© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
Loạt bài: Đồ gốm cổ Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
2.8.2006
Phong Uyên
Một vài thắc mắc khi đọc những bài về đồ gốm cổ Việt Nam của Bùi Ngọc Tuấn
 
Là người ham mê sưu tầm đồ sứ cổ Trung Hoa từ hơn 20 năm nay và sống ở nước ngoài, nên về đồ sứ này tôi có rất nhiều dịp đọc sách, đi thăm các Viện Bảo tàng Âu Mỹ, tiếp xúc với các nhà chuyên môn, tôi học hỏi được nhiều. Trái lại, sự hiểu biết của tôi về đồ sứ Việt Nam rất giới hạn, nhất là đồ sứ Chu Đậu vừa mới được khám phá ra. Vì vậy tôi rất thích thú được đọc những bài viết về đồ gốm cổ Việt Nam của Bùi Ngọc Tuấn trên talawas. Cám ơn talawas và tác giả rất nhiều. Tuy nhiên có một vài điểm khiến tôi thắc mắc và có những điểm nói về đồ sứ Trung Hoa của tác giả tôi không đồng ý. Vì những lý do nào, tôi xin trình bày sau đây:

Điểm thắc mắc thứ nhất : Theo tác giả, đồ sứ Chu Đậu được khám phá nhờ ông Makato Anabuki người Nhật đọc được chữ Hán trên một bình trưng bày ở Điện Topkapu Saray ở Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ nên biết là đồ làm ở Chu Đậu Việt Nam vào năm 1450 đời vua Lê Nhân Tông. Tôi có thăm Điện này cách đây hơn 10 năm: Trong số mấy trăm đồ sứ Trung Hoa phần nhiều đời Minh trưng bày, tôi có thấy bình đó kèm thêm chú thích là nguyên gốc ở Việt Nam, nhưng vì không giỏi chữ Hán nên tôi không biết bình đó xuất sứ từ Nam Sách Hải Dương . Tôi xin đặt một câu hỏi: Từ hồi đó, chính phủ Việt Nam đã gửi nhà chuyên môn nào qua nghiên cứu về cái bình đó chưa? Vì từ cái bình còn giữ được nguyên vẹn trong viện bảo tàng (chứ không phải đào từ đất vớt từ biển), ta có thể biết một cách chính xác không những thời gian sản xuất, nơi xuất xứ mà còn nhận dạng được những đồ sứ Chu Đậu còn hiện hữu trong nước hay trên thế giới. Tôi lấy một tỉ dụ mà các nhà sưu tầm đồ sứ Trung Hoa đều biết: Nhờ một cặp bình đồ sộ (cao 63,6cm) gọi là bình "David" trưng bày tại Viện Bảo tàng Percival David Foundation ở London có hàng chữ đề tên họ một gia đình năm 1351 tặng cho một đền gần Cảnh Đức Trấn mà các nhà chuyên môn đã xác định được là đồ sứ "xanh trắng" của Tàu chỉ bắt đầu có từ đời nhà Nguyên khoảng năm 1300, khi quân Mông Cổ chiếm lĩnh gần hết Trung Đông đem bột Cobalt mà người Ba Tư dùng để tô màu xanh cho đồ sứ của họ về và nơi sản xuất là Cảnh Đức Trấn. Đồng thời cũng từ đó, những đồ sứ cùng thời lên giá một cách kinh khủng: Christie's ở London tháng 7-05 bán một hũ "xanh trắng" đời Nguyên với cái giá gần 30 triệu đô la Mỹ. Nếu ở Việt Nam tìm được cái bình Chu Đậu tương đương với bình ở Topkapu, chắc giá cũng phải mấy triệu đô vì cái chi hiếm là quí.

