© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
18.7.2006
Vũ Ngọc Tiến
5 cái ngược đời và 3 việc cần làm ngay
 
Một tuần trước và sau ngày tân Bộ thưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-DT) Nguyễn Thiện Nhân nhậm chức (7/7/2006), dư luận xã hội bỗng rộ lên nhiều ý kiến trái chiều, điển hình là bức thư đầy tâm huyết gửi tân Bộ trưởng của phụ huynh học sinh Quỳnh Anh- Đà Nẵng (báo Tuổi Trẻ 30/6/2006), thư của giảng viên Đại học Khoa học Huế Hà Văn Thịnh (báo Lao Động 3/7/2006) hoặc như bài viết mang tính hoài nghi, nặng về cảm tính và có phần cực đoan của Nguyễn Trọng Tín chứ không cụ thể, thiện chí như của Phó Toán (talawas 10 và 15/7/2006). Dẫu sao, việc tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân ngay lập tức đọc thư và trả lời bạn đọc Quỳnh Anh (báo Tuổi Trẻ 2/7/2006), khi ông đang bận tham dự buổi họp giao ban đầu tiên với Hội đồng Chính phủ tại Hà Nội đã thổi lên một luồng gió mới cho tất thảy những ai quan tâm đến nền học nước nhà. Và vì thế đã có hàng trăm bài viết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi, ngành nghề, vị thế xã hội trên báo in, báo điện tử bày tỏ niềm tin và hy vọng, hiến kế cho vị GS, tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng là điều dễ hiểu, cho dù lác đác vẫn còn ý kiến hoài nghi hoặc lo lắng cho ông khi phải ngồi trên chiếc “ghế nóng” bậc nhất hiện nay. Trong luồng gió mới ấy, với tư cách một công dân đã dành 12 năm liên tục tìm hiểu, viết bài về GD-ĐT, người viết muốn trao đổi với tân Bộ trưởng và bạn viết, bạn đọc talawas một số suy nghĩ của riêng mình. Mong được hồi âm!


5 cái ngược đời của GD–ĐT nước ta

Ngược đời thứ nhất, Trí dục làm hỏng Đức dục: Thông thường từ thượng cổ chí kim, ở mọi quốc gia, mọi thể chế chính trị thì khi Đức dục suy đồi sẽ kéo theo Trí dục xuống cấp. Thế nhưng ai đã để tâm theo dõi nền học nước nhà suốt hơn 20 năm qua đều thấy một sự ngược đời là chính vì Trí dục đang ngày một sút kém, nền tảng kiến thức phổ thông của nhân loại bị các nhà soạn sách giáo khoa đập vụn do cách làm “cắt khúc cuốn chiếu” đã kéo theo thảm họa về Đức dục suy đồi nghiêm trọng. Các tệ nạn dạy thêm học thêm, xin điểm, mua thầy, mua bằng, mua suất học ở trường điểm, trường chuyên, gian lận thi cử, kỷ cương học đường nát bét… đều từ cái sự ngược đời này mà ra. Cuối cùng, logic của sự kiện đã dẫn đến điều tất yếu xảy ra là để che giấu thực trạng Trí dục sa sút, căn bệnh thành tích mới có cơ hội bùng phát ở từng lớp, từng cấp học, từng trường rồi lan ra toàn tỉnh, toàn ngành GD–ĐT. Cứ đà này, con cháu ta học nói dối, rạn vỡ niềm tin, thụ động như con vẹt ngay từ buổi đầu bước chân vào lớp một phổ thông!

