© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
19.7.2006
Trần Trung Đạo
Trí thức xã hội chủ nghĩa, nỗi bất hạnh của dân tộc Việt Nam
 
Tôi nhớ mãi nụ cười của anh, người nông dân xứ Sierra Leone mà tôi chỉ được nhìn trên trang báo. Ngày đọc xong bài báo tôi vội vã vào Internet tìm tấm hình của anh, tải xuống máy, cất giữ kỹ lưỡng và thỉnh thoảng lại lấy ra xem. Tấm hình anh dùng hai chân trái để kẹp lá phiếu bỏ vào thùng trong buổi sáng đẹp trời ngày 14 tháng 2 năm 2002 trên quê hương chưa phai mùi súng đạn của anh sẽ không bao giờ quên trong ý thức tôi. Tôi đã viết một bài ngắn về anh và hôm nay tôi lại muốn viết thêm. Tên anh là Ismail Darramy. Trước đây, có lẽ ngoài gia đình anh, không ai biết đến anh, một nông dân bình thường của một quốc gia châu Phi xa cách. Nhưng nụ cười của anh, hai cánh tay cụt của anh, bàn chân trái kẹp lá phiếu của anh xuất hiện trên mặt báo đã trở thành biểu tượng cho khát vọng tự do dân chủ của những ai đang tranh đấu cho những quyền căn bản của con người.

Anh Ismail Darramy tươi cười là phải. Hôm đó là ngày anh đi bỏ phiếu để bầu nên một chính phủ dân chủ đầu tiên cho quê hương anh sau một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài suốt 11 năm. Nụ cười của anh đúng nghĩa là nụ cười chiến thắng. Vâng, anh Darramy cuối cùng đã chiến thắng trước súng đạn của quân phản loạn được mệnh danh là Mặt trận Đoàn kết Cách mạng Sierra Leone (RUF). Không có chiến thắng nào mà không phải hy sinh. Anh Ismail Darramy đã hy sinh cả hai bàn tay, không phải ngoài mặt trận mà trong phòng bỏ phiếu. Trong cuộc bầu phiếu cưỡng bách và gian lận lần trước, anh đã nhất định không bỏ phiếu cho quân phiến loạn RUF. Chúng đã trả thù bằng cách chặt đứt cả hai bàn tay bỏ phiếu của anh. Vì không có hai tay, anh đã phải dùng chân để bỏ phiếu.

Anh chịu đựng đớn đau, vợ con anh đói khổ khi anh không còn tay để canh tác cũng chỉ vì một lá phiếu. Thế nhưng, nếu ai hỏi anh Ismail Darramy dân chủ là gì, đa nguyên là gì, thế nào là các nguyên tắc phân quyền trong một xã hội pháp trị, tôi nghĩ, anh Ismail chắc sẽ vô cùng lúng túng. Dân chủ đối với anh Ismail Darramy là quyền tự nhiên mà bất cứ một con người cũng phải có, như con nai được uống nước bên bờ suối, con cá được lội tung tăng dưới sông, con sâu đo mình trên cọng lá xanh, con chim hót trên cành. Bình thường và đơn giản như thế đó.