Điểm thắc mắc thứ hai: Lò Chu Đậu, lò Bát Tràng, lò nào hoạt động trước hay cùng thời? Theo tác giả, lò Chu Đậu chỉ hoạt động từ thế kỷ thứ 14-17, vậy đồ gốm "với lớp men dày thế kỷ thứ 10" (tương đương với đời Đường, Bắc Tống) và đồ Lý Trần (tương đương với đồ Nam Tống) làm ở lò nào, và trong nước còn giữ được không? Điểm này rất quan trọng vì trong các Viện Bảo tàng Âu Mỹ tôi không thấy. Những "chân đèn cao 70-80cm còn giữ được ở đâu vì nếu có đề năm tháng; tên người làm thì nó cũng quan trọng như cái bình ở Istanbul để truy cứu các đồ khác cùng thời. Khi lò Chu Đậu hết hoạt động, đa số các nhà sản xuất đồ gốm đều di cư về Bát Tràng hay chỉ có một chi họ Vương? Theo tác giả, khi vua Lý thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010, một số người làm đồ gốm ở Thanh Hóa theo vua lập ra làng Bát Tràng. Tác giả lấy chứng cớ nào? Vì Hoa Lư ở Ninh Bình và quê của nhà Lý ở Bắc Ninh, người Thanh Hóa vì lí do gì mà bỏ làng bỏ xứ ra lập nghiệp ở Bát Tràng? Còn một điểm vô lý nữa là đồ gốm Thanh hoá chỉ có từ thế kỷ thứ 12-13, mà Vua Lý Thái Tổ dời đô từ đầu thế kỷ thứ 11, lúc đó người Thanh Hoá đâu đã biết làm đồ gốm, hơn nữa đồ gốm Bát Tràng không giống chi đồ gốm Thanh Hoá cả.

Điểm thắc mắc thứ ba: Theo ông Vương Hồng Sển trong tập 4 Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa ấn phẩm đầu tiên in năm 1971 (trang 222) mà may mắn tôi được một người trong gia đình ông tặng toàn bộ (6 cuốn), những đồ gốm đào được ở vùng Thanh Hóa khi làm con đường sắt xuyên Đông Dương là do những người Nam Tống bất khuất nhà Nguyên chạy sang Đại Việt tới vùng Thanh Hoá làm. Như vậy, theo ông Vương Hồng Sển, đồ gốm Thanh Hóa là đồ của người Tàu làm. Tôi thấy có rất nhiều sự kiện phù hợp với ý kiến ông Vương Hồng Sển:

  1. Các nhà khảo cổ trường Viễn Đông Bác Cổ không phân biệt nổi đồ men ngọc tìm được ở Thanh Hóa và đồ men ngọc Nam Tống. Ở Hotel Drouot Paris, chỗ hay bán đấu giá đồ gốm cổ Trung Quốc mà tôi mỗi khi rảnh thường tới xem, đồ "Tanhoa" (Thanh hoá) bao giờ cũng được các nhà chuyên môn xếp loại là đồ Song (Tống) và có vài đồ ngay các nhà chuyên môn cũng không phân định nổi là đồ làm ở Thanh Hóa hay đồ Nam Tống.

  2. Ông Vương Hồng Sển kể trước năm 1954, một nhà buôn đồ cổ Pháp, ông Passignat, ở đưởng Catinat (Đồng Khởi) có tâm sự với ông là khi làm đường hoả xa tới Thanh Hóa, đồ gốmTống đào được trong lăng mộ cổ của Tàu, dân phu lấy lên nhiều quá không biết làm gì cho hết, bát đĩa, chén màu xanh màu vàng, hũ đựng cốt... cái nào nứt đều bỏ, cái lành lặn bán cho cha ông ấy, nếu thật tốt 5 xu! Sự tình cờ là tôi hay la cà tới khu bán đồ cổ Village Suisse gần tháp Effel, lại vào đúng tiệm bán đồ cổ Á Đông của con ông ấy. Hồi đó là khoảng năm 1990, đồ Thanh Hóa trong tiệm còn nhiều; sau ông ấy mất, những đồ ấy chắc mang bán đấu giá. Ông Vương Hồng Sển cũng kể thêm một chuyện nữa là khi đó Bá tước Didelot, kỹ sư tốt nghiệp trường Bách Khoa, giữ trọng trách làm đường xe lửa được "biếu" rất nhiều đồ men ngọc Thanh Hóa. Cũng là một sự tình cờ nữa là bà cụ nhạc tôi khi còn sinh tiền lại quen bà Didelot, chị bà Nam Phương Hoàng Hậu, đến nhà bà ta ở Paris quận 16, thấy còn rất nhiều đồ gốm cổ.