Ngược đời thứ hai, đem triết lý đào tạo dùng cho giáo dục phổ thông: Đây cũng chính là nguyên nhân của cái ngược đời thứ nhất. Xưa nay, giáo dục phổ thông và đào tạo (dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, đại học và sau đại học) là hai mảng có hai mục tiêu và “sản phẩm ra lò” rất khác nhau: ở giáo dục phổ thông là con người công dân, còn ở đào tạo là con người lao động có nghề nghiệp. Và vì thế, triết lý chung của nhân loại trong giáo dục phổ thông là rèn trí thông minh để cho ra đời những thế hệ công dân biết tự làm chủ bản thân mình, độc lập tư duy và chủ động sáng tạo; còn trong đào tạo là rèn trí nhớ, kỹ năng và thuần thục tay nghề để nhanh chóng tích lũy kiến thức, cập nhật với tiến bộ khoa học trên thế giới. Một điều ngỡ rõ như ban ngày, ai cũng hiểu được, nhưng từ khi bắt đầu cải cách giáo dục ta đã làm ngược lại. Giáo dục phổ thông hình như chỉ lo rèn trí nhớ và rèn cũng không nổi! Từ sai lầm rất cơ bản trong triết lý GD-ĐT này nên Chương trình & Sách giáo khoa bậc phổ thông suốt mấy chục năm qua vừa quá tải so với tâm sinh lý lứa tuổi, vừa hổ lốn, nhồi nhét đủ thứ khiến trẻ thơ không còn thời gian để tự học và vui chơi, làm sao rèn trí thông minh? Thi cử nặng nề, cách ra đề thiên về học vẹt, lại thêm việc ban hành những bộ đề thi, những sách bài tập mẫu, bài văn mẫu…, làm sao khắc phục nổi tệ nạn phao thi? Bậc đại học bị biến thành một loại “phổ thông cấp 4”, thầy đọc trò ghi chép! Thiếu sách giáo trình, sách tham khảo, làm sao rèn trí nhớ, tích lũy kiến thức, cập nhật với tiến bộ khoa học? Điều kiện thực hành đã kém lại thiếu liên kết với nhà tuyển dụng trong đào tạo làm sao thuần thục tay nghề?...

Ngược đời thứ ba, nơi kinh tế phát triển thì chất lượng GD-ĐT giảm: Theo lẽ tự nhiên, trong một quốc gia đang phát triển, vùng nào kinh tế tăng trưởng thì kéo theo GD-ĐT phát triển và ngược lại, ở đâu chất lượng GD–ĐT tốt sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ngay từ năm 2002, khi ta bắt đầu tổ chức thi tuyển sinh đại học theo phương án “Ba chung”, tôi đã rất ngỡ ngàng khi phát hiện ra có sự suy giảm chất lượng GD-ĐT theo chiều từ Bắc vào Nam. Từ đó đến nay, qua 4 lần thi “Ba chung”, qua theo dõi các phổ điểm từng vùng lãnh thổ, kết quả lại càng nhìn rõ ra cái sự ngược đời, ngược với lẽ tự nhiên như sau: “Tam giác” phát triển phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh) thua xa “Tứ giác” phát triển phía Nam (Tp Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai – Vũng Tàu) cả về tốc độ tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu nhập bình quân theo đầu người, đóng góp cho nguồn thu ngân sách và mức sống cư dân…, nhưng chất lượng GD- ĐT lại tốt hơn khá rõ. Đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng thì vượt xa về năng suất lúa, quy mô và tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu công-nông nghiệp-dịch vụ và do đó tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người cũng lớn hơn rất nhiều, nhưng chất lượng GD-ĐT lại thấp hơn đến mức thảm hại là vì sao? Điểm chuẩn vào ĐH-CĐ ở đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn cả nước đến 3-4 điểm mà có trường vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu là vì sao? Phải chăng GD-ĐT ở ta đã xa dần với thực tế đời sống xã hội, không còn là động lực phát triển hoặc có chăng nữa thì cũng rất yếu kém, giả tạo? Phải chăng đồng bằng sông Cửu Long đang tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững mà trong đó GT-ĐT là một tác nhân không nhỏ?

Ngược đời thứ tư, lượng càng tăng chất càng giảm: Quy luật phát triển chung của sự vật là lượng đổi thì chất đổi, lượng phát triển đến độ sẽ tạo nên bước nhảy vọt về chất. Giáo dục phổ thông ở ta phát triển đạt thành tích phổ cập toàn quốc cấp tiểu học từ 15 năm trước, được UNESCO công nhận và đánh giá cao, nhưng chất lượng giáo dục từ đó đến nay lại không ngừng tụt dốc? Cứ đà này, có gì đảm bảo đến 2010 chúng ta hoàn thành chỉ tiêu hoàn thành phổ cập THCS toàn quốc, theo nghị quyết của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI vừa đặt ra là đúng với thực chất? Mạng lưới các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam sau 20 năm đổi mới tăng từ 103 trường lên 240 trường, số lượng sinh viên cũng tăng 20 lần, nhưng chất lượng các cử nhân, kỹ sư ra trường càng ngày càng thấp so với yêu cầu nhà tuyển dụng, bằng tốt nghiệp đại học của Việt Nam không có giá trị trên thị trường lao động thế giới? Số lượng GS, PGS, TS của ta năm 2003 là hơn 30.000 người, gấp 12,5 lần năn 1973, nhưng số bằng sáng chế, công trình khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín của nước ngoài lại chưa bằng 1/6 năm 1973? Phải chăng nền học của ta đang chỉ là hư danh? Phải chăng như lời nhận xét của nhiều nhà khoa học lão thành trong một cuộc hội thảo (2003) rằng, dạy đại học ở ta nếu để “nâng cao dân trí” thì tạm được, còn để góp phần cho phát triển thì chưa thật ổn?

