© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
19.7.2006
Friedrich A. von Hayek
Dân chủ đi về đâu?
Đinh Tuấn Minh dịch
 
Trong một lần hồi tưởng lại sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, Hayek có nói vui rằng ông đã có “một khám phá và hai phát minh” – “khám phá” là về sự phân hữu tri thức, còn hai “phát minh” là những ý tưởng cải cách chính thể đại diện và những đề xuất cải cách tiền tệ. Độc giả đã được biết đến “khám phá” của Hayek trong bài luận “Sử dụng tri thức trong xã hội" (1945). Lần này, các bạn sẽ có dịp tiếp cận với nội dung của “phát minh” đầu tiên của ông. Còn về những đề xuất cải cách tiền tệ – những nguyên lý để cho phép hình thành một thị trường cạnh tranh giữa các loại tiền tệ do tư nhân phát hành thay vì nhà nước nắm độc quyền như hiện nay – tôi sẽ giới thiệu với các bạn trong một dịp thích hợp khác.

Bài luận này có thể xem như một bản tóm tắt lại những ý tưởng của Hayek về hệ thống tổ chức chính trị dựa trên nguyên tắc pháp trị, được ông trình bày đầy đủ trong tập 3 của bộ Luật, luật pháp, và tự do (Law, Legislation, and Liberty) với tiêu đề phụ của tập này là Trật tự chính trị của một cộng đồng tự do (The Political Order of a Free People) (đặc biệt là chương 17: Một bản hiến pháp mẫu - A Model Constitution). Tại đây ông chỉ ra đâu là dân chủ đích thực và đâu là ảo tưởng về dân chủ, đâu là công việc của cơ quan chính quyền và đâu là công việc của cơ quan lập pháp, và đâu là trình tự để hình thành nên các cơ quan này, tất cả vì mục đích cuối cùng là đem lại tự do và hạnh phúc cho con người. Ông phân tích các mối hiểm nguy đang đe doạ các thể chế dân chủ thịnh hành ở phương Tây hiện nay và cho rằng, vấn đề là chúng ít nhiều đều là những thể chế dân chủ không bị giới hạn. Ông phát hiện ra rằng nguyên nhân của dân chủ không bị giới hạn xuất phát từ việc các cơ quan lập pháp hoạt động không độc lập đối với các đảng phái chính trị - bởi những cơ quan này có các thành phần đại diện cũng giống như các thành phần đại diện của các cơ quan chính quyền. Từ đó, ông phác thảo ra những nội dung cơ bản của một bản hiến pháp kiểu mẫu, cũng như đề xuất cách thức bầu cử dân chủ kiểu khác để hình thành lên các cơ quan lập pháp và chính quyền tương lai.

Trước khi trả lại Hayek cho bạn đọc, tôi muốn trình bày ý nghĩa của nghiên cứu về hệ thống tổ chức chính trị của Heyek đối với Việt Nam hiện nay. Trước khi đến phần trình bày chính, tôi bắt buộc phải trình bày hơi dài dòng một chút về tương lai có thể có của nền chính trị Việt Nam, bởi vì những nội dung này chỉ thực sự có ý nghĩa trong tương lai khi hệ thống toàn trị hiện nay chấm dứt.

Hệ thống tổ chức chính trị của Việt Nam kể từ sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975 là một hệ thống toàn trị do Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền. Hãy tạm chấp nhận rằng, việc áp dụng hệ thống toàn trị ở Việt Nam xuất phát từ một mục tiêu cao cả của những người cộng sản Việt Nam, mục tiêu vì tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người – đúng bới cái lý tưởng nguyên gốc của Karl Marx – thay vì mục đích chiếm giữ quyền lực chính trị đơn thuần. Xuất phát từ quan điểm cho rằng, chính quyền nhà nước trong chế độ cũ phục vụ mục đích của giai cấp thống trị nhằm duy trì các mối quan hệ bóc lột vốn bắt nguồn từ sự tư hữu về tư liệu sản xuất, ĐCSVN – tập hợp những con người “ưu tú nhất vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc và được soi đường bởi một hệ tư tưởng tiến bộ nhất, chân chính nhất, và cách mạng nhất” – cho rằng, sau khi giành được chính quyền họ không còn cách nào khác ngoài việc phải nắm trọn quyền lãnh đạo đối với chính quyền nhà nước và tất cả các tổ chức đoàn thể quần chúng để có thể cải tạo các mối quan hệ xã hội ít nhiều có tính bóc lột, dần tiến tới xã hội xã hội chủ nghĩa và xã hội cộng sản.

Giải pháp cải tạo xã hội chủ nghĩa mà ĐCSVN áp dụng trong thời kỳ 10 năm sau khi thống nhất đất nước là giải pháp kế hoạch hoá tập trung, theo đó sự phân bổ nguồn lực sản xuất bằng cơ chế thị trường dựa trên nền tảng tư hữu bị thay thế bằng cơ chế hành chính quan liêu bao cấp dựa trên công hữu. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy rằng giải pháp này đã khiến đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội gay gắt. Sai lầm ở đây không phải là do ĐCSVN thực hiện sai lý thuyết của họ, mà là cái lý thuyết mà ĐCSVN áp dụng là sai. [1] Như Mises và Hayek đã chỉ ra trước đấy lâu lắm rồi, nếu không có hệ thống giá cả thì sẽ không thể tiến hành được các phép tính kinh tế và việc vận hành nền kinh tế bằng hệ thống hoạnh định tập trung sẽ gạt ra ngoài phần lớn lượng tri thức riêng phần sở hữu bởi các cá nhân riêng lẻ trong các hoạt động kinh tế khiến cho nền kinh tế sẽ ngày càng trở nên kém hiệu quả so với nền kinh tế vận hành thông qua hệ thống giá cả. [2]

Để tiếp tục mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam, kể từ Đại hội VI (12-1986) tới nay, ĐCSVN nhận định rằng cơ sở vật chất của Việt Nam chưa đủ để tiến hành cải tạo nhanh chóng các mối quan hệ xã hội. Để phát triển kinh tế trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ, ĐCSVN chấp nhận nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần sở hữu vì lẽ nó vẫn còn hữu ích trong việc phát huy mọi nguồn lực của xã hội. Tuy nhiên, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn và công bằng hơn, ĐCSVN cho rằng, họ cần phải được tiếp tục nắm trọn quyền lãnh đạo để “xác định đúng đắn cơ cấu thành phần kinh tế” trong từng thời kỳ nhằm tạo ra nhiều của cải vật chất nhất cho xã hội. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm vai trò chủ đạo và các công cụ rào cản nhập ngành (như các loại thuế, các loại giấy phép kinh doanh, và các yêu cầu về vốn cũng như năng lực kinh doanh) là những công cụ để ĐCSVN, thông qua nhà nước, thực hiện mục tiêu này.

