© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
26.10.2002
Đo Mai Trang, Kaomi Izu
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Ðào Mai Trang: Thưa các anh chị,
Thật tiếc vì tôi không có thời gian theo dõi và tham gia ngay từ đầu diễn đàn của chúng ta. Tất cả các ý kiến mà tôi đọc đều có sự chính xác nhất định khi đề cập đến tình trạng hiện thời và có thể là một tương lai giả định cho vị thế của mỹ thuật đương đại VN trong tương quan quốc tế. Tuy thế, khi chúng ta đang nói đến chất Việt Nam (Vietnameseness) thì có bao nhiêu người trong số chúng ta trò chuyện đây có thể cảm nhận đầy đủ cái "chất" này, đầy đủ những cảm giác tế vi về nó- những cảm giác không thể phát biểu được thành lời? Có ai trong số chúng ta có thể trả lời rành rọt rằng: ta biết hoạ sĩ đương đại VN đang sáng tác giữa một thế giới sống như thế nào không? Rằng: thế giới người thưởng ngoạn nghệ thuật bủa quanh họ là như thế nào không? Rằng: ta có thể cảm thấy được một điều cốt lõi: khái niệm "ăn no, mặc ấm" vẫn bủa vây lấy cái vô thức của nghệ sĩ thuộc mọi lứa tuổi nên việc sáng tạo phi lợi nhuận là chuyện khó khăn nhường nào không? Rằng: ta có thể chạm đến cái mặc cảm tự ti của một nghệ sĩ trẻ Việt Nam nói tiếng Anh hoặc Pháp đều bập bẹ khi đứng trước biển thế giới nghệ thuật mênh mông, không biết chạm tay vào đâu, dừng mắt chỗ nào, đối đãi ra sao?... Việt Nam là một dân tộc nhược tiểu nên luôn phải sống sao cho uyển chuyển để khỏi bị người ngoài chèn ép nặng nề đến mức tận diệt. Khía cạnh bản chất này hiện là một áp lực cho người VN nói chung mà các nghệ sĩ đương đại VN không phải là ngoại lệ, khi Việt Nam tham gia bang giao quốc tế. Ðáng tiếc thay, trong nghệ thuật đương đại giờ đây, không có sự chèn ép theo kiểu vật chất như trên mà thay thế vào đó là sự chèn ép về tâm lý gây ra bởi những thành kiến, những cách biệt thông tin và tư duy. Tuy nhiên, điều cốt lõi là ta không thể biết đến bao giờ thì áp lực kia mới dần phai nhoà và chết hẳn trong tâm thức rồi vô thức của người Việt Nam… Ðó hẳn là khi mà người nghệ sĩ VN đi ra khỏi biên giới đất nước vẫn cảm thấy thoải mái, tự nhiên; tiếp xúc với người nước ngoài cũng đầy tự nhiên, tự tin và thoải mái. Ðó hẳn là khi trở lại nhà sau những chuyến đi, người nghệ sĩ không còn thấy gương mặt mình "hơi vênh vang' tí chút vì vừa được đi Tây. Ðó là khi người nghệ sĩ có thể diễn giải một cách mạch lạc bằng lời những suy tư, ý tưởng, mong muốn, khởi nguồn, ... của mình được chứa đựng trong sáng tác. Ðể đến được lúc ấy một cách nhanh chóng hơn, thế hệ nghệ sĩ đương đại Việt Nam hôm nay phải chuẩn bị quá nhiều thứ mà hai hành trang cốt lõi là tinh thần chủ động và tự chủ trước đời sống và sự phát triển của nghệ thuật - hai hành trang này, xin hỏi các anh, chị: nghệ sĩ Việt Nam hiện có được bao lăm?
(26.10.2002)

Kaomi Izu: Tôi thực sự ngạc nhiên trước phản ứng của chị Veronika. Tôi không hiểu lý do gì đã khiến chị mất bình tĩnh đến vậy. Chẳng lẽ chị không hiểu, tôi đề cập đến Philip Morris, đơn giản, chỉ như một ví dụ nhằm làm sáng tỏ cho ý "Thứ hai..." trong ý kiến của tôi sao ? Giải thưởng này có được coi trọng hay không cũng chẳng quan trọng. Chính yếu là vấn đề: có hay không "cửa ải" được xác lập bởi hội đồng nghệ thuật quốc gia-cho cái gì đi qua, cái gì ở lại- và, có hay không tâm lý không tin là có thể vượt qua "cửa ải" đó nơi khá đông họa sĩ ? Theo chị, không có chăng? Như vậy, ý "Thứ hai..." trong phát biểu của chị Natalia ngày 22.10 cũng không đúng chăng ?

