều đó: Freud với quan niệm về sự đồng nhất (identification) như là quá trình xã hội hóa căn bản, mà người mẹ là đối tượng đồng nhất đầu tiên của đứa con; G. Mead với quan niệm về sự phát triển nhân cách từ “tôi” (je) như một phản ứng, qua “ta” (toi) như một ứng xử chủ động, đến “mình” (soi) như một nhận thức về bản thân của trẻ em; Jean-Louis Moreno với quan niệm hai mặt của vai trò cá nhân: mặt xã hội và mặt cá nhân và tính vô hạn của những biểu hiện nhân cách; Linton với quan niệm về nhân cách gắn liền với văn hóa, v.v... Ở phương Ðông, dù không chứng minh theo lối thực chứng, các nhà hiền triết cũng đặc biệt nhấn mạnh tới sự hình thành nhân cách từ thuở ấu thơ, thậm chí từ khi còn nằm trong bào thai (thai giáo). Một điều thú vị là Lão tử đã gắn gốc của Ðạo với gia đình, khi nói rằng con cháu mà thờ cúng tổ tiên không dứt thì không bỏ mất Ðạo (“Thiện kiến giả bất hoạt, Thiện bão giả bất thoát, Tử tôn di tế tự bất chuyết”, Nguyễn Duy Cần dịch là: Cắm thật chặt thì không nhổ lên được; ôm thật chặt thì không rút ra được; con cháu tế tự không dứt). Yvonne Castellan đã lấy đoạn này trong Ðạo đức kinh làm lời kết cho cuốn Nhập môn tâm lý học xã hội (Initiation à la psychologie sociale) của mình.

Ở đây, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng: không thể có sự hình thành và phát triển nhân cách một cách đầy đủ và vững bền nếu không có một môi trường giáo dục gia đình thuận lợi. Bởi vì gia đình là thể chế đầu tiên quan trọng nhất in dấu lên nhân cách đang hình thành vào lứa tuổi còn non dại, khi trẻ em chưa có ý thức rõ về điều đó. Những mối liên hệ của trẻ em với môi trường nguyên thủy này, đặc biệt với bố và mẹ, quyết định phương thức ứng xử, nhất là về mặt tình cảm, mà chúng sẽ trải qua sau này trong những mối liên hệ với các cá nhân khác. Một mối liên hệ tốt với bố mẹ, nhất là với mẹ, nếu được coi là “tốt”, sẽ đem lại cho chúng sự phấn chấn, tin cậy, lòng biết ơn và lòng hào hiệp sau này. Và nếu như mối liên hệ ấy bị trẻ coi là “xấu” thì sẽ đem lại cho chúng nỗi lo sợ mất đi cái đang có, sự bất an, sự ganh tức, sự nghi ngờ, thậm chí cả sự co mình lại kiểu tinh thần phân lập (schizoide).

Vấn đề tưởng thật giản đơn, như hai lần hai là bốn vậy, nhưng trong thực tế, không giản đơn chút nào. Ðúng là trong xã hội truyền thống với gia đình truyền thống, tác động của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách có vẻ giản đơn, vì từ thế hệ này sang thế hệ khác (hàng chục thế hệ liền như vậy!) bao giờ cũng chỉ có một số khuôn mẫu quen thuộc lặp đi lặp lại. Những giao tiếp của người ta thường chỉ đóng khung vào gia đình, làng xóm. Những nhu cầu của con người thường chỉ quanh quẩn bấy nhiêu thứ: ăn no, mặc ấm, có mái nhà đủ che nắng che mưa, học hành dăm ba chữ, dự vài lễ hội trong năm... Và ngay cả hoạt động sản xuất của con người cũng chỉ một năm hai mùa cày cấy, gặt hái, với cách đoán thời tiết “trông trời, trông đất, trông mây”... Cho đến tận gần đây, xã hội và gia đình Việt Nam nói chung vẫn nằm trong khuôn mẫu truyền thống ấy, và vì thế vấn đề xã hội hóa trẻ em hầu như không có gì phức tạp lắm. Hiện nay, mọi cái đều đổi khác, và khác một cách căn bản.