  3. Cũng theo ông Vương Hồng Sển (trang 228 Tập 4) khi nhà Minh thắng, thợ Tàu trở về xứ, có lẽ vì giấu nghề không chỉ dẫn dân Việt làm đồ céladon nên từ năm 1368 không thấy sản xuất đồ men ngọc ở vùng Thanh Hoá nữa.
Những điểm tôi không đồng ý với tác giả Bùi Ngọc Tuấn:

1. Về kỹ thuật:

  1. Đồ gốm Tàu không có dấu "con kê" . Phải phân biệt 2 loại đồ gốm: Đồ "cao cấp" để riêng từng hộp khuôn (casette) một rồi mới chồng lên nhau. Đồ thường như chén bát bình dân để từng chồng mỗi cái cách nhau bằng 3 hay 6 cục đất sét nhỏ (pernettes), khi lấy đồ ra khỏi lò thì cậy ra. Như vậy là họ cũng dùng "kê" và chắc "kê" Việt Nam cũng giống như vậy.

  2. Đồ men ngọc của Tàu cũng như đồ sứ Tàu pha bột đá thành cứng hơn: Thật ra cứng là vì nung độ cao tới trên 1000 độ khiến men thành thủy tinh hợp thể với thân đồ và những vết rạn là do co giãn khác nhau giữa men và thân đồ. Cái mà tác giả gọi là bột đá có thể là bạch đôn tử, một thứ kaolin làm giảm nhiêt độ chịu đựng khi nung nên đồ sứ có thể chịu đựng đến 1350 độ, trở lên rất cứng, gõ có tiếng ngân. Đồng thời những hình vẽ trước khi nung bằng bột cobalt Hồi thấm vào kaolin không nhoè nhoẹt, lại được phủ dưới lớp men đã biến thành thủy tinh nên không bao giờ phai. Nên nhớ là đồ sành (grès) đời Đường, Tống độ nung đã lên tới 1280 độ; đồ sứ Việt Nam và ngay cả đồ gốm Âu Châu tới thế kỷ thứ 18 (faience) cũng không bao giờ đạt được tới độ cao như thế cả. Tôi cũng phải nói thêm là tác giả có vẻ cho Hồi và Ả Rập là một trong khi trên thế giới người theo đạo Hồi trên 1 tỷ, người Ả Rập theo đạo Hồi chưa tới 100 triệu. Những nước có truyền thống làm đồ gốm là Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các vua chúa ngày xưa ưa chuộng đồ sứ Trung Hoa có đặt hàng nhiều nên còn lại nhiều, ngày nay mới có thể để trong những viện bảo tàng ở thủ đô của họ ở Téhéran và Istanbul, chứ không phải là ở những nước Ả Rập, vì một lí do rất giản dị là hồi đó người Ả Rập chưa có nước, đất Ả Rập bị đô hộ bởi Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman).
2. Tác giả quá chủ quan về vị thế đồ Chu Đậu trên quốc tế so sánh với đồ Trung Hoa:

  1. "Vượt xa đồ nhà Minh" "không kém gì đồ gốm men lam của nhà Thanh" : Trước hết, đồ sứ "xanh trắng" đời Minh đối với các nhà sưu tầm quốc tế là tuyệt đỉnh, nhất là những đồ niên đại Thuận Đức (1426-1435) và Thành Hóa (1465-1487). Nhà Thanh chỉ đồ "xanh trắng" Khang Hi là có tiếng, nhưng kém xa đời Minh. Trên thị trường quốc tế ở Drouot tháng 11-05 vừa bán một bình đầu thời Minh hơn 5 triệu rưỡi đô la. Đồ Khang Hi nhiều lắm là 100 ngàn đô la. Nhà Thanh chỉ nổi tiếng về đồ đa sắc Khang Hi loại xanh "famille verte". Đồ gốm Việt Nam gọi chung là đồ "Tanhoa", khi bán đấu giá ít khi đạt được tới 1000 đô la vì hoạ hoằn lắm mới có những bình to hay đĩa lớn đem bán. Ở các bảo tàng Âu Châu, đồ gốm Việt Nam chỉ lèo tèo vài cái bình, lư hương Bát Tràng và chỉ thấy ở Viện Bảo tàng Á Đông Guimet ở Paris, British Museum, Victoria and Albert Museum ở London, National Museum ở Tokyo. Ở Paris, 2 viện bảo tàng Guimet và Cernuschi, ở London Viện David Percival Foundation đều dành riêng cho đồ sứ Tàu. Ở Đài Loan, Viện Bảo tàng Đài Bắc chứa đựng 300 ngàn món đồ sứ Tưởng Giới Thạch lấy đem từ lục địa Trung Hoa, khiến ở lục địa không còn đồ sứ cổ (một phần khác bị đập bỏ trong Cách mạng Văn Hóa và/hoặc bị tẩu tán ra nước ngoài). Đi thăm các bảo tàng ở Bắc Kinh, Thượng Hải chỉ thấy lơ thơ vài trăm chiếc, không bằng 1 phần 10 ở một viện bảo tàng Paris hay London. Cũng nên biết thêm là đồ gốm Tàu đời Đường đời Tống như đồ Định Châu, Quân Châu, Từ châu còn đắt giá hơn đồ Minh Thanh nhiều.