Thực tiễn 20 đổi mới vừa rồi cho thấy rằng, hầu hết các chương trình phát triển đầu tư vào hệ thống doanh nghiệp nhà nước nhằm mục đích thay đổi cơ cấu như đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng lò đứng, các nhà máy mía đường, nhà máy lọc dầu; các biện pháp nhằm định hướng thành phần kinh tế bằng các biện pháp hành chính như giấy phép xuất nhập khẩu và giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp tư nhân; các biện pháp thuế như bảo hộ phát triển cho ngành sản xuất ôtô - xe máy và các ngành dịch vụ quảng cáo, bảo hiểm, ngân hàng; các biện pháp hành chính trong việc định hình tổ chức doanh nghiệp như các tổng công ty… đều chứng tỏ chúng hoặc kém hiệu quả hoặc cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Trong 5 năm vừa rồi, sau khi luật doanh nghiệp được ban hành, chúng ta chứng kiến việc khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chứ không phải là khối doanh nghiệp nhà nước, dẫn dắt và định hướng nền kinh tế, quyết định cơ cấu ngành, và các hình thức tổ chức cũng như qui mô doanh nghiệp. Hay nói cách khác, ĐCSVN đã không thể tính toán và áp đặt cơ cấu thành phần kinh tế theo ý muốn của mình. [3] Đây không phải là vấn đề năng lực của chính phủ yếu kém, mà đơn giản là, như Hayek đã chỉ ra, [4] việc xác định cơ cấu, thành phần kinh tế tối ưu cho một nền kinh tế trong dài hạn, chẳng hạn như của Việt Nam, là một trong những vấn đề quá phức tạp, vượt quá khả năng tính toán duy lý của bất kỳ cá nhân hay tập thể nào, dù đó là những người “ưu tú nhất và được soi đường bởi một hệ tư tưởng tiến bộ nhất”.

Sự phát triển đầy ấn tượng của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh đẩy ĐCSVN vào tình huống là, hầu hết những công cụ để ĐCSVN dẫn dắt nền kinh tế như khối doanh nghiệp quốc doanh và các rào cản nhập ngành đều dần bị tước bỏ, và để tiếp tục trọn quyền lãnh đạo dẫn dắt đất nước đi lên CNXH, ĐCSVN bắt buộc phải kết nạp giới doanh nhân vào Đảng cũng như cho phép các đảng viên hiện có được phép kinh doanh như bất kỳ công dân nào. Trong mắt của ĐCSVN bây giờ, những doanh nhân làm giàu bằng trí tuệ và tuân thủ pháp luật lại là lực lượng tiên phong thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và do vậy họ xứng đáng được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Nếu như những doanh nhân thành đạt sau khi vào ĐCSVN lại tiếp tục thành đạt bằng chính trí tuệ của họ thì họ quả thực sẽ rất xứng đáng được coi là lực lượng tiên phong dẫn dắt xã hội phát triển. Nhưng có một điều cơ bản nhất có lẽ ĐCSVN quên mất là, trong nền kinh tế thị trường không một doanh nhân nào dám chắc rằng công việc kinh doanh của họ sẽ luôn thành công. [5] Với tư cách là doanh nhân, khi gặp khó khăn họ sẽ tìm mọi cách để vượt qua. Và trong vai trò là một đảng viên ĐCSVN, không có lý do gì họ lại không tìm kiếm các đặc lợi xuất phát từ quyền lực chính trị độc quyền như là một trong các giải pháp để giải quyết khó khăn. Tôi e rằng, việc khai thác đặc lợi từ tư cách là đảng viên đảng cầm quyền duy nhất sẽ không những chỉ được các doanh nhân dùng trong lúc khó khăn mà còn được tận dụng trong mọi tình huống để duy trì sự thành đạt cho doanh nghiệp của mình. Sự thành đạt của một thiểu số doanh nhân cộng sản khi đó đồng nghĩa với việc tước đoạt cơ hội kinh doanh bằng trí tuệ của những doanh nhân ngoài ĐCSVN. Khi đó, những doanh nhân cộng sản từ chỗ là những người tiên phong lại trở thành những kẻ cản trở sự phát triển của xã hội. [6]

Từ đây, ĐCSVN sẽ không còn bất kỳ lý do chính đáng gì để tự phụ cho mình là ưu tú hơn và siêu việt hơn những nhóm người khác, nhằm dẫn dắt cả nước đi lên CNXH – ngay cả cái xã hội hiểu theo ngôn từ hiện đại bây giờ của ĐCSVN “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đảng Cộng sản khi đó sẽ hiện nguyên hình là một đảng bình thường như bất kỳ một đảng phái chính trị nào khác, tức đơn thuần đại diện cho những nhóm lợi ích khác nhau và tìm mọi biện pháp để dung hoà lợi ích giữa các phe nhóm trong xã hội vì lợi ích của phe nhóm mình. Việc duy trì một đảng thuần tuý đặc lợi duy nhất hiển nhiên sẽ tạo ra các mâu thuẫn sâu sắc giữa các phe nhóm trong xã hội, khiến cho xã hội ngày càng trở nên bất ổn. Đa đảng vì thế sẽ xuất hiện như là một nhu cầu bắt buộc nhằm tạo ra một môi trường chính trị cạnh tranh trong việc đưa ra các giải pháp tình thế nhằm giải quyết các mâu thuẫn lợi ích giữa các phe nhóm trong xã hội.

Tới đây, nội dung bài luận của Hayek mới thực sự có ý nghĩa. Hayek chỉ ra rằng hệ thống chính trị đa đảng tự thân nó không phải là dân chủ. Hệ thống này nếu không bị ràng buộc bởi các nguyên tắc pháp trị thực sự sẽ trở thành một hệ thống dân chủ không bị giới hạn, ở đó lợi ích giữa các phe nhóm sẽ được mang ra đổi chác với một mục đích duy nhất là có được một đa số để nắm chính quyền, bất chấp lợi ích của các nhóm thiểu số còn lại. Dân chủ khi đó chỉ là ảo tưởng; lý tưởng dân chủ sẽ bị các phe nhóm đánh cắp vì lợi ích riêng của phe nhóm mình.

Đối với Hayek, hệ thống chính trị đa đảng chỉ có thể vận hành có hiệu quả khi mọi hoạt động của nó bị ràng buộc bởi các luật lệ do một hội đồng lập pháp độc lập chuyên trách, được cấu thành bởi các cá nhân hoàn toàn độc lập đối với các đảng phái, ban hành. Đây là một yêu cầu rất cao đối với một nền dân chủ thực sự, và tất nhiên, giải pháp thực tiễn mà Hayek đưa ra vẫn còn là một đề tài tranh cãi. Tuy nhiên, điều có lẽ cần phải nhấn mạnh ở đây là, ngay cả khi một hội đồng lập pháp độc lập như vậy chưa tồn tại ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, thì vai trò của những cá nhân độc lập – những người có lý trí và công tâm – để bảo vệ lý tưởng dân chủ khỏi bị đánh cắp bởi các đảng phái chính trị là hết sức quan trọng. Tôi mạo muội cho rằng, ở các nước phương Tây, dân chủ vẫn còn tồn tại được không phải bởi vì các đảng phái tôn trọng nó, mà chủ yếu bởi vì họ đã có một lớp đông đảo những cá nhân hoàn toàn độc lập với các đảng phái luôn ý thức kiềm chế sự lạm dụng dân chủ của các đảng phái ấy.

Trong khi tôi tin rằng, đa đảng ở Việt Nam sớm muộn sẽ xuất hiện để thay thế cho hệ thống toàn trị hiện nay, và có lẽ điều đó sẽ diễn ra nhanh hơn chúng ta tưởng, thì tôi lại e ngại rằng sự xuất hiện của một tầng lớp những cá nhân độc lập có thể kiềm chế nền dân chủ do các đảng phái dựng ra sẽ diễn ra chậm chạp hơn nhiều, bởi một lẽ, ở Việt Nam hiện nay vẫn ngự trị quan niệm phổ biến của những người công tâm và có trình độ cho rằng, để đóng góp vào sự phát triển của xã hội thì tốt nhất là họ phải tham gia vào chính quyền để thay thế cho những cán bộ của chính quyền vốn thiếu trình độ và bị tha hoá về đạo đức. Nếu quan niệm này không nhanh chóng thay đổi thì kết cục của một nền dân chủ không bị giới hạn sẽ khó mà tránh khỏi ở Việt Nam trong tương lai.

