© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
31.7.2006
Ta Lo
Thưa chị Ban Mai,

Anh Lê Hiếu Đằng nhờ tôi chuyển đến chị lời cảm ơn. Anh ấy cho biết không muốn nhận lời “xin lỗi” của chị vì chị đã “viết sai chức danh” của anh ấy: anh ấy cho biết cái “chức danh” ấy chẳng có gì là quan trọng – cùng với nhiều điều khác, nếu nó được viết “sai” để trở thành một thứ mà chị cho là “lỗi” thì tất cả cũng chỉ bắt nguồn từ sự xuyên tạc một cách toàn diện của cái nguồn tài liệu được viện dẫn trong bài viết của chị thôi.

Tuy vậy anh ấy cho biết anh không muốn nói thêm gì nữa khi thấy chị đã thừa nhận cần phải “tỉnh táo” và “thận trọng” với các nguồn tin đặc biệt “có liên quan đến cá nhân” (trong đó bản thân anh là một trường hợp được nhắc đến một cách quá sai lạc). Tôi cũng nghĩ như vậy và thấy không cần thiết phải “thày lay” thêm giùm anh ấy nữa. Những gì tôi viết cho chị hôm nay chỉ là ý kiến của riêng tôi về những điều chị gợi ra, rộng hơn chuyện có liên hệ đến cá nhân anh Đằng.

Trước hết là chuyện về mối quan hệ giữa ông Võ Văn Kiệt và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ đề hiểu thêm mối quan hệ này chị hãy đồng ý với tôi là cần phải khẳng định lại rằng nó không dính dáng gì đến chuyện đã nói giữa Lê Hiếu Đằng và Trịnh Công Sơn cả: trước 30-4 Lê Hiếu Đằng không hề đòi “xử tử” Trịnh Công Sơn, nên sau 30-4, Trịnh Công Sơn không hề sợ bị Lê Hiếu Đằng “xử tử’ phải chạy về Huế, từ đó cũng không hề có chuyện ông Võ Văn Kiệt “đánh tiếng” Trịnh Công Sơn có thể vào Sài Gòn vì đã có ông “che chở” (để khỏi bị Lê Hiếu Đằng “xử tử”)!

Trong thực tế, theo tôi biết được một cách trực tiếp, thì mối quan hệ giữa Trịnh Công Sơn với Võ Văn Kiệt chỉ xảy ra sau khi Trịnh Công Sơn đã vào lại Sài Gòn một thời gian (sinh hoạt trong Hội Nhạc sĩ Thành phố) và chỉ diễn ra thực sự vào khoảng 1979, khi ông Võ Văn Kiệt chuyển từ công tác đặc trách kinh tế (với chủ trương “tháo gỡ khó khăn”, cho phép những hoạt động “ba lợi ích”…) sang phụ trách lập lại “trật tự” cho tình hình văn hoá văn nghệ rối ren lúc bấy giờ (thứ văn nghệ gọi là “đồi truỵ” và “thực dân mới” được báo động là đang có xu hướng hoành hành trở lại). Cũng xin cung cấp một thông tin này: nhà báo Thép Mới (đã mất) bấy giờ là người chuyên viết những bài phát biểu về văn hoá văn nghệ cho ông Võ Văn Kiệt.

Là người đang nắm giữ chức vụ quan trọng (Bí thư Thành uỷ, uỷ viên Bộ Chính trị), được tiếng là “chịu chơi”, “cởi mở”, Võ Văn Kiệt đã có điều kiện tập hợp được một số đông văn nghệ sĩ, trí thức, đặc biệt là những người thuộc xu hướng “khuynh tả” hoặc “yêu nước” tiêu biểu của miền Nam trước đây (như Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung, Sơn Nam, Phan Lạc Tuyên v.v…) để “triển khai” công tác mới của ông, trong số đó có Trịnh Công Sơn và sở dĩ Trịnh Công Sơn được quan tâm thì cũng không ngoài mục đích chính trị của người mà anh em thường gọi là “anh Sáu Dân”. Ai có dính dáng đến phong trào văn nghệ của “anh Sáu Dận” vào lúc đó đều nhớ, chị hãy tìm hiểu để biết thêm, nếu thấy cần thiết cho công việc.

Chị có dẫn bài viết của Nguyễn Quang Sáng (rất thân với Võ Văn Kiệt lẫn Trịnh Cơng Sơn), nói về cái cảm tình “chiến sĩ-nghệ sĩ” của Võ Văn Kiệt với Trịnh Công Sơn để chứng minh cho điều mà chị gọi là “tình bạn” có thật giữa hai người. Tôi không nghĩ khác nhưng xin được nói với chị rằng tình cảm ấy nếu có thì cũng rất “tế nhị” (đối với cả Trịnh Công Sơn, TCS chết rồi tôi không muốn nói ra) và dứt khoát không thể diễn ra bên ngoài cái bối cảnh công tác của ông Võ Văn Kiệt. Chắc chị có biết điều này: trong lúc Trịnh Công Sơn và nhiều bạn bè vui vẻ nâng ly trong những buổi chiêu đãi trước những đặc sản “rùa, rắn” do “anh Sáu” sai mang từ miền Tây về Sài Gòn thì đã có không ít văn nghệ sĩ và trí thức miền Nam thuộc “chiến tuyến khác” phải âm thầm rầu rĩ trong những trại cải tạo.