  2. Có điều lầm lẫn nữa là nói “trà đạo chỉ mới xuất hiện ở Nhật Bản từ thế kỷ thứ 16... vào thời kỳ đó họ chưa biết làm đồ gốm... các tổ sư trà đạo Nhật rất quí chuộng đồ Chu Đậu hơn đồ Trung hoa và Đại hàn…”: Trà đạo bắt đầu khi nhà sư Nhật Eisai sang thăm Trung Quốc năm 1191. Sau đó các nhà sư Nhật qua học thiền trên núi Tianmu (thiên mẫu?) ở Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang và dùng chén Kiến làm ở tỉnh Phúc Kiến để uống trà (trà Phúc Kiến). Khi trở về Nhật, những nhà sư đó đem chén theo và gọi chung nó là Temmoku, tên Nhật của núi Tianmu. Từ đó, chén Kiến thành nổi tiếng, được người Nhật sưu tầm với bất cứ giá nào. Ở Âu Mỹ, các nhà sưu tầm cũng rất thích và tranh nhau đấu giá, làm giá lên tới tột đỉnh. Tuyệt nhiên tôi chưa thấy trên thị trường đấu giá chén trà Chu Đậu. Có thể là cách uống trà từ thế kỷ thứ 16 được phổ biến trong dân gian chứ không phải "Trà Đạo" đã có từ trước với các nhà sư Nhật và trong giới Võ sĩ Đạo. Chén Chu Đậu vì rẻ hơn chén Kiến nên được nhập cảng nhiều, nhưng khi qua thăm các viện Bảo tàng Nhật, tôi không thấy trưng bày chén trà Việt Nam nào cả. Ðiều này chứng tỏ chén trà Chu Đậu chỉ được dùng trong dân gian.
Người Nhật biết làm đồ gốm từ thời thượng cổ. Từ thế kỷ thứ 8 ở kinh đô Nara, bắt chước Tàu đời Đường, người Nhật đã biết làm đồ gốm Tam sắc. Thế kỷ thứ 17- 18, Âu Châu ưa chuộng đồ sứ Nhật đến nỗi các lò gốm nổi tiếng như Delf, Meissen, Saint Cloud đều bắt chước kiểu. Các nhà quyền quí đua nhau đặt đồ Nhật vì thẩm mỹ Nhật hợp với người Âu hơn Tàu. Có thể nói, vua chúa Việt Nam đặt đồ Tàu khi đi sứ, quyền quí Âu tây đặt đồ Tàu đồ Nhật qua các thương điếm như Compagnie des Indes, dân gian và quyền quí Nam Dương, Phi luật Tân lại thích đặt đồ Đại Việt qua các đại lý Phố Hiến, Hội An.

Tác giả căn cứ vào đâu khi nói "... cứ xem những món đồ Chu Đậu trong các viện bảo tàng ở Âu Châu, trong các bộ sưu tập lừng danh..."? Tôi đã đi thăm hầu hết những gian trưng bày đồ sứ Á Đông ở những Bảo tàng lớn Âu châu và đọc rất nhiều sách báo chuyên đồ gốm nói về những bộ sưu tập tư nhân danh tiếng, đồ sứ Việt Nam ít được nói đến và số được trưng bày rất hiếm hoi. Được trưng bày nhiều hơn là ở các viện bảo tàng Đông Nam Á như National Museum ở Tokyo, Viện Bảo Tàng Pusat ở Djakarta có trưng bày những hũ lớn quá 30cm bề cao và đĩa "xanh trắng" tới hơn 40cm đường kính gọi là đồ sứ Đại Việt, chứng tỏ đồ Việt phần nhiều được xuất cảng qua những nước này. Theo bà Hélène Fromentin, Công cán Bảo Tàng Guimet chuyên về Việt Nam, những đồ sứ đó được xếp loại là thuộc thời Đại Việt đi từ thế kỷ thứ 14 đến thế kỷ thứ 17. Như vậy là đồng thời với Chu Đậu, nhưng không biết có phải đồ Chu Đậu không?