Gần đây có rất nhiều người, trong đó có cả một số đảng viên đảng cộng sản, phát biểu rằng ĐCSVN cần phải biết hổ thẹn khi để đất nước tụt hậu hoặc nếu lại để đất nước bị lỡ dịp “bắt kịp đoàn tàu thế giới”. Quả thực, tôi không thấy có lý do gì để những người cộng sản, với tư cách là những nhà chính trị ngày càng trở nên chuyên nghiệp, phải hổ thẹn vì điều đó. Những người có lẽ cần phải biết hổ thẹn không ai khác chính là chúng ta – những cá nhân độc lập – bởi lẽ, như Hayek nói ở phần cuối bài luận này, “chính chúng ta mới là người duy trì các thể chế cần thiết để cho họ hành động nếu chúng ta còn muốn họ có thể làm bất cứ việc tốt nào”.
Người dịch



I.

Đối với tôi, khái niệm dân chủ có một nghĩa – tôi tin rằng đó là cái nghĩa đúng và nguyên gốc - rất cao quí, xứng đáng để tôi tranh đấu. Dân chủ đã chứng tỏ rằng, nó không phải là một công cụ bảo vệ chắc chắn chống lại sự chuyên chế và độc tài như từng được hy vọng. Tuy nhiên, với vai trò như là một công ước cho phép bất kỳ đa số nào cũng có quyền loại bỏ một chính phủ mà mình không ưa, dân chủ có một giá trị không thể đo đếm được.

Vì lý do đó, tôi rất lo ngại khi những người biết suy nghĩ ngày càng mất đi niềm tin vào dân chủ. Giờ đây, điều này không thể xem thường. Nó đang trở nên nghiêm trọng đơn giản là do – và có lẽ một phần bởi vì – chữ “dân chủ” kỳ diệu đã trở nên quá hùng mạnh đến nỗi phá bung tất cả các hạn chế truyền thống áp đặt lên quyền lực chính quyền (governmental power). Đôi khi, có vẻ cứ như thể là, những đòi hỏi đang được đưa ra dồn dập ở khắp mọi nơi ngày nay dưới cái mác dân chủ đã khiến cho ngay cả những người có lý trí và công tâm phải e ngại rằng, một phê phán gay gắt đúng nghĩa đối với dân chủ là một điều hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, không phải là cái khái niệm cơ bản về dân chủ, mà là những nội dung thêm thắt được bổ sung theo tiến trình thời gian vào nghĩa nguyên gốc của một hình thức cụ thể về qui trình ra quyết định mới là điều mà giờ đây gây nguy hiểm cho niềm tin vào một nền dân chủ vốn có nội dung đã bị mở rộng quá nhiều. Thực ra, điều đang diễn ra cũng chính xác là điều mà một số người ở thế kỷ 19 đã thấu hiểu về dân chủ. Một phương pháp lành mạnh nhằm đạt tới những quyết định chính trị có thể được chấp nhận rộng rãi đã trở thành cái cớ để thực thi các mục tiêu về cơ bản là bình quân chủ nghĩa.

Sự thăng tiến của dân chủ trong thế kỷ trước đã đem lại một sự thay đổi quyết định về phạm vi của các quyền lực chính quyền. Trong nhiều thế kỷ, các nỗ lực đều hướng tới việc hạn chế các quyền lực của chính quyền; và sự phát triển dần dần của các bản hiến pháp không nhằm mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu này. Nhưng đột nhiên, người ta tin rằng việc kiểm soát chính quyền bởi những vị đại diện được bầu của phái đa số cho phép không cần phải có thêm bất kỳ sự kiểm soát nào khác đối với các quyền lực của chính quyền, đến nỗi tất cả các biện pháp bảo vệ mang tính hiến pháp này khác, vốn đã được hình thành theo thời gian, có thể được dỡ bỏ.

Như vậy, dân chủ không bị giới hạn đã hình thành – và chính cái dân chủ không bị giới hạn, chứ không phải là dân chủ thực thụ, mới là vấn nạn của ngày hôm nay. Tất cả các nền dân chủ mà ngày nay chúng ta biến đến ở phương Tây ít nhiều đều là dân chủ không bị giới hạn. Điều quan trọng mà chúng ta cần phải nhớ là, nếu như các thể chế đặc thù khác nhau của dân chủ không bị giới hạn mà chúng ta có ngày hôm nay cuối cùng rồi sẽ đi đến hồi thất bại, thì điều này không có nghĩa rằng, bản thân dân chủ là sai lầm, mà chỉ chứng tỏ rằng chúng ta đã đi nhầm đường. Trong khi bản thân cá nhân tôi tin rằng, quyết định dân chủ về mọi vấn đề mà đòi hỏi cần có sự đồng thuận chung, rằng một hành động nào đó của chính quyền là cần thiết, là một biện pháp không thể thiếu được để có sự thay đổi hoà bình, tôi cũng cảm thấy ghê tởm về một hình thức chính quyền mà ở đấy bất kỳ đa số tạm thời nào đều có thể ra quyết định, rằng bất cứ vấn đề gì mà họ thích thì cần phải được coi là “công việc chung” và chịu sự kiểm soát của chính quyền.


II.

Biện pháp lớn nhất và quan trọng nhất nhằm giới hạn các quyền lực của dân chủ chính là nguyên tắc “phân quyền”, nhưng điều này đã bị xoá bỏ do sự trỗi dậy của một hội đồng đại diện đầy quyền lực. Rồi chúng ta sẽ thấy, gốc rễ của vấn nạn này nằm ở chỗ, cái gọi là “các cơ quan lập pháp” đã trở thành những cơ quan chính quyền có quyền lực vô hạn, mặc dù những cơ quan này được các nhà lý luận tiền bối (đặc biệt là John Locke) về chính thể đại nghị coi là chỉ có bổn phận làm luật theo nghĩa rất hẹp và cụ thể của từ này. Do đó, hình mẫu lý tưởng cổ điển về “Nguyên tắc Pháp trị” hay “Chính quyền đứng dưới Luật pháp” đã bị phá bỏ. Nghị viện “toàn quyền” có thể làm bất cứ việc gì mà các vị dân biểu thuộc phe đa số thấy có lợi nhằm duy trì sự ủng hộ của đa số.