Giống như nhiều nước kém phát triển, xã hội Việt Nam đang chuyển mình để trở thành một xã hội hiện đại. Riêng một quá trình chuyển từ truyền thống sang hiện đại ấy cũng gây ra biết bao đảo lộn trong đời sống xã hội. Do đó, cũng không thể tránh khỏi những đảo lộn, những đổ vỡ về thể chế gia đình. Thêm vào đó, một quá trình chuyển biến khác có ý nghĩa quan trọng không kém cũng làm cho gia đình biến đổi ghê gớm: từ kinh tế tập trung quan liêu sang kinh tế thị trường và không chỉ trong lĩnh vực kinh tế. Không thấy hết bối cảnh đó, không thể bàn tới vấn đề giáo dục gia đình tận gốc được.


II.

Sự chuyển tiếp từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại đã bắt đầu từ lâu, trước hết ở các thành thị. Trong thời gian gần đây, quá trình này được đẩy nhanh chưa từng thấy và lan ra cả các vùng nông thôn rộng lớn. Từ chỗ gia đình là một đơn vị sản xuất (chủ yếu là nông nghiệp và phần nào thủ công nghiệp), nó chỉ còn duy trì chức năng kinh tế trong lĩnh vực thu nhập và tiêu dùng. Từ chỗ gia đình lớn kiểu gia trưởng, nó dần dần chuyển thành gia đình hạt nhân. Các thành viên trong gia đình có những mối quan hệ đối với nhau khác trước: tính độc lập của người vợ và cả của con cái tăng lên; các quan hệ hôn nhân dựa trên cơ sở tự nguyện hơn là bị áp đặt; không khí “dân chủ” và “bình đẳng” trong gia đình hình thành... Ở nước ta, các quá trình cách mạng và kháng chiến có tác dụng thúc đẩy sự chuyển biến này của gia đình, mặc dù nền kinh tế của xã hội chưa có những biến đổi về chất.

Nhưng gia đình hiện đại xuất hiện với nhiều mâu thuẫn, do đó có thể nhìn thấy tình trạng loạn cương (anomie) của nó. Các thành viên gia đình dần dần tham gia hoạt động sản xuất xã hội ở bên ngoài khuôn khổ gia đình, và chính sự “mở cửa” ấy đã đem lại một sự xáo trộn về quan hệ gia đình không thể tránh khỏi. “Tầm với” của con người trở nên rộng lớn hơn, chức năng xã hội hóa của gia đình dường như bị thu hẹp (chủ yếu ở tuổi ấu thơ và niên thiếu). Các thể chế xã hội khác - gọi là các thể chế thứ sinh (institutions secondaires) - như trường học, nơi làm việc, nơi giao dịch... ngày càng chiếm một vai trò quan trọng hơn. Nói chung, về mặt văn hóa và nghề nghiệp, gia đình không còn giữ vai trò chủ yếu trong quá trình xã hội hóa ở những lứa tuổi vị thành niên như trước. Nhiều bố mẹ không đủ sức “rèn cặp” con cái. Uy tín của bố mẹ bị uy tín của trường học và nơi làm việc “cạnh tranh”, vì đó là những nơi bảo đảm cho sự tiến thân của mỗi người nhiều hơn. Ðặc biệt đáng chú ý là trong môi trường đô thị, nhất là các đô thị lớn, ít ai biết ai (gọi là trạng thái “vô danh” (anonymat), sự kiểm soát của gia đình đối với con cái bị buông lỏng...