Ngược đời thứ năm, loại trường nghề ra khỏi hệ thống giáo dục quốc dân: Thông thường, một cơ cấu đầy đủ của hệ thống GD-ĐT quốc dân ở mọi nước đều bao gồm: các trường phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường dạy nghề. Một số nước, để tinh giảm cơ quan thuộc Chính phủ, còn nhập cả Bộ Thể thao, Bộ Thanh niên vào Bộ Giáo dục vì nó đều liên quan đến nguồn lực phát triển quốc gia. Thế nhưng chưa thấy ở đâu làm ngược đời như Việt Nam, từ khi cải cách giáo dục, Tổng cục dạy nghề lại cho teo dần và hầu như biến mất. Mặc dù Chính phủ đã khôi phục lại Tổng cục dạy nghề năm 1998, nhưng hai Bộ GD-ĐT và LĐ-TB&XH tranh nhau quản lý, lại đẻ ra thêm mô hình quái gở “Cao đẳng nghề” (!?) Đã thế, lãnh đạo Bộ GD- ĐT vẫn đang chỉ “đạo đại chúng hóa” bậc giáo dục đại học. Một năm nay thôi, đã có trên 20 ĐH và CĐ mới ra đời, để 2020 sẽ có tổng số 900 trường trong cả nước, bình quân mỗi quận huyện khoảng hơn 1,2 trường! Phải chăng vì thế nên mới xảy ra tình trạng nước ta thừa thày mà thiếu thợ (tỷ lệ cử nhân, kỹ sư/ công nhân đào tạo hệ chính quy là 4/1, thậm chí có thời điểm là 5,3/1)? Phải chăng vì thế nên mỗi năm ta có 1,4 triệu người đến tuổi lao động, nhưng chỉ có 15,7% ở thành thị và 3,6% ở nông thôn được đào tạo nghề trong hệ thống của Nhà nước? Phải chăng vì thế nên 79,2% lao động xuất khẩu của ta là lao động phổ thông, với đồng lương rẻ mạt, bị bóc lột thậm tệ và bị khinh miệt, bạc đãi?


3 việc cần làm ngay của tân Bộ trưởng

Tôi rất trân trọng những ý kiến đối thoại vừa kịp thời vừa sâu sắc của GS, tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong lá thư trả lời bạn đọc Quỳnh Anh ngày 2/7/2006 và trong chuyến thăm nhà giáo Đỗ Việt Khoa ngày 13/7/2006. Chỉ bằng cử chỉ nhỏ, đầy thiện ý ấy của ông cũng phần nào làm ấm lòng cử tri cả nước, sau nhiều năm mòn mỏi trông đợi trước sự im lặng đáng sợ. Họ đặt niềm tin và muốn chia sẻ gánh nặng cùng ông. Họ cũng không dám ảo tưởng ngay lập tức ông có thể giải quyết hết 5 cái sự ngược đời vừa nêu, bởi có cái là lỗi của cả hệ thống, có cái cần phải có thời gian để khắc phục. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, 83 triệu dân sẽ đứng sau ông, nếu tân Bộ trưởng của họ quyết làm và làm đến cùng. Cái mốc thời gian ông hứa với dân là 10 năm (2016), theo cảm nghĩ của riêng tôi là hơi dài, nhưng nếu muốn làm được, cũng cần phải có những động thái cụ thể trước mắt. Thiết nghĩ, có những việc cần làm ngay, cử tri cả nước đang nín thở quan sát, chờ tân Bộ trưởng của họ khởi sự và họ sẵn sàng chung sức, đồng lòng ủng hộ.