Thế kỷ hai mươi là thế kỷ của nhiều thảm hoạ nhân loại nhưng đồng thời cũng là thế kỷ đánh dấu khả năng của con người có thể vượt qua thảm hoạ bằng con đường dân chủ. Năm 1974, chỉ có 41 nước trong số 150 quốc gia trên thế giới theo chế độ dân chủ, phần lớn là các quốc gia kỹ nghệ tân tiến Châu Âu. Năm 1990, ba phần năm tổng số quốc gia trên thế giới theo chế độ dân chủ. Từ anh chăn cừu trên thảo nguyên Mông Cổ cho đến người thợ mỏ da đen ở Nam Phi đều đã có quyền chọn lựa người lãnh đạo của mình. Và ngày nay, dân chủ đã trở thành một hiện tượng toàn cầu (a global phenomenon) như Giáo sư Larry Diamond của viện Hoover nhấn mạnh. Đọc bảng liệt kê thể chế chính trị của các quốc gia trên thế giới tôi cảm thấy vui buồn lần lộn. Thật vui mừng khi biết trong danh sách các quốc gia theo thể chế dân chủ phân quyền đã có những nước cách đây không lâu còn rên xiết dưới gót độc tài như Congo, Botswana, Nigeria, Zambia, Ethiopia, Nicaragua, Guinea và Serria Leone, quê hương của anh Ismail Darramy, nhưng cũng buồn thay, trong bản liệt kê, một góc nhỏ như tách rời khỏi cộng đồng nhân loại, ghi tên những quốc gia đang bị cai trị bởi một đảng độc tài, trong đó có Việt Nam.

Mỗi khi nhìn tấm hình anh Ismail Darramy tôi lại nghĩ đến Việt Nam. Cực hình anh Ismail gánh chịu quả thật là quá tàn khốc nhưng so với dân Việt Nam thì sự đau đớn mà anh đang chịu còn nhẹ hơn nhiều. Hàng ngàn người Việt Nam không phải chỉ bị mất hai tay nhưng còn bị mất cả đầu chỉ vì dám nói lên tiếng nói thật của lương tâm họ. Nhưng cho đến nay, sau nhiều thế kỷ đấu tranh bằng xương máu, người dân Việt vẫn chưa có cái quyền tối thiểu mà anh Ismail Darramy và phần lớn nhân loại đang có. Ước mơ độc lập tự do của bao thế hệ Việt Nam vẫn còn là mơ ước.