Không nên quá lo lắng trước những hiện tượng gần như tất yếu ấy, và càng không thể ngăn chặn những quá trình tất yếu ấy. Vấn đề chỉ là làn sao để gia đình vẫn giữ được chức năng xã hội hóa của nó cùng với trường học và nơi làm việc. Nếu không tạo được những quan hệ hữu cơ giữa “bộ ba” này, thì gia đình sẽ bỏ mất vai trò không thể thiếu của nó trong quá trình xã hội hóa. Và ở đây, “bộ ba” không thể tạo nên những sức mạnh áp đặt đối với các cá nhân, mà chính các cá nhân tự mình cảm thấy sự cần thiết phải sống hài hòa trong môi trường “bộ ba” này. Sớm hay muộn, mỗi người sẽ cảm thấy sự cần thiết đó, nhất là sẽ cảm thấy mình khó tách khỏi những mối liên hệ gia đình. Bởi vì, ngoài những quan hệ khác (kinh tế, xã hội và cả chính trị nữa), gia đình còn có mặt tâm linh của nó, bắt nguồn từ huyết thống, dòng dõi mà con người cảm thấy là thiêng liêng. Việc thờ cúng tổ tiên, sửa sang mồ mả cha ông... đang diễn ra, về cơ bản, là một hiện tượng tích cực. (Nếu có gì đáng bàn, thì đó là thói phô trương, tạo thêm những gánh nặng không cần thiết cho các gia đình và các cá nhân). Nếu so sánh quá trình hình thành gia đình hiện đại ở nước ta với nhiều nước khác, có thể thấy đó là một ưu thế không dễ gì tạo nên được.

Tình trạng bất cập của gia đình trong quá trình biến đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại như vừa nói là nét chung của các nước đang phát triển. Ðiều cần nhấn mạnh là không nên để sự biến đổi này diễn ra như một sự đứt đoạn hoàn toàn, bởi vì không phải mọi cái truyền thống đều đáng bị từ bỏ, cũng như không phải mọi cái được coi là hiện đại đều đáng tiếp nhận.

Nhưng ngoài tình trạng bất cập ấy ra, ở nước ta hiện đang diễn ra một tình trạng hẫng hụt ở nhiều gia đình trong quá trình chuyển từ kinh tế “quan liêu bao cấp” sang kinh tế thị trường. Về thực chất, đây là sự thay thế hệ giá trị này bằng hệ giá trị khác. “Cái chung trên hết” nhường chỗ cho sự kết hợp hữu cơ giữa cái chung và cái riêng (và trong một số trường hợp, nhường chỗ cho “cái riêng trên hết”). Ngày nay, không thể gửi gắm số phận con em vào sự sắp xếp và ban phát của bộ máy nhà nước, mà mỗi người, mỗi gia đình phải tạo được “chỗ đứng chân” độc lập của mình để tồn tại và thăng tiến. Quá trình vô cùng hợp lý ấy, tiếc thay, đang diễn ra một cách xô bồ, mạnh ai nấy được, chụp giựt, khiến cho các quan hệ gia đình và xã hội bị đảo lộn ghê gớm và những đạo lý thông thường của con người (kể cả những đạo lý của một thị trường lành mạnh) bị xâm phạm, bị bóp méo. Không khí ấy rất thuận lợi cho sự ra đời của một tầng lớp giàu có hãnh tiến (thay thế cho tầng lớp đặc quyền đặc lợi trong kinh tế quan liêu bao cấp, và trong nhiều trường hợp, tầng lớp kia chuyển hóa thành tầng lớp này). Hệ giá trị gia đình cũ bị phá vỡ đã đành, cả hệ giá trị gia đình mới, có lợi cho sự phát triển lành mạnh của các cá nhân cũng khó hình thành. Có thể nói chắc rằng, chừng nào các quá trình chuyển sang kinh tế thị trường chưa được điều tiết bằng những chuẩn mực đạo lý và luật pháp chặt chẽ (sở hữu chính đáng, thu nhập chính đáng, kinh doanh chính đáng, hành nghề chính đáng...), chừng đó không thể chấm dứt tình trạng loạn cương của các gia đình, không thể khắc phục được tình trạng hẫng hụt của những gia đình và cá nhân hoạt động lương thiện và cả của những gia đình và cá nhân đã từng cống hiến nhiều cho độc lập của tổ quốc. Về mặt này, những chính sách và luật pháp của nhà nước có ý nghĩa quyết định đối với trạng thái tốt lên hay xấu đi của gia đình. Hô hào “tự cứu”, bỏ mặc cho các gia đình và các cá nhân “mạnh ai nấy thoát” không phải là biểu hiện của sự “tự do hóa”, mà là vô trách nhiệm, nếu không nói là khuyến khích sự lộng hành của những phần tử hãnh tiến và, do đó, góp phần làm cho thể chế gia đình đổ vỡ.