Nhưng thật là một trò đùa nguy hại nếu cứ gọi tất cả những gì mà các vị đại diện được bầu thuộc phe đa số biểu quyết là “luật”, và coi tất cả các chỉ thị của họ là “chính quyền đứng dưới luật pháp” – bất kể chúng mang lại lợi ích hay làm thiệt hại cho một số nhóm cá nhân nào đó. Thực sự thì đó là chính quyền vô luật pháp. Đó chỉ là một trò chơi ngôn từ khi cho rằng, chừng nào đa số vẫn phê chuẩn hành động của chính quyền thì nguyên tắc pháp trị vẫn được giữ vững. Nguyên tắc pháp trị đã được coi là một biện pháp bảo vệ cho tự do cá nhân, bởi lẽ nó đã có nghĩa là, biện pháp cưỡng chế chỉ được phép dùng để buộc [mọi người] tuân thủ các quy định chung về cách hành xử cá nhân – các qui định được áp dụng bình đẳng đối với tất cả mọi người, cho một số lượng không biết trước các trường hợp trong tương lai. Áp đặt một cách độc đoán – tức là sự cưỡng chế được tiến hành bởi các vị đại diện được bầu thuộc phe đa số nhưng không theo bất cứ nguyên tắc nào – cũng không khác gì hành động độc đoán của bất cứ kẻ thống trị nào. Việc một kẻ đáng ghét nào đó có nên bị cho vào vạc dầu và bị phanh thây, hay tài sản của anh ta có nên bị tịch thu hay không, xét trên khía cạnh này đều như nhau. Mặc dù việc có một chính quyền dân chủ bị giới hạn được xem là có lý do xác đáng hơn một chính quyền phi dân chủ, nhưng phải thú nhận rằng, tôi muốn có một chính quyền phi dân chủ đứng dưới luật pháp hơn là một chính quyền dân chủ không bị giới hạn (và như vậy về cơ bản là một chính phủ vô luật). Chính quyền đứng dưới luật pháp đối với tôi có giá trị cao hơn và người ta từng hi vọng các cơ quan giám sát dân chủ sẽ giữ vững giá trị đó.

Thực ra tôi tin rằng, đề xuất về một cuộc cải cách dựa trên sự phê phán mà tôi trình bày dưới đây đối với những thể chế dân chủ hiện nay sẽ dẫn đến việc hiện thực hoá trung thực hơn ý kiến chung của đa số công dân so với những dàn xếp hiện nay nhằm làm hài lòng ý muốn của các nhóm lợi ích riêng lẻ cấu thành một đa số.

Đề xuất này không có nghĩa rằng đòi hỏi mang tính dân chủ của các vị đại diện được bầu về việc phải có tiếng nói quyết định đối với việc chỉ đạo chính quyền nên kém mạnh mẽ hơn so với đòi hỏi của họ trong việc ra quyết định về hình hài của pháp luật. Bi kịch lớn trong quá trình lịch sử là hai thứ quyền riêng rẽ này lại được đặt vào trong tay của cùng một hội đồng, và do đó chính quyền không còn phục tùng luật pháp nữa. Đòi hỏi đắc thắng (triumphant claim) của Nghị viện Anh về việc phải có toàn quyền, và nhờ vậy có thể cai trị mà không chịu sự ràng buộc của luật pháp, có thể là một minh chứng rằng, hồi chuông báo tử cho cả quyền tự do cá nhân lẫn dân chủ đã điểm.


III.

Trên khía cạnh lịch sử, bi kịch phát triển này khó có thể tránh khỏi. Tất nhiên, xét về logic, đây là nhận định không thuyết phục. Việc tưởng tượng quá trình phát triển có thể diễn ra theo những đường hướng khác nhau không hề khó khăn gì. Vào thế kỷ XVIII, khi Hạ viện Anh thành công trong việc đòi quyền trọn vẹn đối với việc quyết định ngân sách nhà nước, thì trên thực tế, nó đã giành được quyền kiểm soát trọn vẹn đối với chính quyền. Giả dụ như vào lúc này, Thượng viện Anh rơi vào vị thế phải nhượng bộ quyền lực này chỉ với điều kiện là việc làm luật thực sự (luật dân sự và luật hình sự nhằm hạn chế quyền lực của mọi chính phủ) phải là quyền trọn vẹn riêng của Thượng viện – diễn tiến này không có gì là bất bình thường khi Thượng viện là toà án cao nhất – thì sự phân chia quyền lực như vậy giữa một hội đồng chính quyền và một hội đồng lập pháp có thể đã đạt được và sự kiềm chế đối với chính quyền bằng luật pháp được duy trì. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh chính trị, không thể trao quyền lập pháp như vậy cho các vị đại diện của một tầng lớp đặc quyền trong xã hội.

Các hình thái phổ biến của dân chủ, ở đó hội đồng đại diện toàn quyền vừa làm luật vừa chỉ đạo chính quyền, làm cho uy quyền (authority) của dân chủ bị biến thành một trò bịp bợm. Niềm tin rằng chính quyền dân chủ như vậy sẽ thực thi ý nguyện của người dân là một niềm tin nguỵ tạo. Các cơ quan lập pháp được bầu lên một cách dân chủ có thể thực thi ý nguyện của người dân chỉ khi chúng thực hiện chức năng làm luật, tức theo đúng nghĩa ban đầu của thuật ngữ này. Nghĩa là, ý nguyện của người dân có thể được thực hiện thông qua các hội đồng được bầu lên với điều kiện quyền lực của các hội đồng này bị hạn chế vào việc ban hành các quy tắc chung về hành xử đúng đắn (universal rules of just conduct), tức các qui tắc nhằm phân định rõ ràng các khu vực mà ở đấy các cá nhân có quyền kiểm soát và nhằm áp dụng cho một số lượng không biết trước các trường hợp trong tương lai. Một cộng đồng có thể hình thành một ý kiến vượt trội, và có thể tìm được sự nhất trí giữa các vị đại diện của phái đa số, về các quy tắc chi phối hành xử cá nhân vốn nhằm ngăn ngừa những xung đột mà đa số người dân có thể rơi vào thái cực này hay thái cực kia. Một hội đồng với nhiệm vụ được giới hạn rõ ràng như vậy có thể phản ánh ý kiến của đa số – và với nhiệm vụ chỉ liên quan đến việc hình thành những quy tắc chung, hội đồng đó không có mấy cơ hội để phản ánh ý muốn của các nhóm lợi ích cụ thể trên các vấn đề cụ thể.

Nhưng việc làm luật theo nghĩa cổ điển của từ này lại là phần kém quan trọng nhất trong các nhiệm vụ của các hội đồng mà chúng ta vẫn quen gọi là “các cơ quan lập pháp”. Điều quan tâm chủ yếu của các cơ quan này là chính quyền. Đối với chức năng “làm luật của các luật sư”, như một quan sát viên sắc bén về Nghị viện Anh viết cách đây hơn 70 năm, “nghị viện không có thời gian cũng như không có chủ kiến”. Thực ra thì ở mọi nơi, hầu hết các hoạt động, đặc tính và các qui trình của các các hội đồng đại diện được quyết định bởi nhiệm vụ liên quan đến chính quyền đến nỗi cái danh “cơ quan lập pháp” mà chúng mang chẳng còn phát sinh từ nhiệm vụ làm luật. Hơn thế, mối quan hệ này còn bị đảo ngược. Ngày nay, theo thói quen, chúng ta gọi hầu như tất cả các nghị quyết mà các hội đồng ấy đưa ra là luật, duy nhất chỉ bởi vì chúng xuất phát từ một cơ quan lập pháp, dù rằng các nghị quyết ấy có rất ít thuộc tính của một cam kết về một quy tắc chung về hành xử đúng đắn, và của một cam kết về việc thực thi theo đó các quyền lực mang tính cưỡng chế của chính quyền đáng ra phải bị giới hạn trong một xã hội tự do.


IV.