Cho đến đầu thế kỷ 17, Sierra Leone, quốc gia Tây Phi, chỉ là trạm dừng chân của những tay buôn nô lệ. Thủ đô Freetown là nơi những người nô lệ được trả tự do từ châu Âu và châu Mỹ chọn làm quê hương. Vừa bước qua khỏi chế độ nô lệ, dân Sierra Leone lại phải chịu đựng hơn 100 năm dưới ách thực dân Anh cho đến khi được trao trả độc lập vào năm 1961. Được độc lập không bao lâu, quốc gia lạc hậu về mọi mặt này lại lâm vào nội chiến dài 11 năm với hàng trăm ngàn người bị chết. Năm 1999, lịch sử Sierra Leone bước vào một bước ngoặt quan trọng. Với sự can thiệp mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc, nền hoà bình được tái lập và một chính phủ dân sự được bầu lên. Từ một nước bị xem như chậm tiến nhất thế giới, từ năm 2002, Sierra Leone đã chập chững bước đi trên con đường dân chủ hoá và đã đạt được những bước đầy khích lệ không ngờ.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2005, ngoài một số các hiện tượng tiêu cực còn tồn đọng, về nhân quyền, chính phủ Sierra Leone không hề vi phạm một hành động giết người, bắt cóc hay mất tích vì các lý do chính trị. Về tự do báo chí, chính phủ tôn trọng quyền tự do ngôn luận, không có nạn sửa đổi nội dung tác phẩm, bỏ tù tác giả, kiểm duyệt sách báo, ngoại trừ các báo tự kiểm duyệt để phù hợp với luật pháp hay quan điểm riêng của họ. Các bài bình luận chính trị trên các báo đều do chủ bút hay các cây bút bình luận chủ lực đích thân viết chứ không nhận bản sao từ ban tư tưởng trung ương. Mặc dù kỹ thuật, kinh nghiệm nghề nghiệp và tinh thần báo chí của các nhà báo còn thấp, tại thủ đô Freetown cũng đã có 36 tờ báo, phần lớn là báo độc lập, tư doanh hay cơ quan ngôn luận của các đảng phái chính trị. Báo chí có khuynh hướng phê bình các chính sách của nhà nước nhưng không có báo nào bị đóng cửa vì lý do chống đối nhà nước. Vì trình độ đọc chữ còn thấp nên các đài phát thanh vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong truyền thông đại chúng nhưng là những tiếng nói tự do, độc lập chứ không phải chỉ là cái loa của đảng cầm quyền. Luật pháp Sierra Leone tôn trọng quyền tự do hội họp và trong tổng quát, nhà nước tôn trọng quyền đó của người dân. Các cuộc biểu tình do các đảng phái đối lập tổ chức để phản đối một số chính sách của chính phủ thỉnh thoảng vẫn xảy ra nhưng không phải vì thế mà chính phủ lại mang đại pháo xe tăng ra ngăn chặn. Suốt năm 2005 có 11 người biểu tình bị bắt nhưng không phải vì chính kiến bất đồng mà vì cản trở lưu thông công cộng. Khoảng 60% dân Sierra Leone theo đạo Hồi nhưng các tôn giáo khác như Tin Lành, Anh Giáo v.v. có ảnh hưởng qua trọng trong 40% còn lại. Cũng theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính phủ Sierra Leone nói chung tôn trọng quyền tự do tôn giáo và tự do hành đạo. Các xung đột tôn giáo trong một nước mà nhiều nơi còn sinh hoạt theo tập quán riêng của từng bộ lạc, hẳn nhiên khó mà tránh khỏi nhưng phần lớn các xung đột tôn giáo đều được giải quyết bởi một hội đồng liên tôn gồm đại diện các tôn giáo tại địa phương chứ không có bàn tay nhà nước dính vào. Người dân Sierra Leone đi lại trong nước không cần giấy phép, trình báo hay kê khai hộ khẩu khi ở lại đêm. Những người dân Sierra Leone lưu lạc khắp năm châu trong thời chiến được quyền tự do hồi hương và chọn lựa nơi cư trú chứ không bị chỉ định cư trú và không phải đút lót cho các viên chức nhà nước khi mua nhà cửa. Mặc dù Đảng Dân tộc Sierra Leone của tổng thống Ahmad Tejan Kabbah là đảng cầm quyền nhưng có 11 chính đảng khác hoạt động tích cực và đang hăm he giành lấy quyền hành pháp trong cuộc bầu cử tổng thống lần tới. Các chức vụ trong chính phủ và quốc hội đều trải qua những cuộc tranh cử gay go nhưng không gây đổ máu. Cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên năm 2002 dưới sự giám sát quốc tế được xem như công bằng và trong sạch. Vào năm 2004, các chức vụ cấp địa phương cũng đã được bầu bán một cách tự do chứ không còn do nhà nước trung ương chỉ định như trước nữa.

Sierra Leone còn rất lâu để trở thành một nước cường thịnh hay xây dựng cho họ một căn nhà dân chủ ổn định nhưng ít nhất họ đã đặt được những viên đá cần thiết làm nền móng cho một cơ chế chính trị nơi đó quyền của con người được luật pháp bảo vệ, một nền kinh tế có khả năng kích thích sản xuất, nâng cao đời sống, và một xã hội trong sạch nơi các thế hệ măng mon của Sierra Leon sẽ trưởng thành trong hy vọng. Họ có được điều đó nhờ sự giúp đỡ tận tình của các nước dân chủ qua trung gian của Liên Hiệp Quốc về kinh tế cũng như về quân sự nhưng chắn chắn phần chính vẫn nhờ vào những người như anh Ismail Darramy.

Khác với Việt Nam, đất nước Sierra Leone không có bốn ngàn năm văn hiến, không có những thời đại hiển hách Lý Trần, phá Tống bình Chiêm, Rạch Gầm Xoài Mút. Người dân xứ Sierra Leone không có nhiều quá khứ. Lịch sử của đất nước họ là một chuỗi ngày buồn. Tổ tiên họ là những nô lệ được trả tự do nhưng không có một nơi để trở về. Thậm chí, trong số 400 người đầu tiên đến Sierra Leone vào năm 1787, có 70 người là gái bán dâm lưu lạc. Theo tài liệu của Ngân hàng Thế giới, trong số 6 triệu người dân Sierra Leone chỉ có 29% dân số trên 15 tuổi là biết đọc biết viết và chỉ có 44% trẻ em trong tuổi đi học đã có cơ hội đến trường.