III.

Trên thế giới, người ta đã nói nhiều tới “khủng hoảng gia đình”, gắn với những biến đổi mạnh mẽ của các quan hệ hôn nhân - gia đình diễn ra trong khoảng 20 -25 năm gần đây, với những hậu quả mà có người so sánh với “núi lửa phun”, hoặc gọi đó là những “biến đổi cách mạng”. Rõ ràng chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng sâu sắc của thể chế gia đình mà phạm vi ảnh hưởng của nó không chỉ đóng khung vào các nước phát triển. ở các nước đang phát triển, cuộc khủng hoảng này cũng bộc lộ ngày càng rõ. Tính chất “toàn cầu hóa” của những quá trình biến đổi trong đời sống con người là một sự thật hiển nhiên. Như đã thấy, những biến đổi về văn hóa và sinh hoạt của con người có sức mạnh “lây lan” rất lớn - chúng tôi không dùng từ này theo nghĩa xấu mà chỉ là ghi nhận một hiện tượng - từ những cái “lò” nào đó. Chúng ta từng chứng kiến những “làn sóng” như vậy ở các phong trào nhạc rock, quần jean... Và nếu như sức mạnh “lây lan” ấy lại gặp được môi trường thuận lợi bên trong, thì những hậu quả “cộng hưởng” là khó tránh. Khủng hoảng về thể chế gia đình nói chung của loài người cộng với khủng hoảng gia đình ở nước ta trong sự chuyển tiếp của xã hội đang tạo ra một bức tranh hỗn loạn trong lĩnh vực này. Và tình hình đó càng có ảnh hưởng tới tác động của môi trường gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người.

Ðể hiểu rõ hơn tình trạng “khủng hoảng thể chế gia đình” hiện nay, xin lấy ví dụ từ một trong những nước phát triển nhất: nước Mỹ. Dưới đây là một số biểu hiện.

Trước hết, số lượng ly hôn tăng lên và đạt tới đỉnh cao nhất vào năm 1983: cứ 1000 người có 53 vụ ly hôn. Sau đó có giảm bớt phần nào nhưng vẫn ở mức cao (cứ 1000 phụ nữ thuộc lứa tuổi hôn nhân, năm 1983 có 22,6 vụ ly hôn và năm 1987 vẫn còn 20,8 vụ). Kết quả là độ dài trung bình của hôn nhân giảm rất nhiều so với 40 năm trước đây. Trong những cặp kết hôn năm 1950, sau 25 năm, có 1/4 số hôn nhân tan vỡ, còn trong những cặp kết hôn năm 1965, thì chỉ sau 10 năm đã đạt tới tỉ lệ ấy. Tính chung, độ dài trung bình của hôn nhân hiện nay chỉ là 7 năm!

Một hậu quả của tình trạng ly hôn là số những gia đình không đầy đủ (thường chỉ có mẹ và con) cũng tăng lên (năm 1950, số gia đình như vậy chỉ có 3,7 triệu, đến năm 1986 đã có tới 10,2 triệu).