Nhưng vì mọi nghị quyết của cơ quan chính quyền toàn quyền này đều có “sức mạnh của luật pháp”, nên các hành động chính quyền của nó cũng không bị hạn chế bởi luật pháp. Điều thậm chí còn đáng lưu tâm hơn là, các hành động ấy cũng không thể được coi là ý kiến uỷ thác bởi đa số nhân dân. Trên thực tế, cơ sở cho việc ủng hộ các thành viên của một đa số có quyền lực vô hạn hoàn toàn khác với cơ sở cho việc ủng hộ một đa số làm bệ đỡ cho các hành động của một cơ quan lập pháp thực thụ. Bỏ phiếu cho một nhà làm luật có quyền lực bị giới hạn là việc lựa chọn giữa các phương án khác nhau về việc đảm bảo một trật tự tổng thể được hình thành từ các quyết định của những cá nhân tự do. Bỏ phiếu cho một thành viên của một cơ quan có quyền lực ban phát những đặc lợi, mà bản thân cơ quan đó lại không bị ràng buộc bởi các quy tắc chung, là một cái gì đó khác hoàn toàn. Trong một hội đồng được bầu lên theo cách thức dân chủ với quyền lực không bị giới hạn như vậy đối với việc ban phát các đặc lợi và áp đặt các gánh nặng đặc biệt lên các nhóm cụ thể, thì một đa số chỉ có thể hình thành được bằng cách mua sự ủng hộ của nhiều nhóm đặc lợi, thông qua việc trao cho các nhóm này những thứ lợi ích có được từ sự thiệt hại của nhóm thiểu số.

Một vị đại diện hoàn toàn dễ dàng đe doạ rút bỏ sự ủng hộ ngay cả đối với những đạo luật chung vì vị đại diện này chỉ chấp thuận chúng trừ phi những lá phiếu của ông ta được trả giá bằng những nhượng bộ đặc biệt cho nhóm của ông ta. Do đó, trong một hội đồng có quyền lực vô hạn, các quyết định được đưa ra sẽ dựa trên một quá trình tống tiền và tham nhũng nhằm mục đích tìm kiếm sự ủng hộ. Từ lâu điều này đã được thừa nhận là một phần của hệ thống, khiến cho ngay cả những vị đại diện tốt nhất cũng không thể tránh khỏi.

Các quyết định nhằm thoả mãn các lợi ích cho các nhóm cụ thể như thế ít dựa trên bất cứ sự đồng thuận nào của phái đa số về bản chất của hành động chính quyền, vì trong đa số trường hợp, các thành viên của phái đa số không biết gì nhiều hơn việc họ đã trao cho một cơ quan thừa hành (agency) nào đó những quyền lực không rõ ràng nhằm đạt một mục tiêu nào đó cũng không rõ ràng. Trong phần lớn các giải pháp [ban hành], đa số cử tri sẽ không có lý do gì để chống lại hay ủng hộ các vị đại diện, ngoại trừ việc họ biết rằng để đổi lại sự hậu thuẫn cho những người nhân danh họ, họ sẽ nhận được lời hứa hẹn rằng, những ước muốn riêng của họ sẽ được thoả mãn. Đó là kết quả của quá trình thoả hiệp được tôn lên thành “ý nguyện của đa số”.

Cái mà chúng ta gọi là “các cơ quan lập pháp” trên thực tế là các cơ quan liên tục đưa ra các quyết định về các giải pháp cụ thể, và uỷ thác quyền cưỡng chế cho các cơ quan thi hành chúng, mà điều này thì không dựa trên bất kỳ sự đồng thuận thực thụ nào của một đa số, mà là thông qua các thoả thuận (deals) để đạt được sự ủng hộ của một đa số. Do vậy, trong một hội đồng có quyền lực vô hạn, chủ yếu quan tâm đến những vấn đề cụ thể thay vì các nguyên tắc, thì sự hình thành các đa số không phải là được dựa trên sự đồng thuận của các ý kiến, mà là từ sự tập hợp các nhóm đặc lợi câu kết vì quyền lợi của nhau.

Điều này dẫn đến một thực tế hết sức nghịch lý là, một hội đồng nắm mọi quyền lực trên danh nghĩa – tức quyền uy của nó không bị giới hạn bởi, hoặc phải tự cam kết vào, những quy tắc chung – thực chất lại rất yếu và hoàn toàn chịu lệ thuộc vào sự ủng hộ của các nhóm riêng lẻ, những nhóm có xu hướng đòi hỏi các đặc ân để cho phép mệnh lệnh của chính quyền được thực thi. Bức tranh về phái đa số trong một hội đồng như thế, mà lại được thống nhất bằng những nền tảng đạo đức chung trong việc đánh giá giá trị của những đòi hỏi đưa ra bởi các nhóm cụ thể, đương nhiên là một bức tranh hư tưởng. Đấy là một đa số chỉ bởi vì nó đã tự cam kết, không phải với một nguyên tắc, mà là với việc thoả mãn các đòi hỏi cụ thể. Hội đồng toàn quyền là một cái gì đó, trừ việc nắm toàn quyền trong việc sử dụng quyền lực không bị giới hạn của mình. Điều khá kỳ quặc là, khi các “nền dân chủ hiện đại” tìm thấy điều này hay điều kia là cần thiết, thì đôi khi nó lại được trích dẫn như là một bằng chứng về tính đáng mong ước hoặc tính hợp lý của một giải pháp nào đó. Phần lớn các thành viên của phái đa số thường đã biết trước rằng một biện pháp nào đó là ngu xuẩn và bất công, nhưng họ vẫn phải chấp nhận nó nhằm duy trì địa vị thành viên của một phái đa số.


V.

Một cơ quan lập pháp có quyền lực không bị giới hạn, nếu như không bị các công ước hay điều khoản hiến pháp ngăn trở việc đưa ra các sắc luật về các biện pháp cưỡng chế có mục đích và mang tính phân biệt đối xử, như thuế quan hay thuế khoá hay trợ cấp, thì khó mà tránh được việc hành động một cách vô nguyên tắc. Mặc dù người ta đã nỗ lực hết sức để che giấu việc mua bán sự ủng hộ dưới dạng trợ giúp vật chất cho những người đáng được hưởng, thì hành động đạo đức giả như vậy hầu như khó có thể lấp liếm. Sự thoả thuận của một đa số về việc phân chia lợi lộc giành được từ một thiểu số bất đồng hầu như không thể đòi hỏi sẽ nhận được bất kỳ sự tán đồng nào về mặt đạo đức cho hành động của mình – ngay cả khi nó viện dẫn đến chiếc bánh vẽ “công bằng xã hội” để bảo vệ hành động của nó. Vấn đề nảy sinh là, sự cần thiết về mặt chính trị xuất phát từ hệ thống thể chế hiện tại sản sinh ra những niềm tin đạo đức bất tồn (non-viable) hoặc thậm chí mang tính huỷ hoại.

Thoả thuận của phái đa số về việc chia sẻ các chiến lợi phẩm giành được từ việc đè bẹp một thiểu số các công dân, hoặc quyết định sẽ lấy của những người này bao nhiêu, không phải là dân chủ. Ít nhất đấy không phải là lý tưởng của dân chủ dựa trên sự xác tín về đạo đức. Dân chủ tự thân không phải là chủ nghĩa bình quân. Nhưng dân chủ không bị giới hạn lại có xu hướng trở thành thứ mang tính bình quân chủ nghĩa.

Liên quan đến tính vô đạo đức căn bản của chủ nghĩa bình quân, ở đây tôi chỉ đưa ra một thực tế rằng, tất cả các luân lý đạo đức của chúng ta đều dựa trên việc dành sự coi trọng khác nhau đối với mọi người theo cách mà họ hành xử. Trong khi bình đẳng trước pháp luật – mọi người được chính quyền đối xử theo các quy tắc như nhau – đối với tôi dường như là một điều kiện thiết yếu của tự do cá nhân, thì sự đối xử phân biệt đó – điều cần thiết để đặt những người vốn dĩ đã rất khác nhau vào cùng mức thụ hưởng vật chất – dường như là không phù hợp với tự do cá nhân, thậm chí còn rất vô đạo đức. Nhưng đây chính là thứ vô đạo đức mà dân chủ không bị giới hạn đang hướng tới.

