© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
22.10.2002
Nora Taylor, Natalia Kraevskaia, Nguyá»…n NhÆ° Huy
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Nora Taylor: Xin cảm ơn chị đã chia sẻ, Veronika. Tôi đồng ý với chị. Tôi không ngụ ý rằng nghệ sĩ bám theo cái nhãn mác nghệ thuật "du lịch" bởi họ tạo ra những sản phẩm xoàng xĩnh, hay bởi họ chiều theo nhu cầu thị trường. Dĩ nhiên nghệ sĩ thì cũng phải kiếm sống và tôi không bao giờ đánh giá rằng những người khá giả từ công việc nghệ thuật thì tinh thần đạo đức hay nghề nghiệp của họ lại thấp kém hơn những người làm nghệ thuật không vì mục đích tiền bạc. Ở Việt Nam, có một số vấn đề nảy sinh từ những đồng tiền của nước ngoài chảy vào thị trường nội địa, nhưng theo tôi điều này cho thấy uy tín của các hoạ sĩ và thị trường nghệ thuật trong nước đã có thành công. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc cộng đồng quốc tế, khi bàn luận về nghệ thuật Việt Nam lại nói đến hai chữ "Việt Nam" đầu tiên chứ không phải là những điều cá nhân hơn về bản thân các nghệ sĩ. Chị nhận định đúng rằng văn hoá dân tộc là rất quan trọng, nhưng thực sự là có vấn đề nếu những nhà phê bình mỹ thuật hay những nhà sưu tập nói đến mỹ thuật Việt Nam chỉ đơn giản vì nó là của Việt Nam. Bản thân tôi không hề muốn những tác phẩm, những công trình nghiên cứu hay thậm chí cá nhân tôi bị bó hẹp trong tính dân tộc của mình nên tôi hình dung rằng những hoạ sĩ Việt Nam cũng nghĩ như vậy.
(22.10.02)

Natalie Kraevskaia: Thứ nhất, nếu chúng ta lấy Documenta làm cơ sở so sánh, thì liệu có nhiều nghệ sĩ Việt Nam, hay liệu có nghệ sĩ Việt Nam nào có tác phẩm có tầm cỡ Documenta không? Tôi nghĩ Nora nói đúng: việc nuối kéo các ý tưởng về chủng tộc và dân tộc kìm hãm tính sáng tạo của họ. Thứ nghệ thuật trong những cuộc trưng bày như Documenta phần lớn đả động đến những ý tưởng và khái niệm có tính toàn cầu, và những vấn đề địa phương, nếu có, được đặt trong mối liên quan đến bối cảnh toàn cầu nên hấp dẫn được công chúng trên khắp thế giới. Trong nghệ thuật đương đại Việt Nam, khái niệm về tính dân tộc và về cái đẹp lan tràn và bó hẹp tầm nhìn của người nghệ sĩ.
Câu hỏi Veronika đưa ra về giá trị quốc tế của nghệ thuật rất phức tạp, nhưng như chính chị đã nói, có vài yếu tố: văn hoá, cá nhân - không chỉ dân tộc.

Thứ hai, tại sao ta đưa ra câu hỏi "chúng ta có thực sự có những cá nhân xuất hiện trên giới nghệ thuật quốc tế không"? Có, chúng ta có một vài cá nhân như vậy. Nhưng ai ở Việt Nam biết đến họ và ai thèm quan tâm? Vài người bạn ít ỏi trong đám nghệ sĩ ư? Thành công của họ bị ỉm đi, không được báo chí nhắc đến, không được đề thưởng. Sự có mặt của họ trong số những sự kiện nghệ thuật quan trọng không được cảm kích, bởi cả cộng đồng nghệ thuật (nói chung) lẫn bộ máy hành chính của nền nghệ thuật đều không đánh giá được tầm cỡ của những cuộc triển lãm. Đối với phần lớn nghệ sĩ và cán bộ Bộ Văn hoá, Documenta hay các cuộc trưng bày nhỏ của các phòng trà Paris đều gần như nhau vì đều là "ngoại quốc" cả.

Thứ ba, kể cả khi có những nghệ sĩ được mời đến những cuộc triển lãm lớn của châu Á, tại sao sau đó chỉ có một số ít xuất hiện trên cộng đồng quốc tế. Chúng ta có thể nhắc lại kết luận của Nora ở đây. Ai trong số họ bước qua được ngưỡng cửa dân tộc? Tôi chỉ có thể đưa ra tên 2 - 3 người đã không đào bới cái "chất Việt Nam" của họ và không xây dựng sự nghiệp của mình trên những chủ đề mang tính dân tộc.

Thứ tư, những người bảo trợ quốc tế thì sao, ít ai trong số họ đến Việt Nam để tìm tài năng địa phương. Nền nghệ thuật Việt Nam đã mang tiếng xấu là chỉ biết làm tiền nên chắc là họ đã định trước là sẽ không thể tìm được gì hay và mới ở đây.
(22.10.02)

Nguyễn Như Huy: Ðể khỏi mất thời gian, tôi xin đi ngay vào vấn đề.Là một họa sỹ hiện vẫn đang làm việc, tôi có vài nhận định chủ quan thế này:
Theo tôi, cái thiếu của mỹ thuật Việt Nam hiện nay chính là việc nó không được nhìn nhận và thao tác bằng ngôn ngữ của chính nó. Có thể nói rằng việc làm mỹ thuật bằng ngôn ngữ của mỹ thuật cũng như việc thưởng thức mỹ thuật bằng chính ngôn ngữ của nó là một điều tối quan trọng với cả nghệ sỹ lẫn công chúng. Nghệ sỹ cần hiểu rõ cái ngôn ngữ mà mình đang thao tác để có thể không phí phạm vật liệu hay cảm xúc mà vẫn nói được điều muốn nói một cách đơn giản nhất. Công chúng cần hiểu được ngôn ngữ của cái mà họ thưởng thức để có thể nhận được thông tin mà tác phẩm (dưới bất cứ hình thức gì) muốn nói.
Sự cách tân của loại hình nghệ thuật nào đó, tất yếu phải là sự cách tân về ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật đó. Và tương tự, sự thụt lùi của loại hình nghệ thuật nào đó, cũng tất yếu là do sự lạc hậu về ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật đó. Chẳng khác gì một người nông dân phải hiểu về thời tiết, mùa màng hoặc con trâu hay cái cầy của mình, người nghệ sỹ cũng phải hiểu phương tiện, đối tượng mà mình thao tác y như vậy. (tôi xin lỗi những ai không muốn lấy cái thí dụ về nông dân này để so sánh với nghệ sỹ, đây chỉ là sự tình cờ).

Sự thao tác (làm và thưởng thức) mỹ thuật không bằng ngôn ngữ của chính nó tạo ra một môi trường mỹ thuật không chuyên nghiệp và tạo ra những giá trị giả, những vấn đề giả và tất yếu sẽ dẫn đến những giải pháp giả.
Chỉ có một cái nhìn vào bên trong, cái nhìn vào sự phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật mới giúp các nghệ sỹ tìm ra giải pháp để thúc đẩy nghệ thuật của mình và giúp các nhà phê bình hay công chúng nhận diện đúng được cái đối tượng hay vấn đề mà họ muốn tìm hiểu.

Tôi có cảm giác rằng - qua mấy bài viết của các anh chị phê bình trong bàn tròn này - qua những thất vọng và hy vọng của các anh chị - vấn đề cốt tử của mỹ thuật Việt Nam hiện nay vẫn chưa được chạm tới.
(22.10.02)

© Talawas 2002
Bản dịch