Số người sống chung với nhau không kết hôn tăng lên rất nhiều: khoảng 4% dân số hiện nay đang sống theo kiểu đó. Nói chung, những cặp sống chung ấy không có con (nếu có, đứa con cũng được luật pháp thừa nhận). Ði đôi với tình trạng ấy, số người sống độc thân cũng tăng lên rất nhiều, và hiện tượng ấy ngày càng lan rộng: từ 1970 đến 1989, số người này tăng gấp đôi và hiện chiếm khoảng 23 triệu người (những người độc thân có riêng một tờ báo cho mình, tờ Single (Cô đơn) và những sách báo riêng khác.

Cả nam lẫn nữ có xu hướng kết hôn muộn hơn (từ 1970 đến 1987, tuổi kết hôn của nữ tăng thêm 3 năm, từ 20,6 lên 23,6 tuổi, và tuổi kết hôn của nam tăng thêm 2,8 năm, từ 22,5 lên 25,3 tuổi).

Một hiện tượng nữa cũng được chú ý; số cặp vợ chồng ly thân tăng mạnh. Trong những năm 1980, số cặp ly thân gồm có 6 triệu người (bằng 2/5 số vụ ly hôn chính thức).

Việc kết hôn lại cũng khá phổ biến, chiếm khoảng 1/4 số kết hôn hàng năm, nhưng thường không lâu bền vì nhiều vấn đề mới nảy sinh (như nuôi những đứa con không phải ruột rà...).

Có nhiều nguyên nhân rất khác nhau dẫn tới khủng hoảng thể chế gia đình. Theo các nhà nghiên cứu, một trong những nguyên nhân hàng đầu của tình trạng giảm độ bền hôn nhân là tính độc lập về kinh tế của giới nữ tăng lên: năm 1970, số phụ nữ tích cực tham gia hoạt động lao động là 39%, năm 1989 tỉ lệ đó tăng lên 59%. Hai xu hướng hầu như song hành từ cuối thế kỷ trước: tính độc lập về kinh tế của phụ nữ tăng lên cùng với tỉ lệ ly hôn cũng tăng lên. Sự tham gia hoạt động lao động của phụ nữ là một hiện tượng tiến bộ, nó làm cho nhân cách phụ nữ phát triển và trở nên phong phú hơn, cũng như làm biến đổi cơ cấu của các quan hệ gia đình, các chức năng truyền thống của gia đình. Nhưng sự biến đổi này phần nào còn mang tính nửa vời: sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong lĩnh vực xã hội - kinh tế chưa bị loại bỏ hoàn toàn, phụ nữ còn khó khăn về tiến thân trong công việc, về tiền công, về lựa chọn nghề nghiệp, và nếu như người chồng không chịu chia đôi ngang nhau những nghĩa vụ gia đình thì xung đột nảy sinh và gia đình tan vỡ.

Một nguyên nhân khác có ảnh hưởng tới độ bền của gia đình là thời gian vợ chồng gần gũi nhau hàng ngày giảm đi. Thêm vào đó là cách nhìn đã đổi khác về tính dục (“cách mạng tính dục”): dư luận xã hội ít khắt khe hơn về quan hệ tính dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân.

Những kết luận của các nhà nghiên cứu không thống nhất. Liệu những điều nói trên có phải là nguyên nhân không, hay đó cũng chỉ là hậu quả của những quá trình biến đổi xã hội và cá nhân còn sâu xa hơn nhiều? Một số người có thiên hướng tìm nguyên nhân ở những biến đổi tâm lý của con người, khi những điều kiện sinh hoạt và những trình độ sản xuất cao hơn cho phép con người sống với cá tính mạnh mẽ hơn. Theo họ, nếu trước đây, phương trình của gia đình là cá nhân cho gia đình, thì bây giờ phương trình ấy đảo ngược thành gia đình cho cá nhân. Nói cách khác, tự do và hạnh phúc cá nhân được đặt lên trên sự ổn định và bền vững của gia đình.