Xin nhắc lại, đấy không phải là dân chủ đích thực mà là dân chủ không bị giới hạn, thứ mà tôi cho rằng không hề tốt hơn bất kỳ chính quyền có quyền lực không bị giới hạn nào khác. Sai lầm chết người, tức việc trao cho hội đồng đại diện được bầu những quyền lực không bị giới hạn, chính là sự mê muội với ý nghĩ cho rằng, một uy quyền tối cao về bản chất phải là không bị hạn chế, bởi lẽ bất cứ sự hạn chế nào cũng đều hàm ý là có một thứ ý nguyện khác đứng trên nó, và trong trường hợp đó, nó không còn nắm quyền lực tối cao nữa. Lầm lẫn này xuất phát từ các quan niệm theo dòng tư tưởng thực chứng - toàn trị của Francis Bacon và Thomas Hobbes, hay theo thuyết kiến dựng (constructivism) của chủ nghĩa duy lý Descartes. Thật may mắn là, lầm lẫn này đã bị ngăn chặn trong thế giới Anglô-Sắcxông trong một thời gian dài nhờ sự hiểu biết sâu sắc hơn của các vị Edward Coke, Matthew Hale, John Locke và những người nhóm Whig cổ điển.

Xét trên khía cạnh này, những người cổ đại thực sự còn sáng suốt hơn những người thuộc trường phái tư duy hiện đại theo thuyết kiến dựng. Một quyền lực tối cao không nhất thiết phải là một quyền lực không bị hạn chế, mà có thể gắn uy quyền của nó vào sự cam kết của nó đối với các nguyên tắc chung đã được công luận chấp thuận. Các vị vua kiêm thẩm phán (judge-king) thời xưa được chọn lựa không phải là vì mục đích cái gì ông ta nói ra cũng đúng, mà bởi vì, và tới chừng nào, các điều ông ta nói ra nhìn chung vẫn được mọi người cảm nhận là đúng. Ông ta không phải là nguồn tạo ra luật mà đơn thuần chỉ là người giải thích luật dựa trên ý kiến rộng rãi, nhưng việc giải thích luật chỉ có thể dẫn đến hành động nếu như nó được tuyên bố bởi uy quyền đã được chấp thuận. Và nếu như chỉ riêng một mình uy quyền tối cao có thể ra lệnh hành động, thì nó chỉ tiếp tục tồn tại chừng nào nó còn nhận được sự ủng hộ của ý nguyện chung đối với những nguyên tắc chi phối hành động của nó. Uy quyền duy nhất và cao nhất được phép đưa ra các quyết định về hành động chung hoàn toàn có thể là một uy quyền được giới hạn – tức nó tự cam kết giới hạn vào việc đưa ra các quyết định dựa trên một quy tắc chung đã được công luận chấp thuận.

Bí mật về một chính quyền tốt chính xác là quyền lực tối cao phải là một quyền lực được giới hạn – một quyền lực có thể đề ra các quy tắc nhằm hạn chế mọi quyền lực khác – và do đó có thể khống chế nhưng không sai khiến thường dân (private citizen). Do đó, mọi uy quyền khác hoạt động dựa trên sự cam kết của nó đối với các quy tắc mà các chủ nhân của nó thừa nhận: điều tạo nên một cộng đồng là sự thừa nhận chung đối với cùng các quy tắc đó.

Do đó, cơ quan tối cao được bầu ra không cần nắm quyền lực nào khác hơn là quyền làm luật theo nghĩa cổ điển, tức đề ra các quy tắc chung điều chỉnh hành vi cá nhân. Cũng không cần phải có quyền lực nào để cưỡng chế thường dân ngoài quyền buộc tuân thủ các quy tắc hành xử đã được ban hành. Các cơ quan khác của chính quyền, bao gồm cả hội đồng chính quyền được bầu, cần phải bị ràng buộc và hạn chế bởi các đạo luật của hội đồng [tối cao] mà đã bị khuôn giới vào hoạt động lập pháp chân chính. Đây chính là những yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo rằng chính quyền thực sự đứng dưới luật pháp.


VI.

Như tôi đã nói, giải pháp cho vấn đề này dường như là chúng ta phải chia tách các nhiệm vụ lập pháp thực thụ khỏi các nhiệm vụ chính quyền, cho hai hội đồng tách biệt về lập pháp và chính quyền. Đương nhiên, sẽ chẳng đạt được gì nếu chỉ đơn thuần có hai hội đồng như thế với đặc tính về cơ bản như hiện nay, nhưng chỉ đơn thuần được giao những nhiệm vụ khác nhau. Hai hội đồng về bản chất hình thành từ cùng thành phần như vậy không chỉ chắc chắn sẽ hành động câu kết với nhau, và do đó sẽ tạo ra những kết quả chẳng khác gì các hội đồng hiện đang tồn tại. Đặc tính, các thủ tục và thành phần của các hội đồng này vẫn còn hoàn toàn bị quyết định bởi các nhiệm vụ chính quyền vốn chiếm đa phần, khiến chúng càng ít thích hợp cho nhiệm vụ lập pháp thực thụ.

Về điểm này không có gì sáng tỏ hơn khi biết rằng, các nhà lý luận về chính thể đại nghị ở thế kỷ XVIII hầu như nhất trí lên án việc tổ chức ra cơ quan lập pháp trên cơ sở đảng phái. Họ thường nhắc đến cụm từ “các phe nhóm”. Nhưng mối quan tâm chính của họ đối với các vấn đề của chính quyền khiến cho việc tổ chức cơ quan lập pháp trên cơ sở đảng phái nhìn chung là cần thiết. Một chính phủ, để thực thi thành công các nhiệm vụ của mình, cần phải có sự ủng hộ của một đa số có tổ chức cam kết theo một chương trình hành động nhất định. Và để cho người dân có một sự lựa chọn thì cần phải có một phe đối lập được tổ chức theo cách tương tự có khả năng thành lập một chính phủ thay thế.

Đối với những chức năng thuần tuý thuộc về chính phủ, các “cơ quan lập pháp” hiện nay dường như đã trở nên khá thích ứng và có thể được phép tiếp tục áp dụng hình thức hiện nay nếu như quyền lực của chúng đối với thường dân bị giới hạn bởi một đạo luật do một hội đồng dân chủ khác đưa ra, với điều kiện là đạo luật này không thể bị “cơ quan lập pháp” kia thay đổi. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả là, “cơ quan lập pháp” sẽ giám sát việc sử dụng nguồn lực vật chất và nguồn nhân lực được giao cho chính phủ, khiến cho chính phủ cung cấp cho đa số các công dân các dịch vụ khác nhau. “Cơ quan lập pháp” cũng có thể quyết định tổng số ngân sách cần phải thu từ các công dân hàng năm để chi trả cho những dịch vụ đó. Nhưng việc quyết định phần mỗi công dân buộc phải đóng góp phải được quy định trong một đạo luật thực sự; nghĩa là, một loại quy tắc thống nhất và có tính bắt buộc đối với cách hành xử cá nhân mà chỉ hội đồng lập pháp thực thụ mới có quyền đề ra. Khó mà nghĩ ra được cách kiểm soát chi tiêu nào hay hơn một hệ thống mà ở đó mọi thành viên của hội đồng chính phủ biết rằng, cứ mỗi khoản chi tiêu mà ông ta ủng hộ, thì ông ta và cử tri của ông ta cũng sẽ phải đóng góp ở mức mà ông ta không thể thay đổi được!