Thế nhưng tại sao Sierra Leone có dân chủ mà Việt Nam thì chưa?

Nhiều lý do để giải thích nhưng tôi nghĩ một trong những lý do Việt Nam chưa có dân chủ, không phải vì tỉ lệ người dân biết đọc và viết tại Việt Nam thấp hơn con số 29% hay số học sinh ghi danh đi học ít hơn con số 44% của Sierra Leone, mà trái lại, vì thành phần có học, có hiểu biết, khoa bảng, lao động trí óc, hoạt động tri thức, được gọi chung là thành phần là trí thức trong xã hội Việt Nam quá cao. Việt Nam ngày nay không còn là đất nước ra ngõ gặp anh hùng mà bước ra ngõ nếu không chạm mặt tiến sĩ thì cũng đụng đầu thạc sĩ.

Trước khi viết về thành phần trí thức này tôi xin dừng lại một phút để cám ơn những trí thức, những văn nghệ sĩ Việt Nam chân chính đang công khai hay âm thầm tranh đấu cho một nước Việt Nam mới, tốt đẹp, tự do và dân chủ trong điều kiện và hoàn cảnh riêng của họ. Trong giờ phút này, tôi thật sự tin, ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, trái tim của những trí thức, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo chân chính đó vẫn nhịp chung nhau một nhịp, vẫn nghĩ đến nhau dù đang đi trên nhiều ngả đường tranh đấu khác nhau và tuy không nói ra, trong tâm thức, họ vẫn hẹn nhau chung một nẻo về cũng như cùng hướng đến một bình minh dân tộc.

Thế nhưng, thành thật mà nói lực lượng trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam chân chính còn quá ít để kéo nổi con tàu cách mạng với những toa sét rỉ và chất đầy quá khứ. Trong khi đó, đại đa số trí thức Việt Nam chịu cong lưng làm nô lệ tri thức cho giới lãnh Đảng Cộng sản mà thờ ơ trước những vấn nạn của đất nước mình. Thành phần trí thức đảng nô này, chẳng những không đóng góp được gì vào việc làm thăng tiến xã hội, thúc đẩy nhanh hơn cuộc cách mạng tự do và nhân bản đất nước, giúp đưa dân tộc chúng ta vượt qua những bế tắc tư tưởng và chính trị để hội nhập vào dòng thác tiến bộ của nhân loại, mà với khả năng bồi bút họ đã trở thành bức tường chắn ngang tiến hình đó.

Đọc bài báo tố tham nhũng nhưng chính là để nịnh Đảng một cách vụng về của bà Tôn Nữ Thị Ninh, người được báo chí trong nước ca ngợi như “trí thức hàng đầu” trên tạp chí Cộng Sản cuối tháng 6 vừa qua để thấy đặc tính đảng nô trong giới khoa bảng tại Việt Nam trầm trọng đến mức nào.

Bà Ninh viết: “Cần có một cơ chế "đối trọng" (phương Tây gọi cơ chế này là checks and balances). Đối trọng của ta là trong phạm vi chế độ, là sự kiểm tra giám sát của các đoàn thể quần chúng, chứ không phải là đối trọng về chính trị. Quốc hội có vai trò, tư pháp cũng phải độc lập, đoàn thể phải vào cuộc, nếu không hệ thống chính trị của ta sẽ không có cơ chế tự điều tiết.