Ý kiến càng không thống nhất khi đánh giá tính chất của những hiện tượng khủng hoảng gia đình. Người thì coi đó là những dấu hiệu tan vỡ của thể chế gia đình không thể nào cứu vãn được, do đó phải chống lại xu hướng “tự do” này, thậm chí họ kêu gọi quay lại với gia đình truyền thống, trong đó phụ nữ là “người của gia đình” và chỉ thế thôi. Ngược lại, có người lại coi đó là một quá trình tiến bộ rõ rệt của con người nói chung, tuy quá trình đó diễn ra với những khó khăn, trục trặc không thể tránh khỏi. Theo họ, thể chế gia đình không mất đi, nhưng nó phải biến đổi cho phù hợp với sự phát triển cá tính cao của con người, trước hết của phụ nữ. Những lệch lạc, những lạm dụng trong quá trình này bắt nguồn từ thói ích kỷ, vụ lợi, từ lối sống thiếu văn hóa..., nhưng đó là “sản phẩm phụ” của những biến đổi về chất của thế chế gia đình. Thể chế gia đình mới đang hình thành với những mầm mống đầu tiên của nó, phải mất một thời gian rất dài mới định hình được .

Hai cách nhìn, hai thái độ. Trong khi đó, cuộc sống vẫn đẻ ra những vấn đề mới, cũng như vẫn có những điều chỉnh cần thiết trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, không thể ngăn chặn xu hướng ly hôn ngày càng tăng (ngay cả ở những nước theo Kitô giáo, xu hướng này cũng đang bộc lộ mạnh mẽ), nhưng có thể đặt ra những điều kiện ly hôn chặt chẽ hơn để người ta phải suy nghĩ có cân nhắc hơn trước khi quyết định ly hôn.

Ðứng trước những biến đổi lớn trong các quan hệ hôn nhân và gia đình, có lẽ cần hết sức thận trong trong khi đánh giá là tích cực hay tiêu cực. Nhưng điều phải tính đến một cách thật nghiêm chỉnh là làm thế nào để cho những quá trình ấy không phá hoại gia đình như môi trường hình thành và phát trển nhân cách, trước hết của trẻ em. Vấn đề này đang đặt ra khẩn bức đối với rất nhiều nước, kể cả các nước phát triển nhất. Ở nước ta, vần đề lại càng khẩn bức hơn, vì bên cạnh mặt lành mạnh của những biến đổi môi trường gia đình, có rất nhiều cái không lành mạnh xảy ra. Những hiện tượng gọi là “mới”, là “hiện đại” lại xuất hiện trên một mảnh đất vừa nghèo nàn, vừa hỗn loạn, khiến cho khủng hoảng gia đình mang những biểu hiện đáng lo ngại. Nhưng đó không phải là lý do để hoảng hốt. Cần hết sức bình tĩnh phân tích, nhìn nhận các quá trình đang diễn ra, vì từ trong các quá trình ấy cũng đang nảy nở những mầm mống hứa hẹn.


IV.

Bây giờ, nếu hỏi bất kỳ người nào về những định hướng giáo dục con cái mình, chắc chúng ta sẽ nhận được những câu trả lời không được rành mạch lắm.

Hoàn cảnh xã hội ngày nay - tuy ở trong những biến đổi mạnh mẽ, thậm chí ở trong một tình trạng hỗn loạn - đang mở ra nhiều con đường tiến thân cá nhân, nhiều hình mẫu nhân cách hơn so vói hoàn cảnh trước đây. Trước mắt con em chúng ta, biết bao con đường tiến thân khác nhau mở ra: trở thành một nhà doanh nghiệp, hoặc một người có trình độ kỹ thuật và nghề nghiệp cao trong các lĩnh vực rất khác nhau, hoặc một nghệ sĩ, hoặc một viên chức công hay tư thành thạo nghiệp vụ, v.v...

Mẫu số chung của những hình mẫu nhân cách cũ là lấy nhà nước làm chỗ dựa. Còn mẫu số chung của các hình mẫu nhân cách đang hình thành là lấy năng lực cá nhân của bản thân mình làm chỗ dựa. Từ đó hệ giá trị gia đình cũng biến đổi theo.