Vậy thì vấn đề then chốt lại là thành phần của hội đồng lập pháp. Làm sao chúng ta có thể cùng một lúc bắt nó phải thực sự mang tính đại diện cho ý kiến chung về điều gì là đúng đồng thời lại bắt nó không được chịu bất cứ áp lực nào từ các nhóm đặc lợi? Về mặt hiến pháp, hội đồng lập pháp sẽ có nhiệm vụ được giới hạn vào việc thông qua các đạo luật chung, sao cho bất cứ một sắc lệnh cụ thể hoặc mang tính phân biệt nào mà nó đưa ra đều sẽ không có hiệu lực. Cơ quan này có được uy quyền là nhờ cam kết của nó đối với các quy tắc chung. Hiến pháp sẽ quy định các thuộc tính mà một qui tắc chung như thế phải có để có hiệu lực, chẳng hạn như tính có thể áp dụng cho một số lượng các trường hợp không biết trước trong tương lai, tính đồng nhất, tính phổ biến, v.v... Một toà án hiến pháp dần dần phải chi tiết hoá định nghĩa đó, cũng như đưa ra phán quyết về bất cứ xung đột nào liên quan đến thẩm quyền của hai hội đồng này.

Nhưng sự giới hạn vào trong việc thông qua các đạo luật thực sự như vậy sẽ hầu như không đủ để ngăn chặn sự câu kết của hội đồng lập pháp với hội đồng chính phủ có thành phần tương tự, vì cơ quan lập pháp có thể làm ra những luật lệ mà hội đồng chính phủ cần để đạt được các mục đích cụ thể, khiến cho kết quả chẳng khác gì so với hệ thống hiện nay. Điều chúng ta mong muốn ở hội đồng lập pháp là, nó phải là một cơ quan đại diện cho ý kiến chung chứ không phải cho những lợi ích đặc thù; và do đó, thành phần của hội đồng này cần phải là những cá nhân, một khi đã được tin tưởng giao nhiệm vụ, thì phải độc lập và thoát khỏi sự ủng hộ của bất cứ nhóm cụ thể nào. Thành phần của nó cũng cần phải có cả nam và nữ, những người có tầm nhìn lâu dài và không bị ảnh hưởng bởi những tình cảm và trào lưu tạm thời luôn thay đổi của quần chúng mà họ phục vụ.


VII.

Trước tiên, điều này dường như đòi hỏi phải có sự độc lập đối với các đảng phái, và điều kiện này có thể được đảm bảo bằng điều kiện thứ hai, sự nhất thiết phải độc lập – đó là không được bị ảnh hưởng bởi ham muốn tái cử. Vì lý do này, tôi hình dung ra một cơ quan gồm các vị đại diện, cả nam và nữ, sau khi đã có được danh tiếng và sự tin tưởng trong quá trình mưu cầu cuộc sống đời thường, được bầu ra cho một nhiệm kỳ duy nhất kéo dài, chẳng hạn khoảng 15 năm. Để đảm bảo chắc chắn rằng họ đã có đủ kinh nghiệm, sự kính trọng, và không phải lo lắng gì đến việc kiếm sống trong khoảng thời gian sau khi mãn nhiệm, tôi muốn xác định mức tuổi ra ứng cử của họ tương đối cao, chẳng hạn 45 tuổi, và đảm bảo cho họ những địa vị được kính trọng chẳng hạn như thẩm phán không chuyên hay gì đó trong vòng 10 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ ở tuổi 60. Tuổi trung bình của một thành viên trong một hội đồng như vậy sẽ ít nhất là 53, vẫn còn thấp hơn so với tuổi trung bình ở phần lớn các cơ quan tương đương ngày nay.

Dĩ nhiên hội đồng này không phải là sẽ được bầu tất cả vào cùng một ngày, mà mỗi năm những người sau khi đã phụng sự 15 năm sẽ được thay thế bằng những người ở tuổi 45. Tôi mong muốn có các cuộc bầu cử được tổ chức hàng năm nhằm bầu ra 1/15 số thành viên của hội đồng, để cho mỗi công dân sẽ chỉ bỏ phiếu một lần trong đời, ở tuổi 45, và cho một trong những người cùng thế hệ với mình trở thành một nhà lập pháp. Tôi mong muốn điều này có lẽ không chỉ bởi vì kinh nghiệm trước đây của tôi trong quân đội và các tổ chức tương tự, ở đó những người cùng thế hệ thường là những người phán xét tốt nhất đối với nhân cách và năng lực của mỗi người, mà còn là bởi vì đấy có lẽ còn là dịp để cho các tổ chức như các câu lạc bộ đồng niên ở địa phương phát triển – những tổ chức sẽ làm cho các cuộc bầu cử dựa trên hiểu biết của cá nhân trở nên khả thể.

Bởi vì sẽ không còn đảng phái tham gia, nên đương nhiên hệ thống bầu cử đại diện theo tỷ lệ sẽ chẳng còn ý nghĩa. Những người cùng thế hệ ở một khu vực sẽ trao cho những thành viên được kính trọng nhất của lứa tuổi mình danh hiệu này như một thứ phần thưởng. Còn nhiều câu hỏi lý thú khác cần phải đặt ra cho một cách thức tổ chức như vậy, chẳng hạn, để đạt được mục đích này thì liệu rằng một kiểu bầu cử gián tiếp nào đó phải chăng sẽ không được chấp nhận (với việc những câu lạc bộ địa phương ganh đua nhau tôn vinh một trong các đại biểu của mình trở thành vị đại diện được bầu), nhưng tiếc rằng đây không phải là chỗ thích hợp để trình bày những vấn đề đó, nơi chúng ta đang bàn về nguyên tắc chung.


VIII.

Tôi không nghĩ rằng những chính khách giàu kinh nghiệm sẽ coi những mô tả của tôi về thủ tục trong các cơ quan lập pháp hiện nay là sai, mặc dù có thể họ sẽ coi những điều đối với tôi là có hại và có thể tránh được là những điều có lợi và tất yếu. Nhưng họ không nhất thiết phải cảm thấy bị xúc phạm khi nghe thấy cách mô tả rằng thủ tục đó là hình thức tống tiền và tham nhũng đã được thể chế hoá, bởi lẽ chính chúng ta mới là người duy trì các thể chế cần thiết để cho họ hành động nếu chúng ta còn muốn họ có thể làm bất cứ việc tốt nào.

Trong chừng mực nhất định, sự thoả hiệp mà tôi đã nhắc đến có lẽ là điều không thể tránh khỏi trên thực tế trong chính quyền dân chủ.

Điều tôi phản đối là, các thể chế đang thịnh hành đưa việc này vào trong cơ quan tối cao, cơ quan có nhiệm vụ tạo ra luật chơi và kiềm chế chính quyền. Điều không may không phải là có những loại sự việc đó xảy ra – ở chính quyền địa phương, những việc đó có thể không tránh khỏi – mà là chúng xảy ra tại cơ quan quyền lực cao nhất tạo ra luật pháp của chúng ta, những luật pháp được cho là để bảo vệ chúng ra chống lại áp bức và độc đoán.