Một là tổ chức tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông: Việc này cần làm công khai, minh bạch trên quy mô toàn quốc vào năm 2006 hoặc 2007. Nước ta, theo chiến lược phát triển, được chia ra 7 vùng kinh tế: miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh-Nghệ-Tĩnh, ven biển miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Mỗi vùng ta chỉ cần chọn một vài huyện và một vài điểm đô thị sẽ có ngay một bức tranh tổng thể của cả nước nên có lẽ không khó khăn, tốn kém gì và trong 3 tháng nỗ lực cũng có thể hoàn thành. Song song với cuộc tổng kiểm tra này, cần mở thêm một nhánh điều tra khác về sự thất học của thanh thiếu niên, nhi đồng cả nước. Nhánh này không mấy tốn kém và hoàn toàn có đủ cơ sở dữ liệu sẵn có. Bộ chỉ cần giao nhiệm vụ và cấp một ít kinh phí cho Trung tâm CNTT của Bộ hoặc một trường đại học phối hợp với Tổng cục Thống kê thuộc Chính phủ, các Chi cục Thống kê ở địa phương tiến hành tổng hợp số liệu trong 10 năm (1996-2006), đối chiếu giữa số học sinh 3 cấp Tiểu học, THCS, THPT với số dân ở độ tuổi 6-10, 11-14, 15-18 của từng năm, sẽ tìm ra số em bị thất học ở từng huyện, tỉnh. Cá nhân tôi thử làm với 3 cuốn Niên giám thống kê trong 1 tuần đã tìm ra chút ít sự thật dù rất sơ lược. Bộ có kinh phí, có quyền và nhân lực. Nếu làm quy mô như vừa nêu, chỉ trong 2 tháng sẽ đạt kết quả mỹ mãn. Điều quan nhất là mọi kết quả phải được công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Nó sẽ giúp Bộ trưởng rất nhiều trong việc triển khai kế hoạch thực thi nghị quyết của kỳ họp thứ 9 Quốc hôi khóa XI về chỉ tiêu phổ cập THCS vào năm 2010. Đồng thời nó cũng phanh phui thực chất cái gọi là thành tích của từng địa phương những năm qua về lĩnh vực này.

Hai là đoạn tuyệt với sách cũ: Tân Bộ trưởng với quyền lực của mình, mạnh tay cắt giảm tối đa khoản tiền 1000 tỷ đồng mà Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng vừa họp báo công bố (21/5/2006) sẽ chủ yếu dùng vào việc đầu tư TBDH lớp 5 và lớp 10, niên học 2006-2007. Đây là việc trong tầm tay, nếu tân Bộ trưởng không làm sẽ lỡ cơ hội và làm thất vọng trong cử tri cả nước. Lý do vì sao thì tôi đã viết nhiều và công luận cũng đã lên tiếng từ mấy năm qua. Tôi chỉ hy vọng rằng, với số tiền cắt giảm được hàng trăm tỷ đồng ấy, ông sẽ báo cáo và thuyết phục tân Thủ tướng cho phép dùng nó vào việc đầu tư (1/10) số tiền trên cho một nhóm chuyên gia biên soạn ngay bộ Chương trình & Sách giáo khoa phổ thông chuẩn mới, để năm học 2006-2007 triển khai đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12. Kiến nghị này của các nhà khoa học đã được đăng tải rộng rãi trên phương diện thông tin đại chúng gần chục năm nay, nhưng lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn làm ngơ! Vứt bỏ cái vừa mới làm vô cùng tốn kém hàng tỷ USD trong gần 25 năm qua là một việc cực chẳng đã, nhưng cần thì vẫn phải cắn răng, gạt nước mắt mà làm vậy thôi. Phân ban là không cần thiết, bởi thực tế cho thấy đại bộ phận phụ huynh và các em đều nộp đơn xin vào “Ban cơ sở”, tức đồng nghĩa với không chấp nhận phân ban. Phải chăng đây lại là một cớ để người ta tiếp tục “thí điểm” soạn và in sách phân ban?!... Nhân dân sẽ rất biết ơn tân Bộ trưởng, hợp sức, đồng lòng cùng ông chấn hưng nền học nước nhà vì tương lai con em chúng ta, vì sự phồn vinh đất nước.