Trong xã hội hiện nay, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều gia đình và cá nhân cố gắng tạo nên một đời sống riêng của mình, do chính mình làm chủ. Tính độc lập của gia đình và cá nhân đang được khôi phục và khẳng định. Quá trình này có thể mang theo những biểu hiện thái quá, nhưng về cơ bản là tích cực. Khẳng định tính độc lập của cá nhân đến mức chiếm đoạt của công làm của riêng, tham nhũng, đầu cơ, gian lận, làm giả, lừa bịp... là điều không thể chấp nhận. Nhưng khẳng định tính độc lập cá nhân bằng chính sức lực, tài năng và sáng kiến của mình - do đó mà có thể giàu lên chính đáng - là điều cần khích lệ đúng mức.

Ðịnh hướng xây dựng nhân cách hiện nay chính là nhằm xây dựng những cá nhân công dân có khả năng tồn tại và phát triển một cách độc lập. Tất cả các mặt phát triển của nhân cách (trí tuệ, xúc cảm, thể chất, năng lực nghề nghiệp, đạo đức, mỹ học, tâm linh...) đều phải được hướng vào đó. Một nhân cách có tính độc lập cao đòi hỏi phải được trang bị rất nhiều mặt, trước hết là năng lực kiếm sống một cách chính đáng.

Nhiều gia đình hiện đang hướng con cái mình theo mục tiêu này và đó là điều đáng mừng. Nhưng trong giai đoạn chuyển biến xã hội lớn lao này, chỉ có sức lực của gia đình thì không thể nào kham nổi. Như đã biết, trong chế độ tập trung quan liêu, gia đình bị bào mòn và lay chuyển tận gốc rễ. Gia đình mất đi tư cách độc lập của mình trong lĩnh vực kinh tế đã đành, nó còn mất đi tính độc lập cả trong lĩnh vực đời sống tinh thần. Nếu cá nhân là những “đinh ốc” của xã hội, thì gia đình cũng chỉ là nơi tập hợp một bộ phận những “đinh ốc” ấy, chỉ có khác là nơi tập hợp này còn dựa vào nền móng huyết thống để tồn tại. Vì thế, không ít gia đình lâm vào tình cảnh bế tắc, lúng túng trong quá trình khôi phục tính độc lập của mình. Sở hữu riêng - không có. Nơi hoạt động - không có. Năng lực nghề nghiệp thích hợp - cũng không có... Trong hoàn cảnh ấy, nếu xã hội (mà nhà nước là người đại diện) không tìm cách tạo ra những điều kiện cần thiết cho tính độc lập của gia đình và cá nhân, thì không thể nói tới việc tạo ra môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển nhân cách trẻ em. Chỉ cần lấy một chuyện: nếu không duy trì và mở rộng dược hệ thống nhà trẻ và trưòng phổ thông thật bảo đảm để cho các gia đình có thể chăm sóc trẻ em tốt hơn, nếu không tạo ra những điều kiện sinh sống độc lập hơn cho những thành viên lớn tuổi trong gia đình, thì khó lòng nói tới một môi trường gia đình thuận lợi cho việc giáo dục trẻ em.

Và như vậy, khôi phục và củng cố gia đình tuyệt đối không phải là công việc riêng của các gia đình. Xã hội (nhà nước) đóng vai trò rất lớn, thậm chí trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, nó phải đóng vai trò quyết định trong quá trình khôi phục và củng cố gia đình như những tế bào lành mạnh của xã hội.