Hẳn nhiên, với trình độ giáo dục cấp thạc sĩ, tiếp cận nhiều với sinh hoạt chính trị dân chủ Âu Châu trước đây, bà Ninh biết rõ khái niệm kiểm soát và cân bằng (checks and balances) để chỉ sự kiểm soát lẫn nhau và giữ sự cân bằng giữa các ngành trong các chế độ dân chủ pháp trị. Nguyên tắc này ra đời nhằm giới hạn quyền hành của chính phủ thường rất dễ bị lạm dụng. Sự đối trọng giữa các ngành trong cơ chế chính trị chỉ hữu hiệu khi các ngành đó có được sự độc lập về quyền hạn và trách nhiệm. Tại Việt Nam ai đối trọng với ai, ai kiểm soát ai và ai cho phép tạo nên sự cân bằng quyền lực trong hệ thống chính trị bị chỉ đạo bởi một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản?

Là một đảng viên cộng sản từ ngày 10 tháng 12 năm 1988 theo hồ sơ Quốc hội Việt Nam, hơn ai hết bà Tôn Nữ Thị Ninh biết cái chức gọi là “đại biểu Quốc hội” của bà chẳng phải do người dân Vũng Tàu nào tự nguyện bầu bà lên mà chỉ là trách nhiệm Đảng giao phó cho bà. Như một người dân Việt Nam, hơn ai hết bà biết quần chúng tại Việt Nam chẳng có một chút quyền hành chính trị nào ngoài cái quyền than thân trách phận. Biết mình đang nói sai, biết mình đang nói dối mà vẫn nói ngon, nói ngọt cũng là một đặc tính đáng ghi nhận khác của giới trí thức đảng nô tại Việt Nam.

Một đoạn văn trong bài viết của Tiến sĩ Cao Đức Thái trên báo Nhân Dân ngày 10 tháng 9 năm 2004 bàn về nhân quyền:“Gần hai mươi năm qua, công cuộc đổi mới đã đem lại những thành tựu về quyền con người cực kỳ to lớn cho nhân dân Việt Nam. Quyền con người đã được khẳng định trong Cương lĩnh, đường lối của Ðảng, trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Nhà nước ta đã gia nhập ký kết và phê chuẩn hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Từ năm 1986 đến năm 2003, Nhà nước ta đã ban hành (Luật mới và sửa đổi) hơn 40 bộ luật, 120 pháp lệnh, trong đó đã nội luật hoá tất cả các Công ước và Nghị định thư quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.”

Các quyền cơ bản mà ông muốn nói phải chăng là quyền bầu cử, ứng cử, phát biểu, hội họp, đi lại, tín ngưỡng, bình đẳng trước pháp luật, thành lập công đoàn?

Là một quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc, nhà nước Việt Nam hẳn không thể không công nhận công ước quốc tế quan trọng hàng đầu và có tính cách chủ đạo về quyền cơ bản của con người là Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (Universal Declaration Of Human Rights) được công bố vào năm 1948 cùng với hai công ước liên hệ là Công ước Quốc tế về Những quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant On Civil And Political Rights, International Covenant On Economic, Social And Cultural Rights) được công bố năm 1966 và Công ước Quốc tế về Những quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá (International Covenant On Economic, Social And Cultural Rights). Tôi không biết Tiến sĩ Cao Đức Thái đã đọc các công ước trên chưa, nếu chưa xin tìm đọc để biết nhà nước Việt Nam từ khi gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1977 đến nay, “đã ký kết và phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế” nhưng chưa thực hiện được một điều nào trong các công ước quốc tế nhân quyền đó.

Giới trí thức Việt Nam thích nói những về những điều lẽ ra họ không nên nói nhưng lại im lặng trước những sự kiện đáng nói.

Trong số vài chục bài viết góp ý với Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngoài loạt bài của nhà văn Trần Mạnh Hảo, có bao nhiêu bài phát xuất từ mấy chục ngàn tiến sĩ, thạc sĩ, nhà văn, nhà thơ Việt Nam trong nước viết ra?