Ðúng. Tôi không cần phải giải thích cho ai "bóng đèn điện hoạt động như thế nào...". Nhưng nhân đây, tôi cũng xin lưu ý chị, chúng ta, những người nước ngoài nói chung: bóng đèn điện, cho dù được thắp sáng cỡ nào, cũng không giúp được gì cho người không tự nhìn thấy bằng đôi mắt của mình! Những kiến thức mà chúng ta may mắn có được, từ học vấn, từ sách vở...,như những bóng đèn điện mang theo, không chắc đã giúp chúng ta nhìn thấy rõ ràng hơn thực chất đời sống mỹ thuật Việt Nam đâu. Nhiều năm theo dõi, tôi thực sự nghi ngờ khả năng "phát hiện" của các curators nước ngoài. Không hẳn lôi kéo được vài họa sĩ chạy theo làm installation, performance...là đã có khả năng phát hiện! Họa sĩ Võ Ðình, người Việt Nam đang sinh sống ở Mỹ, không phải không có cớ khi nói: "làm như một vài nhà buôn hay ứng sinh tiến sĩ biết ta hơn chính ta" (Bài Võ Ðình trả lời phỏng vấn của Phạm Thị Hoài trên diễn đàn Talawas)...

Trở lại với vấn đề chung đang được bàn luận. Theo tôi, chỉ nhìn thấy mỹ thuật Việt Nam ở bề mặt chất liệu -những hình ảnh "có vẻ Việt Nam"- là sự thiển cận của người nước ngoài. Nghệ sĩ Việt Nam sáng tác, chỉ dựa vào sự cách điệu, sắp xếp những hình ảnh, những mô-típ "có vẻ Việt Nam" như thế, thì chỉ hoặc là bởi ấu trĩ, ngộ nhận, hoặc là bởi cơ hội. "Có vẻ Việt Nam" chưa chắc đã có "Việt Nam tính". Những cố gắng của chị Nora chỉ có ý nghĩa khi chống lại những cái "có vẻ Việt Nam", nhưng, khi đặt vấn đề phủ định "tính dân tộc" thì chị đã sai lầm. Với chị Veronika cũng vậy. Ðặt vấn đề "cái gốc"(trong ý kiến ngày 20/10), nhưng khi không phân biệt cái "có vẻ dân tộc" với "tính dân tộc", chính chị sẽ rơi vào tình trạng nhập nhằng. Giới cán bộ mỹ thuật và không ít họa sĩ Việt Nam, cho đến nay, vẫn loay hoay trong sự nhập nhằng như vậy. Chính sự nhập nhằng này cản trở sự sáng tạo chứ không phải vấn đề "dân tộc tính" hay "Việt Nam tính"...Ðến đây, tôi cho ý kiến của họa sĩ Như Huy là xác đáng. Ðúng là ở Việt Nam, mỹ thuật vẫn bị xem là phương tiện của cái khác. Ðúng là ở Việt Nam, "việc làm mỹ thuật bằng ngôn ngữ của mỹ thuật cũng như việc thưởng thức mỹ thuật bằng ngôn ngữ của nó" còn chưa được xem trọng. Nghệ thuật, phần lớn, "chỉ là những cái giả hình". Nghệ sĩ, phần lớn, "không biết mình là ai"v.v... Khi chúng ta chưa lý giải vấn đề này từ nguồn gốc văn hóa xã hội của nó, chúng ta sẽ không thể có được thước đo chung để bàn về giá trị quốc gia hay quốc tế của mỹ thuật Việt Nam. Tôi đồng ý với Như Huy, chúng ta vẫn chưa chạm tới vấn đề cốt tử của mỹ thuật Việt Nam hiện nay.
(26.10.2002)

© Talawas 2002
Bản dịch