Ngay cả những nước có trình độ phát triển kinh tế cao, nhà nước cũng phải có những chính sách bảo trợ gia đình rất tốn kém. ở một số nước Tây Âu, các khoản ngân sách bảo trợ gia đình thu hút những khoản tiền khổng lồ hàng năm. ở Mỹ, tuy không có những đạo luật liên bang nào về mặt này mà chỉ có luật của từng bang, nhưng như vậy không có nghĩa là nhà nước hoàn toàn không giúp đỡ gì cho các gia đình và trẻ em. Sự giúp đỡ này thể hiện ở việc giảm thuế thu nhập cho các gia đình có con cái (mỗi đứa trẻ được trừ đi 2000 đôla/năm khi tính thuế thu nhập), cũng như một số biện pháp khác (9 triệu bà mẹ nhận trợ cấp tiền ăn cho con). ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, các khoản trợ cấp gia đình theo lối bao cấp trước đây có lúc đã bị bãi bỏ, nhưng gần đây người ta cũng lại phải tính đến vấn đề bảo trợ gia đình một cách nghiêm túc.

Ở nước ta, chắc chắn không thể bỏ qua vấn đề bảo trợ gia đình từ phía nhà nước. Tình trạng bỏ buông những cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo, trường học và y tế, để mặc cho dân “tự lo” (dưới phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”) đang gây ra tình trạng xuống cấp về giáo dục và y tế, hai lĩnh vực quan trọng nhất trong việc bảo đảm “nhân lực” cho xã hội. (Trong kiến nghị của nhóm nghiên cứu Trường Harvard “Làm thế nào để bảo đảm cho cải cách kinh tế ở Việt Nam thành công?”, vấn đề giáo dục và y tế được đưa lên thành một trong bốn ưu tiên về chinh sách. Chúng tôi hoàn toàn tán thành cách đặt vấn đề như vậy). Kéo dài tình trạng xuống cấp của giáo dục và y tế, chúng ta sẽ lâm vào một trạng thái nguy hiểm của sự phát triển xã hội, kể cả về mặt kinh tế. Không có tri thức cần thiết, không có đủ sức khoẻ cần thiết, liệu “con người Việt Nam” trong mươi - mười lăm năm nữa có thể trở thành động lực làm chuyển động mạnh mẽ sự phát triển xã hội không? Xin trả lời dứt khoát: không.

Trong bài viết này, chúng tôi chưa dám bàn rộng về một chương trình xây dựng và phát triển nhân cách, mà chỉ đụng tới đôi ba vấn đề có liên quan với giáo dục gia đình mà chúng tôi coi là cơ bản và bức thiết nhất.

Vấn đề gia đình là vấn đề hết sức tế nhị. Không nên vội vàng kết luận về thể chế phải có của nó. Càng không nên gây sức ép nhằm đưa các gia đình vào một khuôn mẫu cứng nhắc nào đó. Chắc chắn loài người phải trải qua một thời gian rất dài mới có thể đi tới một thể chế gia đình mới. Và trong thời gian đó, chắc sẽ có nhiều thử nghiệm khác nhau để cuối cùng tìm kiếm và lựa chọn được những thể chế thích hợp. Có một điều cũng chắc chắn: gia đình không chết đi và chức năng góp phần xây dựng và phát triển nhân cách của nó vẫn không mất đi.

Ðằng chân trời đã hiện lên những đường viền của các thể chế gia đình mới, tuy chưa đậm nét nhưng đáng hy vọng. Ngay ở nước ta, trong hoàn cảnh chuyển tiếp xã hội không bình thường hiện nay, cũng đã thấy xuất hiện những nét mới của gia đình, mà nét quan trọng nhất là gia đình ngày càng mang tính độc lập. Tất nhiên còn xa chúng ta mới đi tới được những thể chế gia đình thích hợp cho hạnh phúc con người và nhất là thuận lợi cho giáo dục gia đình, nhưng những tiền đề cho điều đó đang được tạo ra. Ðó chính là những con người Việt Nam vừa gắn bó sâu sắc với truyền thống gia đình, vừa tiếp nhận và xây dựng những cái mới trong lĩnh vực này.

(Bài viết cho hội thảo về “Vấn đề giáo dục gia đình” do Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ tổ chức, giữa năm 1993)

Nguồn: Những bài viết của Nguyá»…n Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nÆ°á»›c, được chuyền tay hoặc chÆ°a công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tÆ° 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, vá»›i sá»± hiệu đính cuối cùng của tác giả.