Theo nhà văn Trần Mạnh Hảo, trong buổi trả lời phỏng vấn dành cho đài BBC tối 29 tháng 3 năm 2006, một trong những lý do của sự im lặng đó là ươn hèn. Nhà văn nói: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì dũng khí cuả người Việt Nam bị tước sạch, không còn dũng khí nữa. 1000 năm Tàu nó đô hộ, đàn áp cũng khiếp. 100 năm Tây nó đô hộ, đàn áp cũng khiếp lắm. Thế mà người dân Việt Nam càng dũng khí càng anh hùng. Nhưng có năm mươi mấy năm mà Đảng Cộng sản nó tước hết ý chí anh hùng của người dân Việt Nam và giới trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam, gần như trong bụng toàn thỏ đế, toàn cáy. Đấy là một bi kịch vĩ đại của dân tộc, đấy là nỗi thống khổ lớn nhất của dân tộc hiện nay.”

Cách đây vài hôm, em Lương Duy Phương, 26 tuổi, trong buổi phỏng vấn của đài VOA, đã đưa ra câu hỏi rất đơn giản, đại ý rằng tại sao 80 triệu dân Việt Nam lại phải cong lưng đóng thuế để trả lương bổng, mua xe cộ mới, xây nhà cửa nguy nga, trang bị văn phòng và hàng trăm thứ các chi phí cho Đảng Cộng sản, một đảng mà họ không phải là đảng viên. Vấn đề em Lương Duy Phương nêu ra rất hay tuy không phải là hoàn toàn mới lạ nhưng trong ba vạn trí thức khoa bảng, gần một ngàn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có ai đã từng hỏi một câu tương tự như em chưa?

Nếu cho rằng các tiến sĩ, thạc sĩ, nhà văn nhà thơ Việt Nam tránh né các vấn đề chính trị vì họ không thích thì các vấn đề xã hội, đạo đức, sĩ diện dân tộc như chuyện các phụ nữ Việt Nam bị bạc đãi, hạ nhục tại Đài Loan, Nam Hàn, chuyện hàng trăm em bé Việt Nam tuổi vị thành niên đang làm điếm ở Miên tại sao cũng không được ai nhắc đến?

Trong 30 năm qua, hàng trăm ngàn người con gái Việt Nam vì chén cơm manh áo, vì phải kiếm tiền phụng dưỡng cha mẹ già, đã phải bỏ xứ ra đi làm vợ, đúng ra là nô lệ tình dục cho các ông già Đài Loan bằng tuổi cha chú họ, nhiều cô gái Việt bị đem rao bán giữa chợ như những nô lệ Phi Châu thế kỷ 16, bị đánh đập ném trần truồng trên đường phố Đài Loan nhưng có nhà văn nhà thơ nào nhỏ xuống một dòng mực tiếc thương thông cảm cho họ chưa?

Ngày 1 tháng 5 năm ngoái, tàu hải quân Trung Quốc ngang nhiên tiến vào lãnh hải Việt Nam, chẳng những bắn chết hàng chục ngư dân Thanh Hoá đang đánh cá dọc bờ biển mà còn bắt sống gần hết những người còn lại. Nhà nước Việt Nam vì cái mũ kim cô đang hành đau nhức nhối trên đầu đành phải nhỏ nhẹ với đàn anh Trung Quốc, nhưng ít ra những trí thức, nhà văn, nhà thơ phải lên tiếng. Tiếng nói của lẽ phải và lương tâm dân tộc dù không trả thù được cho đồng bào đã chết, dù không giải quyết được cuộc xung đột lãnh hải thì ít ra họ cũng nên dùng cơ hội đau thương đó để nhắc nhở đồng bào cái hoạ phương Bắc từ thời Phong Châu lập quốc vẫn còn đó và cũng để nhắn với các thế hệ trẻ Việt Nam trong cũng như ngoài nước, các em hãy ráng học, ráng đoàn kết nhau, ráng vượt qua những ao tù nước đọng ươn hèn của thế hệ cha anh, và ráng tìm ra một con đường thoát chung cho dân tộc. Nhưng không, ngoại trừ vài bản tin ngắn trên các tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động không một tiếng nói, bài viết nào từ phía thành phần trí thức, từ ông chủ tịch đến hơn 800 hội viên hội viên Hội Nhà văn khắp nước đều im như hến, dường như họ xem đó không phải là việc của họ.