Ba là thanh tra dự án để làm việc nhân sự: Đây chính là thanh kiếm sắc và hữu hiệu nhất để tân Bộ trưởng chỉnh đốn lại cơ quan đầu não của ngành, sao cho thành một khối có sức mạnh tổng hợp để chấn hưng nền học nước nhà. Lâu nay, cả trong và ngoài ngành GD-ĐT luôn âm ỉ tồn tại một dư luận rằng Bộ quanh năm chỉ lo có hai việc thi cử và chạy dự án. Đơn giản vì đó là những việc hái ra tiền, còn những việc khác nhọc lòng mà chẳng ăn gì nên cứ hững hờ, được chăng hay chớ, nước chảy rồi thì bèo cũng trôi. Đã từng có hàng trăm dự án, cái nhỏ thì vài trăm ngàn đến 1 hoặc 2 triệu USD, cái lớn thì vài chục hoặc vài trăm triệu USD, bằng tiền ngân sách hoặc vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB). Mỗi quan chức từ cấp Thứ trưởng đến cấp Cục, Vụ, Viện đi kèm theo là một ê kíp nắm dự án, năm này qua năm khác, dự án gối đầu dự án, hỏi còn tâm sức đâu lo việc khác? Đó là chưa kể có nhiều dự án từ nguồn hảo tâm cho không của nước ngoài, họ giữ kín bưng trong phạm vi rất hẹp ở một nhóm người trên Bộ, đến tận giờ phút đơn vị được giao làm chủ dự án gọi thầu thì thiên hạ mới chưng hửng, thử hỏi liệu có công tâm, liệu có hết lòng vì học sinh thân yêu? Tôi đã thử điều tra nghiên cứu một dự án gần đây nhất thuộc loại này, chợt thấy gợn lên nhiều thắc mắc. Đó là dự án đầu tư 110.000 tấm bảng đen chống lóa cho học sinh Tiểu học, do hãng Boo Young (Hàn Quốc) viện trợ dưới hình thức cho không. Dự án chia ra 6 gói thầu, tổng giá trị là 10 triệu USD. Về những lắt léo trong quy chế dự thầu và quá trình gọi thầu, đã có 2 bài báo của phóng viên Việt Dũng trên báo Pháp luật (Bộ Tư pháp) đề cập từ đầu tháng 6/2006 nên tôi không nhắc lại. Ở đây, tôi muốn đi sâu vào một vài khía cạnh pháp lý khác. Tôi đang cầm trên tay cuốn “Hồ sơ mời thầu” thuộc gói thầu số 6, cho vùng Đồng bằng sông Cửu long, nhưng trong đó không có thư mời thầu, không có chữ ký và con dấu của đơn vị chủ dự án ở trang đầu của bộ hồ sơ như thông lệ ở bất kỳ một “Hồ sơ mời thầu” nào trong nước mà tôi đã từng đọc? Hỏi chuyện một nhân chứng tham gia dự thầu gói thầu số 6, ông cho biết, hôm mở thầu không có tuyên bố lý do, không mở mẫu hàng hóa của các đơn vị dự thầu, và đặc biệt cuối buổi mở thầu không có thông qua biên bản, lấy chữ ký của các nhà thầu! Không tin vào điều hết sức phi lý này, tôi đi hỏi thêm một nhân chứng khác, cũng được bà khẳng định như vậy và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có biên bản và chữ ký của bà. Theo lời một chuyên gia pháp lý hàm Thượng tá An ninh (Bộ Công an) cho tôi biết thì kết quả mở thầu gói thầu số 6 như vậy là không có giá trị pháp lý. Không rõ Vụ hợp tác Quốc tế và Vụ Tài chính-Kế hoạch giải thích ra sao về sự việc này? Còn một thắc mắc nữa là khi tôi cộng giá trị cả 6 gói thầu của các công ty vừa mới trúng thầu, chỉ đạt 127 tỷ đồng, thấp hơn so với 10 triệu USD khoảng 28 tỷ (gần 1/5 giá trị dự án). Đây là tiền tiết kiệm được sau mở thầu (3/5/2006) hay vì nguyên nhân nào khác? 28 tỷ đồng này được trả lại cho hãng Boo Young, hoặc nộp vào công quỹ, hay chi vào những khoản nào, hay nó thuộc về những ai đang còn là một ẩn số (?!) Nghe nói, đã có đơn thư của nhiều doanh nghiệp gửi lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ đấu thầu này (?!) Từ một dự án tương đối nhỏ vừa nêu, tôi phần nào hiểu thêm vì sao trong Bộ GD-ĐT hiện đang xì xào về một vị quan chức có cả một trang trại khang trang 5000 mét vuông ở quê và chở tượng đá to đùng ngất ngưởng về bày chơi nhờ tiền các dự án. (Đã có hẳn một bài ca dao của ông giáo làng về hưu dưới quê về chuyện này.) Vì vậy, việc tân Bộ trưởng ủng hộ kiến nghị lâu nay của cử tri cả nước, cho mời thanh tra Chính phủ kiểm tra một số dự án trọng điểm, sẽ chẳng những lòng dân hỉ hả mà còn giúp ông thanh lọc sâu mọt, kiện toàn nhân sự cơ quan đầu não, chấn chỉnh lại cung cách quản lý, điều hành dự án để quy về một mối, mở đường cho sự nghiệp chấn hưng nền học nước nhà. Dân gian có câu “Thần thiêng nhờ bộ hạ” chính là vì như thế!...

Hà Nội 15/7/2006

© 2006 talawas