Một hệ quả quan trọng nữa và rất đáng mong muốn trong việc phân tách quyền lực lập pháp ra khỏi quyền lực chính quyền là, việc đó sẽ loại bỏ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tập trung quyền lực vào trung ương ngày càng nhiều. Ngày nay, đây là hệ quả của một thực tế là, do hậu quả của việc hoà trộn quyền lực lập pháp và quyền lực chính quyền vào trong cùng một hội đồng, nên hội đồng này nắm những quyền lực mà không một uy quyền nào nên có trong một xã hội tự do. Dĩ nhiên, ngày càng nhiều nhiệm vụ chính quyền được đưa sang cho hội đồng này bởi nó có thể đáp ứng những yêu cầu cụ thể bằng cách làm ra những đạo luật đặc biệt để đạt được mục đích đó. Nếu như những quyền lực của chính quyền trung ương không lớn hơn những quyền lực của các chính quyền vùng và địa phương, thì chỉ những vấn đề mà quy định thống nhất trên toàn quốc đem lại lợi ích cho tất cả mọi người mới được giao cho chính quyền trung ương xử lý, và đa phần các vấn đề còn lại sẽ được phân về các đơn vị thấp hơn.

Một khi người ta nói chung đều nhận ra rằng, chính quyền đứng dưới luật pháp và các quyền lực không bị giới hạn của các vị đại diện thuộc phe đa số là không thể dung hoà với nhau được, và mọi chính quyền đều được đặt một cách bình đẳng dưới luật pháp, thì không cần giao nhiệm vụ nào ngoài quan hệ đối ngoại cho chính quyền trung ương – cơ quan tách biệt hẳn với hoạt động lập pháp – điều hành; và các chính quyền vùng và địa phương, mà bị giới hạn bởi các đạo luật thống nhất liên quan đến cách thức các chính quyền này có thể buộc các cư dân địa phương phải đóng góp vào ngân sách, sẽ phát triển thành các tập đoàn giống như doanh nghiệp, cạnh tranh với nhau để giành sự ủng hộ của các công dân, những người sẽ bỏ phiếu cho tập đoàn nào đem lại lợi ích cao nhất cho họ so với mức mà họ phải đóng góp [vào ngân sách].

Theo cách này, chúng ta vẫn có thể bảo vệ được dân chủ và đồng thời ngăn chặn được sự chuyển dịch sang cái gọi là “dân chủ toàn trị”, điều mà đối với nhiều người dường như là không thể cưỡng lại được.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Điều này đã được ĐCSVN thừa nhận trong Đại hội Đảng VI năm 1986. Theo Văn kiện Đại hội Đảng VI (NXb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 26-27), thì trong quá trình lãnh đạo nhân dân cả nước đi lên CNXH, ĐCSVN và nhà nước đã mắc những “sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”.
[2]Mises L. (1920), “Economic Calculation in the Socialist Commonwealth”, trong Hayek F. (1935), Collectivist Economic Planning: Critical Studies on The Possibilities of Socialism, Clifton, New Jersey: Augustus M. Kelley Publisher; Và Hayek F. (1945), “The Use of Knowledge in Society”, American Economic Review, Số 35, tr. 519-30.
[3]Gần đây công tác kế hoạch hoá (KHH) ở Việt Nam đã có sự chuyển hướng mạnh hơn từ hệ thống KHH tập trung, mệnh lệnh cứng nhắc sang hệ thống KHH phi tập trung, mang tính dự báo và định hướng phát triển, và tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội thay vì kinh tế; sử dụng các chương trình và dự án có nội dung và phạm vi liên ngành làm công cụ để thực thi các kế hoạch thay vì cơ chế KHH khép kín trong từng ngành, từng vùng lãnh thổ (Lê Huy Đức, Đổi mới kế hoạch hoá: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Thống Kê, 2004). Tuy nhiên, công tác KHH vẫn chưa tách biệt được đâu là vai trò của chính phủ và đâu là vai trò các tổ chức xã hội trong các vấn đề thống kê, dự báo, lập qui hoạch, và xây dựng và thực hiện các chương trình. Kết quả là chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổng công ty, và các tổ chức đoàn thể thuộc Mặt trận Tổ quốc sẽ đảm nhận tất cả các công việc trên. Liên quan đến công tác thống kê và công tác dự báo, tôi cho rằng trong khi công tác đầu cần thuộc về chính phủ thì công tác sau cần được thực hiện bởi nhiều tổ chức nghiên cứu độc lập cạnh tranh với nhau bởi lẽ các kết quả dự báo sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào nhận định chủ quan về tương lai, các loại số liệu thống kê đưa vào dự báo, và cách thức tổng hợp các số liệu thống kê đó. Liên quan đến việc lập qui hoạch, do đây là công tác liên quan đến việc phân định cách thức sử dụng một loại nguồn lực nào đó, nó cần phải được tranh luận công khai bởi đại diện của các nhóm lợi ích có liên quan khác nhau nhằm phát hiện ra các giá trị tiềm tàng có thể sẽ bị mất của loại nguồn lực dự định qui hoạch. Về việc xây dựng và thực hiện các chương trình quốc gia, do đây là công việc liên quan đến phân phối lợi ích, tức mang tài sản của nhóm người này cấp phát cho người khác, nên một mặt cần giảm tối thiểu số lượng các chương trình quốc gia, mặt khác cần hạn chế tối thiểu các nguồn tài chính từ ngân sách cũng như sự tham gia của các tổ chức chính phủ, thay bằng nguồn tài chính và sự tham gia của các tổ chức dân sự độc lập. Tóm lại, công tác KHH của chính phủ cần được giới hạn vào những công việc và mục tiêu mà chính phủ có thể kiểm soát được, như giảm chi tiêu và kích cỡ của chính phủ, xây dựng hệ thống thuế gắn thu với chi, xây dựng hế thống thống kê, các biện pháp ổn định tiền tệ, các vấn đề an ninh, các vấn đề về môi trường thể chế nhằm bảo vệ nhà sản xuất và người tiêu dùng, và một số vấn đề cộng đồng khác như chất lượng dân số, giáo dục, y tế và môi trường.
[4]Trong tác phẩm cuối cùng của mình, Sự tự phụ chết người: Những sai lầm của chủ nghĩa xã hội (The Fatal Conceit: the Errors of Socialism, Routledge, 1988), Hayek phát biểu một mệnh đề tương tự mệnh đề cuối của Wittgenstein trong Tratacus: “cái không thể biết được thì không thể nào hoạch định được – what cannot be known cannot be planned” (tr. 85).
[5]Một trong những nguyên nhân khiến cho một doanh nhân thành đạt ngày hôm nay trở nên có thể bị thất bại vào một thời điểm nào đó trong tương lai là do quá trình sáng tạo diễn ra không ngừng của các doanh nhân khác trong nền kinh tế. Đây là quá trình mà nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter gọi là quá trình phá huỷ do sáng tạo (process of creative destruction) (xem Schumpeter J. 1934, The Theory of Economic Development, Harvard University Press, Cambridge, MA).
[6]Liên quan đến khía cạnh tha hoá “phẩm chất cách mạng” sau này của các doanh nhân cộng sản, tôi cũng muốn nói là, thực tế của những vụ tham nhũng được phát hiện gần đây cho thấy rằng, hệ thống chính trị toàn trị hiện tại khiến cho ngay cả những người công nhân, nông dân, và trí thức tốt nhất, một khi gia nhập ĐCSVN, cũng khó tránh khỏi sự tha hoá.

Nguồn: Bài thuyết trình tại Viện Các vấn đề Xã há»™i, New South Wales, Sydney, ngày 8 tháng 10 năm 1976. Đăng lại trong The Essence of Hayek, Chiaki Nishiyama và Kurt R. Leube biên soạn, nhà xuất bản Hoover Institution, Standford, 1984.