Thật vậy, tôi có cảm tưởng rằng xã hội Việt Nam ngày nay là một xã hội được khoanh vùng có biên giới rõ rệt giữa các thành phần xã hội và các thành phần này cùng tồn tại bằng thoả hiệp.

Các thành phần xã hội đó, kể cả Đảng Cộng sản, cần một vùng đất sống riêng cho họ và thoả hiệp không xâm phạm quyền lợi của các thành phần khác. Đảng Cộng sản thoả hiệp với các thành phần trí thức vì mục đích duy trì độc quyền lãnh đạo đất nước. Giới trí thức thoả hiệp với Đảng để được ban phát danh lợi. Giới văn nghệ sĩ thoả hiệp với Đảng để các điều kiện sáng tác, in ấn, phát hành được nới rộng hơn, được đi Tây, đi Mỹ dễ dàng. Các bè phái tham ô thoả hiệp với lãnh đạo Đảng và nhà nước để được tiếp tục tham nhũng cho đến khi bị lộ. Chỉ có những người cùng khổ, thấp cổ bé miệng nhưng chiếm đa số trong xã hội, là không ai cần thoả hiệp mà họ cũng chẳng biết thoả hiệp với ai ngoài số phận hẩm hiu đầy bất hạnh của mình.

Quan hệ giữa giới trí thức và giới lãnh đạo Đảng Cộng sản chẳng khác gì quan hệ giữa trai tứ chiếng và gái giang hồ, họ khinh rẻ nhau, coi thường nhau nhưng vẫn sống với nhau và nếu cần sẽ bao che, binh vực và bảo vệ cho nhau.

Điều đó giải thích việc Đảng Cộng sản vẫn còn tăng trưởng về số lượng hàng năm. Mỗi ngày vẫn có người, trong đó có những cô cậu đoàn viên, đối tượng Đảng vừa tốt nghiệp đại học, vừa bảo vệ xong luận án thạc sĩ, tiến sĩ, đã cố phấn đấu vào Đảng cho được. Giấc mơ giám đốc, tổng giám đốc, thứ trưởng, bộ trưởng, nhà cao cửa rộng khó có thể trở thành hiện thực nếu không phải là đảng viên cộng sản. Khác với thời chiến tranh việc gia nhập Đảng Cộng sản ít ra cũng còn có chút gì gọi là lý tưởng, ngày nay việc tham gia Đảng Cộng sản nếu không phải vì quyền lực thì cũng chỉ vì quyền lợi.

Trừ trường hợp một anh bộ đội nào đó chẳng may đi lạc giữa dải Trường Sơn trùng điệp từ trước 30 tháng 4 năm 1975 đến nay mới tìm được lối ra, tương tự chuyện những anh lính Nhật trong các hoang đảo Philippine sau thế chiến thứ hai, thật khó có một người bình thường nào còn tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, vào bình minh của cách mạng vô sản toàn thế giới. Tôi nghĩ điều khó chịu nhất của một tân đảng viên cộng sản khi đưa tay tuyên thệ vào Đảng sáng hôm nay là làm thế nào giấu được sự ngượng ngùng khi lặp lại một trong những nhiệm vụ của người đảng viên cộng sản: “Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.”

Anh ta ngượng ngùng là phải bởi vì anh phấn đấu vào Đảng chẳng qua là để có cơ hội sống ngược với những lời anh vừa tuyên thệ.