Tác giả Bùi Ngọc Tuấn cũng đoan quyết là dân tộc Việt với nền văn minh còn trước người Trung Hoa từ 10 ngàn năm nay vẫn ở Bắc Việt và Bắc Trung Việt. Lãnh vực này đi quá sự hiểu biết của tôi và đi ra ngoài phạm vi đồ sứ nhiều quá, tôi không dám đi sâu, nhưng tôi chỉ xin đưa ra một vài nhận xét: Đa số các học giả đều đồng ý là nguồn gốc tộc Trung Hoa chỉ ở lưu vực sông Hoàng Hà và từ lưu vực sông Dương Tử xuống phía Nam là của nhiều thị tộc Bách Việt, trong đó có Việt Nam. Cách đây 10000 năm, thị tộc này mang máu Polynêsiên nhiều hơn, có nền văn minh cao hơn các thị tộc Bách việt khác, nên ngoài phần đất Bắc và Trung Việt bây giờ, còn tiến lên chiếm hữu một phần phía Nam sông Dương Tử. Sau này tộc Trung Hoa mạnh, lấn át và Hán hoá dần các tộc Việt khác. Hán hoá không phải đồng hoá, vì số dân Tộc Hoa ít hơn số dân Tộc Việt, chứng cớ là người Hoa miền Nam cho tới bây giờ vẫn khác người Hoa Bắc Kinh cả về tiếng nói lẫn hình dạng không kể lối sống. Tộc Việt Nam tuy phải bỏ đất Hoa Nam nhưng vẫn giữ được phần đất cốt lõi và đặc tính của mình. Bởi vậy có thể nói Tộc Việt Nam không hẳn từ Hoa Nam xuống nhưng cũng có thể lên Hoa Nam rồi lại phải trở về. Khi thăm Viện Bảo tàng Quốc gia Nhật ở Tokyo, tôi có thấy các trống đồng tìm thấy ở Hoa Nam giống trống đồng Đông Sơn. Ai sưu tầm đồ sứ cổ Trung Hoa đều biết tiếng đồ Việt diêu (chỉ thấy ở những viện bảo tàng danh tiếng) làm ở đất Ngô Việt (đất của Việt Vương Câu Tiễn) vùng Chiết giang nước Tàu từ thế kỷ thứ 3. Đồ Việt diêu là thủy tổ của đồ men ngọc Bắc Tống. Khi nhà Tống dời đô về Hàng Châu, thợ Tống trở lại Chiết giang đặt lò ở Long Tuyền Trấn, làm đồ men ngọc Nam Tống, gọi là Long tuyền diêu. Đồ Việt diêu có dáng dấp đồ sành cổ Việt Nam, không biết đó có phải là một bằng chứng "có bà con" với tộc Việt ở Chiết giang cũng như những đồ kiến làm ở Phúc Kiến đất Mân Việt xưa có dáng dấp đồ Lý của mình không?

Sau hết, tôi xin giới thiệu mấy cuốn sách "gối đầu giường" của những người muốn hiểu biết về đồ sứ cổ Trung Hoa và Viễn Đông (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Cao ly):

  1. La Céramique Song của bà Mary Tragear, Quản đốc phần Nghệ thuật Viễn Đông, Ashmolean Museum Oxford. Bản tiếng Pháp in ở Thụy Sĩ.
  2. La Porcelaine Ming của bà Daisy Lion-Goldsmidt, Công cán Bảo tàng Guimet Paris (bà này quen biết ông Vương Hồng Sển). Bản tiếng Pháp in tại Ý.
  3. La Céramique d' Extrême-Orient của John Ayers, Quản đốc phầnNnghệ thuật Viễn Đông, Victoria and Albert Museum London. Bản tiếng Pháp in tại Ý.

© 2006 talawas