Dù cởi mở, dễ thương đến thế nào, với những người đang phải giữ cương vị như Võ Văn Kiệt, tình cảm không thuần tuý là “nghệ sĩ” đâu, thưa chị Ban Mai! Nguyễn Quang Sáng kể rằng trong những năm “cơm độn bo bo, có lần anh Sáu gởi gạo đến gia đình Trịnh Công Sơn” đó là chuyện nhiều người biết. Xin được nói thêm với chị điều này: về mặt ứng xử chính trị, thái độ ấy không phải là một cái gì quá đặc biệt, đơn nhất của ông Võ Văn Kiệt đâu. Nhiều anh em khác (không tiện kể tên) cũng đã được hưởng nhiều “ưu ái” của ông ta (còn đáng “cảm động” hơn nữa kìa), nhưng do họ không “tiêu biểu” và không cần làm cho trở thành “tiêu biểu” như trường hợp Trịnh Công Sơn nên ít nguời biết đến thôi.

Ngoài mối quan hệ giữa Võ Văn Kiệt và Trịnh Công Sơn chị cũng có nêu ra vấn đề sử dụng tài liệu tham khảo trong nước và ngoài nước, mà nếu không hiểu lầm, tôi thấy đã được chị đặt ra dưới hai khía cạnh. a) Trong nghiên cứu nếu chúng ta phải xứ lý thận trọng với những tài liệu hải ngoại thì cũng phải ghi nhận đến tình trạng những thông tin ở trong nước không hoàn toàn trung thực (vì “báo chí luôn luôn bị đặt trong tình cảnh bị kiểm duyệt”). b) Trước tình trạng đó vấn đề đặt ra là: liệu chúng ta có quyền “thu thập tài liệu của tất cả người Việt trên thế giới để tìm hiểu sự thật lịch sử của đất nước mình” và liệu chúng ta “có được phép nói lên những suy nghĩ thật của lòng mình”?

Thưa chị Ban Mai! Với những câu hỏi này, tôi e rằng nếu tìm cách trả lời chị thế nào tôi cũng không tránh khỏi đưa ra những điều thừa thãi, không thì cũng rơi tõm vào cái tội lên mặt dạy đời. Lý do là vì tôi thấy chị đã giải đáp rồi. Rất hay. “Khi nghiên cứu, người ta cần tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn để có cái nhìn toàn diện và khách quan”. Tất cả “đều phải được nhìn nhận một cách tỉnh táo và thanh lọc vì bao giờ cũng có nhiều quan điểm trái ngược”. Trong thư gửi chị lần trước, tôi có nói gì khác đâu. Tôi chỉ đề nghị chị “cần chú ý kiểm tra lại một chút” để tránh những sai lầm đáng tiếc trong nghiên cứu, biên khảo – nhất là điều đó quan hệ đến sinh mệnh tinh thần của một con người. Vấn đề then chốt ở đây là sử dụng một cách có phê phán các nguồn tài liệu khác nhau thôi.

Riêng với “những thông tin có liên quan đến cá nhân” chị cũng đã viết rất rõ ràng theo hướng đó và cho biết “sẽ hết sức thận trọng và tìm cách kiểm tra trước khi viết”, dù trong điều kiện hiện nay, như chị nói điều đó là “tương đối”. Tôi thấy chị viết rất thuyết phục. Nếu có nhấn mạnh và đề nghị chị lưu ý một cách đặc biệt đến việc “sử dụng tư liệu của những website hải ngoại nói về những người trong nước”, tôi nghĩ điều đó cũng đã nằm trong những gì chị đã trình bày: giả định chị đã nhận ra từ cái nguồn tư liệu phong phú và rất “dân chủ” này đầy đủ những cái hay và cái dở của chúng để “thanh lọc” như chị viết.

Cũng vì thế mà đọc những dòng kết thúc trong thư của chị, tôi có cảm giác như chị đã nêu ra những câu hỏi thừa với bản thân chị, với những điều chị đã trả lời rồi. Và điều đó khiến tôi hơi bỡ ngỡ. Xin chị cho phép tôi đưa ra ý nghĩ sau đây: hay là chị chưa tiếp xúc được thật đầy đủ những website hải ngoại ấy để thấy được thật rõ tính chất rất nhiều mặt của chúng? Hay vì là phụ nữ, chị ít quan tâm đến những xung đột gay gắt, đau thương, đẫm máu, đầy bi kịch đã diễn ra trong quá khứ, mà di tích ngày nay của chúng vẫn còn biểu hiện ở những lời nguyền rủa, chửi bới, xuyên tạc, bêu rếu, chụp mũ, hận thù đầy dẫy trên các phương tiện tuyên truyền cực đoan của hai bên, đặc biệt, do hoàn cảnh phân ly chính trị và ý thức hệ, đã diễn rất dữ dội ở “khung trời hải ngoại”?

Xin chị hiểu cho: đấy chỉ là giả thuyết do tôi tưởng ra thôi. Nếu đúng thì xin đề nghị chị để dành vài hôm, rảo qua một vòng các website hải ngoại thì sẽ thấy ngay ý nghĩa của lời đề nghị của tôi. Nếu không đúng thì xin chị nhận nơi đây muôn vàn lời tạ lỗi của một “lão nhà văn” nghiệp dư cùng với những “lời đề nghị khiếm nhã” của ông ta!

Chúc chị vui khoẻ.

Sài Gòn 29-7-2006

Ta Lo