Trong suốt dòng lịch sử, trí thức luôn đóng một vai trò quan trọng đối với sự thịnh suy của dân tộc. Câu “sĩ, nông, công, thương” trong đó sĩ đứng hàng đầu không phải tự nhiên mà có. Sự kính trọng đó bắt nguồn từ những gắn bó của giới trí thức với đại đa số quần chúng và những giá trị mà họ đã dùng để dẫn dắt quần chúng. Tiếc thay, giới trí thức ngày nay bị cuốn hút quá sâu vào bộ máy công danh và quyền lực, để làm mất đi tác phong tư cách của một người trí thức, lẽ ra phải có tinh thần phê phán, khao khát mở mang trí tuệ, biết vui niềm vui của dân tộc và cũng biết đau cái đau của đất nước mình.

Tại ai?

Rất dễ dàng đổ thừa cho các chính sách ngu dân của Đảng Cộng sản. Điều đó đương nhiên. Mục đích hàng đầu của Đảng, không khác gì thời thực dân, là duy trì quyền lãnh đạo đất nước và tất cả chính sách từ kinh tế chính trị đến văn hoá giáo dục đều phục vụ, hay ít nhất không có quyền đi ngược lại mục đích đó. Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ba chục năm qua đã làm đảo lộn mọi giá trị đạo đức truyền thống dân tộc và ngăn chặn mọi tư duy độc lập. Những khái niệm “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” nghe xa vời như chuyện cổ tích. Tâm hồn tuổi trẻ còn tương đối trong sáng vừa bước ra khỏi trường đại học đã bị miếng mồi danh lợị, ích kỷ, tham lam làm thui chột. Tuy nhiên, đáng trách nhất vẫn chính từ bản thân giới trí thức. Thời đại của Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc và các phó sản độc hại khác của Thép đã tôi thế đấy đã qua rồi. Ngày nay, cánh cửa tư duy khoa học chưa mở hết, bức tường lửa vẫn còn nóng bỏng, sự thật lịch sử vẫn còn bị bưng bít nhưng ánh sáng đã lọt vào căn nhà Việt Nam qua nhiều kẻ hở, đặc biệt là Internet và các phương tiện thông tin khác. Tiếc thay, giới trí thức trẻ tại Việt Nam vẫn còn quá thụ động, thờ ơ trước những vấn nạn của đất nước như hoạ sĩ Nguyễn Minh Thành nêu ra trong buổi phỏng vấn với đài BBC hôm 29 tháng 3 năm 2006: “Như tôi biết các bạn bè đồng nghiệp của tôi đa phần thì nghiêng về xu hướng hãy tập trung vào là nghệ thuật, đừng có vướng vào những chuyện chính trị, chính trường này kia. Nhất là các thế hệ gần đây, thế hệ trẻ càng về sau thì họ chia ra làm hai quan tâm chính. Một là đời sống tự nhiên bình thường, giải trí vui chơi. Hoặc một quan tâm khác nữa là quan tâm về mặt vật chất và giàu về kinh tế. Kể cả các văn nghệ sĩ và các hoạ sĩ thì phần lớn cũng có các suy nghĩ giống như vậy.” Không ít trí thức trẻ có cơ hội học tập ở nước ngoài, được làm quen với môi trường dân chủ, được sinh hoạt trong không khí tự trị đại học, nhưng khi về nước họ lại giống như những con ngựa chở rau ra tỉnh, chấp nhận để bị bịt tai, che mắt làm tôi mọi cho tầng lớp lãnh đạo độc tài học lực trung bình không quá cấp ba.

Với một đội ngũ trí thức 3 vạn người, đông gấp 5 lần Thái Lan, 6 lần Mã Lai, mà đất nước vẫn chìm đắm trong độc tài đảng trị thì đội ngũ đó không phải là niềm hãnh diện mà là một nỗi bất hạnh cho dân tộc Việt Nam.

© 2006 talawas